Hồi ba mươi hai: Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt

Sớm ngày hôm kia, có ba người đến trước cửa Lục phường: một ông cụ phương phi đạo mạo, trông dáng như y sư, cùng hai tiểu đồng theo sau. Họ vừa đến đã thấy Nguyễn Phương trưởng lão và các cháu đứng chờ. Nguyễn trưởng lão chắp tay cúi đầu đón người huynh đệ và dẫn ba vị khách vào trong thư phòng bàn chuyện. Hai tiểu đồng theo lệ đứng ngoài, và hai vị trưởng lão cùng vào, đứa cháu nhỏ của Nguyễn trưởng lão thì cũng đợi trước cửa xem có việc gì.

- Nguyễn huynh, huynh gửi ưng thư rằng có khách muốn mua tin về vụ mất tích của Mạc Hà tổng trấn. Ừ thì là vậy đi, nhưng dòng cuối cùng là sao? "Đã tìm thấy một vật muốn trả lại cho đệ"? - Ông cụ kia vội hỏi.

Nguyễn trưởng lão đưa một ngón lên môi, mỉm cười rồi mời người huynh đệ ngồi xuống trường kỷ.

- Trường đệ có nhớ vật này không?

Ông cầm thanh bảo kiếm đặt lên bàn trước mặt Trường trưởng lão. Mùi đàn hương quen thuộc thoang thoảng trên bao kiếm gỗ khắc. Ông cụ kia tay run run đón lấy thanh kiếm, tuốt ra nhìn hàng chữ "Tử thần vô ảnh" trên đường vân thép lạnh.

- Diệp Lâm truyền kiếm, kiếm... của San nhi. Huynh tìm thấy ở đâu? Nó... còn nó? Còn nó thì sao? Nó ở đâu?

Nguyễn trưởng lão giơ tay chặn lấy những câu hỏi dồn dập, chỉ sang khách phòng bên cạnh.

- Có vị khách gia mang đến. Đệ muốn biết thì hãy hỏi y. - Rồi ông quay sang cháu mình đang đợi việc trước cửa - A Bảo, sang bên phòng gọi Chu Tước đại nhân sang cho ông bàn chuyện cùng.

Đứa trẻ gật đầu rồi chạy đi. Một khắc sau, vị học sĩ bé nhỏ trịnh trọng bước vào, chắp tay cúi người chào nhị vị trưởng lão, đằng sau ngài là đệ tử theo hầu.

- Khuê Văn Chu Tước, hân hạnh được gặp Thất phường Trường lão gia. Trưởng lão gia có thể quen gọi học trò là Thiên nhãn Chu Tước hơn.

- Một trong Ngũ anh tài đến thăm Diệp Lâm hội, thật là vinh dự không kể xiết. - Trường trưởng lão cũng khoanh tay đáp lễ.

- Học trò chỉ đi cùng người đồng liêu đến mua tin tức thôi. Phải tạ ơn đệ tử của học trò đã dẫn đường đến đây.

- Đệ tử của đại nhân là người của Hội quán?

- À, nói vậy chắc cũng đúng nhỉ? Thưa, Tiểu Liên nhà học trò sinh ra và lớn lên ở Diệp Lâm, nhưng không phải Diệp Lâm hội nhân. Học trò muốn đệ tử mình làm chứng cho cuộc giao dịch có được chăng? - Ngài gọi sang đệ tử mình nép đằng sau khung cửa khi được các trưởng lão chấp thuận - Chúng ta vào thôi con.

Nguyệt Sinh Liên theo lệnh cùng vào và đóng cửa lại để buổi trao đổi được riêng tư. Người vừa bước qua cửa đã quay lưng lại, đứng ở cửa canh chừng, tuy không thấy mặt và trông dáng chỉ là sĩ tử bình thường nhưng cảm giác thân quen này khiến Trường trưởng lão sững sờ một khắc.

- Thiên nhãn đại nhân, có phải đại nhân đã mang thanh kiếm này đến cho Nguyễn huynh?

- Nói sao nhỉ? Đúng hơn là Tiểu Liên mang đến. - Chu Tước đại nhân ngước sang học trò mình.

- Các vị tìm thấy thanh kiếm này ở đâu? Có chủ nhân nó ở đó chăng? - Trường trưởng lão cố bình tĩnh hỏi, nhưng trong giọng nói ông có thể nghe được cảm xúc dâng trào.

- Học trò tìm thấy cả hai ở Liêm Sơn, bên mộ Huyền Khôi ở Vách Tử Nhân. - Chu Tước đại nhân đáp.

- Vậy là... vậy...

- Trường đệ, vị đại nhân này tìm được thanh kiếm nhưng chưa chắc là San nhi đã chết đâu mà. Không phải đệ từng bảo là thôi, bán tin ra giang hồ như vậy nhưng đệ không bao giờ tin nó tuẫn tiết theo Huyền Khôi đại vương. - Nguyễn trưởng lão xen vào.

- Đây là báu vật của Diệp Lâm, lại là thanh kiếm làm nên tên tuổi nó, huynh nghĩ nó sẽ để người lạ lấy đi như vậy sao? Vả lại, cũng đã mười hai năm rồi... đệ cũng muốn để lại đau thương phía sau mà tiếp tục thôi. Nay bảo kiếm đã về lại đây rồi, chi bằng chúng ta triệu Cửu lão làm lễ nhận Hương nhi của Nhị phường làm Tử thần vô ảnh kiếm chủ đời tiếp.

Nguyệt Sinh Liên đột nhiên ngước đầu quay lại, lên tiếng:

- Tổ bá à, Tử thần vô ảnh kiếm hẳn còn vấn vương chủ cũ, sẽ không chịu rời đi phò chủ mới đâu.

Nghe giọng nói quen thuộc gọi ông bằng tổ bá, Trường trưởng lão đứng bật dậy, lắc đầu không muốn tin. Nguyễn trưởng lão đến đặt tay lên vai người huynh đệ, chỉ cười như thể cam đoan đây không phải là mơ.

- Nguyễn mỗ đã dạy dỗ được bốn đời Tử thần vô ảnh kiếm sĩ vậy mà chưa thấy đứa nào tài nghệ sánh bằng tiểu tử nhà đệ đây. - Rồi ông vẫy Nguyệt Sinh Liên lại - Còn đợi gì nữa, nào, đến chào tổ bá con đi.

Mười hai năm mất tích giờ cũng được tái ngộ tương phùng, tuy rằng người đã không còn là người trong chốn giang hồ, không còn là người của Diệp Lâm hội quán, tên thay họ đổi, tái sinh thành sĩ tử nhưng anh linh này vẫn là vị kiếm sĩ ngày đó. Vẫn là đứa cháu yêu quý, vẫn đồ nhi tâm đắc của hai vị trưởng lão đứng đây.

Chu Tước đại nhân đưa mắt nhìn nơi khác mà ngậm ngùi thay cho học trò người đồng liêu. Khác với Trường San chỉ là đột nhiên mất tích, nhiều người đã chứng kiến tận mắt buổi Huyền Khôi bị hành hình. Dẫu có muốn, Huyền Khôi— bây giờ là Sa Liên sĩ tử— cũng không thể tái ngộ với những người xưa ở trấn dưới chân núi đó. Mộ gió bên Vách Tử Nhân đã xanh cỏ, người người ai cũng để thương tiếc lại phía sau mà bước tiếp cả rồi. Mảnh tình nối kiếp trước với kiếp này chẳng còn nữa, không như Trường San kiếm sĩ vẫn còn người thân nhớ đến mình.

- Nếu huynh biết nó còn sống, tại sao không nói cho đệ biết sớm hơn? - Trường trưởng lão ngả xuống trường kỷ, đưa tay xoa đầu.

- Cũng mới biết đây thôi, hôm kia nó đến, A Như dàn phục kích vì mấy người này đến mà không có hội nhân chúng ta đặt ngoài trà quán dẫn vào. Rồi nó xưng là cháu của đệ, là Trường San. Ta ra mặt thử tài xem có phải kẻ giả danh không thì đúng thật, nó là San nhi bằng xương bằng thịt. Thêm nữa vì Chu Tước đại nhân đây muốn biết tin tức ở vùng Mạc Hà nên ta gọi đệ đến trao đổi. - Nguyễn trưởng lão về chỗ của mình ngồi.

- Mạc Hà? Lão phu nghĩ là đại nhân đây muốn biết về vụ mất tích của tổng trấn Mạc Hà. - Trường trưởng lão quay sang vị học sĩ.

- Vâng, Tú Minh tiên sinh— Khuê Văn Khổng Tước ấy, nhị vị lão gia có thể quen gọi ngài là Du lược sư hơn— ngài đến đây định là vậy.

- Vậy ngài ấy đâu?

- Mấy hôm nay trái gió trở trời, Tú Minh tiên sinh không được khoẻ nên học trò đến trao đổi với Trường lão gia thay. Ngài ấy đang nghỉ ở khách phòng bên cạnh. - Chu Tước đại nhân đáp, mắt nhắm như thể triệu lấy Thiên nhãn - Còn về tin tức của Phan gia, thực ra học trò đã biết y ở đâu.

Hai vị trưởng lão chau mày.

- Đại nhân đã biết? Vậy... sao còn tốn công đến đây?

- Thưa, học trò thất kính, đến đây để hỏi có thể mượn Diệp Lâm hội quán cho ván cờ chính trị này không.

- Ván cờ chính trị ngài đang đánh vì lợi ích triều đình, lão mỗ là sĩ phu giang hồ, không thể chấp nhận cho đại nhân mượn quân làm cờ.

- Khi kẻ địch dụng hảo hán trong giang hồ làm Tốt quân, học trò đành phải hỏi mượn Pháo, Tượng trong giang hồ mà đánh trả. - Chu Tước đại nhân giơ tay phụ họa - Thời này, giang hồ nhân và triều đình quân chẳng rạch ròi nữa, hai bên đều có những kẻ đầy tham vọng muốn chi phối lẫn nhau. Ngũ anh tài mà người trong giang hồ lâu nay kính trọng, hết tứ bây giờ đều là quan triều đình, người còn lại là quân vương. Học trò xưa nay vốn văn sĩ, Tử thần vô ảnh kiếm sĩ lâu nay cũng là học sinh, chẳng phải người chốn giang hồ nhưng tâm này chẳng mù quáng trung thành với triều đình nếu không xứng đáng, như các lão gia thôi.

- Chu Tước đại nhân nói với lão mỗ chuyện này là sao?

- Bởi vì học trò biết Trường lão gia không có tin tức sau khi Phan tổng trấn mất tích đã đi đâu. Bởi vì những kẻ đang giam giữ y không giữ y trong địa phận giang hồ. Để lật thế cờ cần người trong đình thành hợp trí sức với người trong giang hồ.

- Khoan! - Nguyệt Sinh Liên lên tiếng ngắt lời - Đại nhân, nhưng mà... dấu vết dẫn về phía nam kia mà? Trừ Côn Luân thành ra thì đa phần phía nam là địa phận giang hồ, tuy nhiên Côn Luân thành cũng có thám tử của Diệp Lâm thu thập tin tức, tổ bá cũng hay được gì bất thường chứ?

- Chẳng có gì bất thường ở Côn Luân cả năm nay. - Trường trưởng lão đáp.

- Cái cách giấu giếm này không phải cách hảo hán đánh thuê trong giang hồ thường làm, nên hẳn là có ai đó— hoặc một hội nào đó— từ các thành, có lẽ người của quý tộc quan quân nhúng tay vào. Triều đình bây giờ rối ren, ai cũng không từ bất cứ mưu đồ gì để loại bỏ Thái tử cướp lấy ngai vàng, kể cả lợi dụng mưu sĩ và võ sĩ giang hồ. Khi địch đã mặc kệ đạo quân tử, chúng ta có phải là tự đặt mình vào thế hạ phong chăng?

Nguyễn trưởng lão gật gù, nghe thấy có lý nhưng vốn người trong giang hồ, ông lưỡng lự không muốn đồng ý.

- Thiên nhãn đại nhân à, Diệp Lâm hội nhân chỉ toàn sĩ phu, vài người biết cung pháp để bảo vệ phường quán nhưng chỉ thế thôi, sao có thể đem đối đầu với bao hảo hán? Ở đây chỉ có Nguyễn huynh và các đệ tử đệ tôn huynh ấy có thể dụng võ nghệ. - Trường trưởng lão cau mày.

- Vậy là đủ rồi. Năm xưa dân quân không biết chút gì về binh pháp cũng phòng thủ được bao làng mạc khi Du lược sư đứng đó điều binh mà.

- Rốt cuộc thì... đại nhân à, Phan tổng trấn đang bị giữ ở đâu? - Nguyệt Sinh Liên cúi người sang hỏi.

- Đi tìm xa tận chân trời nhưng người lại gần ngay trước mắt. - Chu Tước đại nhân nhắm mắt suy tư - Lão Phan đang ở ngoại thành Cấm Thành.

Nghe đến đó, Nguyệt Sinh Liên bật cười lớn, tay vỗ xuống trường kỷ.

- Sao đại nhân con không nói sớm? Địa bàn của chúng con rõ rành. Đúng là gần ngay trước mắt!

- Không được manh động, kẻo hỏng hết việc của người ta. Thêm nữa, đừng nói cho Tú Minh tiên sinh biết kế hoạch của chúng ta, ngài ấy đã phải lo nhiều chuyện rồi. - Chu Tước đại nhân ngước sang bảo.

- Khoan, nếu như chỉ cần tìm vị quan tổng trấn, mà vị quan đó lại đang ở địa bàn ngài quen, vậy sao cần đến Diệp Lâm hội quán? - Nguyễn trưởng lão ngắt lời.

- Thưa, học trò muốn nhờ Diệp Lâm hội lập một hệ thống thám tử với trung tâm là Cấm Thành. Một mặt để theo dõi động tĩnh của những kẻ đang mưu khuấy đảo quốc gia với những cuộc loạn như Kinh Xuân gần đây, tìm chứng cứ họ cấu kết với người trong giang hồ để khởi loạn. Trong giang hồ không thiếu mâu thuẫn, tranh đấu, thù hằn, nhưng trong chốn giang hồ cũng có những thường dân gọi làm nhà vì không còn nơi nào để đi, nếu cứ để loạn lạc được thời tàn phá, không chỉ người dân trung với triều đình mà cả người dân trong giang hồ dưới sự bảo hộ của các vị cũng bị liên luỵ, như những đứa bé sinh ra trong Diệp Lâm hội quán đây. Học trò không nghĩ các vị lão gia muốn điều đó xảy ra.

Hai vị trưởng lão nhìn nhau như thể muốn xem người còn lại nghĩ thế nào, nhưng họ đều lắc đầu, không quyết định được.

- Một mình lão phu không thể đại diện cho cả hội quán mà quyết định chuyện lớn lao này. Lão phu sẽ cho họp Cửu lão để họ cùng nhau xem xét hợp tác với đại nhân. - Nguyễn trưởng lão trả lời.

- Trước mắt học trò muốn giải cứu Phan tổng trấn, Thiên nhãn cho học trò biết y ở đâu nhưng không biết vị trí chính xác. Cấm Thành, cả nội và ngoại thành, rất rộng lớn, dân số cả trăm vạn người. Tiểu Liên tuy thành thạo đường lối trong và ngoài thành nhưng một mình cũng không thể tìm nổi cái kim trong đống rơm nên cần thám tử của Diệp Lâm hội quán giúp cho.

- Nói về đường lối trong thành thì người ấy chắc quen thuộc hơn con. Người ấy mỗi tuần thường hay rời cung đi dạo mà. - Nguyệt Sinh Liên họa vào.

- Người ấy? - Trường trưởng lão đặt tay lên cằm - Còn đồng minh nào nữa sao?

- Là... văn quan cố hữu quen biết trong cung thưa tổ bá. Cũng là học trò Khuê Văn Khổng Tước đại nhân.

Hai vị trưởng lão vuốt râu gật gù. Dù là văn quan nhưng nếu là học trò Khuê Văn Khổng Tước thì vẫn có thể tin tưởng được, họ nghĩ vậy.

- Vậy lão phu sẽ sắp xếp cho đại nhân được gặp Cửu lão nay mai để bàn việc. Kế hoạch này lớn lao vô cùng, nếu không có sự chấp thuận từ những phường quán khác lão phu e là không được đâu. - Nguyễn trưởng lão nói.

- Tạ ơn Nguyễn lão gia. - Chu Tước đại nhân chắp tay cúi đầu - Còn phần thù lao, học trò biết mình đã đòi hỏi quá với Hội quán và dù học sĩ lương bổng không nhiều nhưng học trò sẽ cố tìm cách đền bù xứng đáng cho mọi người.

- Đừng có đem bán tóc thề của học trò ngài ở Tây Đô nhé. - Nguyễn trưởng lão đùa, nhớ lại cuộc trò chuyện với vị Khuê Văn kia.

- So với những gì Chu Tước đại nhân đã làm thì chút tóc này chẳng đáng gì. Nếu cần cả mái tóc này đổi lấy kim lượng con cũng sẵn sàng, đằng nào thì tóc cũng mọc lại sớm thôi. - Nguyệt Sinh Liên khoanh tay đứng sau đáp.

- Không, không cắt tóc con. Cùng lắm thì ta trở lại nghiệp xưa một thời gian, bán tin tức cho Hội quán. Thiên nhãn thấu tất, dù là không phải lúc nào cũng theo ý nhưng thể nào cũng có tin đáng giá.

- Quyết định vậy đi.

Nguyễn trưởng lão vỗ tay lên bàn rồi đứng lên định rời phòng. Chu Tước đại nhân nhặt lấy thanh bảo kiếm trên bàn và cũng tính về phòng nghỉ, nhưng khi ngài vừa quay đi, có Trường trưởng lão ngăn lại.

- Chu Tước đại nhân xin gượm một lát.

Vị học sĩ quay người lại xem có chuyện gì.

- Cái tin từ Liêm Sơn rằng Tử thần vô ảnh kiếm sĩ Trường San tuẫn tiết theo Huyền Khôi có phải do ngài tung ra cho thám tử của Hội quán? Người dân trấn ấy khi được hỏi thì bảo Tử thần vô ảnh kiếm sĩ chỉ mang bình rượu thề đến táng dưới mộ rồi lại rời đi. - Trường trưởng lão vẻ như dò hỏi.

- Vâng, chính học trò. - Chu Tước đại nhân đáp.

- Tại sao vậy?

- Ý muốn của lệnh điệt đây. - Chu Tước đại nhân chỉ sang Nguyệt Sinh Liên.

Rồi Trường trưởng lão nhìn sang đứa cháu mình đang cúi đầu với một ánh mắt khó tả.

- Tại... tại sao cháu lại làm vậy?

- Tổ bá à, lúc đó con chỉ nghĩ... một lời hứa thôi mà cũng lỡ, thôi thì để Trường San coi như đã chết theo người chiến hữu, con thì gác kiếm, cắt tóc thề, nâng chén bái sư tái sinh thành sĩ tử, không còn liên hệ gì với Trường San nữa. Nhưng mà... dù đã cố gắng, có vẻ như con không thể chối bỏ cái quá khứ này được.

- Ta và con, Tú Minh tiên sinh và học trò ngài, chúng ta đều biết những thứ chúng ta không nên biết mà. Tái sinh thành sĩ tử, nhưng anh linh này vẫn một hiệp khách giang hồ. - Chu Tước đại nhân nhếch mép cười, đưa thanh bảo kiếm cho học trò mình, họa lại câu nói của người đồng liêu - Mười hai năm mài mực chép sách, đôi bàn tay con chưa bao giờ quên thanh trường kiếm mà.

Chẳng nói chẳng rằng, Trường trưởng lão bước đến, với sang kéo đứa cháu mình vào vòng tay ôm chặt. Ông cứ giữ như vậy, xiết tay mình quanh Nguyệt Sinh Liên như thể sợ rằng cháu mình sẽ biến mất nếu ông buông tay. Đứa cháu mà mười hai năm qua ông ngỡ đã xa tận chân trời nhưng nay đang ở ngay trước mắt ông. Vị kiếm sĩ cũng đứng đó bần thần không biết nói gì, chỉ ghì chặt lấy bao kiếm.

- Suốt mười hai năm tin rằng cháu tuẫn tiết theo Huyền Khôi đại vương, không tìm được hài cốt cũng chẳng biết bảo kiếm nơi đâu, cháu có biết... mọi người đã đau khổ lắm không? Các huynh đệ trưởng lão chỉ muốn bước tiếp, đây chẳng phải lần đầu Diệp Lâm có Tử thần vô ảnh kiếm sĩ yểu mệnh, nhưng mà... mười hai năm qua Nguyễn huynh không nói năng gì chuyện nên cho người tìm bảo kiếm để còn truyền lại cho đời tiếp theo. Huynh ấy luôn nói, "Không tìm được thi hài hay di vật, hễ lão phu còn sống lão phu sẽ không tin Trường San đã chết". Còn ta...

- Tổ bá... con xin lỗi. - Nguyệt Sinh Liên thì thầm.

- Không đâu, không cần đâu. Cháu đã về nhà, vậy đã đủ rồi.

Trường trưởng lão nói, cảm thấy khoé mắt mình cay cay. Ông buông tay, thả người lại xuống trường kỷ ngồi để cố kìm những cảm xúc tích tụ những năm qua. Rồi ông hướng về Chu Tước đại nhân, tay chắp cao, đầu cúi gằm.

- Kiếp này Trường mỗ mang nợ đại nhân.

- Đừng vậy mà, học trò có làm gì đâu. - Chu Tước đại nhân cười cười đáp, đến đỡ tay ông cụ.

- Nhờ có đại nhân mà lão mỗ lại được thấy đứa cháu yêu quý, ơn này lão đến cuối đời không bao giờ quên. - Trường trưởng lão đáp - Lão biết tiểu tử này từ lâu đã rời chốn giang hồ bái ngài làm ân sư, tái sinh thành sĩ tử, nhưng lão thất kính muốn xin phép ngài được gọi nó là San nhi như ngày xưa.

Chu Tước đại nhân ngước sang học trò mình, mỉm cười.

- Con thấy sao hả, ừm, San nhi?

- Tấm cà sa không làm nên vị hoà thượng, chẳng phải xưa nay trong mắt ngài, dù khoác áo học trò, dù mang danh Sinh Liên sĩ tử, con cũng chỉ là Trường San thôi sao? Đến cả cắt tóc thề tái sinh còn không vứt bỏ được cái tên này, con còn làm gì được nữa? - Nguyệt Sinh Liên cười đáp - Kiếm sĩ hay thư sinh thì con vẫn chỉ là cháu của tổ bá, vẫn con cháu họ Trường thôi.

- Hôm trước ở Kinh Xuân nó ra mắt tự xưng với tôi là họ Trường tên San nên là tôi nghĩ nó còn vấn vương cái tên cũ nhiều hơn cả học trò mình.

Ba cặp mắt đột nhiên dồn về phía cửa. Khuê Văn Khổng Tước đứng tựa khung cửa, đã khoanh tay đợi đó không biết từ lúc nào. Đôi mắt người lim dim mệt mỏi nhìn về phía Trường trưởng lão trông như đang mất dần kiên nhẫn.

- Trường lão gia, đây là Tú Minh tiên sinh, chính danh Khuê Văn Khổng Tước, đồng liêu của học trò. - Chu Tước đại nhân lên tiếng giới thiệu.

- Đồng liêu, đồng tộc cũng đồng niên, tôi với ngài mà đồng khoa nữa thì hay nhưng mà, thôi. - Khuê Tước tiên sinh bình luận.

- Lão danh là Trường Đán, trưởng lão Thất phường. - Trường lão gia chắp tay cúi người chào.

- Lão gia họ Trường tức là người nhà của đứa học trò Chu Tước đại nhân đây.

- Tiểu đệ của lão là ngoại tổ phụ nó, nó gọi lão là tổ bá.

- Rất hân hạnh được gặp Trường lão gia. - Khuê Tước tiên sinh cúi người đáp lễ - Chu Tước đại nhân hẳn là đã hỏi thăm thay về chuyện của Lão Phan nhà này rồi.

- Vâng, lão mỗ được biết là... những kẻ bắt cóc Phan tổng trấn đã đưa ngài đến giam giữ đâu đó ở ngoại thành Cấm Thành. - Trường trưởng lão đáp, lặp lại những lời Chu Tước đại nhân vừa nói trong buổi trao đổi vừa nãy.

Nghe được đến đó, tiên sinh chỉ lắc đầu cười, vỗ tay lên trán.

- Ngoại thành Cấm Thành! Vậy mà tôi định kéo ngài đi lòng vòng ở nam lâm như đồ ngốc. Đường đường là lược sư, là chủ tướng trên bàn cờ lại để hạng đánh thuê lừa như trẻ nít vậy đấy...

- Là người thì đâu tránh khỏi sơ xuất. Vả lại ngài cũng đã lo nghĩ nhiều rồi, càng mệt mỏi càng dễ thiếu sót mà. - Chu Tước đại nhân cười trừ - Thôi, ngài cứ về phòng nghỉ ngơi, kể từ trận Kinh Xuân ngài cứ vất vả miết với những kế sách rồi những chuyện này nữa.

Khuê Tước tiên sinh đưa tay day trán, vẫn lắc đầu nguầy nguậy.

- Tôi lo cho ngài hơn đó. Đồng minh ta hoá ra là địch, họ lại đang giữ trong tay quốc bảo chi phối triều đình, cả kinh đô đầy tai mắt địch, ngài trở về bằng cách nào? Ừ thì công việc, quốc sự, nhưng trở về thành lúc này chẳng phải dâng thỏ cho sói đói?

- Đệ tử ngài vẫn đang ở Cấm Thành chép sớ trong Sử quán giữa nguy hiểm trùng trùng, lại còn thăm dò gửi thư cho chúng ta. Học trò lại để nó chống chọi một mình vậy sao? - Chu Tước đại nhân đặt tay lên tay người đồng liêu mà an ủi - Đừng lo, Khuê Văn Chu Tước này là cột trụ triều đình, giá trị vô cùng, họ không làm càn đâu. Suy theo những gì họ đã mưu tính để giữ được trong tay quyền uy thiên tử, họ thà để Đông các đại học viện và Sử quán văn khố bên cạnh để lợi dụng hơn là trừ khử đi. Thêm nữa...

Chu Tước đại nhân lại mỉm cười, cố đùa một câu để làm dịu đi bầu không khí căng thẳng.

- Học trò đã có Tiểu Liên luôn bên cạnh. Bảo kiếm này lâu nay gác bàn thư nhưng vẫn là Tử thần vô ảnh kiếm. Cùng lắm thì học trò với nó mang đệ tử ngài cùng chạy trốn lên Bắc Nguyên thôi.

Khuê Văn Khổng Tước không đáp lại câu đùa, chỉ đưa tay vịn lấy khung cửa và tựa cả người vào. Khó mà có thể đọc được những gì người đang nghĩ trên nét mặt. Có bao nhiêu suy tư trên thế gian đều vần vũ sau ánh mắt mệt nhoài đó.

- Không sao chứ? - Chu Tước đại nhân lo lắng hỏi.

- Khốn thật... - Tiên sinh lẩm bẩm, tay vịn cửa như run lên - Thật là khốn mà... Cái ngai vàng này có gì mà hai mươi lăm năm loạn thế vì nó vẫn chưa dứt được... Tôi không hiểu, tôi không hiểu nổi. Hoàng đế chẳng qua cũng như một người để bá tính trút hết ưu phiền đời sống, một người để họ gọi tên khi cần giúp đỡ, trong thiên hạ cũng chỉ là con người như ai. Phải không?

Chu Tước đại nhân đưa tay định ôm lấy thân hình run rẩy đó để mà an ủi nhưng lại ngập ngừng. Xưa nay ngài đã thấy nhiều những phút yếu ớt của người đồng liêu, ngài biết Khuê Văn Khổng Tước vốn không phải anh hào, không phải hiền nhân như thiên hạ vẫn đồn rằng; tuy nhiên mặc dù vậy, người vẫn cố đứng dậy giữa cơn bão, đem tài hèn chống chọi bất kể giông tố có lớn bao nhiêu. Đó là vì sao bốn chữ khắc trên tấm lam thạch Ngũ anh tài của thời đại này là "Khuê Văn Khổng Tước". Một buổi loạn dâng tràn những bi ai, một người thư sinh chỉ có manh áo vải và chuỗi binh pháp binh thư trong đầu thu được từ những ngày phiêu bạt, hai ngàn làng trấn với những dân quân cả đời chỉ biết đếm thời gian đến mùa gặt. Bất kể xa xôi, bất kể ngày đêm, cứ rung chiêng, đánh trống báo hiệu quân nổi loạn càn quét là người ấy sẽ tới giúp dàn quân đánh trận thắng. Khi Khuê Văn Khổng Tước lang thang khắp vùng loạn cố bảo vệ dân tình bằng mưu lược, Khuê Văn Chu Tước này ở lại trong cung, ngồi yên trong thư phòng đó đợi tin về từ trận mạc. Ngài biết đôi lúc người đồng liêu cần một cánh tay quàng vai an ủi, nhưng ngài không dám chìa tay mình ra, cảm thấy mình không xứng đáng để người tựa vào mà nghỉ ngơi một khắc. Thêm nữa, tiên sinh có lẽ cũng không dám đến gần một người xưa nay nổi danh là lãnh đạm như vậy.

- Ngài có còn nhớ Uy ca chăng? - Khuê Tước tiên sinh ngước lên hỏi.

- Có chứ. Cố hoàng đế Nhân Hoà Khanh Uy, chúng ta lớn lên cùng nhau, ngày xưa thân như anh em vậy. - Chu Tước đại nhân đáp - Đã lâu lắm rồi học trò chưa nghe ai gọi lại tên của cố hoàng. Kể từ khi học trò được triệu đến chép di chiếu khi ngài lâm chung...

- Nếu như... Uy ca không yểu mệnh, ngài có nghĩ huynh ấy sẽ để triều đình ra thế này không?

- Ngài biết rồi mà. Nếu cố hoàng mà còn sống thì ngài ấy sẽ không để hai mươi lăm năm qua xảy ra đâu.

- Mộng phục hưng triều đại trông gần như trước mắt nhưng xa tận chân trời nhỉ? Những người đáng ra phải ở đây thì từ lâu đã mất, còn tôi thì... tôi không hiểu tại sao mình sống sót. - Tiên sinh giấu đi ánh mắt không nhìn người đồng liêu, và trên môi người nở nụ cười buồn - Nếu như Uy ca vẫn còn đây, huynh ấy sẽ nói gì?

Chu Tước đại nhân cố nhớ lại những gì Nhân Hoà cố đế đã tâm sự với mình những tháng ngày cuối đời. Lúc băng hà cố hoàng trẻ tuổi chỉ mới hai mươi hai, vẫn còn nhiều mộng ước và nhiều thứ muốn làm cho đời. Nhưng vì long thể từ nhỏ đã yếu ớt, nhưng chuyện ngài nghĩ rất gần tầm tay khi lên ngôi hoàng đế đã vội bay xa tận chân trời. Những ngày tháng ngài không thể nhìn thấy, ngài đã nhờ Khuê Văn Chu Tước— người mà ngài luôn coi như đứa em mình— chứng kiến hộ. Tuy rằng nay Thái tử ngồi long ngai và Trưởng công chúa bên cạnh nhiếp chính, Thái hậu nương nương trong tay nắm thực quyền, hai mươi lăm năm qua Chu Tước đại nhân vẫn mang di ý của cố hoàng mà sắp xếp mọi thứ trong triều đình, cố giữ cho Khanh triều không sụp đổ vào tay ô quan loạn quân. Và lời nói cuối cùng cố hoàng dặn dò Chu Tước đại nhân:

- "Hai thần tước Khuê Văn thị bảo hộ triều đình, là cột trụ của tương lai Khanh triều. Dù bất cứ giá nào cũng phải đưa người ấy về mà dạy dỗ con trẫm cho tử tế, còn khanh thì chăm cho ngự viên của trẫm không thiếu lá xanh anh tài." Năm năm từ khi lên ngôi đến lúc băng hà cố hoàng bệ hạ đã không ngừng nhắc như vậy.

- Huynh là đồ ngốc huynh có biết không... - Khuê Tước tiên sinh nói như thể trò chuyện với ai đó từ bên kia hoàng tuyền, cả người run run - Triều đình có bao nhiêu trung thần, bao nhiêu trí sĩ mà huynh lại đi tin tưởng cái người mà... suýt nữa hại chết trữ tự của huynh đấy.

Đã chín năm, tưởng rằng cơn ác mộng buổi chiều tối đó đã xa tận chân trời nhưng Chu Tước đại nhân cũng không ngờ nó luôn lập lờ trước mắt người đồng liêu. Đã chín năm tiên sinh vẫn tin rằng vì mình mà thái tử bị mưu sát, dù người chẳng nhớ mấy những gì xảy ra. Người biết mình không phải kẻ thích khách, nhưng người tin là kẻ thích khách đó được ai phái đến để làm nhơ danh hoặc ám sát người, và thái tử bị liên lụy, làm mồi cho người sập bẫy.

Đến đây, Chu Tước đại nhân bước tới, dang tay quàng lấy cái bóng run rẩy của người đồng liêu, mặc kệ trong lòng ngài bảo gì. Tuy rằng nhân dáng ngài bé nhỏ, nhưng lúc này người đồng liêu ngài trông còn bé nhỏ đáng thương hơn.

Trường trưởng lão hắng giọng để gợi sự chú ý, rồi ông chắp tay thi lễ với nhị vị thư sinh:

- Nguyễn huynh đã cho mời Cửu lão đến bàn kế hoạch tìm kiếm Phan tổng trấn, khi đến hẹn chúng ta sẽ tới Trung quán gặp họ. Về phần thù lao, lão mỗ sẽ thương lượng với các huynh đệ tỷ muội sau. Diệp Lâm hội nợ các ngài đã chăm sóc San nhi mười mấy năm qua, sẽ đền đáp xứng đáng.

Khuê Tước tiên sinh đã bình tĩnh lại, cũng chắp tay cúi đầu đáp lễ.

- Đáng ra tôi phải là người đến gặp các vị mà trao đổi, chuyện này liên quan đến người nhà tôi, chẳng ngờ người đồng liêu đây lại lẳng lặng đi trước.

- Người nhà của ngài cũng là người nhà của học trò, chúng ta chẳng phải cùng một họ? Muội phu của ngài tức rể của Khuê Văn gia tộc, với học trò cũng coi như thân thích mà. - Chu Tước đại nhân lại cười - Thêm nữa, đêm qua hiếm lắm ngài mới được ngủ yên một buổi, học trò không dám đánh thức ngài sớm.

- Cuộc họp với Cửu lão... tôi biết Chu Tước đại nhân là người sắp xếp để gặp họ nhưng tôi có thể dự cùng không?

Tiên sinh nhìn Trường trưởng lão mà hỏi. Ông nhớ đến lời Chu Tước đại nhân dặn vừa nãy, định từ chối, nhưng người lại tiếp:

- Thám tử của Diệp Lâm hội rất giỏi lại nhiều thâm niên, đâu đâu họ cũng biết, nhưng đây là ngoại thành Cấm Thành, không phải địa bàn giang hồ họ quen. Tôi nghĩ, các vị sẽ cần ai đó thông thuộc đường lối ở Cấm Thành, học trò ngài và học trò tôi. Ít nhất thì tôi nên ở đó để xem các vị định dùng học trò tôi cho việc gì chứ?

- Định sẽ để ngài nghỉ ngơi ở đây, không cho ngài biết để ngài đừng lo nghĩ thêm nhưng mà ngài vẫn nhất quyết tham chiến nhỉ? - Chu Tước đại nhân lắc đầu cười nhẹ.

- Chuyện của muội phu tôi ngài còn không để tôi thương lượng thì tôi đành tham dự vào kế hoạch truy dò gì đó ở Đông Bắc của ngài.

- Ngài biết rồi? - Chu Tước đại nhân không giấu nổi bất ngờ.

- Chín năm trước, sau buổi thiết triều trước ngày Thái tử điện hạ bị hành thích, ngài có đến cung Trung Chính gặp Thái hậu nương nương. Tôi cũng ở đó. - Tiên sinh đáp, nhắc lại chuyện xưa - Ngài nói với nương nương có nhiều kẻ trong triều đang nuôi quân trong bóng tối đợi thời cơ mưu phản, nhưng ngài không biết chính xác những kẻ nào. Nhà mẹ của Thái hậu là phủ doãn một thành Đông Bắc, ngài bảo muốn mượn gia nhân và sĩ phu của Quận công nương làm tai mắt cho mình ở vùng đấy. Thái hậu bảo không được, quá nhiều rủi ro. Nay ngài ở Diệp Lâm, hội quán thám tử danh tiếng nhất giang hồ, lại nhân lúc tôi ngủ đi gặp các vị trưởng lão riêng. Nếu không phải ngài muốn tìm cách dụng Diệp Lâm hội cho kế hoạch đó tôi cũng chẳng biết ngài muốn gì.

Chu Tước đại nhân vẫn chỉ cười, mắt nhìn xa xăm.

- Không giấu ngài được nữa. Thời đã gấp rút lắm rồi, có cơ hội này đã gần ngay trước mắt mà không với lấy thì nó bay xa tận chân trời không đuổi kịp. Giống như cố hoàng bệ hạ...

- Người đã chết không can dự được chuyện gì, chi bằng ta lo cho những người còn sống kia. Thôi, xong chuyện của Lão Phan tôi sẽ xem tình hình đi hướng nào tiếp. Nếu người bằng hữu gửi tin tôi sẽ dẫn Sa Liên đi Thanh Trạch, không thì tôi đến gặp nguyên soái xin mượn An Viên đi chiếm lại Liêm Sơn. Ngọc Phụng nguyên soái có thể tin tưởng chứ hay cùng phe với hai người kia?

- Nguyên soái cả năm nay trên sa trường không về kinh lại không trao đổi với hai người họ, e là không dính dáng gì. - Chu Tước đại nhân đáp.

- Ừm, kế hoạch cứ theo vậy đi. Ngài đến gặp Cửu lão, tôi cũng xin một ghế dự. - Khuê Tước tiên sinh gật đầu - Trong thời này chẳng thể tin tưởng ai, đến cả lý trí lẫn trực giác mình tôi còn không dám tin, nhưng mà...

Tiên sinh quay người đi, rảo chậm về phía phòng nghỉ, giấu đi nụ cười yên lành hiếm hoi.

- Tôi tin ngài.

Chu Tước đại nhân thoáng nghe được ba chữ ấy thì không khỏi bất ngờ, nhưng chưa kịp nói gì thì người đã khuất sau cửa. Ngài nhớ lại những kỳ khảo thí xưa, mình đứng trước cổng trường thi điểm danh sĩ tử, mỗi khoa lại trông bóng người quen thuộc khoác trường y thanh cúc xếp hàng vào. Màu thanh cúc trên áo bạc dần qua mỗi khoa thi, và ánh mắt người ấy nhìn thấy ngài trở nên càng mặn đắng với những hờn ghen. Ngài vẫn nghĩ, Khuê Văn Khổng Tước luôn cho rằng ngài lãnh đạm hờ hững, xem người trong thiên hạ chán chường, chẳng lý do gì mà tin tưởng nhau. Nhưng từ đầu đến giờ Khuê Tước tiên sinh chưa hề hoài nghi những gì ngài nói.

- Phải chi ngài tin cả chiếu tiến cử học trò gửi thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn cho chúng ta rồi. Việc của Nội điện Đông các đại học sĩ là gì nếu không phải tiến cử hiền sĩ đến cho minh quân?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top