Bài 3

Bài III - Câu đối trong thơ Đường luật

CÂU ĐỐI TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Câu đối là gì ?

Định nghĩa:

Câu đối là những câu văn đi sóng đôi với nhau từng cặp.
Những câu đối ngắn từ 3 đến 4 chữ gọi là tiểu đối, thường áp dụng trong thơ Lục Bát và thơ Song Thất Lục Bát.
Từ 5 đến 7 chữ gọi là đối thơ, thường áp dụng trong thơ Ngũ Ngôn Bát Cú và thơ Thất Ngôn Bát Cú Ðường Luật.
Từ 9 chữ trở lên gọi là đối phú, thường áp dụng trong các bài phú, các bài văn tế, thí dụ như bài Chiến Tụng Tây Hồ Phú hoặc bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.

Trong bài nầy chúng ta chỉ cùng bàn về câu đối 7 chữ mà thôi. Vì câu đối 7 chữ được ứng dụng trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật mà chúng ta sẽ cùng nghiên cứu phân tích sau nầy.
Về luật bằng trắc thì mỗi chữ tương ứng vị trí của câu trước và câu sau, nếu chữ của câu trên bằng thì chữ của câu dưới phải trắc và ngược lại. Thí dụ:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Ngoài luật Bằng Trắc ra, một câu đối còn phải Chỉnh và Cân nữa.

Chỉnh và Cân là phải tương xứng với nhau. Danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ, tính từ phải đối với tính từ. Riêng tính từ cũng có nhiều loại, chữ gợi hình phải đối với chữ gợi hình, màu sắc đối với màu sắc thí dụ "vàng" phải đối với "trắng", "ớt đỏ" phải đối với "cà xanh" ... chữ tượng thanh phải đối với chữ tượng thanh, thí dụ "mưa rơi tí tách" phải đối với "gió thổi rì rào" ... Trạng từ như "băn khoăn" phải đối với trạng từ "thổn thức" ... Chữ nặng phải đối nặng, chữ nhẹ phải đối nhẹ cho cân xứng. Mùi vị đối với mùi vị. Số lượng đối với số lượng. Mùa tiết đối với mùa tiết, phương hướng đối với phương hướng, thành ngữ đối với thành ngữ, chuyên ngữ đối với chuyên ngữ ...
Đừng quên vừa đối từ loại vừa đối bằng trắc.

Và nhất là 2 câu phải đối ý nghĩa với nhau. Ðối ý có nghĩa là chọi nhau, là cân (xứng) nhau.
Thí dụ uống đối với ăn, mướp đối với bầu, giết đối với tha, Hạ đối với Thu, thấp đối với cao, ngắn đối với dài, biển đối với trời, núi đối với sông, cố quận đối với tha hương, đất lạ đối với trời xa, biển rộng đối với sông dài, xóm cũ đối làng xưa, uất hận đối với đau thương, má phấn đối với môi hồng , thiếu nữ đối với thanh niên, liệt nữ đối với anh hùng, phú đối với thơ, tiếng đối với lời, chữ đối với câu, nhạc đối với thơ v.v...
Ngày xưa người ta cưới vợ gã chồng lựa nơi môn đăng hộ đối tức là hai bên gia thế phải tương xứng với nhau. Chúng ta có thể hiểu "đối" theo khái niệm này.

PHÉP ÐỐI:
Gồm có:
- Đối luật (bằng trắc).
- Đối ý.
- Đối từ loại.
- Danh từ riêng đối với danh từ riêng, danh từ chung đối với danh từ chung.
- Tên người đối với tên người, tên nước tên địa phương đối với tên nước tên địa phương.
- Từ kép đối từ kép, từ đơn đối từ đơn.
- Hán-Việt đối Hán-Việt, Nôm đối Nôm (Nôm là tiếng thuần Việt).
- vân vân ...

Thí dụ:

Quê người đón Tết không nghe pháo
Đất khách chào Xuân chẳng thấy mai

Chúng ta cùng nhau phân tích 2 câu trên:

Câu trên: <--------------> Câu dưới:

Quê (bằng, noun) <-----> Đất (trắc, noun)
Người (bằng, noun) <-----> Khách (trắc, noun)
Đón (trắc, verb) <-----> Chào (bằng, verb)
Tết (trắc, noun) <-----> Xuân (bằng, noun)
Không (bằng, adv) <-----> Chẳng (trắc, adv)
Nghe (bằng, verb) <-----> Thấy (trắc, verb)
Pháo (trắc, noun) <-----> Mai (bằng, noun)

Câu đối 7 chữ thì vế trên chữ thứ 7 (chữ cuối) luôn luôn là thanh TRẮC, vế dưới chữ thứ 7 luôn luôn là thanh BẰNG.

Câu đối 7 chữ cũng có 2 bảng luật: luật trắc và luật bằng, như sau:

1. BẢNG LUẬT TRẮC:

T - T - B - B - B - T- T
B - B - T - T - T - B - B

Thí dụ:

1.
Phượng vĩ tươi hồng khi nắng Hạ
Ngô đồng héo úa lúc mưa Thu

2.
Bán dạ kê thanh sầu bất giải
Bình minh điểu ngữ lệ nan càn

(半 夜 鷄 聲 愁 不 解
平 明 鳥 語 淚 難 乾)

2. BẢNG LUẬT BẰNG:

B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B

Thí dụ:

1.
Sau nhà chậu cúc vừa đơm nụ
Trước ngõ cành mai mới trổ hoa

2.
Bần cư náo thị vô nhân vấn
Phú tại thâm sơn hữu khách tầm

(貧 居 閙 市 無 人 問
富 在 深 山 有 客 尋)

Chú ý: Phần câu đối nầy để ứng dụng cho Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật cho nên chữ cuối cùng của vế trên phải luôn luôn là thanh trắc.

Hoàng Thứ Lang

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: