Chương 3-1: Trầu têm cánh phượng
Mặt trời gần lên đến ngọn tre, trên con đường đất, người đàn bà mặc áo nâu tất tả quẩy gánh hàng nặng trĩu đi về phía làng Khương Xá. Dọc đường, hễ gặp người làng, bà chỉ chào một câu lấy lệ rồi cúi gằm mặt mà đi. Ruột gan bà giờ nóng như lửa đốt, cuồn cuộn điên đảo vì những lời bàn ra tán vào người ta vỗ vào mặt bà ngoài chợ sáng nay. Con Khanh nhà bà đi đâu mà bị lính điệu về đến tận nhà? Chết chửa, con gái con lứa sao lại vô ý thế? Nó có làm sao không? Quan bắt tội hay mắc vào vạ gì? Bên nhà thông gia đã biết tin chưa? Bố khỉ, bà nghĩ trong đầu, toàn lũ ăn no rửng mỡ, thật lòng hỏi thăm thì ít mà đâm bị thóc chọc bị gạo thì nhiều. Nhưng đám ngồi lê đôi mách nói nào có sai? Bà bấm bụng, định cố nhịn cho hết phiên chợ, bán được thêm đôi tấm vải nữa thì kể ra chuyến này dôi được vài đồng. Khốn nỗi, đến con mụ lang băm chuyên thuốc tễ cho đàn bà mọi hôm vẫn ngồi ngơ ngẩn ở góc chợ cũng hỏi thăm, thì bà cười gượng chẳng được nữa. Ví thử gặp phải nhà cụ lang Lê, bà biết ăn nói thế nào với nhà người ta để lấp liếm cái chuyện tày đình này đây? Thế là bà dọn hàng sớm rồi dông thẳng. Về đến nhà, bà ném thúng ra giữa sân, tay chống hông, mắt nhìn chằm chằm vào gian buồng khép kín cửa, miệng đay nghiến đứa con riêng của chồng. Vốn liếng chua ngoa, đanh đá suốt cả chục năm ngược xuôi buôn bán cứ như vậy bung ra hết để chửi bới cái con mất nết, lăng loàn, nứt mắt ra đã học thói mèo mả gà đồng đang nằm im lìm trong buồng kia, vì có thể thì bà mới sống nổi với cơn uất nghẹn họng. Ngu, ngu lắm con ạ, giọng bà chì chiết, đêm hôm mày ra bãi làm gì. Không có tiếng đáp. Mày nghe thằng nào lời ngon tiếng ngọt rủ ra đấy? Buồng vẫn im lìm. Sau này chó nó thèm lấy mày. Người đàn bà chửi mãi đâm cáu, cầm cả cái đòn gánh mà lao vào buồng, vụt tới tấp lên người Khanh, mặc cho nàng đang sốt cao, lả cả người. Khanh không khóc, nàng đưa tay ôm đầu chịu trận đòn đau. Con Cầm đang lúi húi nấu cơm dưới bếp, nghe tiếng bước chân huỳnh huỵch, tiếng gậy vụt bình bịch xen với giọng chửi chua như vắt chanh của dì Miên, vội ba chân bốn cẳng xông vào buồng can. Cầm ôm lấy chị, chắn trước mặt dì, ăn đủ mấy phát quang gánh đau đến kêu trời. Cơn tam bành của người đàn bà dịu đi khi bà thấy đứa con gái út khóc nấc nên thành tiếng, mếu máo xin bà tha cho chị nó. Tha à, người đàn bà nghiến răng nghiến lợi rít lên, tao làm gì mà phải xin tha? Ễng bụng ra đấy thì xem làng có tha cho nó không? Đoạn như không chịu được cơn phẫn uất, người đàn bà lồng lộn ngoa ngoắt ban nãy ném đòn gánh xuống nền đất, bà ngồi bệt xuống mà gào khóc.
"Tao ăn ở có bạc ác với ai đâu để giờ trời đày đọa tao thế này?" Vừa ngửa cổ lên, bà vừa hét. "Thế này thì chết đi chứ sống sao được với dân làng, mày bôi tro trát trấu vào mặt tao, vào mặt thầy mày. Tao biết ăn nói thế nào với chị cả? Khốn nạn cái thân tao, nuôi mày lớn đến từng đấy rồi mà hẵng còn ngu. Giời cao đất dày ơi, sao ông không cho tôi chết luôn đi cho xong..."
Con Cầm nhìn dì Miên lăn lộn dưới nền, nó toan đến lựa lời dỗ dành cho dì nguôi ngoai, nhưng nhìn khuôn mặt chị gái đỏ bừng, đôi mắt trợn lên, cả người run bần bật từng hồi chẳng rõ vì bệnh hay vì giận, nó lại thôi.
"Nhà người ta đem cau trầu tử tế sang dạm ngõ thì mày ngúng nguẩy chê bai. Đũa mốc chòi mâm son, đòi lấy người nhà quan cơ, để giờ trắng mắt ra. Cái loại quá lứa lỡ thì đến nơi như mày, ai người ta thèm nhìn đến. Đấy, giờ nhà kia đi dạm ngõ con nhà cụ Khán bên làng Đọi rồi đấy, mày trắng mắt ra chưa hả con? Giời ơi là giời, sao thầy nó lại đẻ được cái ngữ ngu ơi là ngu thế này hả giời?"
Vừa nghe đến chuyện dạm ngõ bên làng Đọi, Khanh nấc lên một tiếng, cả người nàng mồ hôi túa ướt đẫm. Cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, làm nàng sởn gai ốc, đầu nàng lại ong lên, hai con mắt long sòng sọc, hằn tơ máu. Nàng đẩy em gái sang ra, chân bước xuống giường. Bà Miên đan lăn lộn khóc lóc cũng nín bặt, mắt trợn lên nhìn nàng bước từng bước lẩy bẩy toan muốn lao ra cửa. Đôi môi khô như rang, nhợt nhạt của Khanh lẩm bẩm những lời vô nghĩa, nàng đòi đi sang làng Đọi, đòi tìm, đòi ăn vạ người ta giống ma làm. Bà Miên cũng đứng dậy, bà chộp lấy tay đứa con đang ốm dở của mình, miệng bà quát đứa còn lại đến phụ một tay. Con này điên hay sao? Mày định đi đâu? Bà lay vai nó. Khanh gầy như lá lúa, lại vừa kinh qua trận sốt cao, cái lay nhẹ của bà Miên làm nàng ngã vật ra. Mắt nàng vẫn mở to, nhưng cảnh trí thảy đều nhòe nhoẹt không rõ hình hài, đầu óc nàng mơ màng với những tiếng ong ong dội thẳng vào lỗ tai, inh ỏi đau nhức như bị dùi đâm. Thứ âm thanh ghê rợn ấy xoáy buốt cả hai thái dương của nàng, khiến nàng choáng váng. Thế khi đến tận cái ngưỡng tột bậc, người nàng giật lên như sợi dây diều thả căng trên cánh đồng lộng gió bị đứt đoạn. Nàng lịm đi. Cơn đau buốt hai bên thái dương cũng dịu lại, tiếng ong ong nhạt dần thành tiếng tơ rung trầm bổng phát ra từ dao cầm của người thanh niên ngồi dưới tán cây hoa mộc năm nào.
"Cô Khanh này, sang năm tôi đem trầu cau đến thưa chuyện với các cụ bên nhà có được không?" Giọng chàng trầm ấm, hòa vào với tiếng đàn nghe nhẩn nha nhàn tản.
"Tôi... thầy tôi lỡ nhận trầu cau nhà khác mất rồi. Vả lại, tôi không dám với cao đến cửa nhà quan. Tôi quê mùa thô kệch, để người nho nhã như ông lấy về thì thật là tôi tiếc cho ông lắm." Nàng đáp. Hoa mộc theo gió phủ phơ phất như mưa bụi rải xuống cái bàn đá, phủ lên mái tóc buông xõa của nàng, vương cả trên dao cầm lẫn vai áo chàng. Âm tơ rung thoáng trở nên trong trẻo, êm ái như nước trôi.
"Trần đời ai chẳng từ quê bước ra? Thanh minh năm ngoái có duyên tương kiến, tôi vừa gặp cô trong lòng đã vương vấn không thôi. Ví như là cố nhân xa cách lâu ngày mới được hội ngộ." Chàng nhoẻn cười, ngón đàn thoắt vút cao như tiếng reo vui. "Tôi hay nghe thầy Huệ Tĩnh thuyết pháp về nhân duyên, nên trộm nghĩ có khi đấy là duyên nợ từ kiếp trước còn dây dưa sang kiếp này."
Duyên nợ... Ừ, có chăng giữa nàng và chàng đúng là duyên nợ thật. Hiềm nỗi duyên ấy, nợ ấy chỉ đủ để kiếp này họ được hạnh ngộ dăm lần rồi vương vít những sợi tơ mảnh như có như không. Duyên nợ ấy chỉ đủ để chàng ngỏ lời ướm hỏi chứ chẳng đủ cho cả hai lên nghĩa phu thê. Khi ấy, hai má nàng ửng hồng vì chữ duyên nợ mà chàng thốt ra. Nàng và chàng đều đâu đã ngờ đến ngày sau con tạo xoay vần trái ngang thế nào.
"Hay là... tôi không lọt được vào mắt xanh của cô Khanh?" Tiếng đàn trầm hẳn, chùng chình trễ nải tựa như lòng người đắn đo.
Không, nào phải. Khanh tự nhủ, nàng mến tài của chàng, nếu không thì chẳng cớ gì nàng lại đội gạo lên chùa nhiều như thế. Thuở ban đầu, nàng nào biết chàng là ai, ngoài là kẻ tầm sư học đạo. Ở chùa làng quanh năm chỉ có mấy vãi già nấu cơm quét tước, giúp lo chuyện nhang đèn, bỗng đâu ra trang nam tử phong tư tài mạo đều hơn người tìm đến. Chàng giỏi chơi dao cầm. Vào những đêm hạ oi ả, khi hơi nóng hầm hập làm giấc ngủ hóa chập chờn, nằm trong gian buồng tối đen như hũ nút, nàng vẫn nghe được tiếng đàn ấy văng vẳng từ xa. Chàng khác với những anh con trai trong làng, có lẽ là ở phong thái ung dung, cao ngạo chăng? Hoặc giả là ở cái sự ý tứ, nhã nhặn? Nàng không thể cắt nghĩa nổi. Nhưng nàng biết rõ lòng mình đã thuận theo chàng từ lâu rồi. Nếu ông đã có lòng... nàng toan cất lời, bỗng lồng ngực lại đau tức, cổ họng như bị bóp nghẹt lại. Người thanh niên vẫn ngồi chỗ cũ, bóng cây đổ xuống như giấu đi cả khuôn mặt của chàng. Tiếng đàn ban nãy còn lưu loát khoan thai giờ rặt những âm trầm đục nặng trĩu. Khanh nhìn theo cánh chuồn chuồn bay ngang qua tầm mắt, nó sa xuống đạp vào hoa sen đang nở rộ, cả ao rộng xanh mướt màu lá rung rinh dưới ánh chiều tà. Con chuồn chuồn là là sát mặt nước, những sóng lăn tăn như động theo tiếng đàn. Thế rồi một cái lưỡi phóng đến quấn lấy chuồn chuồn kéo nó vào mồm ếch đang há rộng. Vậy là con chuồn chuồn đi đời nhà ma. Con ếch nhảy tõm xuống ao, nước bắn ướt cả váy áo nàng đang mặc trên người. Khanh thấy lạnh. Xung quanh trời tối sầm, nàng hoảng hốt nhìn về phía cây hoa mộc, nhưng chẳng còn ai ở đấy. Tiếng đàn vẫn gieo cung bổng trầm. Nước. Nàng bị ngã xuống nước. Mắt, tai, mũi, miệng đều là nước tanh mùi bùn. Trong lúc nàng vũng vẫy chìm nổi, cảnh trí nhòe nhoẹt lờ mờ hiện lên một con thuyền lớn. Nơi mạn thuyền có người đang cầm cây đuốc sáng. Người ấy ao lớn, tướng mạo nom tuấn tú, cương trực, duy đôi mắt lại giống như hai hòn than đen láy, lạnh tanh. Nước nặng trĩu, xuống ghì cả chân tay nàng xuống sâu dưới làn nước thăm thẳm. Khúc nhạc này là khúc lưu thủy, là dòng nước trôi...
Cô Khanh có biết thế nào là nước chảy bèo trôi không?
Lúc Khanh tỉnh lại trời đã về chiều. Nàng thấy mình vẫn đang nằm trong căn buồng riêng, con Cầm ngồi bên cạnh vừa giém chăn vừa phe phẩy quạt mát cho nàng. Ở gian ngoài, như có tiếng dì Miên chuyện trò với khách đến chơi. Đầu đau như búa bổ, Khanh cố nhấc mình ngồi dậy. Con Cầm định reo lên thì bị nàng ra hiệu bắt ngậm mồm. Nó lật đật bê bát thuốc còn ấm lên đưa cho nàng. Thuốc của cụ lang cắt cho đấy, nó nhanh nhảu lúc ngồi xuống bên mép giường. Nhìn nàng hớp được ngụm thuốc, Cầm hạ giọng thầm thì, hỏi nàng về cái người nàng cứ nhắc đến lúc nằm mê. Nhưng mà dì Miên không nghe thấy đâu, may thế chứ lại, nó cười khoe hàm răng vừa nhuộm được một nước, vẫn chưa cứng màu.
"Có phải chị lại nhớ ông Dương không?" Cầm rụt rè. Chuyện nàng và cái người tên Nhữ Dương ấy có ý với nhau, Cầm chỉ nghe phong thanh, nhưng nó đoán được mười mươi đám con gái trong làng đồn thế thì ắt phải đúng vài phần. Không thấy nàng đáp, Cầm lại nói tiếp. "Ông ấy đã bỏ đi lấy vợ thì chị còn tiếc làm gì?"
"Không phải ông ấy bỏ tao." Khanh nhìn xuống bát thuốc đã vơi một nửa, giọng nàng thều thào phân trần. Không phải chàng nuốt lời, nàng lẩm bẩm, người như chàng chẳng bao giờ biết nói lời đãi bôi. Con Cầm nhíu mày, mặt nghệt ra. Nàng bỗng nhiên lại thấy mặt nó đến là buồn cười. "Tao không chịu làm lẽ người ta, có thế thôi."
Đến đây con Cầm cứng lưỡi. Nhìn chị Khanh như bị ma làm suốt ngày hôm nay, nó cứ nghĩ là ông Dương bội bạc mới ra điên tình thế, nhưng mà giờ lại thành chị khướt từ ông ấy. Nó biết phải trách ai, oán ai bây giờ? Khanh uống thêm hơi nữa, cả bát thuốc cạn trơ đáy, nàng đưa cho em gái ra hiệu cứ để đấy. Con Cầm cũng không định dọn dẹp ngay, nó tặc lưỡi, ngồi lì nhìn nàng, đôi mắt như hai quả nhãn lồng cứ xoáy vào dò xét. Tao không ưa làm lẽ, giọng Khanh khàn khàn vẫn còn đượm vị thuốc vừa đắng vừa chua. Nhữ Dương đón nàng làm vợ rồi lấy lẽ cũng xong, nhưng chàng lại quyết nghe theo phép nhà, lấy con gái cụ Khán làm vợ, nhường cái phận lẽ mọn cho nàng. Đoạn, Khanh trút tiếng thở dài. Nàng đưa mắt nhìn ra ô gạch vuông dài rộng khoảng hai gang tay trổ sẵn trên vách đất, bóng cây hoa mộc trông sau nhà theo nắng nhạt hắt thành vạt đung đưa. Cây đấy đã trồng được chục niên, từ tận ngày bu mất. Những chục niên rồi... Lâu quá, lâu đến mức nàng không còn nhớ nổi khuôn mặt bu, đôi mắt, cái mũi cái miệng người làng khen đẹp trong tâm trí nàng cũng đã nhòa đi thành bóng lưng hơi rũ khắc khổ. Ngày còn sống, thầy nàng vẫn bảo bu chẳng lúc nào được sướng. Bu khổ vì lắm nỗi, từ tấm thân ốm yếu liên miên đến cả đường con cái. Khổ này dắt dây sang khổ kia, quấn lấy bu cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Người khổ thường hiền hoặc có khi là ác, cái nào trong hai sự ấy cũng đều trêu ngươi kẻ khác. Bu của nàng thì hiền, nàng nhớ như thế, người làng cũng nói thế. Có hiền mới sấp ngửa lo cưới vợ lẽ cho chồng, cưới về lại tất tả chăm đứa chẳng phải chui ra từ bụng mình. Thế là đần, là hiền quá hóa đần, người ta rủ rỉ với bu. Nhưng bu chỉ cười như mếu rồi bận nào cũng lảng sang chuyện khác. Nét buồn rười rượi lẫn bóng lưng khắc khổ của bu ám Khanh, ám cả vào cơn mê lẫn lúc còn thức. Nàng sợ nghe câu "hiền quá hóa đần", nàng thấy tủi hổ và thương hại cho bu mỗi lần dì Miên cất giọng sang sảng nói chuyện nhà với thầy, còn bu ngồi trong buồng ôm con Cầm, không chen vào nổi một câu. Làm lẽ người ta, là giống cái người đàn bà cắp nón mê bỗng dưng đến ăn ở trong nhà của thầy nàng, có con với thầy nàng, tranh tiếng vợ ông quản giáp của mẹ nàng, bắt mẹ nàng phải nhường nhịn đủ điều... có phải thế hay không? Từ hai hốc mắt của nàng, lệ ứa ra, trượt tuột xuống thấm vào dải tóc buông xõa một bên vai. Nàng khịt mũi, len lén đưa tay quệt khô vệt nước trên má.
"Tao bảo này, tao khát quá, mày ra sân múc cho tao một bát nước mưa." Khanh cầm tay em gái, cả người nàng như đang ngây ngấy sốt thêm trận nữa.
"Để em đi lấy cho chị bát nước vối, người đang ốm ai lại uống nước mưa." Con Cầm giãy nảy, hệt như vừa nghe lời xúi dại.
"Tao thèm lắm, mày cứ ra múc một bát vào đây." Môi nàng khô rộp cả lên, người sởn gai ốc khi hình dung ra cái mùi nước lá vối, dẫu từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ nàng vẫn ưa uống.
Con Cầm ngần ngừ, nhưng rồi nó cũng thua, đành đem bát thuốc ra lu nước ngoài sân. Khanh ngồi bó gối trong buồng, nàng dỏng tai nghe dì Miên đang cười nói ngọt nhạt ở gian ngoài. Còn tiếng ai nữa nhỉ? Nghe như là cụ lang Lê. Cái giọng sang sảng của dì Miên cứ một hai nói chuyện dạm ngõ rồi lại cưới cheo, át cả lời cụ lang. Ngoài hăm ba được ngày, bác cứ cho anh Tân sang đón nó về bên đấy cho đẹp. Khanh thấy ong đầu, nàng nằm vật ra giường. Ôi dào, lễ lạt qua loa là được, đủ cau trầu với một mâm cáo tổ tiên thôi, em không dám thách cao như nhà người ta. Hai mí mắt nàng lại nặng trĩu, dì Miên tính toán chuyện gả chồng của nàng hệt như đẩy tấm vải cũ, vải hỏng đi. Mấy chỗ bị dì vụt bằng đòn gánh trên người nàng đến giờ mới bắt đầu đau ê ẩm. Khanh đưa tay lên trước mắt, nàng kéo nhẹ ống tay áo, cả một vệt lằn dài đang thâm tím lại, chồng lên những vết trầy trụa chỉ vừa mới se miệng rõ là dấu bị mắt tre cào. Lính tráng của cái vị ấy chẳng đã thảy sào tre xuống cho nàng bám vào còn gì. Khanh nhớ đến con thuyền đã vớt nàng lên đêm qua, đến cả người đàn ông có phong thái uy nghi trên đấy. Nàng sợ đôi mắt nhìn thẳng vừa nghiêm vừa lặng của vị ấy, tựa như nắm thóp được tha nhân mà lại kín kẽ không để lộ ra mảy may vui buồn tự thân nào. Nhưng tay người ấy ấm lắm... đột nhiên hai má nàng lại nóng bừng, mùi rượu quế hoa vẫn phảng phất nơi cánh mũi. Đầu óc Khanh ngổn ngang, chất chồng những lời của Nhữ Dương, của dì Miên, cả của vị ấy, nó đau nhức cơ hồ muốn nổ tung ra. Cơn đau bắt đầu từ đỉnh đầu, sau đấy lan xuống trán và thái dương. Nàng nhìn lên cột kèo nhà, toàn thân gỗ lim, gỗ táu bắc ngang, chúng lung lay, sắp đổ ập xuống đè lên người. Cái giường tre nàng đang nằm cũng kẽo kẹt đung đưa như đưa võng. Khanh hoảng hồn muốn ngồi dậy, bỏ chạy ra ngoài sân, nhưng cả người nàng lại nặng như đeo chì. Nàng nằm bất động, lồng ngực bị nỗi sợ hãi bóp nghẹt đến không thở được. Cả gian buồng lại tối sầm.
Khanh thấy xung quanh mình thuần một màu đen tuyền. Nàng không rõ mình đang mê hay tỉnh, nhưng đâu đó nàng nghe được có tiếng khóc. Tiếng đàn bà khóc. Tiếng ấy nhỏ thôi mà sao lại não nùng, thổn thức đến vậy. Ai đang khóc? Nàng bước đi về phía trước, chân dò dẫm trong đêm. Một bước, hai bước, ba bước, chân trần đặt lên mặt đất, lên thảm cỏ dại rễ uốn lượn cứng như gai, tiếng sỏi đá nghe lạo xạo đều đặn. Rồi nàng ngửi thấy mùi nhang. Phải rồi, về mỗi tháng chạp rét muốt, làm cho người ta ngây ngất là cái mùi nhang trầm này đây. Thơm đến nỗi phải để dành cả năm trời mới dám đem ra dùng. Tiếng khóc rấm rứt ngày một rõ hơn, nàng rảo bước. Bỗng dưng, chân nàng đạp lên hòn sỏi mà vấp ngã. Khanh giật thột mở mắt. Ánh trăng mờ nhạt hắt qua khoảnh vuông trên vách và cả tiếng côn trùng rền rĩ từng hồi cho nàng biết đang là lúc đêm khuya. Qua kẽ cửa gỗ, nàng nhìn thấy ánh đèn lập lòe. Chắc là dì Miên ngồi soạn hàng, nàng nghĩ. Nhưng rồi nàng lại nghe thấy tiếng khóc. Giữa đêm thanh vắng, tiếng khóc ấy như vang khắp năm gian nhà. Con Cầm nằm bên cạnh nàng thở đều đều sâu giấc. Khanh thấy khát nước, nàng lưỡng lự vì tiếng khóc kia, định bụng cố ngủ một mạch đến sáng. Ấy vậy mà cơn khát không để cho nàng ngủ ngon, nàng trở mình liên tục sang tả sang hữu. Cuối cùng, nàng đành ngồi dậy, rón rén bước xuống giường, vịn theo vách nhà mà đi ra cửa buồng. Bước chân lảo đảo như kẻ bước trên mây của nàng khựng lại khi nhìn thấy dì Miên đang đứng trước bàn thờ. Người đàn bà chua ngoa, đanh đá có tiếng ở cái làng Khương Xá này giờ lại gục đầu vào bàn thờ thầy bu nàng mà khóc. Xen giữa tiếng nấc, nàng nghe được tiếng bà nài bu nàng tha tội.
"Chị sống khôn thác thiêng, chị phù hộ cho con Khanh tai qua nạn khỏi, cho nó lấy được tấm chồng để không phải chịu miệng đời dị nghị. Nó mà có bề gì thì em còn mặt mũi nào đi gặp thầy nó, đi gặp chị." Người đàn bà ấy lầm rầm khấn, hai tay chắp lại run run, vái van trước bát hương. Mùi trầm thơm theo khói quyện lên rồi tan vào thinh không, như mang theo cả tiếng nức nở của bà.
Khanh đứng nơi cửa buồng, ánh đèn dầu chớm hắt đến đầu ngón chân nàng, vừa đủ sáng để soi tỏ cái nhăn mặt mếu máo của người đàn bà ấy lập cập khấn vái rồi lại lạy lục, khóc lóc giữa gian nhà hiu hắt. Trong lòng nàng như chùng xuống, cơn khát cũng dịu đi. Nàng xoay người quay lại giường, nằm trằn trọc đến tận lúc gà gáy mới thiêm thiếp được. Lần này nàng không còn nằm mê nữa.
Sáng hôm sau, dì Miên nghỉ một buổi chợ mà hì hụi dưới bếp từ sớm. Vừa thấy nàng ló mặt ra khỏi buồng, con Cầm đã lễ mễ bê bát cháo cá mời nàng ăn. Chẳng biết dì Miên kiếm ở đâu được mớ cá chép tươi, thế là cả ba mẹ con được bữa cháo. Khanh ngồi xuống ghế, nàng nhìn bát cháo còn đang bốc khói, miệng bỗng ứa nước bọt, bụng dạ sôi réo lên. Nàng nhẹ lòng khi nghe thấy tiếng sột soạt ngoài vườn, cánh tay hẵng còn hơi run vì đau nhức cầm thìa hớt nhẹ lớp hồ đã tợ thành mảng mỏng phía trên cùng. Cháo nấu loãng, thịt cá lọc sạch xương răm được khuấy cho tan nên quyện hẳn vào với những hoa gạo nở bung, hớp một hớp vị ngọt đằm đặm cùng mùi tiêu, mùi hành hoa nồng trong miệng, thứ đượm nơi cuống họng, thứ xốc thẳng lên mũi, làm ấm cả người. Ăn được vài thìa, có thêm ít hồ gạo, Khanh như tỉnh cả ra. Nàng ăn hết sạch một bát trước cặp mắt sáng rực của Cầm. Nó ngồi chống tay bên kia bàn, mau miệng gạ múc thêm cho nàng bát nữa. Đang lúc nó tíu tít khoe nồi cháo to dưới bếp, ngoài cổng có tiếng người gọi tên dì Miên. Cầm nheo mắt nhìn ra cửa, ai như là ông trưởng họ Lương đang chống gậy đứng đấy. Nó vội kéo tay chị đứng dậy rồi đẩy về buồng, sau đấy gấp gáp dọn cái bát đi. Con bé vừa chui xuống bếp thì dì Miên tất tả từ vườn chạy ra mở cửa. Đúng là ông trưởng họ thật, đi phía sau còn thêm hai đứa con trai và ba đứa con dâu của ông. Khanh ngồi trong buồng, nàng chỉ nghe được dì Miên vừa gọi Cầm đun nước hãm chè vừa đon đả mời từng đấy người vào nhà. Ông cả loẹt quẹt lết đôi guốc mộc, tiếng lách cách vang đều theo mỗi bước chân chậm chạp cố ý nhấn nhá nhắc cho người xung quanh biết về cái tuổi đã ngoài thất thập của ông, rằng lũ trẻ ranh chúng mày cứ liệu mà cư xử. Cái nhà ấy, Khanh bỗng thấy thấp thỏm, chẳng bao giờ nói chuyện tử tế được với dì Miên. Kể từ ngày thầy nàng nhắm mắt xuôi tay, cứ dăm hôm lại thấy hết bố con rồi lại đến anh em họ dắt díu nhau sang đây bàn chuyện nhà cửa. Mà kỳ thực cái dự liệu vừa chớm nảy nở trong lòng nàng như vậy thì ông cụ ở gian ngoài đằng hắng bắt đầu câu chuyện. Cả họ đều đã hay tin Khanh bị lính điệu về nhà, cụ mào đầu, ý tứ muốn hỏi dò dì Miên định thế nào. Nàng ngồi trong gian buồng, cả người cũng căng cứng chẳng khác nào đang ngồi trước cụ, lòng rối bời vì xấu hổ và cả vì sợ phải nghe những lời dè bỉu. Bác trưởng hỏi cháu thế nào là thế nào, dì Miên cũng chẳng vừa, vờ như không hiểu người ta bắt mình định đoạt chuyện gì. Ông cụ vào thế bí, lại hắng giọng rồi nói một hơi. Nào là cả họ người ta trách con cái Khanh nhà cô lắm đấy, nào là nhục đến đeo mo vào mặt, nào là cứ để như thế không ra cái thể thống gì đâu. Dì Miên và chị em Khanh đều nghe không sót câu nào, nhưng tuyệt không ai lên tiếng cắt lời ông cụ. Chỉ đến khi mấy anh con giai của cụ vừa thẹn vừa sốt ruột, mới có người nhắc khéo để cụ dứt cái sự vòng vo đấy đi mà vào thẳng ý chính là gian nhà mà thầy bu Khanh để lại.
"Con cái Khanh đã như thế rồi thôi chẳng kể làm gì nữa, ai hỏi lấy nó thì cho họ rước luôn đi cho đỡ lắm chuyện, chị với con Cầm ở cũng nào hết được cả cái cơ ngơi này. Tôi sang đây bàn với mẹ con chị, để mẹ con chị ra gian nhà cạnh từ đường mà ở, còn thì nhà này tùy chị để lại cho đứa cháu giai nào gọi là thừa tự thì để, nó lo hương khói cho anh ấy. Chứ sang đôi ba năm nữa rồi con Cầm cũng phải lấy chồng..." Ông cụ nói rành rọt, cắt đặt đâu vào đấy. Đám con giai con dâu ngồi vây quanh cũng đệm lời, tấm tắc khen thế là phải.
"Ấy chết, đứa nào đồn đại thất đức thế. Con Khanh ốm hai hôm nay, nằm lì trong buồng còn chửa ra đến cửa." Dì Miên cao giọng.
"Cái nhà thím này điếc thật hay điếc giả mà không nghe cả làng đồn ầm lên con Khanh bỏ tằng tịu với giai ngoài bãi. Gớm, gái tơ đi thâu đêm, sáng tinh mơ diễu một vòng với đám lính tráng. Thím đừng giở giọng con nhà gia giáo, người ta cười vào mặt cho đấy." Người con dâu cả của ông cụ nguýt dài.
"Này, còn cái nhà chị thì nói năng cho cẩn thận. Con Khanh mươi hôm nữa là bên nhà cụ Lang đến xin dâu, sao chị nghe người dưng nước lã nói liên thiên rồi đổ tiếng hư thân mất nết cho nó như thế?" Dì Miên cũng chẳng chịu kém cạnh, vừa cuộn miếng cau khô vào lá trầu vừa đối đáp. "Đứa nào đồn thì chị bảo nó đến đây ba mặt một nhời với tôi."
"Thôi thím đừng có nóng, mình là người nhà, mình đóng cửa bảo nhau chứ đôi co với thiên hạ làm gì? Chị dâu tôi ruột để ngoài da, thím bỏ quá cho chị ấy." Người con thứ của ông cụ giảng hòa. Trong ba đứa con trai, anh ta là đứa dẻo miệng nhất. Thế nên lời nào lời nấy ai nghe cũng đều thấy xuôi tai. Chỉ hiềm nỗi dì Miên nghe nhiều thành quen, giờ lại thấy nhạt.
"Vâng, anh nói vậy thì em xin nghe." Vừa nhai trầu bỏm bẻm, dì Miên vừa đế thêm vào. "Các cụ nói cấm có sai, ba năm ở với người đần, chẳng bằng một lúc ghé gần người khôn."
Người đàn bà im bặt. Con Cầm len lén chui vào buồng ngồi cạnh Khanh. Nó tủm tỉm cười đắc thắng. Cầm ghét nhà ông trưởng, nhất là ba bà bác dâu vì ngày bé toàn bớt xén công chăn trâu của nó, ba thúng gạo chỉ trả có một thúng rưỡi nhưng giở thói đành hanh chửi bới con bé thì không thiếu ngày nào. Cuộc chè nước đò đưa ở gian ngoài lại tiếp tục. Ông cụ trưởng vẫn giữ giọng đạo mạo, nhắc mãi không thôi chuyện đứa cháu trai không có người hương hỏa, nay còn thêm điều tiếng làm nhơ nhuốc gia phong. Mỗi lời của ông cụ đều khiến Khanh nổi gai ốc, tay nàng siết lấy vạt áo, răng lợi nghiến lại từng hồi.
"Mất lòng trước được lòng sau, tôi cứ nói trắng phớ ra với chị Miên thế này, anh chị ấy mất rồi, chị dạy hai đứa chúng nó làm sao thì làm, đừng để làng nước người ta nhổ vào mặt chị, vào mặt chúng tôi là con cháu trong nhà mất dạy. Nhục. Nhục lắm. Anh chị ấy chết không nhắm mắt được đâu." Giọng ốm.yếu của ông cụ đột nhiên khỏe hẳn ra, oang oang giữa nhà.
Nghe đến đây, Khanh òa lên một tiếng. Cơn uất nghẹn dâng lên trong cổ họng. Thầy bu của nàng nào đã làm gì để phải chịu những lời cay độc thế này. Cầm ngồi bên, vụng về đưa tay vỗ nhẹ vào lưng nàng, nó nhỏ giọng an ủi. Cơ hồ là bên kia bức vách ngăn, cả dì Miên lẫn đám khách khứa cũng nghe đều nghe thấy tiếng nàng nức nở. Ông cụ trưởng như chỉ chờ có thế, bèn cất tiếng gọi nàng ra để hỏi chuyện. Đám con ông được thể xì xào, mỗi người góp vào một câu nửa dỗ dành nửa khích bác. Vừa thấy Khanh lóng ngóng toan đứng dậy, Cầm níu tay nàng lại, nó lắc đầu can ngăn.
"Con Khanh nhà cháu bị ốm, bác thứ cho lần này, mấy hôm nữa nó khỏe lại, bác muốn hỏi gì thì hỏi." Lần này, dì Miên thẳng thừng.
"Người ta đồn thì nhà thím chối đây đẩy, giờ thầy tôi ba mặt một nhời nó cho rõ đầu cua tai nheo thì nhà thím lại cáo ốm. Con hư tại mẹ nào có sai, giờ không hỏi nó, để đến lúc ễnh bụng rồi chỉ có cạo đầu bôi vôi." Anh con cả mặt mũi đen nhẻm như hòn than, vốn ngày thường lầm lì giờ dựa thế người nhà cũng dõng dạc.
"Chắc cháu nó thẹn, để tôi với cô Hẹ vào đưa nó ra." Người con dâu thứ liếc mắt ra hiệu với đứa em dâu ngồi cạnh, hăm hở bước xộc về phía căn buồng đang khép hờ. Dì Miên càng chối thì họ càng quyết chí lôi bằng được đứa cháu gái trắc nết ra cho bõ ghét. Nhà là của thầy bu Khanh để lại, giờ nàng đi lấy chồng hay bán xới khỏi làng thì mẹ con dì Miên cũng chẳng còn chỗ bấu víu mà bám chặt cơ ngơi này.
Thình lình, dì Miên cũng đứng bật dậy, dì lao đến trước cửa buồng, dùng cái sức lực điền mà xô cả hai người chị dâu họ ngã lăn kềnh ra đất. Cả nhà ông cụ trưởng được thể gào lên như lợn bị chọc tiết, cố ăn vạ sức ăn vạ. Cái mồm của ba ả đàn bà tru tréo khóc lóc trong khi lũ đàn ông gằn giọng dọa nạt, biến cả gian nhà vốn quanh năm chỉ độc tiếng dì Miên sai bảo hai đứa con gái giờ lại chẳng khác gì chợ vỡ. Hai chị em Khanh chỉ nghe được những tiếng mày tao chí tớ hùng hổ ngoài cửa buồng thì lấy làm sợ, khuôn mặt vừa hồng hào lên một tí của nàng giờ tái mét đi. Cầm ái ngại, nó nắm chặt lấy tay nàng, ngồi lặng thinh không dám ho hé gì.
"À á, con này mày dám đánh vợ ông à." Sau tiếng đàn bà kêu ré lên là giọng đàn ông rít.
"Con này láo, ông đánh bỏ mẹ nhà mày." Lại thêm một hồi huỳnh huỵch thanh âm xô đẩy, đấm đá hỗn loạn.
"Bà thách cả nhà chúng mày động vào bà đấy." Dì Miên nghiến răng nghiến lợi. Qua khe cửa hẹp, Khanh nhìn thấy bóng lưng dì đứng chắn, thấy dì vung đòn gánh vụt tới tấp hai gã đàn ông. Cụ trưởng nhà họ Lương lập cập chạy ra sân, giọng yếu đi thấy rõ, lắp bắp gọi làng nước đến xem con giai với con dâu cụ bị đánh vỡ đầu. Thế nhưng, cơ hồ là trong đám người đứng lố nhố sau hàng giậu, đang cố rướn cổ nheo mắt nhìn vào nhà ông quản giáp hóng hớt, chẳng ai ra chiều dám mon men bước qua cổng.
Đang lúc hỗn loạn, Cầm đột nhiên đứng phắt dậy, nó mở cửa, luồn lách lẻn ra ngoài trong sự ngỡ ngàng của Khanh. Nàng toan chạy theo kéo nó lại, nhưng vấp phải cái thúng nên ngã xuống đất. Khanh lần mò ngồi dậy, chỉ loáng thoáng nghe thấy tiếng bố con ông cụ trưởng vừa chửi bới vừa quát nạt dì Miên vọng vào từ sân nhà. Bàn tay chống trên nền của nàng như chạm phải vật gì đấy nhỏ, mềm mà lại hơi cứng. Khanh nhặt nó lên nhìn, hóa ra là miếng trầu têm sẵn. Dẫu phần lá cắt nhọn đã héo rũ, ngả sang sắc xanh xỉn rệu rã, nhưng nàng vẫn như thấy được đôi cánh phượng xòe rộng bên dưới miếng cau tiện chũm lòng đào. Trầu này không phải của nàng têm mà là trầu của vị ấy dúi vào tay nàng đêm hôm trước, lúc người ta vớt nàng từ dưới sông lên lần thứ hai.
Cứ cầm lấy, về nghĩ cho kỹ. Ta còn lưu lại ở đất này vài hôm nữa. Nàng bằng lòng theo ta thì đem nó đến đình làng Đọi, ta khắc thu xếp cho nàng.
Khanh thẫn thờ nhìn miếng trầu, nàng chợt hiểu ra, vì lý gì vị ấy lại một hai giữ nàng lại trên thuyền đến tận lúc trời sáng mới cho lính đưa về. Lòng nàng dấy lên nỗi sợ, nét mặt lạnh tanh của vị ấy như hiện rõ mồn một. Nàng cố xua đi cái ý nghĩ vừa nảy ra trong đầu. Nếu theo vị ấy kể cũng vẻ vang muôn phần, hơn hẳn đám nhà cụ lang. Nhưng... Khanh vẫn còn cảm nhận được sự bức bối khi phải quỳ mọp, cam phận con sâu cái kiến trước vị ấy.
"Con ranh, mày thả chó ra cho nó cắn ông à? Cái nòi nhà mày rồi cũng rặt phường trốn chúa lộn chồng thôi..." Ông cụ trưởng rống lên xúc xiểm lẫn giữa tiếng chó sủa inh ỏi. Con chó ấy vốn Cầm hay buộc ở gốc cây sau nhà, chỉ đến tối nó mới thả ra để canh trộm.
Nòi? Lời ấy dội vào tai Khanh như mũi dùi đâm xuyên vào tận óc, làm nàng choáng váng. Nỗi tủi thân, uất ức khi nghĩ đến thầy bu khiến hai hàng lệ ứa ra từ khóe mắt nàng. Thầy bu của nàng đều là người tử tế. Người ta không được đem thầy bu ra thóa mạ như thế. Nàng cũng không phải đứa trốn chúa lộn chồng. Nghĩ rồi nàng mím môi lau khô nước mắt, đoạn rút từ rương quần áo ra một chiếc khăn lụa có thêu hoa ở góc mà bọc miếng trầu cánh phượng vào thật cẩn thận.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top