Hồi ba mươi lăm: Người huynh đệ
Đường đến Đông cung không một bóng người, trừ dăm mặt cảnh vệ đi tuần. Vì ít người đi lại, Sa Liên và Nguyệt Sinh Liên dễ dàng tới bên tường Đông cung mà không gây chú ý. Các cổng canh gác nghiêm ngặt, và các bờ tường cũng được cảnh vệ thường xuyên tuần qua để phòng thích khách lẻn vào từ góc khuất. Nhưng người đang lẻn vào từ góc khuất không phải thích khách.
Có người chiến hữu giúp, Sa Liên lọt vào bên trong thành công, chỉ gặp chút khó khăn vì thể lực có hạn và tường thì khá cao. Vô tình có cung nhân bắt gặp hai người ở trước thư phòng, định kêu lên báo động, nhưng Nguyệt Sinh Liên kịp thời ngăn lại.
- Đừng có la lên, không phải thích khách đâu. Người quen mà.
- K-không phải thích khách?
Nguyệt Sinh Liên thả cậu cung nhân trẻ ra, ra dấu về phía Sa Liên đang đứng đằng sau mình.
- Ta đến thăm điện hạ. - Sa Liên lên tiếng, tay giơ gói bánh.
Nhận ra giọng quen, cậu cung nhân thở phào nhẹ nhõm. Cậu nhìn ra phía sau Nguyệt Sinh Liên để xác nhận đó đúng là vị sử quan mà chúa công cậu thường gọi huynh đệ đồng môn.
- Sử quan đại nhân, tại sao ngài vào đây được? Cung nhân trong Đông cung muốn ra chạy việc còn khó kia. - Cậu cung nhân hỏi.
- Thì... ta leo tường vào. - Sa Liên cười trừ - Điện hạ chưa đi nghỉ chứ?
- Thưa, vẫn chưa. Điện hạ đang đọc văn thư ở trong ấy. Nô tài được sai mang thêm ít dầu thắp đến.
- Nhưng mà... - Sa Liên quay lưng lại nhìn thư phòng đằng sau cửa đóng im ỉm lại tối tăm - Trong kia đâu có thắp đèn?
- Có đấy ạ. Điện hạ chỉ thắp một đèn trên bàn đủ sáng thôi.
Đúng như vậy, bên cửa sổ có ánh sáng lờ mờ.
- Ta vào trong có được không? Không làm phiền điện hạ chứ? - Sa Liên chỉ về phía cửa thư phòng, hỏi.
- Thưa, nô tài không biết. Để... để nô tài hỏi điện hạ, xin hai vị đợi ngoài này. - Cậu cung nhân cúi đầu rối rít rồi chạy vào.
Một lúc sau, cậu lại chạy ra, tay chắp kính cẩn cúi đầu trước Sa Liên rồi đáp:
- Thái tử điện hạ rất mong gặp ngài, xin ngài hãy vào trong.
- Còn ta thì sao? - Nguyệt Sinh Liên đứng bên cạnh khoanh tay hỏi.
- Thưa, nô tài không biết... Thái tử điện hạ chỉ triệu Sa sử quan đại nhân.
- Thôi, cũng đâu phải người lạ gì, cứ vào chào hỏi một tiếng. - Sa Liên vẫy tay gọi người chiến hữu.
Thái tử ngồi bên bàn thư đèn mờ, tay ôm đầu, nét mặt đầy lo lắng, nhưng một khi Sa Liên bước vào thì lại mừng rỡ reo như con nít. Sa Liên và Thái tử có thể gọi là tam đồng chi giao— đồng niên, đồng môn, đồng chí hướng— nên khá là thân nhau. Từ khi trở về từ Ly quốc đã bị cấm cung, không được hay biết những người còn ở lại ra sao nên Thái tử cũng lo lắng nhiều. Nguyệt Sinh Liên không vào hẳn, chỉ đứng bên góc như thường lệ, khoanh tay tựa cửa mà đợi cũng như giữ giúp người chiến hữu thanh thiết côn.
Xưa nay người hoàng tộc và người giang hồ vẫn đứng ở hai thế giới hoàn toàn đối nghịch nhau: triều đình và hoàng thất nghĩ người trong giang hồ là loại dơ bẩn, tặc khấu chỉ biết cái lợi trước mắt; người trong giang hồ cho rằng triều đình và hoàng tộc không thể nào vô dụng hơn, vì tham vọng mà dụng cả giang sơn vào canh bạc. Nhưng, trớ trêu cho thời đại này, cả năm người trong Ngũ anh tài, những tinh anh bậc nhất trong giang hồ, đều là người làm quan trong triều, là quân chủ, vì bách tính, vì mong muốn kiến hưng triều đại và quốc gia mà như quên cả mình.
Nguyệt Sinh Liên chau mày nhìn Thái tử. Hắn trông chỉ như một tên công tử vô dụng nhưng ba người của Ngũ anh tài đã đánh đổi thanh xuân và gần như cả mạng sống vì hắn. Chu Tước đại nhân nói đúng, thời này ranh giới giữa triều đình quan và giang hồ nhân không còn rạch ròi nữa, tên gọi không quan trọng, tất cả chỉ vì sống còn mà thôi.
Và người đưa mắt nhìn Sa Liên, thấy lòng mình thoáng nặng nề. Tây sơn đại vương kiêu hùng một thuở được tái sinh giữa chiến trường, rồi lại biến mất, nhường chỗ cho vị sử quan yếu ớt này. Nguyệt Sinh Liên mười mấy năm qua vẫn cố bảo mình rằng người chiến hữu thề tửu năm xưa đã không còn nữa, cũng như kiếp trước của mình, Tử thần vô ảnh kiếm sĩ Trường San. Tuy nhiên, vị kiếm sĩ vẫn không chối bỏ được quá khứ khi biết rằng cả hai vẫn còn đây, bảo khí vẫn còn đây, lời thề đào tửu vẫn còn đây, nhưng thời thế đã đổi thay và chính họ cũng đổi thay vì thời thế.
- Sa Liên đi dạo hội tiết Trung thu, mang về chút bánh quế hoa cho điện hạ. - Vị sử quan cười, giơ gói bánh lên.
- Cái đó để sau. Chuyện quan trọng hơn là làm sao... làm sao ngươi vào được đây? Còn ai kia?
- À, là tòng phạm giúp sử quan đại nhân leo tường vào, Thái tử đừng để tâm quá. - Nguyệt Sinh Liên đùa.
- A, Nguyệt Sinh Liên! Chẳng phải Chu Tước học sĩ đang đi công vụ ư? - Thái tử nhìn sang khi nghe thấy giọng người quen.
- Đại nhân nhà vừa hồi kinh hôm nay. Họ đang trò chuyện với Thái y viện chính đại nhân ở Hưng Thánh điện. - Vị kiếm sĩ đáp.
- "Họ"?
- Chu Tước đại nhân, Khổng Tước đại nhân.
Thái tử chợt đứng bật dậy, tay vỗ bàn, suýt nữa làm đổ đèn xuống sàn. Một sự bất ngờ khó tả có thể được thấy trong ánh mắt Thái tử nhìn Sa Liên.
- Ngài ấy... về thật sao?
- Điện hạ, dăm tháng trước đại tiên sinh có về thăm mọi người mà. Điện hạ đã giải lưu đày cho người, chẳng lẽ xong việc người không thể về kinh? - Sa Liên nhẹ nhàng nói.
- Ta biết, nhưng mà... buổi thiết triều đó ta cứ tưởng như chiêm bao. Dù là ngài ấy được giải lưu đày nhưng ta vẫn không nghĩ ngài ấy sẽ về thật, ngươi biết đấy, là vì...
Thái tử thả mình lại xuống ghế, thở dài, nghiêng đầu đưa mắt về phía cái ghế bên cạnh kệ sách. Trên ghế có một tấm chăn xếp gọn, lấm tấm những giọt đen.
- Ta không nhớ mấy về cái buổi chiều tối ấy, nhưng mà ta khá chắc chắn kẻ mưu sát ta không phải Khuê Văn thái phó. Ngược lại, ta nghĩ chính vì Khuê Văn thái phó có mặt ở đó mà ta mới sống sót được. - Thái tử khẽ cúi đầu, nhìn xấp văn thư trên bàn - Lần trước trở về, ngài ấy trông như không muốn gặp ta, chỉ ra mặt trên triều cho có lễ. Tiền bối này, có phải ngài ấy vẫn cho là ngài ấy hại ta?
- Sa Liên không biết được. Và trong tình thế này đại tiên sinh càng không thể gặp điện hạ, dù lưu đày đã được giải nhưng oan tình vẫn còn đó, thực hư ra sao không rõ nhưng trong mắt mọi người, sư gia vẫn là kẻ hành thích Thái tử. - Sa Liên đáp lại.
- Tiết Trung thu là tiết đoàn viên, vậy mà ta lại không được đoàn viên với những người ta quý mến ư? - Thái tử cười, nhưng nụ cười ấy lại nặng đau khổ.
Với Thái tử, sư đồ Thái phó từ lâu đã là gia đình. Hoàng hậu là thân sinh, Trưởng công chúa là ruột thịt, nhưng bên cạnh ngài, nuôi lớn và dạy dỗ ngài là những trung thần Khuê Văn thị. Có thể nói, ngoài đệ tử Nguyệt Sinh Liên, người được thấy mặt Khuê Văn Chu Tước nhiều nhất là Thái tử. Trong mắt Nguyệt Sinh Liên, hắn luôn là một tiểu tử yếu ớt văn không thạo võ cũng chẳng thành, nhưng Chu Tước đại nhân đánh canh bạc giang hồ vì hắn, Khổng Tước tiên sinh từng vì hắn mà gần như mất mạng, rồi bây giờ Sa Liên cũng lo lắng cho hắn mà liều vào thăm. Dường như Thái tử có một thứ gì đó đáng để những anh tài ấy đánh đổi phúc lợi của họ cho. Có lẽ vị kiếm sĩ cũng biết đó là gì, chỉ là không muốn thừa nhận thôi.
- Thái tử điện hạ có thấy những thay đổi này quá đột ngột không? Ý thần là, nhị vị đại nhân, Tề thị và Đoàn thị. Họ lâu nay vẫn tận lực với ngài, trước ngài vẫn trung thần tử, vậy sao nay lại lạm quyền thế? - Nguyệt Sinh Liên hỏi.
- Trước khi bổn thái tử đi Ly quốc dự hôn lễ, họ có đến gặp ta, xin được cậy nhờ quốc bảo để bảo vệ triều đình. Khi về thì đã biết họ thao túng triều chính, còn giam lỏng ta, mẫu hậu và hoàng tỷ trong cung nữa. Mấy tháng qua ta không được rời bước khỏi Đông cung, kể cả buổi thiết triều họ cũng tự mình sắp xếp. Cung nhân thì thi thoảng được ra vào phục vụ, nhưng cũng ít khi. Những người duy nhất được phép gặp ta bây giờ là dăm ba cung nhân mới nhập cung và nhị vị thượng quan thôi. Họ bảo, đó là đều vì bảo an cho ta, thời thế bây giờ loạn lạc khó lường, có thể có kẻ đột nhập vào ám sát ta như ngày xưa lần nữa.
- Cấm cung ra vào đã khó rồi, lại còn phong tỏa như này thì ai chịu được. - Sa Liên họa vào.
- Đoàn thị nói, Đông cung canh gác cẩn mật là vậy nhưng năm xưa vẫn có kẻ đột nhập vào hành thích ta, nên là...
- Nói vậy, hai người họ...
- Thái tử điện hạ, thứ lỗi nếu Nguyệt mỗ có lời mạo phạm, nhưng triều đình này nuôi hơi nhiều ong trong tay áo đó. - Nguyệt Sinh Liên nói, bước đến gần bàn thư.
- Không mạo phạm đâu, ta cũng biết mà. Nhưng... - Thái tử chùn giọng - Ta... ta không biết làm gì bây giờ...
Chu Tước đại nhân có lẽ biết phải làm gì, Nguyệt Sinh Liên nghĩ, động thái của ngài trông như thể ngài đang nắm thế thượng phong trên bàn cờ dù rằng ngoài miệng ngài nói mình bất lực. Ngài chỉ là người trần mắt thịt, nhưng tài thiên sinh của ngài vẫn không nên coi nhẹ. Muốn lừa kẻ địch phải lừa được quân ta trước, châm ngôn của ngài là thế. Dù là học trò cận kề bên ngài mọi lúc nhưng Nguyệt Sinh Liên vẫn không thể nào biết được ngài đang nghĩ gì, ngài đang tính toán gì.
- Tiên sinh về kinh rồi, điện hạ có muốn gửi lời nào đến người không? - Sa Liên hỏi.
- Ta cũng muốn lắm, nhưng mà... thôi. Bổn thái tử muốn đợi đến khi mọi chuyện đã chu toàn mà đường đường chính chính đón ngài ấy về đây. Biết được ngài ấy bình an, ta đã thấy vui rồi.
Thái tử đáp, nhìn sang gói bánh trên bàn rồi vẫy cả hai người đồng môn ra ngoài sân. "Đợi một lát." Ngài vớ lấy gói bánh chạy ra ngoài thư phòng, đặt ở bàn đá giữa sân trăng sáng, lục lọi gì đó ở tư viện rồi trở lại, miệng cười toe toét.
- Tiết Trung thu rồi mà ta vẫn bị cấm cung, may mà có hai người đến thăm. - Thái tử giơ lên một vò rượu được niêm phong kỹ cùng ba chén - Cống tửu từ Tịnh Hà quốc ta lén giấu đi định là ăn mừng lễ trưởng thành với mọi người, nhưng thiết nghĩ trong tình cảnh này thì còn lâu nữa ta mới được làm quan lễ nên thôi.
- Tạ ơn điện hạ đã nhắc Sa Liên cũng chưa được lễ trưởng thành. - Vị sử quan đùa.
- Không sao, hai ta đợi đến khi ngài ấy danh chính ngôn thuận trở về cũng chưa muộn. Ta nghĩ ngươi cũng muốn chính tay sư gia cài trâm đội mũ cho nhỉ?
Sa Liên bất chợt đưa tay lần trâm gỗ trong áo. Thái tử nói đúng, không gì bằng được chính tay ân sư chải tóc trong lễ trưởng thành; tuy nhiên, với sự tình bây giờ thì đó chỉ là mộng tưởng mà thôi.
Thái tử đặt ba chén rượu lên bàn, mở vò rót ra, mùi thơm nồng xộc ngay lên mũi. Ngài quay đi nhăn mặt một thoáng rồi lại cười, nhấc chén đưa hai người tiền bối. Song Liên nhìn nhau, cũng nhoẻn cười mà vui vẻ đón lấy mỹ tửu được mời.
- Hoài niệm quá... - Nguyệt Sinh Liên tự nói với mình.
- Họ Nguyệt đây có người huynh đệ tỷ muội thề tửu nào sao? - Thái tử tò mò hỏi.
- À... thực tình thì... đúng là từng có. Chén rượu thề năm xưa cũng rót dưới trời trăng sáng thế này. - Vị kiếm sĩ nhẹ nhàng sóng sánh ánh trăng trong chén, mũi thoáng ngỡ mùi Nhu Sa tửu ngày xưa - Chỉ tiếc người ấy yểu mệnh thôi.
Sa Liên không nói gì, chỉ ngước đầu nhìn vầng trăng tròn vằng vặc trên đầu. Nguyệt quang kia từng minh chứng cho lời thề kết nghĩa ở Liêm Sơn nay cũng chứng minh cho chén rượu tâm giao ở Đông cung.
- Đúng là đáng tiếc, nhưng chuyện buồn đã qua rồi không nên nhắc lại. Chúng ta vẫn còn ngày mai mà. - Thái tử đặt một tay lên vai người trưởng bối rồi quay sang tiền bối mình nói nhỏ - Chỉ một chén thôi nhé, có muốn thêm cũng không được đâu. Và đừng nói cho Thái y viện chính biết ta mời ngươi uống rượu.
- Đường đường là Đông cung thái tử lại đi mời rượu hai kẻ thư sinh thế này, không phải là hơi kỳ sao? - Nguyệt Sinh Liên đùa.
- Đông cung thái tử thì là sao? Lâu nay ta được nhị vị Khuê Văn nuôi nấng dạy dỗ, hai người với ta cũng coi như người nhà rồi. Ít nhất thì... cũng gọi là huynh đệ tỷ muội đồng môn. Hai người là tiền bối ta, để ta kính hai người một chén.
Thái tử nâng rượu mời, cùng tiền bối chạm chén mừng tiết Trung thu. Nguyệt Sinh Liên nhắm mắt ghìm giọt lệ, chẳng ngờ định mệnh sắp đặt lại được cùng người chiến hữu từ kiếp trước chung chén rượu thế này. Tận hưởng niềm vui bình yên đời sĩ tử thay vì một phút bằng an nơi thâm sơn.
Sau khi đổi trao mấy lời thăm hỏi nhau, Nguyệt Sinh Liên lại giúp vị sử quan leo tường trốn về gặp nhị vị lão sư. Trên đường vắng vẻ dẫn về Thái phó phủ, Nguyệt Sinh Liên bất chợt lên tiếng hỏi, giọng thân thuộc lạ thường:
- Lần tới cậu đi dạo ngoại thành, ta hẹn cậu đến bờ bắc Đại Hà nhé? Có khoảng đồng trống ở đó cho chúng ta tiện trao đổi.
- H-Hả? - Sa Liên quay sang, chau mày khó hiểu.
- Không có gì, ta chỉ muốn lại được đấu giao hữu với người ấy—với cậu—một lần. Có được không?
Sa Liên cắn môi, tay ghì lấy thiết côn.
- Giao hữu thì được thôi, nhưng e rằng người sẽ thất vọng đó.
- Ô? Đại nhân ta bảo ở Kinh Xuân cậu tỉ thí ngang hàng với song ngân kiếm Tân Gia công chúa. Có thể cậu không hay, nhưng ta ở miền nam nghe danh y nhiều lắm. Kiếm thuật Vĩnh gia chẳng xoàng đâu. - Nguyệt Sinh Liên nhìn trăng nhoẻn cười - Có thể cậu không còn là Huyền Khôi ngày xưa, có thể sóng gió trong lòng cậu không cho cậu chấp nhận chính mình, nhưng cậu biết đấy... Nếu Liêm Sơn đại vương Huyền Khôi thực sự đã chết, Sử quan Liên đây đã không màng thứ côn pháp giang hồ, nói chi nhận Thiết Trụ Kình Thiên làm đồng hành.
Tiếng thiết côn gõ đều trên đường lát đá, nhịp nhàng theo từng bước chân vị sử quan. Sa Liên tự hỏi mình vì sao lại cố sức luyện côn pháp bí truyền của Lão Chiến Ma nếu mình không phải du hiệp giang hồ. Sa Liên tự hỏi mình vì sao lại tự nguyện bước lên tỉ thí đài, mượn thiết côn đấu với Tân Gia đại công chúa. Tự hỏi mình vì sao lại đón nhận thiết trụ kình thiên từ tay Nguyệt Sinh Liên, vì sao lại bật khóc khi thấy bốn chữ khắc trên nước thép xanh, vì sao lại theo kế hoạch của sư gia mà đến thủ cổng thành dù biết mình thân thể tàn tật. Tự hỏi mình vì sao lại đối xử với học trò Chu Tước đại nhân—một người đáng ra xa lạ—thân thuộc đến vậy.
- Khi ta bái sư, trở thành học trò Chu Tước đại nhân, ngài đặt cho ta họ Nguyệt theo biểu tự ngài, tên Sinh Liên biểu thị lời thề tái sinh. Nhưng Khổng Tước đại nhân cho cậu giữ lại họ của Lão Chiến Ma, ngài giữ lại cho cậu họ của gia gia cậu, ấy không phải tiên sinh cậu muốn cậu nhớ lấy mình là cháu nội của lão hiệp huyền thoại ấy sao?
Lão Chiến Ma, một người lẫy lừng danh tiếng như vậy lại vô danh lạ thường: đến cả huynh đệ kết nghĩa, những người từng vào sinh ra tử với ông, còn không biết được tên ông là gì; đến cả cháu nội ông, người kế tục bí pháp của ông, còn không rõ. Sau khi qua đời đột ngột mười lăm năm trước, ông để lại trên cõi trần ba thứ: thiết trụ kình thiên, vốn bảo vật cổ quốc Liêm Sơn; đứa cháu nội vừa được mười tuổi đầu; và côn thuật vô song ông tự sáng chế và hoàn thiện mà ông truyền thụ cho cháu mình khi còn sinh tiền. Thiết trụ kình thiên có thể sang tay đổi chủ, côn pháp có thể bị thất truyền, nhưng họ tên ông để lại cho cháu thì vẫn mãi lưu sử sách với những chiến công. Khuê Văn Khổng Tước đã có thể cho Sa Liên họ mới theo biểu tự mình như người đồng liêu đã làm, nhưng ngài không làm thế.
- Côi nhi thời loạn làm gì có họ tên. - Sa Liên cúi đầu cười buồn - Sau những gì đã xảy ra, kể ra Sa mỗ vẫn còn may mắn lắm.
Đến trước cửa Thái phó phủ, Sa Liên không vào thẳng trong sân mà nán lại một lúc bên cổng khi thấy Phú thái y vẫn còn đó, cố bắt lại chuyện xưa với sư gia mình. Nguyệt Sinh Liên nhún vai cười cười, cái sự tò mò này của người chiến hữu bao năm nay vẫn không đổi chút nào.
- Nói tới đây, học sinh lại cảm thấy lạ. - Phú thái y đưa tay vuốt cằm - Thế quái nào hai người lại đi cùng nhau? Học sinh nghe bảo hai người ra chiến trường cùng nhau ở Kinh Xuân lại còn đi điều tra cùng nhau cả hai tháng trời, không phải hai người ghét nhau lắm sao?
- Ngài nghĩ tôi nhỏ nhen vậy sao? - Khuê Tước tiên sinh với tay bẻ lấy mẩu bánh cho mình.
- Cả triều đình ai mà không biết trong ba tuần lúc ngài mê man hấp hối Khuê Văn Chu Tước đại nhân mới dám đến nhìn mặt ngài. Khi ngài tỉnh dậy rồi thì lại không dám vào thăm.
Khuê Tước tiên sinh nhíu mày nhìn sang người đồng liêu.
- Tôi biết là trong triều này danh tiếng tôi tệ hại lắm nhưng mà có chuyện này thật sao?
Chu Tước đại nhân ngượng nghịu quay đi tránh ánh mắt đó.
- Lâu nay tôi cứ tưởng ngài ru rú trong thư phòng ngài ở Đại học viện là vì ngài không thích dây dưa với quần chúng trong triều, thì ra là để tránh mặt tôi? Khuê Văn Chu Tước, đường đường là Nhiếp chính đại thần ai ai cũng nể trọng... mà lại... - Tiên sinh đứng lên khỏi ghế, lên tiếng như thấy khó xử. Người nhìn sang Phú thái y cũng đang lúng túng, tự hỏi mình có phải vừa nói gì đó sai - Phú Đức Xuân, trả lời tôi thật tình đi. Chu Nguyệt đây có đến thăm tôi lúc tôi trọng thương nằm ở Thái y viện của ngài mà chờ chết, đúng không?
Phú thái y không trả lời ngay, chỉ nhìn sang vị học sĩ. Trước khi bà có thể đáp, Chu Tước đại nhân đưa tay bảo đừng nói gì. Ngài muốn tự mình trả lời.
- Không trách Phú đại nhân được, không chỉ ngài ấy mà đến cả ngài cũng không biết tại sao học trò lại tránh mặt ngài. - Chu Tước đại nhân ngừng một lát - Học trò quả thực có đến thăm ngài, đúng hơn là học trò đã ở bên cạnh ngài suốt ba tuần ngài mê man, Tiểu Liên có thể làm chứng. Nếu ngài không qua khỏi, học trò định sẽ viết điếu tang rồi tuẫn tiết tạ tội; nếu ngài qua khỏi, học trò lại trở về sau tấm rèm thư phòng mình. Chuyện ra sao thì ngài cũng biết rồi. Từ kỳ khảo thí cuối cùng của ngài đến lúc học trò ra mặt ở Kinh Xuân chúng ta chưa từng đường đường chính chính mặt đối mặt nhau.
Từng lời nói câu chữ ấy đều hết sức thành thật, Phú thái y cũng đành gật đầu chứng thực. Khuê Văn Khổng Tước nắm chặt hai bàn tay cố kiềm lại mớ cảm xúc hỗn loạn trong lòng, cố giữ kiểm soát chính mình. Người bật cười, quay lưng đi, ngước mắt nhìn trăng sáng rằm thu.
- Cố thượng hoàng ban cho ngài "Nguyệt" làm biểu tự thật là xứng mà. Giống như ánh trăng kia, ngài không bao giờ cho người thấy mặt thật của mình. Trăng muôn hình dạng, có sáng có tối, ngài cũng vậy. Trăng chỉ xuất hiện khi màn đêm xuống, ngài thì giấu mình sau rèm che. - Tiên sinh giơ tay lên trời như muốn nắm lấy vầng trăng - Và cũng như trăng kia, nhìn cứ ngỡ gần ngay trước mắt nhưng lại thật ra xa tận chân trời, tôi vẫn nghĩ khi đã vào triều làm quan thì tôi với ngài gọi là đồng liêu, dù phẩm trật khác nhau, ít nhiều cũng ngang hàng... như Tân Gia vương với tôi, dù hai thế giới khác biệt, ít nhiều cũng bằng hữu... Hai người thấy tôi rõ là đồ ngốc phải chứ?
Chu Tước đại nhân thở dài, lấy dũng cảm đứng lên. Ánh mắt ngài nhìn theo bóng lưng người đồng liêu có gì đó nửa thương hại nửa ngưỡng mộ.
- Còn phải hỏi, ngài thực là đồ ngốc.
Vị học sĩ tiến đến gần Khuê Tước tiên sinh, với tay nắm chặt hai cánh tay buông thõng của người đồng liêu—người nhà mình. Giọng ngài vang sự tức giận bức bối đã kiềm nén không biết bao lâu.
- Ba mươi ba năm làm Đại học sĩ phò trợ hoàng đế, phò trợ Khanh triều, học trò đã nghe quá nhàm những lời gièm pha của thiên hạ cho ngài rồi. Từ những phỏng đoán ngài lợi dụng lòng bao dung của hoàng hậu để được tiến cử, đến những lời cáo buộc ngài ám sát Thái tử để tiếm ngôi, nghe những thứ bịa đặt đó mãi, ai mà không tức? Nhưng ngài lại chấp nhận cả, ngài biết đó không phải sự thật mà! Ngài cứ bảo ngài không xứng đáng, ngài cứ mặc kệ người đời nhìn ngài như tội nhân, ngài cứ mặc kệ những cố gắng của học trò cho ngài thấy ngài thực sự xứng đáng với chút thanh danh ngài có được bằng chính tay mình... chẳng lẽ, cả đời ngài chịu cúi đầu nhận lãnh nhơ danh vậy sao?
- Chu Nguyệt, bỏ tay ra khỏi tôi. - Người đồng liêu ngài không quay lại, chỉ nhẹ nhàng nói.
- Sa Liên của ngài đang ở ngoài cửa, học trò muốn nó nghe những gì học trò muốn nói với ngài cũng như với nó. - Chu Tước đại nhân nhỏ giọng, gần như thì thầm.
Khuê Tước tiên sinh cười gắt một hơi, hướng mắt ra cửa. Người nhớ mười hai năm trước từng bảo Huyền Khôi giống Khuê Văn Chu Tước, anh tài thế kiệt của thời đại, nhưng nghĩ ra thì định mệnh lại cho người nhận ra mình mới giống Huyền Khôi—có tài nhưng không được trọng một khi đã không giống như mường tượng của thiên hạ.
- Tôi chưa từng hoài nghi ngài, Chu Nguyệt à. Bốn mươi ba năm trên cõi đời, dẫu có sóng gió gì xảy ra tôi vẫn tin ngài. Chỉ là... hai người xem tôi có làm được gì với thế nhân cười nhạo gièm pha tôi khi mà tôi còn không tin tưởng chính mình? Khuê Văn Khổng Tước các người nhìn thấy không phải Khuê Văn Khổng Tước tôi nhìn thấy. A Liên cũng thế thôi, chẳng khác gì tôi, Sa Liên trong mắt nó là một con người khác hẳn với Sa Liên trong mắt tôi với các người. Tôi mặc kệ điều tiếng của thiên hạ bởi tôi có quan tâm thì cũng ích gì đâu? Tức tối thay cho tôi chỉ uổng công các người thôi.
- Ngài lo cho mọi người còn hơn bản thân, đồ ngốc. Nếu đã mặc kệ thiên hạ, nếu đã không tin tưởng mình tại sao lại tin tưởng học trò với Phú đại nhân?
- Dù sao tôi cũng nợ các người một mạng, vả lại tôi không đành nghi ngờ hai người mà tôi luôn xem như huynh đệ chi giao.
Chu Tước đại nhân thoáng chau mày, nhưng lại cúi đầu buông tay. "Huynh đệ chi giao", bốn chữ ấy không phải nhẹ, nhưng ngài vẫn thấy tức trong lòng rằng niềm tin ấy lại mỏng manh hơn những gì người đồng liêu bảo. Nếu đã tin tưởng huynh đệ chi giao của mình như vậy, sao người lại không tin vào tài năng chính mình?
Ở ngoài cửa, Sa Liên bất giác nắm chặt thiết trụ kình thiên. "A Liên cũng thế thôi", mấy chữ ấy nghe như đâm thấu vào tim. Hai sư đồ vì định mệnh mà tìm thấy nhau, tưởng rằng thật khác biệt, nhưng hóa ra lại không; một người chối bỏ quá khứ, một người chối bỏ hiện tại, chối bỏ chính mình, nhưng lại đặt niềm tin vào người khác, người mà họ xem như huynh đệ. Sa Liên chối bỏ tài năng của mình, nhưng lại tin tưởng vào Nguyệt Sinh Liên đến độ giao cả mạng sống mình trên chiến trường cho; Khuê Văn Khổng Tước cũng chẳng khác gì.
Song Liên gật đầu với nhau rồi bước vào chào mọi người. Phú thái y hỏi thăm đôi chút về tình hình của Thái tử, Sa Liên đáp rằng vẫn ổn, nhưng không dám kể lại chuyện Thái tử mời chén rượu Trung thu.
Đêm thu se lạnh dần.
Khuê Tước tiên sinh trở lại vào trong nơi từng là tư phòng mình, điểm qua từng món nội thất vẫn còn nguyên đó, không thay đổi một chút nào kể từ ngày người ra đi. Thi Kỳ không dám xê dịch dù chỉ một thứ trong này. Vì hoài niệm hay có lẽ vì một niềm mong người sẽ trở về, tiên sinh không biết. Chăn màn vẫn gấp gọn trên giường, đã chín năm trời chưa từng được trải ra, lạnh lẽo thiếu hơi người. Người cuối cùng cũng đã về đây, nhưng sao tư phòng lại cảm thấy thật xa lạ, cứ như đây không phải nơi mình từng sống mấy năm trời. Trên tường vẫn treo bức tranh giấy đã vàng, phác họa một Khuê Văn Khổng Tước của ngày xưa. Một Khuê Văn Khổng Tước thuở thiếu niên, dưới gốc điệp vàng trong vườn, lặng lẽ chép thơ, mê mẩn đến mức không hay biết có người đang vẽ mình.
- Người ta muốn bỏ đi bức hoạ này từ lâu lắm rồi, nhưng đến giờ vẫn không đành.
Bên góc bức tranh có một dòng thơ ngắn cùng một dấu ấn đỏ in tên họa sư. Tuy nhiên ấn này là ấn triện của Đông cung thái tử.
- Trong mắt huynh, Tú Minh là người thế nào?
Khuê Tước tiên sinh thầm hỏi họa sư, dẫu trong lòng biết rõ đó chỉ là câu hỏi vu vơ, sẽ không bao giờ được nghe câu trả lời.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top