Phần ba: Suy nghĩ từ nguyên lí và nguyên tắc

1/Nguyên lí và nguyên tắc sẽ tốt cho cả kinh doanh lẫn cuộc sống

Chúng ta thường có xu hướng phức tạp hoá sự vật. Nhưng bản chất của sự vật thật ra là đơn giản. Ngay cả một sự việc thoạt nhìn có vẻ phức tạp nhưng bản thân sự việc ấy lại được hình thành từ những điều đơn giản.

Gen di truyền của con người được tạo nên từ 3 tỷ nucleotid có trong chuỗi ADN - con số mà chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi. Nhưng để minh hoạ các chuỗi nucleoctid, người ta chỉ cần dùng vỏn vẹn 4 chữ cái A-C-G-T* (adenine, cytosine, guanine, thymine).

*4 chữ cái minh hoạ cho các chuỗi nucleotid ở Việt Nam được gọi là A-X-G-T. Nếu xếp theo cặp nu sẽ là A-T G-X*

Mảnh vải chân lí được dệt từ sợi chỉ. Theo lẽ đó, những nguyên lí đơn giản tạo nên vô vàn hiện tượng, và sự việc được nhìn nhận càng đơn giản bao nhiêu thì càng gần chân lí bấy nhiêu. Sự việc và hiện tượng càng phức tạp thì cách nắm bắt, cách nhìn nhận càng phải chân phương đơn giản. Chúng ta phải có cách tư duy như vậy.

Điều này có thể gọi là quy luật của cuộc sống và áp dụng cả trong kinh doanh. Những nguyên lí, nguyên tắc cơ bản trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh đều như nhau, hết sức chân phương.

Tôi đã được nghe không ít về bí quyết, cách thức kinh doanh của nhiều người. Nhưng nếu tôi nói về cách làm của tôi thì chắc các bạn sẽ ngạc nhiên và nghi hoặc "Đơn giản như thế thôi sao?" hoặc "Chỉ như vậy thì làm sao mà làm kinh doanh được?".

Năm 27 tuổi, khi bắt đầu thành lập Kyocera, vốn là dân kĩ thuật nên tôi biết chút ít về lĩnh vực gốm sứ, còn kiến thức về quản trị kinh doanh thì hoàn toàn mù tịt. Nhưng đã lập công ty rồi thì đủ mọi chuyện xảy ra và đòi hỏi phải quyết đoán. Và tôi là người phải đưa ra quyết định cuối cùng về cách giải quyết, là người chịu trách nhiệm đề ra đối sách cho từng vấn đề trong kinh tế, tài chính - những lĩnh vực mà tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm.

Một vấn đề dù nhỏ đến mấy nếu quyết định sai thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của công ty vừa mới ra đời. Trong khi tôi vốn là dân kĩ thuật, không có kiến thức và kinh nghiệm gì để giúp đưa ra phán quyết. "Trước đây mình đã giải quyết như vậy. Bây giờ mình phải giải quyết thế này mới ổn..."

Tôi trăn trở suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng đã tìm ra được "nguyên lí, nguyên tắc" căn bản. Đó là cái gì đúng với đạo làm người thì theo. Dựa theo những điều mình biết mang tính tiên nghiệm trong cuộc đời, dựa trên nền tảng luân lí - thật thà, ngay thẳng, không tham lam, không làm phiền người khác - mà cha mẹ, thầy cô đã dạy khi còn nhỏ là ổn. Lấy nguyên tắc đạo đức: "đúng hay sai", "tốt hay xấu", "nên hay không nên" làm phương châm kinh doanh, tiêu chuẩn phán đoán.

Hoạt động kinh doanh cũng là hành vi giữa con người với con người, vì vậy, cái gì nên làm, cái gì không được phép làm chắc chắn cũng không thể khác những nguyên tắc vốn có thuộc về lương tri con người.

Tôi nghĩ đơn giản như thế này: Cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh đều phải tuân thủ những nguyên lí hay nguyên tắc chung. Một khi đã tuân theo những nguyên lí, nguyên tắc đó thì sẽ không mắc sai lầm lớn. Từ đó có thể đường đường chính chính kinh doanh, không phải do dự lưỡng lự và đây sẽ là cơ sở dẫn tới thành công trong tương lai.

2/"Triết lí sống" - cột mốc chỉ đường khi lạc lối

Nguyên lí, nguyên tắc chân phương đưa ta đến cách sống đúng với đạo làm người - gọi đó là triết lí sống cũng được.

Nó là triết học nhưng nó không phải thứ học vấn sách vở với những giáo điều khó hiểu mà nó là "triết lí sống" được đúc kết trong cuộc đời từ kinh nghiệm thực tế.

Vì sao phải xác lập triết lí sống như vậy? Khi chúng ta phân vân lưỡng lự, dằn vặt khổ tâm, vất vả cực nhọc thì nó sẽ là tiêu chuẩn phán đoán giúp chúng ta nên lựa chọn con đường nào, nên hành động ra sao cho phù hợp.

Trong cuộc đời, chúng ta luôn gặp những hoàn cảnh, tình huống bắt buộc phải đưa ra những phán đoán, quyết định. Trong công việc cũng như trong đời sống gia đình, chúng ta phải lựa chọn và quyết đoán hết việc này đến việc khác trong nhiều tình huống, hoàn cảnh khác nhau. Có thể nói cuộc sống chính là quá trình tích tụ những suy nghĩ, phán đoán. Thực tiễn là một chuỗi liên hoàn các quyết định của con người.

Nói cách khác, cuộc đời hiện tại của chúng ta chính là kết quả của các quyết định mà chúng ta lực chọn. Tương lai là do sự lựa chọn của chúng ta từ bây giờ. Vấn đề là chúng ta có hay không có những nguyên lí, nguyên tắc làm nền tảng cho những quyết định và lựa chọn đó. Chính nguyên lí, nguyên tắc sẽ làm thay đổi cách thức sống và hành động của chúng ta.

Lựa chọn mà thiếu kim chỉ nam chẳng khác nào người đi biển không có hải đồ, hành động không dựa vào nền tảng triết lí chẳng khác nào dò dẫm trên con đường tối tăm không có ánh sáng. Nếu bạn cảm thấy triết lí hay triết học là khó hiểu thì có thể thay đổi cách gọi. Ví dụ như nhân sinh quan, quan điểm đạo đức hoặc lối sống, cách nào cũng được. Tất cả chỉ là nền tảng tinh thần có ác dụng đưa bạn trở lại điểm xuất phát khi lạc lối lầm đường.

Công ty KDDI hiện nay được thành lập bởi liên doanh gồm ba bên: DDI do tôi sáng lập, KDD - công ty điện tín điện thoại hàng đầu quốc - và IDO - môt công ty con của tập đoàn Toyota. Nó ra đời vào mua thu năm 2000. Công ty viễn thông mới, có thể đối chọi với tập đoàn NTT của nhà nước, ra đời dựa trên sự hợp nhất lớn lao này.

Thời đó, trong lĩnh vực điện thoại di động, hai công ty DDI và IDO vận hành theo cùng một phương thức, và kinh doanh riêng rẽ trên thị trường toàn Nhật Bản. Như thế thì không thể cạnh tranh nổi với NTT Docomo. Trên thực tế, nguyên lí cạnh tranh không tồn tại. NTT Docomo độc quyền kinh doanh. Khách hàng không được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá cước.

Vì vậy, tôi đã chủ động đề nghị liên doanh. Nhưng vào thời đó, cứ nói đến việc liên doanh thì người ta nghĩ ngay đến việc "cá lớn nuốt cá bé", khó lòng tạo ra được mối quan hệ bình đẳng trong liên doanh. Những liên doanh giữa các ngân hàng trước đây cũng có không ít trường hợp như vậy. Dù các bên liên doanh cùng đưa ra luận điểm bình đẳng nhưng trên thực tế sau khi hợp nhất, việc tranh chấp quyền điều hành cứ dai dẳng không dứt.

Tôi đi đến kết luận sau nhiều ngày tháng suy nghĩ và đưa ra một đề xuất: Không phải là bình đẳng giữa ba công ty mà là liên doanh trên cơ dở DDI nắm quyền chủ động điều hành. Điều đó không có nghĩa là tôi chỉ nghĩ tới lợi ích của công ty mình hoặc thực hiện bá quyền. Sau khi hợp nhất, để liên doanh hoạt động suôn sẻ, trong ba công ty thì công ty nào có kết quả kinh doanh tốt nhất, có nền móng doanh nghiệp chắc chắn nhất thì công ty đó nắm quyền điều hành. Đó là cách tối ưu và cũng là kết quả của quá trình phân tích với thái độ khách quan nhất của tôi.

Nguyên lí, nguyên tắc trong kinh doanh là thế nào? Nó không phải chỉ là lợi nhuận hay bộ mặt của công ty mà là ở chỗ nó phải có ích cho xã hội, có ích cho loài người. Cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm tốt nhất và dịch vụ tốt nhất - là cái gốc của triết lí kinh doanh và phải trở thành nguyên tắc xây dựng doanh nghiệp. Còn nếu chỉ hợp nhất đơn thuần thì sẽ không đạt đến điều này.

Một khi không thể làm rõ trách nhiệm, không nhanh chóng đưa công ty mới đi vào quỹ đạo ổn định, không có chiến lược đúng đắn trong thời gian dài thì không thể cạnh tranh đúng nghĩa trên thị trường và cũng không thể mang lại lợi ích cho xã hội, cho con người. 

Sau khi phân tích suy xét thật khách quan từ góc độ đó, tôi đưa ra kết luận: DDI của tôi nắm quyền điều hành là giải pháp tốt nhất. Và tôi đã thuyết phục các đối tác của tôi trên cơ sở thành tâm thành ý, bao gồm cả việc nhìn nhận viễn cảnh của ngành thông tin viễn thông tại Nhật Bản.
Không chỉ có thế. Ngay sau khi hợp nhất, tôi còn đề nghị cổ phần sở hữu của Toyota chỉ kém cổ phần sở hữu của Kyocera trong liên doanh một chút và đứng thứ hai trong liên doanh. Thành tâm, thành ý của tôi đã thuyết phục được các bên đồng ý tham gia liên doanh. Sau đó, công ty KDDI đã phát triển mạng mẽ ra sao thì các bạn đều đã rõ.

Con đường tới thành công chính là thực hiện triệt để nguyên lí, nguyên tắc trong kinh doanh: Đặt lợi ích của đối tác lên hàng đầu chứ không phải lợi ích của mình.

3/Kiên trì gìn giữ nguyên lí, nguyên tắc - Không phân vân dao động trước trào lưu thời đại

Việc định rõ triết lí dựa trên nguyên lí, nguyên tắc và hành động theo nó sẽ dẫn đến thành công to lớn trong cuộc đời. Tuy vậy, đó không phải là con đường dễ dàng. Việc sống theo chuẩn mực triết lí đồng nghĩa với việc gò ép bản thân vào khuôn khổ và thường đi cùng với vất vả cực nhọc, cũng như đôi khi phải chịu mất mát thiệt thòi.

Khi phân vân trước hai con đường nên chọn đường nào thì chúng ta sẽ chọn con đường "vốn phải như vậy" dù đó là con đường gian khó, đầy chông gai, đôi khi đi ngược với lợi ích của chúng ta. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải lựa chọn cách sống ngay thẳng, không lèo lá.

Về lâu dài, hành động dựa trên nền tảng triết học đúng đắn thì chắc chắn sẽ không bị thiệt hại. Có lúc chúng ta tưởng là hại, nhưng chẳng mấy chốc điều đó biến thành "lợi" và cũng không làm chúng ta mắc sai lầm nghiêm trọng.

Ví dụ như nền kinh tế Nhật Bản đến tận bây giờ vẫn chưa thoát hẳn hội chứng "bong bóng". Thời đó, rất nhiều công ty đã chọn con đường ganh đua đầu cơ bất động sản. Chỉ riêng việc tranh giành sở hữu đất và chuyển nhượng đã làm giá trị bất động sản tăng vùn vụt. Trên cơ sở tính toán đất đai sẽ lên giá, nhiều công ty đã vay ngân hàng những khoản tiền lớn và bỏ vào đầu tư bất động sản, đinh ninh rằng cứ nắm giữ bất động sản là chắc chắn có lãi lớn. Xét từ góc độ quy luật kinh tế thì điều đó là không thể nhưng vì chỉ thấy lợi ở trước mắt, người ta vẫn cứ thản nhiên tiến hành những hành vi trái quy luật như vậy. Đến khi bong bóng vỡ thì khối tài sản tưởng là sinh lời bỗng trở thành cục nợ không thể trả nổi.

Mà chẳng đợi đến khi bong bóng vỡ, ngay từ khi cơn sốt bấy động sản chưa kịp hạ nhiệt thì nó đã như vậy rồi.

Lẽ ra trong bất cứ hoàn cảnh nào đều cũng có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nếu dựa trên các nguyên lí, nguyên tắc xác thực.

Tập đoàn Kyocera vào thời điểm đó cũng có một lượng tiền mặt khổng lồ được tích lũy một cách đàng hoàng. Biết bao lời mời mọc rủ rê đầu tư vào bất động sản, trong số đó có cả các chuyên gia ngân hàng nghĩ rằng tôi không biết kiếm lời từ việc đầu tư bất động sản nên đã cố công khuyên nhủ, cắt nghĩa tỉ mỉ đường đi nước bước cho tôi.

Nhưng tôi nghĩ khác họ. Tôi đã lắc đầu trước mọi lời đề nghị. Chẳng thể nào có chuyện kiếm lời dễ dàng như vậy, khi mà chỉ cần chuyển một bất động sản từ tay người này sang tay người kia là có bộn tiền. Nếu có chăng nữa thì khoản lợi nhuận đó cũng không bền. Tiền vào quá dễ thì cũng dễ ra đi. "Chỉ có đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt mời là lợi nhuận thật sự"

Tôi luôn tâm niệm đơn giản: Sống và làm việc dựa theo nguyên lí và nguyên tắc, thực hiện những gì đúng với đạo làm người. Vì thế, dù nghe vô số câu chuyện dễ dàng kiếm lời lớn, tôi cũng không mảy may thay đổi.

Vấn đề là, trong bản thân chúng ta có hay không thứ "triết học" dù bị thiệt hại vẫn phải giữu nguyên lí, nguyên tắc; có hay không sự "giác ngộ" dù biết gian khổ vẫn giữ cách sống đúng đắn. Chẳng phải chính điều đó sẽ khiến chúng ta sống cuộc sống cao đẹp, khiến chúng ta có được thành quả sau này hay sao?

4. Làm đến cùng mới thấu suốt ý nghĩa. Chỉ hiểu biết không thôi là chưa đủ

Nói thì nói vậy thôi chứ con người vốn dĩ là sinh vật yếu đuối. Nếu không thấm nhuần sâu sắc nhận thức ấy, nếu không đề phòng với chính bản thân mình thì sẽ dễ dàng rơi vào vòng cám dỗ, dục vọng. Thực tế cũng xảy ra như vậy.

Có một việc cách đây đã lâu, xảy ra ngay trong công ty. Câu chuyện là thế này. Thời kỳ Kyocera đã phát triển đến một mức nhất định, khi các thành viên trong ban lãnh đạo thì được dùng xe công ty, có tài xế đưa đón.

Hôm đó, Một thành viên ban lãnh đạo công ty xong việc định ra về thì anh ta lại không thấy xe công ty đâu cả. Người phụ trách hành chính nghĩ là thành viên ban giám đốc sẽ còn ở công ty làm việc tới khuya nên đã phân xe cho trưởng phòng kinh doanh dùng vì hôm đó công việc tiếp thị rất bận.

Nghe vậy, anh ta nổi giận đùng đùng, quát mắng người phụ trách hành chính: "Tại sao xe của ban giám đốc lại để cho trưởng phòng dùng?"... Câu chuyện đó đến tai tôi. Tôi liền cho gọi cậu ta. "Anh được dùng xe công ty không phải vì chức vụ mà chẳng qua công ty muốn các thành viên ban giám đốc, những người làm công việc quan trọng, dành hết tâm trí cho công việc mà không cần phải mất thời gian sức lực tìm kiếm phương tiện di chuyển. Anh chỉ có mỗi việc chờ xe đưa về nhà thì có gì để quát tháo, trong khi trưởng phòng kinh doanh bận tối mày tối mặt nên mới cần xe. Cứ cho là công ty quy định ưu tiên xe cho ban lãnh đạo những nó không phải xe riêng của anh mà là xe chung của công ty. Đó là nguyên tắc và đạo lí".

Vấn đề ở chỗ, trong một tổ chức, khi đã leo lên được một vị trí cao hơn thì người ta thường quên những điều đơn giản lẽ ra phải hiểu như vậy. Ngay cả bản thân tôi cũng có lần mắc lỗi.

Thời kì mới lập công ty, xe công của Kyocera là một chiếc xe máy nhỏ. Vì là xe máy nên tôi tự lái. Sau đo, công ty có điều kiện nên đã mua một cái xe hơi 4 chỗ Subaru 360. Xe này tôi cũng tự lái. Nhưng vừa lái vừa nghĩ việc công ty trong đầu, tôi thấy nguy hiểm nên đã thuê một tài xế. Sau đó chẳng bao lâu chúng tôi đã đổi sang một chiếc xe lớn hơn và ngày ngày có tài xế đưa đón. Một buổi sáng, khi xe đến nhà đón tôi đi làm thì vợ toi cũng chuẩn bị đi ra ngoài có việc. Tôi nói với vợ tiên thể lên xe đi cùng. Vợ tôi đáp: "Không nên anh ạ" và từ chối: "Nếu là xe riêng của nhà mình thì không sao nhưng đây là xe cơ quan, không thể dùng xe công cho những việc vì tiện thể đi nhờ. Trước đây, chính anh cũng đã từng nói vậy mà. Cần phải phân biệt rõ, công tư không thể lẫn lộn. Em đi bộ cũng được, không sao".

Tôi bị vợ tôi thuyết cho một hồi. Vợ tôi nói đúng, tôi cũng phải rút kinh nghiệm.

Trên đây là những ví dụ nho nhỏ. Việc gì cũng vậy, nói dễ làm khó, trên thực tế không hề đơn giản chút nào.

Sẽ không có ý nghĩa nếu không triệt để thực hiện nguyên lí, nguyên tắc bằng ý chí mạnh mẽ.

Nguyên lí, nguyên tắc là gốc rễ của nhận thức đúng đắn, là cội nguồn của sức mạnh nhưng nếu không thường xuyên tự nhắc nhở mình thì sẽ dễ quên. Chính vì vậy, chúng ta phải luôn tỉnh táo, rút kinh nghiệm, tự đánh gia nghiêm khắc các hành dộng của bản thân. Và nhất là cần đưa nguyên lí, nguyên tắc thành cách sống.

5. Véc-tơ tư duy sẽ quyết định toàn bộ phương hướng cuộc đời

 Những kinh nghiệm tôi học được từ quá trình tham gia trực tiếp vào việc điều hành trở thành những nguyên lí, nguyên tắc chân phương phải gìn giữ, điều nào cũng bình dị và được diễn đạt bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Tôi cho rằng những gì bình dị, đơn giản đều có một điểm cơ bản là tính phổ biến. 

Ở đây tôi xin được giới thiệu một chút về triết lí đó.

Điều đầu tiên tôi muốn nêu ra là "phương trình cuộc đời". Đó là quy luật được biểu thị bằng đẳng thức mà tôi đã nói ở phần một: "Cuộc đời và thành quả công việc = Tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực".

 Dữ kiện quan trọng nhất của phương trình này chính là "cách tư duy".

Tôi muốn lặp lại lần nữa rằng "phương trình cuộc đời" này tôi đã tìm ra sau bao trăn trở suy nghĩ - để có ích cho xã hội, có ích cho con người thì phải làm sao trong khi năng lực của tôi cũng bình thường như những người khác, lại đang làm công việc khó khăn hơn người khác. Và từ đó trở đi, phương trình này trở thành nền tảng cho cách tư duy của tôi trong suốt quá trình sống và làm việc.

  Điểm mấu chốt nằm ở tích số của phép nhân.

Giả dụ: Một người có năng lực 90 điểm về mặt đầu óc. Tiếc rằng người này có tính kiêu ngạo, khôgn chịu nỗ lực. Tạm cho rằng nhiệt tình của anh ta là 30 điểm. Tích sỗ sẽ là: 90 điểm năng lực x 30 điểm nhiệt tình = 2700 điểm.

Ngược lại có người chỉ có năng lực bình thường, tạm tính là 60 điểm. Tự bản thân anh ta cũng xác định "mình chẳng có tài cán gì", bù lại đã nỗ lực quên mình, làm việc với nhiệt tình cao độ. Điểm nhiệt tình của anh ta hơn 90 điểm. Kết quả sẽ thế nào?

Tích số sẽ là: 60 điểm năng lực x 90 điểm nhiệt tình = 5400 điểm.

Với cách tính như vậy, người sau làm được một khối lượng công việc gấp đôi người chỉ có năng lực nhưng thiếu nhiệt tình.

Ngoài ra, tôi còn thêm điểm về cách tư duy. Cách tu duy được coi là quan trọng nhất vì nó thể hiện rõ phương cách sống. Trong cách tư duy, có cách tư duy tốt và cách tư duy xấu. Nếu như có người có cách sống phát huy được năng lực và lòng nhiệt tình, hướng lên những điều tích cực thì cũng có người có cách sống sử dụng năng lực và lòng nhiệt tình hướng về những điều tiêu cực.

Theo lẽ đó, riêng ở yếu tố "cách tư duy" sẽ có điểm âm (-). Cho dù điểm nhiệt tình và điểm năng lực cao gấp mấy, nhưng điểm về cách tư duy âm (-) thì đáp số của phép tính (kết quả cuộc đời, công việc) cũng thành âm.

Những người đưojc trời ban cho năng lực hiếm có, lại mang hết nhiệt tình bắt tay vào những "công việc" như lừa đảo, trộm cướp thì chắc chắn sẽ không thể có kết quả tốt, bởi cách tư duy của họ mang tính tiêu cực.

Vì phương trình cuộc đời được biểu thị bằng phép nhân nên việc đầu tiên là cách tư duy phải được phát huy vào hướng tích cực (dương). Nếu không thì dù năng lực tuyệt vời đến mấy, có lòng nhiệt tiinhf cao đến mấy cũng chẳng khác nào "có tài mà vô dụng", hơn nữa, có thể sẽ làm hại cho xã hội.

Tôi xin được trích dẫn lời của Fukuzawa Yukichi mà toi nghĩ rằng nó minh chứng cho tính đúng đắn của phương trình cuộc đời của tôi.

Tư duy sâu sắc như triết gia.

Tấm lòng thanh khiết như võ sĩ đạo.

Tài năng khiêm cung như người thường.

Sức khỏe cường tráng như nhà nông.

Có bốn yếu tố trên thì có thể coi là người có ích cho xã hội.

Nói cách khác, tư duy sâu sắc và tấm lòng thanh khiết theo cách nói của Fukuzawa tương đương với cách tư duy trong phương trình cuộc đời của tôi.

6. Sáng tạo kịch bản cuộc đời mình ra sao?

"Sống nghiêm túc mỗi ngày". Điều tưởng như bình thường đó lại là một trong những nguyên lí, nguyên tắc tạo nền móng cho cách sống hết sức quan trọng.

Tôi ví dụ thế này. Nói tới môn kiếm thuật, người ta liên tưởng ngay tới việc khổ luyện với thái độ nghiêm túc, chuyên cần chứ không phải là có thanh kiếm tốt hay không. Nói đến môn cung thuật thì xạ thủ phải kéo dây cung sao cho dây cung và cung tạo thành hình vầng trăng rằm, không một chút phân tâm, không một chút lơi lỏng, và nhả cung trong sự dồn nén căng thẳng đó.

Phải sống, phải làm việc hàng ngày bằng sự tập trung cao độ, bằng thái độ nghiêm túc, bằng lòng say mê, bằng sự chuyên cần... Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được cuộc sống đúng với những gì mà mình khao khát.

Cuộc đời là một màn kịch và chúng ta vừa là đạo diễn vừa là tác giả kịch bản, vừa thủ vai chính trong màn kịch ấy.

Chúng ta chỉ có một cách duy nhất để sống trong cuộc đời: Đó là sáng tác và tự diễn.

Vì thế, hơn hết mọi điều, bản thân chúng ta có tự tổ chức, tự sản xuất được vở kịch của đời mình hay không? Chúng ta dành trọn cuộc đời để viết kịch bản ra sao và sẽ diễn nó như thế nào? Vấn đề là như vậy.

Nếu sống thiếu nghiêm túc, sống không nhiệt huyết, sống buông thả, sống lười nhác... sẽ không có gì đáng tiếc và lãng phí hơn cách sống này.

Để vở kịch cuộc đời có nội dung sâu xa thì chúng ta phải sống nghiêm túc từng ngày, thậm chí từng giây. Thái độ sống của chúng ta sẽ quyết định nội dung vở kịch - cuộc đời.

Phải sống nghiêm túc ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Sống với thái độ tích cực và luôn mang bầu nhiệt huyết cháy bỏng. Giá trị con người chúng ta ra sao, vở kịch cuộc đời có sâu xa và màn kịch ấy có đơm hoa kết trái hay không đều phụ thuộc vào quá trình hình thành triết lí sống của chúng ta.

Dù được trời phú cho năng lực tuyệt vời, dù thực tâm muốn sống ngay thẳng nhưng nếu không có nhiệt huyết, không có thái độ nghiêm túc thì cuộc đời chúng ta không thể đơm hoa kết trái.

Dù chúng ta viết kịch bản chi tiết, tỉ mỉ đến mấy nhưng để biến kịch bản thành hiện thực thì thái độ nghiêm túc là điều không thể thiếu. Dám xông vào đương đầu với bất kì trở ngại nào, cũng có thể gọi là "tự mình hành mình". Điều đó có nghĩa là dù khó khăn đến mấy cũng không né tránh trốn chạy, mà luôn trực diện đối đầu.

Đứng trước một vấn đề khó khăn nhưng phải giải quyết, chúng ta chọn cách nào? Tảng lờ và thoái thác? Hay chấp nhận đương đầu? Ngã rẽ của thành công hay thất bại chính là chỗ này.

Chúng ta phải luôn mang trong lòng tinh thần "Nỗ lực để thành công trong mọi điều kiện" và cách nhìn nhận sự vật trung thực, khách quan. Có đủ hai yếu tố này, chúng ta sẽ tìm được cách tháo gỡ giải quyết mọi khó khăn, có khi chỉ là những điều nhỏ nhoi mà bình thường ta hay bỏ sót.

Tôi gọi điều đó là "Lời mách nước âm thầm của Trời Phật". Vì tôi cảm thấy rằng, Trời Phật cũng động lòng trước những người không quản ngại khó khăn vất vả, nỗ lực đến tột cùng và đã giúp đỡ bằng cách mách cho chúng ta lời giải.

Vì vậy, tôi thường xuyên dùng câu nói "Các bạn phải cố gắng đến mức Trời Phật chìa tay ra giúp mới được" để khích lệ nhân viên.

Chấp nhận đối diện với gian khổ, mang hết sức lực phá vỡ tình trạng bế tắc tưởng chừng không thể tìm ra hướng giải quyết, chúng ta tạo ra những thành quả độc đáo, đầy sáng tạo.

Quá trình này sẽ thổi luồng sinh khí vào kịch bản cuộc đời của bạn, biến ước mơ của bạn thành hiện thực.

7. Không học được gì nếu không đổ mồ hôi ở nơi làm việc

Trong cuộc đời còn có một nguyên lí, nguyên tắc quan trọng nữa. Đó là coi trọng kinh nghiệm hơn lí thuyết suông. Tức là việc "biết" và việc "làm được" là hai việc khác nhau. Đừng nghĩ rằng cứ "biết" là sẽ "làm được".

Trong quá trình tạo ra gốm hẳn ai đọc sách cũng biết rằng khi trộn nguyên liệu này với nguyên liệu kia rồi đem nung ở nhiệt độ thích hợp thì sẽ thành gốm. Tuy nhiên có những thứ không phải cứ làm theo đúng như lí thuyết là được mà đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt được bản chất của sự vật trong quá trình tích lũy từng bước kinh nghiệm từ thực tế. Nói cách khác là phải bổ sung thêm kinh nghiệm thực tế vào kiến thức đã biết thì mới "làm được" sự vật. Quá trình đang làm mà chưa được cũng chỉ là "biết" mà thôi. Trong xã hội thông tin và coi trọng trí thức, nhiều người lầm tưởng rằng "cứ biết là làm được", cách nghĩ như vậy là sai lầm. Khoảng cách giữa "biết" và "làm được" là cả một trời một vực, để lấp được khoảng cách này chính là những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế ở nơi làm việc.

Sau khi thành lập công ty một thời gian, tôi đã tham gia một cuộc hội thảo về kinh doanh. Động cơ thúc đẩy tôi tham gia cuộc hội thảo đó là vì trong số diễn giả có tên ông Honda Sochiro - người sáng lập hãng Honda - và tôi muốn được nghe ông ấy nói chuyện. Cuộc hội thảo được tổ chức tại một khách sản có suối nước nóng trong ba ngày hai đêm. Chi phí tham dự mất mấy chục ngàn yên ( >8.000.000 VNĐ),một khoản tiền lớn vào thời đó (những năm 70). Với mong muốn được nhìn thấy mặt, được nghe tiếng nói của ông Honda, tôi quyết tâm tham gia hội thảo này bất chấp sự ngăn cản của mọi người xung quanh.

Hôm đó sau khi tắm suối nước nóng và mặc bộ đồ Yukata, những người tham dự hội thảo vào trong một phòng rộng đợi ông Honda đến. Một lúc sau, ông Honda xuất hiện trong bộ đồng phục dính đầy dầu mỡ, hình như ông đi thẳng từ nhà máy ở Hamamatsu đến. Ngay lập tức ông đã mắng chúng tôi: "Các anh đến đây để làm gì? Nghe nói các anh đến để học về kinh doanh. Nếu thực sự các anh có thời gian rảnh rỗi để đến đây thì tốt nhất các anh nên nhanh chóng trở về công ty mà làm việc. Không thể học cách kinh doanh ở những nơi ăn nhậu và tắm suối nước nóng như thế này. Từ trước đến nay có ai dạy cho tôi cách kinh doanh đâu mà tôi vẫn có thể điều hành tốt công ty. Vì vậy, việc cần làm ngày là tất cả hãy trở về công ty làm việc". Ông còn nghiến răng như thể lăng mạ chúng tôi: "Chẳng ở đâu có những thằng ngu đem nướng tiền kiểu này cả". Nghe xong chúng tôi chẳng nói được lời nào. Quả thật những lời ông Honda nói hoàn toàn đúng.

Tôi bị cuốn hút hoàn toàn vào dáng vẻ, phong thái của ông và nghĩ: "Mình cũng nên nhanh chóng trở về công ty mà làm việc".

Ông Honda đã dạy cho chúng tôi hiểu sự ngu ngốc nếu chỉ có lý thuyết suông mà không có thực tế. Điều này cũng giống như câu "Tatami suiren" mà người Nhật vẫn thường nói. Câu này có nghĩa là nếu tập bơi trên chiếu thì chẳng bao giờ biết bơi, nếu có thời gian tập trên chiếu thì hãy nhảy ngay xuống nước tự mình khua chân khua tay thì thế nào cũng bơi được. Cũng như vậy, nếu không đổ mồ hôi ở nơi làm việc thì chẳng kinh doanh được cái gì.

Bản thân ông Honda cũng vậy. Trí tuệ mà ông làm nên những việc vĩ đại chính là những kinh nghiệm ông tích lũy được tại nơi làm việc và chính những kinh nghiệm thực tế do có được do sự nỗ lực của bản thân mình là tài sản quý báu.

8. Sống hết mình cho khoảnh khắc hiện tại

Sống nghiêm túc, sống hết mình với cả tâm huyết cho ngày hôm nay. Tập trung cao đồ, không một chút phân tâm vào công việc trước mắt. Có như vậy thì cánh cửa tương lai sẽ mở ra cho chúng ta bước vào.

Tôi chưa bao giờ lập kế hoạch dài hạn. Không ít người sẽ ngạc nhiên khi tôi nói ra điều này. Lẽ đương nhiên, tôi thừa hiểu về lí thuyết tầm quan trọng và sự cần thiết của chiến lược kinh doanh dài hạn. Nhưng nếu không sống cho ngày hôm nay thì sẽ không có ngày mai. Và một khi chưa biết ngày mai sẽ như thế nào thì làm sao lại có thể nhìn thấu được sự việc của 5 hay 10 năm tới?

Điều quan trọng là phải sống hết mình cho một thời điểm, sống hết mình cho giây phút này, cho hôm nay trước đã. Bởi vì, dù có đặt ra mục tiêu to tát đến đâu nhưng nếu ta không nghiêm túc làm những công việc bình thường hàng ngày, không tích lũy thành quả từng bước thì sẽ không thể thành công. Thành quả to lớn chính là sự tập hợp tất cả những nỗ lực nghiêm túc mỗi ngày của chúng ta.

Nhờ sống nghiêm túc, sống hết mình, sống cho hôm nay nên chúng ta mới nhìn thấy ngày mai. Sống mỗi ngày có ích như vậy thì năm hay mười năm sau, cuộc sống sẽ đơm hoa kết trái. Tôi đã khắc sâu trong tâm can điều này để điều hành kinh doanh. Cuối cùng, tôi nghiệm thấy chân lí trong cuộc đời đơn giản chỉ là: "Nếu ta sống hết mình cho ngày hôm nay, ta sẽ nhìn thấy ngày mai".

Sinh mạng của chúng ta, cuộc đời của chúng ta vốn là những thứ vô cùng giá trị. Thật là uổng phí và đi ngược lại với ý chí của vũ trụ nếu chúng ta chỉ ăn không ngồi rồi, không chụi làm gì cả. Chính vì là nhân tố cần thiết cho vũ trụ này mà chúng ta được tồn tại trong trời đất. Ông trời không ngẫu nhiên ban sự sống cho bất kì cái gì. Vì thế, bất kì sự vật nào tồn tại trên thế gian này cũng đều có ý nghĩa.

Nhìn từ vũ trụ bao la, sự tồn tại của mỗi con người là vô cùng nhỏ bé. Nhưng dù nhỏ bé đến đâu, sự tồn tại của chúng ta đều cần thiết trong vũ trụ.

Chính vì được vũ trụ thừa nhận "có giá trị" nên những sinh vật dù nhỏ bé đến mấy và thậm chí cả những thứ vô tri vô giác cũng đều được quyền tồn tại.

Không cần ngôn ngữ, mọi sự sống nhỏ nhoi trong tự nhiên đều dạy cho loài người chúng ta biết tầm quan trọng của việc "sống hết mình ở thời khắc này". Chẳng hạn tại vùng Tsunoda thuộc Bắc cực, giữa mùa hè ngắn ngủi, các loài thực vật đua nhau nảy mầm, nở thật nhiều hoa, kết hạt, chen chúc vươn mình trong khoảng không với mảnh đời thật ngắn ngủi. Có lẽ chúng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mùa đông dài khắc nghiệt sắp tới và phó thác sinh mạng mình cho tự nhiên. Rõ ràng là chúng thực sự sống hết mình cho hiện tại, không ảo tưởng, không phân tâm.

Ngay cả ở vùng sa mạc khô cằn Sahara, nơi mà mỗi năm chỉ có một hai cơn mưa, nhưng mỗi khi có những giọt nước mưa hiếm hoi trút xuống thì các loài thực vật lại vội vã nảy mầm và nở hoa. Và trong khoảng thời gian từ một đến hai tuần ngắn ngủi, chúng ra hạt, oằn mình chịu đựng trong cát, trong cái nóng như thiêu như đốt, tiếp tục sống chờ đến trận mưa sau để nòi giống của chúng sẽ lại trỗi dậy... Quả thật là muôn loài trong tự nhiên đều sống hết mình, sống nghiêm túc trong từng khoảnh khắc, trong suốt khoảng thời gian sống được hạn định.

Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai. Vậy thì loài người chúng ta lại càng phải biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày để không thua kém cây cỏ muông thú. Điều này tôi cho rằng, vừa là lời hứa của chúng ta với vũ trụ đã tạo tác ra chúng ta và ban cho chúng ta giá trị cuộc sống, vừa là điều kiện cần thiết để chúng ta trình diễn vở kịch cuộc đời mình đúng với những giấc mơ sâu thẳm trong tâm hồn.

9. Niềm say mê chính là điều làm cho ta trở thành người có nhiệt huyết

Muốn tạo ra sự vật phải có những con người có tính cách "tự bốc cháy", tự bản thân họ có thể bùng cháy ngọn lửa nhiệt tình. Tôi dùng từ "tự bốc cháy" để diễn đạt điều này.

Có ba dạng vật thể:

Dạng thứ nhất: Bắt lửa

Dạng thứ hai: Không bắt lửa

Dạng thứ ba: Tự bốc cháy

Con người cũng tương tự. Có người thì chẳng cần kích động cũng tự bốc cháy đùng đùng. Lại có người "không bắt lửa" dù được tiếp năng lượng nhưng vẫn dửng dưng, lạnh lùng và vô cảm - có thể coi những người này thuộc dạng có năng lực nhưng nghèo nhiệt huyết. Họ phần lớn kết thúc cuộc đời mà không phát huy được năng lực vốn có của mình. Bởi vì tự họ đã nguội lạnh, đôi khi họ còn làm cho những người xung quanh nguội lạnh theo. Vì thế, tôi thường hay nói với nhân viên rằng: "Tôi không cần những người thuộc dạng "không bắt lửa" trong công ty. Tôi muốn mọi nhân viên đều thuộc dạng "tự bốc cháy, hay ít ra cũng thuộc dạng "bắt lửa để có thể cùng cháy khi ở gần người thuộc dạng"tự bốc cháy"".

Để tạo ra cái mới phải có những con người có khả năng sáng tạo, có khả năng tự bốc cháy, hơn thế nữa phải truyền được nhiệt năng của mình cho mọi người xung quanh. Dứt khoát không phải là dạng người đợi người khác nhắc nhở hay ra lệnh mới bắt đầu làm mà phải là những con người chủ động đi đầu, tự mình làm không chờ lệnh, làm gương cho người khác. Sáng tạo đòi hỏi phải có những con người có tính năng động và tích cực như vậy.

Vậy thì làm như thế nào để trở thành người có tính cách "tự bốc cháy"? Như thế nào mới có được tố chất "tự bốc cháy" trong bản thân mình? 

Phương pháp tốt nhất để "tự bốc cháy" là yêu thích công việc. Tôi xin được giải thích như sau: "Để hoàn tất công việc, cần phải có một năng lượng lớn. Và năng lượng đó khích lệ chính mình tạo ra ngọn lửa nhiệt tình. Do đó, phương pháp tốt nhất để "tự bốc cháy" là yêu thích công việc. Dù là công việc gì, nếu ta dốc sức hoàn tất nó, kết quả tốt đẹp sẽ khích lệ chúng ta, tạo ra lòng tự tin khi mà chính mình có thể cảm nhận được thành công, đồng thời khơi dậy ham muốn chinh phục mục tiêu tiếp theo. Trong quá trình vận động không ngừng nghỉ đó, chúng ta sẽ càng thấy yêu thích công việc hơn, không còn thấy công việc là gian khổ, vất vả bởi vì sau gian khổ, vất vả là những thành quả tuyệt vời".  

Sự yêu thích đến mức say mê là nguồn động lực lớn nhất. Cốt lõi của sự nỗ lực cũng như khả năng dẫn đến thành công cũng đều xuất phát từ sự "yêu thích". Khi đã yêu thích, say mê công việc thì tự nhiên sẽ có tinh thần nỗ lực và tìm cách đạt được mục tiêu bằng con đường ngắn nhất. Dù người ngoài nhìn vào thấy dường như người say công việc luôn lao tâm khổ tứ cực nhọc nhưng bản thân người đó lại không hề quản ngại và luôn cảm thấy vui vẻ. 

Cũng vì yêu thích công việc, không mấy khi tôi ở nhà, hàng xóm lo cho vợ tôi, thường hỏi: "Chồng chị đi làm bao giờ mới được về nhà?". Bố mẹ tôi ở quê cũng gửi thư khuyên nhủ: "Nếu con cứ làm việc như vậy thì sẽ đổ bệnh đấy"... Tuy nhiên bản thân tôi lại thấy bình thường bởi vì tôi đang làm công việc mà tôi yêu thích nên không thấy nhàm chán và cũng không cảm thấy vất vả, mệt mỏi. Trong lĩnh vực nào cũng vậy, người đạt được thành công là người say mê công việc của mình.

Hãy làm việc bằng tất cả sự say mê và sáng tạo. Đó là con đường duy nhất làm cho cuộc đời trở nên phong phú và hoan lạc.

10. Vượt lên chính mình, tiến lên phía trước, cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi

Vậy, với những người không làm sao yêu thích được công việc thì phải làm thế nào? Tôi cho rằng, trước tiên hãy cố gắng hết mình, tập trung cao độ để nhìn lại toàn bộ quá trình làm việc cũng như cách sống. Nhận thức đầy đủ về vai trò của lao động và của nỗ lực bản thân trong mọi hoạt động sống, niềm vui sẽ hiện dần ra trong tâm trí bạn.

Có thể nói, sự yêu thích và nỗ lực trong công việc giống như hai mặt của một đồng xu. Mối quan hệ nhân quả này là một vòng tuần hoàn. Vì yêu thích nên sẽ toàn tâm toàn ý. Và đã toàn tâm toàn ý thì sẽ cảm thấy yêu thích.

Vì thế, lúc đầu dù có gặp ít nhiều khó khăn, vất vả, bạn cũng chớ vội nản. Hãy luôn tự động viên: "Mình đã làm một công việc tuyệt vời", "Mình may mắn được ban tặng khả năng làm việc để tự nuôi sống bản thân và mang lại niềm vui cho người khác". Cứ thế, cách nhìn của bạn đối với công việc tự nhiên sẽ thay đổi.

Có thể nói, bất kì công việc gì nếu ta toàn tâm toàn ý sẽ đạt được thành quả tốt đẹp. Từ thành quả đó dần dần sẽ sinh ra niềm vui và sự yêu thích và đã cảm thấy yêu thích thì lại càng ham muốn tạo ra những thành quả mới. Từ vòng tuần hoàn thuận này, một lúc nào đó bạn chợt nhận ra rằng mình đã yêu thích công việc tự bao giờ. 

Như trong phần trước tôi đã kể, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc ở một công ty nhỏ, kinh doanh èo uột đến mức có thể phá sản bất cứ lúc nào.Trong tình cảnh đó, các đồng nghiệp của tôi dần dần bỏ đi hết, chỉ còn trơ lại vài người. Do chẳng còn con đường nào khác, tôi đành nghĩ :"Thôi thì mình cứ cố làm tốt những công việc trước mắt". Thế rồi, thật đáng ngạc nhiên, trong hoàn cảnh ấy tôi lần lượt đạt được những thành quả trong nghiên cứu. Công việc càng trở nên thú vị và vòng tuần hoàn thuận được tạo ra từ lòng đam mê công việc. 

Nếu cảm thấy công việc vẫn nhàm chán thì bạn thử cố gắng chút nữa xem sao. Hãy chấp nhận tình huống xấu nhất, đương đầu với nó. Điều này sẽ tạo tiền đề cho những thay đổi lớn trong tương lai. Có thể nói điều quan trọng nhất vào lúc đó là bạn phải chiến thẳng bản thân, có nghĩa là phải gạt bỏ những suy nghĩ thiện cẩn, những ham muốn ích kỉ và thói quen dễ dãi với chính mình. Vì nếu không làm chủ được bản thân, khắc phục nhược điểm, phát huy những năng lực vốn có thì chúng ta sẽ chẳng làm được bất cứ việc gì trên đời.

Ví dụ, một người học tập siêng năng đạt được 80 điểm. Ngược lai, một người thông minh, đầu óc nhanh nhạy nhưng không chịu khó cũng đạt được 60 điểm. Anh chàng thông minh nói về người học chăm chỉ như thế này: "Anh ta học như điên được điểm cao là đương nhiên. Còn tôi, chẳng qua chưa muốn học thôi, chứ đã học thì chắc chắn điểm sẽ cao hơn anh ta".

Loại người này khi ra làm việc ngoài xã hội thì cũng thường dè bỉu, chê bai đồng nghiệp - là những người nhờ nỗ lực không ngừng mà đtạ thành quả - rằng: "Anh ta thời sinh viên học hành có ra gì đâu" và hợm hĩnh về năng lực của mình: "Tôi trên anh ta cả mấy cái đầu".

Nếu chỉ xét về năng lực bẩm sinh ở mỗi người thì cũng có thể là như vậy, nhưng xét về phẩm chất thực tiễn trong công việc và nhất là xét theo "phương trình cuộc đời" thì người siêng năng chắc chắn sẽ vượt qua người tự cho mình là giỏi giang.

Người học hành siêng năng là người gạt bỏ mọi ham muốn tầm thường hay những thói quen vô bổ, chiến thắng sự lười biếng và là người sẵn sàng đương đầu với mọi nghịch cảnh.

Tương tự như vậy, người thành công trong xã hội cũng khác người thất bại ở chỗ có thể vượt qua những cám dỗ, toàn tâm toàn ý vào công việc.

Nhưng trong xã hội cũng có không ít ý kiến chê bai những người như vậy, nhưng đó thực ra chỉ là những kẻ che giấu sự lười biếng của bản thân và thể hiện cách nhìn phiến diện và đố kị trước thành công của người khác.

Phẩm chất thực sự của con người bao gồm cả khả năng hy sinh quên mình một cách sáng suốt trong công việc. Dù bạn có năng lực đến mấy nhưng nếu chỉ muốn an nhàn, không vượt qua được bản thân, ngần ngại trước khó khăn, không dám đương đầu với hoàn cảnh thì sẽ bị coi là yếu kém, thiếu năng lực.

Năng lực để diễn  vở kịch tuyệt vời trên sân khấu cuộc đời, để cuộc đời đạt được thành quả to lớn không đơn thuần chỉ là những nếp nhăn trên não mà là khả năng bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng bắt tay vào công việc một cách nghiêm túc, một cách nhiệt tình và dám đương đầu với mọi trở ngại.

Có thể nói đó là kim chỉ nam cho thành công và là nguyên lí, nguyên tắc mà tôi tâm niệm hàng ngày.Làm việc chăm chỉ, cần mẫn, nghiêm túc. Những từ này nghe có vẻ bình dị nhưng chính sự bình dị đó ẩn chứa chân lí cuộc sống.

11. Thấy rõ những vấn đề phức tạp khi tháo gỡ khó khăn

Ở công ty Kyocera thường xuyên có những cuộc tranh luận gay gắt "không phải thế này", "phải là thế kia" giữa các nhân viên hay giữa các phòng ban chuyên môn. Vũ khí, khi tranh cãi về thời hạn giao hàng hoặc giá cả của sản phẩm mới, bộ phận sản xuất yêu cầu phải là A nhưng bộ phận kinh doanh bác bỏ và cho rằng phải là B...

Thời tôi còn làm giám đốc, những cuộc tranh cãi kiểu như vậy liên tục diễn ra. Khi cả hai phía không thể thống nhất thì mọi người đề nghị "để giám đốc quyết" và thường đưa vấn đề đến chỗ tôi để có kết luận cuối cùng. Tôi lắng nghe cả hai phía rồi đề xuất "nên như thế này", "nên là thế kia". Mọi người nghe ra và tán thành với nét mặt mãn nguyện, dường như chuyện tranh cãi căng thẳng lúc trước chỉ là chuyện đùa.

Cấp dưới lắng nghe tôi không phải tôi ở vị trí lãnh đạo mà là vì tôi tháo gỡ vấn đề trên tinh thần khách quan, không thiên vị, chỉ cho họ thấy nguyên nhân của sự trục trặc không quá phức tạp như họ nghĩ và cách giải quyết có thể rất đơn giản.

Ngay cả các trường hợp tưởng chừng hết sức phức tạp, rối ren khi đã được tháo gỡ thì thực ra không đến nỗi nào, nguyên nhân rắc rối phần lớn xuất phát từ những điều nhỏ nhặt, đơn giản. Sự rắc rối thường chỉ là do đặt lợi ích cá nhân, lợi ích của bộ phận mình lên trên lợi ích chung.

Trong quá trình tháo gỡ vấn đề, dựa trên quan điểm "đúng với đạo làm người", tôi đưa ra kết luận, vì thế những quyết định của tôi trở thành "phán quyết Oka* " . Hơn hết thảy, cần phải có con mắt sáng suốt nhìn nhận sự việc để đưa ra các quyết định chính xác, công bằng, không sa vào các chi tiết vụn vặt mà phải nhìn thẳng vào cốt lõi vấn đề. Với con mắt như vậy thì sẽ thấy từ những việc nhỏ như mâu thuẫn gia đình đến những việc lớn trong công ty, ngay cả các vấn đề ở quy mô quốc tế các bên đương sự cũng thường đem ý đồ cá nhân vào vụ việc, rồi nhào nặn, đôi co, làm mọi chuyện trở nên phức tạp.

*Oka Tadasuke hay còn gọi là Oka Echizen (1687 - 1751), quan chức tư pháp thời Edo nổi tiếng với các phán quyết thấu tình đạt lí trong các vụ xử án*

Vì vậy, vấn đề càng phức tạp thì càng phải quay về điểm khởi đầu để nhìn nhận và dựa trên những nguyên lí, nguyên tắc chân phương để đưa ra quyết định. Nếu đứng trước những khó khăn lớn đến mức tưởng như phải đầu hàng thì cần dựa trên sự sáng suốt, trên những nguyên tắc chân phương minh bạch để phân biệt cái đúng cái sai, mặt tốt mặt xấu của vấn đề rồi mới đưa ra quyết định.

Giáo sư Hironaka Heisuku, nhà toán học nổi tiếng thế giới, người được Quỹ Inamori nhờ làm phó giám đốc phụ trách quỹ từng nói: "Hiện tượng nhìn thấy phức tập thực ra chỉ là cái bóng của sự việc đơn giản". Ông nói ra được điều này khi giải được bài toán phức tạp mà từ trước đến nay chưa ai giải được bằng cách nâng tầm nhìn. Tương tự như tầm nhìn không gian ba chiều để quan sát không gian hai chiều, từ đó dẫn tới lời giải đơn giản rõ ràng. Để dễ hiểu, ông đã minh họa bằng ví dụ sau đây:

"Giả dụ ở một ngã tư nọ không có đèn tín hiệu giao thông. Vì không có đèn tín hiệu nên xe cộ từ tứ phía chạy đến gây ra cảnh hỗn loạn, muốn tiến cũng không được muốn lùi cũng chẳng xong. Nếu cứ để thế này thì không thể giải quyết được nạn ùn tắc. Bởi thông thường chúng ta chỉ tìm lời giải trên mặt phẳng - không gian hai chiều. Bây giờ thêm vào yếu tố "chiều cao", tức là đưa vào tầm nhìn không gian ba chiều, thì sẽ thế nào? Tức là ngã tư này không phải giao nhau trên một mặt phẳng mà chúng ta hãy làm nó giao nhau trong không gian ba chiều, sẽ tìm ra giải pháp ngay cả khi không có đèn tín hiệu , xe cộ vấn đi lại thuận lợi. Ý tưởng của tôi là như vậy.

Phần lớn các hiện tượng trông thấy phức  tạp nhưng thực ra chỉ là cái bóng của những sự việc đơn giản. Ở đây nếu chúng ta thay đổi cách nhìn một chút, xem lại vấn đề bằng cách nâng tầm nhìn lên một bậc thì sẽ có câu giải đáp rõ ràng".

Đúng như ông Hironaka nói, chúng ta cần biết đơn giản hóa sự việc, có cái nhìn được "nâng cấp" để nắm bắt được bản chất sự vậy và tìm ra những ý tưởng sáng tạo.

Chỉ khi nào chúng ta gạt bỏ được những phần nhỏ mọn trong con người mình, những tư tưởng ích kỷ, tư lợi, tính toán, tham lam, thay vào đó là tinh thần vị tha, quang minh chính đại, chúng ta sẽ đạt được thành công.

12. Tính hợp lý và chính đáng quan trọng hơn tập quán, lẽ thường trong việc giao thương với nước ngoài

Tôi đã trình bày về tầm quan trọng của ý tưởng và hành động dựa trên nguyên lý, nguyên tắc trong mọi tình huống của đời sống . Điều này cũng hữu hiệu ngay cả khi bạn giao thiệp với người nước ngoài hay thương lượng với các công ty nước ngoài. Bởi vì hầu hết những đối tác của bạn đều có những quan niệm vững vàng trong cuộc sống và công việc cho nên có thể đối chiếu so sánh các nguyên lí, nguyên tắc của nhau và thảo luận với nhau.

Từ khi Kyocera còn là một công ty nhỏ và chưa có tiếng tăm, tôi đã tích cực chủ động tiếp xúc với các công ty nước ngoài để mời chào họ sử dụng sản phẩm của Kyocera. Vào thời đó, ở Nhật Bản, phần lớn các công ty đều du nhập khoa học kỹ thuật từ nước ngoài, đặc biệt là kỹ thuật của Mỹ. Vì thế tôi suy nghĩ, nếu sản phẩm của Kyocera được các nhà sản xuất Mỹ chấp nhận sử dụng thì các sản phẩm đó, chẳng khác nào "con thuyền thuận gió", sẽ bán được cho các công ty trong nước.

Bản thân tôi, tuy không nói được tiếng Anh nhưng vẫn "vô tư" sang Mỹ trực tiếp đàm phán với các đối tác Mỹ. Khi sang Mỹ lần đầu, tôi thu xếp đến thăm một người bạn thân sống ở một chung cư. Tôi nhớ lại là lúc đó tôi đã được bạn tôi hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh kiểu phương Tây mà Nhật Bản khi ấy hầu như chưa có.

Đây là thời kỳ mà kinh nghiệm làm việc tại Âu - Mỹ  là vô cùng hiếm hoi đối với người Nhật Bản. Lúc đó tỷ giá giữa đồng USD và đồng Yen là 1 USD/360 Yen. Nhưng suốt cả một tháng trời tại Mỹ, dù đã lần lượt gõ cửa chào hàng nhiều công ty có thể sử dụng sản phẩm của mình, tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, thậm chí "không tiếp" chứ đừng nói gì đến chuyện thương thảo. Nơi đất khách quê người, không quen phong tục tập quán, mỗi khi nhận được câu trả lời từ chối, cảm giác mệt mỏi, rã rời, "dã tràng xe cát" lại tràn ngập trong tôi. Đến tận bây giờ, nỗi nhọc nhằn, cay đắng khi đó vẫn còn rõ mồn một trong ký ức tôi.

Tuy vậy, với quyết tâm kiên trì, không nản lòng trước khó khăn, công việc bước đầu cũng thu được kết quả và kết quả ấy ngày một tăng dần.

Điều tôi để ý thấy là trong quá trình thương lượng ở nước ngoài và nhất là ở Mỹ, người ta thường dùng "reasonable" (hợp lí, chính đáng) khi bàn bạc, quyết định về sự việc. Ngoài ra, nguyên lí và nguyên tắc cũng như quan niệm về giá trị của bản thân họ cũng là tiêu chuẩn, thước đi tính hợp lí, tính chính đáng khi ra quyết định, chứ họ không quyết định dựa theo lẽ đương nhiên hay tập quán xã hội.

 Tức là họ đã xác lập quan niệm giá trị, chuẩn mực rõ ràng và theo thời gian, những điều đó đã ghi sâu vào tâm thức. Điều này đối với tôi là trải nghiệm vô cùng hấp dẫn và mới mẻ.

Ở đây, có lẽ là sự khác biệt về văn hóa giữa Nhật và Mỹ. Ví dụ rõ ràng nhất về sự khác biệt đó là hệ thống luật pháp: Luật phấp Nhật Bản, về cơ bản là dựa vào văn bản luật (luật thành văn) theo hình mẫu luật pháp của Đức. Tức là dựa trên các điều khoản trong văn bản luật để đưa ra các phán quyết. Nhược điểm của luật pháp Nhật là dễ bị giáo điều.

Trong khi đó, ở Mỹ lại theo luật phán dụ, nghĩa là không tuyệt đối dựa vào văn bản luật mà tùy vào từng trường hợp cụ thể, đối chiếu với các quy định và dựa trên lương tri để xem xét tính chính đáng, tính hợp lí để đưa ra phán quyết.

Ở các nước có nền văn hóa như vậy thì phương pháp tư duy dựa trên nguyên lí và nguyên tắc minh bạch như tôi thường làm, vừa dễ thích ứng vừa có hiệu quả. Tức là, trước các vấn đề, ý kiến mà tôi trình bày, nếu họ gật đầu "điều này nghe có lí" thì không phụ thuộc vào việc công ty đối tác lớn hay nhỏ hoặc có tiền lệ hay chưa, họ có thể quyết ngay lập tức. Nhờ thế mà việc giao dịch diễn ra rất suôn sẻ.

Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra và Nhật bản phải tồn tại trong cộng đồng quốc tế. Người Nhật phải giao thiệp với người nước ngoài không chỉ trong công việc mà trong cả cuộc sống thường nhật nữa.

Có những lúc chúng ta phải tranh cãi với họ nhưng không vì vậy mà chúng ta phải e ngại hay tìm cách lấy lòng họ. Ngược lại, chúng ta nên đường hoàng trình bày quan điểm của mình sau khi đã đối chiếu với đạo lí căn bản và thấy quan điểm đó là đúng. Nếu chúng ta làm được như vậy thì chắc chắn người Âu - Mỹ, vốn sống trong "nền văn hóa logic", sẽ hiểu và tôn trọng quan điểm của chúng ta.

Trước khi đưa ra quyết định, hãy đặt tay lên ngực và tự hỏi "Mình đã làm đúng với đạo làm người chưa?". Vì sao như vậy? Vì đạo làm người là nguyên lí phổ quát vượt khỏi biên giới quốc gia cũng như khác biệt dân tộc, cho dù đôi khi có xung đột mang tính văn hóa chăng nữa thì trong tâm khảm chắc chắn người khác cũng thấu hiểu và đồng ý với chúng ta.

Trong bản báo cáo nội bộ, một người Mỹ - quản lí công ty khu vực Bắc Mỹ thuộc tập đoàn Kyocera - viết: "Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa khác nhau. Nhưng các nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh hay trong cuộc sống đều giống nhau. Ví dụ, nỗ lực để đạt kết quả trong công việc, hay suy nghĩ muốn làm việc thiện cho đời, tất cả những điều đó đều là chân lí phổ biến dù có sự khác biệt về văn hóa hay tôn giáo như thế nào đi chăng nữa".

Điều anh ta viết trong bản báo cáo đã nói thay cho điều tôi muốn nói ở đây. Nói cách khác, ở xứ sở nào cũng có những triết lí, quan niệm mang tính phổ biến làm tiêu chuẩn trong đời sống và cả trong công việc kinh doanh. Triết lí, quan niệm càng mang tính phổ biến sẽ càng có hiệu quả. Và để có được tính phổ biến thì nó phải dựa trên nền tảng đạo đức, nền tảng luân lí "đúng với đạo làm người". Không có đường biên giới trong vấn đề này. Nguyên lí và nguyên tắc của đọa làm người vượt lên trên các quốc gia, vượt qua các thời đại quá khứ và hiện tại, và là sở hữu chung của toàn nhân loại.








Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top