Cái Diều - Duyên Anh

CÁI DIỀU

1-

Mai nằm sấp trên chõng tre, say mê dở từng trang cuốn Quốc văn Giáo khao Thư lớp dự bị. Hữu đang ngồi trông hàng. Bây giờ là mùa hạ. Nhạc ve ran ran sầu và ở giàn thiên lý, hoa đã trĩu xuống từng chùm thơm dìu dịu. Dưới nước, họ hàng nhà gọng vó thi nhau bơi ngược giòng. Cây sung ngả mình ra gần nửa khúc sông, quả chín đỏ ối, rơi lõm bõm như như muốn dụ dỗ những con cá đói mồi. Tiếng sáo vi vu, lơ lửng trong bầu trời xanh, làm tăng thêm nỗi buồn thôn dã.

Dạo này, Mai lớn vượt lên như mấy cây đu đủ ngoài bến đò. Tóc con bé xanh mướt, đôi mắt tròn đen lay láy. Nó thuộc lòng nhiều bài tập đọc, đã làm hết phần câu hỏi, ứng dụng... Thỉnh thoảng, nó còn vẽ lại từng bức tranh nho nhỏ trên đầu trang sách như bức Chỗ quê hương là đẹp hơn cả, họa hình người đeo tay nải đội khăn xếp mặc áo dài, đứng cạnh bờ tường đất nứt lở với bụi tre thưa, với mảnh vườn còm cõi, với bạn bè thăm hỏi chuyện du sơn du thủy; bức Bệnh chó dại hoạ hình thằng Canh chăn bò, bị chó cắn, bố nó phải chở nó đến bệnh viện Pasteur...

Nghĩ tới lúc Mai đứng ngắm bọn mục đồng cho trâu về chuồng rồi cảm hứng đọc bài Chăn trâu, Hữu bật cười. Em nó ngạc nhiên:

- Anh cười em đấy hở, anh ?

- Đâu nào.

- Anh nói dối, anh cười em. Trông em buồn cười, hở ?

- Thật mà, anh chả cười em đâu.

- Thế anh cười cái gì ?

- Anh cười cái ông tác giả.

- Sao lại cười " ông " tác giả ?

- Vì ông ấy đặt bài Chăn trâu.

- Hễ ai đặt bài học thì người ấy là tác giả hở, anh ?

- Ừ.

- Ai dạy anh vậy ?

- Chú Nghị.

Mai nheo mắt cười, đôi má con bé lúm đồng tiền, xinh xinh đáo để.

- Thích nhỉ, em cũng là tác giả anh Hữu nhỉ ?

Hữu bỡn cợt :

- Em ấy à ?

- Chứ còn ai nữa !

- Em đã làm được bài nào, kể anh nghe đi !

Mai ngồi nhỏm dậy, con bé xòe bàn tay ra, đặt ngón cái vào đốt dưới ngón út, tính toán :

- Ê, anh quên rồi à ? Này nhé, em tả con trâu là một, con chó là hai, cây đa là...

Hữu xích lại gần em, đặt đôi tay nham nhở mạt tre với lên mái tóc mà gió bến đò thổi rối tung của Mai. Cử chỉ thân ái bất chợt ấy khiến em nó ngơ ngác. Con bé hỏi :

- Em nói sai hở, em không là tác giả hở, anh ?

- Em mới tập làm văn, trả lời câu hỏi. Chú Nghị nói giỏi lắm mới thành tác giả.

Mai thè lưỡi thán phục. Giây lát, nó tỏ vẻ nghi ngờ :

- Tác giả giỏi sao anh dám cười ông ấy ?

- À... à... tại ông ấy bảo chăn trâu sướng.

- Ừ nhỉ, chăn trâu khổ thì có anh nhỉ ? Thế tác giả không giỏi nữa hở anh ?

- Giỏi chứ.

- Ông ấy nói sai mà anh ?

- Ừ, sai vì ông ấy chưa phải chăn trâu.

Im lặng, một lúc sau, Mai nói :

- Quyển này có bài em ghét nhất, đố anh biết bài nào ?

- Bài Mấy lời khuyên về vệ sinh.

- Sai.

- Bài Chơi đùa không phải là vô ích

- Sai nốt, anh chịu chưa ?

- Anh chịu.

- Em đọc anh nghe nhé !

- Đọc khe khẽ thôi, kẻo mẹ thức giấc.

Mai nâng quyển sách vừa tầm mắt, đoạn nó đọc :

" Ông tôi.

Ông tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Đầu râu tóc bạc, da đã nhăn, má đã lõm, lưng đã còng, đi đâu phải chống gậy. Ông tôi không làm việc nặng nhọc nữa. Thường ông tôi ở nhà coi sóc cha mẹ tôi và dạy bảo chúng tôi. Thỉnh thoảng, ông tôi kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe... Chúng tôi lấy làm thích thú lắm. Những khi đi học về, tôi hay đem chuyện nhà trường nói cho ông tôi nghe. Ông tôi lại nhân đấy mà giảng giải cho anh em tôi học được nhiều điều khác nữa.

Tôi yêu ông tôi lắm ".

Dứt bài, Mai buông quyển sách rơi xuống đất. Giọng nó buồn buồn :

- Ông chúng nó tốt quá anh nhỉ ?

- Ừ.

- Tại sao ông chúng mình không kể chuyện cổ tích hở, anh ?

- Chắc ông ghét anh em mình.

- Tại sao ông ghét ?

- Chắc mẹ con mình nghèo.

- Tại sao qua nhà ông, chúng mình run cuống cuồng ?

- Chắc anh em mình mồ côi.

Mai nín thinh. Đôi mắt con bé hoe đỏ và đôi mắt Hữu, những giọt nước mắt cũng sắp sửa tuôn trào.

Hữu bỗng hối hận vì trót khơi nỗi buồn cố hữu của gia đình với em. Rồi chẳng muốn ôm lấy nhau mà khóc như mỗi bận, nó cố gắng khôi hài:

- Em có biết tại sao đầu ông ngoại trọc tếu như cái bình vôi không ?

- Chắc ông ác ?

- Đúng.

- Ông không có râu anh ạ ! Ông còn sống lâu lắm, em ghét ông ghê.

Hữu phá ra cười. Mai cười theo, thích thú. Nhưng sau đó, Hữu thấy má nó ươn ướt. Nó sợ em nó hay nên vội lảng sang chuyện cái diều.

- Anh định làm diều cánh thoi Mai ạ !

- Diều cánh thoi là gì ?

- Là hình nó giống hình con thoi ở khung cửi ấy.

- Thế diều cánh cốc ?

- Diều cánh cốc giống hình con cốc bay.

- Thế diều cánh phản, diều bì ?

- Diều bì to bằng ba gian nhà, trẻ con chơi sao được.

- Thật hở, anh ?

- Em mó vào dây thì nó lôi em lên giời.

- Anh chỉ dọa em.

- Chả tin, chiều nay ông xã Thản thả diều bì em ra bãi mà xem. Nó bổ xuống cứ gọi là vỡ sọ.

- Eo ơi, em thèm vào chơi diều bì.

- Vậy ngủ đi, chút nữa vót xong khung, anh gọi dậy.

Mai lại ngoan ngoãn nằm xuống chõng. Đôi mắt con bé khép kín và hơi thở đều đều nương giấc nó ngủ.

Buổi trưa nhà quê vắng vẻ. Sự tĩnh mịch này đã quá quen thuộc đới với Hữu. Dường như, nó đã lớn, đã biết chịu đựng. Nó nhìn Mai ngủ, bất giác thấy nghẹn ngào.

Ba bốn hôm liền, Hữu để tâm vào việc làm diều. Thoạt đầu, nó vác dao rựa ra bụi, chặt khúc tre cộc. Tre cộc thì già và dẻo, dễ uốn. Thằng Vọng bảo nó thế. Nó ngồi chẻ tre thành những thanh nhỏ rồi lấy dao vót. Chẻ chán, vót chán cũng vẫn chưa được. Hai bàn tay nó xước xác nhiều vết dao xuýt đứt. Mấy ngón bên phải, dao cứa sâu máu chảy đỏ lòe. Lòng bàn tay, ở dưới ngón, nhiều chỗ mọng nước. Mẹ nó mắng nó. Mẹ nó xé vải áo cũ, rịt thuốc lào vào vết thương, buộc lại. Mẹ nó cấm nó nghịch. Nhưng mỗi buổi chiều, tiếng sáo diều nổi lên vang lừng cả bầu trời thôn dã và từng bọn người, lớn thì thả diều lớn, nhỏ thì thả diều nhỏ ở bãi trống khiến lòng Hữu xốn xang khó tả. Nó quên cả lời mẹ dặn, cả những ngón tay rịt thuốc lào, hý hoáy chặt tre, vót khung diều. Đến nỗi, bữa ăn không nhớ, Mai phải gọi.

Hữu thường trốn Mai, tìm nơi nào thật kín, cặm cụi làm. Vì em nó hay hỏi vớ vẩn nên nó hay bị hỏng. Hôm qua, vừa vót nhẵn xong bộ khung, Mai tới phá đám.

- Sao anh lại vót bằng mảnh chai ?

- Mảnh chai dễ vót mà có lỡ tay cũng không bị lẹm nhiều.

- Anh nói dối, tay anh đứt, anh sợ dao thì có. Nếu anh sợ, để em vót hộ nhé ?

- Em làm hỏng mất.

- Không, em vót tài lắm mà, cho em vót anh nhé ?

Hữu ngần ngừ. Em nó vội lấy dao, giằng cái nan trong tay nó. Con Mai giằng mạnh quá. Cái nan gẫy. Hữu định trách em song thấy mặt em buồn thiu ra dáng hối hận, nên nó gượng cười, an ủi em :

- Tre này xấu quá em ạ ! Vừa đụng đã gẫy thì chịu sao nổi gió to. Anh phải kiếm khúc tre khác mới được.

Vậy là mất thêm nửa buổi. Hôm nay khung diều đã hoàn thành. Mai ngồi im xem anh lấy dây buộc vào giữa mỗi chiếc nan, cân nặng nhẹ. Hễ bên nào nặng, Hữu lại cầm miếng thủy tinh vót bớt đi cho tới khi hai bên bằng nhau. Xong, nó buộc cái khung ở giữa hai nan. Rồi mới gò thành hình cái diều con thoi. Anh em thằng Hữu tin chắc nó sẽ lên cao ghê lắm. Mai vẫn ngồi im thin thít. Con bé muốn hỏi nhưng sợ tội hôm qua nên đành bấm bụng. Mắt nó long lanh nỗi vui. Hữu đưa cái khung, tác phẩm vĩ đại của nó lên, ngắm nghía.

- Đẹp không ?

- Đẹp.

- Diều cánh thoi đấy.

- Diều của anh có đuôi không ?

- Không.

- Em thấy thằng Vọng thả diều có đuôi cơ mà ?

- À, diều của nó là diều cánh cốc.

- Sao anh không làm diều cánh cốc ?

- Tại anh không biết làm.

- Sao anh không biết làm ?

- Tại thằng Vọng chỉ dạy anh làm diều cánh thoi.

- Thế hở, nó tồi nhỉ, anh nhỉ ?

- Ừ.

- Diều anh có sáo không ?

- Không.

- Sao không có sáo ?

- Tại diều của anh bé. Nếu nó nhẹ đầu thì anh buộc cái vè cho nó kêu ve ve...

- Sao biết nó nhẹ đầu ?

- Thằng Vọng bảo lúc thả diều nó buộc lèo, nặng đầu hay nhẹ đầu nó chữa hộ. Sang năm anh làm diều bo.

- Diều bo hình thế nào hở, anh ?

- Diều bo kêu bo bo, diều bì kêu bì bì...

Hữu nghe tiếng sáo mà đặt tên diều, em nó hỏi nó cứ trả lời bừa. Mai ngớ ngẳn tin là thật. Con bé giục anh làm nhanh để chiều chiều khi mặt trời chui dưới bụi tre thì đem diều ra bãi thả. Cái diều, tự nhiên, hứa hẹn với anh em thằng Hữu bao nỗi vui mừng sau chuỗi ngày tẻ nhạt ở bến đò quê ngoại.

Khung diều tươm tất, thằng Vọng gật đầu khen đẹp. Như thế, Hữu có thể yên tâm phất giấy. Mẹ Hữu mắng nó lấy lệ rồi cũng mở hòm cho nó quyển sách thuốc của cha nó để nó phất diều. Hữu đem bún phết vào khung diều, xé giấy thành từng mảnh phất. Song cuốn sách thuốc của cha nó cũ quá, giấy lại mỏng, sợ không chịu được sức gió nến thằng Vọng xúi Hữu xin tiền mẹ mua giấy bản mới. Nó mắng Hữu ngu, phất diều phải phất bằng nhựa sung. Mẹ Hữu đi chợ mua giấy ngay. Me kiếm vỏ trai cho anh đựng nhựa.

Những scây sung gần Hữu cao lắm, nó sợ không dám trèo. Mai bàn tới ông ngoại xin vì cây sung ở nhà ông thấp lè tè. Anh em thằng Hữu vác dao, vác vỏ trai vào nhà ông. Ông nó đi vắng, các cậu mợ đều đi làm cả. Hữu ngại ngần toan bỏ về, rồi nghĩ ông có biết cũng chả sao. Mai đứng trên cầu ao. Hữu lội xuống nước chặt mấy nhát vô thân cây. Xong, hứng vỏ trai đợi cho nhựa chảy đầy. Anh em nó mang nhựa ra ngõ, đang vui vẻ cười nói thì cậu chúng nó ngoài ngõ xăm xăm bước tới. Cậu hỏi chúng nó vào nhà làm gì. Hữu trả lời xin nhựa sung về nhà phất diều. Cậu nó cấm chỉ từ nay không được lai vãng gần khu nhà cậu. Ngay lúc đó, bọn trẻ con ở đầu ồ ra. Anh em thằng Hữu sợ bị bắt nạn như mọi bận, cắm cổ chạy. Nhựa sung rớt bẩn cả quần áo. Chỉ có tí nhựa sung mà suýt nữa anh em thằng Hữu bị sỉ nhục. Nó thấy mối thù của nó đối với bên ngoại càng ngày càng to lớn. Sự nghẹn ngào dâng lên cổ họng, vướng vít cả nỗi niềm. Hữu nhìn em, em nó nhìn nó, bốn con mắt một ý nghĩ. Nhưng nghĩ tới cái diều nhiều hơn, thành thử quên ngay họ ngoại.

Giấy bản, nhựa sung sẵn rồi, thằng Vọng ngồi dạy Hữu phất diều. Nó bắt Hữu vò nhầu giấy xong hãy dán. Hữu làm y lời của nó. Chẳng mấy chốc, anh em thằng Hữu có cái diều cánh thoi nho nhỏ. Bấy giờ, đúng dịp mẹ Hữu nhuộm vải. Thằng Vọng giục nó quét nước nâu lên giấy. Phơi khô rồi lại quét. Làm vài lần thì giấy cứng, gió bão cũng không thủng được. Quả nhiên, cái diều của Hữu cứng cáp, mầu nâu non đẹp ghê. Hữu còn thiếu dây. Nhưng dây khỏi lo. Mẹ nó hứa cho nó cuộn dây gai. Hữu chả phải tước dây chuối. Dây chuối luộc mới dai, bền, phiền phức lắm. Vậy thì Hữu chỉ sợ diều không lên. Thằng Vọng cứ luôn cái mồm :

- Không lên cứ đem cái đầu tao ra mà chặt.

Nó cầm cái diều, sửa nắn cái lèo ra chiều đắc ý. Anh em thằng Hữu tin tưởng vào nó. Tâm hồn lâng lâng cơ hồ cái diều nuốt dây lên cao, cao mãi...

2.

Buổi chiều, trời chưa tắt nắng. Thế mà ngoài bãi đã đông trẻ thả diều. Đứa diều cánh cốc, đứa diều cánh phản, đứa diều tàu bay, chạy chạy, đâm đâm rối rít. Những chiếc diều như muốn làm đỏm thêm cho bầu trời xanh. Anh em thằng Hữu cũng có mặt nơi đây. Mẹ Hữu dặn đi dặn lại rằng hết nắng hãy thả diều vì mùa này là mùa viêm nhiệt, cảm thì chết. Chờ mãi vẫn còn nắng. Gió đã nổi lên rì rào. Diều của thiên hạ lên phơi phới. Sáo kêu vi vu, vi vu...

Anh em thằng Hữu cầm lòng chẳng được bèn chạy ùa ra. Hữu dặn em :

- Em cầm chỗ này. Hễ anh hô " đâm " thì " đâm " nhé ?

- " Đâm " xuống đất hở, anh ?

Hữu phì cười :

- " Đâm " lên trời chứ.

Mai cãi :

- Sao anh không bảo em tung diều ?

- Tại chúng nó gọi là " đâm ". Em nhớ nhé ?

Mai gật đầu. Hữu vất cuộn dây xuống bãi cỏ, thả ra một quãng khá dài. Em nó nhìn nó, toét miệng cười :

- " Đâm " chưa anh ?

- Chưa.

- Còn đợi gì hở, anh ?

- Đợi gió.

- Bao giờ mới có gió ?

- Có gió rồi đấy, " đâm " đi!

Mai cuống quýt tung bừa khiến cái diều xoay tròn mấy vòng rổi bổ xuống bãi. Hữu thất vọng rồi bắt đầu tiếc chiếc kẹo vừng cho thằng Vọng.

- Em " đâm " lại đi đừng sợ, cứ thong thả đưa lên thì mới được, " đâm " đi!

Mai lại " đâm ". Lần này Hữu cầm dây chạy, chả hiểu cái diều xoay cách nào. Bọn trẻ con cười ầm ỹ. Ngoái cổ, nó thấy cái diều nằm ở dưới bãi lúc nào, mà cứ chạy. Thằng Vọng trong làng ra vừa tới nơi. Nó sửa cái lèo ngay ngắn. Rồi nó bảo Hữu ra " đâm ". Nó dử dử, nghiêng người bên trái, chạy bên phải, mắt theo rõi diều, tay nó giựt giựt. Chỉ một lát sau, cái diều ăn gió, lên vun vút.

Hữu thả hết dây. Cuộn dây dài hơn của những đứa khác nên diều bay cao nhất. Dây thẳng chứ không võng. Bao nhiêu đứa xúm lại khen ngợi. Thằng Vọng được phen khoe tài. Anh em Hữu dẫn diều về khu vắng, buộc vào cành cây trên nấm mộ rồi cùng nhau nằm ngắm cái diều nhỏ bé đang lơ lửng giữa bầu trời.

- Thằng Vọng nói đúng thật.

- Nó tài anh nhỉ ?

- Ừ, diều của mọi đứa nặng đầu, nhẹ đuôi. Cánh phải nặng, cánh trái nhẹ cứ lung tung. Thế mà diều của anh em mình thả là lên liền. Rồi anh làm cái diều cánh cốc cho em.

- Thật hở, anh ?

- Ừ.

- Con gái cũng thả diều à?

- Ừ.

- Em có thấy đứa nào ngoài bãi đâu ?

- À, à... tại chúng nó... nhà quê.

- Thế anh em mình cũng nhà quê ?

- Nhưng trước mình ở tỉnh.

- Ờ nhỉ! Anh em Hữu đang nói chuyện vớ vẩn thì thằng Vinh tới. Nó đòi Hữu cho nó cầm một tí. Hữu cười. Vinh nằm cạnh Hữu ngắm diều cánh thoi của Hữu rồi thò vào rút quyển sách nó dắt trong cạp quần, khoe Hữu :

- Mày có quyển này không ?

- Quyển gì ?

- Xem thì biết, hay lắm. Em mày chắc thích.

Hữu cầm quyển sách. Đó là quyển Quốc-văn Giáo-khoa Thư lớp sơ đẳng. Quyển này hay thật. Nhiều truyện nhiều tranh. Hồi xưa, Hữu cũng có, nhưng dọn nhà mấy bận, rơi đâu mất. Hữu đưa cho Mai đọc. Em nó dở ra lẩm nhẩm ngay : "Xuân đi học coi người hớn hở, gặp cậu Thu đi ở giữa đường..." Thế là Mai quên diều, nằm ngửa trên bãi cỏ say mê dở hết trang này sang trang khác. Thằng Vinh đợi Mai đọc xong bài Con bò và con gà trống, đòi lại. Mai năn nỉ :

- Cho tao mượn tí nữa, làm bộ thế ?

- Nhưng tao về đây.

- Về làm gì, ở đây chơi diều.

Mai đập nhẹ vai anh :

- Anh cho nó chơi điều với anh nhé !

- Ừ.

Thằng Vinh nằng nặc đòi quyển sách khiến Hữu phải bảo nó :

- Cho em tao mượn rồi ít bữa tao làm hộ mày cái diều.

Vinh ngồi nhỏm dậy. Hữu tưởng nó giằng sách chạy về, không ngờ nó sát gần Hữu, nói khẽ :

- Tao không nhờ mày, tao muốn hỏi nhưng sợ mày chửi.

- Tao không chửi bậy, mẹ tao nghe thấy, đánh chết.

- Mày thề đi.

- Tao không biết thề.

Vinh nghiêm nét mặt, chỉ trỏ ngón tay :

- Đứa nào chửi tao, trời đánh thánh vật nhé ?

- Ừ.

Rồi vẫn như chưa tin hẳn, Vinh gặng hỏi :

- Thật nhé ?

- Ừ, mày muốn hỏi gì ?

Vinh thầm thì :

- Mày muốn đổi diều lấy quyển sách không ?

Hữu ngạc nhiên :

- Đổi diều tao lấy quyển sách của mày ?

Hữu nói to làm Mai đang say mê bài Chuyện anh em họ Điền vùng dậy hỏi :

- Gì thế anh ?

- Thằng Vinh nó đòi đổi sách lấy diều của anh em mình.

Em nó nín thinh. Con bé gấp sách lại. Vinh khoe khoang :

- Thằng Bảo muốn đổi diều của tao cho nó nhưng tao thích diều của mày.

- Tao vừa làm xong, mới thả hôm nay, tao không đổi.

Mai lẳng lặng ném trả sách thằng Vinh, nó nói :

- Mày không đổi thì tao đổi cho thằng Bảo.

- Kệ mày.

Vinh xấu hổ nhét sách vào cạp quần rồi bỏ đi. Mai trông theo bóng nó rồi nhìn cái diều nghiêng bên này, ghé bên kia cơ hồ muốn bỡn cợt với gió mùa hạ. Bất chợt, Mai hỏi :

- Sách của thằng Vinh hay hơn sách của em. Không có bài Ông tôi anh ạ ! Lại lớp sơ đẳng nữa. Nhiều bài hay ghê...

Giọng em nó buồn buồn. Hữu cảm thấy điệu buồn ấy đang len lỏi trong tâm hồn nó. Mai đứng dậy, ra bứt cỏ may. Hữu muốn hỏi em nhưng lại thôi. Tự nhiên, lòng nó băn khoăn. Nó chẳng thiết ngắm con diều đang õng ẹo chao đi chao lại trên nền trời chiều hạ. Hữu gọi Mai :

- Em ơi...

Con bé ngoái cổ, nhếch mép cười gượng gạo :

- Anh hỏi em gì ?

- Em không thích diều à ?

- Thích chứ.

- Em có thích quyển sách của thằng Vinh không ?

- Có. Nhưng đổi diều thì em không thích. Diều của anh làm mà.

Phải, diều của Hữu làm. Nó đã cặm cụi bao mhiêu ngày. Tay nó còn vết dao cứa. Da non chưa làm già trên những chỗ mọng nước. Nó đã cùng em lặn lội dưới ao chặt nhựa sung bên nhà ông ngoại, hai anh em bị hất hủi, xua đuổi. Nó đã lấy cả sách thuốc của cha đem phất diều, cả cuộn dây gai mà cha mua ngày xưa để khâu lốp xe, nay mẹ cho anh em nó thả diều. Nó còn mắc tội lấy trộm kẹo vừng cho thằng Vọng nữa. Cái diều của nó đã bay bổng. Nó sung sướng lắm rồi. Thế mà thằng Vinh đòi đổi sách. Em nó thích sách của Vinh. Em nó không nói thích sách hơn diều. Hữu biết em nó. Con bé mồ coi cha, mẹ thì nghèo khổ, lại ham học. Ham học nhưng thiếu sách. Nó đã thấy em nó thuộc lòng cả quyển Quốc-văn Giáo-khoa Thư lớp dự bị. Nó đã thấy mắt em ánh lên những tia thèm thuồng cuốn sách của thằng Vinh. Dáng điệu em nó lúc này sầu não làm sao ! Tuy sự sầu não chưa đến nổi rơi nước mắt như mùa xuân năm ngoái, khi em nó ôm chiếc lồng và bộ lông sáo sũng nước.

Hữu chợt nhớ rằng nó còn nợ em nó một nỗi buồn. Nỗi buồn ấy nó chưa trả và chẳng thể nào trả được. Nó chỉ có thể thay vào đấy bằng một niềm vui nhè nhẹ. Hữu nhìn chiếc diều cánh thoi. Nó chỉ chơi được trọn mùa hạ. Hữu nghĩ đến quyển sách sẽ chơi với em nó trọn quãng đời thơ ấu. Và nó bỏ mặc em đứng ngơ ngác, cắm cổ vừa chạy vừa đuổi theo thằng Vinh vừa gọi. Hữu nói đổi diều cho Vinh. Nó hả hê chạy theo Hữu về phía con Mai đứng chờ.

Vinh trao quyển sách tận tay Mai. Nó nói :

-Anh mày bằng lòng đổi cho tao rồi.

Mai ngập ngừng, mắt con bé chớp mau. Nó cầm quyển sách, xích lại gần anh, thỏ thẻ hỏi :

- Anh đổi rồi à ?

- Ừ.

- Dại lắm anh ạ ! Diều làm tốn công phu.

Hữu hiểu em nó thương nó, em nó không muốn vì quyển sách mà mất diều. Mai chăm chú ngắm bìa quyển sách. Phân vân. Hữu cúi xuống nói thầm với em :

- Diều của anh sắp hỏng, thằng Vọng vừa bảo anh rằng chỉ chơi được vài hôm thôi.

Hữu nói dối em. Mai tưởng thật, đang ủ rũ, vụt tươi tỉnh.

- Thật hở, anh ?

- Thật, nói khẽ chứ kẻo thằng Vinh nghe thấy nó không đổi nữa.

- Rồi anh có làm diều nữa không ?

- Có, anh làm diều to bằng hai chiếc này.

- Thật hở, anh ? Có phải cho thằng Vọng kẹo nữa không ?

- Không, bây giờ anh làm một mình được.

Anh em thằng Hữu nhìn nhau cười khúc khích. Mai nhẩy nhót sung sướng. Con bé đem sách ra một chỗ xa ngồi đọc. Vinh và Hữu nằm dài trên bãi cỏ ngắm diều. Hữu bảo Vinh :

- Mày cho tao mượn chơi nốt ngày mai nhé ?

- Nhỡ mày làm hỏng của tao thì sao ?

- Thì em tao trả mày sách.

- Chịu thôi, đã khoéo tay rồi, đổi cấm trả lại, "con sông cạn ngòi mới đòi được nhau".

- Hễ hỏng tao làm cho mày chiếc khác.

- Chiếc khác tao không thích.

Hữu nuốt nước bọt tiêng tiếc. Gió chiều thổi mạnh. Con diều ăn no gió, còn thèm mây. Nó chao mãi như thể nó chào vĩnh biệt Hữu. Hữu theo rõi hình dáng bé nhỏ của chiếc diều cao tít. Đột nhiên, nó nghe tiếng " bực ". Dây diều võng xuống từ từ. Và trên nền trời trong xanh, chiếc diều cánh thoi của Hữu mặc sức nghiêng ngửa. Nó lộn vài vòng cơ hồ người mất hồn và bị gió cuốn đi.

Hữu chết lặng nhìn theo. Vinh đứng phắt dậy, chạy ngay về phía con Mai, giằng mạnh quyển sách rồi cắm cổ chạy biến. Mai chưa hay gì. Con bé ngạc nhiên, đôi mắt tròn xoe trông theo thằng Vinh vừa chạy vừa reo âm ỹ :

- Diều thằng Hữu đứt dây rồi !

Hữu đứng cạnh em, lắp bắp một câu trống không :

- Diều... đứt... dây... rồi..

Mai nhìn dáng điệu thiểu não của anh mà thương hại. Con bé thản nhiên nói :

- Đứt dây thì thôi anh ạ !

- Nhưng em mất sách.

- Sách nào cơ anh ?

- Sách của thằng Vinh.

- Quyển ấy không hay, có mỗi bài hay nhất thì em thuộc rồi.

- Thật hở, em ? Bài nào ?

- Bài ông Lý Tích sắc thuốc cho chị, vô ý để cháy mất bộ râu...

Mai trả lời xong cười khúc khích. Hữu cũng cười. Anh em Hữu quên ngay nỗi buồn trong khoảnh khắc, nằm lăn ra bãi cỏ, cười rũ rượi. Nhưng giây lát sau anh em nó mới rõ mình cười vờ. Đứa này nhìn đứa nọ, bốn con mắt non nớt gặp nhau. Và những giọt nước mắt bắt đầu rơi rụng.

1962

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: