Hồi ba mươi bốn: Cấm Thành có gì lạ không con?

Một buổi chiều tối, Sa Liên theo thói quen rời cung đi dạo. Từ khi nhị vị thượng quan mang quốc bảo nắm quyền, phần lớn sử quan và thư lại trong Sử quán bị cách chức với lý do thiếu trung thành với triều đình và thiếu trung thực trong việc soạn sử ký mà cố hoàng đế đã lệnh đặt. Sa Liên trong cương vị Chánh sử quan, là người có trách nhiệm tu soạn các ghi chép lịch sử để viết nên bộ Khanh triều sử ký, định lên tiếng bênh vực cho các sử quan, nhưng gặp Tề tể tướng đến tận dinh khuyên rằng nên im lặng và để cho ngài và Đoàn thượng thư lo liệu. Hình bộ thượng thư cáo lão về hưu dưới áp lực của họ, và bây giờ Đoàn thượng thư nắm giữ Hình bộ, tiến cử vị thị lang trẻ tuổi cho chức vụ cũ của mình. Dù là biết nhiều thông tin xảy ra trong triều qua nhật sử, những ghi chép hằng ngày, nhưng Sa Liên vẫn không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra, lại thêm những mệt mỏi từ những cuộc nổi loạn, người chẳng màng quan tâm nữa. Cứ đến Sử quán, thu xếp việc biên soạn sử ký, địa phương chí cùng những ghi chép khác, xong việc thì về, rồi mỗi tuần lại đi dạo trong thành làm vui.

Hồng Tước đã đi Ly quốc, An Viên đang đi tuần biên cương ngăn loạn lạc từ các nước chư hầu tràn sang, Thi Kỳ thì đã gả cho hoàng tử nước người, Nội thành cảm thấy trống vắng hẳn. Dù là thư đồng, là bạn học của Thái tử, dù được Thái tử quý trọng như người nhà, nhưng Sa Liên cũng không thể đến thăm điện hạ. Đông cung nơi Thái tử sống, Bắc cung nơi Thái hậu sống và Tây cung nơi Trưởng công chúa và các thái phi sống trong hoàng thành đều bị phong toả. Các phủ, sở và dinh trong Nội thành, phía ngoài hoàng thành, nơi các quan sống và làm việc vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng Sa Liên luôn cảm thấy có gì rất lạ, như có người ngày đêm theo dõi mình. Đêm hôm kia, trước lúc đi ngủ, Sa Liên bắt được một kẻ lẳng lặng đứng ngoài cửa sổ phòng ngủ nghe ngóng. Đó là một trong những lính gác dinh Chánh sử quan, được lệnh từ Tề tể tướng phải để mắt đến Sa Liên lúc ngủ, lý do là đề phòng có thích khách đến hãm hại người. Tình hình trong triều bây giờ căng như dây đàn, từ khi Tể tướng đại nhân hay tin rằng một trong những tử sĩ ở Kinh Xuân là thích khách từng được phái đến mưu sát Thái tử thì ban lệnh phong toả hoàng thành và cài thuộc hạ trông chừng Sa Liên— một trong những người quan trọng với hoàng tộc— vì lý do an toàn. Nói thì là vậy, nhưng vị sử quan vẫn thấy khó tin, tất cả những gì diễn ra từ khi Thái tử trở về nước trông mờ ám vô cùng.

Dù khi ngủ có người theo dõi, nhưng ở Sử quán và những lúc đi dạo ở ngoài thì Sa Liên được tự do. Có lẽ là vẫn bị theo dõi đấy, nhưng giữa bách tính sinh hoạt vui vẻ trong thành không hay biết gì về ngọn lửa loạn lạc đang nhen nhóm trở lại, thôi thì mặc kệ ám vệ làm việc của họ.

Trời đã vào thu, tiết trời dịu hẳn. Dân chúng trong kinh thành nô nức chuẩn bị cho tiết Trung thu, đường phố nhộn nhịp khó tả. Thường ngày thì Sa Liên rời cung đi dạo lúc đầu giờ chiều, nhưng hôm nay lại đợi đêm xuống, vì lễ hội đêm nay bắt đầu. Ở xứ này hội Trung thu kéo dài cả tuần, và kết thúc ngày rằm tiết Trung thu, ngày lễ lớn nhất của tuần hội. Hoàng cung vẫn đang bị phong toả, Thái tử và mọi người vẫn đang bị cấm túc, Sa Liên không thể rủ điện hạ đi chơi hội cùng, nên lẳng lặng một mình đi. Lúc này người ta đã dựng chợ đèn hoa trải dài trên đại lộ chính, sáng rực cả kinh thành. Giữa những hàng lồng đèn, hoa tươi là những hàng bánh trái, đủ thức đủ loại từ đủ mọi miền. Nhìn Cấm Thành thật vui tươi nhộn nhịp, ai mà nghĩ đây đang thời binh biến?

- A, Liên nhi! - Một bà cụ bên quầy bánh quế hoa vẫy gọi - Cả nửa năm nay không thấy cháu. Không khỏe chỗ nào sao?

- Chào Dương lão bà, con ổn, chỉ là đi công du xa thôi. - Sa Liên đến quầy bánh, cười tươi chào hỏi.

- Chắc là công vụ quan trọng lắm.

- Vâng, đích thân Thái tử điện hạ nhờ ạ.

Bà cụ vội gói mười mấy cái bánh mới nóng vào bọc giấy, buộc lại kỹ rồi đưa cho Sa Liên. Sa Liên lúng túng bảo rằng lần này quên mang tiền, lần khác sẽ mua hộ bà dăm cái bánh, nhưng bà vẫn cố dúi gói bánh vào tay không cho rời.

- Lấy đi, quà Trung thu cho cháu, không cần trả tiền đâu. - Bà cụ đẩy gói bánh vào tay Sa Liên, nói.

- Nhưng vậy sao được ạ? - Vị sử quan ngượng nghịu nhận lấy.

- Lần đầu tiên thấy cháu ra chơi hội Trung thu, thôi cứ coi như là quà. Nếu ta mà có cháu nội ngoại, cũng sẽ cho chúng chút bánh.

- Con nghe nói bà có nữ nhi cùng rể mà, họ không sinh con sao?

- Có thì có, một đứa cháu, nhưng vừa sinh ra chưa bao lâu thì gặp buổi loạn, hồi hai mươi mấy năm trước khi cố hoàng đế băng hà ấy. Con bé cùng chồng ôm con chạy loạn, lạc mất hết cả. Đứa cháu đó nếu còn sống chắc cũng trạc tuổi Liên nhi đây. Người đã không còn trở lại nữa rồi, thôi thì có cháu hay đến thăm cho ta vui.

Dương lão bà cười, tay kiểm tra bánh đang hấp bên cạnh.

- Trong cung đầy cao lương, của ngọt bình dân này chắc không sánh được, nhưng nhân tiết Trung thu, cháu đem chút bánh về cho Thái tử điện hạ ăn cùng cho xôm tụ.

- Vâng, khi về con sẽ ghé Đông cung. Thái tử điện hạ dạo này bận nhiều việc, không thường ra ngoài.

Sa Liên đáp, thử nghĩ cách làm sao có thể vào Đông cung để thăm Thái tử trong tình cảnh này. Sau khi nói lời từ biệt lão bà, gói bánh cầm tay, vị sử quan lại bước tiếp trên đại lộ phồn hoa nổi danh khắp nước, đi mãi tận ngoại thành. Kinh thành đông đúc, phố phường trải rộng ra cả ngoài tường thành. Trăng đã lên cao, tuy vầng nguyệt chưa đầy nhưng ánh vàng sáng rực một khoảng trời. Ở ngoại thành không nô nức bằng trong thành, nhưng hội hoa đèn cũng không kém nhộn nhịp. Bên bờ hồ Thuận Hoá ở ngoại thành, Sa Liên tìm một trà quán ngồi nghỉ chân, và bất ngờ bắt gặp một giọng nói quen thuộc:

- Cấm Thành dạo này có gì lạ không con?

Ở bàn bên cạnh, nhị vị Khuê Văn cùng Nguyệt Sinh Liên nhìn sang, vẫy chào.

- Đại tiên sinh! - Sa Liên mừng rỡ lên tiếng gọi.

- Dạo này sức khỏe con tốt chứ? - Tiên sinh hỏi, đưa mắt nhìn gậy chống quấn vải đặt cạnh bàn.

- Vâng, vẫn tốt. - Sa Liên đưa tay khẽ kéo lớp vải quấn để lộ ra hai chữ "thiết trụ" khắc trên gậy - Chỉ là không dám để cái này lại ở dinh nên ra đường con cứ mang theo, coi như thay cho gậy chống thường ngày.

- Để ta gọi người quen ở phường mộc khắc cho một cái vỏ gỗ bọc vào, ai ra đường mà mang thiết trường côn thế này, có phải sơn tây mãi võ đâu! - Nguyệt Sinh Liên vỗ bàn mà cười - À mà... cũng đâu có ai ra đường với mộc côn nhỉ?

Sa Liên chỉ tay qua sư gia mình.

- Lúc gặp con thì đang đi đường núi mà, mộc côn cần thiết lắm. Với lại ta thường hay ra vào địa phận giang hồ, cũng cần có thứ gì trên tay mà tự vệ. - Khuê Tước tiên sinh cười cười.

- Vậy xưa nay đếm được có bao nhiêu lâm tặc bị ngài hạ rồi? - Chu Tước đại nhân đùa.

- Chắc cũng khá nhiều đó. Gặp cướp thì tôi cầm mộc côn lên rồi cứ chiếu theo kế thứ ba mươi sáu trong Tôn gia binh pháp mà đánh.

- Kế thứ ba mươi sáu trong cổ binh pháp Tôn gia là... - Nguyệt Sinh Liên nhẩm đếm theo.

- Thấy cướp thì chạy chứ, tôi đâu phải đồ ngu.

Đến cả Sa Liên thường ngày nghiêm túc cũng không ngăn nổi tức cười. Và rồi sau dăm chén trà và bánh ngọt tái ngộ, cả ba người lữ khách theo chân vị sử quan về Nội thành. Để tránh lính gác bắt gặp, đề phòng phe địch biết họ đang có mặt ở kinh thành, Sa Liên trở về đường đại môn như thường, còn ba người kia vòng sang tây môn canh gác lỏng lẻo hơn vì phía tây Nội thành là nơi quý tộc tiền triều sống nhưng hầu hết đã dọn đến miền đông bắc lập gia trang, phủ đệ dinh thự bỏ không khá nhiều.

Vì dinh sử quan cài nhiều tai mắt, Chu Tước đại nhân bảo nên về Thái phó phủ bỏ hoang. Gọi là bỏ hoang cũng không phải nói quá. Từ khi Thi Kỳ xuất giá, cung nhân cũng không còn ra vào dọn dẹp, những viện các hoa viên trong phủ trông hoang tàn hơn cả lãnh cung. Vì điện Hưng Thánh bây giờ vô chủ vô nhân, không còn nơi nào thích hợp hơn để bàn chuyện bí mật hơn đây.

Đẩy cửa bước chân vào, Khuê Tước tiên sinh bỗng thấy như có gì nặng nề kéo lòng chùn xuống. Dăm tháng trước trở về vẫn còn đến đây pha ấm trà tái ngộ cùng các học trò mình, Thái phó phủ tuy đã lạnh đi nhiều vì vắng người đi lại nhưng mà vẫn còn cảm thấy như là nhà. Bây giờ thì cái tĩnh lặng gai người như chốn chết chóc bao trùm cả khuôn viên. Đến cả tiên sinh cũng không dám nghĩ sẽ có ngày trở về và thấy phủ đệ mình từng sống trở nên như vậy. Sa Liên làm Chánh sử quan được ban cho tư dinh, Hồng Tước sống ở một viện trong Đông cung hầu Thái tử, An Viên thì bấy lâu nay chẳng mấy khi về kinh, Thi Kỳ thì chỉ quanh quẩn ở viện các cũ của mình, còn lại để hoang cũng không phải chuyện lạ.

- Mới có bao lâu mà đã tiêu điều còn hơn Cao Tổ lăng ở ngoại thành. - Tiên sinh đưa mắt nhìn quanh những kiến trúc quen thuộc.

- Cố thượng hoàng có lần kể phủ này đã như vậy từ khi ngài còn nhỏ rồi. - Chu Tước đại nhân đáp - Thái phó đại nhân dạy dỗ cố thượng hoàng mất sớm, rồi thì nơi này bỏ hoang đến khi ngài tới nhậm chức.

- À, tôi có biết, tiền triều thái phó Trần thị, chủ nhân trước của phủ này. Nghe đâu thì bị ám sát trên đường về từ Đông cung vì dăm hoàng tử dòng thứ muốn gán tội cho thượng hoàng để giành ngôi thái tử hay gì đó. Xem ra Thái phó phủ này phong thuỷ hơi xấu thì phải, may mà Thi Kỳ không có chuyện gì.

Câu nói ấy nửa đùa nhưng cũng gợi mảnh ký ức buổi chiều tối định mệnh và câu nói của Phú thái y hôm đó vụt qua trong đầu Chu Tước đại nhân khi ngài nghe chuyện của tiền triều thái phó. Ngài chỉ lắc đầu, buông tiếng thở dài, dù gì thì chuyện qua cũng đã lâu, bây giờ là lúc xoay chuyển thế cuộc.

Hai vị tiên sinh ngồi đợi ở sân trước khi học trò họ đi tìm dầu thắp đèn trong viện chính và quét dọn chút ít. Viện chính là tư phòng của thái phó, nhưng Thi Kỳ chẳng bao giờ dùng nên bụi đóng dày cả. Khuê Văn Khổng Tước năm ấy rời thành trong đêm, lặng lẽ, hành trang chỉ có tay nải áo quần, vài ba vật dụng cá nhân và dăm quan tiền đi đường, còn lại đều để lại Thái phó phủ, và Thi Kỳ đến giờ vẫn cố giữ mọi thứ nguyên trạng chờ người về. Rồi giữa cái thanh tịnh đêm trung thu, có ai đó lên tiếng gọi từ ngoài cổng hé mở.

- Ai ở trong đó?

Giọng nói đó khá quen, Khuê Tước tiên sinh nghĩ. Rồi người bật dậy, tay vỗ bàn khi chợt nhớ đó là ai.

- Là học trò đây, Phú đại nhân. - Chu Tước đại nhân lên tiếng đáp.

- Thì ra là ngài, về kinh mà lấm la lấm lét như—

Vị thái y đẩy cửa vào, và đột nhiên thốt lên mừng rỡ, chạy ngay đến chỗ hai vị thư sinh ngồi.

- Khuê Văn Khổng Tước! - Vị thái y không ngăn được tiếng reo của mình khi được thấy lại người cố hữu - Ngài vẫn bình an, thật tốt quá! Cứ tưởng sẽ không còn được thấy ngài nữa chứ!

- Dăm tháng trước tôi có về đấy. Thi Kỳ đến đưa tận tay chiếu của Thái tử điện hạ giải lưu đày, nên tôi về thăm. - Khuê Tước tiên sinh cười trừ - Nhưng mà tôi không có thấy ngài.

- Thì thái y có lên triều bao giờ đâu! - Phú thái y cười, vỗ vai cố hữu - Ngài làm học sinh lo lắm biết không đồ ngốc! Ngài mà có mệnh hệ gì là Thái hậu nương nương ban thưởng học sinh một chuyến đi hoàng tuyền chơi với ngài cho vui đấy.

- Không đến nỗi đó đâu, Thái y viện chính đây đâu phải loại người để dùng một lần rồi vứt đi thay thế như vậy. Ngài cũng có công cứu Thái tử điện hạ còn gì.

- Điện hạ chỉ bị thương nhẹ thôi, hai ba tuần đã khỏe rồi. À mà... - Phú thái y bỗng chùn giọng - Buổi chiều tối đó, có phải ngài—

- Đừng hỏi tốn công, tôi chẳng nhớ gì cái buổi chiều tối đó. Tôi chỉ nhớ mình đang trên đường đến Đông cung, rồi khi mở mắt thì đã thấy mình ở Thái y viện, bao nhiêu ngày trôi qua còn không biết. - Khuê Tước tiên sinh cúi đầu đáp - Đứng dậy còn chưa nổi thì Hình bộ thượng thư đến đọc sớ cáo tội tôi hành thích Thái tử, Hình bộ đã điều tra, đoản kiếm Thái tử ban tặng là hung khí, và có vẻ như trong lúc bị đe dọa, Thái tử tước lấy đoản kiếm đâm tôi tự vệ nhưng rồi lại bị đâm. Thực hư ra sao tôi còn chẳng nhớ để mà biện minh, và Thái tử thì không được phép gặp tôi để giữ an toàn cho ngài. Đến tận bây giờ, dù được giải lưu đày, điện hạ còn chẳng nói với tôi được ba câu hỏi thăm...

Chu Tước đại nhân lúc này không xen vào chữa lời. Tất cả những gì ngài vừa nghe là nói dối. Người đồng liêu ngài biết mình không phải hung thủ hành thích Thái tử hôm đó, nhưng chẳng có chứng cứ gì xác minh có kẻ đột nhập vào Đông cung mưu đồ ám toán. Tất cả những gì nhân chứng thấy và biết được là buổi chiều đó chỉ có Khuê Văn thái phó đến gặp Thái tử ở thư phòng Đông cung và không hề trở ra. Tên thích khách năm đó giờ là một trong những tử sĩ trong trận Kinh Xuân, có muốn đem y về tra khảo cũng không được. Vì để bảo vệ mọi người, tiên sinh vẫn luôn khăng khăng mình không biết gì, kể lại nước đôi, đủ rõ ràng để người ta tin người có thể đã ra tay, cũng đủ mơ hồ để không tự buộc tội mình. Chu Tước đại nhân thì chắc chắn người đồng liêu vô tội, dù ngài không thể nói ra.

Khuê Tước tiên sinh đứng dậy đi vào trong tư phòng từng là của mình để xem xét và giúp dọn dẹp, để lại hai người cố hữu lại bên ngoài. Khi thấy tiên sinh đã khuất sau bóng cửa, Phú thái y quay sang Chu Tước đại nhân, hỏi thầm:

- Chín năm rồi, học sinh có muốn cũng không thể nói những gì mình tìm được, nhưng mà, có lẽ Đại học sĩ đại nhân cũng đã đoán được là ngài ấy vô tội nhỉ?

- Căn cứ đâu mà ngài nói vậy? - Chu Tước đại nhân nhỏ giọng thăm dò.

- Ngài đừng lo, học sinh xưa nay vẫn tâm phúc của Thái hậu nương nương, dù gì thì Phú Đức Xuân này cũng từng là cung nhân trong nhà nương nương trước khi được tiến cử vào Thái y viện. Nương nương đã xem nhị vị đại nhân như người nhà, học sinh cũng nguyện trung thành với hai vị. - Phú thái y nở một nụ cười nhẹ để làm an tâm.

- Thời này chẳng tin tưởng được bao nhiêu người, ngài biết mà.

- Để tỏ trung thành, hay là học sinh đưa hai vị đến Đông cung thăm Thái tử điện hạ?

- Chẳng phải nhị vị thượng quan từ khi nắm quyền đã ban lệnh phong tỏa Hoàng thành bất xuất bất nhập sao?

- Người của Thái y viện được phép ra vào thường xuyên để đảm bảo sức khoẻ cho hoàng tộc. Vừa hôm kia học sinh được triệu đến cung Trung Chính, nghe rằng Thái hậu nương nương không khoẻ, nhưng thực ra nương nương chỉ muốn gặp ai đó quen ở ngoài để hỏi thăm. Nếu học sinh lấy lý do kiểm tra định kỳ sức khoẻ cho Thái tử điện hạ, không lý gì lính gác không cho vào.

- Hạ phẩm thái y có được theo cùng không?

- Có chứ, Hà và Quý thường đi theo giúp việc. Học sinh có thể sắp xếp để hai vị thế chỗ họ.

- Cảm ơn hảo ý của ngài, học trò tin lòng trung của ngài rồi. Bây giờ, tạm đừng để Tú Minh tiên sinh gặp mặt Thái tử. Học trò sẽ về Nội điện học viện để họ bớt nghi ngờ, dinh sử quan cũng bị theo dõi rồi, không thể để ngài ấy ở đó. Thôi thì, Phú đại nhân có thể nào tìm giúp một phòng kín đáo ở Thái y viện để ngài ấy trú tạm trong lúc điều tra chuyện nhà?

- Cái đó ngài không cần hỏi, nhưng mà... dạo này Hình bộ thượng thư đại nhân lệnh tăng cường lính gác ở Thái y viện rồi, còn đông hơn lính gác Đông cung nữa. Đại nhân bảo tình hình nội bộ đang rất nguy hiểm, có nhiều kẻ đang lăm le hãm hại quan quân và hoàng tộc nên đành phải giới nghiêm và canh gác chặt chẽ vậy. Khổng Tước đại nhân mang tội mưu sát thái tử, e họ sẽ không dễ dãi nếu họ thấy ngài ấy ở Nội thành, dù là ngài ấy đã được giải lưu đày nhưng tội vẫn chưa thanh minh được.

- Hai người tính toán cái gì, Khuê Văn gia có tư dinh ở kinh thành mà. Thì tôi về đó không được sao?

Cả hai giật mình, dù đã quen người đồng liêu hay đi về như cái bóng, họ vẫn không quen được cái thói quen mà người xuất hiện bất ngờ giữa cuộc chuyện trò này.

- Đúng hơn thì là tư dinh của đại di, nhưng mà Khuê Văn gia nhiều người làm quan trong triều được ban dinh phủ Nội thành nên chắc cũng chẳng ai ở đó, chi bằng để tôi giữ nhà cho. - Tiên sinh đến ngồi lại trên ghế của mình.

- Chắc ngài không biết, mấy năm trước mẫu thân bàn với các huynh muội, từ bỏ phần thừa kế để xuất gia rồi. Cho nên là... - Chu Tước đại nhân cười trừ - Tư dinh Khuê Văn gia giờ là của học trò.

- Kế hoạch vẫn không thay đổi, tôi đến đó giữ nhà cho ngài. Đằng nào thì ngài cũng có rời Đại học viện đâu.

- Vậy ít nhất cũng để học trò bảo gia nhân đến dọn dẹp với giúp việc...

- Đừng làm phiền họ tốn công, cứ gửi tôi vài cái chổi với khăn là đủ rồi. Tôi chỉ tới trông nhà đợi tin, không phải thượng quan quý tộc gì quan trọng để ngài đem gia nhân trong viện đến. - Tiên sinh đáp, ngả đầu lên tay chống bên bàn trà.

- Vậy ít nhất cũng để học trò gửi ít ngân lượng đến cho ngài trang trải...

- Tóc thề của đám nhỏ vẫn còn trong tủ kia, ra ngoại thành đấu giá chắc cũng khá tiền.

- À... học sinh có nghe đệ tử ngài khá là được hâm mộ ở Cấm Thành này, nhưng mà... - Phú thái y cười cười - Hay là đừng, nhé.

- Ngày trước Sa Liên đi dạo ngoại thành, thường hay kể với tôi là nghe được rằng có nhiều tiểu thư công tử sẽ chấp nhận bỏ cả trăm lượng vàng nếu họ có thể có một lọn tóc của An Viên hay Hồng Tước làm kỷ niệm. Ừm, nghe được thứ đó thì tôi không tin Cấm Thành có gì lạ hơn.

- Đừng, đừng nhé. Lạy ngài, cứ để tóc thề của học trò ngài ở nguyên đó. Nhé.

Tiên sinh khoanh tay đưa mắt chăm chăm nhìn hai người đồng liêu, cả khoảng sân im lặng bất thường. Rồi người lại nghiêng người sang tựa lên bàn trà.

- Tôi đùa thôi, chưa có tuyệt vọng tới mức đó đâu. Tôi có cách tự trang trải. Chỉ cần Sa Liên thi thoảng ghé thăm kể tôi nghe có những gì đáng chú ý đang xảy ra gần đây là đủ rồi.

- Tóm gọn thì... một mớ bòng bong. - Phú thái y lắc đầu ngao ngán - Nhìn cuộc chiến tranh quyền đoạt vị của các quan chuyển biến thế này, học sinh nghĩ... nhiều khả năng là sẽ lại thêm một cuộc khủng hoảng kế vị. Làm Thái y viện chính tưởng là được tha, nhưng mà, các ngài biết không, dạo này học sinh cứ được các đại quan viếng.

- Để làm cái gì? Thái y viện đâu liên quan gì hay đâu tham gì quyền lực mà họ đến câu kéo?

- Họ đến tìm chứng cứ xác nhận Thái tử điện hạ không phải đích tử của cố hoàng bệ hạ, không có quyền kế vị.

- Làm như họ có quyền khẳng định mình lên ngôi hợp lệ hơn Thái tử điện hạ. - Tiên sinh nhếch mép cười giễu - Cứ cho Thái tử không phải đích tử của cố hoàng bệ hạ đi, nhưng theo di chiếu thì vẫn là thái tử thừa tự để kế vị ngai vàng. Vả lại, nếu Thái tử có chuyện gì thì nương nương cũng sẽ tiến cử Chu Tước đây lên ngôi. Khanh triều có thể chấm dứt ở đây nhưng quốc gia vẫn tiếp tục đi tới.

- Sẽ không có gì xảy ra với Thái tử điện hạ đâu, các ngài đừng lo. - Chu Tước đại nhân nở nụ cười trấn an quen thuộc - Khuê Văn gia tộc chúng ta bao đời thân thiết với hoàng tộc nhưng cũng mang phận thần tử, bảo học trò có cơ hội lên ngôi thay Thái tử Khanh triều thì...

- Còn hơn để đám quan triều đình xâu xé nhau, xâu xé đất nước này cho tham vọng của họ. Dù gì thì, hai đời tiên đế cũng coi ngài như con cháu trong hoàng tộc, ngài lại là thần đồng thiên sinh, nếu có người ngoại tộc nào Khanh triều tin tưởng nhất để kế thừa ngai Thiên tử thì nhiều khả năng đó là ngài.

Bên trong tư phòng thái phó, Sa Liên lén nhìn ra ngoài sân. Có vẻ như đại tiên sinh cố ý để mình ở đây với học trò Chu Tước đại nhân. Nhân lúc mọi người đang bận, Sa Liên quay vào, đến trường kỷ ngồi đối mặt người chiến hữu từ kiếp trước bên bàn trà đã lau sạch bụi.

Người ấy trông vẫn như Sa Liên từng nhớ, nhưng bây giờ nhiều phần điềm đạm hơn. Tấm áo vải học trò thanh nhu màu chàm mà hạ phẩm sĩ phu nào trong triều cũng mặc không giấu đi được cái khí khái phong trần của một kiếm sĩ sinh ra và lớn lên trong giang hồ. Nữ nhân Diệp Lâm thường để tóc ngăn ngắn, quấn khăn cho gọn gàng, sẵn sàng nhập cuộc, dù là bảo vệ hội quán khỏi kẻ xâm nhập, lên đường thu thập tin hay kiếm thu nhập giữa giới đánh thuê; nhưng từ khi trở thành sĩ tử trong Đại học viện, Nguyệt Sinh Liên lại nuôi tóc dài, buộc búi cài trâm như ai. Chỉ có hai lọn tóc bên tai đặc trưng là vẫn vậy. Mười hai năm rời chốn giang hồ, tử thần kiếm sĩ rút kiếm không chần chừ, đoạt mạng không chớp mắt, người mà thiên hạ nghe danh không dám nhìn thẳng mặt nay lại chỉ như... một học sĩ bình thường. Cấm Thành có nhiều chuyện lạ, nhưng nếu hỏi Cấm Thành có gì lạ nhất, thì Sa Liên có lẽ sẽ đáp: "Học trò Chu Tước đại nhân".

Điều thú vị là Nguyệt Sinh Liên cũng nghĩ như thế. Trên đời ai ngờ đâu người chiến hữu bị hành quyết ở Liêm Sơn năm đó— một lãnh chúa giang hồ tiếng tăm cũng lẫy lừng không kém— bây giờ là sĩ tử, lại ở gần mình như vậy. Từ Đông các đại học viện đi ra Sử quán chỉ hai khắc rảo bộ, một khắc đi ngựa; đến Thái phó phủ cũng từng đó thời gian. Nguyệt Sinh Liên vẫn tự hỏi, tại sao mình không hay biết sớm hơn.

- Nhìn ta với ánh mắt đó là sao? - Nguyệt Sinh Liên để ý thấy Sa Liên cứ chằm chằm nhìn mình thì gối đầu lên tay chống trên bàn trà, mỉm cười mà đùa - Cũng sĩ tử thôi mà, có gì lạ đâu?

- Chuyện đó... người từ khi nào đã biết? - Sa Liên trầm giọng hỏi.

- Ừm, cũng khá lâu rồi. Tầm ba năm trước, hồi các hạ mới nhậm chức Chánh sử quan, chỉ là tình cờ thôi. - Nguyệt Sinh Liên đáp, rời mắt đi một khắc để nhớ lại - Nói là bất ngờ thì cũng còn khiêm tốn đó.

Giọng vị kiếm sĩ ngập ngừng một thoáng.

- Nhìn biểu hiện của các hạ lúc tái ngộ ở Kinh Xuân thì có vẻ như cả hai ta đều không ngờ sẽ có ngày đó nhỉ?

- Tin từ giang hồ không đến được Cấm Thành, nên cũng chẳng biết người ra sao sau cuộc loạn Liêm Sơn... Dù gì thì cũng đã cắt tóc thề tái sinh thành sĩ tử, chuyện gì ở giang hồ cũng chẳng còn quan trọng nữa. - Sa Liên đáp.

Nguyệt Sinh Liên lắc đầu, cười.

- Định mệnh... thật quái gở mà. Người chiến hữu thề tửu ngỡ đã xa tận chân trời thật ra lại gần ngay trước mắt. - Vị kiếm sĩ vẫn giữ nụ cười đó, nhớ đến nét mặt an lành của vị sử quan khi được nghe lại tiếng trúc tiêu hót lên Hoả báu ca.

- Người thì đã thành phế nhân, thiết trụ kình thiên thì thành gậy chống đi đường. Huyền Khôi có thể đang ở ngay trước mắt người, nhưng con người ở trước mắt không còn là Huyền Khôi nữa. - Sa Liên quay mặt đi, đáp, giọng như nghẹn trong cổ - Hai cái tên... một kiếp người... rồi thì... rốt cuộc... kẻ vô dụng này... là ai?

Nguyệt Sinh Liên không nghĩ mình nhầm. Người đứng kề vai mình ở chiến trường Kinh Xuân hôm ấy không ai khác là Huyền Khôi đại vương— tuy khoác áo thư sinh, tuy thương tật tàn phế, nhưng với thiết côn trong tay, vẫn anh dũng đối đầu kẻ địch như người thiếu hiệp ngày nào. Nguyệt Sinh Liên không nghĩ mình nhầm khi nhận lại người chiến hữu từ kiếp trước. Sa Liên có vẻ như biết rõ điều đó, biết rõ Huyền Khôi vẫn còn đây, nhưng vì những gì xảy ra trong cái ngày định mệnh, vì chén trà bái sư năm xưa mà người không thể ngoài mặt thừa nhận cái tên ấy của mình.

- Thôi thì... hai chúng ta cũng đều cắt tóc lập lời thề tái sinh, bây giờ đều là sĩ tử cả. Đổi một kiếp phong trần lấy áo thư sinh sống quãng đời còn lại trong bình yên với sư gia và tỷ muội đồng môn, cái giá này cũng khá hời. Ừ thì, không phải thực sự bình yên nhưng so với những gì chúng ta từng trải qua thì đây vẫn còn yên bình chán. - Nguyệt Sinh Liên khẽ nghiêng đầu, cười - Lúc nãy đi hội mua được bánh gì thế? Cho ta một miếng.

- Bánh quế hoa. Có lão bà người quen tặng, bảo về cung gửi Thái tử điện hạ một chút làm quà Trung thu. Đông cung thì cấm cửa, vào thế nào giờ? - Sa Liên đặt tay lên gói bánh.

- Tìm góc nào ít lính gác, khinh công leo tường vào thôi. - Nguyệt Sinh Liên nói, thò tay sang định vớ lấy bánh.

- Đi đứng còn không xong đây, tường cao như vậy leo thế nào?

- Để ta giúp. - Nguyệt Sinh Liên chìa tay - Nhưng mà cho ta một cái bánh trước. Đang tiết Trung thu, chia sẻ là vui vẻ mà.

Sa Liên lườm mắt nhìn nhưng cũng lắc đầu cười, đưa sang một cái bánh. Dành ra một phần cho tam vị tiên sinh, dành ra một phần trong gói cho Thái tử. Sa Liên để phần bánh trên gói giấy lên bàn trà ngoài sân, rồi sau đó chạy ra cửa với người chiến hữu, không quên một lời thông báo:

- Chúng con ghé Đông cung một lát.

Khuê Tước tiên sinh bất ngờ vì quyết định đột ngột đó, nhưng cũng cho qua. Sa Liên đã lâu không có thời gian hỏi thăm người huynh đệ, nay lại gặp lúc nguy khốn sự tình khôn lường, người không đành lòng cản lại. Nếu Uy ca lâm vào tình cảnh như vậy, người cũng sẽ liều tìm cách đột nhập Đông cung mà hỏi thăm thôi.

Trái với không khí nhộn nhịp, muôn dân nô nức ngược xuôi trẩy hội bên ngoài Cấm Thành, ở trong đây lại vắng lạnh gai người. Thi thoảng hai người bắt gặp dăm gia nhân gia nô chạy việc loanh quanh, nhưng trong những phủ đệ viện lâu này sao đến đèn cũng không thắp sáng. Trừ dinh Chánh sử quan dạo này thường được canh gác nghiêm ngặt ra, ban đêm cả Nội thành trở nên như tòa thành chết.

- Không phải có nhiều quý tộc quan lại sinh sống ở Nội thành sao? - Nguyệt Sinh Liên tự hỏi - Không lẽ họ dọn đi cả rồi?

- Từ khi nắm quyền Hình bộ, Đoàn thượng thư ban lệnh giới nghiêm và nhiều lệnh bảo an nữa. Dạo này quân nổi loạn lộng hành, có thể đột nhập vào Nội thành du kích nên ngài muốn bảo vệ mọi người hay gì đấy. Họ không thích bị kiềm kẹp nên dọn về tư dinh ngoại thành cả.

- Nhưng mà Sa sử quan đại nhân thì vẫn ở lại nhỉ? - Nguyệt Sinh Liên cười.

- Thì, biết đi đâu được. Ở dinh sử quan đến Sử quán dễ dàng, đến Thái y viện cũng tiện. Vả lại... Hồng Tước và Thi Kỳ đều đi cả rồi, để lại Thái tử một mình ở đây thì không đành. Rồi còn nghe ngóng cho đại tiên sinh.

- Xưa nay anh linh này vẫn giang hồ nhân mà, sao lại lo lắng cho người hoàng thất thế? - Nguyệt Sinh Liên đùa.

- Thái tử tuy người hoàng thất nhưng sau cùng vẫn là huynh đệ đồng môn. Nếu không lo lắng cho hoàng thất, ít nhất cũng lo cho người huynh đệ chung đèn sách mười mấy năm qua. Vả lại, hắn... chuyện năm đó... - Giọng vị sử quan như trầm xuống, ánh mắt ngước nhìn hoàng cung cũng tĩnh lạnh.

- Ta hiểu rồi. - Người kiếm sĩ gật đầu - Đi thôi. Đi thăm hắn một lát.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top