Chương 2
CÁI ĐIÊN CỦA MỘT CON ĐĨ (2)
*****
Khi còn trẻ tôi không thích kể hay viết những câu chuyện theo mô típ có sẵn, những câu chuyện thường gặp trong đời hay trong tiểu thuyết, điện ảnh. Tôi luôn mộng tưởng đến những thứ cao xa to lớn đặc biệt hơn nhiều, cứ coi đó như là cái hoài bão, cái ảo vọng của tuổi trẻ đi.
Nhưng theo thời gian, khi đã biết, đã tiếp xúc, đã gặp, đã thấm ướt vai được nhiều những câu chuyện như vậy rồi, tôi mới nhận ra một điều rất quan trọng, đó là chúng không giống nhau, không hề giống nhau.
Cho dù có viết lại giống y chang từng từ từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy đi chăng nữa, thì chúng cũng không giống nhau. Bởi vì nếu nhân vật chính của câu chuyện khác nhau, thì tất cả mọi thứ đều khác nhau, giống như cách mà mỗi người chúng ta khác nhau để được là riêng biệt. Vậy nên những kẻ vỗ ngực mà tự tin tuyên bố rằng mình hiểu đời, thì chính là không hiểu gì cả.
Đầu tiên, hãy để tôi kể lại cái mô típ cũ đó đã.
*
26 năm trước, có một chàng trai lên thành phố làm ăn, rồi gặp và quen với một cô gái rất tốt, mặt mũi dễ coi, gia đình khá giả trung lưu, có của ăn của để. Rồi hai người cưới nhau, khi xe hoa rước dâu chạy đi, tất cả mọi người đều vui vẻ. Chỉ duy nhất một cô gái khác, người đang mang bầu sáu tháng ở dưới quê là không thể vui.
Thật ra chàng trai kia cũng không tệ, khi cái bụng bầu kia vừa nhú lên thì anh đã đưa tiền cho cô để tự giải quyết. Là do cô ngu ngốc, cô đa tâm, cô yêu anh, muốn hi vọng níu kéo được một cái gì đó từ anh nên cô mới giữ lại đứa bé. Đó là vì quá yêu hay quá ngu đây, mà tính ra thì cũng đâu có khác gì. Là lụy, lụy đến đờ đẫn rồi khờ dại.
Cô cũng đã lên thành phố tìm anh, nhưng khi đến nơi thì người làm ở đó nói ông chủ và bà chủ vừa đi trăng mật rồi. Nếu muốn xin việc thì gặp quản gia là được, nhưng bầu bì thế kia thì làm sao mà có thể nhận, đẻ xong đi rồi hãy quay lại.
Lúc cô trở về quê, về lại cái chòi nhỏ của mình, thì tiền trong túi đã cạn sạch, nhìn lại góc bếp chỗ cái lu thì thấy còn được chưa tới hai lon gạo, nhưng đã mốc meo đen thui.
Ở quê không như thành phố, nhiều lúc cả ngày trời trong túi không có đồng nào thì người ta cũng sống được. Nhưng là sống một mình, mạnh khỏe không bệnh tật, chứ không phải sống với cái bụng bầu mà người đời hay gọi là "con hoang chết chủ". Khắc nghiệt lắm, bẽ bàng lắm, vài từ không có nói hết được đâu. Cứ vậy mà cô cầm cự ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng, mỗi lúc mỗi tối tăm hơn. Cho đến tháng cuối của thai kỳ thì cô đã rơi vào bế tắc thật sự.
Rồi...còn quá trẻ, cô chịu đựng không nổi nữa, cũng chẳng có cái phao nào để mà bám víu, cô quyết định uống thuốc rầy tự vẫn. Nhưng tiền đâu mà đi mua thuốc rầy? Cũng chỉ đi mót đi xin người ta mà thôi. Nhưng xin thì ai cho? Nên đành phải mò ra ruộng mà mót vỏ chai, mót chỗ mấy cái lu sành mẻ mà người ta đổ ra pha loãng trước khi tạt vào ruộng.
Cho nên lượng độc không đủ, là cái loại nước độc mà pha với nước bùn cộng nước mưa, loại độc mà chết không nổi con lăng quăng. Thế là cô không chết, chỉ sùi bọt mép giãy đành đạch đành đạch, đau đớn quá mà ôm bụng chạy ra khỏi nhà, gặp đâu đụng đó, tới khi đập đầu vô gốc cây thì mới lăn ra bất tỉnh.
Có người thấy, họ cùng nhau đưa cô lên trạm xá, rửa ruột rồi cũng tiện đó lấy cái thai kia ra. Đứa nhỏ sống, người mẹ sống, là con gái, chỉ là đứa nhỏ bị tật bẩm sinh, một cánh tay bị co rút, hình như là nhau thai quấn vô, thời gian xe bò đưa lên tới nơi khám là đủ để mất hết máu của một cánh tay.
Còn bà mẹ thì bị điên, là tỉnh mà cũng là không tỉnh, trạm xá nhà quê, làm gì mà xử lý được cái gọi là tụ máu bầm trong não chớ. Được cái là nếu đã điên rồi, thì chẳng người điên nào lại biết đường tự tử. Còn nói là sống thì thật không biết làm sao mà họ lại vẫn có thể sống tiếp được nữa, thật không biết vì sao.
Một bà mẹ điên thì làm sao nuôi được một bé gái tật nguyền kia chứ? Cho bú làm sao? Cho ăn làm sao? Rồi đái ỉa dọn dẹp làm sao? Rồi nó khóc thì cái bà điên kia bả đánh nó hay bả bồng nó, hay bả đem nó liệng xuống sông?
Không biết, là tôi thật tình không biết. Tôi là nhà văn mà tôi còn không thể tưởng tượng ra được một kịch bản nào cho nó trôi chảy thì thử hỏi những năm tháng đó họ trôi qua như thế nào?
Thôi thì cứ coi như là ở quê đi, ở quê thì người ta không có tạt nước vào ăn mày, hay xách chổi rượt đánh người điên. Ở quê người ta cho sữa chứ không có bán sữa, nửa đêm mà có ai đập cửa thì họ mở cửa trước rồi mới thắp đèn sau.
Họ có cơm cho cơm, có cháo cho cháo, có cái áo rách thì cho cái áo rách, họ khổ nhiều rồi, khổ đủ để chảy nước mắt khi thấy những ai khổ hơn mình. Là đùm bọc nhau sống để bớt khổ, chứ không phải bỏ rơi nhau để mà tìm sung sướng.
Có ai thấy một người điên khóc chưa?
Có ai thấy một bà mẹ điên cái gì cũng không biết, nhưng lại biết hát ru cho con chưa?
Có ai từng thấy một bà điên cái áo không thèm mặc, cái quần không thèm mang, cái đầu tóc còn thua cái chổi quét nhà, nhưng mỗi lần con khóc thì lật đật bồng lên chạy qua đưa cho nhà hàng xóm, đến lúc con nín khóc rồi thì mới cười cười mà nhận lại con? Có mấy lần hàng xóm thương tình giữ lại đứa bé để chăm bẵm qua đêm, cái bà điên bả sợ bả không có dám vô nhà, bả ngồi ngoài cửa bả hóng cả đêm, hóng xem cái cục thịt nhỏ teo tay kia nó khóc hay nó cười, nó ngủ có yên hay không?
Có ai từng thấy một bà điên nhang chưa tàn, giấy chưa đốt mà nhào vô mâm đồ cúng, bị người ta đạp cho mấy đạp vào người, lăn lóc như con chó nhưng vẫn kịp bốc nắm xôi bỏ vô miệng rồi vừa nhai vừa chạy, đến gốc cây thì bồng con lên, nhả cái thứ xôi nhão trộn nước miếng đó mà bón cho con ăn. Thấy chưa?
Rồi đêm mưa gió rét, rồi con nước lớn con nước ròng, rồi không lẽ ông trời ổng không biết làm cho bà điên đó bả bị bệnh à, rồi giẫm phải cái mẻ chai, đạp nhằm cái mảnh sành, rồi đi đường cũng phải trượt té mà trẹo chân trẹo tay chớ. Đã là cuộc đời như cái đống rác thì làm sao trách đời vứt thêm rác vô được, chỉ đành tập ăn rác mà sống thôi.
Người mẹ điên nuôi con, từ nào ngữ nào mà diễn tả được đây, mọi người nhắm mắt lại đi, đừng nhìn, cũng đừng nghĩ. Bởi có ngồi đó mà khóc hay thương thì cũng đâu có làm cho cuộc đời của người ta bớt khổ đi được đâu. Mà cũng đâu cần phải khóc, bả điên mà, có biết khổ là gì đâu.
Nhớ hồi đó coi cái tuồng cải lương kia, có bà mẹ bị chặt mất cái đầu rồi mà vẫn đi kiếm sữa nuôi con. Ai nói tôi khờ tôi ngu tôi dại thì mặc kệ họ, chứ tôi là tôi tin cái câu chuyện đó là thật, thật đó. Mẹ mà, cái gì mà không làm được vì con chớ. Là mẹ mà...
Bà mẹ điên đó, cái đầu đứt gần hết dây, nhưng mà những dây còn chưa đứt, thì đều là những dây biết thương con.
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Nói gần đúng thôi, tình mẹ lớn hơn nhiều, có đại dương nào mà so được với tình yêu mà mẹ dành cho con đâu. Đại dương mênh mông không đong bằng tình mẹ, nói vậy sẽ đúng hơn.
*
Năm năm sau, trong một đêm mà cả hai mẹ con đều đang nằm ngủ trên giường tại cái chòi tranh xập xệ, thì có mấy thằng đàn ông đột nhập vào và cưỡng hiếp người mẹ. Đứa con gái tật nguyền quấn cái chăn mỏng manh ngồi sát trong góc tường run rẩy mà chứng kiến tất cả.
Bả điên chứ không có câm, nên một thằng hiếp thì phải có một thằng đè tay đè chân bả lại, rồi thêm một thằng khác bóp họng bịt cái mỏ của bả lại nữa. Xong lượt rồi đổi chỗ cho nhau, lỡ bả giãy giụa nhiều quá thì trố bả mấy bạt tai, không thì đấm vô họng bả, để biết đường nằm yên cho người ta hành sự.
Còn nó có khóc có la thì kệ mẹ nó, nó sướng quá chứ có gì đâu, mày điên mà ai thèm đụng, bọn tao là đang làm phước cho mày đó. Bẻ cái cổ của nó lại, để nó nhìn thẳng vào mặt tao, chứ nó nhìn con của nó để làm gì? Tao mất hứng.
*
Người ta đã bị điên rồi mà trời ơi, cái lũ thú vật đó, bọn mày không còn là con người, bọn mày còn tệ hơn con thú nữa rồi, trời ơi. Ôi trời ơi!
Cái nhà đó không lành lặn mà người sống trong nhà cũng đâu có ai lành lặn, người tật trên thân kẻ tật trong đầu, bọn mày giày xéo thân xác một người điên nhưng cũng đang là bóp nát cái đầu, cái tâm hồn của một đứa trẻ tật nguyền đó, lũ thú vật! Bọn mày không còn là con người nữa, là con thú hết rồi.
Bốn thằng, mà có thằng nào chịu một lượt thôi đâu, bọn mày giày xéo người ta như vậy, từ bầm tím sang bầm đen, từ hộc máu mồm đến ngáp ngáp, sao không giết quách luôn cho rồi, tao thắp nhang tao cảm tạ đó, tao quỳ tao lạy tao cảm ơn cả dòng họ mày luôn đó. Bọn mày để họ sống, rồi họ phải sống làm sao? Còn đứa con gái què kia nữa, hỏi sau này mỗi lần nó kêu một tiếng 'mẹ' thì nhớ về cái gì đầu tiên?
Ôi trời ơi, tôi cũng điên luôn rồi hay sao, nói với mấy con thú đó để làm gì? Thứ đó nó có hiểu được tiếng người đâu kia chứ?
*
Cái kịch trong bi kịch, chính là không bao giờ dừng lại ở lúc mà người ta bi thương nhất.
Người mẹ điên lại mang bầu, phải, là từ cái đêm địa ngục khốn nạn đó. Chỉ là lần này thì hàng xóm họ lạnh nhạt hơn, đàn bà thì nhìn chồng mỗi khi thấy cái bụng của mụ điên, còn đàn ông thì không dám tới gần vì sợ mang họa. Đời mà, cái gì mà không biết của ai, thì dễ bị nghĩ là của tất cả mọi người lắm. Nhất là những cục lửa nóng biết quẫy biết đạp.
Trước thương hại, sau ghẻ lạnh, tệ hơn nữa là thù hằn. Ai ai cũng muốn giữ cho mình thanh cao nên dồn hết khổ hận vào kẻ không thể tự biện bạch cho mình. Đã điên rồi mà còn bị mang tiếng là dâm đãng giựt chồng, chuyện nghe còn vô lý hơn cả oan Thị Kính nữa mà cũng có bọn tự ép mình tin.
Rồi cái thai sinh ra, lại là con gái, lần này thì nó lành lặn khỏe mạnh. Nhưng vẫn là con của một bà điên, em của một bà chị què. Thôi, tôi cũng chẳng biết nói gì về cuộc sống kế tiếp của họ nữa. Trời sinh voi sinh cỏ, cỏ không có thì voi thu nhỏ thành con chuột, chuột mà cũng không kiếm đủ cái ăn thì ráng nhỏ thêm lần nữa bằng con kiến để mà sống vậy. Nếu đã có câu 'con sâu cái kiến' để ví von thân phận một con người, thì cũng phải có người mang cái thân phận đó chứ.
Tám năm sau người mẹ điên chết. Cũng không biết vì sao mà bả chết nữa, người điên đâu có biết đường đi thăm khám, tiền cũng không có, mà khám thì đau đớn chỗ nào cũng có biết đường mà nói ra cho người ta biết mà kê thuốc được đâu. Chỉ là không đi nổi thì đứng, đứng không nổi thì ngồi, ngồi rồi nằm xuống, nằm xuống được rồi thì nằm luôn không dậy nữa. Chết đâu đó khoảng ba giờ sáng, đêm đó trời chợt đổ mưa, muỗi vo ve cóc nhái kêu ồn ào trong tăm tối.
Hôm đám ma, có ông già hàng xóm qua giúp kéo dây đờn cò ỉ ôi đưa tang. Cái âm thanh não nề trong một ngày trời xanh lạnh ngắt, khói đốt đồng cháy như nét mực tàu cắt ngang mây tầng xa thăm thẳm, cái huyệt mộ nâu bùn còn mấy con giun lúc nhúc đứt khúc, chôn một người đàn bà lạnh ngắt tái xanh, chôn một con tim đã chết từ cái ngày lặng im đứng sau xe hoa đưa tiễn.
Tôi không biết cái phút giây mà bà ấy chết, thì đầu óc của bà có được trời cho thanh tỉnh hay không? Xin cầu mong là đừng có. Đời con gái vốn dĩ không sợ lỡ một chuyến đò, chỉ cần đừng chờ mãi chuyến đò đó mà thôi. Sông rộng đời dài, cớ sao em vẫn cứ hoài nằm lại bến vắng, hỡi em...?
Bỉ cực nhiều rồi, đành thôi chia tay nhau trên con đường dài bất tận, khóc lại một lần cũng đâu xua hết nỗi tiếc thương, hố đất này là trần gian xua em đi đó, hòm gỗ kia là chuyến xe khách cuối cùng, vẫy tay đi trong sương khói chiều tàn tan nhân ảnh, kiếp này lỡ rồi xin hẹn lại kiếp sau.
Nhang khói dẫn đường, áo xô đưa tang, giải khăn trắng đưa em vào huyệt mộ, đừng luyến tiếc, đừng quay đầu, đừng chùn lại vì tiếng khóc than, hãy cứ như vậy mà dấn bước, hãy cứ vậy mà chấm hết cõi trần, kiếp này xong rồi cuối sổ đã gạch tên, xuống chốn hoàng tuyền mà thưa mà kiện, nợ nần gì hãy trả hết cho nhau, lỡ mai sau có trở lại được rồi, hãy thôi khóc nhé em. Nhớ nhé em...!
Trời đất lỡ sinh ra phận đàn bà, khổ đau có đủ, hoang tàn có dư. Hỏi nhân gian có mấy ai ngồi nghĩ lại, lúc cuối cùng ai chịu khóc cho em?
*
Người chị bị tật tay trái, nên dùng tay phải để ôm lấy đứa em. Nó là con gái mà lại mặc quần đùi áo thun ba lỗ như con trai. Lúc trưa chị của nó cũng định cho nó mặc thêm cái áo khoác, nhưng đường đi ra chỗ chôn thì bùn lầy nhiều quá, có mặc vô thì cũng đâu làm đời nó bớt lấm lem đi được đâu.
Đám ma có mười mấy người đi theo, đó là tính luôn đội khiêng hòm. Hỏi cái tình làng nghĩa xóm nó lớn đến mức nào, thì chính là lúc này đây. Ngày thường trong nhà nồi cơm không bao giờ được lưng nửa, nhưng bây giờ thì có giấy có nhang, có dĩa bánh với mấy thứ trái cây tròn tròn.
Con em cứ nhìn cái dĩa bánh đó miết thôi, lúc bỏ hòm vô huyệt nó nhìn, lúc lấp đất lại nó cũng nhìn, lúc chị Hai ôm đầu nó thì mắt nó vẫn nhìn. Rồi nó giật giật cái tà áo của chị, khi đôi mắt vẫn đăm đăm nhìn cái dĩa:
- Hai ơi, lát Út ăn cái bịch phồng tôm kia thôi, còn nhiêu thì Út để cho mẹ với Hai đó, nha Hai...
*
Năm đó, giá một cái vé xe từ quê lên Sài Gòn là hai mươi lăm ngàn. Sau cái đám ma của mẹ được một tuần, con Hai ngồi đếm tiền phúng điếu, tiền mà người ta thương tình cho, là còn một trăm mười tám ngàn. Nhẽ ra là phải còn nhiều hơn một chút, nhưng nó nghe người ta nói là người chết mà không cúng tuần đầu cho đàng hoàng thì sẽ thành ma đói, mẹ nó làm người đã đói rồi, nó không muốn mẹ nó làm ma mà cũng phải đói.
Vậy nên mấy bữa nay ngày nào nó cũng ráng mua cho được miếng thịt bự bự nấu xong để trên tô cơm, rồi thắp ba cây nhang đặt ở đầu giường chỗ mẹ nó ngủ. Nhang tàn thì thổi bụi, lật miếng thịt lại chà chà vô cơm cho sạch, rồi Út ăn thịt, nó ăn cơm.
Hôm nay là đủ tuần, nó cúng luôn hai miếng thịt bự bự, con Út ăn hết một miếng, còn một miếng thì nhất quyết để lại cho Hai. Con Hai mới cắn một cái chưa kịp nhai thì liền đau bụng, kêu ''hồi giờ Hai hông có biết ăn thịt'', rồi đưa lại, vậy nên con Út cột miếng thịt vô sợi dây kẽm treo lên, để tránh chuột với lại để dành mai cúng tiếp, miếng thịt này hồi nãy nằm dưới, chưa có dính tàn nhang, còn cúng lại được mà, mẹ không có nói gì đâu.
Lúc ăn cơm nhìn miếng thịt treo ở đó, con Hai nó lại nghĩ, nếu mấy ngày cuối cùng kia có nhiều thịt như vậy cho mẹ ăn, thì không biết liệu mẹ có sống lâu hơn hay không, cùng lắm thì cho mẹ được ăn ngon ngày cuối thôi cũng được mà. Nghĩ xong thì nước mắt chan cơm, cơm trắng nhai trong miệng mà có vị mặn, béo nữa, lần nào con Hai khóc nó cũng chảy nước mũi hết, cái tật từ nhỏ rồi.
Sáng hôm nay con Hai nhìn quanh, nhà còn có cái nồi sắt, đem bán ve chai là được thêm chín ngàn bạc nữa. Rồi đi xin. Con què dắt đứa em đi xin, từ đầu làng cho đến cuối xóm, xóm lạ đến xóm quen, giống như từ hồi mở mắt ra mới chập chững nó đã biết đi xin. Một con què mà muốn nuôi bà mẹ điên, nuôi đứa em lạc dòng thì phải biết ăn xin, biết nhặt nhạnh những cái gì thừa thãi rớt ra từ lòng thương hại của người đời.
Đến cuối ngày cầm gần hai trăm ngàn nhét lưng quần, tay xách cái bọc đồ chung của hai chị em, đồ trong bọc chưa chắc nhiều bằng đồ hai đứa đang mặc trên người. Chị dắt em đi hết xóm, đi ra đường lộ, đường tỉnh, rồi mất thêm nửa ngày trời để vừa hỏi đường vừa đi ra đến bến xe. Đến nơi thì trời tối rồi, ngủ lại bến xe một đêm chỗ mái lá của mấy người bốc xếp. Sáng hôm sau hai chị em lại năn nỉ ỉ ôi, may sao gặp trúng ngày xe vắng khách, tài xế cho hai chị em cùng ngồi một ghế cứng, chỉ lấy có mười lăm ngàn.
Con Út nó ngồi trong lòng chị Hai, nó hỏi:
- Mình đi đâu dị Hai?
"Sài Gòn."
- Chi dị Hai?
"Tìm cha."
- Là cha đó hở Hai?
"Ừ, là cha..."
*
Con Hai nó không có biết chữ, nhưng mà nó không có ngu, mẹ nó có một cái bọc vải treo từ đời nào trên nóc nhà, trong bọc có một lá thư, trong thư có tấm ảnh, sau tấm ảnh có mấy dòng chữ viết tay, là hai cái tên với một địa chỉ, mấy năm trước nó nhờ người ta đọc một lần, rồi từ đó tới nay đêm nào trước khi ngủ nó cũng nhẩm đọc lại để học thuộc lòng.
Nó tin rằng người đàn ông đang đứng cạnh bên mẹ trong tấm hình là cha nó, cái tên đàn ông đó là tên của cha nó, và cái địa chỉ kia là nơi nó sẽ tới để gặp mặt cha của nó. Người đàn ông trong tấm hình kia có gương mặt rất hiền lành, nó tin cha của nó là người tốt, là tại mẹ bị điên nên mẹ bỏ đi rồi cha tìm không được. Bây giờ chỉ cần nó tìm tới gọi một tiếng ''cha'' thì cha sẽ nhận lại nó thôi.
Những đứa trẻ khác mơ lâu đài, mơ hoàng tử, mơ ngựa trắng hay vương miện gì đó...còn nó, từ ngày thấy tấm hình, nó chỉ mơ mỗi một việc, là có được một lần trong đời được gọi một tiếng ''cha'' mà thôi.
Có lúc nằm suy nghĩ bâng quơ, con Hai thấy tội cho cha của nó, không có mẹ con nó ở bên chắc cha buồn nhiều lắm. Rồi ông đi lung tung tìm khắp nơi, rồi có bỏ ăn bỏ uống hay không, có ốm đi hay không... Trước đây mỗi khắc con Hai nó chỉ nghĩ đến việc kiếm đủ hai bữa ăn mỗi ngày cho cả nhà, một bữa cũng được, cũng mừng rồi. Còn bây giờ khi đã có tiền trong tay, là tới tận một trăm mấy chục ngàn, việc đầu tiên mà nó muốn làm chính là thực hiện cái giấc mơ của đời mình: lên Sài Gòn tìm cha.
Lần đầu tiên xa nhà, cũng là lần đầu được ngồi xe bốn bánh, lại thêm cái niềm vui thấp thỏm sắp đến, nói sao cho đúng những gì có trong lòng hai đứa nó đây, chỉ thấy bọn nó nhìn đăm đăm vào cửa gương, từ xa xăm cho đến mịt mù, từ nhựa đường, dòng sông cho đến đồng khô cỏ úa.
Đường từ quê ra thành phố, phải qua mấy lần phà, có chỗ hụt chỗ cao, chỗ gập ghềnh chỗ bằng phẳng. Cái xe cứ bập bềnh dập dìu, cái ghế cứ ngả cứ nghiêng, tiếng chèo kéo tiếng rao bán, cái cửa gương lúc mờ đục lúc sáng tỏ, cảnh hai bên đường từ vắng đến đông rồi từ đông đến lạnh, rồi cứ dần dần xa lạ. Con Út ngồi trong lòng chị thì hớn hở, còn con Hai, nó lo sợ nhiều lắm, chén cơm chan mắm mặn mà ở quê nó đã biết, còn ở thành phố sao nhà nào cũng có cổng, nó đập cổng kêu trời thì liệu người ta có nghe thấy hay không?
Tới bến xe miền Tây, đặt chân xuống cái đất Sài Gòn, hai chị em liền dắt nhau đi lòng vòng hỏi về cái địa chỉ kia. Ông xe ôm báo giá là 15 ngàn, nó năn nỉ một hồi giảm xuống được còn 12 ngàn. Đường thành phố đẹp lắm, lạ lắm, xa hoa lắm, con Út nó chỉ trỏ miết thôi, miệng nó nhóp nhép còn nhiều hơn gặm cơm cháy, còn con Hai thì tim nó đập thình thịch. Nó nhìn xuống cái tay bị teo của mình, không biết lỡ cha nhìn thấy rồi, liệu cha có buồn nhiều hay không?
*
Đến nơi, đúng địa chỉ, trả tiền xe ôm. Nửa tiếng sau con Hai thất thểu dắt con Út rời khỏi chỗ đó. Là bị đuổi đi, không phải cha nó đuổi, là ông chủ quán đuổi. Không đến nỗi tạt nước ăn mày, nhưng đốt phong long cầu xua đi xú khí thì buộc phải có.
Nơi đó trước đây là biệt thự, sau đổi thành dãy nhà trọ, nhưng vài năm trước đã bị đập rồi, chủ đất mới chưa xây nên để mặt bằng cho người khác thuê mở quán ăn. Cái thời gian nửa tiếng đó là con Hai cầm tấm hình mờ câm miệng kêu liên tục một cái tên mà đi hỏi khắp nơi. Để rồi chỉ nhận được những cái lắc đầu xua tay, cho đến khi ông chủ quán kia thấy ngứa mắt rồi đích thân ra đuổi, chỗ người ta ăn uống thì làm sao mà để hai con ăn mày này sàng qua sàng lại được. Ổng chỉ chửi với rủa mà thôi, có túm đầu hay đánh đập gì đâu, nhưng đuổi xong rồi thì ổng cũng phải vô rửa lại tay.
Vậy nên hai chị em nó nắm tay nhau rời khỏi, là chọn đại một hướng mà đi, nơi đây nhiều màu mà sao mọi thứ nó cứ giống nhau quá, phải hay trái cũng đâu có khác gì nhau. Con Hai chỉ biết nắm chắc tay em, bước đi cho mạnh bạo để che lấp cái nỗi sợ trong lòng, còn con Út nhìn hai bên đường nhiều đến hoa mắt nên nó quyết định cúi cái mặt xuống mà đi, để rồi vẫn phải nhìn, là chỉ nhìn chứ không có đếm hết nổi những viên đá lát vỉa hè. Đá lát đều và đẹp, bước chân bé nhỏ dẫm đều cũng thấm đau.
Có ai biết cái cảm giác đi lang thang mà không có nơi để về, không có chỗ để tới hay không? Thậm chí là không có nơi để dừng chân... Mỗi bước chân nó mệt mỏi lắm, nặng nề và tuyệt vọng nữa, đặc biệt là khi bụng nó réo lên, thêm nữa là khi tiền trong túi sắp hết, và chẳng biết làm cách nào kiếm thêm tiền bỏ vô.
Biết rồi thì ướm vô hai chị em nó, đứa 14 tuổi, đứa 8 tuổi đi. Đứa 14 thì cái tay què quặt, đứa 8 thì còn có một chiếc dép, hồi nãy lúc bị người ta nạt tụi nó sợ quá bỏ chạy làm đứt mất một chiếc rồi, nền lát đá hay nền đổ nhựa nó không có êm ái như nền đất ở quê, cũng không có bụi cỏ để lâu lâu dụi chân vào cho đỡ nhức.
Đường phố đông người, cửa tiệm san sát nhau, nhưng thấy hai chị em nó bèo bọt hơn cả ăn mày, người ta chỉ lườm chỉ liếc, chứ không có ngoắc vô cho chén cơm như hồi đó ở quê. Nơi đây ăn mày nhiều như vậy, khùng điên cũng đâu có thiếu, tật nguyền cũng dư thừa, già yếu bệnh tật thì nằm xếp lớp, hơi đâu mà lo cho hết, mà tốt nhất là nhìn cũng đừng, cứ nhắm mắt lại hoặc quay mặt đi thì mọi thứ sẽ biến mất thôi. Đừng có ai oán trách thầm gì trong bụng nha, họ không sai. Họ chẳng qua cũng chỉ là làm điều tốt nhất... cho họ mà thôi. Vậy là đúng nhất với họ rồi đó.
8 giờ tối, hai chị em nó ra bờ kè dọc con kênh ngồi, dựa lưng vào bồn hoa, là nhìn ra con kênh chứ không phải mặt đường, mệt lắm rồi, nhìn nữa cũng chỉ mệt thêm. Có hai ổ bánh mì, bịch nước với lại mớ trái cây. Bánh mì thì mua, bịch nước thì xin, trái cây thì lạy rồi lấy trong cái miếu kia. Tính ra thì bị tật như con Hai cũng có cái hay, người coi miếu thấy nó lạy bằng một tay, tay còn lại thì lắc lư như đưa võng, lời muốn nói họ đành nuốt luôn vô họng. Phải vậy thôi, không có một chút tố chất đó thì làm cái việc canh miếu để làm gì.
Hồi sớm tụi nó có đi ngang qua mấy cái chùa, nhưng chùa buổi tối thì cũng phải đóng cửa, còn mở cửa thì có người canh, mà lỡ như không có người canh thì cũng không đến lượt hai chị em nó chui vô giành chỗ. Ở quê còn có cái chòi, lên Sài Gòn rồi thì... sao nước ở con kênh này nó hôi quá vậy, nhai bánh mì mà cũng thấy đắng miệng luôn.
Con Út nó bịt mũi: "Cái cầu cá dồ ở quê mình nó còn thơm hơn đó Hai."
Con Hai nó nhìn, thấy con kênh cái gì cũng có, cũng nổi lềnh phềnh, chỉ riêng có cá là không. Con cá dưới quê nó có đói có ốm thì cũng còn ngoe nguẩy, chứ liệng cá xuống con kênh phố này thì nó chỉ còn đường chết mà thôi. Mà lỡ như không chết, thì bắt nó lên mổ ra, bên trong cũng đen xì, không phải đen màu bùn mà là đen cái màu sông phố.
Rồi hai chị em nó đứng dậy, nhét mấy thứ trái cây còn thừa vô bọc đồ, tiếp tục dắt díu nhau đi lang thang, là đi từ con nước trong cho đến con nước đục. Như con cá ngày nào giờ phải học tắm nước kênh.
Rồi cong cong quẹo quẹo sao đó không biết, hai chị em nó đi tới công viên, mà nghĩ cũng hay thiệt, sao ai đi bụi đời hễ cứ lang bạt thì sớm muộn gì đều mò ra tới công viên hết vậy, thậm chí bụi đời gặp nhau lấy địa chỉ thì chính là hỏi mày ở công viên nào. Bọn chúng chọn chỗ người ta tới chơi rồi về, để làm chỗ tới chơi rồi nằm lại, bởi vì có chốn nào khác để về đâu.
Có lẽ là vì nơi đó chẳng của riêng ai, cho nên họ mới đến để mong tìm được một chỗ cho riêng mình. Mỗi lần thằng nhóc ăn mày mà khóc vì bị giành mất ghế đá, thì nó khóc như vầy nè: "...thằng chó kia, nó cướp nhà tao.."
*
Hai đứa ơi, Út với Hai ơi! Đừng có bắt chước người ta nằm trên ghế đá, lạnh lắm, càng về đêm càng lạnh, có nằm lâu đến bao nhiêu thì cũng không làm cái ghế nó ấm lên được đâu. Nằm ghế đá có co người lại thì cũng phải ló cái chân ra ngoài, mà chân ló ra ngoài rồi thì đêm ngủ dễ bị giật mình. Ngủ mà không được, thì nằm làm chi. Ghế đá là để cho người ta ngồi, bị muỗi chích thì đứng dậy rời đi, còn em nằm, muỗi nó chích rồi thì nó hút luôn giấc mơ của em đó.
Cũng đừng có nằm trên cỏ nha hai đứa, cỏ ướt, không ướt thì khi sương đêm xuống nó cũng sẽ ướt. Rồi kiến nữa, bên dưới cỏ thì kiến nó đầy luôn đó, toàn là kiến lửa không. Hồi trước có cô gái kia vừa đẻ con xong thì đem ra công viên đặt lên bãi cỏ xanh, xong rồi núp xa xa chờ xem có ai nhặt đứa bé lên hay không. Núp đã đời thì tê chân với hối hận nên mới chạy tới bồng lại con, đến nơi thì thấy hai con mắt của đứa bé đã đỏ bầm, kiến lửa bò ra bò vô lúc nhúc, bò vô cả cuống họng. Bãi cỏ là thùng rác của công viên, không thì cũng là nơi đái bậy, không phải lúc nào thấy cỏ ướt cũng là do người ta tưới nước đâu em.
Cũng đừng có chui vô bồn hoa bồn nước mà nằm, hỏi mấy thằng nghiện đi, mỗi lần chui vô công viên để chích thì chỗ nào làm bọn nó thấy thoải mái nhất, đương nhiên là núp lùm rồi.
Nguy hiểm lắm, chết đó, không có giỡn đâu. Mà nếu như hên không gặp trực tiếp mấy thằng đó, thì cũng chắc gì né được đồ bỏ lại của bọn nó, thề luôn, không thằng nào chích xong rồi mà đậy lại nắp kim tiêm đâu.
Nói thẳng ra là đừng có vô công viên, trời mưa thì hai đứa chạy đâu cho thoát. Rồi còn chuyện lâu lâu có người thả chó đái ỉa, gặp chó hiền không nói gì, chứ chó dữ nó cắn hai đứa thì sao, cắn xong rồi nó về nó mách chủ, để chủ tới xử em vì cái tội ''làm đau mõm con chó của tao''.
Khuyên nè, cứ theo cái nguyên tắc cơ bản chùa, miếu, bệnh viện, bãi giữ xe, gầm cầu, nghĩa địa mà kiếm chỗ nằm. Nói thật chứ nằm trong nghĩa địa đôi lúc nó còn an toàn hơn nằm trong công viên. Sống mới biết hại người, chứ chết rồi... lấy tàn nhang mà hại à?
Nhưng mà hai chị em nó mới đi bụi có ngày đầu, làm sao mà biết được. Chui vô bịch ni lông mà tưởng đó là nhà, rồi nhìn đâu cũng thấy cửa, nhưng có cánh cửa nào là lối thoát đâu?
Con Hai ngồi trên ghế đá, Út nằm trên đùi chị Hai, cả ngày hôm nay con bé đi bộ nhiều quá, vừa nằm xuống ỉ ê mấy tiếng ''Hai ơi, Hai hỡi...'' là nó nhắm mắt ngủ luôn. Con Hai để tay lên vai em, thỉnh thoảng khi con bé rùng mình, thì nó vuốt nó xoa nhẹ vài cái. Từ xưa con bé lúc ngủ đã hay rùng mình như vậy rồi, chỉ là đêm nay thì có nhiều hơn một chút.
Con Hai nhìn đường, cách một hàng cây với cái bồn cỏ, giờ này nếu ở quê thì cả xóm đã tắt đèn đi ngủ hết rồi, ếch nhái cũng bắt đầu kêu lên. Còn ở đây thì người ta đi qua đi lại nhiều quá, ai cũng vội vã, cứ mắt nhìn thẳng mà đi. Tiếng pô xe máy tạch tạch gầm gầm nghe cả ngày hôm nay nhiều lắm rồi, cũng chẳng muốn nghe nữa. Cái bóng đèn đường đối diện hễ nóng lên là nó tắt, con Hai cầu mong nó tắt luôn đi, để khỏi nhìn thấy những thứ vốn chẳng nên nhìn.
Nó ngồi và nghĩ ngợi, nghĩ về những việc nhẽ ra nó nên nghĩ tới sớm hơn, chứ không phải đợi đến lúc ngồi trên cái ghế đá này, lúc mà trong bụng cả ngày nay chỉ có được nửa ổ bánh mì, là bánh mì không, dai nhách. Phải tới hôm nay con Út mới biết, là chị Hai nó ăn nhiều bánh mì thì cũng sẽ đau bụng nên sẽ nhường cho Út ăn.
Mày ngu quá Hai ơi, sao cả ngày hôm nay người ta chỉ chửi mày là đồ ăn mày dơ dáy, đồ què, chứ chưa ai chửi mày ngu, có lẽ là vì chưa kịp chửi thì mày đã bỏ đi mất tiêu rồi. Cầm một tấm hình, nhớ một cái tên, đọc một địa chỉ từ đời thuở đời nao, từ trước khi mày sinh ra đời, mà đòi đi tìm một người trong cái biển người này sao?
Sáng giờ mày gặp cũng phải năm bảy người mặt mũi giống như trong hình đó, sao mày không chạy tới kêu ba đi ? Ráng đu bám chèo kéo mà kêu "ba...ba ơi...ba, con Hai nè!" đi, cho người ta tát vô mặt mày để mày tỉnh lại.
Rồi giờ cái địa chỉ tiêu tùng rồi đó, mày giỏi thì mày đi kiếm tiếp đi? Rồi còn con Út nữa, sao nó run nhiều quá dị nè, biết dị thì hồi sớm mang theo cái mền, có mỏng có rách thì cũng là trong đêm có cái mền, cho chị Hai xin lỗi nha Út...
Muỗi sao nhiều dữ vậy trời?
*
Nửa đêm đường vắng, con Hai đang gật gù thì giật mình thức dậy, là có một thằng nẹt pô chạy qua.
Một giờ sáng, lại là một thằng nẹt pô khác.
Hai giờ sáng, lạnh quá nên nó tỉnh dậy, sương đêm tới rồi, nó chậm chậm cởi cái áo mặc ngoài mà đắp lên người con Út. Nhìn gương mặt lấm lem nước miếng với bụi đường của Út, hai thứ đó hợp lại, chính là vết hằn của tuổi thơ trong em.
Ba giờ sáng, con Út nó nói mớ.
Bốn giờ sáng, người ta quét đường.
Một lát sau thì con Hai nó bị ai đó giật cái bọc đồ. Nhanh với gọn quá nên chính nó cũng không biết. Lát sau khi bị ném chính cái bọc đồ đó vào mặt thì nó mới biết. Là cả hai chị em nó cùng biết, cùng tỉnh, thôi ngủ được nhiêu đó là mừng rồi.
Cái thằng giật với trả bọc đồ cho hai chị em, nó đứng đó, ốm tong teo, lùn tịt, cả người niểng qua một bên, không hiểu sao nó lại làm ăn nhanh gọn được như vậy nữa, đúng là có tật có tài mà. Nó châm điếu thuốc, ngồi chồm hổm xuống, nhìn hai chị em ăn mày đang ôm nhau kia, cam đoan sau cái bản mặt lì lợm, cái thằng đó phải nhỏ hơn con Hai vài tuổi là ít.
- Hồi nãy tao ăn trái quýt rồi, có buồn hông?
Con Út ngồi co chân lại, nép sát vô người chị Hai. Còn con Hai rờ rờ cái bọc đồ đã bị xé ra, ừ, đúng là mất trái quýt thiệt, là trái quýt hồi chiều xin được trong miếu, con Út nó nhường mà con Hai không dám ăn, sợ bị đau bụng. Là sợ thiệt đó, bụng không có gì mà ăn đồ chua vô thì đau bụng tiêu chảy chắc luôn. Con Hai lắc đầu, nó có nghĩ hay ngờ gì được đâu, ai đời hai chị em từ dưới quê ngày đầu tiên lên thành phố lại bị ăn cướp mất trái quýt, là quýt héo đi xin ông Địa mới ghê chớ.
Thằng kia nó hỏi tiếp:
- Có mắc đái hông?
Con Hai lắc đầu, còn con Út thì gật đầu.
Thằng kia nó chỉ tay vô bụi.
- Đái nhanh đi, rồi chạy theo tao, tao chỉ chỗ cho ăn cơm từ thiện. Đái đi, chứ không lát chạy theo tao là té đái đó.
Nghĩ kỹ, cũng thật hiếm thằng què nào mà đủ tự tin nói được câu đó, con Hai với con Út tin nó là phải rồi.
Hai chị em kia chui vô bụi, rồi thầm thì.
- Ai dị Hai?
"Nó ăn trái quýt của mình, nên giờ nó đền cơm."
- Ờ...
Một hàng ba người đi, thằng què lùn tật chân ngậm điếu thuốc đi trước. Con Hai què tay đi sau, dắt theo con Út mất dép.
Nắng cũng sắp lên tia đầu tiên rồi, ở đời người ta hay khuyên đừng chỉ nhìn bằng mắt, nhưng nếu như chỉ có mắt để nhìn, thì chờ nắng lên, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn.
*"*"*
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top