cac vuong trieu dinh-tien-le
Các Vương triều Ngô - Đinh - Tiền Lê
Các Vương triều Ngô - Đinh - Tiền Lê
Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương hiệu (939), thực sự đã khôi phục nền độc lập và chủ quyền quốc gia, chấm dứt 10 thế kỷ Bắc thuộc. Nói như sử cũ, "Ngô Vương Quyền nối lại quốc thống" . Tài năng và uy tín cá nhân đã giúp Ngô Quyền duy trì được một chính quyền tập trung chuyên chế, mặc dù lúc đó vẫn tồn tại ở trong nước nhiều thế lực của các hào trưởng địa phương, có xu hướng cát cứ.
Năm năm sau, Ngô Quyền mất (944). Các con của Ngô Quyền (Xương Ngập, Xương Văn) không đủ uy tín và sức mạnh để duy trì chính quyền quân chủ tập trung. Dương Tam Kha (em vợ Ngô Quyền) âm mưu cướp ngôi. Các thổ hào, lãnh chúa nổi lên khắp nơi, cát cứ chống lại chính quyền trung ương. Sau khi Xương Ngập (954) và Xương Văn chết (965), triều Ngô thực tế không còn tồn tại, đất nước rơi vào thế hỗn loạn của nhiều tướng lĩnh chiếm cứ các vùng địa phương, đánh lẫn nhau. Sử cũ gọi là "Loạn 12 sứ quân".
Lãnh thổ Việt Nam giữa thế kỷ X bao gồm phần đất Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trên địa bàn đó, tồn tại 12 sứ quân cát cứ.
- Phú Thọ, Vĩnh Phúc có các sứ quân: Kiều Công Hãn, Nguyễn Khoan.
- Hà Nội: Nguyễn Siêu
- Hà Tây: Ngô Nhật Khánh, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Thuận
- Bắc Ninh: Lý Khuê, Nguyễn Thủ Tiệp
- Hưng Yên: Phạm Bạch Hổ, Lữ Đường
- Thái Bình: Trần Lãm (sau liên kết với Đinh Bộ Lĩnh)
- Thanh Hóa: Ngô Xương Xí (con Ngô Xương Ngập)
Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư (Ninh Bình), từ nhỏ có chí khí, có tài tập hợp và lãnh đạo quần chúng. Sau khi Trần Lãm chết, Đinh Bộ Lĩnh trở thành lực lượng mạnh mẽ, nổi bật, lần lượt dẹp yên các thế lực cát cứ thu về một mối. Năm 968, ông lên ngôi, tự xưng là Hoàng đế (thường gọi là Đinh Tiên Hoàng) lấy niên hiệu Thái Bình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng triều chính, bước đầu thống nhất đất nước.
Năm 979, nội bộ triều Đinh lục đục. Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị giết hại. Đinh Toàn (mới 6 tuổi) lên nối ngôi. Các tướng lĩnh trong triều chia thành phe phái, đánh lẫn nhau. Ở Trung Quốc, nhà Tống đang lăm le xâm phạm bờ cõi. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn sau khi tiêu diệt Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, đã nắm trọn quyền bính. Năm 980, trước sự đe dọa xâm lược của nhà Tống, được sự ủng hộ và suy tôn của Dương Thái hậu (mẹ Đinh Toàn), theo đề nghị của Phạm Cự Lạng, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế (thường gọi là Lê Đại Hành), chuẩn bị kháng chiến, lập ra nhà Tiền Lê.
Được sự phò tá của Phạm Cự Lạng và các cố vấn như các nhà sư Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Lê Hoàn đã tổ chức phòng ngự ở kinh đô Hoa Lư, thành Đại La và phòng tuyến cửa ngõ Bạch Đằng - Hoa Lư. Ở đây, theo kế Ngô Quyền. Lê Hoàn đã cho bố trí trận địa cọc ở lòng sông. Mặt khác, nhà vua sai gửi thư sang nhà Tống, tìm kế hoãn binh.
Cuối năm 980, theo kế hoạch tốc chiến, bất ngờ, quân Tống đã đem quân ồ ạt xâm lược Đại Cồ Việt do Hầu Nhân Bảo làm Tổng chỉ huy cả 2 đạo quân bộ (Tôn Toàn Hưng, sau là Trần Khâm Tộ) và thủy (Lưu Trừng). Sau một vài trận giao chiến, Lê Hoàn đã dùng kế trá hàng, dụ quân Tống vào trận địa phục kích Bạch Đằng, đánh tan giặc, giết Hầu Nhân Bảo tại trận tháng 4-981. Cánh quân bộ của Trần Khâm Tộ cũng bị truy kích ở Tây Kết. Đại bại, quân Tống phải tháo chạy về nước. Nền độc lập và thống nhất của Đại Cồ Việt qua thử thách càng được củng cố.
Năm sau (982), Lê Hoàn đã đem quân tấn công Champa, giữ yên và củng cố vùng biên giới phía nam.
Năm 1005, Lê Hoàn mất. Các con tranh chấp ngôi vua. Lê Long Đĩnh nối ngôi, là người tàn ác, trụy lạc, mắc bệnh phải nằm họp triều đình (nên thường gọi là Lê Ngọa triều) không đủ năng lực và uy tín trị nước. Sau khi Lê Long Đĩnh chết (1009), triều thần do Đào Cam Mộc khởi xướng, đã suy tôn Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên làm vua, chấm dứt nhà Tiền Lê.
2. Nhà nước và chính quyền Đại Cồ Việt
Kế tục triều Ngô, nhà nước Đại Cô Việt thời Đinh - Tiền Lê về cơ bản là một nhà nước võ trị. Các vua (Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành) đều xuất thân là những tướng lĩnh quen trận mạc, là tổng chỉ huy tối cao quân đội, nắm giữ mọi quyền hành. Hệ thống quan lại phần lớn là các quan võ. Thời Lê Hoàn có các chức Đại tổng quản, Thái uý, Điện tiền chỉ huy sứ... .
Quân đội Đại Cồ Việt là một quân đội đông và mạnh. Theo sử cũ, quân đội thời Đinh có tới 1 triệu người (?), chia thành 10 đạo, bên dưới có các loại quân, lữ, tốt, ngũ. Quân sĩ đều đội mũ da, gọi là mũ " tứ phương bình đính". Coi giữ kinh thành là lực lượng Cấm quân và quân tứ sương. Thời Lê Hoàn có tới 3000 cấm quân, trán khắc chữ "Thiên tử quân", đội mũ đâu mâu. Vũ khí có cung nỏ, mộc bài, giáo mác. Lực lượng thuyền chiến mạnh đã đánh thắng quân Tống và Champa. Các vua Đinh - Tiền Lê đều dùng quân đội trấn áp các vụ phản loạn trong nước.
Dưới chế độ võ trị, luật pháp thời Đinh - Tiền Lê còn nghiêm khắc và tuỳ tiện, dựa theo ý muốn của nhà vua. Đinh Bộ Lĩnh đặt vạc dầu và cũi hổ ở sân triều để trừng phạt phạm nhân. Lê Hoàn hay xử phạt đánh roi những ai làm phật ý mình. Lê Long Đĩnh lấy việc giết người làm trò vui.
Trên lý thuyết, để khẳng định uy thế, các vua Đinh - Tiền Lê đã xây dựng bộ máy triều nghi của mình theo mô hình nhà Tống. Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn đều lập cho mình 5 hoàng hậu, đặt ngôi Thái tử, cử các hoàng tử đi trấn trị các địa phương. Đất nước thời Đinh chia làm 10 đạo, Lê Hoàn đổi thành lộ.
Trên thực tế, bộ máy triều đình và quan lại còn rất sơ sài. Khi gặp sứ Tống, Lê Hoàn còn đang đi chân đất, cầm xiên lội nước xiên cá, vào triều lại chơi trò đọ tay với quần thần. Đó chưa phải là một nhà nước quy củ theo chế độ phong kiến.
3. Tình hình kinh tế - văn hóa
Các vua Đinh - Tiền Lê khi lên ngôi hoàng đế đều đã cố gắng thực thi quyền sở hữu ruộng đất nhà nước, vừa để khẳng định quyền lực vừa để nắm lấy thần dân, thu tô thuế, bắt lính. Nhà nước đã có những khu đất tịch điền ở Đọi Sơn (Hà Nam) và Bàn Hải do triều đình trực tiếp quản lý để phục vụ tế lễ. Hằng năm mùa xuân nhà vua đích thân làm lễ tịch điền, đi vài đường cày để nêu gương. Các vua Đinh, tiền Lê cũng phong cấp đất đai cho các hoàng tử, quý tộc và quan lại. Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Trần Lãm thực ấp ở Sơn Nam (Nam Định), sau lại cấp trang Lạc Đạo (Ninh Bình), phong đất cho hào trưởng Lê Lương làm thái ấp thuộc các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Quảng Xương (Thanh Hóa). Lê Hoàn đã cử các hoàng tử đi trấn trị tại các địa phương, phong đất cho họ để được hưởng quyền thu thuế. Lê Long Đĩnh đã phong cho Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn thực ấp ở Đằng Châu (Hưng Yên). Nhà nước cũng bước đầu thi hành chính sách trọng nông, khuyến khích sản xuất như đào vét các sông kênh (Đá Cai, Bà Hòa) ở vùng Thanh- Nghệ.
Triều đình cũng chú ý phát triển một số ngành nghề thủ công nghiệp để phục vụ vua quan và quân đội, nhất là ở kinh đô Hoa Lư. Các vua Đinh - Tiền Lê khi lên ngôi, đều cho thợ đúc tiền đồng như Thái bình thông bảo (Đinh) và Thiên phúc thông bảo (Lê). Nhiều thợ thủ công đã được tập trung ở Hoa Lư như thợ nề, thợ đá, mộc, ngọc, chạm khắc, dát vàng bạc để xây dựng kinh đô trong đó có nhiều cung điện lớn lợp ngói bạc, các cột dát vàng bạc.
Trong dân gian, các nghề truyền thống như dệt vải lụa, làm giấy tiếp tục phát triển. Tiền tệ cũng thúc đẩy việc trao đổi buôn bán hàng hóa trong các chợ làng quê và một số trị sở Hoa Lư, Tống Bình, Long Biên. Việc trao đổi buôn bán vật phẩm cũng được thực hiện với Trung Quốc và với các thuyền buôn nước ngoài.
Cùng với việc xây dựng một chính quyền nhà nước có chủ quyền, ở Đại Cồ Việt nửa sau thế kỷ X cũng đã manh nha những mầm mống của một nền văn hóa mang tính dân lộc.
Đạo Nho tuy đã xâm nhập vào Việt Nam từ đầu thời Bắc thuộc, nhưng đến lúc này, vẫn không tạo được những ảnh hưởng đáng kể, nổi trội trong đời sống tâm linh vẫn là những tín ngưỡng dân gian hòa trộn với những tôn giáo có nguồn gốc từ nền văn minh Nam Á như Phật và Đạo. Triều đình Đinh - Tiền Lê đã suy tôn Phật giáo làm Quốc giáo. Ở kinh đô Hoa Lư đã xây dựng nhiều chùa chiền (chùa Bà Ngô, chùa Tháp, chùa Nhất Trụ) và các cột kinh Phật. Các nhà sư thời kỳ này như Sùng Phạm, Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu (Khuông Việt), Vạn Hạnh đã là các trí thức được sử dụng như những cố vấn cung đình và những nhà ngoại giao đắc lực của nhà vua, đặc biệt trong các dịp tiếp sứ thần nhà Tống. Phật giáo thường kết hợp với Đạo giáo, như Trương Ma Ni đã được phong chức Tăng lục đạo sĩ.
Nhiều loại hình văn hóa dân gian đã tồn tại trong thời Đinh - Tiền Lê: ca múa nhạc (qua truyền thuyết về bà Phạm Thị Trân dạy quân sĩ đánh trống), tạp kỹ như đi trên dây, đánh đu, trồng cây chuối (qua truyền thuyết về Văn Du Tường dùng mưu diệt quỷ Xương Cuồng ở Bạch Hạc).
Các vương triều Ngô- Đinh- Tiền Lê có thể coi như một thời kỳ lịch sử quá độ từ ngoại thuộc qua tự chủ đến độc lập. Những thập kỷ bản lề đó đã bước đầu thực hiện được sự nghiệp khôi phục độc lập, thống nhất quốc gia, xây dựng chính quyền quân chủ và đặt nền móng cho một nền văn hóa dân tộc sự nghiệp đó sẽ được củng cố và phát triển lên một tầm cao mới trong những thế kỷ tiếp sau.
Nguồn:Nguyễn Quang Ngọc 2006, Chương III - Việt Nam từ giữa thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIV, Tiến trình Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Giáo Dục, Tr.66 - 70.
Sau khi đánh bại cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Nam hán, với uy danh của chiến thắng Bạch Đằng, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chế độ tiết độ sứ, xây dựng triều đình mới, lấy Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) làm kinh đô, dựng cung điện.
Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm, Ba Vì (Hà Tây)
Sử cũ không cho biết gì thêm về tổ chức nhà nước trung ương đương thời. Ở địa phương, các châu huyện được giữ nguyên. Các thứ sử như Đinh Công Trứ tiếp tục cai quản châu của mình. Giáp, làng vẫn là những đơn vị hành chính cơ sở. Bên cạnh các xóm làng cổ truyền có một số làng mới hình thành và một vài trang trại. Những chủ trang trại có thể là quan chức cũ của chính quyền đô hộ, ở lại lập nghiệp lâu dài trên đất nước ta như họ Hồ ở trang Bàu Đột (Quỳnh Lưu - Nghệ An), họ Lã ở Tiên Du (Bắc Ninh)...hoặc các thổ hào địa phương như họ Dương Ở Dương Xá (Đông Sơn - Thanh Hóa), họ Lê ở Đông Sơn (Thanh Hóa) v.v...
Tuy đã trải qua hơn 30 năm độc lập với hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhưng những tàn dư của chế độ đô hộ cũ vẫn còn nhiều, tình hình xã hội còn phức tạp. Sự thành lập của nhà Ngô với người đứng đầu là Ngô Quyển chưa đủ điều kiện để giữ vừng sự ổn định lâu dài.
Năm 944, Ngô Quyền chết. Người em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi và xưng là Bình Vương. Con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập sợ liên lụy đã phải bỏ trốn khỏi kinh thành lên đất Trà Hương (Kim Thành - Hải Dương) nương nhờ hào trưởng Phạm Lệnh Công. Mâu thuẫn trong dòng họ thống trị nảy sinh. Năm 950, Ngô Xương Văn (em của Xương Ngập) được sự ủng hộ của các chỉ huy sứ Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi đã nhân việc cầm quân đi đàn áp cuộc nổi dậy của các thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình (Quốc Oai - Hà Tây), quay về kinh đô bắt Dương Tam Kha, giành lại chính quyền. Xương Văn tự xưng là Nam tấn vương và cho người lên Trà Hương mời anh mình về cùng coi việc nước. Xương Ngập về, tự xưng là Thiên sách vương, nắm hết quyền hành. Mâu thuẫn nội bộ nhà Ngô đã tạo điều kiện cho các thổ hào, thứ sử địa phương nổi dậy, mộ quân, làm chủ vùng mình trấn trị, tách khỏi chính quyền trung ương.
Nguồn: Đại cương Lịch sử Việt Nam - Tập 1. Nhà Xuất bản Giáo Dục - Chủ biên G.S Trương Hữu Quýnh. Tr 108-110
Thế phả nhà Ngô:
Ngô Vương (939-944)
Dương Tam Kha
Hậu Ngô Vương (950-965)
Triều Ngô (939-967) Ngô Quyền Phá Quân Nam Hán (897-944)
Ngô Quyền là bộ tướng của Dương Đình Nghệ sinh ngày 12 tháng 3 nǎm Đinh Tỵ (897) ở Đường Lâm (Ba Vì, Hà Tây). Cha Ngô Quyền là Ngô Mân, một hào trưởng có tài. Lớn lên trên quê hương có truyền thống bất khuất, nơi sản sinh và nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền sớm tỏ rõ chí khí phi thường hiếm thấy. Vì có tài nên Dương Đình Nghệ giao cho Ngô Quyền cai quản đất A'i Châu và gả con gái cho. Trong 5 nǎm (934-938), Ngô Quyền đã đem lại yên vui cho đất A'i Châu, tỏ rõ là người có tài đức.
Khi Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại, và vua Nam Hán là Lưu Cung cho con là Vạn vương Hoằng Tháo đem quân sang xâm lược nước ta, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng để trừ nội phản, diệt ngoại xâm.
Tháng 12 nǎm Mậu Tuất (938) các chiến thuyền của giặc hùng hổ vượt biển tiến vào sông Bạch Đằng. Chúng nghênh ngang tràn vào trận địa mai phục của Ngô Quyền. Bị đánh bất ngờ nên chỉ trong một thời gian rất ngắn thuyền giặc bị đắm gần hết, quân giặc bị chết quá nửa, máu chảy loang đỏ khúc sông, Hoằng Tháo cũng bị đâm chết tại trận.
Sau chiến thắng, Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chức Tiết độ sứ, đóng đo ở Cổ Loa (Hà Nội). Để củng cố trật tự triều chính, Ngô Quyền đặt ra các chức quan vǎn võ, quy định nghi lễ trong triều. Đáng tiếc, thời tại ngôi của Ngô Quyền quá ngắn ngủi, chỉ được 6 nǎm (939-944) thì mất, thọ 47 tuổi
-Loạn 12 sứ quân (966-968):
Loạn 12 sứ quân - Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước :
Từ những năm 960, đất nước càng rối loạn. Ngô Xương Văn (Xương Ngập chết vào năm 954) nhiều lần đem quân đi đàn áp các cuộc nổi loạn nhưng không có kết quả. Năm 965, Xương Văn chết. Đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn. Nổi lên 12 vùng đất biệt lập do 12 thủ lĩnh đứng đầu mà sử cũ gọi là 12 sứ quân :
1 Kiều Công Hãn tự xưng là Kiều Tam Chế chiếm giữ Phong Châu (Phú Thọ)
2. Nguyễn Khoan tự xưng là Nguyễn Thái Bình chiếm giữ Tam Đái (Phú Thọ),Yên Lạc (Vĩnh Phúc)
3. Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công chiếm giữ Đường Lâm (Hà Tây)
4. Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ vùng Bảo Đà (Thanh Oai - Hà Tây)
5. Ngô Xương Xí - con của Ngô Xương Ngập - chiếm giữ Bình Kiều (Thanh Hóa)
6. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công giữ đất Siêu Loại (Bắc Ninh)
7. Nguyên Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công chiếm giữ Tiên Du (Bắc Ninh)
8. Lữ Đường tự xưng là Lữ Tá Công chiếm giữ Tế Giang(Văn Giang-Hưng Yên)
9. Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công chiếm giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì - Hà Nội)
10 Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công chiếm giữ vùng Cẩm Khê (Hà Tây)
11 Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át chiếm giữ Đằng Châu(Hưng Yên)
12. Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công chiếm giữ Bố Hải Khẩu (Thái Bình)
Ngoài ra còn một số thế lực khác như Ngô Xử Bình, Dương Huy và đặc biệt là Đinh Bộ Lĩnh mà sử cũ không xếp vào hàng ngũ các sứ quân. Có thể thấy, trong số sứ quân này có một số vốn là tướng lĩnh của họ Ngô, một số là con cháu của các quan chức nhà Đường cũ.
Cùng thời gian này, từ năm 960, Ở Trung Quốc nhà Tống thành lập, chấm dứt thời kì "ngũ đại thập quốc" và bắt đầu mở rộng thế lực xuống phía nam. Nguy cơ ngoại xâm lại xuất hiện và đe dọa.
Đất nước đứng trước một thử thách lớn. Từ đất Hoa Lư (Ninh Bình) nổi lên người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh.
Đinh Bộ Lĩnh người làng Đại Hữu (huyện Gia Viễn - tỉnh Ninh Bình) là con trai của thứ sử Đinh Công Trứ. Thủa nhỏ sống với mẹ ở Đàm Gia, thường cùng lũ trẻ chăn trâu trong vùng chơi trò đánh nhau, lấy bông lau làm cờ. Nhờ có tài chỉ huy, lại có chí lớn nên được bạn bè kính phục. Lớn lên vào lúc nhà Ngô suy, ông đã cùng các bạn thân thiết như Đinh Điền, Nguyễn Bặc tổ chức lực lượng, rèn vũ khí và chiếm giữ vùng đất Hoa Lư. Nhân dân địa phương cũng suy tôn và ủng hộ ông nhiệt liệt.
Từ đầu những năm 50, thanh thế của quân ông đã nổi, khiến Nam tấn vương lo sợ, đem quân đến đánh. Nhờ sức chiến đấu quyết liệt và sự ủng hộ của nhân dân, Đinh Bộ Lĩnh đã buộc Nam Tấn vương phải rút quân.
Nhà Ngô đổ. Tình hình đất nước rối loạn. Đinh Bộ Lĩnh quyết định tiến quân đánh các sứ quân. Để tăng thêm lực lượng, ông đã liên kết với sứ quân Trần Lãm, sau đó chiêu dụ được sứ quân Phạm Phòng Át, rồi tiến ra Giao Châu. Các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng. Đến cuối năm 967, đất nước trở lại yên bình trong thống nhất.
Nguồn: Đại cương Lịch sử Việt Nam - Tập 1. Nhà Xuất bản Giáo Dục - Chủ biên G.S Trương Hữu Quýnh. Tr 110-111
Nhà Đinh (968-980)
Nhà Đinh 12 năm (968-980), quốc hiệu Đại Cồ Việt, kinh đô Hoa Lư (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình)
Đất nước trở lại thống nhất, yên bình. Năm 968, Vạn Thăng vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (tức Đinh Tiên Hoàng) đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt đóng đô ở Hoa Lư. Mùa xuân năm 970; tiến thêm một bước, Đinh Bộ Lĩnh bỏ không dùng niên hiệu của nhà Tống, tự đặt niên hiệu là Thái Bình và sai sứ sang giao hảo với nhà Tống. Một quốc gia độc lập có quốc hiệu, có nhà nước riêng do hoàng đế đứng đầu đã được xác lập.
Năm 978, Đinh Tiên Hoàng lập con nhỏ là Hạng Lang làm thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ vương. Đinh Liễn là con trai đầu, đã từng có nhiều công lao trong sự nghiệp đánh dẹp 12 sứ quân, dựng nên triều đại mới, chỉ được phong Nam Việt vương. Không chấp nhận điều đó, Đinh Liễn cho người ngầm giết Hạng Lang. Sự việc chưa có gì đổi mới thì cuối năm 979, nhân một bửa tiệc rượu trong cung của hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, một viên quan hầu tên là Đỗ Thích đã ám hại cả hai.
Đỗ Thích bị bắt giết. Triều thần đưa Vệ vương Toàn mới 5 tuổi lên nối ngôi. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được cử làm phụ chính. Vì nghi ngờ Lê Hoàn có ý định cướp ngôi, các tướng cũ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Điền, Nguyễn Bạc, Phạm Hạp đã đưa quân về kinh định giết ông. Cuộc chiến xảy ra. Đinh Điền, Phạm Hạp, Nguyễn Bác đều bị giết.
Giữa lúc đó thì nhà Tống, nhân sự kiện Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị ám hại, quyết định đem quân sang xâm lược Đại Cồ Việt. Trước nguy cơ ngoại xâm đang đến gần, bà thái hậu họ Dương - mẹ đẻ của Đinh Toàn - đã cử Lê Hoàn làm tổng chỉ huy quân đội, chuẩn bị cuộc kháng chiến. Trong buổi hội triều bàn kế hoạch chống giặc, dựa vào đề nghị của các tướng lĩnh, bà thái hậu họ Dương đã khoác áo long cổn lên mình Lê Hoàn và mời ông lên ngôi vua.
Lê Hoàn là người Xuân Lập (Thọ Xuân - Thanh Hóa), quê gốc ở Thanh Liêm (Hà Nam), cha, mẹ chết sớm, được một viên quan sát họ Lê nuôi. Lớn lên, ông theo giúp Đinh Liễn, lập nhiều công trạng, khi nhà Đinh thành lập, ông được phong chức Thập đạo tướng quân.
Nhà Lê thành lập (sau gọi là Tiền Lê). Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành) giữ nguyên tổ chức bộ máy nhà nước của thời Đinh với kinh đô Hoa Lư.
-Nhà Tiền Lê, kinh đô Hoa Lư (29 năm, 980 - 1009)
Tình hình nội trị và ngoại giao thời Tiền Lê
- Sau khi đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tống, Lê Hoàn bắt tay vào việc ổn định tình hình trong nước. Ngoài việc tổ chức lại chính quyền, mở mang đường sá, khuyến khích nhân dân sản xuất, nhà Lê phải lo chống lại các cuộc nổi dậy của nhân dân các vùng xa, đặc biệt là ở các châu phía nam.
Năm 989, quản giáp Dương Tiến Lộc được cử đi thu thuế ở hai châu Ái, Hoan, đã nhân đó liên kết với một số thủ lĩnh địa phương giữ châu, chống lại triều đình. Lê Hoàn phải cầm quân đi đánh dẹp.
Các năm 999, 1001, Lê Hoàn lại phải đem quân đánh dẹp các cuộc nổi dậy của người Hà Động, Cử Long (đều thuộc miền tây Thanh Hóa). Tình hình tạm yên trong một thời gian.
Năm 1008, dân hai châu Đô Lương, Vị Long (thuộc Tuyên Quang) nổi dậy. Lê Long Đỉnh đã cầm quân đi đánh. Tiếp đó, năm 1009, Lê Long Đỉnh lại phải đem quân đi đánh người châu Thạch Hà... (thuộc Hà Tĩnh).
Tình hình này vẫn còn diễn ra trong nhiều năm dưới thời Lý.
- Trong công cuộc ổn định tình hình ở phía nam, nhà Tiền Lê còn phải đối phó với những hoạt động xâm lấn của Chăm pa.
Năm 979, Khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị ám hại, vua Chăm pa nghe lời xúi giục của Ngô Nhật Khánh (phò mã của nhà Đinh) đã cho thủy quân tiến ra, định xâm lấn vùng nam Đại Cồ Việt. Chẳng may, hạm thuyền Chăm pa bị bão tố đánh đắm, vua Chăm pa buộc phải chạy về nước.
Năm 980, sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đã cử Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chăm pa đặt quan hệ hòa hiếu, nhằm yên mặt nam để chống giặc Tống. Vua Chăm pa cậy thế hùng mạnh, đã bắt giữ các sứ thần.
Năm 982. sau khi đã đánh bại quân Tống, Lê Hoàn quyết định đem quân đánh Chăm pa, tiến thảng đến kinh đô, phá hủy thành trì rồi rút quân về. Quan hệ Việt - Chăm tạm yên.
- Quan hệ với nhà Tống sau chiến tranh bắt đầu hòa hoãn, tốt đẹp. Năm 982, 983 Lê Hoàn sai sứ sang Tống cầu phong, đặt lại quan hệ hòa hiếu.Năm 986, nhà Tống cử sứ bộ sang phong Lê Hoàn làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ, kinh triệu quận hầu. Lê Hoàn đã nhân đó trao trả nhà Tống hai tên tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân.
Năm 987, nhà Tống cử Quốc tử giám bác sĩ là Lý Giác sang sứ nước ta. Với ý thức dân tộc, không chịu thua kém nước người, Lê Hoàn đã cử một nhà sư giỏi là Đỗ Thuận đóng giả làm Giang lệnh, chèo đò sang đón sứ. Ra giữa sông, Lý Giác nhìn thấy đôi ngỗng đang bơi, bèn ứng khẩu ngâm hai câu thơ :
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Nghĩa là
Ngỗng kia, ngỗng một đôi
Ngửa mặt nhìn chân rời
Đỗ Thuận bình tĩnh vừa chèo đò vừa đọc tiếp :
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
Nghĩa là
Lông trắng phô nước biếc
Rẽ sóng, chèo hồng bơi
Lý Giác vừa ngạc nhiên vừa khâm phục và từ đó luôn luôn tỏ ra kính nể triều đình nhà Tiền Lê.
Năm 990, sứ nhà Tống là Tống Cảo sang nước ta phong thêm cho Lê Hoàn hai chữ "đặc tiến". Lê Hoàn đã dàn chiến thuyền trên sông để đón sứ, sau đó lên bộ cùng sứ thần đi ngựa về cung. Đến điện Minh Đức, Lê Hoàn nhận sắc phong nhưng không lạy, lấy cớ là vừa qua đi đánh giặc bị ngã ngựa, chân đau. Trong tiệc thết đãi, Lê Hoàn lại nói với Tống Cầu về tâu với vua Tống là từ sau, khi có quốc thư thì cho giao nhận ngay ở đầu địa giới, không phiền phải đến tận kinh đô nữa. Đề nghị này đã được vua Tống chấp nhận.
Năm 991, Lê Hoàn sai sứ sang Tống đáp lễ.
Năm 993, nhà Tống sai sứ sang phong Lê Hoàn làm Giao Chỉ quận vương,tiếp đó năm 997, vua Tống lại phong Lê Hoàn làm Nam bình vương.
Quan hệ Việt - Tống tốt đẹp. Nhà Tiền Lê tuy chịu thần phục nhà Tống, hàng năm nộp cống đầy đủ, nhưng luôn luôn giữ vững tinh thần tự chủ, độc lập.
Năm 1005, Lê Hoàn chết. Các con của Lê Hoàn tranh chấp ngôi vua, đem quân đánh lẫn nhau. Năm 1006, viên tri Quảng Châu của nhà Tống dâng sớ xin đem quân xâm lược Đại Cồ Việt. Vua Tống đã khước từ, nói :"Họ Lê thường vẫn sai con vào chầu, không thiếu trung thuận, nay nghe tin mới chết, chưa có lễ thăm viếng đã vội đem quân sang đánh trong lúc có tang,có phải là việc làm của đấng vương giả đâu ? "
Ít lâu sau, an phủ sứ Thiệu Việp lại xin vua Tống đánh chiếm nước ta một lần nữa nhưng vua Tống vẫn bảo : "Giao Châu độc địa, nếu đem quân sang đánh, chết hại rất nhiều, nên giữ cẩn thận cõi đất của tổ tông mà thôi".
Năm sau đó, vua Tống phong Lê Long Đỉnh là Giao Chỉ quận vương và đúc ấn ban cho. Long Đỉnh đã nhân đó, xin được thông thương với vùng Hoa Nam.
Nhà Tiên Lê suy vong. Nhà Lý được thành lập
Lê Hoàn chết, con là Long Việt lên nối ngôi mới được 3 ngày thì bị em là Long Đỉnh giết và cướp ngôi. Xảy ra cuộc chiến giữa các hoàng tử và Long Đỉnh, tranh chấp ngôi vua, kéo dài trong 8 tháng. Các hoàng tử lần lượt bị giết hoặc chịu hàng phục Long Đỉnh (tức Lê Ngọa Triều). Lê Long Đinh chấn chỉnh lại triều đình, đặt quan hệ với nhà Tống và đem quân đi trấn áp các cuộc nổi dậy của những vùng xa. Tình hình trở lại ổn định. Lê Long Đỉnh xoay sang ăn chơi trụy lạc nên mắc bệnh trĩ phải nằm để hội chầu với các quan, Long Đỉnh lại thích những trò hành hình dã man như đốt người, xéo thịt, thả người trôi sông, bắt trèo cây cao rồi chặt đổ cho người rơi xuống chết. Trong cung lại nuôi một số người chuyên pha trò những lúc vua nói với các quan. Chính sự đổ nát, lòng người chăn nản.
Trước tình hình đó, một số nhà sư ở châu Cổ Pháp (Bắc Ninh) đã truyền nhau những câu "sấm" nói về sự sụp đổ tất yếu của nhà Tiền Lê.Tháng 11 năm 1009, Lê Ngọa Triều chết. Được sự ủng hộ của các nhà sư và theo lời "sấm kí", chi hậu Đào Cam Mộc cầm đầu một số triều thần đưa Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, Lý Công Uẩn lên làm vua.
Lý Công Uẩn là người châu Cổ Pháp, thủa nhỏ làm con nuôi của nhà sư Lý Khánh Văn, sau đó đến học ở chùa Lục Tổ của sư Vạn Hạnh. Lớn lên, ông được cử chỉ huy quân Điện tiền, thăng dần lên chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, Lý Công Uẩn là người vừa có học, có đức lại biết xử sự đúng nên rất được triều thần nhà Tiên Lê quý trọng.
Lý Công Uẩn lên ngôi, xuống lệnh đại xá cho thiên hạ, quyết định lấy năm 1010 làm năm Thuận Thiên thứ nhất. Nhà Lý thành lập, một giai đoạn mới trong lịch sử bắt đầu.
Nguồn: Đại cương Lịch sử Việt Nam - Tập 1. Nhà Xuất bản Giáo Dục - Chủ biên G.S Trương Hữu Quýnh. Tr 117-119
-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top