Chương 2-2: Ngô đồng
Châu Giang phu tử là người hiếm hoi trên đời mà Mục Huyền cho rằng xứng với chữ "thanh bạch". Thánh thượng trọng tài của ông, nhưng vừa trạc ngoài ngũ tuần, ông dâng sớ xin lui về ẩn thân trong ngôi chùa làng, lánh xa khỏi những nhộn nhạo chốn quan trường. Hoàng thái tử đứng trước cổng tam quan của chùa Diên Khánh, chàng ngắm nghía một hồi chốn dừng chân của thầy mình. Chùa nhỏ, nằm nép mình về phía Bắc chân núi Đọi, cách ruộng tịch điền ba dặm, thuộc về đất làng khác. Chàng tự tìm đến nơi phu tử chọn vui thú tuổi già vào đầu buổi chiều, lúc bóng nắng nom như đã đổ xiên trên mặt đất. Vừa rời khỏi lưng ngựa, bên tai chàng đã nghe thấy tiếng chuông gia trì vang vọng ra từ gian chính điện, dẫu cửa đóng then cài. Đương khi chàng chưa biết phải buộc ngựa ở đâu, chú tiểu độ chín mười tuổi, đầu cạo tròn ủng chỉ còn chừa lại một lọn tóc dài thả rủ vắt mang tai, đã đến khoanh tay thưa hỏi. Sư thầy dặn chú vừa quét sân vừa ở đây chờ khách. Xen giữa tiếng mõ lốc cốc đều đặn, chú tiểu lễ phép xin được dẫn chàng vào gian khách để ngồi chờ. Chàng buộc con ngựa vào dưới gốc cây hoa ngọc lan, đoạn theo chân chú ta. Chùa nằm tựa vào núi, xoay về hướng Nam, chính điện, nhà tăng và những dãy trường lang cũng theo lề thói như bao nơi khác, được an bày theo hình chữ "công"(1), dàn ngang xiên dọc rồi lại ngang thêm một nét nữa. Mục Huyền nhìn một lượt cảnh trí trong gian nhà mà sư trụ trì dùng làm nơi tiếp khách, vật dụng đều sơ sài, nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Tiếng mõ vọng lại từ gian chính điện chạy ngang đằng trước ngày càng chậm dần rồi lịm hẳn, nhường chỗ cho ba hồi chuông lảnh lên, báo hiệu thời khóa tụng kinh đã xong. Mục Huyền ngóng về phía cửa, chàng háo hức khi nghĩ đến việc sắp hội ngộ với thầy sau dễ là ba năm có lẻ. Vừa thoáng thấy tấm mành tre buông rủ được nhấc lên, chàng đã đứng bật dậy, hai tay chắp lại mà vái chào sư trụ trì. Phu tử giờ đã là sư Huệ Tĩnh, ông gầy hơn trước nhưng nét mặt hiền từ lẫn phong thái điềm đạm thì vẫn như thuở nào. Sư thầy vận áo nâu sồng, trên tay hẵng còn cầm một chuỗi hạt bảo cái, ông nhận cái vái lễ của chàng, đoạn chỉ vào ghế gỗ ra hiệu cho hãy cứ ngồi xuống đấy uống nước. Hai thầy trò đối diện nhau, nhà sư nhìn chàng một hồi, chỉ nở nụ cười hài lòng. Trước lúc tìm đến đây để thăm thầy, Mục Huyền có rất chuyện để thỉnh giáo ông, nhưng giờ đây chúng đều bị phong thái thoát tục của sư Huệ Tĩnh làm cho nghẹn lại cổ họng, không sao thoát ra được. Đôi mắt hiền từ kia, cả giọng nói chậm rãi, bàn tay không ngơi nghỉ lần chuỗi bảo cái, thảy đều ngầm báo cho chàng hay phu tử giờ có lẽ là bậc chân tu chẳng màng đến thế sự nữa. Đối trước một người như thế, chỉ nội việc nghĩ về những chấp nhặt nhỏ mọn của kẻ phàm phu tục tử cũng đã đủ làm chàng thẹn trong lòng, huống hồ còn nói ra thành lời. Vậy là chàng đợi nghe sư thầy cất tiếng hỏi, rồi khiêm nhường đáp lại. Cuộc chè nước trôi đi chậm chạp, quẩn quanh chuyện những đồng liêu, người quen cũ của ông Châu Giang phu tử hồi trước giờ ai còn ai mất, ai quan lộ thênh thang ai đã lui về nghỉ ngơi. Thi thoảng, sư thầy nhắc lại đôi ba lần chàng bị trách phạt. Lúc thì vì viết chữ xấu, khi là do không thuộc bài. Mục Huyền nhớ đến những lần ấy, trong lòng như dịu lại, xao nhãng hẳn khỏi suy tư nặng lòng. Hiếm lắm mới có lúc chàng được thảnh thơi trò chuyện thế này. Đang lúc chàng kể cho thầy nghe Huy Vũ sắp lấy vợ, chợt phía ngoài sân có tiếng con gái trong trẻo như khánh ngọc, êm tai cất lên. Hình như là người làng đội gạo đến cúng cho chùa, sư Huệ Tĩnh niềm nở ra nhận của hiến lễ ấy giống bao bận khác. Gạo nếp cau ngon lắm, dăm hôm nữa thầy để các vãi đồ xôi đóng oản vừa thơm vừa đẹp, người ta nói với sư. Rồi như gạo nếp không còn chưa đủ, lại cả đỗ xanh, đường mật. Toàn những miếng ngon quý giá, thảy người ta đều vui vẻ đem dâng hết cho Phật thánh. Cái sự hào phóng ấy khiến Mục Huyền thấy hài lòng, tự mãn, vì thế là dân chúng đang ấm no, đủ để họ sẵn lòng san sẻ mà chẳng phải lo nghĩ nhiều. Cảnh thái bình đấy là thật. Chàng vẫn ngồi ở ghế, tự rót chè nhẩn nha thưởng thức vị ngòn ngọt đượm cuối lưỡi kéo đến sau vị đắng chát. Phía ngoài hiên, sư thầy sai chú tiểu cất đi phần gạo cúng, đoạn lại quay sang hỏi han chuyện nhà của người kia. Làng nhỏ, người làng gần như cả đời làm láng giềng, họ nhẵn mặt nhau hết đời này sang đời khác, sư thầy nhập gia tùy tục cũng dự vào cái sự thân quen ấy để biết nhà này đang có người bệnh hay thêm ba hôm nữa là lại đến cái giỗ cha.
"Thuốc của cô Miên thầy cắt rồi, con cầm về sắc ba phần lấy một, ngày uống hai lần sáng tối. Nay các vãi nấu chè, con xuống bếp mà ăn." Sư thầy dặn dò, đoàn lại gọi chú tiểu sai đi cắt nải chuối sứ. "Tí nữa con cầm về thắp hương cho ông quản giáp."
Chữ "quản giáp" thốt ra khiến Mục Huyền phải ngoái đầu nhìn ra sân một lần nữa. Sư thầy đã đi lấy thuốc, chỉ còn lại người làng đứng đợi. Qua tấm mành tre, chàng thấy khoảng sân rực nắng chiều, thấy dáng người thiếu nữ mảnh mai, khuôn mặt thấp thoáng giữa những sợi nan mảnh kết đan vào nhau. Chàng không rõ được hình dung, nhưng vóc người ấy và cả giọng nói êm dịu thảy giống như nét bút lông họa ra trong tâm trí chàng dáng điệu yêu kiều, đẹp xinh. Nàng hơi nghiêng đầu sang một bên. Tựa hồ ở bên kia tấm mành, nàng cũng nhận ra chàng đang nhìn mình, hoặc giả là nàng hiếu kỳ trước cái bóng người mặc áo xanh thẫm ẩn hiện qua kẽ nan. Sư thầy hiếm khi tiếp khách lắm, cả làng này đều biết tính thầy. Ngoại trừ có công có việc, thầy mới nói vài câu, còn lại đều do tiểu Lĩnh chuyển lời. Người ta đồn nhau ngày xưa thầy làm quan to trên kinh, nên chẳng ai bảo ai đứng trước thầy họ đều khép nép như đứng trước cửa quan. Có chăng thầy là quan hiền, quan lành như ông huyện nên người ta dẫu khép nép nhưng chẳng phải vì sợ mà vì nể trọng cái uy. Vậy mà hôm nay thầy lại có khách đến thăm, cái người này thầy quý đến độ tiếp chuyện thân tình nhường ấy. Nàng ngó nghiêng nhìn bóng người, hình như người ta cũng đang dõi mắt ra đây. Liệu có phải người ta thấy mình cứ nhìn chằm chặp vào trong đấy không? Chết thật, ai lại đi soi mói người dưng thế, nàng nghĩ, người ta cười cho. Thế là nàng lại đánh mắt đi chỗ khác, mặc trong lòng còn ngổn ngang hiếu kỳ. Gió mát thổi ùa vào từ cánh đồng nặng trĩu bông, làm lao xao những tán cây, mang theo mùi thơm thoang thoảng của mấy bông hoa ngọc lan nở sớm còn vương dưới gốc cây. Nàng thích lắm, đầu cứ ngước lên nhìn. Nắng chiều lọt qua những kẽ lá, in vệt sáng lỗ chỗ trên mặt đất. Sau cả chục hôm rét buốt, nàng thèm được nhìn ngắm sắc vàng óng ánh đấy xiết bao, thế là nàng ngẩn ngơ nhìn bóng nắng rung rinh trên sân. Đang lúc mê mải, chợt có bông hoa bị gió hẩy khỏi cành, chao liệng xuống vai áo nâu, tựa cái chạm tay khe khẽ làm cho nàng giật nảy, lùi lại vài bước. Bóng hằn lên mành tre run rẩy, như là người ngồi trong nhà thở hắt, cố nén cơn phì cười. Rõ đẹp cái mặt, nàng mím môi, thầm tự giễu, hai má nóng ran. Vừa lúc đấy, sư thầy cầm ra vài thang thuốc bảo chú tiểu đem ra đưa cho nàng.
"Mô Phật, bạch thầy, con về ạ." Nàng chắp tay vái vọng sư thầy, xếp gọn gàng nải chuối xanh với mấy thang thuốc vào thúng rồi ra về. Mắt nàng liếc nhanh qua cái bóng kia, như thể là xem xem người ta có còn nhịn cười nữa không.
Mục Huyền rót thêm một chén nước chè nữa khi thấy sư thầy quay lại. Chàng lấy ra ba thỏi mực Tàu được gói cẩn thận trong giấy điều làm quà kính thầy. Mực đấy là mực tốt, vốn là đồ ngự dụng, năm ngoái thánh thượng thấy vừa mắt đôi câu đối của chàng mà ban thưởng.
"Điện hạ có biết vì sao năm nay thánh thượng chọn về Đọi Sơn làm lễ không?" Sư thầy nhận gói giấy điều, nhìn một lượt ba thỏi mực còn thoang thoảng mùi thảo mộc và hỏi chàng.
"Thưa thầy, cuối năm ngoái nhà Dương hoàng hậu có tang." Mục Huyền đáp. Trong tám hoàng hậu, thánh thượng xem trọng nhất ba người, Vương thị, Dương thị và mẹ chàng, lệnh bà Đàm thị. Nhà họ Dương vốn là gia tộc lâu đời, thuở tiền triều đã từng làm chủ cả một dải kéo từ Lỵ Nhân đến cửa Bố Hải. Đến giờ dẫu đã xưng tôi với thánh thượng, nhưng thanh thế vẫn còn lừng lẫy. Con cháu của họ kẻ ăn phần nhiệm tử, người dấn thân quan trường, vào cả hai ban văn võ. Lần này xong lễ, thánh thượng sẽ còn lưu lại ở hành cung Lỵ Nhân thêm mươi ngày cũng chỉ để tỏ rõ cho thiên hạ thấy rằng người xem trọng nhà họ Dương đến nhường nào.
"Điện hạ như có chuyện muốn hỏi ta?" Sư Huệ Tĩnh nhìn thấu được chàng.
"Thưa thầy, là về Đoàn thái úy. Dạo gần đây ông ấy đưa bộ hạ về các trại và động để trấn thủ. Con không đoán ra được cớ gì ông ấy lại làm thế." Võ tướng đi trấn thủ ở các trại vốn là chuyện bình thường, nhưng trong lòng chàng vẫn canh cánh mối bất an. Kể từ khi chàng kết duyên với con gái Đoàn thái úy, đôi bên thành người một nhà. Ông ta và chàng không còn đả động gì đến nhau, ngoại trừ những lần thăm viếng giữ lễ nghĩa. Nhưng con người Đoàn thái úy không hợp với sự yên ả như vậy. Lúc nãy, chàng ngại làm phiền đến sư thầy nên tự nhủ hay là thôi nhắm mắt làn ngơ hẳn, giờ sư thầy có lời trước, chàng chỉ chờ có thế, vội vàng giãi bày.
"Nhà họ Dương, họ Vương và họ Đàm từ tiền triều đến giờ, dẫu vận nước khi hưng thịnh lúc suy vi nhưng không lúc nào là không có quyền có thế. Điện hạ cứ ngẫm sẽ hiểu." Sư thầy mỉm cười, ông nhấm một ngụm nước chè.
Đoàn thái úy vốn xuất thân là kẻ bần hàn, được theo phù trợ cho thánh thượng mà lên hàng khanh tướng. Hiện thời ông ta đang nắm quyền bính trong tay, nhưng so với các thế gia lâu đời tại các lộ, thì quyền bính ấy chẳng khác nào thứ bèo nước chìm nổi phập phù, không có gốc rễ. Đoàn Thái Trác nhìn thấu được lẽ hơn thua đấy, ông ta muốn gầy dựng căn cơ cho nhà họ Đoàn. Lộ Thượng Nguyên nằm ở mạn bắc, giáp với các động của người thượng, về chốn ấy, họ Đoàn mặc sức tung hoành, không phải kiêng dè tai vách mạch dừng. Mục Huyền lại nghĩ đến vợ chàng, giả như nàng ta sinh được con trai khi căn cơ của họ Đoàn đã vững, thì hẳn cũng vừa khéo sẽ giống nhà họ Đàm trước đây nhờ vào thái hậu Đàm thị có công sinh thành thánh thượng mà vinh hiển bội phần. Hoàng thái tử siết chặt nắm tay, cái ý nghĩ rằng Đoàn thái úy và cả dòng họ của ông ta tính toán xa xôi như thế mà chàng không hay biết gì khiến chàng khó chịu trong lòng.
Trời sang lúc chiều tà, Mục Huyền cáo từ sư thầy Huệ Tĩnh. Vào lúc chàng leo lên ngựa rời khỏi chùa, chú tiểu Lĩnh đánh ba hồi đại hồng chuông. Tiếng chuông ngân vang cao vút chín tầng không rồi chầm chậm lắng xuống, bao phủ lên từng cái cây ngọn cỏ đang run rẩy trên mặt đất còn chưa nguội nắng hẳn. Chàng rời ngôi chùa làng với đôi phần lưu luyến. Chốn này thanh tịnh, yên bình làm sao, chỉ ghé chân nghỉ lại trong chốc lát cũng khiến cho con người ta thư thái. Chẳng trách thầy chàng nói rằng cõi lòng thầy giờ nhẹ như bông, không còn nhớ đến người vợ hay đứa con gái nhỏ chết cháy năm nào. Ngựa thả bước đi được một quãng xa trên cánh đồng, Mục Huyền vẫn nghe được tiếng chuông trầm đằm vẳng đến bên tai, chàng ngoảnh lại nhìn cổng tam quan giờ bé bằng đầu ngón tay cái thu mình dưới vòm cây đa đã đứng ở đấy dễ hơn nửa đời người. Ngôi chùa và cả gốc cổ thụ đều đắm trong vạt nắng vàng dịu nhưng sáng rõ. Chàng đưa tay kéo nhẹ dây cương để con ngựa đi thong thả. Cánh đồng lúa trải dài ngút tầm mắt, tựa hồ như biển ấy chạy đến tận chân trời, rồi bị những đám mây bồng bềnh, óng ánh như cuộn tơ đang trôi thơ thẩn nuốt chửng. Cảnh trí xung quang tựa hồ như gợi cho Mục Huyền nhớ lại thuở nhỏ, khi chàng hẵng còn là đứa trẻ gầy trơ xương sườn cưỡi trên lưng trâu. Mỗi buổi chiều tà, chàng sẽ chất hai bó củi lên lưng trâu rồi đủng đỉnh đi về nhà theo tiếng gọi nhau í ới của lũ mục đồng. Móng ngựa gõ lộc cộc đều đặn thành nhịp, thi thoảng chàng nhìn thấy vài đường đàn ông đàn bà gánh củi đứng dẹp hẳn sang vệ cỏ nhường đường. Dân ở đây nom ai cũng thuần một vẻ chất phác, chàng nghĩ. Giá mà những kẻ vây quanh chàng cũng thế thì hay biết mấy. Rồi chàng lại thầm chữa, kể ra Chu Cao Mân cũng không đến nỗi. Viên quan tri huyện làm việc cẩn trọng, nhưng tính tình quá ngay thẳng. Nước trong thì không có cá, chẳng trách quan tri châu ngứa mắt hắn. Mục Huyền không để bụng chuyện Chu Cao Mân thọc mạch lần chàng gặp Nhàn, dẫu đoán được mười mươi hắn nghĩ ra chuyện phạm thượng gì. Đấy là kẻ có tài, tâm địa ngay thẳng, có chăng trước lúc dùng hắn, chàng phải chỉ cho hắn biết thế sự xoay vần lắm khi cần phải thức thời mới còn giữ được cái mũ quan trên đầu.
Mục Huyền về đến đình làng Đọi vào đầu giờ Dậu. Chàng vừa xuống ngựa đã nghe Thận bẩm báo Huy Vũ đang đợi ở bên trong. Hoàng thái tử vội đưa luôn dây cương cho anh hầu dắt ngựa về chuồng. Cậu em họ của chàng đang ngồi têm trầu, chẳng biết nó sai lính tráng kiếm đâu ra chõng tre mà kê ra mé sân ngồi hóng gió. Dợm nghe tiếng bước chân, Huy Vũ đặt cơi trầu xuống, chàng đứng dậy toan quỳ lạy ba lạy nhưng hoàng thái tử lại xua tay ra hiệu miễn lễ.
"Cứ tưởng hai hôm nữa mày mới đến, sao giờ đã lù lù một đống ở đây rồi?" Mục Huyền ngồi xuống chõng tre, chàng nhặt chiếc quạt lá đề nằm chỏng chơ trên đấy, tay bắt đầu phe phẩy.
"Bẩm anh, em sợ anh không có ai sai bảo nên mới xin thánh thượng cho đi sớm dăm ngày." Huy Vũ cung kính.
"Ngữ lười thối như mày chạy đến đây, mười phần thì chắc chín là cái đám dạm ngõ kia chẳng ra làm sao." Chàng bĩu môi. Huy Vũ đi thuyền chuyến nào chẳng nôn đến mật xanh mật vàng, nó sợ đi thuyền còn hơn sợ cọp. Lần này chàng phụng lệnh thánh thượng về Đọi Sơn, nó đã lẩn như chạch, viện cớ ở lại kinh lo dạm ngõ con gái nhà thiếu úy Đỗ Niệm. Chàng nhẩm tính lễ cũng chỉ vừa mới xong hôm qua, vậy mà hôm nay nó đã có mặt ở đây được thì họa là mọc cánh bay mới đi nhanh được thế. "Này, thế con gái nhà họ Đỗ mặt mũi thế nào mà mày bỏ chạy đến đây?"
"Con nặc nô. Lão Niệm ấy đẻ ra được một đứa nặc nô." Huy Vũ nghe hỏi thì buột miệng, nhưng chợt nhớ ra đang đứng trước hoàng thái tử nên khẽ khàng ngồi xuống chõng mà hạ giọng thuật lại chuyện tai bay vạ gió chàng gặp phải mấy hôm trước. Hôm đấy, Huy Vũ theo đám bạn đồng môn trẩy hội về muộn. Chàng cáo từ bạn bè ở phường Giang Khẩu một mình tản bộ về phủ Đông Chính hầu. Lúc đi ngang qua phủ thiếu úy vào cuối giờ Tuất, chàng nghe thấy người ta hô hoán nhau bắt trộm. Rồi chẳng rõ cớ gì, bỗng nhiên bị Đỗ Thục Oanh thét gia nhân vây lại đánh cho một trận lên bờ xuống ruộng. Lần chịu đòn oan ấy khiến Huy Vũ tởm đến già, lúc biết thầy mẹ định cưới Thục Oanh về cho mình, chàng đã quyết sống chết gì cũng leo tường bỏ chạy đến chỗ hoàng thái tử. Vừa nói, chàng vừa đưa tay xoa bên trán hẵng còn hơi sưng đau. "Đàn bà con gái như thế thì chó nó thèm lấy."
Mục Huyền nghe xong cười ngặt nghẽo. Con gái Đỗ thiếu úy nổi danh là tài cung kiếm hơn hẳn đám nữ lưu kinh thành. Nàng ta cưỡi ngựa cũng chẳng thua gì đấng mày râu. Lấy một thằng trói gà không chặt như Huy Vũ thì rõ là khó nói chuyện cầm sắt. Nhưng chàng đoán, đám này em họ mình có chạy đằng trời mới giãy ra được. Thánh thượng nối duyên cho hai nhà, nên dù muốn hay không Đông Chính hầu và Đỗ thiếu úy đều phải kết thông gia. Chàng nhặt miếng trầu mà Huy Vũ vừa têm trong cơi, bỏ vào miệng nhai rau ráu.
"Mày têm trầu xấu thế này thì thôi cũng nên lấy vợ đi." Chàng nói. "Cứ chê ỏng chê eo người ta rồi rốt cục chả biết đứa nào là chó đâu."
"Giặc cái như con nhà lão Niệm khéo chó còn chê." Huy Vũ rót bát nước lá vối uống cho bõ cơn khát, đoạn chàng hỏi lảng sang chuyện của Châu Giang phu tử cho đỡ ngượng."Em nghe người dưới bẩm lại là anh vừa đi thăm phu tử về. Anh có gặp được thầy ấy không?"
"Ừ, có. Thầy vẫn khỏe." Mục Huyền thôi trận cười, chàng lại phe phẩy cái quạt. "Qua lễ rồi mày muốn đến thăm thầy thì đi chùa Diên Khánh một chuyến, ở ngay làng bên chứ xa xôi gì."
"Thôi, em xin khiếu. Lần này có cả Đoàn thái úy theo đến đây, nhỡ đến tai ông ấy lại rầy rà làm phiền thầy." Nghĩ ngợi một lúc, Huy Vũ thật thà.
Tay cầm quạt của Mục Huyền chậm một nhịp, chàng nhìn sang cậu em họ như thể dò xét lời vừa nghe có thật hay không, nhưng rồi lại trở về như cũ. Nét mặt chàng khinh khỉnh khi nghĩ đến Đoàn thái úy. Tháng chạp năm ngoái, ông ta phụng lệnh đi châu Quảng Nguyên dẹp đám sơn tặc hay chặn cướp các đoàn buôn sang đất Tống. Chàng tưởng rằng phải sang tháng năm ông ta mới hồi kinh, chẳng ngờ giờ đã lên đường theo thánh thượng về Đọi Sơn. Đến thì cứ đến, chàng nghĩ, chẳng qua ông ta làm mất lòng nhà họ Dương nên không dám lơ là, sợ có người thừa cơ xúi bẩy thánh thượng gây ra sự gì hại đến mình. Đang lúc trầm tư, Mục Huyền chợt nghe thấy tiếng bụng dạ Huy Vũ sôi ùng ục vì đói. Vậy là chàng kéo ống đồng nhổ bã trầu, sau đó rời chõng tre, giục nó theo vào trong gian đình để ăn cơm.
"Có mùi thơm thế nhỉ? Nghe như là mùi hoa ngọc lan. Anh có ngửi thấy không ?" Lúc theo chân hoàng thái tử, Huy Vũ khụt khịt mũi, chàng lẩm bẩm.
Hoa à? Mục Huyền hỏi lại. Quả thật chàng cũng ngửi được mùi hoa thơm thoang thoảng, giống với mùi hoa mà buổi chiều chàng bắt gặp ở chùa. Huy Vũ nhìn quanh quất sân đình lúc trời đã chớm nhá nhem, chàng reo lên chỉ về phía góc sân cách chỗ cả hai độ năm mươi trượng, ở đấy có một cây hoa ngọc lan xanh tốt. Mục Huyền nhìn cây ấy, chàng bỗng nhớ đến nàng thiếu nữ bên kia bức mành tre. Hoa rơi cũng giật mình, đồ nhát cáy. Chàng không nhịn được mà nở một nụ cười bâng quơ.
"Thôi, hoa thì kệ hoa, vào ăn cơm đi đã." Chàng giục cậu em họ.
Chú thích:
(1) Chữ công 工 là kiểu kiến trúc phổ biến của các chùa cổ ở Bắc Bộ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top