Chương 8
CÁI ĐIÊN CỦA MỘT CON ĐĨ (8)
*****
Ngày khai trương
Ba giờ chiều con Út chở chị Hai ra quán, mấy thứ chính đều gửi hết trong nhà người ta, trên xe chỉ thêm hai giỏ mồi, một treo phía trước một chị Hai cầm.
Con Út phụ chị Hai một chút rồi đạp xe đi học, là lớp học tình thương chỗ gần cổng khu công nghiệp, từ chợ đạp xe qua chỉ mất chưa tới nửa tiếng. Đó là tốc độ trung bình của con Út, chứ nó mà đạp hết sức thì 15 phút là đủ. Hôm nay là ngày học thứ ba của nó, học từ bốn giờ đến năm giờ rưỡi chiều, học xong thì ở lại lớp chơi chán rồi về cũng được. Buổi tối thì có lớp người lớn, khi họ tới học thì bọn nhỏ liệu mà lo trốn trước. Thầy cô của trường hiền lành không nói, chứ mấy người học trò có gương mặt phụ huynh kia mà bực lên đạp cho một cái thì toi. Kiểu như họ đuổi trước để lúc kiểm tra bài cũ bớt xấu hổ, chứ thầy cô thì công bằng, lớn hay nhỏ cũng cùng một cách mắng như nhau.
Con Út sáng dạ, nó mười mấy tuổi nhưng trong lớp học chữ vỡ lòng này nó vẫn thuộc hàng nhỏ tuổi, cô cho nó ngồi bàn đầu để kèm cho kịp mấy đứa học trước, nhìn chung học mười thì nó cũng vô đầu được bảy, tám. Học cầm viết cầm phấn, học đánh vần, học đếm ngón tay... ''em còn nhớ hay em đã quên, nhớ một thời đau đầu vì bụi phấn..." Con Út thuộc dạng ham chơi căn bản, nếu không phải chị Hai ngày nào cũng nhắc nhở hỏi thăm, sợ nó sẽ kìm không được mà bẻ phấn đạp bàn rồi dắt xe ra về.
Là tại chị Hai hay chơi chiêu, đêm nào cũng thắp nhang cho mẹ rồi khấn rõ to: "mẹ nhớ phù hộ cho con Út học hành đàng hoàng, đừng có ngu như con là được...". Ghê hơn nữa là mỗi lần nằm xuống giường là chị Hai bẻ xương cốt kêu rắc rắc các kiểu, rồi thở dài đau nhức, cuối cùng là xoa đầu con Út rồi nỉ non: "ráng học nha Út em..."
Nhiều đêm giật mình thức dậy, kiểm tra cái xe đạp xong rồi đi tiểu, lúc về lại giường con Út đặt tay lên trán mà trầm tư suy nghĩ:" Người ta nói đi học vui lắm, nhưng mình đâu thấy có gì vui, chị Hai nói đi học tốt lắm, nhưng mình chỉ thấy ê đít với mỏi lưng. Còn cô giáo nữa, đụng gì cũng hỏi, mình làm cái gì cũng dòm, cây thước quơ còn điêu luyện hơn người ta múa kiếm trong cải lương, có cách nào để khỏi ngồi bàn đầu không ta...".
Vấn đề này mỗi đêm đều làm con Út suy nghĩ hơn chục phút, từ ngày đi học chất lượng giấc ngủ của con Út đã kém đi khá nhiều. Tuy nhiên chất lượng giấc mơ lại tăng lên, học thì không muốn nhưng lại có khát khao làm cô giáo. Cái cảnh cầm thước đánh người mà không ai dám đánh lại, con Út ôm giấc mộng đó mỗi đêm. Là mộng đẹp, tay chân quơ quơ kết hợp với nụ cười.
Ờ quên chớ, đang nói về ngày khai trương.
Chính thức thì khoảng 5 giờ chiều quán mới bắt đầu bán, đó cũng là lúc mà chợ gần tan. Đèn đường không có, kiếm ăn nhiêu đó là đủ rồi, về sớm lo cơm nước cho chồng con, để mấy ổng ăn xong còn đi nhậu, bớt được tiền mồi.
Quán nhậu khác quán ăn ở chỗ người ta không rủ nhau tới ủng hộ khai trương để làm cái gì, nó không phải điểm đến hay điểm dừng chân, nó là cái mái hiên trú mưa, cần thì trú tạnh thì đi. Là có lúc đi ngang sẽ thấy không cần, rồi có lúc tự nhiên thấy buộc phải dừng lại ghé vô.
Buôn bán được không? Được, nói thẳng luôn là được đều đều, không ế không lỗ. Tiền lời cũng tạm ổn, coi như đáng với công sức hai chị em nó bỏ ra, trung bình thu vô một ngày cũng tương đương với cái ngày bán trứng đắt hàng lúc trước. Chỉ là đêm về đếm tiền bọn nó vui ít hơn, bởi mệt thiệt mà, mệt nhiều chuyện.
Quán nhậu cóc cơ bản sẽ có bốn loại khách ghé tới, phân biệt không phải bằng cách họ uống hay cách họ ăn, mà bằng cách họ rời đi. Vấn đề này có nhiều người bàn luận lắm rồi, tôi chỉ là chép lại cho câu chuyện thêm dài dòng thôi. Tự nhiên mấy truyện khác thì thích viết cô đọng súc tích, còn riêng truyện của hai chị em nhà con què thì cứ tìm mọi cách để viết dài dòng lung tung lan man các kiểu. Cứ như là bản thân không nỡ rời xa bọn nó vậy.
Bốn loại khách sẽ ghé quán nhậu ven đường, tôi không có kinh nghiệm trong chuyện này, vậy nên mọi người đọc rồi ướm vào bản thân xem thử mình là loại nào nha. (Còn ai không biết nhậu thì ra phía sau lưng tôi mà xếp hàng.)
Loại thứ nhất là ''giữa đường bôn tẩu'', tấp vô quán kêu bình bia, không mồi hoặc mồi tượng trưng, rót tới tấp uống tới tấp rồi đứng dậy tính tiền bỏ đi. Họ thật sự coi hơi men là đồ giải khát, giải nhiệt. Hoặc là giải khai cái vướng bận tạm thời trong lòng của họ, lâng lâng thì rời đi. Cứ xếp họ vào hàng khách vãng lai, có tới nữa hay không là do bụi trên hành trình, không phải do quán hay do họ.
Loại thứ hai là ''tráng sĩ độc hành'', gần giống loại thứ nhất, chỉ khác là ung dung nhàn nhã hơn. Hay chọn bàn trong góc hoặc quay lưng vào tường để ngồi, rồi vừa uống vừa nhìn ra đường, mồi cũng kêu được một món phụ một món chính. Tự khui tự rót tự uống tự ăn, ít làm phiền đến nhân viên hay chủ quán, dù vào nhà hàng hay quán cóc thì cũng đều cùng một phong thái như vậy. Hay kêu tính tiền trước lúc hết bia, rồi ngồi đó từ từ uống cạn, lúc đi thì im lặng không chào hỏi hay ngoái đầu. Loại này cứ cho họ cái gì cũng bình thường, từ giá tới phục vụ, đừng làm phiền tới họ cũng đừng cố thân thiện làm quen, thì lần sau họ sẽ quay lại.
Loại thứ ba là " quần hùng hội tụ". Đây là thành phần khách cần trọng điểm chăm sóc của bất kì chủ quán nào. Lý do họ đến đầu tiên vì mới, sau vì rẻ, tiếp vì ngon, cuối vì gần. Nếu mà có thể khiến họ đến vì quen thì tức là chủ quán đã thành công. Cứ cho họ một câu "đáng đồng tiền bát gạo" là được, quán mà nói buôn bán có được hay không, chính là nói có nhiều bàn khách quần hùng hội tụ này hay không. Công việc, gặp gỡ, giải mỏi, sương sương, ăn mừng, tụ tập, làm tí...lý do họ đến không quan trọng, quan trọng là cho họ được cái lý do để quay lại. Học đại học bốn năm quản trị kinh doanh ra thì chẳng qua cũng chỉ để tìm được cái lý do này.
Con Hai còn non lắm, nói nó may mắn có khách quen thì còn được, chứ nói chuyện giữ được khách quen thì còn quá sớm, sau này sẽ bàn sau.
Loại cuối cùng cũng chính là lý do khiến những quán nhậu cóc như thế này tồn tại và nhiều đến thế, chính là các ''tiên nhân ngã ngựa'', cơ bản là mấy tay bợm nhậu, đến với nhau vì cồn. Loại này thì an tâm, đuổi đi mới khó chứ mời đến thì dễ, giống như ruồi bu đống rác, ngửi được mùi thì họ sẽ tự mò đến thôi. Hôm nào bận việc không dọn quán được, nhiều khi họ còn mò đến tận nhà để mà hỏi rượu bia đâu. Chú ý, chú ý quan trọng, với loại này thì phải tuyệt đối giương cao khẩu hiệu "không bán nợ dưới mọi hình thức". Bởi một khi cho họ nợ và nợ nhiều, thì họ sẽ tìm sang quán khác đó. Tin tưởng gì uy tín của mấy thằng nghiện cồn.
À, con Hai không bán rượu. Mấy chục quán nhậu cóc xung quanh đây chỉ có một mình quán con Hai là không bán rượu. Đây cũng là yêu cầu của chủ đầu tư, người cho nó mượn tiền mở quán. Với góc nhìn cá nhân của tôi, nếu mà có cơ hội gặp được cái người chủ đầu tư kia, tôi sẽ tự tay pha một bình trà ngon để mời ông ấy.
Con Út học xong thì đạp xe ra quán với Hai, rồi chị em nó cơm nước ở quán luôn, có gì ăn đó, chợ chiều không thiếu thứ để đưa cơm. Có cái võng mắc trong hiên, con Út ăn xong thì cứ nằm đó đung đưa, có khách thì mới lon ton ra phụ chị. Quen việc thì đơn giản, thỉnh thoảng con Hai cũng vào nằm chút để con Út coi quán thay.
Bán cái trứng vịt lộn thì chỉ hầu người ta năm mười phút, còn bán một bàn bia thì vài tiếng có hơn. Đồng lời đôi lúc tính theo thời gian, trời sụp tối thì mỗi bàn một cái đèn hột vịt, lúc mưa gió thì mệt mà lại vui, bàn ghế co cụm lại lưng đụng lưng. Nhìn từ xa cứ ngỡ đó là một chuyến tàu.
Bây giờ là câu hỏi trọng điểm của chương này, câu hỏi thế kỷ: "Què một tay thì sẽ khui bia như thế nào?"
(Nói trước là không phải kẹp nách hay kẹp trong đùi đâu nha, nặng mùi lắm. Càng không phải là ngậm cái đồ khui trong miệng, nhìn vô ai dám uống. Sau này dòng đời đẩy đưa mà tôi có dịp giao lưu trực tiếp với bạn đọc, tôi sẽ biểu diễn hết tất cả những chiêu thức mà một người có thể làm chỉ với một tay, lúc đó mọi người sẽ thấy thương con Hai nhiều hơn.)
Quán chưa khai trương thì đã có khách quen, là khách vip đặt bàn mỗi ngày hai chai một dĩa, cũng chính là chủ đầu tư của cái quán nhậu này, còn ai khác ngoài ông chủ tiệm cầm đồ đây.
Ổng hay tới lúc bảy giờ tối, con Út vừa thấy bóng của ổng là sẽ bật dậy, đầu tiên là kéo cái bàn cũ nhất và cái ghế cũ nhất ra, nhét vào một góc tối tăm gần chỗ võng nó nằm. Đặt lên bàn hai chai bia con cọp, ly quai nhựa với cục đá, rồi cắt dĩa dưa leo để sẵn, lát chị Hai nướng lòng xong rồi sẽ đem ra sau. Kế tiếp là chạy tới chụp cái máy cát-xét trên tay ông chủ, từ 7 giờ tới 8 giờ tối thì đài FM có tân nhạc, nghe xong thì nó bỏ băng nó nghe cải lương. Ông chủ ngồi uống hết hai chai bia, ăn hết dĩa lòng, xin thêm ca nước lọc nữa thì sẽ đi, mất khoảng gần hai tiếng.
Trong khoảng thời gian đó thì con Út không thèm nhìn mặt chứ đừng nói là trò chuyện một hai câu với ông chủ tiệm cầm đồ. Nó vẫn còn hận với giận ổng, từ lúc sinh ra cho tới nay, ngoại trừ mẹ với chị Hai, hàng xóm dưới quê, hàng xóm gần nhà thuê, mấy người lượm ve chai chung, chủ vựa ve chai, đám ngoài công viên, khách ăn trứng với khách nhậu, mấy cô mấy chú trong chợ, thầy cô với đám học chung trên lớp...ổng là người đầu tiên dám nhìn thẳng vào cặp mắt tròn xoe tội nghiệp của nó mà nói "không". Vậy nên nó hận.
Chuyện phía sau ổng giúp chị Hai cái gì nó không cần quan tâm, chỉ cần biết nó ghét ổng là được. Chưa nói tới việc bây giờ ổng là chủ nợ của hai chị em nó, ngày nào cũng tới ngồi chính là một cách để thu tiền, nếu nhìn kỹ thì dĩa dưa leo mà con Út cắt cho ổng luôn ít hơn so với mấy người khách khác, cục đá cũng nhỏ hơn. Mà rõ ràng nhất là không có cái đèn hột vịt, dĩa lòng nướng mang tới dọc hành trình bốn bước chân nó cũng bốc lủm mấy miếng.
Cát-xét thì Út chiếm, bánh kẹo cầm tới thì Út ăn, có kêu trứng vịt lộn thì Út cũng xí cục chì, nhưng tuyệt đối không nói chuyện, càng không thèm nhìn mặt. Cũng hên là chị Hai chưa cho Út biết ai giới thiệu chỗ cái lớp học tình thương kia. Nếu không thì chắc tình hình sẽ còn căng thẳng hơn nữa. Có lần lúc sớm đem ra dĩa lòng thì khách kêu đắng, chị Hai định đổ đi thì Út cương quyết giữ lại, để làm gì thì mọi người cũng đoán được rồi đó.
"Chị Hai!"
- Gì Út?
"Chừng nào mình mới trả hết nợ cho ổng."
- Hai cũng không biết, chưa tính.
"Dị để Út tính cho."
- Út tính được hông?
"Được mà, Út đi học rồi mà."
- Tính kỹ nha. Với lại nhớ cảm ơn người ta đó, họ giúp mình mà.
"Biết rùi, Hai an tâm, để Út tính."
*
Đây là lần đầu tiên con Út mở miệng sau thời kỳ chiến tranh lạnh.
"Chú, mỗi ngày một dĩa lòng, thì đến bao giờ hai chị em con mới trả hết nợ?"
- Ba năm.
Con Út rùng mình, ba năm là bao lâu? Có phải lúc đó nó đã già chống gậy rồi hay không? Lỡ lúc đó chị Hai yếu quá nướng lòng không nổi nữa thì sao? Không được, Út phải tìm cách khác.
Nó xòe bàn tay thả xuống dĩa mấy miếng lòng, là hồi nãy bốc mà chưa kịp lủm. Nó hỏi lại:
"Dị chớ mỗi dĩa thêm mấy miếng như vầy nữa thì còn bao lâu?"
Ông chủ tiệm cầm đồ căng thẳng, nhìn kỹ mấy miếng lòng xem có màu sắc gì lạ hay không, rồi nhìn cặp mắt đang trợn trừng của con Út:
- Còn hai năm.
Con Út cười hí hí nó chạy tới bốc thêm mấy miếng dưa leo định bỏ vào dĩa.
- Dưa leo thì không tính.
Con Út đem dưa leo trở về chỗ cũ. Nó giãy nãy nhảy lên võng, chuyện nợ nần thiệt làm người ta khó chịu quá đi.
Ông tiệm cầm đồ nhắc khéo:
- Bia mà cũng không tính tiền thì chỉ còn có một năm.
Con Út nó nghe vậy liền cười đểu, nó thò mặt khỏi võng để ông chủ nhìn được rõ cái nụ cười của nó. Trong mắt nó bây giờ, ông chủ tiệm cầm đồ kia cuối cùng cũng đã lộ nguyên hình, thì ra là muốn ăn chực nhậu chùa ở quán hai chị em nó. Hên là Út có đi học nên đã nhìn ra ngay chân tướng sự việc, chứ hiền lành như chị Hai thì chắc đã bị lừa rồi. Ông chủ tiệm cầm đồ thấy cái mặt của nó thì cũng làm biếng nhìn, chỉ ráng uống với ăn cho hết dĩa mồi, nói chớ nghĩ đến chuyện hai năm sắp tới ngày nào cũng như vầy thì ổng lại đau đầu, chắc phải tìm thêm cách khác để cấn nợ, chứ ăn hoài một món liên tục thì đâu khác gì tự hành hạ chính mình.
Đêm nay con Út mở cái tuồng cải lương "lệnh truy nã", tới lúc vạch mặt hung thủ thì nó tua đi tua lại gần chục lần, dí sát tai để ông chủ tiệm nghe cho rõ: "Thôi thôi ông ơi ông đừng chạy chối quanh co cho tôi thêm rõ mặt một con người gian ngoa nguy hiểm, vì khi đối mặt cùng ông tôi đủ chân lý của một quan tòa thẩm vấn tên tội phạm, thì thôi ông ơi tại chị Hai tôi ngu nên dĩa lòng này mới thành ra cấn nợ, nay có tôi ở đây mà ông đòi nợ thêm bia nữa thì đừng... hòng."
Ông chủ tiệm cầm đồ cũng không phải dạng vừa, lâu lâu ổng canh không khí đang yên tĩnh thì đệm vào một hai câu: "Dạo này con học hành tới đâu rồi Út..." hay "6 + 7 bằng bao nhiêu Út?". Mỗi lần như vậy thì người phản ứng đầu tiên chính là chị Hai, đôi mắt lấp lánh đầy niềm tin và hi vọng hướng về đứa em gái yêu dấu của mình.
Cao điểm là cái lúc con Hai cầm tới bàn hai cái đèn hột vịt, rồi kêu con Út đưa bài vở để ông chủ tiệm cầm đồ ngó qua giùm. Mỗi tiếng thở dài của ổng là một vết cắt vào tim chị Hai, rồi chuyển thành vết hằn trên mông của Út. Tội nghiệp con bé mới mười mấy tuổi đầu, chỉ muốn nằm võng nghe cải lương mà cũng không được yên thân. Mỗi ngày ổng đều tới, tức là mỗi ngày nó đều bị chị Hai mắng một lần, tình chị em mười mấy năm sứt mẻ chỉ vì mấy miếng lòng đắng ngắt.
Có lần con Út được điểm cao, là cao nhất lớp. Vậy mà ông chủ làm lơ không hề nói đến, chỉ nói tới con điểm kém từ mấy bữa trước. Hôm đó con Út ức đến phát khóc, nó khóc trên võng chưa đã nó nhào ra giữa đường nó khóc. Khách nhậu nhìn vô cứ tưởng là đang có bạo lực gia đình, chỉ im im uống chứ không dám cụng ly. Lát sau chị Hai nhờ nó ra đại lý lấy thêm bia, mà chủ ở đó thấy nó vẫn còn khóc tội quá nên cho nó thêm chai nước ngọt cầm về. Lúc về thấy bàn ổng ngồi đã dọn nên nó qua tiệm cầm đồ nó đập cửa khóc tiếp. Hình như là tới lúc ăn phở gõ với chị Hai nó mới nín, là phở ông chủ mua để giảng hòa, có cả chén tái ăn thêm, mà cái đó gọi là khóc hay làm quạng ăn vạ ta?
Lại lạc đề nữa rồi.
Làm ăn buôn bán thì phải nói chuyện lâu dài, ngày đầu khai trương của hai chị em nó có gì đáng nói không? Hình như không. Bán được nửa buổi thì hết đá, con Út chạy đi mua đá. Mực nướng mấy con đầu thì chín quá, mấy con sau thì con Hai mới biết chỉ cần nướng vừa, phải vậy mực với mềm và còn ngọt. Buôn bán cứ coi là lai rai, khoảng 11 giờ tối là chị em nó bắt đầu dọn hàng, cũng may là chỗ gửi bàn ghế cũng gần, cách có mấy cái nhà, ông chủ tiệm cầm đồ giao chìa khóa để chị em nó tự mở tự cất rồi tự khóa cửa. Nước để rửa chén bát với quét dọn chà sân cũng lấy của ổng luôn. Bọn nó về tới nhà cũng hơn 12 giờ đêm, mệt quá nên rửa ráy sơ rồi đi ngủ.
Sáng hôm sau thì con Hai mới nghĩ đến một việc. Đó là tại sao dù đã hẹn trước rồi, mà hôm qua khai trương lại không thấy thằng Què xuất hiện?
*
Lại qua thêm mấy ngày nữa, lúc này thì chuyện buôn bán cũng tạm coi là ổn định, hai chị em nó sau khi trừ vốn thì đã bắt đầu có dư.
Thằng Què lần đầu tới thăm quán, là chuyện của hơn một tuần sau. Nó ăn mặc sạch sẽ hơn, đầu tóc cũng gọn gàng, nhưng gương mặt thì buồn nhiều hơn.
Thời gian trước công viên bị động, có thằng nghiện giật đồ xong còn xách dao đâm người ta. Vụ đó ồn ào cả lên, công an truy quét công viên, cả ổ bọn nó bị bắt. Có mấy đứa bị đánh xong thì được thả ra, còn thằng Què thì tạm giam để lập hồ sơ, chắc chắn là không oan cho nó rồi.
Là mẹ của thằng Què tới bảo lãnh con về, phải tới lúc này thì đám kia mới biết là thằng Què còn có mẹ. Thằng Què tới quán con Hai lúc chiều muộn, nó móc ra cho Hai xem trước mấy tờ tiền rồi mới tự khui bia múc trứng. Chuyện kế tiếp là nó kể sau hơi men của ly bia đầu tiên.
Quê nó ở miền Đông, cha nó là thợ đào giếng, mẹ nó ở nhà cơm nước với nuôi gà, tính ba nó hiền lành lại siêng năng, nó nhớ hồi đó trong xóm nhà nó cũng coi như là hạnh phúc. Nó cũng được ba cho đi học ở trường gần nhà, chiều chiều quậy phá câu cá với đánh nhau, tối về tô cơm đã bới sẵn.
Một ngày cha nó đi nạo giếng cho người ta, bị động mạch, đất bùn dưới đáy giếng thì trào lên, đất cứng xung quanh thì lở xuống, cái thành giếng thì rớt ra, một mảnh đập vào đầu cha của nó, bất tỉnh nổi lềnh bềnh dưới đó hơn nửa ngày. Lúc được người ta khiêng về tới nhà thì cha của nó đã tỉnh, nhưng kể từ đó ổng yếu hẳn đi, cử động một chút là thở gấp mệt mỏi. Là do ngâm lâu trong nước lạnh với lại hít nhiều khí độc dưới mạch giếng ngầm, phổi hư tổn, cơ bắp cũng theo đó mà yếu dần. Khí độc trong mạch là lý do mà người ta hay thả cá xuống giếng, để lúc lấy nước mà thấy cá chết thì biết mà đề phòng.
Mẹ nó thương ba nó, không loanh quanh ở nhà nữa mà theo người quen đi bưng lễ trên chùa, tiền không nhiều nhưng chuyện ăn uống thì không thiếu. Chỉ là ba nó bắt đầu uống rượu...
Rồi mẹ nó theo ông kia lên Sài Gòn, mỗi tháng đều có gửi tiền về, tiền đó cha nó dùng hết để mua thuốc giải sầu vị cay, uống vô thì nỗi buồn sẽ trôi đi mất, là trôi từ đời lớn sang đời nhỏ. Nó nghỉ học để chăm sóc cho cha, nhưng ổng say quá điên quá nên nó chịu không nổi. Ngày cuối cùng nó còn ở quê cũng là ngày nó đem nguyên cái mâm cơm hất vô mặt cha của nó. Lúc hất xong nó vẫn đứng đó, nó đứng nó khóc nó chờ cha đánh nó, nhưng ổng chỉ nằm quờ quạng chụp lấy cái chai, vừa uống vừa chửi mẹ nó, phải uống hết nước trong chai thì ổng mới chịu ném cái vỏ đi, là yếu đến mức ném không bể nổi cái vỏ chai.
Nó đứng đó khóc cả đêm, khi khóc không nổi nữa thì nó lên Sài Gòn tìm mẹ.
Mẹ nó lúc đó đang có bầu, lúc nghe tiếng chuông cửa bước ra vừa nhìn thấy nó thì bả giật mình. Nó ở với mẹ được mấy tháng thì bỏ đi, bắt đầu kiếp sống bụi đời, còn lý do vì sao thì chỉ mình nó biết.
Cái chân què của nó là chuyện sau này, ban đầu chỉ là bong gân rồi sưng lên như bình thường thôi, sau nó nhịn đau giỏi quá nên thành viêm gân rồi què. Tuần trước lúc bị bắt không biết vì sao nó lại nhắc tới mẹ, bả nghe tin thì cũng lên bảo lãnh nó, về ở với bả được mấy ngày thì nó lại bỏ đi tiếp. Không phải là bả chửi hay đuổi nó, mẹ nó không có tệ hại như vậy, là do nó xấu xa nó sai lầm thôi, bả còn mua cho nó bộ đồ với đôi dép mới nữa mà. Chỉ là hôm nó đi, mẹ nó bận dỗ em, nhìn thấy nó xách bọc đồ thì chỉ nói theo một câu: "nhớ khép cửa lại giùm."
Vậy lý do là gì? Không phải tôi nói mà là thằng Què nói, đẹp đẽ hay tàn nhẫn, mọi người muốn nghĩ sao thì nghĩ. Tôi không quan tâm, mà đằng nào thì mọi người cũng đâu có quan tâm gì đến thằng Què đâu.
"Sau này dù có bị đánh chết tao cũng không làm phiền tới bả nữa. Không có tao, bả sống tốt hơn nhiều..."
Con Hai nghe thằng Què kể chuyện, nó vừa khóc vừa nướng nem, là nướng cho bàn khác, tiền hồi nãy thằng Què móc ra chỉ vừa đủ cho chai bia với mấy cái trứng vịt lộn kia thôi. Nghe tới lúc thằng Què bỏ quê đi tìm mẹ thì con Hai khóc òa lên, kìm không được mà nướng thêm cho thằng Què cuộn nem. Rồi khi thằng Què miêu tả cảnh bong gân chân sưng to như trái dừa mà vẫn phải ráng đi giựt giỏ, con Hai quệt nước mũi mà nướng cho thằng Què thêm cuộn nữa.
Con Hai chỉ có một tay, nó quệt nước mũi tay nào thì cũng bóc nem tay đó, thằng Què cầm cuộn nem nướng óng ánh thơm phức béo ngậy lên, nó nhìn cuộn nem, run rẩy một hồi lâu rồi nhắm mắt thở ra mà bỏ cuộn nem vào miệng. Dư vị khó tả, là tình thâm.
Tới lúc thằng Què xin thêm con mực nướng thì con Hai hết khóc, nước mũi cũng khô thành cứt mũi trong ba giây, nó nhếch mép nhìn xéo thằng Què: '' rồi mày nghĩ tao có cho hông?''.
Câu hỏi kỳ này: một tay, vừa bóc nem, nướng nem, lột tỏi, quậy mắm, xiên nem, khui bia, quạt lửa, trông khách...vừa ngăn cản trùm lanh tay bốc trộm như thằng Què kiểu gì?
Đáp án: lấy cái xiên que đâm nó.
Buôn bán cũng được, có đồng ra đồng vô mỗi ngày, ế thì có ế nhưng lỗ thì không. Nghe hay nhỉ, nhưng đó chỉ là vấn đề kinh doanh, là phần nổi ở bên ngoài, sáng bày hàng ra bán được hai con cua thì cũng là kinh doanh có lợi nhuận đó, để nói thêm chút về tình hình ở bên trong, là chờ tới trưa khi bầy cua đã chết.
Tiền bán được trong ngày, năm phần là để xoay vốn, tức là mua thêm hàng hóa bia bọt cho ngày hôm sau bán. Một phần là trả nợ tiền cọc tiền gối đầu các thứ lúc mới khai trương, một phần là bù vào mấy thứ vật phẩm tiêu hao với nâng cấp mở rộng sửa chữa quầy hàng. Vậy là còn lại ba phần, tính vô ăn uống nhà cửa quần áo học hành xe cộ các thứ của hai chị em nó, chưa nói đến việc tiết kiệm phòng thân, hay ít nhất cũng là để dành lại được khoản vốn ban đầu đã bỏ ra.
Ví dụ nha, con Hai nó mười bảy mười tám tuổi rồi, là thiếu nữ rồi, vú mớm cũng đã có rồi. Trước đây lượm ve chai thì không sao chứ bây giờ bán quán thì ít ra cũng phải có cái áo ''dzú'' chớ, nếu mà cứ để đòng đưa như vậy thì đừng trách sao mấy thằng say nó thích ăn mặn, bia vô được mấy chai thì chơi chiêu bốc lầm với bóp ẩu. Nghe thử xem có thấy quen không nha: "Hứ, lỡ bóp xíu làm gì căng, đụng vô cho là may phước rồi chứ ở đó bày đặt chảnh điệu, báu lắm..."
Mà cái áo dzú thì cũng phải mua bằng tiền, bia bán lời được có mấy đồng một chai, muốn che được cặp nhũ thôi thì nhè nhẹ cũng mất cả sọt bia rồi, mà hổng lẽ mua có cái một, rồi áo lá của con Út nữa chi? Sách vở nữa, lốp xe hông mòn chắc, rồi tiền công buôn bán từ chiều tới đêm khuya của hai chị em nó nữa? Nói làm chủ cho sang vậy thôi chứ cái quán chút xíu đó thì lời lãi được mấy đồng, có bằng ngày xưa đi lượm rác hay không? Bà Ê Sắc ve chai hồi đó lượm rác mà mua được cả hũ vàng, còn bọn nó mua có cái áo dzú không mà mất trắng tiền lời của hơn một ngày rồi. Hôm nào trời mưa lớn chút đi rồi biết, áo dzú giặt không khô, mặc vô ngứa rồi có một tay thì mày gãi sao hở Hai què?
Bước ra đường làm ăn kinh doanh, trước khi tính lời thì phải biết tính nợ. Cứ coi cái quán đó là công ty, mở ra để gầy nợ rồi ém vốn để lỡ đổ bể thì còn có cái mà gầy nợ lại từ đầu. Dễ hiểu hơn, coi cái quán là công cụ để đi vay, làm được thì trả, làm không được thì đạp đổ làm lại, đó là cách mà nền kinh tế nó vận hành đó. "Tuyệt đối không được đem hết trứng bỏ vào một giỏ, đem tiền đong gạo để đi buôn, đem giấy tờ nhà ra cá cược." Bước ra đường làm ăn thì thứ đầu tiên phải tính đó là chừa đường thoát cho chính mình, là luật kinh doanh.
Doanh nhân khác với trọc phú ở chỗ nào, đó là doanh nhân biết làm giàu bằng tiền của người khác, mắc nợ nghìn tỉ thì vẫn là đúng hướng kinh doanh. Còn trọc phú đem tiền nhà, tiền bán đất, tiền thừa kế...ra thị trường, sảy chân một cái thì ra đường mà ăn vạ. Khuyên chân thành luôn, tự nhiên có tiền mà không biết làm ăn kinh doanh, thì ăn chơi đi, ít nhất cũng là tự mình xài tiền của mình chứ không phải đưa người khác xài giùm.
Lần nữa, con Hai nó không biết điều đó, vốn liếng của nó có chút xíu hà, là nhín đầu này nhịn đầu kia rồi vay mượn mà mở quán. Vậy nên cái quán này chính là cái mạng của nó luôn đó, bằng mọi giá nó phải giữ gìn, bệnh có nặng tới cấp mấy thì cũng phải ráng lết cái thân ra để dọn hàng. Là nó đang đứng ở cái bậc thang thấp nhất trong kinh doanh, được đồng nào thì hay đồng đó, bán hết bữa nay rồi hãy tính tới bữa kề. Miệng thì cứ liên tục kêu nó là cô chủ cô chủ, nhưng thật ra là tôi đang chọc quê nó đó. Nó vẫn chỉ là đang làm thuê thôi, không phải là đang làm thuê cho chính mình, nói như vậy vẫn còn sang chảnh lắm. Là nó đang làm thuê cho miếng ăn của mình.
Tôi biết điều đó, tôi vừa mới nói ra thì bạn cũng biết điều đó. Nhưng mà nhiều người khác thì không biết, trong mắt họ đơn giản là con Hai đã đổi đời làm bà chủ, chính là mấy bà cô nhiều chuyện trong xóm, họ đã sáp nhập con Hai vào hội chị em cùng lùi của họ. Là vì lúc này trong con mắt của họ, con Hai đã có thể cho chơi chung.
Mệt mỏi lắm, chuyện nói ra dài dòng, cũng không muốn thọc mạch sâu vào cách mà phụ nữ tụ tập với nhau. Họ có nguyên tắc riêng của họ, đây không phải là thứ cần học hay có thể học, nó là thứ được kế thừa sẵn theo gen. Nghiên cứu suốt bao năm cũng chỉ đúc kết ra một kinh nghiệm duy nhất dành cho cánh đàn ông, đó là tốt nhất đừng dính vào.
Một mình con Hai nhặt rau răm, năm phút xong một bó, thêm ba bà cô bu vô nhặt phụ, nửa ngày trời cái bó nó còn nguyên. Cái gì cũng mệt, chỉ duy nhất có cái miệng là không. Chẳng có đúng sai tốt xấu gì ở đây cả, đơn giản là thế giới của con Hai đã được rộng ra thêm một chút. Đàn ông chỉ có thể đưa em vào bụi hay vào giường, còn muốn chân chính bước vào đời, thì phải nhờ đến mấy cái miệng của hội chị em.
Để nhiều chuyện chút cho vui coi...
Cái tay bị liệt bẩm sinh của con Hai cam đoan là y học hiện nay vẫn chưa chữa được. Nhưng có bà cô kia bả có cách chữa, bả nói có cái chỗ nào đó có ông thầy nào đó hay ghê lắm, tới đó cho ổng làm bùa làm phép cái là tự nhiên nó lành liền. Nghe nói tay cụt mà ổng còn cúng cho mọc ra lại được huống hồ gì chỉ bị teo.
Không phải là lừa đảo đâu, bả tận mắt thấy luôn mà, có thằng ăn mày kia bị cụt hai chân, thầy thương tình thầy mang về làm phép, vừa cúng xong là nó bật dậy nó chạy nhanh như bay luôn, nhảy múa các kiểu, từ hip hop tới nhảy sạp nó cân được tất. Còn có người kia bị mù, mắt nhìn vô chỉ thấy có tròng trắng, thầy vừa vuốt mắt một cái là tự nhiên lòi ra hai cái tròng đen, lập tức thấy được liền, thậm chí còn đọc được cả chữ nữa, bao luôn vẽ tranh. Công nhận thầy lợi hại, chỉ có điều là thầy chỉ chữa được cho người quen thầy gài vô thôi, còn người lạ thì thầy lấy tiền, bệnh chết tự chịu.
Cái bà mập mập bán thịt heo ở cái góc trong cùng nhất của chợ đó, là chuyên gia cân điêu. Bình thường cái cân của người ta ăn gian một hai lạng là được rồi, còn bả thì phải ba lạng có hơn. Có lần bà bán thịt bò mua của bả một cái chân giò, cân tại chỗ là ba ký rưỡi, đem về hàng của mình cân thì chỉ còn ba ký. Rồi hai bà chửi nhau ủm tỏi, lúc đem ra ban quản lý cân bằng cân mẫu thì chỉ còn hai ký rưỡi, vậy rõ ràng là cái bà bán thịt lợn bả cân gian. Cái bà bán thịt lợn này thật là xấu quá đi, ở ác nên mập là đúng rồi, nhìn cũng sắp thành con lợn rồi đó.
Vay tiền góp 100 ngàn, mỗi ngày đóng 10 ngàn thì đóng trong 11 ngày là hết cả gốc lẫn lãi. Nếu đóng 5 ngàn một ngày thì sẽ thành 23 ngày. Còn vay tiền đứng 100 ngàn thì mỗi tháng đóng lời 20 ngàn. Còn vay tiền của quỹ hội phụ nữ của phường thì mỗi tháng tiền lời chỉ có 1 ngàn hai, nhưng mà rất khó vay. Nếu muốn vay cửa sau thì phải đóng tiền cò với bảo lãnh là 8 ngàn một tháng. Nhưng như vậy thì tổng lời vẫn chưa đến 10 ngàn. Khi nào muốn vay tiền thì nói chị, chị giúp vay cách đó cho nhẹ tiền, nhưng mà nói trước là chị sẽ thu trước một tháng tiền lời để làm hoa hồng môi giới đó nha. Là chị thương em thiệt nên mới giúp, chứ không phải ai chị cũng chịu đâu. Ừ chị tốt! Tháng đầu lời thấp cộng hoa hồng bằng lời cao, tháng thứ hai thì thêm phí của đại diện thu giùm. Vay nợ giống như bệnh mãn tính, quan trọng là gầy bệnh cho nó, chứ bệnh rồi thì sẽ không hết được đâu.
Việc ngu nhất mà một người đàn ông có thể làm chính là lấy vợ. Còn việc ngu nhất mà một người đàn bà có thể làm chính là đánh ghen để giữ chồng.
Cái việc đánh ghen nó thể hiện ba điều đang có của cái người đi đánh ghen.
Một là cái ngu của họ.
Hay là cái bế tắc đến tuyệt vọng của họ.
Và ba là sự đáng thương hại của họ.
Tuyệt đối không có một thằng đàn ông nào vì thấy vợ đi đánh ghen mà quay về với vợ đâu. Cùng lắm thì hắn ta chỉ bỏ con đó để đi kiếm con khác thôi. Là chuyện ăn vào máu, chỉ chờ thời gian và cơ hội để thực hiện.
Cách hai người chia tay chính là cách mà họ sẽ dùng để nhớ về nhau, không cần biết họ yêu nhau kết hôn và chung sống với nhau như thế nào. Chỉ cần biết là nếu có chuyện đánh ghen xảy ra, thì khi kết thúc họ sẽ tạo thành cặp đôi: "thằng bạc tình - con mụ điên."
Giải cái phương trình này ta sẽ ra được hệ nghiệm sau đây.
"Anh chỉ bạc tình với con mụ điên đó thôi, còn với em là không bao giờ."
"Trong lòng anh, đoạn đường đó là sai lầm, bây giờ chỉ còn lại thù hận."
Em không điên, không đánh ghen, em biết cách kết thúc trong yên bình, thì em sẽ có cơ hội tìm được thằng mới tốt hơn, là đổi hàng ngon hơn để xài. Còn em mà bị điên, thì xin lỗi, không có thằng nào biết mà chịu dính vào em đâu, nó không muốn cái chuyện xấu hổ đó xảy ra với nó, là lo xa. Chỉ có em thôi, một mình em ôm cái mệnh bị phụ bạc đến hết đời.
Và cái gọi là hội chị em kia chính là nguồn cơn, là động lực, là sự thúc đẩy hoàn thành của cái khái niệm đánh ghen kia, đem cái ngu ghim vô đầu của tất cả.
Đó là còn chưa nói tới mấy cái chuyện ganh ghét khoe khoang nói xấu đâm chọt lẫn nhau các kiểu đó, là nhiều quá nói không hết. Tất nhiên thì cũng phải có nhiều yếu tố tích cực, tình cảm chị em đương nhiên có, nhưng cần phải nhớ rõ điều này: ''Thương mà không đúng, thì sẽ thành hại.''
Nhiều chuyện đủ rồi, quay lại chỗ cái quán nhậu thôi.
*
Chiều còn sớm khách chưa đông, con Hai đang ngồi tám chuyện thì con Út đạp xe đạp về, nó xách theo cái bao, bên trong là sắt vụn.
Con Hai hỏi, con Út nói là hồi nãy đạp xe đi ngang, thấy nên lượm đem về. Con Hai hỏi còn chuyện học thì sao, con Út nói nghỉ một ngày cũng đâu có chết ai.
Trên giỏ xe còn có cuộn dây điện vụn, con Út định ăn cơm rồi lát đem ra bãi đất trống để đốt lấy đồng. Từng này cũng coi như là trúng mánh, bằng tiền buôn bán của hai ba ngày cộng lại của hai chị em, mặt con Út tươi như hoa.
Con Hai tiến tới, nó lấy cái bao liệng qua một bên, đồ bên trong tung tóe cả ra. Rồi con Hai lấy cái tay lành đánh vô vai con út.
"Sao Hai đánh Út?"
Con Hai im lặng đánh tiếp, mạnh hơn. Con Út tức, nó hét lên:
"Sao tự nhiên Hai đánh Út?"
Con Hai đánh tiếp, liên tục mấy cái, Út đau, Út khóc:
"Út có làm gì đâu mà sao Hai đánh Út? Hai nói Út nghe đi, sao tự nhiên Hai đánh Út..."
Con Hai vẫn bặm môi mà đánh. Con Út khóc lớn lên, nước mắt nước mũi tèm lem ra:
"hơ hơ hơ...sao tự nhiên Hai đánh Út ...hu hu hu hức hức... sao tự nhiên đánh người ta...hơ hơ hơ...Hai mà không nói Út ghét Hai bây giờ... hơ hơ hơ..."
Rồi con Hai cũng khóc, nó khóc dữ dội luôn, khóc không to, nhưng nước mắt chảy ròng ròng, nấc từng tiếng một:
- Hức hức hức... Hai đâu có khôn đâu, Hai đâu có biết đâu...hức hức...đâu biết phải nói gì đâu...hức hức... Hai đâu có biết phải dạy Út sao đâu...hức hức...Hai chờ Út đi học Út biết rồi Út dạy lại cho Hai mà...hức hức... sao Út nghỉ học...hức hức... Út đừng có nghỉ học nữa nha Út...hu hu hu...
Rồi con Út ôm lấy chị Hai, nó nói gì đó nhưng khóc to quá nên nghe không rõ, cứ... Út hứa hứa... rồi Út hức hức... Hai chị em nó khóc chấn động cả con đường.
Phải một lát sau thì mới nghe rõ con Út nó nói gì :
"hơ hơ hơ...hức hức hức...chị Hai hơ hơ hơ...anh Què ảnh móc mực khô ảnh ăn kìa...
*
Trương Lang Vương.
*"*"*
(còn tiếp)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top