Chương 14: Chiêu Văn vương phủ


Chiêu Văn vương vốn thích tiệc tùng. Yến tiệc bốn mùa vẫn mở đều đặn. Đương độ đông, vậy mà vương phủ ở kinh thành vẫn tấp nập. Điều này vốn chẳng lạ lẫm gì.

Mỗi năm, độ thu, vương có công khai mở học đường, thường có vài vị còn nhà vương hầu hay quan lại. Lại vời thêm cả mấy kẻ hàn môn vào luận thi phú, lại giảng Trung Dung, Luận ngữ.

Vương bảo:

"Hạ thì quá nóng, đông lại quá lạnh. Độ thu, vừa hợp ý."

Từ khi ngài tròn hai mươi đến nay, năm nào cũng mở. Ban đầu chẳng có mấy người, quay đi quay lại cũng là nơi ngài công khai dạy cho đám người Lập. Sau, cũng thu hút đám con cháu quan lại trong kinh. Tuy trong kinh đã có học đường chỗ anh ngài - Chiếu Quốc vương, nhưng mà chỗ Nhật Duật chỉ có thể xem là chuẩn học đường, chỉ là chỗ đến để đối ẩm, chuyện trò, nội dung giảng dạy lại không quá sâu. Hai bên tuy có phần nào tương đồng, nhưng không đến nỗi đối nghịch, cạnh tranh, nên mấy vị quan lại, vương gia cũng không thấy trở ngại lắm.

Đông năm trước, sau khi đến gặp Hưng Đạo đại vương, qua Thọ Thiên, Nhật Duật vào Thanh Hóa đến qua Nguyên Tiêu mới trở lại. Chuyện biên giới lại như đám tro đang bắt được củi khô, chưa biết lúc nào phải động binh, nên Hưng Đạo đại vương thường trú nơi phủ đệ trong kinh.

Năm nay, Chiêu Văn vương mở học đường từ độ giữa hạ, âu cũng là do Hưng Đạo đại vương phó Hoài Văn cho vương dạy dỗ. Hưng Đạo đại vương bảo ngài là tướng, dạy được cương, được mãnh, nhưng lại thiếu đi cái uyển chuyển của Nho sỹ. Phó Hoài Văn cho Nhật Duật, là cho con trẻ có thể học được cái Nhẫn. Nhật Duật cũng không từ chối, rằng mình tài mọn, nhưng nếu đại vương đã tin tưởng, bèn hết lòng dốc sức. Vậy nên, học đường năm nay được mở từ giữa hè đến tận đầu đông.

Yến tiệc hôm nay là để kết thúc niên học.

Cũng chẳng có bao người, con cháu vương hầu tầm chục người, hàn môn, tính cả Lập cũng chỉ hơn chục người. Vậy nên, yến hôm nay còn chẳng lớn bằng các buổi khác ở Vương phủ.

Kể ra, năm nay Chiêu Văn vương bảo Lập cùng học với Toản, khiến quan hệ của hai người đã thân thiết hơn nhiều. Toản từ Vạn Kiếp lên kinh, người hắn gặp đầu tiên là Lập, nên cũng dễ dàng thân cận nhất. Mặc dù Toản thấy tính cách người này có phần tẻ nhạt, nhưng cũng không ảnh hưởng lắm.

Mới đó mà họ đã quen nhau một năm rồi. Nhớ ngày đầu cắp sách đến phủ Chiên Văn, cả Tĩnh cũng đòi đi theo cậu, vì ở phủ Hưng Đạo vương chẳng có ai chơi cùng cô bé. Mà Toản xưa nay nào có từ chối được cô, nên đành để cô theo. Đến nơi, học đường chỉ có tầm mười mấy người. Trong sảnh, cả thảy chỉ có khoảng hai mươi cái án thư và một cái án thư đặt phía trên cao hơn chắc là của Chiêu Văn vương. Toản bước vào trong, hai bên phân biệt rõ ràng. Bên trái cậu, nhìn quần nhung áo gấm, chắc chắn là đám con cháu quan lại.

Khổ nỗi, Toản có biết ai đâu.

Bên phải, ánh mắt đầu tiên, cậu đã nhìn thấy Lập, cả người vận trường bào đen ngòm. Tĩnh cũng không bất ngờ lắm với cái dáng vẻ này. Trước Lập có hai ba người nữa. Toản kéo Tĩnh đến bàn kế Lập mà ngồi.

Thấy động tĩnh, mấy người bên phía kia cũng quay sang nhìn. Ngay một ánh mắt ban đầu, họ có một chút bất ngờ, cũng có một chút gì đó không hài lòng. Nhưng rất nhanh, tất thảy đều điều chỉnh tâm thái, ai cũng rõ hai người vừa đến là ai. Toản có thể không biết họ, chứ họ thế nào mà không biết cô bé kia là con nhà ai.

Toản thì còn chẳng để ý đến chuyện gì, chỉ lại chào hỏi Lập. Sau một bữa cơm ở Vạn Kiếp, một buổi tối ở Thăng Long thì đây là lần thứ ba Toản gặp Lập. Lập hành lễ đơn giản chào lại Toản. Lập rất nhanh chóng phát hiện ra ánh mắt có phần khó chịu của đám người bên kia dành cho cô bé mới bước vào, liền lớn tiếng chào:

"Kính chào vương nữ".

Tĩnh lúc này dời sự chú ý sang Lập. Cô bé còn nhỏ, nhưng cũng phần nào hiểu được ánh mắt kia là gì. Sau khi Lập lên tiếng, cô quay lại phía Lập và Toản, cố gắng không để ý phía kia.

Sau khi điều chỉnh được tâm trạng, các vị bên ấy cũng lại hồ hởi mà chào hỏi lại hai người trẻ mới bước vào. Dẫu sao Hưng Đạo đại vương là quốc trượng, chị cô bé ấy đương là hoàng hậu, nào có ai dám lỡ lời.

Bấy giờ là chính thìn.

Sau màn chào hỏi, ai lại về chỗ người ấy. Hai bên phải trái, mỗi bên hai dãy án thư. Lập ngồi cuối cùng, ban đầu Toản toan ngồi bên cạnh Lập, nhưng lại có thêm cả Tĩnh nên đành ngồi phía trên. Lập ngồi dưới, sát lối đi ở giữa, phía trước mặt là Toản. Bên phải Toản là Tĩnh.

Trong viện, bé nhất là Tĩnh, mới hơn mười tuổi, lớn nhất có con nhà Thiên chương học sỹ (1) họ Lê, nay đã gần hai mươi.

Một lúc sau, Chiêu Văn vương bước vào. Vương lướt nhìn khắp viện, đảo qua chục người trong viện, rồi tiến lên án thư phía trên, ngồi xếp bằng. Chỉnh lại tà áo xong, ngài cất tiếng:

"Hôm nay cả thảy có mười hai người. Trước tiên, cho ta rõ tự, nếu chưa hay không có tự... thì tên cũng được."

Lần lượt từng dãy, vương điểm từ phải sang, đến cuối cùng là Tĩnh. Phía bên phải vương, có sáu người, phía bên trái vương, có sáu người.

"Lần đầu ta mở học đường vào hè. Trời đất sao mà nóng quá. Mấy ngày nay trong phủ nóng bức, sợ hôm nay dương lại càng thịnh. May mà có khách quý đến."

Lúc nói câu này, Nhật Duật nhìn vào Tĩnh, sau đảo mắt qua mấy vị ngồi bên kia. Ánh mắt thu lại rất nhanh, nhưng ngài ngồi ở đó, ai mà không tỏ.

"Vạn vật trên đời đều cõng âm bồng dương."

Cả trường đều im lặng.

"Đạo sinh Nhất,

Nhất sinh Nhị,

Nhị sinh Tam,

Tam sinh vạn vật,

Vạn vật phụ âm nhi bão dương,

Xung khí dĩ vi hoà"

"Đó là Đạo Đức kinh" Nhật Duật cười nói. "Còn hôm nay, chúng ta chỉ luận Luận Ngữ"

Nhật Duật mở sách ra, sau đó, cả thảy mười hai người đều lấy cuốn sánh trên thư áng, mở ra.

Do đây là buổi đầu tiên, mất một lúc để vương truyền đạt nhập đề, chủ yếu là bố cục của Luận Ngữ cũng như nội dung chính. Luận ngữ cả thảy có hai mươi thiên, tổng cộng hơn năm trăm bài. Là những lời của Khổng Tử cùng học trò và người đương thời. Thông qua cái "biểu" để hiểu sự học mà Khổng nói, cũng như cái đạo của bậc thánh nhân.

Dẫn nhập xong, giảng được ba bài, giờ Ngọ đã điểm. Trời hè nóng bức, thông thường, những năm trước, Nhật Duật phải giảng đến tận chính ngọ mới nghỉ. Nhưng hè oi nóng, vương cho nghỉ sớm.

Vương định cứ mười ngày nghỉ hai ngày. Đương hè, chỉ học buổi sáng, sau sang thu sẽ sắp xếp cả buổi chiều. Đến đông, có lẽ chỉ học buổi chiều. Đám học trò không ý kiến gì. Toản nghĩ, Chiêu Văn vương đúng là người an nhàn, Hưng Đạo vương cho hắn đến chỗ này cũng là thương hắn quá mức. Tĩnh sau khi thấy Chiêu Văn vương cho đám học trò tan học thì liền lôi một quả ô mai ra, cắn lấy một miếng. Cái vị chua chua mằn mặn làm cô bé tỉnh cả ngủ. Cô ban đầu cũng cố gắng nghe, nhưng sau không hiểu sao chỉ với hai ba câu nói của các vị đời trước mà vương có thể giảng cả nửa canh giờ. Cô càng không hiểu sự "học", tại sao lại liên quan đến "bạn bè", xong lại đến chuyện người ta không biết mình (2). Mọi thứ cứ mòng mòng trong đầu. Giữa giờ, cô bé đã toan xin ra ngoài làm một miếng ô mai nhưng lại thôi.

Toản và Tĩnh nhìn nhau, Tĩnh đưa cho Toản một miếng ô mai. Hai người thở phào, cuối cùng cũng được về nhà ăn cơm. Toản nói với Lập mấy câu, sau đó toan từ biệt Chiêu Văn vương thì vương liền có điều:

"Lần trước hẹn Hoài Văn hầu, không biết hôm nay Hoài Văn có thời gian hay không? Có thể ở lại dùng bữa trong phủ ta."

"Vương gọi con là Quốc Toản như ban nãy là được, hoặc chỉ cần gọi con là Toản thôi", Toản đáp lời Chiêu Văn vương. Sau, quay sang phía Tĩnh, xem ý cô bé thế nào.

Hai đứa ra ngoài, chỉ định đến học đường rồi về. Bây giờ Chiêu Văn vương muốn giữ lại dùng bữa nên cũng hơi bối rối. Toản thấy mình thế nào cũng được, dẫu sao hắn vẫn là con trai, nên cũng không ngại ngần gì, nhưng Tĩnh lại khác. Vả lại, dầu gì hắn với Chiêu Văn vương còn nói chuyện vài câu trước đây, có mấy lần gặp mặt.

"Nếu hai con không muốn, có thể từ chối, còn nếu muốn, ta sẽ cho người sang phủ Hưng Đạo vương truyền lời"

Tĩnh quay sang nhìn Toản, nhẹ gật đầu.

"Vậy xin được thưởng thức một bữa cơm ở nhà vương gia ạ"

Chiêu Văn vương mỉm cười, đưa tay ý bảo Lập cho người đến phủ Hưng Đạo vương truyền lời. Sau đó đứng dậy, mời Toản và Tĩnh đi cùng mình. Từ học đường, đi qua gian nhà chính, vương mời hai người vào trong. Đây là chỗ thường ngày vương vẫn mở yến, mời mọi người đến phủ. Trong gian này bày biện, trang hoàng đỏ mắt. Khi vào trong, mạn tường bên phải họ có treo mấy áng thư pháp. Vương dẫn họ đến chỗ áng đầu tiên, trên đó có một chữ Đức () (3), vương bảo:

"Đây là cái Văn mà ta muốn cho Hoài Văn hầu xem."

Cả Toản và Tĩnh đều khá quen với chữ Đức rồi, họ chỉ đang nghĩ xem rốt cuộc Chiêu Văn vương đang muốn cho họ xem cái gì.

"Không biết hai con thấy điều gì?"

Toản nghĩ một hồi, bảo thấy "Đức" thì không phải là vô nghĩa rồi sao, nó hiển hiện vậy, không biết mới là lạ, nhưng mà phải nói gì cho hợp lẽ bây giờ? Suy nghĩ một hồi, Toản đáp:

"Con thấy chữ Tâm (心)"

"Hmm...", Chiêu Văn vương chỉ phát ra một ý tán thành nhè nhẹ. Sau một thoáng, ngài quay về phía Tĩnh "Thế còn vương nữ"

"Vương cứ gọi con như anh Toản là được, một chữ Tĩnh thôi ạ", Tĩnh tiếp lời, sau đó, dựa ý của Toản, mà trả lười vấn đề của vương "Con thấy bộ Mục (目)"

Chiêu Văn vương cũng gật đầu ra vẻ đồng tình.

"Không biết Tĩnh thấy bộ Mục có phải do chuyện ban sáng?"

"Dạ, không phải đâu ạ. Do anh Toản chọn chữ Tâm rồi, mà con lại không thích giống anh ấy, nên chọn đại thôi ạ." Tĩnh trả lời, tỏ ý cô bé không để bụng chuyện ban sáng. "Cũng cảm ơn Chiêu Văn vương chuyện ấy. À, con cũng cảm ơn cả thư đồng của vương gia nữa."

Toản lúc Chiêu Văn vương đề cập đến Đạo Đức kinh, cũng tỏ chuyện ngài muốn nói nên lúc này cũng tiếp lời: "Là Lập ấy ạ"

Nhật Duật có ý hài lòng với thư đồng của mình, cao hứng, nên hỏi lại hai đứa trẻ:

"Nếu Lập ở đây, hai con nghĩ hắn sẽ thấy cái gì?"

Nghĩ một lúc, Toản chỉ tay vào bộ Xích (彳):

"Con nghĩ Lập là người này"

Tiếp lời, Tĩnh nói:

"Còn con nghĩ là bộ Thập (十) này ạ"

Hai đứa nói xong, nhìn nhau cười khúc khích. Người ta cắt nghĩa hai bộ này thế nào, Toản và Tĩnh rất rõ, nhưng nhìn dáng đi cẩn thận và cái tính câu nệ lễ nghĩa của Lập, hai đứa chịu không nổi. Vừa cười, Tĩnh liền nghiêm mặt lại, cố nhịn cười. Dẫu gì cũng đang ở trước mặt vương, lại đi nói xấu thư đồng của vương, lại còn cười như thế, khác nào...

"Ta cũng thấy thế" Chiêu Văn vương lên tiếng, giọng nói có ý cười.

Toản và Tĩnh thấy mình như "qua cửa" rồi, liền không cố nén nữa, cười cho sảng khoái. Dù sao thì, cứ nén cười hoài mới là cái việc gây buồn cười nhất. Xong, Toản mới hỏi lại Chiêu Văn vương:

"Tại sao đây là cái Văn của ngài?"

"Ta à? Ta thấy ta cùng lắm chỉ tỏ được cái biểu của Đạo là cái Đức, nên ta muốn cái Văn của ta đạt được là cái Đức"

Toản với Tĩnh nhìn nhau, chưa hiểu lắm.

"Đạo Đức kinh ạ? Tĩnh lên tiếng.

"Một phần.

"Thất Đạo nhi hậu Đức,

Thất Đức nhi hậu Nhân,

Thất Nhân nhi hậu Nghĩa,

Thất Nghĩa nhi hậu Lễ.

Phù Lễ giả, trung tín chi bạc,

nhi loạn chi thủ." (4)"

Đoạn đầu hai đứa còn hiểu đôi chút. Đạo mất, mới có Đức, Đức mất, mới có Nghĩa,... Cái Lễ là cái ràng buộc cuối cùng. Nhưng sao nó lại sinh "loạn" thì chưa rõ lắm. Do thế, cả hai đều nghiền ngẫm ý mà vương muốn nói. Toản có một ý nghĩ hơi to gan, không biết có phải Chiêu Văn vương có lời muốn nói cùng Hưng Đạo vương hay không? Nhưng mà cho hai người Toản với Tĩnh truyền lời có phải là hơi tùy tiện rồi không? Hai đứa cũng không hiểu gì mà truyền đạt.

Hai đứa quay sang Chiêu Văn vương, thấy ngài cũng đang suy ngẫm.

"Nhờ hai con đến, ta mới chợt nhớ đến điều mà ta phải nghĩ. Ta muốn tỏ cái Đức nên mới đặt nó ở đây. May lần trước nói chuyện cùng Toản, ta mới nhớ ra, mới lại nghĩ về nó. Đây cũng chỉ là muốn tỏ cho Toản xem thôi"

Điều duy nhất nảy lên trong đầu Toản là "Vẫn không hiểu". Hắn cũng không biết có nên đề cập với Hưng Đạo vương hay không. Còn sợ hôm sau phải hồi đáp điều gì.

May sao, sau đó, Chiêu Văn vương liền bảo chúng đi ăn trưa. Họ liền rời gian chính, đi vòng ra phía hậu viện theo một cái hành lang, đến một căn phòng khá đơn giản. Bên trong chỉ bày một cái bàn tròn đủ cho dưới chục người ngồi, với mấy cái ghế đẩu. Trên tường chỉ có một lớp vữa trát hơi ngà, lại treo hai ba bức tranh giấy dó vẽ phong cảnh. Đối diện cửa chính có một khoảng vườn nhỏ trồng một đám cây có cả cao cả thấp, nhưng chỉ một màu xanh, không có hoa hay sắc nào khác.

Lúc đó, trong phòng, phu nhân của Chiêu Văn vương đã đợi sẵn, thấy ba người, phu nhân đứng dậy. Chiêu Văn vương lên tiếng:

"Bọn ta nói chuyện phiếm một lúc, làm nàng phải chờ rồi"

Trinh Túc phu nhân lắc đầu nhẹ nhẹ, tỏ ý không sao, rồi hướng mắt về Toản, Tĩnh hai người, mời họ vào bàn. Sau cũng cho người gọi cả Thánh Nô đến ăn. Cậu bé còn nhỏ lắm, được người hầu trong nhà dẫn vào trong.

Tĩnh vói Toản nói chuyện cùng vương và phu nhân một lúc, đợi đến khi Thánh Nô vào. Người trong phủ bấy giờ mới dọn đồ ăn lên. Bữa cơm khá đơn giản, có cá nấu canh chua, thịt luộc, một ít lạc rang và rau. Chiêu Văn vương mời mọi người xong cũng đụng đũa, tiếp đến là phu nhân, Tĩnh cùng Toản lên tiếng mời hai vị chủ nhà rồi cũng bắt đầu ăn. Trinh Túc phu nhân gắp miếng cá vào chén rồi gỡ xương ra, đặt vào chén cho Thánh Nô. Thánh Nô thoạt nhìn có vẻ không thích ăn cá lắm. Điểm này Tĩnh và Toản cũng tương tự, hai đứa vẫn ưu tiên chọn thịt hơn, còn với canh cá, chỉ lấy nước, không lấy cái.

Ăn xong, mới qua chính ngọ, Chiêu Văn vương bảo Tĩnh với Toản đợi qua giờ ngọ mới về kẻo trưa nắng.

Họ nói chuyện thêm một lúc, sau, Toản với Tỉnh mới đội hai cái lá môn xin được từ phủ Chiêu Văn vương, vượt cái nắng hè chói chang mà hồi phủ Hưng Đạo.


Từ lúc học xong, ngoài lúc nói xấu Lập, họ cũng chưa gặp lại hắn lần nào.

________________________



(1) Theo Lịch triều hiến chương loại chí: Chức học sỹ bắt đầu có từ thời Lý. Đời Nhân Tông đã đặt học sĩ các điện. Nhà Trần theo quan chế nhà Lý, đặt thêm những chức Kinh diên đại học sĩ, nhập thị học sĩ, thiên chương học sĩ.

Ở đây, chọn Thiện chương học sỹ họ Lê chỉ là ngẫu nhiên.

(2) Bài đầu tiên của Luận Ngữ Thiên thứ nhất:

"Tử viết: "Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ, nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?""

Dịch nghĩa (theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê): Khổng tử nói: "Học mà mỗi buổi tập, chẳng cũng thích ư? (Khi học đã tấn tới rồi) có bạn (cùng chí hướng) ở xa nghe tiếng mà tìm lại (để bàn về đạo lí với nhau) chẳng cũng vui ư? Nhưng nếu không ai biết tới mình mà mình không hờn giận thì chẳng cũng quân tử ư?"

(3) Chữ Đức cấu thành từ năm bộ với nghĩa đã được cắt như dưới:

Bộ xích () Dùng để chỉ những bước chân đi chậm rãi, thong thả. Ý nghĩa của bộ này trong chữ Đức là nếu muốn rèn "đức" hay bất cứ phẩm chất nào thì bạn cần thời gian để tích lũy, từng chút một chứ không phải một bước là thành.

Bộ thập () Nghĩa đen là số mười (số 10), nghĩa rộng là sự trọn vẹn, mười phân vẹn mười. "Thập" ngụ ý là mười phương, bốn phương, tám hướng. Bộ thập mà xuất hiện trong chữ Đức có ý nghĩa là dù ở nơi đâu, phương nào cũng cần sử dụng đạo đức, đức hạnh của mình để đối xử với người khác.

Bộ mục () Có ý nghĩa là "Mắt", ý nói người có đức là người có con mắt tinh tường, biết phân biệt thật, giả, đúng sai, thị phi,...

Bộ nhất () Nghĩa đen là số một (số 1). Bộ này được sử dụng trong chữ Đức với ngụ ý là người có đức luôn biết lấy đại cục làm trọng, không tư lợi về mình.

Bộ tâm () Ý nghĩa là tâm hồn, tấm lòng, sự chân thật bên trong nhân cách của con người. Mỗi người nếu muốn tư dưỡng đạo đức thì cần phải tu dưỡng nội tâm bởi vì người có đức chính là người có tâm.

Nguồn: prepedu.com

Trong chương này, Toản chỉ vào bộ Xích, nói "người này" vì có bộ nhân đứng 亻hình thái khá giống, lại ý chỉ bước đi của Lập. Còn Tĩnh chỉ bộ thập 十, ý chỉ sự cầu toàn hay "mười phân vẹn mười" đươc nhắc đến trong phần giải nghĩa.

(4) Trích Đạo Đức kinh chương 38. Trong nội dung chương đã có đề cập đến nghĩa mặt chữ, rằng Đạo mất rồi sau mới có Đức. Đức mất rồi mới có Nhân. Nhân mất, mới có Nghĩa, Nghĩa mất mới có Lễ. Lễ sau cùng cũng chỉ là cái vỏ của trung tín, cũng là đầu mối cho sự hỗn loạn.

Ở đây, ý bảo nếu người chỉ giữ Lễ nghĩa là chỉ thấy ngọn mà không thấy gốc.

Ý kiến chủ quan: quan điểm về Đức trong đạo giáo và chữ Đức trong nho hơi khác nhau một chút. Vì đạo giáo chủ trương thuận tự nhiên (vô vi) nên cái Đức cũng cần thuận tư nhiên chứ không chỉ là từ những lễ nghĩa. Nói chung là mình cũng chỉ đọc để hiểu chút lông da thôi, và nhận thấy nó khá khác nhau. Hoặc cũng là nhận thức của mỗi người khi đọc khác nhau nữa.

Hỏi con trẻ ở đây, cũng vì con trẻ chưa tỏ ràng buộc,há chẳng phải là thuận tự nhiên nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top