Cái Áo Duyên - Trung (updated 07/13/2018)
Cũng chẳng biết rồi bệnh tình của con gái ông huyện đã đỡ chưa, từ đó về sau ngày nào cậu cả cũng mò sang phòng tôi "giải số."
Nếu không phải tận mắt chứng kiến bà bá Phù bắt ép con trai động phòng với tôi vào cái ngày ông huyện đến nhà, tôi đã nghĩ cậu cả nhà này thật sự thích việc chung chạ với người vợ xấu xí. Biết sao được, lần nào cậu cũng rất dịu dàng làm, mà làm thì cũng rất lâu, rất nhiều, khi xong lại hay ôm riết lấy tôi mà ngủ. Ông bà bá Phù và cô hai nhìn tôi dường như cũng vừa mắt hơn, lắm lúc còn cho tôi ngồi cùng mâm dùng bữa. Thỉnh thoảng khi vui vẻ, ông bá còn hứng chí khen tôi vài câu, nói tôi số tốt, cứu được nhà này một bàn thua trông thấy.
Mỗi lần như thế, cậu cả chỉ cúi đầu ăn cơm, khóe môi lộ ra một nụ cười kín đáo.
À, có lẽ là do nhà giàu nên đốt quá nhiều đèn, mắt tôi bị lòa nên nhìn ra cảnh ấy.
Vài tháng sau, không biết cậu cả nói gì với thầy mình, ông lại đột nhiên cho tôi tháp tùng cậu xuống xóm dưới thu tiền tô. Tôi mừng lắm vì được ra ngoài, không cần phải suốt ngày đi bằng mũi chân bên cạnh bu và em chồng nữa. Không biết có phải là tôi phấn khích nên tay chân tung tẩy quá lố hay không, dọc đường đi người ta cứ nhìn tôi chằm chằm, có gã trai làng ngó thấy tôi còn đánh rơi gầu nước, trượt chân rớt xuống ao một cách ngon lành.
Cậu cả có lẽ xấu hổ vì nhan sắc vợ mình, mặt mày đanh lại kéo tôi ra sông đi đường thủy. Tôi vâng dạ đi theo, tuyệt đối không một câu phản phàn nàn phản đối.
Tối đó sau một màn "hóa giải số kiếp" trên sông, cậu cả kẹp chặt tôi vào lòng, vuốt má tôi mà rằng. "Hóa ra tôi không những chăm hoa hay, chăm người còn giỏi hơn gấp bội."
"Em không hiểu cậu nói gì hết," tôi rầu rầu đáp, mắt vẫn hướng về phía đất liền đầy mong đợi.
Cậu kéo cằm tôi quay lại, vục mặt xuống hôn miệt mài chán chê. Hôn xong, cậu lại ngẩng đầu nhìn tôi. "Những lúc vợ chồng gần gũi thế này, em chỉ được nhìn tôi thôi. Đừng xao nhãng chứ!"
"Vâng ạ," tôi lại ngoan ngoãn đáp.
Cậu cả thở dài, gục xuống tựa cằm lên trán tôi.
"Vì sao em ngoan ngoãn như vậy, tôi lại nhìn ra em vô cùng bất an...?"
Trong lòng tôi giật lên một cái, sống lưng lạnh đi. Biết rồi sao...?
"Nói cho tôi nghe," cậu cả ôn tồn tiếp lời, đầu dời ra nhìn sâu vào mắt tôi. "Em lo lắng điều gì?"
Khoảng cách gần như vậy, da thịt áp kề, tóc mai quấn quyện, tôi làm sao mà có thể cầm lòng, bèn kể hết việc xảy ra năm xưa bị cậu cho người hầu đến bạt tai, việc về nhà mách thầy lại bị thầy răn đe, khiến bản thân từ đó trở đi không còn dám ngẩng mặt nhìn người sang kẻ quý.
"Lúc trước chẳng quen biết, cậu đánh em, em đã đau thế rồi. Bây giờ cậu mà đánh em, chắc là em buồn muốn chết..."
Cậu cả nghe xong tự dưng im lặng. Sáng ra bị cậu vực dậy giúp mặc yếm vào, tôi còn nhìn thấy quầng thâm và gân đỏ nổi lên đầy mắt cậu.
Lần đi thu tô này, tôi và cậu cả gặp lại cố nhân. Nói là cố nhân thì hơi quá đáng, dù gì tôi cũng vừa gặp thị vài tháng trước thôi. Nhưng quả thật có chìm đắm vào trò chơi chồng vợ với cậu cả như tôi, mọi người mới hiểu thế nào gọi là thời gian như con rùa bỏ vào nồi cháo, hầm mãi chẳng nhừ, ninh hoài chẳng rục.
Cậu cả chắp tay chào thiếu nữ xinh đẹp, đoạn lại kéo tôi ngồi xuống một tấm chiếu sạch sẽ tại góc miếu, khoan thai lôi nắm xôi trong tay nải ra, cẩn thận lột bỏ lá chuối rồi vừa ăn vừa đút cho tôi. Toàn cảnh này đều lọt vào mắt thiếu nữ ngồi bên kia miếu cùng người hầu của thị.
Mưa kéo dai kéo dẳng, tôi và cậu cả đành ở lại qua đêm. Tối đó cậu lôi một cái áo sạch của mình ra lót trên tấm chiếu lành, nằm xuống quay lưng về phía hai người kia rồi chìa tay cho tôi chui vào lòng. Tôi răm rắp làm theo, sau đó còn vòng tay ôm riết lấy cậu chẳng chịu buông. Giữa đêm, cậu mỏi lưng toan trở mình, tôi lại cứ ôm chặt, cậu nhíu mày thay cho nghi vấn, tôi đành mếu máo rủ rỉ vào tai cậu. "Cậu đừng quay sang đó, cậu quay sang đó làm em lo..."
Cậu cả dường như tỉnh ngủ, mở to mắt nhìn tôi. "Lo cái gì?"
"Lo cậu cưới cô ba về làm cả..."
Từng đường nét trên gương mặt tuấn tú bắt đầu giãn ra, cậu khẽ cười, cười đến gần tít mắt.
"Quay người sang đó thôi cũng nói lên được tôi muốn cưới thị sao?"
"Em làm sao biết. Em chỉ là vợ lẽ thôi. Làm lẽ ai lại chẳng lo chuyện đó...!" tôi thì thào, cố gắng nhỏ tiếng đến mức có thể.
"Nếu tôi nói... tôi hứa với em cả đời không lấy vợ cả thì sao?"
"Thì thầy bu sẽ đuổi cổ em ra khỏi nhà chứ sao!"
"Thầy bu sẽ không-"
Nói được một nửa thì dừng, dường như chính cậu cả cũng nhận ra bản thân không thể phủ nhận khả năng đó. Thế là, cậu suy nghĩ sao đó, cuối cùng ôm theo tôi quay hẳn ra bên ngoài, đầu cậu nhích xuống chui vào ngực tôi, lời buông khẽ.
"Giờ thì an tâm rồi chứ? Có em cản thế này, tôi có muốn nhìn cũng chẳng có cách."
Tôi mỉm cười hài lòng, ôm đầu cậu vùi sâu vào ngực.
Sáng hôm đó trời vừa dứt mưa, cả bốn người đã vội lên đường. Ra đến chợ, cậu cả dặn tôi ngồi chờ, phần cậu đi mua lương thực và quà vặt cho tôi. Tôi ngoan ngoãn vâng dạ, lúc ngó qua lại bị cô ba nhà quan nhìn chằm chằm, ả người hầu cũng không thấy đâu nữa.
"Không gặp mấy tháng, ngươi khác hẳn đi," thị lân la bắt chuyện.
Tôi gật đầu cười, cúi xuống nhìn tay mình đang tự động khoanh lại.
"Ngươi biết không, ta bỏ nhà ra đi."
Tôi lại gật đầu cười. Hình như con gái nhà giàu rất thịnh trò này, hở cái là bỏ nhà ra đi.
"Ta cũng không biết vì sao mình muốn nói với ngươi những lời này. Có lẽ là vì trông thấy ngươi cùng lứa với ta, nhưng lại là mẫu phụ nữ chuẩn mực trong xã hội phong kiến, suốt đời phải chịu cảnh gò bó bất công, ta cảm thấy có phần xót thương. Nay ta đã sắp phải tha hương, ít nhiều cũng muốn sẻ chia cùng ngươi vài chuyện."
À, tôi chính thức không hiểu thị đang nói gì rồi.
"Là phụ nữ với nhau, ta khuyên ngươi hãy mạnh mẽ lên, đừng cứ một vâng hai dạ với đàn ông hoài như thế, họ sẽ không ở mãi bên ngươi. Như cậu cả Phù cũng vậy, nhìn từ ngoài vào rất hoàn mỹ vô khuyết, nhưng cậu cả cũng biết bao nam nhi chốn này, đều bị tư tưởng phong kiến làm cho tầm nhìn hạn hẹp, hủ bại... Ở nơi ta đến, nam nữ bình quyền, giàu nghèo không phân, một khi đã lấy vợ rồi thì phải thủy chung suốt kiếp. Đó mới là nền tảng của một xã hội văn minh, đó mới là cái gốc để nhân loại hướng về hạnh phúc. Đời này ta nhất định phải khiến một người đàn ông làm cho bằng được điều đó, cho dù đó có là vua chúa chí tôn."
Tôi câm lặng một lúc vì quá sợ hãi, mãi lâu sau mới lên tiếng hỏi.
"Vậy sao cô ba lại bỏ cái chỗ hạnh phúc đó đến nơi này?"
(Đây là câu hỏi tui luôn luôn muốn hỏi mấy em xuyên không suốt ngày tự cho xã hội hiện đại là nhất :v)
Đến đây thì thị im bặt. Hồi sau ra vẻ chóng mặt, níu lấy tay người hầu vừa quay lại đi mất.
Cậu cả mua lương thực trở về, không thấy cô ba huyện ở đâu cũng không hỏi, càng chẳng tỏ vẻ quan tâm, duy nhất khi thấy tôi vẫn còn giữ nguyên tư thế khoanh tay cúi đầu thì dường như rất khó chịu. Lúc tôi lân la thăm dò, cậu chỉ bực dọc lắc đầu bảo, con gái con đứa nhà quan mà cứ như ngựa hoang xổng chuồng, đúng là mất nết, dọa sau này tôi mà còn cúi đầu khép nép trước thị, về đến nhà cậu sẽ cho tôi quỳ trên chăn cả ngày.
Tôi nhớ không lầm, chăn nhà cậu toàn làm từ gấm lụa.
Từ chợ về đến nhà, tôi cười không kịp khép răng.
Yến lão trong làng năm đó, tôi cùng cậu cả ra đình ăn cỗ, vô tình nghe được bà bá Phù xa gần cùng các già làng, rằng con dâu nhà bà là con gà mái mua về để cúng trừ tà, chứ trứng thì chả ấp ra được một quả. Tôi biết ý bà muốn nhắc nhở các gia đình khác con bà vẫn cần một người vợ cả sinh con nối dõi. Lòng tôi chùn xuống, cảm thấy ăn không vào, nhân lúc hội hè huyên náo bèn lẻn ra gốc đa ngồi khóc.
Có tiếng động truyền đến từ phía sau, tôi quay lại thì gặp ngay ánh mắt dịu dàng của chàng câm ngày nào, bao nhiêu ký ức liền ào ào quay lại, rõ ràng nhất là món sính lễ anh đã lén cho tôi để dẹp lời đàm tiếu. Bất chợt tôi nhớ ra, gốc đa này cũng chính là nơi đầu tiên chúng tôi hẹn gặp nhau.
Đêm đó quay về, tôi lại lôi cái áo sờn cũ ra nhìn mà thở dài sườn sượt. Bây giờ có quá nhiều thứ trong tay, tôi mới nhận ra, tôi nợ anh, nợ nhiều quá.
Nhét lại cái áo xuống chiếu, tôi quay sang cởi giày cho người chồng say khướt, miệng lầm bầm trách móc vì sao rõ là yến lão, trai tráng như cậu lại uống say dường này...
Giữa đêm, cậu chẳng đòi hỏi như mọi lần, mà chỉ ra sức ôm chặt lấy tôi như người già sợ mất của.
Hôm sau mở cửa sổ đón nắng, vô tình để tôi trông thấy cái áo gấm Vạn vắt trên đám hoa sen quý hóa của cậu cả nhà mình. Tôi hốt hoảng, vội vã nhoài người vớt lên, song cũng không cứu kịp một vài cành đã bị áo vướng vào làm gẫy. Cậu cả Phù quý sen như châu như ngọc, chắc chắn hôm qua vì quá say mà vô tình gây ra rồi! Tôi thở dài đem áo đi giặt, phơi khô lấy về lại phát hiện ra đường tà bị rách.
Đêm đến, tôi chong đèn, lôi kim từ gối vải bu cho ra khâu, vừa khâu vừa nhịp nhàng ngâm nga:
"Chồng tôi áo rách tôi thương,
Chồng người áo chứa ễnh ương mặc người..."
Cậu cả vừa về đến phòng nhìn thấy, lặng thinh đứng đó một lúc lâu rồi đột nhiên hỏi.
"Cái gối kim đó..."
"À? Cái này ạ? Là bu em cho trước khi xuất giá. Cũng không biết tại sao bu bảo sẽ không có cơ hội xài đến. Nhưng cậu nhìn xem, vẫn xài rồi đây! Tận bảy cây kim, không biết vá đến trăm cái áo đã mòn hết chưa..."
Thấy cậu cả loạng choạng sắp ngã, tôi ném áo qua một bên chạy đến đỡ, miệng lo lắng hỏi han. Cậu cả vỗ nhẹ lên tay tôi, đoạn ôm tôi vào lòng ngồi xuống nói nhỏ.
"Bảy cây kim đó... là để cho em dùng nhằm lúc phạm phòng."
"Phạm phòng là gì?" tôi bỡ ngỡ.
"Là..." má cậu cả đột nhiên hồng hồng. "Là khi người chồng không kiềm chế nổi, ngất đi trên người vợ... dùng đến kim đó để châm vào huyệt..."
Tôi vỡ lẽ, vỗ tay nói lớn.
"Sao cậu không nói em biết trước! Biết thế em đã dùng nó từ lâu! Mỗi lần cậu xong chuyện mà cứ nằm ì trên người em không xuống, em nghĩ cậu ngất, lo lắng mãi không thôi...!"
Nghe thấy tiếng thở gấp, tôi quay lại nhìn, đã thấy mặt cậu cả chín đỏ như đèn lồng đêm hội.
"Đó... là tôi muốn gần em lâu hơn... không phải ngất!"
"Cậu nói vậy thì vậy đi. Nhưng nói gì thì nói, cậu cũng nên chỉ cho em chỗ cần châm kim, phòng khi cậu ngất thật, em còn biết đường..."
Nói chưa hết câu đã bị cậu cả quật ngã xuống giường. Một hồi lâu sau, ấp ủ va chạm chán chê đến vã mồ hôi sôi nước mắt xong, thấy kẻ đè trên người mình dần dần im ắng, nhịp tim đã bình thường mà vẫn chưa chịu rút quân, tôi rón rén mò tay xuống chiếu.
Tức thì, bị cậu cả phát lên tay một cái rõ kêu.
Khiếp! Gục đầu vào cổ tôi mà vẫn thấy được, mắt cậu mọc sau gáy à?
"Thôi được rồi, cậu chứng minh được rồi. Em tin cậu không có ngất, được chưa?" tôi cong môi quay sang chỗ khác khi thấy cậu ngẩng đầu.
Tôi nghe tiếng cậu cười khẽ, đoạn có làn môi lành lạnh ấn xuống má tôi, hôn dần đến tai rồi khàn khàn nói.
"Tôi cố gắng nhiều hơn một chút, để em thoát số gà mái trừ tà, ấp trứng tuyệt đối sẽ nở ra gà, chịu không?"
Ý?
Tôi quay ngoắt lại nhìn chồng mình. Ra là ban sáng cậu cả cũng đã nghe thấy rồi sao...?
"Cậu nói thật ạ?"
"Quân tử nhất ngôn."
Quân tử? Từ ngữ quay cuồng trong đầu, tôi chớp chớp mắt.
"Ý là, cậu mà nói điêu thì vua sẽ chết? Sao cậu hứa khôn thế?"
Cậu cả bỗng dưng khựng lại một hồi, sau đó đưa tay véo má tôi đau điếng.
"Xem ra, từ mai em phải theo tôi học hành thôi..."
Thế rồi, cậu cả nhà tôi quả là vua chết, nói được làm được, đúng thật đã vô cùng cố gắng...
Hai tháng sau, trứng quả nhiên đã nở ra gà. Tin tôi có chửa khiến cả nhà chồng trên dưới vui như trẩy hội. Ông bá vốn tính cần kiệm lại dám bỏ ra những ba mươi quan thết đãi cả làng. Cô hai thường ngày chẳng ngó tôi được một lần, nay lại tò tò theo sát bên như trông chừng đồ dễ vỡ. Bà bá trìu mến nhìn tôi từ đầu đến chân, miệng nở nụ cười tươi như hoa súng, cũng thôi xét nét chuyện nhỏ chuyện to trong nhà.
Chỉ có cậu cả là ngày càng kỳ cục. Cái áo sứt chỉ tôi khâu tuần trước vừa xong, tuần này cái quần lại bị rách ngay gấu. Dăm ba ngày nếu không rơi áo ngắn trên ao thì cũng vướng áo dài lên sào. Thời kỳ bầu bì của tôi thế là lấp đầy đồ rách. Tôi nghi ngờ cậu cố ý nên bèn hỏi dồn, cậu lại chỉ nhún vai bình thản đáp, là lúc trước thường đưa đầy tớ khâu nên tôi mới không biết, chứ tính cậu hay quên và bất cẩn như thế xưa nay rồi.
Cậu bảo tôi, nếu phiền hà thì cứ để con hầu khâu như trước vậy.
Tôi cật lực phản đối, bảo cậu áo chồng tôi há có thể vào tay mấy ả chẳng liên quan.
Cậu lại cười, ôm riết tôi vào lòng.
Mấy tháng sau, tôi chuyển dạ. Trong lúc thập tử nhất sinh, tôi siết chặt tay cậu cả bắt cậu hứa ở góa nuôi con cả đời. Cậu lại chẳng chịu chiều thai phụ sắp chết là tôi đây mà gật đầu lấy một cái, ngược lại còn thét lớn nếu tôi dám bỏ cậu mà đi, cậu sẽ lấy cả mười, cả trăm ả về làm mẹ kế cho con tôi...
Nghe đến đó, tôi không biết lôi đâu ra sức mạnh trâu bò trở bại thành thắng, thành công lội ngược chín con sông quay lại dương gian.
Thời khắc cậu ôm lấy đứa con gái của chúng tôi trong lòng nói khẽ với nó, con ơi, con nhất định phải khỏe mạnh, lớn lên rồi còn phải nối dòng nối dõi cho thầy; tôi đột nhiên hiểu ra tất cả.
Nước mắt, theo đó cũng lã chã rơi.
"Cậu cả ơi, hóa ra... cậu thương em lắm phải không?"
Đúng vậy, cuối cùng tôi đã hiểu rồi. Chẳng yêu chẳng thương thì có người đàn ông nào trên cõi đời này lại thà để cho con gái nối dõi, chứ không mong vợ vì sinh thêm mà mạo hiểm?
Cậu cả sững ra một lát, lại ôm con ngồi xuống cạnh tôi thở dài.
"Cả cái vùng này, sợ chỉ còn mỗi em chưa hay chuyện đó."
Tôi lại càng òa ra nức nở, tựa như trẻ thơ mới chào đời.
Mùng ba Tết, con gái tôi biết lật, tôi mừng rỡ vô cùng, lòng thấp thỏm chờ mong đến lúc chồng về để báo tin. Trong lúc chờ, tôi lại lôi áo chồng ra khâu vá. Lúc giũ áo cho phẳng, đột nhiên nhận ra một điều.
Thật ra, vai của chồng tôi cũng rộng lắm.
Kim rơi xuống ao, tôi nhìn theo rồi để mặc nó chìm. Thì ra, buông bỏ rồi mới biết thật chẳng nặng như lòng thường nghĩ.
Chiều hôm đó, tôi cuốn lại cái áo sờn cũ, nhét vào một cái tráp rồi ném xuống ao sen.
Tết vừa qua, nhà mẹ đẻ tôi lại có chuyện vui hiếm lạ. Anh hai cuối cùng cũng đã đỗ Tiến sĩ, trước đó ở kinh lại có hùn hạp làm ăn cùng một vài người bạn, ngày áo gấm về làng vì thế không chỉ có quyền, mà còn tiền bạc rủng rỉnh. Thế là trong chớp mắt, tôi trở thành em gái của quan huyện mới nhậm, theo cách văn vẻ cậu cả nhà tôi thường dạy tôi là, bay lên cành cao hóa thành phượng hoàng.
Thầy bu tôi vui lắm, ngày tôi theo anh trai về thăm nhà còn nước mắt rưng rưng bảo anh tôi phải dùng hết quyền lực ép nhà bá Phù cho tôi lên làm cả. Thầy nói anh tôi được như ngày nay tất cả đều nhờ tôi, việc nhỏ nhặt này nhất định phải giúp tôi cho bằng được.
Tôi không muốn làm khó nhà chồng, nhưng lại biết tính thầy nên cũng không dám cản, chỉ còn biết tìm anh mình nói chuyện riêng. Nào ngờ, anh tôi lại cho biết sẽ nghe lời thầy bu. Nghĩ đến cảnh cậu cả nhà mình nhà cửa lục đục, tôi lại ra sức khuyên lơn. Vậy mà người anh thường ngày nhu nhược của tôi nay bỗng dưng vô cùng quả quyết, nhất định đòi lấy lại công bằng cho em gái.
Một tháng sau, tôi nghiễm nhiên đã trở thành vợ cả nhà bá Phù. Đến cả bình vôi trong nhà bu chồng tôi cũng theo lệ mà đem sang gửi nhà hàng xóm để thể hiện sự chuyển giao quyền lực. Mang trên người cái danh vợ cả rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Vì tôi biết, từ đây về sau sẽ không ai có thể mượn cớ tôi chỉ sinh con gái mà ép cậu cả lấy thêm vợ cả. Đừng nói là cả, mà đến lẽ và số dư cũng phải có sự đồng thuận của tôi thì họa may mới thành.
Nhận ra các điều lợi hại, tôi mới thấy thấm thía sự quyết tâm của anh mình, bèn chọn ra một ngày sang phủ để lạy tạ tỏ lòng biết ơn. Nào ngờ đến nơi, lại bắt gặp cảnh anh tôi đang quỳ xuống dập đầu trước cậu cả Phù.
Anh tôi nói. "Đời này, ngoài vì dân vì nước, tôi còn nguyện vì huynh lấp cạn biển Đông. Ba năm qua huynh không những mướn thầy dạy tôi thi từ ca phú, dạy tôi đạo lý triều thần, còn dạy cho tôi cách làm ăn kiếm sống. Những vinh quang tôi có được hôm nay, hầu hết đều do huynh đem lại. Huynh có chắc bản thân chỉ có yêu cầu nhỏ nhoi kia? Thật ra vợ huynh cũng là em gái ruột của tôi, huynh không yêu cầu tôi cũng đã làm vậy. Hay là huynh cho tôi biết một nguyện vọng khác? Chuyện gì miễn không phạm đại nghĩa tôi đều có thể đáp ứng huynh."
Chồng tôi lắc đầu, nụ cười nở ra nhẹ nhàng như lông ngỗng.
"Huynh ông có được hôm nay chính là nhờ nỗ lực quyết tâm của bản thân, tôi chỉ là giúp huynh ông vực lên nỗ lực quyết tâm đó. Còn về phần nguyện vọng, nếu huynh ông có thể đảm bảo cho em gái mình một hậu phương vững chắc, để cô ấy không phải cúi mặt trước kẻ giàu, gằm đầu trước kẻ sang, địa vị ở nhà chồng vững vàng không đổ, tôi đã vô cùng toại nguyện. Đời tôi không có gì mong muốn nhiều hơn được cùng vợ răng long đầu bạc, một đời an nhiên."
Nghe đến đây, tôi không kiềm được nước mắt, sợ hai người đàn ông nghe thấy bèn quay đầu bỏ chạy. Đêm đến tôi thắp nhang tạ tội với giời, xin ông giời hãy tha thứ cho mấy mươi năm phải ngồi nghe gái ế tôi đây oán than, trách móc. Tạ tội rồi, tôi lại cảm ơn. Cảm ơn ông giời vì đã ban cậu cả Phù cho tôi.
Ba năm sau, dẫu đã kỹ càng mọi bề, đến cuối cùng, trứng lại bị tôi ấp ra một con gà nữa. Con trai vừa ra đời, cậu cả đã vội ôm chầm lấy tôi mà rơi lệ.
Thấy cảnh cậu khóc vô cùng dễ coi, hai năm tiếp tôi lại len lén ấp nở thêm một cặp gà con, cốt chỉ mong trông lại cảnh đấy.
Năm tháng thoi đưa, gà nối đuôi gà cứ tiếp tục nở ra. Đến khi thấy con gái đầu lòng đã bắt đầu bụng mang dạ chửa, tôi chột dạ, bèn quyết tâm ngừng ấp. Quyết định này mang đến cho cậu cả - lúc bây giờ đã là ông bá nhà tôi - sự bình yên chân chính trong lòng.
Thỉnh thoảng, nhớ lại những điều chồng mình nói với anh trai ngày đó, tôi giật mình vì nhận ra rất nhiều điểm tương đồng giữa cậu và người đàn ông hoàn hảo trong lời tự tình của cô ba năm nào, tự nhiên cảm thấy tò mò trước số phận của thị.
Hỏi qua anh mình, tôi cuối cùng cũng đã được tỏ. Con gái của huyện quan tiền nhiệm nơi này, mười mấy năm trước nghe đâu nhập cung làm tỳ, đầu năm bị bà hoàng phi đánh gãy chân vì dám xưng "ta, ngươi" với bà, cuối năm bị ngũ mã phanh thây vì cái tội bên gối ngài ngự lại rỉ tai những điều ngu xuẩn, hình như là cái gì đó bình đẳng nhân quyền.
Tôi thở dài lắc đầu. Bởi mới nói, không đúng người, không đúng chỗ, có là chân lý thì cũng chỉ có nước xuống lỗ mà nằm. Đâu phải ông vua nào cũng được như cậu cả nhà tôi.
Tôi vừa cười vừa phóng tầm mắt ra xa, nơi lão chồng già và đứa con trai trẻ đang gật gù trong thú vui kỳ cuộc. Cúi người đặt ấm trà sen và đĩa chè lam lên khay, tôi khoan thai bê ra cho cha con nhà nọ. Chân bước chưa đến nơi, đã nghe ra giọng thằng con có phần ngượng ngịu, bèn tò mò nấp vào nghe lén.
Thì ra, chuyện là cậu hai quý hóa nhà tôi nay đã biết yêu, phải lòng một thôn nữ làng dưới. Song lại e ngại môn không đăng, hộ chẳng đối, sẽ dọa chạy con nhà người ta, hết cách đành về hỏi ý ông già.
"Cậu cứ giả vờ để quên cái áo rách, để cho thị khâu lại giúp cậu. Sau đó sang nhà mà đòi, thể nào chẳng ngỏ lòng được."
"Thầy nói sao dễ thế, có ai khâu áo mà nên duyên bao giờ?"
Ông già nhà tôi vuốt râu cười lớn, đoạn ôn tồn bảo với con trai.
"Thầy cậu có ngày bị ngã ao làm rơi mất áo, cả năm sau đi ngang nhà bu cậu, trông thấy bu cậu ngồi vá ngồi khâu mới phải cái lòng, tìm cách lấy về thì mới có cậu hôm nay đấy chứ. Giờ thì ai bảo khâu áo mà chẳng nên duyên?"
Ừ, giờ thì ai bảo khâu áo mà chẳng nên duyên...?
Tôi khẽ mỉm cười, toan bước ra từ sau bụi rậm.
Khoan đã...
Ngã ao làm rơi mất áo?
Hình như, có cái gì đó rất không phải ở đây...?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top