Chương 9: Tiết Thọ Thiên


Hoàng thái tử thượng vị, lấy niên hiệu Thiệu Bảo. Tự xưng Hiếu Hoàng (孝皇). Được dâng tôn hiệu Pháp Thiên Ngự Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Đế (法天御極英烈武聖明仁皇帝). Đức Hiếu Hoàng sinh ngày mười một tháng mười năm Nguyên Phong thứ tám (Mậu Ngọ 1258), sau khi thượng vị lấy sinh nhật làm tiết Thọ Thiên.

Hôm trước, từ Vạn Kiếp trở về, Nhật Duật không nói chuyện quá nhiều với Lập có lẽ hắn biết khi Lập gặp bố mẹ đã xảy ra chuyện gì khiến cậu mất bình tĩnh như thế. Mặc dù mới mười ba, nhưng Nhật Duật biết Lập không phải người xốc nổi, vì vậy hắn chỉ để cậu tự mình bình tâm.

Trở về tới kinh lộ, trong thành cũng nô nức hẳn. Vì tiết Thọ Thiên ngày mai, phố xá cũng đèn hoa đủ cả. Mặc dù trong hoàn cảnh này, mọi người vẫn còn chút lo lắng, nhưng với thường dân còn có thể làm việc, buôn bán, đã là bình thường. Hơn nữa, bên kia biên ải, Nguyên vẫn chưa có động thái rõ ràng, thân là nước lớn, cũng chẳng thể tự nhiên mà điều binh không động không tĩnh được. Vậy nên, dù so với lần trước, tiết Thọ Thiên năm nay mặc dù kém hoành tráng hơn, nhưng cũng không kể là bao.

Tiết trời đầu đông se se lạnh, Lập từ nhỏ quen với sương gió, cũng chẳng ngại chút lạnh này, nhưng cậu biết, mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn mọi năm, mà vương gia lại không thích cái giá lạnh này. Cậu cũng không rõ thế nào mà vương gia lại chọn đất Tây Bắc mà dựng thế lực, nhưng với thân phận của cậu, không cần biết nhiều, cũng chẳng nên hỏi nhiều. Nhật Duật nói với Lập khi trở về phủ ngài ấy sẽ trở vào Thanh Hóa, ngay sau Thọ Thiên. Bảo cậu dặn người chuẩn bị hành trang cho mình. Lần này, Lập không đi cùng, cậu sẽ ở lại Thăng Long. Lập cũng không dám quá phận, chỉ tiếp nhận ý của vương gia, sau khi hồi phủ là căn dặn gia nô ngay.

Bên phía Quốc Tuấn, ông sau khi tiễn Nhật Duật rời phủ mình, ông cũng chuẩn bị để ngày hôm sau hồi kinh. Quan gia cùng Thượng hoàng có gửi thư mời đến yến tiệc tối mai, ông không thể không tham dự. Ban chiều, ông cũng đã hỏi thăm Nhật Duật một chút, hắn nói rằng lễ hắn đã chuẩn bị sẵn, hắn tìm được bảo ngọc tận Vân Nam, muốn dâng cho quan gia. Nghe lời ấy, Quốc Tuấn đương nhiên hiểu thứ hắn tặng không chỉ có mỗi bảo ngọc, mà còn là tin tức từ Vân Nam. Nhật Duật trước nay giao thiệp rộng rãi, trước Tống lâm vào thế khó, cũng có mấy lần ý kiến. Hắn cho rằng Nguyên triều (bấy giờ là Mông) tất nhiên sẽ là mối nguy hại lớn, cũng nhân cơ hội ấy mà thân hơn với Tống. Sau, Nguyên triều lập, Tống vong quốc. Hắn một mặt tiếp nhận một số quân Tống lưu vong, một mặt trên triều vẫn hòa nhã với Nguyên.

Đến nay, tuy không ai nói, nhưng dã tâm của Nguyên triều đã quá rõ ràng. Mông đánh Cao Ly biết bao nhiêu bận, ép Tống xuống nam, tràn tới cả phía Tây một vùng lãnh thổ rộng lớn, chẳng có lý do gì chúng bỏ qua Đại Việt. Nhật Duật thân thuộc ngôn ngữ Hán, đương nhiên có nhiều đầu mối. Hắn tuy bắt tay cùng Quốc Tuấn, nhưng cũng chỉ là để bình ổn vị trí của mình, càng không có ý quá phận. Lễ này dâng quan gia, cũng xem như là bù lại chuyện ngày hôm nay hắn đến Vạn Kiếp.

Quốc Tuấn cũng đã chuẩn bị lễ của mình, nhưng thân là quốc trượng, quá lễ cũng không cần quá trọng đãi. Quan gia còn trẻ, nắm giữ vận nước, lại đứng trước sóng gió cường đại như Nguyên, cần kiên định, can trường. Ông lại là võ quan, bèn đúc một thanh kiếm mà kính quan gia. Ông cùng vợ và con gái nhỏ sẽ lên kinh cùng nhau, còn có cả Quốc Toản. Vì ông không lưu lại kinh thành quá lâu, cũng chẳng cần chuẩn bị quá nhiều đồ đạc. Sáng ấy, ông rời Vạn Kiếp, đi cùng kiệu với ông là Quốc Toản, còn một kiệu nữa là Nguyên Từ quốc mẫu và nữ hài Tĩnh. Bọn họ đi không vội, đến phủ ở Thăng Long đã quá chính Tỵ , lại phó người chuẩn bị bữa. Trong bữa, ông nói với Quốc Toản cùng Tĩnh rằng tối nay bọn chúng sẽ không đi cùng ông đến yến tiệc, ông đã có lời cùng Chiêu Văn vương cho người đưa bọn chúng dạo quanh Thăng Long. Quốc Toản thấy thế càng dịp mừng rỡ, lễ nghĩa trong cung hắn không hiểu, càng không muốn giữ, được tự do bay nhảy ở kinh thành vẫn vui vẻ hơn nhiều. Cô bé Tĩnh thì lại không nhiều lời, chỉ dạ thưa với cha rồi nhắc nhở Quốc Toản nghiêm túc, đang trong bữa. Quốc Toản tuy lớn hơn Tĩnh, nhưng lại rất nghe theo cô bé, liền tập trung dùng bữa.

Vì buổi sáng phải di chuyển, nên sau bữa trưa ấy, bọn họ liền nghỉ ngơi. Quốc Toản nhìn có vẻ không muốn lắm, nhưng Quốc Tuấn cùng vợ nói mấy lời, cậu cũng đành ngoan ngoãn ở trong phủ. Quốc Toản phản đối là vậy, nhưng khi ngủ, cậu đánh một giấc đến tận cuối giờ Thân. Khi tỉnh dậy, đã thấy Tĩnh ngồi bên cạnh sẵn, ngồi ngậm mấy viên ô mai. Vị chua làm cô bé nhăn hết cả mặt mũi. Cô bé mười tuổi, người mặc một bô váy xanh lá, đầu tóc đã được thắt gọn gàng. Mặt mũi tuy còn non nớt, nhưng vẫn nhìn rõ nét thanh tú. Cô bé nửa nằm nửa ngồi bên sàng, mặc kệ Quốc Toản đang nằm trên giường. Cô nghịch mấy thứ đồ gỗ mà Quốc Toản mới bày ra sàng hồi trưa, đao kiếm đủ cả, dài tầm nửa thước. Cô nhìn mấy thứ đồ này thầm nhủ, không hiểu chúng có ích gì, còn chẳng có ích bằng mớ ô mai của cô. Quốc Toản mơ màng tỉnh dậy, thấy Tĩnh vứt mớ đồ chơi của mình qua lại, liền chạy tới:

"Em làm cái gì vây? đồ của anh mà." Lời nói tuy có chút bực dọc, nhưng cậu cũng chỉ dám nhặt mấy cái đang rơi trên sàn, chẳng dám dành mấy cái còn trong tay cô bé. Cô bé thấy vậy cũng đặt mớ đồ xuống. "Em đợi anh lâu quá, chán, không biết làm gì."

Nhìn dáng vẻ này của cô bé chẳng có chút nào giống với dáng vẻ nghiêm chỉnh trong bàn ăn lúc nãy. Bên cạnh Quốc Toản, cô rất thoải mái, cậu giống như một người anh trai, lại còn dễ bảo, cũng rất thương cô.

"Chiêu Văn vương đến rồi đấy, còn có một tên nhóc đi cùng."

Ban nãy khi Quốc Toản còn ngủ, cô bé thấy trong phủ đột nhiên huyên náo, mới chạy ra xem thử. Cô thấy một vị mặc trường y màu tím bên cạnh còn có một tên mặc cả một cây trắng bóc. Thấy cha ra tiếp, cô đoán là Chiêu Văn vương mà trong bữa cha có nhắc, lại thấy tên trắng bóc kia, chắc là người sẽ đi cùng cô tôi nay.

"Ai?" Quốc Toản hỏi.

"Không biết, trắng bóc. Đang nhìn thì mẹ em tới, phải trốn đi ngay." Đúng vậy, Tĩnh không sợ bố, chỉ sợ mẹ. Mẹ mặc dù chẳng đòn roi, chỉ bảo cô giữ lễ, nhưng có mẹ ở đó, cô không dám không vâng.

Quốc Toản nghe Tĩnh nói thế, cũng chẳng rõ là ai. Cậu chỉ nhớ hôm trước gặp Chiêu Văn vương có một cậu bé đi cùng, có vẻ thân thiết với vương gia, nên cậu nghĩ vẫn là cậu bé đó.

"Chắc anh gặp rồi, mà cậu ta ít lời lắm, anh hỏi còn không thèm trả lời."

"Là do anh nói quá nhiều." Tĩnh đáp. "Làm sao người ta trả lời cho kịp."

Cô em gái này của cậu, chưa biết thế nào đã bênh người ngoài. Lúc bọn chúng đang nói chuyện phiếm trong phòng, bên ngoài Nhật Duật cùng Quốc Tuấn và vợ ông đã nói hết một tuần trà. Đã gần chính dậu, bọn họ cũng gần đến giờ nhập cung, Quốc Tuấn mới cho vời Tĩnh cùng Quốc Toản đến. Khi gặp "tên trắng bóc" mà Tĩnh nói, Quốc Toản đã xác định chính là tên nhóc hôm trước. Nhật Duật mở lời trước:

"Đây là Lập, trước ở Vạn Kiếp, theo ta cũng đã được năm năm. Hắn ở kinh thành đã lâu, biết chỗ thăm thú, xin phép được dẫn đường cho nhi nữ của vương gia cùng hầu gia." Theo lời Nhật Duật, Lập hướng về phía Tĩnh và Quốc Toản bái một cái. Hai bọn họ cũng nhìn vậy mà làm một lễ đáp trả.

Bọn họ ngồi lại nói chuyện một chút cho quen hơn, dưới sự giới thiệu của Nhật Duật và Quốc Tuấn, bọn họ cũng chào hỏi nhau vài câu. Tĩnh phát hiện tên trắng bóc này lúc cô mới vào nhìn cô một cái rất chăm chú, nhưng sau lại không thấy nữa. Cả buổi hắn chỉ đứng sau vị Chiêu Văn vương kia rồi hướng về phía cha cô. Đến khi nào cha cô nói đụng đến hắn, hắn mới có một chút phản hồi.

Xem ra lời của Quốc Toản là thật, tên này rất kiệm lời.

Tiễn Nhật Duật cùng Quốc Tuấn rời phủ, bọn họ trở lại viện ngồi một chút, Quốc Toản ban nãy mới vừa ngủ dậy, bảo rằng muốn đi thay đồ cái đã. Chỉ còn Tĩnh cùng "tên trắng bóc" ở lại. Tĩnh ngồi trên ghế, lại lôi ô mai của mình ra mà nhấm nháp. Bên kia, Lập vẫn đứng hướng ra phía ngoài cửa mà đợi. Tĩnh nhìn thế nào cũng không thuận mắt, sao cái tên này trông còn trắng trẻo hơn cả cô, còn mặc một bộ trường y trắng bóc. Bình thường chẳng ai mặc thế cả.

"Ngươi ngồi xuống đi." Tĩnh nhìn cứ giống bản thân đang bắt nạt hắn, lại nhìn quan hệ giữa hắn với Chiêu Văn vương hình như không chỉ là chủ tớ bình thường.

"Tạ vương nữ." Rồi hắn tiến đến ghế ngồi xuống, không quên chỉnh lại áo bào cho chỉnh tề. Tĩnh lúc này chẳng có mẹ ở đây, cũng chẳng cần giữ lễ, vậy mà tên này, tuổi đời không bao nhiêu mà lại cẩn thận quá. " Ngươi bao nhiêu tuổi rồi?" Tĩnh hỏi.

"Vâng, mười ba."

Tĩnh thầm nghĩ, tên này bằng tuổi Quốc Toản, anh mình, sao lại khác một trời một vực. Lúc này, Quốc Toản hớt hải chạy vào, bảo đã chuẩn bị xong. Quốc Toản mặc áo màu xanh thẫm, cùng màu với quần, gọn gàng hơn Lập nhiều. Tĩnh thấy vậy, cũng liền đứng dậy, đến chỗ Toản, thầm thì: "Có thể bảo tên kia đổi đồ được không?" Quốc Toản thấy em bảo, cũng thấy hợp lý, nhìn thế này rõ ràng Lập còn giống vương hầu hơn cả bọn họ, liền mở lời:

"Lập,... có thể đổi đồ không, nhìn hơi bất tiện." Tĩnh cũng hết lời với ông anh, nhìn người ta nho nhã thế kia mà sao Toản còn nói năng trực tiếp như vậy.

"Vậy hai vị cùng ta hồi phủ một chút." Nói rồi lập dưa củ chỉ tay, ý bảo mời hai người Tĩnh, Toản.

Từ lúc lập quốc, đức Thái Tông đặt cung Phụ Thiên ở phường Hạc Kiều, vậy nên, cứ theo lệ ấy, phủ của các vương hầu cũng đặt xung quanh. Phủ Chiêu Văn vương cách đó cũng không xa, bọn chúng qua đó, Lập để bọn Tĩnh đợi ở một đình viện rồi đi, không bao lâu sau có người dâng quà bánh lên cho Tĩnh cùng Toản.

"Tên này hình như địa vị trong phủ cũng không thấp." Tĩnh vừa cầm miếng bánh vừa nói.

Toản hoàn toàn đồng ý với kết luận này.

Toản ăn quà bánh, liền quên luôn chuyện bị phũ hôm trước. Lúc Lập trở lại, cậu hớn hở chào hỏi. Lập cũng nhẹ nhàng đáp lại. Còn Tĩnh trộm nghĩ "Vẫn phải là trường bào sao?"

Lập sau một vòng trở ra, mặc một bộ trường bào màu đen, nội bào trắng.

"Hai vị có thể cầm quà bánh theo, đã giờ dậu, có thể sẽ đói."

Nghe vậy, Toàn liền niềm nở gói mấy cái bánh vào túi. Tĩnh không ngờ anh mình vì mấy chiếc bánh mà bị mua chuộc. Bọn họ rời phủ mà Toản niềm nở hơn hẳn. Toản nói ba câu, Lập mới đáp được một câu, lại chỉ có mấy chữ. Nhưng cũng may, nhờ có Toản, cả đường đi bọn họ cũng không quá buồn chán.

Lập giới thiệu qua vùng kinh lộ, bỏ qua mấy phường điền nông, tiên bọn họ đến mấy phường thương nghiệp. Ở đây buôn bán đủ cả, bọn họ dạo rồi mua vài thứ, Tĩnh mua đủ thứ ô mai, còn Toản xà vào đủ thứ hàng quán, còn kéo theo cả Tĩnh, Lập chỉ từ từ đi theo phía sau. Lập lại nói một số nơi trong kinh thành, tỷ như phủ Phụng Thiên, bên lối ấy có các hàng thủ công, hàng rèn, nhưng hôm nay lễ hội, mọi người gần như đều đóng cửa cả, thường đến các phố thương nghiệp mà vui chơi mua sắm.

Bọn họ đến phường Nhai Tuân, nơi này từ trước Thượng hoàng bấy giờ còn thượng vị đã lập cho người Tống lưu vong đến ở. Nơi này chủ yếu theo văn hóa Tống, nên Thọ Thiên cũng không chăng đèn kết hoa, nhưng dẫu sao vẫn là lẽ hội, người Tống lại giỏi thương nghiệp, làm sao bỏ qua được cơ hội này, nên đường sá cũng tấp nập hơn.

Ba người đến đó, lần này Toản không thể không kéo theo Lập, vì Lập biết cả tiếng Hán. Người buôn bán ở đây chỉ nói bập bẹ tiếng Việt, câu được câu chăng, nên Toản phải nhờ đến Lập. Lập cũng vui vẻ mà tuân. Tĩnh dạo quanh thấy mấy thứ trang sức ngọc đẹp cũng muốn mua, bảo rằng mang về tặng cho mẹ. Bọn họ dạo mãi, đến chính Tuất, bọn Toản Tĩnh đã đói, liền nói với Lập kiếm chỗ dừng chân mà dùng bữa. Lập thấy cũng đã muộn, toan dẫn họ vào một quán ăn người Tống gần đó thì từ xa có tiếng huyên náo.

Thật ra đêm nay quá náo nhiệt, bảo rằng có tiếng huyên náo đúng là thừa, nhưng đó là tiếng rượt đuổi, đang hướng về phía ba người. Dòng người phía trước náo loạn hết cả. Lập nhanh bảo Toản kéo Tĩnh nép vào nhưng dòng người xô đẩy khiến Toản bị tuột tay. Lập thấy tình hình bất ổn, ra hiệu cho Toản nép vào rồi mình thì len đến chỗ Tĩnh. Tĩnh bị dòng người đẩy qua đến bên kia đường, vì còn khá nhỏ nên khó mà có sức chen chân ra ngoài. Đám người rượt đuổi tới càng gần, mọi người càng thi nhau dạt ra. Tĩnh đang lùi bước thì có người dẫm phải chân cô bé, làm cô té ngửa ra sau. Lập lúc này cũng đã tới liền kéo tay cô bé lại rồi ôm lấy. Lúc này bọn người kia cũng đi qua.

Lập nhận ra hai người đang đuổi một tên người Tống. Hai bọn họ là người của phủ Chiêu Văn vương. Hai người này lớn hơn cậu, tầm chạc hai mươi. Cậu nhìn lại tên bị đuổi, mặc dù ăn vận giống người Tống, mặc dù đội phốc đầu che hết tóc, nhưng do rượt đuổi làm lộ ra một bím tóc, hơn nữa, người này râu tóc rậm rạm, chắc chắn có vấy đề. Ba người ấy vừa chạy qua người cậu, cậu liền đỡ Tĩnh dậy, cầm tay cô bé đi tìm Toản.

Bọn họ nhanh chóng gặp nhau. Lập liền buông tay, cúi đầu nói thất lễ. Rồi Lập dẫn hai bọn họ rời Nhai Tuân. Lập chọn một quán ăn gần ty Bình Bạc mới cảm thấy an toàn, cậu vào gọi món, rồi bảo Tĩnh cũng Quốc Toản ăn trước, cậu ra bên ngoài có chút việc.

"Tên đó đi đâu vậy?" Mặc dù ban nãy cũng may nhờ có hắn mà Tĩnh mới thoát. Chưa biết lúc ấy, nếu hắn không đến kịp, cô bé có bị ai dẫm trúng không. Thế nhưng mở miệng vẫn phải tỏ ra vai vế hơn.

"Không biết, nhìn hắn có vẻ bận quá." Toản gắp một miếng cá rồi nói. Ban nãy cậu lạc Tĩnh, cũng lo lắm, sau khi gặp lại cô, còn muốn đi tra xem kẻ nào làm loạn, nhưng Lập nói mấy câu hắn cũng nguôi bớt.

"Ừ, mà tên đó, trông trắng bóc, mà còn khỏe hơn anh đó." Toản nghe Tĩnh châm chọc, cũng chẳng biết phản bác thế nào, vì rõ ràng là cậu để lạc mất Tĩnh.

"Vậy để ta có lời với vương gia, rước hắn về phủ làm anh của em nha."

"Cũng được, tên đó dù em có trêu chọc, hắn cũng không thèm đáp lại một lời nào."

Toản đang định tiếp lời thì Lập đã trở về, cậu không nói nữa, chuyển chủ đề hỏi xem Tĩnh mua được cái gì. Tĩnh trả lời bâng quơ thì Lập đã ngồi vào bàn. Toản hỏi cậu đi đâu, cậu chỉ bảo ban nãy đến quán ăn mới chợt thấy hình như Tĩnh rơi đồ nên quay lại tìm. Nói rồi hắn lấy ra một cây trâm, trâm này ban nãy Tĩnh mới mua ở Nhai Tuân. Lập đặt trâm lại trên bàn cho Tĩnh rồi mới bắt đầu dùng bữa. Toản nghe vậy liền chẳng hồ nghi gì mà tiếp tục hỏi chuyện Tĩnh, dẫu sao, hỏi Lập, cậu ta cũng chẳng trả lời bao nhiêu câu. Tĩnh ban đầu cảm thấy hơi lạ một chút nhưng cũng bỏ qua ngay.

Ăn xong bọn họ hồi phủ, tiễn Toản với Tỉnh đến phủ Hưng Đạo vương rồi, Lập trở về. Giờ này, chắc tin tức đã được đưa vào trong cung, cũng không đến lượt hắn phải lo liệu nữa, nên hắn về nhà, kiểm tra xem đồ đạc chuẩn bị cho vương gia ngày mai về Thanh Hóa đã đầy đủ chưa.

Trong cung, sau yến tiệc, quan gia lưu lại vài người, có cả Nhật Duật cùng Quốc Tuấn, đến sáng hôm sau bọn họ mới trở về. Bên phía phủ Hưng Đạo vương, vợ ông đã về trước, Tĩnh thấy mẹ vè liền đem mớ đồ mới mua được mà khoe mẹ. Cô bé mặc dù sợ mẹ nghiêm khắc, nhưng cũng rất gần gũi với mẹ, lúc chỉ có hai mẹ con, đương nhiên chẳng phải giữ lễ nghĩa nữa.

Sáng hôm sau, Nhật Duật về phủ, tuy đã định hôm nay khởi hành, nhưng do sự việc hôm qua, hắn lại lưu lại thêm vài ngày mới trở vào Thanh Hóa.

________________________

Bây giờ mới nói, mình có khảo được thứ nữ của Hưng Đạo vương tên Trần Thị Tĩnh những không rõ hán tự.

Một số địa danh thời Trần mình tham khảo ở hoangthanhthanglong.vn nha.

Về trang phục, theo Ngàn năm áo mũ, trang phục dângian thời trần chủ yếu là áo viên lĩnh đen, lộcả nội bào, quần trắng. Hiếm thấy các màu khác. Nên so với chuẩn mực thì cóphóng tác thêm. Nếu xét một mặt nào đó, do quan hệ với Tống (trong khuôn khổtruyện này), nên người trong phủ Nhật Duật có hơi hướng mặc giống Tống cũng không quá lạ, nên thườngLập sẽ mặc trường bào. Còn đối vớitrang phục của Tĩnh màu sắc chính là phóng tác không thể bàn cãi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top