Hồi ba mươi mốt: Diệp Lâm cửu lão
Từ Khuê Văn gia trang đến Diệp Lâm mất tầm sáu ngày đường trên ngựa, và để tránh thu hút chú ý của quan quân triều đình, ba người lần theo thương lộ hướng về Tân Gia, đi nhờ xe thương nhân rồi lặng lẽ rời đoàn khi đã vào địa phận Diệp Lâm. Diệp Lâm là miền rừng núi, không khác Liêm Sơn là bao, nhưng vẫn là nơi khó ai dám vào. Hỏi đường lữ khách và thương nhân từng băng qua vùng này đều chỉ có một câu trả lời: "Men theo đường cái, chớ rẽ vào rừng". Ở đây không hiểm trở bằng Liêm Sơn nhưng rừng rậm trập trùng cũng giấu khá nhiều hiểm nguy, và với người sinh ra trong chốn giang hồ như Trường San kiếm sĩ, nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất.
Giữa những vạt rừng rậm rạp san sát của Diệp Lâm ẩn một hội quán giang hồ có thể gọi là chi phối cả vùng phía nam này. Đến cả Nam Hải long vương— một chúa giang hồ thống lĩnh phần biển bao bọc miền nam biên giới Tân Gia và Hoa Nữ quốc— cũng dăm phần dè chừng họ. Hội quán Diệp Lâm nhỏ bé nhưng quyền lực trong chốn giang hồ, vì dù người của họ không mấy giỏi võ công như mọi nơi khác, họ chuyên về tìm kiếm và mua bán một thứ quý giá: tin tức. Nếu trên thế gian có ai có thể có tin gì về Phan tổng trấn bây giờ, có lẽ là Diệp Lâm hội.
Nguyệt Sinh Liên dẫn hai vị thư sinh luồn lách sau những gốc cây tán lá, thi thoảng dừng để định vị rồi lại tiếp tục. Hai canh giờ qua rồi nhưng họ vẫn ở giữa cánh rừng, đi tới lui như thể vô định, nhưng Nguyệt Sinh Liên trông không lo lắng gì.
- Toàn cây cối, chẳng thấy đường đi. - Khuê Tước tiên sinh nhìn quanh, bình luận - Ngươi chắc là biết đường đó chứ?
- Có một hệ thống định vị chỉ có người của Diệp Lâm hội quán biết. Tại hạ được sinh ra và lớn lên ở đây, đường thì đã nằm lòng. Chỉ có điều... để tránh trường hợp ngoại nhân tìm được cách thâm nhập, họ không trú cố định một nơi. Kể từ hồi trở thành đệ tử Chu Tước đại nhân, mười hai năm rồi, tại hạ chưa hề về đây, ai biết được thân nhân giờ đang ở đâu. - Nguyệt Sinh Liên đáp, ngước lên tìm con chim ưng mình thả đi dò đường - Tại hạ đang tìm đường về phường quán mình quen để xem có ai không.
Chu Tước đại nhân bỗng đứng bất động giữa đường, đưa tay lần trong không trung. Cả hai người kia tò mò và lo lắng dừng lại, quay về xem có chuyện gì.
- Thiên nhãn đại nhân nhà ngươi có bao giờ như vậy không? - Tiên sinh thì thầm hỏi.
- Thưa, không. Đây là lần đầu mới thấy. Bình thường thì ngài chỉ... biết... chứ không dò dẫm như vậy.
Rồi Chu Tước đại nhân chỉ sang một vạt rừng bên trái, chớp mắt vài lần.
- Đằng kia... trông như có một khách lâu.
- À, một trong những phường của Diệp Lâm hội quán, nhưng mà con nói rồi, họ luôn đổi địa điểm, phường quán đó có lẽ đang bỏ hoang... - Nguyệt Sinh Liên nói.
- Có người đấy. Ta thoáng thấy có đứa bé chạy loanh quanh.
- Vậy chúng ta gặp may rồi.
- Phải như thiên nhãn ngài lúc nào cũng hữu dụng thế này thì hay biết mấy... - Khuê Tước tiên sinh bình luận.
Vị học sĩ chỉ cười trừ rồi lắc đầu.
- Ăn may thôi.
Họ mất nửa canh giờ để đến được phường quán đó. Cửa đóng lạnh tanh, không có tiếng động nào. Đứa bé mà Chu Tước đại nhân thấy có lẽ đã lánh vào trốn vì lầu gác có vẻ như đã báo cho mọi người có ngoại nhân đến. Thường thì khi khách đến phường quán muốn mua tin tức thì sẽ có người của Diệp Lâm hội từ trà quán trên đường cái dẫn vào, nhưng ba người này không có Diệp Lâm hội nhân dẫn đường.
Nguyệt Sinh Liên thản nhiên đẩy cửa bước vào. Cửa không khoá. Hai vị thư sinh vào theo, đưa mắt nhìn quanh dè chừng. Đi qua khỏi gian trước, họ đến được một khoảng sân nhỏ bao bọc giữa bốn dãy phòng với tầng cao, nơi có bộ hài cốt kẻ nào bị tên ghìm chặt xuống sàn lát gỗ; mũi tên trên xương y đã gần như mục nát, có lẽ đã lâu lắm rồi. Y vẫn còn nằm ở đó như thể làm gương cho những kẻ ngu ngốc cố tình xâm nhập vào địa phận Diệp Lâm hội bất kể lý do gì. Họ chuyên mua bán tin tức trong giang hồ, nhưng lý do đến cả lãnh chúa nam hải cũng kiêng dè họ là đây: họ là bậc thầy mai phục. Cả Diệp Lâm này là một mê cung, và các phường quán rải rác khắp rừng là bẫy.
Nguyệt Sinh Liên chỉ đứng lại ở giữa sân, tháo bảo kiếm đặt xuống đất, ngước đầu lên tầng. Một nữ nhân trẻ, trông không ngoài nhị tuần, tóc ngăn ngắn, đầu vấn khăn bước ra, đưa mắt nhìn một lượt ba người khách lạ.
- Người dẫn đường của các hạ đâu? - Cô ta hỏi.
- Tại hạ tự dẫn đường vào đây. - Nguyệt Sinh Liên cười đáp.
- Diệp Lâm không phải chốn ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra.
- Tại hạ biết chứ. Trông người hảo hữu nằm dưới này cũng rõ rồi. Nên là tại hạ buông kiếm để tỏ rằng mình đến không có ý gây chiến hay làm hại hội quán đây.
Nữ nhân nheo mắt nhìn thanh bảo kiếm dưới chân Nguyệt Sinh Liên đầy khó hiểu.
- Mấy người đang phục kích trong phòng kia, không bắn ngay sao? - Nguyệt Sinh Liên đưa tay chỉ lên tầng.
- Nói lý do các hạ đến đây đã. - Nữ nhân đáp.
- Đến gặp một trong cửu trưởng lão. Ai cũng được. Phường quán này gần nhất nên đến thôi. Trưởng lão ở đây là ai thế?
- Tại sao không xưng danh trước?
- Tên nào? Kiếp trước hay kiếp này? Bây giờ thì gọi là Nguyệt Sinh Liên, còn trước kia...
- Trước kia?
Nguyệt Sinh Liên quay lại nhìn Chu Tước đại nhân, ngài gật đầu chấp thuận.
- Trường San. Tổ phụ là Trường Độ, nhị đệ của Trường Đán trưởng lão Thất phường. Trên chốn giang hồ mang danh Tử thần vô ảnh kiếm sĩ.
Nữ nhân kia nghe thấy tên thì tái mặt, lắc đầu chối.
- Nói dối!
Nguyệt Sinh Liên chỉ tay xuống thanh bảo kiếm nằm trên đất.
- Tử thần vô ảnh kiếm ngay đây, ngay dưới chân tại hạ đây, không đùa đâu.
Vừa tới đó, một loạt cửa đồng loạt mở, và người người đổ ra các hành lang tò mò xem những kẻ mới đến. Khuê Văn Khổng Tước nắm chặt lấy mộc côn trên tay, chuẩn bị đưa người đồng liêu chạy thoát nếu có chuyện gì xảy ra, nhưng Chu Tước đại nhân đưa tay đặt lên vai người trấn an. Đột nhiên, khoảng sân lại im lìm, và từ một góc tối của các hành lang có người đàn ông trông ngoài thất tuần, râu tóc dài đã bạc như tuyết, tay khoanh sau lưng, nhân dáng đạo mạo đến gần ba người khách. Vừa thấy ông, Nguyệt Sinh Liên chắp tay cúi người thi lễ.
- Trưởng lão gia... - Nữ nhân trẻ trên lầu gọi.
- Mọi người vào trong đi, ở đây để ta.
Ông ra lệnh, và như thế, khoảng sân lại trở nên vắng lặng, chỉ có bốn người và cô gái trẻ tò mò nhìn xuống theo dõi sự tình.
- Lão nghe nói, ngươi tự xưng là Trường San? Tử thần vô ảnh kiếm sĩ Trường San?
- Vâng. - Nguyệt Sinh Liên đáp, đầu vẫn cúi.
- Ngươi trông như người của giang hồ, ắt đã biết là mười hai năm trước Trường San kiếm sĩ tuẫn tiết theo Huyền Khôi đại vương sau loạn Liêm Sơn cổ thành. Một thanh kiếm thì khó làm tin lắm.
Ông cúi người nhặt lấy thanh bảo kiếm dưới đất, tuốt khỏi bao. Lưỡi kiếm sắc lẹm như sáng lên dưới tia nắng. Nhìn đường vân kiếm và hàng chữ khắc gần chuôi, ông xác nhận đó thực là Tử thần vô ảnh kiếm, thanh kiếm huyền thoại Diệp Lâm hội quán đã truyền qua biết bao đời anh tài mà ông đã tự tay trao cho đồ nhi mình làm bảo khí đồng hành trên bước đường giang hồ.
- Ngươi nói, Tử thần vô ảnh kiếm sao? Cũng không loại trừ khả năng ngươi tình cờ tìm được nơi Trường San thật yên nghỉ mà lấy bảo kiếm này làm của riêng.
- Thưa, thật may là được tái ngộ lão sư hôm nay. Chính tay lão sư đã dạy con những đường kiếm vỡ lòng thuở nhỏ, hay là con xin mời lão sư tự kiểm chứng?
Nguyệt Sinh Liên ngước lên nhìn ông lão, mỉm cười. Ông không thay đổi sắc mặt, chỉ đưa lại kiếm cho kẻ tiểu bối kia rồi rút ra thanh ông giấu sau lưng. Khuê Văn song tước lùi lại dăm bước để cho hai người kia có không gian tỉ thí. Nguyệt Sinh Liên đón lấy thanh bảo kiếm bằng hai tay, giơ cao cung kính như thể bái sư, rồi cũng tuốt kiếm khỏi bao. Trên tầng kia, những cặp mắt hiếu kỳ lại ló ra.
- Tuổi trẻ đã ở xa quá rồi, xương cốt này không còn như xưa nữa. Nương tay với lão già này nhé. - Ông nói rồi vào thế thủ.
Nguyệt Sinh Liên trong chớp mắt đã áp sát ông lão, lưỡi kiếm trong tay sáng loáng hướng thẳng cổ ông. Ông bước một bước lùi sang vừa đúng lúc rồi vung một đường phản đòn. Cả hai chỉ công, phản rồi chặn nhau một hồi, không ai hơn ai. Chu Tước đại nhân trông bất ngờ ra mặt. Danh là Thiên nhãn thông tuệ nhưng đây là lần đầu tiên ngài được thấy có người ngang hàng với Tử thần vô ảnh kiếm bất bại, thậm chí có phần nhỉnh hơn, hơn nữa lại là một ông già thất tuần. Bỗng nhiên cả hai thanh kiếm lọt vào thế khoá, và lão nhân gia vung tay đẩy Nguyệt Sinh Liên đi, kết thúc cuộc tỉ thí chóng vánh chỉ với một câu: "Thôi, đủ rồi."
Từ trên các tầng nhìn xuống là hàng chục cặp mắt mở to, nửa kinh ngạc nửa khó tin. Cô gái trẻ nọ dướn mình ra ban công, mày chau đầy nghi hoặc.
- Trưởng lão gia... người này...
Ông lão tra kiếm mình vào vỏ rồi quay người đi.
- Trường San đó.
- Nhưng trưởng lão gia... Trường San thiếu chủ chết lâu rồi mà!
- Đó là tin mà lão Trường Đán bán cho giang hồ thôi. Mười hai năm nay không ai nghe đến Trường San kiếm sĩ, không hẳn là y đã chết, nó có thể nghĩa là y không còn ở chốn giang hồ nữa. Trường San ta biết vẫn luôn trượng nghĩa trung thành, nhưng ta không nghĩ nó đến nỗi nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm với người chiến hữu. - Ông lão khoát tay - Đến cả lão sư nó, người đã dạy nó thứ kiếm pháp làm nên tên tuổi nó, nó vừa nãy còn tấn công không chần chừ kia.
Nguyệt Sinh Liên cũng tra kiếm vào bao, chỉ cười trừ, nhưng nét mặt như tối lại khi nhớ về cái ngày đó.
- Thưa lão gia, học trò có thể biết danh tính ngài để tiện đường giao tiếp chăng? - Chu Tước đại nhân chắp tay hỏi.
- Lão phu danh là Nguyễn Phương, trưởng lão của Lục phường. Còn hai vị, lão phu đoán hai vị muốn đến mua tin. Vào đi, rồi chúng ta bàn chuyện.
Nguyễn trưởng lão ngước về phía Khuê Văn nhị sĩ, ra hiệu họ đi theo vào sâu bên trong phường quán. Đằng sau khoảng sân nhỏ là khoảng sân chính, nơi mọi người sống và sinh hoạt. Họ vào một căn phòng khá khuất sau màn thường xuân đổ xuống từ ban công các tầng trên. Đây là thư phòng nơi trưởng lão tiếp khách và trao đổi giao dịch tin tức. Kín bốn bức tường là kệ cao đầy những quyển, những cuộn, ghi chép mọi thứ có thể trong chốn giang hồ. Ông mời những người khách ngồi xuống bàn rồi đến cạnh bếp nhỏ đun ấm nước. Nguyệt Sinh Liên thì như thường lệ, đến góc tường cạnh cửa đứng gác chừng.
- Diệp Lâm xa xôi, khó có trà ngon, xin nhị vị tiên sinh bỏ qua. - Ông nói, chia lá trà khô trong hũ ra từng chén.
- Không sao, có chút gì để nhấp môi sau quãng đường dài là đã tốt lắm rồi. - Chu Tước đại nhân đáp.
- Đừng khách sáo quá, cũng người quen cả mà.
- Thưa, nhưng đây là lần đầu học trò đến đây?
- Đã là người trong giới buôn tin bán tức thì không ai không biết Thiên nhãn Chu Tước của Ngũ anh tài.
- Học trò chỉ ở trong giang hồ được ba năm thôi mà. - Chu Tước đại nhân cười trừ - Chừng một năm sau khi cố hoàng bệ hạ băng hà.
- Vậy đã đủ để được lưu danh trên một trong những phiến đá anh tài ở Bắc thành rồi.
- Đến tận bây giờ học trò mới biết Tiểu Liên lớn lên ở Diệp Lâm này. Trung tâm của giới tin tức trong giang hồ, thật không ngờ mà.
- "Tiểu Liên" à?
- Vâng, Nguyệt Sinh Liên. Học trò đặt cho nó tên ấy khi nhận nó về làm môn sinh trong học viện.
- Đó có lẽ là cái tên mẫu thân nó sẽ đặt cho nếu con bé không qua đời ngay sau sinh nở. Hiên nhi thích hoa sen lắm, nhưng ở Diệp Lâm không có. Phụ thân nó thì đi theo dịch đậu mùa trước khi nó sinh ra, cái tên San là do ngoại tổ phụ đặt. Lão cũng qua đời lâu rồi. Ngoại tổ bá nó Trường Đán thì vẫn đang là trưởng lão Thất phường.
Nguyệt Sinh Liên bỗng ngước đầu lên, hỏi:
- Con có được đến thăm tổ bá không?
- Tuỳ tình hình, nếu lão phu không có thông tin hai người này muốn thì chúng ta sẽ phải nhờ những người khác trong cửu lão. Đừng lo, chuyện con vẫn còn sống không thoát ra ngoài được đâu.
Đến lượt Khuê Tước tiên sinh lên tiếng.
- Tôi và người đồng liêu đây xin được phép thỉnh cầu thẳng: Trưởng lão gia có tin tức gì về Mạc Hà tổng trấn Phan Huy hay không?
- Đừng vội, trà vẫn chưa pha mà. - Nguyễn trưởng lão cười, nhấc ấm nước nóng rót vào các chén - Vị tiên sinh này, chỉ là tò mò thôi, lão phu muốn hỏi tiên sinh một chuyện nhỏ.
- Tôi thì biết được gì để trưởng lão Diệp Lâm hỏi chứ?
- Trường y màu thanh cúc, áo khoác màu huệ đỏ, người ta biết trên giang hồ chỉ có một người ăn mặc thế này thôi. Du lược sư Khuê Văn Khổng Tước, một trong Ngũ anh tài. Tin về là mười hai năm trước ngài đã ở Liêm Sơn, chứng kiến toàn bộ cuộc loạn.
Khuê Tước tiên sinh chỉ ngồi đó, im lặng đợi xem chuyện gì sắp tới.
- Lão phu tò mò muốn hỏi tiên sinh, tiên sinh là một trong những người chứng kiến giờ phút chót của vị thiếu hiệp đó: Có phải Huyền Khôi đại vương thực sự tử trận ở Liêm Sơn? Tin về từ Kinh Xuân là người ta đã thấy hồn ma vị thiếu hiệp với thiết trụ kình thiên ở trước cổng thành mở đường cho quân triều đình. Nhưng hồn ma lãnh chúa giang hồ nào lại tham chiến cho triều đình?
Tiên sinh nhắm mắt, tay nắm chặt mộc côn.
- Tận mắt tôi nhìn thấy. Còn người ở cổng thành Kinh Xuân là học trò tôi, nó tự học được chút côn pháp nhưng bảo là sánh với Huyền Khôi đại vương thì tới mãn kiếp cũng chưa.
- Lão phu cũng nghĩ như thế, thôi thì vậy. Loạn Liêm Sơn qua đã mười hai năm, trong trường hợp hy hữu Huyền Khôi đại vương sống sót Vách Tử Nhân, điều trước giờ chưa từng xảy ra, thì vị thiếu hiệp đó có lẽ cũng không muốn nhắc lại cái ngày ấy. - Nguyễn trưởng lão cười, đưa tay vuốt râu - Được rồi, về thỉnh cầu của các vị... có vẻ như ta cần phải đi gặp các huynh đệ tỷ muội các phường khác. Lục phường không có tin gì từ Mạc Hà, địa phận của phường quán lão phu là tây nam, vùng Duy Tử thành bên hồ Hiểu Yên. Thất phường thì vùng Mạc Hà và Côn Luân.
- Khi nào chúng tôi mới được gặp Thất phường trưởng lão?
- Lão phu sẽ cho người mang tin đi ngay, nhanh thì chiều mai, chậm thì chiều mốt. Trong khoảng thời gian đợi lão Trường Đán tới, các vị có thể nghỉ lại ở khách phòng cạnh thư phòng này. Thiên nhãn Chu Tước đại nhân là ân sư của tiểu tử này, như phụ mẫu nó suốt từng đó năm qua, rồi còn Du lược sư Khổng Tước đại nhân chỉ bằng trí đã bảo vệ được bao nhiêu dân tình, được gặp hai người ở đây hôm nay, lão phu cung kính còn không hết. Xin thứ lỗi cho lũ trẻ có mắt không thấy Thái Sơn. - Nguyễn trưởng lão nói, đoạn giơ tay chắp làm lễ.
- Thái Sơn có bao giờ ra khỏi thư phòng đâu mà thấy. - Khuê Tước tiên sinh nhìn sang người đồng liêu mà đùa - À, còn nữa. Một câu hỏi cuối trước khi chúng tôi lui xuống. Giá của thông tin này là bao nhiêu?
Nguyễn trưởng lão chỉ khoát tay.
- Thông tin về một vị quan mất tích, thường thì chỉ mười tám lượng vàng.
- ...Ngài nghĩ lọn tóc của Sa Liên tôi giữ trong tủ đem đấu giá ở Tây Đô hội quán sẽ được bao nhiêu tiền? - Khuê Tước tiên sinh ghé đầu sang người đồng liêu nói nhỏ.
- Đừng có bán tóc thề của học trò ngài chứ. - Chu Tước đại nhân cười cười.
- Đừng lo, lão phu đùa thôi, cùng lắm thì lão phu xin ngài kể chút chuyện phiêu lưu ngày xưa làm thù lao vậy. - Nguyễn trưởng lão vuốt râu, cười - Dù gì thì Diệp Lâm hội quán cũng nợ các ngài rồi.
- Thôi thì quyết định vậy đi, dù sao thì tôi cũng chẳng có gì đáng giá trên người.
Khuê Tước tiên sinh đón lấy trà nóng uống vội, đặt chén cạn xuống bàn, chắp tay cúi đầu thi lễ rồi đứng lên rời khỏi phòng. Người đồng liêu ngài cũng theo sang khách phòng kế bên sắp xếp chỗ nghỉ, để lại Nguyệt Sinh Liên với vị trưởng lão được phút tái ngộ.
Vị kiếm sĩ đến ngồi bên bàn, đặt thanh bảo kiếm xuống cạnh mình rồi cầm chén trà của Chu Tước đại nhân lên uống hộ. Nguyễn trưởng lão thấy vậy thì cười, bảo rằng Trường San ông biết không thích trà, có khi nào ông đã nhận nhầm kẻ giả danh.
- Trường San ngày xưa lão sư biết đã tái sinh thành sĩ tử rồi. - Nguyệt Sinh Liên đáp - Theo Chu Tước đại nhân, tửu trà dư hậu với người sĩ phu từng đó năm con cũng phải lấy làm quen. Hơn nữa trà trong cung ngon hơn thứ lá cây ở đây nhiều.
- Tiểu tử nhà ngươi chiến đấu cho quân triều đình ở Kinh Xuân phải không?
- Lão sư đừng có hiểu nhầm con. Con không còn ở chốn giang hồ thật nhưng sau rốt vẫn là người giang hồ. Con không ra chiến trường cho triều đình, con ra chiến trường vì đại nhân con.
- Người học trò mà Khổng Tước đại nhân nhắc tới, "hồn ma" mà thiên hạ bảo thấy trên chiến trường, có thật là người đó chăng? Trên đời không có nhiều người thuần thục với thiết trụ kình thiên, đúng hơn là chỉ có một.
Nguyệt Sinh Liên cúi đầu, khẽ gật.
- Con không nghĩ con được nói ra, nhị vị Khuê Văn với con đã thề sẽ mang sự thực xuống mồ cùng để cho y được sống kiếp này chỉ một thư sinh bình thường thôi. Dù là chỉ trên danh nghĩa.
Nguyễn trưởng lão mỉm cười, nhấc chén trà lên nhấp môi.
- Xin Diệp Lâm hội giữ kín chuyện này cho... và cả chuyện của con nữa.
- Ta biết, ta biết. - Nguyễn trưởng lão gật gù vuốt râu - Trang lịch sử cũng đã ghi rồi, người còn sống hay đã chết không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên ta cũng thừa nhận tin này rất bất ngờ, ai mà nghĩ có người sống sót được Vách Tử Nhân, lại còn có thể trở lại chiến trường mà phô diễn tài nghệ? Vị thiếu hiệp đó, may mắn đếm thật không hết.
- Con mới là người may mắn, lão sư à. Còn y sống sót nhưng cũng chẳng lành lặn gì, mười hai năm qua không ngày nào là không trải qua đau đớn. Huyền Khôi đó vẫn một trang anh tài hào kiệt như thiên hạ từng nhớ, nhưng có thể lại cầm được thiết côn trên tay thôi đã là kỳ tích rồi.
Nguyễn trưởng lão gật đầu, đặt chén trà cạn xuống bàn rồi ngả lưng về sau ghế.
- Mười mấy năm qua để kiếm gác bàn thư, tiểu tử ngươi sống tốt chứ? Thân là sĩ tử nhưng cũng không để bọn quan văn võ tướng quý tộc bắt nạt đó chứ?
- Vâng. Chu Tước đại nhân và người trong Đông các đại học viện đối xử với con rất tốt. Còn đám công tử thế gia thì, à... - Nguyệt Sinh Liên cười, đặt tay lên thanh kiếm - Tuốt kiếm ra dọa một lần bọn chúng đã chạy cong đuôi đi mách cảnh vệ Cấm Thành. Cảnh vệ thì cũng không dám làm gì vì chúng khiêu khích trước, và con thì là người của Chu Tước đại nhân, họ sợ vị thế của ngài trong triều lắm.
- Trường San ta biết ngày xưa chê cười văn sĩ yếu ớt, cớ nào nay lại đến bái trước một thư sinh làm ân sư? Có phải Khuê Văn Chu Tước đó có gì đặc biệt lắm không?
- Chu Tước đại nhân nhà con hiền như cây trúc, chẳng có gì đặc biệt. Ngài không biết gì về võ công, chỉ là nhờ Thiên nhãn mà biết đường vung đoản kiếm tự vệ thôi. - Nguyệt Sinh Liên cười - Nhưng mà... năm đó... cái ngày Huyền Khôi bị hành hình... con đã định tuẫn tiết bên mộ y, lấy mạng đền cho lời thất hứa. Lão sư biết con mà, con không phải loại người sẽ nguyện sống chết cùng năm cùng tháng với ai, nhưng con trọng lời hứa câu thề của mình. Con không thể đến bên người chiến hữu kịp lúc, con sẽ lấy mạng mình tạ lỗi. Và... khi con vừa rút kiếm... Chu Tước đại nhân không biết từ đâu xuất hiện mà ngăn tay con lại.
Vị kiếm sĩ ngừng lấy một lát, cầm lên chén trà uống cạn cho trôi cảm xúc.
- Ngài bảo, "Tử thần vô ảnh kiếm không muốn vấy máu chủ nhân mình đâu. Nếu không còn gì để sống tiếp ở kiếp này, chi bằng tái sinh mà làm lại từ đầu kiếp sau? Chịu thì theo ta về Cấm Thành, chúng ta bắt đầu cuộc đời bình yên mới." - Rồi Nguyệt Sinh Liên lại tiếp.
- Lão phu nghĩ mình biết những chi tiết còn lại rồi. Tiểu tử ngươi biến mất không dấu vết khỏi chốn giang hồ, lão Trường Đán đưa tin cháu lão tuẫn tiết theo người chiến hữu, rồi suốt mười hai năm qua nó đã là lịch sử.
- Chốn giang hồ luôn coi thường thư sinh, bảo họ yếu ớt vụng về vô dụng, nhưng mà... lão sư à... nhị vị Khuê Văn có thể gọi là yếu ớt không? Ngày xưa con chê cười văn sĩ, nhưng con có thể còn ở đây là nhờ người văn sĩ đó...
- Và tiểu tử ngươi bây giờ cũng là văn sĩ rồi.
Nguyễn trưởng lão bật cười, và người đồ nhi cũ của ông cũng gật đầu tủm tỉm. Nguyệt Sinh Liên cầm kiếm đứng lên, cúi chào lão sư rồi quay về phía cửa, định về khách phòng cùng với nhị vị tiên sinh, nhưng bỗng nhiên nghe phía trước cửa có tiếng động. Ngỡ là thích khách nên theo thói quen đặt tay lên kiếm thủ thế. Ông lão chỉ thở dài rồi thong dong đến đẩy cửa ra, trông không có lo ngại gì.
- Bọn trẻ con thôi. Đừng lo, thư phòng vách dày, không ai nghe trộm được đâu trừ ta và khách. Chắc chúng tò mò lắm, tự nhiên nghe được có Trường San kiếm sĩ chúng được kể trong truyện đến đây.
- Truyện ạ? - Nguyệt Sinh Liên cười trừ, nhìn quanh đám trẻ vội chạy đi trốn sau những cột trụ.
- Các trưởng bối lớn lên cùng con đó, họ kể những chiến tích của con cho bọn trẻ con. Ở các phường khác thì các trưởng lão cũng kể cho con cháu họ. Trường San kiếm sĩ là niềm tự hào của Diệp Lâm hội quán, không để lưu danh cho đời sau thì uổng quá.
Bỗng Nguyệt Sinh Liên thấy lòng hơi chùn xuống. Ở Liêm Sơn người ta có còn nhớ đến Huyền Khôi như ở Diệp Lâm người ta vẫn nhớ Trường San chăng? Huyền Khôi một tay bảo vệ Á Lan ải trong thời loạn, chỉ cần nhắc đến tên cũng đủ cho sơn tặc lùi bước, nhưng từ ngày y thất trận, mộ gió để mặc sương giăng, có còn bao người nhớ được hình bóng ấy?
Thấy đám trẻ trông có vẻ sợ mình, Nguyệt Sinh Liên mang nụ cười hiền lành đến ngồi bên ghế đá cạnh hành lang, đưa tay vẫy bọn trẻ lại gần. Nguyễn trưởng lão đứng đó bần thần một lúc khi lũ trẻ con từ từ rời khỏi chỗ nấp. Trẻ con Diệp Lâm sinh ra trong giang hồ, luôn thận trọng với người lạ vậy mà chúng lại đến gần vị khách vừa mới đến. Hơn nữa, Tử thần vô ảnh kiếm sĩ, cái danh xưng đó của đồ nhi ông không phải chỉ tôn cho có— Trường San ngày xưa từ nhỏ đã vô tình, chẳng có mấy niềm vui ngoài thanh kiếm và sự hưng phấn giữa cuộc chiến đấu, đến cả ông và các môn đệ cũng hiếm khi được thấy y hồn nhiên như thiếu niên cùng lứa. Cứ như là, Trường San sinh ra để cầm kiếm đoạt mạng người vậy, một tử thần đích thực. Nhưng mười hai năm mất tích rồi trở về, nếu không phải vì đường kiếm chân truyền và thanh bảo kiếm thì ông khó lòng tin được người sĩ tử này từng là học trò tâm đắc nhất của mình. Thấy Nguyệt Sinh Liên hiền lành điềm đạm khác hẳn Trường San ông nhớ, thậm chí đến lũ trẻ con cũng không dè chừng, ông tự hỏi mình Khuê Văn Chu Tước đã làm gì để một tử thần vô cảm ngày xưa nên được một thư sinh hoà nhã như hôm nay.
- Học trò chẳng làm gì cả, chỉ dạy chữ và những luân lý thường tình của nhân sinh thôi.
Giọng nói của Chu Tước đại nhân vọng sang từ bên cạnh làm ông giật mình. Vị học sĩ đưa mắt nhìn học trò mình cười vui với đám trẻ mà không giấu được niềm tự hào.
- Lão phu chỉ nghĩ trong lòng mà Chu Tước đại nhân cũng thấu nhỉ? - Nguyễn trưởng lão đưa tay vuốt râu.
- Học trò chỉ đoán trưởng lão gia sẽ thấy khó tin mà tự hỏi vậy thôi.
- Hà, Chu Tước đại nhân bảo không làm gì nhưng vẫn dạy dỗ tiểu tử này tốt hơn lão phu nhiều. Xưa nay chưa bao giờ lão phu dám nghĩ đứa trẻ sắc lạnh như thanh kiếm nó cầm trên tay lại có thể trở nên hoà nhã như vậy.
- Học trò lại nghĩ đây mới là con người thật của nó. Những năm tháng trong học viện cùng học trò, không phải lo đằng sau luôn có bao kẻ lăm le lấy mạng mình, có lẽ nó thấy không cần phải giữ chiếc mặt nạ tử thần đó nữa thôi.
- Đi đường xa đã mệt mỏi, sao đại nhân không ở trong khách phòng nghỉ ngơi?
- Học trò chỉ tò mò muốn xem Tiểu Liên ở chốn quen thuộc như thế nào.
Cả hai nhìn ra sân, Nguyệt Sinh Liên đang chơi đùa cùng lũ trẻ và những đứa bé trông không hề sợ hãi gì người khách lạ. Rồi chúng đòi được xem diễn kiếm, tò mò vì khi nãy chúng nghe vị kiếm khách này có thể tỉ thí ngang hàng với Nguyễn trưởng lão, một trong số hiếm võ sư ở Diệp Lâm— cũng là một kiếm sĩ khá lẫy lừng khi ông còn trẻ. Nguyệt Sinh Liên nhìn về phía lão sư mình như xin phép, và được ông cho một cái gật chấp thuận. Không muốn phô trương nhiều, Nguyệt Sinh Liên chọn lấy những đường quyền kiếm Diệp Lâm để múa cho bọn trẻ xem, một mặt là diễn tài nghệ, một mặt để vinh danh vị lão sư đang đứng đằng kia dõi theo.
- Tạ ơn ngài rất nhiều, Chu Tước đại nhân. - Được nhìn Nguyệt Sinh Liên thuần thục múa lại những đường kiếm ngày xưa, Nguyễn trưởng lão cúi đầu hoài niệm.
- Lão gia quá lời, học trò đâu có làm gì. - Vị học sĩ đáp.
- Ngài đã cho nó được sống lại lần thứ hai. Cho nó một cuộc đời mới. Cho nó cơ hội được ngày hôm nay.
- Không, thật đấy. Học trò chẳng làm gì hết. Học trò chỉ là không muốn thấy một anh tài bỏ mạng vô ích như vậy, đau thương tiếc hận đến cuối đời đã đủ đền cho lời thất hứa rồi. Với lại... học trò muốn cho nó cơ hội được tái ngộ với người chiến hữu cũ.
Nguyễn trưởng lão gật gù đồng ý.
- Nếu có cơ hội, lão phu mong được gặp vị thiếu hiệp đã nâng chén thề tửu với tiểu tử này. Khuê Văn Khổng Tước đại nhân phủ nhận, nhưng lão phu biết người ấy vẫn còn sống. San nhi làm kiếm sĩ đánh thuê, từng mất biết bao đồng đội trong nghề nhưng nó còn chẳng buồn rót rượu tiễn đưa, vậy mà chỉ một lời thất hứa với người ấy đã đáng cả mạng sống nó để đền. Lão phu chỉ muốn biết Huyền Khôi đại vương là người thế nào mà San nhi lại coi trọng đến vậy.
- Mong rằng trưởng lão gia đừng bán tin này ra khỏi phường quán.
- Hà hà, đại nhân quá lo, lão phu đã hứa với tiểu tử sẽ mang theo xuống mồ rồi. Ngài nên đi nghỉ ngơi sớm để hôm sau còn gặp Thất phường trưởng lão.
- Đa tạ, hôm nay được may mắn diện kiến lệnh lão sư của Tiểu Liên, học trò đã quá vui rồi.
Chu Tước đại nhân chắp tay thi lễ rồi quay đi, giấu vội những ý nghĩ và những kế hoạch trong đầu. Tên thích khách năm xưa đã thành tử sĩ tuy nhiên đầu dây mối nhợ của những âm mưu vẫn chưa đứt. Ván cờ này vẫn còn dài, và để chiếu được tướng, ngài nghĩ mình đành phải dụng đến cả Cửu lão Diệp Lâm cho những con cờ.
- Trường lão gia, Nguyễn lão gia, học trò xin thất kính, dùng phường quán của các ngài như Pháo kỳ vậy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top