Các đợt lạm phát từ 1986 đến nay
Câu chuyện lạm phát ở Việt Nam không phải là mới. Đã từng có thời kỳ tỉ lệ lạm phát lên đến 3 chữ số. Nguyên nhân và giải pháp của mỗi thời kỳ cũng có những điểm giống nhau và khác nhau. VietNamNet xin giới thiệu loạt bài của TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, trong đó so sánh lạm phát qua các thời kỳ, đồng thời phân tích lạm phát trong mối quan hệ với chính sách nông nghiệp - nông thôn.
Đổi tiền và lạm phát năm 1986
Gọi là lạm phát năm 1986 vì đó là năm có tỉ lệ tăng cao nhất, nhưng lạm phát thực sự đã xuất hiện từ nhiều năm trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 1981-1985 lần lượt tăng là: 70%, 95%, 50%, 65% và 92%. Chỉ có điều lúc đó không ai thừa nhận có lạm phát trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, không ai dám đưa vấn đề ra để phân tích, bàn luận công khai. Không có giải pháp tổng thể nào được đưa ra trong một thời gian dài cho đến khi xảy ra cuộc đổi tiền vào năm 1985.
Có lẽ có quan niệm cho rằng đổi tiền sẽ khôi phục lại giá trị đồng bạc Việt Nam và lạm phát sẽ chấm dứt nên mới có qui định "Sức mua của đồng tiền mới bằng 10 lần sức mua của đồng tiền cũ" (Quyết định 01/HĐBT-TĐ ngày 13/9/1985). Nhưng sau đổi tiền, CPI năm 1985 tăng đến 92%, năm 1986 lên tới 775%, nền kinh tế bước vào thời kỳ lạm phát dữ dội với tỉ lệ tăng 3 chữ số kéo dài trong 2 năm tiếp theo.
Phải đến cuối năm 1988 và qua năm 1989, nhiều biện pháp về tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát mới được đưa ra. Một trong những quyết định quan trọng ghi nhận được lúc đó là việc lần đầu tiên mạnh tay nới lỏng tỷ giá USD/VND vào cuối năm 1988 và tiếp tục cơ chế linh hoạt đến năm 1991, trước khi bước vào giai đoạn đóng băng tỷ giá từ năm 1992.
Trước tháng 12/1988, tỷ giá do ngân hàng Vietcombank công bố thường thấp hơn thị trường tự do hàng chục lần. Các công ty xuất khẩu lẩn tránh việc đưa ngoại tệ vào ngân hàng bằng cách nhập khẩu hàng hóa quay vòng. Vào tháng 12/1987, Vietcombank công bố tỷ giá ngoại tệ là 3.000 đồng/USD. Đây là bước tăng vọt so với tỷ giá 368,2 đồng công bố từ đầu năm, tuy vẫn còn thấp hơn mức giá 4.300 đồng ở thị trường tự do. Trong các tháng tiếp theo, tỷ giá được điều chỉnh với biên độ chênh lệch khoảng 10% so với giá thị trường.
Sự thay đổi tỉ giá đã có tác động rất mạnh đến cán cân thương mại. Nếu chỉ xét trong khu vực giao dịch bằng USD, xuất khẩu trong giai đoạn từ 1989 đến 1992 bình quân tăng 50% mỗi năm. Tỉ lệ nhập siêu so với xuất khẩu đã lập tức giảm mạnh từ 47,6% trong năm 1986 xuống gần như cân bằng vào năm 1989 và thậm chí đã có xuất siêu vào năm 1990.
Năm
1986
1988
1989
1990
1991
Nhập siêu
-47,6%
-30%
-0,8%
+2,5%
-3,2%
Đến cơn sốt tín dụng đầu thập kỷ 1990
Năm 1989, với cơ chế rất thoáng trong việc thành lập quỹ tín dụng, hàng loạt quỹ tín dụng ra đời để huy động vốn, cho vay lòng vòng, sau một thời gian thì đổ bể. Lãi suất tiết kiệm năm 1989 cực kỳ cao, có lúc lên đến hơn 12%/tháng cùng với cơ chế rất thoáng. Lãi suất cho vay đầu năm 1989 là 10,5%/tháng, cuối năm giảm xuống còn xấp xỉ 4%/tháng và duy trì ở mức trên dưới 3%/tháng trong các năm từ 90 đến 92.
Tình hình kinh tế xã hội vào lúc đó cũng còn hết sức gay gắt, mặc dù lạm phát đã giảm mạnh so các năm 86-88. Tỷ giá VND/USD tăng vọt lên trên 13.000 VND/USD trong tháng cuối năm 1991, giảm đột ngột còn 11.000 VND/USD đến năm 1992, sau đó và được neo giữ ở mức thấp trong suốt nhiều năm từ 1992 đến 1996 trong khoảng từ 10.500 đến 11.000 VND/USD.
Tình trạng lỗ lãi, nợ nần mà không có cơ chế phá sản làm cho hàng loạt công ty đang hoạt động hết sức khốn đốn. Chính phủ đã ra quyết định lập Ban thanh toán công nợ quốc gia để thanh toán chéo nhưng kết quả không đáng kể.
Nội lực của nền kinh tế bị thương tổn nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế của VN từ 1992 đến 1996 đạt đến 9% năm, nhưng từ 1997 thì giảm dần. Một số báo cáo cho rằng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế châu Á. Đó là cách lý giải mà ngay từ lúc đó cũng không có sức thuyết phục. Dấu ấn của chính sách tỷ giá, tiền tệ các năm đó lớn hơn là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Chính là cơ chế cứng nhắc cùng với tỷ giá đồng nội tệ cao đã làm mất đi cơ hội của đất nước khi mà dòng FDI thế giới đang hướng mạnh vào.
Thâm hụt thương mại do tỷ giá và cũng được giải quyết bởi tỷ giá (Số liệu do tác giả tính toán).
Kết quả kỳ diệu của cơ chế tỷ giá năm 1997
Đồng nội tệ đã bị đánh giá cao cùng với tỷ giá bị cố định cứng trong khoảng thời gian dài từ 1992 đến 1996 đã thúc đẩy nhập khẩu ồ ạt. Do vậy, thâm hụt thương mại liên tục tăng để lên đến đỉnh cao hơn 45% vào năm 1995.
Năm 1997, lần đầu tiên cơ chế xơ cứng của tỷ giá được điều chỉnh và kết quả thật kỳ diệu. Liên tục trong 4 năm thâm hụt thương mại giảm mạnh để chỉ còn -1% vào năm 2000.
Các năm 1999-2000 chỉ số giá chỉ tăng 0,1% và -0,6%. Tăng trưởng của GDP cũng thấp: 4,8% năm 1999 và 6,7% năm 2000. Giải pháp được đưa ra lúc này là kích cầu tăng trưởng thông qua gia tăng chi tiêu công và đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước. Chi tiêu của Nhà nước (so với GDP) đã tăng từ 5% năm 2000 lên trên 8% từ sau năm 2005. Tỉ lệ vốn đầu tư/GDP cũng tăng lên đến 34% năm 2000 và đến 40% từ năm 2004 đến nay (2007). Từ đây các nhân tố lạm phát được nuôi dưỡng.
Tốc độ tăng trưởng GDP thống kê qua các năm và ước tính cho 2008 (Số liệu do tác giả cung cấp).
Đến hôm nay lạm phát quay trở lại
Năm 2004 đã xuất hiện những dấu hiệu của cuộc lạm phát mới và được xác nhận lại vào năm 2005 nhưng đã không có những giải pháp thoả đáng. Thậm chí đến giữa năm 2007 dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn thì một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyên bố mạnh mẽ "lạm phát không thể đến mức hai con số".
Nếu nhìn lại trong vòng 3 thập kỷ qua, tính chu kỳ của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn: cứ 10 năm lặp lại một lần. Suy thoái diễn ra vào các năm x7, x8 sau khi đạt được đỉnh tăng trưởng trong các năm x4, x5, x6. Tuy nhiên, đến nay liệu chúng ta đã có đủ kinh nghiệm để không bị cuốn theo chu kỳ?
Kiểm chứng về chính sách từ lạm phát và hậu lạm phát năm 86 đến nay, cho thấy những lúc khó khăn nhất thì có nhiều tiếng nói và có sự lắng nghe hơn, xuất hiện những cải cách mạnh mẽ. Nhưng vào những lúc nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao dần thì nhiều quyết định được đưa ra rất bất ngờ, ít được tham vấn, tiếng nói đóng góp cũng ít xuất hiện. Phải chăng đây là căn bệnh cố hữu không thể vượt qua?
Theo VnEcon.com
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top