6. Câu chuyện về quý bà "Sợ Mất"

Suốt cuộc đời, chúng ta luôn đi tìm kiếm sự cân bằng giữa "mất" và "được". Nếu ngày trẻ, vì ôm trong mình quá nhiều hiếu kỳ về thế giới mà ích kỷ cố chấp với "được", thì về già, thời gian trở nên xa xỉ, không có quá nhiều cơ hội "được". Thế nên, cái chúng ta để tâm, luôn đừng là "mất".

Năm nay, quý bà Sợ Mất vừa tròn năm mươi tuổi. Theo lời bà nói, thì nếp nhăn nơi khóe mắt hay tính khí nóng nảy tuổi mãn kinh đều không khiến bà cảm thấy cuộc đời của mình đã trôi qua quá nửa. Chỉ đến một ngày, phải bỏ cặp kính cận xuống mới nhìn rõ chữ trên điện thoại, bà mới chợt nhận ra mình đã già.

Quý bà Sợ Mất là người thuộc cung Nhân Mã phi điển hình, không hề thích tự do, cuộc đời của bà dường như đều quen với cách thức tuần tự mà tiến. Rõ ràng là mang mệnh sắm vai nữ chính, nhưng lại luôn đặt mình vào vai phụ, cuộc sống vừa giản đơn vừa dè dặt. Hỏi bà lý do, bà nói như vậy rất ổn. Nhưng phải biết rằng, ngày còn trẻ, bà là người phụ nữ với mái tóc xoăn bồng bềnh, tay khoác túi xách, vận sơ mi cao cổ cùng chiếc quần liền áo, trông giống diễn viên TVB Mông Gia Tuệ mà tôi từng say đắm một thời, bởi vì trên môi họ đều có một nốt ruồi mỹ nhân.

Chỉ là sau này, Mông Gia Tuệ đã trở thành vợ của Cổ Hoặc Tử. Còn quý bà Sợ Mất lại trở thành mẹ của một cậu nhóc.

Các bậc phụ huynh ở Trung Quốc đều thích giáo dục con cái theo kiểu đả kích. Quý bà Sợ Mất không phải là ngoại lệ, bà thường dùng logic của kẻ mạnh như "Con nhìn lại bản thân con, rồi nhìn người ta xem", "Cứ cái đà này, về sau chắc chắn sẽ uống nước lã cho mà xem", "Đều là muốn tốt cho con thôi"để giao tiếp với người thuộc thế hệ học sinh là tôi đây. Bởi vậy, không ít lần tôi đã giận dỗi bà. Trong ấn tượng của tôi, bà chưa từng đánh tôi bao giờ, mà chỉ dựa vào cái miệng càm ràm và đỉnh điểm nhất chính là kỹ năng rơi lệ trước mặt tôi, là có thể luyện được bản lĩnh "sợ bà" của tôi rồi.

Sợ bà biết tôi xem ti vi, thế nên tôi lấy quạt điện thổi vù vù vào nắp đậy phía sau ti vi, nhưng bà luôn có thể dựa vào lòng bàn tay để đo độ ấm. Sợ bà biết thành tích cuối lỳ, thế nên tôi làm giả giấy thông báo, nhưng bà luôn có thể phát hiện ra bản chính mà tôi cất giấu trong khe hở của chồng sách trên tủ một cách thần kỳ. Sợ bà biết tôi yêu sớm, nên mỗi lần ra khỏi nhà, đều nói mình đi chơi cùng mấy người anh em, nhưng bà luôn có thể nhìn thấy tôi trộm nắm tay cô nàng trên đường một cách khéo léo. 

Cuộc chiến đấu mưu trí này kéo dài tận đến khi quý bà Sợ Mất và tôi cùng chơi game trực tuyến mới ngừng. Bắt đầu nhập môn bằng trò Gỡ mìn, sau đó là Crazyracing Kartrider, cuối cùng đến Mộng huyễn tây du, World of Warcraft. Quãng thời gian nhiệt huyết nhất kia, tôi còn chuyển thể trò chơi thành tiểu thuyết, viết vào vở bài tập, quý bà Sợ Mất là độc giả duy nhất của tôi.

Mẹ con chúng tôi phiêu bạt giang hồ những mấy năm, nhưng mỗi lần nghĩ tới chuyện người cùng tôi trải qua kỳ nghỉ hè với tiếng ve kêu râm ran dưới tán cây và kỳ nghỉ đông khiến người ta tay lạnh chân cóng, cùng tôi làm mưa làm gió trong thế giới ảo là bà, hồi ức bỗng thêm chút thú vị khác lạ. 

Ngày lên thành phố học đại học là lần đầu tiên tôi xa bà. Còn nhớ ngày ấy, bà giúp tôi trải ga giường xong xuôi đâu đấy ở trường học, cứ lần lữa không về, túm lấy tôi lải nhải mãi không thôi. Bị bạn cùng phòng nhìn chòng chọc, không biết giấu mặt vào đâu, tôi có phần mất kiên nhẫn, muốn giục bà về. Cuối cùng, bà để lại cho tôi một câu, bảo tôi nhất định phải nghe lời bà. Tôi tưởng bà sẽ nói lời tạm biệt nào đó khiến tôi đỏ mắt, ai dè bà nói: "Lúc mua đồ, phải học cách bày ra bộ mặt không hài lòng đấy nhé". 

Bà ăn tằn ở tiện đã quen, chỉ sợ lần đầu tôi sống độc lập, không biết chi tiêu có kế hoạch. Đương nhiên là bà quá coi thường tôi rồi, chưa được nửa tháng, tôi đã chạy về nhà xin tiền. Quý bà Sợ Mất chau mày hỏi tôi: "Cho con bao nhiêu tiền sinh hoạt như thế, con tiêu vào những chỗ nào rồi hả?". Tôi liệt kê các chuyện to nhỏ cho bà nghe. Bà lắc đầu, thở dài: "Xem ra sau này, mỗi lần mua đồ con buộc phải trưng ra bộ mặt 'không thể mua nổi' một cách thành khẩn rồi". 

Học kỳ hai của năm thứ ba, bên cạnh có bao nhiêu bạn bè ra nước ngoài học nghiên cứu sinh, hầu như đều vì thích hư vinh, tôi cũng đề xuất ý định ra nước ngoài với quý bà Sợ Mất. Không ngờ bà tính toán có mấy hôm đã đồng ý. Lúc bấy giờ, điều kiện của gia đình tôi cũng chẳng dư dả gì. Cuối cùng, chúng tôi quyết định sang Anh học nghiên cứu sinh một năm. Đợi tôi thi IELTS xong, quý bà Sợ Mất nói hình như giờ bà mới nhận ra được chuyện tôi sắp phải xa bà. Thứ cho tôi bất hiếu, thực ra lúc bấy giờ trong lòng tôi sung sướng, phấn khích vô cùng. Thế nhưng về sau, tôi không đi Anh nữa. Song cảnh tượng cuối cùng vẫn là tôi xách va ly hành lý, tạm biệt quý bà Sợ Mất ở sân bay, hướng về Bắc Kinh. 

Bởi vì ngày gần đi nước ngoài, tôi nhận được cơ hội xuất bản sách. Thế nên, trong hai lựa chọn tiếp tục làm sinh viên hay trở thành "tác giả", tôi đã chọn vế sau không chút do dự, thậm chí còn dạt dào tinh thần viết một bức thư dài hơn ba nghìn chữ giải thích với quý bà Sợ Mất,  để bà ủng hộ quyết định của tôi.

Bà hiểu tính tình cố chấp của tôi, nên biết có khuyên giải bao nhiêu cũng vô dụng, để tôi đi chính là sự hào hiệp tuyệt vời nhất. 

Suốt ba năm bôn ba ở đất Bắc Kinh, tôi chưa có lúc nào nhàn rỗi, chúng tôi duy trì một cuộc điện thoại. Có lúc trò chuyện mãi, bà sẽ bất chợt cảm tính, nói tôi không ở bên cạnh, bà quả thực có phần không quen. Nghe giọng nói dần nghẹn ngào của bà, tôi vội lảng sang chuyện khác. Đôi khi, nỗi nhớ nhung của bà lại trở thành gánh nặng ngọt ngào cho tôi, sợ bản thân sẽ động lòng trắc ẩn trong thành phố đầy rẫy những cơ hội và tàn ác, sẽ không kiên trì nổi, khóc lóc quay đầu. Nhưng may là tôi đã vượt qua được. 

Kỳ nghỉ Quốc khánh năm đầu tiên quay trở về Thành Đô, quý bà Sợ Mất dẫn tôi đi ăn lẩu. Bà làm như thật, đưa điện thoại cho tôi, nói bà đã tự chụp ảnh. Kết quả, suýt nữa tôi đã đánh rơi điện thoại vào nồi lẩu bò. Trong bức ảnh chụp "tự sướng" kia, bà chải tóc sang một bên, che đi nửa khuôn mặt, mặc chiếc váy chấm hoa trễ ngực, chu miệng nhìn vào ống kính, trông vô cùng quyến rũ. Tôi hỏi bà: "Mẹ có chuyện gì sao?". Bà ngại ngùng: "Chẳng phải tụi trẻ các con đều "tự sướng" như thế này à!".

Từ đó, cứ dăm ba ngày, bà lại gửi các bức ảnh chụp "tự sướng" của mình cho tôi, sau đó biến thành chụp quần áo, váy vóc mà bà mới mua được trước gương. Bà không ngừng trưng cầu ý kiến của tôi, nói là nếu không đẹp, trên Taobao có thể trả hàng không cần lý do trong vòng bảy ngày. Về điểm này, tôi lấy làm nay mắn, chí ít thì quý bà này của tôi không cần ai dạy đã có thể nắm vững kỹ năng sinh tồn cần thiết khi mua hàng trên Taobao. 

Quý bà Sợ Mất có một người bạn thân hơn hai chục năm, từ trường dạy nghề đến đơn vị công tác, họ đều như hình với bóng. Nhưng có một ngày, bà gọi điện cho tôi, nhắc đến người bạn thân, bà bỗng bật khóc. Bà kể rằng, bởi vì bà đã được thăng chức lên làm tổ trường, mức lương cao hơn chút đỉnh, nên người bạn thân kia đã bịa đặt đủ điều về bà trước mặt lãnh đạo, sau đó không đếm xỉa gì tới bà nữa. Tôi nghe xong mà thổn thức mãi không thôi, thì ra sinh vật mang tên "bạn bè giả tạo" này cũng tồn tại ở mọi đọ tuổi. Mặc cho tôi có khuyên nhủ thế nào, bà vẫn khóc mãi, nức nở nói: "Mẹ chỉ thấy không đáng, cảm thấy phải ngốn hết thời gian một đời mới nhìn thấu một con người". 

Cũng vào khoảnh khắc ấy, hình như tôi đã hiểu bà phần nào. Bà sẵn lòng làm người qua đường hạnh phúc cả đời, vui vẻ vì một chuyện nhỏ nhặt, chau mày vì một chuyện vặt vãnh, thực ra đây cũng là một cảm giác an toàn mà chúng ta cầu còn không được. Cái gọi là "sợ mất", chính là không muốn tốn thêm thời gian để giãi bày cuộc đời mình cho người mới, việc mới, cũng bởi vì cảm thấy những thứ mà bản thân sở hữu đã đủ tốt rồi. 

Sau chuyện này, quý bà Sợ Mất càng hay trò chuyện với tôi hơn. Tôi lấy làm vui mừng rằng chúng tôi không bởi sự khác biệt của vòng tròn cuộc sống mà mất đi tiếng nói chung. Có lúc, bà gọi điện đến, còn tán gẫu với tôi về bộ phim điện ảnh mới công chiếu. Nhà tôi ở ngoại thành Thành Đô, đến rạp chiếu phim gần nhất cũng phải ngồi tàu điện ngầm, cả đi cả về mất hơn một tiếng đồng hồ. Bà nói, cuối tuần nhàm chán nên một mình bà đã ngồi tàu điện ngầm đi xem phim, dùng phiếu mua chung, tiện lợi lắm. Tôi nói bà sống thật "tiểu tư"*. Với tính tiết kiệm được bao nhiêu hay từng đó từ trước đến nay của bà, cùng lắm là xem phim qua thiết bị chiếu HD, hoặc dứt khoát cùng mấy bà tám quyết tử tới cùng trên bàn mạt chược. *Tiểu tư: chỉ những người được học và ảnh hưởng lối sống theo kiểu phương Tây*. 

Bà vô cùng đắc ý, bảo với tôi rằng thực ra bà đã thích ứng được với cuộc sống không có tôi ở bên rồi. 

Coi như bà lợi hại. 

Năm nay, tôi quay trở về Thành Đô ký sách, quý bà Sợ Mất ngồi ở một góc, nhìn toàn bộ quá trình tôi trả lời phỏng vấn và kỹ tặng. Sau một ngày bận rộn, chúng tôi lái xe về nhà. Trên xe, bà bỗng nói: "Nếu một ngày con cảm thấy mệt mỏi thì hãy dừng lại. Trong mắt mẹ, con đã rất thành công rồi. Cho dù hiện tại con chỉ là người làm công ăn lương đi chăng nữa, thì con cũng là người thành công. Từ rất nhiều năm về trước đã vậy rồi". 

Ngày hôm ấy, tôi không nói với bà rằng, tôi đã len lén đỏ cả vành mắt. Weibo của quý bà Sợ Mất cài đặt chức năng "đặc biệt quan tâm" tôi, hình nền điện thoại của bà là ảnh tôi, trong mục ứng dụng thời tiết chỉ có Bắc Kinh. Những chuyện không có liên quan đến tôi, bà không thể quan tâm nổi. Trước năm năm mươi tuổi, bà còn có cuộc sống của riêng mình. Sau năm mươi tuổi, hình như bà chỉ có tôi. Nhưng bà không hề nói cho tôi biết.

Giống như hồi game Tam Quốc Sát còn rất thịnh hành vậy, chúng tôi mỗi người độc chiếm một máy tính chơi không biết mệt. Nhưng sau khi tôi đi, cấp bậc của bà vẫn dừng lại ở đó. Thực ra, bà đã không thích chơi game từ lâu rồi, hoặc nói thẳng ra thì bà chơi game, xem phim, gửi ảnh chụp "tự sướng", những câu văn "súp gà" cho tôi, chẳng qua là bởi muốn đến gần hơn với cuộc sống hiện tại của tôi bằng cách thức vụng về, không để chúng tôi trở nên gượng gạo va xa lạ, để tôi đừng quá chú tâm vào độ tuổi "được", mà quên đi rằng đã là một bà già chỉ để tâm đến "mất". 

Lúc đặt bút viết bài này, quý bà Sợ Mất gửi cho tôi một đoạn video ngắn, là một bà già người nước ngoài chuẩn bị thổi nến sinh nhật, kết quả là thổi bay cả răng giả ra ngoài, bản thân ngượng ngùng bịt miệng cười to. Quý bà Sợ Mất nói: "Sau này, nếu mẹ ói ra răng giả, con không được cười mẹ đâu đấy".

Ngẫm nghĩ, vốn tưởng rằng thời gian là tài sản bảo đảm nhất, nhưng thực ra nó là quái vật có tâm địa, hầu như chưa cho chúng ta làm được bao nhiêu đã khiến chúng ta cảm thấy cuộc đời tựa hồ sắp chấm dứt. Tôi biết, đến ngày chia tay ấy, mọi người đều rất khó khăn, chúng ta đều đang già đi, chỉ là bà già nhanh hơn. Vậy nên, đôi khi, bà mới đem việc mà mình không thể làm xong cô đọng lại thành vô số những câu cằn nhằn. Còn những câu từ không đâu vào đâu kia, có lẽ tôi nghe tai trái ra tai phải, nhưng mỗi giây mỗi phút, bà làm tất cả mọi thứ đều vì tôi, trước giờ không chỉ là lời nói suông. 

Chúng ta càng ngày càng gắt gỏng, càng ngày càng hà tiện thời gian và lòng nhẫn nại cho người thân. Vất vả ngược xuôi lâu như vậy rồi, một lòng muốn cứu rỗi thế giới, song lại quên về nhà rửa chén bát giúp những người thân yêu của mình. 

Có một vấn đề đã quấy nhiễu tôi một thời gian dài, rằng tại sao mỗi lần tôi chìm trong biển người, quý bà Sợ Mất luôn có thể nhận ra tôi từ cái nhìn đầu tiên, bất kể là mọi người cùng mặc đồng phục, từ cửa trường học cấp một chen nhau ùa ra ngoài, hay khi lên đại học, tấm ảnh chụp tập thể tốt nghiệp đến cả trăm người, thậm chí là sau khi đi làm, tới sân bay đón tôi, bà đều có thể biết tôi đi ra từ cửa nào. 

Ngẫm nghĩ mà chẳng thể nào lý giải nổi. 

Sau này, tôi từng nói bà. Tôi vĩnh viễn không thể quên được phản ứng của bà khi ấy, bà chỉ ngẩn người một lát, nói: "Dựa vào cảm giác, cảm giác được con trai mẹ đang ở đây...". 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top