Chương 7
CÁI ĐIÊN CỦA MỘT CON ĐĨ (7)
*****
Tiếp tục tua nhanh khúc này, con Hai què kia thì đâu có thông minh hay giỏi giang gì đâu, thức một đêm trằn trọc khấn lên khấn xuống thì cũng chẳng qua là nó muốn nâng cấp cái quán hột vịt lộn kia thành quán nhậu cóc mà thôi. Là bán đồ ăn thấy không đủ lời thì bán thêm đồ uống, làm ăn mà, ai mà không muốn phát triển, muốn làm lớn chứ?
Đó là mọi người nghĩ, còn trong thực tế thì việc phát triển đa phần là bắt buộc, bởi giậm chân tại chỗ thì chẳng khác nào chờ chết. Không tin thì cứ thử mở ra cái cửa hàng chỉ bán quần chứ không bán áo đi, hay là quán cà phê mà không có wifi, hoặc rửa xe mà không thay nhớt...
Trong kinh doanh thì việc phát triển là bắt buộc, thật đó, ít nhất là phải so được với mặt bằng chung, đừng có tệ đến nỗi đứng thẳng mà cũng không bằng người khác ngồi là được. Còn phát triển cái kiểu nào thì từ từ bàn sau, ví như nhà vườn bây giờ họ đâu có chờ cho sầu riêng tự rụng, họ phát triển hết rồi, là mua thuốc để nhúng ép chín, hoặc là chích thẳng thuốc lên cây. Chứ sầu riêng mà chín cây tự rụng thì để được mấy ngày? Sợ chưa kịp bày ra bán thì nó đã hư mất tiêu rồi.
Bây giờ là chuyện con Hai nó tìm đường phát triển.
"Muốn bước hay lướt thì đi trước cũng phải rước đồng tiền." Trăm ngàn đạo lý thâm sâu trong kinh doanh cũng đều từ một câu đó mà ra. Còn những người muốn kinh doanh theo kiểu vốn không đồng, vốn tự có, vốn có thể nâng cấp bằng silicon hay kẹo xanh tam giác...thì cứ từ từ, tôi sẽ hướng dẫn cụ thể và chi tiết sau. Còn ai mà gấp muốn vô nghề quá thì cứ liên hệ để gặp mặt trực tiếp, tôi sẽ cầm...mà chỉ việc cho.
Sáng hôm nay, con Hai đập con Út dậy sớm, hai chị em nó rửa mặt xong thì dọn cơm ra ăn. Là cút lộn kho hột vịt lộn ăn với cơm nguội, con Út ăn cục vàng với cục chì, con Hai ăn phần thịt có lông. Ăn xong con Út rửa chén, con Hai quét nhà, là quét dồn hết bụi bặm với rác lại rồi hất ra bãi cỏ trước sân, đợi khi nắng nhiều mấy ngày thì châm lửa đốt tiếp.
Nếu mà bịt mũi lại rồi chạy ra xa xa thì cái cảnh đốt sân cũng không khác gì mấy so với cảnh đốt đồng dưới quê. Mờ mịt mịt mù thêm con chó chạy rông con nít ngóng mòn nữa là đủ để tả cảnh thê lương. Ờ, cũng phải nhớ canh hướng gió nữa, hễ ngu ngơ là cháy luôn cái nhà chứ không phải giỡn chơi. Với hai chị em nó, ranh giới giữa có nhà và không nhà, tự cúng và đi giật đồ cúng, nó mỏng manh lắm, lúc nào cũng mỏng manh.
Con Hai nói con Út mấy câu, con Út bặm môi lại mà gật đầu, nó kéo cái xe đạp ra khỏi gầm giường, lấy khăn nhúng nước lau cái xe lần cuối. Tính ra lâu nay dưới bàn tay chăm sóc của con Út, cái xe đạp mới hơn nhiều so với khi được ông cụ tặng. Trừ mấy ngày đầu tập đi, còn nhiêu lại cho đến nay đều là một mình con Út ngồi trên cái yên xe đạp đó. Tối tối có rảnh rỗi ra công viên, con Hai thì ngồi ăn cóc non hay chùm ruột chấm muối ớt với bọn bụi đời, còn con Út thì ôm cái xe, một tay ôm, một tay đẩy mấy đứa khác xa ra khỏi cái xe.
"Xe này là của Út, Út còn thì xe còn, Út có đau bụng vô bụi rậm ngồi thì Hai nhớ khóa xe vô cái tay què của Hai giùm Út."
Có lần có đứa ''nhảy'' được cái xe đạp mi ni nhìn cũng đẹp lắm, nó hỏi Út có muốn đổi ngang không nó đổi cho, là Út có lợi, bởi rõ ràng giá xe này phải gấp rưỡi cái xe đạp đầm phượng hoàng kia. Có cả giỏ với chuông nữa, tăm xe còn gắn cả đĩa cd, đúng kiểu đúng mốt đúng bài.
Nhưng con Út chỉ xì một cái rồi thong thả sang chảnh mà đạp xe đi chỗ khác. Dưới gầm trời này từ công viên ra góc chợ rồi kéo về nhà, ngoại trừ cái bàn thờ mẹ ra, trong mắt Út không có gì quý giá hơn cái xe đạp của nó. Nhớ có lần con Út sơ xẩy, để hai đứa kia lấy xe chở nhau đi một vòng công viên. Lúc về trả xe vừa nhìn thấy con Út là mặt hai đứa đó tái xanh, là con bé gửi dép cho chị Hai, rồi hai tay cầm hai viên gạch thẻ, trước mặt có thêm đống đá gom sẵn.
Chính là muốn ra tay một lần để sau này đám bụi đời công viên biết đường mà né cái xe đạp của Út ra. Trận đó ghê lắm, kể ra thì mất công mang tiếng lớn mà đi nói xấu con nít, chỉ biết là có một đứa trèo lên cây kiến cắn không dám xuống, một đứa thì bị con Út rượt rồi té kiểu nào đó không biết, phải theo làm đệ thằng què trong hai tuần. Đứa tật chân trái đứa cà nhắc chân phải, bình thường thì không sao, chứ hai đứa nó mà đi ngang hàng với nhau thì nhìn vui lắm, là đôi bạn cùng lết trong công viên.
Ăn sáng xong, dọn dẹp nhà xong, xe cũng lau xong rồi, Út chở chị Hai ra tiệm cầm đồ để cầm cái xe. Dọc đường, Út không nói câu nào, cũng không hỏi han chị Hai thêm câu nào, chỉ khe khẽ hát cải lương, là nó cố tỏ ra bình tĩnh khi cõi lòng đang dậy sóng. Từ lúc có xe đạp Út thường rủ chị Hai ra công viên chơi, phần vì vui phần vì mát. Nhưng chủ yếu là vì mỗi lần ngồi trên cái xe đưa đẩy mà nói chuyện với đám kia, con Út có cảm giác thành tựu ghê lắm, mà nói thẳng ra là cái kiểu nhà giàu có của đem đi khoe. Sở hữu tài sản là việc cho ta ba phần thoải mái, bảy phần thỏa mãn hư vinh, cái cảm giác lúc khoe của đó giúp con Út ngủ ngon hơn mỗi đêm. Có nhà có xe có chị có bàn thờ mẹ, cuộc đời con Út chưa bao giờ sung sướng mãn nguyện đến thế.
Mới hơn bảy rưỡi sáng, ông chủ tiệm cầm đồ vừa mới ăn sáng xong, lúc đẩy cửa bước ra khỏi nhà, chưa kịp vươn vai chào ngày mới thì đã thấy hai chị em nó ngồi chồm hổm trước cửa. Nhìn hai cái mặt với bốn con mắt rồi nhìn cái xe, tự nhiên ông chủ tiệm muốn đóng cửa lại ngừng kinh doanh trong ngày hôm nay, cứ coi như là có linh cảm chẳng lành đi.
Con chị thì ít gặp chứ con em kia thì ông nhẵn mặt, tối nào đi bán trứng gõ mà nó không sà vào tiệm của ông để xem ké ti vi. Lúc đầu nhìn nó nhỏ thấy tội nghiệp nên mua giúp chứ không đuổi, sau không mua cũng không đuổi, kế tiếp là đuổi mà không mua, sau cùng là phải cố tình mua mới đuổi được nó đi. Để rồi kết cục là nó tự nhiên hơn người nhà, mua bán xong xuôi là nó chiếm ghế chiếm ti vi bật kênh nào mà nó thích. Còn dặn ông chủ tiệm là ăn trứng nhớ chừa cục chì lại để nó ăn giúp cho. Mà thật sự thì trong quả trứng vịt lộn, ông chủ tiệm cũng chỉ thích ăn mỗi cục chì.
Mặt ông chủ tiệm tỉnh rụi, nhìn thẳng ra đường rồi nhìn sang hai bên, lông mày đăm chiêu có vẻ căng thẳng. Kế đó là quay lưng khép cửa cái rầm rồi mạnh dạn bước đi, vừa nhìn đã biết là ông có việc gì đó bận ghê lắm. Cho tới khi bị con Út chụp cái chân lại rồi nói:
- Chú ơi! Cầm giùm chị em con cái xe...
Xã hội này nếu vơ đũa cả nắm thì đúng là tệ thật, nhưng không phải lúc nào cũng tệ, ai cũng tệ và với ai cũng tệ. Chuyện ông cụ bảo vệ tốt tính đem cái xe đạp tặng cho hai chị em nó thì cả chợ này ai cũng biết, lúc đó họ râm ran cũng hết mấy ngày. Cũng có người độc mồm độc miệng nói mấy câu không hay, cơ bản là họ ghen thôi, không phải ghen vì cái xe, mà là ghen vì trong đời họ chưa từng có ai đối xử với họ như vậy. Cũng giống như câu chuyện về tử tù và cha xứ đứng hai bên cửa xà lim, ngã rẽ cuộc đời khác nhau chỉ mỗi cái bánh bao năm xưa cha xứ từng được nhận, mà rõ ràng thì lý do không phải chỉ tại cái bánh bao đó rồi.
Ông chủ tiệm cầm đồ không phải là người hiền lành, thử mở tiệm ngay chợ rồi mỗi ngày đối phó với mấy bà mấy cô đó đi, muốn hiền cũng sẽ hiền không được. Nhưng mà...hai chị em đó tội lắm, cũng ngoan, cũng lành. Mấy bữa đầu lúc hai chị em nó chiếm chỗ ngủ của ông cụ bảo vệ thì ông chủ đã bắt đầu nhớ mặt bọn nó rồi. Là để đề phòng thôi, con nít bụi đời hay gắn liền với ba chữ ăn cắp vặt, không phòng không được.
Hồi đó có mấy lần ông cụ bảo vệ ngoài trái cây ra, còn có thêm mấy món mặn cho hai chị em nó ăn đêm, là của ông chủ tiệm cầm đồ đó. Ổng trải đời nhiều, dư biết là việc mình làm có đúng và đáng hay không. Rồi thêm chuyện con Út đi bán trứng dạo, bảy ngày thì ổng mua ăn đủ bảy, còn có thêm bịch bánh hay dĩa trái cây trên bàn cho nó vừa ăn vừa xem ti vi.
Lòng tốt của con người thường có ba loại.
Một là tâm can. Là máu chảy ruột mềm, mạng đổi mạng cho nhau, không có giới hạn hay ràng buộc gì cả. Hiếm gặp lắm, dành cho tình thân hoặc chân tình thôi. Người với người mệt mỏi nhất là ở chỗ này, ai cũng đem tâm can ra thề thốt rồi ước mơ các kiểu, tin là mình có với người rồi hi vọng người có với mình. Không có đâu, khó lắm, đây chính là việc không phải muốn là được. Bớt mơ mộng thì sẽ tránh được thất vọng. Không phải tôi nói mà là những người uyên thâm khác nói: "Người với người mà muốn sâu đến tận tâm can, nó phụ thuộc vào số phận và duyên vận, không thể cưỡng cầu." Những người mà nửa đường muốn xuất gia, chính là do không hiểu được đạo lý này. Làm gì có chuyện cạo đầu là cắt đứt hồng trần, kinh kệ đâu có dòng nào viết như vậy. Chỉ là đừng cưỡng cầu nữa, thì mọi thứ sẽ khác thôi.
Hai là lòng dạ. Cái này thì đã có thể coi là quý nhất rồi, chính là nhờ những người có thiện tâm, có nhân đạo, có tình người. Là nhờ họ mà cái cuộc đời này dù có tệ đến mấy thì sáng ngủ dậy mở mắt ra vẫn có thể nói hai chữ đáng sống. Ông cụ bảo vệ chính là người như vậy, trải qua không phải nửa đời mà là đến cuối đời rồi vẫn giữ được tấm lòng lương thiện của mình. Không cần biết ông từng là người tốt hay xấu, từng làm những việc gì hay từng sống ra sao. Chỉ cần biết là nếu ông không có cái tấm lòng đó thì không thể nào ông có thể sống như vậy, đối xử như vậy với hai con nhóc bụi đời kia.
Cho chỗ ngủ cho miếng ăn là chuyện dễ, nuôi chó cũng nuôi như vậy mà. Nhưng mà thức đêm dưới sương khuya để mà kể chuyện, mà dạy dỗ, mà khuyên nhủ hai đứa bé xa lạ, mong nó biết nó hiểu nó tốt hơn, rồi đứng ra lấy cái uy tín mấy chục năm để bảo lãnh cho bọn nó có công việc, có chỗ ở, có bàn thờ, có định hướng cho tương lai, để bọn nó bước đi trong chợ không phải là thứ lơ bơ lấc cấc, để tự nhiên cái chợ đó người ta chịu chấp nhận, chịu nhìn nhận bọn nó, đó mới là lòng tốt thật sự.
Cái xe đạp là chuyện nhỏ, đem nó ra mà cân đo đong đếm tấm lòng của ông cụ thì ngu quá đi, cũng nhỏ mọn quá. Ai mà còn nghĩ vậy trong đầu thì đi rửa mặt rồi tự tát vào mặt mình mấy cái xong rồi hãy đọc tiếp. Muốn nhớ thì hãy nhớ như thế này nè: "Trước khi gặp ông cụ bọn nó là bụi đời, sống hôm nay biết hôm nay, ngày mai tính sau, rồi nhờ có lòng tốt của ông, bọn nó mới có đường để sống cho đáng và đúng với cuộc đời của mình."
Tưởng dễ hở, không có đâu. Nhan nhản đầy ngoài kia cái bọn ''sống để chi, sống để làm gì, sống như thế nào, sống sao cũng được...'' Nói tốn cơm thì hơi quá, nhưng tránh xa được thì tốt, loại đó không giúp ích hay đem lại được gì tốt lành cho ai đâu. Nhờ nó khiêng hòm cũng phải cẩn thận, sống lành lặn để rồi chết mới bể đầu thì đoạn đường cuối sẽ không vui đâu.
Tưởng tượng hai chị em nó mà không gặp ông cụ bảo vệ đi? Giờ này gom rác bán xong không có chỗ tắm, ra công viên không phải để chơi, mà là kiếm chỗ nằm đại chờ sáng mai đi lượm tiếp. Rồi tới mùa mưa nữa...thôi bỏ đi, nói tiếp cho mau hết chương.
Và kiểu lòng tốt thứ ba, là mặt người. Ông chủ tiệm cầm đồ chính là kiểu này. Là dạng người có mấy mặt, xoay bên này xoay bên kia để sống, nhưng vẫn giữ được một mặt để sống với chính mình. Ăn nhau là ở chỗ đó, là giữ để không hổ thẹn khi tự chất vấn chính mình. Chỗ này khó nè, nói cho kỹ chứ mất công có nhiều người hiểu không rõ rồi lại đi nói bậy khắp nơi.
Không phải là kiểu dì ghẻ xấu với con chồng mà tốt với con ruột. Kiểu này có quay phim cho họ xem lại thì họ cũng thấy họ đúng, bởi một mặt nhưng hai lòng. Thường tình thôi, chỉ có Lọ Lem được quyền trách, chứ không ai có quyền xía vào.
Không phải là kiểu đi làm nghiêm nghị mưu mô rồi về nhà hiền lành tốt bụng. Hay tối trộm cướp giết người rồi ban ngày đi dạy thơ văn. Hoặc chửi rủa cho đã rồi kết bằng câu ''hên cho mày hôm nay rằm tao ăn chay, lát đi chùa về tao chửi tiếp ''... Không phải, tất cả những cái đó chỉ mới là vế đầu thôi, là ''xoay mặt'', đừng có hiểu nhầm rồi tự cho mình là người tốt theo kiểu thứ ba, tự biện minh bằng cách ''không tin thì cứ hỏi ông Lang đi, ổng nói vậy đó.'' Tội nghiệp cho tôi lắm.
Trọng tâm là ở vế sau, chính là chữ ''giữ''. Là trong bất kỳ gương mặt nào đem ra để sống, vẫn giữ được cái tính người của mình. Khó khăn và giá trị là ở chỗ đó.
Hiểu thì mới biết vì sao cướp cạn lại thành La Hán, trộm vặt được tôn thành thánh hay tướng giặc ra đi mà cả quốc gia cùng khóc than đưa tiễn. Lấy thẳng ông chủ tiệm cầm đồ làm ví dụ luôn cho dễ hiểu.
Giữa bản tâm nơi chợ búa, làm cái nghề đem tiền tươi ra nói chuyện thật sự không dễ dàng gì đâu, phải đanh và lạnh.
Nhiều người vẫn có thói quen đem cái không cần liêm sỉ của mình đánh vào cái cần thể diện của người khác để kiếm lợi, lợi mấy đồng vẫn là lợi, vẫn đong gạo sống qua ngày được. Ta gọi đó là trò đời, còn họ coi đó là mưu sinh, vai diễn thôi, ai cũng phải nhập tâm mà diễn, đổi vai không được thì phải ráng diễn cho hết đời.
Ông bà để xuống cha mẹ, cha mẹ để lại cho con được món nữ trang làm của hồi môn, nay vì bệnh tật mà đem đi cầm thế đổi được mấy liều thuốc, chuộc không được thì coi như cắt đứt truyền thừa mấy đời. Lạnh là để cầm được cái kéo đó.
Mọi người gặp mỗi ngày dù quen sơ hay quen thân, ông chủ tiệm cầm đồ đều phải giữ một khoảng cách nhất định, bởi đó đều là khách hàng, là những người sẽ đưa tiền cho mình kiếm sống. Lạnh là để nói hai chữ sòng phẳng cho thật rõ ràng. Tiền bén hơn dao, dao cắt đứt da thịt chứ tiền thì cắt đứt luôn tình người.
Rồi chiêu trò của cái bọn tệ nạn, bọn lừa đảo. Đứng sau quầy cầm đồ thử một ngày đi rồi sẽ biết, vàng có đủ chín trăm chín mươi chín cách làm giả, ''phù, trù, bù, lạc'', chỉ bốn kiểu đó thôi là đủ để học hết một đời mà vẫn chưa tốt nghiệp. Đồ điện tử thì nhiêu khê, xe cộ máy móc thì dễ bị ôm hàng lô, xui nữa là hàng nhảy, rắc rối phát sinh trăm đường. Cầm giấy tờ là mệt nhất, khó quá thì không ai cầm, ra ngân hàng chẳng phải nhẹ hơn sao, mà dễ quá thì ra đê ở, bởi giấy gì gọi chung lại cũng đều là giấy lộn. Lạnh không chỉ với người, mà còn phải lạnh với chính mình, để giữ cho cái đầu tỉnh táo.
Có lần nghe ai đó hỏi giữa cái nghề cho vay với cái nghề cầm thế, nghề nào khó khăn hơn? Cả đám đập bàn mà nói, ''dĩ nhiên là cho vay rồi, đòi nợ khó khăn''. Rồi cũng cái đám đó sau một hồi suy nghĩ thì bắt đầu nói nhỏ, ''có lẽ là cầm thế khó khăn hơn, bởi ngu thì vẫn đưa tiền cho người khác xài trước được. Chứ không khôn thì không thể cầm trước đồ của họ đâu. Chủ nợ tuyển lính lác ngoài đường, còn ngân hàng thì tuyển trong trường đại học, đẳng cấp khác nhau rất rõ ràng.''
Quay lại chỗ ông chủ tiệm cầm đồ, cái ''mặt người'' mà ổng giữ, nó thể hiện ở chỗ nào?
Nói ngắn gọn vài chuyện, người hiểu được thì sẽ tự khắc hiểu.
Đều là người quen trong chợ, không phải món nào ổng cũng thanh lý, có những món vài người lâu lâu ổng có gặp thì lại nhắc người ta nhớ đóng tiền lời. Khách cầm thế sẽ biết là đã quá hạn mà món đó vẫn còn, liệu cơm gắp mắm mà đưa ra quyết định. Còn mấy đứa đần thích hóng hớt bên ngoài thì sẽ nghĩ ''chắc ổng muốn kiếm thêm tiền lời''. Xin lỗi nha! Mở tiệm cầm đồ mà chỉ trông vào tiền lời thì thà bán rau hay bán gạo còn có ăn hơn. Đa phần lợi nhuận luôn luôn là từ tiền thanh lý, chắc như đinh đóng cột.
Gần như cái gì ổng cũng cầm, kể cả những cái không thanh lý được ổng cũng cầm. Huy chương, giấy chứng nhận, đồng phục... lâu lâu cũng có cầm, dù là vừa nhìn thì đã biết cái người đem tới cầm kia khó qua nổi con trăng này, ổng vẫn cầm, mà còn cầm được giá. Nói đâu xa xôi, như ông cụ bảo vệ đó, hơn chục năm trước lưu lạc tới khu chợ vùng ven này, ông có đem cầm mấy thứ mà đánh đổi cả thời thanh niên mới có được. Thế rồi chúng lại nằm gọn gàng trong cái túi hành trang trở về quê của ông, từng ấy năm tiền lời, nếu ông chủ tiệm mà tính thì mọi người nghĩ ông cụ chuộc có nổi không?
Nói tiếp, ông chủ tiệm này có thói quen, đó là hay canh lúc người ta khó khăn để mà cầm ép giá, chuyện này cả chợ ai cũng biết, vậy nên danh tiếng của ổng cũng không được tốt cho lắm. Ví dụ như có lần kia nửa đêm, bà quét rác trong chợ bả đập cửa, là đứa con út của bả ban ngày ăn phải cái gì rồi đau bụng, bả muốn đem cầm cái lắc tay bằng vàng mà chồng bả mua cho hồi đám cưới để có tiền cho con nhập viện.
Ông chủ tiệm chỉ cầm cho chưa được nửa giá, đêm khuya không biết nhờ ai nên bà quét rác đành phải gật đầu. Sáng hôm sau bả đem chuyện ra nói, cả chợ bu vô chửi ổng làm ăn vô hậu, thiếu đạo đức, tính nuốt rẻ luôn cái lắc vàng của người ta hay gì? Cũng may là thằng nhỏ không sao, bị nhẹ, từng đó tiền là lo đủ, chứ không là họ hè nhau lật cái tiệm của ổng rồi.
Phải đến khi người chồng từ công trình trở về, nửa đêm chưa kịp ăn cơm thì tát vợ mấy bạt tai rồi nắm đầu kéo tới tiệm đập cửa lần hai, là để cảm ơn, chỉ thiếu đường quỳ lạy. Là năm xưa thèm có vợ nên mới đem cái lắc đi xi vàng để dụ cưới. Bạc xi vàng còn đỡ, đây là inox, nên dù không đeo nhưng để lâu thì nó cũng tự tróc ra. Còn bà kia căn bản cũng thèm chồng hay là quá yêu mù quáng gì đó không biết, nên mới cắm đầu tin đến nỗi dám đem ra tiệm cầm chứ bán thẳng còn không đủ tiền mua liều thuốc, gặp người khác buồn thì chửi chứ vui là báo công an rồi, ở đó mà cầm cho nửa giá theo giá vàng.
Người ta nói đem một mạng con cái đi cầm thì phải chuộc bằng mạng của cả hai người cha mẹ, cái nhà kia coi như trong đời gặp được quý nhân nên đêm đó mới có tiền cho con nhập viện, có thật sự quỳ xuống lạy mấy cái thì cũng không lỗ lã gì đâu.
(Nhân đây cũng xin chia sẻ chút kinh nghiệm, coi như hồi âm thư của bạn đọc. Là một bạn nữ với câu hỏi mà rất nhiều bạn nữ khác hay hỏi:
"Có nên giữ lại cái thai hay không?"
Hãy làm hai việc theo trình tự.
Đầu tiên, cho cha đứa trẻ biết. Thằng đó đểu cáng thì không nói làm gì, bỏ tiền ra thuê người thiến nó đi là xong, tạo phúc cho đời. Còn nếu nó ngọt ngào tốt lành các kiểu thì chỉ thẳng mặt nó mà nói câu này, chính xác từng dấu chấm dấu phẩy:
"Bây giờ anh làm gì thì em không cần biết, xin xỏ vay mượn cầm thế các kiểu tùy anh, muốn làm sao thì làm, chỉ cần đem đến cho em hai lượng vàng để em cất thì em mới đẻ đứa trẻ này ra cho anh!"
Thật đó, không nói đùa đâu. Nếu thật sự hoàn cảnh của bạn khá giả thì hai lượng vàng kia coi như phép thử nhẹ nhàng, không phải thằng nào cũng chịu lòi tiền ra cho cái cơ sở giải trí sắp đóng cửa trong chín tháng mười ngày. Thử sớm để lỡ nó bỏ đi thì khóa với chặn cửa nó luôn, khỏi bận tâm lo lắng mà dẫn đến trầm cảm thai phụ.
Còn nếu hoàn cảnh kinh tế của bạn khó khăn, thì đó là tiền để bạn ăn uống sinh hoạt đóng tiền phòng trọ, đi lại, khám thai dưỡng thai các kiểu, rồi thuốc bổ, kem dưỡng chống rạn da, siêu âm, sinh mổ, sinh khó, quà bác sĩ, khăn tã nước sôi... Nói thẳng ra là để giữ cái mạng của bạn và con của bạn nếu quyết định sinh ra. Hai mẹ con cùng khỏe cùng sống đã rồi từ từ tính tiếp.
Bước thứ hai nè. Thằng đó nó bỏ đi thì thiến nó rồi nha, không nhắc lại.
Còn nếu nó thật sự không thể lo được, cố gắng hết mọi cách mà vẫn không thể lo được?
" Thì bắt đầu từ bây giờ, chỉ có một mình bạn có quyền quyết định đến cơ thể và thai nhi bên trong cơ thể của bạn. Thằng đó đã mất quyền can thiệp hay góp ý.
Nếu không thể bảo đảm khả năng an toàn về y tế và sức khỏe sinh sản, thì ngọt ngào hay chân thành tới mấy cũng bằng thừa, ngậm cái mỏ lại đi thứ vô dụng. Thai nước hay đẻ khó mất máu nhiễm trùng rồi chết thì hai mẹ con nó chết chớ thằng kia có chết đâu, trong đám tang khóc lóc u buồn nhiều khi kiếm được gái mới dỗ dành không biết chừng, hòm chưa đậy nắp mà thai mới đã đậu rồi, chuyện đó còn ít sao?
Bạn nữ, từ lúc này hãy nhớ. Không còn đúng sai hay là thứ đạo đức ba xu gì nữa. Ra quyết định đi, tốt thì chọn, muốn thì làm. Không hối hận, bởi vì không có gì phải hối hận.")
Nói tới đâu nữa rồi, à, là ông chủ tiệm cầm đồ vẫn giữ được một gương mặt đối diện được với lương tâm của mình trong mọi gương mặt mà ông ấy dùng để tồn tại trong xã hội. Đó là một mẫu người tốt khó nhận ra, và là trụ cột lớn nhất để gìn giữ những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống này.
Khó nhận ra là dĩ nhiên, bởi dễ thì cái bọn người xấu nó bu vô lợi dụng, nó ăn thịt nhai xương hết rồi. Còn trụ cột thì không phải vì quý nhất, mà là vì nhiều nhất, là tốt có lựa chọn. Ai trong chúng ta cũng có thể làm được, không phải là muốn hay không muốn, mà là có đủ bản lĩnh hay không thôi.
Ông chủ tiệm cầm đồ vừa nhìn là biết hai chị em kia muốn cầm cái xe, chuyện nhỏ thôi, công việc kiếm ăn của ông mà. Cùng lắm thì tăng cho bọn nó thêm vài giá, rồi chậm ngày thanh lý lại là được, có vấn đề gì đâu?
Vấn đề là ở chỗ ông không muốn con Út va chạm vào thế giới mà ông buộc phải "lạnh" để tồn tại.
Ông không muốn mỗi ngày nó nhìn ông với ánh mắt dành cho người đã cướp đi cái xe đạp yêu quý của nó. Con nít không nói lý lẽ, chỉ nghĩ bằng cảm tính.
Rồi hai chị em nó không chuộc được cái xe thì sao, quán trứng lộn ế ẩm thì ông biết rồi, đứt vốn rồi cầm thế vay mượn các kiểu, cuối cùng là bỏ trốn đổ nợ rồi tệ hại trăm phương. Việc kiểu này thấy nhiều quá rồi nên không cần phải nghĩ hay đoán. Liệu ông có vì lòng tốt mà cho lại hai chị em nó cái xe?
Không, không thể, mọi thứ không diễn ra như vậy, làm vậy là ông sai, lâu dài sẽ còn làm hại hai chị em nó.
Nói thẳng ra là nếu buổi sáng hôm nay ông dắt cái xe vào nhà, rồi ghi giấy móc tiền ra đưa cho hai chị em nó thì tâm của ông sẽ không yên, và cũng sẽ chẳng có gì tốt lành phía sau. Tưởng tượng, học trò tìm đến nhà thầy xin cầm giúp chút tài sản cuối cùng để có tiền đóng đi thi, người thầy sẽ làm gì cho đúng với cả nguyên tắc và bản thân đây?
*
"Hôm nay tiệm nghỉ, không cầm."
Ông chủ buông ra một câu rồi mạnh dạn bước tiếp.
Con Hai nghe vậy thì thở ra, tính xoay người gạt chân chống cái xe mà dắt đi.
Còn con Út thì ngớ ra một giây, rồi trong đầu nó ''tin tin'' mấy cái. Nó bu cứng ngắc cái ống quần của ông chủ tiệm, tự tin mà hét lớn lên:
"Chú mà không cầm, từ nay con không bán trứng cho chú nữa."
Khác với dự tính ban đầu của con Út, ông chủ tiệm không hề lo lắng hay sợ hãi, mà ngược lại, ông không kìm được mà buông ra một nụ cười vô cùng tự nhiên:
- Thiệt?
Mấy tuần nay từ lúc ăn cái trứng đầu tiên, đây là tin vui nhất mà ông nhận được. Hên nhà không nuôi chó, chứ có mà để nó nghe thấy thì chắc cũng sẽ vui theo.
Con Út hơi chưng hửng một chút, nhưng đâm lao thì phải ráng theo lao.
"Là thiệt đó, con không bán, cũng không thèm ăn giúp chú cục chì nữa."
- Nhớ nha! Nói thì phải giữ lời đó.
Ông chủ tiệm cầm đồ rạng rỡ hẳn lên, là ông đã nhầm, sáng nay đúng là ngày đẹp trời, niềm vui vậy mà đến tới tấp.
Cái xe đạp kia, ông đã chốt quyết định cuối cùng.
Chính là tuyệt đối không cầm.
*
Vài ngày sau...
Hai chị em nó mở được quán nhậu rồi, nói thật lòng thì tôi cũng mừng cho hai chị em bọn nó. Còn với những ai quan tâm hay thích soi mói thì con Út vẫn còn cái xe đạp để chở chị Hai với phụ dọn quán mỗi ngày.
Chỗ mở quán nhậu chỉ cách chỗ bán trứng vịt lộn hơn bốn chục mét hướng về phía ngã tư đầu đường, là cửa chợ chứ không phải cổng chợ. Chỗ này ban ngày có cặp vợ chồng kia thuê từ lâu, vợ bán mía chồng bào dừa. Là nhờ có người đứng ra xin giúp nên họ mới cho con Hai mượn chỗ để mở quán mà không nói chuyện tiền nong chi hết. Với lại cũng nhờ con Hai biết điều, biết hứa với người ta là phụ dọn dẹp với chà rửa sạch sẽ mặt bằng mỗi ngày. Mía với dừa, một thứ ruồi bu một thứ kiến đậu, dọn dẹp cũng cực lắm đó.
Mồi nhậu thì ngoài cút lộn vịt lộn nem chả có sẵn ra, con Hai nó chỉ bán thêm đúng bốn món cơ bản, đậu phộng, mực khô, cá khô với lòng non nướng. Cái món lòng non nướng này căng lắm, là có người nói con Hai phải bán món này thì họ mới chịu hỏi giúp nó chuyện mặt bằng mới. Chứ lúc đầu thì con Hai vẫn định bán ở chỗ cũ đó, cái con ngu dễ sợ luôn, chỗ đó vắng vẻ không nói, chỉ nội việc xung quanh có mấy bãi rác với vài miệng cống là đủ để đuổi hết khách đi rồi.
Bán lòng non cực lắm, phải dậy sớm ra chợ sớm mới lấy được lòng ngon, rồi về rửa ba bốn lần nước muối với chà xát vỏ chanh. Rồi ướp hành, tỏi, sả, sa tế gia vị các kiểu, cũng phải nhớ làm chín sơ ở nhà cho khỏi hôi. Đem ra tới quán thì lấy than của lò hấp trứng nướng giòn bên ngoài, nhớ quẹt nước ướp vào lúc nướng cho khỏi khô với cháy, rồi làm thêm nước chấm, ngoài rau răm ra còn có thêm dưa leo. Lỡ mà có khúc lòng nào đắng, khách mắng vốn thì phải bỏ hết nướng lại dĩa khác. Tính ra bán dĩa lòng lời chỉ bằng bán bốn năm cái trứng, nhưng cực hơn gấp chục lần. Vấn đề là con Hai buộc phải bán, đó là thỏa thuận tiền lời của khoản vay mà nó mượn người ta để mở được quán. Mỗi ngày một dĩa lòng hai chai bia, bia trả tiền còn mồi thì cấn nợ.
Bàn ghế cũng thay mới, gỗ bỏ hết đổi thành nhựa, một là nhìn cho sạch sẽ, hai là xếp được gọn gàng đặng mà gửi nhờ nhà người ta. Phần này là nặng vốn nhất, còn bia với nước ngọt thì vẫn xin chủ đại lý cho gối đầu được, cũng là nhờ cái người chủ nợ đòi món lòng kia xin giúp.
Là bán bia con cọp với lại bia hơi đựng trong can nhựa 5 lít ướp sẵn trong thùng đá, trên bàn ngoài nước ngọt với bia chai cũng có bày ra mấy lon bia 333, chưng cho sang vậy thôi chứ khu này ít người uống bia đó lắm. Cơ bản là ca nhựa lít rưỡi bia hơi có bỏ đá rồi tính thành hai lít, hoặc bia con cọp chai lớn ba xị, đô trung bình là một khách hai đến ba chai, làm vỡ vỏ chai thì phải đền tiền.
Quán dọn ra từ lúc bốn rưỡi chiều, bán tới khi nào hết khách thì dọn vô. Vùng ven người đủ hạng làm đủ nghề, có đêm tới một giờ sáng mà vẫn còn có khách. Nếu trễ quá thì con Hai vào chợ nằm chút chờ sáng lấy lòng non rồi mới về nhà. Tội cho con Út, thương chị què tay, nó bám chị cả ngày, nhân viên như con Út mà trả lương, thì sợ tiền còn nhiều hơn cô chủ.
Thôi vô chuyện chính, đây là mắt thấy tai nghe rồi ghi chép lại, bản thân tôi xin từ chối chịu trách nhiệm về nội dung.
*"*"*
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top