Lê Tư Thành
Lê Tư Thành (chữ Hán: 黎思誠, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1442), hay Bình Nguyên vương (平原王), Gia vương (嘉王), hiệu Thiên Nam Động Chủ (天南洞主), Đạo Am Chủ Nhân (道庵主人), Tao Đàn Nguyên Soái (騷壇元帥). Ngoài ra còn có huý, bí danh khi đi vi hành và tên dùng trong văn kiện ngoại giao là Lê Hạo (黎灝). Cậu là hoàng tử thứ tư của vua Lê Thái Tông và Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Năm 1460, sau chính biến Thiên Hưng, cậu được 19 tuổi thì các đại thần đón lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Thuận (光順).
Với tiêu chuẩn sắc đẹp thời xưa, Tư Thành được coi là "thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường". Cậu có dáng người cao ráo, lưng thẳng, đầu ngẩng cao. Đôi mắt xếch hẹp và dài, lông mày như kiếm, mũi cao hơi hếch, có cái răng khểnh bên trái. Tóc cắt ngắn gọn gàng vuốt ngược ra sau, hoặc để dài ngang vai rồi búi lên (thời trẻ). Cả người cậu đều toát ra thần thái của bậc vương giả. Lúc còn là Bình Nguyên vương, Tư Thành không mấy quan tâm đến vẻ bề ngoài, nhưng từ khi lên ngôi vua, cậu rất chú ý đến cách ăn mặc và hình tượng của mình. Lúc đầu cậu có hơi ngán ngẩm, rồi dần dần cũng quen. Tư Thành luôn đeo bên mình một món trang sức bằng bạc (nhẫn, vòng cổ, vòng tay, lắc chân...) để thử độc và bùa hộ mệnh để chống lại những kẻ có âm mưu ám hại mình. Trong ống tay áo của cậu lúc nào cũng thủ sẵn một hoặc hai món vũ khí phòng thân.
Tư Thành là một vị vua nhiều tài nhưng cũng lắm tật. Lớn lên trong cung cấm, không mang theo gánh nặng ngôi báu, Tư Thành thỏa sức học tập và rèn luyện bản thân. Cậu thông minh, sắc bén, ham học hỏi (luôn mang sách theo mình 24/7) và có chí cầu tiến trong hầu hết những lĩnh vực mà cậu cảm thấy sẽ giúp ích cho mình sau này. Cậu rất hiếu thắng, thích thi đấu từ văn đến võ, nhưng trước khi ra lời thách đấu đều tính toán kỹ lưỡng tỉ lệ thắng-bại của mình. Giống như anh trai Khắc Xương và Bang Cơ, Tư Thành đã tự luyện tập kĩ năng đọc và đoán tâm tư của người khác. Trong những buổi thiết triều, cậu đều luyện nó với những quan lại lớn tuổi, những người mà cậu cho là lão luyện trong lĩnh vực lừa dối, xu nịnh và bày mưu tính kế. Càng thấu hiểu quần thần thì cậu càng thấy kinh sợ sự khốc liệt của triều đình, và càng xây dựng hình tượng một Bình Nguyên vương ngoan hiền, vui vẻ và vô tư, tuyệt đối chẳng muốn gây sự với ai.
Tân Bình vương Lê Khắc Xương (17 tuổi) và Bình Nguyên vương Lê Tư Thành (15 tuổi).
Cho đến khi chính biến Diên Ninh xảy ra. Cái chết bất ngờ của anh trai Bang Cơ làm Tư Thành bị một cú sốc tâm lý lớn. Trong lòng tuy vô cùng bất bình trước sự bạo nghịch của anh trai Nghi Dân, Tư Thành vẫn phải ngậm đắng nuốt cay khuất phục trước vị vua mới, vẫn là dưới vỏ bọc một người em trai ngoan ngoãn. Lúc này, chính vì bị chấn động quá mạnh về tâm thần nên một nhân cách khác dần dần hình thành trong cậu. Tư Thành trở nên đa nghi quá độ, nhìn thấy khắp nơi đều là kẻ thù, và ngày càng lạnh nhạt, vô tình, thậm chí là tàn nhẫn với thuộc hạ. Ban ngày, cậu là Gia vương Lê Tư Thành, cư xử lễ độ, hoà nhã, chính trực, chăm chỉ học hành và luyện tập võ nghệ. Ban đêm, sau vài chén rượu thì cậu là Lê Hạo – một kẻ thâm hiểm và tàn nhẫn, âm thầm trợ giúp các đại thần lập mưu lật đổ Thiên Hưng đế, trả thù cho cái chết oan uổng của Bang Cơ. Đương nhiên là không ai biết hay nghi ngờ đến nhân cách thứ hai này, ngoại trừ cậu. Tư Thành biết đến sự tồn tại ấy nhưng mặc cho chúng hành động, nếu kết quả là ngôi báu thuộc về cậu. Sau khi lật đổ và bức tử Lệ Đức hầu Lê Nghi Dân, quả như dự đoán từ trước, Khắc Xương từ chối làm vua nên Tư Thành nghiễm nhiên có được thiên hạ trong tay.
Tư Thành có niềm đam mê rất lớn với võ thuật, thành thạo nhiều loại binh khí và kĩ năng, như cưỡi ngựa, bắn cung và đấu vật; và văn học, đặc biệt là thơ Hán và thơ Nôm. Khi rảnh rỗi, một là cậu đi luyện võ với thầy và các bạn đồng môn ở trường Giảng Võ, hai là cậu đọc sách và làm thơ, viết luận trong phủ vương gia hoặc thư phòng. Ngoài ra, Tư Thành còn dành sự quan tâm đặc biệt đối với lịch sử, địa lý, triết học Nho giáo, chính trị và pháp luật. Sau này, khi đã lên ngôi hoàng đế, những khía cạnh khác như giáo dục thi cử, toán học, thiên văn học và nghệ thuật hội hoạ dần được cậu chú ý nhiều hơn. Tư Thành không bao giờ cho phép bản thân được xao nhãng hay lười biếng, bởi thế nên lịch trình hằng ngày của cậu đều kín hết. Cậu thích lập kế hoạch từ trước đến cả vài tháng và cố gắng hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất. Sống có nguyên tắc là thế, dù vậy Tư Thành vẫn cố dành thêm thời gian giải trí cho bản thân (tất nhiên là vẫn nằm trong kế hoạch định sẵn). Đôi khi cậu sẽ đi vi hành, đóng giả đủ thứ vai, đủ ngành nghề để "mục sở thị" đời sống của bách tính và bắt quả tang quan lại tham ô.
Đối với Tư Thành, cậu ghét nhất là những kẻ nịnh bợ, không có chính kiến, "gió chiều nào ta theo chiều đó". Đứng thứ hai là những kẻ tham quyền cố vị, lộng hành, quan lại tham nhũng, chuyên quyền, ức hiếp kẻ dưới và lăm le chiếc ngai vàng của cậu. Từ thời trẻ, cậu đã chứng kiến nhiều vụ hãm hại, tàn sát lẫn nhau giữa các quan lại trong triều, nên cái chết chẳng còn ý nghĩa gì nữa, chẳng còn đáng sợ nữa. Dần dà Tư Thành càng nguội lạnh với sự chết chóc, cho dù có người bị đưa ra chém trước mặt cậu cũng không chớp mắt lấy một cái. Ai đã đắc tội với cậu thì ý nghĩ đầu tiên chính là "xử trảm kẻ đó". Bởi gần vua như gần cọp thật chẳng sai!
Suốt 37 năm làm vua, Tư Thành đã đưa nhà Lê đến thời kỳ cực thịnh. Đối với nhân dân, cậu là một vị vua anh minh, "là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được". Thế mà đối với gia đình, đặc biệt là người anh trai Lê Khắc Xương thì cậu lại đối xử thiếu tình thân ái. Mối quan hệ của họ bắt đầu rạn nứt từ khi Tư Thành lên ngôi vua. Quan đại thần Lê Lăng bị khép tội và xử tử thì Khắc Xương có nói đỡ cho ông, và giây phút Tư Thành dùng quyền lực để đuổi anh trai mình về thì mối quan hệ đã không thể cứu vãn được nữa. Cái chết tức tưởi của Khắc Xương (nghĩ quẩn, lâm bệnh nặng rồi chết trong ngục) cũng do thói đa nghi của Tư Thành mà ra.
Trong bộ truyện, ngay từ đầu Tư Thành đã không coi ba nhân vật chính như người bình thường rồi! Đêm trước ngày ba người quay trở về quá khứ, Tư Thành đã nằm mộng thấy một cậu thiếu niên bị té lăn cù mèo từ trên núi Chí Linh xuống, rồi cầu xin cậu tìm giúp chỗ ẩn náu và một ân huệ. Sau đó liền xuất hiện hai vị hộ pháp to lớn, một trắng một đen, túm lấy cổ áo và kéo thằng nhỏ quay về (trước sự phản đối quyết liệt của cậu nhóc). Cảm thấy giấc mơ có điểm kì lạ, sẵn dịp vi hành cậu đã ghé chùa Côn Sơn nhằm hỏi ý kiến vị sư trụ trì. Tình cờ là trước đó vị sư đã gặp được ba người giống hệt như miêu tả, thế là Tư Thành tìm mọi cách truy ra tung tích của họ.
Bởi thế nên cậu đã cố tình nhắm mắt cho qua trước sự xuất hiện đáng ngờ của hai kẻ ngoại quốc ở Đông Kinh. Trong ba người thì Tư Thành thấy mình và tên da trắng – Anh Giản – có nhiều điểm tương đồng nhất và tên da đen – Ninh Khang – có vẻ khả nghi nhất. Cậu xem Duy An (Pax) như con trai thất lạc của vị cố Nhập nội Đại hành khiển Nguyễn Trãi, ân nhân năm xưa của mẹ cậu. Lần nữa, với thân phận giả "Tĩnh Nam vương Lê Hạo", anh họ của nhà vua (vì sự hiểu lầm tai hại của Duy An trong án thứ nhất), Tư Thành âm thầm giúp đỡ cậu lấy lại thanh danh cho dòng họ. Cùng lúc đó Ninh Khang (Nick) và Anh Giản (Andrey) – hai vị 'Hắc Bạch Trấn Môn' kia – trong quá trình ở lại Đông Kinh cùng Duy An phá án Lệ Chi Viên cũng đã giúp Tư Thành nhận ra nhiều tư tưởng tiến bộ, giúp cậu điều hành đất nước tốt hơn.
Lưu ý: Đây là truyện dã sử, tác giả đã xây dựng nhân vật dựa trên hình tượng Lê Tư Thành ngoài đời thật, nhưng có một số tình tiết là hư cấu dưới góc nhìn và phân tích tâm lý của tác giả, nên xin mọi người đừng lấy đó mà đồng nhất với chính sử.
Về bức vẽ: Hình ảnh quen thuộc của Lê Tư Thành khi thiết triều. Cậu đang mặc hoàng bào, một lớp giao lĩnh, trung đơn bên trong, và mũ xung thiên.
Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ (Thánh Tông Thuần Hoàng Đế)
Giả định hình tượng Lê Tư Thành ngoài đời (ít nhất là trong truyện này, và nếu không giống với hình tượng thì các fan cụ Thành hãy tha cho tác giả trót dại):
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top