Cách chữa bệnh tê liệt
Cách chữa bệnh tê liệt
Tác giả: DoDucNgoc
In bài Gởi bài
Mời các bạn theo dõi phương pháp thực hành chữa tê qua video clip ở link dưới đây, trước khi đọc phần lý thuyết :
http://video.yahoo.com/watch/3652002/10055383
Cuộc đời bất hạnh, kính mong các thầy giúp
Thưa các thầy, mẹ em là một người khi còn trẻ luôn lao động cật lực nuôi con (ba em đi học nước ngoài). Mẹ em hay lo xa, hay quan tâm cho chồng con , họ hàng.....
Ông trời không có mắt. Mẹ em bị bệnh cao huyết áp 6 năm. và rồi điều gì đến cũng phải đến. Mẹ em bị bệnh nặng, đi viện đợt đầu bác sĩ nói là bị nhũn não, một dạng của tai biến mạch máu não. Phần bên phải của mẹ em bị tê chứ chưa phải gọi là liệt. sau quá trình tập luyện 1 tháng mẹ em dần dần trở về như cũ. Nhưng rồi những ngày sau mẹ có hiện tượng khóc cả ngày , nói gì hỏi gì cũng khóc. Sau khi nhập viện lại thì bác sĩ nói là mẹ em bị tái phát. Vào nằm viện 1 tuần mà không được tiêm thuốc , chỉ có vài viên thuốc uống lèo tèo vì lý do... gia đình em dùng bảo hiểm y tế và chưa đi "phong bì" các bác sĩ. Tình hình xấu dần , sau khi lo các "động tác" kia xong thì mẹ em được tiêm. tiêm đến giờ đã được 2 tháng. Hiện mẹ em bị liệt phần bên trái ( phần bên phải bị đợt đầu giờ đây lại là bên mạnh,nói là mạnh chứ còn yếu lắm ). Tập luyện, mẹ em co được chân và tay. Nhưng tình hình chuyển biến rất chậm chạm cộng thêm mẹ em hay khóc, hay bị xúc động và ăn uống hay bị sặc do bị hẹp thanh quản (2 tháng nay chỉ ăn cháo).
Kiddi
Cách chữa bệnh tê liệt
Theo quan niệm của ông bà : Việc sống chết do trời định, hay do nghiệp lực nhân qủa, nhưng còn nước còn tát, cứ tận tri nhân lực.Về tinh thần, chính mình ôm lấy khổ đau nên mới sinh ra nhiều bệnh tật, thì phải buông thả cho tâm hồn thư thái nhẹ nhàng.
Cách chữa thì có nhiều phương pháp, không đến nỗi tuyệt vọng. Hãy bình tĩnh xem vấn đề chính cần phải điều chỉnh ở đâu, chữa cái gì ưu tiên trước. Đông y chú trọng đến tứ khoái là ăn, ngủ, đái, ỉa có bị trở ngại không ?
Người xưa chữa bệnh rất đơn giản, một người khỏe mạnh ăn được ngủ được là tiên. Chỉ có người không ăn không ngủ được mới là người bị bệnh tật, sẽ kéo theo đủ loại bệnh nan y trên đời.
1-Trước hết nói đến bệnh cao áp huyết :
Thực tế có đo áp huyết ở hai cánh tay và hai cổ chân mỗi ngày không, số đo bao nhiêu mỗi bên, có sự khác biệt nào không ?
Cách đo áp lực ở cổ chân : Đặt đầu dây đo ở huyệt Tam âm giao, dây hướng về tim.
Số đo tiêu chuẩn lý tưởng của một người không có bệnh : Ở hai cánh tay từ 120-130/75-85mmHg mạch đập 70-80, ở 2 cổ chân từ 140-150/80-90mmHg mạch đập 70-80.
Số đo áp lực ở tay và chân cho biết tình trạng bệnh nhũn não nặng nhẹ, hư, thực.(bệnh thuộc hư chứng, số đo ở tay dưới 100/65mmHg mạch đập dưới 65, ở chân số đo dưới 120/65mmHg mạch đập dưới 65. Bệnh thuộc thực chứng, số đo ở tay cao hơn 140/90mmHg mạch đập trên 90, ở chân cao hơn 160/100mmHg mạch đập trên 90)
Trường hợp áp huyết không cao mấy, nhưng nhịp tim thường đập qúa nhanh từ 120 trở lên, nếu không do bẩm sinh và không phải do sốt, là do cholesterol trong máu cao.
Nếu bên nào có áp lực cao là gân cơ đã bị co cứng thì sẽ chữa cho bên đó hạ áp lực thấp xuống. Nếu bên nào áp lực thấp thì gân cơ mềm nhũn không đủ lực cử động thì sẽ chữa cho áp lực bên đó tăng cao cho đủ lực. Khi khí lực hai tay chân cân bằng thì việc đi đứng sẽ được nhanh chóng hồi phục.
Dù chữa bằng phương pháp nào, muốn biết cách chữa ấy có kết qủa hay không phải đo áp huyết mỗi ngày xem áp huyết đã mau ổn định chưa. Nếu chữa cả năm mà áp huyết không ổn định thì chỉ làm mất thời giờ và tiền bạc lãng phí.
Theo nguyên tắc khí công, cách làm hạ áp huyết phải tập thở :
Muốn làm hạ áp lực tâm thu :
Hơi thở ra phải mạnh, nhanh và dài như thổi bếp lửa, sau khi thổi và đo áp huyết lại thì số đo của tâm thu xuống dưới 140 mmHg, nhưng số tâm trương tăng cao trên 100mmHg.
Muốn làm hạ áp lực tâm trương :
Khi thổi hơi ra phải làm cho hơi trong bụng ra hết, bằng cách thả lỏng gân cơ, bụng phải mềm, không nén hơi, không nâng ngực nâng vai, số tâm trương sẽ hạ xuống dưới 100mmHg
Muốn làm hạ nhịp tim đập nhanh :
Giữa hai lần thổi hơi ra phải cách nhau 5-10 giây nghỉ ngơi buông lỏng chờ hơi thở vào tự động, thì nhịp tim sẽ đập chậm lại, không được thổi gấp, không được nén hơi để chờ thổi tiếp, không được thổi ngắn hơi nhịp tim sẽ tăng .
Khẩu quyết để tập luyện cho áp huyết xuống thấp cả 3 số sẽ là :
Thổi mạnh, nhanh và dài - hơi trong bụng ra hết -5-10 giây nghỉ ngơi buông lỏng cho hơi vào bụng tự nhiên, mũi không cần hít vào, khi bụng đủ hơi thì thổi ra tiếp.
Cách tập đơn giản chỉ cần nhớ 3 giai đoạn : Giai đoạn 1 : Phình bụng chứ không cần hít vào mà hơi cũng vẫn đầy bụng. Giai đoạn 2 : Thổi hơi ra mạnh bắng miệng, dài, đếm thầm lâu 7 giây. Giai đoạn 3 :. Há miệng thả lỏng nghỉ. Trở lại giai đoạn 1. Phình bụng. Giai đoạn 2 : Thổi ra... Giai đoạn 3 : Há miệng nghỉ.... Giai đoạn 1 : Phình bụng... Giai đoạn 2 : Thổi ra, Giai đoạn 3 : Há miệng nghỉ.
Đã có nhiều bệnh nhân bị bệnh cao áp huyết đang dùng thuốc tây, nhưng áp huyết lúc nào cũng cao, mỗi lần đo đều ở tình trạng nguy hiểm như 220/140mmHg nhịp tim 140 . Sau khi được hướng dẫn tập thở đúng, và để bệnh nhân tự tập lấy một mình không cần hướng dẫn, số đo đã hạ xuống 145/98mmHg nhịp tim 80. Các bệnh nhân về nhà tập tiếp khi đi đứng nằm ngồi, làm việc đều tập thở theo phương pháp trên, trường hợp đi đứng hay làm việc, thỉnh thoảng thở dài ra mạnh hơi giống như điệu bộ của người chán đời để xả khi dư tích lũy bi ép trong lồng ngực sẽ làm cho áp huyết xuống, những người bị depression chán đời thở dài lúc nào áp huyết cũng thấp. Những người có bệnh cao áp huyết mãn tính tập thường xuyên mỗi ngày như vậy, một tuần sau đến phòng mạch, tôi đo lại áp huyết đã được ổn định thấp hơn 130/80mmHg, nhịp tim 77.
2-Vấn đề tiêu hóa :
Vuốt nắn vùng bụng xem có đau tức không, nếu có, là vấn đề tiêu hóa bị trì trệ, càng ăn càng không tiêu khiến đầy hơi, đầy bụng là nguyên nhân áp huyết tăng cao, hoặc ngược lại không ăn được nên không đủ khí lực cho máu lưu thông làm bệnh nhũn não càng trầm trọng và tay chân càng tê liệt do yếu sức.
Hay khóc là tinh thần mềm yếu, khí lực sẽ tiêu hao, mất oxy trong máu và trong não khiến tuần máu trên não càng suy thêm, cần phải tăng cường khí cho phổi thêm lượng oxy và ổn định tâm thần, nếu theo đạo Phật, mỗi ngày tập niệm A Di Đà Phật đều đặn, nếu theo Công giáo nên đọc kinh cầu nguyện, đó là cách luyện thở định tâm an thần.
Kích thích tiêu hóa bằng cách nằm ngửa, người nhà dùng hai ngón tay cái vuốt từ mỏm xương ức tẽ sang hai bên cạnh sườn nhiều lần (60 lần), bôi dầu Vaseline cho trơn rồi vuốt nhẹ từ từ theo hơi thở ra của bệnh nhân. Để ý khi vuốt có những điểm cứng đau do khí huyết, đờm làm tắc kinh mạch, khi vuốt là làm thông khí huyết sẽ nghe được tiếng nước, tiếng sôi trong bụng trên đường vuốt, sau đó hai ngón tay cái đổi chỗ, một vuốt theo đường thẳng đứng từ mỏm xương ức xuống rốn, ngón cái tay kia cùng lúc vuốt dọc theo một cạnh sườn bên phải thuộc gan, cũng có những cảm giác vuốt qua bung gan bị cứng đau, có tiếng nước chảy từ gan xuống bụng, vuốt tiếp tục cho gan trao đổi huyết, huyết xấu và độc tố đi ra, huyết mới có nhiều oxy đi vào, làm sắc mặt hồng hào, tăng hồng cầu. Đổi tay, một tay vuốt theo đường thẳng đứng từ mỏm xương ức xuống rốn, tay kia vuốt sang bên cạnh sườn trái để thông bao tử và lá mía, giúp tăng tính hấp thụ và chuyển hoá khi ăn, cũng nghe được tiếng nước và khí huyết chạy từ cạnh sườn xuống bụng. Sau đó bệnh nhân cảm thấy dễ thở, bụng mền, đói bụng đòi ăn, ăn được nhiều hơn bình thường. Tiếp tục dùng hai ngón tay cái một ngón tay để ở mỏm xương ức vuốt xuống rốn, một ngón để ở rốn vuốt xuống xương mu, cùng vuốt một lượt theo hơi thở ra của bệnh nhân, mục đích chuyển khí vào khí hải làm mạnh thận.
3-Tập kéo đầu gối :
Trước khi ăn và sau khi ăn, bảo bệnh nhân nằm ngửa, đan hai bàn tay lại, ôm một đầu gối, khi hít vào kéo đầu gối phải vào sát gan, khi duỗi chân ra là thở ra. Đổi chân, hai tay kéo đầu gối trái ép sát vào bao tử khi hít vào, duỗi chân ra khi thở ra. Cứ tập bên này bên kia kể là một lần, tập 30 lần, giúp lá mía, bao tử, gan, thận, ruột cùng làm việc khí hóa, tập trước khi ăn giúp cơ thể mau đói đòi ăn, tập sau khi ăn giúp cơ thể tăng tính hấp thụ chất bổ và đi cầu dễ không bị táo bón . Nếu bệnh nhân tập một mình không được, mình giữ hai bàn tay của bệnh nhân để trên đầu gối rồi kéo phụ, sẽ giúp hai tay có cơ hội hoạt động đều.
4-Tay không cử động được :
Bệnh nhân nằm ngửa, hai tay song song thân mình, bàn tay ngửa. Theo nguyên tắc khí công, nếu bàn tay và ngón tay bị co rút không mở ra được, muốn mở ra, không cần phải kéo ra từng ngón, chỉ cần bấm gấp vào một ngón thứ 3 hay thứ 4 cho đau, thần kinh sẽ tạo một phản xạ nghịch lại, tự động duỗi thẳng 5 ngón ra, tiếp tục bấm vào từng ngón để nối dây thần kinh giao cảm của đường kinh đó lên não, não nhận được tín hiệu sẽ tác động lên dây thần kinh phản xạ bắt các ngón tay phải duỗi ra cho mền. Khuỷu tay co quắp cũng chữa như vậy, thay vì càng kéo ra nó càng co vào, phải làm ngược lại, cầm cổ tay ép cùi chỏ vào theo hơi thở ra để giảm đau cho bệnh nhân, và khi thở ra bệnh nhân không có lực chống đối, khuỷu tay sẽ dần dần đẩy sát vào bả vai được, tín hiệu giao cảm truyền lên não sẽ bắt não kích thích dây thần kinh đối giao cảm bắt khuỷu tay phải tự động duỗi ra. Tập nhiều lần, khuỷu tay mền lại .Sau đó bắt tay lành cầm bàn tay bệnh tập đưa lên đưa xuống, đưa ngang đưa dọc...theo hơi thở.
5-Bàn tay không cầm được đồ vật :
a-Bàn tay mở ra không nắm vào được :
Nằn ngửa, cánh tay song song thân mình, bàn tau ngửa, mình đặt đè mạnh bàn tay mình vào cổ tay bệnh nhân rồi bảo bệnh nhân nắm ngón tay chặt lại, nếu cần mình dùng bàn tay kia của mình giúp các ngón tay của bệnh nhân gập lại sát vào lòng bàn tay, khi bệnh nhân thở ra, bảo bệnh nhân buông xòe bàn tay ra .Sau đó khi bệnh nhân hít vào mình lại ấn đè mạnh vào cổ tay và bảo bệnh nhân nắm ngón tay lại . Tập 30 lần. Vị trí đè cổ tay làm cho các gân cơ bàn tay tự động nắm lại.
b-Bàn tay co không mở ra được :
Dùng bàn tay của mình ấn đè vào nhượng tay nơi cánh tay ngoài của bệnh nhân sẽ tạo phản xạ tự động bắt bàn tay và ngón tay của bệnh nhân mở ra. Bảo bệnh nhân thở ra thì mình đè mạnh nhượng tay xuống, khi bệnh nhân hít vào thì mình buông tay, tiếp tục tập 30 lần, có thể giúp dùng tay kia của mình tiếp sức giúp các ngón tay bệnh nhân mở ra.
c-Có thể làm hai động tác cùng một lúc, mở ngón tay khi bệnh nhân thở ra mình ấn đè vào nhượng tay, khi bệnh nhân hít vào mình ấn đè vào cổ tay bệnh nhân cho các ngón tay bệnh nhân nắm lại . Tập 30 lần.
6-Cánh tay không dơ thẳng lên đầu được :
Do gân sau bả vai bị co rút. Có điểm đau sau lưng bên cánh tay đau. Nằm ngửa, mình đặt 5 ngón tay vào những điểm đau có gân nổi cộm ở bả vai sau lưng bệnh nhân ( có nhiều điểm). Bảo bệnh nhân thở ra, mình dùng tay kia cầm cổ tay bệnh nhân đưa thẳng lên phía đầu bệnh nhân từ từ, đồng thời 5 ngón tay kia của mình để dưới lưng nơi bả vai bệnh nhân ấn vào điểm đau và nâng bả vai bệnh nhân lên, giúp cho thần kinh gân cơ cánh tay chùng giãn ra sẽ đưa cánh tay bệnh nhân lên cao dễ dàng. Bệnh nhân thở ra để thư giãn thần kinh gân cơ lúc mình dơ cánh tay bệnh nhân lên thì bệnh nhân sẽ ít đau hay không đau.. Nếu hơi thở nghịch lại sẽ làm gân cơ co rút sẽ không có kết qủa.
Các bài tập về bấm bẻ ngón tay, cùi chỏ, bàn tay, nên làm mỗi ngày cho đến khi linh hoạt, cử động được trở lại bình thường..
7-Thông máu não bị tắc trên đầu :
Bệnh nhân nằm ngửa, dùng kim châm tiều đường châm vào góc móng ngón chân út huyệt Chí âm, nặn máu. Máu không ra là chân đó không có máu tuần hoàn khiến chân bị lạnh, co cứng và yếu chân, nếu có máu đặc hóa vôi là do máu dư calci làm tắc máu não. nếu nặn ra có máu bầm đen là máu não bị tắc sẽ bị tình trạng động kinh, người nhà tự nặn máu ra khi nào máu chảy ra đỏ tươi và loãng là máu bị tắc trên não đã được thông. Cần thông cả hai ngón chân út.
Nếu khi nặn không ra máu, phải châm vào 5 đầu ngón chân (thập tuyên chân), nếu cả 5 ngón không ra máu, chứng tỏ không có máu nuôi chân, chân sẽ lạnh cứng và teo nhỏ từ từ. Nguyên nhân do tắc động mạch háng, có nhiều nguyên nhân do thiếu máu hay bụng to nhiều mỡ, nhiều nước đè nặng chèn ép động mạch háng khiến máu không xuống chân được .Để thông máu xuống chân, bệnh nhân nằm ngửa, mình day bấm vào huyệt Xung môn ở háng theo chiều thuận kim đồng hồ 9 vòng từ từ chậm chậm, để ý đến phản xạ của ngón chân bệnh nhân. Nếu khi day bấm, các ngón chân của bệnh nhân chưa nhúc nhích cử động chứng tỏ khí huyết bị tắc không đi xuống chân để nuôi chân, phải day bấm lại 9 lần nữa, cho đến khi nào cả 5 ngón chân cử động được.
Những người có áp huyết thật cao sắp có triệu chứng Stroke, có 3 dấu hiệu STR bất thường (Smile =khi cười miệng hơi méo, Talk=khi nói lưỡi bị cứng phát âm khó, Raise = Dơ tay lên khó khăn) cần phải châm nặn máu thập tuyên (10 đầu ngón tay ngón chân) để thông khí huyết và làm hạ áp huyết, ngừa tránh được cơn sung huyết não sẽ không bị đứt mạch máu não.
8-Hai chân cử động khó khăn :
a-Vuốt cột sống :
Bệnh nhân nằm úp, hai tay xuôi theo thân người, hai chân dang hơi rộng, để hở lưng, bôi trơn dọc cột sống lưng bằng Vaseline, người chữa dùng hai ngón tay cái, hay nắm cả hai bàn tay lại, để song song hai bên thăn lưng sát cột xương sống của bệnh nhân, vuốt từ trên xương bả vai xuôi theo cột sống xuống đến xương cùng nhiều lần để dẫn khí huyết lưu thông đều vào các nhánh thần kinh cảm giác ở chân.
b-Vuốt bắp chân :
Bôi dầu trơn từ mắt cá chân đến nhượng chân bên phải, hai ngón tai cái người chữa đặt bên cạnh 2 mắt cá chân bên phải. bảo bệnh nhân hít thở đều đặn theo tay vuốt của mình, khi bệnh nhân thở ra, mình vuốt từ hai bên mắt cá chân lên đường giữa bắp chân đến nhượng chân, chờ bệnh nhân thở ra lần thứ hai, mình lại vuốt từ mắt cá đến nhượng chân. Động tác này vuốt 9 lần, dùng khí chữa huyết, giúp máu nuôi bắp chân giúp chân cứng mạnh có lực.Vuốt chân trái như chân phải.
c- Đầu gối cứng không co duỗi được :
Bệnh nhân nằm úp, hai tay xuôi theo thân người, hai đầu gối dang ra như hình con ếch, người chữa đứng bên hông trái bệnh nhân, dùng ngón tay cái trái bấm đè vào giữa nhượng chân phải của bệnh nhân, huyệt Ủy trung, dùng bàn tay phải cầm cổ chân phải bệnh nhân kéo lên cho đầu gối bệnh nhân co vào duỗi ra 90 độ nhiều lần để mở thông khớp đầu gối. Tiếp tục co vào duỗi ra nhưng ngón tay cái trái bấm sang huyệt bên cạnh ngoài Ủy trung là huyệt Ủy dương để thông đường kinh Tam tiêu dẫn khí xuống nuôi chân, sau lại đổi sang huyệt bên cạnh trong của Ủy trung là huyệt Âm Cốc để thông huyết xuống chân.
Chữa xong chân phải, đổi sang chân trái cách chữa giống như trên .
d-Thần kinh tọa :
Khi bị tê liệt, gân cơ bị co rút cứng làm đoạn dây gân từ mông xuống chân ngắn lại, khi bước đi bị giới hạn không bước dài và nhanh được, sẽ bị đau. Huyệt làm thư giãn dây gân thần kinh tọa là huyệt Hoàn khiêu và Ủy dương.
Bệnh nhân nằm úp, hai tay xuôi theo thân người, 2 đầu gối dang ra như hình con ếch, người chữa đứng bên hông trái bệnh nhân, dùng tay phải cầm cổ chân phải bệnh nhân kéo lên cho gối co lại 90 độ rồi kéo cổ chân bệnh nhân để nằm trên nhượng chân trái bệnh nhân. Người chữa dùng bàn tay trái vỗ đều đều lên vùng xương mông từ lưng xuống xương cùng của bệnh nhân, tay kia từ từđẩy cổ chân phải của bệnh nhân từ vị trí ở nhượng chân trái hướng 9 giờ lên hướng 10 giờ, 11 giờ xem bệnh nhân có bị đau không hoặc khi đang đẩy cổ chân lên thì mông và lưng của bệnh nhân cong lên là ngưng, để nguyên ở vị trí này, dùng ngón tay cái trái bấm đè vào huyệt Hoàn khiêu bên phải, day ấn cùng lúc tay phải tiếp đẩy nhẹ cổ chân phải bệnh nhân lên hướng 12 giờ cho gót chân chạm vào giữa mông, sau đó giữ nguyên vị trí, dùng bàn tay trái đè lên vùng xương mông, hai tay đẩy chân và mông lắc qua lắc lại cho thư giãn dây gân thần kinh tọa của chân bên phải bệnh nhân nhiều lần cho đến khi bệnh nhân không còn cảm giác đau khi bẻ gập chân vào mông nữa mới thôi.
Chữa chân bên trái giống như bên phải .
Nhưng có trường hợp một bên chân cứng khó gập gót chân vào mông thì chữa như cách trên, nhưng một chân gập vào mông dễ dàng mềm nhũn vô lực, trong trường hợp này phải làm cho chân cứng mạnh có lực bằng cách, người chữa đứng một chân, bàn chân kia đặt chêm vào nhượng chân bên chân yếu của bệnh nhân, một bàn tay đè trên vùng xương mông bệnh nhân để tránh tổn hại làm nứt xương mông trong khi chữa, bàn tay kia cầm cổ chân bệnh nhân đặt vào nhượng chân kia từ từ gấp cổ chân vào mông, lần này gấp chân vào mông không dễ dàng vì đã bị chêm chặn ở nhượng chân, khi bệnh nhân có cảm giác đau sẽ tạo ra một phản xạ chống đối đẩy chân ra, tiếp tục mình đẩy chân vào, bệnh nhân lại đẩy chân ra, lập đi lập lại nhiều lần và để ý khi mình ép chân vào mông thì các ngón chân của bệnh nhân duỗi ra từng ngón và bàn chân của bệnh nhân cong ngược lên khi có phản xạ chống đối đẩy chân ra. Đo áp lực hai chân bằng nhau lọt vào tiêu chuẩn là thành công.
Điều quan trọng khi bẻ gập chân vào mông, nếu không dang chân hình con ếch và đặt cổ chân nằm lên nhượng chân kia mà gấp chân thẳng đứng sẽ làm trật gân đầu gối, nhẹ thì bị bong gân, nặng thì đứt gân đầu gối.
e-Bàn chân đi ngón chân lết xuống đất do khớp cổ chân không cử động:
Bệnh nhân nằm ngửa, người chữa đứng phía dưới chân bệnh nhân, hai bàn tay nắm lấy bàn chân và ngón chân bệnh nhân, bảo bệnh nhân hít vào, thì đẩy ngược 5 ngón chân bệnh nhân lên hướng về phía đầu, khi bệnh nhân thở ra thì kéo 5 ngón chân gập xuống. Tập nhiều lần để thông khí huyết ra ngón chân.
Người chữa dùng ngón tay cái bấm đè vào huyệt Giải khê nơi giữa cổ chân bệnh nhân, bàn tay kia nắm đầu bàn chân bẻ ngược lên bảo bệnh nhân thở ra mỗi khi vừa bấm huyệt vừa bẻ ngược chân lên, tập cho đến khi nào tự bệnh nhân có thể cử động cổ chân cong lên cong xuống dễ dàng mới thôi.
f-Chữa chân ngắn chân dài :
Bệnh nhân nằm úp, nếu có một chân bị ngắn do gân bị co rút sẽ có dấu hiệu ở huyệt Thừa phò giữa lằn nếp chân mông với đùi sờ vào có một khúc gân nổi cứng, người chữa dùng ngón tay cái đè vào huyệt, bàn tay kia cầm cổ chân co gấp gối hình con ếch, (nhớ rằng nếu không gấp gối theo hình con ếch sẽ làm bong gân đầu gối).
Cách thứ hai, nếu đoạn gân nơi huyệt Thừa phò cứng qúa, người chữa đứng cao, một chân đứng, một chân đặt bàn chân dưới huyệt Thừa phò, một bàn tay đè vào mông để khi chữa kéo gân giãn ra không ảnh hưởng làm tổn thương đến xương mông, bàn tay kia cầm cổ chân gập gối hình con ếch cho gót chân chạm mông bệnh nhân nhiều lần. Lưu ý đoạn gân dưới xương mông bị co rút cứng làm đi đứng khó khăn cũng là dấu hiệu của bệnh cao áp huyết mãn tính sắp bị tê liệt mặc dù đang uống thuốc điều trị bệnh cao áp.
Sau đó, người chữa sắp hai chân bệnh nhân song song cho hai gót chạm nhau để xem chân bên nào ngắn bên nào dài. Người chữa một tay nắm cổ chân bên chân dài gấp chân hình co ếch vào mông bệnh nhân làm điểm tựa, tay kia cầm cổ chân bên chân ngắn của bệnh nhân vừa kéo dài ra vừa quay lắc cổ chân sang phải sang trái vài lần. Để hai chân đo lại chiều dài, nếu còn ngắn, tiếp tục lần thứ hai. Trong trường hợp kéo ra dài qúa, dài hơn chân lành, thì phải kéo lại bên chân lành cho dài bằng nhau.
Nếu một người vì lý do gân cơ bị co rút ngắn chứ không phải do mổ ráp xương, khi đi xương hông bị lệch, vẹo cột sống làm chân ngắn chân dài so le từ 5-10cm, áp dụng phương pháp này cũng vẫn có thể kéo dài ra bằng nhau giúp cho bệnh nhân đi thẳng lưng được.
9-Tập thể dục động công :
a-Cho bệnh nhân ngồi trên ghế thấp, hai bàn tay vịn thành giường hay song cửa, khi hít vào thì đứng lên, khi thở ra thì ngồi xuống giúp tăng lực ở chân.
Dần dần tập với ghế thấp hơn cho đến khi nào bỏ ghế mà ngồi xổm đứng lên được dễ dàng mới trở thành người bình thường được.
b-Tập đứng thăng bằng một chân (Hạc tấn) :
Hai tay vịn thành giường hay song cửa, tập co một chân lên cao, đứng một chân lâu 1 phút để chỉnh thần kinh giúp cơ thể giữ thăng bằng và chia đều lực ra hai chân, để ý chân nào đứng lâu hơn chân nào đứng chưa được lâu đã bị lảo đảo muốn ngã thì chân bên yếu đó phải tập nhiều hơn.
Khi chân đã đứng vững được lâu, từ từ bỏ một tay bên trái xem còn đứng được lâu như trước không, rồi đổi tay bỏ tay bên phải, vịn tay bên trái, rồi từ từ bỏ không cần vịn tay mà vẫn đứng một chân vững, lúc đó chân đủ lực, bài tập nào làm áp huyết ổn định và điều chỉnh được rối loạn tiền đình, khi đi sẽ được thăng bằng không bị lảo đảo nghiêng một bên.
c-Tập Dậm chân hát one, two, three...
Hát là để điều chỉnh hơi thở được dài, sâu, giúp khí huyết tuần hoàn khi tập để đưa khí xuống chân, dậm chân để khí huyết dồn xuống chân thay máu cũ đổi máu mới, chữa tê phù sưng chân, chân lạng cứng đau .
d-Nhảy đầm Cha cha cha :
Tập đi lên hai bước đi lùi hai bước, tập khởi đầu bằng chân trái trước 5 lần. Sau đổi chân, khởi đầu bằng chân phải trước. Những người bị tê liệt, thần kinh châm chạp, không thể đi lùi được. Tập bài này sẽ đi lùi được dễ dàng và bắt trí nhớ phải hoạt động, biết khi nào đi tới biết khi nào đi lùi.
10- Đớ lưỡi nói ngọng :
Hát one two three....suốt ngày là đang tập thở làm giảm áp huyết, làm kích thích tiêu hóa, làm tiết dịch tỳ vị, làm mền cổ họng, làm dẻo lưỡi để nuốt nưóc miếng hay nuốt thức ăn dễ dàng.
Vuốt huyệt từ Thông lý đến Thần môn 9 lần hai bên cổ tay trong để làm mềm gân lưỡi
11-Tập 7 bài đầu của Khí công :
Cào đầu, Cào gáy, Chà gáy, vuốt gáy, vuốt cổ, chà tai, xoa mặt. (Xem DVD Bài tập thể dục khí công)
12- Ăn nuốt không được :
Massage từ mang tai xuống cổ họng, từ dưới cằm xuống cổ họng nhiều lần rồi bấm huyệt Thiên đột để ăn nuốt dễ dàng. Khi người nhà bón thức ăn, bệnh nhân cứ ngậm ở miệng không nuốt xuống được thì cứ mỗi lần bón bấm vào huyệt Thiên đột một lần là thức ăn trôi xuống theo.
13-Chữa cổ vai lưng :
Có người bị tê liệt cổ yếu hay bị vẹo lệch một bên hoặc cứng cổ gù lưng.Trong cả hai trường hợp cần phải thông khí huyết ở đầu cổ gáy và lưng .
a-Bệnh nhân ngồi trên ghế, người chữa đứng sau lưng. Một bàn tay để đỉnh đầu bệnh nhân, dùng ngón tay cái tay kia day bổ theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ vào huyệt Phong phủ 9 lần, vừa day vừa từ từ đẩy ngửa đầu bệnh nhân ra phía sau khoảng 15 độ. Ngón tay cái đổi sang huyệt Đại chùy day vòng tròn thuận 9 vòng, vừa day vừa đẩy cổ ngửa ra sau tiếp thành 45 độ, ngón cái day tiếp huyệt Thân trụ 9 lần theo vòng tròn thuận, nếu day trúng huyệt bệnh nhân cảm thấy đau tự động ngửa cổ thêm ra sau có thể ngước mắt lên nhìn trời. Sau đó bảo bệnh nhân tập cúi ngửa cổ một cách dễ dàng .
b-Người chữa đặt hai ngón tay cái vào ngay điểm giao tiếp giữa góc chân gáy và vai, ấn đè xuống và bảo bệnh nhân quay cổ sang phải 90 độ, sang trái 90 độ nhiều lần liên tục . Mới đầu bệnh nhân chỉ quay được tối đa 30 độ, lúc đó người chữa day ấn huyệt liên tục nhiều lần trong khi bệnh nhân tiếp tục tập quay cổ, cho đến khi nào quay được đế 90 độ dễ dàng thì ngưng. Có thể hỏi bệnh nhân trong khi quay có thấy chỗ nào đau cứng thì chỉ cho biết, nơi đó là a-thị-huyệt. Người chữa bấm đè vào chỗ đau đó trong khi bệnh nhân tiếp tục quay cổ gáy đến khi nào điểm đó hết đau thì ngưng.
14-Chữa méo miệng liệt mặt, mí mắt không khép kín .
a-Day theo Hà đồ trên đỉnh đầu để chỉnh chức năng thần kinh trung ương : (Mỗi ngày day 3 lần)
Bệnh nhân ngồi trên ghế, người chữa dùng ngón tay cái day những huyệt theo thứ tự sau, tưởng tượng huyệt nằm trên mặt phẳng của đồng hồ.Khi day thuận vòng tròn từ 1 tụ điểm tỏa rông ra thành vòng xoay tròn1-2cm .Khi day nghịch xoay từ 1 vòng tròn 2cm từ từ thu hẹp xoáy vào thành 1 tụ điểm.
Huyệt thứ 1 : Day huyệt Phong phủ theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 9 lần
Huyệt thứ 2 : Day huyệt Đầu duy bên phải bệnh nhân theo vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ 12 lần
Huyệt thứ 3 : Day huyệt Thừa linh bên trái bệnh nhân theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 27 lần
Huyệt thứ 4 : Day huyệt Đầu duy bên trái bệnh nhân theo vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ 24 lần
Huyệt thứ 5 : Day huyệt Bách Hội giữa đỉnh đầu theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 45 lần
Huyệt thứ 6 : Day huyệt Phong trì bên phaỉ bệnh nhân theo vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ 36 lần
Huyệt thứ 7 : Day huyệt Thừa linh bên phải bệnh nhân theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 63 lần
Huyệt thứ 8 : Day huyệt Phong trì bên trái bệnh nhân theo vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ 48 lần
Huyệt thứ 9 : Day huyệt Thần đình theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 81lần
b-Day Hà đồ trên mặt chỉnh thần kinh mặt, mắt, má, miệng, hàm .(Mỗi ngày day 3 lần)
Bệnh nhân nằm ngửa, người chữa áp dụng thủ thuật day bằng ngón tay cái như trên theo thứ tự các huyệt sau
Huyệt thứ 1 : Day huyệt Thừa tương theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 9 lần
Huyệt thứ 2 : Day huyệt Ty trúc không bên trái bệnh nhân theo vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ 12 lần
Huyệt thứ 3 : Day huyệt Hạ quan bên phải bệnh nhân theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 27 lần
Huyệt thứ 4 : Day huyệt Ty trúc không bên phải bệnh nhân theo vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ 24 lần
Huyệt thứ 5 : Day huyệt Nhân trung theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 45 lần
Huyệt thứ 6 : Day huyệt Giáp xa bên trái bệnh nhân theo vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ 36 lần
Huyệt thứ 7 : Day huyệt Hạ quan bên trái bệnh nhân theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 63 lần
Huyệt thứ 8 : Day huyệt Giáp xa bên phải bệnh nhân theo vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ 48 lần
Huyệt thứ 9 : Day huyệt Ấn đ ường theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ 81lần
15-Vuốt huyệt thông 6 đường kinh tay, chân theo vòng chân khí :
A-Vuốt vòng chân khí chức năng : để thông dương giúp chuyển hóa khí của lục phủ ngũ tạng
1-Vòng chân khí chức năng Nhâm-Đốc : (từ Nhâm sang Đốc)
a-Vuốt từ Cưu vĩ xuống Khí Hải 6 lần để chuyển huyết ra khí ( vuốt 9 lần để đổi khí ra huyết trong trường hợp thiếu máu)
b-Vuốt từ Linh Đài sang Á môn 6 lần.
2-Vuốt vòng chân khí chức năng Tâm khí : (Từ Tâm sang Tiểu trường)
a-Vuốt từ Thần môn đến Thiếu xung 6 lần
b-Vuốt từ Thiếu trạch lên Uyển cốt 6 lần
3-Vuốt vòng chân khí chức năng nhiệt tâm khí : (từ Tâm bào sang Tam tiêu)
a-Vuốt từ Đại lăng đến Trung xung 6 lần
b-Vuốt từ Quan xung đến Dương trì 6 lần
4-Vuốt vòng chân khí chức năng Can khí ( từ Can sang Đởm)
a-Vuốt từ Khúc tuyền đến Trung phong 6 lần
b-Vuốt từ Khâu khư đến Dương lăng tuyền 6 lần
5-Vuốt vòng chân khí chức năng Thận khí (Từ Thận sang Bàng quang)
a-Vuốt từ Âm cốc đến Thái khê 6 lần
b-Vuốt từ Côn lôn đến Ủy trung 6 lần
6-Vuốt vòng chân khí chức năng Phế khí : (Từ Phế sang Đại trường)
a-Vuốt từ Xích trạch đến Thái uyên 6 lần
b-Vuốt Dương khê đến Khúc trì 6 lần
7-Vuốt vòng chân khí chức năng Tỳ khí ( Từ Tỳ sang Vị)
a-Vuốt từ Âm lăng Tuyền đế Thương khâu 6 lần
b-Vuốt từ Giải khê đến Túc tam lý 6 lần
B-Vuốt vòng chân khí cơ sở để tăng âm giúp sinh hóa huyết bảo vệ và nuôi dưỡng tạng phủ, những bệnh tổn thương tạng phủ.
1-Vòng chân khí cơ sở Nhâm- Đốc : (Từ Nhâm sang Đốc)
a-Vuốt từ Thiên đột đến Cưu vĩ 9 lần (để chuyển khí thành huyết, nếu vuốt 6 lần để chuyến huyết thành khí) .
b-Vuốt từ Mệnh môn lên Linh Đài 9 lần
2-Vuốt vòng chân khí cơ sở Tâm khí : (Từ Tâm sang Tiểu trường)
a-Vuốt từ Thiếu hải đến Thần môn 9 lần
b-Vuốt từ Uyển cốt đến Tiểu hải 9 lần
3-Vuốt vòng chân khí cơ sở Nhiệt tâm khí : (Từ Tâm bào sang Tam tiêu)
a-Vuốt từ Khúc trạch đến Đại lăng 9 lần
b-Vuốt từ Dương trì đến Thiên tĩnh 9 lần
4-Vuốt vòng chân khí cơ sở Can khí : (Từ Can sang Đởm)
a-Vuốt từ Trung phong đến Đại đôn 9 lần
b-Vuốt từ Túc Khiếu âm đến Khâu khư 9 lần
5-Vuốt vòng chân khí cơ sở Thận khí : (Từ Thận sang Bàng quang)
a-Vuốt từ Thái khê đến Dũng tuyền 9 lần
b-Vuốt từ Chí Âm đến Côn lôn 9 lần
6-Vuốt vòng chân khí cơ sở Phế khí : (Từ Phế sang Đại trường)
a-Vuốt từ Thái Uyên đến Thiếu thương 9 lần
b-Vuốt từ Thương dương đến Dương khê 9 lần
7-Vuốt vòng chân khí cơ sở Tỳ khí : (Từ Tỳ sang Vị)
a-Vuốt từ Thương khâu đến Ẩn bạch 9 lần
b-Vuốt từ Lệ đoài đến Giải khê 9 lần
Ghi chú : Vuốt vòng chân khí như trên nghịch vòng ngũ hành theo phương pháp con hư bổ mẹ để chữa những bệnh hư chứng: đi từ hành hỏa Tâm hư, bổ mẹ là hành mộc Can khí, bổ mẹ của can là hành thủy Thận khí, bổ mẹ của thủy là hành kim Phế khí, bổ mẹ của phế kim là Tỳ thổ.
Ngược lại, để chữa những bệnh thực chứng, phải vuốt thuận theo vòng ngũ hành theo phương pháp mẹ thực tả con, vuốt từ hành hoả Tâm khí, Tâm nhiệt khí sang hành con là Tỳ thổ, đến con của Tỳ là Phế kim, con của kim là Thận thủy, con của thủy là Can mộc.
Tay chân tê lạnh, hư chứng vô lực, teo nhỏ, vuốt theo chiều bổ.
Tay chân nóng,cứng, sưng, khó cử động ,thực chứng, vuốt theo chiều tả.
16-Tìm bài thuốc thích hợp trong Sách : Chuyên khoa bệnh Cao áp huyết và biến chứng (trong trang nhà www.doducngoc.org)
17-Chữa méo miệng bằng ngoại khoa :
a-Ra tiệm thuốc bắc mua 1 chỉ quế tâm ( phần trong lõi của vỏ dầy thân cây quế, chứ không phải vỏ của cành nhánh cây quế gọi là quế chi ít cay nóng hơn quế tâm). Mài với nước thành một chất sền sệt rồi bôi vào huyệt Hạ quan bên má bị liệt (là bên má khi cười gân cơ không cử động ). Trong thời gian bôi thuốc chất quế cay nóng kích thích gân cơ má bị co giật hoạt động trở lại bình thường cho đến khi hết méo thì ngưng, nếu không bên liệt bị co kéo nhiều hơn sẽ làm bên lành bị méo.
b-Nếu quế tâm đắt, mua 3 chỉ bã đậu, lấy 3 hạt bã đậu lột vỏ, giã nát đắp vào huyệt Lao cung giữa lòng bàn tay bên miệng liệt, lấy vải hay băng keo quấn giữ cho khỏi rớt thuốc ra. Mỗi ngày làm một lần cho đến khi hết liệt mặt.Cũng chờ khi miệng hết liệt thì ngưng.
c-Nếu bấm bằng huyệt : Dùng 2 ngón tay cái bấm đè vào huyệt Hạ quan 2 bên má (Giao điểm của 2 khớp xương hàm răng trên và hàm răng dưới. Há miệng lớn trước gương, nhìn xem bên nào méo, thí dụ bên trái méo, thì day ấn đau ở huyệt bên phải cho miệng sẽ kéo về bên phải, và ngược lại. Cứ điều chỉnh cho miệng kéo về bên này, bên kia dần dần cho đến khi soi gương trông thấy miệng há lớn và ngáp không còn bị lệch nữa mới thôi.
Khi một người bị méo miệng, nếu châm cứu chỉ làm cho hết méo khi không mở miệng nói chuyện, nếu trình độ thầy châm cứu giỏi hơn một bậc nữa mới chữa được miệng hết méo khi cười hay nói chuyện. Nhưng khi bệnh nhân ngáp hay há miệng lớn vẫn còn bị méo lệch cần phải được thầy châm cứu có trình độ cao hơn một bậc nữa mớI chữa được. Nhưng phương pháp của khí công tự chữa bệnh hay nhờ người khác day bấm trên huyệt Hạ Quan, sẽ điều chỉnh được miệng hết méo luôn cả 3 trường hợp, có kết qủa ngay trong thời gian nhanh nhất.
18-Thập toàn đại bổ thang :
Nếu áp huyết thấp, thuộc bệnh tê liệt bại xuội, người không có sức, tay chân vô lực, ăn ngủ không được, nên uống thuốc Thập toàn đại bổ thang. Toa thuốc trong trang nhà www.doducngoc.org
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top