Chương 4 - 3: Tựa bóng tùng quân


Ngày thánh thượng và hoàng thái tử hồi kinh, đám trên dưới cung Long Đức đều được một phen tất tả. Từ sáng sớm tinh mơ, các cung nhân đã phải ra vào quét tước, bày biện lại phòng ốc lẫn chuẩn bị cơm rượu. Ấy là vì cũng ngày hôm nay, hoàng thái tử rước về thêm một vị phu nhân nữa. Chuyện chàng phụng mệnh đến Đọi Sơn lo liệu lễ tịch điền rồi được thần nhân báo mộng để gặp gỡ giai nhân đã đồn về thành Thăng Long này. Người ta rủ rỉ nhau, bàn tán đủ điều khắp chốn quán xá, chợ búa nhưng cũng chỉ rôm rả dăm hôm lại lắng xuống. Cho đến lúc chàng hồi kinh, chẳng còn ai nhớ về cái cô thôn nữ ướm vừa hài ở xứ xa tít kia nữa. Dân chúng quên, quan lại trong triều cũng không để tâm, mà thánh thượng cũng như muốn làm ngơ. Thế nhưng, ở cung Long Đức này vẫn còn Thuần Đức nhớ đến. Từ trước đấy mấy ngày, nàng đã cho gọi người hầu kẻ hạ, dặn dò họ phải dọn dẹp Sùng Hoa đường thật cẩn thận, không được để cho phu nhân mới vào cung thấy tủi. Đám người hầu ngày thường đều hưởng ân đức của nàng cũng theo lệnh mà dốc lòng lo liệu. Cứ như thế, nhờ một tay Thuần Đức thu xếp, phu nhân Lương thị cũng được đón vào cung, dẫu không rình rang khua chiêng gõ trống nhưng đúng lễ nghi, chẳng khác mấy con gái trong dân gian về nhà chồng, duy chỉ khác một điều là Thận dẫn nàng về cung chứ không phải hoàng thái tử. Thuyền rồng vừa cập bến ngự, thánh thượng đã nhận được tin báo hai vạn quân Chân Lạp tiếp tục làm loạn, cướp phá bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Mục Huyền cũng phải theo vào điện Thiên An để nghị sự chuyện quân tình cùng thái úy Đoàn Thái Trác. Suốt hai ngày sau đấy, chàng không hồi cung mà nghỉ lại trong Long Phượng thành cùng thánh thượng. Mãi đến ngày thứ ba, sau khi nhập nội thái phó Dương Viêm dẫn quân lên đường dẹp loạn, thánh thượng mới giục chàng về thăm nom gia quyến.

"Bẩm điện hạ, cậu nhà con có mấy chữ dâng điện hạ ạ." Vừa ra khỏi cửa Tường Phù, đang lúc Mục Huyền toan lên kiệu, người làm mà chàng quen mặt ở phủ Đông Chính hầu rón rén đến trình thư. Huy Vũ nổi hứng đi câu ở hồ Lãng Bạc, muốn rủ chàng góp vui.

"Suốt ngày chỉ ăn chơi đàng điếm, nói với nó ta bận việc không đến được." Mục Huyền thảy lại thư cho kẻ kia rồi nghiêm giọng.

"Bẩm điện hạ, cậu nhà con còn dặn chuyến này đi có cả cậu Đỗ Tuấn nữa..." Kẻ hầu rành rọt đáp, tựa hồ là Huy Vũ đã đoán trước chàng sẽ từ chối nên căn dặn anh ta thưa bẩm ra sao.

"Đỗ Tuấn... Có phải là con giai thứ hai nhà quan thiếu úy không?" Mục Huyền hỏi dồn.

"Bẩm, là cậu ấy đấy ạ. Cậu ấy vừa từ châu Nghệ An ra đến hôm qua, nghe đâu dọc được gặp phỉ, chùng chình mãi mới về được..." Vẫn giữ giọng dè dặt của dân đen trước cửa quan, kẻ nói thêm. Nhưng không cần đợi anh ta dứt lời, Mục Huyền đã xua tay cho đám phu kiệu đứng đợi sẵn lui về, còn ra lệnh cho lính canh dắt đến một con ngựa. Chàng nhờ kẻ hầu kia chuyển lời cho Thận, báo rằng giờ Dậu mới hồi cung rồi leo lên lưng ngựa, đi về hướng hồ Lãng Bạc.

Trong thư Huy Vũ chỉ nhắc chuyện câu cá, nhưng kỳ thực chàng ta còn không vác theo cần. Khi Mục Huyền đến nơi, chỉ thấy có con thuyền câu be bé đợi sẵn, ông lão chèo thuyền đưa chàng lại gần thuyền to đang lướt nhẹ giữa hồ. Vừa nhác trông thấy bóng chàng, Huy Vũ hớn hở vẫy gọi loạn cả lên. Đoạn chàng với tay lấy hình rượu, rót sẵn ra chén chiết yêu. Ngồi bên cạnh Huy Vũ là một chàng thiếu niên độ hai lăm, hai sáu tuổi vận áo gấm, đang nhẩn nha thưởng rượu mơ. Cả hai chàng thanh niên đều kỉnh cẩn chắp tay hành lễ với Mục Huyền, rồi họ chừa cho chàng một chỗ trên con thuyền.

"Anh thấy tôi nói đúng không, điện hạ hay tin anh về kinh thì giá nào cũng đến." Huy Vũ mở lời, tay nâng chén rượu dâng lên hoàng thái tử.

"Cậu cứ đùa, điện hạ không ham vui như anh em mình, người đến khéo là để hỏi chuyện thôi." Đỗ Tuấn cười.

"Thằng Huy Vũ chỉ giỏi bóc mẽ ta." Mục Huyền vừa ngồi chưa ấm chỗ đã uống cạn một chén rượu. "Nhưng đúng là ta có chuyện muốn hỏi anh."

"Bẩm, Tuấn tôi xin được hầu chuyện điện hạ." Chàng thanh niên giữ ống tay áo, nhấc vò rượu bằng gốm, cẩn thận rót đầy chén cho Mục Huyền. Cử chỉ của anh ta chậm rãi, thận trọng đến nỗi rượu không sánh khỏi miệng chén lấy một giọt, dẫu thuyền vẫn bồng bềnh theo sóng nước.

"Trước lúc về kinh, anh có nghe ngóng được gì không?" Mục Huyền đặt chén rượu xuống khay. Chàng hỏi người thanh niên.

"Bẩm điện hạ ngày hăm lăm tháng trước, có người bắt được hai tên thương lái người Chân Lạp. Hai tên này thường bắt người nước ta đem bán sang Chiêm Thành và nước của chúng. Lúc khám xét chỗ chúng ẩn náu, binh lính tìm thấy hải đồ vùng cửa biển châu Nghệ An. Quan tri châu đã cho lính trạm truyền thư báo về Thăng Long, xin thánh thượng hạ lệnh cho Lương Bá Thước đem sương quân ở Thanh Hóa vào Nghệ An phòng khi..." Đỗ Tuấn hạ giọng, chàng cố tình bỏ lửng. "Dám hỏi điện hạ, thánh thượng nhận được tin vào ngày bao nhiêu?"

"Cách đây ba hôm. Trước đấy chỉ nhận được một tin ở châu Nghệ An lại có phỉ Chân Lạp sang cướp phá gia trang." Hoàng thái tử đáp.

"Vậy là chậm mất năm ngày." Chàng thanh niên bấm đốt tay nhẩm tính rồi lẩm bẩm đủ để hai người ngồi cạnh nghe.

Đáng lẽ đã chặn được quân Chân Lạp ngay lúc chúng nhăm nhe ở bên kia cột đồng. Đỗ Tuấn nhớ đến cảnh dân trại chạy loạn mà hậm hực thốt lên như thế. Nếu thánh thượng nhận được tin báo sớm hơn, hẳn quân man mọi đã không dám càn quấy. Chàng thanh niên với tay lấy vò rượu, tự rót đầy chén rượu của mình. Cả Mục Huyền lẫn Huy Vũ cũng đều nặng thinh.

"Chẳng hay điện hạ thấy chuyện này thế nào?" Một lúc sau, dường như đã bình tâm sau cơn bi phẫn, Đỗ Tuấn hỏi. Chàng chỉ là một viên thị lang nhỏ nhoi trong Hộ bộ, quanh quẩn với thuế khóa ruộng đất, nhưng cũng nhìn ra được những đấu đá trong triều. Mấy năm nay châu Nghệ An do nhà họ Đàm trấn giữ là chốn trọng yếu, tiếp giáp với Chiêm Thành và Chân Lạp, lại có cửa biển thuận đường bán buôn của đám lái thương. Thế nên dễ đến cả ba đời nay, nhà họ Đàm lúc nào cũng có con gái làm hoàng hậu, mà trai đinh trong nhà cũng thuận lợi lên hàng quan tướng. Thánh thượng lại nhớ đến công lao bao năm của họ mới để cho lệnh bà Đàm thị được nuôi nấng trữ quân. Vinh hiển nhà họ mai này có chăng là chỉ sau nhà họ Dương ở Ái châu. Thầy của chàng vẫn hay nói cứ nhìn vào đất Nghệ An sẽ hay họ Đàm lên voi xuống chó thế nào. Giả như đất ấy vào tay họ khác, hẳn vinh nhục cũng chẳng sai lệch đi nửa phần.

"Lần nay thánh thượng để nhập nội thái phó cầm quân, hai ngày nữa người sẽ đến chùa làm lễ, cầu cho ông ta thắng được trận này." Hoàng thái tử đáp. "Phải vịn vào cầu đảo ở chùa để an lòng dân thì e chuyến này nhập nội thái phó ắt phải một phen vất vả. Ta cứ đợi xem ông ấy điều binh khiển tướng ra sao."

"Ông ấy dẹp được lũ man mọi ấy sớm thì dân trại bớt khổ." Đỗ Tuấn thở dài.

"Anh Tuấn về chuyến này lại vừa khéo, đúng lúc điện hạ đang cần người chung lưng đấu cật, lo liệu chuyện chấm lính sung quân." Thấy hai người ngồi trên thuyền đều ảo não, Huy Vũ lảng sang chuyện khác.

"Tôi nào dám, nhưng mà điện hạ cần thì Tuấn tôi cũng xin góp sức mọn." Chàng thanh niên cười.

"Cái sức mọn của nhà anh bằng năm bằng mười sức thằng Huy Vũ. Chén này ta mời, xem như cảm tạ tấm lòng của anh." Mục Huyền nâng chén, chàng ra hiệu cho Đỗ Tuấn cùng cạn một hơi.

"Thôi thôi, uống rượu suông mãi nhạt mồm lắm. Cả anh và điện hạ đã chán chuyện triều chính rối mù hay chưa?" Tựa hồ là sốt ruột vì phải nghe chuyện nãy giờ, Huy Vũ đặt bình rượu đã trơ đáy xuống khay gỗ. "Trong thành có quán vừa mở, tôi thấy người ta khen nhiều, trước lúc đến đây đã sai người dặn họ sắp sẵn cho một mâm rượu thịt. Hai vị không chê thì cho Vũ tôi được mời bữa hôm nay."

"Đang lúc thánh thượng ưu tư, ta e như thế không hợp lễ, ngộ nhỡ bị kẻ khác gièm pha lại ra lắm chuyện lôi thôi..." Nghĩ ngợi một lúc, Mục Huyền xua tay. Đang lúc dân chúng ở châu Nghệ An phải chịu nạn man mọi quấy rầy, chàng tụ tập bè bạn lúc này cũng thẹn với lòng.

"Điện hạ nói đúng đấy, hay là ta hẹn nhau dịp khác thư thả hơn." Đỗ Tuấn nói thêm vào.

"Thế thì ta bỏ rượu ăn cơm, ai trách cứ gì được?" Dẫu nghe được cả hai người đều thoái thác, Huy Vũ vẫn không nản lòng. Phần vì chàng cám cảnh ủ ê của bạn, phần vì tiếc rẻ mâm cơm nên mới cố nài.

Mục Huyền và Đỗ Tuấn đều thân thiết với Huy Vũ từ nhỏ. So với hai người họ, chàng ta kém tuổi hơn, thế nên hay được nhường nhịn, đối đãi như với đứa em trai ở nhà. Nhìn cậu ấm của phủ Đông Chính hầu luống cuống, cả hai lại không nỡ khước từ dứt khoát. Cuối cùng, họ đành thuận theo, nói với người chèo thuyền cho về bờ. Ngày hôm ấy, mãi đến lúc sẩm tối, hoàng thái tử mới hồi cung.

Cuộc hàn huyên với Đỗ Tuấn và Huy Vũ kết lại vào giữa giờ Dậu, sau ba tuần chè nước ở Quan Nguyệt Lâu. Ba người bái biệt nhau rồi ai nấy về phủ đệ riêng. Từ trà lâu của đám dân khách [1] mở ấy đến cung Long Đức là một quãng đường dài đi qua mấy con phố. Mãi cuối giờ Dậu, hoàng thái tử mới hồi cung. Bọn người hầu thấy chàng về, chẳng cần đợi chủ sai bảo, kẻ nào cũng tự biết việc mà làm. Chúng sửa soạn nước tắm, áo xống cho chàng, sau đấy lại bày cơm rượu thịnh soạn đợi sẵn.

"Điện hạ đã về ạ." Vừa thấy chàng bước vào phòng, Thuần Đức vội đừng dậy hành lễ. Trên tay nàng vẫn đang cầm khay gỗ, đợi hầu dùng thiện.

"Nàng vừa ốm dậy, cứ để cho cung nữ hầu thay cũng được." Mục Huyền ngồi xuống bàn. Chàng nhìn qua một lượt đồ ăn thức uống bày trên đấy, đoạn nói với nàng.

"Thưa, bệnh của thiếp đã khỏi. Xin điện hạ cứ để thiếp làm." Thuần Đức dịu dàng. Nàng đặt khay gỗ lên bàn, bày bát đũa đã được lau sạch cho chàng.

Nhìn Thuần Đức chăm chú gắp thức ăn, trên trán rịn mấy giọt mồ hôi, Mục Huyền lại không nỡ giục nàng lui về nghỉ ngơi nữa. Chàng nhặt cây đóm khêu sợi bấc trong đĩa dầu cho sáng hơn rồi chậm rãi nhấc đũa. Thuần Đức là người kiệm lời, thế nên chỉ những lúc chàng hỏi han chuyện trong cung, nàng mới cất tiếng. Điền trang ở ngoài thành sắp vào vụ gặt, hiếu hỉ các nhà công hầu đều đã sắp xếp đủ lễ gửi đến, vải gấm vải lụa từ mấy làng ven kinh vẫn được dâng lên đúng hạn... Việc lớn việc nhỏ nàng đều thuộc làu để thuật lại, dẫu chàng không chú tâm nghe.

"Còn... thiếp cũng đã cho người quét dọn Sùng Hoa đường để Lương Cơ ở tạm. Không biết ý điện hạ thế nào?" Trước thái độ lạnh nhạt của chàng, Thuần Đức ngần ngừ nhắc đến vị phu nhân mới được đón vào cung.

Tay cầm đũa của Mục Huyền hơi khựng lại, có một thoáng chàng toan hỏi nàng về Lương Cơ. Nhưng rồi cũng ngay tức thì, chàng nhớ ra đấy là nàng thôn nữ mà mình đưa về từ lộ Hải Thanh. Sùng Hoa đường nằm ở phía đông, gần với thư phòng của chàng, dẫu nhỏ hơn những nơi khác trong cung, nhưng lại mới và đẹp nhất. Nghĩ đến đây, hoàng thái tử chợt thấy ngượng nghịu. Chàng đặt đũa, nhìn thẳng vào khuôn mặt đang lúng túng của nàng. Huy Vũ trách chàng đúng lắm. Chuyện lấy lẽ đáng ra phải có lời trước với nàng mới hợp nhẽ. Mục Huyền ngập ngừng, chàng không biết nên nói gì thêm. Sự im lặng khiến cả chàng và nàng đều gượng gạo đến mức họ chỉ còn biết chăm chú vào việc đang làm. Đã là đầu mùa hạ, nhà bếp dâng lên một bát canh măng. Chàng nếm thử nửa bát thấy vừa miệng, khen người nấu rất khéo. Nét mặt Thuần Đức thoáng tươi tỉnh lên. Nàng biết chàng thích ăn măng nên mới dặn kẻ dưới nấu từ buổi sáng. Thế nhưng, dù hoàng thái tử thích thú với món ấy, nàng cũng không dám để chàng múc đến bát thứ hai, bèn đẩy nhẹ bát canh ra xa, thay vào một đĩa rau.

"Măng không phải thức lành tính, điện hạ chớ ăn nhiều, tránh làm tổn hại đến ngọc thể." Nàng nói.

Tay của Mục Huyền thu lại. Chàng thở dài nhìn vợ mình rồi nửa đặt nửa như thảy đôi đũa xuống bàn, ra hiệu cho người hầu thu dọn. Thuần Đức ngơ ngác, nhưng cũng đành để kẻ dưới bê hết những mâm bát còn đầy đặn đi. Sau khi dùng thiện, phải có một ấm chè ngon pha bằng nước mưa hứng giữa trời. Mấy năm nay nàng hầu hạ hoàng thái tử đã thành quen, mỗi việc trong cung đều tuân theo thứ tự rõ ràng như thế. Lại một hồi im ắng. Mục Huyền ngồi trên sập gỗ, chàng sai người hầu đi lấy binh thư. Lúc chàng đang chăm chú đọc, Thuần Đức phu nhân vẫn đứng bên mé sập chờ hầu chè nước và têm trầu. Tối dần trôi về khuya, trống điểm canh báo sang giờ Tuất, gian điện vẫn lặng như tờ. Thỉnh thoảng, xen giữa tiếng lật trang giấy, chỉ có âm lạch cạnh của chén ngọc đặt xuống mặt gỗ. Thuần Đức lén nhìn chàng vài bận, như là trong lòng nàng đang chộn rộn không yên. Tay nàng nâng dao bổ cau lên rồi lại hạ xuống, cứ lần lữa thế đôi ba bận, sau cùng nàng mới mở lời. Giọng nàng yếu, nghe tựa tiếng thì thầm. Hoặc giả là nàng thì thầm thật, để khuyên chàng đến Sùng Hoa đường nghỉ ngơi. Thoạt đầu, Mục Huyền lấy làm lạ, chàng gấp lại cuốn binh thư đang cầm trên tay và ngước nhìn vợ. Khuôn mặt đoan trang của nàng hiện rõ vẻ chân thành. Nàng thương cho phu nhân Lương thị của chàng vì lắm nỗi mà chỉ cùng phận đàn bà mới tương liên được với nhau. Mục Huyền à lên một tiếng trong đầu, hẳn là nàng mượn chuyện Sùng Hoa đường để trách khéo mà thôi, chàng không còn cảm giác ngượng nghịu khi nghe Thuần Đức nhắc đến người mới nữa. Cả gian điện rộng lớn giờ bỗng dưng thành một chốn đáng chán, dẫu trước đấy chưa đầy tuần hương, chàng vẫn còn thư thái. Nghĩ thế, Mục Huyền vơ lấy cái áo gấm đang khoác hờ trên vai, chàng xuống sập và đi một mạch về thẳng Sùng Hoa đường. Trước lúc rảo bước, chàng không quên dặn cung nữ vào đưa Thuần Đức về nghỉ ngơi.

Sùng Hoa đường là gian điện nằm ngay cạnh thư phòng của Mục Huyền, hai nơi thông với nhau bằng một dãy trường lang. Lúc trước, chàng chỉ có Thuần Đức bầu bạn, nơi ấy dù đẹp nhưng không đủ nguy nga nên mới bị bỏ trống. Có nhiều đêm trằn trọc khó ngủ, chàng thơ thẩn dạo dọc theo trường lang bao quanh cung Long Đức, đi qua chốn đấy chỉ thấy một vũng tối như hũ nút, chẳng giống với tòa điện sáng trưng ngay trước mắt. Ánh đèn vàng rộn hắt qua song cửa gỗ báo cho chàng hay cái người ở trong nhà vẫn chưa đi ngủ. Mấy ngày nay, chàng mải lo quân tình mà quên bẵng mất nàng, giờ cũng chẳng hình dung được rõ mặt mũi nàng ra làm sao. Nhưng... nàng đẹp. Đấy là lẽ cố nhiên còn đọng lại trong đầu chàng. Như thể để bù đắp cho cái sự lạnh nhạt mấy ngày qua của mình, Mục Huyền chỉnh trang lại y phục đang mặc, cốt không muốn trưng ra cái bộ dạng lôi thôi trước mặt nàng. Cánh cửa gỗ khép hờ mở ra sau cú đẩy nhẹ tựa hồ làm Lương thị giật mình thảng thốt, nàng đánh rơi cả tấm áo đang khâu dở dang. Nàng tên là gì nhỉ? Chàng đưa tay bóp trán, cố nhớ lại, nhưng rồi cũng chịu thua. Có lẽ cứ gọi nàng là Lương Cơ thì hơn, chàng thầm nghĩ trong lúc bước vào phòng. Lương Cơ không giấu được nét sợ hãi, nàng lui dần ra phía cánh cửa, đôi mắt cụp xuống nhìn cái áo rơi trên nền gạch. Mãi một lúc sau, áng chừng như cơn luống cuống đã dịu đi đôi phần, nàng mới cúi người nhặt nó lên. Dẫu thế, nàng tuyệt nhiên không có ý tiến lại gần chàng nửa bước.

"Ta là hổ à?" Mục Huyền ngồi xuống giường, chàng hỏi.

Nàng hơi ngước lên như thể muốn đoán xem chàng vui hay buồn mà lựa lời đối đáp. Chàng hỏi lại lần nữa, giọng điệu đều đều nghe không rõ buồn vui. Lần này, nàng chậm chạp lắc đầu, mắt vẫn dán xuống nền gạch.

"Thế sao lần nào gặp ta, nàng cũng sợ đến mặt mũi tái mét? Ta có ăn thịt nàng đâu?" Chàng thoáng tỏ ra bực bội. Đoạn, chàng nói tiếp. "Lại gần đây. Đêm nay ta ngủ ở chỗ nàng."

Lương Cơ giật thót thêm lần nữa. Hai vai nàng run rẩy từng hồi, chân chậm chạp lết ì ạch lại gần chàng. Khi chỉ còn cách độ ba bước chân, đột nhiên nàng như bị vấp mà quỳ sụp xuống. Giọng nàng thưa gửi nghe sắp khóc đến nơi.

"Tôi... Thiếp... biết điện hạ đã mệt, chỉ dám xin được có mấy lời, rồi... rồi thiếp sẽ hầu hạ chăn gối cho người". Nàng cố kìm cơn nức nở đang trực tràn qua cổ họng.

"Hầu hạ chăn gối à?" Chàng lặp lại mấy lời vừa nghe, trong lòng thích thú trước cái vẻ khép nép của nàng. Kỳ thực, chàng còn chẳng nghĩ đến chuyện ân ái khi bước vào Sùng Hoa điện, vời nàng chỉ để nàng hầu quạt. Nhưng nghe người quê mùa, thô kệch như nàng thốt ra được những lời lẽ giống thế, chàng lại muốn bật cười, trêu nàng thêm phen nữa. "Ra là nàng vẫn nhớ hai ta chưa làm nốt cái việc để lên nghĩa phu thê."

"Thiếp không dám..." Nàng luống cuống hơn, dập đầu liên tục.

"Nàng muốn đủ lễ cưới gả, cung Long Đức ta cũng đem đến đủ. Nàng còn gì chưa vừa lòng nữa?" Chàng nhắc lại chuyện lúc trước. Thánh thượng quả thật không ưa nàng, sính lễ ban xuống cũng qua loa, nhưng lễ nghi để nàng danh chính ngôn thuận về làm phủ thiếp đều đầy đủ. Thế nên, chàng hiếu kỳ muốn nghe xem nàng còn đòi gì thêm.

"Bẩm điện hạ, thiếp không dám đòi hỏi thêm.Thiếp là phận con sâu cái kiến, may nhờ ơn trời được điện hạ đoái thương mà cho theo hầu tả hữu." Lương Cơ nuốt nước bọt. "Chỉ là mấy ngày qua, ngẫm lại chuyện lúc trước, biết mình dĩ hạ phạm thượng nên trong lòng mãi không yên. Thiếp vào cung cũng chẳng khác con gái dân gian đi lấy chồng xa, cô thân cô thế ở chốn này... Nếu điện hạ vì chuyện khi ấy mà lạnh nhạt với thiếp, thì thiếp không biết phải bấu víu vào đâu."

Ra là nàng sợ bị ruồng rẫy. Mục Huyền nhớ đến dáng vẻ nhảy sông của nàng, cơn buồn cười như cuộn lên trong bụng. Ngày ấy nàng sống chết muốn trốn mối duyên với chàng, ương ngạnh làm người ta phát bực. Thế mà giờ, nàng lại đang quỳ trước chàng xin thứ tội. Lương Cơ cũng là kẻ biết tiến biết lùi, chàng nghĩ.

"Nay thiếp theo điện hạ, ấy đã là phúc phận của thiếp, chỉ xin điện hạ thương tình mà bỏ quá cho tội phạm thượng lúc trước để từ nay về sau..." Nàng nói một hơi, không dám dừng lại để thở rồi đột nhiên im bặt khi thấy nét mặt lầm lì của chàng giờ đã tươi tỉnh hơn.

"Từ nay về sau làm sao, nói tiếp đi chứ." Chàng hỏi.

"Bẩm, thiếp được như cỏ dại nương nhờ bóng tùng quân ạ." Lương Cơ hạ giọng, nàng thoáng ngước nhìn chàng.

"Đứng dậy đi. Nàng cũng khéo miệng lắm. " Cái ý tứ biết thân biết phận này khiến chàng hài lòng mà đứng dậy đưa tay đỡ nàng. "Ta để bụng chuyện đấy thì chẳng quá là người nhỏ nhen."

Lương Cơ vẫn chưa hết run, nàng dè dặt bám lấy cánh tay rắn chắc của chàng. Nhưng vừa khuỵu gối toan đứng thẳng thì mũi hài nàng đi giẫm xuống thường, khiến cho nàng loạng choạng xô chàng ngã xuống giường. Trong một khắc ngắn ngủi, cả thân mình nàng đè lên người chàng, khuôn mặt nàng kề sát trước mắt, hơi thở nhẹ cứ phả vào cổ chàng trêu ngươi, làm cả người chàng nóng bừng. Lương Cơ định ngồi dậy, cặp mắt trong veo của nàng giờ lại trở nên lúng liếng tình tứ, gò má mềm mại như ửng hồng, bầu ngực phập phồng qua lớp áo gấm.

"Thiếp..." Nàng luống cuống.

"Định đi đâu nữa." Chàng mỉm cười, hai tay ôm lấy tấm lưng thon mà ve vuốt, lần mở lớp áo gấm quấn quanh thân nàng.

Da thịt thiếu nữ tựa nước mát, làm dịu đi hơi nóng hầm hập tỏa ra từ cái thân đàn ông cục mịch như đất cứng. Thoáng chốc Mục Huyền đã bị cuốn vào cuộc ái ân mà trước đấy chàng chẳng mảy may tưởng đến. Chàng thấy mình giống một đứa thiếu niên chưa trải sự đời, lần đầu được hưởng thứ lạc thú lứa đôi chân thật, vụng về và non dại. Những đụng chạm, mơn trớn hoang đường, phóng túng đến chính chàng cũng phải sửng sốt cứ ập đến nối tiếp nhau, theo hơi thở, theo cả tiếng ngâm nga êm tai lẫn giục giã điên cuồng của niềm thích thú đang được khơi gợi lên nơi thân tâm chàng. Thích. Lâu lắm rồi chàng mới tìm lại được nó để chuyện chăn gối không hóa thành một cuộc giao hoan qua quýt, bí bách chỉ cho xong. Nên trong cuộc vui ấy, chàng kiên nhẫn dẫn dắt Lương Cơ, giúp nàng khỏa lấp đi những bối rối thuở đầu mà thả mình xuôi theo thứ lửa dục đang càn quét tâm can. Nàng hóa thành một đóa hoa nở rộ nép dưới vòng ngực chàng, đung đưa hây hẩy theo mỗi nhịp gió vờn, cả người nàng quấn quít, vương víu không rời thân chàng. Mãi cho đến khi thanh âm nức nở nửa dỗi hờn nửa mê man bật ra từ đôi môi thắm hồng của nàng, những mây mưa hoan lạc cuồn cuộn trong từng thớ thịt tấc da nơi cả hai tấm thân trơ trụi mới dần lắng dịu, nhường chỗ cho nỗi mệt nhoài khoan khoái. Chàng thả mình nằm xuống cạnh nàng. Đèn vẫn chưa cạn dầu, ánh sáng tỏa ra từ đầu ngọn bấc đang cháy đượm thấm qua lớp màn buông rủ hóa thành một màu vàng nhạt nhòa, vừa khéo đủ để chàng nhìn thấy người nằm kề bên đang mơ màng. Chàng đưa tay vén những lọn tóc lòa xòa phủ trên gối rồi nhích người sát lại gần, khẽ chạm môi vào gò má mềm mại và bờ vai tròn lẳn của nàng đầy âu yếm.

Nàng tên là Khanh, Lương Khanh. Cuối cùng chàng cũng nhớ được ra tên nàng. Đoạn, cánh tay rắn rỏi của chàng ôm chặt lấy nàng mà thiếp dần đi. Phía bên ngoài, đêm lằng lặng trôi qua, bóng thiềm cung chỉ như một nét phẩy mờ nhạt hằn giữa trời đêm lấm tấm sao.


[1] Cách gọi di dân người Hoa. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top