Phần 4: Mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn
1. Vì sao con người dần đánh mất vẻ đẹp tâm hồn?
Gần đây, người Nhật gần như đã đánh mất một đức tính tốt đẹp đó là tính khiêm tốn. Người Nhật vốn thường lặng lẽ hòa đồng, công lao thì nhường cho người khác, đạt được thành công thì điềm nhiên như không, không tự phụ, tự mãn. Nhường nhịn nhau, dành cho người khác trước khi dành cho mình. Nhã nhặn, khiêm tốn.
Lẽ dĩ nhiên, trong cuộc sống cần phải thể hiện cái tôi của mình, nhưng nếu chúng ta dần quên vẻ đẹp tâm hồn, tiêu biểu là đức khiêm tốn, là một tổn thất to lớn đối với xã hội Nhật Bản cũng như đối với các quốc gia khác. "Quên mất sự khiêm tốn " trở thành nguyên nhân chính dẫn tới việc khó sống ở mảnh đất mà chúng ta đang sống. Thiết nghĩ, không phải chỉ mình tôi nghĩ vậy.
Quả thật là việc không được quên, không được đánh mất sự khiêm tốn là một việc không dễ dàng đối với những người bình thường. Ngay như tôi - người đã có chút địa vị xã hội - không phải lúc nào cũng kìm nén được sự kiêu hãnh. Tôi đã nỗ lực để công ty Kyocera phát triển đến mức khiến nhiều người phải kinh ngạc trên cơ sở những phát minh kỹ thuật mới và chế tạo các sản phẩm mới trong một lĩnh vực mà lúc ấy hầu như chưa mấy ai biết là gốm công nghệ cao - fine ceramic. Cũng như vậy, KDDI đã đạt được sự tăng trưởng khác thường. Mọi người xung quanh hết lời khen ngợi, tâng bốc tôi. Chẳng hạn, ở bất cứ hội nghị nào người ta cũng đề nghị tôi lên ngồi ở hàng ghế danh dự, đề nghị tôi "cho vài lời vàng ngọc". Và cứ thế, dù luôn luôn cảnh giác và tự kiềm chế, cũng có lúc tư tưởng tự phụ và kiêu ngạo trỗi dậy trong tôi, cho rằng mình được trọng vọng như vậy là điều đương nhiên vì tôi đã lao động không ngừng nghỉ và đã đạt được thành quả xuất sắc.
Nhưng ngay cả trong những lúc ngây ngất, tôi cũng cảm thấy không ổn, cần phải chỉnh đốn và xem xét lại hành vi, phát ngôn và tư tưởng của mình. Chưa kể bản thân tôi còn là một tín đồ Phật giáo, vậy mà còn như thế.
Nếu nghĩ cho cùng, năng lực tôi đang có, vị trí tôi đang đạt được đều không phải là sở hữu của tôi, người khác cũng có thể như vậy, chẳng có gì là ngạc nhiên và lạ lẫm cả. Ngoài ra, những gì tôi đã gây dựng thì người khác cũng có thể gây dựng được. Tất cả chỉ là kết quả tất yếu của những ngẫu nhiên, do tôi được trời ban cho một vài năng lực mà tôi chỉ làm mỗi một việc là cố gắng rèn giũa chúng mà thôi. Tôi cho rằng, dù chúng ta là người như thế nào và tài năng ra sao, đều do Trời ban. Vì vậy, dù tôi có năng lực tuyệt vời đến mấy, cùng với những thành công do năng lực đó tạo ra, chúng cũng không phải của riêng tôi. Do đó, tài năng và thành quả không phải là thứ cá nhân có thể độc chiếm mà phải được đem ra phục vụ xã hội và con người. Điều này cũng có nghĩa là tài năng của cá nhân phải được sử dụng phục vụ cho tập thể, cho cộng đồng. Tôi cho rằng bản chất tốt đẹp của con người được thể hiện thông qua tính khiêm tốn là ở chỗ đó.
Nhưng gần đây, cùng với sự giảm sút các giá trị đạo đức, số người tự đắc và ngạo mạn vì có đôi chút tài năng ngày càng tăng. Đặc biệt là khuynh hướng độc chiếm thành quả chung cho cá nhân ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội, nhất là trong giới lãnh đạo - những người có quyền thế.
Tại một số công ty có bề dày truyền thống và thành tích, việc liên tục xảy ra những vụ bê bối, tai tiếng - do lơi lỏng trong quản lý, coi nhẹ vấn đề đạo đức cá nhân - vẫn còn tươi mới trong ký ức của chúng ta. Ngay cả các quan chức nhà nước - những người được nhân dân tin tưởng phó thác nền hành chính công - lương của họ cũng từ tiền đóng thuế của người dân - vẫn có không ít người lợi dụng vị trí của mình để tìm kiếm tư lợi, làm đầy túi riêng. Những người đã lên đến vị trí lãnh đạo các công ty lớn, các tập đoàn lớn, cán bộ, quan chức nhà nước thường là những người được trời phú cho những năng lực cao hơn người bình thường. Nhưng cũng chính trong tầng lớp ấy lại thường xuyên xảy ra các vụ bê bối, tham nhũng. Hiện tượng này là kết quả của tư tưởng ích kỷ, muốn độc chiếm thành quả chung về cho riêng mình. Vì những người này nghĩ rằng tài năng hay trí thông minh của mình là thứ sở hữu riêng, thành quả do nó mang lại cũng hoàn toàn thuộc về mình chứ không phải là những thứ phải được chia sẻ như những tặng vật trời cho. Và tài năng của họ chỉ để phục vụ cho dục vọng cá nhân và thói tham lam của họ chứ không phải vì lợi ích chung.
2. Đòi hỏi phẩm chất đạo đức hơn tài năng ở người lãnh đạo
Như tôi đã từng đề cập nhiều lần, "phương trình cuộc đời " do tôi nghĩ ra được thể hiện bằng phép tính nhân của ba thừa số: cách suy nghĩ, nhiệt tình, năng lực. Những người lãnh đạo đã mắc vào các vụ bê bối chắc chắn đều có năng lực hơn người. Thế nhưng, do có vấn đề ở "cách suy nghĩ" nên cả năng lực cũng như lòng nhiệt tình của họ đã không được phát huy theo hướng đúng đắn. Bởi vậy, không những họ phạm phải các hành vi sai lầm, làm tổn hại cho xã hội mà còn tự kết án mình.
Cách suy nghĩ mà tôi nói ở đây là tư thế sống ở đời, tức là tư duy triết học, hệ tư tưởng, quan niệm đạo đức... Nó chính là khái niệm "nhân cách" bao hàm tất cả những điểm trên. Đức tính khiêm tốn cũng là một trong những thành phần của nhân cách. Nếu nhân cách bị méo mó, nếu cái tâm không trong sáng, thì dù có năng lực và nhiệt tình đến mấy, trị số âm của kết quả lại càng lớn hơn. Hơn nữa, trong xã hội ngày nay, tôi nghĩ rằng, ngoài yếu tố tư chất của người lãnh đạo thì cách lựa chọn người lãnh đạo tự bản thân nó đã có vấn đề. Tôi nói như vậy là bởi vì chúng ta cứ lặp đi lặp lại việc lựa chọn vị trí lãnh đạo cho một tổ chức chỉ căn cứ vào tài năng, năng lực mà coi nhẹ nhân cách. Chúng ta bố trí cán bộ dựa trên việc coi trọng bảng thành tích cá nhân hơn là nhân cách. Ví dụ tiêu biểu cho vấn đề này là những người đạt được thành tích tốt trong kỳ thi tuyển công chức sẽ được ưu tiên đặt vào các vị trí trọng yếu trong cơ quan nhà nước và được đưa vào chương trình bồi dưỡng cán bộ nguồn. Có lẽ tâm lý chạy theo tăng trưởng kinh tế bao trùm khắp Nhật Bản sau chiến tranh là bối cảnh của cách làm này. Xu hướng coi trọng năng lực - có thể trực tiếp dẫn tới thành quả - hơn coi trọng nhân cách - bị coi là vấn đề trừu tượng - đã lấn át trong quá trình chọn lựa, đánh giá cán bộ. Chẳng hạn trong các kỳ bầu cử, xu hướng lựa chọn những nhà chính trị mang đến lợi ích cho địa phương mình xuất thân vẫn rất mạnh. Cách làm ấy đã dẫn tới việc lựa chọn những người "nhiều tài thiếu đức" vào các vị trí lãnh đạo. Trong xu hướng chạy theo tăng trưởng kinh tế hiện tại, chúng ta cũng khó có thể gột rửa trạng thái tinh thần như vậy.
Trong những thời địa trước, người Nhật từng có tập quán tôn vinh những người có "suy nghĩ lớn lao" cho dù phải mất thời gian để họ biến những suy nghĩ đó thành hiện thực. Nhà chính trị Saigo Takamori mà chúng ta hằng kính phục đã nói: "Đặt vào vị trí cao những người có đức cao, ban vật chất cho kẻ có nhiều tài" tức là đối với ngươi chỉ có tài thì trả thù lao lớn là được, còn đối với những người có đức cao thì hãy đặt họ vào địa vị xứng đáng. Có thể nói, lời khuyên cách đây hơn một trăm năm của Saigo Takamori vẫn đúng với hôm nay. Có lẽ trong chính thời đại mà luân thường đạo lí bị băng hoại thì chúng ta càng phải ghi nhớ câu nói này. Đối với những người ở vị trí lãnh đạo, phải đòi hỏi nhiều nhân cách hơn là tài năng. Đối với những người có tài, đừng để họ bị chìm đắm trong cái tài đó. Tức là phải làm sao cho những người có năng lực hơn người khác sẽ không đi vào con đường tội lỗi. Đó là việc định hướng tôn vinh đạo đức và nhân cách. Nói đến đạo đức ở đây có lẽ không ít người cảm thấy xa lạ, xưa cũ. Nhưng việc rèn giũa tâm hồn, tôi luyện nhân cách thì không có chuyện cũ hay mới. Một nhà tư tưởng thời Minh ở Trung Quốc là Ngô tân Lỗ trong tác phẩm Thâm ngâm ngữ đã giải thích một cách rõ ràng những điều này, như tôi đã nói ở trên: Tư chất của con người thì thứ nhất là "thâm trầm hậu trọng", thứ hai là "lỗi lạc hào hùng" và thứ ba là "thông minh tài biện". Thứ tự của ba tư chất này có nghĩa là nhân cách, dũng khí và năng lực. Người có vị trí cao hơn người khác thì phải hội tụ đủ cả ba tư chất với thứ tự ưu tiên số một là nhân cách, số hai là dũng khí, số ba mới là năng lực.
3. Luôn nhìn lại mình và không ngừng mài giũa nhân cách
Tại Nhật Bản, sau chiến tranh, nhiều người thuộc nhóm tư chất thứ ba đã được đưa vào các vị trí lãnh đạo. Những người thực dụng, có năng lực, có tài ăn nói, có kiến thức phong phú được trọng dụng; còn những người thuộc nhóm tư chất thứ nhất có chiều sâu nhân cách, dù không hẳn là bị coi nhẹ nhưng thường là bị gạt sang một bên. Người ta đặt những người không đủ tầm lãnh đạo - thiếu lương tâm, thiếu tiêu chuẩn đạo đức, thiếu bề dày trải nghiệm, thiếu chiều sâu nhân cách - vào hàng ngũ "yếu nhân". Các vụ bê bối có tính tổ chức xảy ra nhiều trong những năm gần đây, nói rộng ra là tình trạng suy thoái đạo đức, đang là khối u to lớn trong xã hội hiện nay xem ra cũng có nguồn gốc từ việc lựa chọn những người lãnh đạo như vậy. Sau các vụ bê bối, những người lãnh đạo thường tổ chức họp báo, nhưng hiếm khi tôi cảm nhận được tầm vóc nhân cách ở những người đứng đầu trong việc xử lí bê bối. Vì họ cũng chỉ đọc những bài phát biểu được soạn sắn, hoặc lặp đi lặp lại nghe đến nhàm chán những lời nói quen thuộc: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì để xảy ra... Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm..."
Tôi hầu như không cảm nhận được sự thành thực, nghiêm túc, thái độ nhìn thẳng vào sự thật của người có trách nhiệm mà chỉ cảm thấy toàn là những lời ngụy biện. Phần lớn những gì tôi cảm nhận được là sự hoảng hốt, che đậy, trốn tránh trách nhiệm và hiếm khi thấy những lời nói, những hành động can đảm, dám nhận trách nhiệm. Những gì cần giải thích thì phải giải thích đầy đủ, những gì đúng đắn, thuộc về lẽ phải, thì phải khẳng định là đúng đắn. Tôi phải nói rằng, do những người đó không có niềm tin vào công lý phổ quát, không có nền tảng tư tưởng, nền tảng triết học rõ ràng cho nên không có cả tiêu chuẩn để phân biệt giữa thiện và ác, giữa chính và tà của sự việc.
Lời nói và hành động của những người thuộc hàng ngũ lãnh đạo mà như vậy thì việc giới trẻ hiện nay không còn kính trọng và tin tưởng người lớn cũng không có gì phải thắc mắc. Điều cần phải có ở những người có vị trí cao trong xã hội không phải là tài năng chuyên môn và khiếu ăn nói mà là nhân cách cao cả dựa trên nền tảng tư tưởng rõ ràng. Cụ thể là đức khiêm tốn, ý thức tự phản tỉnh, kiềm chế bản ngã, lòng dũng cảm, trọng lẽ phải, lòng nhân ái... Gói gọn lại thì người lãnh đạo phải là người có tâm, sống đúng với đạo làm người.
Điều này cũng có trong thư tịch cổ Trung Hoa, có thể nói đó là cách sống tránh xa bốn điều: "ngụy", "tư", "phóng", "xả". Tức là không được giả dối; không được tà tâm, chạy theo dục vọng ích kỷ; không được tùy tiện bừa bãi, không được xa xỉ. Người ở vị trí lãnh đạo phải đặt mình vào cách sống nghiêm khắc với mình như vậy, phải nhận thức được rằng, địa vị càng cao thì nhân cách càng phải lớn.
Nghe đến việc phải nỗ lực để sống sao cho đúng với đạo làm người chắc có nhiều người cười khẩy, "Nói cứ như rao giảng đạo đức cho trẻ con". Thế nhưng chính vì người lớn chúng ta đã không giữ gìn, tuân thủ những điều như vậy từ khi là học sinh tiểu học cho nên quan niệm về giá trị bị đảo lộn, kỷ cương xã hội bị băng hoại.
Tôi thường hỏi có được bao nhiêu người lớn có thể đường hoàng thuyết giảng về luân thường đạo lí cho giới trẻ, đưa ra những chuẩn mực rõ ràng về đạo đức lương tâm, chẳng hạn như: "Việc này không được làm, việc kia phải làm như thế này". Bao nhiêu người có chiều sâu nhân cách, có tầm vóc tri thức để có thể nói như vậy?
Sống sao cho đúng với đạo làm người chắc chắn không phải là một việc quá khó. Vấn đề là chúng ta phải nghiêm túc một lần nữa suy nghĩ lại ý nghĩa của những nguyên tắc đạo đức chân phương mà từ khi còn nhỏ chúng ta đã được dạy dỗ: không dối trá, phải thẳng thắn, hãy nỗ lực... Và chỉ cần chúng ta làm đúng những lời dạy đó cũng đã đủ để xây dựng một nền tảng nhân cách cho mình.
4. "Sáu phép tịnh tiến" cần thiết để mài giũa nhân cách
Đương nhiên việc mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn không chỉ là yêu cầu riêng đối với người lãnh đạo. Đã là con người ai cũng phải nâng cao tâm hồn mình theo hướng tốt, ai cũng phải trở thành người có nhân cách chứ không phải chỉ có năng lực và ai cũng phải là người có đạo đức chứ không phải người có đầu óc thông minh. Tôi có thể nói rằng: Mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn chính là mục đích sống, ý nghĩa cuộc đời. Bởi vì cuộc sống nhân loại là quá trình xây dựng nhân tính hay bản chất người.
Vậy làm thế nào để nâng cao tâm hồn?
Đó không phải là một việc khó khăn như là phải đạt tới cảnh giới Thiện hoàn hảo, hay đạt tới Ngộ. Tôi nghĩ rằng khi đi trọn hành trình cuộc sống, chúng ta có thể tự hào rằng đã có tâm hồn cao cả hơn, đẹp đẽ hơn dù chỉ một chút so với lúc ta chào đời, như thế cũng là đủ.
Nói cách khác, khi từ giã cõi đời, tâm hồn chúng ta được nâng cao hơn dù chỉ một chút so với lúc chào đời và nhân cách của chúng ta được mài giũa hơn một chút. Đó là trạng thái làm chủ bản ngã, kiềm chế được dục vọng và thói tùy tiện, thanh thản, vị tha, biết nghĩ đến người khác...
Chính việc mài giũa tâm hồn và nâng cao nhân cách khiến con người mình đẹp đẽ hơn, cao cả hơn chính là mục đích sống. So với thời gian dài thăm thẳm của lịch sử vũ trụ thì cuộc đời con người vô cùng ngắn ngủi, giống như tia chớp chợt lóe lên rồi tắt ngấm. chính vì vậy, ý nghĩa và mục đích sống của chúng ta nằm ở khả năng xây dựng nhân tính hay bản chất con người khi kết thúc hành trình sống vô cùng ngắn ngủi đó. Nói rõ ràng hơn thì sự quý giá của con người, của cuộc sống chính là quá trình nỗ lực để có thành quả như vậy.
Con người cuối cùng cũng biết được niềm vui, niềm sung sướng trong cuộc sống, có được hạnh phúc sau khi nếm trải mọi cay đắng, buồn đau, trăn trở...
Những "hỉ, nộ, ái, ố..." rồi "xả" lặp đi lặp lại trong suốt hành trình cuộc đời và chúng ta cố gắng sống trọn vẹn kiếp người chỉ có một lần trên thế gian. Những trải nghiệm đó, quá trình đó trở thành giấy nhám mài giũa tâm hồn chúng ta, làm tâm hồn chúng ta ngời sáng khi hành trình sống kết thúc. Nếu làm được như thế và chỉ cần như thế, cuộc đời của chúng ta đã trở nên có giá trị.
Vậy làm như thế nào để có thể mài giũa và nâng cao tâm hồn? Có rất nhiều phương pháp và cách tiếp cận. Con đường đưa chúng ta từ chân núi lên đến đỉnh núi có thể nói không giới hạn.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng phương châm mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn là thực hiện sáu phép tịnh tiến:
#1. Nỗ lực để không thua kém người khác
Đi sâu nghiên cứu và học hỏi nhiều hơn người khác và suy trì nghiêm túc quá trình này. Nếu có thời gian để kêu ca phàn nàn thì hãy sử dụng thời gian đó để nỗ lực tiến lên phía trước dù chỉ là một bước.
#2. Khiêm tốn, không tự mãn
Đúng như một cổ ngữ Trung Hoa "Khiêm thu ích", tức là khiêm tốn sẽ gọi hạnh phúc đến. Đức khiêm tốn sẽ giúp thanh lọc tâm hồn.
#3. Nhìn lại bản thân mỗi ngày
Kiểm tra xem xét lại mọi hành động và suy nghĩ của mình mỗi ngày, xem mình có suy nghĩ nào ích kỷ không, có làm điều gì hèn kém không. Nỗ lực sửa chữa sai sót của mình.
#4. Cám ơn đời đã cho mình được sống
Luôn suy nghĩ: Được sống trên cõi đời này đã là một hạnh phúc lớn lao. Nuôi dưỡng tấm lòng biết ơn dù là từ những điều nhỏ nhặt nhất.
#5. Nhân hậu, vị tha
Làm việc thiện, suy nghĩ vì người khác, để tâm vào mọi lời nói và hành động, yêu thương mọi người. Người làm nhiều việc thiện sẽ được đền đáp, đúng như câu nói "Nhà tích thiện luôn thịnh vượng".
#6. Không để cảm tính chi phối, không quá dằn vặt trăn trở
Không kêu ca bất mãn, lo lắng, trăn trở, dằn vặt những chuyện không đâu.
Để tránh tình trạng đó, cần phải toàn tâm toàn ý bắt tay vào công việc để không ân hận gì.
Những điều trên tôi gọi là "Sáu phép tịnh tiến" để tự nhủ hàng ngày và cố gắng thực hiện trong cuộc sống. Đó không phải là những giáo điều được cho vào khung kính và treo lên tường để trang trí. Viết ra thành chữ thì quá đỗi bình thường, vấn đề là áp dụng một cách kiên trì, từng bước, sao cho "Sáu phép tịnh tiến" thấm vào cuộc sống.
5. Lời tụng niệm gieo vào tâm hồn thơ trẻ lòng biết ơn với cuộc đời
Trong thời đại ngày nay, đằng sau sự sung túc, giàu có về vật chất thì tâm hồn con người trở nên nghèo nàn, tinh thần trống rỗng. Nhất là "lòng biết ơn" - một trong sáu điều răn của Phật - ngày một phai nhạt. Tôi cho rằng chính trong thời đại vật chất đầy đủ, cuộc sống sung túc này, chúng ta cần xem lại vấn đề "tri túc" và tấm lòng biết ơn đối với sự sống. Thời tôi còn trẻ và xã hội còn nghèo khó thì tôi nghĩ rằng đức tính quan trọng nhất của con người là sự trung thực. Trung thực trong công việc, trung thực đối với cuộc đời trong khả năng của mình. Sống nghiêm túc, không buông thả. Làm việc hết mình, không xao nhãng. Cách sống và tinh thần làm việc như thể đã ngấm vào máu thịt nhiều người, không phải là điều kì lạ hay khác biệt mà là cách sống phổ biến của người Nhật trong thời kì nghèo khó. Và đó cũng là vẻ đẹp tinh thần được tất cả ngưỡng mộ và muốn noi theo.
Thế rồi Nhật Bản bước vào thời kì tăng trưởng cao, xã hội phồn thịnh thanh bình. Khi công việc kinh doanh của công ty Kyocera đi vào quỹ đạo, mở rộng quy mô thì có một suy nghĩ chiếm vị trí quan trọng trong đầu óc tôi. Đó là "lòng biết ơn". Suy nghĩ "biết ơn" đối với những ân huệ nhận được từ những nỗ lực dâng trào tự nhiên trong tôi. Qua quá trình lặp đi lặp lại những trải nghiệm như vậy, "lòng biết ơn" dần dần hình thành và trở nên một đức tính căn bản trong cuộc sống con người, giống như "trung - hiếu - nhân - nghĩa - lế - trí - tín".
Nhìn lại bản thân tôi thấy lòng biết ơn như một mạch ngầm chảy trong cội nguồn quan niệm đạo đức của tôi. Trải nghiệm thời thơ ấu mà tôi kể dưới đây có tác dụng sâu sắc trong việc hình thành lòng biết ơn của tôi.
Nhà bố mẹ đẻ tôi ở Kagoshima. Hồi tôi mới lên bốn lên năm, tôi được cha dẫn đi tham dự buổi "Niệm Phật bí mật". "Niệm Phật bí mật" là một tập quán tín ngưỡng được nhiều người sùng đạo bí mật duy trì hoạt động khi đạo Phật bị chính quyền Satsuma kì thị và đàn áp dưới thời Tokugawa. Khi tôi còn nhỏ, tập quán này đã có.
Một buổi tối, cha con tôi đi dưới ánh trăng lờ mờ của chiếc đèn lồng cùng với cha con những nhà khác. Tất cả đều âm thầm, lặng lẽ bước. Một nỗi sợ hãi huyền bí bao trùm lên tôi. Tôi chỉ biết mải miết bám theo bước chân cha tôi. Leo được lên đến nơi, tôi thấy một căn nhà nhỏ và khi vào bên trong nhà thì thấy một bàn thờ Phật trang nghiêm vốn được giấu sau cánh tủ tường. Trước bàn thờ là một nhà sư mặc cà sa đang tụng kinh. Trong nhà rất tối vì chỉ có vài ngọn nến nhỏ. Hòa vào bóng tôi, chúng tôi tìm chỗ ngồi. Trẻ con được ngồi thiền ngay sau lưng nhà sư, lặng yên nghe tiếng tụng kinh trầm bổng. Sau bài kinh tụng, từng người dâng hương lễ Phật và tôi cũng làm theo.
Khi đó, nhà sư gọi từng đứa trẻ lên và dặn dò. Trong số đó cũng có đứa bị nhắc là phải đến lần nữa. Riêng tôi, nhà sư bảo: "Hôm nay con đến đây như thế là được". Và ông dặn thêm: "Từ nay trở đi, ở nhà ngày nào con cũng phải đứng trước bàn thờ Phật và nói: Nam mô, Nam mô, xin cảm ơn ! Sau này con cũng chỉ cần làm như vậy là đủ". Rồi nhà sư quay về phía cha tôi và nói: "Thằng bé này từ nay không cần phải đưa đến đây nữa".
Như tất cả những đứa trẻ ngây thơ, tôi cảm thấy tự hào và vui sướng như đã vượt qua được một kì thi và được cấp bằng. Buổi tối hôm đó,có thể nói là một trải nghiệm tôn giáo đầu đời của tôi và là một ấn tượng sâu sắc. Tầm quan trọng của tấm lòng biết ơn mà nhà sư dạy tôi khi đó đã khắc sâu trong tâm trí, và cho đến tận bây giờ, mỗi lần được hưởng ân huệ thì cụm từ "Nam mô, nam mô, xin cảm ơn!" luôn được phát ra từ miệng tôi một cách tự nhiên và cũng luôn văng vẳng bên tai tôi.
Ngay cả khi đi thăm các thánh đường ở châu Âu, trong không khí trang nghiêm, bất giác tôi lại tụng "Nam mô, Nam mô, xin cảm ơn!" . Có thể nói là lời nguyện cầu đã thấm vào trong máu tôi. Vượt qua mọi tôn giáo và tín ngưỡng, câu nói đó đã đóng đinh vào tiềm thức của tôi.
6. Bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nói: "Xin cảm ơn!"
"Nam mô, Nam mô, xin cảm ơn!" là câu nói thể hiện lòng biết ơn rất dễ nhớ ngay cả với một đứa trẻ. Đó là câu nói thể hiện sự kính tin và còn là câu nói nuôi dưỡng lòng biết ơn trong tôi.
Lúc nào tôi cũng lẩm bẩm câu này. Lòng biết ơn thấm vào tôi một cách tự nhiên, đối với bất cứ điều gì, khi vui cũng như khi buồn. Tôi cố gắng sống đúng đắn với nỗ lực cao nhất.
Có câu ngạn ngữ: "Họa phúc giống như bện sợi dây thừng". Cuộc đời là sự đan xen giữa việc tốt và việc xấu. Vì vậy tôi luôn mang tâm niệm cảm tạ để sống, bất kể ngày nắng ráo hay ngày u ám, việc tốt hay việc xấu. Tôi không chỉ cảm tạ khi có được niềm hạnh phúc mà ngay cả khi gặp hoạn nạn tôi cũng vẫn cảm tạ. Bản thân tôi vốn dĩ đang sống và được sống nên tôi mang lòng biết ơn đối với điều đó. Thực hiện việc cảm tạ là bước đầu tiên để nâng cao tâm hồn, để mở ra tương lai tươi sáng cho chúng ta. Con tim mách bảo tôi như vậy.
Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó. Ngày nắng cũng như ngày mưa không được quên tâm niệm cảm tạ là một việc khó đối với mọi người. Chẳng hạn, khi gặp hoạn nạn, nếu nghĩ rằng hoạn nạn là thử thách, chúng ta hãy cảm ơn hoạn nạn. Cho dù nghĩ như vậy nhưng thường thì chúng ta chẳng có tâm trí nào làm như vậy. Bản tính của con người là hay than thở trách phận,vì sao mình lại nên nông nỗi này và luôn mang ý nghĩ hận đời trong lòng.
Trường hợp mọi việc đều trôi chảy, vận may mỉm cười với ta thì sao? Tâm niệm cảm tạ lúc đó có tự nhiên sinh ra không? Không hẳn là như vậy. Chúng ta cho rằng công việc trôi chảy là do chúng ta cố gắng và chẳng cần cảm tạ ai cả. Chẳng những không cảm tạ mà lòng tham trong con người lại trỗi dậy mạnh hơn, đã được lại muốn được nhiều hơn nữa, đã may mắn lại muốn nhiều may mắn hơn nữa. Kết cục là chúng ta quên đi lòng biết ơn và tự mình làm mình rời xa nguồn phúc lạc. Vì lẽ đó, điều cần thiết nhất là chúng ta phải luôn mang trong lòng tâm niệm cảm tạ trước bất kì hoàn cảnh nào. Tấm lòng biết ơn có thể không dâng trào nhưng ít nhất chúng ta cũng phải luôn mang theo ý nghĩ biết ơn. Nói cách khác, lúc nào cũng phải sẵn sàng để nói cảm ơn. Khó khăn, cực nhọc mang lại cơ hội rèn giũa cho ta trưởng thành. Ta hãy cảm ơn nó. Gặp may mắn và hạnh phúc thì ta càng phải cảm ơn và mong muốn san sẻ. Chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng một cách có ý thức tấm lòng biết ơn như vậy.
Không những thế, chúng ta còn phải nghĩ đến những điều tiếp theo. Phải chăng lòng biết ơn chỉ được sinh ra từ sự đầy đủ và thỏa mãn mà không thể sinh ra từ thiếu thốn, bất mãn? Thế nhưng, thế nào là đầy đủ? Thế nào là thiếu thốn? Thế nào là thỏa mãn? Thế nào là bất mãn? Có lẽ nào cứ nhận được nhiều thì được coi là thỏa mãn, đầy đủ, còn nhận được ít thì là thiếu thốn, bất mãn? Về mặt vật chất có thể đúng như vậy. Tuy nhiên, cùng nhận được như nhau, có người cảm thấy chưa đủ nhưng cũng có người cảm thấy quá nhiều. Có người dù nhận được ít vẫn thấy đủ thì cũng có người được bao nhiêu vẫn thấy thiếu. Có người không ngớt bất mãn kêu ca thì cũng có người cảm thấy thanh thản trong bất kì hoàn cảnh nào.
Vì thế, vấn đề chính là ở tâm mình. Dù điều kiện vật chất như thế nào nhưng nếu có tấm lòng biết ơn cuộc đời thì vẫn có thể luôn cảm nhận được sự mãn nguyện.
7. Khi có thể vui thì hãy cứ vui. Sự thành tâm quan trọng hơn hết thảy
Nếu lòng biết ơn là tiền đề của hạnh phúc thì sự thành tâm là tiền đề của tiến bộ. Khi bị chỉ trích, hãy thành tâm lắng nghe và tự kiểm điểm. Nếu cần thay đổi bản thân hãy làm ngay hôm nay, không chờ đến ngày mai. Sự thành tâm sẽ tiếp thêm năng lực để nâng cao và mài giũa tâm hồn ta. Ông Matsushita Konosuke đã giải thích về tầm quan trọng của sự thành công. Ông luôn nói rằng vì mình không được đi học đến nơi đến chốn nên lúc nào cũng lắng nghe người khác, và nhờ mọi người dạy bảo mà ông được như ngày hôm nay. Suốt đời, ông luôn là một học trò, ngay cả sau khi được người đời ca ngợi là "thần kinh doanh", ông vẫn thành tâm giữ thái độ của một người học trò. Tôi nghĩ điều đó khiến ông trở thành một vĩ nhân chân chính.
Tất nhiên, thành thật không có nghĩa là bảo sao nghe vậy mà là phải tự mình biết cái hay cái dở của mình, nhận ra điều gì mình chưa đạt để từ đó không ngừng nỗ lực phấn đấu. Để được như vậy, phải khiêm tốn lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh và qua đó có sự đánh giá đúng về mình.
Thời kì đầu, mới bắt tay vào việc nghiên cứu, tôi miệt mài trong phòng thí nghiệm. Mỗi khi có được kết quả như ý muốn, tôi nhảy cẫng lên, miệng la lớn "được rồi, được rồi!", thể hiện niềm vui tột đỉnh, trong khi người trợ lí nhìn tôi với con mắt bình thản. Có lần tôi sung sướng hướng về người trợ lí mà hét: "Cậu cũng vui cùng tôi đi chứ!". Nhưng anh ta lạnh lùng nói thẳng vào mặt tôi: "Không ngờ anh lại nông nổi như vậy. Tôi thấy anh lúc nào cũng vui mừng trước những thành quả nhỏ nhoi. Nói để anh biết, suốt cuộc đời may lắm cũng chỉ có một hai lần nhảy cẫng lên vì sung sướng thôi. Còn anh lúc nào cũng nhảy cẫng lên, chỉ tổ thành trò cười". Nghe anh ta nói, tôi sững người chẳng khác nào bị dội một gáo nước lạnh. Nhưng rồi tôi cũng trấn tĩnh lại và nói với anh ta: "Cậu nói thế cũng phải, nhưng khi có kết quả tốt dù kết quả đó có nhỏ nhoi đến mấy thì tôi cũng rất vui sướng. Điều đó có thể nông nổi nhưng cũng là cảm xúc chân thành và lòng biết ơn của tôi đối với mọi người và công việc. Niềm vui sướng sẽ trở thành nguồn năng lượng để tôi có thể tiếp tục công việc nghiên cứu tẻ nhạt và đầy khó khăn này". Những lời tôi nói với anh ta nghe như lời biện hộ cho mình nhưng nó phản ánh rõ ràng triết lí và phương châm sống của tôi.
Trước sự việc dù nhỏ nhoi đến mấy tôi cũng luôn thành tâm biết ơn cuộc đời và hồ hởi đón nhận.
Đức tính khiêm tốn cũng như việc xem xét bản thân hàng ngày là những gì chúng ta không được phép quên để duy trì quá trình đào luyện nhân cách. Và điều đó sinh ra từ sự thành tâm. Điều quan trọng là khi chúng ta nhận ra những lời nói và việc làm sai trái của mình như thái độ tự phụ, kiêu căng thì cũng là lúc chúng ta có cơ hội xem xét lại bản thân, mài giũa và nâng cao tâm hồn mình.
Chỉ người nào không ngại ngần tự phê phán, thành tâm nhận rõ những sai sót của mình mới là những người có tương lại rộng mở.
"Thưa Đức Phật, con xin lỗi Người", tôi đã từng thành tâm và nói những lời sám hối như vậy. Những khi tôi có hành động hay lời nói sai trái với người khác là ngay sau đó tôi đã cảm thấy ân hận. "Thưa Đức Phật, xin người hãy tha thứ cho thái độ lúc nãy của con", tôi thành tâm ăn năn và răn mình lần sau mình không lặp lại sự việc đó nữa.
Tôi đã nói lớn những câu ấy như một đứa trẻ, nếu ai nghe thấy có lẽ sẽ nghĩ tôi bị tâm thần, nên tôi thường đợi khi nào ở một mình mới nói ra miệng những lời ăn năn với tất cả sự thành tâm. Và rồi tôi khắc sâu vào tâm khảm là sẽ nguyện cả đời làm một học trò với tất cả tấm lòng kể từ hôm đó.
Có thể nói, hai câu "thưa Đức Phật, con xin lỗi người" và "Nam mô, Nam mô, xin cảm ơn!" tuy đối nghịch nhau nhưng dần dần trở thành thói quen của tôi. Hai câu ấy tiêu biểu cho sự sám hối và lòng biết ơn của tôi, là phương châm thuần khiết và rõ ràng để tôi tự răn dạy mình mỗi ngày.
8. Lòng tham của con người khiến Lev Tolstoi (Lép Tôn-xtôi) cũng ngao ngán thở dài
Lòng biết ơn, sự thành tâm sám hối, và cả nỗ lực xa lánh dục vọng là những điều cần thiết để bồi đắp và nâng cao tính người của chúng ta. Dục vọng là động lực sinh tồn của con người, chúng nằm ở dưới đáy sâu tâm hồn, thường xuyên gặm nhấm trí não của chúng ta và làm sai lệch con đường chúng ta đi trong cuộc đời.
Tôi được biết Đức Phật có kể một câu chuyện ẩn dụ để nói về việc con người dễ mắc vào lưới dục vọng như thế nào.
Vào một ngày cuối thu, trời se lạnh, lá khô rơi đầy, có một lữ khách vội vã trở về nhà. Bất chợt, nhận thấy những vật màu trắng rải rác trên đường, nhìn kỹ thì đó là xương người. Một cảm giác rờn rợn dâng lên: "Vì sao lại có xương người ở chốn này?", anh ta tiếp tục rảo bước. Và đột nhiên một con hổ lớn xuất hiện, gầm vang. Lữ khách sững sờ, đứng như chôn chân tại chỗ, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: "Hóa ra đống xương vừa nãy là của những người xấu số bị con hổ này ăn thịt". Rồi anh ta cắm đầu chạy thục mạng, quên cả đường rồi thấy mình đứng trước một vực sâu với vách đá dựng đứng. Dưới vực là biển cuộn sóng dữ dội, đằng sau là con hổ đang phóng tới. Tiến thoái lưỡng nan, lữ khách vội leo lên và bám chặt vào một cây thông mọc trơ trọi trên vách đá.Nhưng con hổ cũng giương móng vuốt định trèo lên cây thông. Anh ta chợt nghĩ thế là hết thì nhìn thấy trước mắt một sợi dây mây quấn quanh cây thông nên vội vàng lần theo sợi dây mây mà tụt xuống. Tới giữa chừng, lữ khách lơ lửng trong không trung, bên trên là con hổ đang liếm mép nhìn trừng trừng, còn bên dưới là vực sâu có ba con rồng ba màu xanh - đen - đỏ, quẫy lộn trong sóng biển dữ dội chờ kẻ xấu số rơi xuống. Không những thế, lại có tiếng kêu "chít chít" đâu đó, ngước lên thì thấy một đàn chuột đen trắng đang gặm gốc dây mây. Sẽ chẳng mấy chốc mà dây mây đứt và anh ta sẽ rơi thẳng vào những cái miệng đang há hoác của lũ rồng bên dưới. Trong tình cảnh kẹt cứng, gắng đung đưa người để đuổi lũ chuột thì bất chợt anh ta cảm thấy có một thứ gì dinh dính rơi xuống má, anh ta lấy ngón tay quệt lên má và liếm thử, hóa ra là mật ong. Có một tổ ong ở gốc cây mây nên mỗi lần cây mây đong đưa thì những giọt mật chảy xuống. Anh ta bị thu hút bởi bị ngọt ngào của mật ong và quên hẳn tình trạng ngàn cân treo sợi tóc của mình. Anh ta lấy hết sức lắc dây mây để hứng những giọt mật.
Câu chuyện này được Đức Phật kể lại cho chúng sinh khi thuyết giảng về dục vọng của con người, khi vướng vào lòng tham, dù chết đến nơi vẫn thèm khát mật ngọt.
Đại văn hào Nga Lev Tolstoi khi đọc câu chuyện này, ông sửng sốt kêu lên: "Không thấy câu chuyện nào viết về dục vọng của con người sâu sắc như vậy". Quả thật, để diễn tả dục vọng từ bản chất sâu thẳm của con người thì không có câu chuyện nào hay hơn câu chuyện này. Nhân đây cũng xin nói thêm là con hổ và lũ rồng tượng trưng cho chết chóc và bệnh tật, cây thông tượng trưng cho tài sản, địa vị và danh vọng trên thế gian, những con chuột đen trắng tượng trưng cho ngày và đêm biểu tượng cho thời gian. Mặc dù bị cái chết đe dọa và chỉ có một sợi dây leo mong manh để bấu víu, vậy mà con người vẫn không từ bỏ lòng tham.
Sợi dây leo đó bị mài mòn theo thời gian và chúng ta cũng già đi theo năm tháng, đến gần với cái chết - điều mà con người luôn trốn tránh. Dù phải đánh đổi sinh mạng và rút ngắn tuổi thọ thì con người vẫn chọn mật ngọt. Bị dục vọng thống trị khổ sở như vậy nhưng con người vẫn không thể từ bỏ. Đó là thực tướng của kiếp người.
9. Có thể từ bỏ "tam độc" cám dỗ và làm hư hỏng con nguời được không?
"Mật" tượng trưng cho những khoái lạc cám dỗ. Những con rồng đợi dưới vực sâu là những hiểm họa do tâm hư cấu. Có thể nói, mật ngọt và những con rồng là phản ánh dục vọng và "tà tâm" mà con người ấp ủ. Rồng đỏ tượng trưng cho "sân", rồng đen tượng trưng cho "tham" và rồng xanh tượng trưng cho "si". Phật giáo gọi ba loại tật xấu này là "tam độc", là những nguyên nhân làm hủy hoại tâm hồn con người.
Trong nhiều tật xấu thì tam độc, tham - sân - si , là nguồn gốc của khổ đau và là độc tố bám sâu trong lòng người. Con người muốn tránh nó cũng không tránh được, muốn rũ bỏ nó cũng không rũ bỏ được. Quả thật, con người bị ba độc tố này chi phối trong cuộc sống hàng ngày. Thèm khát vật chất và ham muốn danh vọng ẩn náu trong tâm hồn bất kỳ người nào, nếu không được thỏa mãn thì uất hận, ghen tức với người khác và trở nên tăm tối u mê. Nói chung, hầu hết chúng ta bị dục vọng chi phối quay cuồng trong suốt cuộc đời. Ngay cả những đứa trẻ, từ khi ra đời cũng đã rơi vào vòng cương tỏa của dục vọng, và rồi dục vọng trở thành những thói hư tật xấu của nguời lớn.
Đương nhiên, dục vọng cũng đồng thời là nguồn năng lượng sinh tồn. Và chúng ta không hề đơn giản phủ định vai trò của nó. Bởi vì nguồn năng lượng không thể thiếu cho sự sinh tồn cảu cá thể và chủng loài nhưng nếu không biết kiềm chế và điều khiển chúng, chính nguồn năng lượng ấy lại trở thành nỗi bất hạnh cho con người, là những độc tố hủy hoại tâm hồn chúng ta.
Do vậy, điều quan trọng là tránh xa những dục vọng xấu xa. Không thể triệt tiêu hoàn toàn "tam độc" thì cũng phải nỗ lực kiềm chế, kiểm soát dục vọng. Không có con đường nào dễ dàng trong nỗ lực làm chủ dục vọng. Chỉ có cách là tích lũy dần dần những trải nghiệm và rèn luyện ý chí trong quá trình tu dưỡng bản thân như tôi đã đề cập từ đầu cuốn sách: thành thật, biết ơn, tự phán xét mỗi ngày. Chúng ta phải buộc mình tập thói quen luôn nhận định sự việc bằng lý trí sáng suốt.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải đưa ra phán đoán, quyết định về muôn vàn sự việc. Những lúc đó, nếu chúng ta hấp tấp ra quyết định tức thời cũng đồng nghĩa với việc những quyết định ấy xuất phát từ bản năng (tức là xuất phát từ dục vọng). Nếu trước khi đáp ứng sự việc, chúng ta tạm thời giữ lại nhận xét ban đầu, hít thở sâu một lúc và tự chất vấn "Nhận xét đó có bị dục vọng chi phối không? Có bị tà tâm xen vào không?" Khả năng tự vấn là rất quan trọng. Vơi cách thức như vậy, dừng lại một chút để suy nghĩ trước khi đưa ra kết luận, chúng ta có thể tiến gần tới việc nhận xét và quyết định dựa trên lý trí sáng suốt chứ không phải dựa trên dục vọng.
Tôi nghĩ rằng, việc tạo lập thói quen tư duy sáng suốt như vậy trong đời sống hàng ngày là việc rất quan trọng để chúng ta có thể tránh xa những cám dỗ và kiềm chế dục vọng. Kiềm chế dục vọng, trừ bỏ tà tâm là một bước tiến tới lòng vị tha. Tấm lòng nhân ái dành cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình là điều cao cả nhất, là đức tính đáng trọng nhất trong tính cách con người.
Quên mình vì người. Sống vì người khác trước khi vì mình. Khi phát khởi lòng vị tha như vậy, chúng ta có thể thanh thản và hạnh phúc, mọi ứng xử sẽ không bị dục vọng chi phối. Suy nghĩ vị tha sẽ đẩy lùi tam độc, tật xấu sẽ được giải trừ, tâm hồn không bị dục vọng làm vẩn đục sẽ trở nên trong sáng và cao cả, chúng ta có thể vẽ lên tương lai tươi sáng đẹp đẽ cho bản thân.
10. Chính nghĩa luôn thắng tà đạo
Khi có lòng vị tha, những suy nghĩ, nguyện vọng dựa trên thiện tâm, vì xã hội, vì con người sẽ hình thành. Theo lẽ đó, hành động sẽ đưa lại kết quả tốt nhất.
Ngược lại, những suy nghĩ và nguyện vọng "vẩn đục" dựa trên tư lợi và dục vọng ích kỷ cho dù có trở thành hiện thực cũng chỉ là thành công nhỏ bé và nhất thời. Vì sao như vậy? Theo cách giải thích của ông Tsukamoto Koichi - người sáng lập tập đoàn Wacoal - đó là vì đã dùng lưỡi gươm "tà đạo".
Ông Tsukamoto cũng là người trong giới kinh doanh ở Kyoto mà tôi quen biết. Ông đã sống sót qua trận chiến Imphal. Trận Imphal nằm trong chiến dịch Myanmar của quân đội Nhật Bản cuối chiến tranh thế giới thứ II. Một trận chiến thảm khốc mà quân đội Nhật Bản bị tổn thất nặng nề. Ông Tsukamoto tham gia trận chiến đó đã may mắn thoát chết và tìm được đường về Nhật Bản. Theo như ông kể, tiểu đội của ông có 55 người chỉ còn sống ba người, trong đó có ông.
Trong thời kỳ khó khăn sau chiến tranh, ông bắt đầu khởi nghiệp bằng việc bán rong mặt hàng đồ trang sức, sau đó lập nên công ty Wacoal. Từ trải nghiệm "chín phần chết một phần sống", ông nói: "Tôi được Trời Phật phù hộ, vì vậy mọi điều tôi làm đều suôn sẻ". Khi ông nói điều này với phó giám đốc công ty - người phụ tá tin cậy - của ông thì người đó đáp: "Quả thật đúng như lời giám đốc nói. Chỉ có điều mọi chuyện sẽ không được như vậy nếu ông sử dụng lưỡi gươm tà đạo. Trong con người ông có hai lưỡi gươm. Một lưỡi gươm chính nghĩa và một lưỡi gươm tà đạo. Khi ông rút lưỡi gươm chính nghĩa thì ông sẽ thành công đúng như mình mong muốn. Còn khi ông rút lưỡi gươm tà đạo thì chắc chắn ông sẽ thất bại. Đó chính là bằng chứng. Trời Phật phù hộ độ trì cho ông. Khi ông rút lưỡi gươm chính nghĩa thì Trời Phật sẽ giúp ông thêm sức mạnh. Còn khi ông rút lưỡi gươm tà đạo thì Trời Phật sẽ ngoảnh mặt đi."
Ông Tsukamoto cảm phục sâu sắc nhận xét của người trợ lý: "Cậu trợ lý đã nói với tôi như vậy. Cậu ta nhìn đúng vấn đề. Tôi cũng nghĩ thế."
Lưỡi gươm tà đạo có nghĩa là suy nghĩ "vẩn đục" - những suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ chỉ muốn có lợi cho bản thân mình. Những suy nghĩ "vẩn đục" cho dù có trở thành hiện thực thì hiện thực đó cũng không tối ám và không bền.
Ngược lại, nếu chúng ta suy nghĩ thoáng đạt, nỗ lực hết mình và sự cầu mong của chúng ta không phải là dục vọng ích kỷ thì nhất định sẽ thành hiện thực và bền lâu. Cũng có khi, dù chúng ta đã nỗ lực hết mình với mong muốn đạt được ước nguyện nhưng mong ước vẫn không thành. Chúng ta trăn trở không biết phải làm sao. Những lúc như thế, bất chợt trong tâm trí, lời giải, cách xử lý mà chúng ta không ngờ tới chợt lóe lên giống như Trời Phật trợ giúp. Tôi đã từng cảm nhận điều này, lúc ấy chẳng khác nào như được vũ trụ tiếp thêm sức mạnh.
"Lưới trời tuy thưa mà không lọt". Tưởng chừng như Trời Phật không có mắt nhưng thực ra Trời Phật thấy rõ mọi suy nghĩ và hành vi của con người. Theo lẽ đó, để có được thành công và duy trì thành công vững bền thì mọi ước nguyện và nhiệt tình của chúng ta phải trong sáng. Vì thế cần phải gạt bỏ mọi tà tâm. Với cách suy nghĩ như vậy thì tất yếu chúng ta sẽ sử dụng lưỡi gươm chính nghĩa và làm cho mọi việc thành công, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên phong phú và tốt đẹp.
11. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời là được làm việc
Từ đầu cuốn sách tôi đã đề cập đến việc "mài giũa nhân cách, nâng cao tâm hồn". Có một điều hết sức cần thiết và không thể thiếu để thành công trong công việc và sống cuộc đời có ý nghĩa, đó là sự cần cù. Sự cần cù tôi nói ở đây là tính cách chăm chỉ trong mọi công việc, nghiêm túc và quên mình. Thông qua sự cần cù, con người sẽ có được đời sống tinh thần phong phú và trở nên có nhân cách. Tôi cho rằng niềm vui thực sự mà con người có được chính là ở trong lao động. Nói đến đây chắc bạn sẽ phản đối: "Suốt cuộc đời chỉ biết có công việc thì thật vô vị, phải có sở thích và thú vui nữa chứ?" Nhưng sở thích và thú vui chỉ thực sự được cảm nhận nếu chúng ta thỏa mãn với công việc. Nếu làm việc qua loa đại khái, dù có tìm được niềm vui trong thế giới riêng của mình thì cũng chỉ là nhất thời. Chắc chắn nó không thể là niềm vui trào lên từ sâu thẳm trong tâm hồn. Lẽ dĩ nhiên niềm vui trong công việc không đơn giản như khi chúng ta cảm nhận được vị ngọt của viên kẹo trong miệng. Đúng như câu cách ngôn: "Lao động gồm có rễ đắng và trái ngọt", chỉ khi lao động cực nhọc và vất vả mang lại thành quả, chúng ta mới cảm nhận được niềm vui. Niềm vui trong công việc có được khi ta vượt qua cảm giác vất vả và cực nhọc. Chính vì vậy niềm vui có được trong lao động khác hẳn với những niềm vui khác và những niềm vui thông thường không thể thay thế được.
Nếu không có được cảm giác mãn nguyện trong lao động sáng tạo hoặc trong công việc hàng ngày thì dù có tìm thấy niềm vui nào khác, chúng ta vẫn cảm giác thiếu thứ gì đó trong con người, vì đặc trưng của loài người, chủng loài homo faber , là tựu thành chính mình qua lao động.
Hơn nữa, thành quả có được do lao động quên mình trong công việc không chỉ mang đến niềm vui thành đạt mà nó chính là nền tảng để tôi luyện nhân cách của chúng ta.
Trong Thiền tông, các công việc hàng ngày như quét dọn chùa, chuẩn bị bữa ăn... được coi trọng ngang với việc hành thiền. Điều đó nghĩa là giữa lao động hàng ngày và tọa thiền để rèn luyện tinh thần về bản chất không có gì khác nhau. Lao động hàng ngày cũng là tu hành, làm việc cũng là con đường dẫn tới Ngộ . Ngộ là nâng cao tâm hồn để chứng đạo, Giai đoạn cuối cùng và mức độ cao nhất cảu việc mài giũa nhân cách và tâm hồn là cảnh giới của Ngộ. Con đường dẫn đến Ngộ trong Phật giáo là "sáu phép sửa mình".
12. Khắc sâu trong tâm sáu phép sửa mình mà Đức Phật thuyết giảng
Sáu phép sửa mình trong Bồ Tát Đạo là những gì mà các Phật tử phải theo để có thể đến được cảnh giới của Ngộ. Nói cách khác, đây là những phép tu không thể thiếu để nâng cao tâm hồn và mài giũa nhân cách. Sáu phép sửa mình bao gồm:
_Bố thí
Là mang tấm lòng vị tha, nhân hậu dốc sức vì đời, vì người. Đức Phật giải thích về tầm quan trọng của cuộc sống mà trong đó con người luôn ý thức làm việc thiện cho người khác trước khi làm lợi cho bản thân và luôn quan tâm đến cuộc sống của người khác. Nói chung, bố thí thường được dùng theo nghĩa ban phát niềm vui, thực ra nó vỗn có ý nghĩa hy sinh bản thân, dốc lòng vì mọi người, hoặc nếu không làm được điều đó thì ít ra cũng tâm niệm những ý tưởng nhân hậu vị tha như vậy. Chính từ tấm lòng tràn đầy yêu thương, biết quan tâm đến người khác mà chúng ta có thể nâng cao tâm hồn mình.
_Trì giới
Là việc tuân thủ những điều răn để ngăn không cho cái ác nảy sinh trong tâm trí. Như đã nói ở phần trước, con người bị lôi kéo bởi nhiều dục vọng vọng xấu xa, trong đó tham, sân, si là ba tật xấu mà con người khó thoát. Chính vì thế cần phải kiềm chế dục vọng, đồng thời điều chỉnh đúng đắn mọi hành vi và lời nói. Việc kiềm chế dục vọng và diệt trừ những thói hư tật xấu như tham lam, hám lợi, ganh tỵ, thù hận... chính là trì giới.
_Tinh tiến
Là việc chuyên cần trong mọi hoạt động. Đây là nói đến sự nỗ lực, hiểu theo nghĩa không ngừng phấn đấu. Cuộc đời của các vĩ nhân đông tây kim cổ đều nói lên một thực tế: chính những hoạt động nỗ lực quên mình sẽ nâng cao tâm hồn và tôi luyện nhân cách giống như trường hợp của ông Ninomiya Sontoku mà tôi đã giới thiệu trong phần một.
_Nhẫn nhuc
Là việc nhẫn nại không đầu hàng khó khăn. Cuộc đời chúng ta phần đông ba chìm bảy nổi, đầy sóng gió. Dẫu gặp vô vàn khó khăn trong suốt hành trình sống, song chúng ta không để khó khăn đè bẹp và không trốn chạy nó. Trái lại, chúng ta nhẫn nại chịu đựng gian khổ nhọc nhằn và nỗ lực hơn nữa. Có như vậy mới tôi luyện được nhân cách và đạt đến cảnh giới giác ngộ.
_Thiền định
Trong một xã hội công nghiệp ồn ào tấp nập, chúng ta luôn phải chạy đua với thời gian, sống gấp gáp, hầu như không có lúc nào bình tâm suy nghĩ thấu đáo sự việc. Vì vậy, cần thiết phải dành ra tối thiểu một khoảng thời gian trong ngày để tĩnh tâm, xem xét lại ban thân, tập trung tinh thần nhìn nhận lại sự việc mà không nhất thiết phải tọa thiền. Dù bận rộn thế nào chúng ta cũng phải có khoảng thời gian nhất định để tĩnh tâm.
_Trí tuệ
Nhờ nỗ lực thực hiện năm điều trên, một người bình thường cũng có thể đạt đến cảnh giới giác ngộ, tức là nâng mình lên tầm nhận thức về vụ trụ. Nói cách khác là chứng đạo. Khi đó, con người sẽ hiểu được quy luật chung của tự nhiên, bản chất của đời sống. Đây chính là trí tuệ mà Đức Phật thuyết giảng.
13. Nhờ lao động hàng ngày mà nhân cách được tôi luyện
Con đường đạt tới giác ngộ nằm ở Sáu phép sửa mình . Trong sáu phép đó thì Tinh tiến - không ngừng nỗ lực quên mình - là thực hành quan trọng nhất những cũng dễ thực hiện nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Việc mài giũa nhân cách không đòi hỏi những kỹ thuật tu luyện phức tạp. Chúng ta chỉ cần lặng lẽ, kiên trì với công việc hàng ngày, thực hiện nghiêm túc vai trò được giao phó dù đó là việc công hay việc cá nhân, dù là lao động kiếm sống hay học hành. Tát cả nhưng việc đó đều giống như quá trình tu hành, đều phải tận tâm tận lực hàng ngày. Có thể nói việc mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn hay con đường đến giác ngộ nằm ngay trong lao động hàng ngày.
Tôi luôn có ấn tượng mạnh mẽ đối với những con người dành cả đời mình cho một nghề nghiệp tinh thông, cho một lĩnh vực chuyên sâu mà ngày này qua ngày khác họ miệt mài, âm thầm, bền bỉ lao động, rèn luyện tay nghề và nhân cách của mình.
Từ lúc còn trẻ cho tới bảy tám mươi tuổi , suốt cuộc đời họ dấn thân vào một công việc giản dị, theo một con đường duy nhất. Sức mạnh nội tâm của họ, giá trị con người của họ được tựu thành theo thời gian và lan tỏa sâu đậm mà không cần đến những lời ca ngợi tôn vinh. Phong thái khiêm nhường đó khiến tôi cảm thấy một người thợ mộc bình thường cũng có phẩm cách cao cả thậm chí còn hơn bất kỳ một triết gia hay một nhà truyền giáo nào.
Nếm trải mọi cay đắng, vượt qua mọi trở ngại, không ngừng nỗ lực theo đuổi mục đích..., nhờ Tinh tiến, những con người bình thường ấy có được nhân cách lớn lao và tâm hồn cao thượng. Những điều đó có lẽ không chỉ riêng tôi cảm nhận.
Tôi cho rằng chúng ta cần phải thấu hiểu sâu sắc hơn nữa giá trị của lao động. Cảnh giới giác ngộ không ở đâu xa mà ở trong lao động hàng ngày.
Chân lý này thể hiện ở khắp mọi lĩnh vực, từ các nghệ nhân cho tới các vận động viên thể thao... Cầu thủ Ichiro trong giải vô ddihcj bóng chày Nhật bản là người đã đạt đến tình độ siêu đẳng bằng chuyên cần tập luyện. Tôi nghe nói rằng, ngay từ nhỏ, Ichiro đã có giấc mơ trở thành cầu thủ xuất sắc và đã ngày ngày luyện tập không ngừng nghỉ. Ngay từ lứa tuổi thiếu niên, anh đã đặt ra mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống của mình. Và để đạt mục tiêu đó, hàng ngày anh âm thầm luyện tập. Và tôi cũng nghe nói rằng, ngay từ thời trung học, anh đã tự tin khẳng định: "Tôi có thể ghi điểm trong mọi tình huống". Đằng sau câu nói đó là cả một quá trình gian khổ đổ mồ hôi sôi nươc smawts và lời khẳng định ấy không mang một chút âm hưởng kiêu ngạo nào. Kết quả của quá trình Tinh tiến đã tạo ra danh thủ Ichiro như bậy giờ. Nếu không có quá trình Tinh tiến âm thầm thì trong bất kì lĩnh vực nào cũng không thể có các doanh nhân. Dù đang làm gì, bạn hãy dành cho công việc nỗi đam mê từ đáy lòng, hãy nỗ lực để không thua kém người khác, dồn mọi tâm sức cho mục tiêu. Thông qua sự tinh tiến - và chỉ cần như vậy - chúng ta có thể học được ý nghĩa của lao động và giá trị cuộc sống, không ngừng mài giũa nhân cách, nâng cao tâm hồn.
14. Tìm lại ý nghĩa của lao động và niềm tự hào về sự chuyên cần
Đầu chương này, tôi đã đề cập đến vẻ đẹp nội tâm của đức khiêm tốn và bây giờ chúng ta lại cùng suy nghĩ về vẻ đẹp nội tâm do sự chuyên cần mang lại. Tôi cho rằng chúng ta phải khôi phục lại giá trị phổ biến của tính chuyên cần trong xã hội ngày nay.
Kể từ thời cận đại, đặc biệt là từ sau chiến tranh, ý nghĩa và giá tị của lao động có xu hướng ngả theo quan điểm thông tục: Mục đích cao nhất và đôi khi duy nhất của lao động là làm ra của cải vật chất. Theo cách hiểu đó, chúng ta đã quen với suy nghĩ: Làm việc là để nhận thù lao sau khi đã cung cấp thời gian và sức lực của mình. Để kiếm sống đương nhiên ai cũng phải trải qua một quá tình lao động vất vả, khó nhọc. Từ cách hiểu đó đã sinh ra một suy nghĩ khác: Tốt nhất là làm sao vừa nhàn nhã lại vừa kiếm được nhiều tiền.
Quan niệm đơn giản như vậy về lao động đã bao trùm khắp đất nước Nhật Bản và lan tràn cả trong môi trường giáo dục. Nhưng chính công việc hàng ngày của các nhà giáo dục có liên quan sâu sắc tới quá trinhg hình thành nhân cách trong giai đoạn trưởng thành của trẻ, và họ phải là những người hướng dẫn giúp đỡ trẻ trong quá trình đó. Chính vì vậy, nghề giáo là lĩnh vực phải có nhận thức về lao động vượt qua cách hiểu thông tục, nghề giáo là một hoạt động cao quý đòi hỏi thầy cô giáo phải mài giũa nhân cách của mình hơn ai hết.
Vậy mà giờ đây, các thầy cô giáo đã vứt bỏ niềm tự hào về nghề nghiệp cao quý của mình, tự hạ thấp vị trí xã hội của mình, khi quan niệm rằng: "Chúng tôi cũng chỉ là những người làm công ăn lương, bán thời gian và sức lực của mình để làm công việc truyền đạt tri thức cho học sinh, đổi lại chúng tôi nhận được thù lao". Chính quan niệm đó khiến các thầy cô giáo dần đánh mất thái độ nghiêm túc và lòng tự trọng nghề nghiệp.
Các cấp học duy thoái - hiện tượng tiêu biểu cho khủng hoảng giáo dục hiện nay - xuất phát từ nguyên nhân gián tiếp đó xem ra vẫn chưa được chú ý đúng mức.
Tuy vậy, cho tới thời kỳ phát triển kinh tế cao, tinh thần cần cù lao động không ngại gian khổ vẫn tồn tại ở Nhật Bản. Nhưng khi dư luận các nước Âu - Mỹ phê phán "người Nhật Bản làm việc quá nhiều, ít nghỉ ngơi" chính quyền cũng như người dân vội vã giảm bớt thời gian lao động và tăng thời gian nhàn rỗi. Nhật Bản trải qua một giai đoạn mà trào lưu "coi lao động nhiệt tình là tội ác" thịnh hành. Từ đó đến nay, giá trị của sự cần cù tiếp tục suy giảm. Tôi không có ý định phủ nhận phong thái làm việc theo kiểu Âu - Mỹ dựa trên nền tảng triết lý về đời sống, coi tâm trạng nhàn hạ là cái gốc của an lạc tinh thần. Tuy nhiên việc Nhật Bản tiếp nhận triết lý ấy một cách máy móc mà thiếu xem xét sâu xa, dẫn đến thái độ coi nhẹ giá trị tinh thần của lao động là sai lầm lớn. Đồng thời việc coi lao động chỉ là một phương thức để có được thù lao sinh hoạt cũng là một sai lầm. Như tôi đã đề cập từ đầu, lao động còn bao hàm ý nghĩa tinh thần. Đó là phương thức để con người mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn. Lao động là con đường tinh tiến để hình thành loài người với bản chất cao cả và năng lực tỏa sáng.
Tướng McArthur, tư lệnh tối cao lực lượng Đồng minh cai quản Nhật Bản sau chiến tranh, trong bản điều trần trước Quốc hội liên quan tới chính sách vùng Viễn Đông của Mỹ đã nói như sau về quan niệm lao động của người Nhật:
"Khả năng lao động của người Nhật Bản không những không thua kém mà còn hơn hẳn bất kỳ một nước tiên tiến nào kể cả về lượng và chất. Người lao động Nhật Bản cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc chứ không phải lúc giải trí tiêu khiển. Nói cách khác, họ tìm thấy ý nghĩa cao quý của lao động".
Từ xa xưa, người Nhật đã thấu hiểu ý nghĩa sâu xa và giá trị của lao động. Người Nhật coi lao động là niềm tự hào, là giá trị sống và biết rằng, qua lao động, tâm hồn con người sẽ trở nên phong phú. Toàn bộ ý nghĩa cuộc sống là ở hạnh phúc trong lao động.
Tinh thần của người Nhật là cảm thấy vui sướng trong lao động. Phong cách làm việc của người Nhật là cần cù và sáng tạo, ngay cả trong lao động phổ thông. Nhận thức rằng con người là chủ thể của hành vi lao động chứ không phải là đối tượng bị người khác cưỡng bức lao động.Tất cả những điều trên đã từng có trong lịch sử văn hóa Nhật Bản.
Vì sao trước đây từng có nhưng giờ đã mất? Chẳng phải là đã dến lúc chúng ta suy nghĩ lại về quan niệm lao động của người Nhật hay sao?
Thông qua lao động, con người mới trưởng thành như một chủng loài thông minh và sáng tạo. Lao động quên mình trong mọi hình thái, mọi lĩnh vực để mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn - chỉ có như vậy chúng ta mới có thể làm cho cuộc đời trở nên phong phú và tuyệt vời.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top