3: Những quốc gia khác ở Đức
Ngày 06 tháng 11 năm 1851
Trong bài báo trước, chúng tôi hầu như chỉ hoàn toàn nói tới cái quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất trong phong trào ở Đức từ năm 1840 đến năm 1848, tức là nước Phổ. Nhưng bây giờ, chúng ta cần xét qua những quốc gia khác của Đức trong cùng thời gian ấy.
Từ phong trào cách mạng năm 1830, những quốc gia nhỏ đã hoàn toàn đặt dưới quyền chuyên chính của Quốc hội hiệp bang, nghĩa là của áo và của Phổ. Những hiến pháp khác nhau được ban hành một mặt làm phương tiện để chống lại những mệnh lệnh độc đoán của các quốc gia lớn, mặt khác để bảo đảm uy tín cho những vương hầu đã ban hành những hiến pháp ấy và đem lại một sự thống nhất cho các tỉnh được Hội nghị Viên tập hợp lại một cách hỗn tạp không theo một nguyên tắc chỉ đạo nào - những hiến pháp ấy, mặc dầu chỉ là hão huyền, vẫn tỏ ra là một mối nguy cho uy quyền của bản thân các vương hầu nhỏ trong thời kỳ giông tố 1830 - 1831. Vì vậy, những hiến pháp ấy đã bị hủy bỏ gần hết. Cái mà người ta còn giữ lại thì hữu danh vô thực và cần phải có một thái độ tự mãn huênh hoang như một Ven-cơ, một Rốt-tếch, một Đan-man mới tưởng tượng được rằng sự chống đối khúm núm xen lẫn những lời tán tụng hèn hạ mà người ta cho phép chúng biểu lộ ở trong các nghị viện bất lực của các quốc gia nhỏ có thể đem lại những kết quả nào đó.
Hầu như ngay sau năm 1840, bộ phận kiên quyết hơn của giai cấp tư sản ở các quốc gia nhỏ ấy đã từ bỏ hoàn toàn mọi hy vọng mà trước kia nó đặt vào sự phát triển của một chính thể đại nghị ở những quốc gia phụ thuộc vào áo và Phổ. Giai cấp tư sản Phổ và các giai cấp liên minh với nó vừa mới tỏ ra quyết tâm thực sự đấu tranh cho một chính thể đại nghị ở Phổ thì người ta đã để cho nó nắm quyền lãnh đạo phong trào lập hiến trong toàn nước Đức, trừ nước áo. Một sự kiện ngày nay không còn ai phủ nhận nữa, đó là việc những phần tử trung kiên trong phong trào lập hiến của miền trung nước Đức, sau ngày thoát ly khỏi Quốc hội Phran-phuốc và tự mệnh danh là phái Gô-ta theo tên gọi của địa phương, họ đã tiến hành những cuộc họp riêng rẽ của họ, đã ấn định từ lâu trước năm 1848 cái kế hoạch mà năm 1849 họ chỉ sửa đổi chút ít để đề xuất với các đại biểu của toàn Đức. Họ chủ trương hoàn toàn gạt nước áo ra khỏi Hiệp bang Đức và thành lập một liên bang mới với một hiến pháp mới, và một nghị viện liên bang mới dưới sự bảo hộ của Phổ, và chủ trương sáp nhập các quốc gia nhỏ vào quốc gia lớn hơn. Tất cả những điều ấy phải được thực hiện khi nước Phổ đứng vào hàng ngũ các nước quân chủ lập hiến, ban hành quyền tự do báo chí và theo đuổi một chính sách độc lập đối với Nga và áo, và do đó sẽ đem lại cho các phần tử lập hiến của các quốc gia nhỏ quyền kiểm soát thực sự các chính phủ của họ. Người vạch ra kế hoạch ấy là giáo sư Ghéc-vi-nút ở Hai-đen-béc (Ba-đen). Như vậy, sự giải phóng của giai cấp tư sản Phổ sẽ đánh dấu sự giải phóng của giai cấp tư sản trên toàn nước Đức và sự ra đời một liên minh tấn công và phòng thủ nhằm chống lại Nga cũng như áo, vì nước áo, như chúng ta sẽ thấy, bị coi là một nước hoàn toàn man rợ, một nước mà người ta biết rất ít về nó và điều ít ỏi mà người ta biết được về nó lại cũng không hay ho gì cho nhân dân nó cả. Vì vậy, áo không được coi là một bộ phận cấu thành chủ yếu của Đức.
Còn các giai cấp xã hội khác ở trong các quốc gia nhỏ thì họ đều hoặc nhanh hoặc chậm tiến theo vết chân của các giai cấp tương tự ở Phổ. Những người tiểu tư sản ngày càng trở nên bất mãn với chính phủ, bất mãn về việc tăng thuế, về sự xâm phạm đến những quyền chính trị hữu danh vô thực mà họ thường vẫn tự hào khi tự so sánh với những "nô lệ của chế độ chuyên chế" ở áo và Phổ. Nhưng cho đến nay, trong thái độ chống đối của họ, vẫn chưa có gì rõ ràng để có thể xem họ là một đảng độc lập, khác biệt với đảng lập hiến của bọn đại tư sản. Sự bất mãn cũng tăng thêm trong nông dân, nhưng mọi người đều biết rằng vào những thời kỳ yên tĩnh và hòa bình, tầng lớp dân chúng này không bao giờ đề ra những lợi ích của mình và cũng không có tham vọng đóng vai trò của một giai cấp độc lập, trừ ở những nước có quyền đầu phiếu phổ thông. Những công nhân công nghiệp ở thành thị đã bắt đầu bị nhiễm phải "nọc độc" của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nhưng vì ngoài nước Phổ ra thì không có mấy thành thị quan trọng và lại càng có ít khu vực công nghiệp, nên phong trào của giai cấp ấy, ở trong các quốc gia nhỏ, tiến triển một cách hết sức chậm chạp vì thiếu những trung tâm hoạt động và tuyên truyền.
Những trở ngại đang cản trở sự phát triển của phái đối lập chính trị đã tạo ra ở Phổ cũng như ở các quốc gia nhỏ một kiểu chống đối có tính chất tôn giáo, dưới hình thức các phong trào phát triển song song là đạo Thiên chúa Đức và các Giáo đoàn tự do[16*]. Lịch sử cung cấp cho chúng ta nhiều thí dụ nói lên rằng trong những nước được hưởng sự chúc phúc của một quốc giáo và bị ngăn cản không được thảo luận về chính trị, thì sự đối lập phàm tục và nguy hiểm chống lại quyền lực thế tục được che giấu bằng một cuộc đấu tranh thần thánh hơn và có vẻ vô tư hơn đối với những lợi ích trần thế chống lại nền chuyên chế tinh thần. Nhiều chính phủ không chịu nổi sự bàn luận về bất cứ một hành động nào của họ, đều cố tránh tạo nên những người tuẫn giáo và tránh kích thích sự cuồng tín tôn giáo trong quần chúng. Chính vì thế nên ở Đức, vào năm 1845, trong mỗi quốc gia, đạo Thiên chúa La Mã hoặc đạo Tin lành, hay cả hai, cùng một lúc đều được coi là bộ phận cấu thành không thể tách rời của chế độ nhà nước. Trong tất cả các quốc gia ấy, giới tăng lữ của một trong hai giáo phái ấy, hoặc của cả hai, đều là bộ phận chủ yếu của bộ máy cai trị quan liêu của chính phủ. Vì vậy công kích đạo Thiên chúa chính thống hay Tin lành chính thống, công kích giới tăng lữ, cũng chính là ngấm ngầm công kích chính ngay chính phủ. Còn về những người Thiên chúa giáo Đức thì chỉ riêng sự tồn tại của họ cũng đủ là một sự công kích các chính phủ Thiên chúa giáo ở Đức, đặc biệt là Chính phủ áo và Chính phủ Ba-vi-e. Chính các chính phủ ấy cũng hiểu như vậy. Những tín đồ của các Giáo đoàn tự do, những tín đồ đạo Tin lành phản đối quốc giáo, - họ hơi giống những tín đồ nhất thần luận ở Anh và ở Mỹ[17*] - đều công khai chống đối những khuynh hướng giáo quyền chủ nghĩa và chính thống nghiêm ngặt của vua Phổ và của vị bộ trưởng được nhà vua yêu mến, Bộ trưởng giáo dục và tôn giáo, ông Ai-sơ-hoóc. Hai giáo phái mới ấy - trong một thời gian đã lan truyền nhanh chóng, giáo phái thứ nhất trong các quốc gia Thiên chúa giáo, giáo phái thứ hai trong các quốc gia theo đạo Tin lành - chỉ khác nhau ở nguồn gốc, còn giáo thuyết của cả hai đều hoàn toàn nhất trí với nhau về cái điểm quan trọng nhất là: tất cả mọi giáo điều đã được xác định đều chẳng có căn cứ gì. Sự thiếu tính không xác định đủ loại ấy chính là thực chất của hai giáo phái ấy. Theo lời họ, họ có tham vọng dựng ngôi đền lớn, dưới vòm đền đó, tất cả mọi người Đức đều có thể đoàn kết nhau lại được. Do đó, dưới hình thức tôn giáo, các giáo phái ấy đại biểu cho một tư tưởng chính trị khác của thời đại ấy, tức là tư tưởng thống nhất của nước Đức. Tuy nhiên họ lại không bao giờ nhất trí được với nhau.
Tư tưởng thống nhất nước Đức mà các giáo phái nói trên đã cố gắng thực hiện, ít ra là trên cơ sở tôn giáo, bằng cách sáng tạo ra một tôn giáo chung cho mọi người Đức, thích ứng đặc biệt với nhu cầu, tập quán và sở thích của mọi người Đức, - tư tưởng ấy thực ra là rất phổ biến, nhất là trong các bang nhỏ. Từ ngày Đế chế Đức bị Na-pô-lê-ông phá tan[18*], lời kêu gọi hợp nhất các disjecta membra[1] của cơ thể Đức thành một thể thống nhất đã biến thành biểu hiện chung nhất của nỗi bất bình đối với trật tự hiện hành, và trước hết là ở các quốc gia nhỏ mà ở đó những chi phí cho triều đình, cho công việc hành chính, cho quân đội, tóm lại là tất cả cái gánh nặng ghê gớm của thuế má, đã tăng lên theo tỉ lệ thuận với khuôn khổ bé nhỏ và sự bất lực của quốc gia. Nhưng về vấn đề một khi đã được thực hiện thì sự thống nhất nước Đức là như thế nào thì các đảng phái lại bất đồng ý kiến. Giai cấp tư sản không muốn có biến động cách mạng sâu sắc, thì lấy làm thỏa mãn với cái giải pháp mà như chúng ta đã biết, nó cho là "có thể thực hiện được", tức là thành lập một liên minh toàn Đức, trừ áo ra, dưới bá quyền của một Chính phủ lập hiến Phổ và chắc chắn rằng vào lúc ấy, người ta không thể làm được cái gì hơn thế mà không gây nên những cơn giông tố nguy hiểm. Nhưng người tiểu tư sản và nông dân, trong chừng mực mà nông dân quan tâm đến những điều như vậy, cũng không bao giờ đi đến chỗ đề ra một định nghĩa nào đó về sự thống nhất của Đức mà về sau họ yêu sách rất ầm ỹ; một số ít những kẻ mơ mộng, phần nhiều là những phần tử phong kiến phản động, vẫn hy vọng khôi phục Đế chế Đức; một nhúm người ngu dốt, những kẻ soi-disant[2] phái cấp tiến, khâm phục những thiết chế của Thụy Sĩ mà họ chưa kịp đem ra thực nghiệm trong thực tế, một sự thực nghiệm, sau này, đã làm cho họ thất vọng một cách rất lố bịch - thì tán thành một chế độ cộng hòa liên bang. Chỉ có đảng cực đoan nhất lúc ấy là dám chủ trương một nước Cộng hòa Đức, thống nhất và không thể chia cắt[19*]. Cho nên bản thân việc thống nhất dân tộc Đức là một vấn đề mang nặng mầm mống chia rẽ, bất hòa, thậm chí trong một số trường hợp, cả nội chiến nữa.
Nói tóm lại, tình hình nước Phổ và các bang nhỏ của Đức vào cuối năm 1847 là như sau. Giai cấp tư sản nhận rõ sức mạnh của mình, đã quyết định không chịu đựng lâu hơn nữa những trở ngại mà chế độ chuyên chế phong kiến và quan liêu đã gây ra cho hoạt động kinh doanh thương mại của nó, cho hoạt động sản xuất công nghiệp của nó, cho hành động chung của nó với tính cách là một giai cấp; một bộ phận của tầng lớp địa chủ quý tộc đã biến thành những người sản xuất hàng hóa đến mức họ cũng có những lợi ích giống như giai cấp tư sản và đã liên minh với giai cấp tư sản; những tiểu thủ công và tiểu thương bất mãn thì kêu ca về thuế má, về những trở ngại gặp phải trong công việc buôn bán, nhưng họ không có một chương trình cải cách cụ thể có khả năng bảo đảm cho họ có được địa vị trong xã hội và trong quốc gia; nông dân thì bị áp bức ở chỗ này, bởi những đảm phụ phong kiến, ở chỗ kia, bởi những bọn chủ nợ, bọn cho vay nặng lãi và bọn luật sư, công nhân thành thị bị lôi cuốn vào tình trạng bất mãn chung, cũng căm thù chính phủ như căm thù bọn đại tư bản công nghiệp và ngày càng tiêm nhiễm tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa; tóm lại, có cả một khối lớn đông đảo gồm những phần tử chống đối không thuần nhất, xuất phát từ những lợi ích khác nhau, nhưng đều ít nhiều chịu sự lãnh đạo của giai cấp tư sản mà đứng đầu lại chính là giai cấp tư sản Phổ, đặc biệt là giai cấp tư sản tỉnh Ranh. Mặt khác, những chính phủ các bang, bất đồng ý kiến với nhau trên nhiều điểm, đều nghi kỵ lẫn nhau, nhất là nghi kỵ Phổ, mặc dầu họ vẫn không thể không dựa vào sự che chở của Phổ. ở Phổ, chính phủ đã bị dư luận công chúng từ bỏ, bị cả một bộ phận quý tộc từ bỏ, thì dựa vào một quân đội và một bộ máy quan liêu ngày càng nhiễm phải những tư tưởng của giai cấp tư sản đối lập và ngày càng chịu ảnh hưởng của giai cấp đó; hơn nữa đó là một chính phủ không có một xu dính túi theo nghĩa đen của từ này, và không có cách gì kiếm ra một đồng kẽm để trang trải sự thiếu hụt công quỹ càng ngày càng tăng thêm, nếu không đầu hàng vô điều kiện phái tư sản đối lập. Liệu có bao giờ giai cấp tư sản của một nước nào khác lại có được một vị trí tốt đẹp hơn thế trong cuộc chiến đấu giành chính quyền, chống một chính phủ đương quyền, hay không?
Luân Đôn, tháng Chín 1851
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top