PHẦN I: THỨ BẬC VÀ XƯNG HÔ
Tiếng xưng hô của người Việt rất đa dạng, một đại từ nhân xưng có thể chứa nhiều cách xưng hô khác nhau. Ở ngôi thứ nhất số ít người ta có thể nói: tôi, tao, mình..., còn ngôi thứ nhất số nhiều thì nói: chúng ta, chúng tao, chúng mình, bọn tao... Đại từ ở ngôi thứ hai, thứ ba cũng vậy.
Trong quan hệ gia tộc tiếng xưng hô cũng vô cùng phong phú, bao gồm cả phương ngữ. Thí dụ như tiếng gọi cha mẹ: ba, bố, thầy, tía, cậu, má, mợ, me, măng, bu, bầm, u..., ấy là chưa kể những tiếng đã không còn được sử dụng ngày nay như áng (cha), nạ (mẹ)... Riêng về cách xưng hô của vợ chồng đã có trên 70 cách: anh - em, ông xã - bà xã, tôi - mình, chồng ơi - vợ ơi...
Vào thời phong kiến, cách xưng hô của người Việt cũng đa dạng không kém và ít nhiều gì, do hoàn cảnh lịch sử, cũng chịu ảnh hưởng bởi Trung Hoa. Điều này thể hiện rõ qua những văn bản Nôm. Trong chữ Nôm, chữ dì 姨 (em mẹ) viết giống như chữ di 姨 trong Hán ngữ, chữ cậu 舅 viết giống hệt và cùng nghĩa với chữ cữu 舅 trong Hán ngữ, chữ dượng 仗, tuy viết hơi khác một chút, song vẫn cùng nghĩa với chữ trượng 丈 trong Hán ngữ... Nói như vậy không có nghĩa là dân ta sao chép hoàn toàn cách viết và xưng hô của người Trung Hoa, bằng chứng là chữ chị 姉 và anh 嬰 đều viết khác chữ tỉ 妣 và huynh 兄 trong Hán ngữ; chữ em gái có hai cách viết là 㛪 và 腌, vẫn không giống với chữ muội 妹 trong Hán ngữ, chữ em trai 俺 cũng viết khác với chữ đệ 弟 trong Hán ngữ.
Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu cách xưng hô và thứ bậc gia tộc, xã hội thời phong kiến ở nước ta, tương ứng với cách xưng hô và thứ bậc của Trung Hoa.
_________
Bài viết từ Vương Trung Hiếu vanchuongviet.org
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top