Chương 3
CÁI ĐIÊN CỦA MỘT CON ĐĨ (3)
*****
Có mấy câu tóm tắt về cách mà người ta tồn tại trong cái xã hội này hay lắm. Nhưng mà nó trần trụi quá, thô tục quá, cũng tàn nhẫn quá, là người cầm bút thì không nên viết ra. Vậy nên đành truyền đạt lại cái ý tưởng đó theo cách nhẹ nhàng hơn.
Hỏi đứa ăn cắp: "Tại sao mày ăn cắp?"
Hỏi đứa nghiện: "Tại sao mày nghiện?"
Hỏi con đĩ: "Tại sao mày làm đĩ?"
Hoặc hỏi kẻ phạm tội: "Tại sao lại làm vậy?"
Rồi: sao mày ác quá vậy?, sao mày đối xử với người ta như vậy?, sao mày đánh nó?, sao mày nỡ làm như thế với cha mẹ của mày?, nó chỉ là một đứa bé, mày nhẫn tâm sao?...
Hỏi năm người, mười người, hai chục người, ta sẽ còn muốn lắng nghe, muốn ghi chép, muốn nhớ về cái câu chuyện đó của họ. Nhưng hỏi tới người thứ một trăm, thì không còn muốn nữa, cũng chẳng cần nữa, mệt mỏi lắm, chẳng buồn nghe hay nhớ. Bởi vì chung quy lại, dù ngắn hay dài, ít hay nhiều thì cũng chỉ có một đáp án mà thôi.
Là "đời nó đẩy đưa".
Còn gặp ai văn hay chữ tốt nữa thì đổi thành "đời nó đưa đẩy".
Vậy thôi, chỉ vậy thôi, nhiêu đó là đủ rồi. Giống như đá vô cái chân bàn vậy, cứ đổ thừa cho đời cho cái chân bàn hết đi, ai cũng làm vậy thì đâu ai dám nói mình sai.
Con Hai với con Út, hai chị em nó, coi như vừa mới sinh ra là đã rớt vô cái sọt rác của cuộc đời, rồi ngụp lặn trong đó, bơi trong đó mà sống. Khổ nhiêu đó là đủ rồi, nhiều hơn nữa thì cũng chỉ giúp quen thêm thôi, chẳng có vấn đề gì. Chỉ là nếu đã quen trong cái bể khổ rồi, tắm lâu trong nó rồi, thì người ta sẽ học được cách để không nghĩ về nó. Đó là hồi ở quê.
Giống như là có những người cả đời sống trong rừng trong núi, hay sống trong cái tộc làng heo hút, giữ xác người chết trên mái nhà hay bên cạnh giường, sống mà ăn vỏ cây rễ củ, đưa cục xà phòng thì họ chỉ biết lấy răng mà cạp...họ vẫn sống được đó thôi, vẫn lớn, già rồi chết như bao nhiêu người khác. Họ đâu có nói mình khổ đâu, vậy cớ sao ta cứ hở tí là kêu mình khổ. Vậy khổ là cái gì? Phải hiểu, còn hiểu không được thì nên cố để mà hiểu.
Khổ là cái bắt đầu từ con số không, là cái con số hiện ra ngay cái lúc mà ta biết rằng cuộc đời của mình khổ, là phải 'biết', chứ người bị điên hay dại sẽ không biết khổ.
Để rồi tới lúc mà ta biết được rằng mình khổ vì cái gì, vì có hay là không có cái gì, thì sẽ lập tức xuất hiện một dấu phẩy nằm ngay phía sau con số không đó. Con số nó lớn hơn, khi đã biết nhiều hơn để có thể so sánh được nhiều hơn, là cái khổ nó lớn hơn.
Cứ thế mỗi ngày, mỗi ngày khi ta cố giải thoát mình khỏi cái con số đó thì nó lại càng lớn hơn. Lớn đến mức mà ta chịu đựng không nổi nữa thì ta buông tay, rồi ta trở thành cái con người mà chính mình cũng không muốn.
Sau đó ta nghĩ, người nào chưa buông là vì họ may mắn, là vì họ còn nhiều thứ khác phía sau giúp cho họ tăng phần chịu đựng. Rồi từ đó mà oán trách, đổ thừa cho đời.
- Tại sao mày đi ăn cắp ?
"Em khổ quá anh!"
- Tao cũng khổ mà tao có đi ăn cắp đâu?
"Anh còn chịu được, em thì không!"
Làm ơn đừng có đổ thừa cho đời nữa, oan uổng cho nó lắm. Bởi đời chỉ có duy nhất hai việc để làm với một con người mà thôi, một là tạo ra cái mặt đất để bạn rớt cái 'bạch' xuống sau khi sinh ra, và hai chính là cái hố đất để chôn khi bạn chết đi. Bắt đầu và kết thúc, vậy thôi.
Không thể xóa được cái khổ bằng cách nhìn vào cái mà bản thân cho là sung sướng của người khác, rồi cố gắng bằng mọi cách lấy được nó để đem về che lấp cái khổ của mình. Không được, đó là thêm dầu vào lửa, chỉ làm cái khổ của mình lớn hơn mà thôi.
Không có dép, khổ. Không có chân, khổ. Không có xe đạp, khổ. Không có xe máy, khổ... Thôi, nói một hồi nó lên tới phi thuyền luôn. Rồi có hết khổ không?
Vậy thì phải làm sao mới đúng? Tôi mù, tôi cụt, tôi què, tôi nghèo hèn ngu dốt, tôi xấu xí tật nguyền... Mà không lẽ không cho tôi được than thở sao, không cho tôi đi kiếm sự sung sướng để bù lại sao, không cho tôi cố để được giống như những người khác hay sao? Vậy thì nói thử xem tôi phải làm gì mới được?
Làm gì để không sai? Làm gì để hết khổ? Làm gì để trở thành người tốt?
Có, có đáp án. Là cái đáp án mà không một ai trên đời này có thể chối bỏ được. Ngắn lắm, vài câu vài chữ thôi. Nhưng thay vì trực tiếp trả lời, tôi sẽ kể lại cuộc đời của hai chị em nó, con Hai và con Út, để mọi người tự thấy được câu trả lời đó.
Là chắc chắn phải thấy !!!
*
Tiếp tục về những tháng ngày mưu sinh của hai chị em trên đường phố Sài Gòn.
Cái gọi là "trường đời", nên gọi là ''trường người'' mới đúng. Nắng mưa đâu có dạy ta cái gì, bị buộc phải ra ngoài nắng mưa mới là bài học. Là ''trường người''. Phải như vậy thì ai cũng sẽ có câu trả lời đúng cho mình, là đúng cho cái đúng, và cả đúng cho cái sai.
Với hai chị em kia, từ nhỏ đã không có ai dạy, cho nên bây giờ bọn nó phải tự học từng chút một, bài học đầu tiên là học cách phân biệt, cái nào là tốt, và cái nào là xấu.
Trường ''người''.
Mỗi phòng trọ tập thể có tám cái chiếu, mỗi cái chiếu thuê một đêm là năm ngàn, ban ngày là ba ngàn, nguyên cả ngày đêm là bảy ngàn. Cả dãy hơn chục phòng như vậy, chiều nào bà chủ cũng chĩa mỏ vô hành lang mà chửi: "Thằng nào con nào mà còn liệng kim tiêm ở đây, tao bắt được là tao đuổi..."
Nhưng hễ cứ có ai đưa tiền là bả cho vô ở, có thấy đuổi ai bao giờ đâu, là nhìn tiền chứ không nhìn mặt.
Buổi sáng hai chị em nó dậy sớm, đi bộ đến chỗ cho ăn từ thiện. Phải thật sớm, bởi cũng có mấy ngày rề rà, đến nơi thì một chút nước mắm cũng không còn.
Rồi đi lượm ve chai. Đừng có ham đầy bao, cứ thấy vừa vừa là phải lo bán liền, chớ không lỡ lọt vô địa bàn đứa khác, vui không nói gì chứ buồn là nó rượt quýnh cho quăng bao chạy cũng không kịp. Được cái là ở thành phố người đông nên rác cũng nhiều, hai chị em chịu khó thì cũng có dư.
Buổi trưa dễ kiếm cơm từ thiện hơn, ráng ăn cho no thiệt no, để buổi tối chỉ cần nhét thêm chút xíu gì đó vô bụng nữa là ổn. Khó nhất là chuyện phải giấu tiền ở đâu trước khi đi ngủ mỗi đêm, cái này...không nói được.
Chị bao lớn, em bao nhỏ, chia ra hai phía lề đường mà cùng đi, tới ngã tư thì hợp lại bao nhỏ đổ vào bao lớn. Cái tay bị teo của con Hai vậy mà cũng có lợi, kiếm sợi dây đeo cái bao vô cả ngày mà không thấy bị tê.
Làm ăn coi như khấm khá đi, đeo cái bao lên vai là miệng khấn liền, vái ông Địa cho hôm nay ngoài đường nhiều rác. Có đêm kia, tự nhiên con Hai và con Út nó mơ cùng một giấc mơ, đó là đang đi giữa đường thì tự nhiên xuất hiện một trận mưa lon. Khác chăng là con Út nó nằm mơ thấy vỏ lon bình thường, còn trong giấc mơ của con Hai, mấy vỏ lon đó đã được đạp dẹp sẵn, phải vậy mới chất vô bao được nhiều. Đúng là người làm lớn có khác, tính toán đâu ra đó.
Có mấy lần núp trong hóc trong hẻm để moi tiền ra đếm, con Hai hay lẩm bẩm một mình "giá mà mẹ đừng có bị điên, rồi đừng có chết, để cả nhà mình sớm kéo nhau lên thành phố móc bọc, vậy thì sướng rồi." Con Hai nó tính toán kỹ lưỡng ghê lắm, tiền lẻ mà nhiều thì nó sẽ cộm lên, cho nên nó hay đi đổi thành tiền chẵn để giấu, còn giấu ở đâu thì trừ mẹ với ông Địa ra, nó không nói cho ai khác biết hết. Kể cả con Út, đề phòng nó ngủ mơ nói mớ.
Một buổi sáng kia con Hai lấy tiền đưa cho con Út, nó nói: "Hôm nay hai chị em mình nghỉ một ngày, Út cầm tiền đi ăn sáng đi, rồi có thèm bánh trái gì thì cứ mua mà ăn, Hai đi chợ chút Hai về." Con Út cầm tiền thì liền te te chạy đi, đương nhiên là ra quán rồi, gì chứ những thứ mà nó thèm thì hơi bị nhiều đó.
Con Hai ra chợ mua đồ cúng, hôm nay là đúng 49 ngày của mẹ. Tiền bán ve chai hơn một tháng nay đối với con Hai là rất nhiều, nó muốn làm một bữa cúng cho mẹ thật tươm tất.
Là miếng heo quay với lại dĩa trái cây, có bông với nhang nữa, y như những gì mà nó thấy người ta hay cúng. Con Hai nó cũng có hỏi người ta rồi, đó là phải cúng chay mới đúng, nó cũng nằm suy nghĩ trằn trọc mấy đêm. Cuối cùng vẫn quyết định là cúng mặn, coi như bù lại cho mẹ những bữa mà cơm trắng cũng không có để ăn kia. Với lại, hồi giờ nó cũng chưa được ăn heo quay nguyên miếng như vậy, Út cũng chưa, cái này là cúng luôn cho cả ba mẹ con.
Cầm bịch đồ cúng mới mua trong tay, dọc đường về con Hai cứ suy nghĩ mãi, "không ngờ là trái cây lại mắc đến như vậy. Sau này phải thường xuyên ghé vô chùa miếu mà thăm hỏi thôi. Không biết trái cây xin được mà đem đi rửa sạch rồi bán lại thì có bị ai quở không ta?" (Không ai quở đâu Hai, cứ làm thử đi, rồi mỗi lần đi ngang qua chùa, miếu mà tự nhiên té sấp mặt thì tự hiểu nha.)
Con Hai bày ra bàn cúng xong, là cắm nhang lên trái ổi, miếng thịt thì có sẵn bịch ni lông để lót rồi, còn hoa thì dựa thẳng vô tường là được.
Rồi nó ngồi đó, bắt đầu kể cho mẹ nghe về những chuyện xảy ra trong mấy tuần qua. Trừ mấy chuyện mà nó muốn giấu ra, chính là cái chuyện đi tìm cha đó, nó không muốn kể vì nó sợ làm cho mẹ buồn. Còn lại thì cái gì nó cũng kể hết, sướng khổ gì nó cũng kể cho mẹ nghe, như cái lần giữa đường nó đau bụng đi nặng, nhịn không nổi nên nó mới chui vô...cái chỗ kia, nó cũng kể cho mẹ nghe.
Hồi xưa cũng vậy, mẹ thường hay lên cơn điên rồi chạy vòng vòng, nhưng mà mỗi lần nó nói chuyện với mẹ, là mẹ không có chạy nữa, cứ ngồi đó mà gật gù, gật gù.
Con Hai nó kể kỹ lắm, nhất là kể về cái cách để đi từ quê lên thành phố. Ra đường lộ làm sao, ra đường tỉnh thế nào, tới bến xe rồi sao, hỏi xe thồ thế nào, rồi cong cong quẹo quẹo sao... thiệt không biết nó đang nghĩ gì trong đầu nữa, tới mặt mũi của ông già chạy xe thồ nó cũng miêu tả lại luôn, chắc nó muốn chỉ đường cho hồn của mẹ lên đây thăm hai chị em nó. Kể xong hết rồi thì nó bắt đầu chỉ đường từ phòng trọ đi đến chỗ ăn cơm chùa, cơm từ thiện, rồi những chỗ nào dễ lượm ve chai.
Hai mẹ con đang thủ thỉ thù thì, thì con Út bước vô. Mắt mũi nó tèm lem, đỏ hoe, tóc tai thì bù xù, dép thì chiếc đực chiếc cái, hình như là đang ấm ức cái gì đó. Con Hai mới hỏi:
- Sao dị Út?
Con Út nó không trả lời, nó nhìn cây nhang, nhìn dĩa đồ cúng, rồi nó hỏi lại:
- Cúng mẹ hở Hai?
"Ờ."
Lập tức mặt con Út đanh lại đầy cương quyết, nó lấy tay quẹt quẹt cho sạch hết nước mắt nước mũi đi rồi nó nói:
- Hai kêu mẹ chờ Út xíu nha.
Rồi nó bung chạy ngược ra ngoài, dép cũng không thèm mang.
Lát sau nó về, tả tơi nhiều hơn, áo cũng bị xé rách mấy chỗ, có cả dấu cào của móng tay trên mặt, chắc chắn là tác phẩm của mấy đứa con nít khác trong xóm. Rồi nó đi tới chỗ bàn thờ, nó để cạnh dĩa heo quay một cái gói bánh đã bị xé ra, còn đâu được gần nửa. Nó chắp tay lạy mẹ, lạy xong rồi nó nói:
- Con mời mẹ ăn bim bim.
*
Mỗi lần tới chỗ phát cơm từ thiện, con Út ngồi ở ngoài giữ hai cái bao ve chai. Con Hai thì chui vô để giành suất ăn. Thỉnh thoảng thì cũng có mấy bữa vắng người không cần chen, còn lại đa phần các ngày đều phải lấn.
Người xin cơm phần nhiều đều là người lớn, đôi lúc còn có mấy tốp công nhân kéo vô, sợ nhất là những lúc đó, bu mà chậm một chút là hết cơm chắc luôn.
Cách chen vô lấy cơm của con Hai là vầy nè, hay lắm, nghe xong là sẽ thấy nể nó luôn, nhắc lại lần nữa cái câu kia, là 'có tật có tài''.
Nó lấy cái tay phải, cầm cái tay trái bị teo lên, để cùi chỏ nhọn hướng ra phía trước, nâng cao lên ngang vai, y như là cái dấu mũi tên vậy đó. Rồi mỗi lần muốn chui lên phía trước, nó lấy cái cùi chỏ mà chọt vô lưng người ta, chọt một lần chưa ăn thua thì chọt thêm lần nữa mạnh hơn. Đằng nào thì cũng lưng người ta đau chứ cái cùi chỏ của nó có cảm giác gì đâu. Rồi sau đó người ta quay đầu lại nhìn, thì sẽ thấy nó lắc lắc cái tay què của nó như đang múa quạt, còn cái mặt của nó thì... y như cái thứ nhịn đói phải năm hôm là ít.
Cứ như vậy, mười người thì sẽ có chín người nhích qua để nó chen lên. Một người còn lại kia là do nó không dám chọt, ở chỗ đây đâu phải chỉ một mình nó què, cũng đâu phải một mình nó có chiêu. Nhưng không sao, qua được đám người kia thì đã thấy suất cơm nó nằm trước mặt rồi đó.
Những năm đó chỗ phát cơm từ thiện người ta phát bằng tô hoặc dĩa, vẫn chưa có hộp xốp như bây giờ đâu.
Rồi, chú ý nè, để tôi đố mọi người câu này nha, nghe kỹ rồi suy nghĩ nè. "Một con què, là bị teo mất một tay, nó mang hai tô cơm với lại hai chén canh, tất cả cùng một lúc mà không thứ nào bị rớt hay đổ. Là bằng cách nào?"
(Thề luôn, kêu bốn ông giáo sư tiến sĩ tới để nghiên cứu về cái vấn đề này, chỉ có nước đem bốn tấm bằng ra đốt thôi chứ đừng hòng giải được, cái cảnh tượng đó nó phi thường ghê lắm, thấy một lần là suốt đời sẽ không quên được đâu. Suy nghĩ đi, nếu nghĩ không ra thì đợi tới chương sau, tới cái lúc mà con Hai nó đi bán hàng tôi sẽ giải thích kỹ càng cho.)
Có lần kia bon chen lấy cơm xong, con Út cũng bắt đầu ăn rồi, thì con Hai nó nhìn ngang qua một hướng, rồi nó nhìn tô cơm của nó, xong nó lại nhìn về cái hướng kia. Rồi nó quyết định cầm cái tô cơm của mình tới đưa cho một bà cụ, cụ già lắm, ngồi chèo queo ở sát mép đường, có lẽ là cụ mệt quá rồi cụ chen không nổi, hoặc là dù không mệt thì cụ chen cũng không nổi.
- Quại ơi! Con mời quại ăn cơm.
Rồi con Hai lại nhào vào cái đám đông kia, giương cái cùi chỏ teo réo của nó lên để tiếp tục kiếm miếng ăn cho mình.
*
Một đêm kia, đang yên đang lành, cả dãy phòng trọ mấy chục người đang chìm vào giấc ngủ thì đột nhiên còn hơn cả bão tố cuốn qua. Là có một đám bảy tám thằng nghiện, tay lăm lăm hàng, mã tấu, nhào vô dãy phòng trọ, chia nhau đạp cửa từng phòng. Hình như là để tìm rồi thanh toán vài thằng nghiện khác.
Ong vỡ tổ, bể trận, sợ hãi còn hơn cháy nhà, tiếng la hét thất thanh muốn bể trời. Tất cả mọi người, mắt không kịp lau ghèn, dép không kịp mang, ùn ùn chen nhau mà tháo chạy.
Cái ánh phản chiếu của lưỡi thép trong đêm, đáng sợ lắm, đặc biệt là khi nó nằm trong tay của những thằng mất cảm giác sợ cộng thêm sự hoảng loạn của mọi người xung quanh. Con Út khóc rống lên, còn con Hai thì kẹp lấy người em, cố thoát khỏi chỗ đó nhanh hết mức.
Chưa bước ra tới cổng, đã nghe rõ mồn một từ phía sau lưng, là có người kêu cứu, rồi tiếng chém, tiếng chửi thề, và liên tục những tiếng chém.
Giết người có kế hoạch nó khác hoàn toàn với bồng bột mà giết người. Một bên là máu lạnh, còn một bên là máu nóng. Một bên là xong việc về lãnh tiền còn một bên ngồi hối hận, khác biệt rõ ràng lắm.
Bọn thanh niên thời nay mỗi lần coi mấy cái phim xã hội của ba tàu thì máu anh hùng nổi lên, muốn ra đường làm đại ca. Nhưng cũng chính những đứa đó, khi đối diện với máu và cái ''lạnh'' thật sự, mười thì hết tám sẽ đái trong quần, hai đứa còn lại thì mất luôn khả năng đái. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi lần đi ''làm việc'', bọn nó phải nhậu hoặc phê trước. Là người chứ đâu phải thú, cho nên đầu tiên là phải biến mình thành thú trước cái đã. Đêm đó có vài người chết, là chết thảm, cũng có vài người gần chết.
Nhưng cứ gác qua, để nói tiếp chuyện của hai chị em nó cái đã.
Sợ chớ, sợ ghê lắm chớ, riêng con Hai thì phải sợ giùm phần cho cả hai đứa. Lúc đã bồng em đi đủ xa rồi thì nó mới nhận ra là mình đã đái trong quần từ lúc nào không biết. Ngồi được một lúc với em, thì tự nhiên con Hai nó giật mình rồi lập tức chạy ngược vào bên trong dãy phòng trọ.
Một lát sau, nó thất thiểu đi ra, tay cầm theo cái bọc đồ của hai chị em. Rồi nó lại dắt con Út đi, là ra công viên ngồi, cũng chọn lại chính cái ghế đá kia.
Con Út lại ngủ trên đùi con Hai.
Còn con Hai thì thẫn thờ. Tiền mất hết rồi, là tiền để dành lâu nay của hai chị em nó, mất hết rồi.
Nó đâu có thông minh gì cho lắm đâu, chẳng qua là mỗi đêm nó để tiền bên dưới cái chiếu rồi nằm đè lên thôi. Không biết vì sao hồi nãy vô tìm lại không thấy nữa. Cứ vậy mà mất hết thôi, mất sạch luôn, trong người không còn một cắc.
Lần trước ngủ trong công viên, hai chị em vẫn còn được mấy chục ngàn, vẫn còn được một đôi dép rưỡi, vẫn còn được một trái quýt. Còn giờ...
Cái đèn đường kia, là cái đèn đường đó đó, sao nó cứ chớp, rồi nó tắt, rồi nó chớp, rồi nó tắt, hoài vậy?
Có biết vì sao có những người họ vấp ngã trong cuộc sống, nhưng rồi họ vẫn có thể đứng lên lại được hay không?
Đó là vì họ có căn cơ. Là tiền bạc, gia đình, bạn bè, chức vụ, người yêu... hoặc quan trọng nhất là ở những thứ nằm ngay bên trong cái đầu của họ. Những thứ đó, những căn cơ đó, giúp họ có chỗ dựa để mà đứng lên.
Còn nếu không có, thì sẽ như rất nhiều người khác, té dập mặt rồi không tự đứng lên được. Chỉ có thể tồn tại bằng cách bò hay lết mà thôi.
Con Út còn nhỏ không tính.
Vậy con Hai, cái con tật nguyền không cha không mẹ không nhà không cửa không nghề không nghiệp không ăn học chữ nghĩa không tiền không bạc không thân thích họ hàng, thậm chí tới đôi dép cũng không có kia, nó có cái gì để gọi là căn cơ hay không?
Có, căn cơ của con Hai nó lớn lắm, lớn đến nỗi không tưởng tượng được luôn, chính là thứ quý giá đang nằm trên đùi của nó đó.
"Ngủ đi Út, ngủ ngon cho khỏe đi Út. Rồi sáng mai, hai chị em mình làm lại từ đầu."
*"*"*
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top