CÁI " ĂN" VÀ DUYÊN PHẬN (Nghĩ về VỢ NHẶT của nhà văn KIM LÂN)

MỘT TRUYỆN XÚ VƠ NIA ( đã đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 465, hè 1943) của nhà văn Nam Cao ( 1915-1951) kể lại câu chuyện Hàn_ một chàng trai mới lớn, con nhà khá giả , được ra tỉnh học_ trong một dịp nghỉ hè ở quê đã gặp gỡ, rung động và chăm chút Tơ _ một cô gái quê xinh đẹp. Hàn ngất ngây sung sướng vì cuốn tiểu thuyết tình yêu trong tưởng tượng của anh ta cứ dày lên mãi sau mỗi bận gặp Tơ ở đám ruộng dâu cạnh chùa , nơi mà cứ bốn , năm ngày Tơ lại đến hái dâu một lần. Thật ra , Hàn có thể “ bảo phắt mẹ hỏi Tơ cho mình” nhưng Hàn không làm thế vì chàng “chưa đọc một cuốn tiểu thuyết nào kết thúc một cách giản dị theo kiểu ấy” ! Với Hàn, chỉ tình yêu mới là trên hết, “ cần gì phải nghĩ đến hôn nhân”.

Thế rồi mấy tháng nghỉ hè cũng trôi qua . Hàn đã kịp xú vơ nia cho Tơ chiếc khăn tay Hàn “ đã dặt làm ngoài tỉnh , rưới vào đấy mấy giọt nước hoa rồi gói vào một tờ giấy bóng ”. Ở trên tỉnh, đùng một cái, Hàn nghe Tơ lấy chồng. Chồng là một chú chíp hôi kém Tơ ba tuổi. Bi kịch đến với Tơ. Sau đó , Hàn cũng bị mẹ ép lấy một cô vợ rộng miệng và hôi nách.

Yêu cho giống tiểu thuyết , giờ cũng nổi loạn cho giống tiểu thuyết, Hàn quyết nhân ngày hội thả diều của làng rủ Tơ đi trốn , chấp nhận cuộc sống bằng tình yêu, một túp lều tranh hai trái tim vàng. Song cái chương trình rất hăng ấy của Hàn đã vỡ như bong bóng xà phòng khi chàng mục sở thị cái cảnh các bà , các cô ăn bún riêu , bánh đúc dưới tán đa đầu làng. Tất thảy “ mắt hùm hụp nhìn xuống bát, nhìn xuống chỗ bánh của mình, nhìn chỗ bánh của người khác , của nhà hàng,...bê bát nước riêu thừa lên húp một vài húp nữa...” . Tơ không có mặt ở đó nhưng khốn nỗi chiếc khăn xú vơ nia đã vào cuộc một cách oái oăm làm đề tài cho những lời bàn tán , thị phi . Cái xú vơ nia đánh dấu mối tình đầu thơ mộng như tiểu thuyết đã được định giá bằng hai hào ăn bánh đúc. Đầy biêu riếu!

Hàn vỡ mộng chua chát: “trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã!” Người đọc không làm sao tránh khỏi một tiếng thở dài . Miếng ăn đã làm rớt giá con người biết bao! Còn đâu nữa hình ảnh người con gái đáng yêu của “ cái thuở ban đầu lưu luyến...” ; còn đâu người tình lí tưởng nhưng sa vào số phận đáng thương, nạn nhân của kiểu hôn nhân áp đặt “ cha mẹ đặt đâu , con ngồi đó” khiến phải rơi vào nghịch cảnh “ bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu” rất đáng cứu vớt để được sống chết với tình!

Phải chăng ý nghĩ của Hàn cực đoan_ “ Chao ôi! Thì ra những cô gái quê rất đẹp , rất hiền, rất ngây thơ kia phần nhiều chỉ nghĩ đến ăn. Họ là những kẻ không mấy ngày được thoả cơm. Đối với họ, cái ăn có lẽ còn cần hơn cả tình yêu. Tơ đã bán cái xú vơ nia của Hàn để ăn bánh đúc chăng?...”_ bỡi đầu óc chàng trai này trót thấm đẫm những câu chuyện tình yêu mà văn chương lãng mạn đương thời đã ra công thêu dệt_ theo kiểu Đôn Kihôtê tiêm nhiễm tiểu thuyết hiệp sĩ Tây Ban Nha thời trung đại!

Quả thực, cái đói thừa sức mạnh lôi tuột con người ta vào tập đoàn cửa tử do nó trấn lấy làm xuất hiện trong lòng ta không ít dư vị đắng cay nhất là khi cái viễn cảnh no cơm ấm áo còn mờ mịt đối với người trong cuộc.

Nhưng may thay, lịch sử đã sang trang bằng chính cuộc Cách mạng tháng Tám_ 1945 là thành quả của “ bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hi sinh..., của bao nhiêu hi vọng , gắng sức và tin tưởng của hai mươi triệu nhân dân Việt Nam” (1) vừa trải qua một nạn đói khủng khiếp , vừa vĩnh viễn mắt đi hai triệu rưỡi sinh mệnh đồng bào . Và cuộc chạy tiếp sức xung quanh đề tài tình yêu , hôn nhân của các nhà văn đầy tài năng tâm huyết đã thắp lại trong ta ngọn lửa ấm tình người. Tôi muốn nói đến truyện VỢ NHẶT của nhà văn Kim Lân_ Một trong những truyện ngắn hàng đầu của nền văn xuôi Cách mạng.

Trên cái nền xám xịt của nạn đói đầu năm 1945 do bọn phát xít – thực dân và tay sai gây ra, anh Tràng đã quyết định nhặt vợ tức là tự nguyện gánh thêm một miệng ăn , tức là tự mình rút ngắn khoảng cách giữa sống lay lắt vật vờ và chết đói thật của mình và người mẹ già. Tràng và “thị” nên vợ nên chồng ngoài dự định của cả hai người. Ai ngờ họ đến với nhau thật, chỉ qua những câu đùa, vu vơ ! Thị lấy Tràng vì được cho ăn “ liền một chặp...bốn bát bánh đúc”. Tràng lấy “thị” phần vì đành chấp nhận một sự việc đã rồi, chuyện đùa hoá thật , phần vì tấm lòng trắc ẩn . Theo dõi câu chuyện người ta không thể không buồn cười nhưng đọng lai lâu bền nhất là trạng thái thương xót, cảm thông. Nhà văn Kim Lân thật sự đã chọn được một tình huống đặc sắc để miêu tả cái đói, sự huỷ hoại của nó đối với nhân cách con người nhưng trên hết là khát vọng sống, là bản lĩnh vượt lên trên cái chết, cái thảm đạm để mà vui , mà hi vọng. Vinh dự của Tràng, của “thị” và của bà cụ Tứ ( mẹ Tràng) là ở chỗ đó. Những tác phẩm lớn xưa nay đều gặp nhau ở ý tưởng này .

Dễ thấy, mẹ con Tràng đang bị cái đói dồn đuổi đến chân tường như bao nhiêu người nghèo khác khi, nhãn tiền, xóm ngụ cư khác nào cái lòng chảo nóng ran lên trên ngọn lửa đói( Cổ nhân từng có câu “ lửa cơ đốt ruột , dao hàn cắt da) . Con người ở đó đang oằn mình lên tránh né nhưng nâng đằng đầu thì chạm đằng lưng!! Khoảng cách giữa sống và chết chỉ là một hơi thở trút. Phải chăng vì thế mà Tràng không kì thị với cái đói, với người đói. Cái tặc lưỡi “ Chậc, kệ! ” của Tràng quả là một thanh âm trong trẻo giữa tiếng khóc hờ , tiếng quạ đàn, tiếng trống thúc thuế đang bao vây, truy bức xóm ngụ cư!

Như thế, cùng đứng trước miếng ăn, cái đói nhưng cách đánh giá và cách xử sự của Hàn và Tràng khác nhau biết bao. Tưởng rằng yêu nhau sâu nặng, Hàn định bụng rủ Tơ đi trốn nhưng chỉ vì chứng kiến chuyện ăn của các bà , các cô ở làng, Hàn đã chạy trốn trước , chạy trốn cái dự định của mình. Hàn chưa một ngày đói cơm, nhạt mắm làm sao hiểu được sức tàn phá của cái đói. Đầu óc Hàn mải mê với bao nhiêu câu chuyện tình yêu diễm lệ quyết không có chỗ để len vào một cảnh đời “phàm tục”! Ngược lại, Tràng oằn mình trong lòng chảo đói , trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhưng Tràng thật sự hướng về sự sống , về hạnh phúc , tương lai. Tình yêu thương dù giản dị, khát vọng hạnh phúc dù đơn giản của Tràng, của người “ Vợ nhặt”, của bà cụ Tứ mãi mãi là ngọn lửa ấm tình người!

Cái sắc điệu bi hài của Một chuyện xú vơ nia chính là thái độ phủ định kín đáo của nhà văn Nam Cao đối với quan niệm của các nhà văn lãng mạn . Nhà văn Kim Lân , sau Cách mạng tháng Tám , phải chăng đã tiếp tục cái tứ của Nam Cao bằng việc khẳng định cái tình lí thật sâu xa trong hành động của các nhân vật ở Vợ nhặt.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: