Chương 5 - 1: Hai cây lựu
Phía trước Sùng Hoa đường có trồng một cây lựu quý. Cây ấy vốn chung gốc với cây trồng ở Thường Xuân đường của Thuận Đức phu nhân. Vào năm Kiến Hưng thứ mười tám, Duệ Văn vương được sắc phong làm hoàng thái tử, lệnh bà Đàm thị đã cho người đi chiết lấy hai cành từ cây lựu to trong phủ Bảo Quốc hầu đem về trồng ở cung Long Đức. Nghe đồn cây vốn do một nhà sư Thiên Trúc đem hạt đến cho Bảo Quốc hầu, chẳng những quả sai mà còn mọng nước, ngọt mát. Lệnh bà nửa đùa nửa thật nói là để xin vía dễ đẻ dễ nuôi của phu nhân nhà ấy cho sớm có hoàng tôn. Thế nhưng, năm đi tháng lại, hoàng thái tử vẫn chưa có nổi mụn con. Hai cây lựu ngày trước, một cây đã chết khô, còn một cây chỉ đơm hoa mà không kết quả. Dần dà, người trong cung cũng chẳng ai đoái hoài gì đến cây lựu quý ấy nữa, cho đến khi Sùng Hoa đường có người ở. Cuối mùa hè, chớm thấy trời về chiều nom ra màu mỡ gà, đám cung nữ thưa với Khanh, xin cho chặt để đề phòng khi cây đổ vào hàng ngói ngoài hiên. Nàng nhìn lên tán lá tươi tốt, phủ bóng rợp một mảng sân mà trong lòng tiếc rẻ, không nỡ để người ta đốn đi, nhưng lại chẳng dám tỏ rõ ý. Việc ở cung Long Đức đều do Thuần Đức phu nhân quán xuyến, đám người dưới dẫu có lời với nàng đấy, cũng chỉ là lấy lệ mà thôi. Mất đến mấy ngày ra vào nhìn cái cây, nàng mới dám đem chuyện này bẩm lại với phu nhân, xin người chỉ tỉa vài cành xấu cho gọn gàng chứ không chặt bỏ.
"Nếu không sợ đến mùa mưa gặp bất tiện thì cứ để cây ở đấy cho mát cũng được." Phu nhân nhẹ nhàng, ra hiệu cho Khanh ngồi xuống sập gỗ. Đoạn, nàng hỏi tiếp. "Em ở Sùng Hoa đường đã quen chưa?"
Khanh cúi đầu, mắt nàng như dán vào mấy miếng trầu trong cơi gỗ sơn son đặt trên sập. Nàng theo hầu hoàng thái tử bấm đốt ngón tay đến nay cũng đã được tròn ba tháng, không còn lạ nước lạ cái, nhưng cũng chưa thông tỏ hết mọi sự. Chốn cung vàng điện ngọc lắm điều nhiêu khê hơn nhà dân gian, từ lời nói đến bước đi đều phải học, phải hỏi để không phạm vào cấm kỵ.
"Bẩm lệnh bà, nhờ ơn lệnh bà và điện hạ dạy bảo, em cũng đã quen." Nàng nhỏ giọng.
"Ừ, thế thì tốt. Ngay hôm đầu gặp em, ta đã biết em là người nhanh nhẹn." Phu nhân cười, tay ngọc đẩy cơi trầu mời Khanh, sau đấy quay ra lệnh cho tì nữ đang đứng hầu đi lấy ra hộp gỗ giao cho nàng. "Hôm nay điện hạ hồi cung, em cầm lấy chè sen ta mới ướp này về đi. Lúc rỗi rãi mà điện hạ thích uống thì pha hầu người."
"Em..." Khanh ngần ngừ, nàng mở hộp gỗ, bên trong là ba bọc lá sen được gói cẩn thận tỏa hương thoang thoảng. Điện hạ chắc gì đã đến Sùng Hoa đường, nàng thầm nghĩ. Dẫu sao chàng cũng đã đi xa ngót cả tháng trời, nếu hồi cung thì theo lẽ phải đến Thường Xuân đường với phu nhân Thuần Đức mới đúng. Hơn nữa, thứ quý ngần này nàng chưa chạm đến bao giờ, nào biết cách pha cho vừa miệng điện hạ. Khanh cứ cầm hộp trên tay, nàng mím môi, toan lựa lời từ chối khéo. Đằng nào thì cái vị ấy mỗi bận đến chỗ nàng cũng chẳng phải để thưởng chè.
"Phải rồi, chị Hòe này, điện hạ hay khen chị biết hầu chè nước, chẳng bằng chị lấy thêm búp nữa ra đây, pha thử cho hai chị em ta một ấm." Nhìn vẻ ngại ngần của Khanh, phu nhân nói với cung nữ độ hăm hai hăm ba đang hầu quạt bên cạnh. Cung nữ tuân lệnh, nhanh nhẹn lui đi chuẩn bị. Còn lại nàng và Thuần Đức một người hỏi, một người đáp. Những chuyện phu nhân hỏi đều là chuyện vụn vặt như bao bận khác nàng đến Thường Xuân đường, chuyện này đan vào chuyện kia thành một hồi chè nước dông dài. Người cung nữ khi nãy trở vào, trên tay cầm khay gỗ bày biện nào búp sen nào ấm nào chén.
Hòe không đẹp, Khanh nghĩ thầm lúc nhìn chị ta pha chè. Không đẹp nhưng có vẻ là rất khéo. Cách chị ta mở búp sen, cho nhúm chè đã được ủ thơm vào ấm, rồi tra nước nóng đều nhẹ nhàng, uyển chuyển, nom rõ thích mắt. Phu nhân Thuần Đức ngồi bên cạnh cũng chăm chú nhìn Hòe, thỉnh thoảng nàng hỏi chị ta mấy câu. Nước phải tra thế nào mới vừa, châm mấy tuần chè thì phải đổ bã, dùng ấm to hay ấm nhỏ... cứ như thế cho đến lúc chén nước màu xanh nhàn nhạt thơm hương hoa sen mùa hạ được dâng lên Khanh, nàng cũng như đã thuộc hết ngón chè nghệ của người cung nữ. Cầm chén ngọc trên tay, nhìn làn nước sóng sánh đang cuộn khói mỏng, ngửi mùi thơm dìu dịu vởn vơ nơi chóp mũi, Khanh bỗng thấy lòng khoan khoái. Nàng nhấm một ngụm, vị chát nhẹ bám vào lưỡi dần hóa thành vị đắng nhàn nhạt lan dần xuống cuống họng, nước chè ấm trôi theo cái nuốt dè dặt, kéo hết những đắng chát lúc đầu tuột đi, chỉ còn lại phảng phất vị ngọt thanh thanh nấn ná trong miệng. Từ bé đến lớn, nàng quen uống nước vối, dẫu mát và thơm, nhưng thật chẳng khơi được cảm giác thư thái giống thế.
"Em uống có thấy thích không?" Thấy Khanh uống hai ngụm đã cạn trơ đáy chén, phu nhân hỏi. Giọng nàng yếu đi vài phần, một tay ngọc đưa lên day nhẹ huyệt thái dương. Mấy hôm nay tiết trời oi ả, nàng vẫn phải vời thái y đến xem bệnh.
"Thưa lệnh bà, nước chè ngon và thơm lắm ạ." Khanh thật thà, nàng hẵng còn đang tiếc hậu vị ngọt thanh đang nhạt dần trong miệng.
"Điện hạ cũng hay khen như thế." Thuần Đức phu nhân đặt chén chè xuống, nàng nói với Khanh. "Phận đàn bà chúng ta không được can dự vào triều chính, không phân ưu thay điện hạ được những chuyện to tát, chỉ còn mỗi cái việc hầu hạ người cho chu đáo này thôi. Từ nay về sau, điện hạ thích gì, không thích gì, em đều phải nắm rõ. Nếu không biết thì phải hỏi ta, em nhớ chưa?"
"Vâng, em xin nghe theo lệnh bà." Lời của phu nhân nhẹ nhàng, nghe tựa như đang thủ thỉ thân tình mà kỳ thực là răn dạy nghiêm khắc, khiến cho Khanh bỗng thấy thẹn.
Nói rồi phu nhân lại sai cung nữ đem ra nàng hai tấm lụa mới. Đấy là quà biếu mà nhà đẻ của Thuần Đức mới dâng hôm qua, nàng ta chỉ giữ lại hai tấm còn hai tấm đem thưởng cho nàng. Khanh vừa chạm vào vải, tay cảm nhận được cái mát mẻ, trơn mịn thì đã biết là lụa tốt. Màu nhuộm lên đẹp ngang với thứ hàng thượng phẩm của người Tống. Thứ quý giá nhường này khiến lòng kẻ quê mùa rối bời, nàng buột miệng khước từ ngay, nhưng phu nhân lại quả quyết nàng cũng phải có thêm mấy bộ xiêm y mới. Khanh không dám trái lời phu nhân, nàng chỉ đành cảm tạ. Từ lúc vào cung, ngoại trừ ngày đầu bước qua cửa và khi theo điện hạ đến gặp Thuần Đức, chưa bao giờ nàng trò chuyện với phu nhân ấy lâu như hôm nay. Cung nữ hầu hạ Khanh ở Sùng Hoa đường đều nói phu nhân là người hiền lương, có một thoáng nàng đã không tin, nhưng giờ thì nàng chẳng còn ngờ vực gì nữa. Phu nhân quả thật giống lời họ thưa bẩm. Trong lòng nàng cũng vì vậy mà thấy kính nể và thiện cảm với người phụ nữ ấy hơn. Khanh cứ vuốt nhẹ tấm vải lụa được cho, nàng nhủ rằng cuộc đời sau này nàng ở trong cung cấm chắc sẽ bớt đi ít nhiều nỗi truân chuyên nhờ vào lòng độ lượng của Thuần Đức phu nhân. Hẳn lời dì Miên thủ thỉ vào cái đêm trước ngày nàng lên kinh, dặn dò nàng phải biết thân lẽ mọn mà sống cho an phận, yêu kính điện hạ, nhẫn nhịn phu nhân nghĩa là như thế chăng?
Mãi đến giờ Mùi, Khanh mới về Sùng Hoa đường. Trong cung nhàn nhã hơn dân gian, lúc về chiều nàng thường sai người hầu kê ghế cho mình ngồi dưới tán cây lựu. Thuở còn ở nhà Khanh không ưa việc may vá, nhưng từ ngày nhập cung, nàng bắt đầu tập làm lại. Ban đầu chỉ để mạng vết rách trên tấm áo dì Miên may cho nàng, sau dần học thêu được bông hoa cành lá trên khăn. Nhờ việc kim chỉ vụn vặt, nàng bớt rỗi rãi, bớt nhớ nhà vào những ngày hoàng thái tử không đến Sùng Hoa đường. Vị ấy... tay đưa kim của nàng chậm dần rồi dừng hẳn khi nghĩ về chàng. Vị ấy giờ đã là chồng nàng, nhưng từ lời nói đến cử chỉ đều lạnh nhạt như người dưng. Khanh thở dài, dẫu sao nhờ chàng mà nàng được hưởng cảnh mưa không đến mặt nắng không đến đầu, thầy bu nàng được vẻ vang với cả làng cả tổng, thế thì cái tình hơ hững đấy cũng chẳng đáng bận tâm. Tay đưa kim lại thoăn thoắt, chỉ một loáng đã thêu ra bông hoa cúc vàng nhỏ bằng ba đầu ngón tay. Nắng về chiều chiếu xiên xiên tán lá, hắt bóng người đổ xuống, phủ lên khắp mình Khanh. Nàng hơi ngước lên nhìn, hóa ra hoàng thái tử đang đứng chắp tay sau lưng, nghiêng đầu nhìn hoa thêu tự bao giờ.
"Thiếp vẫn chưa thạo, khiến điện hạ chê cười..." Cánh bông cúc còn mỏng, đường chỉ xô lệch không đều, tự Khanh cũng biết nàng thêu rất xấu. Hoàng thái tử chẳng bao giờ để tâm đến những việc nàng làm, thế nên trước cái nhìn nửa xét nét, nửa hiếu kỳ của chàng, nàng càng thêm rối.
Mục Huyền nghe lời phân bua lí nhí chỉ phẩy tay áo đi thẳng vào thư phòng. Thận theo sau, nán lại hành lễ với nàng, trên tay anh ôm mấy cuộn giấy nhỏ và dăm ba quyển sách.
"Điện hạ vừa hồi cung, sao lại đến đây ngay thế?" Khanh lén nhìn về phía cánh cửa bức bàn đang để ngỏ. Ngày thường, nếu Mục Huyền không cho vời thì nàng cũng không được đặt chân vào đấy.
"Bẩm phu nhân, tôi nghe giọng điệu điện hạ thì dễ là đang bực dọc trong người." Thận hạ giọng đáp. Anh ta cúi đầu lảng tránh ánh mắt của nàng.
"Lệnh bà Thuần Đức mấy hôm nay đều thấy không khỏe, hay là ông lựa lời nhắc điện hạ đến Thường Xuân đường thăm chị ấy một lúc." Chàng đến Sùng Hoa đường thì trong lòng nàng cũng lấy làm mừng, nhưng ngẫm cảnh đau ốm của phu nhân, nàng lại có vài phần áy náy. Chẳng gì phu nhân cũng là vợ cả, điện hạ đến chỗ nàng thường xuyên thế này, Thường Xuân đường nào tránh được cảnh chăn đơn gối chiếc làm người ta thấy tủi.
"Phu nhân chớ nhắc đến lệnh bà với điện hạ kẻo lại tai bay vạ gió. Tôi thấy phu nhân mới vào cung còn chưa tỏ nhiều chuyện, nên tôi đánh liều nhắc với phu nhân như thế, tránh cho phu nhân lỡ lời làm điện hạ phật lòng." Thận nghĩ lung lắm, rồi anh mới thưa với nàng. "Tôi nghe phong thanh trên triều có người dâng tấu, chê điện hạ say mê phủ thiếp mà lơ là chiến sự ở trong Nghệ An."
"Chết nỗi, lại có chuyện như thế? Điện hạ cả tháng nay lo trị thủy ở ngoài thành, nào ghé Sùng Hoa đường được mấy bận..." Nghe có người nhắc đến mình trên triều, Khanh giật thót, buột miệng. Nhưng khi trấn tĩnh lại, nàng hỏi tiếp. "Người ta chê trách điện hạ thì can hệ gì đến lệnh bà?"
"Bẩm phu nhân, người dâng tấu là thuộc tướng của quan thái úy." Nói rồi Thận cúi đầu tỏ ý vái chào rồi bước về phía thư phòng.
Chỉ còn lại Khanh đứng ngoài sân. Bóng ác tà như nhuộm cả đất trời thành màu mỡ gà, báo trước mưa giông sắp đổ xuống. Nàng ngẩn ngơ hết nhìn bông cúc mới thêu, lại ngước lên tán cây lựu đang lao xao thoảng gió. Phía trên cây ấy, hoa đỏ rực đang đà nở rộ, nom như những đốm lửa thấp thoáng ẩn giữa tầng tầng lớp lớp lá xanh.
*
* *
Mưa cuối hè trút xuống kinh thành mấy ngày liền không ngớt. Mới đầu chỉ rả rích, sau xối xả kéo thành thủy tai. Đang lúc nửa đêm, Khanh nghe thấy tiếng người hô hoán phía bên ngoài. Nàng khẽ cựa mình ngồi dậy vấn lại tóc tai rồi khều sợi bấc trong đĩa dầu sắp cạn đặt trên bàn, gian buồng thoáng chốc sáng rõ mặt người. Qua khe cửa bức bàn, nàng nheo mắt nhìn bóng người núm khúm khoác áo tơi. Ai đấy? Khanh hạ giọng để không làm kinh động đến hoàng thái tử. Người phía ngoài tự xưng là Thận, anh ta xin được diện kiến điện hạ. Giọng của Thận hẫng vài nhịp theo cái run rẩy vì lạnh, thi thoảng lại bị tiếng mưa gió, tiếng mưa ngoài hiên át đi. Nước sông Cái dâng cao, đê vỡ... Khanh nghe loáng thoáng từng đấy mà chân tay bủn rủn, vội vã trở vào lay gọi Mục Huyền.
"Lấy áo cho ta." Chàng bật dậy, chỉnh lại y phục.
Vừa khoác lên mình tấm áo đối khâm, Mục Huyền đã nóng nảy bước thẳng ra mở cửa, bỏ quên cả đôi guốc gỗ nằm chỏng chơ dưới nền gạch. Đê vỡ, dân ở đám Cơ Xá đang lâm nạn. Người ta phải chạy đến cầu cứu cửa quan suốt cả đêm. Thận khoác áo tơi ướt đẫm trên người, rành rọt bẩm lại những gì lính trạm vừa báo về. Hoàng thái tử nghe xong đầu đuôi, đăm chiêu một lúc rồi ra lệnh cho anh hầu đi chuẩn bị ngựa để chàng đích thân ra tận nơi đôn đốc quan quân cứu nạn. Khanh đứng nép trong phòng, nàng nghe chàng nói chuyện với Thận, lại nhìn dáng vẻ thảng thốt của chàng, lòng bỗng dưng bồn chồn. Chợt nhận ra hoàng thái tử đang đi chân trần, người dính nước mưa lạnh, nàng rón rén lấy ra đôi hài, giúp chàng sửa soạn y quan chỉnh tề.
"Mưa to gió lớn thế này, thiếp xin điện hạ cẩn thận." Khanh vừa đi hài cho hoàng thái tử vừa nói.
Mục Huyền ngồi trên giường, chàng nghe giọng nàng nhỏ nhẹ mà trong lòng dịu xuống. Phủ thiếp của chàng vốn nhát cáy, ấy thế lại không có nửa câu bàn lùi. Nom nàng sốt sắng sửa soạn chu đáo cho mình, chàng đột nhiên thấy cảm kích vài phần.
"Nàng cũng thật khéo lo. Ta đi đôn đốc quan quân chứ nào phải xắn quần lội nước..." Mục Huyền buột miệng. Cả tháng nay quấn quít hương lửa với nàng, cử chỉ lẫn lời nói của chàng đã ra chiều suồng sã hơn trước.
"Điện hạ đừng chê cười thiếp là đàn bà cả nghĩ. Hồi thiếp còn ở quê đã kinh qua mấy bận vỡ đê, nước cao sóng xiết chẳng biết sẽ ra sao. Điện hạ cứ thận trọng vẫn hơn." Khanh thở dài. Ngày còn bé, thầy nàng làm chức quản giáp, dẫu chẳng phải quan lớn nhưng cũng vào hàng chiếu trên trong làng. Mỗi lần mưa to gió lớn, thầy lại phải khoác áo tơi ra sức dân giữ đê. Lúc trời quang mây tạnh, nhìn triền dốc thoai thoải chạy dài đến ngút tầm mắt, vững chắc là thế. Ấy vậy mà hễ mưa gió bão bùng, trời đổ mưa liên miên mấy hôm lại sẽ hóa thành dải mờ nhạt, mỏng manh trước những xoáy, những dòng nước cuồn cuộn như thác đổ đánh ập từng đợt vào bờ. Nhược bằng đê vỡ, nhà cửa, ruộng vườn đều thành một vùng mênh mang sóng nước, của nả, súc vật, có lúc đến cả mạng người cũng bị cuốn trôi tuột trong chớp mắt. Mỗi mùa mưa là mỗi lần mẹ nàng thức trắng đêm chờ chồng ngoài hiên nhà, lòng thấp thỏm không yên. Giờ Khanh cũng giống bà ngày ấy, nàng nghĩ đến cảnh phu quân đội mưa gió, đối trước sông sâu nước hiểm mà lòng dạ như lửa đốt.
"Nói thế hay là ta nấn ná đến mai rồi đi?" Đột nhiên, Mục Huyền hỏi.
"Điện hạ cứ đùa thiếp. Thầy của thiếp hay nói, dân không có quan như rắn mất đầu, tự thân họ giữ đê không nổi." Nàng thành thật. "Huống hồ thánh thượng và điện hạ đều thương dân như con... Máu chảy ruột mềm.. Thiếp giữ điện hạ lại thì thật là tội tày đình."
"Nàng nói nghe hệt như mấy lão già trên triều." Chàng lẩm bẩm.
"Phận thiếp hèn mọn nghĩ gì nói nấy, phu nhân vẫn thường dạy thiếp không được can dự vào việc triều chính. Nãy giờ thiếp nói lời quá phận, xin điện hạ xá tội." Nghĩ một lúc nữa, nàng nói thêm.
"Nàng nhắc khéo ta đấy phỏng?" Mục Huyền nhấc một chân để nàng xỏ hài cho mình. Cung nữ đã tâu lại với chàng chuyện lớn chuyện nhỏ trong cung, lẽ nào chàng lại không biết Thuần Đức mấy hôm nay nghe chừng như muốn đổ bệnh. Ngày thường phủ thiếp của chành vẫn hay qua lại Thường Xuân đường, cũng chẳng trách được nàng muốn đỡ lời cho phu nhân. Đoạn chàng căn dặn. "Sáng mai thái y đến thăm bệnh cho Thuần Đức, nàng sang bên đấy xem bệnh tình nàng ấy thế nào."
"Thưa vâng." Nàng khẽ đáp, nét như mặt trút được gánh nặng.
Y quan đã chỉnh tề, Mục Huyền đứng dậy, chàng nhìn phủ thiếp một cái rồi bước đi. Trước lúc ra khỏi cửa, chàng gọi cung nữ, sai đem cho nàng thêm chăn ấm. Đêm ấy là một đêm mưa lạnh dài đằng đẵng.
Triều đình vốn nặng nợ với dân Cơ Xá. Từ rất lâu về trước, ông bà tổ tiên họ sinh sống ở trong thành Đại La. Thế rồi khi thái tổ hoàng đế rời đô về đây, đổi tên thành Thăng Long, người đã chọn đúng nơi sinh sống ấy làm chốn dựng lên cung điện, lầu gác của mình. Dân chúng cũng thuận lòng hiến lại đất đai cho triều đình. Họ đưa nhau ra bãi giữa sông Cái, lập thành làng mạc mới, gọi là Cơ Xá. Hết đời này đến đời khác, các vua đều nhớ công lao thuở đầu lập quốc ấy mà hậu đãi dân làng. Năm Kiến Hưng thứ mười, nước sông Cái dâng cao, tràn cả vào trong thành. Hồi ấy, dân Cơ Xá chết mấy chục mạng. Thánh thượng hay tin thì thương xót khôn nguôi, người bèn cho xây đê ở khúc sông đấy, giao cho người làng trông nom. Hằng năm, dân đinh và binh lính triều đình cùng sửa sang lại. Năm nay theo lệ cũng phải làm thế, chẳng ngờ còn chưa kịp đôn đốc xong xuôi thì mưa gió đã ập đến.
Mục Huyền khoác áo tơi, đội mưa phi ngựa đến Cơ Xá cùng Thận và binh lính. Lúc còn cách bãi sông độ ba dặm, chàng đã nghe thấy tiếng nhốn nháo, la hét lẫn với tiếng sấm chớp râm ran. Chàng ghì cương, ra lệnh cho binh lính đưa đám dân đen đang nhớn nhác chạy nạn tránh lên chỗ cao. Thận cưỡi ngựa theo sát chàng, gào lên cố chọi với tiếng sấm rền chớp giật, can ngăn chàng chớ đi thêm nữa. Qua giờ Tý, mưa càng nặng hạt, bãi giữa sông mù mịt không còn nhìn rõ được đâu là bờ. Mục Huyền xuống ngựa, tấm áo tơi khoác trên mình chàng đã thấm đẫm nước mưa, nặng trĩu. Có người lính lẫn trong dòng nạn dân chạy đến quỳ trước chàng, chắp tay thưa trình chuyện ngoài bãi. Đê chưa vỡ, nước mới đang mấp mé, chứ chưa tràn lên, nhưng trời cứ mưa thêm một hai canh giờ nữa thì đến cả trong thành cũng phải chịu cảnh lụt to.
"Còn giữ được đê nữa không?" Mục Huyền sốt ruột hỏi.
"Bẩm điện hạ, nhìn mực nước dâng cao thế này mà trời vẫn còn mưa nặng hạt, tôi e là khó lắm..." Người lính ngần ngừ rồi đáp thành thật.
"Truyền lệnh của ta, cho người vào thành báo tin đến phủ vệ tướng quân Phạm Công Đạt, dặn ông ta lo đốc thúc quan binh chống lũ." Chàng nghĩ ngợi chốc lát, dứt khoát ra lệnh cho đám người dưới. "Các ngươi, chia ra làm hai, nửa theo ta ra ngoài bãi, nửa còn lại theo quan chi hậu đi ngược vào thành cắt đặt chỗ cho dân lánh nạn."
Thận và đám lính cúi đầu phụng mệnh, họ tức tốc chia ra làm hai ngả. Đội mưa đi thêm độ một dặm, Mục Huyền đã nhìn thấy thấp thoáng trong màn mưa lạnh ánh đuốc lập lòe cùng tiếng hô hoán đổ thêm đất đá, đắp đê cao để chặn nước lũ. Đến gần hơn tí nữa, trước mắt chàng là cảnh dân đinh ở trần, cố sống cố chết đào bới rồi lại đổ ụp những thúng đất lên mặt đê. Nước sông dâng cao, xoáy thành vòng xói vào chân đê. Sóng đánh hung hãn, nuốt trọn những mảng đất to sập xuống từ bờ sông. Người lính đi cùng Mục Huyền vội vã gọi to, "Hoàng thái tử có lệnh đưa dân bãi vào thành!". Anh ta lặp đi lặp lại ba bốn lần mới đến được tai dân đinh. Lính của triều đình đi theo Mục Huyền cũng chạy ra tận triền đê, hô hào người ở đấy rút vào trong tránh lũ. Vừa nghe có lệnh truyền, dân chúng nhanh nhẹn bảo nhau rời khỏi chỗ hiểm nguy, theo chân quan binh tìm chỗ trú thân. Người này bảo người kia nhanh chân, họ nhớn nhác như bầy ong vỡ tổ, cuống cuồng chạy thoát thân. Đến đầu giờ Sửu, dân trong thành chỉ nghe thấy một tiếng ầm ran cả góc trời lóe lên rồi lại chìm nghỉm trong tiếng mưa. Đê vỡ.
"Thần đã làm theo lệnh của điện hạ, đưa dân ngoài bãi đến chỗ cao tạm lánh."Thận đứng cạnh Mục Huyền trên tường thành nhìn nước sông tràn vào, ngập cao đến cả tấc.
"Cứ đà này đến sáng mai phải chèo thuyền mới đi lại được. Cũng phải lo cho họ lương ăn trong mấy ngày tới nữa. Đợi trời sáng, ta sẽ vào cung xin thánh thượng mở kho lương..." Mục Huyền đăm chiêu, chàng nhẩm tính trong đầu, ước lượng chuyện cứu tế.
"Khi nãy đến gặp vệ tướng quân, thần có thấy con trai quan thái úy cũng ở đấy." Thận thuật lại sự lạ anh bắt gặp. "Trước giờ hai nhà Phạm - Đoàn chẳng mấy khi qua lại."
"Chiến sự trong Nghệ An thế nào rồi?" Hoàng thái tử nghiêm giọng hỏi. Suốt một tháng qua, chàng mải lo trị thủy mà lơ là chuyện này.
"Cơ chừng là thêm vài hôm nữa sẽ phân thắng bại." Thận đáp.
"Đến đâu hay đến đấy, xem bố vợ ta bày ra được trò tai ngược gì." Mục Huyền nhếch môi cười nhạt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top