Chương 15: Quốc Âm, Quốc Ngữ


Quốc âm là tiếng của một nước.

Gần ngàn năm thuộc Hán, Đường. Từ buổi họ Khúc, nước ta đã manh nha cái sở cầu chú lại chuyện nước mình bằng chữ người mình. Trông sang Đường, Tống, thịnh thế của họ không thể trừ bỏ cái đóng góp của văn tự.

Nước ta tuy mượn cái tự của họ, lại mang luôn cả cái thi phú của họ bằng bỉ mặc (1) họ lưu. Vậy cái thú ấy của ta thì sao?

Tiếng nước ta và họ bảo tương đồng, có tương đồng, nhưng bảo cách biệt, lại càng có cách biệt. Tự của họ lắm lúc cũng không kí hết được âm của ta.

Nhưng bảo trăm dân trăm họ nhà ta đều lấy tự của họ, lại lấy cả âm nước họ thì tiếng nước ta phải chịu lép vế hay sao?

Từ ấy, mượn lấy thủ pháp mà kí âm nước ta.

Lại nói, ta tuy trước dùng tự ấy nhưng âm tùy thời mà biến. Họ cũng thế mà ta cũng thế, lại cần kí lại cách ta đọc tự của họ.

Sau cùng, văn hiến của ta, thi phú của ta, cũng cần kí lại vậy.

Vậy nên, mới cần đến cái quốc ngữ.

Khúc, Ngô, Đinh, Lê, bốn họ đã manh nha cái sự ấy. Đến tiền triều lại càng đủ đầy hơn. Dùng dùng phép Lục thư mà cấu thành quốc ngữ.

Xét Lục thư, Hứa Thận thời Đông Hán nói:

Chu Lễ bát tuế , bảo thị giáo quốc tử , tiên dĩ Lục thư.

Nhất viết Chỉ sự: chỉ sự giả thị vi khả thức, sát nhi khả kiến "thượng" "hạ" thị dã.

Nhị viết Hình tượng: hình tượng giả họa thành kỳ vật tùy thể cật khuất "nhật" "nguyệt" thị dã .

Tam giả Hình thanh: hình thanh giả dĩ sự vi danh, thủ thí tương thành ,"'giang" "hà" thị dã .

Tứ viết Hội ý: hội ý giả bỉ loại hợp nghị dĩ kiến chỉ huy "vũ" "tín" thị dã.

Ngũ viết Chuyển chú: chuyển chú giả ,kiến loại nhất thủ, đồng ý tương thụ "khảo" "lão" thị dã.

Lục viết Giả tá: giả tá giả bản vô kỳ tự ,y thanh tác sự "lệnh" "trưởng" thị dã

(Hán văn:

周礼八岁入小学,保氏教国子先以六书。

一曰指事,指事者视而可识,察而见意,上下是也。

二曰象形,象形者画成其物,随体诘诎,日月是也。

三曰形声,形声者以事为名,取譬相成,江河是也。

四曰会意,会意者比类合谊,以见指撝,武信是也。

五曰转注,转注者建类一首,同意相受,考老是也。

六曰假借,假借者本无其字,依声托事,令长是也。

Dịch nghĩa:

Sách Chu Lễ nói trẻ lên 8 tuổi vào bắt đầu học, tiên lấy Lục thư.

Thứ nhất, Chỉ sự: nghĩa là nhìn có thể biết ,quan sát có thế thấy. Như "thượng", "hạ" vậy .

Thứ hai, Tượng hình : vẽ tựa hình dáng, tùy sự mà giản lược. Như "nhật", "nguyệt" vậy.

Thứ ba, Hình thanh: gồm phần danh (cách đọc) và thủ (mang nghĩa) mà thành. Như "giang", "hà" vậy .

Thứ tư, Hội ý : các chữ hợp thành. Như "vũ", "tín" vậy.

Thứ năm, Chuyển chú : cùng (tương đồng) một bộ, mang cùng ý nghĩa. Như "khảo", "lão" vậy.

Thứ sáu, Giả tá : vốn chẳng có tự, mượn thanh (âm) từ chữ khác mà đặt. Như "lệnh", "trường" vậy.)

Cái quốc ngữ ấy, vì quốc âm mà sinh, nên mới dễ dàng cho trăm dân trăm họ. Cùng bởi thế mà cái thi phú của nho sĩ lại càng được thúc đẩy. Cũng dễ mà lan truyền hơn. Dùng quốc âm mà sáng tác, dùng quốc ngữ mà lưu truyền.

Quốc ngữ thịnh hành, không thể không kể đến đóng góp của tiền triều. Từ buổi Khúc, Ngô, Đinh, Lê, cái "quốc ngữ" manh nha, nhưng chưa thành hệ thống. Lại kể như buổi đầu, mỗi người lại dùng quy ước của mình mà kí cho tiếng mình. Phải đến tiền triều, cái sự ấy mới được quan tâm xác đáng. Kể từ đó "quốc ngữ" mới thành một hệ thống trước tiên cho nho gia thỏa mãn cái hứng thú bằng tiếng mình. Sau, "quốc ngữ" mới được thúc đẩy rộng rãi. Đến tiền triều Cao Tông đã phổ biến trong dân. Triều đình định dùng cái chữ ấy mà chép tên địa phương, tên người (2). Mua bán, văn khế, cũng từ ấy mà dùng quốc ngữ mà viết.

Mấy trăm năm cái sự quốc ngữ cũng đã thành. Bởi thế, dân ta có quốc âm, có quốc ngữ, phân lập cùng Tống. Quốc ngữ chủ yếu dựa vào ba phép Hội Ý, Hình Thanh, Giả Tá mà thành, mà Hình Thanh và Giả Tá làm chủ đạo.

Cái sinh của Hán tự chủ yếu là biểu ý, nhưng cái sinh của quốc ngữ là kí âm, là để ghi lại tiếng nước ta (3). Vậy nên, tuy mượn gốc của Hán tự, nhưng quốc ngữ lại mang nặng cái đặc trưng của dân ta.

Vì để kí âm, nên phép có tính biểu ý cao như Hội Ý lại ít được sử dụng hơn. Sau, xét Hình Thanh và Giả Tá. Cách ta đọc Hán tự khác với họ Triệu (Tống triều), còn chưa kể đến tự buổi còn thuộc, ta đã đọc Hán Tự khác Hán, Đường. Thế nên ta tuy dùng Hán tự nhưng là để kí âm của ta. Hoặc ta dùng Hán tự để chỉ cái sự mà trong ta đã có tên gọi sẵn. Hoặc chỉ mượn âm của Hán tự ấy để chỉ cái sự gần với âm ấy. Đó là Giả Tá. Cách dùng Giả Tá của ta có đôi phần khác biệt so với lời của Hứa Thận, nhưng xét sâu xa, không khác là bao. Sau đến Hình Thanh, lại dùng Hán tự làm âm phù dùng bộ thủ hoặc cả Hán tự làm nghĩa phù. Như vậy, đã vẹn toàn cái sự quốc ngữ.

Để cho cái quốc ngữ thịnh vượng, không thể không kể đến công lao của tiền triều. Quốc ngữ ở tiền triều mới thịnh vượng vậy. Khởi từ chuyện tăng lữ dùng dịch kinh thư, sau lan cả trong dân, thế mới phổ cập.

Toản ngồi phía dưới nghe Chiêu Văn vương luận từ lúc ánh cam lan tràn khắp gian chính phủ Chiêu Văn, cho đến tận lúc chỉ còn sót lại ánh vàng nơi những ngọn đèn đã được thắp sẵn. Trong gian có cả thảy hơn hai mươi người.

Hôm nay, Chiêu Văn vương luận cái sự Quốc Ngữ.

Ngài đề cập đến cái thuở mà ta còn thuộc phương Bắc. Cái cơ sự ấy, với việc thúc ép đồng hóa dân ta, mới càng đẩy dân ta mạnh hơn đến cái sở cầu Quốc Ngữ. Lại nói trong thời độc lập, mạnh mẽ phát triển, thành hình thành dạng. Cũng vì quốc ngữ, mà cái "Văn" của ta mới tỏ tường, mới được lưu truyền ngàn đời. Toản dù chẳng có thiên phú về thi ca, nhưng cái hiệu Hoài Văn cũng vận vào cậu ít nhiều.

Từ sau lần Chiêu Văn vương tỏ cái Văn của ngài với cậu, cậu cũng suy nghĩ mấy bận về cái vấn đề ấy. Lại nói, hình như trong lần ấy Chiêu Văn vương chỉ đơn thuần muốn chia sẻ cho cậu cái Văn của ngài, chữ chẳng có điều chi muốn nói cùng Hưng Đạo vương. Lúc về phủ Hưng đạo, trong giờ cơm tối, cậu cùng Tĩnh có thuật lại vấn đề ấy cho cha Tĩnh, nhưng ngài chẳng bảo sao. Sau đó cậu cố nghe ngóng cũng không thấy động tịnh gì, nên cũng cho qua cái chuyện ấy.

Mấy tháng học ở chỗ Chiêu Văn vương, hôm nay, lại nghe ngài luận cái con chữ của ta mà lòng cậu cũng dậy sóng ghê gớm. Cái quốc hồn, nó dường như nằm len lỏi trong mỗi điều cậu thấy. Thường ngày, nghe vương đọc cái Hán tự theo lối người mình vẫn đọc, cậu cũng chỉ xem đó như việc bình thường thế thôi, chỉ là do cái thổ âm mà khác. Nhưng bởi tiểu tiết ấy, lại có thể trở thành cái đặc thù của ta. Nhìn bao quát là đại đồng, nhưng nhìn chi tiết lại là tiểu dị.

Cậu thỉnh thoảng có xem mấy cái thoại bản mà Tĩnh lén mẹ mua ở chợ về để đọc, lắm cái chỉ là chuyển ngữ từ thoại bản của Đường, của Tống, nhưng cậu thấy cái quốc ngữ trong đó. Nay lại nghe vương nói, cũng ít nhiều thấy mấy thoại bản ấy có phần thú vị.

Hôm nay, cả trường đều yên lặng nghe vương giảng. Tĩnh ngồi bên cạnh cậu cũng chẳng còn buồn ngủ như mấy ngày đầu cô đến nữa. Có lẽ là hôm nay có yên tiệc chăng? Hoặc lòng cô cũng như cậu, có chút nào đó lăn tăn.

Mấy tháng rồi, cha cô tại sao phải ở kinh thành thường xuyên hơn, lâu dần cô cũng tỏ. Mà vương đề cập đến cái sự này, dù ít dù nhiều, cũng là để động sĩ khí của mấy đứa trẻ mới chập chững trong cái sự học như cô.

Chiêu Văn vương lại tiếp tục.

Lại luận đến cái thú thi phú của sĩ phu. Quốc ngữ phổ cập, lại càng có chất liệu cho đám sĩ phu không ngừng sáng tác. Dẫu cho họ đều thông Hán văn cả, nhưng sáng tác bằng chất liệu mình, vẫn gần gũi hơn. Thi ca từ nhân sinh, lại phản ánh nhân sinh, vậy nên, càng gần gũi lại càng đẹp đẽ. Đó là cái sự tỏ tường nhưng lại khó nắm bắt.

Quốc âm thi được sĩ phu hưởng ứng, lại dùng quốc ngữ mà ghi lại, lưu truyền. Từ đó, người ta mới càng dễ mà luận thi phú, cùng nhau đối ẩm, cùng nhau thưởng thức một cái thú ấy. Mà trong cái sự ấy lấy Nguyễn Thuyên làm tiêu biểu. Thuyên đỗ tiến sĩ từ năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười sáu [1947], đang đương giữ chức Tả thừa bộ Hình (3).

Cái thú thơ quốc âm của ông làm nhiều người mê đắm mà nối bước. Lại lấy cái Đường luật mà áp vào thơ quốc âm, làm cho thí phú càng quy phạm. Sau, tạo ra đặc sắc tuyệt luân với những phá luật lại cho tho của ông cái bản ngã riêng, mới khiến sĩ phu thấy cái sắc trong thi của ông. Cũng bởi thế, thi phú quốc âm mới càng xán lạn.

Nói hồi, Nhật Duật nâng chén:

"Hôm nay, ta có mời Tả thừa đến, chỉ tiếc Hình bộ trăm công nghìn việc. Ban đầu ngài ấy có đồng ý nhưng ban trưa lại phải cho người báo bận. Tuy người không tới, nhưng ý, Nhật Duật đã nhận được. Cũng xin kính cái tài hoa của Tả thừa."

Xong, Nhật Duật uống cạn một chén này. Đám học trò của ngài ngồi dưới cũng vì cái sĩ khí đã được nâng lên cả buổi trời, trong ánh nến vàng đỏ, phảng phất mùi hương cỗ thịt, lại chờn vớn một ít hương mộc từ mấy cái lư hương trên kệ. Mấy đứa trẻ tuổi phần lớn còn chưa quán lễ nếm cái cay xé họng trong thứ đồ uống mà Chiêu Văn vương chuẩn bị, nhưng ngay sau đó lại có cái hậu vị ngọt ấm.

Vương lúc này cao hứng lắm. Lập bên cạnh ngài tiếp rượu đã mấy bận rồi.

Bên ngoài cửa vương phủ, một thanh niên tuấn tú, mặc áo gấm màu xanh thẫm, thêu hoa văn hoa sen chỉ vàng. Đi cùng thanh niên ấy còn có hai người khác mặc áo màu nâu, thân đeo trường đao. Thanh niên ấy dừng trước cửa vương phủ, nhìn vào tấm bình phong, ánh đèn mập mờ xuyên qua khe hở. Người này tiến vào trong.

Chiêu Văn vương phủ vốn lắm khách, chẳng ai ngăn cản chàng. Chàng dặn hai người đi cùng đứng ở ngoài rồi tiến vào gian chính.

Trong gian, đang lúc cao hứng, Nhật Duật bảo rằng muốn đề một bài thơ quốc âm mà hưởng ứng, cũng như tỏ cái ý của ngài với Tả thừa Nguyễn Thuyên, vậy nên, dùng Đường luật mà tiếp. Ngài đề hai câu trước:

"Đại Việt giang sơn, tự tám đời,

Đông A hào khí mãi không vơi".

Ngài lại nâng thêm một chén rượu.

Lúc này, người ngoài cửa đã tiến vào trong gian. Tĩnh với Toản ngồi phía sau nên nhận thấy đầu tiên. Tĩnh thấy người này thì bất ngờ lắm. Nhìn lên phía Chiêu Văn vương, chén rượu ngài đang nâng giở dừng trước mặt ngài. Chiêu Văn vương toan đặt chén rượu xuống thì thanh niên kia đưa tay ra hiệu bảo không cần. Thấy vậy, Chiêu Văn vương chỉ nâng nhẹ chén rượu lêm thên một chút, rồi bái nhẹ. Sau, uống cạn chén ấy, ngài nói tiếp:

"Chữ tám (三) ở đây là chữ tám trong Nam Dong tám phục Bạch Khuê (南容三復白圭) (4). Các vị chớ vội đề mấy câu tiếp theo."

Người mới vào tiến đến chỗ Tĩnh với Toản mà ngồi cùng. Toản tuy không phải chủ nhà nhưng cũng phải gọi người đem rượu và dọn yến lên ngay.

Mười tầm chục người bên phía phải tuy đã nhận ra khi thấy thái độ của Chiêu Văn vương, nhưng cũng vì thái độ ấy mà không ai đả động gì.

Riêng Lập, hắn lại thấy người này quen mắt, lại xem thái độ của vương, hắn không khỏi cả kinh.

______________________


(1) Bỉ mặc: bút mực.

Ở đây ý chỉ khi ta mượn chữ Hán lại mượn luôn cái thi văn Hán nhưng khuyết đi cái đặc trưng của ta.

(2) Như chương trước đã đề cập, ta chỉ tìm thấy 24 chữ Nôm ghi tên đất và tên người ở bia thời Lý, tuy nhiên, khi viết chương này mình suy rộng ra cho các trường hợp cần viết tên và đất khác, cũng như các trao đổi, buôn bán thường ngày cần văn thư đều dùng chữ Nôm cả.

(3) Về Nguyễn Thuyên, ông nổi tiếng với bài văn tế đuổi cá sấu, và được Trần Nhân Tông đổi họ thành Hàn Thuyên. Tuy nhiên, đó là chuyện của mấy năm sau, còn thời điểm này, ông vẫn là Nguyễn Thuyên. Ông được làm đến chức Thượng thư bộ Hình, dưới thời Nhân Tông, vậy nên, ở giai đoạn này, mình đoán có thể ông làm ở chức thấp hơn trong Hình bộ. Theo đó, dưới Thượng thư là Tả/Hữu phó xạ, dưới nữa là Tả/Hữu thừa.

(4) Nam Dong tám phục Bạch Khuê (南容三復白圭), câu này trong Luận Ngữ, có nghĩa là Nam Dong đọc lại thơ Bạch Khuê nhiều lần.

Chữ Tám sử dụng trong câu này của Nhật Duật ý nói giang sơn đại việt đã có từ nhiều đời. Còn việc tại sao phải dùng từ thế thì sẽ giải thích ở mấy chương sau.


Hôm nay chọn BGM là Vô Lượng, có lyrics được chuyển sang chữ Nôm. Mặc dừ màu sắc âm nhạc không thể hiện màu sắc của chương này nhưng ít nhiều vẫn hợp lý, nhỉ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top