Chương 7: Hạ

"... Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy

Bầy chim non bơi lội trên sông

Tôi giơ tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả

Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển

Vẫn trở về lưu luyến bên sông

Hình ảnh cô em đôi má ửng hồng..." (1)

***

Trời chiều còn vương ánh nắng, không khí thoang thoảng mùi rêu ướt sau mưa. Nắng tà tà rọi vào căn phòng nhỏ, ngả lên bức tường màu vàng, chiếu lên chiếc bàn học gỗ cũ kỹ. Cánh cửa sổ mở toang, song cửa bằng sắt đã nâu rỉ tự bao giờ. Cái cây cạnh nhà thật tinh nghịch làm sao, để cành của mình len qua song cửa, khẽ chạm lên cái lọ hoa con con trên bệ cửa.

Cậu bé rảo bước đi tới, một tay cầm một nhành hồng nhỏ, tay kia cầm một cốc nước lã. Cậu đổ nước vào trong lọ, sau đó cẩn thận cắm nhành hồng. Cánh hoa đỏ thắm, chiếc lá chìa ra về hướng cửa sổ như đang dang tay đón lấy ráng chiều. Cậu bé mỉm cười, láu ta láu táu đi cất cái cốc. Chẳng may, cậu bị trượt chân, chiếc cốc vuột khỏi tay, rơi xuống đất, rồi "choang" một tiếng, vỡ thành từng mảnh.

Cậu bé chống tay đứng dậy, chống nạnh nhìn "thảm họa" trước mặt, tặc lưỡi:

- Chậc, may giờ chỉ có mỗi mình mình, không thì...

Cậu mò tìm cây chổi ở góc nhà, dùng gầu hót rác hót hết những mảnh vỡ dưới đất, mang đi đổ vào sọt rác. Xong xuôi, cậu lau tay lên quần đồng phục, vừa đi tới bàn học, vừa cởi chiếc khăn quàng đỏ trên cổ.

Ngồi trước bàn, cậu đặt khăn quàng đỏ ở một bên, rút quyển vở mỏng từ bên khác ra, lật đến trang cuối cùng. Đằng sau những trang chữ viết ngoáy chi chít kia là một tờ giấy được gấp nhỏ bằng hai ngón tay. Cậu bé hít sâu một hơi, nghiêng trái ngó phải, đảo mắt nhìn khắp nơi trong phòng. Sau khi xác định ở đây không có ai, cậu mới chậm rãi cầm tờ giấy kia lên, mở ra.

Bên trong tờ giấy ấy cũng không có gì ngoài một bức tranh vẽ nguệch ngoạc. Trong tranh là một chiếc xe tăng to đùng, méo chỗ này mó chỗ kia, đen xì xì choán hết không gian trên giấy và một người tí hon trông hơi vẹo, cũng đen xì xì "ngồi" vắt vẻo trên nóc xe. Vừa nhìn đã biết người vẽ chẳng có tài năng gì, không vẽ được chi tiết nào nên chỉ đành dùng chì để tô hết tất cả sự vật trong tranh. Cậu bé chăm chú nhìn bức tranh chính tay mình vẽ, tự hào lúc lắc cái đầu, ngón tay miết miết góc giấy.

Đây là ước mơ của cậu.

Một ước mơ được gói gọn trong bức tranh chì.

Chợt, bên ngoài vang lên tiếng gọi lớn, làm cậu hết hồn, thiếu chút nữa là xé luôn "vật báu" của cậu.

- Thiều ơi, đi chơi!

Cậu bé Thiều gấp gáp lấy quyển vở che đậy bức vẽ nọ, đứng lên, ngó đầu nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Dưới gốc cây, một cậu trai khác cũng mặc đồng phục, áo trắng luộm thuộm mấy vết bùn đất, quần xắn ống thấp ống cao, chân đi đất, cái đầu rối bù, tay cầm hai cành cây trụi lá. Trông thì bẩn bẩn thế thôi chứ được cái, cậu trai kia có một gương mặt khá dễ nhìn, nụ cười lúc nào cũng tươi roi rói, nom thân thiện và dễ mến lắm. Nhiều khi, Thiều cảm thấy bạn mình chỉ cần cười một cái thôi là không ai có thể ghét cậu ấy được.

Dịch đứng dưới nhà, huơ huơ hai cái cành trên tay, nhón chân nhảy nhót, chẳng biết đang làm cái trò mèo gì nữa, hoặc có khi cậu ấy lại lên cơn phởn đời, chắc vừa gặp chuyện vui gì rồi. Cậu bé Thiều thấy vậy, bật cười, hét bảo:

- Đợi tí, tớ xuống liền.

Cậu nhanh tay gấp lại bức tranh, nhét xuống cuối quyển vở, giấu cả quyển dưới đống sách vở dày đặc. Thiều nhìn vị trí giấu, tự tin nắm chặt hai bàn tay. Cậu lại lớn thêm một ngày, và sẽ càng ngày gần hơn với tương lai mà cậu mong chờ.

Rồi cậu xỏ dép, hí hứng chạy xuống dưới tầng. Dịch vẫn đang đứng tại chỗ nghịch cành cây, thấy Thiều chạy tới thì quẳng cành cây đi, không buồn phủi bụi mà vươn tay ra, hưng phấn bảo:

- Đi thôi, đi thôi, cái Thảo với thằng Học đang đợi hai đứa mình ở bờ đê đó.

Nghe cái tên Thảo, Thiều liền hiểu sao Dịch vui đến thế. Cậu tủm tỉm, nắm lấy tay Dịch, để Dịch kéo cậu chạy nhanh trên con đường hãy còn đọng lại những vũng nước mưa.

Ráng chiều rơi xuống ven sông, sóng gợn lăn tăn, lấp lánh. Nước sông soi lên nền trời, cũng soi cả hình dáng những đứa trẻ đang tung tăng nô đùa. Tiếng cười vang vọng nơi quê cũ, ở lại trong ký ức của Thiều rất nhiều năm sau. Vốn là những đoạn ký ức vui lắm thay, đẹp lắm thay, nhưng giờ, mỗi khi nhớ lại quãng thời gian ấy, Thiều lại lặng lẽ ngồi thu mình ở một góc, một mình gặm nhấm nỗi đau xót khôn nguôi.

***

Ngày 30 tháng 3 năm 1972.

Xuống sông, sang bờ bên kia, tấn công Cồn Tiên và Bái Sơn, sau đó tiến về Đông Hà, đây là nhiệm vụ của Trung đoàn 36 thuộc Sư đoàn 308 và Tiểu đoàn tăng 512 thuộc Trung đoàn tăng 202 trong giai đoạn đầu của chiến dịch. (2)

Tiếng nã pháo vang lên liên tục bên tai, trở thành những tiếng sấm báo hiệu một cơn mưa sắp sửa che trời. Đạn sượt qua đầu, bay thẳng về phía kẻ địch bên kia, cũng không biết có trúng thằng nào không nữa. Đạn pháo bay lạc khắp nơi trên chiến trường, chạm lên đất, rơi xuống sông, bắn trúng người.

Chân bước lên bờ Nam sông Bến Hải, cảm giác lâng lâng sao sao, giống như chỉ cần anh bước lên thêm vài bước nữa, đôi bờ lại trở về làm một vậy. Nhưng anh nào còn thời gian để nghĩ nhiều, càng cầm chắc súng trên tay, bước chân càng vững vàng đi từng bước, rồi tăng tốc lên, và nhanh hơn nữa.

Ầm... ầm... ầm...

Nòng súng nóng ran, bốc lên màu khói xám nhạt. Từng tiếng hô vang lên không ngừng, mồ hôi chảy ròng, gương mặt sạm đi vì khói đạn. Lại "ầm" thêm vài tiếng, đất đá dưới chân nổ tung, cát bụi đầy trời. Đôi chân của họ vẫn không dừng lại, tiếp tục tiến về phía trước, hòa mình vào trong đám khói đen ngòm.

Rào... rào... rào...

Vài viên đạn pháo bắn vào mặt sông, tạo thành những cột nước cao, nước văng tung tóe, từng con sóng xô đẩy nhau đánh mạnh vào bờ. Cả con sông như đột nhiên nổi giận, rung lắc dữ dội, muốn lật đổ bất cứ sự vật nào trên sông, nhấn chìm nó dưới sóng nước cuồn cuộn.

- Không sao đâu! Đừng sợ! Tiếp tục đi đi!

Có người lính trẻ, hẳn mới nhập ngũ không lâu, bị lạc mất đồng bạn thân thiết. Cậu lính hoang mang, rối loạn, sợ hãi chạy theo sau những người đồng chí. Mồ hôi tay túa ra, trơn trượt đến nỗi súng suýt bị rơi xuống mấy lần. Người bên cạnh liếc mắt thấy, không đành lòng, hét lên để động viên cậu lính trẻ.

Đối với cậu lính trẻ, tiếng hét đó xen lẫn tiếng đạn không khác nào tiếng mắng cả. Mặt cậu lính bệch ra, đã sợ càng thêm sợ, run rẩy chẳng dám đi tiếp. Người bên cạnh nhìn cậu với ánh mắt khó hiểu, rồi cũng vì vội vã mà kệ cậu ở lại đó.

Bỗng, có viên pháo của bên địch rơi gần vị trí cậu đứng. "Đoàng" một tiếng, bên chân truyền đến cảm giác nhức nhối. Cậu lính ngã lăn trên mặt đất, hoảng hốt nhìn dòng máu đỏ tươi chảy dọc bắp chân, thấm lên ống quần, nhỏ tong tỏng xuống đất.

Cậu ta thét lên vì đau đớn, thu hút sự chú ý của những người lính khác quanh đó. Một người chạy tới, đỡ cậu ta lên, luôn miệng hỏi thăm tình trạng của cậu. Mà khổ nỗi, miệng cậu ta chỉ biết há ra kêu đau, còn đau như thế nào, cảm thấy ổn không, có đi được không thì chắc cậu ta cũng không biết. Người lính kia có hơi sốt ruột, nhưng anh biết tuổi đời người ta còn trẻ, không nỡ trách mắng gì nên chỉ đành dìu cậu đi tiếp.

***

Thiều ở bên trong xe tăng, tập trung thực hiện động tác nạp đạn cho đại bác. Nạp đạn và bắn súng máy phòng không trên tháp pháo là nhiệm vụ của một tay pháo thủ số hai như cậu. Lúc này, quân ta đang tấn công bất ngờ, tuy địch có bắn trả nhưng chung quy vẫn chưa thấy con chim sắt nào đến, cũng chẳng thấy bóng thằng bộ binh giặc nào, nên bây giờ cậu chỉ cần tập trung nạp đạn thôi.

Những viên đạn to bằng cả bắp chân người lớn, cần kha khá sức lực để nạp đạn liên tục. Là người thì làm gì có ai không biết mệt, Thiều cũng có thể bị kiệt sức nếu chiến trận diễn ra quá lâu. Lúc trước có một trận, là đợt Thiều mới nhập ngũ chừng hai năm. Lần đó cậu bị sốt nặng, cả người nóng hầm hập như cái lò nướng, nhưng cậu vẫn kiên quyết lên chiến trường. Kết quả là, chẳng được bao lâu thì cậu mệt đến ngất. May mắn là các đồng đội nhanh chóng đưa cậu ra ngoài, nếu không thì cậu xong luôn.

Có điều, ốm sốt chỉ là một trong những lý do thôi. Lý do còn lại thì Thiều không muốn kể ra làm gì. Cái lý do ấy cứ như một cái dằm, cắm vào thì nhói đau từng cơn, rút ra thì máu chảy không ngừng. Thà rằng cứ để đấy, có lẽ quen rồi thì hết đau thôi.

Chiến trường nổi lửa, khói bốc ngút trời. Không gian xe tăng chật hẹp, bên tai là tiếng động cơ gầm rú cùng giọng nói của trưởng xe. Nhiệt độ trong xe nóng phừng phừng, cho dù bên ngoài mát mẻ cách mấy thì vào trong xe rồi, ai cũng tưởng như nhiệt độ lên đến đầu bốn tới nơi. Cả người Thiều mướt mồ hôi, quần áo ướt nhẹp, dính sát vào thân. Các bạn của cậu cũng không khá hơn là bao. Trong xe có bốn người (3), người nào người nấy đều đổ mồ hôi như mưa. Thỉnh thoảng cả bọn liếc nhau một cái, tự trêu rằng, trông mấy thằng như mấy con lợn gầy bị đem đi nướng, vừa đỏ vừa bóng nhẫy, "thơm" phức.

Chính ra, Thiều quý đồng đội của mình lắm, dù gì cũng ở cạnh nhau mấy năm, cùng ăn cùng ngủ, cùng ngồi trong một cái xe tăng, cùng nhau tìm cách khám phá những tác dụng bên lề của xe tăng. Chẳng qua, sau ngày ấy, cũng như kể từ khi gặp lại Sáo, Thiều chỉ muốn ngày ngày ngồi ở đại đội bộ binh, cả ngày theo chân Sáo. Nếu không, một ngày nào đó, cậu sẽ không được gặp anh với tư cách là một người bạn thân thiết, càng không thể thông qua anh mà thấy bóng hình người đó một lần nữa.

Anh Sáo có thói quen đó, rất giống Dịch.

Thật đáng ghét làm sao, khi nguyên nhân chính để cậu kết bạn với Sáo là vì anh có một thói quen giống với Dịch, người bạn thân quá cố của cậu.

Thiều nghĩ đến ngẩn người, lặp lại động tác một cách máy móc, mãi tới khi trưởng xe bỗng nhiên cười hơ hớ mới tỉnh táo lại. Cậu ngồi thẳng lưng, cứ tưởng tay trưởng xe sắp sửa nói cái gì quan trọng, sẵn sàng nghe hiệu lệnh bất cứ lúc nào. Có điều, hiệu lệnh thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy mấy lời nhảm nhí của trưởng xe. Bốn người cùng ngồi trong xe tăng, chán quá thì lại nói dóc vài câu, người khởi xướng luôn là trưởng xe, tên Niên. Chàng này hơn Thiều có ba tuổi thôi, là người già nhất đám. Cứ nghĩ chàng ta thế nào chứ tên này là thằng cháu "đít nhôm" trong nhà đấy. Chắc vì thế nên chàng ta không biết cách bao che người khác kiểu gì, cái cớ "đi vệ sinh" để lấp liếm việc Thiều trốn đi chơi là người này nghĩ ra. Khi Lữ và Đảo hỏi tại sao lại lấy cớ này, Niên đáp:

- Tại dễ chứ sao. Mấy cậu thử nghĩ xem, còn cái nào khác không?

Lữ và Đảo vuốt cằm nghĩ một lúc, gật gật đầu đồng tình. Công nhận, chẳng còn cái cớ nào có lý hơn cái cớ này. Nhưng mà có mỗi một cái cớ thôi mà nhai đi nhai lại bảy, tám lần, lần nào cũng trùng nhau, một chữ cũng chẳng chịu đổi, đến khi có người nghi rồi mới vội lôi Thiều về, kể ra cũng tài.

Mà thanh niên tên Niên này còn bị ngọng âm "l" và âm "n", có chỉnh bao lần vẫn thế, không sửa được. Tên của mình thì đọc là "Liên", tên của Lữ thì đọc là "Nữ", làm cậu Lữ rầu lắm. Đâm ra Lữ lại thích đọc lái tên hai người còn lại, nghe sao cho nó "gái tính" tí, khiến Đảo cũng phải phát bực theo.

- Ối giời, nũ trẻ tầm lày sao mà nhát thế chứ nị.

Niên nói, chắc thấy gì ngoài đó nên chép chép miệng, cảm thán một câu. Đảo là tay lái xe, nghe thế thì hỏi:

- Anh trưởng thấy gì à?

Thay vì gọi là "anh Niên" hay "Niên", đội của Thiều chuộng gọi Niên là "anh trưởng" hơn. Một phần bởi Niên lớn tuổi nhất, đã thế còn làm trưởng xe. Phần còn lại cũng tại Niên bị ngọng, nếu bọn họ cứ gọi "anh Niên" hoặc "Niên" mà Niên đáp lại là "Liên" thì có khi người ngoài nghe xong cũng hoang mang không biết Niên tên Niên hay Liên luôn mất.

- Tớ thấy một thằng bé, chắc mới ra đây, lom người ló thê thảm nắm, khóc bù nu bù noa bên ngoài kìa.

Lữ ở một bên ngắm bắn, nã thêm mấy phát đại bác, dành chút thời gian hỏi bâng quơ:

- Ồ, sao nó khóc thế?

- Chịu. Hình như ló bị trúng đạn, đau với hoảng quá lên khóc ấy mà. – Niên nhún vai. Chàng ta phải quay ngang quay ngửa theo cái tháp pháo để quan sát mọi nơi, để ý kỹ với tinh mắt lắm mới hóng được một thằng nhõi con khóc sướt mướt vì đau.

Thiều thầm lắc đầu. Có vài người nhát gan, hồi mới lên chiến trường cũng đều giống cậu lính kia cả, hoảng hốt, sợ sệt đến độ khóc lóc không ngừng. Họ kiên trì ở lại chiến khu, nỗ lực chiến đấu, vượt qua nỗi sợ, không xách dép chạy về nhà với mẹ là tốt lắm rồi, rất đáng khen. Thiều hi vọng cậu lính kia mau chóng vượt qua, không để những cảm xúc tiêu cực chi phối bản thân, trở thành gánh nặng của những người xung quanh. Chẳng may biến thành "cục nợ" hình người, không những hại người mà còn hại mình.

***

Tối ngày 30 tháng 3, tin địch bỏ vài vị trí, bị diệt và đánh tan năm đại đội truyền về Sở Chỉ huy. Ngày đầu tấn công, nghe được tin chiến thắng thì ai mà không vui mừng. Không biết Miễn đi đâu mà nghe phong thanh được rằng, giờ bọn địch đang hãi lắm, giẫm đạp lên nhau khi chạy trốn luôn cơ.

Tuy vậy, quân ta vẫn không nên chủ quan, vẫn cần chuẩn bị các phương án tác chiến thích hợp, đề phòng có biến. Dẫu gì cũng là ở chiến trường, có mấy ai biết được tiếp theo sẽ xảy ra những gì. Chắc chắn khi địch tỉnh táo lại, chúng sẽ bắt đầu phản công mạnh mẽ, mà nếu quân ta không kịp phòng bị thì cũng sẽ bị chúng nó đánh tan như chơi. Do đó, quân ta cần tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiến công, bao vây áp chặt quân địch.

Ngày 31 tháng 3 năm 1972.

Tin thắng lợi liên tiếp truyền về. Nào là diệt được ba, bốn đại đội địch. Nào là diệt điểm cao 544 vào lúc 10 giờ sáng, hơn ba tiếng sau, cứ điểm Đầu Mầu cũng bị diệt. Địch bị vây chặt ở Động Toàn. Ngay cả cái vỏ ngoài của tuyến phòng thủ phía Tây cũng bị phá vỡ gần hết. Phía Đông, nhân dân đứng lên nổi dậy ở mấy xã, giải phóng toàn bộ khu vực Bắc sông Cửa Việt. Ở Ái Tử, cháy to, tận những chín chiếc máy bay địch bị bắn rơi. (4)

Địch cũng bị đánh cho thiệt hại nặng ở Cồn Tiên, thằng nào thằng nấy bỏ của chạy lấy người, không thì cũng tự nguyện đầu hàng. Sáo và những người anh em khác hồ hởi hô lên, dù biết đây mới chỉ là bắt đầu nhưng cũng không thể ngăn cản họ phấn khởi vì đã chiến thắng trận đánh. Sĩ bắt đầu đánh nhịp, cả bọn tụ lại cùng nhau, ngân nga ca lên khúc hát, nhảy nhót mừng thắng lợi.

"Đời này ta có tuổi thanh xuân sáng nhất

Dùng nó thắp lên ngọn lửa hoang dại

Ta nhảy múa trong niềm đam mê cháy bỏng

Điên cuồng đưa mình đến thế giới mơ ước."

Lại là bài hát do Sĩ sáng tác, hát đi hát lại mấy lần mà chưa biết chán. Tiếng hát vang vọng trên đống đổ nát nơi trận địa, mạnh mẽ hào hùng. Khói tản dần, bầu trời lộ rõ. Nó vốn sáng sủa và bao la như vậy đấy. Dưới đất là những người lính gầy gò, ốm nhom, ai nấy đều luộm thuộm, bẩn thỉu với bộ trang phục lấm lem vết rách, khói súng, mồ hôi, đất và máu. Nhưng nét rạng rỡ trên gương mặt họ chưa từng bị che lấp, cứ mãi tươi tắn như những đứa trẻ được kẹo. Đến những lời ca cuối cùng, mọi người đồng loạt giơ tay lên, dù lành lặn hay quấn băng gạc trắng, đều hướng về một phía.

Phía đó là tương lai thắng lợi của chúng ta.

***

Nhà hát "hài" kịch Nhân Vật:

Ba thành viên khác của xe tăng: (pose dáng kiểu idol) Chúng tôi đã chính thức debut!

Anh trưởng: Thìu, vào tạo dáng nàm kiểu ảnh lào!

Thiều "út tăng": Mau biến hết vào xe tăng đi!!!

Chú thích:

(1) Trích bài thơ "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh (1921 – 2009).

(2) Trích Wikipedia của Mặt trận Trị Thiên Huế năm 1972: "... 12h30, từ hướng Tây: Trung đoàn 27 (phối thuộc Sư 320B) đánh chiếm (544); Trung đoàn 24 (Sư 304) đánh cứ điểm Tân Lâm (241), Trung đoàn 9 (Sư 304) tấn công Xa Mưu, Ba Hồ (597), Trung đoàn 66 (Sư 304) đánh Động Toàn (548). Tại hướng Bắc: Trung đoàn 48 (Sư 320B) và Trung đoàn 102 (Sư 308) vượt tấn công ; Trung đoàn 36 (Sư 308) và Tiểu đoàn tăng 512 (Trung đoàn 202) cũng vượt sông Bến Hải tấn công , , phát triển về ; Trung đoàn 27 và Trung đoàn tăng 202 (thiếu) đánh qua , , chiếm cảng . Tại hướng Nam, Trung đoàn 1 (Sư 324) đánh Động Ngô (655), Trung đoàn 2 chia quân đánh Động Ông Do và điểm cao 440, giữ bàn đạp cho giai đoạn II."

(3) Bởi vì bài "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" quá nổi tiếng, hẳn nhiều người cũng bị nhầm giống tôi, tưởng trong một kíp xe tăng sẽ có năm người. Thực tế, theo những gì tôi tìm được, khi nhà thơ Hữu Thỉnh sáng tác bài này, ông đã đến thăm đơn vị xe tăng T-34 và cảm hứng của ông bắt nguồn từ năm người trên xe. Đến nay thì xe tăng T-34 không được sử dụng trong biên chế quân đội ta nữa. Trừ xe tăng T-34 ra, thông thường sẽ có bốn người trong một kíp xe tăng, gồm trưởng xe, pháo thủ số một (phụ trách bắn đại bác), pháo thủ số hai (phụ trách nạp đạn và bắn súng máy phòng không trên tháp pháo) và lái xe. Loại xe tăng T-34 cũng có bốn vị trí như thế, nhưng có thêm một ghế lái phụ nên mới có năm thành viên.

(4) Những thông tin ở cả ba đoạn đều được tham khảo từ "Nhật ký Quảng Trị 1972" của Lê Quang Đạo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top