Cafe chieu thu 7

Chú chó may mắn

Mary có nuôi một chú chó tên là May Mắn. Cô bé đã xin chú chó này từ nhà một người bạn, ngay khi May Mắn mới được sinh ra. Ngay cả cái tên May Mắn cũng do Mary đặt. Và tất nhiên, May Mắn trở thành người bạn thân thiết nhất của Mary.

May Mắn có một sở thích rất lạ. Bất kỳ ai đến nhà chơi, gia đình Mary cũng phải dặn họ cài thật kỹ túi xách. Vì nếu để túi mở, Lucky sẽ tự "lục" xem có món nào nó thích nhất và... lấy đi luôn.

Nhưng tất nhiên là có những người quên khuấy. Thế là khi chuẩn bị ra về, họ phát hiện ra cái túi bị lục tung và thứ gì đó biến mất. Bố mẹ sẽ gọi Mary. Mary sẽ chạy đến chỗ hộp đồ chơi của May Mắn ở dưới tầng hầm, và chắc chắn là món đồ đã được xếp ở đó gọn ghẽ cùng với những món đồ chơi mà May Mắn yêu quý nhất.

Năm Mary 14 tuổi, cô bé bị chẩn đoán là có vấn đề về dạ dày rất nghiêm trọng. Bác sĩ cho rằng phải phẫu thuật ít nhất 2 lần, và phải theo dõi dài hạn. Mary và bố mẹ đều lo lắng.

Ca phẫu thuật khó hơn các bác sĩ dự đoán, Mary phải nằm viện đến hơn 2 tuần. Mỗi tối, bố hoặc mẹ Mary sẽ dẫn May Mắn đi dạo, nhưng chú chó nhỏ cứ gục đầu xuống ủ rũ, rên ư ử và trông rất khổ sở.

Cuối cùng cũng đến ngày Mary được xuất viện. Về đến nhà, cô bé quá mệt mỏi, đến nỗi không leo nổi cầu thang để lên phòng mình. Bố mẹ đành lấy gối xuống đặt ở ghế đệm lớn trong phòng khách cho con gái nằm tạm.

May Mắn cứ đứng đó, nhìn Mary. Mary không gọi được, chỉ vẫy vẫy tay, nhưng May Mắn không lại gần. Điều này làm Mary rất buồn, nhưng vì quá mệt, nên cô bé nhanh chóng ngủ thiếp đi.

Gần sáng, Mary tỉnh dậy. Cô không hiểu được đã xảy ra chuyện gì, chỉ biết là không cử động được, bởi vì người nặng trịch và rất nóng. Lúc đầu, Mary hoảng hốt. Nhưng cô bé trấn tĩnh lại ngay, thậm chí còn mỉm cười khi nhận ra "vấn đề". Khắp xung quanh và trên người cô bé là những "báu vật" mà May Mắn có được: những khúc xương bằng cao su, quả bóng nhựa, tấm thảm, đồ chơi hình con cá bằng nhựa dẻo... Tất cả "kho báu" của May Mắn đều ở đó.

Khi Mary ngủ, chú chó đã đi lại rất nhiều lần giữa tầng hầm và phòng khách, mang tất cả những gì mình yêu quý nhất tới cho cô bạn thân thiết nhất của mình. May Mắn đã bao trùm Mary không chỉ bằng "kho báu đồ chơi", mà còn bằng tất cả sự yêu thương của nó.

Mary và May Mắn vẫn luôn là bạn thân. Đôi bạn vẫn đi dạo cùng nhau mỗi tối. Đã 12 năm trôi qua kể từ hồi đó và Mary vẫn khoẻ mạnh, dạ dày của cô không hề bị biến chứng một chút gì. Đến các bác sĩ cũng ngạc nhiên về sự bình phục và sức khoẻ của cô.

Còn May Mắn?

Chú chó vẫn giữ thói quen lấy những món đồ mình thích và giấu vào hộp đồ chơi ở tầng hầm. Nhưng chắc chắn Mary mới là "kho báu" lớn nhất của nó.

Món bánh rán của bà

Theo lời mẹ, tôi là đứa khảnh ăn số một, cứ hay kén cá chọn canh. Nhưng không biết tại sao, cứ bà nấu là món gì tôi cũng thích. Và tôi thích nhất món gà rán.

Khi bà đi chợ, tôi nhất định đòi đi theo. Tôi nhìn và lắng nghe khi bà nói chuyện với những người bán hàng. Bà sẽ nói với bác bán hàng thịt:

- Cắt cho tôi miếng mới nhất ấy, và gạn mỡ đi nhé, để tôi nấu cho cháu tôi ăn mà!

Hoặc bà nói với cô hàng rau:

- Lấy cho bác mấy quả cà chua tươi nhất kia xem nào? Cháu tôi thích ăn cà chua.

Rồi bà tôi mất, tôi chỉ còn lại những kỷ niệm đẹp về rất nhiều ngày tháng hai bà cháu cùng chia sẻ với nhau: bà đã dạy tôi nấu ăn, mua bán, chọn lựa và mặc cả...

Tôi vẫn không thể trở thành "người nấu ăn ngon nhất" như bà, nhưng tôi làm được món gà rán khá ngon. Khi tôi có bạn trai, mỗi cuối tuần, tôi thường mời bố mẹ anh ấy tới ăn tối ở căn hộ mình thuê. Và lần nào tôi cũng làm món "tủ" là gà rán.

Đến lần thứ ba khi ăn tối ở nhà tôi, bạn trai tôi chợt nói một câu rất ngốc xít với mẹ của anh ấy:

- Sao mẹ chẳng bao giờ làm món gà rán ngon bằng Marsha làm?

Mẹ anh ấy hơi tự ái, bác nhún vai:

- Marsha làm món gà rán ngon như vậy thì mẹ đâu cần phải làm món đó nữa mà ngon với dở!

Cuối tuần sau đó, tôi tới gặp bác gái trước và lập một kế hoạch: bác gái sẽ làm món gà rán, rồi đem tới nhà tôi, và sẽ không nói cho mọi người biết rằng đó là món ai làm.

Mọi việc diễn ra trôi chảy. Bác gái làm món gà, đem tới, thậm chí đặt vào chảo của tôi.

Sau bữa tối, bạn trai tôi lại bảo bác gái:

- Thật không thể tin được, mẹ nấu ăn bao nhiêu năm mà làm món gà rán vẫn không ngon bằng Marsha làm!

Hai bác cháu đã cười chảy nước mắt, đến nỗi mãi mới giải thích được. Cả bạn trai tôi và bác trai đều hết sức ngạc nhiên!

Hoá ra ngay cả món ăn có ngon không, nhiều khi cũng là do "định kiến" của người ăn! Giống như món gà rán của bà đối với tôi. Có thể bà tôi không phải là người nấu ăn ngon nhất. Tôi cũng không phải là người nấu ăn ngon nhất. Nhưng chính tình cảm đã làm cho món ăn của người mà chúng ta đặc biệt yêu thương trở nên đặc biệt đối với riêng chúng ta. Như món ăn của bà là ngon nhất đối với tôi. Cũng như món ăn tôi nấu là ngon nhất đối với bạn trai tôi. Đơn giản thế thôi.

Tôi nhận ra rằng, những món ăn ngon nhất trong đời chúng ta thường không đến từ các nhà hàng đâu, chúng đến với chúng ta từ những người mà bạn yêu thương nhất, đến từ những vùng đất mà chúng ta gắn bó nhất, những kỷ niệm ấu thơ ấm áp. Tôi nghĩ rằng không phải "con đường ngắn nhất để đến trái tim là đi qua dạ dày" mà là "con đường ngắn nhất để đến dạ dày là đi qua trái tim".

Tớ thật sự xin lỗi cậu!

- Trông tai cậu ta kỳ dị quá! - Một cô gái nói to, cố tình cho tôi nghe thấy.

Đó là ngày đầu tiên tôi đi học ở trường mới. Tôi tiếp tục bước, giả vờ không nghe thấy gì hết.

- Này, nghe thấy đấy chứ, hả đồ kỳ quái! - Vẫn cô gái đó hét lên. Tôi tiếp tục bước, trong khi nhóm con gái đó cười khúc khích với nhau.

Tôi chạy thật nhanh vào phòng vệ sinh nam, đứng dựa lưng vào tường. Bốn năm trước, tôi bị bệnh ở tai và phải phẫu thuật. Kể từ hồi đó, tai trái của tôi có vẻ dựng lên một cách hơi dị thường.

Tôi dồn hết sức mạnh của một thằng con trai để giữ cho mình không khóc. Nhưng không thể không cảm thấy nhức nhối trong lồng ngực.

Mặc kệ chuông reo, tôi vẫn chờ cho đến khi không còn nghe tiếng ai ở ngoài hành lang, thì mới chạy vào lớp.

Cô giáo ngừng giảng bài và chỉ tôi ngồi xuống một chỗ trống ở bàn cuối. Ngồi cạnh đó chính là cô gái lúc nãy đã hét trêu tôi ngoài sân trường.

Tôi ngồi xuống và nhìn thẳng lên bảng.

- Này! - Tôi nghe tiếng gọi từ bên trái.

Khi quay đầu sang, tôi thấy cô ta đang giơ ra hình vẽ một con gia tinh với đôi tai vểnh dựng lên. Cứ thỉnh thoảng cô ta lại vẫy vẫy tờ giấy, nhưng tôi không nhìn về phía đó nữa.

- Kỳ dị! - Thỉnh thoảng tôi lại nghe cô ta thì thầm.

Rồi hết sức bất ngờ, những lời thì thầm... im bặt. Vì tò mò, tôi từ từ quay sang. "Kẻ thù" của tôi lúc này đang cực kỳ lúng túng với một vệt máu đang chảy dài trên bắp chân. Chiếc váy đồng phục cũng dính một chút máu. Khi thấy tôi đang nhìn, cô ta sững lại, ánh mắt lộ rõ vẻ hoảng sợ.

Vài phút sau, chuông reo và học sinh bắt đầu rời khỏi lớp. Cô bạn ngồi yên ở chỗ của mình, đợi mọi người đi hết. Khi tôi đứng lên, trông cô ấy rất khiếp sợ. Có lẽ cô ấy nghĩ rằng tôi sẽ la toáng lên, như cô ấy lúc ngoài sân trường. Nhưng tôi cởi chiếc áo sơmi cũ màu đỏ của mình và đặt lên bàn.

- Lấy cái này mà quấn ngang hông. Trong túi còn có khăn giấy nữa đấy! - Tôi bảo.

Tôi rời khỏi bàn và đứng ở cửa để đảm bảo không ai chạy vào lớp trong lúc cô bạn "sửa soạn". Vài phút sau, cô ấy đi ra với đôi chân đã được lau sạch, và chiếc áo sơmi đỏ của tôi quấn ngang hông. Cô ấy không nói gì, chỉ cúi đầu đi dọc theo hành lang để tới phòng vệ sinh nữ.

Hôm sau, bước vào lớp, tôi thấy cô bạn hôm trước đã tới. Khi tôi ngồi vào bàn, tôi thấy hai chiếc áo được gấp gọn, đặt ở chỗ tôi: một là chiếc màu đỏ của tôi và một chiếc áo khoác màu xanh.

- Tại sao lại có hẳn hai chiếc áo ở đây? - Tôi hỏi cô ấy.

- Chiếc áo đỏ của cậu, tớ đã giặt rồi, còn chiếc màu xanh tớ đã mua thêm. Trời lạnh lắm, đôi khi cũng cần mặc áo khoác.

Cô ấy chỉ nói thế.

Buổi tối về nhà, tôi mới phát hiện ra rằng chiếc áo khoác xanh là áo có mũ, và trong túi của nó có một mảnh giấy, viết: "Tớ cố tình mua áo có mũ. Để nếu có bao giờ cậu gặp phải những người bạn vô ý và ngốc nghếch như tớ nữa, cậu có thể đội mũ lên và trông cậu sẽ hoàn toàn bình thường và rất dễ thương. Cảm ơn sự thấu hiểu và cảm thông của cậu. Tớ thật sự xin lỗi cậu".

Ông già tuyết không hề quên!

Hồi tôi còn nhỏ, bố tôi làm việc tại một nhà máy làm bánh kẹo. Dịp Giáng Sinh năm đó, tất cả các nhân viên và gia đình họ đều được mời tới dự tiệc ở nhà máy. Người chủ "tài trợ" thức ăn, trang trí phòng tiệc, tổ chức những trò giải trí, bao gồm cả một người hoá trang thành ông già Tuyết. Tuy nhiên, các công nhân phải tự mang theo quà đã gói sẵn cho các con mình - có mấy đứa con đi theo thì mang chừng đó quà. Những món quà đó được đặt dưới gốc cây thông trong phòng tiệc khổng lồ của nhà máy.

Cả gia đình tôi tới dự tiệc - tức là bố mẹ, tôi, cùng với 4 anh chị em nữa. Tất cả 5 anh chị em chúng tôi đều cực kỳ hào hứng.

Thức ăn rất ngon, những trò chơi thật vui, và bây giờ chúng tôi chỉ còn đợi được ông già Tuyết gọi tên nhận quà nữa thôi là hoàn hảo.

Mỗi lần "chú tuần lộc" đưa cho ông già Tuyết một món quà, chúng tôi đều nín thở hy vọng tên mình sẽ được đọc lên. Từng đứa trẻ đi lên phía sân khấu để nhận quà của ông già Tuyết, rồi hối hả chạy về phía bố mẹ để được mở ra xem quà là gì. Tiếng giấy gói sột soạt hoà lẫn với tiếng reo thích thú khi những hộp quà lần lượt được mở ra.

Chẳng bao lâu thì thực tế dường như trở nên rất rõ ràng rằng ông già Tuyết đã quên mất mấy anh chị em tôi. Tuy cố nuôi dưỡng ý nghĩ rằng có thể chúng tôi không đủ ngoan để được nhận quà nhằm tránh đi cái thực tế "bị-bỏ-quên", nhưng tôi vẫn ngóng đầu lên hy vọng cho đến khi món quà cuối cùng được ông già Tuyết cầm, đọc tên và cô bé ngay phía trước tôi chạy lên nhận.

Trông bố mẹ tôi lúc đó rất khổ sở, và bố mẹ hỏi chúng tôi có đồng ý đi về nhà luôn không. Mặt cúi gằm và trái tim thì buồn bã, tôi cùng mấy anh chị em bắt đầu mặc áo khoác.

- Ơ - Bỗng tôi kêu lên - Ông già Tuyết đang tới bàn của chúng ta!

Đúng là thế! Ông già Tuyết đã đứng ngay bên cạnh bàn chúng tôi và giơ ra 5 chiếc tất lớn màu da cam. Trong mỗi chiếc tất đều có mấy quả cam, táo, hạt dẻ và những món đồ chơi nho nhỏ nữa.

Ông già Tuyết đưa cho mỗi đứa chúng tôi một chiếc tất rồi cười to với chúng tôi trước khi quay trở lại sân khấu: "Chúc mừng Giáng Sinh! Ho Ho Ho!".

Tôi cảm thấy mình thật đặc biệt. Ông già Tuyết đã tới tận bàn chúng tôi! Ông ấy đã không quên chúng tôi và cũng không cho rằng chúng tôi quá hư nên không xứng đáng được nhận quà!

- Ông già Tuyết có quên chúng ta đâu! - Cậu em út của tôi reo lên sung sướng.

Nhiều năm sau, tôi được biết rằng bố mẹ tôi đã không có đủ tiền để mua quà đặt dưới cây thông năm ấy. Nhưng bằng một cách kỳ diệu nào đó, ông già Tuyết đã nhận ra trong phòng tiệc khổng lồ những đứa trẻ chưa được nhận quà, và có được những 5 chiếc tất đầy ắp kia bằng một phép màu nào đó. Khi biết được sự thật là trên đời này không có ông già Tuyết, tôi vẫn biết ơn ông già Tuyết vô danh nọ, sự nâng đỡ thầm lặng và màu nhiệm ấy đã giúp những đứa trẻ chúng tôi có được một đêm Giáng sinh trọn vẹn, không gợn chút buồn tủi.

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành ông già Noel bằng đôi mắt thấu hiểu hơn, trái tim mở rộng trước hoàn cảnh của những người xung quanh mình.

Chúc mừng Giáng Sinh!

Nếu cuộc sống đá cho bạn một cú!

Một phụ nữ bị đau đẻ và được đưa tới bệnh viện. Bệnh viện rất lớn, có nhiều tầng và nhiều thang máy. Trong khi bà mẹ cùng với nữ hộ sinh đứng đợi thang máy thì "tình hình" đã rất khẩn cấp rồi. Mà chẳng hiểu sao hôm đó tất cả thang máy của bệnh viện đều bận lâu đến như vậy. Cuối cùng thì họ cũng vào được thang máy để lên khu vô trùng, chuẩn bị cho em bé ra đời. Nhưng em bé không đợi lâu đến vậy. Em đã chào đời ngay trong thang máy.

Sau khi đã mẹ tròn con vuông, người phụ nữ có than phiền rằng địa điểm sinh con thật chẳng "đẹp" chút nào. Cô hộ sinh đáp: "Thế vẫn chưa phải là gì ghê gớm đâu chị. Tôi nghe mấy y tá lớn tuổi hơn kể rằng vài năm trước có người còn sinh con ngay trên bãi cỏ trong khuôn viên bệnh viện đấy!".

"Tôi biết" - Người phụ nữ thở dài - "Vì đó cũng chính là tôi mà!".

Và thực tế, có rất nhiều người thấy rằng tất cả những chữ "may mắn" mà họ mình nhận được trong cuộc sống bao giờ cũng nằm trong cụm từ... "kém may mắn". Nhưng cũng lại có rất nhiều người coi rằng không phải mọi sự "kém may mắn" đều nên coi là "điều tệ hại".

Nhiều năm về trước, nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway đã biết được thế nào là "kém may mắn" và "bị cuộc sống cho một cú đá" - theo như lời ông kể lại. Hồi đó, ông đang cố gắng hết sức để tạo dấu ấn của mình trong sự nghiệp văn chương. Và tai hoạ ập tới. Ông bị mất chiếc vali chứa toàn bộ bản thảo với rất nhiều những câu chuyện mà ông đã mất thời gian và công sức chỉnh sửa kỹ càng, trau chuốt cầu kỳ không kém gì những viên đá quý. Tập bản thảo đó ông đã có kế hoạch xuất bản thành một cuốn sách.

Hemingway suy sụp. Ông không dám tưởng tượng đến việc làm lại mọi việc từ đầu. Thế là hàng bao nhiêu tháng trời miệt mài viết lách, bây giờ đơn giản là hoài công.

Ông than thở về chuyện này với người bạn là nhà thơ Ezra Pound. Trái với suy nghĩ của ông, Pound lại gọi đây là "một tia chớp may mắn"! Pound khẳng định với Hemingway rằng khi viết lại những câu chuyện, ông sẽ quên hết những phần còn yếu, chỉ những phần hay nhất mới được tái hiện trong đầu ông. Pound khuyến khích Hemingway viết lại từ đầu, viết với sự lạc quan và tự tin. Và Hemingway đã viết lại những câu chuyện đó, và trở thành ngôi sao sáng của văn học Mỹ.

Bạn đừng ước mình có ít vấn đề hơn; hãy ước mình có nhiều kỹ năng hơn. Đừng đòi hỏi những thử thấch nhỏ hơn; mà hãy mong sự thông minh và tự tin lớn hơn. Đừng tìm cách dễ dàng; hãy tìm kết quả tốt nhất có thể.

Giống như một câu danh ngôn: "Nếu cuộc sống đá cho bạn một cú, hãy để nó đá bạn về phía trước".

Thành công

Khi lớn lên, tôi cũng mong mỏi được thành công, như một giám đốc sang trọng, một doanh nhân giàu có, một chính khách mà ai cũng nể phục... Theo tôi, đó là "thành công".

Nhưng tôi cũng cho rằng có những cách thành công khác nữa. Mẹ tôi dậy từ 5h sáng và đi ngủ khi đã quá 12h đêm. Mẹ làm việc nhà, giặt giũ, nấu nướng, quét dọn. Khi công việc đã vơi bớt, đáng lẽ nên ngả lưng nghỉ thì mẹ chạy sang hàng xóm, đem biếu một nửa giỏ hoa quả mà nhà tôi cũng mới được tặng. Cô hàng xóm mới ốm dậy, chồng lại mất việc làm. Mẹ thậm chí còn dọn nhà thay cho cô ấy và mang quần áo của cô ấy về nhà giặt. Vậy mà trong suốt cả ngày, mẹ vẫn tươi cười, thậm chí có lúc còn hát lên khe khẽ. Mẹ tự hào và hạnh phúc khi làm một-người-mẹ-ở-nhà, nhưng vẫn luôn giúp ích cho cuộc sống của những người xung quanh. Đối với tôi, đó là thành công.

Bố tôi là một người yêu vợ chưa từng thấy. Bố ngắm nhìn mẹ cả khi mẹ không nhìn, và mỉm cười. Thỉnh thoảng, trước khi đi làm, bố đính lên tủ lạnh những miếng giấy ghi những lời nhắn cho mẹ "Đừng bỏ bữa trưa!", hay "Nhớ đeo găng tay khi rửa bát"... Bố nói rằng chưa từng có một ngày nào trôi qua mà bố không học được một cái gì đó từ mẹ. Đối với tôi, đó là thành công.

Ông bà tuổi đã cao, nhưng không sáng nào không đi dạo cùng nhau vào lúc sương còn chưa tan hết. Ông thường cầm theo một chiếc ô, để những hôm nào trời nặng sương, ông sẽ giương ô lên che cho bà. Ông nói sương thấm có thể khiến bà bị nhức đầu. Những cuộc đi dạo của ông bà, đối với tôi, cũng là thành công.

Tôi nhìn đứa bạn thân của tôi - nó bị bệnh tim từ nhỏ, cứ phải đi khám thường xuyên, tránh những phấn khích quá mạnh, kiêng ăn một vài món, và phải kiên trì tập những bài thể dục nhẹ nhàng. Nhưng lần nào gặp, tôi cũng nghe nó ríu rít kể về "những niềm vui trong ngày". Nào là thấy que kem cốm trong tủ lạnh vào lúc đi học về đang nóng bức. Nào là được "anh hàng xóm" khen cắt tóc kiểu mới quá xinh. Nào là mới phát hiện ra rằng có thể vươn vai hít thở đến cái thứ 50 mà không bị chóng mặt nữa. Rất nhiều ngày, khi gặp nó, câu đầu tiên tôi nghe nó kêu lên là: "Mày ơi, hôm nay tao vui quá...". Tôi thì thấy rằng sống tích cực được như bạn tôi, đó là thành công.

Cũng có nhiều cách định nghĩa thành công khác. Thành công là được làm những gì bạn yêu thích nhất, đam mê nhất. Thành công là sự trưởng thành của tâm hồn. Thành công là khi biết rằng bạn không đơn độc trên thế giới này. Thành công là được yêu thương bởi gia đình và bạn bè. Mẹ tôi thì bảo: "Thành công không phải là những gì mình làm ra, mà là những gì mình để lại".

Tôi biết rằng tôi vẫn chưa học được hết thành công là gì. Khi tôi lớn lên, định nghĩa về thành công cũng lớn lên, cũng mở rộng ra. Tôi thấy mỗi người có những cách thành công khác nhau, theo những kiểu khác nhau, thậm chí, theo những cách định nghĩa của riêng họ.

Cuộc sống chính là bài học lớn về thành công, còn tôi chỉ là một học trò nhỏ mà thôi.

Cuộc sống và cà phê

Một nhóm sinh viên, sau khi tốt nghiệp ra trường đều có những công việc tốt và thăng tiến trong sự nghiệp. Một hôm, họ cùng hẹn nhau quay lại thăm thầy giáo ở trường Đại học cũ.

Cuộc nói chuyện với thầy giáo cũ chẳng bao lâu đã chuyển thành những lời than phiền về stress trong công việc và trong cuộc sống. Để ngắt mạch than phiền của nhóm sinh viên, vị giáo sư đi vào bếp rồi một lúc sau quay trở ra với một bình cà phê lớn.

Trên khay cà phê là rất nhiều cốc đủ loại khác nhau: cốc sứ, cốc nhựa, cốc thuỷ tinh, pha lê... Một số trông rất đơn giản, một số đắt tiền, một số thì trông rất tinh tế đặc sắc. Vị giáo sư bảo các sinh viên tự rót cà phê cho mình.

Khi tất cả nhóm sinh viên, mỗi người đã có một cốc cà phê trong tay, vị giáo sư mới nói:

- Nếu để ý, các em sẽ thấy tất cả những chiếc cốc trong có vẻ đắt tiền đều đã được lấy hết. Những chiếc cốc các em để lại là những chiếc giản dị, trông thô sơ hoặc khá rẻ tiền. Việc mỗi người chỉ muốn những điều tốt nhất cho mình là chuyện bình thường, nhưng thực ra, đó chính là nguồn gốc những vấn đề và stress của các em.

"Bởi vì những gì các em thật sự cần là cà phê, chứ không phải là cái cốc. Nhưng em nào cũng vội vàng chọn ngay chiếc cốc đắt tiền, rồi lại ngó sang cả cốc người khác.

"Bây giờ các em thử nghĩ thế này: cuộc sống chính là cà phê; còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội là những chiếc cốc. Chúng chỉ công cụ để giữ và chứa đựng Cuộc Sống. Chúng không thể làm thay đổi chất lượng thật sự của Cuộc Sống. Đôi khi, vì quá tập trung vào cái cốc, mà chúng ta không thưởng thức được vị cà phê mà Cuộc Sống cho chúng ta.

"Vì vậy, đừng để những chiếc cốc ảnh hưởng quá nhiều đến tâm thức của các em. Hãy tập trung tận hưởng món cà phê trong đó".

CHÀNG TRAI MẶC ĐỒ ĐEN

Lốp xe ôtô của tôi bị một cái đinh chọc thủng trên một con đường vắng vẻ vùng nông thôn, khi trời vừa sập tối. Khi tôi gọi di động cho đội cứu hộ giao thông, thì than ôi... "ngoài vùng phủ sóng"!

Vậy là tôi đành tự lôi đồ lề

trong cốp xe ra để thay lốp. Nhiều xe ôtô chạy qua tôi. Một số bấm còi inh ỏi,

nghe như thể tiếng cười nhạo "hahaha".

Đột nhiên, một chiếc ôtô đỗ lại.

Trong ánh sáng ngược chiều, tôi thấy một chàng trai tiến đến.

- Này, cô cần giúp đỡ à?

Chàng trai lại gần hơn. Và tôi bỗng

giật mình. Anh ta mặc đồ đen, đeo khuyên tai, hai cánh tay xăm trổ. Thật là...

- Ơ... tôi nghĩ là tôi có thể tự

mình...

- Thôi nào, chỉ mất vài phút thôi

mà - Anh ta nói rồi bắt tay ngay vào việc. Tôi đành lùi lại và tình cờ nhận thấy

còn có một người nữa ngồi ở cạnh ghế lái xe.

Điều đó làm tôi lo thắt ruột. Ý

nghĩ về các vụ cướp xe chạy qua đầu tôi. Tôi những mong mình... sống sót.

Và chẳng hề báo trước, mưa bắt đầu

trút xuống, và chàng trai mặc áo đen không thể thay lốp xe tiếp được.

- Này anh, tôi rất cảm ơn anh. Nhưng

anh đi tiếp đi, lúc nào tạnh mưa tôi sẽ làm nốt - Tôi nói.

- Thật lòng tôi không nỡ - Anh ta

lắc đầu - Cô vào xe tôi ngồi đi, chúng tôi sẽ đợi cùng cô. Cô không thể ngồi

trong xe khi tôi đang dựng cái đòn bẩy lốp xe lên thế này. Nó sẽ sập xuống đấy!

Nào, vào xe tôi đi!

"Trời đất ơi" - Tôi nghĩ

thầm khi chui vào xe của anh ta - "Làm sao mình thoát bây giờ?!".

Mệt xỉu, tôi ngồi xuống ghế sau. Đột

nhiên, một giọng nhỏ nhẹ vang lên từ ghế trước:

- Cháu có sao không? - Đó là một

bà cụ.

- Không sao ạ! - Tôi đáp, thấy nhẹ

nhõm hẳn. Đây chắc là mẹ của anh chàng kia.

- Bác là Beatrice, còn Jeff là

hàng xóm của bác - Bà chỉ tay vào anh chàng áo đen - Cậu ta cứ nhất quyết dừng

xe lại khi thấy cháu loay hoay.

- Cháu rất cảm ơn anh ấy! - Tôi

nói.

- Bác cũng thế - Bà cụ cười vang

- Jeff đưa bác đến thăm bác trai. Bác ấy ở trong viện dưỡng lão. Cứ ngày chẵn

trong tuần, bác và Jeff lại "có hẹn" với nhau - Bà cụ lại cười to.

- Jeff, anh thật tốt bụng - Tôi

ngại ngần - Tôi đã hơi sợ vì cứ nghĩ anh là... anh biết đấy...

- Tôi biết chứ - Jeff nhẹ nhàng -

Mọi người nhìn tôi và nghĩ rằng người như tôi chẳng bao giờ làm điều gì tốt.

Im lặng. Tôi thật sự thấy ngại

ngùng.

- Jeff là một anh chàng tử tế đấy

- Bà cụ nói tiếp - Cậu ấy còn tình nguyện giúp đỡ ở viện dưỡng lão. Cậu ấy cũng

chơi với bọn trẻ ở trại mồ côi nữa. Cậu ấy còn dậy chúng học.

Lần này Jeff chỉ cười và im lặng.

Mưa ngớt và Jeff giúp tôi thay lốp

xe. Tôi cố đưa anh ít tiền nhưng Jeff không nhận. Khi chúng tôi bắt tay tạm biệt,

tôi đã thẳng thắn xin lỗi vì sự ngốc nghếch của mình. Jeff nói:

- Không sao, mọi người đều vậy. Tôi cũng từng định

thay đổi ngoại hình của mình, nhưng rồi lại thấy không cần thiết. Tôi coi đó là

một cơ hội để mọi người tự đưa ra quyết định về con người tôi. Tôi muốn sau khi

gặp tôi, mọi người sẽ trả lời được câu hỏi: khi gặp một người, anh sẽ coi trọng

người đó bởi những gì anh ta mặc, hay những gì anh ta làm?

Bạn phải tin đã!

Các cậu nghĩ bọn mình có cứu được nó không? - Một cậu bé thốt lên.

- Tớ không biết, trông nó tệ quá! - Một cậu bé khác thêm vào.

- Các cậu phải tin cái đã! - Cậu bé nhỏ con nhất nói to - Có thể mất thời gian, nhưng chúng ta sẽ cứu được!

Vài ngày trước, ba cậu bé đã làm một hình người tuyết to nhất trong công viên. Nhưng thời tiết ấm lên, một chút mưa và gió đã làm hỏng nó. Cái mũ thì bay đâu mất, nó chỉ còn lại một mắt, và ngay cả cái mũi bằng củ cà-rốt cũng đã bị bọn sóc ăn mất.

- Nhưng chúng ta làm gì có tuyết mà sửa! - Một cậu bé thở dài. Tuyết quanh đó đã tan gần hết. Một cậu bé bỗng chỉ tay ra ngôi nhà lớn cạnh công viên :

- Vườn nhà ông Jeffries còn rất nhiều tuyết! Khu vườn có mái che nắng mà!

- Nhưng tớ không vào xin đâu, ông ấy dữ lắm!

- Thế thì chẳng bao giờ chúng ta sửa được người tuyết cả! Ba cậu bé ngồi lặng lẽ. Bỗng nhiên, cậu nhỏ con nhất đứng dậy:

-Tớ sẽ đi hỏi ông ấy! Hai cậu bé cao lớn hơn hoảng hốt :

- Thế nào rồi cậu cũng bị ông ấy nhốt lại cho mà xem! Nhưng cậu bé nhỏ con nhất đã chạy vụt đi. Thu hết can đảm, cậu bé bước vào vườn nhà ông Jeffries và gõ cửa. Mãi, cuối cùng một ông cụ cũng ra mở cửa.

Một chút sau, hai cậu bé ngồi chờ ở công viên thấy cậu bé nhỏ con đi ra phía trước, ông Jeffries theo sau.

- Nó dẫn ông ấy ra đuổi chúng ta hay sao? - Một trong hai cậu bé đứng bật dậy, lo lắng. Nhưng không phải thế. Ông Jeffries cầm theo hai cái xẻng xúc tuyết và kéo một cái xe đẩy to. Ông bắt đầu xúc tuyết trong vườn nhà, rồi kéo cái xe vào công viên. Ông Jeffries kêu to:

- Các cậu bé, ông cháu ta cùng phải sửa lại người tuyết này!

Bốn ông cháu lấy tuyết sửa lại từng chỗ bị vỡ, làm lại mắt bằng cục than, và làm lại mũi bằng một củ cà-rốt tươi. Có lẽ tất cả sự dữ dằn của ông Jeffries chỉ là do người ta đồn thổi. Cuối cùng thì người tuyết cũng đã hoàn thành.

- Đẹp thật đấy! - Cả bốn ông cháu cùng thốt lên. Sau đó họ chào tạm biệt nhau vì trời đã tối.

Chiều hôm sau, khi cùng ra công viên chơi, ba cậu bé nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu. Có nhiều người đang đứng trước cửa nhà ông Jeffries.

Bọn trẻ chạy ào đến nhà "người bạn mới".

- Có chuyện gì vậy ạ? - Một cậu bé hỏi người lớn đứng cạnh.

- Ông Jeffries... ông ấy mệt nặng!

Các bác sĩ đưa ông Jeffries ra. Ông nằm trên cáng, mỉm cười, thì thào khi nhìn thấy ba cậu bé:

- Người tuyết cũng có lúc phải tan mà!

- Liệu có cứu được ông ấy không? - Tiếng một người lớn hỏi.

- Chúng tôi không chắc... - Một bác sĩ lắc đầu

- Mọi người phải tin đã chứ! - Cậu bé nhỏ con nhất vừa khóc vừa nói to - Giống như ông Jeffries đã cứu người tuyết ấy!

Tối hôm đó, ba cậu bé nghe người lớn nói rằng ông Jeffries đã qua đời. Đã 25 năm kể từ ngày đó và năm nay, công viên được đổi tên thành "Công viên Jeffries". Một cuộc thi làm người tuyết cũng được tổ chức cho tất cả trẻ em trong thành phố.

Đó là vì cậu bé nhỏ con nhất đã trở thành Thị trưởng.

Nếu bạn hỏi ông thị trưởng đã làm cách nào để đạt được những thành công đó, ông ấy sẽ trả lời:

- Trước hết, bạn phải tin cái đã!

Hãy tin ở T.J

Cho đến năm học lớp 10 thì T.J. được coi là học sinh quậy nhất trường! T.J. lầm lì, có khi không buồn trả lời khi thầy cô hỏi, vài lần đánh nhau. Các thầy cô thường nhăn mặt khi nhìn thấy tên của T.J. trong danh sách lớp mình sẽ dạy vào học kỳ sau

Năm đó, tất cả học sinh đều được mời tham gia chương trình ngoại khoá vì cộng đồng. T.J. là một trong số 405 học sinh tự nguyện đăng ký ngay đợt đầu tiên.

Buổi đầu, T.J. đứng tách biệt hẳn với các học sinh khác, lưng dựa vào tường ở cuối hội trường, với thái độ "Để xem có ai làm gì ra hồn không!". Nhưng dần dần, những trò chơi khiến cậu chú ý. Các nhóm bắt đầu thân thiện hơn, nhất là khi được yêu cầu liệt kê những điều tích cực về nhau. Họ còn hào hứng mời T.J. thử phát biểu, thậm chí, còn kể vài đặc điểm thú vị về cậu. Chẳng bao lâu, cậu đã cởi mở hơn nhiều.

Ngày hôm sau, T.J. còn năng nổ hơn. Đến cuối buổi, cậu đăng ký thăm gia đội "Dự án cho những người vô gia cư". Lúc đó, thầy hiệu trưởng Coggshall đi qua, thầy dừng lại lắng nghe và khi thấy các thành viên khác trong nhóm rất ấn tượng với thái độ quan tâm và nhiệt tình của T.J., thầy gợi ý bầu T.J. làm nhóm trưởng.

T.J. không hề biết là vì cậu mà có một cuộc tranh cãi nảy lửa. Các thầy cô giáo không thể tin được rằng thầy hiệu trưởng lại đặt một kế hoạch lớn như thế vào tay cậu: "Đó là học sinh có hồ sơ những lần bị kỷ luật dài hàng gang tay. Không khéo quyên góp được một ít thực phẩm thì nó lại ăn trộm mất một nửa!" Nhưng thầy Coggshall giữ nguyên ý kiến.

Hai tuần sau đó, T.J. và nhóm của mình đi quyên góp thực phẩm. Họ quyên góp được... 2.854 hộp thực phẩm chỉ trong 2 tiếng đồng hồ và đem tới hai trung tâm dành cho người vô gia cư của thành phố. Sự kiện này thậm chí được đăng lên trang nhất của tờ báo của bang.

T.J. tiếp tục kế hoạch thứ hai của nhóm: quyên góp được 300 chiếc chăn và 1.000 đôi giày cho các trung tâm dành cho người vô gia cư. Cậu được đăng ảnh lên báo, được khen ngợi. Ai cũng thừa nhận khả năng của T.J. Thầy cô bắt đầu khen cậu. Cậu đi học đều đặn và thường xung phong trả lời câu hỏi.

Cuối năm học đó, T.J. cùng nhóm của mình còn tổ chức một buổi quyên góp lớn, thu được 9.000 hộp thức ăn chỉ trong một

ngày, và suốt năm sau đó, nhóm của T.J. cung cấp phần lớn thực phẩm cho hai trung tâm dành cho người vô gia cư.

Khi được hỏi tại sao cậu nhiệt tình và hiểu rõ cách làm dự án này đến thế, T.J. mỉm cười nói rằng chính gia đình cậu rất

nghèo, bởi vậy cậu hiểu rõ những người nghèo cần gì.

Bây giờ T.J. đã trưởng thành, có một công việc ổn định là quản lý kinh doanh. Ngày hội trường, cậu đã trở về nắm lấy tay thầy Coggshall, nhẹ nhàng: "Em đã từng như một chú chim với một bên cánh gãy, nhưng đã được niềm tin của thầy đã chữa lành".

Có một từ sẽ làm bạn phát ốm

Arthur Gordon là một nhà văn nổi tiếng. Ông có nhiều câu nói sâu sắc khiến mọi người khâm phục. Tuy nhiên, ông kể lại rằng bản thân ông học được một bài học lớn trong một trường hợp rất bất ngờ

Đó là lần Gordon tới New York để phỏng vấn Tiến sĩ Blanton, cũng là người đồng sáng lập Tổ chức Nghiên cứu Tâm thần học. Trong khi ngồi ở tiệm ăn chờ Tiến sĩ Blanton tới, Gordon suy nghĩ vẩn vơ và bắt đầu nghĩ ngợi về quá khứ của mình, về những việc mình đã và chưa làm được. Và khi Tiến sĩ Blanton tới, ông nhìn thấy Gordon đang ngồi chờ mình với đôi lông mày nhíu lại, mặt mũi buồn bã u ám..

- Có chuyện gì vậy, Arthur? - Tiến sĩ Blanton hỏi ngay khi nhìn thấy Gordon, khiến cho Gordon quên mất rằng mục đích của mình ở đây hôm nay là để... phỏng vấn Tiến sĩ.

- Ừm, tôi chỉ ngồi nghĩ về cuộc sống của mình. Có quá nhiều điều tôi lẽ ra đã làm được rồi. Này, anh biết không, nếu hồi đó tôi cố học thêm chút nữa, có lẽ bây giờ tôi cũng là Tiến sĩ rồi đấy!

Tiến sĩ Blanton mỉm cười, gợi ý:

- Ăn trưa xong chúng ta cùng đến văn phòng của tôi nhé. Tôi có cái này hay lắm.

Sau bữa trưa, tại văn phòng của mình, Tiến sĩ Blanton bật một cuộn băng cassette.

- Anh hãy lắng nghe cuộn băng này. Có ba người khác nhau nói về chính họ. Họ đều là bệnh nhân của tôi và đều cần điều trị tâm lý. Anh nghe kỹ nhé!

Trong suốt một tiếng đồng hồ, nhà văn đáng kính Gordon lắng nghe. Và khi kết thúc, Tiến sĩ Blanton hỏi:

- Anh có thấy ba người này có một điểm chung không?

Arthur Gordon suy nghĩ rồi đáp:

- Tôi chẳng thấy có gì chung cả. Họ có những cuộc sống, cách sống quá khác biệt và những vấn đề họ gặp phải cũng quá khác nhau.

- Thế thì để tôi nói anh nghe - Tiến sĩ tâm lý học nói - Tất cả ba người đều nói rất nhiều lần từ: "Giá như...", "Nếu mà...". Những cụm từ này thật sự làm thần kinh người ta phát ốm. Nó chẳng khác gì độc tố, nó làm mọi người đều tiếc nuối, tự trách móc, bi quan... Điều đầu tiên tôi khuyên họ là họ cần học cụm từ: "Lần sau...". Cụm từ này chỉ tới tương lai, tới một ngày mới, tới sự mạnh mẽ, hồi phục, sửa chữa, hàn gắn... Nếu đã không thay đổi được quá khứ, thì anh nên hướng mắt mình về quá khứ hay tương lai?

Không ai thành công một mình

Vào thế kỷ 15, tại một làng nhỏ nọ, có một gia đình có tới 18 người con. Cha của họ phải làm việc tới 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày mà cả gia đình chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. Thế nhưng, hai người con lớn trong nhà vẫn có nhiều mơ ước. Cả hai đều muốn học vẽ vì họ có năng khiếu từ nhỏ.

Sau không biết bao nhiêu buổi nói chuyện suốt đêm trên chiếc giường đông chật anh em, hai người con lớn có một quyết định. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua sẽ làm thợ mỏ, dùng toàn bộ thu nhập để chu cấp cho người thắng đi học. Còn người thắng, sau 4 năm học, sẽ chu cấp tài chính cho người còn lại đi học, dù bằng cách bán tranh hay phải đi làm thợ mỏ.

Đồng xu được tung lên, Albrecht Durer thắng cuộc và được đi học. Albert thua, và đi tới vùng mỏ đầy nguy hiểm, và trong suốt 4 năm, làm lụng để nuôi người anh em của mình ăn học.

Gần như ngay lập tức, những tác phẩm của Albrecht được rất nhiều người nhắc đến, bởi chúng thậm chí còn đẹp hơn cả tác phẩm của các bậc thầy trong trường. Và cho đến khi tốt nghiệp thì Albrecht đã bán được khá nhiều tranh và dành dụm được một khoản tiền.

Khi anh trở về, trong bữa ăn sum họp, Albrecht đứng dậy để cảm ơn người anh trai đã hy sinh 4 năm giúp mình hoàn thành được ước mơ. Và Albrecht nói:

- Anh Albert, bây giờ đã đến lượt anh. Anh hãy tới Nuremberg để theo đuổi ước mơ của mình. Em sẽ lo toàn bộ chi phí và chăm sóc gia đình.

Albert mỉm cười, rồi bật khóc:

- Không, anh không thể tới Nuremberg được. Đã quá muộn rồi. Bây giờ, sau 4 năm làm việc trong hầm mỏ, không còn ngón tay nào của anh là lành lặn. Thậm chí bây giờ anh còn bị thấp khớp ở tay phải nặng tới mức không thể nâng nổi một chiếc ly, nói gì đến việc cầm cọ vẽ. Cảm ơn em, nhưng bây giờ đã quá muộn rồi...

Hơn 450 năm đã qua. Cho tới bây giờ, hàng trăm bức chân dung, tranh màu nước, tranh than chì, tranh khắc gỗ và khắc đồng... của Albrecht Durer đã được treo ở những Viện bảo tàng lớn nhất thế giới. Nhưng có một điều kỳ lạ: có thể bạn, cũng như nhiều người, đều chỉ quen thuộc với một tác phẩm của Albrecht Durer. Đó là một ngày, để tỏ lòng kính trọng và biết ơn anh trai Albert, Albrecht Durer đã thực hiện một tác phẩm cẩn thận nhất trong đời: vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trời. Ông chỉ gọi bức tranh của mình đơn giản là "Đôi tay", nhưng cả thế giới đều đặt tên cho kiệt tác đó là "Đôi tay cầu nguyện".

Nếu có lúc nào bạn nhìn vào bức tranh cảm động đó, hãy nhìn lại lần thứ hai. Nó sẽ nói với bạn rằng, không có ai, chắc chắn không có ai, có thể thành công một mình bao giờ!

Với tới những vì sao

Mẹ! Con sẽ đăng ký chương trình trao đổi học sinh, con sẽ học ở nước ngoài trong 6 tuần!

Mẹ tôi suýt đánh rơi đĩa khi nghe em gái tôi nói vậy.

- Bạn con Heather cũng tới Đức năm ngoái. Bạn ấy học được rất nhiều thứ!- Nó nói thêm.

- Jeanne, - mẹ thở dài - Như thế tốn đến hàng nghìn đôla! Cả hai chị em đều còn đang đi học, mẹ đã phải làm đến 3 nơi một ngày...

Jean im lặng, mặt buồn thiu. Nhưng tối hôm ấy, tôi vẫn thấy Jeanne điền vào mẫu đơn đăng ký. Cô bé không để ai, kể cả mẹ, làm mình mất tinh thần.

Tôi úp mặt xuống gối, giả vờ như không nhìn thấy Jeanne đang viết đơn, thầm mong nó sẽ không quá thất vọng khi biết rằng thật sự mẹ không có tiền để cho nó đi.

Vài tuần sau, Ban tổ chức chương trình trao đổi học sinh gửi cho Jeanne một bản đăng ký dài hơn. Lần này, tôi ngó hẳn vào những dòng chữ thông báo, và thấy: "Tổng chi phí là 2.750 đôla, bao gồm tiền vé máy bay, nơi ăn ở, bảo hiểm và các hoạt động hỗ trợ khác".

Gần ba nghìn đôla! Thật là một điều không tưởng! Mẹ tôi đọc qua, không nói gì, quăng bản đăng ký sang một bên, tiếp tục nấu bếp.

Vài ngày sau, tôi nghe Jeanne kể rằng nó đã điền vào bản đăng ký thứ hai và gửi đi. Tim tôi nhói lên:

- Jeanne, mẹ đã nói là mẹ không đủ tiền. Hay là đợi đến khi tốt nghiệp Đại học...

- Không, em cứ đăng ký! Làm sao em biết mình có đi được không nếu như em không thử!

Một tuần sau, mẹ tôi nhận được một cú điện thoại từ New York.

- Bà Lorenz, chúng tôi có nhận được đơn đăng ký của cháu Jeanne. Nhưng không kèm theo các chi phí...

Mẹ tôi giải thích rằng gia đình chúng tôi không đủ khả năng cho Jeanne tham gia.

Hai tuần sau, người ta lại gọi điện. Họ nói rằng họ rất ấn tượng với bản đăng ký cũng như thành tích học tập của Jeanne ở trường.

- Chúng tôi tin rằng cháu Jeanne sẽ học được rất nhiều điều nếu tham gia chương trình, - Người đó nói - Chúng tôi còn một số học bổng. Liệu gia đình bà có thể chi trả được bao nhiêu?

Mẹ tôi thở dài, và nói rằng tất cả tiền dành dụm của gia đình chúng tôi chỉ là 300 đôla. Thế rồi họ chấp nhận tài trợ cho Jeanne số còn lại.

Vừa đặt điện thoại xuống, mẹ giục tôi làm một băng-rôn lớn với dòng chữ "Lên đường may mắn nhé, Jeanne" dán ngay ở cửa ra vào. Khi đi học về, Jeanne reo lên như một đứa trẻ, rồi oà khóc và ôm lấy mẹ!

***

Đến bây giờ, mỗi khi nhìn Jeanne, lúc này đã tốt nghiệp Đai học Mỹ thuật và là một giáo viên, tôi lại nhớ đến niềm tin của một cô bé 16 tuổi, và tin rằng với niềm tin đó, rồi cô bé còn đạt được nhiều điều khác nữa trong cuộc sống. Dù thế nào bạn cũng luôn cần phải với tay về phía những vì sao. Và cho dù bạn không đem được chúng xuống, bạn vẫn có thể sẽ nằm trong dải thiên hà.

Cả gia tài giá 1 đôla

Ông Bernie Mears và bà Marie, vợ ông, không có con cái, họ dồn hết tình yêu cho nhau và chuyên tâm làm lụng. Cửa hàng tạp hoá của họ đông khách. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc...

... cho đến khi cuộc Đại Khủng hoảng đổ ập xuống. Chẳng ai còn có tiền thậm chí là để mua thức ăn. Thế rồi bà Marie bị đau tim và ra đi, bỏ lại ông Bernie một mình.

Ông Bernie suy sụp, không thiết tha bất kỳ điều gì nữa. Ông chỉ mở cửa khi có hứng và không thích thì lại đóng cửa. Khách hàng ngày càng thưa vắng hơn, hàng hoá ế đọng, phủ bụi vì ông Bernie cũng chẳng buồn lau dọn.

Ông ngày càng gầy đi và cũng chẳng muốn ăn uống. Ông đã mất bà Marie, và bây giờ cả cơ nghiệp cũng sắp mất. Thế thì ông còn muốn sống làm gì nữa?

Gia đình cô bé Julie gần đấy cũng đang rất khó khăn, hiếm khi được ăn đủ ba bữa mỗi ngày. Thế nhưng cô bé mới 14 tuổi ấy, đến giờ ăn vẫn đem một phần trong bữa ăn đạm bạc của gia đình mình sang cho ông, bởi cô lo lắng khi thấy ông Bernie cứ buồn khổ và gầy rộc đi như vậy. Cô nói chuyện với ông, rồi quét sàn và lau bụi cho cửa hàng. Nhờ cô bé, ông Bernie có những nụ cười hiếm hoi.

Vào mùa xuân, Julie giúp bố mẹ nhổ cỏ trong vườn để trồng rau. Điều này làm cô nảy ra một ý. Cô bảo ông Bernie biến khoảng đất rộng cạnh cửa hàng thành một khu vườn, sau đó bán rau quả trồng được trong vườn ngay tại cửa hàng với giá rẻ. Như thế thì ông Bernie vừa có thu nhập, còn những người hàng xóm thì có thể mua hàng. Thế là hai ông cháu bắt tay vào trồng ở một nửa khu vườn, còn nửa kia thì 3 tuần sau mới trồng, để luôn có rau quả tươi mới.

Đây có thể được coi là ý tưởng ban đầu của kiểu cửa hàng "Một đôla", vì chẳng có gì giá cao hơn một đôla cả. Chẳng bao lâu sau, cửa hàng trở nên nổi tiếng trong cả thị trấn, vì giá tốt nhất mà sản phẩm thì tươi nhất.

Ông Bernie và Julie đã làm việc hết sức để vượt qua được những năm đầy sóng gió và họ tạo nên một cửa hàng thành công. Julie bắt đầu có thu nhập cao hơn. Khi nền kinh tế khởi sắc trở lại, thì doanh thu của cửa hàng cũng tăng lên.

Lúc này, ông Bernie đã gần 70 tuổi. Ông chỉ kiểm tra sổ sách và thỉnh thoảng tính tiền, còn Julie làm hầu hết mọi việc khác. Họ cũng đã thuê người để trồng trọt và chăm sóc cho khu vườn.

Một buổi chiều, sau khi xem xong sổ sách, ông Bernie mỉm cười nói với Julie:

- Chúng ta ổn rồi, Julie ạ. Công sức của chúng ta đã được bù đắp. Cháu hãy đưa cho ta một đôla đi.

Julie không biết tại sao ông Bernie lại cần một đôla, nhưng cô cứ lấy ra đưa cho ông. Ông Bernie lại cười:

- Julie, bây giờ cửa hàng này là của cháu. Ta đã suy nghĩ kỹ rồi, không có ai xứng đáng làm chủ nó hơn là cháu. Cháu đã giúp ta cứu cả cửa hàng, và cả chính con người ta. Ngay khi thủ tục chuyển giao cửa hàng cho cháu hoàn tất, thì ta sẽ đi du lịch, ta ao ước điều ấy lâu rồi.

Julie rất ngạc nhiên, nhưng rồi cô cảm ơn ông Bernie, và nói thêm rằng cô sẽ luôn giữ cái tên "Cửa hàng gia đình Mears" - và ông có thể quay lại bất kỳ khi nào ông muốn.

Vài ngày sau, ông Bernie đóng gói đồ đạc lên xe ôtô và lên đường giữa rất nhiều lời chúc tốt lành của những người hàng xóm. Ông vẫn thường xuyên liên lạc với Julie để kể với cô về những vùng đất tuyệt vời mà ông đã đặt chân, và những con người thú vị mà ông đã gặp.

Đó là chuyện cổ tích có thật về một cô bé nghèo khổ tên là Julie. Lòng tốt, ý tưởng, hăng say lao động luôn giúp chúng ta viết nên những câu chuyện cổ tích có hậu cho chính mình...

Vẫn là em gái

Tôi từng quen một gia đình rất tuyệt vời, với một bà mẹ, một cậu con trai học lớp 10 và cô con gái học lớp 8. "Suốt ngày như chó với mèo" là từ ngữ đầu tiên tôi có thể dùng để miêu tả mối quan hệ giữa ông anh trai và cô em gái.

Tôi từng quen một gia đình rất tuyệt vời, với một bà mẹ, một cậu con trai học lớp 10 và cô con gái học lớp 8. "Suốt ngày như chó với mèo" là từ ngữ đầu tiên tôi có thể dùng để miêu tả mối quan hệ giữa ông anh trai và cô em gái.

Hai anh em nhà đó rất hay cãi cọ. Ngôi nhà của họ lại chật hẹp, nên hai anh em cứ ra đụng vào chạm. Bởi vậy nếu bạn cho mỗi người một điều ước thì chắc chắn là họ sẽ ước ngay cho "kẻ cứng đầu" kia biến đi đâu đó một thời gian.

Đã rất nhiều lần, người mẹ kể với tôi rằng cô ấy đau đầu thế nào khi phải cố gắng dàn xếp để hai đứa con có thể nhường nhịn nhau mà sống hoà thuận. Vậy tại sao tôi lại nói với các bạn đó là một gia đình rất tuyệt vời?

Thị trấn nhỏ bé của chúng tôi có một đội chạy marathon nữ ở các trường cấp 2. Thị trấn này nhỏ tới mức chẳng ai có đủ điều kiện để chơi môn thể thao xa xỉ nào cả, nên các trường cấp 2 của thị trấn chỉ thành lập duy nhất một đội chạy marathon nữ, và đội này đạt thành tích khá tới mức được mời tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Cô em gái của gia đình nọ cũng ở trong đội chạy.

Cậu anh trai thì chẳng khá môn thể thao nào, lại càng không khoái thể thao, cậu chỉ thích học nhạc. Ngày cô em gái tham gia cuộc thi chạy cũng là ngày cậu anh được tới xem một buổi hoà nhạc hiếm hoi của thị trấn. Người mẹ ái ngại nói với cậu anh trai rằng cậu bé có thể ở nhà và đi xem hoà nhạc, thay vì đi tàu 12 tiếng đồng hồ tới xem cô em thi chạy.

- Không được đâu mẹ! - Cậu anh trai kêu lên - Con phải đi chứ! Có thể cuộc thi đó không hay bằng đi xem hoà nhạc, nhưng em gái con chạy cơ mà, đúng không?

Lúc đó, người mẹ nhận ra rằng những cố gắng giữ cho hai đứa con hoà thuận có thể là không cần thiết. Cuối cùng thì, anh chị em vẫn là anh chị em!

Quán Cà Phê Chiều Thứ 7!

Ly thứ nhất: TAO ĐẬP MẦY!

Thưởng Thức ...: Một ông bố bị sa thải. Chán nản vì mất việc ông ta trở nên hung dữ và khó chịu. Vợ ông ta đã mất từ lâu để lại cho ông một đứa con trai, gà trống nuôi con, rất khó khăn. Nay lại mất việc cuộc sống càng gặp nhiều khó khăn.

Vào một buổi tối, khi sinh việc không đuợc, ông bố về nhà . Thấy con mình đang cắm cúi chơi game. Hỏi đến điểm số ở lớp, thì chỉ thấy toàn điểm C, cơn giận bốc lên. Ông bố cầm lấy máy chơi game ném vỡ. Chẳng may một mảnh vỡ văng ra trúng chân làm ông bố bị chảy máu rất nhiều. Ông ta lên lầu để băng bó . Sau đó, ông bố bỗng cảm thấy hối hận vì đã cư xử với con mình như vậy. Ông bèn đi xuống để tìm đứa con. Bỗng khi vừa xuống thì ông ta nghe thấy tiếng khóc và những tiếng động . Và ông sững nguời khi thấy con mình đang khóc, tay cầm cây gậy vừa hét vừa đánh mạnh vào cái máy lúc nãy:

_Tao đập mầy!...tao đập mầy!...vì mầy mà bố tao bị đau...tao đập mầy!

Nuớc mắt nguời bố chảy dài.

...Và Cảm Nhận: Cho dù bạn có mất đi tất cả, tiền bạc, sự nghệip thì bạn hãy nhớ rằng bạn vẫn còn may mắn khi còn có người thương yêu bạn.

Hạt dẻ ấm

Một buổi sáng thức dậy sớm, nhảy xuống giường, tớ lảo đảo suýt ngã. Mùa đông mới bắt đầu mà đã buốt cóng. Mẹ đã phải mua cho tớ một lố quần áo ấm mới. Quần áo cũ năm ngoái vẫn còn tốt, nhưng vấn đề là chỉ trong một năm, tớ cao thêm 12 phân, loẻo khoẻo, xanh rớt. Bác sĩ bảo tớ lớn nhanh quá, ăn uống lại không đủ chất nên một lá phổi có vấn đề. Nhưng tớ thì chẳng thấy vấn đề gì cả, hoàn toàn vô lo. Tuy nhiên, đợt thu vừa rồi, thỉnh thoảng buổi chiều tớ lại ho húng hắng, mặt đỏ rực lên, sốt li bì.

Một buổi sáng thức dậy sớm, nhảy xuống giường, tớ lảo đảo suýt ngã. Mùa đông mới bắt đầu mà đã buốt cóng. Mẹ đã phải mua cho tớ một lố quần áo ấm mới. Quần áo cũ năm ngoái vẫn còn tốt, nhưng vấn đề là chỉ trong một năm, tớ cao thêm 12 phân, loẻo khoẻo, xanh rớt. Bác sĩ bảo tớ lớn nhanh quá, ăn uống lại không đủ chất nên một lá phổi có vấn đề. Nhưng tớ thì chẳng thấy vấn đề gì cả, hoàn toàn vô lo. Tuy nhiên, đợt thu vừa rồi, thỉnh thoảng buổi chiều tớ lại ho húng hắng, mặt đỏ rực lên, sốt li bì.

Ghé qua mượn mấy đĩa chép phần mềm, Bảo nhìn tớ lo ngại: "Này, có sao không đấy?" Tớ vững tin: "Ly chỉ ho một tí thôi!" Cậu ấy cau mày, hỏi như doạ: "Bệnh không lây lan đấy chứ?" Hôm rồi, Bảo tặng tớ một cái mũ skin-head ôm sát đầu, cực đẹp! Dù lắm hôm mệt lử, bác sĩ khuyến cáo nghỉ, tớ vẫn khăng khăng đến lớp. Tớ thích được nhìn thấy Bảo. Chỉ bằng mắt thôi, hai đứa vẫn có thể mỉm cười với nhau, từ xa.

Tớ phải kể thêm về một cậu bạn ít thân hơn ngồi cạnh tớ, Hà Hùng. Tên cậu ta là Hùng thôi. Nhưng vì mẹ cậu là cô Hà, bán hạt dẻ rang, nướng, luộc ở góc phố gần cổng trường nên mọi người gọi ghép. Hồi đầu rét, Hà Hùng vẫn chỉ đánh cái áo sơ-mi mỏng. Mỏng đến độ có thể nhìn thấy làn da ngăm đen tái nhợt dưới lần vải mỏng. Hôm sau, tớ mang vô lớp cái áo khoác thể thao cũ của mình. Tớ rất run. Nếu cậu ta tỏ ý tủi hổ, phải chăng hành động của tớ ngớ ngẩn kinh khủng? Thế nhưng lúc thấy món quà, Hùng nhìn tớ, cảm động: "Cảm ơn Ly nhé. Tớ thèm có cái áo nhiều túi thế này lâu rồi. Nhưng mẹ tớ chưa có điều kiện!" Rồi cậu ta khoác áo vào luôn, chống tay ngang hông, cười rạng rỡ cho tớ ngắm.

Tớ diện bộ cánh mùa đông vào lớp. Mọi người trầm trồ cái mũ skin-head ấn tượng. Trang phục của Bảo sành điệu không kém. Giờ ra chơi, tớ với cậu bạn thân tán dóc không biết chán về Eminem, về Usher... Đột nhiên, cơn ngứa rát ập đến khiến tớ ôm ngực ho rũ rượi. Khi tớ ngẩng lên, chợt thấy Bảo lùi xa, kinh hoàng. Nỗi sợ hãi lan sang chính tớ: "Có gì vậy?" Cậu bạn đột ngột bỏ chạy. Tớ chùi tay. Lòng tay tớ dính đầy máu. Tớ ngất đi trước khi kịp hiểu ra mọi chuyện.

Tớ nằm viện hơn một tháng. Lác đác các bạn vào thăm. Tớ chờ mãi, chẳng thấy bóng dáng Bảo. Cho đến ngày kia, có một bóng người đội mũ skin-head ngoài vườn bệnh viện. Tớ nhỏm dậy. Hà Hùng. Cậu bạn vào phòng, tháo cái mũ đội đầu, hồ hởi: "Của Bảo gửi Ly. Mình mượn, đội thử một tí!" "Thế Bảo đâu?" Hùng nhìn tớ e dè: "Bạn ấy bảo sợ lây bệnh lao..." Tớ quay mặt vào tường. Hà Hùng nhét vào tay tớ gói giấy báo. Hạt dẻ nướng, ấm sực. Vẫn giọng rụt rè, cậu ta bảo: "Hạt dẻ lành lắm. Mình vừa hỏi rồi, Ly bị tràn dịch phổi vẫn ăn được, không sao đâu!" Rồi chẳng nói gì, cậu ta ngồi hí húi ghè vỏ hạt dẻ, bóc sẵn vào cốc. Suốt những ngày nằm viện, chiều nào tớ cũng có hạt dẻ mới. Hùng ngồi bên bàn chép bài hộ tớ, thỉnh thoảng nói chuyện.

Những đau ốm muộn phiền rồi cũng qua. Mùa lạnh về, ủ những hạt dẻ ấm trong tay, tớ bỗng nghĩ về tình bạn. ừ, có những người bạn bỗng dưng thân nhất với ta, chỉ bằng hành động giản dị. Giản dị như hạt dẻ nâu, mà giấu đầy tình cảm chân thành, ấm áp.

Ánh sáng đầu tiên

Hồi còn nhỏ, tôi sống ở một khu phố rất đông đúc. Bên cạnh nhà tôi có một cậu bé bị mù. Nhưng cậu ta rất thông minh, có thể đọc chữ nổi.

Dù mới 6 tuổi, nhưng cậu bé đã đọc được rất nhiều, thậm chí còn làm Toán được. Cái cách mà cậu bé chạy, chơi, trò chuyện với chúng tôi rất tự nhiên, khiến những ai chưa quen khó mà biết

được là cậu bị mù. Ngay cả đôi mắt của cậu trông cũng bình thường, chỉ khi nhìn kỹ mới thấy cái gì đó như một đám mây mỏng ở sâu bên trong.

Một thời gian sau, người ta phát triển được cách phẫu thuật mắt hoàn toàn mới và đưa vào thử nghiệm. Bố mẹ cậu bé vội vã đưa cậu đến bác sĩ. Các bác sĩ nói rằng cậu bé có cơ hội nhìn thấy được, dù không được tinh như mắt thường. Nhưng bố mẹ cậu bé cho rằng như thế đã không khác gì một phép lạ.

Chỉ khi nghe nói đến chi phí của phép lạ thì họ cảm thấy tuyệt vọng. Vì đây là phương pháp mới nên giá thành cũng rất cao, không có cách nào giảm bớt chi phí cả. Thế là cả khu phố chúng tôi bắt đầu quyên tiền. Lũ trẻ thì quyên tiền ở trường. Các bậc cha mẹ, hồi đó ai cũng khó khăn, thì đi làm ngoài giờ và để dành ít tiền đem đến cho bố mẹ cậu bé. Gloria, cô bé có một chân bị tật, thường ngồi vào chiếc xe gỗ nho nhỏ do bố tự chế và được chú chó tên Kỳ Diệu kéo đi khắp phố, thì mở một quầy bán nước chanh ngay trước cửa nhà và dành toàn bộ tiền để gửi cho cậu bé mù. Một vài nhà khác cũng mở một quầy rau và bán rau hái trong vườn nhà mình. Tôi thì sang các khu phố khá giả hơn, xin cắt cỏ thuê để kiếm tiền quyên góp. Và tất cả những nỗ lực của chúng tôi được đền đáp bằng việc thủ tục phẫu thuật mắt cho cậu bé mù đã hoàn thành với toàn bộ viện phí đã được trả.

Cậu bé mù được nhập viện. Chúng tôi không được vào thăm. Vài ngày sau, khi bố mẹ cậu bé đưa cậu về nhà, tôi thấy đầu cậu bé quấn băng trắng toát, rồi cậu bé phải ở trong nhà và giữ yên tĩnh trong khoảng 30 ngày.

Rồi một buổi tối mùa thu đẹp trời, cậu bé được tháo băng. Căn phòng phải tắt hết đèn. Hầu như mọi người trong khu phố đều tập trung ngoài cửa nhà cậu bé, mang theo đủ thứ làm quà. Một lúc sau khi tháo băng, chúng tôi được mời vào. Cậu bé đang ngơ ngác nhìn quanh, những cái nhìn đầu tiên vào thế giới. Cậu dò dẫm đi ra cửa sổ. Đèn các nhà hàng xóm đang bật. Cậu hỏi đó là gì. Tôi bảo những người hàng xóm đang ở nhà, vì thế đèn nhà họ mới bật sáng. Cậu bé thích lắm, vì cậu chưa được nhìn thấy ánh sáng bao giờ.

Bố mẹ cậu dẫn cậu ra ngoài vườn, nơi rất nhiều người đang đợi để làm một bữa liên hoan nho nhỏ. Cậu bé nhìn quanh, đoán từng người bằng giọng nói mà cậu đã quen. Rồi chợt cậu ngẩng lên nhìn bầu trời: trời trong vắt, có trăng sáng và sao lấp lánh. Cậu bé chợt reo lên:

- Hôm nay các thiên thần cũng đang ở nhà, họ cũng đang bật đèn kìa!

Không ai trong số chúng tôi có thể giữ cho mắt mình khô.

Lời người dịch: Nếu có mặt ở đó, tôi sẽ tặng gì cho cậu bé hạnh phúc này nhỉ? Tặng cho cậu một sự thật, đó là có những thiên thần trên bầu trời, và có cả những thiên thần trên mặt đất.

Chiếc xe đạp bằng đất sét

Đó là vào hai tháng trước Giáng sinh khi Rose chín tuổi nói với cha cô bé rằng cô muốn một chiếc xe đạp mới. Giáng sinh thật sự hấp dẫn, cô bé ao ước cho một chiếc xe đạp nhưng ước ao ấy đã không thực hiện được, vì cha cô đã mua búp bê làm quà. Sau đó, vào ngày hai mươi ba tháng mười hai, cô bé nói rằng cô "thật muốn một xe đạp hơn mọi thứ khác".

Đó là một điều ước quá muộn, với tất cả những gì để chuẩn bị Giáng sinh vào buổi tối và đang chuẩn bị những giây phút cuối để nhận quà, chiếc xe đạp cho cô bé là điều thật khó với cha cô. Vì thế, đêm trước lễ Giáng sinh khoảng 9 giờ, Rose và em trai sáu tuổi của cô bé đang nép mình ấm áp trong nệm thì cũng lúc ấy cha cô đang cặm cụi làm một chiếc xe đạp vì ông nghĩ, cha mẹ ai lại thất hứa với con mình!

"Con sẽ làm gì nếu con có một chiếc xe đạp nhỏ bằng đất sét và rằng con có thể đổi mô hình xe đạp bằng đất sét thành một chiếc xe đạp thật?", cha cô bé tự hỏi và cha cô đã trải qua gần bốn giờ cẩn thận lấy đất sét tạo thành một chiếc xe đạp cỡ nhỏ.

Trong buổi sáng Giáng sinh, chúng tôi chú ý nhìn Rose mở nhỏ thùng quà hình trái tim với màu đỏ đẹp và chiếc xe đạp đất sét màu trắng cùng với lời ghi chép. Cô bé mở tấm thiệp và đọc, rồi cô bé đã khóc, "Con có thể không bao giờ kiếm được một chiếc xe đạp nào đẹp bằng chiếc xe mà cha đã tặng cho con. Đúng hơn là cha đã gắng sức để cho con vui vào ngày lễ tuyệt diệu nầy, con nào biết đâu cha đã không còn nhiều tiền để sắm sửa cho con! Con xin lỗi vì đã vòi vĩnh cha...".

Cô bé đã có niềm hạnh phúc với món quà thật ý nghĩa mà không ai có tiền đều có thể mua được chiếc xe đạp bằng đất sét đặc biệt như món quà cha cô đã tặng!

Góc thiếu của mỗi người

"Ô, ta đi tìm 1 góc bị thất lạc,

Đi qua cả chân trời góc bể,

Hành trình vạn lý không sợ xa xôi,

Ta đi tìm 1 góc bị thất lạc..."

Câu chuyện ngụ ngôn về "thiếu" và "đủ"

Hắn thiếu 1 góc, và hắn rất buồn về điều đó. Hắn bắt đầu đi tìm góc còn thiếu của mình. Hắn đi về phía trước, hát mấy câu hát thế nầy:

"Ô, ta đi tìm 1 góc bị thất lạc,

Ta đi tìm 1 góc bị thất lạc,

A ha, lên đường nào, đi tìm góc bị thất lạc".

Có lúc, hắn phải chịu cái nắng thiêu đốt của mặt trời,

Tiếp đó lại là trận mưa lạnh,

Có lúc bị tuyết làm cho lạnh cóng. Nhưng sau đó mặt trời lại hiện ra sưởi ấm hắn.

Có lẽ vì hắn thiếu 1 góc không thể lăn nhanh được. Nên đôi lúc dừng lại nói chuyện với bác giun,

Hoặc hít hà hương thơm của hoa,

Cũng có lúc hắn lăn nhanh, vượt qua cả bọ cánh cứng,

Cũng có lúc để bọ cánh cứng vượt qua.

Khi vui, chính là những lúc thế nầy đây...

Hắn tiếp tục đi, vượt qua cả biển lớn.

"Ô, ta đi tìm 1 góc bị thất lạc,

Đi qua cả chân trời góc bể,

Hành trình vạn lý không sợ xa xôi,

Ta đi tìm 1 góc bị thất lạc".

Vượt qua cả ao sâu, rừng rậm.

Trèo đèo,

Trượt dốc,

Cho đến 1 ngày, xem nầy!

"Ta đã tìm thấy 1 góc bị thất lạc rồi."

Hắn reo lên!

"Ta đã tìm thấy góc bị thất lạc,

Hành trình vạn lý không sợ xa xôi

Ta tìm thấy rồi..."

"Chờ chút đã" Cái góc nhỏ nói

"Đừng có hát cái gì đường xá xa xôi..."

"Tôi không phải là cái góc bị thất lạc của anh,

Tôi không phải là cái góc của ai cả.

Tôi là góc của riêng tôi .

Cho dù là góc bị thất lạc của ai đó đi chăng nữa,

Tin chắc tôi không phải là của anh."

"Ồ", Hắn buồn buồn nói

"Xin lỗi đã làm phiền"

Hắn lại tiếp tục lên đường

Hắn tìm thấy 1 góc khác,

Nhưng lại nhỏ quá!

Còn cái góc nầy thì lại lớn quá!

Cái góc nầy lại quá nhọn!

Cái góc nầy lại quá vuông vắn!

Có 1 lần, hắn tìm thấy 1 góc thiếu vừa xinh... Nhưng hắn giữ không chặt.

Cái góc khuyết bị rơi mất.

Lần khác, hắn tóm chặt quá,

Khiến nó vỡ vụn.

Hắn lại tiếp tục lên đường,

Và gặp phải không ít hiểm nguy.

Rơi xuống vực,

Đụng đầu vào tường đá,

Sau đó, 1 ngày kia, hắn lại gặp được 1 cái góc khác, có vẻ rất hợp.

"Halo" hắn chào.

"Halo" cái góc kia chào.

"Cậu là 1 góc bị thất lạc của ai phải không?"

"Không"

"Thế thì cậu chỉ là góc của cậu thôi à?"

"Tôi có thể là 1 góc bị thất lạc của ai đó, và cũng là 1 góc của riêng tôi."

"Cậu không muốn làm 1 góc của tôi có đúng không?"

"Không hẳn là như thế."

"Có lẽ chúng ta không thật hợp nhau lắm..."

"Đừng nói vậy..."

"Thế nào?"

"Cảm giác rất tuyệt!"

Rất hợp!

Hợp quá đi mất!

Phù, rốt cục thì cũng tìm thấy! Tìm thấy rồi!

Hắn lăn về phía trước, vì không khuyết góc nào nên hắn càng lăn càng nhanh. Từ trước tới giờ, chưa bao giờ lăn nhanh như thế.

Cũng không thể thưởng thức hương thơm của hoa,

Bươm bướm cũng không ghé chân đậu lên mình hắn,

Mà hắn cũng không thể hát bài hát vui vẻ của hắn nữa.

Hắn chỉ có thể hát rằng:

"Ta đã tìm được 1 góc thất lạc của ta..."

Hắn lại tiếp tục hát:

"Ô, khao khao khơ khớ y khao,

Khao khao khơ khớ y khao,

Khản khẩy khủ khẩn khu kha khẻo khảo khảo..."

Ôi trời,

Hắn chẳng thiếu thốn gì,

Mà sao không hát được nữa thế nầy.

"Mình hiểu rồi." Hắn nghĩ. "Có nguyên do cả đây"

Và hắn dừng lại.

Nhẹ nhàng thả góc thiếu kia ra.

Rồi ung dung đi tiếp,

Hắn vừa đi, vừa khe khẽ hát:

"Ô, ta đi tìm 1 góc bị thất lạc,

Ta đi tìm 1 góc bị thất lạc,

A ha, lên đường thôi,

Ta đi tìm 1 góc bị thất lạc."

A ha, lên đường thôi,

Ta đi tìm 1 góc bị thất lạc...

Vấn đề chín chắn...

Theo quan sát của tôi trong nhiều năm qua, tôi phát hiện ra rằng, chưa có ai có cuộc đời hoàn mỹ không khiếm khuyết cả, mỗi người đều có thiếu sót.

Có người cuộc sống vợ chồng rất hạnh phúc, thu nhập cao, nhưng lại mắc bệnh vô sinh; Có người tài sắc vẹn toàn, giỏi giang, nhưng đường tình lại trắc trở; Có người gia đình giàu có, nhưng con cháu không hiếu thuận; Có người có vẻ rất tốt số, nhưng cả cuộc đời đầu óc chỉ rỗng tuếch.

Trong cuộc sống của mỗi người, đều bị thượng đế vạch 1 khuyết. Anh không muốn có nó, nó vẫn bám theo anh như hình với bóng.

Trước kia tôi cũng đã từng hận những thiếu sót trong cuộc đời tôi. Nhưng bây giờ, tôi đã mở rộng lòng để đón nhận nó. Bởi vì tôi hiểu rằng, khiếm khuyết trong cuộc đời, giống như cái gai trên lưng ta, luôn luôn nhắc nhở ta khiêm tốn và phải biết thương người hơn.

Nếu không có những buồn khổ, chúng ta sẽ kiêu ngạo, không có những thay đổi, chúng ta sẽ chẳng thể an ủi người bất hạnh ta bằng trái tim đồng cảm.

Tôi cũng tin rằng, cuộc sống không nên hoàn thiện quá, có khiếm khuyết, để may mắn đến với người khác cũng là 1 điều hay.

Anh không cần phải có mọi thứ, nếu anh có đủ, người khác sẽ thế nào?

Và nhận ra rằng mỗi cuộc đời đều có khiếm khuyết, tôi sẽ không so đo với người khác, ngược lại, tôi càng quý những gì mình đã có hơn.

Vậy nên, đừng ngưỡng mộ những gì người khác có, hãy kiểm lại những gì thượng đế dành cho anh, anh sẽ nhận ra rằng, những cái anh có, nhiều hơn những gì anh không có.

Phần khiếm khuyết, tuy chẳng đẹp, nhưng cũng là 1 phần của cuộc đời anh, chấp nhận nó và đối xử tốt với nó, cuộc sống của anh sẽ vui hơn và cởi mở hơn.

Nếu anh là 1 con trai, anh chấp nhận đau đớn cả đời để kết tinh 1 hòn ngọc trai... Hay anh không muốn có ngọc để có 1 cuộc sống yên lành?!

Nếu anh là 1 con chuột, bỗng phát hiện ra mình đang bị nhốt trong cái bẫy bắt chuột, trước mặt là miếng bánh gatô thơm phức, anh sẽ ăn miếng bánh hay là bỏ đó?!

Trước kia, dụng cụ để dành tiền đều làm bằng sứ, khi đã đầy tiền, phải đập vỡ mới lấy được tiền ra... Nếu có 1 ống dành tiền như vậy, nếu không có đồng nào thả vào, nếu cứ lành lặn đến tận ngày nay... Nó sẽ là 1 món đồ cổ quý giá. Anh muốn làm ống đựng tiền như thế không?!

Hãy ghi lại từng câu trả lời của anh mỗi khi anh nghĩ đến... Cho đến 1 ngày nào đó, câu trả lời của anh không thay đổi... Khi đó, anh đã đủ chín chắn!

Tìm 1 người hiểu bạn... Và hãy mong bạn là người hiểu anh ấy...

Người thông minh thích đoán tâm sự của người khác. Tuy lần nào cũng đoán đúng nhưng lại đánh mất cái tâm của mình.

Người ngốc nghếch thích cởi mở trái tim mình. Tuy lần nào cũng bị người ta cười nhạo nhưng lại có được tấm lòng của mọi người.

Cá nói: Anh không nhìn thấy nước mắt của tôi, vì tôi sống trong nước. Nước nói: Tôi có thể cảm nhận được nước mắt của chị; vì chị ở trong trái tim tôi!

Hãy tin rằng luôn có 1 ai đó dành riêng cho mình, và tiếp tục cuộc hành trình...

Có thể là chuyện tình cờ, có thể là điều kỳ diệu

Chị Patsy, chị gái thứ hai của tôi, sắp làm đám cưới. Thế là cả tuần trước tôi chạy như con thoi giữa tiệm áo cưới đến tiệm hoa, rồi từ tiệm hoa đến ban tổ chức lễ cưới ở nhà thờ... Mẹ vẫn phải đi làm, anh cả tôi lại đang đi công tác. Nhưng dù sao, thì anh ấy cũng hứa là sẽ về kịp để dẫn chị tôi bước vào nhà thờ thay bố tôi, bố đã mất từ mấy năm trước. Anh ấy còn đùa là anh ấy rất mong đến ngày đám cưới, vì thực ra, anh ấy muốn "đem cho" chị Patsy đi từ hồi chị ấy mới... 3 tuổi cơ!

Để tiết kiệm ít tiền, tôi đi kiếm hoa từ mấy người bạn mà nhà có những cây hoa mộc lan lớn. Những bông hoa màu trắng kem với hương thơm ngọt ngào và lá xanh bóng sẽ tạo ra một bó hoa cô dâu tuyệt đẹp và nổi bật. Đêm trước hôm đám cưới, tuy mệt nhưng tôi vẫn thở phào vì mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo. Chị tôi sẽ có một đám cưới vô cùng đáng nhớ!

Thế rồi ngày trọng đại cũng đến. Trong khi mấy người bạn giúp chị Patsy chỉnh váy cưới, thì tôi đến nhà thờ trước để xem mọi chuyện đã thật sự ổn chưa.

Khi mở cánh cửa nhà thờ, phả vào chúng tôi là một luồng không khí nóng hầm hập, tôi suýt nữa thì ngã lăn đùng ra ngất, không phải vì tôi chịu nóng kém, mà là vì cảnh tượng tôi đang nhìn thấy - tất cả những bông hoa mộc lan màu trắng kem xinh đẹp đã trở nên... đen xỉn! Đêm qua nhà thờ bị cắt điện, hệ thống điều hoà không khí không hoạt động, và trong suốt một đêm nóng bức, những bông hoa đã héo rũ và chết cả!

Tôi nhìn những bông hoa mà muốn khóc. Nhưng tôi không có thời gian để khóc. Tôi chỉ cón biết mong bốn điều: những bông mộc lan trắng kem sẽ xuất hiện, tôi sẽ đủ can đảm để kiếm được chúng trong một khu vườn nào đó ở quanh đây, tôi sẽ được an toàn dù bất kỳ con chó dữ dằn nào có xông ra đớp vào chân, và một người tử tế nào đó sẽ không nện cho tôi một trận khi tự nhiên tôi đòi ngắt trụi cây hoa mộc lan hoàn hảo của họ.

Khi vừa ra khỏi nhà thờ được một chút, tôi chợt nhìn thấy xa xa có những cây hoa mộc lan. Tôi vội vã chạy ngay lại gần ngôi nhà đó... trước hết là không có chó! Tôi gõ cửa và một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi ra mở. Vẫn ổn... ông ấy chưa nổi điên, cũng không cầm theo cái gậy nào. Sau khi nghe tôi "trình bày hoàn cảnh", ông ấy mỉm cười: "Ta rất vui được giúp cháu!".

Nói rồi ông ấy lấy ra ngay một chiếc thang, bắc lên và cắt những bông mộc lan lớn và đưa xuống dưới cho tôi. Chỉ vài phút sau, tôi đã có một ôm hoa tươi đẹp tuyệt.

- Cảm ơn ông, ông đã cứu em gái của một cô dâu đấy ạ! - Tôi nói.

- Không - Ông ấy đáp - Cháu không hiểu đâu... Chính ta mới phải cảm ơn cháu.

- Về cái gì cơ ạ? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

Vừa trèo xuống khỏi thang, người đàn ông vừa kể:

- Vợ ta vừa mất vài tháng trước... Bà ấy là người ta yêu thương nhất và cũng yêu thương ta nhất - Tôi thấy ông ấy lau nước mắt khi kể - Bây giờ ta còn lại có một mình. Suốt nhiều năm qua, lúc nào ta cũng cần bà ấy và bà ấy cũng cần đến ta. Nhưng bây giờ thì không ai cần đến ta nữa. Sau khi bà ấy mất, cũng chẳng ai đến thăm ta cả. Sáng nay, ta ngồi một mình và nghĩ: "Ai cần đến ông già 67 tuổi này? Ai thèm nhớ đến sự tồn tại của ta?". Và ta tự trả lời là "không ai cả". Nhưng đúng lúc đó thì cháu gõ cửa, và câu đầu tiên cháu nói với ta là: "Ông ơi, cháu cần ông giúp".

Tôi đứng há cả miệng ra nghe, không nói được lời nào.

Ông ấy mỉm cười:

- Cháu có biết ta nghĩ gì khi đưa cho cháu những bông hoa mộc lan này không?

- Không ạ.

- Ta biết rằng ta vẫn được nhớ đến. Có những người vẫn cần những bông hoa của ta. Có thể ta sẽ... mở một cửa hàng hoa nhỏ ở đây. Vườn sau của ta còn rất nhiều hoa đấy... Cháu nghĩ như thế có tốt hơn không?

Tôi quay lại nhà thờ, thấy trong lòng lấp lánh vui, không chỉ vì tôi đã kiếm được một ôm hoa tươi, mà còn vì biết rằng một cách vô tình, mình đã giúp được một người đang cô độc.

Tôi cứ nghĩ, vào ngày đám cưới của chị Patsy, nếu ai đó đề nghị tôi đi an ủi một người đau khổ, hẳn tôi sẽ nói: "Thôi nào, hôm nay là đám cưới của chị tôi, ngày trọng đại đấy! Chẳng có cách nào mà tôi lại đi giúp đỡ ai khác được đâu". Nhưng cuộc sống vẫn có cách của riêng mình, dù là qua những bông hoa héo, để làm nên những điều tình cờ nhưng kỳ diệu.

Bonnie M.

Mình xin lỗi

Đó là ngày đầu tiên của năm lớp 10, chúng tôi chỉ có một bài kiểm tra nên học xong rất sớm. Và tôi gọi điện cho cậu ấy.

- Cậu đến đón mình được chứ?

- Được, đợi mình 5 phút!

- Nhanh lên đấy nhé?

Đó là ngày đầu tiên của năm lớp 10, chúng tôi chỉ có một bài kiểm tra nên học xong rất sớm. Và tôi gọi điện cho cậu ấy.

- Cậu đến đón mình được chứ ?

- Được, đợi mình 5 phút!

- Nhanh lên đấy nhé?

3h chiều, trời khá nóng, tôi đứng chờ dưới bóng cây và phẩy tay liên tục, dù không mát hơn được nhiều nhưng cũng còn hơn là cứ đứng yên.

5 phút trôi qua, vẫn không thấy cậu ta đâu. Tôi bắt đầu hơi khó chịu, mắt liên tục nhìn đồng hồ.

10 phút trôi qua, vẫn không thấy cậu ấy đến... chẳng lẽ cậu ấy bị tai nạn?

15 phút... Cuối cùng cậu ấy cũng tới.

- Sao cậu đến muộn thế ?

Cậu ta không có vẻ gì là ái ngại:

- Mình xem nốt chương trình TV ấy mà.

- Cái gì? TV? - Tôi hét lên, đầu còn nóng hơn cả nắng giữa trưa

- Sao cậu không ăn, rồi ngủ, rồi tắm đi rồi hãy đến?

- Mình xin lỗi..:

Đó là lần đầu tiên cậu ấy xin lỗi tôi, kể từ khi chúng tôi bắt đầu quen biết nhau.

Cậu ấy học giỏi, dễ thương và rất tự tin, hiếm khi chịu xin lỗi một cô gái nào.

Tôi giật lấy cái mũ bảo hiểm mà cậu ấy đưa, ngồi lên xe, không nói gì suốt quãng đường về nhà.

Cậu ấy luôn như thế, không giải thích, không an ủi, không cãi cọ.

Mà đối với tôi thì có rất nhiều điều không thể "cho qua" được chỉ với một lời xin lỗi.

Và tôi không bao giờ hỏi thêm gì nữa mỗi khi cậu ấy xin lỗi. Vì thế, tôi có cảm giác rằng "xin lỗi" là một từ cậu ấy dùng chỉ để tôi im miệng lại chứ không phải thật sự cậu ấy biết lỗi và sửa chữa. Bởi vì cậu ấy thường xuyên đến muộn giờ hẹn, không bao giờ sửa được!

Tôi khóc oà lên khi cậu ấy xin lỗi lần thứ 59:

- Cậu không bao giờ cần nói xin lỗi mình nữa! Nếu cậu không thể sửa được thì đừng để mình cứ cho cậu từ cơ hội này đến cơ hội khác và lần nào cũng hy vọng rằng cậu sẽ thay đổi...

Cậu ấy nắm tay tôi rất chặt, và nói lời xin lỗi thứ 60.

Ngay cả lúc đó, cậu ấy vẫn không có một lời giải thích.

Tôi bắt đầu lo lắng rằng hình như cậu ấy giấu tôi điều gì đó.

...

- Cậu đang gặp chuyện gì phải không?

- Làm gì có chuyện!

- Thế thì sao cậu luôn có vẻ không bình thường?

- Làm gì có chuyện đó!

Lúc nào cậu cũng chỉ như thế! Không bao giờ mình hiểu được chuyện gì đang xảy ra! Cậu có coi mình là bạn gái của cậu không vậy?

Mình xin lỗi...

- Không muốn nghe một lời xin lỗi nào nữa!

Tôi hét lên và dập máy.

Cậu ấy không gọi lại.

Hoá ra là cậu ấy không hề quan tâm đến tôi! Thế mà tôi cứ trông chờ...

...Và đó là lần thứ 99 cậu ấy nói xin lỗi...

Từ ngày hôm đó, tôi không gọi điện, cũng không ghé qua nhà cậu ấy nữa.

Đôi khi điện thoại nhà tôi reo, nhưng tôi nhấc ống nghe thì bên kia không ai nói gì cả. Tôi đoán là cậu ta gọi, nhưng mặc kệ, tại sao cậu ấy không chịu nói cơ chứ?

Một tháng trôi qua, tôi không thể chịu thêm được tình trạng không biết-gì-cả này! Tôi đến trường cậu ấy.

Tôi ngó vào cửa sổ lớp, nhưng không thấy cậu ấy đâu.

- Xin lỗi... hôm nay Timmy không đi học à? - Tôi hỏi một cô bạn.

- Hình như cậu ấy thôi học rồi mà! - Cô bạn nhún vai.

- Thôi học? - Tôi tròn mắt - Tại sao? Từ khi nào vậy?

- Hơn một tháng rồi, mà bạn là bạn của Timmy à?

- Ah... cảm ơn...

Hơn một tháng... đã không đi học hơn một tháng... Tại sao lại như thế ? Tôi lao ngay về nhà.

Tôi gọi vào máy di động của cậu ấy. "Thuê bao hiện không liên lạc được".

Tôi gọi đến nhà, nhưng không ai trả lời.

Sao lại như thế được? Chẳng lẽ cả gia đình đã chuyển đi mà tôi không hề biết gì?

Dường như cậu ấy đã biến khỏi mặt đất, không để lại một dấu vết nào.

Tôi không tìm thấy cậu ấy... và khi tôi bắt đầu cuống lên, thì một người bạn gọi điện. Đó là một người bạn của em họ cậu ấy, học cùng lớp với tôi

- Cậu thế nào? Đã biết tin Timmy vào viện chưa?

- Vào viện? Chuyện gì vậy? .,

- Trong bệnh viện mà cậu nằm lần trước ấy... phòng số...

Tôi chạy với tốc độ nhanh nhất có thể tới bệnh viện.

Cậu ấy nằm trên giường, không nói gì, không cử động.

- Chuyện gì vậy? Sao không gọi điện cho mình? - Tối vừa ngồi xuống cạnh giường, vừa khóc oà lên, còn cậu ấy vẫn không trả lời, chỉ nhìn tôi chăm chú như mọi khi - Sao cậu không nói gì hết?

Tôi nhìn thấy mắt cậu ấy ướt, và dường như cậu ấy dùng tất cả sức lực có thể để nói:

- Mình... xin lỗi...

Và cậu ấy nhắm mắt lại.

- Này, đừng như thế... cậu xin lỗi cái gì chứ ? - Tôi khóc lạc cả giọng -

Đừng có xin lỗi... Mở mắt ra đi... .

Tôi cứ nắm chặt lấy tay áo cậu ấy mà kéo, và không thể ngừng khóc.

- Tại sao phải xin lỗi? Tại sao cậu không giải thích lời nào? Mình không đời nào tha thứ cho cậu-.. Đừng có xin lỗi... Cậu mà không mở mắt ra thì mình không bao giờ tha thứ cho cậu nữa đâu...

Đó là lời xin lỗi thứ 100.

Các bác sĩ và y tá chạy vào phòng, kéo tôi ra ngoài-

Cậu ấy rời khỏi thế giới của tôi... cậu ấy đã thua trong cuộc chiến với bệnh ung thư máu...

Nhưng tôi vẫn gặp cậu ấy trong những giấc mơ... và cậu ấy vẫn sống trong tim tôi...

Khoảng một tháng sau, mẹ cậu ấy đến nhà, đưa cho tôi một chiếc hộp mà cậu ấy gửi lại... trong đó là 100 mảnh giấy, mỗi mảnh giấy là một lời giải thích lý do tại sao cậu ấy xin lỗi tôi.

"Lần đầu tiên, mình không cố ý đến muộn đâu, nhưng khi vừa bước ra khỏi nhà, bỗng nhiên mình thấy chóng mặt quá và không thể đi tiếp được, nhưng mình đã cố gắng đến gặp cậu. Cậu tha thứ cho mình nhé?

'Lần thứ hai, mình..."

"Lần thứ ba, mình..."

"Lần thứ 100" - Đó là mảnh giấy cậu ấy viết từ trước khi tôi tới bệnh viện - "Mình xin lỗi... mình thật sự không muốn để cậu lại một mình trên thế giới này, nhưng có thể đến một lúc nào đó khác... I love you, Timmy".

Kèm với mảnh giấy thứ 100 là một bức ảnh của cậu ấy trong bệnh viện. Trông cậu ấy rất gầy, nhưng nụ cười vẫn sáng bừng như mọi khi.

Khi cậu ấy cần tôi nhất thì tôi không ở bên cạnh.

Timmy, mình xin lỗi...

Ngụ ngôn của cây bút chì

Một người thợ làm bút chì để nó qua 1 bên trước khi đặt vào hộp. "Có 5 điều ngươi cần nhớ trước khi ta đem ngươi ra thế giới bên ngoài". Ông ta nói với cây bút chì. "Hãy luôn ghi nhớ và không bao giờ quên để được trở thành 1 cây bút chì tốt nhất mà ngươi có thể"

1. Ngươi có thể làm được nhiều công việc vĩ đại chỉ khi cho phép mình được 1 người nào đó cầm trong tay

2. Ngươi sẽ trải qua việc gọt giũa đau đớn hết lần nầy đến lần khác, nhưng đó là điều cần thiết để trở nên 1 cây bút chì tốt hơn

3. Ngươi có thể sửa chữa được bất kỳ lỗi sai nào nếu đã lỡ phạm phải

4. Phần quan trọng nhất của Ngươi sẽ luôn là những gì bên trong Ngươi

5. Trên mỗi bề mặt mà Ngươi được dùng đến Ngươi phải để lại dấu ấn. Trong bất kỳ điều kiện làm việc gì, Ngươi cũng phải tiếp tục viết

Cây bút chì hiểu và hứa sẽ ghi nhớ, và nó đi vào trong hộp với mục đích nằm trong tim mình

Bây giờ bạn hãy thay thế vào chỗ của cây bút chì. Hãy luôn ghi nhớ và không bao giờ quên để trở thành 1 người tốt nhất mà bạn có thể.

Đồng tiền vàng

Buổi trưa. Trời oi bức, nắng như đổ lửa. Nằm dưới cây sấu già, nó thiu thiu ngủ, đầu gối lên cái bọc dúm dó, cũ kỹ, bên cạnh là cái bát sắt hoen gỉ nằm chỏng chơ.

Từ sáng tới giờ chưa có chút gì bỏ bụng, đi xin mãi nó chỉ được 1 tờ năm trăm đồng mất góc. Đói rũ người. Nó hi vọng giấc ngủ sẽ xua tan cái đói đang cồn cào trong nó, nhưng không được...

Chợt nó giật thót mình khi có bàn chân ai đó giẫm lên người. Đang đói, mệt, nó la toáng lên:

- Mù à? Người ta nằm thế mà giẫm cả lên người!

Đáp lại nó là giọng khản đặc, run run của 1 bà lão :

- Bà mù...ừ...mù thật cháu ạ...thôi bà đã trót...cho bà xin.

Nó lặng người, từ hai hốc mắt nó có cái gì đó ươn ướt, mặn chát rỉ ra...

- Cháu xin lỗi. Cháu không biết là bà... như thế...

Bà lão ngúc ngoắc đầu như thể chấp nhận. Rồi chiếc nón lá rách lướp tướp, cũ mèm tiếp tục huơ đi huơ lại. Theo cây gậy tre dò đường, bà dò dẫm bước đi...

- Lạy các ông, các bà...Xin các ông các bà thương xót,nhón tay làm phúc...

Nó vội lần trong bọc, rút ra tờ năm trăm mất góc, gọi với theo:

- Bà ơi!

Bà lão quay đầu lại.

- Cháu xin biếu bà!

Khuôn mặt nhăn nhúm của bà lộ vẻ mừng rỡ. Bà chậm chạo đi về phía nó, chìa nón cạnh cây sấu già chờ đợi...

1 cơn gió thoảng qua, hanh hao thả từ trên cây sấu vài chiếc lá khô vào nón.

Ngỡ nó bỏ tiền vào, bà đưa tay quờ đi quờ lại trong nón nhưng bàn tay run rẩy nhăn nheo chỉ chạm phải chiếc lá khô giòn. Bà lầm bầm:

- Trời ơi, sao nó lại nỡ lừa cả người mù hả trời!

Bà lão rủa thầm rồi từ từ quay người lại đi tiếp.

Nó ngồi dưới gốc cây, chìa tờ giấy bạc ra vẻ thành khẩn. Chờ mãi mà chẳng thấy bà lão nhận tiền, nó đứng dậy thảng thốt gọi :

- Bà ơi! Cháu biếu bà thật đấy mà...

Chỉ có tiếng lá xào xạc đáp lại.

Nó đứng đó 1 lúc lâu, suy nghĩ nhưng không hiểu vì sao bà lão không nhận tiền của nó. Nó cúi xuống, cắp cái bọc vào nách, cầm cái bát, với cây gậy lò dò tìm đường thập thững bước đi.

Bóng của nó - 1 đứa bé mù in trên mặt đường tròn như 1 đồng tiền vàng.

Niềm vui bé bỏng!

Tôi học thêm ở 1 trung tâm nọ đã hơn hai năm rồi.Mỗi khi chiều về,tôi thường thấy 1 ông lão già nua ngồi bán những con châu chấu bằng lá dừa trước cổng.Dù mưa hay nắng,tôi vẫn thấy ông lão đội chiếc nón sụp xuống che nửa mặt,tay cầm cây treo đàn châu chấu.Rất nhiều người ngoái lại nhìn ông bằng ánh mắt lạ lùng khó hiểu.Có hôm,ông tặng châu chấu cho cô bé bán hàng rong,bữa khác ông lại đưa tận tay 1 cậu bé bán vé số 1 con châu chấu trước khi về,ánh mắt sáng lấp lánh niềm vui....Tôi rất tò mò,thắc mắc về chuyện bán châu chấu của ông.1 hôm,tôi cố tình đi học sớm và lân la đến trò chuyện với ông:"Ông ơi!ngồi cả buổi,cháu thấy ông bán chẳng được bao nhiêu.Cực thân lắm đấy!"

Ông lão cười rung rinh chòm râu trắng trước câu nói của tôi:"Điều đó không quan trọng đâu,cháu àh!Lúc bé ông đã từng sướng mê ly khi được ba làm cho con châu chấu bằng lá dừa xanh.Và bây giờ,ông như sống lại với kỉ niệm xưa,ngập tràn hạnh phúc khi thấy các cháu mân mê,thích thú trước những vật nhỏ do mình tạo ra...."

Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều bé nhỏ mà ta nhận thấy khi mang niềm vui đến cho ngưới khác.Thế mà bây giờ tôi mới hiểu điều đó.Ngốc thật!

Người đổ rác xóm tôi

Ông chừng ngoài năm mươi, hơi gầy gò, dáng đi vội vã, chiếc nón lá sùm sụp che bớt 1 phần gương mặt sạm nắng, khắc khổ của người lắm gian nan, nhưng không lần nào gặp ông mà tôi không nhận được nụ cười cởi mở cùng câu chào hỏi mau mắn.

Thoạt đầu tôi chỉ hơi ngạc nhiên vì vẻ lịch sự hiếm thấy ở 1 người làm công việc vệ sinh như ông, nhưng dần dần tôi thích thú nhận ra những phẩm chất đáng quý khác của người đổ rác xóm tôi.

Chuyến xe rác đi qua xóm tôi là chuyến đầu tiên trong ngày của ông. Mới tờ mờ sáng, còn mơ màng trên giường, tôi đã nghe tiếng gọi "Rác đi!".

Những ngày đầu, chưa nắm được quy trình vận chuyển của ông, tôi còn mắt nhắm mắt mở ấm ức xách bao rác chạy theo xe ông đã đi quá 1 đoạn. Nhưng ông ân cần trấn an tôi: "Lần sau cô cứ để rác ở cửa, chút nữa tôi còn quay lại mà".

Hóa ra, thông cảm cho những kẻ ngủ dậy muộn, sau khi đẩy xe 1 vòng qua những con hẻm lân cận, ông lại đi ngang xóm tôi lần nữa để lấy nốt những bao rác đặt trễ ngoài cổng 1 đôi nhà.

Quen thấy kiểu làm việc "quan liêu" của người đổ rác xóm cũ, tôi ngạc nhiên khi thấy ông nặng nhọc xách những bao rác to của ngôi nhà đang xây dựng cố vứt lên xe mà không hề gợi ý 1 khoản tiền bồi dưỡng nào. Có khi thấy ông vui vẻ đứng chờ 1 chị chủ nhà lề mề đang cố hốt nốt những cọng lá khô trong sân, hỏi han đôi ba câu với cụ ông mới đi tập dưỡng sinh về. Tôi chưa từng thấy ông gây gổ với ai, cả với những người "cá biệt" cố tình tránh né những đồng tiền ít ỏi mà lẽ ra ông phải nhận được hằng tháng.

1 lần, bị hiểu nhầm, cha con ông bị bác hàng xóm cạnh nhà tôi quát tháo ầm ĩ. Ngỡ đâu cãi cọ sắp xảy ra. Nhưng không, tôi bất ngờ nhận ra đức nhẫn và cách cư xử khoan hòa ở ông. Nể gia chủ lớn tuổi và đang cơn nóng giận, ông điềm đạm đứng nghe hết câu rồi mới ôn tồn giải thích. Chưa hết nóng, bác hàng xóm vẫn quát lên: "Từ mai, không đổ rác nữa!".

Thế nhưng, những buổi mai sau đó, tôi vẫn thấy ông nhanh nhẹn và vui vẻ như mọi khi, thu gom các bao rác, kể cả bao rác của bác hàng xóm già nóng tính nhưng lại mau quên.

Không phân biệt rác nặng hay nhẹ, ông cũng chẳng hề phân biệt những thứ "quà" người khác tặng ông. Tôi cảm thấy vui vui mỗi lần nhận được ở ông tiếng cám ơn nhã nhặn dù chỉ là dăm vỏ chai nhựa mà tôi đã cẩn thận dồn vào 1 bao riêng, chiếc bánh chưng nóng ngày ba mươi Tết, hay chiếc quạt máy tuy đã cũ nhưng vẫn còn dùng được... Lần nào thái độ khiêm cung của ông cũng khiến tôi có cảm giác như niềm vui của ông là ngang nhau.

Tôi chẳng biết gì về cuộc đời ông, không biết liệu ông có tốt nghiệp qua trường lớp nào, được bao nhiêu bằng cấp, nhưng gặp ông hằng ngày, nhìn cách làm việc và cư xử của ông, tôi biết mình đang tiếp xúc với 1 nhân cách đáng trân trọng. Tôi đã học được từ ông thật nhiều điều quý giá.

Đêm giao thừa

Tôi có bao nhiêu tuổi thì tôi cũng có bấy nhiêu đêm giao thừa. Có Tết tây và Tết ta. Tờ lịch cuối cùng bóc ra và tự dưng thấy trơ trọi 1 nỗi buồn vu vơ. Nỗi buồn đó thuộc về lịch tây. Chờ thêm mấy mươi ngày nữa thì lại thêm 1 nỗi buồn ta. Nỗi buồn của 1 người thấy mùa xuân thuộc về kẻ khác. Nỗi buồn của kẻ không dám thốt lên hai tiếng tương lai..

Có những đêm nằm không ngủ được. Nghĩ đến tương lai thuộc về người khác mà lòng cứ rầu rầu. Vì sao phải vậy. Quy luật tự nhiên là cái quái gì vậy mà làm não nề những cõi lòng ham sống, thèm yêu cuộc đời. Yêu đời và cứ muốn tồn tại mãi đâu phải là 1 cái tội. Nếu là tội lỗi thì xưng tội, sám hối với ai.

Cuộc đời sắm ra cái sự yêu thương nhức nhối nầy làm tình làm tội biết bao nhiêu thân phận con người. Yêu cuộc đời và muốn ở lại mãi mãi. Vì sao không cho ở lại. Trái đất quá chật và vì vậy phải có kẻ ở người đi. Buồn lắm mà không thể than phiền với ai cả.

Ðêm giao thừa dù tây dù ta tôi vẫn luôn luôn 1 mình 1 cõi. Số phận vẫn thường hay hậu hĩ với kẻ nầy mà lại bạc đãi kẻ kia. Có rất nhiều bạn bè thân hữu chứng nhân cứ thấy mỗi lần vào dịp lễ là tôi lại 1 mình 1 cõi. Ðành vậy biết làm sao - Người ta có thể vui chơi, đàn đúm, quây quần 1 đời nhưng vẫn cứ lạc loài lẻ loi 1 chốc. 1 chốc mà là tất cả. Cái sát na nhỏ bé của thời gian đôi khi cũng quy định cả đời người. 1 người mẹ bỏ đi. 1 người tình bỏ đi cũng nằm trong cái sát na đó.

Ðừng than thân trách phận. Ðời không có lỗi với ai, chỉ có ta có lỗi với đời. Ðêm giao thừa không có người yêu thì buồn lắm nhưng cũng không vì thế mà chết được. Những lễ lạc đi qua đời người mà thiếu vắng hồng nhan thì vẫn có thể vui nhưng là 1 niềm vui không trọn. Như 1 khúc hát dở dang. Symphonie inacheveé. 1 mùa thu không có lá vàng. 1 mùa hè không có nắng. 1 đêm đông không giá rét.

Ðêm giao thừa ngồi 1 mình và hát :

"Ðừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng

Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông..."

Ðừng tuyệt vọng vì cuộc đời hồn nhiên đôn hậu vẫn luôn luôn cho ta những ngày vui khác. Những ngày vui của đời thì thênh thang vô tận. Hết cuộc tuyệt vọng nầy đến 1 cuộc tuyệt vọng khác biết đâu cũng là 1 niềm vui. 1 niềm vui dù không có thật thì cũng đủ an ủi trong phút chốc.

Cuộc sống là 1 niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng. Hết cuộc tình nầy sẽ có 1 cuộc tình khác. Không có ai lang chạ. Không có ai phản bội ai. Có thứ tình nầy có thứ tình nọ. Có tội lỗi và có thiên thần. Ðừng khen chê, bôi bác, thẩm định. Ðược yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn nầy thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu.

Không bao giờ có điều gì tuyệt đối. Và như thế phải có 1 đêm giao thừa nào đó phải có người yêu. Có những đêm không phải giao thừa mà vẫn có người yêu. Những đêm như thế ta cứ xem như là đêm giao thừa vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #gautruckaka