CHƯƠNG 2: CHIẾN CÔNG CỦA XÊ-DA

Xê-Da (JULIUS CÉSAR) sinh vào năm 102 trước kỷ nguyên Tây lịch. Năm mười sáu tuổi ông mồ côi cha. Thuở đó ông là một thanh niên khá có tài cán, gan dạ. Bất cứ gặp chuyện nguy hiểm gì ông không bao giờ sợ sệt.

Mặc dù dáng người gầy cao, làn da trắng trẻo trông như yếu đuối, nhưng kỳ thực ông là một thanh niên rất kiên trì. Phàm việc gì ông không bao giờ chịu làm qua loa cẩu thả. Tánh ông quen chịu khó, tích cực trong mọi công việc. Ngay từ lúc nhỏ ông đã chú ý đến việc luyện thân thể, tập võ nghệ. Chỉ khi nào thấy mình có thể dùng võ nghệ chiến thắng được mọi người ông mới hài lòng.

Riêng về môn ném lao, chưa ai ném xa hơn ông. Khi cưỡi ngựa ông thường biểu diễn bằng cách để hai tay ra sau lưng, ngồi thản nhiên cho ngựa phi nước đại. Nét mặt Xê-Da sẵn vẻ uy nghiêm, nên ai nhìn vào cũng tự nhiên khiếp phục, sẵn sàng làm theo điều ông sai bảo. Ông xuất thân từ dòng họ Julius, một dòng họ quý tộc đáng kiêu hãnh, nên ai cũng quý trọng ông.

Vị lão anh hùng Mi Li Át, người từng đánh bại dân tộc Nhật Nhĩ Man (German) từ phương Bắc tiến vào xâm lăng La-Mã, chính là dượng của Xê-Da. Thuở đó Mi Li Át cũng được dân chúng quý mến như Xê-Da bây giờ. Nhưng đáng tiếc ông làm mưu gian của nhóm quý tộc thời đó, phải bỏ trốn sang tận Phi Châu. Bọn quý tộc dùng mọi phương pháp tàn nhẫn nhất, tiêu diệt từng đảng viên của Mi Li Át. Riêng Xê-Da nhờ còn nhỏ nên thoát khỏi tai nạn. Nhưng là một thanh niên gan dạ, Xê-Da không bao giờ chịu bỏ trốn. Trái lại, Xê-Da còn chống Xu-Ra, nghị viên nguyên lão viện, người cầm đầu phái quý tộc.

— Phải xử trí thằng bé ấy cách nào đây?

Xu-Ra từng hỏi các bộ hạ ông ta như vậy.

— Thằng bé đó thì có gì đáng ngại? Cần gì phải đối phó? Giết nó cũng vô ích thôi!

Các bộ hạ của Xu-Ra đều xem thường Xê-Da nhưng Xu-Ra lắc đầu nói:

— Không! Thằng bé đó chẳng phải là một con người tầm thường. Mai sau chắc chắn nó sẽ lợi hại gấp mấy lần Mi-Li-Át, vậy nên thanh toán nó sớm là hơn!

Bộ hạ Mi Li Át nghe được tin này, vội vàng bảo cho Xê-Da biết, bảo ông mau trốn kẻo nguy hiểm. Trước sự trạng đó Xê-Da đành phải bỏ La-Mã đi lưu lạc khắp nơi, nhưng chẳng may ông bị quân thù bắt được. Nhờ lanh trí ông lại trốn thoát và trộm một chiếc thuyền nhỏ vượt ra Địa Trung Hải. Nơi đây ông bị bọn cướp biển bắt sống.

Xê-Da bình thản không biết sợ hãi là gì. Ông đang ngủ nghe bọn cướp cãi nhau ồn ào, bèn quát lớn:

— Chúng bây ồn quá! Hãy nói nhỏ một tý được không?

Xê-Da lại hăm:

— Ít lâu nữa ta sẽ treo cổ bọn bây hết!

Chẳng bao lâu ông trốn thoát khỏi bàn tay của bọn cướp, đi khắp nơi tìm người cùng một chí hướng và khi thấy đủ thế lực, ông dùng thuyền vây đánh bọn cướp biển, bắt sống tất cả. Ông cho treo cổ bọn này đúng như lời đã hăm trước đây.

Xê-Da là một con người hễ nói điều gì là nhất định làm cho được điều ấy.

Thấy thế lực của bọn quý tộc do Xu-Ra cầm đầu ngày một suy yếu, Xê-Da quay trở về La-Mã với vẻ mặt hí hửng. Tên tuổi của ông từ đó ngày một to, rồi được cử làm Tổng đốc tại Tây-Ban-Nha.

Lãnh thổ của La-Mã thời đó chẳng những bao gồm trọn bán đảo Ý-Đại-Lợi, mà còn thống trị cả Tây-Ban-Nha và một số quốc gia chung quanh Địa-Trung-Hải. Cho nên có thể nói La-Mã là trung tâm của thế giới bất cứ về phương diện sức mạnh cũng như văn hóa. Người ta thường bảo "Con đường nào cũng về đến La-Mã" thật đúng. Thuở đó không nơi nào hấp dẫn người ta hơn là La-Mã.

Nước La-Mã thời cổ do hai chấp chính quan cùng nắm quyền cai trị. Ngoài ra lại còn một nguyên lão viện do tầng lớp quý tộc tổ chức nên. Chấp chính quan do nguyên lão viện đề cử.

Sau khi dẹp được phiến loạn ở Tây-Ban-Nha, Xê-Da kéo đoàn quân chiến thắng trở về La-Mã. Bôm-Bay và Cờ-Ra-Súyt (Crassus) đang cùng giữ chức chấp chính quan. Nhưng khi Xê-Da trở về lại được đề cử vào chức vụ ấy. Nước La-Mã vốn chỉ có hai chấp chính quan, nay thêm Xê-Da nữa thành ra có đến ba vị, nên lịch sử gọi là "tam nhân quốc", hay "tam đầu chính trị". Sở dĩ gọi "tam đầu chính trị" là muốn chỉ việc cai trị quốc gia do ba người giữ địa vị cao nhất, cùng bàn bạc và điều hành.

Thuở đó Xê-Da tuổi ngoài bốn mươi, tràn đầy sinh lực. Ban đầu Bôm-Bay xem thường ông, cho rằng ông chỉ là một con chim non, chưa đủ lông đủ cánh. Nhưng sau đó Bôm-Bay thấy được năng lực của Xê-Da nên sanh lòng đố kỵ, xem ông như cái gai trước mắt, muốn trừ đi. Xê-Da nghĩ thầm nếu ta xung đột với Bôm-Bay thì không ích lợi gì cho La-Mã cả. Ông bèn đề nghị:

— Để tôi kéo quân đi đánh đuổi giặc ngoại xâm người Gô-Lơ (Gaute) ở biên cương phía Bắc nhé.

Người Gô-Lơ gồm có người Nhật-Nhĩ-Man, tổ tiên của người Đức và người Phờ-Răn (Frank) tổ tiên của người Pháp bây giờ. Họ có tiếng gan dạ, chẳng những đàn ông đánh giặc giỏi, mà khi cần đàn bà và trẻ con cũng cầm vũ khí tác chiến được. Bất cứ trận giặc nào mà họ chưa đắc thắng là không bao giờ chịu ngưng chiến đấu. Việc chinh phạt người Gô-Lơ là việc đầy gian truân, nguy hiểm. Dù cho có tạm thời bình định được họ, nhưng một khi quân viễn chinh kéo về là họ lại nổi lên làm loạn, rất khó áp đảo.

Xê-Da nhờ đánh bại hoàn toàn quân chủ lực của người Gô-Lơ, nên họ không còn đủ sức làm loạn nữa. Cuộc chiến tranh này kéo dài đến mười năm. Xê-Da khuất phục được trên ba trăm tù trưởng, giao phong với ba triệu quân địch, giết chết trên một triệu tên và bắt sống được một triệu tên khác. Với con số đó đủ thấy quy mô của cuộc chiến tranh này to tát đến chừng nào.

Sau khi chinh phục được một vùng đất gồm cả lãnh thổ Đức và Pháp ngày nay, Xê-Da còn kéo binh đi chinh phục nước Bờ Ri Tăn (Britain) một quốc gia mà nhiều người thời đó không tin là có thực trên mặt đất này. Quân viễn chinh của Xê-Da vượt qua biển Đại Tây Dương đầy sóng gió, đặt chân lên hải đảo Bờ Ri Tăn (nước Anh ngày nay) chưa khai hóa. Thế là hải đảo này từ đó trở thành lãnh thổ của La-Mã.

Xê-Da thu được vô số chiến lợi phẩm và tù binh, nhưng chưa bao giờ ông chiếm giữ một mình. Xê-Da đem những vật đó chia cho bộ hạ một cách công bình, nên binh sĩ kính trọng ông như anh, như cha, bao giờ cũng sẵn sàng xả thân chiến đấu theo lệnh ông.

Hàng ngày Xê-Da ăn ba bữa như một người lính. Lúc hành quân bao giờ ông cũng nhường những ngôi nhà tranh cho các thương binh tránh mưa tránh gió. Đêm đến ông nằm trước cửa ngủ chứ không chịu vào trong.

Xê-Da chiến thắng vẻ vang chưa từng có. Tin Xê-Da thắng trận trở về làm cho Bôm-Bay, người đang nắm quyền La-Mã hoảng hốt. Bôm-Bay có dã tâm nắm trọn quyền hành cai trị La-Mã, để sau này lên ngôi hoàng đế, nên tìm đủ cách chống Xê-Da.

Quân đội Xê-Da từ Bờ Ri Tăn kéo về gần tới La-Mã thì Bôm-Bay ra lệnh:

— Xê-Da, ông hãy giải tán quân đội và vào La-Mã một mình thôi!

Quân đội của Xê-Da mới kéo tới vùng biên giới cũ của nước La-Mã, đóng quân tại bờ sông. Xê-Da gác chéo hai tay trước ngực bắt đầu suy nghĩ:

"Bôm-Bay bảo ta giải tán quân đội và đi vào La-Mã một mình. Như vậy là hắn muốn phá tan thế lực của ta trước, để rồi tiêu diệt cá nhân ta sau. Vậy thì ta không nên vượt qua sông, vì kéo quân sang sông là hắn sẽ lấy cớ đó cáo giác quân đội ta phản bội La-Mã. Biết đâu mọi người sẽ tin lời hắn..."

Bộ hạ của Xê-Da cũng băn khoăn, không biết phải làm sao để đối phó. Toàn thể đứng im lặng sau lưng ông để chia sẻ nỗi khổ tâm đó.

Sau một lúc suy nghĩ chín chắn, Xê-Da quyết định:

— Tiến quân!

Ông nhảy lên lưng ngựa chỉ huy đoàn quân chiến thắng của ông vượt qua sông, kéo thẳng vào La-Mã như một dòng thác lũ.

Bôm-Bay không thể ngăn được đoàn quân dũng mãnh của Xê-Da, dẫn quân đội bỏ chạy khỏi La-Mã. Binh sĩ tinh nhuệ của Xê-Da truy đuổi theo thật rát. Bôm-Bay tiếp tục chạy về phía Nam và cuối cùng phải chạy ra biển sau một trận đánh to. Quân đội của Bôm-Bay hoàn toàn tan rã. Ông ta định bỏ trốn sang Phi-Châu, nhưng vừa đến Ai-Cập thì bị giết chết.

Đánh bại Bôm-Bay xong, quân viễn chinh của Xê-Da lại tiến đánh Ai-Cập và đã tạo được chiến công huy hoàng. Đoàn quân chiến thắng của ông từ Ai-Cập trở về La-Mã đúng vào ngày lễ tế thần Chó Sói, làm cho nhân dân La-Mã vui mừng như điên. Thế lực của Xê-Da chẳng khác nào mặt trời đang mọc, không ai có thể so sánh được.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top