Những Thao Tác Máy Cơ Bản
Khi mới bắt đầu bạn thường quay phim như thế nào? có phải cứ bật máy lên là quay chẳng cần theo bất kỳ quy tắc nào. Kết quả khi xem lại hình ảnh rất rung giật, thậm chí lúc lúc xoay ngang, lúc lật dọc đến chóng cả mặt. Trước đây mình cũng như vậy thôi. Có vô số lỗi mà những người quay phim bằng điện thoại gặp phải mà thực ra chỉ cần tuân thủ theo một số nguyên tắc cơ bản, video của họ sẽ dễ xem hơn rất nhiều.
Đảm bảo Không Bị Rụng Hình
Đây là nguyên tắc đầu tiên trong quay phim bắt buộc bạn phải nhớ. Một cảnh quay bị rung tay sẽ đem lại cảm giác không chuyên nghiệp và gây khó chịu cho khán giả. Đối với điện thoại việc giữ cho máy không bị rung khi quay sẽ khó khăn hơn so với máy quay chuyên nghiệp bởi smartphone có trọng lượng và kích thước nhỏ rất khó cầm. Để khắc phục được vấn đề này bạn có thể sử dụng một số thủ thuật sau:
– Cầm chắc máy
– Nín thở khi quay
– Tìm điểm tựa: Khi quay phim bạn nên quan sát xem xung quanh có bức tường hay cái bàn, cái ghế nào không, bạn có thể dựa lưng, chống khỉu tay lên bàn… sẽ rất hữu ích để chống rung cho camera phone.
– Sử dụng chân máy: Sử dụng chân máy luôn đem lại những cảnh quay rất ổn định. Ngay cả những nhà làm phim chuyên nghiệp cũng không thể thiếu thiết bị hỗ trợ hữu ích này.
– Sử dụng gậy tự sướng và tripod chân nhện. Như đã nói ở trên mình rất thích sử dụng 2 công cụ hỗ trợ này bởi nó giúp mình có thêm nhiều góc máy sáng tạo đồng thời lại rất cơ động, dễ cầm nắm nên có khả năng chống rung hữu hiệu.
– Sử dụng gimbal chống rung: Hiện nay có rất nhiều gimbal chống rung điện tử cho smartphone với giá thành khá hợp lý. Đây là giải pháp tuyệt vời để bạn quay video bằng điện thoại nhằm phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau, từ công việc cho tới giải trí.
Quay nhiều cảnh
1 cảnh quay là thời gian từ khi bạn bấm nút rec (ghi) cho tới khi bạn bấm kết thúc để tạo ra 1 video. Những người không chuyên thường chỉ quay 1 cảnh cho toàn bộ video, có cảnh quay dài tới cả tiếng đồng hồ. Còn người quay phim chuyên nghiệp họ chỉ quay những cảnh cần thiết sau đó ghép lại thành 1 video hoàn chỉnh gồm nhiều cảnh quay.
Các bạn có để ý khi xem thời sự, mỗi cảnh quay chỉ khoảng từ 3-5 giây, cảnh nào dài thì cũng chưa tới 10 giây. Mỗi bản tin là chuỗi ghép vài chục cảnh quay ngắn như vậy. Có vài kỹ thuật quay chính như sau:
+ Cảnh quay tĩnh: là cảnh quay sau khi bấm ghi hình bạn sẽ giữ nguyên bố cục khuôn hình cho tới khi kết thúc cảnh quay (nên sử dụng nhiều nhất).
+ Lia máy: Đó là bạn quay camera từ trái qua phải, từ dưới lên trên hoặc ngược lại (hạn chế sử dụng). Động tác phải dứt khoát nhưng chậm rãi. Một cảnh quay chỉ lia máy theo một chiều ngang hoặc dọc.
+ Di chuyển: Vừa quay vừa di chuyển (có thể là đi bộ hoặc chạy…) –> quay cảnh này bạn phải có các kỹ thuật chống rung cho điện thoại.
Luôn quay đủ “một câu hình ảnh”
Tức là bạn quay đủ các cỡ cảnh gồm: Toàn cảnh – trung cảnh – cận cảnh – đặc tả.
Ví dụ bạn muốn truyền đạt nội dung câu văn sau bằng ngôn ngữ hình ảnh: “Các cầu thủ đang đá bóng”.
Các cảnh quay bạn cần có như sau:
Cảnh 1: Toàn cảnh sân bóng rất huyên náo
Cảnh 2: Trung cảnh: một vài cầu thủ đang tranh cướp bóng
Cảnh 3: Cận cảnh: một cầu thủ đang tăng tốc
Cảnh 4: Đặc tả: Cầu thủ tung chân sút bóng
Như vậy với 4 cảnh quay, bạn có thể truyền đạt được toàn bộ nội dung câu chuyện mà không cần thêm một lời nào mà người xem vẫn hiểu nội dung qua hình ảnh.
Ý nghĩa của các cảnh quay:
+ Toàn cảnh: giúp khán giả hình dung được bối cảnh nơi xảy ra sự việc
+ Trung cảnh: miêu tả sự việc đang diễn ra
+ Cận cảnh: Mô tả chi tiết
+ Đặc tả: Điểm nhấn (thường chọn những chi tiết tác giả muốn nhấn mạnh và để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem) – VD: cái bắt tay của 2 nguyên thủ quốc gia.
Một video không phải lúc nào cũng nhất thiết phải có đầy đủ cả 4 cảnh trên nhưng bạn vẫn nên quay đầy đủ để thuận lợi cho việc biên tập sau này, thừa còn hơn thiếu phải không?
Hạn chế zoom khi quay phim bằng điện thoại
Rất hiếm khi mình sử dụng tính năng này bởi các lý do sau:
Zoom trên smartphone là zoom số, tức là sử dụng kỹ thuật số hay còn gọi là phần mềm để phóng to các chi tiết trên hình ảnh được thu từ camera. Do đó, khi zoom hình ảnh bị phóng đại dẫn tơi bị mờ, vỡ ảnh, nhìn rất xấu.
Mặt khác, lạm dụng sử dụng zoom khi quay phim còn khiến hình ảnh bị rung lắc nhiều hơn và lượng ánh sáng vào máy ít hơn, chất lượng video sẽ càng tệ.
Giải pháp là dùng chân để zoom. Tiến sát đối tượng sẽ cho chất lượng hình ảnh rõ nét, chân thật hơn. Nếu cần bạn có thể zoom một chút để lấy bố cục khuôn hình cho đẹp.
Chọn góc máy
Nhiều người khi quay phim thường có cảm giác “ngại” nên chỉ đứng im một chỗ rồi lia máy qua lại. Điều này hoàn toàn sai lầm. Làm như vậy bạn sẽ không bao giờ có được những video chất lượng. Người xem cần được nhìn ở nhiều góc máy khác nhau để có thể thấy được toàn diện của sự việc. Bạn hãy thử di chuyển qua nhiều vị trí, có thể hạ thấp góc máy hoặc trèo lên một điểm cao nào đó quay xuống, nấp sau tiền cảnh (có thể là một bông hoa, một hàng ghế khán giả…). Như vậy các cảnh quay của bạn mới không bị nhàm chán, và lôi cuốn người xem từ cảnh này sang cảnh khác cho tới khi video kết thúc.
Quay chủ thể chuyển động
Chủ thể chuyển động thường có xu hướng lao ra khỏi tầm ống kính của bạn. Đừng cố lia camera theo một cầu thủ hay một chú chó đang chạy nhanh sẽ khiến hình ảnh rất nhòe và rối mắt. Bạn hãy xem chủ thể đang chuyển động về phía nào để đứng phía trước quay đón đầu. Nếu sử dụng gimbal chống rung bạn có thể vừa quay vừa chạy theo đối tượng sẽ tạo ra những cảnh quay rất sống động.
Kỹ thuật “trám hình”
– Lưu ý: Trong nhiều trường hợp có lúc chúng ta sẽ quay những cảnh rất dài. Ví dụ bạn muốn quay trọn vẹn cảnh cô ca sĩ thể hiện 1 bài hát khoảng 5 phút. Trong 5 phút ấy bạn hãy giữ máy cố định ở 1 góc chuẩn nhất, đẹp nhất. Nếu muốn quay khán giả thì bạn nên dừng lại và chuyển sang quay một cảnh mới, không nên để máy đang quay rồi lia thẳng xuống khán giả.
Vậy sẽ có nhiều bạn thắc mắc, nếu đang quay tiết mục văn nghệ kể trên mà dừng máy để quay xuống khán giả thì đoạn video quay tiết mục văn nghệ này sẽ bị đứt đoạn; còn nếu để nguyên máy mà lia xuống thì hình sẽ bị rung giật nhìn sẽ không chuyên nghiệp. Bí quyết ở đây chính là kỹ thuật “trám hình”.
Thực ra tất cả các cảnh khán giả, toàn cảnh hội diễn… đã được mình quay ở những thời điểm trước và sau của bài hát. Sau đó mình sử dụng những hình ảnh này trám đan xen vào tiết mục để tạo cảm giác tất cả diễn ra đồng thời. Tuy nhiên, sử dụng cách này bạn cần lựa chọn hình ảnh thật kỹ, tránh để 1 nhân vật xuất hiện cả trên sân khấu và hàng ghế khán giả, bởi họ không thể cùng lúc vừa biểu diễn vừa ngồi nghe tiết mục của chính mình phải không nào.
Kỹ thuật trám hình được sử dụng rất nhiều trong dựng phim. Bằng kỹ thuật này, chỉ với 1 chiếc smartphone, video của bạn vẫn có thể truyền tải toàn bộ nội dung câu chuyện bằng hình ảnh tới người xem.
Như vậy, dù làm phim bằng thiết bị gì, bạn vẫn cần nắm được những kỹ thuật cơ bản về cách quay, cách dựng hình ảnh. Do đó, trong các phần tiếp theo của bài viết, mình sẽ tiếp tục chia sẻ các mẹo, thủ thuật quay phim bằng điện thoại (smartphone) kết hợp với kỹ thuật dựng phim, xử lý hậu kỳ. Nếu còn gì chưa rõ trong bài viết này, bạn hãy comment phía dưới, mình sẽ trả lời sớm.
Hẹn gặp lại !
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top