Chương 5: Xuất thành
Canh Thìn, năm Thiệu Bảo thứ hai [1280]
"Quan gia truyền khẩu dụ, điều Chiêu Văn vương dẹp loạn Man tộc ở đạo Đà Giang."
Trần lão - nội thi trong cung.
"Trước đây Trần lão vẫn luôn bên cạnh Thượng hoàng, sao hôm nay lại phụng lệnh Quan gia mà truyền lời cho ta?"
Chiêu Văn vương Nhật Duật đáp lời.
Trần lão từ nhỏ đã theo hầu Thái Tông, sau lại luôn bên cạnh anh của Nhật Duật, chính là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế. Nay, Thái tử mới yên vị trên đế vị không lâu, dường như đã đổi chủ, theo Quan gia.
"Lời của Thượng hoàng, cũng là lời của Quan gia."
"Tạ Trần lão đến tận phủ truyền thánh ý, Nhật Duật xin cung kính tuân lệnh."
Nói rồi, Nhật Duật cho người tiễn Trần lão hồi cung. Trong phòng chỉ còn lại Nhật Duật cùng một tiểu đồng.
"Xem ra cả Thượng hoàng và Quan gia đều không an tâm về ta. Muốn hàng quân, lại không cho một binh một tốt, chỉ có một cái khẩu dụ."
Nhật Duật từ trước đến nay vẫn ít can dự vào binh quyền. Từ ngày nhận chức vương, hắn không vội lập điền trang riêng, dẫu sao lúc ấy hắn cũng chỉ mới mười ba tuổi. Sau đó năm năm, hắn chọn vùng Thiên Hưng phía tây để dựng điền trang. Nhưng phía Thiên Hưng chẳng phải vùng đắc địa gì, chưa nói đến toàn đồi núi, lại gần man tộc, nên hầu như hắn vẫn ở phủ tại kinh sư.
Không phải hắn không muốn tìm một nơi có địa thế tốt hơn, nhưng rộng mắt mà xem, vùng Thiên Trường xưa nay vẫn luôn không đến lượt hắn. Xưa có Trung Vũ vương, lại có hoàng huynh Nhân Hoàng. Chưa kể là hai vị anh ruột là Chiêu Quốc vương Ích Tắc cùng Bình Nguyên vương Nhật Vĩnh vẫn luôn có thế lực trải dài hơn hắn. Vùng Vạn Kiếp nằm chắc trong tay dòng dõi An Sinh vương. Phía nam là Chiêm Thành, hơn nữa, nhà vợ Nhật Duật ở lộ Thanh Hóa, nếu hắn về đó, không tránh khỏi hoài nghi từ Quan gia và Thượng hoàng.
Xem xét bốn phía, tuy vùng tây bắc vẫn luôn có man tộc cát cứ, nhưng so với Chiêm Thành vẫn phần nào dễ thở hơn.
Tám năm dựng cơ đồ ở đây, Nhật Duật cũng đã xây dựng được thế lực riêng cho mình. Lại liên hệ với cùng mấy vị tướng quản biên ải phía tây bắc, do vậy cũng có mấy phần hảo cảm. Dẫu sao, Nguyên triều vẫn luôn lăm le, mà biên quan tây bắc lại trọng yếu. Lần này, hai vị ấy muốn Nhật Duật đi dẹp Trịnh Giác Mật, là muốn xem hắn ở tây bắc này, nuôi được bao nhiêu binh, trồng được bao nhiêu tốt.
Nhật Duật xưa nay vẫn được tiếng "văn nhân", xứng với cái danh "Chiêu Văn" của hắn. Nhưng sở dĩ, phụ hoàng đặt cho hắn cái tên ấy, âu cũng là muốn hắn thu liễm một chút. Thái tử (bây giờ là thượng hoàng) lúc ấy tài năng hiển lộ. Hơn nữa, người anh Ích Tắc của hắn, tài hoa cũng chẳng kém, lại được phụ hoàng sủng ái, phụ hoàng vì thế lực của mẫu phi, muốn dùng mẫu phi đối trọng thế lực của Trung Vũ vương, lại vì kiềm chế thái tử, nên cũng chẳng ngại biểu lộ sự sủng ái cho người anh Ích Tắc.
Sau lập Thái tử làm quân chủ rồi, vẫn ban cho người anh Ích Tắc vương hiệu Chiêu Quốc. Nhưng Trung Vũ vương rồi cũng già, Thiên Trường cuối cùng vẫn nằm trọn trong tay phụ hoàng, nào có thể để cho nhà phi lớn mạnh?
Nhật Duật cũng tự biết, lại chẳng dám hiển lộ, xưa nay chưa đụng binh quyền, cùng lắm chỉ làm thuyết khách. Tuy vậy, hắn giao du từ Chiêm Thành, đến Tống, sau lại Nguyên, tránh không khỏi làm người khác đỏ mắt. Lần này, Nguyên triều rục rịch, đến Hưng Đạo vương cũng bỏ qua hiềm khích cá nhân, hòa thuận cùng Thượng hoàng. Nên bây giờ muốn thử lòng hắn.
"Tiên, cho người đến chỗ Uy Linh và Đông Lãm, nói rằng Quan gia muốn bình man tộc, ta đi trước, bảo bọn hắn chờ tin."
Uy Linh tướng quân cùng Đông Lãm tướng quân, hay Lê Thạch cùng Hà Anh, vốn trấn giữ mạn biên quan tây bắc. Lần trước sứ Nguyên là Ngột Lương sang, muốn truyền Quan gia sang chầu, lại đòi tìm cột đồng Mã Viện.
Lại nói trước kia, Nguyên triều chiếm được Đại lý, vốn vẫn đi sứ theo đường Vân Nam vào Đại Việt, nhưng nay Tống triều đã tàn, Nguyên triều nắm trọn cả Nam Tống, do đó, sứ đi đường Ung Châu mà đến. Lê Thạch cùng Hà Anh vốn quen việc giao thiệp cùng Nguyên, nên được điều đi theo hộ tống.
Lê Kính Phu theo Ngột Lương, lại gặp hắn nhiễu nhương, khó dễ đủ đường, muốn cầu ý Thạch, Anh.
Thạch, Anh tự nhận mình thất phu, chỉ là võ tướng, không hiểu chuyện đãi khách, lại càng không thông việc bang giao, nhưng nếu Lê phụ chủ chiến, cũng nguyện một lòng theo. Phu đã hiểu ý Thạch, Anh, cứ thế nói với Ngột Lương mà rằng:
"Đồng trụ ngàn năm, vốn đã mai một, nay tìm không được là điều hiển nhiên."
Rồi dựa uy hai tướng, lại lựa lời mềm dẻo, đưa Ngột Lương hồi Nguyên. Quan Gia hay tin, phong Lê Thạch làm Uy Linh Thượng Tướng, phong Hà Anh làm Đông Lãm Đại Tướng, cho hồi tây bắc. Sau đó, sai hai người Trịnh, Đỗ sang chầu Nguyên triều.
Nhật Duật vốn đã gần gũi quan quân vùng tây bắc, do vậy, cũng giao hảo cũng hai vị Thạch, Anh. Nay bảo hai vị chờ tin, là để đề phòng vạn nhất, có thất thủ ở Đà Giang, còn có hai vị bảo trợ. Lại cho hai vị một lời gửi gắm, đổi lấy quân công trước mặt Quan gia. Ở Thiên Hưng, Nhật Duật cũng nuôi không ít tư binh, nhưng dẫu sao, vẫn chưa phải lúc dùng đến. Hơn nữa, nếu lúc này Quan gia cùng Thượng hoàng thấy Nhật Duật nắm binh quyền, lại thông đồng cùng tướng lĩnh, khó tránh khỏi hoài nghi về sự vụ phản loạn này của Trịnh.
Binh, vẫn là chưa đến lúc sinh tử thì không được dùng.
"Nếu Quan gia đã cho ta cơ hội lập công, ta cũng không nên phụ lòng ngài ấy. Nhưng nếu đã buộc phải lộ binh lực, thì cũng cần phải có được lợi xứng đáng. Lập Vũ, ngươi chuyển lời đến Vạn Kiếp, đưa bức thư này cho Hưng Đạo vương."
Nói rồi, Nhật Duật quay lại bàn. Lập Vũ liền đi theo, bắt đầu mài mực cho hắn.
Lập Vũ (立雨), hay Trần Lập (陳雴). Nhật Duật ưa gọi hắn là Lập Vũ.
Lập theo Nhật Duật từ năm tám tuổi, đến nay đã được năm năm. Hắn được sinh ra vào ngày hè. Nghe cha hắn nói rằng hôm hắn lọt lòng trời mưa lớn lắm, cho nên cha mẹ hắn mới bảo với người ta đặt cho hắn một chữ Lập. Nhờ thánh ân của đức Thái Tông, nhà hắn thuộc Trần tộc, cũng được hưởng lợi ít nhiều, nhưng cách dòng chính quá xa, cho nên gia cảnh của hắn cũng không khấm khá bao nhiêu.
Từ khi theo Chiêu Văn vương, hắn mới được ăn học tử tế. Chiêu Văn vương vốn là người văn nhã, lại chuyên tâm Đạo cùng Nho. Lập đi theo dù không học được cốt cách, cũng học được lông da. Chiêu Văn vương cũng một lòng đối đãi, hay cho hắn theo hầu, chuyện gì cũng cho hay cả. Chiêu Văn vương vốn giỏi thu liễm, dùng cái vẻ nho nhã mà che đậy, hắn ở bên cạnh, càng nhận thấy rõ.
Lần này lại muốn kết hữu cùng Hưng Đạo vương, tự nhiên có dụng ý.
An Sinh vương vốn cùng đức Thái Tông bất hòa, vì những chuyện không mấy hay ho ấy. An Sinh vương cùng đức Thái Tông, ban đầu vốn ngồi cùng một thuyền, muốn đoạt binh quyền từ Trung Vũ vương bấy giờ đương là Thái sư. Nhưng Thái sư một tay an bài, đưa phu nhân của An Sinh vương lập làm hoàng hậu, lại đưa cả con trai của An Sinh vương vào làm con đức Thái Tông.
Do vậy, liên minh này chẳng thể tiếp tục.
Con trai trong cung hết mình lấy lòng người cha hờ, chí thân không nhận, đành nương ý chí nơi Hưng Đạo vương, chờ ngày trả mối nhục.
Trước nguy cơ Nguyên triều, Quan gia đã lập con gái Hưng Đạo vương làm Hoàng Thái tử phi. Trao một chức Quốc Trượng tương lai. Trước lại có Thiên Thành công chúa trong phủ Hưng Đạo vương, vậy nên quan hệ này mới yên ổn phần nào. Hơn nữa, về binh, Thượng hoàng cũng hết lòng với người em Chiêu Minh vương, lại có Trần Khánh Dư ở Chí Linh, kèm chặt Vạn Kiếp, dưới lại có sân nhà Thiên Trường kìm kẹp tứ phía.
Nay Chiêu Văn vương muốn đề một lời, tất nhiên, Hưng Đạo vương chưa chắc đã đáp. Dẫu sao, cả Quan gia lẫn Thượng hoàng vẫn nhìn chằm chằm, đổi một danh Quốc Trượng đổi lấy một tên vương gia "thư sinh" cũng không phải một nước cờ hay. Lập nghĩ, Chiêu Văn vương là muốn dùng binh lực mà người xây dựng tây bắc làm tiền đề mối minh hữu này.
Viết xong thư, Nhật Duật đem bỏ vào bao, rồi giao cho Lập.
Nhật Duật vốn muốn yên ổn qua đoạn thời gian này, nhưng nếu Quan gia đã không muốn, hắn buộc phải tuân.
Nhật Duật định ngày xuất thành Thăng Long, đến Thiên Hưng. Binh của hắn ở đó có hơn ngàn tinh binh, nếu cần xuất động cả thường binh trong dân, cố lắm cũng đến non vạn.
Nhật Duật được tiếng Văn vương, nên được lòng sĩ phu, văn nhân. Bọn họ có thể dùng được, nhưng chuyện triều chính, vốn vẫn phải dựa vào thực quyền, sĩ phu có ngòi bút, nhưng đứng trước gươm giáo, vẫn thua thiệt vài phần, lại trong cảnh thù trong giặc ngoài thế này, càng khó dùng. Hắn cũng không muốn động tinh binh quá sớm, nên mới cần mượn sức khắp nơi như thế. Tinh binh mới là nòng cốt của hắn, vì vậy, không được hiển lộ. Lần này phục Man, Nhật Duật cũng chưa định xuất động quá lớn. Hắn vẫn muốn dùng cách văn nhã để làm, tròn vai thuyết khách của hắn trước nay.
Trước tiên, Nhật Duật cho sĩ phu trong thành loan tin hắn đi bình Man, còn cho một số diễn ngôn, rằng hắn lần này đi bình man vốn chỉ là diễn cho Quan gia xem để hợp thức hóa binh quyền tây bắc về tay. Để danh tiếng tệ một chút, nếu hắn trở về, một lòng trung với Quan gia, với Thượng hoàng, tự nhiên lại được tiếng thơm. Lại có thể nhìn ra những người muốn lôi hắn xuống.
"Lập Vũ, ngươi cho chuẩn bị áo lông, cũng soạn cả trăm cuộn vải bông. Bảo người ở Thiên Hưng chuẩn bị trước trăm thạch gạo, làm lễ ra mắt Trịnh. Tây Bắc sinh trưởng khó khăn, bao đời Man tộc lộ đó muốn xuống vùng xuôi, cũng chỉ vì sinh nhai mà thôi. Nếu ăn đủ no, mặc đủ ấm, ắt có thể bình. Ba ngày nữa xuất thành. Phu nhân cùng Thánh Nô và Thánh An, bảo nàng ấy về lộ Thanh Hóa thăm nhà vài hôm. Ngày mai đi luôn, ta còn ở kinh hai ngày mới đi, đề phòng vạn nhất."
"Rõ thưa vương gia. Nhưng tiểu vương nữ còn nhỏ, trời lại đông giá."
"Ngươi cho người truyền thêm áo lông. Trong kiệu cũng phủ vải bông, thêm cả lò sưởi vào. Cũng may, mới vào tiết Tiểu Tuyết, vẫn chưa đến Đại Tuyết. Lộ Thanh Hóa lại ấm hơn rất nhiều, xem như vào đó tránh đông."
"Vâng thưa vương gia, Lập đi làm ngay."
Ngày mùng 1 tháng 10, Trinh Túc phu nhân xuất thành Thăng Long, đến lộ Thanh Hóa.
Ngày mùng 3 tháng 10, Chiêu Văn vương xuất thành Thăng Long, đến trấn Thiên Hưng.
_______________________________
Vì cua quá gắt, nên mình nghĩ mình phải giải thích một mớ nhân vật này trước khi đến phần tiếp theo:
1. Chiêu Văn Vương, Trần Nhật Duật (陳日燏). Tương truyền khi Vũ phi hoài thai ông Thái Tông có mộng thấy Thượng đế nói cho Chiêu Văn (昭文) thánh xuống đầu thai nhà vua, khi sinh trên tay có bốn chữ "Chiêu Văn Đồng Tử", lại có bà Vũ Phi mơ thấy có ngôi sao rớt xuống làm con mình cho nên đặt tên Nhật Duật (Chữ Duật có nghĩa là ánh lửa gồm 火 hỏa và 矞 rực rỡ, tốt đẹp).
2. Trần Lập, chữ Lập ghép bởi 立 Lập (đứng thẳng) 雨 Vũ (mưa), chữ 雴 có nghĩa mưa lớn. Nhật Duật ưa gọi hắn là Lập Vũ cũng là vì vậy.
3. Lê Thạch và Hà Anh. Hai vị này mình xem xét sử chính thống qua Toàn thư và Khân định sử Việt thông giám cương mục thì không nhắc nhiều, dựa vào An Nam chí lược thì nói hai vị tử trận năm 1288 trong chống Nguyên lần ba. Năm 1279, sứ qua là Sài Thung, cả sử ta và Trung Quốc đều thống nhất như vậy. Lần Lê Kính Phu tiếp sứ là vào năm 1272. Theo "Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ XIII" của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, sứ được cử đến lần này là U-ry-ang (Uriyang). Cải biên này (Ngột Lương) là do mình đọc một số tích về Lê Thạch và Hà Anh nên đã cải một chút.
4. Trần Thủ Độ, Trần An Bang, Trung Vũ Vương, thái sư dưới thời Thái Tông Cảnh và Thánh Tông Hoảng.
Trần Cảnh, Thái Tông, Thiện Hoàng.
Trần Liễu, An Sinh vương.
Trần Hoảng, Thánh Tông, Nhân Hoàng.
Trần Ích Tắc, Chiêu Quốc vương.
Trần Nhật Duật, Chiêu Văn vương.
Trần Quốc Tuấn, Hưng Đạo vương.
Trần Khâm, Nhân Tông, Hiếu Hoàng.
5. Cảnh, Liễu là anh em, sau đó em đoạt vợ đã có thai ba tháng của anh là Thuận Thiên, lập làm hậu. Con đẻ ra đặt tên Quốc Khang, sau ban hiệu Tĩnh Quốc vương. Thù hai nhà kết từ đây.
Quốc Tuấn là con Liễu, Liễu hết lòng bồi dưỡng, đến lúc chết vẫn muốn con báo thù này. Quốc Tuấn là con của Thiện Đạo quốc mẫu (húy là Nguyệt). Công chúa Thiên Thành - đã được ban hôn, con của Cảnh, Quốc Tuấn ngay vào đêm tân hôn thì vào phòng, cướp dâu,... cái gì thì mọi người cũng biết. Cảnh phải chịu cho công chúa về với Tuấn. Sau lại vì bình Tuấn mà lập con gái Tuấn làm thái tử phi, gả cho Khâm (Nhân Tông), rồi con của Hoảng cũng gả vào nhà Tuấn.
Ích Tắc và Nhật Duật là anh em cùng một mẹ họ Vũ, ngoài hai người còn có một người tên Quang Xưởng, lấp ló trong sách sử, theo một số tham khảo trên mạng thì Quang Xưởng cũng gọi là Nhật Vĩnh, tước hiệu Chiêu Đạo Vương. Nhưng khó tìm thông tin quá, mình cũng pass nhân vật này luôn. Tạm coi Ích Tắc là con đầu của Vũ thị, nên nắm binh quyền phía nhà ngoại. Sau Ích Tắc phản.
Vua bây giờ là Khâm, cháu của Duật; Thượng hoàng là Hoảng, anh em với Duật; hoàng thái tử là Thuyên.
6. Nhân vật ban đầu gọi là Trần lão vì lười đặt tên, dù gì quanh đi quẩn lại quan lại vương công cũng chỉ có thể họ Trần. Hai nữa là gia phả của Trần có hơi loạn, lấy nhau loạn xì ngầu, lúc mình mới đọc bị hơi shock. Sau viết cũng quen nhưng cũng không thể xây dựng tuyến chính huyết thống quá gần, chịu không nổi.
7. Một cái nhỏ nữa, hai con của Duật, Thánh Nô và Thánh An, mình không chắc là con vợ lẽ hay chính thất, nhưng không dính vào mạch chính, nên cho đại thế đi, tại nhìn tên cứ hơi lấn cấn, nên mới phải note.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top