Chương 3: Những người bạn mới
Chương 3: Những người bạn mới
Chẳng mấy chốc đã đến ngày nhập học. Ninh Vân không có trường cấp ba, nên cả Như Ngọc và Nhật Phi đều phải lên thành phố học tiếp. Lần đầu tiên rời khỏi làng, Ngọc lạ lẫm nhìn thế giới xung quanh như chú mèo con. Không biết là hên hay xui, hai đứa học chung một trường nhưng lớp chuyên Lý của Nhật Phi được “đặc cách” cho học ở một cơ sở nhỏ, cách trường chính gần chục cây số. Cho nên lúc này chỉ có mình Như Ngọc đứng ngơ ngác trước cổng trường.
Như Ngọc ôm khư khư cái ba lô đã cũ trước ngực, chìm đắm trong mơ tưởng, đứng lặng yên. Mấy lá vàng rơi lả tả trong gió sớm. Vài tốp học sinh đưa tay chỉ trỏ vào cô bé đang mỉm cười ngồ ngộ trước cổng trường.
- Ê, con nhỏ đó… thần kinh hả?
Ngọc đứng hình năm giây, gương mặt chuyển một trăm tám mươi độ từ vui vẻ sang kinh ngạc, chầm chậm liếc nhìn những khuôn mặt vây quanh, rồi giữ nguyên dáng vẻ đó, di chuyển như bay về phía dãy phòng gần nhất. Khi đã đi khuất hẳn, cô mới lắc đầu thở dài, tự thấy mình ngớ ngẩn, rồi phì cười, tiện chân đá luôn cái hột bàng trước mặt. Cốp! Hình như hột bàng không văng trúng tường, mà trúng phải đầu một ai đó. Trong truyện thì thường là trúng phải một anh chàng đẹp trai nào đấy không chừng.
Như Ngọc hồi hộp nhìn lại.
Một cô bé vừa đi ngang qua, xui xẻo thế nào lại trúng ngay cú đá của Ngọc. Cô nhăn mặt đưa tay lên xoa đầu.
- Xin… xin lỗi…. – Ngọc luống cuống – mình lỡ… chân, mình không cố ý đâu…
Cô gái nhìn Ngọc, nhíu mày. Nhìn kiểu tóc tết kỹ càng và phong thái sang trọng của cô bé, có thể đoán cô sinh trưởng trong một gia đình khá giả. Ngọc thấy bạn im lặng, lại càng lo lắng:
- Bạn đau lắm không? Có bị chảy máu không?
(Như Ngọc này, một hột bàng thì làm sao có sức sát thương đến mức ấy!)
- Mình không cố ý thật đấy, nếu cố ý thì… đã không trúng rồi!
- Không sao. Tránh ra đi. – Cuối cùng cô gái kia cũng lên tiếng, bước vội qua để tránh con nhỏ “nhà quê” đứng chắn đường.
Như Ngọc nhìn theo, lắc đầu thở dài.
Trường Hùng Vương được xây trên một gò đất cao, để tránh mưa lụt thường gặp ở duyên hải miền Trung. Kí túc xá chỉ có vài phòng nhỏ, ưu tiên cho học sinh diện chính sách. Làm thủ tục đăng ký ở nội trú xong, Như Ngọc cầm chìa khóa đến trước phòng mới. Từ trên tầng ba nhìn xuống, Ngọc có thể thấy biển xanh ngắt đang vỗ sóng vào bờ. Nhìn sang bên cạnh, trường Đại học Nha Trang cũng sừng sững hiện lên trên nền trời xanh.
Cửa khóa ngoài, Như Ngọc định tra chìa mở cửa, nhưng nghĩ gì đấy lại thôi, đeo ba lô rời khỏi kí túc xá. Cô men theo dãy học xá, phát hiện cổng sau của trường dẫn ra bãi biển. Một chút thích thú làm cô nhoẻn miệng cười, nhảy chân sáo trên bờ đá nối dài đến bãi cát trắng.
Đã gần trưa nhưng biển vẫn khá nhộn nhịp. Những người khách du lịch ngồi trong các lán, trên võng nói cười vui vẻ. Những đứa trẻ bu quanh chiếc xe đẩy hàng rong, háo hức nhìn bong bóng hình siêu nhân, hình thú cưng đủ màu sắc. Những người bán đậu phộng luộc ôm thúng ngang hông, mời Ngọc mua ăn chơi. Cô bé mỉm cười từ chối, người bán hàng càng cười tươi hơn, mời chào nồng nhiệt. Vừa lúc ấy có tiếng la hét xôn xao, lập tức đám đông đổ dồn ánh mắt ra biển. Nhận ra có người sắp chết đuối, Như Ngọc quẳng luôn ba lô sang bên, vội vã lao xuống nước.
Sống gần biển, Như Ngọc đã biết bơi từ nhỏ. Tuy chưa phải là tay bơi cừ khôi, nhưng cũng đủ để cứu người đang chới với ngoài kia.
Như Ngọc bơi sải rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đến gần người đang vùng vẫy. Cô kịp nhận ra đó là một cô gái nhỏ, gương mặt hốt hoảng, tay chân quẫy đạp liên tục. Những lần Như Ngọc cứu người chết đuối đều như thế. Khi rơi vào cảnh nguy cấp không thể xoay sở được, người ta làm mọi việc theo bản năng, và cố gắng níu kéo sự sống cho đến giây phút cuối cùng. Ngoại trừ một người, một người đã từ lâu Như Ngọc không còn nhớ rõ mặt, không còn biết là ai, nhưng ánh mắt và sự bình thản của người ấy ám ảnh cô mãi đến sau này.
Như Ngọc mắng thầm mình, trong lúc nguy cấp lại để phân tâm bởi kỷ niệm đâu đâu, dẫu là chỉ một giây thoáng qua. Cô vội vã vươn tay túm lấy cô gái đã sắp kiệt sức, lôi về phía mình. Giữa mênh mang sóng nước, hai gương mặt trắng hồng nhấp nhô như hai đóa tường vi chao nghiêng trước gió.
Một lát sau, Như Ngọc đã kéo được người bị nạn lên bờ. Đám đông xúm quanh lo lắng. Người được cứu là một cô bé còn mặc đồng phục học sinh, tuy không biết bơi nhưng lại liều lĩnh ra khá xa và bị nước cuốn. Ho xong một trận đỏ cả mặt, cô bé vừa thở vừa cười:
- Cảm ơn bạn đã cứu mình. Mình tên là Hà My. Bạn tên gì vậy?
Đưa tay gạt mái tóc ướt mèm còn rỏ nước ròng ròng xuống cổ, Ngọc tít mắt cười với người bạn mới:
- Mình tên là Như Ngọc!
Hà My hơi ngẩn ra, mỉm cười:
- Hèn chi thấy bạn quen quen, mình với bạn học chung một lớp! Mình ngồi sau bạn hai bàn đó.
Nhận bạn bè được một lúc, Như Ngọc chợt nhớ đến cái ba lô của mình. Nhưng khi quay lại tìm thì nó đã không cánh mà bay. Như Ngọc không dám tin vào mắt mình, cho rằng đã tìm nhầm chỗ, nhưng chạy khắp bãi biển mà vẫn không thấy ba lô đâu. Hà My cũng hoảng theo Ngọc, chạy chỗ nọ, vạch chỗ kia, mặc dù chẳng biết ba lô của Như Ngọc hình dáng ra làm sao. Những người xúm quanh đó cũng chẳng ai hay biết, chỉ đành lắc đầu ái ngại. Như Ngọc thấy người bán đậu phộng đứng cạnh cô ban nãy, mừng quýnh lên, nhưng hỏi xong cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Cô ngồi bệt xuống cát, cảm thấy những tiếng nói xung quanh thật ồn ào, khó chịu.
- Thời buổi này mà, hở ra là mất cắp, đồ mình thì phải lo mà giữ chứ.
- Tội nghiệp con nhỏ, tại cứu bạn mới thành ra vậy chớ.
- Thôi thôi, nói làm gì, mất thì cũng mất rồi, làm được gì nữa. Nói con bé đi báo công an đi.
“Tất cả tài sản của mình nằm gọn trong ba lô đó. Không lẽ bây giờ quay về nhà? Số tiền đóng học phí ba phải dành dụm, sao mình lại có thể bất cẩn thế này?” Như Ngọc ngồi bất động, thẫn thờ nhìn xuống cát. Hà My tưởng Như Ngọc đang khóc, ái ngại không biết làm thế nào, đành nắm tay bạn lắc lắc. Như Ngọc ngẩng đầu lên, gương mặt vẫn bình thản, chỉ khẽ cười buồn. Hà My lấy làm ngạc nhiên, im lặng giây lát rồi mới nói:
- Ngọc mất bao nhiêu? Hay là My cho mượn một ít xài đỡ nha.
Như Ngọc định lắc đầu, nhưng nghĩ sao đó, lại gật đầu. Cô thầm nhủ mình chỉ mượn thật nhanh thôi, không ngờ cũng đến mấy tháng sau mới trả lại được. “Còn may là mình đã đóng tiền trọ ký túc xá.” Cô tự an ủi mình rằng trong cái rủi còn có cái may, ít nhất là cũng được một bài học nhớ đời vào ngày đầu tiên đến thành phố này.
Khi Như Ngọc trở về kí túc xá, cả phòng đã tụ họp đông đủ, có sáu người, một học sinh lớp 12, hai người lớp 11, ba học sinh mới lớp 10, thêm Ngọc nữa là bảy người. Phòng 402 đều là học sinh ở huyện, hoàn cảnh giống nhau nên sau mấy câu chào hỏi diễn ra nhanh chóng, chẳng mấy chốc đã có vẻ thân thiết.
- Nhà Ngọc ở Ninh Vân à? Có phải là một bán đảo không?
- Dạ phải.
- Vậy nhà em có đi biển không?
- Không ạ, ba em ở nhà bốc thuốc.
- A, vậy ba cậu là thầy lang hả? Cậu có học được chút nghề nào không?
- Tớ chỉ biết vài bài đơn giản thôi à.
- A, thế tốt rồi, mai mốt phòng mình có ai bệnh cũng đỡ tiền thuốc!
Mọi người cùng cười vui vẻ. Một lát, thấy Như Ngọc ngồi im trên giường, không lo dọn dẹp hành lý, mọi người mới buột miệng hỏi chuyện. Biết cô bị mất đồ, mọi người xuýt xoa, rồi sốt sắng cho cô mượn đỡ vài bộ quần áo, những thứ đồ sinh hoạt thì dùng chung, mấy ngày đầu rồi cũng tạm ổn. Như Ngọc thầm nghĩ, thành phố này cũng có thật nhiều người tốt.
---
Lớp học có thể ví như một đoạn phim ngắn, lúc thì ồn ào náo nhiệt như cái chợ, lúc thì yên lặng như mặt nước hồ thu. Còn học sinh là những diễn viên xuất sắc, có thể diễn những cảnh đa dạng như thế với vẻ mặt tự nhiên không cần chỉnh. Cô giáo vừa ra khỏi lớp, lập tức cảm thấy phía sau mình có âm thanh như tiếng ong vỡ tổ.
- Như Ngọc! – Tiếng My đột ngột làm Ngọc giật bắn mình.
- A … Gì vậy My?
- Gì mà giật mình dữ vậy? Nghĩ đến ai mà ngẩn ngẩn ngơ ngơ đó? – My cười – Cô giáo đi rồi.
Ngọc cười nhẹ, ngẫm nghĩ một lúc rồi ngước lên nhìn bạn.
- My này, cậu biết ở đây có việc gì làm thêm buổi chiều hoặc tối không?
My nhìn Ngọc vẻ tinh nghịch, đôi lông mày cô bé nhướng lên một chút rồi xích vào nhau, trông rất hài hước:
- Cậu - chưa- đủ -tuổi- lao- động- đâu- đấy- nhé! – Cô bé phát âm từng tiếng một, chậm rãi, đến nỗi Ngọc phải suýt đứt hơi vì nín thở để nghe trọn câu.
- Thật à? Tớ khai tuổi cao hơn có được không? My biết chỗ cần người đúng không? Giúp Ngọc với! Ngọc khẩn khoản.
Hà My nhìn Ngọc bằng ánh mắt thương hại:
- Ba cậu không tha thứ chuyện lần trước hả? Không cho cậu tiền nữa à?
Như Ngọc hơi khựng lại. Chuyện mất đồ cô không nói với cha. Vì cô biết để chuẩn bị cho con đi học, cha cô cũng phải dành dụm không ít. Ông Hai trước giờ không đòi tiền chữa bệnh, tùy lòng hảo tâm của bà con, ai đưa thì lấy mà thôi. Đến cả rau quả, cá gạo cũng là từ bà con trong xóm biếu cho nhà cô, chẳng mấy khi Ngọc phải đi mua. Nên bây giờ, Ngọc cũng chẳng biết phải nói với My như thế nào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top