Chương 10 - Hỗn độn & Hài hòa

TỪ NGUYÊN NHÂN ĐẾN KẾT QUẢ

Tính bất định lượng tử, các hệ hỗn độn và tính không thể nắm bắt được của thời gian buộc chúng ta phải xem xét lại bộ máy của luật nhân quả? Quan điểm hiện thực về luật nhân quả gắn liền với các khái niệm thực thể rời biệt lại có thể làm thay đổi những đặc tính nội tại của các thực thể khác. Một hệ thống nhân quả như vậy liệu có thể thực sự vận hành được hay không? Và một luật nhân quả tương hỗ dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau và tính tổng thể, như Phật Giáo khẳng định, thì sao? Xét cho cùng, "một cái gì đó" có thực sự tồn tại hay không? Vượt ra ngoài những phát biểu logic, người ta có thể rút ra kinh nghiệm nội tại gì từ một suy ngẫm như thế?

Trịnh Xuân Thuận: Thuyết tương đối xóa bỏ thời gian tuyệt đối và khái niệm ánh đồng thời, cho phép, trong một số ảnh hưởng, sắp xếp lại trật tự của các sự kiện theo chuyển động của người quan sát. Như vậy, người ta có thể tự hỏi liệu sự sắp xếp lại thời gian này có phá vỡ luật nhân quả hay không. Để hai sự kiện có quan hệ nhân quả với nhau thì các thông tin phải được truyền từ sự kiện này sang sự kiện kia. Vì không gì có thể chuyển động nhanh hơn ánh sáng, nên ánh sáng là phương tiện truyền tin nhanh nhất trong vũ trụ. Như vậy, hai hiện tượng có quan hệ nhân quả với nhau khi ánh sáng có đủ thời gian để truyền từ hiện tượng này sang hiện tượng kia trong khoảng thời gian ngăn cách chúng. Chính điều này lý giải mối liên hệ giữa các hiện tượng có quan hệ nhân quả với nhau và vận tốc ánh sáng.

Vậy làm thế nào mà trật tự của các sự kiện có thể bị chuyển động làm cho thay đổi? Hãy trở lại với thí nghiệm tưởng tượng của Einstein. Chúng ta hãy hình dung một đoàn tàu chạy qua nhà ga với tốc độ cao. Một cú sét đánh vào hai đầu của một toa. Lúc đó có ba người quan sát đều ở vị trí chính giữa của toa này. A đứng ở sân ga, B trong toa tàu đang chạy và C trong đoàn tàu thứ hai chạy ngược chiều. Ba người này không nhận thấy các sự kiện theo cùng một trật tự. A, đứng im trên sân ga, thấy sét đánh đồng thời vào hai đầu của toa tàu. B ngồi giữa toa tàu nhìn thấy sét đánh ở đầu toa trước rồi khoảng một phần của giây sau đó mới thấy sét đánh vào cuối toa. Nguyên nhân của sự khác nhau này rất đơn giản: do con tàu đang chuyển động, nên quãng đường mà ánh sáng của tia sét đánh vào đầu toa phải đi tới khi gặp B ngắn hơn [vì nó đi tới gặp B] khoảng cách mà ánh sáng của tia sét đánh vào cuối toa phải đi cho tới khi gặp B (vì nó này phải đuổi theo B). Do vận tốc ánh sáng] không thay đổi, nên ánh sáng đến từ đầu toa mất ít thời gian hơn ánh sáng đến từ cuối toa tàu. Như vậy B sẽ nhìn thấy sét đánh vào đầu toa trước. Đối với C, xảy ra điều ngược lại, vì C chuyển động ngược chiều với toa tàu bị sét đánh. Anh ta nhìn thấy sét đánh vào cuối toa tàu trước sau đó mới thấy nó đánh vào đầu toa. Vậy thì ai là đúng, ai là sai? Cả ba đều đúng, vì tất cả các điểm nhìn đều hợp thức cả. Như vậy sự nối tiếp nhau theo thời gian của các sự kiện có thể bị chuyển động làm cho thay đổi. Những khác biệt này, dù cực nhỏ trong trường hợp con tàu mà chúng ta xem xét, sẽ trở nên đáng kể trong trường hợp một con tàu vũ trụ bay với vận tốc gần bằng vận tốc của ánh sáng. 
Với sự sắp xếp lại trật tự của các sự kiện theo chuyển động, liệu thuyết tương đối có xét lại nguyên lý nhân quả cho rằng nguyên nhân luôn phải có trước kết quả? Liệu kết quả có thể xảy ra trước nguyên nhân? Món trứng rán liệu có thể xuất hiện trước khi quả trứng bị đập vỡ? Liệu tôi có thể xuất hiện trên Trái đất này trước mẹ tôi được không? 

Matthieu: Nếu theo đúng quan điểm của Einstein, người cho rằng quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ tạo thành một khối, thì việc lần ngược trở lại theo thời gian không nhất thiết bao hàm việc chúng ta có khả năng thay đổi các sự kiện đã xảy ra. Quay ngược trở lại theo thời gian đơn giản chỉ là tua lại cuộn băng chứ không phải ghi lại nó theo một cách khác; hay nói cách khác là xê dịch ngón tay lên bản đồ thời gian, còn bản thân cái bản đồ thì không hề thay đổi.

Trịnh Xuân Thuận: Theo Einstein, tùy theo chuyển động của mình, mỗi người ghi lại một cuộn phim chứa các cảnh giống nhau nhưng có thể được sắp xếp theo các cách khác nhau. Mặc dù vậy, thuyết tương đối không hề bác bỏ tiến trình của luật nhân quả, vì trật tự của hai sự kiện chỉ có thể bị đảo lộn khi chúng ở đủ xa nhau về không gian hoặc quá gần nhau về thời gian khiến cho ánh sáng không thể truyền từ sự kiện này sang sự kiện kia trong khoảng thời gian ngăn cách chúng. Trong cả hai trường hợp này, chúng không thể là nguyên nhân của nhau. Nói cách khác, để quá khứ, hiện tại và tương lai của hai sự kiện này mất đi đặc tính của chúng thì hai sự kiện này phải không có đủ thời gian để được liên hệ nhân quả với nhau bằng các thông tin do ánh sáng truyền đi. Werner Heisenberg diễn tả điều đó như thế này : "Theo thuyết tương đối hẹp [...] hai hiện tượng diễn ra ở các điểm cách xa nhau không thể có bất kỳ mối liên hệ nhân quả trực tiếp nào nếu chúng xảy ra ở các thời điểm sao cho tín hiệu ánh sáng xuất phát ở thời điểm diễn ra hiện tượng tại một điểm chỉ đến được điểm kia sau thời điểm mà hiện tượng thứ hai diễn ra, và ngược lại. Trong trường hợp này, người ta có thể nói rằng hai hiện tượng đó là đồng thời. Do không có bất kỳ hành động thuộc bất kỳ loại nào xuất phát từ một hiện tượng tại một điểm lại có thể đạt đến một hiện tượng khác ở một điểm khác, nên cả hai hiện tượng không được liên kết với nhau bằng bất kỳ hành động nhân quả trực tiếp nào. Chính vì thế mà tất cả các tác dụng từ xa, kiểu như lực hấp dẫn của cơ học Newton, đòi hỏi một tác dụng trực tiếp và tức thời giữa các hiện tượng đồng thời, là không phù hợp với thuyết tương đối hẹp. Do đó, cấu trúc không-thời gian được thể hiện bởi thuyết tương đối hẹp đã bao hàm một ranh giới vô cùng rõ nét giữa vùng của các sự kiện đồng thời trong đó không có bất kỳ một tác dụng nào có thể được truyền và các vùng khác nơi có thể xảy ra một tác dụng trực tiếp từ hiện tượng này đến hiện tượng khác" . Trong ví dụ về sét đánh vào toa tàu, ánh sáng không có đủ thời gian để đi từ tia chớp này đến tia chớp khác, bởi vì A nhìn sét đánh đồng thời vào hai đầu toa tàu. Như vậy, hai tia chớp này không thể có liên hệ nhân quả với nhau. Trong trường hợp này, trật tự của các sự kiện có thể bị chuyển động làm cho đảo lộn.
Ngược lại, nếu sự kiện A xảy ra sau sự kiện B một khoảng thời gian đủ để cho ánh sáng đi từ A đến B , thì A luôn luôn xảy ra trước B trong con mắt của mọi người quan sát. ánh sáng luôn có đủ thời gian để đi từ quả trứng đến món trứng rán, và không ai thấy món trứng được làm trước khi quả trứng được đập vỡ. Tôi không sinh ra trước mẹ tôi. Điều này thật là may mắn, bởi vì nếu luật nhân quả không được tuân thủ thì chúng ta sẽ đứng trước những tình huống thách thức logic: về nguyên tắc, tôi có thể ngăn cản bố mẹ tôi gặp gỡ nhau, và như vậy, thì không thể có tôi trên cõi đời này, một điều rõ ràng là vô lý. Tình huống này được gọi là "nghịch lý người mẹ" (hay người bố, cũng thế). Như vậy, theo thuyết tương đối hẹp, vùng nhân quả được xác định một cách rất cụ thể bởi vận tốc của ánh sáng. 

Matthieu: Heisenberg cho rằng, sự tồn tại của một đường ranh giới rạch ròi giữa quá khứ và tương lai gắn liền với vận tốc ánh sáng, theo thuyết tương đối hẹp, khó mà có thể phù hợp với tính tổng thể của các hiện tượng vật lý mà thuyết lượng tử hay con lắc Foucault đã phát lộ. 

Trịnh Xuân Thuận: Sự tồn tại của một vùng nhân quả gắn liền với vận tốc của ánh sáng không phải là không phù hợp với tính tổng thể của thế giới được phát lộ trong hiệu ứng EPR và con lắc Foucault (xem Chương 4), vì trong hai thí nghiệm này, không có bất kỳ thông tin nào được truyền đi: một photon tương quan tức thời với photon cùng cặp, và con lắc Foucault điều chỉnh hành trạng của nó theo các thiên hà xa xôi nhất mà các thiên hà này không có bất kỳ tác dụng nào lên con lắc. 

Matthieu: Các nhà vật lý cũng đã xem xét sự đảo ngược chiều của quan hệ nhân quả trong trường hợp giả định là các thông tin vượt qua được "bức tường" vận tốc ánh sáng. 

Trịnh Xuân Thuận: Trái với điều mà mọi người thông tin, thuyết tương đối không hề cấm sự tồn tại của các hạt hay các hiện tượng chuyển động nhanh hơn vận tốc của ánh sáng. Điều mà thuyết tương đối cấm, đó là sự vượt qua bức tường này. Thật vậy, nếu một vật (hay một thông tin) có thể chuyển từ một vận tốc thấp hơn sang một vận tốc cao hơn vận tốc của ánh sáng thì nó có thể bắt kịp và vượt qua một tia sáng bay trước nó. Vận tốc biểu kiến của ánh sáng được quan sát bởi ai đó chuyển động cùng với vật này sẽ bắt đầu giảm, sau đó bằng 0 và cuối cùng tăng lên theo chiều ngược lại, điều này mâu thuẫn với việc người quan sát luôn luôn đo được vận tốc ánh sáng là một hằng số (300.000 km/s), bất chấp chuyển động của anh ta là như thế nào. Vô lại, sự bất biến của vận tốc ánh sáng là tiền đề nền tảng của thuyết tương đối hẹp. Tương tự, không có bất kỳ một vật nào có thể vượt qua được bức tường vận tốc ánh sáng theo một chiều khác, tức là bằng cách chuyển từ một vận tốc cao hơn sang một vận tốc thấp hơn vận tốc của ánh sáng.
(Cần phải nói rõ rằng việc cấm vượt qua bức tường vận tốc ánh sáng chỉ áp dụng cho các hiện tượng mang thông tin. Các hiện tượng không truyền thông tin về nguyên tắc có thể lan truyền với vận tốc nhanh hơn vận tốc của ánh sáng. Chẳng hạn, một chùm tia laser sinh ra trên Trái đất và người ta quét chùm tia này rất nhanh lên bề mặt Mặt trăng. Mặc dù bên trong chùm tia laser, các photon không chuyển động nhanh hơn ánh sáng, nhưng vùng ánh sáng chiếu trên bề mặt Mặt trăng [hay giới hạn tối/sáng] có thể chuyển động với vận tốc 600.000 km/s [gấp hai lần vận tốc ánh sáng] vì góc quay của chùm tia từ trái đất và khoảng cách lớn giữa trái đất và mặt trăng. Các nhà thiên văn học đã quan sát hiện tượng này trong một số thiên hà vô tuyến [các thiên thể phát ra nhiều nhất năng lượng dưới dạng sóng vô tuyến]. Họ đã phát hiện ra ở các thiên thể này những chuyển động "siêu sáng", nghĩa là có vận tốc lớn hơn vận tốc của ánh sáng . Nhưng hiện trạng này không thể phát ra bất cứ thông tin nào và như vậy không thể tham gia vào một hiệu ứng của tính nhân quả.)
Các hạt giả định chuyển động nhanh hơn ánh sáng được gọi là "tachyon", từ tiếng Hy Lạp takhos có nghĩa là "nhanh". Mặc dù thuyết tương đối cho phép sự tồn tại của chúng, nhưng chưa ai quan sát được các hạt này trong tự nhiên. Quả là may cho chúng ta vì sự xuất hiện của chúng có thể gây ra các nghịch lý trong vật lý! Trong thế giới của chúng ta, chuyển động nhanh hơn ánh sáng sẽ cho phép chúng ta quay ngược trở lại thời gian, và điều này dẫn đến "nghịch lý người mẹ". 

Matthieu: Các tachyon chỉ có thể tồn tại trong một thế giới lý thuyết nơi mà các quan hệ nhân quả bị đảo lộn so với thế giới chúng ta. 

Trịnh Xuân Thuận: Đúng như thế. Người ta không thể chuyển từ vũ trụ của chúng ta sang một vũ trụ khác chứa các tachyon. Trong thế giới các tachyon, logic như chúng ta biết sẽ trở nên vô nghĩa. Kết quả sẽ xuất hiện trước nguyên nhân, cái đinh được ghim xuống trước khi búa nện. Einstein đã ý thức được đầy đủ những hậu quả của sự tồn tại của các tachyon và đã tuyên bố dứt khoát trong bài báo công bố năm 1905 (trong đó, ông trình bày thuyết tương đối hẹp của mình) rằng các vận tốc cao hơn vận tốc ánh sáng là không được phép. Nhưng, trong lý thuyết của ông, không hề có một điều khoản toán học nào cấm sự tồn tại của chúng.

Matthieu: Tôi thấy dường như khẳng định rằng luật nhân quả phụ thuộc vào vận tốc của ánh sáng chẳng khác nào giới hạn luật nhân quả chỉ trong thế giới các hình dạng, thế giới của các hạt và các photon, và chỉ nhìn nhận một kiểu nhân quả tuyến tính. 

Trịnh Xuân Thuận: Ông nói "kiểu nhân quả tuyến tính" là có nghĩa thế nào? 

Matthieu: Điều này có nghĩa là: "Một thực thể tồn tại thực này làm biến đổi một thực thể khác nọ", hoặc "A tạo ra B, và B tạo ra C", mà không hề tính đến việc tất cả các hiện tượng của vũ trụ đều liên hệ khăng khít với nhau. Quan hệ nhân quả được xem như biểu hiện của sự phụ thuộc lẫn nhau một cách tổng thể của các hiện tượng nên, về mặt tiên nghiệm mà nói, không thể bị giới hạn bởi vận tốc ánh sáng được. Thí nghiệm con lắc Foucault và hiệu ứng EPR chứng tỏ rõ ràng rằng hai hiện tượng có thể tương quan tức thời với nhau mà ánh sáng không có đủ thời gian để truyền đi một thông tin nào. Trong trường hợp hiệu ứng EPR, hành động quan sát tương tác với một hiện tượng có tính tổng thể. Khi chúng ta không quyết định thu một hạt, thì cả hạt này lẫn hạt kia đều không xuất hiện. Vậy liệu có được phép nói về một "tác dụng từ xa" hay không? 

Trịnh Xuân Thuận: Tôi không nghĩ là có thể nói về một tác dụng từ xa, vì điều này sẽ dẫn đến giả thiết là hiện thực bị phân mảnh và cục bộ hóa, trong khi nó mang tính toàn cục và tổng thể: hai hạt này không cần phải truyền thông tin cho nhau, vì chúng thuộc vào cùng một thực tại. Các thí nghiệm của Alain Aspect đã chứng tỏ một cách tường minh rằng hai hệ thống lượng tử tương tác với nhau (như các photon, chẳng hạn) được biểu diễn bằng một hàm sóng duy nhất, ngay cả khi chúng nằm ở hai đầu của vũ trụ, và điều này vẫn còn đúng cho tới khi một trong hai hạt trở thành đối tượng của một phép đo. 

Matthieu: ở đây, chúng ta gặp lại định nghĩa về sự phụ thuộc lẫn nhau của Đức Phật: "Cái này xuất hiện (sự quan sát và hành trạng của một hạt ở phía Bắc) bởi vì cái kia (sự quan sát một hạt khác ở phía Nam) có hành trạng giống hệt". Một quan hệ như thế không kéo theo những thay đổi các đặc tính nội tại, cũng không cần sự truyền thông tin giữa các hạt. Như vậy, sự cùng tồn tại của các hiện tượng và tính không thể chia tách của sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng xuất hiện một cách rõ ràng trong lòng của mối quan hệ nhân quả. 

Trịnh Xuân Thuận: Đúng là có một thực tại duy nhất mang tính tổng thể. Đây cũng chính là cách giải thích thí nghiệm EPR. Sự can thiệp của người quan sát chắc chắn đóng vai trò tiên quyết trong lý thuyết lượng tử. Trước hành động đo, cùng một lúc chúng ta chỉ thấy một sóng xuất hiện khắp nơi (biên độ của nó ở nơi này hay nơi khác được cho bởi hàm sóng Schrödinger). Ngay khi thực hiện phép đo, hiện tượng sóng xuất hiện như một hạt định xứ ở một và chỉ một vị trí. Chỉ một trong số các khả năng biểu diễn bằng hàm sóng được cụ thể hóa. Khi đó người ta nói tới sự "rút gọn" của sóng.

Matthieu: Mọi phép đo, dù là tự động hóa hay được khởi phát một cách cố ý, đều đòi hỏi phải có chuẩn bị về mặt vật liệu. Vậy liệu từ đó có thể rút ra kết luận rằng sự quy gọn của sóng nhất thiết phải có sự can thiệp một cách có ý thức, dù là trực tiếp hay gián tiếp? 

Trịnh Xuân Thuận: Dĩ nhiên là trong vũ trụ có vô số các dạng tương tác không đòi hỏi bất kỳ sự một sự can thiệp có ý thức nào. Ví dụ, các proton tổng hợp với nhau bên trong Mặt Trời để cung cấp cho nó năng lượng, hay một nam châm hút một cái đinh bằng lực điện từ, chẳng hạn. 

Nhưng câu trả lời của cơ học lượng tử là rất rõ ràng: khi hai hệ lượng tử, mỗi hệ được biểu diễn bằng hàm sóng riêng của mình, tương tác với nhau và tạo thành một hệ mới được biểu diễn bằng một hàm sóng mới chứa tập hợp các khả năng của cả hai hệ. Trên thực tế, thay vì quy gọn, khi này sóng lại trở nên phức tạp hơn. Và nếu bây giờ hai hệ lại tách ra khỏi nhau thì các thí nghiệm của Aspect chứng tỏ rằng chúng không thể được biểu diễn bằng hai hàm sóng độc lập được nữa, mà chỉ bằng một hàm sóng chung. 
Một dụng cụ đo khác với các đối tượng vĩ mô khác ở điểm nào? Tại sao máy đo lại gây ra sự quy gọn sóng, dẫn đến sự lựa chọn duy nhất trong vô vàn các khả năng, trong khi, đối với trường hợp của một vật vĩ mô nào đó, người ta lại thu được một hàm sóng phức tạp hơn chứa tổng thể các khả năng của tất cả các hệ đã tương tác với nhau? Vấn đề này hiện vẫn chưa được giải quyết.

Matthieu: Chẳng phải sẽ đơn giản hơn nếu ta nói rằng tính tổng thể vẫn tồn tại, nhưng tính đặc thù của hành động quan sát đã rọi một ánh sáng cụ thể lên tính tổng thể này và làm cá thể hóa một số trong vô số những quan hệ tạo nên các hiện tượng, mà vẫn không gán cho các tính chất xuất hiện một sự tồn tại khách quan? 

Trịnh Xuân Thuận: Theo đa số các nhà vật lý, chỉ cần biết rằng cơ học lượng tử là một lý thuyết "vận hành tốt" và giải thích được hành trạng của các nguyên tử cũng như các hạt, người ta có thể sử dụng nó để tính toán các hiện tượng khác nhau và tạm thời không đặt ra câu hỏi tại sao nó vận hành tốt như vậy. Đó là một thái độ hoàn toàn mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa và thực dụng. Nhưng một số nhà vật lý lại không muốn dừng lại ở đó. Những người muốn hiểu sâu sắc hơn quá trình quy gọn của hàm sóng chia ra làm hai phe chính. 

Một phe gồm các nhà "duy tâm", còn được gọi là những người theo "chủ quan luận", gắn liền với tên tuổi của nhà vật lý người Mỹ gốc Hungari, Eugene Wigner. Theo họ, chính sự hiện diện của một tinh thần có ý thức đã làm cho hàm sóng bị quy gọn về một khả năng duy nhất. Wigner nói: "Không thể mô tả các hiện tượng nguyên tử mà không có sự tham gia của ý thức. Chính sự đưa một ấn tượng vào trong ý thức của chúng ta đã làm thay đổi hàm sóng". Nhưng việc gán cho ý thức một vai trò tiên quyết đã đặt ra một vấn đề lớn. Giữa thời điểm thiết bị ghi kết quả phép đo một hạt và thời điểm người quan sát ý thức được phép đo này phải mất một khoảng thời gian nhất định: đó là thời gian cần thiết để ánh sáng đi từ thiết bị đo đến mắt người, và để thông tin được dây thần kinh thị giác truyền đi và được các neuron của não xử lý. Tất cả những việc này chỉ mất một phần nhỏ của một giây, nhưng quá trình này không diễn ra tức thời. Nếu sự quy gọn hàm sóng chỉ xảy ra ở thời điểm người quan sát ý thức được phép đo, thì các nhà vật lý theo chủ quan luận này sẽ phải thừa nhận rằng ý thức của người quan sát sẽ phải phát ra một tín hiệu, tín hiệu này lần ngược lại thời gian để nói với thiết bị đo cái mà nó phải chỉ vào chính thời điểm xảy ra sự tương tác giữa hạt với máy đo. Đây là một việc hết sức kỳ dị. Sự kỳ dị này được đẩy lên đến độ phi lý khi người quan sát được thay thế bằng một thiết bị ghi tự động. Trong một thí nghiệm va chạm của các hạt trong máy gia tốc của CERN, các kết quả được ghi trên băng từ và sự phân tích chỉ được tiến hành vài tháng sau khi thí nghiệm được thực hiện. Chỉ đến lúc này thì chúng mới xâm nhập vào trong ý thức của con người. Vậy thì làm thế nào có thể cho rằng tín hiệu được phát ra bởi tinh thần có ý thức này lại có thể khởi phát các hiện tượng được đo từ vài tháng trước khi nó được biết? Điều đó hoàn toàn là vô lý.

Matthieu: Cách giải thích này pha trộn giữa chủ nghĩa duy tâm hay chủ quan luận ("ý thức can thiệp") với chủ nghĩa duy vật hay khách quan luận ("tất cả được sinh ra thông qua các hạt bền vững, các hạt này can thiệp vào chính hiện tượng, vào phép đo nó và và vào sự cảm nhận nó"), thật là không thể chấp nhận được. Nhưng nếu người ta hiểu đúng hiện tượng EPR, thì chỉ cần sự hiện diện của máy đo và của ý thức nghĩ ra máy đo đó cũng đủ để chúng tham gia vào cái mà ông gọi là hàm số sóng tổng thể: như vậy, có thể có một tương quan tức thời mà không cần có sự trao đổi thông tin nào. Rất nhiều vấn đề xuất hiện từ thói quen khó bỏ của chúng ta là đưa tất cả về tri giác vĩ mô và quy giản mà chúng ta có về các hiện tượng. Về lý thuyết, chúng ta chấp nhận tính tổng thể được chứng minh qua hiện tượng EPR, mà không rút ra từ đó những hệ quả được áp đặt cho cấp độ thế giới quan của chúng ta.

Trịnh Xuân Thuận: Trong đề nghị của ông, tôi chưa thấy rõ lắm tính tất yếu phải có ý thức để thực hiện phép đo và quy giản hàm sóng. Người ta có thể giải thích hàm sóng tổng thể như một tập hợp tất cả các khả năng, bao hàm ngay trong đó cả sự quan sát do một ý thức thực hiện. Trong trường hợp này, có lẽ chỉ cần một dụng cụ đo là đủ ý thức sẽ chỉ tham gia vào việc chế tạo dụng cụ đo và giải thích kết quả.

Matthieu: Điều đó cũng đủ để ý thức này tham gia vào hiện tượng tổng thể, hoặc chí ít cũng để người ta không thể tách nó ra khỏi hiện tượng tổng thể đó. 

Trịnh Xuân Thuận: Vả lại, vai trò quan trọng hàng đầu được gán cho thiết bị đo thể hiện quan điểm của một phe khác – phe những nhà duy vật. Họ khẳng định rằng ý thức không đóng bất kỳ vai trò nào, rằng thế giới không hề phụ thuộc vào sự hiện diện của người quan sát, và rằng nó tồn tại như nó vốn thế, độc lập với mọi hành động quan sát. Để giải thích sự quy giản hàm số sóng, các nhà duy vật lập luận rằng trong khi đo, hàm sóng của tập hợp "hạt và thiết bị đo" tiến triển nhanh đến mức chỉ có một trong các khả năng là được cụ thể hóa, sự hiển triển nhanh này là do bản chất vĩ mô của thiết bị đo. Sự giải thích này không thuyết phục lắm, vì cho đến nay, nó vẫn chưa được chứng minh một cách chặt chẽ. 
Như vậy, vấn đề quy giản hàm sóng vẫn còn nằm trong vòng bí hiểm. Từ đó mà nảy sinh ra quan điểm kinh nghiệm chủ nghĩa của hầu hết các nhà vật lý: thuyết lượng tử vận hành tốt thế, tại sao lại đòi hỏi thêm nữa? Có vẻ như là Phật giáo không nghiêng về phía các nhà duy tâm, những người khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của ý thức?

Matthieu: Hãy xem xét các vật một cách giản dị hơn. Tự nhiên không thể tự đo đạc được mình. Một cái thước kẻ đặt trên một mặt phẳng chưa đủ để phép đo được tiến hành. Ngay khi khái niệm đó xuất hiện, dù nó có được ý thức ghi lại ngay lập tức hay không, là người ta đã nhập, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, ý thức vào rồi, ý thức đã dự định thực hiện phép đo đó. Như vậy, ý thức này phối tuân theo các quy luật về sự phụ thuộc lẫn nhau mà hiện tượng xuất hiện trong lòng của sự phụ thuộc đó. Theo cách nhìn tổng thể về vạn vật, thì người ta không thể nói rằng một yếu tố nào đó của tổng thể - dù là ý thức của người quan sát, hiện tượng được quan sát hay thiết bị quan sát - đóng vai trò trung tâm, vì mỗi yếu tố đó đều đóng góp vào cái tổng thể. Trái lại, theo quan điểm của chúng tôi, thì rõ ràng là ý thức đóng một vai trò thiết yếu.

Có một điều khiến tôi ngạc nhiên khi ông giải thích rằng, theo Einstein, quá khứ, hiện tại và tương lai đã có sẵn đó: điều này có vẻ sẽ dẫn đến một quan điểm hoàn toàn mang màu sắc định mệnh. Chỉ cần đọc bản đồ thời gian là biết hết về quá khứ và tương lai, và sẽ là vô ích khi cố gắng thay đổi bất cứ thứ gì, kể cả chính mình, bởi vì con xúc xắc đã được gieo rồi và cả Chúa lẫn bất định lượng tử đều không còn chơi với con xúc xắc đó nữa. 

Trịnh Xuân Thuận: Ông nói hoàn toàn có lý. Tôi cũng không tán thành quan điểm định mệnh này. Về điểm này, Einstein là người thừa hưởng tinh thần của Newton và Laplace. Theo Newton, vũ trụ chỉ là một cỗ máy khổng lồ bao gồm các hạt vật chất trơ, chịu sự chi phối của các lực mù quáng. Từ một số rất ít các định luật vật lý, lịch sử của một hệ thống có thể được giải thích và tiên đoán một cách đầy đủ, miễn là người ta xác định được chính xác những đặc trưng của nó ở một thời điểm nhất định. Laplace tóm tắt quyết định luận này trong tuyên bố nổi tiếng của mình: "Một trí tuệ, mà tại một thời điểm nhất định, biết tất cả các lực chi phối tự nhiên và tình trạng tương ứng mỗi sinh vật cấu thành nên tự nhiên đó, và mặt khác, nếu nó đủ lớn để có thể phân tích được những dữ liệu này, thì trí tuệ ấy sẽ thâu tóm được các chuyển động của những vật lớn nhất của vũ trụ cùng chuyển động của những nguyên tử nhẹ nhất trong cùng một công thức; đối với nó không gì là bất định cả, tương lai cũng như quá khứ đều hiện diện trước mắt nó".

Về một phương diện nào đó, thời gian coi như đã bị thủ tiêu. Điều này khiến tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Friedrich Hegel: "không bao giờ có gì là mới trong tự nhiên cả". Quyết định luận khiên cưỡng và cằn cỗi, cứng nhắc và phi nhân tính này đã từng chiếm ưu thế cho tới tận thế kỉ XIX. Đến thế kỉ XX, nó đã bị quan điểm tự do của vật lý lượng tử quét sạch. Sự ngẫu nhiên đã xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như vũ trụ học, vật lý thiên văn, địa chất học, sinh vật học, và các khoa học nhận thức. Ngay thế giới chúng ta cũng đã bị nhào nặn bởi một chuỗi các sự kiện lịch sử, như sự kiện thiên thạch va vào Trái đất làm cho loài khủng long tuyệt chủng và chính vì vậy đã kích thích sự sinh sôi của các động vật có vú là tổ tiên của chúng ta. 

Matthieu: Hẳn là Laplace cũng đã đầu các hiện tượng ngẫu nhiên này vào quyết định luận phổ quát của mình. 

Trịnh Xuân Thuận: Nhà toán học người Pháp Henri Poincaré, một trong những người tiên phong của lý thuyết hỗn độn, đã chống lại niềm tin mang tính quyết định luận của Laplace như sau: "Một nguyên nhân rất nhỏ, mà chúng ta không để ý, quyết định một kết quả lớn mà chúng ta không thể không thấy; khi đó chúng ta nói rằng kết quả này là do ngẫu nhiên. Nếu chúng ta biết chính xác các quy luật của Tự nhiên và trạng thái của vũ trụ ở thời điểm ban đầu, chúng ta sẽ có thể tiên đoán chính xác trạng thái của vũ trụ này ở một thời điểm sau đó . Nhưng, ngay cả khi các quy luật tự nhiên không còn gì là bí mật đối với chúng ta nữa, thì chúng ta cũng chỉ có thể biết trạng thái ban đầu một cách gần đúng mà thôi. Nếu điều đó cho phép chúng ta tiên đoán được trạng thái sau đó với cùng một mức độ gần đúng, thì đó đã là đủ cho chúng ta rồi. Khi đó chúng ta nói rằng hiện tượng đã được tiên đoán và nó được chi phối bởi các quy luật. Nhưng khốn nỗi không phải bao giờ cũng được như vậy có thể xảy ra trùng hợp trong đó những sai khác rất nhỏ trong các điều kiện ban đầu lại gây ra những khác biệt rất lớn trong các hiện tượng cuối cùng; một sai lầm nhỏ ở những cái đầu có thể gây ra một sai lầm lớn ở các cái cuối. Khi đó sự tiên đoán trở nên không thể thực hiện được nữa" . 
Như vậy Poincaré bác bỏ định đề là nền tảng trong lập luận của Laplace, định đề này khẳng định rằng có thể biết một cách hoàn toàn chính xác các điều kiện bắt đầu của bất kỳ hiện tượng nào trong vũ trụ. Do sự thiếu chính xác tương đối lớn, nhưng không thể tránh khỏi, của các điều kiện ban đầu và của sự cực kỳ nhạy cảm trong hành trạng của một số hệ thống đối với các điều kiện ban đầu này, nên mọi tiên đoán liên quan đến tiến hóa sau đó của các hệ thống này đều thất bại. Theo lý thuyết hỗn loạn, cái ngẫu nhiên và cái bất định liên quan không chỉ đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta mà còn đến cả các hành tinh, các vì sao và các thiên hà. Quan điểm đơn giản hóa về các quy luật nhân quả không còn thích hợp nữa.
Hỗn độn như nhà khoa học quan niệm không có nghĩa là không có trật tự theo cách hiểu thông thường của từ này. Nó gắn liền với khái niệm về tính không thể dự đoán một cách dài hạn. Chẳng hạn, dự báo thời tiết sẽ như thế nào trong một tuần tới là không thể, vì các mô hình khí tượng học phụ thuộc một cách rất nhạy cảm vào các điều kiện ban đầu. Giới hạn này đối với sự hiểu biết của chúng ta là không thể đảo ngược được. Những mầm mống của vô minh đã được ẩn giấu ngay trong chính sự hoạt động của Tự nhiên. Để hiểu được tính khí của tự nhiên, dù người ta có nhọc công phủ kín Trái đất bằng các trạm khí tượng đi nữa thì vẫn luôn luôn có những thăng giáng cực kỳ nhỏ bé của khí quyển mà ta không thể phát hiện được Khi được khuếch đại lên, những thăng giáng này có thể tạo ra các cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp hoặc làm cho trời đẹp. Chính vì thế, hỗn độn thường được minh họa bằng cái mà các nhà vật lý gọi là "hiệu ứng con bướm": một con bướm đập cánh ở Guyane có thể gây ra mưa ở Paris Giấc mơ quyết định luận của Newton và Laplace vậy là đã tan thành mây khói (để biết thêm chi tiết về các hiện tượng phi tuyến và hỗn độn, xem "Hỗn độn và Hài hòa" của Trịnh Xuân Thuận, Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch, NXB Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội, 2003).

Matthieu: Trên phương diện các hiện tượng thần kinh, hiệu ứng con bướm còn rõ ràng hơn nữa. Chỉ một suy nghĩ đơn giản thôi cũng có thể gây ra những đảo lộn trên toàn cầu: từ một tình cảm hận thù hoặc tham vọng có thể sinh ra cả một cuộc chiến tranh thế giới. Từ những khác nhau rất nhỏ trong các động cơ kích thích hành động của chúng ta có thể dẫn đến những tình huống khác một cách căn bản theo sự tiến triển của các sự kiện.

Trịnh Xuân Thuận: Đúng vậy. Hỗn độn luôn xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày. Chắc là ông cũng đã từng trải qua những tình huống trong đó, các sự việc bề ngoài có vẻ vô hại nhưng lại mang đến nhưng hậu quả rất nặng nề. Vì chiếc đồng hồ báo thức không đổ chuông mà một người có thể để lỡ một cuộc hẹn và vì thế mất đi công việc mà anh ta trông đợi. Vì một hạt bụi trong xăng làm cho xe bị hỏng mà một phụ nữ lỡ mất chuyến bay và vì thế thoát khỏi cái chết khi chiếc máy bay này bị nổ tung và rơi trên đại dương vài giờ sau khi cất cánh. Như vậy, các sự kiện vô nghĩa nhất và các tình huống khác nhau nhỏ tới mức không nhận ra được cũng có thể làm thay đổi cuộc sống.

Matthieu: Những người theo quyết định luận có thể bác lại rằng nếu biết được các điều kiện ban đầu với độ chính xác tuyệt đối, và nếu có khả năng tính toán đủ mạnh thì chúng ta hoàn toàn có thể dự báo được diễn biến của hệ thống. 

Trịnh Xuân Thuận: Chính vì chúng ta không thể biết được một cách chính xác tuyệt đối các điều kiện ban đầu của một hệ thống nên chúng ta không thể dự báo tương lai của hệ thống đó. 

Matthieu: Sự chính xác tuyệt đối dường như là thực sự không thể đạt được vì sự vô thường tinh tế các hiện tượng làm cho không có phép đo nào có thể được thực hiện một cách tức thời. 

Trịnh Xuân Thuận: Về năng lượng và thời gian, nguyên lý bất định thực tế đã nói rằng vì mọi phép đo đều kéo theo sự trao đổi năng lượng, nên thời gian để tiến hành phép đo không thể bằng 0 được. Thời gian này càng ngắn, thì năng lượng cần cho phép đo này càng phải cao. Một phép đo tức thời đòi hỏi một năng lượng vô cùng lớn, mà điều này thì không thể thực hiện được. Như vậy, mong muốn biết tất cả các điều kiện ban đầu một cách hoàn toàn chính xác là không tưởng. Trong thế giới nguyên tử, chính sự bất định lượng tử này đã cấm khả năng biết đồng thời một cách chính xác tuyệt đối vị trí và vận tốc của các hạt, và do đó làm tiêu tan mọi hy vọng mô tà quỹ đạo của chúng. Trong thế giới vĩ mô, các hiện tượng hỗn độn phụ thuộc một cách cực kỳ nhạy cảm vào các điều kiện ban đầu của chúng, và các hiện tượng ngẫu nhiên cũng phụ thuộc vào vô số các điều kiện ngẫu nhiên, đến mức mọi dự đoán đều không thể thực hiện được. Thoát khỏi cái ách của quyết định luận, tự nhiên có thể thỏa sức sáng tạo. Các định luật phi thời gian của vật lý cung cấp cho tự nhiên các chủ đề tổng quát mà nó mặc sức thêu dệt và phóng tác quanh đó. Nó tỏ ra bột phát và hồn nhiên khi chơi với các định luật tự nhiên để tạo ra cái mới.

Matthieu: Đúng là lý thuyết lượng tử đã phá bỏ quyết định luận tuyệt đối bằng cách đưa vào khái niệm xác suất trong các quy luật nhân quả. Tuy nhiên, khi người ta không tìm thấy nguyên nhân trực tiếp của một sự kiện, chẳng hạn sự phân rã các hạt không bền hoặc các nguyên tố phóng xạ, thì việc nói rằng sự kiện này đã được sinh ra một cách "ngẫu nhiên" chỉ phản ánh một cách giải thích khả dĩ của cơ học lượng tử. Bằng cách chuyển từ tất yếu sang ngẫu nhiên, vật lý học cho rằng tính sáng tạo đã tái xuất trong vũ trụ. Nhưng làm như vậy, người ta đã nhảy từ thái cực này sang thái cực khác. Sự kiện này có thực sự là không có nguyên nhân hay không? Phải chăng sự bất định được gọi như thế là bởi vì số phận của các hạt không theo một kiểu nhân quả tuyến tính, điều mà thoạt nhìn khá là ngỡ ngàng, và bởi vì các nhân tố cần được tính đến là vô số? Khi đó người ta đưa ra khái niệm về ngẫu nhiên bản thể luận và về xác suất ở những nơi chỉ cần xem xét sự phụ thuộc lẫn nhau hết sức phong phú có tiềm năng thể hiện vô hạn. Hơn nữa, các khái niệm về tính sáng tạo và bột phát của tự nhiên một lần nữa lại quay về khái niệm nguyên lý tổ chức mà theo tôi không đứng vững được trước các lập luận mà trước đây tôi đã nêu ra. 

Trịnh Xuân Thuận: Khi tôi nói đến một tự nhiên chơi và sáng tạo, cần ngầm hiểu là có khái niệm nguyên lý tổ chức như Spinoza và Einstein đã quan niệm. Do đó không nên tin rằng tất cả chỉ là ngẫu nhiên thuần túy trong lý thuyết lượng tử. Các dấu tích của quyết định luận vẫn còn đó. Nếu một sự kiện lượng tử riêng rẽ là không xác định, thì các xác suất tương đối của một tập hợp các khả năng là hoàn toàn tiên đoán được bằng các định luật của thống kê.
Như vậy, mặc dù người ta không thể tính toán quỹ đạo chính xác của một electron, nhưng người ta có thể tính được xác suất của electron này Ở bất cứ vị trí nào đó. Vả lại, chính cái tàn tích này của quyết định luận đã cho phép các máy tính của chúng ta hay các dàn âm thanh hi-fi có thể hoạt động được. Trong mạch điện tử của các máy móc này, nếu tất cả đều là ngẫu nhiên thì không gì có thể hoạt động được hết. 

Người ta có thể đặt câu hỏi là tại sao Newton lại không nhận thấy: cái hỗn độn. Tuy nhiên, sự bất định vẫn lảng vảng đâu đó trong các phương trình của ông. Tính không thể dự đoán đã được thai nghén trong lý thuyết hấp dẫn của ông, bởi vì Henri Poincaré, khi sử dụng lý thuyết này để nghiên cứu sự chuyển động của Mặt trăng, đã phát hiện ra hỗn độn. Mới đây, người ta đã chứng tỏ được rằng chỉ cần một thay đổi nhỏ trong vị trí hay vận tốc ban đầu của một hành tinh nh Pluton là có thể làm cho nó bị chao đảo từ một quỹ đạo ổn định sang một quỹ đạo hỗn độn. Chính Hệ Mặt trời, vốn được coi là một cỗ máy vũ trụ trơn tru, được chi phối bởi các quy luật tất định chặt chẽ, cũng có tính hỗn độn. Cái hỗn độn được đan xen trong cái ổn định, và cái không thể dự báo trước không bao giờ Ở cách xa cái có thể dự báo trước. Chuyển động của các hành tinh trở nên không dự báo được qua khoảng vài chục triệu năm, tức là chưa đầy 1% tuổi của Hệ Mặt trời. Tuy nhiên, các hành tinh đã bình yên đi quỹ đạo tròn của mình xung quanh Mặt trời trong suốt 4,5 tỉ năm qua, vì mặc dù xác suất để quỹ đạo của chúng trở nên hỗn độn không bằng 0, nhưng xác suất này rất nhỏ. Newton đã không nhận thấy tính bất định nhưng điều đó không hề làm giảm sút thiên tài của ông. Ngược lại, phải với toàn bộ trí tuệ siêu việt của mình, ông mới có thể chọn lọc và tách được ra những tình huống trong tự nhiên tiến triển một cách tuyến tính và không hỗn độn mà lý trí con người có thể kiểm soát được. Phật giáo có xem xét khái niệm về tính không thể dự báo này hay là giữ một thế giới quan mang màu sắc quyết định luận giống như Newton và Laplace?

Matthieu: Theo Phật giáo, cả cái ngẫu nhiên lẫn cái tất yếu đều chưa thỏa đáng. Đây là hai thái cực không cái nào đứng vững được trước sự phân tích. Không có bất kỳ một kết quả nào có thể được sinh ra mà không có nguyên nhân, nhưng những nguyên nhân và khả năng tương tác của chúng là nhiều tới mức không thể xây dựng một quan hệ nhân quả tuyến tính, và như vậy có nghĩa là tất định, theo đó, về mặt lý thuyết, ta có thể lần ngược trở lại một nguyên nhân ban đầu. Trong trường hợp này, mọi tính sáng tạo đều sẽ bị loại trừ. Thực vậy quyết định luận nghiêm ngặt chỉ có thể tồn tại nếu các nhân tố tham gia vào một mối quan hệ nhân-quả chỉ là hữu hạn. Thế nhưng, trong một hệ thống có tính tổng thể, số các yếu tố liên quan đến nhau lại là vô hạn; và do đó, một hệ thống như thế, về bản chất, thoát ra khỏi quyết định luận tuyệt đối và vượt qua khả năng nắm bắt của tư duy lôgic. 

Trịnh Xuân Thuận: Điều này gần gũi với khái niệm hỗn độn trong khoa học một cách đáng ngạc nhiên: sự không thể biết chính xác tất cả các điều kiện ban đầu của một hệ phi tuyến làm cho hành trạng của nó là không thể dự báo được. Quan niệm này cũng giống với quan niệm mà Heiseinberg đã nói tới trong cuốn Vật lý và Triết học. "Tỷ như trong trường hợp một nguyên tử radi phát ra hạt alpha, một hiện tượng trung bình cứ hai nghìn năm lại xảy ra một lần, thì theo thuyết lượng tử người ta có thể nói rằng người ta đã biết hiện tượng trước đó nhưng không chính xác tuyệt đối; chúng ta biết những lực nào trong hạt nhân nguyên tử đã gây nên sự phát ra hạt alpha này, nhưng hiểu biết này bao gồm cả sự bất định do tương tác giữa hạt nhân nguyên tử và phần còn lại của thế giới tạo ra. Để biết tại sao hạt lại được phát ra vào thời điểm cụ thể này, chúng ta phải biết cấu trúc vi mô của toàn bộ thế giới, kể cả của bản thân chúng ta, mà điều này là không thể". Tất cả tương tác đều với tất cả. Điều mà Heisenberg phát biểu cho hạt nhân nguyên tử, thì Mach cũng đã từng phát biểu cho các vật thể vĩ mô mà chúng ta đã nói tới ở trên và thí nghiệm con lắc Foucault chứng tỏ rằng nó điều chỉnh hành trạng của mình theo toàn bộ vũ trụ. Điều xảy ra trên Trái đất lại được quyết định trong vũ trụ mênh mông.

Matthieu: Sự phụ thuộc lẫn nhau bao hàm những tương tác thăng giáng và động. Như vậy, cái mới có thể đột khởi xuất hiện từ sự đồng vận của tổng thể mà không bị gắn với một số lượng hữu hạn các nguyên nhân và cũng không cần phải nhờ đến cái ngẫu nhiên đích thực, nghĩa là không có nguyên nhân. 

Trịnh Xuân Thuận: Chúng ta phải viện đến khái niệm ngẫu nhiên bởi vì tính vô hạn này chúng ta không thể nắm được. Hỗn độn, như nhà vật lý hiểu, không có nghĩa là "không có trật tự", mà nó gắn liền với khái niệm không thể dự báo dài hạn. Gọi cái đó là "ngẫu nhiên" chỉ là cách gọi quen miệng khiến người ta dễ hiểu nhầm. 
Còn về nhận xét của ông liên quan đến cái mới có thể xuất hiện từ sự đồng vận của các hiện tượng khác nhau, ở đây, chúng ta gặp lại khái niệm "nguyên lý đột khởi cái mới" (principe émergent), một khái niệm rất quan trọng trong vật lý và sinh học. Chẳng hạn như, một trong những bí mật lớn nhất của khoa học đương đại liên quan đến cách sự sống xuất hiện từ vật chất, cách từ những cái vô sinh có thể sinh ra sự sống và cách cái hữu sinh có thể tác động trở lại đến cái vô sinh. Một trong những lập luận được đưa ra là các hệ sinh học có một hệ thống tôn ty các trình độ tổ chức và ở mỗi trình độ lại có các hành trạng mới xuất hiện. 

Người ta có thể hình dung rằng chính nhờ có các hiện tượng đột khởi xuất hiện này mà hệ thống các hạt cơ bản trong món súp nguyên thủy ở Trái đất, từng bậc từng bậc một, đã đạt đến các trình độ tổ chức ngày càng phức tạp hơn, cho tới khi xuất hiện một cấu trúc có khả năng tự sao chép, rồi cuối cùng là đến sự sống. Các nguyên lý tổ chức này không đòi hỏi phải có sự tác động của các lực mới cũng không cần tới những tương tác huyền bí. Không thể phát hiện được ở cấp độ các hạt cơ bản, chúng "đột khởi xuất hiện" ngay khi cấp độ phức tạp vượt qua một ngưỡng tới hạn nhất định. Chẳng hạn, ở mỗi trình độ tổ chức, các phẩm chất mới xuất hiện mà người ta không thể suy ra từ sự phân tích các thực thể nằm ở các trình độ thấp hơn. Hành trạng của một tập hợp phức tạp và có tổ chức, như hành trạng của con người chẳng hạn, không thể giải thích được theo quy lược luận, xuất phát từ hành trạng của các hạt cấu thành nên nó. Ta có thể tóm tắt khái niệm về sự đột khởi xuất hiện chỉ bằng một câu như thế này: cái tổng thể lớn hơn tổng các bộ phận của nó. 

Matthieu: Sự khác biệt hiển nhiên giữa các tính chất của những hiện tượng đột khởi xuất hiện với phép cộng đơn thuần các bộ phận cấu thành trực tiếp của chúng có thể là do chúng ta chỉ nhận dạng được các bộ phận cấu thành cục bộ của nó. Thế nhưng, nguyên lý về sự phụ thuộc lẫn nhau lại ngụ ý rằng một số vô hạn các nhân tố, kể cả ý thức của chúng ta, đều đã đóng góp với những mức độ khác nhau vào các ảnh chất bề ngoài của các hiện tượng. Hơn nữa, như trong trường hợp của ý thức chẳng hạn, cái dường như là một hiện tượng đột khởi xuất hiện cũng bao hàm một sự tương tác với các bộ phận cấu thành có một bản chất khác. 

Quan hệ nhân quả không bao giờ vận hành theo một chiều duy nhất. Nếu người ta có thể gọi việc các yếu tố thuộc các trình độ tổ chức thấp hơn kết hợp với nhau để tạo ra một cái gì đó nằm ở trình độ cao hơn là "quan hệ nhân quả hướng lên", thì người ta có thể gọi việc một yếu tố nằm ở trình độ cao hơn có thể ảnh hưởng đến các yếu tố ở trình độ thấp hơn là "quan hệ nhân 'quả hướng xuống". Chẳng hạn như, sự sống ảnh hưởng đến hành tinh, các hiện tượng xã hội tác động đến các cá nhân, và ý thức ảnh hưởng đến thể xác và đến thế giới "của ta". Như vậy, quan hệ nhân quả không chỉ hướng lên mà còn hướng xuống. Nó luôn luôn có tính tương hỗ.
Chính vì vậy, Phật giáo hay nói đến sự đồng-đột khởi xuất hiện và đến quan hệ nhân quả tương hỗ hơn, vì ý thức nhào nặn hiện thực cũng như nó bị chính hiện thực nhào nặn, theo cách hai lưỡi dao mài vào nhau. Việc hiểu đúng đắn sự phụ thuộc lẫn nhau như vậy đòi hỏi phải vượt hẳn lên trên nhị nguyên luận thông thường giữa mình và thế giới, giữa ý thức và vật vô tri. 

Trịnh Xuân Thuận: Nhưng viện dẫn thái quá nguyên lý về sự phụ thuộc lẫn nhau, ông không sợ là sẽ bỏ qua tính bất định lượng tử hay các hiện tượng hỗn độn ư? Liệu người biết sự tương tác của hạt với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ có thể nói được chính xác thời điểm mà hạt sẽ bị phân rã hay không? Nếu có thể thì khi đó người ta không cần phải nói về các xác suất nữa. ông không sợ là sẽ lại rơi vào quan điểm tất định mệnh của Laplace sao? 

Matthieu: Sóng xác suất tương ứng với hiện thực mang tính quy ước của chúng ta, vì không có bất kỳ một trí tuệ con người và máy tính nào có thể khảo sát được .toàn bộ tập hợp các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau của vũ trụ. 

Trịnh Xuân Thuận: Đó thực sự cũng chính là câu trả lời của Heiseinberg liên quan đến tính bất định lượng tử và của Poincaré liên quan đến hỗn độn. 

Matthieu: Người ta có thể hiểu rằng một ai đó có được sự toàn thức một phẩm chất của những người đã đạt đến Giác ngộ - mới có thể nhìn thấy rõ đầu cua tai nheo của tìm tình huống. Các kinh sách Phật giáo nói rằng chỉ có một trí tuệ toàn thức - và người ta có thể gần khái niệm toàn thức này với sự cảm nhận hoàn hảo về tính tổng thể - mới có thể nắm bắt được tổng thể các nguyên nhân và điều kiện làm xuất hiện màu lông của một con công hay sự tròn trặn của hạt đậu. Nhưng sự toàn thức này không hề bao hàm một quyết định luận giống với quyết định luận suy ra từ một nguyên lý sáng thế hay từ một nguyên nhân duy nhất từ đó có thể sinh ra mọi thứ Trong lĩnh vực vật chất, sự phụ thuộc lẫn nhau là nhân tố sáng tạo vì các nguyên nhân và điều kiện có số lượng vô hạn. Trong lĩnh vực ý thức khái niệm tự do ý chí là nền tảng vì tại mỗi thời điểm chúng ta đều thấy mình ở một ngã ba đường.

Trịnh Xuân Thuận: Khi tôi nói đến tự nhiên sáng tạo và thoát khỏi vòng kìm kẹp của quyết định luận nhờ sự ngẫu nhiên và sự nhòe lượng tử, tôi không nhất thiết phải quy chiếu đến một ý thức. Tự nhiên luôn đổi mới và có được các tính chất đột phát theo các quy luật tổ chức và các nguyên lý về độ phức tạp. 

Matthieu: Không có ý thức trong các nguyên tử, nhưng tự do ý chí tự do tồn tại ở cấp độ ý thức và sự tự do này của ý thức được gồm chứa trong mạng lưới vô hạn các nguyên nhân và điều kiện. Đó là một trong những lý do giúp chúng ta không bị rơi vào siêu quyết định luận. 
Vả lại, điều này cũng trùng với một lập luận logic của Karl Popper, chứng tỏ rằng chúng ta không có khả năng dự báo những hành động của chính chúng ta. Trên thực tế, chính bản thân sự dự báo tham gia cùng với các nguyên nhân quyết định của các hành động này. Nếu như tôi dự báo được rằng trong 10 phút nữa tôi sẽ đâm vào một gốc cây ở một chỗ nào đó, thì sự dự báo này sẽ thúc giục tôi tránh vị trí có cây này, và cuối cùng là dự báo không được kiểm chứng. Để được kiểm chứng, dự báo phải tính đến chính nó, mà điều này là không thể chừng nào nó chưa được làm. Hơn nữa, nếu một số sự kiện của thế giới gần bó khăng khít với các hành động của chúng ta, thì vì chúng ta không thể dự báo được chính những hành vi của chúng ta, nên chúng ta cũng không thể dự báo các sự kiện này. 

Michel Bitbol bình luận: "Nói cách khác, khi người dự báo có liên quan khăng khít với việc sinh ra các hiện tượng cần dự báo, thì trong mọi trường hợp anh ta không thể dự báo một cách chắc chắn (chứ không phải xác suất) rằng các quy luật của tự nhiên được giả thiết là tất định hay không. Việc có một mối quan hệ động tùy thuộc chặt chẽ giữa người dự báo và hiện tượng được dự báo như vậy, có thể giải thích rằng sự dự báo chính xác các hiện tượng là không thể , và hơn nữa, càng không thể tách rời luận đề về "cái ngẫu nhiên đích thực" với luận đề về các mối quan hệ nhân quả, bởi vì tính không thể dự báo có giá trị độc lập với loại quy luật được giả định".

Trịnh Xuân Thuận: Như vậy, theo quan điểm của Phật giáo về sự phụ thuộc lẫn nhau, người ta có thể chuyển từ nguyên nhân sang kết quả như thế nào? 

Matthieu: Phật giáo bắt đầu bằng việc loại trừ khả năng cái gì đó xuất hiện mà không có nguyên nhân: nếu một kết quả có thể sinh ra không cần nguyên nhân, thì bất cứ cái gì cũng có thể sinh ra từ bất cứ cái gì, vì cái không có nguyên nhân không phụ thuộc vào bất cứ cái gì. Như vậy, sự xuất hiện một kết quả bắt nguồn từ các nguyên nhân và điều kiện. Nhưng sự việc trở nên phức tạp khi người ta tìm cách làm sáng tỏ một nguyên nhân là "cái gì đó" tồn tại một cách khách quan. Phương pháp quy giản luận trong xem xét các mối quan hệ nhân quả giả định rằng một thực thể tồn tại tự thân với các tính chất nội tại tác động đến các thực thể khác và làm thay đổi các tính chất của chúng. Logic Phật giáo làm sáng tỏ những khó khăn không thể vượt qua mà ta vấp phải ngay khi coi các hiện tượng là các thực thể cụ thể và độc lập. Khi đó, người ta đứng trước bốn sơ đồ nhân quả, hay 4 cách thức sản sinh. Một vật có thể sinh ra: 1) từ chính nó, 2) từ một vật khác, 3) từ chính nó và từ vật khác, hoặc 4) từ không phải chính nó cũng không phải từ vật khác. Một vật không thể sinh ra từ chính nó, vì nếu nó mang trong lòng những nguyên nhân của chính nó, thì nó sẽ được nhân lên đến vô cùng mà không gì có thể dừng nó lại. Khi tất cả các nguyên nhân cần thiết đã được hội đủ, thì một sự kiện không thể không được sinh ra. Hơn nữa, nếu một vật sinh ra từ chính nó thì điều này có nghĩa là nó đã tồn tại; mà như vậy thì sự sinh ra nó là vô ích. Nếu cái đã được sinh ra phải sinh ra một lần nữa, thì điều này sẽ không bao giờ kết thúc.

Trịnh Xuân Thuận: Hãy xét trường hợp thứ hai, trường hợp gần nhất với quan niệm thông thường của chúng ta về quan hệ nhân quả và cũng là quan điểm của khoa học: liệu một vật có thể được sinh ra từ một vật "khác" không? 

Matthieu: Đây là loại quan hệ nhân quả được Phật giáo chấp nhận trên bình diện chân lý tương đối. Tuy nhiên, trên quan điểm tuyệt đối Phật giáo khẳng định rằng nếu nguyên nhân và kết quả, về mặt nội tại, là các thực thể tách rời nhau, thì quá trình nhân-quả không thể diễn ra được. Lý do là như sau: tại thời điểm nguyên nhân biến mất và kết quả sinh ra, nguyên nhân và kết quả được coi là các thực thể tách rời và tồn tại thực, thì liệu chúng có một "điểm tiếp xúc , cho dù là trong một khoảnh khắc rất ngắn? 
Nếu có, thì nguyên nhân và kết quả tồn tại đồng thời trong khoảng thời gian xảy ra sự tiếp xúc này. Mà như vậy, thì kết quả không cần phải được sinh ra, bởi vì nó đã tồn tại rồi và nguyên nhân trở nên không cần thiết nữa. Hơn nữa, hai thực thể đồng thời không thể có quan hệ nhân quả, bởi vì chúng không thể tác động lẫn nhau ở thời điểm hiện tại. (Điều này trùng với quan điểm của Heisenberg: "Hai hiện tượng đồng thời không được gắn kết với nhau bằng bất kỳ một hành động nhân quả trực tiếp nào"). 

Còn nếu nguyên nhân và kết quả không có bất kỳ điểm tiếp xúc nào và không liên hệ với nhau bằng bất kỳ cách nào thì quan hệ nhân quả không thể xảy ra, vì hai thực thể không có gì liên quan với nhau không thể thiết lập một quan hệ nhân-quả được. Hơn nữa, nếu nguyên nhân không liên quan gì với thành quả của nó, thì tất cả có thể được sinh ra từ bất cứ cái gì. Như Chandrakirti từng nói: 

"Nếu vật có thể được sinh ra từ một cái
Về nội tại là "khác, 

Khi đó bóng tối có thể được sinh ra từ ngọn lửa

Và tất cả có thể được sinh ra từ tất cả." 

Tất cả có thể được sinh ra từ tất cả, bởi vì nếu thực thể "nguyên nhân" là "cái khác" đối với thực thể "kết quả", thì tất cả các hiện tượng đều tương đương nhau theo nghĩa tất cả chúng đều là "những cái khác đối với kết quả này: khi đó bất cứ hiện tượng nào cũng có thể làm nguyên nhân của nó. 
Nếu nguyên nhân đã biến mất vào thời điểm kết quả xuất hiện, thì điều này không khác gì việc nói rằng kết quả này được sinh ra không có nguyên nhân, bởi một sáng tạo từ hư vô (ex nihilo). Nói cách khác, nếu nguyên nhân biến mất trước kết quả, thì kết quả sẽ không bao giờ được sinh ra. Hạt không thể biến mất trước khi nó cho ra đời mầm cây. Nguyên nhân cũng không còn là chính nó vào thời điểm sinh ra kết quả, giống như hạt không thể cho ra đời mầm cây mà không biến mất. 
Tóm lại, một thực thể cụ thể và độc lập không thể sinh ra một thực thể khác Nếu thực thể "kết quả" đã tồn tại vào thời điểm của thực thể "nguyên nhân", thì hoặc là nó không cần được sinh ra, hoặc là nó tham gia vào chính quá trình tạo thành nó, mà điều này là vô nghĩa. Nếu nó không tồn tại, thì sự sinh ra nó là không thể, vì một tỷ nguyên nhân cũng không thể làm xuất hiện một cái gì đó từ hư vô. Nagarjuna tóm tắt lập luận này trong 4 câu thơ sau: 
"Nếu thực thể kết quả đã tồn tại rồi,

Thì một nguyên nhân còn để làm gì nữa?
Nếu thực thể kết quả không tồn tại,
Thì làm sao nguyên nhân có thể sinh ra nó được?

Và Atisha nhấn mạnh trong Ngọn đuốc đưa đường đến Giác ngộ
"Cái gì đã tồn tại,
Thì về logic không thể được sinh ra,
Cũng như cái không tồn tại,
Cũng không thể được sinh ra, 
Như bông hoa giữa bầu trời
." 
Kết luận của Phật giáo: cái xuất hiện trước mắt chúng ta như một quan hệ nhân quả chỉ có thể là bởi vì cả nguyên nhân và kết quả đều không có tồn tại độc lập và vĩnh cửu. Chúng ta trở lại câu: "Bởi vì tất cả đều trống rỗng nên tất cả đều có thể hiện hữu". Tính phi thực của các hiện tượng chính là điều kiện để chúng xuất hiện. Chính "những biểu hiện vẻ ngoài đơn giản" này tiến triển theo quy luật nhân quả, quy luật làm cho các hiện tượng độc lập và không có tồn tại đích thực có quan hệ với nhau. Vẫn theo Nagarjuna: 
"Không hiện tượng nào, dù là nhỏ nhất, 
Không nằm trong sự sản sinh phụ thuộc lẫn nhau.
Nên không có hiện tượng nào, 
Là trống không thuần túy
." 
Những biến đổi của các tương tác này sinh ra trò chơi của nhân và quả, mà không nhất thiết phải khẳng định sự tồn tại của các thực thể tách rời có tất cả các tính chất của chính chúng - điều mà các nhà vật lý gọi là các tính chất "định xứ".

Trịnh Xuân Thuận: Đúng, đó là điều mà Einstein, người đã từng bác bỏ ý tưởng về một thực tại tổng thể và phụ thuộc lẫn nhau, gọi là các "biến ẩn định xứ". Nhưng các biến ẩn định xứ này không tồn tại, như các thí nghiệm về hiện tượng EPR đã chứng tỏ. 

Matthieu: Chúng ta hãy xem xét hai khả năng cuối cùng: một vật không thể sinh ra vừa từ chính nó vừa từ một vật khác, vì các lập luận mà chúng ta vừa nêu cũng áp dụng được cho trường hợp này. Vậy, liệu một vật có thể sinh ra từ không phải chính nó cũng không phải từ vật khác không? Không, vì nếu nó có thể được sinh ra không có nguyên nhân như vậy thì tất cả đều có thể sinh vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và theo bất cứ cách nào. 

Trịnh Xuân Thuận: Như thế thì sẽ còn gì nữa đây?

Matthieu: Lời giải duy nhất là sự phụ thuộc lẫn nhau, là sự tương sinh, trong đó các hiện tượng quy định lẫn nhau trong một mạng lưới vô hạn của quan hệ nhân quả động, vô thường và không thể hiểu được theo kiểu tuyến tính, đổi mới mà không tùy tiện, và nhờ đó mà thoát khỏi được sự cực đoan của ngẫu nhiên và quyết định luận. 
Tóm lại, một vật tồn tại tự thân không thể có nguyên nhân, cũng không phụ thuộc vào bất cứ cái gì khác. Nếu tất cả tồn tại theo cách này thì không gì được sinh ra, quan hệ nhân quả sẽ không vận hành được và thế giới hiện tượng sẽ bị đông cứng vĩnh viễn. Trong thế giới các biểu hiện bề ngoài - thế giới của chân lý tương đối - một vật có vẻ như được sinh ra, chỉ có thể bởi vì cá nguyên nhân và kết quả đều không hiện hữu về mặt nội tại. Trong Tri thức siêu việt có đoạn: 
"Không diệt cũng không sinh,
Không hư vô cũng không vĩnh cửu

Điều đó không đến cũng không đi
Không một cũng không vô số
." 

Việc hiểu một cách chính xác cái trống không như vậy giúp ta tránh rơi vào chủ nghĩa duy hiện thực hoặc chủ nghĩa hư vô. Thiền định về "cái không" sẽ xóa tan đi niềm tin vào sự tồn tại thực của vạn vật, nhưng không được vì thế mà bám vào cái trống không để tạo ra một niềm tin khác, khiến người ta chìm đắm trong hư vô. Trong cuốn Tràng bảo châu, Nagarjuna viết: "Khi người ta không thấy gì là thực, thì làm sao người ta có thể thấy một cái gì đó là không thực?", và trong cuốn Luận về sự Minh triết, Ngài kết luận:
"Niềm tin tai hại vào trống không
Đưa kẻ vô minh đến thảm họa.
Do vậy, người thông thái
Không ở trong hữu, cũng không ở trong vô
."
Theo Phật giáo, sự hợp nhất của trống không và các biểu hiện bề ngoài là bí mật của sự tổng giác hiện thực. Trống không, các vật xuất hiện; xuất hiện, chúng lại là trống không. Vượt ra ngoài những giới hạn cố hữu của tính duy lý lý thuyết đơn thuần, một sự lãnh hội thực sự khẳng định này chỉ có thể thực hiện được thông qua kinh nghiệm thiền định trực tiếp. Như được viết trong cuốn Tri thức siêu việt
"Chúng ta nhìn thấy bầu trời, ai cũng nói
Nhưng hãy nghĩ, nhìn thấy bầu trời như thế nào?
Đó chính là điều mà Đức Phật dạy ta
Nhìn nhận bản chất của vạn vật
." 


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top