Truyện ngắn: Cầm ca


_ CAĐ: Ngày lên xe cưới , tạ từ ly bôi tiễn đưa. Mình hết duyên rồi, mưa gió đẩy đưa, số thân âu là kiếp người thế thôi.
_ LSB: Hôm kia còn yên vui. Hôm qua còn hoa tươi. Hôm nay buồn đau thương, hôm nay sầu ướt mi tuôn..tuôn tràn lan.."
Đêm nay lại một đêm trăng sáng, như mọi khi, Dì Huệ và Dì Châu cùng nhau hát một đoạn trích trong vở tuồng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Tiếng hát hai người ngọt ngào, hòa quyện, đau thương, chứa chan tình cảm như chính các nhân vật bước ra từ tuồng tích. Họ sống ở đây đã lâu, trẻ con trong xóm nghe họ hát từ thời còn nhỏ xíu đến nay cũng đã tay bồng tay ẵm. Cứ mỗi đêm trăng họ ngồi trên cái vạc tre trước nhà, một người bắt nhịp rồi cùng nhau hát. Từ các vở cải lương kinh điển đến các bài tân cổ giao duyên, hát ru rồi hò đối đáp. Tiếng hát của họ góp thêm sự ấm cúng, tô điểm thêm vẻ bình yên, giúp mọi người tụ họp, giải khuây, xua tan mỏi mệt, tăng thêm phần yêu đời cho những con người lao động nơi đây. Xóm nhỏ đơn sơ nhưng tình nghĩa, bà con xóm giềng quý mến nhau, họ đều là những người mang câu chuyện trôi dạt đến đây, sống với nhau gần ba chục năm trời.
Dì Huệ và dì Châu tuổi độ năm mươi nhưng vẫn chưa phai mờ thanh sắc. Mỗi người một nét đẹp riêng, dì Huệ dịu dàng, mềm mỏng, hay bị tụi con nít trong xóm chọc vì từng thấy dì nhõng nhẽo với dì Châu. Dì Huệ có bệnh tim nên dì Châu luôn quan tâm lo lắng từng chút. Còn dì Châu vừa cương nghị lại vừa nhẹ nhàng, vừa nghiêm túc cũng vừa ấm áp. Người phụ nữ ấy từng là cô đào chính của gánh hát Văn Quang vang dội hai mươi lăm năm trước. Hồi đầu khi hai người về đây sống, ai cũng tưởng hai người từng là Nghệ sĩ cải lương, nhưng không phải. Chỉ có Dì Châu là Nghệ sĩ, là đào chính, là cô đào sáng giá, là cái tên kiếm cơm của cả đoàn. Còn dì Huệ là "khán giả ruột" của dì Châu, yêu tiếng hát câu hò của dì Châu, say ánh mắt nụ cười của dì Châu. Người trong xóm là những người hiếm hoi không bàn tán gì về mối quan hệ của hai người. Hai người từng phải bỏ xứ ra đi, may mắn xóm nhỏ này đủ bao dung cho họ. Ở đây họ có thể gọi nhau tiếng "mình ơi" mà không sợ ai dị nghị. Câu chuyện của họ thấm thoát đã hai mươi lăm năm, nghĩ lại như một cơn ác mộng. Hồi đó......

_ Cô ba ơi cô ba. Đoàn về, bữa nay đoàn về, tối nay hát. Hồi nãy em dâng trà lên cho bà, em thấy anh Phi đang chào ông bà. Xin ông bà từ đêm nay cho đoàn hát đó.
_ Thiệt hả. Sao tháng này đoàn về sớm vậy. Em đi nghe ngóng tiếp coi chị Châu tới đâu rồi. Gặp được chỉ thì hẹn chỉ ra chỗ cũ gặp ta một lát trước khi mở màn nghen.
Cô ba Huệ là con ông hội đồng Khanh quyền thế nhất vùng, mẹ của cô là vợ ba, cô còn có má cả, má tư. Trên cô là cậu hai Lộc, con má cả. Dưới cô là cô út Linh, con má tư. Trong mấy người con, ông hội đồng thương cô nhất dù mẹ cô đã bỏ đi từ năm cô bốn tuổi. Vì biết cô thích gánh hát Văn Quang nên tháng nào khi đoàn về đây, ông cũng cho đoàn ở trong căn nhà gần Đình, để đoàn sinh hoạt và ca diễn. Gần một năm rồi, độ một tháng hoặc hai tháng đoàn sẽ vùng này diễn khoảng một tuần. Gánh Văn Quang đương thời rất nổi tiếng. Những đêm sân khấu sáng đèn đều chật nít khán giả, trẻ nhỏ, người lớn, người già đều theo dõi say sưa. Được ái mộ nhất là cô đào mùi, đào thương, đào võ Cẩm Châu. Trong số những người ái mộ đó có cô ba Huệ. Những vai cô Châu từng diễn qua, cô Huệ đều thuộc làu từ lời hát đến cách ra bộ. Thời gian đầu mỗi đêm diễn xong cô Huệ ở lại cuối cùng để gặp cô Châu, vỗ tay, khen ngợi, bày tỏ sự yêu thích. Dần dần hai người nảy sinh tình cảm rồi thầm thương trộm nhớ nhau. Mỗi khi đoàn hát về, họ được gặp nhau năm ba bữa. Đoàn đi, cô Huệ ở lại ôm nhớ thương, cô hay một mình ở trong buồng, ca_diễn lại hình ảnh cô Châu trên sân khấu. Cô yêu cải lương vì người thương của cô sống hết mình với niềm đam mê bộ môn nghệ thuật đó. Cô yêu cô đào ấy vì cô đào ấy góp phần làm đẹp cải lương. Cứ như vậy gần một năm, tình cảm họ ngày càng tiến triển, cô Huệ viết thư tay để khi nào đoàn đi cô Châu mang theo đọc. Cô Châu đi diễn, nơi nào bà con tặng đồ gì đặc biệt đều đem về tặng cô Huệ. Hai người thường hẹn nhau ở bờ sông, cô Huệ ngã đầu vào vai cô Châu, nắm tay nhau nói lời thương nhớ. Họ thương nhau, cũng chỉ dám thương nhau như vậy, không dám hứa hẹn bởi họ biết họ không thể có ngày mai. Thời cuộc này, định kiến này, vùng đất này, những người này làm sao chấp nhận được chuyện này.
_ Châu, sao tháng này đoàn về sớm vậy?
_ Tại có người nhớ người nào đó ở đây nên xin ông bầu cho về đây sớm.
_ Tui tưởng... trên đường cập nhiều bờ bến mới, người ta không nhớ gì tui.
_ Người ta đó là người ta nào chứ hỏng phải tui. Chứ tui là tui nhớ Huệ lắm đó.
_ Châu, hay là Huệ trốn theo Châu nha. Thương nhớ, đợi chờ Châu vầy hoài, có ngày Huệ ôm cục tương tư chết mất.
_ Huệ đừng có nói gở. Huệ là con nhà giàu có, còn Châu chỉ là cô đào hát lênh đênh trên chiếc xuồng mưu sinh, rày đây mai đó. Châu sợ Châu không lo được gì cho Huệ, mình ít khi được gặp nhau Huệ đừng nói mấy chuyện đó nữa mà Châu buồn. Tui thương Huệ, Huệ biết vậy là được rồi. Lỡ mai này gặp người nào tốt, Huệ gả đi, Huệ sống hạnh phúc là tui vui rồi.
Tiếng thở dài của hai người lắng vào màu trời chập choạng. Nói được đôi câu họ phải về để cô Châu còn trang điểm, chuẩn bị phục trang để diễn. Họ đi rồi một bóng người đứng sau cây dừa bước ra. "Thì ra là vậy, quá trời quá đất to gan rồi, tao về tao méc ba má cho coi". Út Linh vừa đi vừa lầm bầm, từ nhỏ út Linh đã ghen tỵ với cô Huệ vì đều là con vợ lẻ nhưng Huệ lại được thương hơn. Lần này là dịp tốt để út Linh xả giận. Nếu ông hội đồng biết chuyện này sợ sẽ đánh chết cô Huệ. Vì trước đây, mẹ của Huệ cũng từng bỏ đi theo người phụ nữ khác. Nghe người trong nhà kể lại rằng, hồi xưa, mẹ cô Huệ là người đẹp nhất vùng, ông hội đồng thích nên bà ấy bị ép gả cho ông. Trong khi bà ấy đã có người thương rồi. Cưới về, dù ông Khanh có làm mọi cách khiến bà vui bà cũng không yêu ông một chút. Bà luôn sầu khổ, ông Khanh rất phiền lòng vì không hẳn ông thích vẻ đẹp của bà mà ông thật lòng yêu bà. Chỉ đến khi sinh cô Huệ ra bà mới bớt buồn bã đi, cởi mở với ông hơn. Đã có lúc ông Khanh thấy ba người họ như một gia đình nhỏ thật yên ấm. Ông thương bà, càng thương cô Huệ. Nhưng đến năm cô Huệ bốn tuổi thì bà viết giấy để lại, bỏ đi theo người phụ nữ xưa. Chuyện đó vừa là nỗi nhục, vừa là nỗi đau trong lòng ông.
Tối nay, đoàn diễn trích đoạn Chúc Anh Đài khóc mộ Lương Sơn Bá, đây là đoạn cô Huệ đồng cảm nhất, cô đã từng xem và rất thích cô Châu diễn đoạn này. Cô còn tưởng tượng sau này cô Châu khóc mộ mình, có thê lương vậy không. Đang xem thì nhỏ Vân gọi về - nó là con của tá điền, đang làm người ở cho nhà ông Khanh chuyên hầu hạ cô Huệ. "Cô ba ơi về, về, có chuyện rồi cô ba ơi": nó nói nhỏ rồi kéo tay cô Huệ đi. Trên đường nó nói ngắn gọn là chuyện của cô và cô Châu bị lộ rồi, ông đang tức giận, cô chuẩn bị tinh thần. Cô Huệ run lập cập nhưng nghĩ bụng sẽ tìm lời năn nỉ ông cho ông chấp nhận. Vừa bước vô ngạch cửa, cây ba ton trên tay ông Khanh bay thẳng vào người cô Huệ.
_ Mày quỳ xuống. Mày nói cho tao biết, mày đang lén lút qua lại với con đào hát đó. Có phải vậy hay không???
...
_ Nói.!
_ Dạ...phải.
Ông Khanh trừng mắt, định nhào tới nhưng hai bà kịp can ông ấy lại.
_ Ông, có gì từ từ nói. Con nó còn nhỏ dại, có gì từ từ nói nó.
_ Ba, con xin ba, hiểu cho con. Tụi con thương nhau thật lòng. Con xin ba.
_ Hoang đường. Làm gì có chuyện hai đứa con gái yêu nhau. Chuyện này mà đồn ra ngoài mặt mũi tao để đâu. Mày đừng bôi tro trét trấu vào mặt tao. Hèn gì nhà cậu cả Hoàng qua ngỏ lời, mày mấy lần từ chối. Để mày mèo mả gà đồng với con đào hát đó.
_ Ba. Con xin ba. Nếu ba sợ người ta dị nghị, ba cho con theo chị Châu đi. Tụi con sẽ đi biệt xứ, con không quay về làm mất mặt ba đâu.
_ Mày câm miệng. Còn dám ra câu đó nữa. Tao cấm. Tao nói cho mày biết, không đời nào tao chấp nhận chuyện này. Con gái lớn lên phải lấy chồng. Không được có chuyện đứa con gái này yêu đứa con gái khác.
Ông Khanh giận run người, nỗi đau xưa như hiện về trước mắt. Hai mắt ông đỏ ngầu, ngấn nước. Cô Huệ đáng thương, càng lớn càng đẹp giống mẹ, lại thương một người con gái. Nỗi uất hận, cơn giận của quá khứ không thể phát ra, giờ đây ông trút lên người cô Huệ.
_ Bà cả đâu. Sáng mai bà qua trả lời nhà cậu Hoàng, nói tui đồng ý gả con Huệ. Bên đó thu xếp cưới hỏi càng nhanh càng tốt.
_ Ba, ba ơi con xin ba. Đừng gả con ba ơi.
_ Không xin xỏ gì hết. Một mình mẹ mày làm nhục cái nhà này đủ rồi. Tao không cho phép mày đi theo vết xe đổ của mẹ mày nữa. Con Vân đâu. Đem nó vô trong buồng, không có lệnh của tao không được cho nó ra khỏi nhà nửa bước.
_ Cô ba ơi nghe lời ông đi, ông đang tức giận, đợi ông nguôi ngoai rồi nói tiếp.
Huệ bị kéo vô buồng, khóa cửa bên ngoài nhốt lại. Ông Khanh trầm ngâm vài phút, rồi... "bây đâu". Tất cả người làm đều có mặt.
_ Thằng Minh dẫn theo mấy thằng này tới gánh hát. Tuyên bố với thằng bầu gánh từ nay tao không cho phép gánh hát đó quay lại đây nữa. Đốt gánh. Đuổi tất cả tụi nó đi biệt xứ cho tao.
Cả đám người giật mình nhưng không ai dám cãi lời. Mọi người tản ra việc ai nấy làm. Nhỏ Vân nghe xong hốt hoảng nhưng cúi đầu làm bộ không có chuyện gì. Người nhà ông đều đi nghỉ, lúc này nhỏ Vân nhẹ nhàng mở khóa, chạy vào nói với Huệ. "Cô ba ơi ông cho người đốt gánh đuổi đoàn đi rồi. Cô mau chạy đi, lần này cô đi theo cô Châu luôn đi đừng về nữa. Em thương cô ba quá mà em chỉ làm được vậy thôi. Đi nhanh đi cô ba, mà để em mở sau, đừng cho ai thấy". Hai người lẽn ra cửa sau, nước mắt ngắn dài rồi Huệ chạy đi. Ra đến nơi lửa đã cháy lớn. Tiếng người gọi nhau, tiếng khóc đau thương, ai nấy lo gom được gì thì gom. Đó là những đạo cụ kiếm cơm, là cả gia tài của những con người không có gì ngoài tâm huyết. Cái thời còn nghèo, son phấn đâu ra. Bao nhiêu tiền kiếm được, họ nhường nhịn chia nhau, chăm chút cho đồ diễn. Nuôi sống một đoàn người không dễ, nuôi sống một đoàn thuyền đam mê rong ruổi giữ nghề càng không dễ. Gánh hát họ đã đi nhiều nơi. Có nơi đón nhận họ nồng hậu, như nơi đây đã từng. Có nơi bà con nghèo, họ phục vụ miễn phí. Có nơi bảo họ xướng ca vô loài, họ cũng buồn rồi rời bến ra đi. Lời ca tiếng hát động viên nhau, lấy tình cảm của bà con động viên nhau, lấy hình ảnh đẹp của sân khấu động viên nhau quyết tâm giữ nghề. Người đứng trong cánh gà, người đứng ngoài sân khấu, có lúc cả đoàn đều đói nhưng một khi sáng đèn, chiếc rèm kéo ra là sự nghiêm túc nhất, nghệ thuật nhất được gửi đến khán giả. Giờ thì hết rồi. Ánh lửa kia đã thiêu rụi tất cả. Không ai bị thương bên ngoài nhưng chẳng khác nào giáng một đòn thật mạnh vào lòng họ. Nhiệt huyết của họ, trái tim của họ, hoài bão cả đời của họ bị ngọn lửa kia đốt cháy tan tành. Nước mắt đàn ông, đàn bà, nhỏ, lớn, mọi người trong đoàn đều rơi. Họ tiếc của thì ít, tiếc nghề thì nhiều, không ai hiểu được sự mất mát lớn lao trong lòng họ. Không còn cứu vớt được gì, họ dắt dìu nhau rời đi, xuống xuồng, sang bến khác. Trong lúc này, tiếng cô Huệ hét lên:"Châu ơi, Châu ơi Châu, Châu ơi....". Tiếng tìm kiếm pha lẫn đau thương, cô Huệ hiểu việc làm của cha cô là một đòn chí mạng vào lòng những người nghệ sĩ chân chính ấy. Cô sợ mất cô Châu, mất cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cô hoảng hốt kiếm tìm thì thấy anh Phi mặt mũi lem luốt đang ẵm cô Châu, cô Châu bị ngợp nên ngất xỉu. Lát sau tỉnh lại, tất cả hóa thành tro. Chỗ đó mới hai tiếng đồng hồ trước, mọi người còn cùng nhau chuẩn bị cho đêm diễn như mọi khi. Người bán vé, người xếp chỗ ngồi, người lo hậu đài, người phục trang, người kéo màn, người nhắc tuồng,... nói cười rôm rả. Chỗ đó bây giờ, cháy hết tất cả. Xung quanh cô là những đôi mắt thất thần, tuyệt vọng. Nơi này không chứa họ, họ phải đi thôi. "Châu, Huệ đi với Châu nghe. Mình đi xứ khác cùng làm lại, Châu đừng bỏ Huệ lại nữa nghe". Vừa nói xong đám gia đinh phát hiện và tới bắt cô Huệ. Mọi người cùng phản kháng, anh Phi đẩy xuồng nói ông bầu chèo đi. Họ che chắn nhau để cô Châu và cô Huệ cùng lên xuồng trước. Nhỏ Vân hô to "Ông gọi mấy anh về, đốt xong thì về liền". Nhỏ Vân tự thì thầm:"em làm hết sức rồi, cô ba đi xứ khác sống thật tốt nha cô ba". Mọi người quay đầu nhìn lại lần cuối, không ngờ chỗ này là nơi chôn vùi gánh hát Văn Quang. Đời sau chỉ biết đang thời hoàng kim thì đoàn Văn Quang rã gánh, còn nguyên nhân thế nào chỉ có cô Huệ và cô Châu biết thôi. Những chiếc xuồng chầm chậm trong đêm. Đến ngã ba sông mỗi người một nẻo, những cô phục trang đã có tuổi, họ không dễ dàng chịu đựng đả kích này. Gia đình họ chọn lên bờ một thời gian, rồi sau thế nào thì hồi sau tính. Những người trẻ đi xứ khác dự định tìm việc khác làm ăn. Ông bầu trầm mặc, cùng anh Phi rời đi không nói câu nào. Ngọn lửa đó như đốt tan cõi lòng của họ. Còn cô Huệ và cô Châu, cứ như vậy chèo, sáng hôm sau mỗi người một cuộc sống khác. Không ai khươi lại nỗi đau chung, gánh Văn Quang tan dần theo con nước.
Về xóm này, thời gian đầu cô Huệ vẫn luôn dằn vặt, cảm thấy tội lỗi với cô Châu. Cha cô, tàn nhẫn, hủy hoại đi một đoàn hát, hủy hoại một cô đào Cẩm Châu. Nhưng cô Châu không muốn cô Huệ buồn, luôn luôn an ủi. "Tổ nghiệp đã cho Châu tỏa sáng rồi, cái gì đẹp nhất nên dừng lại để mọi người nhớ đi. Sợ sau này Châu già, Châu hát hông nổi làm khán giả nghe khán giả buồn. Huệ đừng như vậy, Châu khổ tâm lắm. Cũng tại Châu thương Huệ, làm Huệ phải bỏ xứ xa quê. Coi như mình huề. Giờ mình sống với nhau hết lòng, sống tới già luôn đươc hông.". Ngày nào cô Châu cũng kiên trì an ủi. Cuối cùng cô Huệ cũng buông bỏ, nhẹ nhõm hơn. Họ được người dân ở xóm giúp đỡ, quý mến, họ mần ruộng, nuôi gà. Cô Huệ ở nhà thêu thêm áo gối, cô Châu mang ra chợ bán. Thỉnh thoảng, xã có ngày hội, ngoài đoàn văn công, còn mời thêm cô Châu tới hát góp vui. Cuộc sống họ bình bình đạm đạm, gọi nhau mình hỡi, mình ơi. Dần dần đã hai mươi lăm năm, giờ họ là dì Châu, dì Huệ. Vẫn giữ thói quen yêu thương, trìu mến nhau, xóm giềng ai cũng quý. Dì Huệ giờ có bệnh tim, dì Châu càng thêm cưng chiều săn sóc. Quá khứ đã lùi xa, hai người không nhắc lại. Người nghệ sĩ chỉ cần có khán giả thì ở nơi đâu cũng là sân khấu. Huống hồ ở đây, cả xóm ai ai cũng thích nghe hai dì ca. Những đêm trời trăng gió mát, họ ngồi hát cùng nhau, dì Huệ vẫn dựa vào vai dì Châu tâm tình tâm sự.
_ Mình ơi, có một khán giả nhờ em nhắn với mình là người đó ái mộ mình lắm đó. Và người đó còn thương mình tới khi nào người đó chết thì thôi.
_ Vậy hả. Vậy mình nhắn lại với người đó là Châu cũng thương người đó nhiều lắm. Lỡ mà người đó chết rồi Châu sẽ không bao giờ hát nữa. Tiếng hát của Châu lúc đó không còn ý nghĩa nữa, không có khán giả đó, cũng không còn nghệ sĩ Cẩm Châu nữa luôn.
_ Cái miệng dẻo ghê hôn. Giờ mình hát tiếp cho em nghe đi, hát một đoạn trong tuồng "Hai mảnh hoa tiên", em là An Đình còn mình là Chiêu Lan.
...
Ngày tháng êm đềm trôi trên xóm nhỏ. Cũng như mọi khi, dì Châu đi chợ, dì Huệ hôm nay thèm ăn mắm kho. Dì Châu đi được mười phút, dì Huệ đang nói chuyện với hàng xóm ngoài sân thì đột nhiên lên cơn đau tim rồi đột quỵ. Tiếng gọi nhau lo lắng, người lớn thì mau mau lấy xe đưa dì Huệ lên trạm xá, một đứa nhỏ chạy ra chợ gọi dì Châu. Nhưng đã muộn, cấp cứu không kịp, dì Huệ qua đời. Sự ra đi của dì Huệ còn đau đớn, kinh khủng hơn đám cháy của hai lăm năm trước. Dì Châu khóc, khóc rồi lại khóc. Xỉu lên ngất xuống. Thất thần, thất thần. Mình ơi....
Dì Huệ chôn bên hông nhà. Đêm nào người ta cũng nghe tiếng hát. Tiếng hát thê lương, u oán, tiếng hát xé ruột xé gan. Dì Châu hát như Chúc Anh Đài khóc mộ Lương Sơn Bá. "Xin lỗi mình Châu nói khi khán giả kia không còn, Châu sẽ không hát nữa. Nhưng mình nằm đây một mình Châu sợ mình lạnh lẽo, cô đơn. Mình ngủ đi, Châu ru mình ngủ. Ầu ....ơ... Chiều chiều chim vịt kêu chiều. Bâng khuâng nhớ bạn, chứ bâng khuâng nhớ bạn, mà chín chiều ruột... đau." Tiếng hát cứ vậy cho đến khi không còn hơi nữa. Hàng xóm khuyên lơn không được, nhìn cảnh đó ai cũng đau lòng. Một người nghệ sĩ, một người khán giả, đồng điệu tâm hồn, thương mến nhau. Người khán giả không còn, người nghệ sĩ hát để ai nghe. Qua khỏi 49 ngày của dì Huệ, dì Châu như phát điên. Khóc cười lộn xộn, giọng khàn đi không ca được nữa, cứ tha thẩn quanh quẩn bên mộ dì Huệ. Xóm giềng chia nhau chăm nom dì Châu, người cho ăn bữa này, người cho an bữa nọ. Nhưng được một tháng sau, thì dì Châu cũng mất.
Hết.



Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top