khi chúng ta thấu hiểu
Tôi chỉ là kẻ lang thang lượm nhặt những điều kì diệu trong đời mà thôi.
***
Trong xóm trọ của tôi có một thằng bé, mỗi ngày nó đều chăm chỉ theo mẹ đi làm, khi đi ngang qua một cửa hàng bán đồ điện tử nó luôn dừng lại rất lâu, có khi nó mải mê đến mức mẹ nó đã đi xa rồi nó vẫn chưa thể tỉnh cơn mê.
Tôi thích đi theo thằng bé này mà không thể lí giải được tại sao , ngay cả việc nó đứng nhìn mãi một cái tivi treo trong cửa hàng cũng khiến tôi tò mò. Rốt cuộc cái gì thu hút nó đến thế? Cái tivi treo trong cửa hàng đó cũng đến là kì lạ, ngày nào nó cũng phát đi phát lại hình ảnh Trọng Nhân đánh trống trong cuộc thi Tìm Kiếm Tài Năng Việt Nam. Nó đứng đó say sưa theo dõi, tiếng trống, sự cuồng nhiệt của khán giả, sự hết mình của Trọng Nhân thu hút nó hoàn toàn. Và cũng có chút thu hút tôi.
Có những ngày, chúng tôi đều bị nó thu hút. Mẹ nó đi xa nó một đoạn rồi mới sực nhớ ra nó và quay lại, đi về phía nó, thấy cái cách nó say mê nhìn chiếc tivi thì không dám đánh động, chỉ đứng nhìn theo ánh mắt của nó. Tôi cũng đứng nép ở một góc, lén nhìn theo hai mẹ con họ.
Khi thằng bé ngẩng lên, họ nhìn nhau, cười nhạt một cái rồi cùng đi.
Tôi nghèo, cả xóm trọ đó cũng nghèo, những người đi bới rác kiếm cơm như chúng tôi vốn không có thời gian bận tâm đến cảm xúc hay những điều đại loại như món ăn tinh thần mà người ta vẫn nói. Ở đây chỉ có cơm, có cơm cho cả gia đình, có tiền cho những điều thực sự cần thiết.
Nhưng việc bỏ con đường quen thuộc của mình và đi theo một con đường khác là một việc táo bạo mà cả tôi và thằng bé đó đều hào hứng làm như một điều hiển nhiên.
Hai mẹ con đó đi tới một bãi phế liệu vui vẻ tươi cười chào người bảo vệ. Người bảo vệ cười xoa đầu thằng bé , gật gật ra hiệu cho hai mẹ con đi vào. Họ tiến tới một đống phế liệu lớn. Thằng bé đặt quyển sách xuống thoăn thoắt đeo gang tay cúi xuống định giúp mẹ bới những đồ có giá trị nhưng người mẹ đã ngăn lại, bà lắc đầu rồi tuột đôi gang tay khỏi nó và đặt vào quyển sách.
Thằng bé lặng lẽ ngồi đọc sách ngay cạnh đống phế liệu mà mẹ đang làm việc.Nó chẳng phản kháng, cũng không tỏ bất kì thái độ nào. Nó chẳng giống với những đứa trẻ cùng trang lứa. Rõ ràng tôi cứ nhận thấy điều gì đó rất mãnh liệt bên trong thằng bé này, nhưng hiện tại, sự mãnh liệt ấy đã bị vùi lấp. Khi nào nớ mới bùng nổ? Chắc hẳn sẽ rất dữ dội.
Một đám trẻ tầm tuổi thằng bé cùng mấy đứa lớn hơn đang cặm cụi tìm kiếm trong đống phế liệu ngổn ngang ngay cạnh đó. Thằng bé đăm chiêu suy nghĩ rồi lên tiếng.
"Này, mọi người có ước mơ không?"
Những đứa trẻ đồng loạt dừng việc tìm kiếm lại, ngước lên nhìn thằng bé.Người mẹ cũng đưa tay quệt mồ hôi dõi theo dõi nó và đám trẻ.
Một thằng bé gầy, cao lênh khênh trông có vẻ già đời nhất đám khẽ nhếch mép cười rồi đáp.
"Ước mơ với bọn tao ấy hả ? Là một ngày kiếm được thật nhiều những thứ có giá trị từ cái bãi phế liệu này."
Đám trẻ cười cợt rồi lại cặm cụi với việc bới rác.
Thằng bé ngây người vì câu trả lời đó, nó hướng ánh mắt đăm chiêu nhìn lên bầu trời xanh ngắt, nắng chói chang.
Hình ảnh Trọng Nhân đánh trống mạnh mẽ xuất hiện. Thế quái nào mà tôi cũng lại thấy được hình ảnh đó cơ chứ. Tôi đang bị ám ảnh bởi thằng bé kì lạ này.
"Tôi nhất định sẽ trở thành một tay trống cừ khôi như cậu ấy."
Tôi giật mình vì ý nghĩ thằng bé đang nói điều đó với tôi. Những đứa trẻ kia căn bản không thấy Trọng Nhân trong ánh mắt của thằng bé. Trọng Nhân đang đánh trống rất mạnh mẽ, sôi động trước mắt chúng tôi.
Đám trẻ chỉ ngước lên lắc đầu vẻ chán ngán. Tôi ước có thể chạy tới và tìm cách giúp chúng thấy được những hình ảnh tuyệt vời về một cậu bé tài năng như thế. Biết đâu chúng sẽ thay đổi, sẽ đánh thức được ước mơ bị vùi lấp ở chỗ nào đó sâu bên trong chúng.
Người mẹ tháo khăn bịt mặt lên tiếng.
"Này mấy đứa, còn trẻ như thế mà không có ước mơ gì thì thật là chán đấy."
Thằng bé chậm rãi đưa đôi mắt to tròn ngạc nhiên nhìn mẹ cười toe toét. Nó vốn tưởng người mẹ này sẽ chẳng bao giờ bận tâm đến điều mang tên ước mơ kia. Từ khi có thể nhận thức và ghi nhớ được nó chỉ thấy mẹ lầm lũi với công việc, không có thời gian theo dõi bất kì điều gì diễn ra xung quanh. Ban đầu nó nghĩ, cuộc sống như thế ắt hẳn rất chán, nó sợ một cuộc sống như thế nhưng rồi nó hiểu rằng, những ngày hết gạo mới là điều khiến nó sợ hãi nhất vì khi ấy mẹ nó luôn nổi giận một cách bất lực. Mẹ nó sẽ quanh quẩn cả ngày trong những bãi rác, sẽ như phát điên nếu mỗi bước chân đều chỉ thấy những thứ vô dụng. Nó sợ khi thấy người phụ nữ kiên cường đó tuyệt vọng.
Thằng bé cầm theo quyển sách và một cái bao dứa đi quanh bãi phế liệu, tôi cũng lững thững đi theo nó. Có lẽ nó muốn phụ giúp mẹ, nhưng nó cứ đi quanh quanh mãi, mắt đảo liên tục tìm kiếm thứ gì đó. Nhưng nó đã đi qua biết bao nhiêu thứ giá trị có thể tìm được ở bãi phế liệu này. Ồ, nó nhặt một chiếc vung xoong lên và tỏ ra vui mừng vô cùng, hào hứng đi hết đống phế liệu này đến đống phế liệu khác.
Đã xế chiều...
Mẹ nó vác một bao đựng đồ bới được trên lưng, nó đi bên cạnh cũng bắt chiếc vác bao đựng đồ mình bới được trên lưng rồi nhìn mẹ cười. Nó chỉ khẽ cười thôi, nhưng nụ cười đó thuần khiết và tươi sáng biết bao.
Hai mẹ con in bóng đen trên con đường trong buổi nhập nhoạng tối.
Trước cửa căn phòng trọ tồi tàn, người mẹ chằng ba bao đồ bới được lên chiếc xe đạp rồi dắt xe đi.Trước khi đi bà còn tò mò ngiêng người nhìn vào nhà vì từ lúc ở bãi phế liệu về, thằng bé vẫn đang hí hoáy làm gì đó với vung xoong cũ, thau nhôm hỏng và mâm cơm hỏng mà nó thu thập được từ rất nhiều nguồn.
Nó khoét lỗ, buộc cọc vào những chiếc vung xoong, thau nhôm và xoong hỏng rồi chèn gạch dưới chân để những thứ đó đứng vững tạo thành một bộ trống từ những vật liệu phế thải. Thì ra là thế, tôi đã bảo thằng bé này vô cùng kì lạ mà. Tôi cứ ngồi đó ngắm nó, ngắm mãi không chán. Tôi ước gì có thể giúp nó.
Một lúc sau, mẹ nó mới đi tới cổng đã nghe tiếng tùng, xèng.. tiếng người nhốn nháo đám trẻ con hàng xóm đã xúm lại đông đúc trước cửa nhà nó. Tiếng tùng, xèng .. ồn ào được phát ra khi người ta gõ vung xoong, thau nhôm. Chính xác là thứ âm thanh đó. Đám trẻ con nhăn nhó bịt tai. Một vài người lớn cũng đi tới nhìn vào nhà nó, họ từ ngạc nhiên chuyển qua khó chịu rồi lầm rầm bỏ về phòng mình.
Một người phụ nữ ngây người nhìn thằng bé ra sức gõ vào bộ trống vung xoong nồi niêu xoong chảo đó mà thở dài.
"Thằng bé đó đang làm cái gì thế không biết? Inh tai nhức óc quá thể?"
Một cô bé trong đám trẻ nhanh nhảu .
"Nó nói muốn làm tay trống gì đó biểu diễn trên tivi đấy cô ạ?"
"Cái đấy là cái thứ gì thế?"
Người phụ nữ trong xóm trọ xua tay.
"Ôi dào, hão huyền vô bổ. Thời gian đó giữ sức để chạy đua trong bãi phế thải mà kiếm cơm."
Mẹ nó đi vào thì mọi người đều từ từ lảng đi. Bà nhìn nó, nó nhìn mẹ với vẻ lo lắng, hoảng sợ nhưng bà chỉ mỉm cười rồi nói với những người xung quanh.
"Đó chỉ là sở thích của thằng bé thôi mà."
Người phụ nữ trong xóm trọ dừng lại.
"Nó muốn làm gì thì làm nhưng đừng có phát ra tiếng ồn làm phiền mọi người."
Sau vụ ồn ào xóm trọ đó, khi hai mẹ con ngồi ăn cơm bà gắp thức ăn cho nó nhưng nó cứ buồn bã mà không ăn. Đây là những cảm xúc đầu tiên mà nó thể hiện, nhưng sao lại là những cảm xúc khiến nó buồn đến thế này?
"Con thực sự muốn làm điều đó sao?"
Câu hỏi đó của mẹ nó khiến tôi bừng tỉnh, rộn ràng một niềm vui khó tả. Tôi thấy được hi vọng. Tôi tin thằng bé cũng cảm thấy như tôi. Câu hỏi đã lấy lại được sự chú ý của thằng bé, nó ngước lên nhìn mẹ vẻ ngóng đợi.
Bà nhướn lông mày chờ đợi câu trả lời từ thằng bé.
"Con nhất dịnh sẽ làm được như Trọng Nhân trên tivi ấy."
Người mẹ mỉm cười.
Dưới ánh đèn cao áp mờ đục, người mẹ đó giúp con mang theo dụng cụ đến bãi phế thải.Bà nói gì đó một lúc với người bảo vệ của bãi.
Ông ta mỉm cười gật đầu.
Hai mẹ con đi đến một bãi đất trống bên cạnh bãi phế thải.Người mẹ đó đang giúp cậu con cắm những chiếc cọc đỡ thật chặt xuống đất. Còn thằng bé úp những chiếc vung xoong, thau nhôm đã đục lỗ sẵn lên trên.
Hai mẹ con đứng nhìn thành quả cười hạnh phúc. Bà mẹ khẽ gật đầu rồi ngồi xuống bãi đất trống. Thằng bé tiến tới bộ trống phế thải, cầm hai chiếc gậy nhỏ tự tạo và bắt đầu luyện tập, gõ những nhịp đầu tiên.
Bà mẹ vừa phân loại bao phế liệu mang theo vừa chăm chú theo dõi thằng bé gượng gạo gõ ra những âm thanh đầu tiên, thi thoảng lại vỗ tay hết sức vui vẻ.
Người bảo vệ đứng từ xa nhìn hai mẹ con mỉm cười.
Mỗi ngày, mỗi ngày sau khi làm việc đều hết sức mệt mỏi nhưng hai mẹ con vẫn đều đặn tới đây khi trời đã về khuya.Người mẹ đó đeo thêm trên đầu chiếc đèn soi cá để đi trong baĩ phế liệu dễ hơn.
Tôi tự hào được là khán giả đầu tiên theo dõi những bước trưởng thành của thằng bé.
Hai mẹ con đứng trước bộ trống, bộ trống đã có thêm một chiếc mâm nhỏ nữa.Thằng bé đang nghiêm túc chỉ cho mẹ về những bộ phận của bộ trống.Sau đó nó bắt đầu gõ từng nhịp, từng nhịp.
Tôi ngồi nép sau một đống phế thải chăm chú lắng nghe, gật gù và cười thích thú. Cả ba chúng tôi đang đung đưa người theo nhịp gõ trống.
Khoảng thời gian đó, người ta lại càng tò mò về hai mẹ con. Những người luôn ra ngoài khi trời đã khuya. Khi hai mẹ con khóa cửa chuẩn bị đi thì mọi người trong khu trọ đều ngó đầu nhìn ra.Đợi hai mẹ con đi ra khỏi xóm trọ, mọi người xúm lại.
"Hai mẹ con nhà ấy không biết làm cái gì mà đi tới khuya mới về."
Họ kéo nhau đi theo hai mẹ con thằng bé ra bãi phế liệu.
Ở đó, người mẹ đang ngồi đu đưa người theo tiếng trông, hai mẹ con đều mải miết say mê.
Những người trong xóm trọ lặng lẽ đứng phía xa lắng nghe.
Kết thúc bài trống, tất cả đồng loạt vỗ tay.
Hai mẹ con vỡ òa vì ngạc nhiên, thằng bé thở gấp phía sau bộ trống. Nó bất ngờ nở nụ cười tươi rói.
Bây giờ thì .......
Tại bãi phế liệu, mọi người cặm cụi làm việc còn thằng bé vẫn chăm chỉ luyện tập.
Thi thoảng mọi người lại gật gù lắc lư theo những âm thanh phát ra từ bộ trống.
Buổi tối, dưới ánh đèn, mọi người ngồi xung quanh những bãi phế liệu, say sưa lắng nghe tiếng trống của thằng bé, lim dim mỉm cười với đất trời.
Cuối cùng, tôi chỉ là kẻ lang thang lượm nhặt những điều kì diệu trong đời mà thôi.
Tiếng trống đó, ai đó đã giúp nó bay xa, tới nơi có người sẽ giúp được thằng bé. Mọi người trong xóm trọ đóng góp mỗi người một chút, từng ngày, từng ngày. Cuối cùng đã kịp mua cho thằng bé một bộ trống thực sự, để người ta dẫn nó đi thi.
Nó bùng nổ mãnh liệt trên sân khấu. Tôi đã nói thằng bé rất đặc biệt mà.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top