Chương 9: Hạ

- Anh Sáo, anh bỏ em ra!

Thiều giãy dụa kịch liệt, không ít lần giằng ra khỏi đôi tay đang túm chặt mình của Sáo. Sáo cũng không chịu thua, kéo tay không nổi thì quay sang kéo áo Thiều, nhất quyết không cho Thiều đi. Đừng nhìn hai người lính bọn anh đều gầy rộc người, trông không khác mấy thư sinh tay trói gà không chặt, thực chất các anh đều khỏe như voi, nhất là cậu Thiều "út tăng" thì khỏe thôi rồi. Cậu là một tay lính nạp đạn, mà đạn này là đạn pháo của xe tăng, mỗi viên đều vừa to vừa nặng. Cả xe chỉ có mình cậu là người nạp đạn, trận chiến diễn ra bao lâu thì có thể cậu cũng phải nạp đạn bấy lâu. Riết rồi lực tay của cậu cũng đáng gờm, so ra thì cái bắp tay của anh Lơn chẳng là cái đinh gì với cậu đâu.

Sáo có hơi quá sức để giữ Thiều, đặc biệt là khi Thiều đang tức đến điên người. Dưới màn đêm mịt mùng, Sáo không thể nhìn rõ sắc mặt của Thiều, nhưng thông qua âm thanh vải áo bị xé toạc cùng tiếng nghiến răng kèn kẹt, anh đoán chắc hiện giờ mặt cậu đỏ gay, mắt trợn lên vì giận dữ.

Nếu kéo nữa thì áo sẽ rách hoàn toàn. Tuy các anh có thể tự vá lại, dù không đẹp lắm, song rách áo cũng không phải chuyện vui gì, mà mặc áo rách bươm đi long nhong giữa đêm càng không phải chuyện hay. Sáo thở dài, chỉ đành thả tay ra. Thiều nhân cơ hội này chạy mấy bước, hòng quay lại chỗ cũ để tiếp tục đánh người. Sáo biết ý đồ của cậu, lập tức chạy nhanh lên đằng trước chặn lại.

- Khôn hồn thì không được qua đó nữa! Chú muốn lên Tòa án binh à!

Anh đanh giọng nói. Nếu là bình thường, có lẽ lúc này Thiều sẽ nơm nớp mà ngồi xổm xuống, cậu không muốn bị Sáo mắng chút nào. Có điều, bây giờ Thiều lại đang giận đến mất khôn. Cậu không chỉ không cảm thấy lo sợ, mà còn đẩy ngã Sáo một cách thô lỗ. Thiều tiếp tục chạy, đầu không buồn ngoảnh, chỉ lớn tiếng để lại một câu.

- Em phải đánh nó, nhất định phải đánh nó!

Sáo bực mình. Thiều cứ như bị cái gì kích thích, cố chấp đòi đánh người làm anh khổ não không thôi. Anh chống tay đứng dậy, mau chóng đuổi theo bắt kịp Thiều. Thôi thì rách áo chứ làm quái gì còn hậu quả nào tốt hơn, nghĩ thế, anh vươn tay tóm lấy cổ áo Thiều, kéo ngược cậu trở lại.

Thiều thét lên, tay chân vùng vẫy không ngừng, mà vết rách của chiếc áo lại càng ngày càng lớn. Sáo có hơi mệt rồi, cả tai cả mắt đều thấy lưng áo của Thiều sắp thật sự hỏng đến nơi, anh chỉ còn cách vật Thiều ra đất mà giữ. Nghĩ là làm, anh kéo ngã Thiều, sau đó đè người xuống, dùng tay ghì cậu thật chặt.

- Thiều, bình tĩnh lại đi!

Sáo thở hồng hộc. Tuy tuổi anh và Thiều cũng xêm xêm nhau, anh chỉ hơn Thiều có ba, bốn tuổi chứ mấy, nhưng sức Thiều đúng như lời đồn, hại anh khổ không sao kể xiết. Sáo lấy làm lạ, bình thường Thiều ngoan lắm mà, chí ít trước mặt anh là vậy. Hiện tại anh có nói gì cậu cũng không nghe, cứ như nước đổ lá khoai. Thiều giãy thêm một lúc, cho đến khi càng giãy càng thấy khó chịu thì mới thôi. Dường như chính sự khó chịu này làm Thiều tỉnh táo hơn đôi chút. Cậu lặng yên ngước mắt nhìn trời, đôi con ngươi đen như đêm trên đỉnh đầu, vô ngần vô tận, tựa như sâu bên trong chỉ là hư vô mờ mịt, lại tựa như cất chứa một ngọn lửa đang cháy âm ỉ, mãi vẫn chưa chịu lụi tàn.

Thiều nằm im rồi, Sáo hãy còn lo xa, tiếp tục ghìm cậu dưới đất, dù chính anh cũng không mấy dễ chịu. Buổi đêm tĩnh lặng như trước, mọi người đều quay về ngủ hết rồi, có nghe thấy âm thanh lạ cũng sẽ không ra ngó nữa, trừ phi là tiếng báo động có địch tấn công.

Mãi chưa thấy Sáo định nói gì, Thiều mở lời trước. Giọng nói của cậu nào còn vui tươi giống ngày thường, cậu cũng không gầm lên giận dữ như vừa rồi, giờ chỉ còn lại sự bình tĩnh cùng với chút gì đó khinh thường và giễu cợt:

- Anh Sáo, sao anh có thể mặc kệ nó được chứ? Nó đào ngũ, với em nó chẳng khác nào bọn Ngụy cả. À, khéo chính bản thân nó là Ngụy luôn ấy chứ.

Sáo khó hiểu:

- Sao chú lại nghĩ như thế? Không phải đâu, anh quen đội bên đó, cậu nhóc kia chỉ có gan bé thôi chứ làm gì còn lòng dạ khác.

Gan bé? Lá gan kia phải bé đến mức nào để có thể đào ngũ vậy? Thiều không biết, chỉ là trong khoảnh khắc Sáo nói ra câu đó, một đoạn ký ức cũ bị giấu kín chợt hiện ra. Ngày đó, khi một nhóm người dám quay lưng mà đi nào đó trở thành nhân vật chính của một cuộc bàn tán, cũng là khi chiến tranh cướp đi hết tất cả của Thiều.

Thiều nhắm chặt mắt, tay siết lại. Cậu không muốn nhớ về hồi đó, không hề chút nào cả. Nhưng dẫu cậu có muốn làm ngơ thế nào đi chăng nữa, khung cảnh ngày ấy vẫn không thể tan biến.

Những lời nói, những hành động đó không ngừng lặp đi lặp lại. Chúng nó ám ảnh Thiều đã từng ấy năm, cậu đinh ninh cho rằng bản thân rồi sẽ quen thôi, chẳng ngờ cậu vẫn như cũ, vẫn nhói đau rồi trốn tránh. Linh hồn cậu như bị xé thành từng mảnh, cơn đau khiến cậu muốn phát điên lên. Cậu bỏ trốn giữa dòng chảy ký ức, tìm mọi cách để tìm một chỗ dựa thật vững chãi, một bức tường thành có thể bảo bọc cậu.

- Ê này, mọi người nghe được gì chưa? Ở một đơn vị nọ, có vụ đào ngũ tập thể đó.

Thiều muốn bịt tai lại, song không thể. Sáo ghìm cậu quá chặt, cậu chỉ có thể động đậy giãy dụa chứ không cách nào làm động tác như bịt tai được. Cậu bị buộc phải nghe lại những câu nói đó, phải quay trở về ngày hôm đó. Thiều muốn hét lên, và cậu làm thế thật. Cậu hét rất lớn, hét để át hết tất cả những âm thanh trong đầu.

Chỉ là, hành động này không hiệu quả lắm thì phải.

- Cơ mà xui rủi thế nào, vụ này bị phát hiện bởi một tay tân binh. Mà những người đào ngũ là lính "già", thấy bảo lý do đào ngũ là không chịu nổi cái cảnh sống trên chiến trường "nay sống mai chết" nữa. Với kinh nghiệm của bọn họ thì dĩ nhiên họ thoát được tân binh rồi. Chẳng qua cu cậu tân binh cũng nhọ, đang đuổi theo thì đụng phải ba thằng giặc đi lạc, rồi... hầy... Vẫn còn một cái may là vị trí đóng quân chưa bị lộ.

Quanh đi quẩn lại bên tai vẫn là những câu ấy, cái giọng ấy. Cậu biết giọng nói đó, là Lữ. Lữ và anh trưởng đều thích tám nhảm, bốn thằng cùng ngồi tán dóc mà chỉ có hai người này là nói nhiều nhất. Thiều vốn thấy bình thường thôi, nghe hàng ngày còn thấy vui vui, chẳng qua bây giờ, mỗi lần Lữ mở miệng nói chuyện, Thiều sẽ tự động nghe tai này lọt tai kia, làm ngơ những gì Lữ nói.

Không phải cậu ghét Lữ, cậu biết, cậu chỉ không muốn nghe giọng của Lữ mà thôi. Bởi mỗi lần nghe giọng của Lữ, cậu lại nhớ đến cách người kia ra đi như thế nào, cách mà Lữ thuật lại vụ việc ngày đó ra sao.

Cơ mà ngay lúc này, Thiều vẫn phải nghe tiếp, nghe cho hết. Cậu không còn dừng lại ở những tiếng hét nữa, thay vào đó, cậu hô lên, phản bác lại những gì mà Lữ trong ký ức đã nói:

- Không phải!

Sáo chẳng hiểu ra làm sao, từ lúc Thiều bắt đầu la hét là anh đã không biết có chuyện gì xảy ra với Thiều rồi. Anh cho rằng cậu bị đau hoặc thấy khó chịu nên buông lỏng tay ra, lăn sang một bên để Thiều có thể thoải mái hơn. Anh quan tâm hỏi:

- Thiều, sao thế? Có chuyện gì thế? Khó chịu ở đâu à? Nói anh nghe xem nào.

Thiều không đáp lời anh. Căn bản cậu không nghe được anh nói gì, cậu còn đang bị mắc kẹt trong những ký ức nọ. Thậm chí, cậu nghe thấy giọng của mình, nghe được bản thân bâng quơ:

- Kể ra ai cũng lờ mờ biết rồi sẽ xuất hiện một hai vụ đào ngũ, chỉ không ngờ lại có trường hợp như kia. Cũng tội anh cu tân binh phết đấy.

Một dòng nước lăn dài từ khóe mắt, Thiều nức nở khóc. Tinh thần cậu gần như sụp đổ, đáy lòng nhói đau, rỉ máu từng chút một. Thiều oằn mình nằm nghiêng, nghẹn ngào lẩm bẩm:

- Không phải mà...

Đêm tĩnh lặng, bất kỳ âm thanh nào đều như được gắn thêm một cái loa phát thanh, cho dù là tiếng lẩm bẩm cũng có thể nghe được láng máng. Sáo kinh ngạc, anh lật đật đi tới bên cạnh Thiều, ngồi xuống, lay lay cậu:

- Thiều, sao thế Thiều?

Lần này Thiều đã nghe được tiếng của Sáo. Cậu sững sờ một hồi, đến khi Sáo lặp lại câu hỏi mới lấy lại tinh thần. Thiều gạt tay của Sáo ra, cọc cằn gằn giọng:

- Em chả sao cả, đừng chạm vào em!

Rồi cậu đứng lên, quay người bỏ đi. Nhìn hướng đi của cậu, có lẽ cậu định trở về vị trí của bên xe tăng. Sáo thầm thở phào, chỉ cần không đòi đi đánh người khác là anh yên tâm rồi. Dõi mắt nhìn theo bóng Thiều khuất dần trong đêm, Sáo cũng đứng dậy, lấy đồng hồ ra xem giờ. Vẫn chưa hết ca gác, anh cần phải nhanh chóng về vị trí, không thì sẽ bị mắng mất. Sáo quay sang nhìn qua hướng Thiều rời đi, thầm nhủ nếu có dịp thì lại hỏi thăm vậy.

Thiều đi chưa được bao xa, bất chợt có hai người lao nhanh về phía cậu, trông rất gấp gáp. Bọn họ nhác thấy có bóng người ở phía đối diện nên vội vàng vọt tới. Thiều toan tránh đi chỗ khác, hiện giờ cậu không muốn dây dưa lằng nhằng với người khác. Một người trong số đó bỗng nhiên chạy tới trước mặt Thiều, là anh trưởng Niên đang đi tìm Thiều.

Niên cũng nhận ra Thiều, chàng ta mừng húm ra mặt. Nhóm bọn họ đợi cả đêm vẫn chưa thấy Thiều về, dù biết cậu đi đâu thì cũng vẫn lo lắng nên Niên dẫn theo Đảo cùng nhau lén lút đi gọi Thiều về.

- Thiều đây rồi, mau mau về thôi kẻo muộn giờ.

Niên hào hứng nói. Chàng ủn ủn Thiều, cậu cũng không phụ lòng mà rề rà cất bước. Nãy giờ cậu vẫn giữ im lặng, Đảo thấy là lạ, hỏi thăm:

- Có vấn đề gì không Thiều, sao cậu im thế?

Ngày trước, cái lúc mà bọn họ mới quen nhau, Thiều cũng ít nói thế này. Thiều tự nhận bản thân là kiểu người hướng nội, chỉ thoải mái với những người thân thiết nên ba người còn lại cũng thông cảm cho. Sau những ngày tháng cùng sống và chiến đấu, Thiều dần mở lòng hơn với bọn họ, cậu cũng chen vào đôi ba câu khi cả nhóm nói chuyện phiếm. Chỉ cho tới khoảng hai năm gần đây, Thiều đột nhiên xa cách với họ hơn hẳn. Tuy cậu có giao tiếp với bọn họ, nhưng Đảo và cả Niên, Lữ đều nhận thấy cậu nói ít đi rất nhiều. Cả ba rất lo lắng, lặng lẽ quan sát Thiều từ phía sau. Rõ ràng vẫn là người đó, hành động đó, lối sống đó, không hiểu sao bọn họ lại cảm nhận được có đám mây âm u trên đỉnh đầu Thiều, lúc nào cũng có thể có cơn giông, rồi lại chỉ toàn sấm chớp và gió giật. Bọn họ tìm đủ cách để Thiều vui, vui thì cũng có, cơ mà là vui cho có thì đúng hơn.

Gần đây Thiều qua lại với một đại đội bộ binh, cảm xúc của cậu cũng tốt lên trông thấy. Ba người đều thấy hết, thầm mừng thay cho Thiều nên mới mắt nhắm mắt mở, bao che để cậu đi chơi.

Thế nhưng mấy ngày này cậu lại về với dáng vẻ "mây âm u sắp mưa mà không mưa" trước kia. Niên đắn đo một lúc lâu, vẫn quyết định khuyên cậu đi tìm đại đội bộ binh chơi, đến muộn thì sẽ gọi cậu về. Thiều đồng ý. Những tưởng khi đón cậu, Niên và Đảo sẽ thấy cậu tươi tỉnh hơn chút, cuối cùng trông cậu còn xụ mặt không vui, có lẽ gió giật lên đến cấp mười rồi.

- Không sao, mấy cậu đừng lo.

Thiều nhẹ giọng đáp, sau đó đi thẳng, mặc kệ hai người còn lại ở phía sau. Niên vươn tay định bảo cậu chờ họ chút, lại bị Đảo ngăn lại. Đảo nói:

- Đừng, cậu ấy đang khó chịu.

Niên nghe vậy, buông thõng tay, khe khẽ thở dài. Rốt cuộc, tại sao bạn của bọn họ lại thành thế này, mà lâu vậy rồi, bọn họ vẫn chưa thể thay đổi được tình hình.

***

Đầu tháng tư, trời mưa đến chừng mùng sáu mới dứt hẳn. Đợt một chiến dịch vẫn chưa kết thúc, không ít tin thắng lợi truyền về, bên cạnh đó cũng có những hạn chế cùng thiếu sót trong các đơn vị. Tuy vậy, các nơi vẫn chuẩn bị kỹ càng cho những trận đánh cam go tiếp theo.

Địch điều thêm quân, chia ra giữ ở những điểm còn có thể giữ được. Chúng bắt đầu chuyển sang phòng thủ, ngăn cản quân ta tiến công, có vẻ chúng nó đã nhận thấy nguy cơ bị tiêu diệt và mất Trị - Thiên Huế. Tuy nhiên, hành động kéo quân đến chiến trường Trị - Thiên của chúng đã dẫn tới những đợt tấn công mạnh hơn của quân ta ở chiến trường miền Nam.

Ngày 6 tháng 4 năm 1972, địch tăng cường máy bay tấn công lên miền Bắc. Khoảng chừng vài trăm chiếc máy bay thay phiên xuất hiện trên bầu trời Bắc Bộ và Quảng Trị. Những con chim sắt thoắt ẩn thoắt hiện sau những tầng mây, chớp thời cơ bổ nhào xuống, cắt bom. Hiển nhiên chúng muốn chặn tiếp tế từ Bắc vào Nam và cố thể hiện lại "phong độ" của mình sau những trận thua đau ở Nam Bộ. Không may cho chúng, trong số trăm chiếc máy bay kia cũng phải có chục chiếc bị bắn rơi ở ngoài Bắc và bảy chiếc rơi ở Quảng Trị. Dẫu vậy thì địch sẽ không chịu bỏ cuộc, rất có khả năng không quân sẽ tiếp tục tấn công lên Bắc.

Trước tình hình địch đang tăng cường quân lực ở Trị - Thiên, có thể xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất, nếu quân ta đánh mạnh, giành được nhiều trận thắng một cách nhanh chóng, đánh cho địch trở tay không kịp trong thời gian ngắn, giải phóng được toàn bộ Quảng Trị và sau đó là Thừa Thiên – Huế. Đây được coi là trường hợp tốt nhất. Trường hợp thứ hai, nếu quân ta đánh chưa được tốt, không có đủ điều kiện để giải phóng Trị - Thiên thì chí ít cũng phải giải phóng Quảng Trị, biến đó làm bàn đạp để tiến tới Thừa Thiên – Huế. (1)

***

Ngày 4 tháng 4 năm 1972.

Mưa.

Toàn bộ trung đoàn 36 (2) bị bao trùm bởi một bầu không khí ảm đạm. Trung đoàn trưởng và chính ủy bị trúng cùng một đạn pháo của địch ở bờ sông Cam Lộ. Trung đoàn trưởng bị thương nặng, chính ủy không may không qua khỏi. Sau đó, trung đoàn trưởng cũng hi sinh trên đường trở về. (3)

Cùng một lúc mất đi hai cán bộ trung đoàn, dù là ai thì tất cảm thấy bàng hoàng. Sáo cũng không ngoại lệ. Khi hay tin từ chỗ anh Giàn, lúc đầu Sáo ngỡ ngàng, rồi không tin, cuối cùng mới chậm rãi chấp nhận sự thật này. Cán bộ cấp trên là những người dẫn dắt, chỉ huy, như ngày xưa chắc cũng phải gọi là tướng quân. Mà một khi không còn vị tướng dẫn đầu, không sớm thì muộn cả đám lính nhãi nhép sẽ phải tan đàn xẻ nghé. Dĩ nhiên bên trên sẽ sớm cử cán bộ mới tới, có điều là ai thì cũng không biết nữa.

- Bọn nó bắn ác thật.

Sau trận chiến hôm nay, anh Lơn uể oải ngồi bệt xuống đất, dùng vai áo lấm lem khói súng quẹt đầy lên mặt. Nhìn cái mặt tròn tròn nhem nhuốc, Năng nhăn mày, chửi đổng một trận rồi mới bắt anh phải dùng mặt trong của áo để lau. Lơn khó chịu ra mặt, song chẳng dám cãi cọ gì, đành cởi áo ra. Đúng lúc này, anh Giàn đi tới, dặn dò cả bọn:

- Mình đang đánh đến Đông Hà rồi đấy, chắc kèo chúng nó sẽ bắn căng. Mấy đứa cố phối hợp với xe tăng, nghe theo chỉ huy, chứ giờ cả đám chúng mình bị chê là đánh không ra gì đấy.

Sĩ khoanh chân ngồi cạnh Năng, nghe anh Giàn nói xong thì hỏi:

- Sao bị chê thế anh?

Anh Giàn tặc lưỡi, kêu ca:

- Cũng tại người mình chủ quan, kém khoản tùy cơ ứng biến nên cứ gặp phải tình huống lạ là không biết xử lý đấy thây.

Sáo nói:

- Về cơ bản thì chủ quan là nhược điểm của quân mình rồi.

Anh Giàn gật đầu tán đồng, lại hỏi bọn họ còn gì muốn nói nữa không. Lơn đột nhiên giơ tay lên, ra chiều có điều muốn hỏi. Anh Giàn thấy thế, trỏ vào Lơn, bảo anh mau đặt câu hỏi. Lơn cười hềnh hệch, gãi gãi đầu, chần chừ mãi mới nói:

- "Tùy cơ ứng biến" là gì thế anh?

Anh Giàn liếc sang Sĩ, Sĩ cười cười, từ tốn giải thích cho Lơn nghe. Anh Lơn gật gà gật gù, không biết có hiểu gì không nữa, dù sao học vấn của anh cũng khá thấp. Cũng may anh không phải người cọc tính, nếu không cả nhóm sẽ phải lắng tai nghe mấy câu chửi tục tĩu suốt ngày, chứ không có kiểu (khá) nhẹ nhàng và (chắc là có) văn hóa giống Năng đâu.

***

- Nếu còn cơ hội, tớ sẽ kể cho các cậu nghe.

Ngày mùng 9 ấy, lửa rực chạm trời, hằn in trong đáy mắt người chiến sĩ. Bốn người nắm chặt tay nhau, mồ hôi ướt đẫm, trơn tuột, ấy thế mà chẳng ai chịu bỏ ra cả. Nụ cười vẫn đọng trên môi, chỉ là gương mặt họ đã trắng bệch vì mệt mỏi cùng đau nhức.

Lời nói của người trai trẻ tan vào trong đám lửa. Thêm một phát đạn từ pháo xe tăng địch, tiếng nổ vang nhức óc, xe tăng hoàn toàn bốc cháy, ngọn lửa tựa như phát khùng mà cắn nuốt toàn bộ chiếc xe, nuốt cả bốn bóng người trong đó.

Lửa thiêu đốt từng tấc da thịt, bỏng rát, đau đến tận tâm can. Bốn người nghiến răng nhẫn nhịn, bàn tay vẫn không rời bỏ bạn mình. Họ nhìn nhau lần cuối, nở một nụ cười khó nhìn đến ma cũng phải chê. Để rồi đến sau cùng, họ nhắm mắt lại, cùng nhau bỏ mình nơi biển lửa.

Buổi tối, đạn pháo tạm ngừng, trả lại một khoảng lặng hiếm hoi cho những người lính. Sáo mệt mỏi thở dài, chưa kịp ngả lưng nghỉ ngơi một chặp đã thấy Lơn hốt hoảng chạy lại, trông như đang rất gấp. Lơn dừng không kịp, cứ thế đâm thẳng vào Sáo, làm anh ngã ngồi xuống đất. Anh chỉ vừa kêu đau một tiếng, Lơn ngay lập tức nắm lấy vai anh, lắc mạnh, vừa lắc vừa nghẹn ngào:

- Sáo ơi, bé út, "út tăng" của chúng mình, thằng bé hi sinh rồi...

Sáo ngơ ngác, tròn mắt nhìn Lơn. Anh cho rằng mình mệt quá nên bị lãng tai rồi. Sao có thể chứ, anh vừa gặp Thiều mấy hôm trước mà, còn vật lộn với cậu ấy nữa. Một thanh niên có sức khoẻ ngang con trâu đực như Thiều sao có thể ra đi sớm vậy được? Ấy chưa kể Thiều còn là một chiến sĩ trong xe tăng. Xe tăng cứng cáp như thế mà...

Thế nhưng đôi mắt anh Lơn đỏ hoe, rất hiếm khi nào thấy anh như này. Sáo bần thần, sống mũi cay cay. Một lúc lâu sau, anh lắp bắp hỏi, dường như vẫn không thể tin tưởng được:

- Thật... thật không? Thiều thật sự... đã...?

Anh không dám nói lên từ đó. Anh nhìn vào mắt Lơn, muốn bảo anh Lơn ít nói xạo đi, bớt diễn lại đi, rồi lại mím môi không nói gì. Sáo thẫn thờ nhớ lại những khoảnh khắc ở chung với Thiều, không nhiều lắm, mà cũng không đủ.

***

Chú thích:

(1) Thông tin được tham khảo từ "Nhật ký Quảng Trị 1972" của Lê Quang Đạo.

(2) Trung đoàn 36: Hay còn gọi là trung đoàn Bắc Bắc, trực thuộc sư đoàn 308.

(3) Thông tin này cũng được tham khảo từ "Nhật ký Quảng Trị 1972" của Lê Quang Đạo.

Tác giả tám nhảm: Phần Hạ sắp kết thúc rồi, nội dung của phần Cháy sẽ khá nặng nề, đề nghị mọi người cân nhắc trước khi đọc tiếp.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top