Chương 5 - 2: Hai cây lựu
Đê Cơ Xá vỡ đã trở thành cái cớ để điện Thiên Khánh được một phen dậy sóng vào sáng hôm sau. Trung thư thị lang họ Đinh dâng tấu hoạch tội hoàng thái tử tắc trách, không để tâm đốc thúc kẻ dưới lo toan trị thủy. Thánh thượng đọc xong bản tấu liền nổi trận lôi đình. Quở trách trữ quân trước triều đường rồi ban lệnh cho hình bộ thượng thư tra soát, xử tội tất cả những người trốn tránh việc trông nom đê, bất kể dân đen hay quan lại, binh lính. Long nhan giận dữ, truyền lệnh hễ xét ra được ai, phải phạt thật nặng để làm răn đe về sau. Mục Huyền quỳ rạp người tạ tội. Dẫu đã dự liệu được trước mọi sự, nhưng chàng vẫn có vài phần e ngại. Đợi cho đến lúc thánh thượng vẻ như đã nguôi bớt lửa giận, chàng mới dám mở lời xin nhận phần cứu tế cho dân. Ý định ấy của chàng được phê chuẩn tức thì. Suốt cả buổi chầu, quan thái úy không hé răng nửa lời, nhưng trong đám quần thần hùa theo Đinh Lập Thạch, có nhiều người đều nhìn nét mặt phảng phất ý cười của ông ta trước mới dám lên tiếng.
"Bẩm điện hạ, tôi có việc muốn thưa, xin điện hạ dừng bước."
Tan chầu, Mục Huyền đang rảo bước đi về Đoan Môn, chợt có người gọi với theo. Chàng dừng bước, nheo mắt nhìn quanh sâu rồng, thấy Chu Cao Mân đang tất tả chạy lại. Cái tên quan huyện ở Đọi Sơn giờ đã thành học sĩ trong hàn lâm viện. Đấy là nói cho hay, kỳ thực, chàng biết tỏng anh ta cũng chỉ có mỗi cái việc quẩn quanh ghi chép, biên soạn sách vở mà thôi. Nghĩ đến đây, chàng thầm khen bố vợ mình kể cũng lắm đường lắt léo chẳng kém gì đám quan văn. Chu Cao Mân chạy đến chỗ chàng, mồm miệng thở hồng hộc như vừa đi cày ngoài đồng về, y quan cũng nhàu nhĩ, trông rõ lôi thôi, không có phong thái mệnh quan triều đình.
"Ông Mân cần thưa bẩm chuyện gì?" Chàng xẵng giọng hỏi.
"Bẩm, tôi có bản tấu này muốn dâng lên điện hạ. Chuyện hệ trọng, tôi đã viết đầy đủ trong đấy. Nói ở đây tả hữu đều không tiện." Chu Cao Mân khom người cung kính, đoạn lấy ra tờ sớ gấp làm bốn mà nãy giờ vẫn lồng vào ống tay áo. Điệu bộ viên quan lấm lét, hệt như đang lén lút làm chuyện khuất tất.
"Ta và hàn lâm viện thì can hệ gì đến nhau mà ông lại dâng sớ? Dâng lên cho thánh thượng hay đem đưa cho Đoàn thái úy mới là kêu cầu đúng cửa." Trong lòng vẫn chưa quên chuyện cũ, Mục Huyền ra giọng mỉa mai. Dẫu thế, chàng vẫn liếc nhìn qua mảnh giấy mà Mân dâng cho mình.
"Điện hạ là người khoan dung đức độ, cần gì chấp nhặt kẻ dưới như tôi." Mân đáp lời, giọng điệu ngượng ngùng. Mấy tháng trước anh ta đã lén bẩm lại với quan thái úy chuyện hoàng thái tử gặp con gái trong dân gian ở hành cung. Lúc ấy anh vẫn chưa biết nội tình, sau nghe vợ và thầy thuật lại gia cảnh tréo ngoe của phu nhân Trần thị ở Mai Xá, mới ngộ ra mình đã làm chuyện không phải với chàng. Mấy tháng về kinh thành nhậm chức, mắt thấy được hoàng thái tử sớm chiều cần mẫn, lo toan việc nước ra sao, trong lòng cảm phục đôi phần. Gặp khi có chuyện hệ trọng can hệ đến xã tắc, suy đi tính lại anh ta chỉ tin được vào vị này mà thôi. Đoán biết hoàng thái tử còn cố kỵ mình, Chu Cao Mân lại chắp tay, khom người tạ tội. "Lúc ở Đọi Sơn, tôi nông cạn, chưa rõ đầu đuôi đã võ đoán thánh ý, khiến điện hạ chịu tiếng xấu. Nay tôi xin được tạ tội. Mong điện hạ đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại, tránh vì chuyện nhỏ nhặt mà để lỡ mất chính sự."
"Thế ra nếu ta không giơ cao đánh khẽ với ông thì là bụng dạ ta nhỏ nhen không làm được chuyện lớn hử?" Mục Huyền vẫn chưa nguôi giận, nhưng vì kẻ họ Chu này cứ đay đi đay lại mấy câu hệ trọng với chẳng chính sự, khiến chàng cũng chột dạ, nên mới tạm gác cái sự thù hằn nhỏ mọn sang một bên. Chàng nhận tờ sớ của Mân.
"Bẩm, tôi không dám. Điện hạ rộng lượng, chịu đọc sớ tôi dâng đã là gia ân lắm rồi. Tôi xin cáo lui, không dám quấy quả, làm phiền điện hạ nữa." Thấy hoàng thái tử nhận sớ, Mân tỏ ra mừng rỡ, lại chắp tay khom người, vái liên tục mấy cái rồi mới bước lùi, tất tả đi về hướng phủ nội vụ.
Mục Huyền nom cái tướng đi cuống quýt của họ Chu lại thấy buồn cười, chàng mở mảnh giấy đang cầm trong tay ra đọc. Mắt lướt qua vài dòng, nét mặt chàng không còn vui được nữa mà trở nên trầm mặc. Tên quan huyện ấy không nói ngoa, chàng tự nhủ, những gì anh ta trình trong sớ quả thật đều là việc nước. Mục Huyền vội nghĩ ngợi một hồi, chàng quay người đi ngược về hướng điện Trường Xuân, xin vào diện kiến thánh thượng. Chỉ nửa canh giờ sau đấy, Chu Cao Mân đã bị quân cấm vệ trói gô, tống giam trong ngục.
*
* *
Sau trận vỡ đê, trời hửng nắng được hai ngày rồi lại tí tách đổ mưa. Cánh cửa lớn của cung Long Đức từ từ mở ra, quan nội hầu hô vang một tiếng cung nghênh hoàng thái tử hồi cung. Nghe tiếng hô dõng dạc ấy, người hầu kẻ hạ đều nhất loạt cúi đầu, dạt sang hai bên, nhường đường cho con tuấn mã phi vào sân. Mục Huyền leo xuống khỏi lưng ngựa, dưới lớp áo tơi kết bằng lá cọ, y phục của chàng đã ướt đẫm nước mưa, hơi lạnh thấm vào đến da thịt. Hoàng thái tử giao tuấn mã cho kẻ dưới, căn dặn chúng cho nó ăn. Sau đấy, chàng rảo bước đi dọc theo dãy giải vũ, toan về Thường Xuân đường thăm Thuần Đức. Nàng lại có mang. Hai hôm nay chàng lo việc cứu tế, chỉ vừa được ngơi tay một lát đã nghe Thận báo tin. Nếu là vào năm ngoái, hẳn chàng sẽ cả mừng mà gác hết việc lớn việc bé mà chạy đến thăm nom, hỏi han nàng. Còn bây giờ... Mục Huyền cũng chẳng mấy hào hứng nữa. Chàng điềm nhiên làm cho xong việc, cắt đặt sự ăn sự ở của nạn dân êm xuôi, cử lính tráng cùng dân đinh phòng lũ đâu ra đấy rồi mới hồi cung nghỉ ngơi. Hoàng thái tử vẫn muốn đến thăm phu nhân, nhưng vừa gượm bước vài bước, chàng bỗng thấy rùng mình, cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, đầu óc chàng bỗng đau nhức như phải cảm. Thế là chàng đổi ý, sai người hầu đem một đôi xuyến vàng thưởng cho Thuần Đức, còn chàng đi đến Sùng Hoa đường.
"Miễn lễ." Vừa bước vào gian tiền sảnh, thoáng thấy nàng phủ thiếp toan hành lễ, chàng đã phẩy tay ngăn lại.
"Mình mẩy điện hạ dính mưa hết cả rồi." Khanh nói, nàng ra lệnh cho cung nữ đi chuẩn bị nước ấm rồi dìu chàng vào sập gỗ.
Khanh là không dám hỏi han việc quan, nàng lằng lặng hầu chàng tắm rửa, thay y phục. Dẫu xuất thân trong dân gian, nhưng nàng nhanh nhẹn, sáng dạ, những chuyện lề lối phép tắc cung nhân đều đã thuộc nằm lòng, lời nói cũng dễ nghe. Thế nên ở Sùng Hoa đường của nàng, chàng thấy thư thái hơn Thường Xuân đường.
"Hôm nay nàng có sang Thường Xuân đường không?" Tắm táp xong xuôi, chàng ngồi trên sập, tựa vào gối êm.
"Bẩm điện hạ, lệnh bà cho gọi thiếp sang căn dặn vài điều." Nàng thành thật, tay têm trầu xếp vào cơi. "Người dạy thiếp phải hầu hạ phu nhân và điện hạ cho tốt. Còn thưởng cho thiếp một hộp sáp thơm."
"Từ lúc mới đón nàng vào cung, mẫu hậu ta đã muốn cho vời, nhưng chưa có dịp nào thuận tiện. Mẫu hậu vừa gặp đã ban thưởng thì ắt là người vừa ý với nàng." Mục Huyền nhấc chén nước chè, chàng ngửi thấy mùi sen thoang thoảng thì lấy làm lạ. "Chè này nàng ướp à? Pha cũng khéo lắm."
"Chè là phu nhân tự tay ướp rồi cho thiếp một ít. Còn đun nước pha chè, thiếp học của chị Hòe..." Thấy chàng nhấm thử ngụm nước chè lại tỏ ra ưng ý đến vậy, nàng cũng vui trong lòng, không dám giấu diếm đến cả chuyện nhỏ nhặt nhất. Đang trò chuyện, Khanh nhìn được cái nhíu mày của chàng, nàng bỏ dao lẫn quả cau đang tiệm dở vào xuống. "Thiếp nom như điện hạ đang mệt, hay là thiếp dìu người vào trong giường nằm nghỉ."
Chân mày Mục Huyền đau buốt đến tận óc, hai mí mắt nặng trĩu, cả người đều trở lạnh. Chàng gật đầu nghe theo Khanh, toan vịn tay nàng bước xuống sập gỗ. Chẳng ngờ vừa đặt được một chân chạm đất, chàng đã sa sẩm mặt mày, cảnh trí trước mắt trở nên mơ hồ rồi tối mịt. Hoàng thái tử lao lực, đổ bệnh nằm liệt giường mất mấy ngày ở Sùng Hoa đường. Bệnh của chàng không nặng, chỉ là do ngâm mưa nhiều ngày, bị nhiễm lạnh mới sinh ra phong hàn làm hại đến ngọc thể. Mục Huyền sốt li bì hai hôm, sang đến ngày thứ ba thì thần trí đã tỉnh táo. Lúc chàng mở mắt, ngoài trời như đang là lúc nửa đêm. Gian buồng ngủ vẫn sáng đèn, nhưng cung nhân đều đã lui đi nghỉ. Mắt nhìn còn chưa tỏ, chàng toan nhấc người ngồi dậy lại vướng phải cái thân mình nằm chắn bên mé ngoài của Khanh Ngày thường, mỗi lần nghỉ ở nơi này, chàng hay nằm chỗ đấy để tiện rời đi vào sáng hôm sau. Vừa thoáng thấy người nằm bên cạnh có động, nàng vội ngồi dậy. Búi tóc của nàng xổ tung, tuôn xuống che đi đôi vai trần trắng ngần. Đoạn, nàng đưa tay vấn lại tóc tai rồi nhanh nhẹn đi rót nước cho chàng. Mục Huyền khát thật. Cổ họng chàng khô rát đến nỗi lười đáp lời nàng. Chàng uống một hơi hết nửa bát nước ấm. Cơ hồ uống xong chàng mới tỉnh hẳn cơn mộng mị, lúc đấy mới thấm cơn đau ê ẩm khắp người. Từ bé đến lớn, chẳng rõ nhờ lệnh bà Đàm thị mát tay hay ông trời phú cho chàng sức lực hơn người mà chẳng mấy khi đau ốm. Thế nên chàng lạ lẫm trước những sự bất tiện, vô lực của một cơn bạo bệnh, ngay cả khi bệnh đấy chỉ là phong hàn xoàng xĩnh. Khanh đón cái bát đã cạn gần trơ đáy từ tay hoàng thái tử đem cất đi, rồi nàng quay lại giường, nhẹ nhàng vén chăn, xem qua lá đắp đang buộc ngang cổ tay chàng.
"Cái gì thế?" Bấy giờ Mục Huyền mới nhận ra trên tay và trán mình đều đang chít khăn hệt như người ta chít lên vết thương.
"Điện hạ sốt cao, thiếp đợi mãi không thấy quan thái y đến nên mới đi tìm cỏ mực về đắp. Quan thái y chẩn mạch xong lại cũng nói cỏ này tốt, dùng được." Nàng tỉ mẩn nhặt bã cỏ đã khô trên cổ tay chàng, sau đó ném xuống cái chậu đặt sẵn ở dưới đất. Cỏ mực khi giã nát ra nước đen, đắp lên da để lại vết nhìn loang lổ, nàng sợ chàng chê bẩn nên lau sạch rồi mới đắp thêm lượt khác.
"Ở quê vẫn hay dùng cỏ mực..." Mục Huyền nhìn xuống nắm cỏ mát đang được buộc chặt vào cổ tay, chàng nhỏ giọng. Ngày còn ở Mai Xá, hình như cũng có bận người phụ nữ ấy đốt đèn đi tìm thứ lá cỏ này về chữa bệnh cho chàng.
"Vâng, ngày trước thiếp vẫn thấy bu dùng." Khanh mải buộc khăn, không để ý đến nét mặt thoáng trầm xuống của phu quân, nàng buột miệng kể chuyện nhà. Bu nàng lúc còn sống hay đau ốm, lần nào bị sốt cao cũng đều dùng lá cỏ trong vườn giã lấy nước uống, phần bã đem đắp vào trán và cổ tay. Nàng học theo, nhưng không dám cho hoàng thái tử uống nước, chỉ đắp lá để làm dịu cơn sốt mà thôi. "Người chịu khó đắp thêm một lượt nữa, quan thái y dặn sang ngày mai là ngồi dậy được. Để thiếp sai người đem thuốc sắc lên..."
"Muộn rồi, không cần khua khoắng lên đâu." Chàng thở dài, đoạn nằm xuống giường. Trằn trọc một lúc, thấy bên cạnh vẫn trống trải, chàng lại xoay người trở ra. Khanh đang ngồi ở mé giường, dù nét mặt nàng ra chiều thèm ngủ lắm rồi. "Sao thế?"
"Điện hạ nghỉ trước. Thiếp không dám ngủ, khi nãy người ngủ mê có than lạnh, thiếp mới nằm xuống ủ chăn rồi thiếp đi lúc nào không hay..." Nàng rụt rè. "Giờ thiếp không dám, ngộ nhỡ điện hạ lại cần sai bảo mà thiếp ngủ quên."
"Nàng có ngồi đấy thì cũng gà gật thôi. Rõ vẽ chuyện." Mục Huyền nghe xong chỉ nhàn nhạt nói. Khanh hay ngủ say giấc, nhưng vừa xong chàng mới hơi nhúc nhích người, nàng đã choàng tỉnh. Chắc là thức nhiều thành quen, lúc nào cũng lo âu, thấp thỏm mới tinh đến thế. Lời vừa dứt, chàng lại thấy hơi hối trong dạ. Nàng vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, nét mặt sụ ra như trẻ con bị phạt. Chàng đành dịu giọng. "Ta lấy nàng về làm phủ thiếp, không lấy nàng về làm nô."
"Thiếp sợ..." Một hồi sau, nàng mới ngập ngừng.
"Nàng sợ cái gì?" Chàng nằm xoay mặt vào tường, giọng khàn khàn hỏi.
"Thiếp nghe phong thanh điện hạ chịu điều tiếng vì thiếp." Khanh nhớ đến những chuyện nàng nghe đám cung nữ và cả Thận thuật lại. "Điện hạ đổ bệnh ở Sùng Hoa đường, ngộ nhỡ người ta lại vịn vào chuyện này..."
"Có thế thôi mà nàng cũng sợ à?" Chàng xoay người lại, đầu hơi nghếch lên, tựa vào cánh tay đang chống xuống giường. Kể từ ngày nàng vào cung, triều thần đã dị nghị vài bận, chẳng ngờ lời ong tiếng ve đã đến tai nàng.
Khanh gật đầu. Nàng có muốn không sợ cũng không được.
"Nhát cáy. Nàng chết nhát như vậy thì chả làm ta trầm mê nữ sắc được đâu." Mục Huyền gượng ngồi dậy, chàng lẩm bẩm giễu nàng nhưng giọng nói thều thào đến sắc mặt nhợt nhạt của kẻ ốm rút cạn hết cả ý cười. Câu nói của chàng thành ra lại nghe khô khốc tựa hồ đang trách móc.
"Thiếp chỉ là con sâu cái kiến, người ta có dè bỉu thế nào thì nói xong gió cũng bay lên giời, nhưng còn điện hạ, còn phu nhân. Thiếp chỉ sợ điện hạ phiền lòng rồi giận cá chém thớt, ghét bỏ thiếp. Sợ phu nhân phải lo nghĩ..." Như thể chưa thỏa cơn uất ức, Khanh tuôn một hơi. Nàng suýt thì khóc thành tiếng.
Nghe thấy nàng sụt sịt, kể lể ấm ức, Mục Huyền lại thấy nửa bực bội nửa buồn cười. Trước nay chàng kết duyên với Thuần Đức, nàng ta lúc nào cũng dịu dàng, hiểu lễ nghĩa nên chẳng bao giờ khóc lóc tủi thân như Khanh. Chàng đã quen ở với người như thế thì sao biết được cách dỗ dành cho phải cách? Nhưng cái sự mau nước mắt đáo để này của nàng không khiến chàng khó chịu mà chấp nhặt làm gì.
"Ta đang ốm thế này, nàng lại khóc lóc vì chuyện cỏn con như thế, đến đau cả đầu." Chàng thở dài, uể oải nằm xuống lại. Đoạn, chàng xoay lưng vào tường quyết chí ngủ thêm giấc nữa, để mặc nàng ngồi rưng rức nấc nghẹn bên cạnh.
Sau rốt, Khanh khóc mãi cũng chán, đành chịu nghe theo chàng mà rón rén ngả người nằm xuống bên cạnh. Khoảng trống lành lạnh mơn trớn lưng chàng nãy giờ bỗng chốc trở nên ấm áp hơn. Nghe thấy tiếng thở đều đặn, chàng nhẹ nhàng kéo lại chăn đắp cho nàng, rồi chính chàng cũng dần chìm vào cõi mộng mị.
Mấy hôm sau, bệnh tình của Mục Huyền thuyên giảm đi nhiều nhưng Thuần Đức phu nhân vẫn khuyên chàng nán lại Sùng Hoa đường thêm dăm ngày để tĩnh dưỡng. Nàng đang có mang, không tiện chăm nom, hầu hạ chàng lúc đau ốm, thế nên để Lương thị làm thay là đẹp cả đôi đường. Mục Huyền cũng thấy phải, bèn dặn dò cung nhân nếu có thư từ, tấu sớ dâng lên thì cứ đem đến Sùng Hoa đường. Trận ốm làm chàng trở nên nhàn nhã hơn. Hằng ngày, trừ một hai canh giờ nói chuyện với Thận, chàng thường ngồi đọc sách hoặc luyện chữ. Mỗi lúc như thế, chàng để ý thấy Khanh thường kiếm cớ quẩn quanh trong thư phòng.
"Nàng có chuyện gì muốn cầu cạnh?" Bầu bạn với nàng tính ra cũng đã được vài tháng, chàng đã rõ cái tính vòng vo của nàng. Thế nên, vừa trải giấy ra bàn, chàng chẳng cần nhìn nàng mà hỏi.
Khanh buột miệng thốt lên một tiếng nghe như mèo bị đạp vào đuôi. Nàng nghĩ lung lắm mới dám lựa lời thưa với chàng, xin chàng viết giúp cho mấy chữ để gửi về quê cho dì Miên và con Cầm. Đấy là chuyện nhỏ nhặt, nhưng nghe xong, Mục Huyền lại thấy hiếu kỳ. Kể từ lúc Thuần Đức có mang, nàng đã đem hết chuyện lớn nhỏ trong cung giao cho Khanh gánh vác. Sổ sách ghi chép, đến cả thư từ, lễ lạt gửi đi các phủ các nhà mỗi bận giỗ chạp lễ lạt đều thế. Thuần Đức khen phủ thiếp của chàng không ngớt lời. Người tháo vát, biết ghi chép rành mạch nhường ấy thì sao lại phải nhờ chàng viết thư.
"Thiếp chỉ học được mấy chữ dễ. Chữ khó thiếp sai thư nhi (1) viết thay." Nàng ngượng ngùng. "Còn chuyện tiền bạc, thiếp theo dì đi chợ từ thuở lên tám, nghe thoáng qua cũng biết người ta tính đúng hay sai."
"Thế sao không nhờ thư nhi viết cho? Ta không rỗi rãi thì khéo cả năm nàng cũng không gửi thư về quê mất." Mục Huyền nghe xong lấy làm thích thú, chàng hỏi thêm.
"Chuyện trong nhà, để người ngoài biết e không tiện." Khi nói câu này, hai gò má của Khanh ửng hồng. Đôi mắt nàng hơi cụp xuống tránh nhìn thẳng vào chàng.
Chuyện trong nhà. Mục Huyền hơi khựng lại. Chàng ngước nhìn Khanh, nhìn nét phớt hồng trên đôi gò má mềm mịn như bông kia, cả những ngón tay đàn lóng ngóng hết đan vào nhau lại duỗi ra vần vò vạt áo. Cõi lòng tưởng như phẳng lặng của chàng khẽ xao động, tựa mặt hồ lăn tăn những gợn sóng lúc gió thu lướt qua. Mực nơi đầu bút lông đọng thành giọt, nhỏ xuống giấy. Thấy tay như nhẹ đi, chàng hắng giọng, gác bút rồi trải tờ giấy mới. Thư của nàng gửi về quê trước là hỏi thăm người mẹ kế và đứa em gái, sau nhắc đến chuyện nhà cửa ruộng vườn gặp trời mưa to gió lớn hư hại gì không. Lời lẽ nàng đọc để chàng viết ra chữ cũng thẳng tuột một đường, chẳng cần rào trước đón sau. Mục Huyền thảo xong thư, biết được gia cảnh nhà nàng ra làm sao. Đại thể nàng mất thầy bu từ sớm, một tay mẹ kế chăm bẵm lên người. Những chuyện này lúc trước hình như Thận đều đã trình cho chàng hay, nhưng khi ấy chàng chẳng để tâm đến.
"Có cần ta đọc lại một lượt..." Chàng phẩy nét cuối, kết lại tờ thư. Đoạn gác bút lên gác sứ trên bàn rồi toan hỏi nàng.
Khanh bẽn lẽn gật đầu. Nàng nghe chàng đọc lại từng chữ trong tờ thư rồi nhận nó từ tay chàng, dáng vẻ thận trọng như nhận một món đồ quý giá. Cả khuôn mặt trái xoan của nàng tựa hồ sáng bừng, khóe hạnh ẩn hiện nụ cười. Mục Huyền không hiểu được hết niềm vui thích mà nàng có lúc cầm tờ thư chàng viết, nhưng nó vẫn khiến cho chàng cảm thấy khoan khoái trong lòng. Thời khắc ấy yên bình, dễ chịu đến mức chàng quên bẵng đi thân phận hoàng thái tử của mình. Cái thứ vui thú nhỏ nhoi này, chàng tự nhủ, có khi nào là cái mà ngày xưa phu nhân Trần thị tìm được ở ông quản giáp hay không? Và, cũng vì nó, bà chẳng còn oán hận hay mong cầu nào với thánh thượng nữa. Một thứ vui thú bình đạm trong dân gian, dẫu tầm thường, nhưng lắm lúc làm kẻ quyền cao chức trọng phải tị nạnh đến đổ máu mắt. Những suy nghĩ miên man trong đầu Mục Huyền bị tiếng thưa bẩm của kẻ dưới cắt ngang. Thận vừa từ ngoài thành về, anh ta xin được gặp chàng.
"Nàng ra ngoài đi. Cứ sai đứa nô nào nhanh nhẹn đưa thư về lộ Hải Thanh." Chàng nói với nàng.
"Thưa, vâng. Cũng sắp trưa rồi, để thiếp sai người giục nhà bếp làm cơm cho kịp giờ điện hạ dùng thiện." Khanh cúi đầu hành lễ rồi lui ra vừa lúc Thận bước vào thư phòng.
Nàng đặt một chân ra ngoài ngưỡng cửa đã nghe được Thận thưa lên với hoàng thái tử. Dẫu không phải đứa thóc mách, vả lại cung quy cũng đã cấm đoán, nhưng nàng vẫn hiếu kỳ để lọt vào tai mấy lời anh ta nói. Hình như trên triều đang có chuyện hệ trọng, có mưu mô, có phường nuôi ong tay áo, cũng có cả người đã bị tống giam. Những điều hai người đàn ông bàn bạc qua lỗ tai nàng nghe chẳng khác nào tiếng sấm rền giữa lúc trời quang. Ấy thế mà hai đầu gối của nàng như muốn khuỵu xuống nơi bậc thềm, vì cái tiếng sấm này kết lại bằng tên của một người. Chu Nhữ Dương.
Đời này tôi không lấy được nàng làm vợ, thì thôi xem như tôi đã mắc vào nghiệt duyên...
Người ấy đến kinh thành làm gì? Quay lại căn buồng của mình, Khanh ngồi thẫn thờ trước gương đồng. Nàng vừa đưa lược chải tóc, vừa nghĩ đến Nhữ Dương. Chàng là lái buôn, nếu lên kinh để nhập vải tơ chuối hoặc đổ bình, liễn cho người ta cũng nào có gì lạ. Nhưng mà... sao chàng lại can hệ đến hoàng thái tử? Anh trai chàng quả thật đã được thăng quan, phải về kinh phụng mệnh mấy tháng nay, hiềm nỗi chức ấy không to, nàng chẳng thấy điện hạ nhắc đến ông ta bao giờ. Hay là chàng gặp vạ gì? Nghĩ thế, trong lòng Khanh như có lửa đốt. Đột nhiên, đang lúc nàng nóng ruột, người cung nữ vẫn theo hầu vào cho nàng hay phu nhân Thuần Đức đang chờ sẵn ở gian sảnh ngoài kia. Dẫu lòng còn ngổn ngang trăm mối tơ vò, nhưng Khanh cũng không dám chùng chình để phu nhân phải đợi. Nàng vội vã chỉnh lại tóc tai lẫn áo váy rồi mới ra tiếp Thuần Đức.
"Phu nhân có chuyện gì cần sai bảo thì cứ để cung nữ sang chuyển lời cho em là được." Khanh ngồi xuống ghế, nàng đon đả.
"Mấy hôm nay em thức khuya dậy sớm, chăm nom cho điện hạ, sao ta lỡ bắt em đi sang bên đấy. Cũng phải để cho em có lúc nghỉ ngơi chứ." Thuần Đức phu nhân mỉm cười, nàng nhận chén nước chè từ tay cung nữ, toan uống một ngụm nhưng rồi lại đặt xuống bàn. Khanh vội sai người đổi chén, nàng biết từ khi có mang, phu nhân đã quen uống nước ấm.
"Phu nhân có gì dạy bảo em ạ?" Khanh mở cơi trầu, têm một miếng mời Thuần Đức.
"Chả là điện hạ có một điền trang ở ngoài thành, năm nay gặp phải thủy tai, ta lo không biết ở đấy ra làm sao rồi. Hiềm nỗi mình mẩy ta thế này, đi xa không tiện." Thuần Đức thở dài. "Mấy hôm nay suy đi tính lại, chỉ đành sang nhờ em thay ta ra thăm thú một chuyến."
"Vâng, phu nhân đã có lời thì em không dám chối. Đợi thêm một hai hôm nữa, điện hạ khỏe hẳn, em sẽ đi ạ." Điền trang ngoài bãi, Khanh từng nghe hoàng thái tử nhắc qua một lần. Chi tiêu trong cung Long Đức đều từ đấy ra. Trước giờ Thuần Đức quán xuyến hết mọi sự lớn nhỏ, nay nàng đang bụng mang dạ chửa, không dám đi đứng nhiều. Chuyện nàng nhờ vả Khanh, thế mà lại là hệ trọng. Nàng phủ thiếp nhận lời, trong lòng có hơi sợ, nhưng nhìn phu nhân thi thoảng liếc xuống bụng, ánh mắt âu yếm vô ngần, nàng không nỡ chối từ. Thái y đã dặn phu nhân phải nghỉ ngơi, kiêng cữ nhiều mới mong sinh hạ được hoàng tôn. Thế nên, dẫu biết đi chuyến này sẽ vất vả, Khanh vẫn nhận lời.
"Ta có sai thêm đứa thư nhi đi cùng em, nó là đứa nhanh nhẹn, quen việc chữ nghĩa. Chuyện gì chưa biết, em cứ hỏi nó." Nói rồi Thuần Đức phu nhân gọi một thiếu nữ vào. Nàng ta nom trạc tuổi em gái Khanh, vóc người gầy gò, khuôn mặt tuy trắng nhưng lại lấm tấm nốt tàn hương. Dẫu thế, đôi mắt của nàng ta rất sáng, tỏ rõ vẻ lanh lợi. "Nó tên là Mộc, theo hầu ta cũng đã ba năm có lẻ. Ta dặn dò nó kỹ rồi. Bao giờ em đi thì cho nó theo."
"Vâng, thưa phu nhân." Khanh đáp. "Em nhớ rồi ạ."
"Từ lúc điện hạ đón em vào cung, ta quấy quả em nhiều quá. Hết nhờ cậy em chăm sóc điện hạ, lại phiền hà em phải bỏ công lo toan việc lớn nhỏ ở đây." Đột nhiên, Thuần Đức đặt tay lên tay nàng. Phu nhân bộc bạch thân tình, nghe như mang vài phần áy náy.
"Em... phu nhân đừng nói vậy. Em được theo hầu điện hạ đã là phúc phận lắm rồi, huống hồ ở trong cung lại được cả phu nhân thương yêu. Phu nhân không chê em dốt nát, không chê em vụng về mà dạy dỗ từng li từng tý, ân đức đấy em không biết đền đáp thế nào." Những lời này Khanh thốt ra chân thành. Nàng vốn thù ghét phận lẽ mọn, cứ nghĩ Thuần Đức phu nhân cũng thế. Giả như phu nhân mặt nặng mày nhẹ với nàng là chuyện cố nhiên. Đàn bà mấy ai lại không ghen tuông, không giận hờn khi chịu kiếp chung chồng với đứa khác? Họa hoằn lắm mới gặp được người như mẹ nàng, nhưng chả phải bà cũng có lúc thấy tủi hay sao? Những lúc ấy, bà len lén dụi mắt hoặc không thì lại nguýt dài lấy một câu mỉa mai cho hả dạ. Thế nhưng phu nhân khác lắm. Chưa bao giờ người chê bai hay xem thường nàng. Trong cung Long Đức này, phu nhân đối xử với nàng luôn là một điều chị hai điều em, hệt như thân thích cùng nhà. Người tốt như thế, nàng không dám có mảy may trách cứ nào.
"Thật ra... ta hay đau ốm, không hầu hạ điện hạ được chu đáo. Có em ở trong cung, sớm hôm kề cận, nâng khăn sửa túi cho người, ta cũng yên tâm." Nét mặt Thuần Đức man mác buồn. Nàng nhìn chén nước, nhìn những miếng trầu têm cánh phượng xếp trong cơi gỗ. Mấy lần hoàng thái tử đến Thường Xuân đường thăm nàng, người đều cầm theo một miếng trầu giống thế. Nàng cũng biết têm trầu cánh phượng, nhưng nhìn không đẹp, chỉ gọi là có hình hài sải cánh mà thôi. Mấy tháng nay, nàng để ý Lương Cơ, thấy nếp ăn ở của nàng ta không chê được điểm nào. Dẫu xuất thân quê mùa, nhưng nàng nhanh nhẹn, sáng dạ. Cách đối nhân xử thể cũng biết tiến biết lùi, không làm mất lòng ai mà cũng chẳng để kẻ khác cợt nhả, khinh khi...
Phu nhân cũng phải liệu đường tính toán, già này nhìn tướng cái cô phủ thiếp ấy mắn lắm, cứ để điện hạ quấn quít rồi chả mấy có con bồng con bế. Gái quê mà cũng làm điện hạ mê mẩn đến thế thì cũng chả phải ngữ hiền lành gì cho cam... phu nhân không cẩn thận là có ngày chịu thiệt về thân.
Vị phu nhân chợt thở dài. Nhìn nét mặt tươi tắn của Khanh, nàng lại nhớ đến lời cô ruột mình rỉ rả bên tai suốt mấy hôm nay. Nhưng rồi Thuần Đức gạt hết sang một bên, chỉ tháo vòng ngọc đeo trên tay, đem thưởng cho nàng phủ thiếp. Biết thế nào được hết lẽ đời? Nàng đối xử với người không bạc, thì ắt ông trời cũng không bạc với nàng.
===
Chú giải:
(1) Thư nhi: Cách gọi nô lệ biết chữ, có thể làm việc ghi chép giấy tờ thời Lý-Trần
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top