Bonus 2: Quốc Âm, Quốc Ngữ

Mình khá phân vân về việc sẽ đăng phần bonus này trước hay sau mấy chương tới, nhưng đễ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nên mình sẽ chọn đăng phần này trước.

Đầu tiên, nói về bối cảnh, mình dự định sẽ đề cập đến vấn đề chữ Quốc Ngữ, mà ở đây là chữ Nôm trong vài chương tiếp theo, vì vậy mới phải đi lần mò về chữ Nôm ở giai đoạn này (Đầu Trần).

Để tìm hiểu cho nội dung này, mình đã cố gắng tìm một số nguồn tham khảo và lấy  bốn tài liệu dưới đây làm chất liệu chính:

1. Trần Trọng Dương (2015). Nguồn gốc, lịch sử và cấu trúc chữ Nôm từ bối cảnh văn hóa Đông Á (The source, history and structure of the Nôm script in the cultural background of Southeast Asia). In Lã Minh Hằng (Ed.). Nghiên cứu Nôm từ hướng tiếp cận liên ngành (Interdisciplinary Approaches to the Study of the Nôm Script)(pp. 53- 80). Hanoi: Nxb Từ điển Bách Khoa. (In Vietnamese).

2. Nguyễn Tài Cẩn. Thử phân kỷ lịch sử 12 thế kỷ của tiếng Việt. Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 2001. tr.401.   

3. Đào Duy Anh. Chữ Nôm, Nguồn Gốc - Cấu Tạo - Diễn Biến. Nxb Đông Nam Á. 1990

4. Trần Trí Dõi. Giáo trình Lịch sử Tiếng Việt. Nxb Giáo dục Việt Nam. 2011

Trước tiên nói về tài liệu, hai bài báo khoa học một từ 2015, một từ 2001, có thể thấy, nội dung mà mình sử dụng sẽ thiếu tính cấp tiến, có thể trong chín năm ấy có những nghiên cứu mới được xuất bản làm thay đổi một số nội dung mà mình chưa thể tiếp cận tới, nên tính chính xác vẫn cần được xem xét thêm. Nhưng phần lớn nội dung nền tảng của cả bốn tài liệu này đều khá thống nhất. 

Ngoài ra, mình có tham khảo nội dung bài báo Tổng Thuật Tình Hình Nghiên Cứu Diễn Biến Chữ Nôm, của Trần Trọng Dương, đăng trên Tạp Chí Hán Nôm năm 2011 để hiểu một số review chính.

Ok, bắt đầu vào nội dung.

___________________________________

Chữ viết có một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc. Chúng ta ở bên cạnh một dân tộc có hoặc có thể phát minh ra chữ viết là Trung Hoa. Vậy nên việc tiếp nhận sự sáng tạo này cũng khá là thuận lý. Theo Súng, Vi trùng và Thép của Jared Diamond, trên cả thể giới chỉ có bốn hệ thống chữ viết được xem là phát minh độc lập, bao gồm: chữ viết của người Sumer vùng Lưỡng Hà vào khoảng trước năm 3000 TCN, chữ viết của người Anh Điêng Mexico trước năm 600 TCN, chữ viết Ai Cập vào trước năm 3000 TCN và chữ viết Trung Hoa trước năm 1300 TCN. Trong đó, chữ viết Ai Cập và chữ viết Trung Hoa vẫn còn một chút nghi vấn về việc nó có ra đời độc lập hay không, hay chịu ảnh hưởng từ chữ viết được phổ biển từ người Sumer. Rồi từ đó, chữ viết, tùy vào địa lý, chính trị, kinh tế mà dẫn lan truyền, được các dân tộc khác sao chép hoặc lấy cảm hứng. Sau, không ngừng tiếp biến mới tạo ra hình thái như ngày nay.

Cũng theo Súng, Vi Trùng và Thép, có ba loại giải pháp để kí hiệu: một là một ký hiệu biểu đạt một âm tiết cơ bản duy nhất, hai là biểu đạt trọn bộ một âm tiết, ba là biểu đạt trọn một từ.

Trong phạm vi chữ viết Trung Hoa, bắt đầu từ thời nhà Thương.

Nói những điều đầu tiên thế này, là để khẳng định, việc ta tiếp nhận hệ thống chữ viết của Trung Hoa nhằm xây dựng một hệ thống chữ viết của ta là một điều bình thường, không hề hiếm thấy trong tiến trình phát triển của toàn bộ nhân loại.

Tiếp đến, tại sao lại cần có chữ Nôm và chữ Nôm hình thành từ khi nào. Lưu ý, vì bối cảnh truyện của mình là giai đoạn đầu triều Trần nên sẽ chỉ tập trung các tiến trình phát triển của ngôn ngữ và cả chữ viết ở trước và trong giai đoạn này.

Muốn hiểu tại sao lại có chữ Nôm, tức là chữ để lưu trữ tiếng của ta thì phải có tiếng Việt trước. Theo Giáo trình Lịch sử Tiếng Việt, có thể chia làm các giai đoạn sau:

1. Tiếng Việt (nếu có thể gọi như thế), vào khoảng trước năm 2000-1000 TCN, vẫn là một bộ phận của tiếng Môn - Khmer, vùng văn hóa Đông Nam Á. Ở giai đoạn này, tiếng Việt với các ngôn ngữ khác như Khmer, Môn, Bana,... gần như đồng nhất.

2. Từ năm 2000-1000 TCN đến vài thế kỉ đầu SCN, ngôn ngữ của ta từ nhóm Môn - Khmer tách ra. Giai đoạn này được gọi là tiền Việt - Mường. Ở giai đoạn này, tiếng tiền Việt - Mường vẫn bảo lưu vốn từ vựng của ngôn ngữu cội nguồn là Môn - Khmer, tuy nhiên, điểm khác là nó có một số biến đổi do có sự tiếp xúc với các ngôn ngữ thuộc họ Nam Đảo. Tiếng tiền Việt - Mường lúc này chưa có thanh điệu và có cả những từ có cấu tạo đa tiết (song tiết, ví dụ cư-mắng, cơ-lông).

3.  Từ những thế kỉ đầu SCN đến VIII-IX, được phân là giai đoạn Việt - Mường cổ. Giai đoạn này là thời kì Bắc Thuộc. Do vậy, dẫn đến sự xâm nhập của nhiều từ vựng tiếng Hán. Ngoài ra, còn có sự vay mượn từ ngôn ngữ Thái - Kadai. Ở giai đoạn này, tiếng Việt - Mường cổ đã có ba thanh điệu. 

4. Giai đoạn Việt - Mường chung, từ  khoảng thế kỉ X cho đến thế khỉ XIII XIV.  Ở giai đọan này, tiếng Việt - Mường chung có đặc trưng đơn âm tiết (so với cấc ngôn ngữ cùng nhóm Môn - Khmer) và đã có sáu thanh. Lại vì vay mượn một lượng lớn từ vựng gốc Hán tạo thành lớp từ Hán - Việt.

5. Giai đoạn tiếng Việt cổ. Vào khoảng cuối XIII cho đến cuối  XV. Từ đây, tiếng Việt và tiếng Mường tách ra thành hai nhanh. Những vấn đề dẫn đến sự phân tách này là do mức độ vay mượn từ vựng gốc Hán ở các vùng khác nhau, chia cắt bởi địa lý hay kinh tế. Cũng chủ yếu ở giai đoạn này, phát hiện các dấu tích cho thấy sự xuất hiện của chữ Nôm.

6. Các giai đoạn sau là Việt Trung cổ, từ XV - XVI cho đến đầu XIX và tiếng Việt hiện đại từ giữa XIX đến nay.

Tiếp theo phải xét đến sự phân kì tiếng Việt được Nguyễn Tài Cẩn đề cập trong Thử phân kì lịch sử 12 thế kỷ của Tiếng Việt. Để tóm ý, tác giả vắn tắt lại giai đoạn tiếng Việt từ Proto Việt Chứt thành nhóm Việt- Mường ở phía Bắc và Pọng - Chứt ở phía Nam. Sự phân tách này do ảnh hưởng của tiếng Hán. Và vì sự ảnh hưởng khác nhau ở mỗi vùng địa lý, nhóm Việt - Mường phía Bắc lại tiếp tục tách thành: Proto Việt và Proto Mường. Sau đó, tác giả đề cập đến cách phân kì tiếng Việt của H. Maspero, rồi đưa ra cách phân kỳ của mình, gồm 6 giai đoạn:

Proto Việt: vào khoảng thế kỷ VIII, IX.

Việt tiền cổ: vào khoảng thế kỷ X-XII

Việt cổ: từ thế kỉ XIII đến XVI

Việt trung đại: XVII đến nửa đầu XIX

Việt Cận đại: thời Pháp thuộc

Việt hiện đại: từ 1945 trở đi

Dựa vào hai tài liệu này, với thời điểm diễn biến của truyện, đều đồng ý rằng tiếng Việt lúc này bắt đầu vào giai đoạn tiếng Việt cổ, mới tách ra khỏi nhóm Việt Mường do sự xâm nhập mạnh của nhóm từ vựng gốc Hán. Cũng đồng ý tiếng Việt bắt nguồn từ Môn - Khmer. Vậy đóng góp cho vốn từ vựng tiếng Việt ở giai đoạn này sẽ gồm hai nhóm từ vựng chính: một là từ bản thân nhóm ngôn ngữ gốc hai là nhóm từ vựng mượn từ tiếng Hán. Ngoài ra, không thể không kể đến một số lượng từ vựng mượn từ các nhóm ngôn ngữ khác như Nam Đảo hay Thái Kaida.

Tuy nhiên, ở giai đoạn Việt Mường chung (hay Việt tiền cổ theo tài liệu của Nguyễn Tài Cẩn, [từ đây, mở ngoặc biểu diễn đối chiếu từ tài liệu của Nguyễn Tài Cẩn]), đã bắt đầu có sự phân hóa của cả hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Mường, mới dẫn đến sự rạch ròi sau này của cả hai ngôn ngữ. Và nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là từ vốn từ vựng mượn tiếng Hán.

Cũng vì thời gian Bắc Thuộc nên mới dẫn đến sự xâm nhập của tiếng Hán cùng chữ Hán vào lãnh thổ ta. Vì vậy trong giai đoạn Việt - Mường cổ (Proto Việt), chúng ta tiếp xúc với hệ thống chữ viết tiếng Hán và bắt đầu có những âm Hán Việt sớm nhất.

Như vậy, có khả năng, kể từ thời kỳ độc lập, ta mới có không gian để thúc đẩy chữ viết của ta - chữ Nôm.

Tiếp theo đến vấn đề chữ Nôm, thời gian ra đời chữ Nôm. Theo cả bốn tài liệu, đều đồng ý rằng thời điểm ra đời chữ Nôm cần phải sau khi mơ hồ có khái niệm "tiếng Việt", nghĩa là khi nó dẫn tách ra khỏi tiếng Việt - Mường chung. Vậy có nghĩa là chữ Nôm không thể xuất hiện sớm hơn thế kỷ VIII-XI. Đồng thời, có khả năng cao sự hình thành chữ viết phải đi sau sự hình thành tiếng nói một thời gian.

Trong tài liệu của Trần Trọng Dương có đề cập đến mấy đặc trưng được đưa ra để nhận định thời gian hình thành của chữ Nôm (theo nghiên cứu của Trần Kinh Hòa, 1949):

1. Niên đại hoàn bị của Khải thể chữ Hán. 2. Thời điểm tiếng Việt tiếp thu các từ Hán Việt. 3. Sự xuất hiện của loại chữ Hình thanh. 4. Người Việt dành được tự chủ.

Cũng theo đó, chữ Nôm chỉ có thể hình thành khi âm Hán - Việt ổn định. Và có khả năng, phải đến đầu thế kỷ XI cách đọc Hán - Việt mới tách hẳn ra thành một cách đọc độc lập so với Trung Hoa.

Sử liệu sớm nhất có sử dụng tiếng Nôm được cho là thuộc kỷ nhà Lý: tấm bia Báo Ân thiền tự bi kí, ở chùa Tháp Miếu, Yên Lãng, Vĩnh Phú, thời Lý Cao Tông, tức là thời kỳ gần cuối của triều Lý.

Ở sử liệu này, chúng ta ghi nhận 24 chữ Nôm, ghi đất và tên người. Ngoài ra, ở kỷ nhà Trần, chúng ta cũng ghi nhận một vài tài liệu có sử dụng chữ Nôm khác. Để có thể sử dụng chữ Nôm ở giai đoạn Lý Cao Tông với hình thức đã khá đầy đủ và ổn định, có thể sự hình thành của chữ Nôm phải xảy ra trước đó khá lâu. Vậy có thể cho rằng, từ thời điểm họ Khúc dấy nghiệp, khi quá trình ổn định của âm Hán Việt bắt đầu, mới có khả năng xuất hiện chữ Nôm. Sau đến Lý triều, do sự ổn định cũng như sự phát triển của cả tôn giáo và nghệ thuật nên mới có khả năng xây dựng chữ Nôm thành hệ thống hoàn chỉnh.

Vậy nếu lấy mốc như thế, có thể xem sự hình thành của chữ Nôm nằm trong giai đoạn từ Việt Mường chung, dần tách ra thành tiếng Việt cổ (Việt tiền cổ đến Việt cổ).

Sự hình thành của chữ Nôm phải đề cập đến chữ Hán - Việt, tức chữ Hán đọc theo âm Hán Việt. Mà phần lớn âm Hán - Việt sẽ là chữ Hán, đọc theo âm thời Đường, được Việt hóa theo ngữ âm của ta (trong giai đoạn độc lập). Nhưng sự du nhập của tiếng Hán còn sớm hơn từ thời kì Bắc thuộc, vậy nên, vẫn có một số lượng từ được phát âm theo âm cổ hơn (so với thời Đường) đã được sử dụng rộng rãi.

Theo Trần Trọng Dương, có thể phân kỳ chữ Nôm theo các giai đoạn sau:

1. Thời kỳ chữ Nôm tiền cổ, thế kỷ X-XII. Có khả năng từ nhu cầu dịch thuật kinh tạng Phật giáo, hay rộng ra là nhu cầu chuyển ngữ từ tiếng Hán sang tiếng Việt từ các vị tăng lữ. Cũng phù hợp với giai đoạn Lý triều khi Phật giáo cực thịnh. Đặc trưng của chữ Nôm thời kì này, do tiếng Việt thời kỳ này, tuy có đặc trưng đơn âm, nhưng vẫn còn xuất hiện các từ vựng đa âm tiết hay các từ đa phụ âm (ví dụ blời, plật) dẫn đến việc dùng chữ Nôm để ghi tiếng Việt dẫn đến việc thay vì dùng 1 hán tự (1 ô vuông) để biểu diễn 1 từ vựng, có xuất hiện việc dùng 2 Hán tự (2 ô vuông) để biểu diễn.

2. Thời kỳ chữ Nôm cổ, thế kỷ XIII đến XV. Giai đoạn này thuộc kỷ nhà Trần và một phần triều Lê. Đặc trưng giai đoạn này, tương ứng với tiếng Việt cổ, chữ Nôm cũng dẫn biến chuyển tương ứng với sự mất dần của các từ vựng đa tiết, chữ Nôm cũng chuyển sang hình thái viết trong một chữ vuông.

3. Các thời kỳ khác: chữ Nôm cổ - trung đại (XVI-XVII),  chữ Nôm trung địa (XVIII-XIX), chữ Nôm cận đại (1900-1945)

Tiếp theo là phương pháp cấu thành chữ Nôm.

Dựa vào Lục Thư (sẽ giải thích ở các chương sau) chúng ta có phương pháp để xây dựng "tự". Trong chữ Nôm, theo Đào Duy Anh , có ba phương pháp được sử dụng là Hội ý, Giả táHình thanh.

1. Hội ý: có thể hiểu là dùng các chữ khác nhau mang nghĩa để tạo thành từ mới. Có thể lấy ví dụ chữ trời 𡗶, được ghép bởi chữ thiên 天 và chữ 上. Phép này hiếm khi được sử dụng trong chữ Nôm, trọng yếu vẫn sẽ là hai phép được đề cậu ở dưới.

2. Giả tá: Có năm loại giả tá:

. Lấy chữ Hán nhưng đọc theo âm xưa, nghĩa là âm đọc chữ Hán truyền vào tiếng Việt từ thời Đường đổ về Trước.

.  Lấy chữ Hán để biểu hiện cho từ mượn ở tiếng Hán Việt.

. Dùng chữ Hán theo âm Hán Việt để biểu hiện những từ đồng âm không đồng nghĩa.

. Dùng chữ Hán theo âm Hán Việt để biểu hiện những từ Việt có âm đọc gần giống.

. Dùng chữ Hán mà đọc theo nghĩa (những từ vựng đã có sẵn trong tiếng Việt)

3. Hình thanh: có hai bộ phận cấu thành, gồm phần âm phù và nghĩa phù. Có hai lối hình thanh được ghi nhận, một là ghép khá tương tự tiếng Hán, một bộ thủ mang nghĩa và một phần biểu âm. Ví dụ, chữ bạn 伴, gồm bộ nhân 亻là nghĩa phù và bộ bán 半 là âm phù. Lối hình thanh thứ hai là  ghép hai từ, một phần nghĩa phù, một phần âm phù, còn có dùng cả chữ Nôm làm âm phù. Ngoài ra còn có một số từ hình thành do phép giả tá cũ, sau thêm bộ thủ thành chữ hình thanh cho dễ đọc hơn. 

Còn nếu theo Trần Trọng Dương lại có cách chia hơi khác, tuy nhiên về bản chất cũng khá tương đồng, có thể tham khảo ở bảng dưới.

Vì tài liệu của Đào Duy Anh có phần cụ thể và dễ theo dõi hơn, nên mình chọn trình bày theo tài liệu này.

Hiện trạng của chữ Nôm trong thời kỳ mà truyện đề cập, có thể tham khảo sử liệu từ thời Lý và một số văn bản thời Trần. Xin lấy từ tài liệu của Đào Duy Anh.

Theo đó, trong tấm bia ở thời Lý, có cả thảy 24 chữ, phần lớn là sử dụng phép giả tá. Phép hình thanh có 6 chữ.

Đến các bài phú thời Trần, Cư trần lạc đạo có cả thảy 1482 chữ, 112 chữ theo cách giả tá thứ nhất, 807 chữ theo cách giả tá thứ hai. 128 chữ mượn âm Hán Việt mà không theo nghĩa (giả tá thứ ba hoặc thứ năm). 316 mượn chữ hán đọc trệch đi (phép giả tá thứ tư). 357 chữ hình thanh. Hội ý rất hiếm.

Như vậy ở thời kỳ mà truyện đề cập, phần lớn dùng chữ Hán cả âm lẫn nghĩa, mượn chữ Hán mà đọc trệch đi chỉ khoảng 1/5, hình thanh thì nhiều hơn 1/5 một chút. Để so sánh, xin đề cập chữ Nôm ở giai đoạn sau (với tài liệu chính là Quốc âm thi tập) trong số 538 từ thì có khoảng 7% giả tá thứ nhất, 25% giả tá thứ hai, 11% giả tá thứ ba, 28% giả tá thứ tư,  22% hình thành và khoảng 1% Hội ý. Như vậy có thể thấy, ở giai đoạn sau, chữ Nôm có những biến chuyển mạnh mẽ chủ yếu là để dễ đọc hơn, viết đơn giản hơn.

_________________________________

Ý kiến cá nhân:

Khi viết truyện, cũng tìm hiểu thêm vè sự hình thành chữ Nôm, mình có một vấn đề cần suy xét. Đó là thời điểm ấy, sự hình thành của chữ Nôm là do ý muốn độc lập so với Đường Tống hay chỉ đơn thuần là do nhu cầu ký âm, ghi chép của tiếng ta.

Đến thời Nguyễn Trãi, việc lựa chọn dùng từ Quốc âm thay vì quốc ngữ cũng đáng để suy xét. Ở một chiều hướng nhất định, có thể khi phát xuất của chữ Nôm, chỉ đơn giản là nhu cầu ghi lại các vấn đề, ban đầu là do vốn từ Hán - Việt có cách đọc khác nhau nhưng không phân quá rõ ràng, nên ta sử dụng trực tiếp chữ Hán. Nhưng vốn từ vựng của ta lại còn các từ vựng từ nguồn khác, nên có nhu cầu ghi lại các chữ ấy, nên dẫn tới việc sáng tạo ra những chữ mới để ghi lại các từ vựng không có trong tiếng Hán. Nên khái niệm Quốc Ngữ có thể không xuất hiện ngay từ đầu. Sau dần, có sự khác nhau hoàn toàn trong cách phát âm chữ Hán của ta và các thời kỳ tương đương ở Trung Hoa nên mới ngày càng tách biệt.

Nói vậy để nhận định rằng, cái khái niệm quốc ngữ có thể không sinh ra ngày từ đầu. Tuy nhiên, trong phạm vi truyện này, mình sẽ xây dựng theo hướng phân lập Quốc Ngữ đã có do nhu cầu phân lập với các triều đại Trung Hoa. Đó dựa trên nhận định cá nhân và nhu cầu phát triển nhân vật. Cũng theo đó, một vài nhận định về chữ Nôm nếu ở phạm trù nghiên cứu thì vẫn là một vấn đề chưa thực sự định hình nhưng trong truyện sẽ đưa ra các nhận xét như là một kiến thức.

Sự khác nhau này có thể hiểu do quá trình nghiên cứu khao học, các kết quả nghiên cứu sẽ không ngừng được tiếp biến khi có thêm các đóng góp khoa học mới hay sử liệu mới được tìm thấy, nhưng khi viết truyện, nó là một thế giới được xây dựng với những hiện trạng được thừa nhận ở thế giới đó. Vậy nên, trước khi đọc các chương tiếp theo, mình hi vọng người đọc sẽ xem nó ở một phạm trù giả tưởng, vẫn cần kiểm chứng và đào sâu hơn thay vì là một trạng thái đồng nhất với thực tế.

Và một lần nữa, các tài liệu mình sử dụng không thực sự mới, cùng với những sử liệu còn sót lại từ giai đoạn Lý Trần hay tiền Lý Trần quá ít, nên có thể những nhận định trên và cả những chương sau có phần không phù hợp với tình hình nghiên cứu hiện tại hay lịch sử thực tế. Cũng xin nhận đóng góp về sử liệu để cải thiện hơn nội dung.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top