# 2
Ta từng hỏi nàng: "Bệ hạ, người có tin vào kiếp sau không?"
Nàng không đáp ngay, tay ngọc vân vê cánh hoa rụng trên gót sen, mất lâu sau mới mỉm cười đáp lại:
"Đời người chỉ cần sống sao để không phải hổ thẹn ở kiếp này là đủ, cần gì phải biết có kiếp sau hay không?"
Đương ấy, ta thầm nhủ với lòng mình rằng. Đời này, ta tuyệt đối sẽ không làm gì để phải hổ thẹn với nàng. Nhưng, rốt cuộc cho tới tận lúc lìa đời người gây nên thương tổn lớn nhất trong lòng nàng, lại là ta.
Thiên Hinh, nếu có kiếp sau xin đừng gặp lại.
*
Ngày ba mươi mốt tháng ba năm Đinh Sửu [1277], tại cung Vạn Thọ.
Mấy ngày gần đây ta luôn cảm thấy cơ thể mình yếu đi rất nhiều, thậm chí chẳng còn nghe lời ta nữa. Hơi thở cũng trở nên mong manh, tự ta cảm thấy có lẽ thời khắc ấy sắp đến rồi. Nhớ lại năm trước ta thấy có con rết bò trên lưng, liền sợ hãi phủi nó rơi xuống đất kêu keng một tiếng, nhìn lại hóa ra là cái đinh sắt. Sau đó, lại sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan nghiệm xem điềm lành hay điềm dữ. Hôm sau, hắn tâu:
"Bẩm Thượng hoàng, thần thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có chữ "nguyệt", trên hòm có một cái kim, một chiếc lược."
Khi ấy ta đã lờ mờ đoán hòm tức là quan tài, chữ nguyệt ở bốn bên tức là tháng tư, cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài, chữ sơ là chiếc lược đồng âm với sơ là xa tức là rời ra nhân thế. Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu: "Mau đến ngày mồng một thay phiên." (1)
Vậy là ngày mồng một ta chết. Ta nằm trên long kỷ, khẽ thở dài một tiếng trong lòng. Chớp mắt, ngày mai đã là tháng tư.
...
Ta chưa bao giờ mơ một giấc mơ dài đến thế, thậm chí còn có vài phần chân thực đến nỗi khi tỉnh dậy khóe mắt đã trào ra một dòng nước trong veo, mặn chát. Có lẽ, khi người ta sắp rời xa dương gian sẽ được một lần hồi tưởng lại quá khứ đã qua. Cả cuộc đời này, ta chưa bao giờ làm chuyện có lỗi với tổ tông, với muôn dân Đại Việt nhưng... duy chỉ với nàng, ta lại có lỗi vạn phần. Rốt cuộc giây phút cuối cùng, người ta muốn gặp nhất vẫn chính là nàng.
Trong cơn mê man, dù sức lực đã tàn, ta vẫn cảm nhận được bàn tay quen thuộc ta đã từng nắm chặt để cùng nhau trốn chạy suốt đêm, đã từng cùng ta thề non hẹn bể trong những năm tháng thơ trẻ, và cũng từng để ta buông ra khi người ấy cần một bờ vai nương tựa nhất. Giờ đây, khi ta sắp lìa xa cõi này thì bàn tay ấy lại chẳng ngần ngại mà siết chặt lấy tay ta.
Có chút ấm áp, lại có chút xót xa.
Đôi mắt đã hoen nhòe bởi sự già cỗi, phía trước mắt mình chỉ còn một cái bóng mờ mờ, dù cho ta cố gắng bao nhiêu thì cũng chẳng thể nào nhìn rõ được. Nhưng ta biết, nàng vẫn đẹp như xưa. Cho đến tận giây phút này, câu hỏi trong lòng ta bấy lâu nay luôn quanh quẩn mãi trong đầu đột nhiên thoát ra ngoài qua cuống họng khô rát. Ta dùng những hơi thở cuối cùng còn sót lại, siết chặt tay nàng mà hỏi như khi xưa:
"Công chúa, người có tha thứ cho ta không?"
Rốt cuộc, ta vẫn không chờ được câu trả lời của nàng.
Cơ thể trở nên nhẹ bẫng, đôi tai cảm thấy ù ù tựa như đứng cạnh một cơn bão lớn, lẩn khuất đâu đó là tiếng chuông ngân, tiếng gào khóc của rất nhiều người, trong đó hình như có cả tiếng nàng. Khoảnh khắc con người chết đi hóa ra lại nhanh chóng đến vậy, chỉ vừa mới chớp mắt đã thấy mình đứng trên con đường dải sỏi đá chạy dài về phía trước, giữa biển hoa đỏ rực như máu lửa.
Ta chậm dãi đi theo người dẫn đường phía trước, mỗi khi bàn chân dẫm lên đám sỏi đá là cơn đau buốt lại truyền tới khắp thân thể tựa hồ bị ngàn mũi kim đâm vào, đau thấu tim gan. Người dẫn đường nói đám sỏi đá này hình thành sau mỗi sai lầm của con người ở kiếp trước, ta không ngờ kiếp trước bản thân mình lại mắc sai lầm nhiều đến thế.
Quãng đường sỏi đá ấy không dài, mất ít lâu sau ta đã tới cầu Khỉ bắc qua sông Vong Xuyên để tới cõi luân hồi. Bên trong lán cạnh cây cầu có một bà lão răng đen bóng, tóc bạc phơ búi gọn phía sau gáy, thân mặc tứ thân màu xám bạc giản đơn, trên đôi bàn tay nhăn nheo bưng khay gỗ đựng bát cháo lú màu lam sóng sánh. Nghe người dẫn đường nói, uống xong sẽ quên hết thảy mọi chuyện ở kiếp này.
Cầm bát canh Mạnh Bà trên tay, lòng ta như trĩu nặng bởi những day dứt ở kiếp trước. Ở kiếp đó ta đã từng gây ra nhiều tổn thương cho nàng, ở kiếp đó ta còn chưa có cơ hội bù đắp, để rồi khi nghĩ tới nàng phải sống trong cô quạnh, lòng ta lại đau đớn khôn nguôi. Song, đến cuối cùng, dù gì ta vẫn phải quên đi, bởi đó là luật trời, chỉ là giá như nàng cũng quên được thì tốt biết bao.
"Văn Hoàng, xin người dừng chút." (2)
Thanh âm trong trẻo như giọt nước chạm vào ngọc thạch vang lên phía sau ta như có, như không. Ta hạ bát canh xuống ngang tầm ngực, khẽ quay người lại nhìn xem rốt cuộc là ai. Người thiếu nữ vận tứ thân màu xanh nhạt thướt tha lướt đến rất nhanh. Nàng ta đột nhiên quỳ xuống trước mặt khiến ta một phen kinh ngạc.
"Văn Hoàng, tôi là Ngọc Thanh – một tiểu tiên hầu hạ Thượng Thiên thánh Mẫu trên thiên giới (3), vài tháng trước tôi xuống nhân gian để lịch kiếp, trong một lần gặp nạn may mắn được ngài cứu giúp. Hôm nay, tôi muốn đến để báo ân ngài."
Ta vội vàng đỡ nàng đứng dậy, sau đó nhìn nàng suy xét. Gương mặt này dường như có chút quen thuộc, suy ngẫm hồi lâu cuối cùng ta cũng nhớ ra. Năm ấy, trong một lần đi lên Yên Tử bái Phật đúng là ta đã từng giúp đỡ một người đàn bà yếu ớt đang kéo tấm ván đặt người chồng bị bệnh hủi vào trấn tìm thầy lang. Ta cảm thương số phận nàng, bèn sai thái y khám bệnh và chữa trị cho người chồng, còn dặn phải kê loại thuốc tốt nhất. Đương ấy, nhìn tình cảm của vợ chồng họ lại khiến tim ta đau thắt khi nhớ về những tháng ngày bên cạnh Thiên Hinh. Ta tự hỏi nếu ta và nàng không sinh ra trong hoàng tộc, có lẽ mọi chuyện sẽ không như ngày hôm nay, có lẽ đôi ta sẽ như bọn họ tuy rằng cuộc sống có nghèo khổ nhưng mỗi ngày đều là hạnh phúc viên mãn. Như thế có gì không tốt? Nhưng ý trời đã định, kẻ phàm nhân sao có thể đổi thay?
Hóa ra người đàn bà ngày ấy lại là một tiên tử xuống nhân gian để lịch kiếp.
"Hóa ra nàng là tiên nữ."
"Văn Hoàng, trong lòng ngài hiện giờ còn điều gì chưa cam tâm?" Nàng chợt hỏi.
Ta lại suy nghĩ, ở kiếp trước chỉ có Thiên Hinh là người mà ta mang nợ nhiều nhất, cũng là người khiến ta không cam tâm nhất khi rời khỏi trần thế. Nhân duyên giữa ta và nàng luôn bị ràng buộc bởi quyền thế, bởi mưu toan chốn cung đình, muốn yên ổn lại càng không thể.
"Điều khiến ta không cam tâm nhất chính là chưa được ở bên cạnh người mà ta yêu thương cả đời." Ta khẽ thở hắt ra một tiếng não nề, đôi mắt cũng trùng xuống bởi bi thương.
"Nếu vậy ngài có muốn bù đắp cho người đó không?" Dường như nỗi bi thương của ta cũng lây sang tâm trạng người đối diện, giọng nàng ta vì thế mà trở nên trầm hơn.
"Có, ta rất muốn."
"Vậy... tiểu tiên sẽ giúp ngài toại nguyện." Ngọc Thanh đáp.
"Giúp ta toại nguyện như thế nào?" Ta chưa hiểu hết ý nghĩa trong câu nói, liền hỏi lại.
"Có điều, thời gian chỉ trong vòng một nén nhang."
Một nén nhang dài bao lâu chứ? Dù ngắn hay dài, chỉ cần được gặp lại người ấy thì tâm ta đã mãn nguyện rồi. Ta khẽ gật đầu, đôi mắt bỗng trở nên mệt mỏi từ từ khép lại.
*
Ta thật sự không biết bản thân đã rơi vào hố đen đó bao lâu nhưng cảm giác giống như cả vạn năm đã trôi qua, cho tới khi ta bắt đầu ngờ vực về tiên pháp của Ngọc Thanh thì chợt bên tai nghe thấy tiếng gió vù vù khiến ta bừng tỉnh, có lẽ bởi trong hố đen quá lâu nên phải mất một lúc những hình ảnh mờ nhạt trước mắt mới trở nên rõ ràng. Ta nhìn xung quanh một lượt, không khó để nhận ra bản thân đang ngồi trước án thư trong điện Bát Giác, bên ngoài trời tối đen như mực, gió thét gào như sắp có bão kéo qua.
Mất thêm một lúc lâu định thần lại, cơ thể dần dần cảm nhận hơi lạnh xung quanh khiến ta khẽ rùng mình ngờ ngợ đoán có lẽ đang là mùa đông. Lại nhìn xuống đống văn kiện trên án thư, ta biết được hiện tại đang là ngày mười hai tháng Chạp năm Kiến Trung thứ tám [1232]. Vậy là còn ba ngày nữa, Thượng phụ (4) sẽ lập bẫy chôn sống toàn bộ tôn thất họ Lý ở Hoa Lâm (5).
Ta nhớ năm ấy, Thiên Hinh đang mang thai tháng thứ tám, khi nghe tin dữ này nàng liền đau bụng dữ dội sau một đêm thì sinh ra Trịnh, đứa con trai đáng thương của ta. Ngày đó, bởi sinh non nên Trịnh không qua khỏi, chuỗi ngày đau khổ bắt đầu dằn vặt nàng trong suốt những năm tháng dài đằng đằng về sau. Nếu Ngọc Thanh đã cho ta cơ hội sửa sai lỗi lầm, vậy thì ta không muốn bản thân nhu nhược mà lặp lại vết xe đổ năm xưa, không muốn để nàng chịu bất kỳ tổn thương nào nữa.
Tâm trí ta xoay chuyển liên hồi, cuối cùng ta cũng nghĩ tới một người có thể giúp ta. Lê Tần, người bạn từ thuở nhỏ cũng là một vị tướng tài mà ta có thể tin tưởng được.
"Nguyễn Bần?" Ta khẽ gọi tên nội thị cận hầu, lúc nào hắn cũng trực ở bên ngoài. Quả nhiên, hắn đáp lại rất nhanh.
"Dạ, Bệ hạ có điều gì cần căn dặn ạ?"
"Sớm mai cho người đi báo với Lê Tần đợi ta ở điện Bát Giác."
"Dạ, nô tài xin tuân mệnh."
...
Sau buổi thượng triều kết thúc, ta mau chóng rời điện Thiên An đi đến điện Bát Giác, nghe cung nhân bẩm báo Lê Tần đã đợi từ lâu. Khi vào đến điện, ta cho bọn cung nhân, nội thị lui ra hết chỉ còn lại ta và hắn. Hắn đứng phía dưới, đầu vẫn cúi nhìn mũi chân. Ta khẽ hắng giọng, rồi hỏi:
"Nhờ có khanh đi dẹp đám thổ phỉ ở Hoa Lâm nên dân chúng mới được yên bình, trẫm sẽ phong thưởng hậu hĩnh."
"Tạ ơn Bệ hạ, đấy vốn là trọng trách của thần, thần không dám kể công." Lê Tần khiêm tốn cúi người rồi đáp.
"Thật ra, trẫm còn có việc quan trọng cần đến ngươi."
"Xin Bệ hạ cứ nói, thần tuyệt đối sẽ không phụ lòng ngài."
Ta gật đầu, vẫy tay gọi hắn tiến lên gần hơn chút. Ta hạ giọng nói nhỏ vào tai hắn:
"Ba ngày nữa, người họ Lý làm lễ tế các tiên đế ở Thái Đường. Thái sư sẽ bày kế thủ tiêu bọn họ, trẫm cần ngươi cứu bọn họ sau đó đưa bọn họ rời khỏi Đại Việt, vĩnh viễn không được quay đầu."
Ta thấy hắn rùng mình, sắc mặt thoáng biến động, là kinh hãi. Nhưng chỉ một chốc, hắn đã lấy được bình tĩnh mà đáp lời ta.
"Cứu bọn họ, thần có thể làm được. Chỉ e Thái sư sẽ nghi ngờ."
Điều này, ta đã cân nhắc kỹ, chỉ cần có kẻ chết thay bọn họ, Thượng phụ sẽ không nghi ngờ. Ta nói với hắn.
"Chẳng phải ngươi đang đau đầu vì không có chỗ giam đám thổ phỉ hay sao?"
Chỉ một lời này, hắn liền hiểu ý, mắt bỗng sáng lên.
"Thần đã hiểu, xin ngài yên tâm, việc này thần sẽ sắp xếp thỏa đáng."
Ta khẽ gật đầu. Lê Tần là người thế nào, ta biết rất rõ. Hắn là người thông minh lại cẩn trọng, sẽ không có gì phải bận tâm. Sau khi hắn lui đi, ta cùng đám cung nhân rời khỏi điện Bát Giác, đi tới cung Phượng Tê thăm nàng như mọi ngày. Nàng ngồi bên khung cửa sổ chuyên tâm may bộ đồ trẻ con nên không để ý có người tới, ta cũng phẩy tay cho bọn cung tỳ lui ra. Đến khi chỉ còn ta và nàng, ta mỉm cười nhẹ nhàng bước đến, ôm nàng từ phía sau. Mùi hương thơm từ kẽ tóc, từ cơ thể nàng phả vào mũi, ấm áp, thân thương đến lạ. Dường như đã quá lâu rồi, ta không còn ngửi được mùi hương quen thuộc này, đã quá lâu rồi ta không cảm nhận được hơi ấm từ nàng, bất giác tay ta siết chặt hơn.
"Bệ hạ, ngài làm thiếp đau."
Ta bừng tỉnh, không ngờ ta lại làm đau nàng. Vội vàng buông tay, ta ân cần nhắc nhở:
"Mấy hôm nay trời trở lạnh, Hậu nhớ mặc ấm kẻo bị cảm."
"Thiếp biết rồi, chỉ là mấy hôm nay đứa bé này cứ đạp làm thiếp hơi khó chịu." Nàng hơi cau mày, than thở. Ta mỉm cười, đưa tay lên mi tâm nàng xoa xoa.
"Không được cau mày, Hậu cau mày sau này sinh ra con cũng sẽ mang tật xấu này đấy."
"Vậy thiếp không cau mày nữa, sẽ không đâu." Nàng thả lỏng người, tay giơ chiếc áo nhỏ mới may lên trước mặt ta. "Bệ hạ xem, cái áo này thiếp may đẹp không?"
Ta ngắm nghía một chút rồi cũng mỉm cười.
"Đẹp, đẹp lắm. Hậu may thì chỉ có đẹp thôi, con chúng ta thật may mắn khi có được người mẹ như nàng."
Nàng vui vẻ ngả người vào lòng ta, không lâu sau liền mệt mỏi mà thiếp đi. Thiên Hinh, ta sẽ bảo vệ nàng, bảo vệ con chúng ta.
Lại mấy ngày nữa trôi qua, mọi chuyện vẫn diễn ra như trước, tin tức báo về có hơn trăm mạng người tôn thất họ Lý gặp nạn ở Hoa Lâm. Trên triều đường hôm ấy bị một phen náo loạn, có người bất mãn nói mấy lời đạo nghịch liền bị Thái sư phạt đánh, xong xuôi đâu lại vào đấy, yên ổn như không có chuyện gì. Ở chốn hậu cung, tin tức vẫn bị ta bưng bít. Tuyệt nhiên, không ai dám trái lệnh hé răng nửa lời với nàng. Mỗi ngày trôi qua, ta đều đến thăm nàng, vui vẻ chờ đợi đứa con đầu lòng của chúng ta.
Một ngày kia khi đang cùng nàng đi dạo trong hoa viên thì Nguyễn Bần hớt hải chạy tới quỳ sụp trước mắt ta, miệng lắp ba lắp bắp:
"Bẩm Bệ hạ, Thái sư... Thái sư..."
Ta bực mình mắng hắn vài câu vì tội bất kính rồi sai cung nhân đưa nàng trở về. Đến khi nàng đi khuất, hắn mới bình tĩnh mà tâu chuyện:
"Bẩm Bệ hạ, Thái sư trên đường trở về thì bị hành thích, đã... đã không qua khỏi rồi."
Lời kia vừa dứt, ta bỗng choáng váng đầu óc, bản thân cũng ngã sụp xuống nhưng may thay Nguyễn Bần đã vội đỡ ta dậy.
Chuyện gì thế này? Tại sao... Thượng phụ?
Chẳng lâu sau, ta đã định thần lại rồi cũng nhanh chóng theo đám Nguyễn Bần rời cung.
Thượng phụ bị hành thích, hơn nữa thích khách còn là hậu duệ họ Lý, y cũng đã bị giết chết tại chỗ rồi. Vậy là chỉ một thay đổi nho nhỏ của ta, dòng chảy lịch sử liền rẽ sang một hướng khác. Nếu có người hỏi ta có hối hận không? Có, ta hối hận. Nhưng nếu được lựa chọn lại, ta vẫn sẽ làm như thế. Bởi đời trước ta đã nợ nàng quá nhiều rồi, đời này gặp lại, ta muốn bù đắp cho nàng nhiều hơn, chỉ vậy thôi. Cả kiếp này, và những kiếp sau nữa.
Tháng sau, Thiên Hinh lâm bồn. Trải qua một đêm đau đớn, nàng sinh hạ một hoàng tử rất kháu khỉnh và đáng yêu. Ta liền đặt tên cho đứa nhỏ là Trịnh.
Thượng phụ mới qua đời nên lễ đầy tháng của Trịnh không được làm to, hơn nữa Thiên Hinh cũng không muốn phô trương. Bởi vậy chỉ có Vương phi Lý Ngọc Oanh (6) được nhập cung thăm nàng, ngay cả Linh Từ Quốc mẫu (7) đang chịu tang chồng nên cũng không vào. Chỉ là, ta đâu ngờ tin tức ngày kia ta bưng bít bấy lâu cuối cùng cũng có ngày đến tai nàng. Lúc ta đến thì đã muộn, nàng nhìn ta đầy căm phẫn, đẩy ta ra xa không để ta chạm vào nàng. Nàng lùi lại, tay cầm cây kéo hướng mũi nhọn về phía ta mà gằn lên từng tiếng đau thấu tâm can.
"Ngươi... họ Trần các ngươi đã có được thiên hạ, cớ sao còn không tha cho họ Lý chúng ta? Các người, các người là một lũ ác quỷ, một lũ tàn độc. Ta hận, ta hận các ngươi."
"Hậu, nàng bình tĩnh, bình tĩnh lại đã."
Ta cố gắng khuyên lơi nhưng dường như trong mắt nàng khi ấy chỉ có thù hận, không có ta. Ta tiến lên một bước, nàng lùi lại một bước. Đến khi nàng lùi tới lan can, ta sợ nàng sẽ bị ngã liền không ngần ngại mà lao tới, ôm chặt lấy nàng. Nàng hoảng sợ, trong khoảnh khắc nhất thời không làm chủ mũi kéo kia liền đâm mạnh vào bả vai ta. Cơn đau buốt dội đến bất chợt khiến ta ngã quỵ xuống, hai tay vẫn ôm chặt nàng.
Ta nhìn thấy nỗi hoang mang xen lẫn cả sự ân hận đang dâng lên trong mắt nàng khi thấy ta đổ máu, trong thoáng chốc nàng bật khóc, khóc đến thương tâm. Ta không nỡ, miệng gắng cười rồi đưa tay lên lau đi khóe mắt ấy. Khẽ nói:
"Không sao đâu, đừng khóc."
Nàng như một đứa trẻ càng khóc lớn hơn, mãi đến khi mệt quá liền ngả người vào lòng ta mà thiếp đi. Ta mặc kệ vết thương kia, ôm chặt lấy nàng không buông. Đến tận khi chiều buông xuống, nàng cựa người tỉnh lại, ta nhìn nàng mỉm cười rồi từ từ kể cho nàng nghe sự thật.
"Bệ hạ không gạt thiếp chứ?" Nàng ngờ vực hỏi ta.
"Quân vô hí ngôn. Ta tuyệt đối không gạt Hậu, Lê Tần có thể làm chứng."
Một lời kiên định của ta đã khiến nàng bình tâm trở lại, ta thấy nàng im lặng rất lâu, cuối cùng khuôn mặt cũng giãn ra, đôi mắt dần trở nên linh động như trước.
"Thiếp tin ngài."
Sóng gió và đau thương qua đi, chúng ta không còn là quân cờ cho kẻ khác, vận mệnh do chính bản thân mình quyết định. Từ nay về sau chỉ có ta và nàng sống an yên nơi Cấm thành, mỗi ngày đều nhìn Trịnh khôn lớn, nhìn những đứa con khác của chúng ta lần lượt chào đời.
Ngày hai mươi bốn tháng hai năm Nguyên Phong thứ tám [1258], ta nhường ngôi cho con trai thứ hai là Hoảng (8) rồi lui về Bắc cung làm Thái thượng hoàng, tạo cơ hội cho hắn làm quen chính sự, đồng thời tránh xung đột tranh ngôi giữa các hoàng tử sau này.
Chớp mắt, mười năm, hai mươi năm rồi ba mươi năm qua đi. Thiên hạ thái bình thịnh trị, lời hứa khi xưa cuối cùng cũng đến lúc thực hiện, ta cùng nàng rời khỏi Cấm thành ngao du khắp bốn bề Đại Việt. Đến cuối cùng dừng chân trên núi Yên Tử, ngắm ánh chiều tà đang buông dần sau dãy núi xa xa. Nàng ngả đầu vào vai ta, tay nắm thật chặt, mắt nhằm hờ, miệng khẽ thì thầm:
"Cảnh, thiếp yêu chàng. Nguyện kiếp sau, xin được gặp lại chàng."
"Nhất định."
*
"Văn Hoàng, chúng ta phải trở về rồi!"
Giọng nói của Ngọc Thanh vang vọng bên tai ta, chỉ trong chớp mắt ta đã thấy bản thân đứng dưới cây cầu khi trước, đối diện vẫn tiên tử mặc áo xanh nhạt kia, chỉ là trông sắc mặt nàng ta tái nhợt hơn rất nhiều. Ta khẽ nhíu mày, lo lắng thăm hỏi:
"Tiên tử không sao chứ?"
Ngọc Thanh lắc đầu, nàng cúi xuống giấu đi nét buồn bã.
"Xin lỗi ngài, pháp lực của tiểu tiên không tốt, không thể xoay chuyển luân hồi. Những gì ngài vừa trải qua thực ra chỉ là... mộng cảnh. Lịch sử đã xảy ra, tiểu tiên không thể thay đổi được."
Lời nói sau cùng của nàng ta khiến tâm ta trùng xuống. Mộng cảnh? Hóa ra tất cả chỉ là mộng cảnh thôi sao?
Không nén nổi nỗi thất vọng đang dâng lên, ta khẽ thở dài. Trách sao được, trách ai bây giờ. Chỉ là, ta nhận ra hóa ra có những chuyện đã xảy đến trong đời sẽ không bao giờ vãn hồi lại được, có những tổn thương đã gây nên cũng không bao giờ lành lại như cũ. Vậy nên giống như lời nàng đã nói năm xưa: Đời người chỉ cần sống sao để không phải hổ thẹn ở kiếp này là đủ, cần gì phải biết có kiếp sau hay không? Ai biết được kiếp sau sẽ thế nào?
"Thì ra là vậy. Ta không trách nàng, dù chỉ là mộng cảnh nhưng đối với ta cũng đã là viên mãn rồi."
Ngọc Thanh dường như vẫn áy náy trong lòng, giây sau nàng ta nói:
"Tuy không thể thay đổi được lịch sử nhưng tiểu tiên có thể giúp ngài và nàng ấy có thể bên nhau ở kiếp sau."
"Kiếp sau ư?" Ta ngờ vực hỏi lại.
"Đúng vậy, kiếp sau không có quân – thần, không có quyền thế - danh vọng, cũng không có mưu toan – tranh đấu, chỉ có một đời bình an."
"Một đời bình an."
Ngọc Thanh mỉm cười, nàng ta đưa tay ra hóa phép lên canh Mạnh Bà rồi khẽ gật đầu. Ta nhẹ nhàng nâng chén canh lên miệng, không chần chừ mà uống cạn.
Thiên Hinh, ta đợi nàng ở kiếp sau.
Một đời bình an, mãi không chia lìa.
_________
Bàn luận một số vấn đề trong truyện:
1, Nhiều bạn cho rằng Mạnh Bà chỉ có trong thần thoại Trung Quốc, và cho rằng sự xuất hiện trong truyện là lậm Trung. Nhưng tôi xin giải thích như sau: Mạnh Bà có trong thần thoại về Mẫu Địa Tiên - Một trong mẫu đứng đầu Tứ phủ cai quản Địa phủ. Trong thần thoại có nhắc đến Chuyển Luân Vương, Mạnh Bà nấu cháo lú, Thập điện Diêm Vương. Các bạn có thể google tìm đọc, tôi không có sách mà dẫn chứng. Nếu vẫn cảm thấy lấn cấn thì tốt nhất đến chùa, phủ (đặc biệt ở Miền Bắc) để hỏi các thầy sẽ rõ, thực tế rõ hơn sách viết.
2, Giải thích về hành động của Thái Tông.
+ Chiếu theo những gì ghi chép trong ĐVSKTT thì khi Thái Tông nghe ý định phế - lập hậu của Thái Sư thì ông đã rất bất bình, tức giận chạy lên núi Yên Tử định quy y cửa Phật, điều này chứng tỏ ông không ủng hộ việc làm của Thái Sư lúc đó, tại sao ông không ủng hộ ư? Vì theo quan điểm của tôi thì ông yêu Lý Chiêu Hoàng (chung sống với nhau nhiều năm không có tình thì cũng có nghĩa chứ?), cũng bởi vì Trần Liễu nữa, việc cướp vợ của anh trai là khó chấp nhận.
+ Cũng chiếu theo sử sách ghi chép thì ông là người sùng đạo Phật và ông là một thiền sư đức độ. Điều này nghĩa là ông là một người nhân từ, chắc chắn không chấp nhận việc làm hại chết mấy trăm người tôn thất nhà Lý ở Hoa Lâm của Thái Sư. Vậy tại sao ông không phản ứng ư? Có thể là ông không biết, hoặc biết nhưng không ngăn chặn được âm mưu đó.
===> Cả 2 điều trên dẫn đến hành động cứu tôn thất họ Lý sau khi ông trùng sinh như trong truyện của tôi. Lẽ nào, một người nhân từ tu thiền như ông khi biết âm mưu của Thái Sư và biết được những điều xấu sẽ xảy ra lại khoanh tay đứng nhìn sao? Rõ ràng không thể như vậy được. Nên hành động trong truyện theo quan điểm của tôi là hoàn toàn hợp tình hợp lý chứ không ngây ngô, không "não yêu đương" như vài bạn nói.
3. Văn phong của tôi được nhận xét là như edit. Điều này tôi sẽ cố gắng cải thiện.
Ghi chú:
(1) Dựa theo Đại Việt sử ký toàn thư - trang 183.
(2) Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Thiện Hoàng, sau đổi thành Văn Hoàng và được quần thần tặng tôn hiệu Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng đế.
(3) Người cai quản thiên giới theo Đạo Mẫu Việt Nam.
(4) Thái sư Trần Thủ Độ.
(5) Thuộc huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sự kiện này tuy có nhắc trong ĐVSKTT nhưng theo sử thần Lê Văn Hưu thì sự kiện này còn nhiều nghi vấn nên không thể chắc chắn 100% có xảy ra.
(6) Vợ của Hoài Vương Trần Liễu, chị ruột của Lý Thiên Hinh.
(7) Trần Thị Dung.
(8) Tức Trần Hoảng - Trần Thánh Tông.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top