Chương 9 - 1: Thuỳ thức cựu xuân thu (1)
Xuân lướt qua mang một màu ảm đạm. Dẫu trong cung hay ngoài dân gian, người ta cũng chẳng còn nhớ được mùi bánh chưng, mùi dưa hành hay tiếng leng keng của khánh đất treo trên ngọn cây nêu, mà chỉ nhớ đến chuyện trai đinh ở các lộ đều đã tòng quân từ sau rằm. Đánh nhau to. Đâu đâu dân cũng kháo nhau như thế trong nỗi thấp thỏm. Nhưng trận mạc ở mạn bắc với chúa động họ Can lại không giống họ dự liệu. Quan quân triều đình cứ đánh rồi lui, quân tình báo về kinh cũng luân chuyển thắng bại khôn lường. Đông phong cứ như thế tắt lịm giữa những tiếng vó ngựa vội vã bất kể đêm ngày đi đi lại lại giữa hai nơi, cuối cùng lặng thành cái lạnh giá song đôi với mưa bụi màn phủ khắp chốn. Trời rét mướt kéo dài cho đến hết tháng tư mới chịu nhường chỗ để hạ về. Có một ngày, Khanh ngồi ngoài sân, nàng ngước nhìn mấy bông hoa lựu đỏ rực đã trổ tự bao giờ đang khoe sắc bên hiên. Hơi thở của nàng nghe chừng khó nhọc, nhưng nét mặt nom hào hứng hẳn lên. Hết đông rồi đến xuân, nàng đều nghe theo lời phu nhân Thuần Đức mà trốn tiệt trong Sùng Hoa đường, tránh cho giá lạnh làm hại thân. Dẫu cả hoàng thái tử lẫn phu nhân, cùng lệnh bà Đàm thị đều chăm sóc hai mẹ con nàng chu đáo, nhưng cơn bức bối vẫn cứ âm ỉ làm nàng ngày càng thêm uể oải, ủ rũ. Mãi khi hạ về, trời ấm lên rồi sang oi ả, nàng mới ra khỏi căn buồng, dạo bước loanh quanh hoặc bắc ghế ngồi hóng mát ngoài hiên. Việc thai nghén của nàng dễ dàng hơn phu nhân Thuần Đức dạo trước, đến tháng thứ bẩy thứ tám vẫn còn đủ sức học đọc học viết chỗ phu nhân Nguyễn thị. Lúc rỗi rãi, kể cả khi ngồi chơi, nàng cũng đem sách ra xem cho khỏi quên mặt chữ. Cứ như thế, hết hè, Khanh đã viết được thư hỏi thăm dì Miên và con Cầm, cũng tự viết được tên mình.
"Tên của bà kể ra chả phải là xấu," Nhìn nàng chậm chạp đưa bút, phu nhân Nguyễn thị nhấp một ngụm nước vối rồi nói. "Hiềm nỗi đọc thì thế, mà cụ nhà lại chọn chữ lắt léo quá thể."
"Ngày bé chỉ nghe mẹ tôi bảo chọn chữ ấy cho cứng cáp dễ nuôi." Khanh cười. Mới chỉ học được vài tháng, nhưng nàng đã thật lòng quý phu nhân Nguyễn thị như trưởng bối trong nhà. Viết xong chữ, nàng đưa cho bà xem.
"Nét phẩy của bà trông hẵng còn thiếu lực. Ban nãy tôi để ý, bà đưa bút vẫn chưa thuận." Phu nhân Nguyễn thị xem qua, bà nhẹ giọng. Đoạn tay cầm quyển sách, bà bắt đầu lật từng trang. Tiếng giấy sột soạt xen với tiếng thở dài của bà. Thấy nàng vẫn ngồi im, thỉnh thoảng lén nhìn mình, bà hỏi. "Chẳng hay bà còn điều gì..."
"Không, không. Phu nhân dạy phải lắm, để ta viết lại rồi trình phu nhân xem." Khanh ngượng ngùng. Đúng là nàng có chuyện muốn hỏi phu nhân, nhưng chẳng biết phải mở lời thế nào. Nàng lại trải giấy, tay cầm bút phết nhẹ vào nghiên mực.
"Hay là bà thấy mệt trong người? Để tôi sai kẻ dưới đi truyền thái y đến." Vị phu nhân lo lắng, bà hỏi dồn.
"Ấy... " Nàng ngập ngừng. "Chẳng là tôi có chuyện này chưa tỏ, muốn hỏi phu nhân."
"Bà là người trên, cũng là người trong nhà với nhau, tôi đã nhận lời điện hạ đến dạy dỗ bà, thì ắt sẽ theo đúng đạo. Bà cần hỏi chuyện gì, ví thử mà tôi biết, tôi không giấu bà." Nhìn dáng vẻ bồn chồn của nàng, phu nhân Nguyễn thị trấn an.
"Phu nhân đã có lời, tôi cũng xin được hỏi. Chả là tôi ở trong cung này, chỉ nghe người hầu kẻ hạ rủ rỉ nhau chuyện bên ngoài, phong thanh đâu như quân tình ở mạn bắc đang nguy ngập... Tôi biết phận đàn bà không được can vào chuyện triều chính, hiềm nỗi điện hạ độ này lo đến mất ăn mất ngủ. Tôi hầu hạ người, biết người đang mắc vào cảnh rối rắm như thế, làm sao mà yên lòng cho được..."
"Bấy lâu điện hạ có sang bên này thăm mẹ con bà hay không?" Phu nhân Nguyễn thị hỏi. Cơ hồ nét mặt bà hiện ra vẻ lưỡng lự.
Nghe thế, Khanh dừng bút. Nàng buồn bã lắc đầu. Ra Giêng đến giờ, hoàng thái tử bận bịu chính sự, mải lo chuyện dẹp loạn mà có phần lạnh nhạt với mẹ con nàng. Mấy bận phong thanh từ bên phu nhân Thuần Đức truyền sang, nàng chỉ biết quan thái úy đổ bệnh liệt giường, triều đình cử tướng lĩnh xuất quân đi lên mạn Bắc đều không ai sánh được tài ông ấy, nên thắng thua cứ giằng co mãi không ngã ngũ. Thánh thượng ngày một yếu, cũng chẳng còn đủ sức đốc thúc việc quân. Vắng uy của người, trên dưới trong triều đều nóng ruột không yên, hoàng thái tử cũng vì thế lại càng không dám lơ là triều chính. Chàng còn rối trăm bề, thì hơi sức đâu để ý nhiều đến vợ con. Phu nhân Nguyễn thị lại thở dài, bà đặt quyển sách xuống, đưa tay nắm lấy bàn tay gầy của nàng như muốn an ủi. Cùng là phận đàn bà với nhau, bà bỗng thấy thương cho nàng. Trước lúc vào cung dạy nàng, bà hay nghe thiên hạ bàn tán, chê trách hoàng thái tử trầm mê nàng đến mất lễ nghĩa, làm thánh thượng phật lòng, vốn cứ đinh ninh nàng sẽ như hạng gái trẻ ngỗ nghịch, không biết nặng nhẹ. Ấy vậy mà... ở trong chăn mới hay chăn có rận. Hoàng thái tử cơ hồ chẳng mấy nặng tình với nàng. Người có đến cửa phủ hầu gia nhờ cậy bà dạy dỗ cho nàng, cũng chỉ vì người thấy nàng tháo vát được việc. Và, cùng là nhờ hoàng tôn trong bụng nàng. Nhưng sự đời lắm khi trái khoáy, giờ phu nhân Thuần Đức chưa sinh được mụn con nên con của nàng mới quý, nhược bằng phu nhân Thuần Đức cũng có con, thì đấy mới thực là đứa trẻ người ta mong ngóng.
"Tôi ở trong cung này thế nào, chắc phu nhân cũng đã biết. Cũng chỉ là cái rơm cọng cỏ nương nhờ phúc của điện hạ. Nhưng mà... dẫu sao đàn bà lúc bụng mang dạ chửa, lắm khi cứ nghĩ vẩn vơ." Nàng rầu rĩ. Chẳng rõ vì cớ gì, càng gần ngày khai hoa nở nhụy, nàng lại càng thấy bất an trong lòng.
"Chẳng giấu gì bà, việc binh đao của cánh đàn ông, tôi cũng chỉ nghe lỏm mấy câu qua miệng hầu gia. Tôi nói thế này, chỉ xin bà chớ lo quá mà hại đến hoàng tôn trong bụng, nhưng đúng là đang rối ren lắm. Họ Can chả phải một thân một mình làm loạn ở đấy." Nghĩ ngợi một hồi, vị phu nhân hạ giọng.
"Chết nỗi, thế điện hạ..." Khanh thốt lên.
Phu nhân Nguyễn thị lặng thinh, lần này đến lượt bà lắc đầu khe khẽ để nàng biết là chớ nên dò hỏi thêm. Thấy Khanh liếc xuống cái bụng to vượt mặt nàng đang mang, bà ngần ngừ nói thêm mấy lời, dặn nàng phải nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cho khỏe mà chờ lâm bồn. Nàng phủ thiếp cũng không dám đả động gì chuyện quân tình nữa, dẫu nỗi bất an trong lòng vẫn còn đấy, lẩn khuất nơi những cơn mộng mị làm nàng giật mình tỉnh giấc mỗi đêm.
Sang thu, lúc hoa mộc thoang thoảng hương, Khanh cũng đến ngày lâm bồn. Nàng đẻ được con trai. Cung Long Đức ảm đạm bao lâu, nhờ đứa trẻ ấy mới có sự vui. Hoàng thái tử vừa rời khu mật viện, nghe viên tiểu hoàng môn báo tin, cũng quên bẵng đi lề thói ung dung thường ngày mà vội vã theo cửa Tường Phù hồi cung. Chàng nôn nóng muốn nhìn mặt đứa trẻ đến mức chẳng kịp thay tiện phục đã vào buồng thăm hai mẹ con nàng.
"Điện hạ đã về ạ." Phu nhân Thuần Đức khẽ nói, trên tay vỗ về nhè nhẹ hoàng tôn còn đỏ hỏn được bọc trong tấm vải gấm. Nàng toan đứng dậy khỏi mép giường, nhưng chàng lại ra hiệu miễn lễ.
"Khanh thế nào rồi?" Chàng đưa tay vén tấm màn, nhìn nàng phủ thiếp đang lả đi trên giường. Mái tóc của nàng thả xõa, phủ lên gối rườm rà, khuôn mặt nàng tái nhợt, trán và cả cái cổ thon cao hẵng còn rịn mồ hôi. Rồi chàng nhìn qua vai Thuần Đức, ngắm đứa trẻ bé tí, nhăn nheo đang nhắm tịt mắt nằm gọn trong lòng nàng ta mà ngủ ngon.
"Bẩm điện hạ, mẹ tròn con vuông ạ. Em Khanh bế hoàng tôn được một lúc rồi, mới vừa thiếp đi thôi." Thuần Đức vui vẻ, nàng nhoẻn cười, mắt không rời cái hình hài be bé đang thiu thiu giấc mình bế trên tay. Chợt nhớ đến hoàng thái tử, nàng ngước lên nói thêm. "Điện hạ bế hoàng tôn đi ạ. Trộm vía, hoàng tôn kháu lắm."
Mục Huyền có một thoáng rối rắm. Chàng chưa bế trẻ con bao giờ nên ngần ngừ, nhưng rồi vẫn đưa tay đỡ đứa trẻ. Những lóng ngóng, vụng về qua đi, chàng mới để tâm xem xét đứa trẻ được tỉ mỉ. Da dẻ mỏng manh nhăn nheo đã đành, toàn thân còn trơ trụi không sợi tóc cọng lông nào. Cái mắt cái mũi chẳng nhìn ra được giống ai. Trong lòng hơi chùng xuống, chàng thở dài lẩm bẩm, chê đứa trẻ xấu như con chuột non. Nhưng chê thì chê thế, chàng không thấy ghét nó. Trái lại, môi chàng khẽ giãn ra thành nụ cười lúc đứa trẻ hơi chép miệng dẫu đang say ngủ. Chàng bỗng thấy có một sự vui thích len lói nơi gan ruột. Cái cục thịt mềm oặt, đang thở phập phồng này là mượn máu huyết của chàng và Khanh kết thành, rồi sẽ đến ngày nó quẫy đạp, đi đứng, lớn thành hình hài cao lớn như chàng bây giờ. Chàng ôm nó chặt hơn một tí, đoạn học theo Thuần Đức đưa tay cạ nhè nhẹ vào má nó.
"Ừ, đúng là nó kháu thật." Chàng thì thầm.
*
* *
Đêm. Đình trạm sáng ánh đuốc. Anh lính canh đứng tựa vào tường, đầu gục xuống chầm chậm rồi lại giật lên vội vã mấy bận mà vẫn không đuổi được cơn buồn ngủ. Tiếng côn trùng rền rĩ giữa chốn đồng không mông quạnh vào một đêm vắng trăng làm hai mí mắt người ta càng thêm nặng như đeo chì. Trăng sao chẳng có, người cũng không, chỉ có mấy con dĩn, con muỗi kiếm ăn đập cánh vù vù, vo ve theo thành bầy quấy quanh thân. Anh lính ngáp một cái rõ to, mắt ri rỉ nước, cám cảnh lại cám cảnh hơn. Đột nhiên, đương lúc anh định bụng ngủ thêm giấc nữa, từ phía xa vọng lại tiếng vó ngựa dồn dập. Tức thì anh dứt sạch cơn gà gật, người đứng thẳng tắp như thể chẳng có lúc nào lỡ rũ rượi, gà gật chốc lát.
"Đổi ngựa, đổi ngựa. Quân tình cấp bách." Còn chưa thấy rõ mặt, người trên ngựa đã thét lớn. Tức thì anh lính vội trở vào trong tàu ngựa, tay cầm đuốc, tay lần dò chọn ra một con hắc mã to khỏe, dắt ra cho người kia. Ngựa đổi xong xuôi, người kia chằng dám nấn ná thêm, lại leo lên ngựa, quất roi phi nước đại về hướng cửa thành phía tây.
Anh lính nhìn theo cho đến khi bóng lưng người khuất dạng trong bóng đêm. Chỉ còn anh đứng với con ngựa đang thở hồng hộc, bốn chân run rẩy như sắp khuỵu. Anh lính thì thào dỗ nó đi theo mình vào tàu. Rõ khổ, anh nghĩ thầm. Phàm những lúc người ta đến đổi ngựa giữa đêm thế này, lại đổi một con ngựa kiệt sức chỉ trực ngã lăn kềnh ra đấy, thì chẳng mấy khi là tin tốt. Trong lòng anh thoáng chùng xuống vì linh cảm vừa lóe lên, có lẽ sáng ngày mai thần kinh sẽ sa vào cảnh rối ren cho mà xem. Đêm với anh lính rộn lên một chốc ấy rồi lại lặng xuống, quay về với cơn ngáp dài nhòe nước mắt. Tiếng vó ngựa xa dần, trôi về tận một miền xa xa. Ở đấy, nó đánh thức cả cung thành rộng lớn, kéo tuột các đại thần trong khu mật viện khỏi những cơn mộng mị an nhàn.
Trống điểm canh vang lên một hồi, báo cho hoàng thái tử biết đã sang giờ Tí. Bước chân của chàng càng vội vã hơn, cố theo sát viên tiểu hoàng môn đang dẫn đường phía trước. Đến điện Càn Nguyên, vừa lúc các quan đại thần cũng vào chầu, chàng đứng nép sang một bên long ỷ, chờ đức vạn thặng.
"Bẩm điện hạ,..." Đương lúc chàng trầm ngâm, Đỗ Tuấn khẽ thưa. Từ mùa xuân, khi tướng quân Đỗ Niệm nhận lệnh thay quan thái úy dẫn quân lên mạn bắc dẹp loạn, thì anh ta cũng được chuyển từ hộ bộ ti sang thương bộ ti. Dẫu không phải đại thần của khu mật viện, nhưng anh ta được giao quản chuyện quân lương, nên phải vào chầu cũng là chuyện thường tình.
"Ta cũng vừa được kẻ dưới báo lên. " Mục Huyền hạ giọng."Thương thế của thầy anh như thế nào rồi?"
"Bẩm điện hạ, người ta báo về chỉ biết là đang chạy chữa, còn nặng nhẹ chưa rõ ra làm sao." Tuấn đáp, nét mặt hiện rõ nỗi muộn phiền, nhưng không phải chỉ vì mỗi việc nhà. "Tôi nghe tin động Vật Ác thua to mà rụng rời chân tay".
"Nó dám chiếm động Vật Ác thì thật coi trời bằng vung." Hoàng thái tử nghiến răng.
"Tôi e chẳng phải mình sức nó mà chiếm được động ấy." Vị quan trẻ rụt rè.
Mục Huyền nhìn Tuấn. Một thoáng như vậy cũng đủ để hai người hiểu ý tứ của nhau. Vừa lúc đấy, đức vạn thặng thượng triều. Người nom khỏe hơn đầu năm nay, nhưng vẫn chưa lấy lại được vẻ khang kiện như trước. Thánh thượng hỏi một lượt các quan viên, chuyện ở lộ Thượng Nguyên. Ra Giêng, thế giặc mạnh, dân động Giáp nhiều bận bị đánh úp, thương vong không đếm xuể, tướng quân Đỗ Niệm vâng lệnh dẫn quân đến trợ chiến cho chúa động. Can thị thấy quan binh lại rút về đất Tống náu thân mãi ở đấy, thi thoảng mới để một hai nhúm quân sang quấy nhiễu rồi lui. Mãi cho đến năm ngày trước, đương lúc dân các động ăn tết, Can thị xua quân đánh chiếm động Vật Ác và động Lôi Hỏa. Tướng quân Đỗ Niệm phải chia quân đến giải nguy, lại bị bọn Lâm Hạ, Quách Mật vốn là phường thảo khấu đi theo Can Lộc mai phục dọc đường. Giặc được đà, càng thêm ngông nghênh, giờ đang dẫn quân đánh thêm các động khác, còn dám dâng tấu cho vua Tống xin gia phong tước vị để làm vua một cõi.
"Hàm hồ!" Thánh thượng ngồi trên long ỷ thét lên một tiếng, bá quan nhất loạt đều cúi đầu. "Ta nương đức hiếu sinh của trời, niệm tình bố nó, anh nó đều đã chết mới tha cho nó. Đất đai của nả có thua kém gì chúa động Giáp, động Mãng. Nó lại không yên phận, xưng đế, cướp đất. Giờ còn dâng tấu cho vua Tống. Quân bất nhân bất nghĩa, phản thần nghịch tặc này, trời đất khó dung, ta không bắt nó về hỏi tội được thì lấy đâu ra uy mà ở ngôi vạn thặng, lấy đâu ra mặt mũi đi gặp tổ tông?"
Mục Huyền khẽ giật mình. Thánh thượng có ý ngự giá thân chinh. Chàng ái ngại lén nhìn một lượt quần thần đứng xung quanh, vì nào cũng cúi khom người nhưng vẻ mặt lo lắng, nhưng tuyệt chẳng ai dám can ngăn. Chợt, quan gián nghị đại phu họ Ngô, tên Tường Quang, bước lên, ông dè dắt cất lời.
"Bẩm thánh thượng, ngày trước thái tổ theo võ nghiệp mà lập lên triều ta, truyền đến đời người, võ quan có tài cũng không thiếu. Nay thánh thượng vừa mới ốm dậy, lại phải ngự giá thân chinh đi đánh dẹp một tên chúa động, e là trung thần lương tướng trong triều đều sẽ thấy thẹn, lòng dân cũng không an. Xin thánh thượng nghĩ lại." Vị quan cúi đầu cung kính. Ông vừa dứt lời, bá quan cũng đồng thanh can ngăn.
"Trung thần lương tướng ta sai đi kẻ thì bỏ mạng, người lĩnh trọng thương, giặc giã quấy nhiễu dân cũng nào sống yên thân. Ý ta đã quyết, các ngươi chớ bàn lùi." Thánh thượng gằn giọng, rồi người quay sang nói với quan chi hậu theo hầu. "Phạm Cẩn, ngươi truyền lệnh của ta, lệnh cho các đại thần trong khu mật viện, binh bộ và hoàng thái tử ở lại điện Thiên An nghị sự. Trong đêm nay, sai lính trạm tức tốc truyền lệnh đốc thúc hai lộ Lạng Sơn, Lạng Giang chuẩn bị binh mã, lương thảo, giao cho tướng quân Triệu Mậu đôn đốc, sau mười ngày nữa hội quân ở Thất Nguyên."
Biết ý vạn thặng đã quyết, triều thần và quan gián nghị đại phu cũng không dám can gián thêm. Họ cúi đầu hành lễ rồi theo lệnh vua mà hành sự. Đêm ấy, điện Thiên An sáng đèn, tiếng người nhỏ to bàn việc quân kéo dài đến tận lúc trời tảng sáng. Khi Mục Huyền được cho lui cũng đã sang cuối giờ Mão, chàng bước ra sân rồng, đôi mắt nặng trĩu hai mí chỉ chờ sụp xuống. Đứng trên thềm, chàng nhắm mắt dưỡng thần một chốc, tay đưa lên, học theo nàng thiếp hay làm mà day nhẹ khóe mắt rồi di đầu ngón trỏ miết mạnh hơn dọc theo lông mày. Đương lúc thư thái được vài phần, chàng nghe có tiếng bước chân khẽ tiến lại gần. Mục Huyền vội mở mắt, chàng ngoái về phía tiếng bước chân truyền đến. Là quan trung thư thị lang họ Đinh. Ông ta được vời vào cung để lo liệu chuyện thảo chiếu lệnh đưa đi các lộ lẫn ban xuống cho quan viên. Thánh thượng giao việc này cho họ Đinh kỳ thực là để ông ta ra mặt dẹp yên quan viên của cả Thượng thư sảnh và Trung thư sảnh. Họ Đoàn không can dự vào, ắt binh bộ lẫn khu mật viện cũng chẳng còn ai đủ uy trấn áp đám văn quan.
"Thần vái chào điện hạ." Đinh Lập Thạch chắp tay, khom người, cung kính hành lễ.
"Miễn lễ." Chàng nói. "Ông có chuyện gì muốn bẩm báo?"
"Bẩm điện hạ, là chuyện của họ Chu." Lập Thạch từ tốn. Triều đình cơ hồ đã quên tên học sĩ này, nhưng ông ta thì vẫn nhớ.
"Họ Chu vẫn đang ở trong ngục, tội vạ của kẻ này thánh thượng đã có lệnh để đích thân người cầm cân nảy mực. Ông hỏi đến kẻ này làm gì?" Mục Huyền lại đưa tay miết huyệt trên chân mày, chàng hỏi vị đại thần.
"Bẩm điện hạ, họ Chu là người có tài, vô duyên vô cớ bị tống vào ngục, tôi cho thế không được thỏa." Quan đại thần họ Đinh vẫn nhã nhặn.
"Tội của kẻ này do thánh thượng định, có gì không thỏa? Ta thấy ông chớ lo đến một tên học sĩ nhãi ranh như họ Chu kia làm gì. Thánh thượng sắp ngự giá thân chinh, trên dưới triều ta nên dốc lòng phân ưu với người mới phải." Hoàng thái tử nhàn nhạt. Chàng vốn không ưa vị đại thần, lời lẽ đối đáp cũng vì thế mà chỉ nhàn nhạt đúng lễ.
"Bẩm điện hạ, điện hạ dạy phải lắm. Tôi thật là già rồi lại ra lẩm cẩm." Vị quan cười hòa nhã, tự giễu mình.
"Cũng không trách được ông, họ Chu vào Hàn lâm viện là do ông và quan thái úy cất nhắc. Ông có ý quý người tài như thế cũng tốt lắm." Đoán là quan trung thư thị lang cũng đi ra cửa Tường Phù, Mục Huyền bước trước vài bước rời thềm rồng, chàng tỏ ý đợi ông ta. Dẫu không ưa, nhưng chàng vẫn còn chuyện muốn hỏi dò ý ông ta. "Trời còn đương buổi sáng mát mẻ, hay là ta đi với ông một đoạn."
Quan trung thư thị lang chắp tay. Đoạn, ông bước theo hoàng thái tử.
"Ông Thạch này, chuyện thánh thượng ngự giá, các quan của thượng thư sảnh ta thấy như vẫn chưa thật thuận theo ý người." Mục Huyền nói.
"Chuyện thánh thượng ngự giá, xin điện hạ xá tội, tôi mới dám góp vài câu dông dài." Vị quan ngẫm nghĩ một chốc rồi thận trọng đáp.
"Ăn lộc vua thì ai cũng phải chung lưng đấu cật phò trợ cho người. Ông nói lời thật lòng, ta sao dám bắt tội. Ta trẻ người non dạ, chuyện triều chính vẫn muốn nghe lão thần đàm luận để biết hay dở." Hoàng thái tử bước chậm lại, lưu tâm đến nét mặt của họ Đinh.
"Bẩm điện hạ, tôi có hay tin quan thái úy thương thế mười phần đã đỡ được bảy, tám phần. Cơ mà thánh thượng cho vời, người trong phủ lại bẩm lên, ông ấy cáo bệnh, không vào cung được." Vị quan hạ giọng. Những lời này, dẫu không có lời nhờ vả, nhưng ông ta tự rõ nhiều người muốn chuyển đến tai thái tử. Chẳng qua là họ vì vướng mắc đầu dây mối nhợ nên mới không tiện nói ra mà thôi.
Mục Huyền đứng hẳn lại, chàng nhìn vị quan, ông ta cũng đã dừng bước, hai tay lồng vào nhau khom người hành lễ. Chuyện này chàng không phải chưa nghe qua, nhưng giờ nghe từ miệng quan trung thư thị lang, chàng chợt nhận ra vài phần nội tình ẩn trong đấy. Chàng bước tiếp.
"Ta đúng là nông cạn mới không nghĩ ra sớm hơn. May mà có ông nhắc nhở." Chàng thật thà. Đinh Lập Thạch kể cũng không phải kẻ quá quắt lắm. "Giá quan thái úy sớm khỏe dậy, ta cũng yên lòng vài phần."
"Bẩm điện hạ, ví thử ông ấy không trọng thương thì hẳn thánh thượng đã không sốt ruột như đêm qua." Quan trung thư thị lang nói thêm.
Chú giải:
(1) Xuân xưa thu cũ, nào ai hay.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top