CÁC CUỘC KHỦNG HOẢNG TIỀN TỆ
Toàn cầu hóa và Tư bản nhà nước
"Một học thuyết quân sự cho rằng: đừng giả định rằng địch sẽ không đến, mà ta phải luôn luôn sẵn sàng đối phó; đừng cho rằng địch sẽ không tấn công ta, mà ta phải củng cố sức mạnh của chính mình sao cho địch không thể đánh bại được ta."
— Tôn Tử Binh Pháp, cuối thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên
Trong lịch sử, mỗi cuộc chiến tranh tiền tệ đều liên quan đến sự định giá thấp để tăng thêm sức cạnh tranh cho các quốc gia, giúp họ hạ thấp cấu trúc chi phí, tăng xuất khẩu, tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh bằng phí tổn của các đối tác thương mại. Đây không phải là tiến trình duy nhất cho các cuộc chiến tranh tiền tệ, mà vẫn còn những kịch bản ngấm ngầm tinh xảo hơn theo đó các loại tiền tệ được sử dụng như vũ khí – "vũ khí" ở đây được hiểu đúng nghĩa đen chứ không phải lối ẩn dụ – để tấn công vào nền kinh tế của đối phương. Có khi chỉ cần sự đe dọa cũng đủ để khiến đối phương nhượng bộ trong các lĩnh vực liên quan đến địa chính trị.
Những cuộc tấn công nói trên không những chỉ liên quan đến các chính phủ mà còn dính líu đến các nhóm khủng bố, các băng đảng tội phạm và những tay chơi xấu khác, sử dụng các quỹ đầu tư quốc gia, các lực lượng đặc biệt, tài sản trí tuệ, tấn công trên không gian ảo, phá hoại và hành động ngầm. Những hành động thao túng tài chính nói trên đều không phải là chủ đề được thảo luận nghiêm túc tại các cuộc họp của nhóm G20.
Giá trị tiền tệ của mỗi quốc gia là "gót chân Achilles" của quốc gia đó. Nếu tiền tệ sụp đổ, mọi thứ khác cũng sụp đổ theo. Trong khi các thị trường ngày nay được gắn kết với nhau thông qua các chiến lược thương mại phức tạp, hầu hết chúng vẫn còn tách biệt nhau, xét theo một chừng mực nào đó. Thị trường cổ phiếu có thể sụp đổ, nhưng cùng lúc đó thị trường trái phiếu vẫn có thể bình ổn. Thị trường trái phiếu có thể vỡ tung vì các mức lãi suất tăng cao, nhưng các thị trường hàng hóa khác, bao gồm vàng và dầu mỏ, vẫn có thể có những thành công mới nhờ sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu. Luôn luôn có cách kiếm tiền từ một thị trường này trong khi có sự suy giảm tại một thị trường khác. Tuy nhiên, các loại cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, các công cụ phái sinh và những khoản đầu tư khác đều được định giá theo loại tiền tệ của một quốc gia. Nếu bạn đánh sập hệ thống tiền tệ, bạn đã phá tan mọi thị trường khác và làm quốc gia sụp đổ. Đó là lý do tại sao bản thân tiền tệ lại là mục tiêu cao nhất trong mọi cuộc chiến tranh tài chính.
Không may là các mối nguy kể trên lại chưa nhận được sự quan tâm chú ý đúng mức từ ngay bên trong cộng đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Bill Gertz, dẫn lời trên tờ Washington Times , đã phát biểu rằng "các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và các nhà phân tích bên ngoài đất nước đều nói rằng Lầu Năm Góc, Bộ Ngân khố, và các cơ quan tình báo Mỹ không tích cực nghiên cứu các mối nguy đe dọa quốc gia - các mối nguy này phát xuất từ chiến tranh kinh tế và khủng bố tài chính. Một quan chức đã nhận định rằng không có ai muốn tìm hiểu vấn đề này."
Tìm hiểu tổng quát về các nguồn lực của tiến trình toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản nhà nước (một dạng thức của chủ nghĩa trọng thương có từ thế kỷ 17 theo đó các doanh nghiệp chính là cánh tay quyền lực nối dài của nhà nước) là một bước tiếp cận để hiểu được các mối nguy hiểm lớn mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Chỉ có thể nắm bắt được các mối nguy của chiến tranh tài chính trong bối cảnh của thế giới tài chính hiện nay. Thế giới tài chính này đã lệ thuộc vào sự thành công của tiến trình toàn cầu hóa, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nhà nước và nạn khủng bố triền miên. Chiến tranh tài chính là một dạng chiến tranh không giới hạn, là phương cách được ưa chuộng của những ai có vũ khí yếu hơn nhưng lại nhiều mánh khóe xảo quyệt hơn.
• Toàn cầu hóa
Tiến trình toàn cầu hóa đã bắt đầu từ thập niên 1960 nhưng mãi đến thập niên 1990 thì người ta mới đặt tên cụ thể và thừa nhận rộng rãi tiến trình này, ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Các công ty đa quốc gia đã tồn tại từ nhiều thập niên, nhưng một tập đoàn toàn cầu kiểu mới lại là chuyện khác. Một công ty đa quốc gia có nguồn gốc và sự vận hành chính yếu tại một quốc gia nhất định, nó trải rộng các hoạt động ra ngoài quốc gia đó thông qua các chi nhánh và liên minh. Công ty đa quốc gia này có thể hiện diện tại rất nhiều nước khác nhau, nhưng nó có xu hướng bảo tồn bản sắc quốc gia xuất xứ tại bất cứ nơi nào mà nó có hoạt động.
Công ty toàn cầu kiểu mới lại thể hiện đặc trưng khác – đó là yếu tố toàn cầu. Công ty dạng này che giấu bản sắc quốc gia của mình, càng giấu kỹ càng tốt, và tạo dựng nên một bản sắc mới như một thương hiệu toàn cầu mà không hề mang tính quốc gia. Các quyết định về việc chọn vị trí cho các nhà máy và trung tâm phân phối, phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu dưới nhiều loại tiền tệ khác nhau đều dựa trên sự cân nhắc về chi phí, logistics và lợi nhuận – không quan tâm đến việc ưu tiên chọn quốc gia nào làm nguồn gốc xuất xứ.
Toàn cầu hóa được phát sinh không phải thông qua sự khởi xướng của bất kỳ chính sách mới nào, mà là thông qua việc bãi bỏ nhiều chính sách cũ. Từ khi Thế chiến thứ Hai kết thúc cho đến khi cuộc Chiến tranh Lạnh đã tàn, thế giới này đã bị phân chia không những chỉ bằng Bức màn Sắt ngăn cách khối Xã hội chủ nghĩa và khối Tư bản, mà còn bằng những hạn chế được áp đặt ngay trong nội bộ các quốc gia tư bản. Những hạn chế này bao gồm sự kiểm soát vốn cản trợ việc tự do đầu tư xuyên biên giới và các loại thuế áp lên những khoản thanh toán liên quan đến dạng đầu tư này. Các thị trường chứng khoán chỉ giới hạn trong số các doanh nghiệp nội địa và hầu hết các ngân hàng đều không được phép có sự sở hữu của nước ngoài. Các tòa án và giới chính khách đều làm nghiêng "sân chơi" nhằm tạo thuận lợi cho các cầu thủ đội nhà, và sự tôn trọng thực thi các quyền về sở hữu trí tuệ chỉ rải rác đâu đó là cùng. Thế giới khi đó đã bị phân mảnh, có phân biệt đối xử cao độ và rất đắt đỏ đối với các doanh nghiệp có tham vọng quốc tế.
Tới cuối thập niên 1990 thì các phí tổn và rào chắn nói trên đều được tháo dỡ. Các hiệp ước giúp giảm thuế suất hoặc miễn thuế. Sự kiểm soát vốn đã nhẹ nhàng hơn, và người ta dễ dàng đưa các quỹ đầu tư vào hoặc ra khỏi một số thị trường nhất định. Khả năng huy động nguồn nhân lực đã được cải thiện hơn và việc tuân thủ những quyền pháp định cũng có thể được dự đoán trước nhiều hơn. Các sàn giao dịch chứng khoán đã bãi bỏ nhiều quy định hạn chế và sáp nhập xuyên biên giới để tạo ra những gã khổng lồ toàn cầu. Sự mở rộng của Liên minh châu Âu, xét từ góc độ chính trị và kinh tế, đã tạo nên một thị trường liên thông (không có hàng rào thuế quan trong nội bộ) giàu có nhất thế giới, và sự xuất hiện của đồng Euro đã xóa bỏ vô số nghiệp vụ chuyển đổi tiền tệ cũng như các chi phí đi theo nghiệp vụ này. Nga và Trung Quốc nổi lên như các xã hội đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, rất nóng lòng muốn triển khai nhiều chuẩn mực toàn cầu mới - những gì họ đã chứng kiến tại những quốc gia Tây phương. Các bức tường ngăn cách về kinh tế và chính trị đang được hạ thấp xuống, cùng lúc đó công nghệ tạo thuận lợi cho truyền thông và cải thiện năng suất. Từ quan điểm tài chính, thế giới khi đó là không biên giới và đang dịch chuyển nhanh đến chỗ mà "huyền thoại ngân hàng" Walter Wriston đã nhìn thấy từ trước: buổi hoàng hôn của chủ quyền quốc gia.
Rủi ro lớn nhất đối với một thế giới không bị phân chia là các điều kiện mới về tài chính. Toàn cầu hóa làm gia tăng quy mô và mức độ gắn kết qua lại về tài chính, hơn hẳn những gì từng có trong quá khứ. Theo lối truyền thống thì việc phát hành trái phiếu phải bị giới hạn trong phạm vi sử dụng mà bên đi vay đã nêu rõ từ đầu, nhưng đối với các các công cụ phái sinh thì chẳng có giới hạn nào hết. Các công cụ này có thể tạo nên các khoản tiền vô tận chỉ nhờ sự tham chiếu tới chứng khoán cơ sở mà công cụ đó dựa vào. Việc bán lại các khoản nợ vay thế chấp dưới chuẩn tại Nevada sang các ngân hàng Đức sau khi người ta đã gom nhóm lại, cắt lát, tái đóng gói và dán nhãn thẩm định AAA đúng là một kỳ công của thời đại.
Trong một thế giới được toàn cầu hóa, những gì xưa cũ cũng có thể lại trở thành cái mới. Giai đoạn đầu tiên của toàn cầu hóa đã từng diễn ra từ năm 1880 đến năm 1914, gần như cùng thời với chế độ Bản vị vàng cổ điển, trong khi từ năm 1989 đến năm 2007 thực sự là giai đoạn 2 của tiến trình này. Trong giai đoạn đầu, các thành tựu thần kỳ là radio, điện thoại và tàu chạy bằng động cơ hơi nước, chứ không phải Internet hay máy bay khổng lồ. Đế quốc Anh khi đó đã điều hành một thị trường nội bộ với duy nhất một loại tiền tệ nhưng độ lớn không thua kém gì Liên minh châu Âu ngày nay. Năm 1900, Trung Quốc đã mở cửa thương mại và đầu tư, mặc dù vẫn còn các điều khoản miễn cưỡng, còn nước Nga sau cùng cũng từ bỏ mô hình phong kiến già nua và hiện đại hóa ngành công nghiệp - nông nghiệp, và một nước Đức thống nhất đã trở thành một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp.
Ảnh hưởng từ những phát triển trong ngành tài chính giai đoạn đầu thế kỷ 20 cũng tương tự như những tác động hồi đầu thế kỷ 21. Trái phiếu có thể được phát hành bởi chính phủ Argentina, được bảo lãnh tại London và được giao dịch tại New York. Dầu có thể được lọc tại California và giao sang Nhật Bản theo các khoản tín dụng được cấp bởi các ngân hàng Thượng Hải. Thiết bị tự động in giá chứng khoán (stock ticker) mới được phát minh khi đó đã cung cấp thông tin gần như theo chế độ thời gian thực từ sàn chứng khoán New York đến các văn phòng môi giới "có hệ thống liên lạc riêng" tại Kansas City và Denver. Các đợt hoảng loạn tài chính với hậu quả toàn cầu cũng đã từng diễn ra, cụ thể là cơn hoảng loạn năm 1890, liên quan đến sự vỡ nợ của các quốc gia khu vực Nam Mỹ và cuộc giải cứu của ngân hàng hàng đầu London khi đó là Baring Brothers. Giai đoạn đầu của tiến trình toàn cầu hóa là khoảng thời gian thịnh vượng, cải tiến và mở rộng thương mại, và tích hợp tài chính.
Nhưng tháng 8/1914, tất cả đều sụp đổ. Một quan chức ngân hàng London, từ cửa sổ của câu lạc bộ City đứng quan sát tình hình từ đầu mùa hè năm đó và suy ngẫm về tiến trình phát triển trong thời đại của mình, cũng không thể tưởng tượng nổi thảm kịch này. Hệ lụy của nó kéo dài trong 75 năm tiếp theo. Hai cuộc Thế chiến, hai cuộc chiến tranh tiền tệ, sự sụp đổ của các đế chế, Đại khủng hoảng, sự thảm sát dân Do Thái và cuộc Chiến tranh Lạnh rồi cũng qua đi để cho một giai đoạn mới của tiến trình toàn cầu hóa lại được bắt đầu. Năm 2011, hệ thống tài chính được toàn cầu hóa đã xuất hiện khắp nơi; còn sự tồn tại của nó thì chưa ai biết trước. Lịch sử đã chứng minh rằng nền văn minh và tiến trình toàn cầu hóa của nó không gì khác hơn là một lớp vỏ mỏng manh che đậy vách đá lởm chởm của sự hỗn loạn.
• Tư bản nhà nước
Toàn cầu hóa không phải là hiện tượng địa chính trị duy nhất đã phát sinh trong những năm cuối thế kỷ 20. Bên cạnh đó còn có chủ nghĩa tư bản nhà nước. Chủ nghĩa tư bản nhà nước là cái tên đang rất thịnh hành dành cho một hình thức mới của chủ nghĩa Trọng thương – mô hình kinh tế từng thắng thế từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Chủ nghĩa Trọng thương là phản đề của tiến trình toàn cầu hóa. Những người trung thành với chủ nghĩa này đều dựa trên những thị trường đóng và các tài khoản vốn đóng nhằm đạt mục tiêu tích lũy sự giàu có, bằng phí tổn của những đối tượng khác.
Chủ nghĩa Trọng thương cổ điển được xây dựng dựa trên một số nguyên tắc dường như xa lạ đối với những khán thính giả thời hiện đại. Hình thức chính của sự thịnh vượng là các yếu tố vật chất và được tìm thấy trong đất đai, hàng hóa và vàng. Giành lấy sự giàu có là một trò chơi "có tổng bằng không" theo đó sự thịnh vượng của một quốc gia này được hình thành từ phí tổn của các quốc gia khác. Cách hành xử trong nền kinh tế quốc tế liên quan đến việc dành ưu đãi cho các ngành nghề quốc nội và áp thuế đối với hàng ngoại. Hoạt động thương mại chỉ được tiến hành với các đối tác thân thiết chứ không "chơi" với các đối thủ cạnh tranh. Trợ cấp và phân biệt đối xử là các công cụ hợp pháp nhằm đạt các mục tiêu kinh tế. Nói cho súc tích nhất thì những người Trọng thương quan niệm rằng thương mại là chiến tranh. Sự thành công theo chủ nghĩa Trọng thương được đo lường bằng khối lượng vàng tích lũy được.
Mặc dù chủ nghĩa Trọng thương có nguồn gốc từ chiến tranh Trăm Năm từ thế kỷ 14 và 15, nhưng đỉnh cao của nó là sự thành lập công ty Đông Ấn tại Anh năm 1600 và công ty Đông Ấn tại Hà Lan năm 1602. Trong khi vẫn vận hành như các công ty cổ phần tư nhân, chúng còn được phép độc quyền trong nhiều lĩnh vực: xây dựng quân đội, đàm phán các hiệp ước, đúc tiền, thành lập thuộc địa và thay mặt cho chính phủ trong khi giao dịch tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Các chuyên gia thường chú trọng đến những đặc trưng tư nhân của hai doanh nghiệp này, chẳng hạn như vấn đề sở hữu cổ phần, cổ tức và hội đồng quản trị. Tuy nhiên, với những quyền lực y như của nhà nước, ta có thể hiểu đúng hơn về hai công ty này nếu coi chúng là cánh tay nối dài của chính phủ, trong đó vẫn có các chủ sở hữu và nhà quản lý tư nhân. Sự dàn xếp này rất giống với các ngân hàng dự trữ liên bang khu vực tại tại Hoa Kỳ, chúng đều thuộc sở hữu tư nhân nhưng hoạt động như những cánh tay tài chính của chính phủ.
Cuối thế kỷ 18, với cuộc cách mạng công nghiệp và tác phẩm Sự thịnh vượng của các quốc gia của Adam Smith, một hình thức hiện đại hơn của chủ nghĩa tư bản tự do kinh tế đã hình thành, trong đó có sự sở hữu tư nhân và các ngân hàng tư nhân. Nhưng trong thế kỷ 20, bất chấp sự thành công của các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước vẫn chiếm ưu thế lớn trong các xã hội chịu sự quản lý của một nhóm người chủ chốt, Phát xít, các nhóm đầu sỏ chính trị hay các lực lượng phản dân chủ khác.
Thực ra những gì chúng ta ngày nay đương nhiên công nhận là mô hình tài chính thắng thế với các doanh nghiệp tư bản tư nhân hoạt động tự do và các doanh nhân lại là những ngoại lệ trong hầu hết mọi thời đại và tại hầu hết các vùng miền. Doanh nghiệp tư nhân có thể là nhóm đối tượng được cho là đạt hiệu suất cao nhất và tạo dựng được nhiều thịnh vượng nhất, nhưng trên tổng thể thì chúng không phải là nơi cầm nắm các giá trị. Lời tuyên bố rằng chế độ tư bản sẽ thống trị tương lai của thương mại, tài chính và công nghệ toàn cầu xem ra cũng chẳng khá hơn những tuyên bố tương tự trước kia của chế độ quân chủ, đế quốc, và nhiều chế độ khác.
Các công ty có bề ngoài là tư nhân nhưng lại được "chống lưng" bởi các nguồn lực gần như vô hạn của nhà nước, chẳng hạn như Tổng công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) đủ sức mạnh để đấu thầu khai thác tài nguyên, mua lại các đối thủ cạnh tranh và đầu tư cho trang thiết bị mà không cần bận tâm đến các ảnh hưởng tài chính ngắn hạn. Họ có khả năng giành giật thị phần bằng cách bán với giá thấp hơn giá thành. Họ không phải lo lắng về việc không thể tiếp cận được các thị trường vốn trong những giai đoạn kinh tế khó khăn. Các doanh nghiệp như thế này cũng không e ngại các cuộc điều tra của chính phủ nước họ về việc hối lộ các nhà độc tài và bộ sậu xung quanh để gìn giữ lợi ích. Chủ nghĩa Trọng thương Mới như trên chính là quyền lực của nhà nước nhưng được che đậy bởi tấm áo của doanh nghiệp thời hiện đại: bình mới rượu cũ.
Tương tự như loại hình doanh nghiệp nói trên là các quỹ đầu tư quốc gia, các công ty dầu khí quốc gia và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước khác. Chúng hiện diện rất nhiều tại Nga, Trung Quốc, Brazil, Mexico và các thị trường mới nổi khác. Tây Âu cũng có các "siêu công ty" thuộc sở hữu nhà nước. EADS, một doanh nghiệp "khủng" của Liên minh châu Âu hoạt động trong lĩnh vực máy bay, quốc phòng và không gian, đã bán cổ phiếu ra công chúng nhưng đại đa số quyền sở hữu vẫn thuộc về các tập đoàn kinh tế (consor tium) bao gồm các tập đoàn của chính phủ Pháp và Tây Ban Nha, một ngân hàng chịu sự kiểm soát của chính phủ Nga và tập đoàn Dubai. Công ty dầu khí Eni của Italy, với 30% thuộc sở hữu nhà nước, cũng là một trong số nhiều ví dụ khác. Những người Mỹ nào có xu hướng "ném đá" các pháp nhân thuộc sở hữu nhà nước như trên và coi đó là sự cạnh tranh bất bình đẳng thì chỉ cần nhớ lại rằng trong năm 2008 chính phủ Mỹ đã giải cứu Citibank, GE và Goldman Sachs. Hoa Kỳ cũng có các doanh nghiệp "được nhà nước bảo trợ"; thực ra không khác gì các hình thức doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
Để hiểu được tiến trình toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản nhà nước, cần có một quan điểm khác biệt, không theo lối Hoa Kỳ. Các nhà phân tích tình hình được đào tạo để tránh sự "giả định phản chiếu" (mirror imaging), tức là tránh xu hướng giả định rằng những người khác nhìn nhận thế giới này cũng giống như cách nhìn nhận của chính họ. Trong khi nỗ lực để tìm hiểu ý định của các đối thủ, sự giả định phản chiếu có thể là một sai lầm tai hại. Trong khi phân tích các nguy cơ, nhà phân tích phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của người Nga, người Trung Quốc, người Ả Rập... thì mới không những hiểu được sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử mà còn nhận thức được sự khác biệt về động cơ và dự định. Khi các nhà lãnh đạo Nga nghĩ đến khí đốt, họ không những liên tưởng đến doanh thu từ xuất khẩu mà còn thấy hình ảnh chiếc thòng lọng quấn quanh nền kinh tế công nghiệp của châu Âu. Khi các chiến lược gia Trung Quốc xem xét việc thâu tóm các trái phiếu chính phủ Mỹ, họ hiểu đó là một thứ vũ khí có thể sử dụng để tàn phá nền kinh tế Hoa Kỳ mà cũng có thể nổ tung ngay trên đầu họ. Khi các nhà độc tài Ả Rập dịch chuyển theo hướng hiện đại hóa, họ đều nhận thức sâu sắc rằng họ đang tự đưa mình vào giữa hai gọng kìm có thể nghiền nát họ: phản động và tôn giáo. Một chuyến du hành lớn trong thế kỷ 21 xuyên qua Dubai, Moscow và Bắc Kinh sẽ giúp chúng ta nhìn nhận bản thân mình theo cách mà hàng tỷ người Ả Rập, người châu Á và người Nga nhìn nhận chúng ta – và hiểu rằng vận mệnh của đồng đô-la không chỉ hoàn toàn trong tay người Mỹ.
• Dubai
Nếu bộ phim Casablanca được dựng lại trong thời điểm hiện nay, thì phim sẽ mang tên mới là Dubai. Bộ phim kinh điển xoay quanh quán Rick's Café Américain, nơi đó người chủ quán (diễn viên Humphrey Bogart thủ vai) chào bán cho khách hàng các loại thức uống, âm nhạc và trò cờ bạc cùng một số âm mưu. Khung cảnh kỳ diệu của bộ phim là đất nước Morocco trong Thế chiến thứ Hai. Nét đặc trưng của phim Casablanca là sự hòa mình vào thế giới trung lập, trong đó những người là kẻ thù của nhau có thể nhẹ nhàng trộn lẫn với nhau. Người Đức Quốc xã, dân tị nạn và các tay lái súng đều có thể ngồi uống champagne bên những chiếc bàn kê sát nhau và cùng hát bài As Time Goes By.
Dubai ngày nay cũng thế. Dubai hiện là một ốc đảo khá thanh bình trong khi xung quanh nó là các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Libya, những biến động tại Iraq và Lebanon, sự thay đổi tại Tunisia và Ai Cập, và sự thù địch gay gắt giữa Israel và Iran. Quá tệ hại. Thay vì quán café Rick's như trong phim cổ điển, Dubai ngày nay có Atlantis, một resort "đỉnh của đỉnh" nằm trên đảo nhân tạo Cây Cọ. Đảo nhân tạo này là công trình lấn biển và được xây dựng theo hình cây cọ khổng lồ nên có thể nhìn thấy từ không gian. Bên trong resort Atlantis là những nhà hàng tuyệt vời nhất thị trấn, nơi đây các nhân viên tình báo Israel, mật vụ Iran, sát thủ Nga, lái súng Saudi và các tay buôn lậu địa phương ngồi cạnh nhau, cùng với các cô gái tóc vàng chân dài – rõ ràng là nhìn rất lạc điệu.
Những gì người ta tìm kiếm ở Dubai ngày nay cũng chính là thứ mà khách hàng của quán cà phê Rick's từng tìm kiếm tại Casablanca – đó là một sân chơi trung tính, nơi người ta có thể gặp nhau, tuyển mộ làm việc và phản bội lẫn nhau mà không sợ bị bắt "nóng". Dubai là nơi thuận lợi cho các mưu đồ quốc tế. Thời tiết nơi đây thật tuyệt trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 3. Dubai nằm giữa một khu vực nguy hiểm, bao quanh nơi này là Mumbai, Lahore, Tehran, Istanbul, Cairo, Khartoum và sào huyệt của các băng cướp biển Somali. Nhưng Dubai có dịch vụ hàng không và liên kết viễn thông tuyệt hảo với thế giới. Thành phố nổi tiếng với công cuộc xây dựng quá trớn – nó khoe rằng tại đây có tòa nhà cao nhất thế giới và vô số nét hào hoa của thời hậu hiện đại để khiến các xã hội truyền thống và đang bị đè nén phải hoa mắt.
Tất cả vẻ hào nhoáng và các âm mưu nơi đây còn được đi kèm với bạo lực theo kiểu phim hành động Hollywood. Tháng 3/2009, một chỉ huy quân sự người Nga đã bị bắn chết trong khu Marina sang trọng của Dubai, ngay gần những bãi biển và khách sạn đẹp nhất thành phố. Hai nghi can, một người Tajikistan và một người Iran, đã bị bắt và thú nhận sự liên can của một thành viên trong Duma Quốc gia Nga, ra tay theo yêu cầu của một nhân vật đầy quyền lực người Chechnya – Ramzan Kadyrov. Giống hệt như trong tập phim Sát thủ với khẩu súng vàng (The man with the golden gun) của Ian Fleming (series Điệp viên 007 – ND), nạn nhân cũng bị bắn từ một khẩu súng ngắn mạ vàng do một nhà ngoại giao Nga bí mật chuyển vào Dubai.
Một vụ hạ sát ngoạn mục khác đã diễn ra hồi tháng 1/2010, khi các nhân viên tình báo Israel và các tay sát thủ – phối hợp theo nhóm, đi lại bằng hộ chiếu giả, cải trang và sử dụng điện thoại di động được mã hóa – ám sát Mahmoud al-Mabhouh, một đặc vụ cấp cao của Hamas, ngay trong phòng của ông tại khách sạn Dubai khi ông đang chờ đợi để hoàn tất các giao dịch vũ khí với các nhà cung cấp Iran. Dubai có tỷ lệ tội phạm thấp, nhưng xét đến các hoạt động khủng bố kẻ thù thì mức độ an toàn nơi đây không cao, thậm chí là ngay trong hoang mạc.
Trong quá khứ, Dubai phát triển nhờ hai hoạt động: lặn tìm ngọc trai và buôn lậu. Ngày nay thì lặn biển tìm ngọc chỉ là việc kinh doanh nhỏ nhằm thu hút du khách. Còn buôn lậu lại phát triển lớn mạnh hơn bao giờ hết. Cầu tàu dài dằng dặc trên Vịnh Dubai, một khu vực cổ xưa của thành phố, chất đầy các hàng hóa chuẩn bị lên đường sang Iran bao gồm hàng điện tử, gia dụng, phụ tùng và các thứ khác. Mọi người hãy tự phán đoán để biết lượng vàng và tiền nằm bên trong các thùng hàng mang nhãn hiệu Sony hoặc logo HP là của ai. Dọc theo đại lộ Baniyas song song với cầu tàu là các ngân hàng Iran, nơi đây thư tín dụng được dàn xếp trong nháy mắt để phục vụ việc giao hàng – không đếm xỉa đến sự trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ. Còn trên Vịnh là các chiếc thuyền buồm kiểu Ả Rập – thuyền gỗ lớn, mũi thuyền cao, có buồm rộng hình tam giác – đang sẵn sàng đưa hàng qua vịnh Ả Rập để đến Bandar Abbas và các cảng biển khác của Iran. Tại Dubai, buôn lậu thậm chí không mang tai tiếng xấu mà nó còn là một phong cách sống.
Dubai là một trung tâm tài chính quốc tế và là thiên đường thuế, các đại lộ và ngõ hẻm của thành phố đầy nghẹt các ngân hàng quốc tế. Dubai là trung tâm ngân hàng hải ngoại của Iran. Đa số các ngân hàng Dubai đều có quan hệ đại lý với các ngân hàng Iran nhằm tạo thuận lợi cho việc thanh toán và trao đổi ngoại tệ với phần còn lại của thế giới, bao gồm việc Iran chuyển đổi lượng dự trữ thành Euro, vàng và từ từ bán phá giá đồng đô-la. Dubai còn đóng vai trò là ngân hàng chính trong giao dịch của các nhóm cướp biển Somali. Trong khi những tên cướp biển, các con tin của chúng và những lực lượng hải quân tuần tra còn đang gìm nhau nơi vùng biển Ả Rập, các đại diện của bọn cướp lượn lờ tại Dubai để thương lượng khoản tiền chuộc và gửi điện chỉ dẫn việc thanh toán.
Nếu nói đến sự thịnh vượng từ các tài sản vật chất, thì Dubai là một chợ vàng. Thành phố này là một trong những không gian thị trường vàng lớn nhất thế giới, nơi đây vàng dưới mọi hình thức – trang sức vàng, tiền vàng, thanh và thỏi vàng – được chào bán và sau đó cho vào trong các vali rồi tái xuất khẩu đến các kho tích trữ riêng trên toàn cầu, không bị bất cứ ai hỏi một câu nào. Dubai có một trung tâm giao dịch hàng hóa gồm 3 tòa cao ốc lắp kính tách rời nhau, được đặt tên theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là Vàng, Bạc và Kim cương. Bên dưới các cao ốc chọc trời này là một trong những kho kim loại quý lớn nhất và an toàn nhất thế giới, do công ty Brink's quản lý. Trong khi sự bảo mật của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ đang bị tấn công và hệ thống đầu sỏ chính trị tại Nga cũng bị quấy rối, thì chuyển đổi tài sản thành lượng vàng không thể dò ra dấu vết rồi cất vào trong sa mạc là một chiến lược khá hấp dẫn.
Lượng vàng được mua bán trao tay trên thị trường chỉ là phần nổi của "tảng băng giàu có" trôi qua Dubai. Các loại tiền giấy liên tục chảy từ những cỗ máy in để đến các ngân hàng trung ương rồi tới khách hàng, đa số luân chuyển bên ngoài quốc gia phát hành. Dubai chính là điểm trung chuyển các loại tiền giấy lớn nhất thế giới. Tại một số vị trí an toàn gần sân bay Dubai, người ta dự trữ số lượng lớn các loại tiền giấy, đang chờ để chuyển về các ngân hàng phát hành chúng.
Hoạt động gián điệp, ám sát, luân chuyển vàng, tiền tệ và một tập hợp các tay chơi quốc tế tại giao lộ của thế giới khiến Dubai có vị thế như một "Casablanca Mới". Dubai, cũng như Casablanca, chỉ là tấm gương phản chiếu thời gian và không gian. Nếu nơi chốn này không dành cho các tệ nạn và những hoạt động bất thường của một thế giới rộng lớn hơn, Dubai sẽ chẳng có người khách nào hết. Nhưng mỗi cuộc chiến tranh đều cần có một nơi trung lập, và trong cuộc chiến tranh tiền tệ lần này thì Dubai đóng vai trò đặc thù đó. Chẳng nơi nào khác còn tiền tệ nếu chúng không được giữ vững tại Dubai – với một cái giá nào đó.
• Moscow
Ai từng đến thăm Moscow trước kia đều nhanh chóng làm quen với phong cảnh được gọi là "Bảy chị em gái": đó là tập hợp các cao ốc đơn điệu từ thời Xô viết, mỗi tòa nhà cao chừng 150 mét (tương đương 450 feet), được xây dựng theo chỉ thị của Stalin và hoàn thành hồi cuối thập niên 1940. Chúng có kiến trúc Gothic kiểu mới dành cho cơ quan công quyền, với các tòa tháp nhọn chọc trời, to lớn và cân xứng – rất được giới chức quan liêu từ khắp nơi ưa thích. Chúng xuất hiện rải rác trong khuôn viên rộng lớn của Moscow cho nên mỗi "chị em" sẽ thống trị một vùng trời khi nhìn theo từng hướng khác nhau. Trong khi cũng có khác biệt về chi tiết nhỏ, cả "7 chị em" đều na ná như nhau đủ để người ta chỉ cần đến xem một nơi cũng đủ – ví dụ Đại học Quốc gia Moscow – chứ không cần phải đi hết thành phố để rồi vẫn gặp những thứ tương tự, chẳng hạn như tòa nhà từng là khách sạn Leningradskaya.
Sau đó thì Moscow đã có người em gái thứ 8, được xây dựng trên một khu rộng lớn bên đại lộ Nametkina, ngoài khu vành đai trung tâm Moscow. Diện tích và chiều cao của tòa nhà thứ 8 này cũng không thua kém gì 7 tòa nhà cũ, với các mái nhà theo hình kim tự tháp gợi nhớ các cây cột chọc trời. Nhưng khác với 7 cô chị lớn, người em gái út này, được hoàn tất trong năm 1995, có nội thất bóng bẩy hơn theo kiểu hậu hiện đại: kính xanh, kết cấu thép và bê tông. Và để phù hợp với quan điểm hiện đại, tòa nhà này còn có một chức năng tiên tiến: nó được dùng là trụ sở chính của công ty Gazprom – công ty lớn nhất nước Nga, công ty khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới và là cột trụ chính của nền kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên của người Nga. Trong vấn đề khai thác khí thiên nhiên thì Gazprom và chính phủ Nga là một. Họ gọi lĩnh vực này là "nhiên liệu xanh" nhằm gợi ý về một nguồn năng lượng sạch mà khi cháy cho ngọn lửa xanh.
Ngay cả trong trường hợp chính phủ phải giải cứu tài chính cho toàn bộ ngành công nghiệp này thì Tây phương cũng khó có thể nắm bắt được phạm vi hoạt động của Gazprom và mối gắn kết của công ty này với chính phủ Nga. Điều này tương tự như việc giả định rằng Exxon Mobil, J. P. Morgan và Time Warner là một công ty duy nhất với CEO chính là ông Bill Clinton. Thu nhập của Gazprom chiếm khoảng 10% GDP của nước Nga. Gazprom sản xuất ra hơn 85% lượng khí đốt thiên nhiên cho nhu cầu trong nước Nga và hơn 20% tổng lượng cung toàn cầu. Nó kiểm soát gần 20% lượng khí dự trữ của thế giới và 60% dự trữ của Nga. Công ty này đã hoàn tất việc tích hợp theo chiều dọc, bao gồm khai thác, sản xuất, truyền dẫn, xử lý, marketing và phân phối. Ngoài năng lượng, công ty còn có nhiều lợi ích từ hoạt động truyền thông, ngân hàng và bảo hiểm, và nó còn vận hành một công ty đầu tư nội bộ.
Dmitry Medvedev, Tổng thống Nga đắc cử năm 2008, đã từng hai lần làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Gazprom. Vị chủ tịch hiện nay, Viktor Zubkov, cũng là Phó Thủ tướng Nga – ông này là cánh tay phải của Thủ tướng Vladimir Putin. Còn CEO của công ty, Alexey Miller, là bằng hữu của Putin từ những ngày còn ở St. Petersburg trong thập niên 1990. Trong khi các cổ phiếu của công ty được giao dịch trên nhiều sàn chứng khoán, nhưng chính phủ Nga không bao giờ sở hữu chúng.
Các kế hoạch dài hạn của Gazprom trông có vẻ giống như tài liệu nghiên cứu chiến thuật quân sự hơn là chiến lược hoạt động của một công ty. Kế hoạch thường đề cập đến xu hướng của Trung Quốc, khai thác bán đảo Yamal và thiết lập các căn cứ tại Bắc Cực. Sự so sánh như trên không chỉ là lối nói ẩn dụ. Năm 2007, Duma Quốc gia Nga đã phê chuẩn cho Gazprom tự xây dựng lực lượng an ninh của riêng mình, với quyền lực vượt xa hơn hẳn so với các công ty an ninh thông thường khác – trong thực tế Nga đã triển khai được một công ty hùng mạnh như thời Trọng thương từng có. Gazprom cũng có một kẻ thù chiến lược và nó quyết tâm tiêu diệt: Nabucco.
Nabucco là một tập đoàn kinh tế mới thành lập, hoạt động trong lĩnh vực đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên và được các thành viên thuộc Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đứng sau lưng bảo trợ. Tập đoàn này sẽ giúp châu Âu có khí đốt thiên nhiên mà không lệ thuộc vào Nga. Nó là mối đe dọa trực tiếp đến vị thế gần như độc quyền của Gazprom về nguồn cung khí thiên nhiên cho châu Âu thông qua các đường ống dẫn trung chuyển tại Ukraine và Be larus. Nabucco là một nỗ lực nhằm phá vỡ vị thế này, theo cách thức không cần sử dụng khí đốt của Nga mà cũng không đặt hệ thống ống dẫn đi qua lãnh thổ Nga. Nabucco sẽ bắt đầu tìm khí thiên nhiên tại Azerbaijan và sau đó là Kazakhstan rồi Iraq. Nó sẽ dẫn qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào châu Âu.
Một trong các mối liên kết then chốt trong kế hoạch lớn của Nabucco là hệ thống ống Nam Caucasus chạy qua lãnh thổ Georgia. Sau khi chiếm Georgia hồi tháng 8/2008, các đoàn xe bọc thép của Nga được sử dụng để đe dọa Nabucco và củng cố cho vị thế thống trị của Gazprom. Cuộc xâm lăng này diễn ra trong khi việc giải cứu Fannie Mae do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện đang vào giai đoạn cao trào, và Nga lại là một trong những bên sở hữu nhiều nhất các trái phiếu Fannie Mae khi đó. Với việc giải cứu Fannie Mae, chính quyền Bush đã bảo vệ các lợi ích tài chính của Nga bằng tiền đóng thuế của nhân dân Mỹ ngay cả khi Nga đang đe dọa lợi ích của Mỹ trên phương diện năng lượng. Đây là mối quan hệ địa chính trị, từ đó các cuộc chiến tranh tiền tệ diễn biến theo.
Nga không những muốn tiêu diệt Nabucco mà còn tài trợ cho hai hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Trung Á đến châu Âu – chúng đều thuộc sự kiểm soát của Gazprom và đi qua lãnh thổ Nga. Mục tiêu của Gazprom là dẫn toàn bộ các nguồn cung từ Trung Á vào những hệ thống của Nga trước khi có thể đi tiếp vào châu Âu. Vậy là phần lớn nguồn cung năng lượng cho châu Âu trở thành con tin trong tay nước Nga, và Nga chưa hề có ý muốn thả con tin.
Việc Nga sử dụng khí đốt thiên nhiên như một vũ khí địa chính trị không chỉ dừng lại ở mức độ dọa nạt; thực tế họ đã nhiều lần "ra tay". Trong ngày đầu năm mới 2006, Gazprom cắt nguồn cung khí đốt thiên nhiên đối với Ukraine. Các hệ lụy không chỉ dừng lại trong phạm vi Ukraine mà còn được cảm nhận trên toàn châu Âu. Nguyên nhân được tuyên bố là do tranh chấp trong vấn đề thanh toán. Trong khi Ukraine chấp nhận thanh toán cho Nga lượng khí đốt mà họ sử dụng, Nga cũng chấp nhận thanh toán cho Ukraine để được phép đưa khí đốt ngang qua lãnh thổ Ukraine rồi đến phần còn lại của châu Âu. Khoản phí trung chuyển của phía Nga không nhất thiết phải thực hiện bằng tiền mà có thể bằng chính sản phẩm khí đốt, nghĩa là Ukraine được sử dụng miễn phí một phần khí đốt nào đó của Nga (một dạng thanh toán bù trừ – ND). Người ta cho rằng tất cả những giao dịch trên đều không theo giá cả thị trường mà tùy thuộc vào sự thương lượng kín và những trung gian có liên quan. Các khoản thanh toán được chuyển vào tài khoản của các quan chức Nga và Ukraine ở nước ngoài. Sự kết hợp của thương lượng kín, trung gian, thanh toán bù trừ và các giao dịch không trên thị trường chính thức (off-market) chắc chắn khiến cả hai bên liên tục xung đột với nhau về việc ai đang nợ ai cái gì.
Ukraine tranh thủ sự nhập nhằng này để che đậy tình trạng khan hiếm tiền tệ kinh niên và việc thanh toán trễ hạn của mình. Nga mau chóng nhận ra rằng nó cũng có thể tận dụng sự mơ hồ nói trên để đạt các mục đích – viện cớ đang tranh cãi với Ukraine để tạm ngưng cung cấp khí đốt sang châu Âu trong khi đó đổ lỗi cho Ukraine là nguyên nhân làm đình trệ. Nga có thể giành được thế "trên cơ" khi tự nhận mình là người cho vay đau khổ trong khi chứng minh được hàm ý rằng châu Âu phải lệ thuộc họ về năng lượng.
Ngày đầu năm mới 2009, Nga một lần nữa "cúp khí đốt" của Ukraine. Lần này thì các hậu quả còn nghiêm trọng hơn, với hàng loạt nhà máy tại Đông Âu phải đóng cửa và vô số gia đình không được sưởi ấm trong mùa đông băng giá. Tới ngày 7 tháng 1, chiến tranh khí đốt đã leo thang cao độ và nguồn cung khí đốt trực tiếp cho Ukraine đã về mức zero. Nhưng sau đó Ukraine chuyển hướng của các dòng khí trung chuyển qua lãnh thổ của họ để tự sử dụng và tình trạng thiếu hụt lan khắp Đông Âu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hungary, Ba Lan và một số quốc gia khác. Nga đã bắt Ukraine làm con tin, nhưng Ukraine đến lượt mình lại bắt phần còn lại của châu Âu làm con tin để tự vệ – một kết cục đã được Nga tiên đoán từ trước. Sau cùng, vào ngày 18 tháng 1, một hội nghị thượng đỉnh kéo dài suốt đêm giữa Putin và Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko cũng hình thành được một kế hoạch giá cả mới, và Nga chấp nhận tái cung cấp khí đốt.
Dường như thế giới này không thể kết thúc các cuộc chiến tranh khí đốt thiên nhiên. Gần đây ông Putin đã đề xuất rằng phần còn lại của châu Âu nên hỗ trợ tình trạng thiếu hụt tiền mặt của Ukraine – đó là cách để chính châu Âu thoát khỏi các hậu quả từ liên quan đến việc cung cấp khí đốt trong tương lai. Đề xuất này làm phân hóa vấn đề ra thành từng vùng miền khác nhau và minh chứng Nga hăng hái như thế nào trong việc sẵn sàng sử dụng hai vũ khí kết hợp là khí đốt và tiền tệ.
Nga mới đây còn chính thức đưa ra thông cáo "Chiến lược An ninh Quốc gia của Liên bang Nga tới năm 2020" – trình bày các nội dung tổng quát về các cơ hội và thách thức chiến lược dành cho Nga. Ngoài các phân tích thường thấy về hệ thống vũ khí và các liên minh, chiến lược này còn cho thấy mối liên kết giữa năng lượng và an ninh quốc gia, nhận định cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, về các cuộc chiến tranh tiền tệ, sự ngăn chặn chuỗi cung ứng và các cuộc tranh đấu giành giật tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả nguồn nước. Chiến lược này không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết bất cứ xung đột tài chính nào hoặc bất cứ tranh chấp nào liên quan đến tài nguyên.
Việc Nga sử dụng vũ khí nhiên liệu xanh một cách hoàn hảo đã nảy sinh trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này giúp sức mạnh của Nga được nhân lên nhiều lần – khuyếch đại khả năng tấn công vượt xa hơn mức bình thường. Hành động "cúp khí đốt" của Nga là hành động có khả năng tàn phá lớn nhất mọi thời đại. Khi cơn khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu diễn ra và thị trường nhà ở sụp đổ, thì đợt ngưng cung cấp khí đốt tiếp theo sẽ có thể gây ra các hệ lụy cực kỳ thê thảm.
Đương nhiên, các nạn nhân của cuộc chiến tranh nhiên liệu xanh cũng có biện pháp khắc phục. Họ có thể dựa vào NATO, đồng Euro, đồng đô-la và Tây phương, và tái xâm nhập vào trong phạm vi ảnh hưởng của Nga nhằm đổi lấy một nguồn năng lượng được định giá ổn định, có cơ sở và hợp lý. Nga không yêu cầu các nước chư hầu mới của mình phải thiết lập một chế độ toàn trị theo kiểu nhà nước Xô viết trong quá khứ. Nga chỉ yêu cầu họ trở thành những đồng minh đáng tin cậy trong các vấn đề địa chính trị và gia nhập khối tiền tệ khu vực dùng đồng Ruble trong khi vẫn treo bảng hiệu dân chủ "ngoài mặt tiền", giống như nước Nga đang làm.
Nga cũng công khai nói đến việc lật đổ ngôi vị của đồng đô-la để nó không còn là loại tiền tệ dự trữ thống trị. Trong khi đồng Ruble của Nga không thể thay thế cho đô-la Mỹ trong vai trò tiền dự trữ quốc tế, nó vẫn có thể trở thành loại tiền dự trữ khu vực và tiền tệ thương mại cho Nga, cho các nhà cung cấp khí đốt của Trung Á và các khách hàng khí đốt tại phía Đông thuộc Liên minh châu. Ít nhất thì đồng Ruble cũng đã đánh bật đồng đô-la ra khỏi phạm vi nói trên. Hiện nay đã đủ dữ liệu để nhận định rằng Nga cảnh báo toàn thế giới về khả năng bùng nổ các cuộc chiến tranh nhiên liệu xanh – bằng lời nói và bằng hành động. Năng lượng là một mũi xung kích để tạo dựng nên một khối kinh tế khu vực với đồng Ruble là tiền tệ dự trữ. Đồng đô-la sẽ bị loại ra ngoài.
• Bắc Kinh
Điều ấn tượng nhất sau khi tìm hiểu lịch sử Trung Quốc qua nhiều thiên niên kỷ là sự biến đổi nhanh và bất ngờ từ thời bình sang thời loạn. Bất chấp vỏ bọc bề ngoài của một động lực kinh tế tại Trung Quốc ngày nay, sự sụp đổ bất thình lình là hoàn toàn có thể xảy ra và từ những nguyên nhân chẳng hạn như lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, căng thẳng về sắc tộc hoặc một bong bóng nhà ở. Nạn thất nghiệp triền miên và trên diện rộng là yếu tố có nhiều tiềm năng hơn để gây bất ổn tại Trung Quốc, nếu so với các nền kinh tế đã phát triển, nhất là khi nó kết hợp với tình trạng bế tắc của hàng chục triệu công dân khác.
Ngoài các áp lực thông thường từ tình trạng tăng dân số, Trung Quốc còn đang ngồi trên thùng thuốc nổ nhân khẩu khi số lượng nam giới cao hơn nữ giới đến 24 triệu người – đây là hậu quả của hành động giết chết các bé gái sơ sinh và nạo phá thai khi đã biết giới tính, vì chính sách "một con" tại Trung Quốc. Rất nhiều đàn ông hiện đang ở độ tuổi ngoài 20. Đáng lo buồn là những nam thanh niên độc thân, thất nghiệp, ở độ tuổi ngoài 20 thường tham gia vào những hành vi phản xã hội, bao gồm hoạt động băng đảng tội phạm, giết người, rượu và ma túy.
Những nhà độc tài Trung Quốc đánh giá sự bất ổn xã hội trong nước, phát sinh từ mất cân bằng dân số cùng với tình trạng giá lương thực tăng cao và nạn thất nghiệp hàng loạt, là mối nguy lớn hơn cả sức mạnh quân sự Hoa Kỳ. Sự bất ổn này có thể được giải quyết phần nào thông qua hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng, được tài trợ bởi lượng tiền tệ dự trữ, nhằm tạo việc làm. Chuyện gì sẽ xảy ra một khi Hoa Kỳ giảm giá trị các khoản dự trữ này thông qua lạm phát? Trong khi lạm phát có thể mang ý nghĩa nhất định đối với những người làm chính sách của Hoa Kỳ, thì sự thịnh vượng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ do lạm phát được phía Trung Quốc coi là mối nguy thực sự. Duy trì được giá trị của lượng tiền tệ dự trữ là một trong các vấn đề then chốt của Trung Quốc nhằm kiểm soát được xã hội. Trung Quốc đang cảnh báo Hoa Kỳ rằng họ không chấp nhận tình trạng lạm phát do đồng đô-la và sẽ có biện pháp đối phó để không đánh mất sự thịnh vượng của mình. Cuộc chiến tranh tiền tệ Trung Quốc – Hoa Kỳ chỉ mới bắt đầu, và chương trình nới lỏng định lượng của Fed cho phép ta có thể nói rằng Hoa Kỳ đã khai hỏa trước.
Tư duy của Trung Quốc về chiến tranh tài chính có thể được hiểu rõ nhất thông qua tiểu luận "Gương mặt của Thần Chiến tranh đã lờ mờ xuất hiện" trong một quyển sách của hai vị Đại tá Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là Dao Lương và Vương Sơn Thủy, bàn về chiến tranh không giới hạn, được xuất bản năm 1999. Đặc biệt trong đó có một đoạn rất đáng được trích dẫn:
Từ hàng ngàn năm nay, người ta chỉ thấy điều nổi bật trong các cuộc chiến là binh lính và vũ khí. Nhưng chiến tranh tài chính hiện nay đã chính thức trở thành trọng tâm của các cuộc chiến... Chúng tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa thì cụm từ "chiến tranh tài chính" sẽ là một đề mục trong từ điển các thuật ngữ quân sự. Hơn nữa, khi độc giả tìm hiểu về các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20... thì nội dung về chiến tranh tài chính sẽ được chú ý nhiều nhất... Ngày nay, khi các vũ khí hạt nhân đã mất đi giá trị hoạt động thực sự và trở thành một món đồ trang trí khủng khiếp... thì chiến tranh tài chính đã đóng vai trò "siêu chiến lược", được toàn thế giới quan tâm chú ý. Lý do là chiến tranh tài chính có thể được phát động dễ dàng, thực hiện được các hành vi mờ ám và vẫn có sức tàn phá lớn.
Chủ thuyết quân sự như trên đề xuất rằng tương lai của quan hệ địa chính trị có thể không phải là các đặc trưng đa chiều và tốt đẹp của giới tinh hoa giàu có mà là một thế giới tăm tối hơn, tệ hại hơn với tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, hạ tầng sụp đổ, chủ nghĩa Trọng thương và sự vỡ nợ. Lời kêu gọi thay thế đồng đô-la Mỹ trong vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu từ phía Trung Quốc, vẫn thường xuyên bị giới tinh hoa thế giới phản đối, sẽ có thể được ủng hộ nhiều hơn khi người ta quen thuộc với chiến lược chiến tranh tài chính của Trung Quốc cũng như từng hiểu lý thuyết Keynes.
Mối liên kết chính của Trung Quốc với hệ thống tài chính toàn cầu là thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Trung Quốc có thể là một nền văn minh cổ xưa nhất và là một siêu cường mới nổi, nhưng đối với phố Wall thì nó là khách hàng tốt nhất thế giới. Khi Trung Quốc cần mua vào hoặc bán ra các trái phiếu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ để dự trữ, họ tiến hành thông qua mạng lưới các trung gian sơ cấp. Các khách hàng lớn như Trung Quốc thường thích giao dịch mua bán qua trung gian sơ cấp bởi vì nhóm trung gian này có quan hệ ưu tiên với Fed nên nắm được thông tin tốt nhất về tình hình thị trường. Mối quan hệ là yếu tố then chốt để biết chuyện gì đang thực sự diễn ra trên thị trường, và Trung Quốc tận dụng các mối quan hệ đó.
Khi muốn gọi các trung gian trong ngân hàng, Trung Quốc không sử dụng hộp thư thoại mà dùng đường dây trực tiếp được lắp đặt tại ngân hàng trung ương Trung Quốc và các quỹ đầu tư quốc gia đến khu vực giao dịch tại UBS, J. P. Morgan, Goldman Sachs và các ngân hàng lớn khác. Nhân viên kinh doanh tại đó biết là cuộc gọi từ Trung Quốc trước khi anh ta/cô ta nhấc máy nghe điện thoại. Ngôn ngữ trong cuộc điện đàm đã được mã hóa để tránh không bị nghe lén. Khi Trung Quốc muốn bán trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, theo cách điển hình họ sẽ gọi điện cho rất nhiều người môi giới cùng lúc và nhờ một số người hoàn tất nghiệp vụ này. Trung Quốc mong đợi – và đã có được – giá tốt nhất cho lượng trái phiếu khổng lồ mà họ bán ra trên sàn giao dịch.
Khó có thể trình bày rõ ràng về nghiệp vụ của Trung Quốc khi mua lại trái phiếu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ bởi vì Trung Quốc không công khai minh bạch về các tài sản này. Không phải mọi trái phiếu được định giá bằng đô-la cũng đều do chính phủ Mỹ phát hành và không phải mọi chứng khoán nhà nước đều do Bộ Ngân khố phát hành. Nhiều loại chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ được phát hành bởi Fannie Mae, Freddie Mac và các cơ quan tổ chức khác; và Trung Quốc nắm giữ một số trái phiếu định giá bằng đồng đô-la được phát hành bởi các ngân hàng và những bên không thuộc chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, đại đa số các tài sản được định giá bằng đô-la của Trung Quốc đều dưới dạng trái phiếu, hối phiếu và kỳ phiếu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. Theo số liệu báo cáo chính thức của Hoa Kỳ thì Trung Quốc hiện đang nắm giữ các chứng khoán của Bộ Ngân khố với giá trị hơn một nghìn tỷ đô-la, nhưng nếu tính luôn cả các tổ chức chứng khoán nhà nước là Fannie Mae và Freddie Mac thì tổng giá trị của những chứng khoán chính phủ được định giá bằng đô-la còn đạt giá trị cao hơn nhiều.
Nỗi lo sợ lớn của Trung Quốc là: Hoa Kỳ sẽ phá giá tiền tệ thông qua lạm phát và giảm giá trị các khoản còn nợ Trung Quốc. Người ta từng có suy đoán rằng Trung Quốc, để trả đũa tình trạng lạm phát từ Hoa Kỳ, có thể bán đổ bán tháo một nghìn tỷ đô-la chứng khoán của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ với mức rẻ mạt để khiến các mức lãi suất tại Hoa Kỳ tăng vọt và đồng đô-la sụp đổ trên các thị trường ngoại tệ. Điều này có thể khiến cho chi phí của việc cầm cố tăng cao hơn và giá nhà ở của Hoa Kỳ thấp hơn, cũng như những biến động lớn khác. Nỗi lo sợ còn có thể là Trung Quốc có thể dùng đòn bẩy tài chính này để tác động đến chính sách của Hoa Kỳ: từ vấn đề Đài Loan đến Triều Tiên và cả chương trình nới lỏng định lượng.
Hầu hết các nhà quan sát đều không thừa nhận sự lo ngại như trên. Họ nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ bán đổ bán tháo các chứng khoán của Bộ Ngân khố bởi vì tính đến hiện nay thì Trung Quốc đang cầm nắm quá nhiều. Thị trường giao dịch các chứng khoán Bộ Ngân khố là một thị trường "sâu" (nguyên văn "market is deep": cần phải sử dụng một lượng chứng khoán lớn trong giao dịch mới có thể làm thay đổi giá cả – ND), nhưng cũng không phải là "quá sâu", và giá của chúng sẽ sụp đổ từ lâu trước khi Trung Quốc bán được một phần nhỏ chứng khoán. Rất nhiều thiệt hại kéo theo sẽ dành cho Trung Quốc. Thực ra, bán đổ bán tháo các chứng khoán của Bộ Ngân khố là một cách tự sát kinh tế đối với Trung Quốc.
Logic giản đơn như trên đã bỏ qua một số thứ mà Trung Quốc có thể làm chỉ nhằm để gây thiệt hại cho Hoa Kỳ và ít tổn thất hơn cho Trung Quốc. Các chứng khoán Bộ Ngân khố được chào bán có nhiều loại kỳ hạn khác nhau, từ 30 ngày đến 30 năm. Trung Quốc có thể thay đổi "kết cấu" trong tập hợp các chứng khoán của Bộ Ngân khố: từ các chứng khoán dài hạn thành những loại ngắn hạn hơn mà không cần phải bán ra một tờ trái phiếu nào và cũng không giảm tổng số lượng chứng khoán đang nắm giữ. Khi mỗi loại chứng khoán tới kỳ đáo hạn, Trung Quốc có thể tái đầu tư vào các chứng khoán kỳ hạn 3 tháng mà không làm giảm tổng số lượng đầu tư vào chứng khoán của Bộ Ngân khố. Các loại có hạn mức ngắn hơn như thế này sẽ ít chịu ảnh hưởng từ biến động thị trường, nghĩa là Trung Quốc sẽ giảm bớt khả năng bị tổn thương từ những cú sốc thị trường. Sự thay đổi như trên còn làm cho danh mục đầu tư của Trung Quốc có tính thanh khoản cao hơn, rất thuận lợi cho Trung Quốc hoàn toàn thoát khỏi các chứng khoán của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ không cần phải bán đổ bán tháo bất cứ cái gì, chỉ cần ngồi đợi chừng 6 tháng là các kỳ phiếu mới sẽ đến hạn. Hiệu ứng của cách này giống như việc giảm thời gian kích nổ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tích cực đa dạng hóa các nguồn dự trữ để giảm bớt các loại chứng khoán được định giá bằng đô-la. Một lần nữa, việc này không liên quan đến bán đổ bán tháo và tái đầu tư của Trung Quốc, mà chỉ đơn giản là triển khai lượng dự trữ mới theo các định hướng mới. Trung Quốc thu được hàng trăm tỷ đô-la mỗi năm từ thặng dư thương mại. Đây là lượng tiền khổng lồ mới có và cần được đưa vào đầu tư song song với với khoản dự trữ đã có. Trong khi các khoản dự trữ hiện nay phần lớn chính là các khoản nợ của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, lượng dự trữ mới có thể được sử dụng theo bất cứ phương pháp nào có ý nghĩa đối với Trung Quốc.
Các chọn lựa đầu tư vào các loại tiền tệ khác là không nhiều. Trung Quốc có thể mua trái phiếu định giá bằng đồng Yen, Euro và Bảng, do các chính phủ và các ngân hàng bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ phát hành, nhưng các chọn lựa này không nhiều – đơn giản là không có đủ số lượng. Các thị trường này đều không đạt độ sâu và chất lượng tương đương với thị trường của chứng khoán Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. Nhưng các chọn lựa của Trung Quốc không bị giới hạn trong các loại trái phiếu. Kênh đầu tư hấp dẫn khác – và hiện đang được Trung Quốc ưa thích – là các loại hàng hóa.
Hàng hóa không chỉ bao gồm các sản phẩm vật chất như vàng, dầu mỏ và đồng, mà còn là các chứng khoán của những công ty khai thác mỏ có sở hữu loại hàng hóa vật chất đó – một cách gián tiếp để sở hữu hàng hóa – và đất nông nghiệp có thể được sử dụng để gieo trồng các sản phẩm chẳng hạn như lúa mì, bắp, đường và cà phê. Hàng hóa ở đây còn bao gồm một sản phẩm có giá trị nhất – nước. Các quỹ đặc biệt hiện đang được tổ chức để mua các đặc quyền đối với nguồn nước sạch từ các hồ nước sâu và sông băng tại Patagonia. Trung Quốc có thể đầu tư vào các quỹ này hoặc mua đứt các nguồn nước sạch.
Các chương trình đầu tư vào hàng hóa đang được tiến hành tốt đẹp. Đáng chú ý nhất, trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2009, Trung Quốc bí mật tăng gấp đôi số lượng vàng được sở hữu chính thức. Trung Quốc sử dụng một trong các quỹ đầu tư quốc gia của mình, là Cơ quan Quản lý Nhà nước về Ngoại hối (State Administration of Foreign Exchange – SAFE), để lén lút thu mua vàng từ các trung gian khắp thế giới. Vì SAFE không giống như ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho nên các giao dịch của nó không được ghi vào sổ sách – theo quan điểm của ngân hàng trung ương. Chỉ trong một giao dịch hồi 2009, SAFE đã chuyển toàn bộ khối lượng 5.000 tấn vàng vào ngân hàng trung ương, sau đó việc này được thông báo cho cả thế giới. Trung Quốc tranh luận rằng cần phải bí mật tiến hành thu mua vàng để tránh làm giá vàng tăng nhanh do chịu các ảnh hưởng bất lợi của thị trường khi chỉ có một người mua lớn trên thị trường. Đây là vấn đề chung. Các quốc gia khác thường xử lý vấn đề bằng cách thông báo một chương trình thu mua trong dài hạn và tự cho mình quyền linh hoạt để quyết định thời điểm mua, vậy thì thị trường không thể tận dụng các lợi thế bất công khi có một người mua. Trong trường hợp này thì Trung Quốc đã vượt xa hơn sự linh hoạt về thời điểm và tiến hành một nghiệp vụ bí mật.
Hiện nay thì họ còn bí mật theo đuổi những hoạt động tài chính nào nữa? Trong khi Trung Quốc xúc tiến nhiều mặt trận, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giảm giá đồng đô-la đang thống trị. Thái độ của Trung Quốc đối với đồng đô-la Mỹ có thể sẽ quyết liệt hơn khi công cuộc đa dạng hóa dự trữ của họ đã có những bước tiến dài hơn. Thế cờ tàn với các tài sản vật chất của Trung Quốc cũng là một quả bom hẹn giờ nữa dành cho đồng đô-la Mỹ.
• Sụp đổ
Sau chuyến du hành qua các điểm nóng tài chính như trên, người ta còn nản lòng thêm khi xem xét đến rủi ro lớn nhất dành cho tất cả – đó là mối tương quan. Trong các viễn cảnh của cuộc chiến tranh tài chính toàn cầu, mối tương quan có nghĩa là nhiều sự đe dọa khởi phát từ nước ngoài nhưng vẫn đồng thời tạo nên các cú sốc bất lợi cho một nền kinh tế, bởi vì quá trình điều phối hoặc vì yếu tố này đóng vai trò chất xúc tác cho các diễn biến khác. Nếu Nga muốn tấn công Tây Âu trên mặt trận tài nguyên thiên nhiên bằng cách cắt nguồn cung khí đốt, điều này là có ý nghĩa đối với Trung Quốc để họ thúc đẩy các nỗ lực đa dạng hóa và chuyển đổi các tài sản trên chứng từ thành các tài sản vật chất. Lý do là vì động thái đó của Nga được cho là sẽ đẩy giá khí đốt tăng vọt. Ngược lại, nếu Trung Quốc sẵn sàng tuyên bố thay đổi về loại tiền tệ dự trữ được đảm bảo bằng hàng hóa, điều này cũng có thể khiến cho Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận đồng đô-la Mỹ trong các giao dịch thanh toán xuất khẩu đối với dầu và khí đốt thiên nhiên, trừ khi đồng đô-la đã bị phá giá rất nhiều so với tiền tệ mới.
Ở mức độ tinh vi hơn, Trung Quốc và Nga có thể thấy có lợi khi đôi bên ngấm ngầm hợp tác với nhau về thời điểm mở các cuộc tấn công trên mặt trận hàng hóa và tiền tệ để tự củng cố sức mạnh cho mình. Họ có thể giành trước những vị thế thuận lợi khi sử dụng các đòn bẩy và các công cụ phái sinh. Đây không chỉ là cuộc tấn công tài chính mà còn liên quan đến các giao dịch nội gián nhằm thu lợi ích từ các hành động xấu. Iran, bằng mối quan hệ với các ngân hàng Dubai, khi nhận thấy các động thái này cũng có thể quyết định mở cuộc chiến tranh hoặc tấn công khủng bố sang Ả Rập Saudi: nguyên nhân không phải vì Iran có giao thiệp với Nga hoặc Trung Quốc, mà bởi vì khi đó sức mạnh tài chính được nhân lên nhiều lần.
Bẻ gẫy cuộc tấn công tài nguyên của Nga, cuộc tấn công tiền tệ của Trung Quốc và cuộc tấn công quân sự của Iran – cả 3 đều gần như cùng lúc đánh vào lợi ích của nước Mỹ – sẽ gây ra các hậu quả có thể được dự đoán trước đối với các thị trường vốn rất nhạy cảm trên thế giới. Các thị trường này sẽ nhận được những đòn đánh vào tài chính, chúng không sụp đổ nhưng có thể tạm ngưng mọi hoạt động chức năng.
Các mối nguy như trên đang đến gần. Chúng không phải là những viễn cảnh xấu nhất, mà là sự tích tụ của nhiều diễn biến trong thời đại hiện nay. Hãy cùng điểm qua các sự kiện:
• Ngày 28 tháng 10/2008: Interfax thông báo rằng Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã khuyên Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nên từ bỏ đồng đô-la Mỹ, không coi nó là loại tiền tệ trong giao dịch và dự trữ.
• Ngày 15 tháng 11/2008: Hãng Associated Press (AP) thông báo rằng Iran đã chuyển đổi lượng dự trữ tài chính sang vàng.
• Ngày 19 tháng 11/2008: Dow Jones cho hay Trung Quốc đang xem xét mục tiêu đạt 4.000 tấn vàng để dự trữ chính thức, nhằm đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro khi nắm giữ đô-la Mỹ.
• Ngày 9 tháng 2/2009: Tờ Financial Times thông báo rằng các giao dịch vàng thỏi đã đạt mức kỷ lục của mọi thời đại.
• Ngày 18 tháng 3/2009: Reuters đưa tin Liên Hiệp Quốc ủng hộ lời kêu gọi từ bỏ vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu của đồng đô-la Mỹ.
• Ngày 30 tháng 3/2009: Hãng thông tấn AFP loan báo rằng Nga và Trung Quốc đang hợp tác trong việc tạo ra một loại tiền tệ toàn cầu mới.
• Ngày 31 tháng 3/2009: Tờ Financial Times đăng tin Trung Quốc và Argentina đã tham gia vào sự hoán đổi tiền tệ, cho phép Argentina sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc thay cho đô-la Mỹ.
• Ngày 26 tháng 4/2009: AFP thông báo về việc Trung Quốc đang kêu gọi cải cách hệ thống tiền tệ thế giới và sự thay thế cho đồng đô-la Mỹ trong vai trò của tiền tệ dự trữ hàng đầu.
• Ngày 18 tháng 5/2009: Tờ Financial Times đưa tin cho biết Brazil và Trung Quốc đã đồng thuận để khảo sát việc thực thi thương mại song phương mà không cần sử dụng đồng đô-la.
• Ngày 16 tháng 6/2009: Reuters thông báo rằng Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, tại một Hội nghị thượng đỉnh BRIC, đã kêu gọi "một hệ thống tiền tệ đa dạng, ổn định và có thể được dự báo trước nhiều hơn."
• Ngày 3 tháng 11/2009: Bloomberg cho biết Ấn Độ đã mua vàng của IMF trị giá $6,7 tỷ để đa dạng hóa các tài sản của quốc gia này, tránh xa một đồng đô-la yếu.
• Ngày 7 tháng 11/2010: Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick tuyên bố rằng nhóm G20 sẽ "xem xét triển khai việc dùng vàng như một công cụ tham chiếu quốc tế đối với các mong muốn của thị trường về tình hình lạm phát, giảm phát và các giá trị của tiền tệ tương lai."
• Ngày 13 tháng 12/2010: Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi xem xét đến một vai trò lớn lao hơn của đồng SDR trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
• Ngày 15 tháng 12/2010: Tờ BusinessWeek đăng tin Trung Quốc và Nga cùng nhau kêu gọi xóa bỏ vai trò của đồng đô-la trong thương mại quốc tế và đang tung ra cơ chế thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ - Ruble.
Trên đây chỉ là các ví dụ để minh chứng rằng có rất nhiều nguồn tin cho thấy Trung Quốc, Nga, Brazil và một số quốc gia khác đang tìm kiếm một loại tiền tệ khác, thay cho đô-la trong vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu. Một điệp khúc khác cũng được loan báo thường xuyên: hàng hóa đóng một vai trò nền tảng cho loại tiền tệ mới.
Đây là những xu hướng đáng quan ngại và khiến Hoa Kỳ phải chọn lựa một cách khó khăn. Việc duy trì các lợi ích đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ sẽ không thể thực hiện được nếu không biết được động cơ của các thị trường vốn toàn cầu. Sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào các đối thủ truyền thống để thanh toán các khoản nợ là việc không những làm hạn chế chính sách tài chính mà còn hạn chế cả các chọn lựa về an ninh quốc gia và quân sự. Các hiệu ứng domino trong quan hệ địa chính trị đã từng diễn ra đâu đó, chẳng hạn như tại Pakistan, Somalia, Thái Lan, Iceland, Ai Cập, Libya, Tunisia và Jordan. Các hiệu ứng domino lớn hơn đang chuẩn bị xảy ra tại Đông Âu, Tây Ban Nha, Mexico, Iran và Ả Rập Saudi. Các thách thức dành cho sức mạnh của Hoa Kỳ sẽ lớn hơn khi đồng đô-la Mỹ suy yếu hơn.
Xét từ góc độ địa chính trị thì hiện đang có 3 cường quốc – Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Trong số này, Hoa Kỳ là quốc gia vững chắc nhất trước các cuộc tấn công tài chính nhưng dường như Hoa Kỳ lại đang tự làm xói mòn bản thân bằng cách giảm giá trị đồng đô-la. Nga rõ ràng là yếu, nhưng họ có thể củng cố sức mạnh – trong lịch sử Nga từng quay lưng với cả thế giới và vẫn tồn tại được nhờ chính sách tự cung tự cấp. Trung Quốc có vẻ khá kiên cường, tuy nhiên, như những diễn biến trong suốt chiều dài lịch sử, lại là quốc gia mong manh nhất trong số này. Trung Quốc từng liên tục có biến động trong 5.000 năm lịch sử: hết giai đoạn hình thành các nhà nước tập quyền lại chuyển sang giai đoạn tan rã vì mâu thuẫn. Khó có thể nhận định được giới lãnh đạo Trung Quốc có thể tồn tại được bao lâu khi đứng trước các mối nguy dễ nhận biết nhất: tình trạng thất nghiệp, vấn đề nông thôn, Pháp Luân Công, Tây Tạng, Tân Cương, người tị nạn Triều Tiên và nhiều vấn đề khác có khả năng tạo ra "hiệu ứng ly tâm". Một cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra trong một chế độ phức tạp rất có thể sẽ là chất xúc tác để xóa sổ 60 năm cầm quyền của đảng cầm quyền Trung Quốc. Iran vẫn núp ló ngồi chờ trong cánh gà, quốc gia này coi sự suy yếu kinh tế của Hoa Kỳ là số nhân để tăng cường sức mạnh cho họ, là yếu tố giúp họ thu về nhiều lợi ích hơn khi họ quyết định tấn công các nước láng giềng tại Trung Đông. Chúng ta đang rơi vào vòng xoáy. Mối quan hệ giữa lượng vốn toàn cầu không được kiểm soát và tình hình địa chính trị bất ổn đã trở thành một thứ "quái thú" bắt đầu nhe nanh múa vuốt.
Sự lạm dụng Kinh tế học
"Các quyết định của nhân loại có ảnh hưởng đến tương lai... là thứ không phụ thuộc vào sự mong đợi theo các phép toán chính xác, bởi vì không có cơ sở để thực hiện các phép tính toán này;... bẩm sinh chúng ta ưa thích các hành động sao cho bánh xe quay đều, để cái tôi lý trí của chúng ta được chọn lựa... nhưng thường thì quá trình này bị đẩy lùi vì các động cơ phát xuất từ những ý tưởng bất chợt, từ tình cảm hoặc sự ngẫu nhiên."
— John Maynard Keynes, 1935
Cuối thập niên 1940, kinh tế học đã "đoạn giao" với các cựu đồng minh của nó là khoa học chính trị, triết học và luật học để kết bằng hữu với đồng minh mới: các ngành khoa học tự nhiên như toán học ứng dụng và vật lý. Mỉa mai thay, kinh tế học gắn kết với vật lý cổ điển về nguyên tắc nhân quả lại đúng vào lúc bản thân các nhà vật lý lại bắt đầu đi theo hướng không tuyệt đối chắc chắn và có sự phức tạp. Việc hình thành giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1969, tức là 74 năm sau khi hình thành giải Nobel Vật lý, đã xác nhận sự thay đổi về bản chất hàn lâm. Các nhà kinh tế học đã trở thành những "bậc cao tăng" trong phần lớn các hoạt động của nhân loại – mang đến thịnh vượng, công ăn việc làm, tiết kiệm và đầu tư – và họ được trang bị tốt với nhiều phương trình, mô hình, máy tính để thực thi các chức năng tu hành.
Kể từ khi xuất hiện chủ nghĩa tư bản tự do kinh tế, các nền kinh tế luôn luôn biến động. Hết bong bóng tới hỗn loạn, rồi sụp đổ và suy thoái đều đặn diễn ra như các cơn bão lũ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì động lực nền móng của kinh tế học, phát xuất từ bản chất của con người, luôn luôn vận hành. Nhưng kinh tế học khoa học kiểu mới còn hứa hẹn những thứ tốt đẹp hơn. Các nhà kinh tế học cam đoan rằng thông qua việc tinh chỉnh chính sách tài chính và tiền tệ, tái lập cân bằng các điều khoản thương mại và phân tán rủi ro thông qua các công cụ phái sinh, các biến động thị trường sẽ dịu lại và mức tăng trưởng sẽ cao hơn trước. Các nhà kinh tế học cũng hứa hẹn rằng với việc xóa bỏ chế độ Bản vị Vàng, họ có thể cung tiền khi cần thiết để duy trì sự phát triển, và rằng các công cụ phái sinh sẽ mang rủi ro đến những bên có năng lực cao nhất trong việc gánh chịu rủi ro.
Tuy nhiên, Cơn hoảng loạn 2008 cho thấy rằng các ông vua kinh tế học đang cởi truồng dạo phố. Chỉ có sự can thiệp trên quy mô lớn của chính phủ, liên quan đến ngân hàng vốn, cho vay liên ngân hàng, bảo lãnh trên thị trường tiền tệ, bảo lãnh thế chấp, bảo hiểm tiền gửi và nhiều phương thức khác mới ngăn chặn được sự sụp đổ hoàn toàn của các thị trường vốn và nền kinh tế. Chỉ có rất ít ngoại lệ, còn đa số các nhà kinh tế học vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý rủi ro hàng đầu đều thất bại trong việc dự báo sự sụp đổ. Họ cũng chẳng có chút khả năng nào để ngăn chặn quá trình sụp đổ đó, ngoài một lý sự cùn: phản đối việc thả nổi tiền tệ không giới hạn.
Để lý giải chuyện này, có thể coi thời điểm năm 1947 với việc xuất bản tác phẩm Cơ sở Phân tích Kinh tế (Foundations of Economic Analysis) của Paul Samuelson làm cột mốc phân chia thời đại: thời đại từ 1947 trở về trước với quan niệm kinh tế học là một khoa học xã hội và thời đại mới từ 1947 về sau cho rằng kinh tế học là một ngành khoa học tự nhiên. Nhưng cột mốc phân chia theo thời gian này lại không cho thấy sự thay đổi hành vi thị trường tương ứng. Sự sụp đổ của Công ty Quản lý Vốn Dài hạn (LTCM) năm 1998 cũng tương tự như sự sụp đổ của Knickerbocker Trust và Cơn hoảng loạn 1907, xét về sự lan tỏa động cơ và giải pháp kín từ phía các đối tác ngân hàng – những bên có thể tổn thất nhiều nhất. Vụ đổ vỡ thị trường chứng khoán ngày 19 tháng 10/1987 khi chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt 22,61% chỉ trong một ngày cũng gợi nhớ lại lần giảm sút 23,05% trong hai ngày 28 và 29 tháng 10/1929. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011 có thể được so sánh với giai đoạn Đại Suy Thoái: trong cả hai giai đoạn này, người ta đều vận dụng các phương pháp luận giống nhau để giải quyết vấn đề người lao động đang chán nản. Nói ngắn gọn, giai đoạn được gọi là "khoa học kinh tế vật chất" từ sau năm 1947 cũng chẳng có gì để minh chứng được sự thành công trong việc giải quyết các vấn đề kinh điển là tăng trưởng cực nhanh và nổ tung. Thực ra, có nhiều bằng chứng cho thấy rằng các thực hành hiện đại của kinh tế học còn khiến cho xã hội tồi tệ hơn khi xét về mức độ thâm hụt chi tiêu công, khoản nợ trong cấu trúc vốn hiện tại ngăn cản doanh nghiệp tiếp tục đầu tư một cách tối ưu, bất bình đẳng trong thu nhập và đội quân những người thất nghiệp dài hạn ngày càng lớn.
Nếu như trước đây các nhà kinh tế học có đặc quyền là công việc của họ không bị đưa ra xem xét một cách khắt khe, thì những thất bại như trên đã khiến các công dân bình thường tước bỏ sự miễn trừ này của họ. Điều gì mang lại hiệu quả và điều gì không có tác dụng trong kinh tế học đã không chỉ còn là vấn đề tranh luận hàn lâm, khi mà 44 triệu người Mỹ đang sống bằng tem phiếu lương thực. Các tuyên bố của những lý thuyết gia kinh tế về số nhân, tính duy lý, hiệu suất, mối tương quan và sự phân bổ rủi ro thông thường đã không đơn thuần là những thứ mơ hồ trừu tượng nữa. Các tuyên bố này đã trở thành những mối nguy đe dọa sự thịnh vượng của quốc gia. Các dấu hiệu cho thấy thất bại của kinh tế học đã lộ diện trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang, kinh tế học Keynes, trường phái Trọng tiền và kinh tế học tài chính. Hiểu được các thất bại này sẽ giúp chúng ta biết tại sao sự phát triển bị cản trở và các cuộc chiến tranh tiền tệ có nguy cơ bùng nổ.
• Cục Dự trữ Liên bang
Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ là một ngân hàng trung ương mạnh nhất trong lịch sử và ngày nay vẫn là nguồn lực chủ chốt trong nền kinh tế Mỹ. Fed vẫn thường được mô tả là có "nhiệm vụ kép": bình ổn giá cả và giảm thất nghiệp. Fed còn được mong đợi sẽ hành động như một người cho vay cuối cùng (lender of last resort) trong các cơn hoảng loạn tài chính và phải điều tiết được các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng vẫn được cho là "quá lớn đến mức không thể sụp đổ." Thêm vào đó, Fed còn đại diện cho Hoa Kỳ tại các phiên họp ngân hàng trung ương đa phương, chẳng hạn như với nhóm G20 và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, và thực hiện các giao dịch có sử dụng vàng của Bộ Ngân khố. Fed còn được ủy quyền thêm một số nhiệm vụ mới theo đạo luật Dodd-Frank chỉnh sửa năm 2010. "Nhiệm vụ kép" đã trở thành thứ giống như nhiều vòi bạch tuộc.
Từ khi được thành lập năm 1913, công việc quan trọng nhất của Fed khi đó là duy trì sức mua của đồng đô-la; tuy nhiên, cũng từ năm 1913 tới nay thì đồng đô-la đã giảm giá trị đến 95%. Nói cách khác, trong thời buổi này thì phải trả 20 đô-la mới mua được thứ có thể được mua bằng 1 đô-la trong năm 1913. Cứ hình dung ra một nhà quản lý đầu tư đã để mất 95% tiền của khách hàng là đủ hiểu hiệu quả hoạt động trong nhiệm vụ chính yếu của Fed.
Hiệu quả trong việc bình ổn giá trị đồng đô-la của Fed nên được đem ra so sánh với thành tựu của nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic). Trong nền cộng hòa cổ đại này, đồng Denarius Bạc đã giữ nguyên 100% sức mua nguyên thủy trong vòng hơn 200 năm, cho tới khi Hoàng đế Augus tus làm giảm giá trị loại tiền tệ này vào cuối thế kỷ thứ Nhất trước Công nguyên. Đồng tiền vàng Solidus của Đế quốc Byzantine thậm chí còn có lịch sử ấn tượng hơn, nó đã duy trì được sức mua ổn định trong hơn 500 năm, từ sau cuộc cải cách tiền tệ năm 498 sau Công nguyên cho tới khi bắt đầu phá giá vào năm 1030.
Những người biện hộ cho Fed tranh luận rằng: trong khi đồng đô-la có thể đánh mất 95% sức mua, tiền lương đã được tăng lên khoảng hơn 20 lần, như vậy đủ bù đắp được sự suy giảm trong sức mua của đồng tiền. Ý tưởng cho rằng "giá cả và tiền lương song hành nhau sẽ không gây ra điều gì tai hại" được người ta gọi là "sự trung tính của tiền tệ" (money neutrality). Tuy nhiên, lý thuyết về sự trung tính đã phớt lờ một yếu tố quan trọng: trong khi tiền lương và giá cả cùng nắm tay nhau đi lên, ảnh hưởng của hiện tượng này không đồng đều đối với mọi lĩnh vực kinh tế. Quá trình "đôi bạn cùng tiến" đã tạo nên những kẻ thắng người thua không đáng có. Bên thua là những người Mỹ đã cẩn thận dành dụm tiền, những người sống bằng lương hưu và thu nhập của họ bị giảm giá trị do lạm phát. Bên thắng điển hình là những người sử dụng đòn bẩy tài chính cũng như những ai hiểu rõ hơn về lạm phát và các nguồn lực để phòng vệ với các tài sản vật chất, chẳng hạn như vàng, bất động sản và các tác phẩm nghệ thuật. Hậu quả từ việc hình thành nên những kẻ thắng người thua không đáng có là các quyết định đầu tư bị xuyên tạc, sự phân bổ vốn sai lầm, các bong bóng tài sản và sự bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng tăng. Tổn thất thực tế từ việc không duy trì được sự ổn định giá cả là tình trạng năng suất kém và bất công.
Một nhiệm vụ nữa của Fed là thực hiện vai trò của người cho vay cuối cùng. Theo quan niệm cổ điển trong thế kỷ 19 của một tác giả kinh tế là Walter Bagehot, điều này có nghĩa là: khi xảy ra tình trạng hỗn loạn tài chính và tất cả mọi khách hàng có tiền gửi ngân hàng đều đồng loạt muốn rút ra; thì một ngân hàng trung ương sẽ hào phóng cho vay đối với các ngân hàng nào còn khả năng thanh toán, với tài sản thế chấp có giá trị và theo lãi suất cao, nhằm giúp các ngân hàng đó hoàn thành nghĩa vụ với các bên gửi tiền. Dạng thức cho vay này theo cách điển hình sẽ không được coi là giải cứu, mà là một phương pháp chuyển đổi các tài sản tốt thành tiền mặt khi chưa có sẵn thị trường dành cho các tài sản đó. Khi cơn hoảng loạn qua đi và niềm tin được khôi phục, các khoản vay đó sẽ được bồi hoàn lại cho ngân hàng trung ương và tài sản thế chấp lại quay về các ngân hàng.
Khi Đại Suy Thoái đi xuống đáy và rất cần đến chức năng của "người cho vay cuối cùng" thì Fed đã hoàn toàn thất bại. Hơn 10.000 ngân hàng tại Hoa Kỳ đã hoặc phải đóng cửa hoặc bị mua lại và các tài sản trong hệ thống ngân hàng giảm giá gần 30%. Lượng cung tiền bị thiếu hụt đến mức nhiều người Mỹ phải tiến hành phương thức "hàng đổi hàng", ví dụ đổi trứng lấy đường hoặc cà phê. Đó là giai đoạn người ta phải sử dụng tiền gỗ mạ kền – một loại tiền xu "tự chế" có thể sử dụng trong các giao dịch địa phương giữa các khách hàng và thương nhân trong phạm vi địa lý gần kề nhau để trao đổi hàng hóa dịch vụ.
Sau Đại Suy Thoái, một lần nữa nền kinh tế lại rất cần chức năng "người cho vay cuối cùng" khi xảy ra Cơn hoảng loạn 2008. Các hành động của Fed vào thời điểm 2008 này cứ như là sự đối phó với một cơn khủng hoảng thanh khoản, trong khi tình hình thực tế lại là khủng hoảng thanh toán và tín dụng. Cho vay ngắn hạn có thể giúp giải quyết khủng hoảng thanh khoản khi việc cho vay này đóng vai trò cấp tín dụng tạm thời, nhưng nó sẽ không giải quyết được khủng hoảng khả năng thanh toán, khi tài sản thế chấp đã bị mất giá trị vĩnh viễn. Giải pháp cho cơn khủng hoảng khả năng thanh toán phải là đóng cửa hoặc quốc hữu hóa các ngân hàng mất khả năng thanh toán, vận dụng các nguồn lực khẩn cấp, đặt những tài sản xấu dưới sự kiểm soát của chính phủ và tái tư nhân hóa ngân hàng mới, đủ khả năng thanh toán thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho các cổ đông mới. Sau đó ngân hàng mới này có thể cấp các khoản tín dụng mới. Lợi ích của việc nhà nước quản lý các tài sản độc hại là: chúng có thể được mua lại với giá thấp, không cần tiền vốn đầu tư và cũng không hạch toán lỗ theo thị giá hiện hành. Các cổ đông và trái chủ của những ngân hàng mất khả năng thanh toán và quỹ bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ gánh chịu tổn thất từ các tài sản độc hại đó, còn những người đóng thuế chỉ phải chịu các tổn thất phát sinh thêm.
Nhưng một lần nữa Fed lại nhận định tình hình sai lầm. Thay vì đóng cửa các ngân hàng mất khả năng thanh toán, Fed và Bộ Ngân khố lại giải cứu chúng với "Chương trình xử lý các tài sản có vấn đề – TARP" và một số mánh khóe khác sao cho các trái chủ và ban quản lý các ngân hàng vẫn tiếp tục thu lãi, lợi nhuận và tiền thưởng từ phí tổn của người nộp thuế. Động thái này nhất quán với những gì Fed từng làm từ thời sơ khai tại Jekyll Island – tức là giải cứu các quan chức ngân hàng. Fed hầu như không đếm xỉa gì đến các nguyên tắc cốt lõi của Bagehot. Fed cũng có làm theo các đề xuất của Bagehot: hào phóng cho vay tiền, nhưng Fed lại nhận vào các tài sản thế chấp độc hại, hầu hết số tài sản này hiện vẫn còn trong sổ sách của Fed. Fed áp lãi suất cho các khoản vay này ở mức gần như zero, thay vì tính lãi suất cao – thường thì các bên đi vay đang khốn đốn sẽ đề nghị được vay với lãi suất cao. Fed còn cho vay đối với các ngân hàng đã mất khả năng thanh toán chứ không chỉ cấp tín dụng cho những ngân hàng còn khả năng và xứng đáng được hỗ trợ. Hệ lụy cho nền kinh tế, thậm chí vẫn còn tới ngày nay, là các tài sản độc hại vẫn còn đó, hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng đang bị kiềm chế cao độ do nhu cầu tái cấp vốn và nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước khi nó có thể tự tăng trưởng như xưa.
Khi tình hình rất cần đến các chức năng của "người cho vay cuối cùng" thì Fed lại hai lần làm hỏng việc. Lần đầu là giai đoạn 1929 –1933, lẽ ra Fed khi đó phải cấp thanh khoản thì nó lại không làm. Còn lần thứ hai là giai đoạn 2007 – 2009, khi đó Fed lẽ ra phải đóng cửa các ngân hàng mất khả năng thanh toán thì nó lại cấp thanh khoản. Thật kỳ lạ. Người ta có thể kết luận từ hai sự kiện này rằng Fed đã tỏ ra hiểu biết quá ít về nghệ thuật kinh điển trong ngành ngân hàng.
Năm 1978, đạo luật Toàn dụng Lao động Humphrey-Hawkins, được Tổng thống Jimmy Carter phê chuẩn, đã giao thêm cho Fed nhiệm vụ quản lý vấn đề thất nghiệp. Đạo luật này rõ ràng đi theo kinh tế học trường phái Keynes và nó ủy quyền cho Fed phối hợp với các cơ quan hành pháp để đạt tình trạng toàn dụng lao động, phát triển, bình ổn giá cả và một ngân sách cân bằng. Đạo luật đặt ra mục tiêu cụ thể: 3% thất nghiệp đến năm 1983, rồi sau đó sẽ duy trì tỷ lệ này. Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng theo chu kỳ và đạt các đỉnh điểm: 10,4% trong năm 1983, 7,8% trong năm 1992, 6,3% trong năm 2003 và 10,1% trong năm 2009. Không thể trông đợi việc Fed cùng lúc đạt được các mục tiêu kết hợp theo đạo luật Humphrey-Hawkins, mặc dù các quan chức Fed vẫn nói đãi bôi leo lẻo về việc này trước Quốc hội Mỹ. Thực ra, Fed đã không thực thi nhiệm vụ của mình để đạt được tình trạng toàn dụng lao động. Đến năm 2011, theo ước lượng của Fed thì vẫn cần 5 năm nữa mới có thể đạt tình trạng toàn dụng lao động theo định nghĩa quy ước.
Bên cạnh những thất bại trong việc bình ổn giá cả, thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng và quản lý tình trạng thất nghiệp, cần phải thêm vào một thất bại quan trọng nhất của Fed: điều tiết ngành ngân hàng. Ủy ban Điều tra về Khủng hoảng Tài chính, được Quốc hội thành lập năm 2009 nhằm tìm hiểu các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế tại Hoa Kỳ, đã lắng nghe ý kiến của hơn 700 nhân chứng, đã nghiên cứu hàng triệu trang tài liệu và tiến hành các phiên điều trần mở rộng nhằm có được các kết luận về trách nhiệm đối với cơn khủng hoảng tài chính đã khởi phát từ năm 2007. Ủy ban này đã kết luận rằng nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng là sự thất bại trong việc điều tiết, và dứt khoát đó là sai lầm của Fed. Trong báo cáo chính thức có đoạn:
Chúng tôi kết luận rằng đợt khủng hoảng này lẽ ra đã có thể tránh được. Khủng hoảng là hậu quả từ các hành động và sự không hành động của con người... Ví dụ rõ nét nhất là thất bại quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang trong việc chặn đứng các dòng tài sản thế chấp độc hại, lẽ ra Fed đã làm được điều này bằng cách đặt ra các chuẩn mực thận trọng trong hoạt động cho vay có thế chấp. Cục Dự trữ Liên bang là đơn vị được ủy quyền để làm điều đó, vậy mà nó đã không thực hiện nhiệm vụ... Chúng tôi kết luận rằng các thất bại lan tràn trong việc điều tiết và giám sát hoạt động tài chính đã tàn phá sự ổn định của các thị trường tài chính quốc gia. Những người lính gác đã không có mặt tại vị trí của họ... Nhưng chúng tôi không chấp nhận quan điểm rằng các cơ quan điều tiết đó thiếu quyền lực để bảo vệ hệ thống tài chính. Các cơ quan đều có quyền lực lớn trong nhiều lĩnh vực và họ đã chọn lựa để không sử dụng quyền lực của mình... Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng New York và một số cơ quan điều tiết khác lẽ ra phải kiểm soát được các hành vi quá trớn của Citigroup trong giai đoạn "ủ bệnh" của cơn khủng hoảng. Thực tế các cơ quan này đã không làm... Sau khi xảy ra hàng loạt vụ việc nối tiếp nhau, các cơ quan điều tiết vẫn tiếp tục đánh giá những định chế mà họ chịu trách nhiệm giám sát là tốt đẹp, an toàn ngay cả khi đã xuất hiện mối nguy... từ nhiều vấn đề phát sinh chồng chất.
Báo cáo này tiếp tục với hơn 500 trang giấy nhằm trình bày cụ thể những thất bại trong việc điều tiết của Fed. Theo như đoạn trích trên đây thì tất cả các thất bại đó đều có thể tránh được.
Một bài kiểm tra năng lực sau cùng dành cho Fed liên quan đến khả năng quản lý bảng cân đối kế toán của chính nó. Fed có thể là một ngân hàng trung ương, nhưng nó vẫn là một ngân hàng với bảng cân đối và giá trị tài sản ròng. Mỗi bảng cân đối kế toán đều có hai mục: Tổng tài sản (mọi thứ thuộc sở hữu) và Nợ phải trả (những gì còn nợ các bên khác). Giá trị tài sản ròng, còn được gọi là vốn chủ sở hữu/vốn cổ đông, được tính bằng hiệu số giữa Tổng tài sản và tổng nợ phải trả. Hầu hết các tài sản của Fed là những chứng khoán của chính phủ mà tổ chức này đã mua vào, còn nợ phải trả của Fed phần lớn là lượng tiền nó đã in để mua các chứng khoán đó.
Tới tháng 4/2011, Fed có giá trị tài sản ròng xấp xỉ $60 tỷ và tổng tài sản gần đạt $3 nghìn tỷ. Nếu tổng tài sản của Fed giảm 2%, một sự kiện không quá ồn ào trên các thị trường nhiều biến động, thì 2% của $3 nghìn tỷ sẽ có nghĩa là lỗ $60 tỷ – đủ để quét sạch toàn bộ giá trị tài sản ròng của Fed (tức là vốn chủ sở hữu bằng zero – ND). Khi đó Fed sẽ không còn khả năng thanh toán. Chuyện này có thể xảy ra không? Nó đã xảy ra rồi, nhưng Fed không báo cáo bởi vì Fed không bị yêu cầu tái định giá tài sản theo thị giá. Tình trạng này sẽ lên đỉnh điểm khi Fed tung ra toàn bộ chương trình nới lỏng định lượng với việc bán trái phiếu. Fed có thể phớt lờ các khoản lỗ theo thị giá trong ngắn hạn, nhưng khi nó bán trái phiếu ra, các khoản lỗ sẽ thể hiện trong sổ sách.
Cục Dự trữ Liên bang nhận thức vấn đề này rất rõ. Năm 2008, Fed đã cử các đại diện đến làm việc với Quốc hội để thảo luận về việc cải thiện bảng cân đối kế toán của Fed, thông qua phát hành các trái phiếu của chính mình, giống như Bộ Ngân khố hiện đang thực hiện. Năm 2009, Janet Yellen, khi đó là Chủ tịch ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, đã công khai đưa ra yêu cầu này với một diễn văn tại New York. Liên quan đến quyền phát hành các trái phiếu mới của Fed, Yellen đã nói, "Tôi sẽ sung sướng hơn nếu ngay bây giờ chúng ta có trái phiếu do Fed phát hành" và "chắc chắn đó là các trái phiếu tốt để người ta sở hữu." Yellen dường như rất sốt ruột muốn chương trình phát hành trái phiếu này được thực thi, và với lý do chính đáng. Tình trạng mấp mé bên bờ vực mất khả năng thanh toán của Fed đã dễ nhận thấy hơn khi nó sử dụng đòn bẩy nhiều hơn từ vốn chủ sở hữu. Khi được Quốc hội cho phép phát hành các trái phiếu mới, Cục Dự trữ Liên bang có thể thực thi chương trình nới lỏng định lượng mà không cần phải bán ra những trái phiếu hiện có trong sổ sách. Bán ra các trái phiếu mới của Fed sẽ là biện pháp thay thế cho việc bán ra các trái phiếu cũ của Bộ Ngân khố nhằm giảm lượng cung tiền. Bằng cách "đổi cầu thủ" như trên, các khoản thua lỗ từ các trái phiếu cũ của Bộ Ngân khố vẫn được che đậy.
Khi âm mưu về trái phiếu như trên bị tiêu diệt tại Capitol Hill, Fed nhanh chóng cần có một giải pháp khác. Chẳng còn nhiều thời gian nữa trước khi gói nới lỏng định lượng có thể bị đảo chiều. Giải pháp là sự thương lượng giữa Bộ Ngân khố và Fed và không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.
Hàng năm Fed thu lợi nhuận khổng lồ từ lãi suất trên các trái phiếu Bộ Ngân khố mà Fed sở hữu. Thông thường, Fed sẽ hoàn trả lại các khoản lợi nhuận đó cho Bộ Ngân khố. Năm 2010, Fed và Bộ Ngân khố đã thỏa thuận rằng Fed có thể tạm ngưng việc bồi hoàn này vô thời hạn. Fed giữ lại tiền mặt và số tiền mà Fed lẽ ra phải trả cho Bộ Ngân khố trong điều kiện bình thường sẽ được hạch toán vào tài khoản nợ – về bản chất thì đây là một loại giấy nhận nợ (IOU). Đây là điều chưa có tiền lệ và là dấu hiệu cho thấy tình hình bế tắc đến mức nào.
Bây giờ, với các khoản lỗ ngày càng tăng từ việc mua bán trái phiếu, Fed không đi theo cách phản ứng thông thường là giảm vốn chủ sở hữu. Thay vì vậy, Fed tăng thêm số tiền nợ Bộ Ngân khố. Thực ra, Fed đang phát hành các chứng từ nợ riêng đối với Bộ Ngân khố và sử dụng tiền mặt để tránh không bị mất khả năng thanh toán. Chừng nào Fed vẫn còn có thể phát hành các chứng chỉ nhận nợ IOU này, thì chừng đó lượng vốn chủ sở hữu của nó vẫn chưa bị quét sạch bởi các khoản lỗ từ trái phiếu. Xét trên giấy tờ thì vấn đề vốn chủ sở hữu của Fed đã được giải quyết, nhưng trên thực tế Fed đang gia tăng đòn bẩy tài chính và "gửi nhờ" các khoản lỗ của họ nơi Bộ Ngân khố. Các nhà quản lý doanh nghiệp nếu chơi trò chơi kế toán kiểu này sẽ bị ngồi tù ngay. Đừng quên rằng Bộ Ngân khố là một định chế nhà nước trong khi Fed là một tổ chức tư nhân thuộc sở hữu của các ngân hàng, do đó mánh lới kế toán này lại là bằng chứng cho thấy việc tước đoạt khoản đóng góp của những người đóng thuế để mang lợi ích cho các ngân hàng.
Hoa Kỳ hiện có một hệ thống trong đó Bộ Ngân khố đang có những thâm hụt không bền vững và phải bán trái phiếu để cầm cự không cho hệ thống sụp đổ. Fed in tiền để mua các trái phiếu đó và phải chịu lỗ khi sở hữu trái phiếu. Sau đó Bộ Ngân khố chấp nhận các chứng chỉ nhận nợ của Fed để giữ cho Fed không sụp đổ. Hành động này rất mạo hiểm và đáng kinh ngạc. Bộ Ngân khố và Fed trông như hai gã say rượu đang dựa vào nhau mà bước để không ai bị ngã. Ngày nay, với đòn bẩy 50 – 1 và sự đầu tư vào các chứng khoán trung hạn không ổn định, Fed trông giống như một quỹ đầu tư phòng vệ đáng thương hại hơn là một ngân hàng trung ương.
Ed Koch, người thị trưởng bình dân của New York trong thập niên 1980, từng nổi tiếng vì ông hay đi bộ quanh thành phố và hỏi khách qua đường với âm sắc chuẩn New York, "Tôi làm việc thế nào?" như một cách để thu thập các phản hồi đối với chính quyền thành phố của ông. Nếu Fed đi hỏi "Tôi làm việc thế nào?" thì câu trả lời sẽ là: từ khi được thành lập năm 1913 nó đã thất bại trong nhiệm vụ duy trì sự ổn định giá cả, thất bại trong vai trò là người cho vay cuối cùng, thất bại trong việc duy trì tình trạng toàn dụng lao động, thất bại trong việc điều tiết các ngân hàng và thất bại trong việc bảo toàn tính liêm chính trong bảng cân đối kế toán của chính mình. Một thành công đáng kể của Fed là: nhờ công tác quản lý của nó mà kho vàng của Bộ Ngân khố đã tăng giá trị từ $11 tỷ vào thời chính quyền Nixon năm 1971 lên đến hơn $400 tỷ ngày nay. Tất nhiên sự tăng giá trị của vàng chỉ là mặt trái của việc Fed phá giá đồng đô-la. Còn về tổng thể, khó có thể tưởng tượng ra một cơ quan nhà nước nào lại liên tục thất bại trong các nhiệm vụ trọng tâm nhất của nó hơn là Fed.
• Trường phái Trọng tiền
Trọng tiền (monetarism) là một trường phái kinh tế gắn liền nhất với tên tuổi của Mil ton Friedman, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976. Nguyên lý căn bản nhất của trường phái này là: các thay đổi trong cung tiền tệ là nguyên nhân quan trọng nhất làm thay đổi GDP. Những thay đổi này của GDP, khi được đo lường bằng đồng đô-la, có thể được chia làm 2 bộ phận cấu thành: phần "thực chất", mang lại các món lợi thực sự, và phần "do lạm phát", chỉ tạo ra các lợi nhuận ảo. Lấy phần GDP tăng trưởng "thực chất" cộng với phần tăng "do lạm phát" sẽ biết được sự gia tăng của GDP danh nghĩa, tính theo đồng đô-la.
Đóng góp của Friedman nhằm chứng minh rằng tăng lượng cung tiền để tăng sản lượng đầu ra chỉ có hiệu quả đến một mức giới hạn nào đó; còn khi vượt giới hạn này thì mọi sự gia tăng theo danh nghĩa đều là do lạm phát chứ không phải là thực chất. Trên thực tế, Fed có thể in tiền để đạt tăng trưởng danh nghĩa, nhưng có một mức độ giới hạn sự tăng trưởng thực tế. Fried man cũng kết luận rằng các ảnh hưởng do lạm phát khi tăng lượng cung tiền sẽ xuất hiện với một độ trễ nhất định, vì vậy trong ngắn hạn thì việc in tiền vẫn có thể làm tăng GDP thực tế, nhưng sau đó lạm phát sẽ xuất hiện và triệt tiêu những lợi ích ban đầu.
Các ý tưởng của Friedman được đóng gói trong một phương trình được biết đến như Lý thuyết số lượng tiền tệ. Các biến số trong phương trình này là M = lượng cung tiền, V = vận tốc lưu thông của tiền, P = mức giá chung và y = GDP thực tế. Phương trình như sau: MV = Py
Diễn giải: lượng cung tiền (M) nhân với vận tốc lưu thông tiền tệ (V) bằng GDP danh nghĩa, mà GDP danh nghĩa này được cấu thành bởi thay đổi trong mức giá chung (P) và GDP thực tế (y).
Fed kiểm soát lượng cung tiền (M). Fed tăng cung tiền bằng cách mua vào các trái phiếu chính phủ bằng tiền mới in thêm và giảm cung tiền bằng cách bán trái phiếu ra để thu về tiền rồi sau đó lượng tiền này biến mất. Vận tốc lưu thông của tiền (V) là thước đo cho biết tiền tệ quay vòng nhanh như thế nào. Nếu một người A chi tiêu một đô-la và người nhận tiền từ A cũng chi tiêu đồng đô-la đó, thì vận tốc lưu thông sẽ bằng hai, bởi vì đồng tiền này được sử dụng 2 lần. Còn nếu đồng đô-la nói trên được đem gửi ngân hàng, thì vận tốc lưu thông của nó là zero bởi vì nó không được chi tiêu gì cả (tức là không tham gia lưu thông tiền tệ – ND). Vế phải của phương trình là tăng trưởng GDP danh nghĩa với hai bộ phận cấu thành: GDP thực (y) và phần do lạm phát (P).
Qua nhiều thập kỷ, một trong những câu hỏi lớn dành cho phương trình này là: liệu có một mức giới hạn tự nhiên nào đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế trước khi để xảy ra lạm phát? Tăng trưởng thực trong nền kinh tế được giới hạn bởi số lượng người lao động và năng suất của đội ngũ những người này. Dân số Hoa Kỳ tăng khoảng 1,5% hàng năm. Tốc độ tăng năng suất thì biến động, nhưng ước lượng đạt mức từ 2% đến 2,5% hàng năm. Kết hợp giữa dân số và năng suất cho ta suy luận rằng nền kinh tế Mỹ hàng năm có thể tăng trưởng từ 3,5% đến 4,0% trong điều kiện thực tế. Đây chính là giới hạn trên dành cho tốc độ tăng trưởng sản lượng thực tế trong dài hạn, tức là biến số "y" trong phương trình Friedman.
Một người theo chủ thuyết Trọng tiền nếu muốn cố gắng tinh chỉnh chính sách tiền tệ của Fed sẽ nói rằng: nếu biến y chỉ có thể đạt mức tối đa 4%, thì một chính sách lý tưởng phải có tốc độ tăng cung tiền là 4%, vận tốc V và mức giá chung P đều là hằng số. Khi đó tăng trưởng thực tế sẽ gần như đạt mức tối đa và lạm phát gần bằng 0.
Nếu tất cả chỉ là gia tăng cung tiền với một lượng nho nhỏ thì việc xây dựng chính sách tiền tệ của Fed sẽ là thứ việc dễ làm nhất thế giới. Thực ra, Milton Friedman từng đề xuất rằng một máy tính được lập trình phù hợp có thể điều chỉnh được lượng cung tiền mà không cần đến Cục Dự trữ Liên bang. Bắt đầu là ước lượng chính xác về tốc độ phát triển thực của nến kinh tế, điều chỉnh lượng cung tiền theo tỷ lệ tương ứng rồi chứng kiến sự phát triển kinh tế mà không có lạm phát. Có thể cần đến một số tinh chỉnh nhỏ theo độ trễ của thời gian và các thay đổi trong kết quả ước lượng phát triển vì có thay đổi trong năng suất, nhưng điều này khá giản đơn chừng nào vận tốc lưu thông của tiền tệ vẫn là hằng số.
Nhưng chuyện gì xảy ra nếu vận tốc này là biến số?
Thực tế đã cho thấy vận tốc lưu thông tiền tệ hóa ra lại là yếu tố bất ngờ gây khó khăn, một vấn đề không ai có thể kiểm soát được, một biến số không thể tinh chỉnh được. Vận tốc này mang tính chất tâm lý: hoàn toàn phụ thuộc vào việc các cá nhân cảm nhận như thế nào về điều kiện kinh tế của bản thân anh ta/cô ta hoặc cảm nhận về cảm giác của tất cả mọi người tiêu dùng khác. Vận tốc lưu thông tiền tệ không thể được kiểm soát bởi các thông cáo báo chí của Fed hay những tiến bộ trong năng suất lao động. Nó là một hiện tượng mang tính hành vi, và có sức ảnh hưởng lớn.
Hãy thử hình dung nền kinh tế là chiếc xe đạp có 10 tầng líp (để chọn lựa thay đổi tốc độ và lực tác dụng lên bàn đạp – ND) còn lượng cung tiền chính là những tầng líp, vận tốc lưu thông tiền tệ là hệ thống phanh xe còn người đạp xe là người tiêu dùng. Khi thay đổi các tầng líp, Fed có thể giúp người đạp xe tăng tốc hoặc leo dốc. Nhưng nếu người đạp xe kéo phanh đủ cứng, thì chiếc xe đạp vẫn giảm tốc độ bất chấp nó đang chạy với tầng líp nào. Nếu xe đạp đang lao rất nhanh và người đạp xe bóp cứng phanh, xe có thể bị trượt bánh hoặc ngã ra đường.
Nói tóm lại, chiếc xe đạp nói trên đúng là mô hình động lực của nền kinh tế Mỹ trong hơn 10 năm qua. Sau khi đạt vận tốc 2,12 trong năm 1997, chiếc xe đã chạy chậm dần. Nó còn chạy chậm hơn vì Cơn hoảng loạn 2008, tốc độ giảm từ 1,80 trong năm 2008 xuống còn 1,67 trong năm 2009 – tức là giảm 7% chỉ trong một năm. Người tiêu dùng đã hãm phanh. Gần đây nhất là năm 2010 thì vận tốc lưu thông tiền tệ có tăng lên 1,71. Khi người tiêu dùng hoàn trả nợ và tăng tiết kiệm chứ không phải tăng chi tiêu, vận tốc lưu thông tiền tệ giảm và GDP cũng giảm theo, trừ khi Fed gia tăng cung tiền. Vậy nên Fed đã quyết liệt in tiền chỉ nhằm duy trì GDP danh nghĩa, trước sự đe dọa từ quá trình giảm tốc trong lưu thông tiền tệ.
Thêm vào đó, Fed còn gặp một vấn đề khác: bản chất của vận tốc lưu thông tiền tệ là mang tính hành vi và không dễ kiểm soát. Lượng cung tiền tệ mà Fed kiểm soát thông qua in tiền, được gọi là cơ số tiền tệ, chỉ là một phần nhỏ trong tổng cung tiền, theo dữ liệu hiện hành là tương đương khoảng 20%. Trong khi 80% lượng cung còn lại được tạo ra bởi các ngân hàng khi chúng cấp tín dụng hoặc hỗ trợ theo các dạng thức khác để tạo ra tài sản, chẳng hạn như các quỹ tương hỗ đầu tư vào các công cụ nợ ngắn hạn và các chứng từ thương mại. Trong khi cơ số tiền tệ đã gia tăng 242% từ tháng 1/2008 đến tháng 1/2011, tổng lượng cung tiền (qua hệ thống ngân hàng) chỉ tăng 34%. Nguyên nhân là vì các ngân hàng ngần ngại không muốn cấp thêm các khoản tín dụng mới và đang chật vật với những khoản cho vay độc hại còn tồn đọng trong sổ sách của họ. Hơn nữa, những người tiêu dùng và các doanh nghiệp sợ đi vay tiền từ các ngân hàng bởi vì hoặc là họ đã sử dụng đòn bẩy quá mức hoặc họ không chắc chắn về điều kiện kinh tế và hoài nghi khả năng trả nợ của mình. Cơ chế dịch chuyển từ cơ số tiền tệ sang tổng cung tiền tệ đã bị phá hỏng.
Phương trình MV = Py là công cụ then chốt để hiểu được các động lực trong một nền kinh tế. Nếu cơ chế mở rộng lượng cung tiền (M) đã bị hỏng bởi vì các ngân hàng không cho vay và vận tốc lưu thông tiền tệ (V) không đổi hoặc giảm sút do người tiêu dùng hãi sợ, thì rất khó có thể nhìn thấy cách thức phát triển khả thi cho nền kinh tế (Py).
Đây là vấn đề nan giải. Những yếu tố mà Fed có thể kiểm soát, chẳng hạn như cơ số tiền tệ, lại không chạy đủ nhanh để phục hồi nền kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Các yếu tố mà Fed cần đẩy nhanh là hoạt động cho vay từ ngân hàng và vận tốc lưu thông tiền tệ, với kết quả là tiêu dùng và đầu tư cao hơn. Tuy nhiên, việc tiêu dùng, chịu tác động bởi tâm lý của người cho vay, người đi vay và người tiêu dùng, về căn bản là một hiện tượng mang tính hành vi. Vì thế, để khôi phục nền kinh tế, Fed cần thay đổi được hành vi của đám đông và việc này chắc chắn phải liên quan đến nghê thuật nói dối, lôi kéo và tuyên truyền.
Để gia tăng vận tốc lưu thông tiền tệ, Fed phải dẫn dắt công chúng khiến cho họ hoặc là lâng lâng khoan khoái vì sự thịnh vượng, hoặc lo sợ lạm phát. Ý tưởng về hiệu ứng thịnh vượng là người tiêu dùng sẽ chi tiêu phóng khoáng hơn nếu họ cảm thấy sung túc hơn. Lộ trình quen thuộc để đến với hiệu ứng thịnh vượng là sự gia tăng của giá trị tài sản. Nhằm mục đích này, các nhóm tài sản được Fed ưa chuộng là giá chứng khoán và giá nhà, bởi vì các mức giá này đều phổ biến rộng khắp và được theo dõi sát sao. Sau khi các mức giá này giảm mạnh từ cao điểm hồi giữa năm 2006, giá nhà đã ổn định lại vào cuối năm 2009 và có tăng nhẹ vào đầu năm 2010 vì có chính sách can thiệp là hoãn thuế đối với những ai lần đầu mua nhà. Tới cuối năm 2010, chương trình này bị gián đoạn và giá nhà lại bắt đầu giảm. Tới đầu năm 2011, giá nhà trên toàn quốc đã trở về mức giá hồi giữa năm 2003 và dường như còn có xu hướng đi xuống. Kỳ này có vẻ như không có hiệu ứng thịnh vượng từ nhà cửa.
Fed đã thành công lớn trong việc đẩy thị trường chứng khoán đi lên. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng gần 90% từ tháng 3/2009 tới tháng 4/2011. Chính sách đưa lãi suất về zero của Fed đã khiến các nhà đầu tư chẳng còn nhiều "cửa đi" nếu họ muốn có lợi nhuận. Nhưng sự khôi phục thị trường chứng khoán này cũng không tạo được hiệu ứng thịnh vượng như mong muốn. Một số nhà đầu tư kiếm được tiền, nhưng rất nhiều nhà khác khoanh tay đứng ngoài cuộc bởi vì họ mất niềm tin vào thị trường này sau năm 2008.
Trước nguy cơ không thể tạo hiệu ứng thịnh vượng, Fed quay sang công cụ khác mang tính hành vi – kích thích nỗi lo sợ về lạm phát trong tâm trí người tiêu dùng. Để thực hiện điều này theo cách thúc đẩy đi vay và tăng vận tốc lưu thông tiền tệ, Fed đã đồng thời triển khai 3 việc: lãi suất danh nghĩa, lãi suất thực và lạm phát kỳ vọng. Ý tưởng là: giữ lãi suất danh nghĩa thấp và đẩy lạm phát kỳ vọng lên cao, nhằm mục tiêu tạo ra lãi suất thực là số âm – lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát kỳ vọng. Ví dụ, nếu lạm phát kỳ vọng là 4% và lãi suất danh nghĩa là 2%, thì lãi suất thực là âm 2%. Khi lãi suất thực là số âm, việc đi vay sẽ hấp dẫn hơn và tiêu dùng cũng như đầu tư đều tăng. Theo công thức của những người theo trường phái Trọng tiền, sự kết hợp đầy tiềm năng giữa gia tăng đi vay (mở rộng cung tiền) và gia tăng chi tiêu (tăng vận tốc lưu thông tiền tệ) sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính sách lãi suất thực âm và nỗi lo sợ lạm phát đã trở thành niềm hy vọng sau cùng, tốt đẹp nhất của Fed để khởi động quá trình tự hồi phục.
Lãi suất thực âm tạo ra tình trạng người ta có thể đi vay đồng đô-la rồi hoàn trả lại với đồng đô-la rẻ hơn do lạm phát. Điều này giống như đi thuê một chiếc xe hơi đã được đổ xăng đầy bình sẵn rồi sau đó trả lại xe với nửa bình xăng mà không chịu chi phí gì cả. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp khó có thể chối từ.
Kế hoạch của Fed là khuyến khích đi vay thông qua lãi suất âm và khuyến khích tiêu dùng với nỗi lo lạm phát. Kết quả tổng hợp từ đòn bẩy và lạm phát kỳ vọng có thể làm gia tăng cung tiền và vận tốc lưu thông tiền tệ, theo đó gia tăng GDP. Rất khả thi – nhưng cần làm gì để thúc đẩy những sự kỳ vọng như thế này?
Khung mẫu lý thuyết chuyên sâu để giải quyết vấn đề này đã được Ben Ber nanke và Paul Krugman thực hiện hồi cuối thập niên 1990 sau khi nghiên cứu một giai đoạn tương tự của Nhật Bản trong thời "một thập kỷ bị đánh mất." Nhà kinh tế học Lars Svensson đã tóm tắt nội dung nghiên cứu này trong năm 2003. Svensson từng là bạn học của Bernanke và Krugman tại trường Princeton và sau này ông trở thành một quan chức ngân hàng trung ương tại Thụy Điển. Tài liệu của Svensson là công cụ để giải mã cho các cuộc chiến tranh tiền tệ bởi vì nó trình bày mối liên hệ giữa phá giá tiền tệ và lãi suất thực âm như một cách thức để kích thích nền kinh tế với phí tổn của các quốc gia khác. Svensson thảo luận về ích lợi của chiến tranh tiền tệ như sau:
Ngay cả khi... lãi suất bằng zero, thì việc phá giá tiền tệ vẫn là cách thức hiệu quả để kích thích kinh tế... Sự giảm giá trị tiền tệ sẽ trực tiếp thúc đẩy kinh tế thông qua bùng nổ xuất khẩu... Quan trọng hơn... phá giá tiền tệ và giữ vững ở mức đó còn thể hiện rõ một cam kết rằng giá cả trong tương lai sẽ cao hơn.
Svensson cũng trình bày những khó khăn để lôi kéo công chúng khi theo đuổi các chính sách này:
Nếu ngân hàng trung ương có thể gây ảnh hưởng đến niềm tin của khu vực tư nhân, nó sẽ tác động sao cho khối này tin rằng trong tương lai sẽ xảy ra lạm phát, lãi suất thực sẽ giảm, và nền kinh tế sẽ sớm thoát khỏi suy thoái... Vấn đề ở chỗ không dễ gây ảnh hưởng đến niềm tin của khu vực tư nhân.
Đây chính là toàn bộ kịch bản dành cho Bernanke – giữ lãi suất tại mức zero, phá giá đồng đô-la thông qua chương trình nới lỏng định lượng và tác động đến công chúng nhằm tạo ra nỗi lo lạm phát. Chính sách lãi suất bằng 0 và nới lỏng định lượng của Bernanke tạo nhiên liệu cho chiếc xe lạm phát lăn bánh. Thật mỉa mai, những lời phê phán gay gắt nhất dành cho Ber nanke lại hỗ trợ cho kế hoạch của ông ta khi liên tục rung chuông cảnh báo lạm phát; chúng tạo nên sự lo ngại về lạm phát bằng thứ ngôn ngữ mà không một vị chủ tịch nào của Fed có thể tự mình nói lên được.
Màn kịch của ngân hàng trung ương là như vậy. Đó chẳng phải là việc mưu cầu mang tính chất khoa học, lý tính, cao đẹp của các nhà kinh tế học bất vụ lợi ngồi làm việc trong ngôi đền Fed làm bằng đá cẩm thạch tại Washington. Đó chính là hành động lừa dối và trông chờ điều tốt đẹp nhất. Khi giá dầu, bạc, vàng và những hàng hóa khác bắt đầu tăng mạnh trong năm 2011, Bernanke công khai bình thản và chứng minh rõ ràng là lãi suất thực tế vẫn thấp. Thực ra, nỗi lo lạm phát ngày càng tăng được thông báo khắp thế giới kết hợp với các mức lãi suất tiếp tục thấp đúng là những lý thuyết mà Bernanke, Krugman và Svensson ủng hộ. Nước Mỹ đã trở thành chú chuột bạch trong cuộc thí nghiệm tiền tệ quy mô lớn của khoa kinh tế học, đại học Princeton.
Lý thuyết Bernanke – Krugman – Svensson đã rõ ràng cho thấy các nỗ lực công khai của Fed nhằm tách bạch chính sách tiền tệ với cuộc chiến tranh tiền tệ chỉ là những trò lừa. Sự dễ dàng khi đi vay tiền và hạ giá đồng đô-la chỉ là hai mặt của một đồng xu, và các cuộc chiến tranh tiền tệ là một phần trong kế hoạch. Hai mặt này được thiết kế để cùng nhau tạo hiệu ứng để gây ra lạm phát thực sự và gia tăng lạm phát kỳ vọng trong khi giữ lãi suất thấp nhằm làm cho hoạt động đi vay và chi tiêu sôi động trở lại. Điều này đã rõ ràng đối với Trung Quốc, Ả Rập và các thị trường mới nổi khác tại châu Á và châu Mỹ Latin – họ đều than phiền rất nhiều về sự quản lý đồng đô-la của Fed. Người dân Mỹ đương nhiên sẽ hoài nghi về sự sụp đổ của đồng đô-la.
Về căn bản, trường phái Trọng tiền không đủ sức để trở thành một công cụ làm chính sách, không phải bởi vì nó có các biến số sai lầm, mà vì rất khó có thể kiểm soát được các biến số đó. Vận tốc lưu thông tiền tệ là tấm gương phản ánh niềm tin hoặc nỗi lo sợ của người tiêu dùng và yếu tố này biến đổi rất nhanh. Cơ chế dịch chuyển lượng cung tiền từ cơ số tiền tệ đến các khoản vay ngân hàng có thể bị phá hỏng bởi vì thiếu niềm tin và sự chắc chắn từ phía những người cho vay và cả người đi vay. Điều nguy hiểm là Fed lại không chấp nhận các hạn chế mang tính hành vi như thế này và cố gắng kiểm soát chúng thông qua truyền thông mang màu sắc lừa dối và tuyên truyền. Tệ hại hơn, khi công chúng nhận ra trò lừa đảo đó, một vòng lặp phản hồi lại được tạo dựng nên trong đó niềm tin đổ vỡ và thậm chí cả sự thật, nếu có, cũng không được ai tin nữa. Hoa Kỳ đang lâm vào nguy hiểm.
• Trường phái Keynes
John Maynard Keynes đã qua đời từ năm 1946 và vì vậy ông ta chẳng bao giờ chứng kiến được các sai lầm gắn liền với tên tuổi của mình. Sau khi ông mất một năm, tác phẩm Cơ sở Phân tích Kinh tế của Samuelson được xuất bản, đặt nền móng hàn lâm cho một lý thuyết mà sau này phát triển thành kinh tế học Keynes Mới. Bản thân Keynes chỉ sử dụng một vài phương trình trong các tác phẩm của ông, nhưng kèm theo chúng là các nội dung phân tích chuyên sâu, viết bằng lời văn rõ ràng. Chỉ trong cuối thập niên 1940 và 1950 mới tồn tại nhiều mô hình và đồ thị kinh tế mà ngày nay người ta nhận định là gắn liền với kinh tế học Keynes. Đó là thời điểm các sai lầm trong định nghĩa của "trường phái Keynes" được in sâu vào tâm trí con người; còn Keynes nghĩ gì về những sai lầm đó, nếu ông còn sống, thì tùy suy đoán của mỗi người.
Lúc cuối đời, Keynes ủng hộ một loại tiền tệ mới, mà ông gọi là đồng Bancor, có giá trị được neo với một rổ hàng hóa trong đó có vàng. Tất nhiên, ông đã kịch liệt phê phán Bản vị hối đoái vàng của thập niên 1920, nhưng ông đủ thực dụng để nhận ra rằng các loại tiền tệ phải được neo giá với thứ gì đó, vì vậy ông thích một chuẩn mực hàng hóa toàn cầu hơn là "Bản vị đô-la và vàng" đã xuất hiện từ hệ thống Bretton Woods năm 1944.
Mục đích của chúng tôi trong sách này không phải là nhận định tổng quát về kinh tế học Keynes, mà là tập trung vào những sai lầm trong lý thuyết này - những điểm gắn liền với các cuộc chiến tranh tiền tệ. Khi tìm hiểu về trường phái Trọng tiền, sai lầm của nó là sự biến đổi trong vận tốc lưu thông tiền tệ được thể hiện qua sự chọn lựa của người tiêu dùng. Trong kinh tế học Keynes, sai lầm là yếu tố nổi tiếng: "số nhân."
Lý thuyết số nhân trong kinh tế học Keynes dựa trên một giả định rằng một đô-la giảm đi vì chi tiêu của chính phủ có thể tạo ra nhiều hơn một đô-la trong tổng sản lượng đầu ra của nền kinh tế, sau khi đã tính đến mọi hiệu ứng thứ cấp khác. Số nhân là Người vượn khổng lồ (Bigfoot) của kinh tế học – nhiều người giả định rằng nó tồn tại nhưng rất hiếm khi nhìn thấy tận mắt. Nền tảng để xây dựng chính sách công theo kinh tế học Keynes được gọi là tổng cầu, hoặc tổng số của mọi chi tiêu và đầu tư trong nền kinh tế quốc nội, không tính tồn kho. Ví dụ, nếu một người lao động bị sa thải, anh ta không những bị mất thu nhập mà còn phải ngưng chi tiêu và điều này khiến cho một số người khác cũng mất thu nhập. Mất thu nhập và mất tiêu dùng khiến cho tổng cầu giảm sút, sự giảm sút này tự nó còn đi xuống thêm khiến cho càng có nhiều doanh nghiệp sa thải người lao động, chi tiêu càng ít hơn, và vòng xoáy cứ thế tiếp diễn tệ hơn. Lý thuyết kinh tế học Keynes nói rằng chính phủ cần can thiệp và chi tiêu những món tiền mà các cá nhân không thể hoặc không muốn chi tiêu, từ đó làm tăng tổng cầu. Chi tiêu của chính phủ có thể làm đảo ngược tình hình sa sút như trên và góp phần tái tạo sự phát triển của nền kinh tế.
Vấn đề trong lý thuyết về chi tiêu công để tăng tổng cầu là: bản thân chính phủ ban đầu không hề có tiền. Các chính phủ phải in tiền, thu tiền từ thuế hoặc vay tiền từ các công dân của mình hoặc vay nước ngoài. In tiền có thể tạo tăng trưởng danh nghĩa, nhưng nó cũng có thể gây ra lạm phát, vậy nên tăng trưởng thực tế là không thay đổi theo thời gian. Thu thuế và đi vay có thể giúp chính phủ chi tiêu nhiều hơn, nhưng điều này có nghĩa là khu vực tư nhân sẽ chi tiêu hoặc đầu tư ít đi, vậy nên không nhìn thấy rõ tổng cầu có thể gia tăng như thế nào. Đến đây thì "số nhân" mới cho thấy vai trò của nó. Ý tưởng về số nhân như sau: mỗi đô-la mà chính phủ chi tiêu sẽ kích thích những đối tượng khác chi tiêu nhiều hơn một đô-la và kết quả là gia tăng sản lượng đầu ra, và đây cũng là cách biện hộ cho việc thu tiền đô-la từ các khu vực tư nhân.
Sản lượng đầu ra sẽ tăng thêm bao nhiêu từ một đô-la chi tiêu của chính phủ? Nói cách khác, số nhân lớn cỡ nào? Trong một nghiên cứu nổi tiếng được thực hiện ngay trước khi chính quyền Tổng thống Obama bắt đầu làm việc, hai cố vấn của ông Obama là Christina Romer và Jared Bernstein đã xem xét đến sự liên hệ của số nhân với đề xuất cho chương trình kích thích kinh tế 2009. Romer và Bernstein ước lượng rằng số nhân sẽ đạt khoảng 1,54 khi triển khai các hoạt động chi tiêu mới. Điều này có nghĩa là cứ mỗi $100 tỷ trong chương trình chi tiêu của ông Obama thì Romer và Bernstein mong đợi sản lượng đầu ra của nền kinh tế sẽ đạt $154 tỷ. Khi toàn bộ chương trình kích thích kinh tế của ông Obama kết thúc với con số $787 tỷ, sản lượng "gia tăng" sẽ đạt $425 tỷ – thành tựu dễ dàng có được và lớn nhất trong lịch sử. Mục đích của chương trình kích thích kinh tế này là nhằm bù đắp lại hậu quả của đợt suy thoái đã bắt đầu từ cuối năm 2007 và để gìn giữ công ăn việc làm.
Chính quyền Obama đã thực thi chính sách thâm hụt tài chính cho nước Mỹ là hơn $1,4 nghìn tỷ trong năm 2009 và $1,2 nghìn tỷ trong năm 2010. Chính phủ còn dự kiến sẽ tiếp tục thâm hụt $1,6 nghìn tỷ trong năm 2011 và $1,1 nghìn tỷ trong năm 2012 – tổng cộng là hơn $5,4 nghìn tỷ chỉ trong 4 năm. Để biện hộ cho chương trình kích thích kinh tế lên đến $787 tỷ vào năm 2009 với mức thâm hụt quá lớn, một yếu tố quan trọng là phải cho thấy nước Mỹ còn tệ hại hơn nếu không chi tiêu. Bằng chứng thông qua số nhân trong kinh tế học Keynes phải là một "hòn đá tảng" vững chắc.
Chẳng bao lâu sau thì người ta đã có bằng chứng. Một tháng sau cuộc nghiên cứu của Romer và Bernstein, lại có thêm một nghiên cứu chuyên sâu khác, còn nghiêm cẩn hơn nữa, cũng về chương trình chi tiêu này do John B. Taylor và John F. Cogan đến từ đại học Stanford và các cộng sự của họ thực hiện. Các kết quả trọng tâm mà Taylor và Cogan thu được là: mọi số nhân đều thấp hơn 1, nghĩa là với mỗi đô-la chi tiêu để "kích thích kinh tế" thì tổng hàng hóa dịch vụ được khu vực tư nhân làm ra lại giảm xuống. Taylor và Cogan áp dụng một mô hình số nhân được cập nhật hơn và nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ các nhà kinh tế học; và họ cũng sử dụng các giả định mang tính thực tiễn cao hơn về các mức lãi suất dự phóng cũng như kỳ vọng của người tiêu dùng trước sự đe dọa từ các gánh nặng của thuế suất cao hơn trong tương lai. Nghiên cứu của Taylor và Cogan tính ra hiệu ứng số nhân của chương trình kích thích kinh tế này chỉ là 0,96 trong các giai đoạn đầu, và còn chứng minh rằng sẽ nhanh chóng giảm xuống 0,67 vào cuối năm 2009 rồi sau đó chỉ còn 0,48 vào cuối năm 2010. Nghiên cứu của họ cho thấy đến năm 2011 thì mỗi đô-la chi tiêu để kích thích kinh tế sẽ khiến cho sản lượng của khu vực tư nhân giảm đi khoảng 60 cents. Chương trình kích thích kinh tế của ông Obama đang làm tổn thương khu vực tư nhân và do đó hạn chế khả năng tạo ra việc làm của khu vực này.
Nghiên cứu của Taylor và Cogan không phải là nghiên cứu duy nhất cho ra kết luận rằng các số nhân theo kinh tế học Keynes đều nhỏ hơn 1 và các chương trình kích thích kinh tế sẽ tàn phá sản lượng của khối kinh tế tư nhân. John Taylor cũng từng có kết luận tương tự trong một nghiên cứu riêng biệt khác, được thực hiện từ năm 1993. Các nghiên cứu khác, trong một số điều kiện nhất định, của Michael Woodford (Đại học Columbia), Robert Barro (Đại học Harvard) và Michael Kumhof (Đại học Stan ford) và nhiều người khác cũng đồng tình rằng các số nhân theo kinh tế học Keynes sẽ nhỏ hơn 1, theo thực nghiệm. Một nghiên cứu về lý thuyết kinh tế học cho thấy các phương pháp tiếp cận của Romer và Bernstein nhằm biện hộ cho chương trình kích thích kinh tế của ông Obama đều nằm ngoài các luồng tư duy chính thống và khó có thể được ủng hộ, ngoại trừ vì các lý do mang tính ý thức hệ.
Lý thuyết của Keynes, theo đó chi tiêu công có thể kích thích tổng cầu, hóa ra chỉ có hiệu quả trong một số điều kiện rất hạn chế. Điều này làm cho lý thuyết Keynes trở thành một lý thuyết đặc biệt chứ không mang tính phổ quát như tác giả từng tuyên bố. Các chương trình kích thích kinh tế có hiệu quả trong ngắn hạn tốt hơn là trong dài hạn. Chương trình kích thích kinh tế mang lại hiệu quả trong một cuộc khủng hoảng thanh khoản hơn là khi có khủng hoảng thanh toán, nó hiệu quả khi tình hình suy thoái nhẹ chứ không phù hợp trong điều kiện suy thoái nghiêm trọng. Sự kích thích kinh tế cũng sẽ mang lại tác dụng tốt hơn đối với các nền kinh tế vừa đi vào suy thoái với mức nợ còn tương đối thấp lúc ban đầu. Những ý tưởng xuất phát của các chương trình kích thích kinh tế đã không đánh giá đúng mức công trình toán kinh tế của Giáo sư Carl F. Christ từ thập niên 1960, theo đó Giáo sư đã xây dựng lý thuyết rằng cả kinh tế học Keynes và các công cụ theo trường phái Trọng tiền đều chỉ đạt hiệu quả mạnh nhất đối với các nền kinh tế xuất phát từ ngân sách cân bằng. Christ là người đầu tiên tìm ra khái niệm "kìm chế ngân sách công" – một khái niệm dường như đang bị lãng quên. Christ đã viết, "các kết quả thu được đều cho thấy chắc chắn rằng cả hai nhóm biện hộ cực đoan cho nguồn thu từ thuế lẫn công cụ tiền tệ đều sai lầm: các biến số trong nguồn thu thuế ảnh hưởng mạnh đến quá trình thay đổi trong... lượng cung tiền, và hoạt động của thị trường mở cũng ảnh hưởng mạnh đến những biến động trong chi tiêu công và việc đánh thuế." Christ cũng nói rằng các hiệu ứng của chương trình kích thích theo kinh tế học Keynes là không thể được đo lường một cách độc lập khi khởi điểm là thâm hụt ngân sách.
Không thể nhìn thấy các điều kiện thuận lợi cho các chương trình kích thích kinh tế theo lý thuyết Keynes tại Hoa Kỳ vào đầu năm 2009. Quốc gia đang chịu những gánh nặng nợ nần quá lớn, đang thâm hụt ngân sách cao, và đang trong cơn khủng hoảng thanh toán nghiêm trọng và còn có thể kéo dài nhiều năm – đúng là một bối cảnh rất khác so với môi trường có thể tiến hành chương trình kích thích kinh tế mà Keynes đã đề xuất. Các chi tiêu từ chương trình kích thích kinh tế có thể chỉ làm tăng thâm hụt và lãng phí các nguồn lực quý giá, ngoài ra không còn tác dụng gì đáng kể khác.
Hai năm sau nghiên cứu của Romer và Bernstein, các kết quả kinh tế đã xuất hiện và chúng tàn phá những lý thuyết của hai tác giả này. Romer và Bernstein đã từng ước lượng rằng tổng số lượng người có việc làm sẽ là hơn 137 triệu vào cuối năm 2010. Trên thực tế con số này chỉ là 130 triệu. Họ ước đoán GDP sẽ tăng 3,7% vào cuối năm 2010; tuy nhiên thực tế hầu như không có tăng trưởng gì cả. Họ còn dự phóng rằng tỷ lệ thất nghiệp không vượt quá 8%; không may cho họ là tỷ lệ này trên thực tế đã lên đến 10,1% vào tháng 10/2009. Xét theo mọi thước đo thì rõ ràng là nền kinh tế đã vận hành tệ hại hơn so với những gì mà Romer và Bernstein dự đoán sau khi họ ứng dụng số nhân theo kinh tế học Keynes. Ngay từ đầu, chương trình kích thích kinh tế của chính quyền Obama đã không là gì khác hơn một danh sách các "điều ước" ý thức hệ với các chương trình được ưa thích và danh sách những người núp dưới tấm áo hàn lâm của John Maynard Keynes.
Kế hoạch của Romer – Bernstein gần như chắc chắn giữ gìn được một số công ăn việc làm trong các cơ quan tổ chức công. Tuy nhiên, một vài người vẫn cho rằng chương trình kích thích kinh tế chẳng mang lại bất cứ công ăn việc làm nào cả, đơn giản là các chi phí ẩn quá cao. Sự kết hợp giữa thâm hụt chi tiêu công, dễ vay tiền và giải cứu các ngân hàng đã thúc đẩy kinh tế đi lên trong ngắn hạn. Nhưng vấn đề là sự phục hồi kinh tế này chỉ là giả tạo và không thể tự duy trì lâu dài, bởi vì nó là kết quả của chi tiêu công và sự dễ dàng đi vay chứ không phải do tiêu dùng và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân. Tình hình này dẫn đến các phản ứng chính trị đối với sự gia tăng thêm chi tiêu công và chương trình nới lỏng định lượng.
Các khoản nợ gia tăng từ sự thất bại của các chương trình kích thích kinh tế kiểu Keynes lại trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm chú ý trong các cuộc chiến tranh tiền tệ. Ban đầu, các cuộc chiến này chỉ là sự giảm giá nội tệ của quốc gia, như một hình thức vỡ nợ. Một quốc gia vỡ nợ đối với những người cho vay nước ngoài khi các khoản nợ của quốc gia đó bất ngờ giảm giá trị thông qua hành động phá giá tiền tệ. Một quốc gia vỡ nợ đối với chính nhân dân của nó thông qua lạm phát và giá cả hàng hóa nhập khẩu bị đẩy cao hơn. Với các món nợ cao kỷ lục đang nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng quốc tế của sự phá giá tiền tệ còn lớn hơn nhiều, vì thế các cuộc chiến tranh tiền tệ càng khốc liệt hơn.
Bởi vì số nợ và sự thâm hụt hiện nay đã quá lớn, Hoa Kỳ bị lâm vào cảnh "hết đạn". Nếu Hoa Kỳ lại phải trải qua một cơn khủng hoảng tài chính khác hoặc hứng chịu thêm một thiên tai nặng nề cỡ như bão Katrina trở lên, thì khả năng trông cậy vào thâm hụt chi tiêu công cũng sẽ giảm đi nhiều. Nếu Hoa Kỳ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh quy mô lớn tại Trung Đông hoặc Đông Á, nó sẽ không đủ khả năng tài chính để tiến hành các nỗ lực chiến tranh như đã từng làm được trong thời Thế chiến thứ Hai. Nước Mỹ đang hoàn toàn lệ thuộc vào các chủ nợ nước ngoài. Trước các mối nguy cơ của bất cứ khủng hoảng nào – tài chính, thiên tai hay quân sự – Hoa Kỳ sẽ buộc phải trông cậy vào các công cụ khẩn cấp, những thứ mà Tổng thống Roosevelt từng phải triển khai trong năm 1933 và Tổng thống Nixon đã thực hiện vào năm 1971. Đóng cửa các ngân hàng, trưng thu vàng, thuế nhập khẩu và sự kiểm soát vốn sẽ là những biện pháp cần được đem ra xem xét. Sự say mê các ảo ảnh của kinh tế học Keynes đã đem lại hậu quả: sức mạnh Hoa Kỳ cũng trở thành ảo ảnh. Nước Mỹ chỉ còn có thể hy vọng không xảy ra chuyện xấu. Nhưng với quá trình vận động của thế giới ngày nay thì hy vọng đó là rất mong manh.
• Kinh tế học tài chính
Cùng khoảng thời gian mà Paul Samuelson và những người khác phát triển các lý thuyết kinh tế học trường phái Keynes, một nhóm các nhà kinh tế học khác lại xây dựng lý thuyết về các thị trường vốn. Từ các đại học Yale, MIT và Chicago, các nhà học thuật chẳng hạn như Harry Markowitz, Merton Miller, William Sharpe và James Tobin đã xây dựng nhiều tài liệu hàn lâm nghiêm cẩn – họ đều là những người được trao giải Nobel sau đó. Các tài liệu này, được xuất bản trong thập niên 1950 và 1960, đã tranh luận rằng các nhà đầu tư không thể đều đặn thu về lợi nhuận ở mức cao hơn trung bình của thị trường và rằng một danh mục đầu tư được đa dạng hóa, dõi theo thị trường rộng sẽ mang lại kết quả tốt nhất về dài hạn. Sau đó một thập kỷ, một thế hệ các nhà học thuật trẻ hơn, bao gồm Myron Scholes, Robert C. Merton (con trai của nhà xã hội học nổi danh Robert K. Merton) và Fischer Black, đã xây dựng các lý thuyết mới về giá cả của các quyền chọn, mở ra cánh cửa cho sự phát triển bùng nổ chưa từng có của các giao dịch tài chính tương lai và các công cụ phái sinh khác. Các lý thuyết của họ và những học giả khác, được tích lũy hơn 50 năm và vẫn tiếp diễn đến ngày nay, đã cấu thành nên một nhánh khoa học kinh tế được biết như kinh tế học tài chính.
Các nhà sinh vật học của trường đại học khi tìm hiểu những loại virus có thể lây nhiễm đều phải làm việc trong phòng cách ly để đảm bảo rằng các đối tượng nghiên cứu không lọt ra ngoài môi trường thí nghiệm và gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Không may là những yếu tố an toàn như trên lại không được áp dụng tại khoa kinh tế học. Mỗi ý tưởng kiến thức chuyên sâu đều kèm theo một số nhận thức sai lầm rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến các mạch máu tài chính toàn cầu và gây ra tác hại không thể lường được. Trong số các ý tưởng kinh tế học tài chính đó, có một cặp đôi tai hại nhất là "các thị trường hiệu quả" và "phân phối chuẩn rủi ro."
Ý tưởng phía sau khái niệm thị trường hiệu quả là: các nhà đầu tư đơn phương quan tâm đến việc tối đa hóa sự thịnh vượng của mình và sẽ phản ứng lại theo lý trí đối với các dấu hiệu giá cả và thông tin mới nhận. Lý thuyết này giả định rằng khi có thông tin mới và quan trọng, nó thể hiện ngay qua các mức giá cả, vậy nên giá dịch chuyển êm ái từ mức này sang mức khác tùy theo các tin tức. Bởi vì các thị trường đều cho thấy ảnh hưởng của tin tức đối với giá cả ngay tức khắc, cho nên không có nhà đầu tư nào có thể thu lợi nhuận cao hơn mức trung bình của thị trường, trừ khi anh ta may mắn, bởi vì bất cứ thông tin nào mà nhà đầu tư muốn tận dụng để ra quyết định đầu tư đều đã được thể hiện qua giá thị trường. Bởi vì người ta không thể biết trước các thông tin tiếp theo, sự thay đổi giá cả trong tương lai là không thể đoán trước và là sự ngẫu nhiên.
Ý tưởng về phân phối chuẩn rủi ro là: bởi vì giá cả trong tương lai là ngẫu nhiên, biên độ và tần số biến động giá cả cũng là ngẫu nhiên, giống như việc tung đồng xu hoặc thả xí ngầu. Các sự kiện nhẹ nhàng sẽ thường xảy ra đều đặn, và các sự kiện cao trào thì hiếm thấy. Khi các sự kiện ôn hòa thường gặp và các sự kiện nghiêm trọng hiếm xảy ra được đặt chung trong một đồ thị, nó cho ta đường cong hình chuông nổi danh. Phần lớn các sự kiện là bình thường, không nghiêm trọng, trong khi chỉ có rất ít sự kiện nghiêm trọng. Bởi vì đường hình chuông này có độ dốc cao, nên các sự kiện cực kỳ nghiêm trọng là rất hiếm và gần như không thể xảy ra.
Trong Hình 1 dưới đây, chiều cao của đường cong thể hiện tần số diễn ra sự kiện và bề rộng của nó cho thấy mức độ quan trọng của các sự kiện đó, cho dù là tích cực hay tiêu cực. Khu vực đồ thị quanh điểm 0 thể hiện các sự kiện bình thường, nhẹ nhàng hay diễn ra đều đặn. Khu vực ngoài điểm –3 và +3 cho thấy các sự kiện có tầm quan trọng rất lớn, chẳng hạn như thị trường chứng khoán sụp đổ hoặc bong bóng nhà ở bị vỡ tung. Nhưng theo như đường cong hình chuông này thì các sự kiện như vậy gần như không bao giờ xảy ra: đường cong tại các vị trí đó gần như đã tiếp xúc với trục hoành của đồ thị.
Vấn đề với các lý thuyết từng được trao giải Nobel nằm ngay trên đường cong hình chuông này: thực nghiệm cho thấy các lý thuyết đã không tương ứng với các thị trường và hành vi của con người trong thế giới thực. Dựa trên các nghiên cứu khoa học xã hội và thống kê quy mô lớn, người ta thấy rõ ràng là các thị trường không hiệu quả, sự thay đổi giá cả không phải là ngẫu nhiên và rủi ro cũng không tuân theo phân phối chuẩn.
Sự phản công học thuật đối với các nội dung kinh tế học tài chính như trên đã phát xuất từ hai hướng. Rất nhiều nghiên cứu từ các lĩnh vực tâm lý học, xã hội học và sinh học cho thấy suy cho cùng các nhà đầu tư không hành động theo lý trí, ít nhất cũng từ quan điểm tối đa hóa thịnh vượng. Từ lĩnh vực toán học hiện đại, thiên tài Benoît Mandelbrot đã trình bày các hiểu biết sâu sắc để chứng minh rằng các mức giá cả trong tương lai có phụ thuộc vào giá trong quá khứ – thị trường có một loại "bộ nhớ" có thể gây ra phản ứng hoặc phản ứng quá mức theo các cách thức gây đổ vỡ, kéo theo các giai đoạn phát triển bùng phát và nổ tung.
Daniel Kahneman và cộng sự Amos Tversky đã minh họa trong chuỗi các thí nghiệm tuy giản đơn nhưng rất thông minh để cho thấy rằng các cá nhân đều chứa đầy thành kiến không có lý trí. Chủ đề của các thí nghiệm này chú trọng vào né tránh tổn thất nhiều hơn là thu về lợi ích, mặc dù một nhà kinh tế học có thể nói rằng hai việc này có giá trị hoàn toàn như nhau. Đặc trưng này, được gọi là ác cảm với rủi ro, giúp giải thích tại sao các nhà đầu tư sẽ bán đổ bán tháo chứng khoán trong một cơn hoảng loạn nhưng lại chậm rãi tái gia nhập thị trường khi tình hình đã được cải thiện rất nhiều.
Khi các nhà kinh tế học bắt đầu tìm kiếm dữ liệu về các thị trường vốn liên quan đến sự phi lý trí mà Kahneman và Tversky đã chứng minh, họ dễ dàng thu kết quả. Trong số những kết quả dị thường này, còn có các xu hướng mà một khi đã được thiết lập thì sẽ nhiều khả năng diễn tiến theo chiều vận động sẵn có hơn là đảo chiều – cơ sở của đầu tư "theo quán tính". Dường như cổ phiếu của các công ty nhỏ lại đạt hiệu quả kinh tế cao hơn cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn. Người ta còn ghi nhận cái gọi là Hiệu ứng tháng Giêng, theo đó thị trường chứng khoán hoạt động tốt hơn vào tháng 1 so với các tháng khác của năm. Các kết quả thu được từ những nghiên cứu như trên đều trái ngược với lý thuyết thị trường hiệu quả hoặc biến động giá cả ngẫu nhiên.
Cuộc tranh cãi giữa các nhà lý luận về thị trường hiệu quả và các nhà khoa học xã hội khác sẽ chỉ đơn thuần là vấn đề tranh luận hàn lâm, nếu không nảy sinh các sự kiện quan trọng. Lý thuyết về thị trường hiệu quả cũng như những hệ quả của nó bao gồm biến động giá ngẫu nhiên và đường cong hình chuông thể hiện phân phối rủi ro đã thoát ra ngoài phòng thí nghiệm và lây nhiễm đến toàn bộ cơ chế thương mại tại Phố Wall và hệ thống ngân hàng hiện đại. Việc áp dụng những lý thuyết sai lầm này vào thực tiễn hoạt động của các thị trường vốn đã tạo nên cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987, vụ nổ Công ty Quản lý Vốn Dài hạn năm 1998 và tai nạn thảm khốc nhất là Cơn hoảng loạn 2008. Một thứ virus lây lan gây ra căn bệnh kinh tế học tài chính được biết đến là Giá trị chịu Rủi ro (value at risk – VaR).
Giá trị chịu rủi ro là phương pháp mà Phố Wall sử dụng để quản lý rủi ro trong một thập niên trước khi xảy ra Cơn hoảng loạn 2008 và hiện nay phương pháp này vẫn được sử dụng tràn lan. Đó là cách để đo lường rủi ro trong một danh mục đầu tư tổng quát – một số tình huống có rủi ro nhất định được bù đắp lại bởi một số tình huống khác, VaR được cho rằng có thể tính toán được phần bù đắp này. Ví dụ, việc cầm nắm mà không bán ra các chứng khoán nợ 10 năm của Bộ Ngân khố có thể được bù đắp bởi nghiệp vụ bán khống các chứng khoán nợ 5 năm cũng của Bộ Ngân khố sao cho phần rủi ro "tổng", theo phương pháp VaR, sẽ giảm thiểu hơn nhiều so với các rủi ro đơn lẻ từ các trái phiếu. Có thể xây dựng các nhóm chứng khoán phức tạp, với số lượng không giới hạn, để bù trừ rủi ro lẫn nhau. Toán học nhanh chóng trở nên vô dụng, bởi vì các quan hệ rõ ràng, chẳng hạn như quan hệ giữa việc cầm nắm và bán khống cùng một loại trái phiếu, sẽ nhường chỗ cho nhiều quan hệ chồng chéo giữa rất nhiều hạng mục trong một rổ chứng khoán phòng vệ.
Giá trị chịu rủi ro là đỉnh cao toán học của 50 năm phát triển kinh tế học tài chính. Đáng chú ý hơn, phương pháp VaR giả định rằng quan hệ giữa các mức giá cả trong tương lai sẽ vẫn như những gì đã có trong quá khứ, theo đó các biến động giá cả là ngẫu nhiên và rủi ro được giới hạn trong giá trị ròng (net position) – lấy giá trị cầm nắm (long) trừ đi giá trị bán khống (short) – chứ không phải là tổng giá trị (gross positions). Phương pháp VaR đã mang trí tuệ của thị trường hiệu quả và phân phối chuẩn vào trong lĩnh vực quản lý rủi ro.
Vai trò của Giá trị chịu rủi ro (VaR) trong nguyên nhân gây ra Cơn hoảng loạn 2008 là rất lớn, nhưng người ta chưa bao giờ tìm hiểu thấu đáo về việc này. Ủy ban Điều tra về Khủng hoảng Tài chính chỉ xem xét các mô hình rủi ro trong thương mại. Các vai trò rất mâu thuẫn nhau và đầy gian lận của những người môi giới thế chấp, các ngân hàng đầu tư và các cơ quan thẩm định tín dụng đã được điều tra kỹ lưỡng. Nhưng vai trò của VaR vẫn được che giấu. Xét theo nhiều cách, VaR chính là nguy cơ ngầm trong mọi hoạt động thái quá và dẫn đến sự sụp đổ. Cái gì cho phép các ngân hàng, cơ quan thẩm định và nhà đầu tư giả định rằng họ vẫn trong tình trạng an toàn? Điều gì khiến cho Cục Dự trữ Liên bang và Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch SEC yên tâm rằng các ngân hàng và những bên môi giới vẫn có lượng vốn phù hợp? Tại sao các nhà quản lý rủi ro của giới ngân hàng vẫn liên tục cam kết với CEO và Hội đồng Quản trị rằng mọi thứ đều trong tầm kiểm soát? Các câu trả lời đều xoay quanh "giá trị chịu rủi ro" và các mô hình vận hành có liên quan. Các mô hình VaR đã đưa đến đòn bẩy cao hơn và những khoản lớn có thể chịu rủi ro được liệt kê bên ngoài bảng cân đối.
Bởi vì các cơ quan quản lý điều tiết không hiểu biết rõ về phương pháp VaR bằng các ngân hàng, họ không thể hoài nghi về khâu thẩm định rủi ro. Các cơ quan quản lý cho phép các ngân hàng tự điều tiết khi gặp rủi ro và sử dụng đòn bẩy. Điều này chẳng khác gì việc Ủy ban Quản lý Hạt nhân Hoa Kỳ cho phép những nhà thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân được tự mình lập ra quy định về an toàn và không có bên giám sát độc lập nào hết.
Nhiều học giả và những người thực hành đều đã nhận thức được các sai lầm và hạn chế của VaR. Thực ra, nhiều người trong giới hàn lâm và cả những người làm việc tại phố Wall đã nhìn thấy các sai lầm đó và họ thảo luận rộng rãi trong hơn một thập niên. Các ngân hàng vẫn tiếp tục sử dụng VaR, không phải vì phương pháp này hiệu quả, mà bởi vì nó mang lại sự an toàn giả tạo để cho phép ngân hàng sử dụng các đòn bẩy lớn hơn và thu lợi nhuận cao hơn, còn khi xảy ra sự cố thì đã có những người đóng thuế gánh chịu. Sử dụng VaR để quản lý rủi ro cũng giống như đang lái xe với tốc độ 100 dặm/giờ nhưng kim đồng hồ vận tốc đã được cố định tại số 50. Các cơ quan điều tiết ngồi gật gù ở băng ghế sau của chiếc xe, họ nhìn đồng hồ vận tốc và thấy thể hiện 50 dặm/giờ, sau đó họ lại ngủ tiếp. Trong khi thực sự chiếc xe lao như điên giống như cảnh trong phim Mad Max.
Rất khó có thể lượng hóa được di sản đổ nát của kinh tế học tài chính, với các giả định sai lầm về tính ngẫu nhiên, hiệu quả và phân phối rủi ro chuẩn, nhưng có thể lấy con số $60 nghìn tỷ bị phá hủy trong tháng tiếp theo Cơn hoảng loạn 2008 để ước lượng. Các công cụ tài chính phái sinh đã không dịch chuyển rủi ro sang những cánh tay mạnh khỏe; chúng lại tập trung rủi ro vào những định chế "quá lớn đến mức không thể sụp đổ". VaR không đo lường rủi ro; nó chôn vùi rủi ro phía sau các phương trình để hù dọa các cơ quan quản lý – những tổ chức lẽ ra phải có hiểu biết tốt hơn. Các ngân hàng và cả những cơ quan điều tiết đều cố ý phớt lờ bản chất và thói quen của loài người. Khi nền kinh tế tài chính đã đổ nát và khả năng hỗ trợ thương mại của nó đã thực sự bị tàn phá nặng nề, cỗ máy phát triển đã phải vận hành chậm lại và đến nay vẫn chưa tăng tốc được.
• Washington và Phố Wall – tòa tháp đôi lừa dối
Khi mở màn chiến tranh tiền tệ năm 2010, hoạt động của ngân hàng trung ương không những dựa trên các nguyên tắc "tiền tệ tốt" (sound money: tiền tệ được quản lý một cách có trách nhiệm để tránh tình trạng lạm phát quá mức – ND) mà còn trông cậy vào năng lực của các quan chức ngân hàng trung ương trong việc vận dụng truyền thông để đánh lừa công chúng, khiến họ hiểu sai ý định thực sự của mình. Trường phái Trọng tiền dựa trên mối quan hệ không ổn định giữa vận tốc lưu thông tiền tệ và lượng cung tiền nên trường phái này không đủ năng lực để trở thành một công cụ làm chính sách. Kinh tế học Keynes đã được áp dụng một cách bất cẩn dựa trên số nhân hoang đường – một yếu tố được cho là tạo ra thu nhập nhưng trên thực tế lại phá hủy thu nhập. Kinh tế học tài chính là một tòa nhà chọc trời được xây trên nền cát lún với khái niệm thị trường hiệu quả và phân phối chuẩn rủi ro – chúng hoàn toàn không liên quan gì đến hành vi thực sự trên các thị trường vốn. Xét từ khía cạnh học thuật, toàn bộ hệ thống chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng và quản lý rủi ro đều sai lầm và lừa dối, và các khiếm khuyết này cho tới hiện nay vẫn còn đó.
Mới đây, những mô hình kinh tế mới và tốt đẹp hơn đã được hình thành. Tuy nhiên, cả Washington lẫn phố Wall đều có lợi ích bất di bất dịch từ các mô hình sai lầm trong quá khứ. Đối với Washington, kinh tế học Keynes là cái cớ để mở rộng chi tiêu và trường phái Trọng tiền là một cái cớ khác để tập trung quyền lực tại Fed. Đối với phố Wall, các lý thuyết của kinh tế học tài chính mang đến cho họ lớp vỏ bọc để họ sử dụng đòn bẩy cao và thực hành kinh doanh gian lận bằng các các công cụ phái sinh được đặt bên ngoài bảng cân đối kế toán (ngoại bảng). Tại phố Wall, lợi nhuận trên hết và khoa học đúng đắn tính sau. Nếu có một lý thuyết nào đó, dù sai lầm hoặc đã lỗi thời, được một nhân vật trong giới hàn lâm trình bày hùng hồn nhằm giải thích duy lý cho việc chấp nhận rủi ro, thì tốt cho phố Wall. Nếu các chính trị gia và những cơ quan điều tiết còn đứng khá xa phía sau đường cong học hỏi của phố Wall thì cũng tốt. Chừng nào vẫn còn lợi ích trên phố Wall, thì chừng đó vẫn còn chưa xuất hiện những câu hỏi hóc búa dành cho nó, chứ đừng nói gì đến chuyện trả lời.
Các loại tiền tệ, vốn và lý thuyết phức hợp
"Cái khó không phải là tìm ra những ý tưởng mới, mà là làm sao thoát khỏi những ý tưởng cũ."
— John Maynard Keynes, 1935
Bất chấp những thiếu sót trong lý luận và thực tiễn của cả lý thuyết số nhân trong kinh tế học Keynes lẫn phương pháp lượng hóa tiền tệ của phái Trọng tiền, người ta vẫn áp dụng một số mô hình gây ảnh hưởng rộng để xây dựng chính sách công khi nền kinh tế lao đao. Chỉ cần quan sát các chương trình kích thích kinh tế của chính quyền Obama và nới lỏng định lượng của Bernanke cũng đủ để thấy bàn tay của John Maynard Keynes và Milton Friedman vẫn gây ảnh hưởng như thế nào. Sự tồn tại dai dẳng của trường phái cũ cũng là một yếu tố tác động trong cuộc chiến tranh tiền tệ mới, bởi vì sự gia tăng nợ công. Khoản nợ công này chỉ có thể được thanh toán với sự yểm trợ của lạm phát và phá giá tiền tệ. Khi kinh tế tăng trưởng bấp bênh, một quốc gia giành lấy sự phát triển từ các quốc gia khác thông qua phá giá tiền tệ là điều khó có thể cưỡng lại. Cần có những giải pháp tốt hơn nhiều.
May mắn thay, khoa học kinh tế vẫn không hoàn toàn dậm chân tại chỗ. Một mô hình mới đã từng nổi lên từ 20 năm trước với một số các loại tiền tệ, vốn và lý thuyết phức hợp trường phái tư duy, bao gồm kinh tế học hành vi, lý thuyết phức hợp và một số lý thuyết khác. Các tư duy mới này mang tính khiêm tốn hợp lý – các nhà thực hành trong nhiều trường hợp đều thừa nhận những hạn chế trong kết quả thu được từ các công cụ mà họ sử dụng. Trường phái mới đã tránh tâm trạng hân hoan của Keynes khi khẳng định một "lý thuyết tổng quát" và của Fried man khi xác quyết rằng lạm phát liên quan mật thiết đến lượng cung tiền tệ "mọi lúc mọi nơi".
Một trường phái mới có tiềm năng hứa hẹn nhiều nhất là lý thuyết phức hợp. Mặc dù mang cái tên là "phức hợp" nhưng lý thuyết này lại dựa trên các nguyên tắc nền móng giản đơn. Điều đầu tiên là các hệ thống phức hợp không được thiết kế theo kiểu từ trên đi xuống mà chúng tự thiết kế nên, thông qua quá trình tiến hóa hoặc tương tác giữa vô số bộ phận tự hành. Thứ hai là các hệ thống phức hợp đều có các thuộc tính hợp trội, nói theo kiểu kỹ thuật nghĩa là toàn hệ thống sẽ lớn hơn tổng cộng các bộ phận cấu thành – như vậy không thể suy luận ra cách thức vận hành của toàn hệ thống nếu chỉ nhìn vào các bộ phận đơn lẻ. Thứ ba là, các hệ thống phức hợp vận hành bằng một khối lượng năng lượng đầu vào gia tăng theo hàm lũy thừa. Có nhiều dạng thức của năng lượng, nhưng quan điểm ở đây là khi tăng quy mô hệ thống lên 10 lần thì phải gia tăng nguồn năng lượng đầu vào cho hệ thống đó thêm hàng ngàn lần nữa. Thứ tư là, các hệ thống phức hợp có xu hướng sụp đổ trong thảm họa. Nguyên lý thứ 3 và thứ 4 có liên quan với nhau: khi hệ thống đạt một quy mô nhất định, nguồn năng lượng đầu vào sẽ không đủ bởi vì quan hệ theo hàm lũy thừa giữa quy mô và đầu vào làm cạn kiệt các tài nguyên khả dụng. Nói tóm lại, các hệ thống phức hợp tự phát triển, vận hành theo cách không thể dự đoán được, làm cạn kiệt tài nguyên và khi sụp đổ sẽ là thảm họa lớn. Khi áp dụng mô hình này vào lĩnh vực tài chính, các bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy chiều hướng của các cuộc chiến tranh tiền tệ.
Lý thuyết phức hợp có cơ sở thực nghiệm và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực tự nhiên và nhân tạo, bao gồm khí hậu, địa chấn, và Internet. Người ta đã thu được những thành tựu đáng kể khi ứng dụng lý thuyết phức hợp vào thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, một thách thức lớn đã phát sinh khi người ta xem xét mối tương quan giữa hành vi con người và các động cơ của thị trường. Tính phức hợp trong bản chất của con người là yếu tố căn bản chi phối sự phức hợp của các thị trường. Xét từ góc độ rộng thì bản chất con người, các thị trường và nền văn minh đều là các hệ thống phức hợp lồng ghép vào nhau như những con búp bê matryoshka của người Nga. Điểm qua kinh tế học hành vi sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc tìm hiểu bao quát về lý thuyết phức hợp, cách thức mà các động lực căn bản quyết định vận mệnh của đồng đô-la cũng như thế tàn cuộc của chiến tranh tiền tệ.
• Kinh tế học hành vi và Lý thuyết phức hợp
Kinh tế học hành vi đương đại đã hình thành từ ngành khoa học xã hội giữa thế kỷ 20. Các nhà xã hội học tiên phong như Stanley Mil gram và Robert K. Merton đã tiến hành nhiều thử nghiệm và phân tích dữ liệu trên quy mô rộng để phát triển các hiểu biết mới mẻ sâu sắc về hành vi con người.
Đóng góp nổi danh nhất của Robert K. Merton là sự hoàn thiện ý tưởng về "lời tiên đoán tự nó trở thành hiện thực". Ý tưởng này như sau: một tuyên bố được cho là đúng đắn (ngay cả khi nó bắt nguồn từ những sai lầm) sẽ có thể trở thành đúng trên thực tế nếu bản thân lời tuyến bố đó làm thay đổi hành vi theo cách thức làm hợp lý các giả thuyết (sai lầm) ban đầu. Thật thú vị, khi trình bày quan điểm này, Merton đã dùng ví dụ minh họa là hành động khách hàng đổ xô đến ngân hàng rút lại tiền trong giai đoạn chưa xuất hiện bảo hiểm tiền gửi. Một ngân hàng có thể bắt đầu một ngày làm việc tốt đẹp với lượng vốn dồi dào. Một tin đồn nói rằng ngân hàng đó không hoạt động tốt, mặc dù chỉ là tin thất thiệt, cũng có thể khiến rất nhiều người gửi tiền đồng loạt đổ xô tới rút tiền. Ngay cả những ngân hàng tốt nhất cũng không thể duy trì được 100% tiền mặt, vậy nên sự đổ xô đến rút tiền tại ngân hàng sẽ buộc nó phải đóng cửa, không đáp ứng được nhu cầu của tất cả các khách hàng. Cuối ngày làm việc, ngân hàng đó sụp đổ và như vậy đã khẳng định tin đồn – mặc dù lúc đầu tin đồn là không đúng. Sự tương tác giữa tin đồn, các hành vi hệ quả và sau cùng là thất bại của ngân hàng đã minh họa cho một vòng lặp các phản hồi chủ động giữa thông tin và hành vi.
Merton và các nhà xã hội học hàng đầu khác đều không phải là những nhà kinh tế học. Nhưng theo một ý nghĩa khác thì họ đúng là người nghiên cứu kinh tế, bởi vì kinh tế học suy cho cùng là nghiên cứu việc con người ra quyết định, liên quan đến hàng hóa trong điều kiện khan hiếm. Các nhà xã hội học đã soi sáng những quá trình ra quyết định này. Cựu CEO của Bear Stearns, ông Alan Schwartz có thể làm chứng cho sức mạnh của "lời tiên đoán tự nó trở thành hiện thực" theo ý tưởng của Merton. Ngày 12 tháng 3/2008, Schwartz đã nói trên kênh truyền hình CNBC, "Chúng tôi không nhìn thấy bất cứ áp lực nào đối với vấn đề thanh khoản của chúng tôi, chứ đừng nói đến một cuộc khủng hoảng thanh khoản." Sau đó 48 giờ, Bear Stearns bị phá sản sau khi các ngân hàng tại Phố Wall sợ hãi đã rút về hàng tỷ đô-la hạn mức tín dụng. Trường hợp của Bear Stearns chính là phiên bản thực tế của ý tưởng Merton.
Daniel Kahneman, Amos Tversky, Paul Slovic và một số người khác đã tạo nên ảnh hưởng mang tính đột phá của khoa tâm lý xã hội đối với kinh tế học, thông qua hàng loạt thí nghiệm được tiến hành trong thập niên 1950 và 1960. Một trong các thí nghiệm nổi tiếng nhất là thí nghiệm của Kahneman và Tver sky chứng minh rằng các đối tượng khi được chọn lựa hai thành quả tiền tệ sẽ chọn cái nào "chắc ăn" hơn ngay cả khi chọn lựa đó không mang lại lợi ích mong muốn cao nhất. Một phiên bản điển hình của thí nghiệm trên là: cho phép đối tượng được chọn một trong hai khoản tiền, kèm theo xác suất có thể có số tiền đó: A) $4.000 với xác suất 80% hoặc B) $3.000 với xác suất 100%. Đối với những người biện hộ cho lý thuyết thị trường hiệu quả thì đây là "chuyện nhỏ như con thỏ". Có được $4.000 với xác suất 80% nghĩa là giá trị mong đợi đạt $3.200 ($4.000 nhân với 0,80). Bởi vì $3.200 cao hơn $3.000, nên một người với lý trí tối đa hóa thịnh vượng sẽ chọn phương án A. Nhưng thí nghiệm đã cho thấy 80% những người tham gia đều chọn B. Rõ ràng đa số họ muốn "cái chắc chắn có" ngay cả khi giá trị thu được trên lý thuyết là thấp hơn. Nói cách khác, kết quả thống kê từ thí nghiệm này nhắc chúng ta một câu ngạn ngữ "một con chim trong tay bằng hai con chim trên cành cây." Kết quả thu được như trên mang tính cách mạng – công kích trực diện vào hòn đá tảng của kinh tế học tài chính.
Thông qua hàng loạt các thí nghiệm được thiết kế tao nhã và tưởng như đơn giản, Kahneman và các cộng sự đã chứng minh rằng các đối tượng rõ ràng đều ngả về những chọn lựa có độ chắc chắn cao hơn, cho dù các chọn lựa khác cũng mang lại thành quả không thua kém. Các thí nghiệm này đã tạo ra một bảng từ vựng hoàn toàn mới dành cho kinh tế học, bao gồm "điều chắc chắn" (mong muốn không bị mất mát, còn gọi là không thích rủi ro), "neo chặt" (ảnh hưởng thái quá từ các kết quả vừa thu được sau chuỗi hoạt động), "tách biệt" (quá chú trọng đến các thuộc tính đặc biệt duy nhất hơn là những thuộc tính chung), "trình bày" (quá chú trọng đến cách thức trình bày về sản phẩm hơn là bản chất sản phẩm đó) và "suy đoán" (thẩm định dựa vào kinh nghiệm). Toàn bộ công trình này mang tên "lý thuyết viễn cảnh", phê phán mạnh mẽ các lý thuyết được sử dụng bởi những nhà kinh tế học tài chính.
Không may là kinh tế học hành vi lại được các nhà xây dựng chính sách ủng hộ nhằm lôi kéo công chúng chứ không phải để làm sáng tỏ hành vi, dựa trên các giả thuyết mơ màng về trí thông minh siêu việt của họ. Chiến dịch của Bernanke để làm tăng thêm "các kỳ vọng" do lạm phát bằng cách in tiền và giảm giá trị đồng đô-la trong khi giữ lãi suất ở mức thấp chính là mánh khóe trơ tráo nhất trong thời hiện đại, nhưng chưa phải chỉ có nhiêu đó. Các chiến dịch tuyên truyền được dàn xếp công phu cũng liên quan đến các phiên họp kín giữa những CEO của doanh nghiệp với báo giới để yêu cầu đăng tin tốt về tình hình kinh doanh. Những động tác này đều lố bịch, chẳng hạn như cụm từ "phục hồi kinh tế sau suy thoái – green shoots" được các đội khiêu vũ cổ động lải nhải trên truyền hình suốt mùa xuân 2009, trong khi nước Mỹ đang bị mất hàng triệu việc làm. Lời tuyên bố của Tim Geithner "Mùa hè hồi phục" năm 2010 cũng là một ví dụ – hết mùa hè cũng chẳng có bất cứ dấu hiệu hồi phục kinh tế nào cả ngoài 44 triệu người sống nhờ tem phiếu thực phẩm. Các hiện tượng này chính là cái mà Kahneman gọi là "trình bày" một vấn đề theo cách dẫn dắt lệch lạc nhằm đạt mục đích nào đó.
Điều mà Bernanke, Geithner và những nhà khoa học hành vi với tư duy tương tự các vị này không nhận ra trong khi xây dựng chính sách lại là cái mà Merton đã dễ dàng nhận thức được – hiệu ứng phản hồi chủ động phát xuất từ việc "trình bày" mà không có thực chất. Nếu nền kinh tế thực sự hoạt động tốt, chẳng cần "trình bày" một thông điệp nào cả và bản thân sự việc đã nói lên nhiều điều, mặc dù có thể có độ trễ một chút. Ngược lại, khi tình hình thực tế cho thấy các loại tiền tệ sụp đổ, các ngân hàng thất bại và nhà nước mất khả năng thanh toán, thì nói về "hồi phục kinh tế" chỉ mang lại hiệu ứng rất nhỏ và nhất thời. Còn hiệu ứng của kiểu tuyên truyền này trong dài hạn là: công chúng hoàn toàn mất niềm tin. Khi lá bài "trình bày" được tung ra nhiều lần mà không mang lại kết quả gì, các công dân sẽ quay lưng không tin bất cứ điều gì mà nhà cầm quyền nói về sự phục hồi kinh tế, thậm chí vẫn còn hoài nghi ngay cả khi kinh tế đã thực sự phục hồi. Hiện tượng đó không phải là thất bại của kinh tế học hành vi ngay cả khi lý thuyết này bị những người làm chính sách lạm dụng.
Kinh tế học hành vi có các công cụ mạnh và có thể mang đến những hiểu biết sâu sắc bất chấp việc đôi khi bị lạm dụng. Lý thuyết này sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi người ta sử dụng nó để trả lời các câu hỏi, chứ không phải dùng để thu nhận kết quả. Khảo sát các nghịch lý trong kinh tế học Keynes là một công việc đầy tiềm năng hữu ích cho các nghiên cứu kinh tế học hành vi nhằm giải quyết các cuộc chiến tranh tiền tệ. Kinh tế học Keynes được đề xuất phần nào nhằm vượt qua nghịch lý tiết kiệm. Keynes đã chỉ ra rằng khi kinh tế sa sút, các cá nhân có thể phản ứng lại bằng cách giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu mọi người đều làm thế thì tình trạng sa sút còn tệ hại hơn bởi vì tổng cầu bị tàn phá, có thể làm cho có thêm nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Chi tiêu của chính phủ theo kiểu kinh tế học Keynes được cho là khoản bù đắp sự thiếu hụt trong chi tiêu của khu vực tư nhân. Ngày nay, chi tiêu công đã tăng quá cao và gánh nặng nợ công rất lớn đến mức các công dân đều nghĩ rằng cần phải kết hợp lạm phát, thuế cao hơn và vỡ nợ mới giải quyết được nợ công. Chi tiêu công ở đây, chẳng mấy liên quan đến kích thích tổng chi tiêu, thực ra còn làm cho gánh nặng nợ nần trở nên tệ hại hơn và có thể khiến gia tăng xu hướng tiết kiệm trong khu vực tư nhân. Đây là bài toán khó. Dường như các nhà kinh tế học hành vi là những người phù hợp nhất để giải quyết nó. Kết quả có thể là chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ trong ngắn hạn sẽ giúp tạo dựng nên sự thịnh vượng hơn trong dài hạn thông qua việc củng cố niềm tin và xu hướng tiêu dùng.
• Lý thuyết phức hợp
Định nghĩa của chúng tôi về các hệ thống phức hợp bao gồm sự hình thành tự phát, không thể dự đoán trước, yêu cầu rất nhiều năng lượng đầu vào và tiềm năng sụp đổ thảm khốc. Một phương pháp khác để hiểu lý thuyết phức hợp là so sánh tương phản nó với những gì chỉ có thuộc tính là sự phức tạp. Chiếc đồng hồ Thụy Sĩ là sản phẩm phức tạp, nhưng nó không phải là hệ thống phức hợp. Số lượng và kích thước của vô số bánh răng, lò xo, đá quý, trục và vỏ đồng hồ khiến sản phẩm này phức tạp. Nhưng các bộ phận trong đó không truyền thông qua lại với nhau. Chúng tiếp xúc với nhau, nhưng không tương tác lẫn nhau. Một bánh răng sẽ không tự nó phình to hơn bởi vì các bánh răng khác nghĩ rằng đó là một ý hay. Các lò xo không đàn hồi một cách tự phát. Chiếc đồng hồ là phức tạp; tuy nhiên lý thuyết phức hợp không chỉ dừng lại ở thuộc tính phức tạp này.
Các hệ thống phức hợp bắt đầu với các bộ phận cấu thành đơn lẻ được gọi là các bộ phận tự hành, chúng ra quyết định và thu nhận kết quả vào trong hệ thống. Các bộ phận này có thể là các sinh vật biển trong chuỗi cung ứng thực phẩm thủy sản hoặc các cá nhân đầu tư trên thị trường tiền tệ; động cơ vận hành của các nhóm đối tượng này là như nhau. Để trở thành phức hợp, hệ thống trước hết phải có sự đa dạng trong loại hình của các bộ phận cấu thành. Nếu mọi bộ phận đều giống nhau thì chẳng xảy ra chuyện gì vui. Nhưng nếu chúng là đa dạng, chúng sẽ phản ứng theo những cách khác nhau đối với nhiều yếu tố đầu vào, và cho ra những kết quả khác biệt nhau.
Yếu tố thứ hai là sự liên kết, theo đó các bộ phận kết nối với nhau theo một số kênh nhất định. Kênh liên kết có thể là các đường dây trong một mạng lưới cung cấp điện năng hoặc cơ chế cung cấp thông tin đơn giản (feeds) trong mạng xã hội Twitter, nhưng các bộ phận phải liên hệ với nhau theo cách này hay cách khác.
Yếu tố thứ ba là sự liên lập, nghĩa là các bộ phận có gây ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Nếu một cô gái không biết rõ tình hình thời tiết bên ngoài thế nào và cô nhìn qua cửa sổ để thấy người ta đang mặc áo choàng, thì cô ta cũng khoác lên mình một cái. Quyết định này không phải là phản xạ tự động – cô ta cũng có thể chọn áo len – nhưng trong tình huống này thì quyết định chọn áo ấm phần nào có chịu ảnh hưởng từ quyết định của những người khác.
Yếu tố sau cùng là sự điều chỉnh. Trong các hệ thống phức hợp, sự điều chỉnh mang nhiều ý nghĩa hơn là sự thay đổi; đúng hơn điều chỉnh ở đây liên quan cụ thể đến học hỏi. Các nhà đầu tư nào liên tục lỗ vốn vì các tiết mục của Phố Wall (chẳng hạn như "mua và nắm giữ chứng khoán") theo thời gian có thể học hỏi để hiểu rằng họ cần xem xét các chiến lược thay thế khác. Sự học hỏi này có thể mang tính tập thể, xét từ góc độ là những bài học được chia sẻ nhanh chóng với nhiều người khác, sao cho mỗi cá nhân không phải tự mình trải nghiệm bài học đó. Như vậy, nền móng của một hệ thống phức hợp là các bộ phận cấu thành đa dạng, liên kết nhau, liên lập và có sự điều chỉnh.
Để hiểu được cách thức vận hành của một hệ thống phức hợp, cần tư duy về sức mạnh của mỗi yếu tố trong cả 4 yếu tố nói trên. Thử hình dung mỗi yếu tố của từng bộ phận cấu thành hệ thống đều có thể được cài đặt theo các cấp độ từ 0 đến 10. Khi được cài đặt mức 1, toàn hệ thống trở nên nhàm chán. Nó vẫn có đủ các yếu tố của một hệ thống phức hợp, nhưng hầu như không vận hành gì cả. Mức độ đa dạng khi đó rất thấp, tính gắn kết và liên lập yếu và hầu như không hề có học hỏi hay điều chỉnh. Khi cài đặt lên cấp độ 10, hệ thống sẽ hỗn loạn. Các bộ phận cấu thành nhận được quá nhiều thông tin, từ rất nhiều nguồn khác nhau và sẽ lúng túng khi ra quyết định vì tràn ngập các tín hiệu mâu thuẫn nhau.
Lý thuyết phức hợp có nội dung lôi cuốn nhất là cái mà Scott Page (đại học Michigan) gọi là "trung điểm hấp dẫn." Điều này có nghĩa là mỗi bộ phận cấu thành được cài đặt ở những cấp độ khác nhau nhưng trong khoảng từ 3 đến 7. Tình trạng này cho phép luồng thông tin di chuyển tốt nhất, sự tương tác và học hỏi giữa các bộ phận cũng đạt hiệu quả cao nhất, nhưng đủ để giữ cho hệ thống không hỗn loạn. Đây là trọng tâm của lý thuyết phức hợp – một hệ thống liên tục mang lại những kết quả bất ngờ nhưng hệ thống đó không hư hỏng.
Hai đặc trưng khác của các hệ thống phức hợp, rất quan trọng khi được áp dụng vào các thị trường tiền tệ và đồng đô-la, là thuộc tính hợp trội và sự chuyển pha.
Thuộc tính hợp trội của hệ thống tức là tổng thể hệ thống sẽ lớn hơn kết quả của phép cộng các bộ phận cấu thành. Nếm cái bánh táo vừa nóng vừa thơm ngon thì thú vị hơn là tìm hiểu hương vị của bột bánh, đường, táo và bơ trong chiếc bánh đó. Khi các hệ thống đạt mức độ phức hợp cao, các thuộc tính hợp trội còn mạnh mẽ hơn nhiều và không thể lường trước được. Thời tiết là một trong những hệ thống phức hợp được nghiên cứu nhiều nhất. Người ta rất khó có thể xây dựng mô hình thời tiết, và kết quả dự báo thời tiết tin cậy chỉ có thể được biết trước 4 ngày. Các cơn bão cho thấy thuộc tính hợp trội. Các yếu tố cấu thành nên bão, chẳng hạn như áp suất khí quyển thấp, nước nóng, luồng đối lưu..., đều có thể quan sát dễ dàng, nhưng không thể dự đoán trước chính xác khi nào và tại đâu sẽ có bão. Bão tới thì ta mới biết.
Một ví dụ khác về tính hợp trội là nhận thức của con người. Cơ thể người cấu thành bởi oxy, carbon và hydro, cùng một hàm lượng hợp lý của đồng và kẽm. Nếu ta lấy đúng định lượng các nguyên tố này pha trộn vào nhau, khuấy đều và thậm chí kích thích bởi dòng điện thì cũng chẳng có gì xảy ra. Nhưng với đúng thành phần như trên được kết hợp thông qua DNA mã hóa sẽ tạo ra một con người. Phân tử carbon chẳng cho thấy sự liên quan gì đến tư duy và oxy cũng không gợi lên sự đọc, viết. Sức mạnh của lý thuyết phức hợp đúng là thứ sản sinh ra các năng lực tư duy, đọc, viết của con người, cũng từ các phân tử cấu thành đúng như trên. Tư duy xuất hiện trong tâm trí con người cũng như cơn bão trong một điều kiện thời tiết nếu xét từ góc độ hệ thống phức hợp và chiều hướng vận động.
Sự chuyển pha là việc mô tả những sự kiện diễn ra khi một hệ thống phức hợp thay đổi trạng thái. Khi một ngọn núi lửa phun trào, trạng thái của nó thay đổi từ ngưng hoạt động sang hoạt động. Khi thị trường chứng khoán giảm 20% trong một ngày, trạng thái của nó đi từ các hành xử tốt sang hỗn loạn. Nếu giá vàng tăng gấp đôi trong 1 tuần, tình trạng của đồng đô-la thay đổi từ ổn định chuyển thành rơi tự do. Trên đây là vài ví dụ về sự chuyển pha trong các hệ thống phức hợp.
Không phải mọi hệ thống phức hợp đều thăng bằng trong khi chuyển pha – bản thân hệ thống phải trong "tình trạng tới hạn." Điều này có nghĩa là các bộ phận cấu thành được gắn kết với nhau theo cách thức sao cho hoạt động của bộ phận này sẽ kích hoạt cho các bộ phận khác hoạt động tiếp theo, cứ vậy đến khi toàn hệ thống đã thay đổi triệt để. Một ví dụ cho sự chuyển pha trong hệ thống đang có trạng thái tới hạn là hiện tượng tuyết lở. Lớp tuyết trên một bề mặt phẳng là tương đối ổn định, nhưng cùng lượng tuyết đó đang nằm trên một độ dốc sẽ có thể trong "trạng thái tới hạn". Một số lượng tuyết mới có thể rơi thêm lên đó, sau cùng thì một bông tuyết rơi thêm sẽ làm xáo động một khối tuyết lượng nhất định, khối lượng này sẽ truyền ảnh hưởng sang các khối tuyết gần kề. Cứ như vậy cho tới khi xảy ra hiện tượng tuyết bị trượt theo dốc, và khối lượng tuyết trượt xuống ngày một lớn hơn rồi sau cùng là cả một sườn dốc tuyết bị lở xuống. Người ta có thể cho rằng vì có bông tuyết rơi nên mới xảy ra tuyết lở, nhưng chính xác hơn phải thừa nhận rằng hiện tượng này diễn ra vì có tuyết trên sườn núi dốc. Tuyết đóng trên núi là một trạng thái tới hạn – sớm muộn nó sẽ có thể đổ xuống, và nếu một bông tuyết này chưa khởi động cho vụ lở tuyết thì sẽ còn bông tuyết khác.
Quá trình tương tự cũng diễn ra trong các vụ sụp đổ thị trường chứng khoán. Các lệnh mua và bán liên tục tác động vào thị trường giống như những bông tuyết rơi xuống sườn núi. Đôi khi những người mua và người bán đang trong tình thế rất bấp bênh, rất mất cân bằng đến mức chỉ cần một lệnh bán cũng kích hoạt cho một số lệnh khác, rồi sàn giao dịch ghi nhận lại hiện tượng này, càng tác động mạnh thêm khiến cho nhiều nhà đầu tư đang lo lắng khác cũng đặt lệnh bán. Chẳng bao lâu thì dòng thác bán ra đã không thể kiểm soát được nữa, và ngày càng xuất hiện nhiều lệnh bán đặt trước – nguyên tắc "cắt lỗ" tự động vận hành. Quy trình này tự tạo đầu vào cho nó. Cũng đôi khi chúng tự kết thúc; suy cho cùng vẫn có thể có rất nhiều sự xáo trộn nhỏ trong lớp tuyết nhưng không gây ảnh hưởng gì đáng kể cho toàn bộ khối lượng tuyết. Đôi khi quy trình diễn biến rất nhanh cho đến khi có sự can thiệp từ môi trường ngoài. Sự can thiệp có thể xuất hiện dưới nhiều dạng thức: tạm ngưng giao dịch, các nỗ lực mua vào của các tập đoàn kinh tế nhằm làm đảo chiều dòng chảy chứng khoán hoặc thậm chí đóng cửa sàn giao dịch. Khi dòng thác bị chặn đứng, hệ thống phức hợp có thể quay về cân bằng, không còn ở trạng thái tới hạn nữa cho tới đợt biến động tiếp theo.
Hàng loạt thảm họa liên tiếp diễn ra gần đây gần Sendai, Nhật Bản là minh chứng hoàn hảo cho thấy sự chuyển pha diễn ra như thế nào trong tự nhiên và xã hội loài người. Chúng còn cho thấy sự sụp đổ có thể lan truyền từ hệ thống này sang hệ thống khác ra sao khi mọi hệ thống đều đang trong tình trạng tới hạn. Kết cấu vỏ Trái Đất, các đại dương, chất uranium và các thị trường chứng khoán đều là ví dụ về các hệ thống phức hợp tách biệt nhau. Tuy nhiên, chúng có thể tương tác với nhau theo cách thức gây ra sự sụp đổ quy mô cực lớn. Ngày 11 tháng 3/2011, sự biến động trong vỏ Trái Đất ngoài khơi Thái Bình Dương phía đông Nhật Bản đã gây ra động đất cực mạnh, đạt cường độ 9.0. Sức ép dưới lòng đất đã truyền năng lượng sang một hệ thống khác là chính đại dương đó, gây nên sóng thần cao hơn 10 mét. Sóng thần tấn công vào nhiều lò phản ứng hạt nhân, một lần nữa truyền năng lượng vào đó và gây ra một thảm họa khác: sự tan chảy từng phần của những thanh nhiên liệu uranium và plutonium trong các lò phản ứng. Sau cùng, nỗi hãi sợ từ nguy cơ sự cố hạt nhân góp phần làm tan chảy thị trường chứng khoán Tokyo: giá bất ngờ giảm sút 20% chỉ trong 2 ngày. Động đất và sóng thần là các hệ thống tự nhiên. Lò phản ứng điện hạt nhân là một hệ thống "lai" giữa nhiên liệu uranium có từ thiên nhiên và các thiết kế nhân tạo, còn thị trường chứng khoán là hệ thống nhân tạo 100%. Nhưng tất cả đều vận hành trong "trạng thái tới hạn" như nhau, vốn sẵn có trong các hệ thống phức hợp.
Đáng quan tâm là sự chuyển pha có thể mang đến những hậu quả thảm khốc chỉ từ các nguyên nhân nhỏ – một bông tuyết có thể tiêu diệt cả một ngôi làng khi nó kích hoạt trận lở tuyết. Đây là một điều bí mật phía sau cái được gọi là "những con thiên nga đen" . Nassim Nicholas Taleb đã phổ biến thuật ngữ "thiên nga đen" trong tác phẩm sách có cùng tiêu đề. Trong sách này, Taleb thực sự đã bác bỏ phân phối chuẩn xác suất – đường cong hình chuông – như một phương pháp để hiểu về rủi ro. Vấn đề ở đây là ông ta xóa sổ một mô hình nhưng lại không xây dựng nên một cái gì khác để thay thế. Taleb thể hiện sự coi thường đối với mô hình toán học nói chung, ông thích thú hơn khi khoác lên mình chiếc áo của triết gia. Ông ta dán cái nhãn "thiên nga đen" cho tất cả những sự kiện thảm khốc dường như không thể xảy ra, cứ như ông muốn nói "chuyện xảy ra vậy đó" và ông bỏ đi. Thuật ngữ của ông được các nhà phân tích và những người xây dựng chính sách sử dụng rộng rãi – những người này hiểu rằng "chuyện xảy ra vậy đó" nhưng không hiểu các động cơ của tình trạng tới hạn và lý thuyết phức hợp phía sau sự việc. Tuy nhiên có hành động vẫn còn tốt hơn là ngồi im trong tuyệt vọng.
Hiện tượng cháy rừng do sét đánh là một ví dụ rất hữu ích. Cho dù ngọn lửa chỉ thiêu cháy một thân cây hay hàng triệu hecta rừng, nó được hình thành chỉ từ một tia sét. Trực giác đơn giản thường cho rằng sét mạnh sẽ tạo ngọn lửa lớn và sét yếu chỉ tạo ra ngọn lửa nhỏ, nhưng thực tế không đúng vậy. Việc một tia sét có thể không tạo ra đám cháy hoặc gây ra một thảm họa cháy tùy thuộc vào tình trạng tới hạn. Đây là một trong những lý do tại sao các con thiên nga đen hay làm chúng ta kinh ngạc. Chúng hay được gọi là những sự kiện cực kỳ bất thường, nhưng chính xác hơn thì nên gọi đó là "những hệ lụy cực kỳ bất thường từ những sự kiện thường ngày". Những hệ lụy cực độ nói trên vẫn diễn ra với một tần số nhất định; các sự kiện thường ngày đã mang đến những hệ lụy đó nhưng chẳng qua chúng ta không để ý đến những thứ quá bình thường. Nghiên cứu về hệ thống sẽ cho chúng ta thấy cách thức mà sự kiện thường ngày tạo ra những con thiên nga đen. Như trong trường hợp tuyết lở, khối tuyết mới thực sự là vấn đề – chứ không phải bông tuyết.
Cũng cần nắm bắt thêm 2 khái niệm nữa để hiểu rộng hơn về lý thuyết phức hợp. Khái niệm đầu liên quan đến tần số xuất hiện các sự kiện bất thường so sánh tương đối với tần số của các sự kiện bình thường trong một hệ thống phức hợp, tham chiếu đến một hàm phân phối. Khái niệm thứ hai là quy mô.
Đường phân phối xác suất hình chuông theo kinh tế học tài chính nói rằng các sự kiện bình thường sẽ luôn luôn xảy ra còn những sự kiện bất thường thì không bao giờ có trong thực tế. Nhưng đường cong hình chuông này chỉ là một phân phối xác suất; còn nhiều dạng phân phối khác. Hàm phân phối xác suất mô tả nhiều sự kiện trong các hệ thống phức hợp được gọi là một hàm phân phối quy tắc lũy thừa (power law). Hình 2 dưới đây cho thấy phân phối quy tắc lũy thừa đó.
Trong hàm phân phối này, tần số của các sự kiện được thể hiện trên trục tung và mức độ nghiêm trọng của chúng được thể hiện trên trục hoành. Cũng giống như phân phối theo đường cong hình chuông, tần số xảy ra các các sự kiện bất thường thấp hơn so với tần số của các sự kiện bình thường. Đó là lý do tại sao đường cong đi xuống khi nó đi về bên phải đồ thị (các sự kiện càng bất thường thì càng có tần số xuất hiện thấp). Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt quan trọng giữa phân phối quy tắc lũy thừa và phân phối đường cong hình chuông. Khác biệt thứ nhất là đường cong hình chuông (xem lại Hình 1) tạo nên một diện tích lớn hơn bao quanh trục tung. Điều này có nghĩa là các sự kiện bình thường xảy ra nhiều hơn theo phân phối đường cong hình chuông và sẽ thấp hơn trong phân phối quy tắc lũy thừa. Điều then chốt là đường cong theo phân phối quy tắc lũy thừa không bao giờ tiếp xúc ngay với trục hoành như đường cong hình chuông. "Cái đuôi" của đường cong này kéo rất dài sang bên phải và vẫn giữ khoảng cách với trục hoành. Nó nổi danh với tên gọi "cái đuôi mập" – trái ngược với đuôi của đường cong hình chuông. Điều này có nghĩa là các sự kiện bất thường sẽ có tần số xuất hiện cao hơn theo phân phối quy tắc lũy thừa.
Người ta thảo luận rất nhiều về cái đuôi mập trên truyền hình và các blog, mặc dù việc ứng dụng nó thường chỉ thấy trong những lời nói suông nhiều hơn trong hiểu biết kỹ thuật. Người ta còn ít hiểu biết hơn về vai trò của quy mô. Trong hình 2, đường cong kết thúc tại cấp độ 4 của mức độ nghiêm trọng để tiện việc minh họa, còn theo lý thuyết thì nó kéo dài mãi mà không tiếp xúc với trục hoành: vẫn có thể có những thảm họa với quy mô lớn tới mức không thể hình dung ra được, ví dụ một trận động đất cấp độ 10.0, một sự kiện đổ vỡ mà thông tin về nó không thể được lưu lại.
Có giới hạn nào cho chiều dài của cái đuôi này? Có, tại một điểm nhất định cái đuôi đi từ trên xuống để tiếp xúc với trục hoành như một nhát cắt dọc, đánh dấu giới hạn của hệ thống. Mức độ của một thảm họa lớn nhất có thể có trong hệ thống được giới hạn bởi chính quy mô của hệ thống đó. Ví dụ, trên một hòn đảo xa xôi ngoài đại dương có một núi lửa đang hoạt động. Ngọn núi lửa và hòn đảo tạo thành một hệ thống phức hợp đang trong tình trạng tới hạn. Núi lửa có thể đã phun nham thạch qua nhiều thế kỷ và sự tàn phá từng đạt nhiều cấp độ khác nhau trong quá khứ. Sau cùng ngọn núi lửa hoàn toàn nổ tung và hòn đảo chìm xuống biển. Mọi thứ đều bị xóa sạch. Sự kiện này là cực kỳ bất thường, nhưng giới hạn trong quy mô của hệ thống – một hòn đảo. Thảm họa không thể lớn hơn quy mô của hệ thống xảy ra thảm họa đó.
Trên đây là tin tốt lành. Còn tin xấu là các hệ thống nhân tạo lại gia tăng quy mô theo thời gian. Mạng lưới điện ngày càng mở rộng hơn và gắn kết nhiều hơn, hệ thống đường giao thông cũng phát triển hơn, Internet tăng thêm nhiều node và switch. Một tin xấu hơn nữa là quan hệ giữa nguy cơ xảy ra thảm họa và quy mô hệ thống là quan hệ lũy thừa. Điều này có nghĩa là nếu quy mô hệ thống tăng gấp đôi, thì rủi ro không chỉ tăng gấp đôi – nó tăng thêm hàng chục lần. Nếu hệ thống lại tăng gấp đôi quy mô một lần nữa, thì rủi ro gia tăng hàng trăm lần.
Cứ thế quy mô tăng và rủi ro tăng nhanh hơn.
Các thị trường tài chính là những hệ thống phức hợp siêu đẳng. Hàng triệu người giao dịch, nhà đầu tư và nhà đầu cơ đều là các bộ phận tự hành. Họ rất khác biệt nhau xét về nguồn lực, sở thích và cách chấp nhận rủi ro. Họ đầu cơ giá lên và giá xuống, nắm giữ và bán khống chứng khoán. Một số người thấp nhận rủi ro lên đến hàng tỷ đô-la, một số khác chỉ "chơi" vài trăm. Nhưng họ gắn kết với nhau rất mật thiết. Họ mua bán và đầu tư trong mạng lưới các sàn giao dịch chứng khoán, mạng lưới môi giới, các hệ thống tự động và các luồng thông tin.
Tính liên lập cũng là một thuộc tính của các thị trường này. Khi khủng hoảng nợ vay dưới chuẩn đã làm chấn động thị trường vào đầu tháng 8/2007, các cổ phiếu tại Tokyo rớt giá nặng. Một số nhà phân tích Nhật Bản ban đầu không hiểu tại sao khủng hoảng vay dưới chuẩn tại Hoa Kỳ lại có thể ảnh hưởng đến chứng khoán Nhật Bản. Lý do là các chứng khoán Nhật Bản trong quá khứ đã có tính thanh khoản cao và có thể được bán để tăng tiền mặt ký quỹ tối thiểu cho các khoản vay thế chấp tại Mỹ. Kiểu ảnh hưởng tài chính như trên chính là sự trả báo của tính liên lập.
Sau cùng thì những người mua bán chứng khoán và các nhà đầu tư sẽ chẳng còn gì nếu không điều chỉnh. Họ quan sát luồng giao dịch và các phản ứng của nhóm; họ học hỏi liên tục từ những bên cung cấp thông tin, kênh truyền hình, giá thị trường, các phòng chat, truyền thông xã hội và qua giao tiếp trực diện; rồi họ phản ứng theo.
Các thị trường vốn và thị trường tiền tệ còn thể hiện một đặc trưng khác của các hệ thống phức hợp. Các thuộc tính hợp trội được nhận biết trong những mô hình giá cả tuần hoàn – điều mà những nhà kỹ thuật rất quan tâm. Những đồ thị thể hiện cao điểm và thấp điểm, đồ thị "hai đỉnh" (giá chứng khoán giảm rồi sau đó phục hồi lại mức ban đầu – ND), "đầu và vai" (giá chứng khoán tăng rồi sau đó lại giảm để trở về mức ban đầu – ND) và các đồ thị kỹ thuật khác đều là ví dụ cho sự thắng thế của lý thuyết phức hợp trong toàn hệ thống. Sự chuyển pha – những thay đổi lớn và nhanh chóng – được thể hiện qua những bong bóng và những lần sụp đổ của thị trường.
Lý thuyết cho thấy rất nhiều hoạt động trên các thị trường vốn cũng tương tự như các hoạt động trong hệ thống phức hợp. Tuy nhiên, cũng có nhiều bằng chứng thực nghiệm, được người đầu tiên ghi nhận là Benoît Mandelbrot, cho thấy độ lớn và tần số của một số giá cả thị trường tuân theo phân phối quy tắc lũy thừa. Mandelbrot đã chứng minh rằng một đồ thị thể hiện biến động giá cả theo thời gian là cái mà ông gọi là "hình học siêu kích thước/hình học bội phân – fractal dimension." Một hình thể siêu kích thước sẽ có số kích thước lớn hơn 1 và nhỏ hơn 2, được thể hiện dưới dạng phân số chẳng hạn như 1½; thuật ngữ "fractal" là viết tắt của từ "fractional" nghĩa là phân số. Đường thẳng chỉ có một kích thước (chiều dài) và hình vuông có hai kích thước (dài và rộng). Một hình thể siêu kích thước 1½ là hình thể có số kích thước lớn hơn số kích thước đường thẳng nhưng nhỏ hơn số kích thước hình vuông.
Một ví dụ quen thuộc khác là các đồ thị của thị trường chứng khoán vẫn được đăng tải trên báo chí hàng ngày và trên các website tài chính. Bản thân đồ thị đó bao gồm hơn một đường thẳng (có hàng trăm đường nho nhỏ) nhưng lại chưa đủ để thành một hình vuông (vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được các đoạn thẳng nhỏ đó lấp kín). Đường đồ thị đó là hình thể siêu kích thước với số kích thước lớn hơn 1 và nhỏ hơn 2. Sự tăng giảm bất quy tắc là một thuộc tính hợp trội và một lần đổ vỡ lớn là sự chuyển pha.
Các đường đồ thị này vẫn là hình thể siêu kích thước cho dù chúng ta có phóng to lên để có những kết quả tính theo giờ, theo ngày, theo tháng hoặc theo năm. Tương tự như vậy khi ta xem xét các đồ thị của thị trường tiền tệ, trái phiếu và các công cụ phái sinh. Chúng cho thấy sự dịch chuyển của giá cả, và theo đó là rủi ro, được phân phối theo quy tắc lũy thừa và mô hình đồ thị là hình thể có kích thước lớn hơn 1.0. Các đặc điểm này mâu thuẫn với phân phối chuẩn rủi ro và nhất quán với phân phối quy tắc lũy thừa đối với các sự kiện trong hệ thống phức hợp. Trong khi cần phải làm việc thêm về lĩnh vực này, nhưng với phần trình bày trên đây cũng đủ thuyết phục để hiểu rằng các thị trường vốn là những hệ thống phức hợp có phân phối quy tắc lũy thừa.
Điều này khiến cho các phân tích quay lại vấn đề quy mô. Đâu là quy mô của các thị trường tiền tệ và các thị trường vốn, và quy mô đó ảnh hưởng đến rủi ro như thế nào? Nếu các thảm họa lớn đều tuân theo hàm lũy thừa của quy mô, thì mỗi sự gia tăng quy mô đều mang lại sự gia tăng rủi ro rất lớn. Các thị trường vốn liên tục gia tăng quy mô, cho nên những con "thiên nga đen" cứ kéo đến nhanh hơn và đông hơn.
Tư duy về quy mô của các thị trường vốn ngày nay cũng giống như việc cố gắng đo đạc kích thước của cánh đồng trước khi người ta phát minh ra những đơn vị đo lường như foot, yard hoặc mét. Hiện chưa có hệ thống đo lường thống nhất để tính toán mức độ rủi ro thị trường theo lý thuyết phức hợp và các động lực trong tình trạng tới hạn. Sự thiếu hụt này đã từng có tiền lệ. Động đất từng xảy ra trong lịch sử, nhưng thang đo Richter đo lường cường độ và tần số động đất chỉ được phát minh từ năm 1935. Các trận động đất chính là những sự chuyển pha trong hệ thống phức hợp các kiến tạo địa tầng; tần số và cường độ của chúng được đo lường theo thang Richter cũng tuân theo một phân phối quy tắc lũy thừa. Không phải tình cờ mà các đồ thị mô tả thị trường chứng khoán lại tương tự như biểu đồ địa chấn (xem hình 3 bên dưới).
Cần thêm thời gian để thực nghiệm bắt kịp lý thuyết trong lĩnh vực này. Người ta vẫn treo giải Nobel kinh tế cho những ai khám phá ra những thước đo tốt nhất và tính toán chính xác nhất độ dốc của đường cong phân phối quy tắc lũy thừa. Nhưng đâu cần phải đợi xây dựng xong các công cụ đó thì mới rút ra những kết luận hữu ích từ lý thuyết. Xây nhà trên một nền móng đã biết trước là bị đứt đoạn vẫn là một ý tưởng tồi trước khi người ta phát minh ra thang đo Richter. Phớt lờ lý thuyết phức hợp và các phân phối quy tắc lũy thừa trên các thị trường vốn cũng là ý tưởng tồi hiện nay, ngay cả khi chưa có một thực nghiệm hoàn hảo. Cơ đồ của chủ nghĩa tư bản có thể sụp đổ trong giai đoạn này.
Thậm chí ngay bây giờ người ta cũng có thể rút ra những kết luận có giá trị về việc thống kê rủi ro trên các thị trường vốn và tiền tệ. Không thể hoài nghi rằng quy mô của các thị trường này đã gia tăng đáng kể trong 10 năm qua, cho dù đo lường theo cách nào đi chăng nữa. Một loạt các nghiệp vụ sáp nhập sàn giao dịch chứng khoán đã tạo nên các "siêu sàn" toàn cầu. Việc bãi bỏ các quy định đã cho phép các ngân hàng thương mại và các ngân hàng đầu tư được kết hợp nhiều hoạt động. Các nghiệp vụ ngoại bảng và những công cụ dẫn xuất tách biệt nhau đã tạo nên một hệ thống ngân hàng "ngầm" đạt quy mô không thua kém hệ thống hiển thị minh bạch. Từ tháng 6/2000 đến tháng 6/2007, tức là ngay trước khi thị trường sụp đổ, khối lượng giao dịch ngoại tệ qua quầy bằng các công cụ phái sinh đã tăng từ $15,7 nghìn tỷ lên đến $57,6 nghìn tỷ, tức là tăng 367%. Cũng trong giai đoạn này, khối lượng giao dịch qua quầy bằng các công cụ phái sinh liên quan đến lãi suất đã tăng từ $64,7 nghìn tỷ lên $381,4 nghìn tỷ, tức là tăng 589%. Còn khối lượng giao dịch qua quầy bằng các công cụ phái sinh liên quan đến chứng khoán vốn cũng tăng từ $1,9 nghìn tỷ lên đến $9,5 nghìn tỷ, tức là tăng 503%.
Theo các phương pháp ước tính rủi ro mà Phố Wall thường dùng thì những hiện tượng gia tăng như trên không có gì đáng lo. Bởi vì chúng bao hàm các nghiệp vụ cầm nắm và bán khống, nên theo phương pháp VaR thì các con số bù trừ cho nhau. Phố Wall luôn luôn cho rằng rủi ro nằm trong phần giá trị ròng. Nếu người ta đang nắm giữ một loại chứng khoán nhất định với trị giá $1 tỷ (long position) và đồng thời đang bán khống (short position) $1 tỷ chứng khoán rất tương tự như loại đang nắm giữ, thì theo những phương pháp dạng như VaR, rủi ro rất thấp và đôi khi gần như bằng 0 (lấy giá trị nắm giữ trừ đi giá trị bán khống).
Các phân tích theo lý thuyết phức hợp lại có quan điểm hoàn toàn khác. Khi phân tích các hệ thống phức hợp, giá trị bán khống không những không bị trừ ra mà còn được cộng vào giá trị nắm giữ. Mỗi đô-la dùng để định giá đều thể hiện mối liên kết nhất định giữa các bộ phận trong hệ thống. Mỗi đồng đô-la đó còn tạo ra sự liên lập nhất định. Nếu một bộ phận thất bại, những gì khởi điểm như giá trị ròng đối với một ngân hàng nào đó sẽ ngay lập tức trở thành giá trị tổng, bởi vì sự "phòng vệ trước rủi ro" đã không còn. Về căn bản, rủi ro nằm trong giá trị tổng chứ không phải giá trị ròng. Khi giá trị tổng tăng thêm 500%, theo lý thuyết rủi ro sẽ tăng 5.000% hoặc cao hơn bởi vì quan hệ hàm lũy thừa giữa quy mô và cấp độ thảm họa.
Đây là lý do tại sao hệ thống tài chính đã sụp đổ ngoạn mục trong năm 2008. Các khoản vay thế chấp dưới chuẩn cũng giống các bông tuyết khởi động cho một trận lở tuyết lớn. Thực ra tổn thất từ các khoản vay này là chưa đến $300 tỷ, không lớn nếu so với tổng thiệt hại của cơn hoảng loạn. Tuy nhiên, khi tuyết bắt đầu lở, nó cuốn trôi mọi thứ trên đường đi và toàn bộ hệ thống ngân hàng nằm trong tình trạng rủi ro. Khi tính đến tổn thất từ các công cụ phái sinh và những thứ khác, tổng thiệt hại lên đến hơn $6 nghìn tỷ, tức là cao hơn rất nhiều so với thiệt hại từ tín dụng dưới chuẩn. Bởi vì không xem xét các động cơ của tình trạng tới hạn và không đo lường quy mô, nên các cơ quan điều tiết "không biết thảm họa sắp xảy ra" và các quan chức ngân hàng liên tục "kinh ngạc" trước độ nghiêm trọng của sự việc. Các nhà điều tiết và giới ngân hàng đang sử dụng các công cụ sai lầm và các thước đo sai lầm.
Không may là họ vẫn chưa thay đổi.
Khi một hệ thống tự nhiên đã đến điểm tới hạn và sụp đổ sau khi chuyển pha, nó sẽ đi qua một số quy trình giản đơn khác để tự thu hẹp quy mô, và cũng là giảm rủi ro trước những biến cố rủi ro lớn khác. Điều này không đúng đối với các hệ thống phức hợp nhân tạo. Sự can thiệp của chính phủ dưới dạng thức giải cứu và in tiền có thể tạm thời trì hoãn dòng thác đổ vỡ, nhưng không thể xử lý được triệt để các rủi ro. Rủi ro vẫn tiềm ẩn trong hệ thống, chờ tới khi có sự kiện bất ổn tiếp theo.
Một giải pháp dành cho các rủi ro phát xuất từ việc để cho hệ thống phát triển tới quy mô quá lớn là: làm cho hệ thống nhỏ hơn, còn gọi là thu hẹp quy mô. Đây là lý do tại sao những người tuần tra vùng núi tuyết lại dùng chất nổ để phá tan những đoạn dốc núi có đóng tuyết không vững chắc trước khi một ngày trượt tuyết có thể bắt đầu. Dùng chất nổ như trên sẽ làm giảm nguy cơ tuyết lở bằng cách giảm bớt quy mô của núi tuyết, hoặc nói đơn giản là giảm lượng tuyết phủ. Trong ngành tài chính toàn cầu hiện nay lại đang diễn ra điều ngược lại. Các quan chức ngân hàng trung ương trong vai trò người tuần tra núi tuyết lại xúc thêm tuyết đắp vào dốc núi. Hệ thống tài chính hiện đang lớn dần lên và càng tập trung hơn so với thời gian ngay trước khi thị trường sụp đổ năm 2007.
Ngoài việc giảm quy mô tài chính toàn cầu, còn một giải pháp khác để xử lý rủi ro theo lý thuyết phức hợp là: vẫn duy trì quy mô của hệ thống nhưng làm hệ thống lành mạnh hơn với việc không để cho bất cứ bộ phận đơn lẻ nào được phát triển quá lớn. Giải pháp này khi áp dụng vào hệ thống ngân hàng sẽ cho kết quả là có thêm nhiều ngân hàng, nhưng đều là những ngân hàng nhỏ hơn và tổng tài sản của hệ thống ngân hàng là không đổi. Không nhiều năm về trước, JPMorgan Chase tồn tại trong 4 ngân hàng biệt lập nhau: J. P. Mor gan, Chase Manhattan, Manufacturers Hanover và Chemical. Trong tình hình hiện nay, sự chia tách sẽ giúp hệ thống tài chính lành mạnh hơn. Nhưng thực tế lại trái ngược: các ngân hàng Hoa Kỳ đang lớn dần lên và sổ sách hạch toán các công cụ phái sinh của họ cũng dày thêm so với năm 2008. Tình thế này sẽ gây ra một vụ sụp đổ mới, còn lớn hơn cơn Hỗn loạn 2008 – điều này là chắc chắn chứ không chỉ là một khả năng có thể xảy ra. Tuy nhiên, lần sụp đổ mới này sẽ khác so với lần trước. Theo các thước đo quy mô trên lý thuyết, các chính phủ sẽ không thể cứu vãn được lần sụp đổ trong tương lai, bởi vì bản thân quy mô sụp đổ còn lớn hơn quy mô của các chính phủ. Đập ngăn nước biển cao 5 mét sẽ hứng chịu trận sóng thần 10 mét và hệ thống đập chắn sẽ sụp đổ.
• Lý thuyết phức hợp, Năng lượng và Tiền
Sử dụng song song các công cụ của lý thuyết kinh tế học hành vi và lý thuyết phức hợp sẽ mang đến những hiểu biết sâu sắc về cách thức diễn biến của các cuộc chiến tranh tiền tệ nếu không nhanh chóng chặn đứng được việc in tiền tràn lan và gia tăng nợ. Quá trình chiến tranh tiền tệ sẽ bao gồm nhiều chiến thắng của đồng đô-la và nối tiếp sau đó sẽ là một thất bại quyết định của nó. Các chiến thắng, ít nhất là theo định nghĩa của Fed, sẽ có khi nới lỏng tiền tệ gây ra lạm phát và buộc các quốc gia khác phải tái định giá các loại tiền tệ của họ. Kết quả sẽ là một đồng đô-la mất giá nặng nề – đúng như ý muốn của Fed. Sự xuống giá của đồng đô-la sẽ diễn ra trong sự đồng thuận toàn cầu đối với việc thay thế vai trò tiền tệ dự trữ của đồng tiền này và một đồng thuận riêng để hoàn toàn từ bỏ nó.
Khi đồng đô-la sụp đổ, nó diễn ra theo 2 cách – lúc đầu từ từ đổ và sau đó bất thình lình sập xuống. Công thức này, nổi tiếng vì được Hemingway sử dụng để mô tả quá trình phá sản, là sự mô tả phù hợp đối với các động cơ của tình trạng tới hạn trong các hệ thống phức hợp. Giai đoạn đổ từ từ chính là những bông tuyết rơi xuống bề mặt tuyết, còn lúc sập xuống thật nhanh chính là khi tuyết lở. Các bông tuyết rơi ngẫu nhiên nhưng vụ lở tuyết là không thể tránh khỏi. Không quá khó để nắm bắt cả hai ý tưởng này. Cái khó là hiểu được tình trạng tới hạn của hệ thống trong đó có những sự kiện ngẫu nhiên.
Trong trường hợp của các cuộc chiến tranh tiền tệ, hệ thống là hệ thống tiền tệ quốc tế chủ yếu dựa trên đồng đô-la. Mỗi thị trường khác – thị trường chứng khoán, trái phiếu và công cụ phái sinh – đều dựa trên hệ thống tiền tệ quốc tế này bởi vì nó cung cấp giá trị của các tài sản được định giá bằng đồng đô-la. Vì vậy khi đồng đô-la sụp đổ, mọi hoạt động tài chính đều sụp đổ theo.
Niềm tin vào đồng đô-la của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn vững vàng chừng nào bản thân các công dân Hoa Kỳ vẫn còn niềm tin đó. Tuy nhiên, khi chính người dân Mỹ còn đánh mất niềm tin vào đồng đô-la thì có nghĩa là đồng tiền này đã mất niềm tin trên toàn cầu. Một mô hình giản đơn có thể minh họa việc mất niềm tin chút ít cũng có thể khiến cho người ta mất niềm tin hoàn toàn, vì bất cứ lý do nào.
Hãy bắt đầu với hệ thống là dân số Hoa Kỳ. Để tiện trình bày, chúng tôi lấy con số là 311.001.000 người, cũng rất sát với số lượng thực tế. Dân số được phân chia theo các ngưỡng tới hạn cá nhân, trong mô hình này gọi là giá trị T. Ngưỡng tới hạn T của một cá nhân trong hệ thống cho cá nhân này sẽ mất niềm tin vào đồng đô-la sau khi có bao nhiêu cá nhân khác đã mất niềm tin. Giá trị T được đo lường bằng cách: hoặc các cá nhân phản ứng ngay sau khi họ nhìn thấy dấu hiệu tiềm năng đầu tiên của sự thay đổi, hoặc họ chờ tới khi quá trình thay đổi đã diễn tiến xa rồi mới phản ứng. Tuy nhiên mỗi cá nhân lại có một cấp độ phản ứng khác nhau đối với sự thay đổi. Điều này tương tự như việc hỏi xem cần có bao nhiêu người tháo chạy khỏi rạp chiếu phim đông đúc thì người tiếp theo mới quyết định chạy. Một số người bỏ chạy ngay sau khi nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của sự bất trắc. Một số khác vẫn ngồi lại, lòng hồi hộp nhưng không di chuyển cho tới khi hầu hết mọi khán giả đều đã bỏ chạy. Một số khác nữa sẽ rời rạp phim sau cùng. Như vậy có rất nhiều ngưỡng tới hạn cá nhân. Có thể nói rằng hệ thống có bao nhiêu cá nhân thì có chừng đó ngưỡng tới hạn.
Các giá trị T được gom thành 5 nhóm lớn nhằm minh họa cho các ảnh hưởng tiềm năng của một nhóm này đối với nhóm khác. Trong trường hợp đầu tiên, như trong Bảng 1 dưới đây, các nhóm được phân chia theo các ngưỡng tới hạn từ thấp nhất đến cao nhất như sau:
BẢNG 1: CÁC NGƯỠNG TỚI HẠN (T) THEO GIẢ THUYẾT, TẠI ĐÓ NGƯỜI DÂN MỸ CHỐI BỎ ĐỒNG ĐÔ-LA
• Đối với 1.000 người đầu tiên - T = 500
• Đối với 1 triệu người tiếp theo - T = 10.000
• Đối với 10 triệu người tiếp theo - T = 100.000
• Đối với 100 triệu người tiếp theo - T = 10.000.000
• Đối với 200 triệu người tiếp theo - T = 50.000.000
Kiểm tra giả thuyết này được bắt đầu bằng việc kiểm tra xem chuyện gì xảy ra nếu có 100 người bất chợt không công nhận đồng đô-la: tức là họ chối bỏ các chức năng truyền thống của đồng đô-la như một trung gian trao đổi, một công cụ lưu giữ giá trị và một phương pháp đáng tin cậy để hình thành giá cả cũng như thực thi các chức năng tính toán khác. Khi chối bỏ đồng đô-la, người ta sẽ không còn muốn nắm giữ nó nữa và sẽ nhất quán chuyển đổi toàn bộ lượng tiền đang có thành các tài sản vật chất khác, chẳng hạn như quý kim, bất động sản và tác phẩm nghệ thuật. Trong tương lai, họ sẽ không chuyển đổi các tài sản đó trở về đồng đô-la và chỉ trông đợi vào giá trị thực của khối tài sản vật chất. Họ cũng tránh các tài sản là chứng từ được định giá bằng đô-la, chẳng hạn như các cổ phiếu, trái phiếu và tài khoản ngân hàng.
Theo giả thuyết này, khi có 100 người chối bỏ đồng đô-la thì vẫn chưa có gì xảy ra bởi vì ngưỡng tới hạn thấp nhất đối với mọi nhóm cá nhân trong hệ thống là giá trị T = 500. Điều này có nghĩa là cần có tối thiểu 500 người chối bỏ đô-la thì mới khiến cho nhóm đầu tiên chối bỏ theo. Khi chỉ có 100 người mất niềm tin, theo trường hợp giả thuyết thứ nhất này, thì vẫn chưa đạt ngưỡng tới hạn (T = 500) đối với nhóm nhạy cảm nhất và do đó cả nhóm chưa chịu tác động gì bởi hành vi của 100 người. Các giá trị T của những nhóm khác còn cao hơn 500, cho nên mọi nhóm khác cũng không chịu ảnh hưởng. Chưa có ngưỡng tới hạn nào được kích hoạt. Đây là ví dụ cho thấy một sự kiện "bị khử" ngay trong hệ thống, tức là đã có sự kiện diễn ra nhưng chẳng gây ra hậu quả gì hết. Nếu số lượng lớn nhất những người chối bỏ đồng đô-la trong hệ thống này chỉ cố định ở số 100, thì toàn hệ thống luôn luôn ở tình trạng chưa tới hạn, nghĩa là hệ thống không chịu ảnh hưởng gì bởi phản ứng chối bỏ đồng đô-la theo dây chuyền.
Hãy xem xét trường hợp theo giả thuyết thứ hai, được thể hiện trong Bảng 2 dưới đây. Kích thước của các nhóm vẫn không khác so với trường hợp thứ nhất. Các ngưỡng tới hạn trong giả thuyết thứ hai chỉ có vài thay đổi nhỏ so với trường hợp đầu: ngưỡng tới hạn cho nhóm đầu tiên đã đổi từ T = 500 người thành T = 100 người và ngưỡng tới hạn của nhóm thứ hai cũng đổi từ 10.000 còn 1.000 người. Các giá trị T của 3 nhóm còn lại vẫn được giữ nguyên. Nói cách khác, chúng tôi chỉ thay đổi sự ưu tiên chọn lựa của 0,3% dân số trong khi giữ nguyên xu hướng của 99,7% còn lại. Dưới dây là bảng thể hiện các ngưỡng tới hạn, trong đó in đậm 2 chỗ thay đổi:
BẢNG 2: CÁC NGƯỠNG TỚI HẠN (T) THEO GIẢ THUYẾT, TẠI ĐÓ NGƯỜI DÂN MỸ CHỐI BỎ ĐỒNG ĐÔ-LA
Đối với 1.000 người đầu tiên - T = 100
Đối với 1 triệu người tiếp theo - T = 1.000
Đối với 10 triệu người tiếp theo - T = 100.000
Đối với 100 triệu người tiếp theo - T = 10.000.000
Đối với 200 triệu người tiếp theo - T = 50.000.000
Theo giả thuyết này thì chuyện gì xảy ra khi vẫn có 100 người chối bỏ đồng đô-la như trong trường hợp trước? Câu trả lời là 100 người đó kích hoạt ngưỡng tới hạn của 1.000 người và khiến nhóm này cũng phủ nhận đồng đô-la. Nói theo lối ẩn dụ thì đã có khá nhiều người chạy tán loạn ra khỏi rạp chiếu phim. Sự chối bỏ của 1.000 người này lại kích hoạt ngưỡng tới hạn cho nhóm người tiếp theo và vậy là thêm một triệu người nữa chối bỏ đồng đô-la. Tới đây thì số lượng này đã thừa sức vượt qua ngưỡng 100.000 để khiến cho 10 triệu người nữa chối bỏ đồng đô-la. Sự sụp đổ của đồng tiền này đã không thể tránh khỏi. Với 10 triệu người không tin vào đồng đô-la, sẽ có thêm 100 triệu người nữa và chẳng bao lâu sau đó là 200 triệu người còn lại cũng mất niềm tin – như vậy đồng đô-la bị toàn bộ nhân dân Hoa Kỳ chối bỏ. Đồng đô-la sụp đổ cả trong nước lẫn trên trường quốc tế và không còn là một đơn vị tiền tệ nữa. Trường hợp thứ hai này được gọi là tình trạng "siêu tới hạn" và sụp đổ thảm khốc.
Có một số điều cần chú ý đối với phần trình bày trên đây. Các ngưỡng tới hạn chỉ là giả thuyết; trên thực tế người ta không biết các giá trị T và có thể là không bao giờ biết được. Các giá trị T được chia thành 5 nhóm lớn như trong hai tình huống trên chỉ để thuận lợi cho việc minh họa. Trong thế giới thực, có thể có hàng triệu ngưỡng tới hạn khác nhau, do đó thực tế nước Mỹ sẽ là một hệ thống phức hợp vượt xa những ví dụ minh họa này. Quá trình sụp đổ có thể không diễn biến nhanh từ ngưỡng tới hạn này sang ngưỡng tới hạn khác như trong các ví dụ, mà có thể chuyển biến từ từ theo thời gian khi thông tin lan tỏa chậm và thời gian phản ứng với thông tin cũng biến thiên.
Tuy nhiên, những cảnh báo như trên đều không xa rời quan điểm chủ đạo: những thay đổi rất nhỏ trong các điều kiện ban đầu vẫn có thể tạo ra những hậu quả thảm khốc đến kỳ lạ. Trong trường hợp thứ nhất, mọi chuyện bình thường khi chỉ có 100 người chối bỏ đồng đôla, nhưng cũng con số khởi điểm này trong trường hợp thứ hai đã gây ra sự sụp đổ của toàn hệ thống. Chất xúc tác không đổi, và xu hướng chung của đại đa số nhân dân (99,7%) cũng không đổi. Chỉ có vài thay đổi nhỏ trong xu hướng của vỏn vẹn 0,3% dân số cũng đủ làm thay đổi kết cục sau cùng: từ không có chuyện gì thành hoàn toàn sụp đổ. Hệ thống biến đổi từ tình trạng "chưa tới hạn" để thành "siêu tới hạn" chỉ vì những thay đổi rất nhỏ.
Đây là một lối tư duy nghiêm túc dành cho các quan chức ngân hàng trung ương và những ai đề xuất biện pháp thâm hụt ngân sách. Những người xây dựng chính sách thường làm việc với các mô hình trong đó giả định rằng các chính sách vẫn tiếp diễn từng bước theo nhịp độ mà không gặp phải những sự cố bất ngờ, phi tuyến tính. In thêm tiền và lạm phát được coi là câu trả lời cho sự thiếu hụt tổng cầu. Thâm hụt ngân sách được xem là công cụ làm chính sách phù hợp để gia tăng tổng cầu thông qua các chương trình chi tiêu của khu vực công nhằm kích thích kinh tế. In tiền và thâm hụt chi tiêu vẫn được tiếp diễn năm này qua năm khác, cứ như là hệ thống luôn luôn "chưa tới hạn" và thực hiện chính sách này thêm nữa cũng chẳng gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Mô hình chứng minh cho thấy điều này không phải luôn luôn đúng. Một sự chuyển pha từ ổn định đến sụp đổ có thể được khởi phát thông qua những cách thức không được cảm nhận từ những thay đổi rất nhỏ trong xu hướng của cá nhân. Trong điều kiện thời gian thực, ta sẽ không thể phát hiện ra những thay đổi nhỏ như vậy. Chúng ta không thể phát hiện ra những điểm yếu đó cho tới khi hệ thống đã thực sự sụp đổ. Nhưng biết thì đã muộn.
Từ các minh chứng cho thấy cách thức vận hành của các hệ thống phức hợp và việc đồng đô-la có thể suy yếu như thế nào khi người dân không còn niềm tin, ta có thể nhận ra các tuyến đầu trong cuộc chiến tranh tiền tệ để biết những lý thuyết thể hiện trong thực tế ra sao.
Lịch sử của các cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ I và II minh chứng rằng các cuộc chiến tranh tiền tệ là cách đối phó sau cùng đối với các vấn đề khó khăn lớn hơn nhiều trong kinh tế vĩ mô. Cách đây hơn 100 năm, các bài toán kinh tế vĩ mô khó giải từng là những vấn đề liên quan đến nợ quá mức và không thể thanh toán nổi. Bây giờ, lần thứ ba trong vòng một thế kỷ, gánh nặng nợ trong cấu trúc vốn không cho phép tiến hành đầu tư tối ưu lại bóp nghẹt sự phát triển và khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ, trên quy mô toàn cầu. Các chính phủ châu Âu mắc nợ và các ngân hàng châu Âu còn đang trong tình trạng tệ hơn so với điều kiện của chính phủ và giới ngân hàng Mỹ. Sự phát triển bùng nổ thị trường nhà ở tại Ireland, Tây Ban Nha và một số quốc gia khác cũng chứa đựng đầy rủi ro không thua gì những diễn biến tương tự tại Hoa Kỳ. Ngay cả Trung Quốc, từng phát triển mạnh hơn tương đối và đạt thặng dư thương mại lớn trong năm ngoái, cũng có một hệ thống ngân hàng "ngầm" đang sử dụng đòn bẩy quá mức và chịu sự chi phối từ các chính quyền tỉnh thành. Gia tăng cung tiền quá lớn và một bong bóng nhà ở có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Thế giới từ sau năm 2010 sẽ khác biệt so với thế giới trong các thập niên 1920 và 1970 xét theo nhiều khía cạnh. Cái không đổi theo thời gian là những động cơ được sản sinh ra từ khối lượng nợ quá lớn, không thể thanh toán nổi, và không bền vững. Đó là những động cơ thúc đẩy việc giảm đòn bẩy tài chính và giảm phát của khu vực tư nhân, bị bù trừ bởi các nỗ lực gây lạm phát và phá giá tiền tệ của các chính phủ. Thực tế cho thấy các chính sách lạm phát và phá giá tiền tệ trong quá khứ đã từng gây ra những thất bại kinh tế, nhưng đến nay chúng vẫn được đem ra áp dụng lại.
Đâu là những quan điểm để tránh được những hậu quả bất lợi này? Làm thế nào để có thể giảm bớt gánh nặng nợ toàn cầu, hiện đang ngăn cản hoạt động đầu tư tối ưu, nhằm thúc đẩy sự phát triển? Một số nhà phân tích cho rằng các cuộc đấu tranh chính trị hiện nay về vấn đề chi tiêu công chỉ là hình thức bề ngoài, chứ không phải là thực chất; và rằng một khi các vấn đề trở nên cấp bách và những cuộc bầu cử then chốt đã xong thì những cái đầu chín chắn mới ngồi lại để làm việc cần làm. Một số khác lại dựa vào những dự phóng hiện đang gây rất nhiều tranh cãi về phát triển, lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp và những yếu tố then chốt khác để nhận xét rằng sự thâm hụt là chỉ báo cần thiết để đạt sự bền vững. Có đủ lý do để hoài nghi, thậm chí bi quan, về những dự phóng này. Lý do chính yếu là các động cơ của bản thân xã hội. Bản thân các cuộc chiến tranh tiền tệ và các thị trường vốn đều là những ví dụ về các hệ thống phức hợp, do đó chúng còn trở thành bộ phận cấu thành của các hệ thống phức hợp lớn hơn mà chúng tham gia tương tác. Những hệ thống lớn hơn cũng giống như các hệ thống bộ phận xét về cấu trúc và các động cơ – khác biệt chỉ là quy mô lớn hơn và khả năng sụp đổ cao hơn.
Các nhà lý thuyết phức hợp là Eric J. Chaisson và Joseph A. Tainter đã mang đến các công cụ cần thiết để giúp chúng ta hiểu rằng tại sao nguyên tắc chi tiêu sẽ có thể thất bại và tại sao kéo theo sau thất bại đó là các cuộc chiến tranh tiền tệ và một đồng đô-la sụp đổ. Chaisson, một nhà vật lý thiên văn học, đã đi đầu trong cuộc cách mạng của lý thuyết phức hợp. Tainter, một nhà nhân chủng học, cũng là nhà lý thuyết phức hợp hàng đầu vì lý thuyết này liên quan đến sự sụp đổ của nền văn minh. Các lý thuyết của họ, vừa xem xét và ứng dụng vào các thị trường vốn trong điều kiện chịu ảnh hưởng từ nền chính trị đương đại, có thể khiến chúng ta ngập ngừng.
Chaisson coi tất cả các hệ thống phức hợp, từ vũ trụ đến cấu trúc dưới nguyên tử, chú trọng đến sự sống nói chung và nhân loại nói riêng, đều là các hệ thống cao độ nhất đã được khám phá. Trong tác phẩm Cosmic Evolution (tạm dịch: Sự tiến hóa của vũ trụ), ông xét đến các yêu cầu về năng lượng liên quan đến cấp độ phức hợp ngày càng tăng và, đặc biệt là, "mật độ năng lượng" của một hệ thống, liên quan đến năng lượng, thời gian, cấp độ phức hợp và quy mô.
Chaisson cho rằng vũ trụ này được nhận thức tốt nhất khi coi nó là dòng năng lượng miên man tuôn chảy giữa bức xạ và vật chất. Dòng động lực trong khi chuyển hóa có tạo ra năng lượng nhiều hơn mức cần thiết, hình thành nên "năng lượng tự do" củng cố cho hệ thống phức hợp. Đóng góp của Chaisson là: thông qua thực nghiệm, định nghĩa hệ thống phức hợp như tỷ lệ giữa dòng năng lượng tự do so với mật độ trong hệ thống đó. Nói đơn giản, hệ thống có mức độ phức hợp càng cao thì nó càng cần nhiều năng lượng để duy trì quy mô và không gian của nó. Các lý thuyết của Chaisson đã nhận được nhiều sự ủng hộ, từ các định luật nguyên thủy trong nhiệt động lực học đến những quan sát phức tạp mới đây về trật tự và độ phức tạp trong vũ trụ.
Người ta vẫn cho rằng mặt trời sử dụng năng lượng nhiều hơn so với năng lượng của một bộ não người rất nhiều. Mặt trời còn lớn hơn não người rất nhiều. Nhưng khi tính toán sự khác biệt thì hóa ra não người lại sử dụng năng lượng nhiều hơn 75.000 lần so với mặt trời, theo các đơn vị đo lường của Chaisson. Chaisson còn định nghĩa một thực thể có mức độ phức hợp cao hơn não người rất nhiều: xã hội dưới hình thức văn minh. Điều này không làm ngạc nhiên; suy cho cùng, một xã hội với những cá nhân có đầu óc có thể tạo nên những thứ có cấp độ phức hợp cao hơn nhiều so với cấp độ của chính những cái đầu đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết phức hợp, nền văn minh cũng là thuộc tính hợp trội của các cá nhân, theo đó xã hội rộng lớn hơn kết quả phép cộng từng cá nhân. Kết quả quan trọng mà Chaisson tìm thấy là: nền văn minh, có điều chỉnh theo mật độ, sử dụng năng lượng lớn hơn 250.000 lần so với năng lượng mà Mặt Trời sử dụng và hơn 1 triệu lần so với năng lượng mà dải Ngân Hà sử dụng.
Để hiểu được những hàm ý của lập luận trên đối với kinh tế học vĩ mô và các thị trường vốn, ta hãy bắt đầu với cách hiểu rằng tiền tệ là dạng năng lượng được lưu trữ. Định nghĩa cổ điển về tiền tệ có bao gồm nội dung cho rằng tiền là "công cụ lưu trữ giá trị", nhưng chính xác thì đó là giá trị gì? Theo cách điển hình, giá trị là đầu ra của sức lao động và vốn, cả hai yếu tố này đều chứa đựng nhiều năng lượng. Trong tình huống giản đơn nhất, một người thợ để làm ra ổ bánh mỳ phải cần có các nguyên vật liệu, trang thiết bị và sức lao động, tất cả đều sử dụng năng lượng hoặc sản phẩm của một dạng thức năng lượng. Khi bán bánh mỳ để lấy tiền, số tiền thu được chính là đại diện của những năng lượng lưu trữ qua quá trình làm bánh. Năng lượng này lại có thể được giải phóng khi người làm bánh đi mua một số hàng hóa dịch vụ khác, chẳng hạn như sơn nhà (trả tiền cho thợ sơn). Năng lượng trong đồng tiền lúc này được giải phóng dưới dạng thức thời gian, nỗ lực, nguyên vật liệu và thiết bị của thợ sơn. Tiền vận hành đúng y như viên pin. Pin được nạp năng lượng, lưu trữ trong một khoảng thời gian và giải phóng năng lượng khi cần. Tiền cũng tích trữ năng lượng theo cách thức y như vậy.
Hiểu ý nghĩa năng lượng trong tiền là điều cần thiết để có thể áp dụng nghiên cứu của Chais son đối với vận hành thực tế của các thị trường và xã hội. Chaisson thảo luận tại cấp độ vĩ mô nhất thông qua sự ước lượng toàn bộ con người, mật độ và dòng năng lượng của xã hội loài người. Tại cấp độ tương tác kinh tế của cá nhân trong xã hội, cần phải có một đơn vị để đo lường các dòng năng lượng tự do theo nghiên cứu của Chaisson. Tiền chính là đơn vị thuận tiện nhất và có thể định lượng để đáp ứng mục tiêu này.
Nhà nhân chủng học Joseph A. Tainter đã tận dụng mạch tư duy này khi đề xuất một phân tích có liên quan mà còn tinh tế hơn về dòng đầu vào – đầu ra, cũng ứng dụng lý thuyết phức hợp. Để hiểu được lý thuyết của Tainter, cũng cần sử dụng mô hình "tiền là năng lượng".
"Món đặc sản" của Tainter là sự sụp đổ của các nền văn minh. Đây từng là một chủ đề được ưa thích đối với nhiều nhà sử học và sinh viên kể từ khi sử gia Herodotus ghi chép lại sự phát triển và sụp đổ của nền văn minh Ba Tư cổ đại trong thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Trong tác phẩm đầy tham vọng tựa đề Sự sụp đổ của các xã hội phức hợp, Tainter đã phân tích sự sụp đổ của 27 nền văn minh khác nhau trong suốt thời gian 4.500 năm, từ nền văn minh Kachin tại cao nguyên Burma ít ai biết cho đến đế chế La Mã và Ai Cập cổ đại nổi danh. Ông xem xét rất nhiều yếu tố liên quan đến nguyên nhân sụp đổ, bao gồm việc cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, xâm lược, suy thoái kinh tế, khuyết tật xã hội, tôn giáo và chính quyền quan liêu thiếu năng lực. Công trình của ông là một thành tựu xuất sắc về lịch sử, trình bày các nguyên nhân và quá trình sụp đổ của các nền văn minh.
Tainter cũng dựa trên nền tảng được Chaisson và các nhà lý luận phức hợp nói chung sử dụng khi minh chứng rằng các nền văn minh cũng là các hệ thống phức hợp. Ông tranh luận rằng khi cấp độ phức hợp của một xã hội tăng lên, thì các yếu tố đầu vào cần có để duy trì xã hội đó cũng tăng theo hàm lũy thừa – đúng như những gì mà Chaisson sau đó lượng hóa khi trình bày tổng quát về lý thuyết phức hợp. Đối với các yếu tố đầu vào, Tainter không đề cập cụ thể đến đơn vị năng lượng theo cách thức của Chaisson, nhưng đối với nhiều loại giá trị năng lượng có tiềm năng dự trữ (bao gồm sức lao động, thủy lợi, vụ mùa và hàng hóa) thì chúng đều có thể được chuyển đổi thành tiền và thường là nhằm mục đích giao dịch. Tuy nhiên, Tainter còn phân tích thêm một bước nữa và cho thấy rằng: không những các yếu tố đầu vào gia tăng theo quy mô của nền văn minh với hàm lũy thừa, mà sản lượng đầu ra của các nền văn minh và các chính phủ còn suy giảm theo đơn vị đầu vào, nếu đo lường bằng khối lượng hàng hóa dịch vụ công.
Đây là hiện tượng rất quen thuộc với các bạn tân sinh viên kinh tế học vi mô – quy luật lợi tức giảm dần. Thực ra, xã hội khi đó yêu cầu các thành viên nộp thuế ngày càng cao và họ lại nhận về các dịch vụ công ít hơn . Hiện tượng lợi nhuận biên có thể được đồ thị hóa bằng một đường cong: thoạt đầu đi lên đẹp mắt, sau đó đi ngang và bắt đầu đi xuống. Đường cong lợi nhuận biên này cũng phản ánh sự phát triển đi lên, suy giảm rồi sụp đổ của các nền văn minh.
Quan điểm chủ chốt của Tainter là mối quan hệ giữa những con người và xã hội của họ xét từ góc độ các lợi ích và nghĩa vụ sẽ có thay đổi lớn theo thời gian. Cách tốt nhất để giải quyết những cuộc tranh cãi về việc "nhà nước tốt hay xấu" hoặc "thuế đang cao hay thấp" là đầu tiên phải định vị xã hội trên đường cong lợi nhuận nói trên. Trong giai đoạn đầu của một nền văn minh, các mức lợi nhuận từ đầu tư vào các hệ thống phức hợp, dưới hình thức đầu tư của chính phủ, thường rất cao. Một khoản đầu tư thời gian và nỗ lực nho nhỏ vào một dự án thủy lợi cũng có thể mang về các lợi ích rất lớn xét theo khối lượng lương thực đầu ra của một nông dân. Các giai đoạn toàn dân thi hành nghĩa vụ quân sự ngắn ngày có thể mang lại kết quả lớn lao là hòa bình và an ninh. Một bộ máy quan chức khá gọn nhẹ nhằm tổ chức công tác thủy lợi, quốc phòng và các nỗ lực khác cũng có thể đạt hiệu quả cao hơn hẳn cách giám sát ngẫu nhiên.
Trong giai đoạn đầu của nền văn minh, ngân sách nghiên cứu để tìm ra lửa là bằng 0, trong khi các lợi ích từ lửa là không thể kể hết. Thử so sánh điều này với chi phí phát triển các máy bay Boeing thế hệ mới, liên quan đến một vài cải tiến nhỏ trong vận chuyển hàng không. Sự thay đổi này mang theo nhiều hàm ý đối với các lợi ích ước đoán từ sự gia tăng chi tiêu công, trừ khi có điều kiện của một nền móng thấp.
Theo thời gian và khi cấp độ phức hợp gia tăng, tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư xã hội bắt đầu chựng lại và chuyển biến tiêu cực. Khi các dự án đơn giản cho hệ thống thủy lợi đã hoàn tất, xã hội sẽ bắt đầu các dự án lớn hơn với các đường ống dài hơn và lượng nước ít hơn. Giới chức quan liêu, ban đầu còn là nhà tổ chức hiệu quả, thì nay lại trở thành những vật cản đối với sự cải tiến khi họ quan tâm nhiều đến việc duy trì sự tồn tại của bản thân họ hơn là các dịch vụ xã hội. Giới tinh hoa quản lý các định chế xã hội cũng dần dần quay sang quan tâm đến phần chia của họ từ chiếc bánh đang nhỏ lại, thay vì chú trọng đến phúc lợi của toàn xã hội. Các nấc thang trong xã hội đã trở thành công cụ bóc lột chứ không phải là công cụ dẫn dắt như trước nữa. Giới tinh hoa hành xử như các sinh vật ký sinh trên cơ thể xã hội và kiếm tìm cái mà các nhà kinh tế học gọi là "tô kinh tế" – tích lũy sự thịnh vượng thông qua các phương tiện phi sản xuất. Nền tài chính hậu hiện đại là một ví dụ.
Tới năm 2011, đã có đủ bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đang xuống dốc theo đường cong lợi nhuận biên, đến điểm mà tại đó các nỗ lực lớn hơn của con người chỉ mang lại thành quả kém hơn cho xã hội, trong khi giới tinh hoa cầm nắm được phần lớn tăng trưởng trong thu nhập và lợi nhuận. Hai mươi lăm nhà quản lý quỹ phòng vệ được báo cáo lại là đã nhận được hơn $22 tỷ trong năm 2010, còn 44 triệu người Mỹ đang sống bằng tem phiếu thực phẩm. Lương thưởng cho các CEO đã tăng 27% trong năm 2010 so với mức của năm 2009, trong khi hơn 20 triệu người Mỹ hoặc đang thất nghiệp hoặc rời khỏi lực lượng lao động nhưng vẫn muốn có việc làm. Trong số những ai còn việc làm, số lượng làm việc cho cơ quan nhà nước cao hơn số lao động trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất, khai thác mỏ và hạ tầng cộng lại.
Một trong các phép đo lường tốt nhất về quan hệ tìm kiếm tô kinh tế giữa giới tinh hoa và các công dân trong giai đoạn kinh tế đình trệ là hệ số Gini, một thước đo về sự bất bình đẳng trong thu nhập. Hệ số càng cao có nghĩa là sự bất bình đẳng càng lớn. Năm 2006, chẳng bao lâu trước khi đợt suy thoái bắt đầu, hệ số Gini của Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 47, hoàn toàn trái ngược với mức thấp nhất từng có là 38,6 (được ghi nhận vào năm 1968 sau hai thập niên ổn định với tiền tệ được đảm bảo bằng vàng). Hệ số Gini có xu hướng đi xuống trong năm 2007 nhưng lại lên đến gần đỉnh điểm một lần nữa trong năm 2009 và đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Hiện nay hệ số Gini của Hoa Kỳ đang gần bằng hệ số của Mexico – một xã hội chính trị đầu sỏ cổ điển với đặc trưng là sự bất bình đẳng trắng trợn về thu nhập và sự tập trung của cải vào tay của giới tinh hoa.
Một thang đo khác dành cho sự tìm kiếm tô kinh tế của giới tinh hoa là tỷ lệ giữa thu nhập của nhóm 20% cao nhất so sánh với nhóm sống dưới mức nghèo khổ. Tỷ lệ này đi từ mức thấp là 7,7 trong năm 1968 lên cao điểm 14,5 vào năm 2010. Xu hướng của cả hệ số Gini lẫn tỷ lệ thu nhập giữa nhóm giàu và nhóm nghèo tại Hoa Kỳ đều nhất quán với những gì Tainter thu được khi tìm hiểu các nền văn minh trong giai đoạn sắp sụp đổ. Khi xã hội mang đến những yếu tố đầu vào tiêu cực cho đại bộ phận người dân, họ sẽ chọn lựa để tách khỏi xã hội đó và sau cùng gây bất ổn cho chính họ và cho cả giới tinh hoa.
Trong lý thuyết lợi tức giảm dần này, Tainter tìm ra một biến số lý giải được sự sụp đổ của nền văn minh. Nhiều nhà sử học truyền thống đã cho rằng có nhiều yếu tố khiến nền văn minh sụp đổ, chẳng hạn như các trận động đất, hạn hán hoặc các cuộc xâm lăng của những tộc người man rợ, nhưng Tainter chứng minh rằng có các nền văn minh đã từng nhiều lần đẩy lùi các tộc người man rợ trước khi bị xóa sổ, và có các nền văn minh đã từng nhiều lần phục hồi sau động đất rồi cuối cùng mới bị nạn động đất chôn vùi vĩnh viễn. Kết cục sau cùng không phải là do sự xâm lược hay động đất, mà là sự phản ứng. Các xã hội không chịu thuế suất quá đáng hoặc các nghĩa vụ quá nặng nề sẽ có thể phản ứng mãnh liệt với cơn khủng hoảng và tái thiết sau thảm họa. Còn các xã hội "sưu cao thuế nặng", người dân gồng gánh quá nhiều nghĩa vụ trên lưng sẽ chỉ đơn giản là đầu hàng cơn khủng hoảng. Khi những tộc người mọi rợ sau cùng cũng tràn ngập Đế chế La Mã, họ đã không gặp bất cứ sự phản kháng nào từ những người nông dân; mà ngược lại nông dân còn chào đón những kẻ xâm lược. Nông dân La Mã đã phải chịu đựng khổ sở trong nhiều thế kỷ, từ các chính sách giảm giá trị tiền tệ tới thuế suất nặng nề khiến lợi tức còn rất ít, do đó trong tâm trí họ thì các man tộc không thể nào tệ hơn chính quyền Rome. Thực ra, bởi vì những man tộc này đã vận hành trong các hệ thống với trình độ phức hợp thấp hơn nhiều so với cấp độ của Đế chế La Mã, nên họ có thể mang đến sự bảo vệ căn bản cho nông dân với phí tổn rất thấp.
Tainter còn đưa ra một quan điểm bổ sung nữa, có liên hệ mật thiết đến xã hội trong thế kỷ 21. Có khác biệt giữa sự sụp đổ của nền văn minh và sự sụp đổ các xã hội đơn lẻ hoặc các quốc gia trong một nền văn minh. Khi đế chế La Mã sụp đổ, đó là sự sụp đổ của cả nền văn minh bởi vì khi đó chưa có một xã hội độc lập. Ngược lại, nền văn minh Liên minh châu Âu đã không sụp đổ một lần nữa từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, bởi vì cứ một nhà nước sụp đổ thì đã có sẵn một chính quyền khác lên thay thế. Sự suy tàn của Tây Ban Nha hoặc Venice được bù đắp bởi sự phát triển của Anh hoặc Hà Lan. Từ quan điểm của lý thuyết phức hợp, một thế giới tích hợp cao độ, kết thành mạng lưới và được toàn cầu hóa như ngày nay là rất tương đồng với các nhà nước liên lập của Đế chế La Mã, khác xa các chính quyền tự trị của châu Âu thời Trung Cổ và hiện đại. Theo quan điểm của Tainter, "sự sụp đổ, nếu tái diễn trong giai đoạn hiện nay, sẽ là sụp đổ trên toàn cầu. Không thể có tình trạng một quốc gia đơn lẻ bị sụp đổ. Nền văn minh thế giới sẽ tan rã hoàn toàn."
Tóm lại, Chaisson cho thấy cách thức mà các hệ thống phức hợp cao độ, chẳng hạn như các nền văn minh, đòi hỏi lượng năng lượng đầu vào tăng theo hàm lũy thừa để phát triển, trong khi Tainter chứng minh rằng các nền văn minh đó tạo nên các đầu ra tiêu cực từ những yếu tố đầu vào và sau cùng sẽ sụp đổ như thế nào. Tiền có thể đóng vai trò thước đo cho đầu vào – đầu ra trong mô hình của Chaisson bởi vì nó là dạng thức lưu trữ năng lượng. Các thị trường vốn và tiền tệ đều là các hệ thống phức hợp đầy quyền lực, được lồng vào trong nền văn minh lớn hơn theo mô hình của Tainter. Khi xã hội trở thành một hệ thống với độ phức hợp cao hơn, nó đòi hỏi khối lượng tiền tệ nhiều hơn, theo hàm lũy thừa, để hỗ trợ. Tới một mức nào đó, năng suất và thuế không thể duy trì xã hội được nữa, và giới tinh hoa lại ra sức lừa dối quy trình đầu vào bằng nghiệp vụ tín dụng, đòn bẩy tài chính, phá giá và những hình thức tiền tệ giả tạo khác để tạo thuận lợi cho quá trình tìm kiếm tô kinh tế từ sản xuất. Các cách thức này mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn để rồi sau đó ảo ảnh của sự phát triển giả tạo nhờ vay nợ bị xóa sạch bởi thực tiễn là mất đi sự thịnh vượng và bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng.
Tới lúc đó thì xã hội có 3 chọn lựa: đơn giản hóa, chinh phục hoặc sụp đổ. Đơn giản hóa có nghĩa là một nỗ lực tự nguyện để thu hẹp quy mô xã hội và đi lùi lại một tỷ lệ đầu vào – đầu ra bền vững và có năng suất hơn. Một ví dụ về sự đơn giản hóa hệ thống trong bối cảnh đương đại là: Washing ton D.C. trao lại các quyền lực chính trị và tài nguyên kinh tế cho 50 tiểu bang trong một hệ thống liên bang mới được tiếp thêm sức mạnh. Chinh phục tức là cố gắng sử dụng vũ lực để giành giật tài nguyên từ các quốc gia láng giềng nhằm tiếp thêm các yếu tố đầu vào mới. Các cuộc chiến tranh tiền tệ cũng chính là một dạng chinh phục mà không sử dụng bạo lực. Sụp đổ chỉ là một dạng thức bất thình lình, không chủ ý và hỗn loạn của sự đơn giản hóa.
Liệu Washington có phải là một Rome thời hiện đại? Phải chăng Washington và một số chính quyền khác đã đi quá xa trên lộ trình thuế cao, nhiều quy định, quan liêu hơn và hành vi tư lợi nhiều hơn đến mức các yếu tố đầu vào của xã hội đã sản sinh ra hậu quả tiêu cực? Có phải một số nhân vật tinh hoa trong kinh doanh, tài chính và các định chế đã quá gắn kết với chính phủ đến mức tất cả những người này đều cùng nhau nhận lãnh những khoản tiền thưởng khổng lồ vì đã tạo ra những tiện ích xã hội tiêu cực? Những cái được gọi là "thị trường" hiện có đang bị bóp méo bởi sự thao túng, sự can thiệp và giải cứu đến nỗi chúng không thể đưa ra những dấu hiệu giá cả đáng tin cậy để phân bổ nguồn lực hay không? Có phải chính những bên chịu trách nhiệm lớn nhất về việc bóp méo các dấu hiệu giá cả cũng lại là những bên nhận được các nguồn lực theo sự phân bổ sai lầm? Khi các man tộc xuất hiện, dưới bất cứ hình thức nào, đâu là phần bù đắp dành cho các công dân bình thường vì họ đã phản kháng lại thay vì cứ để cho hệ thống sụp đổ và mặc cho giới tinh hoa tự xoay xở?
Theo lịch sử và lý thuyết phức hợp, các câu hỏi trên đây mang tính phân tích chứ không mang tính ý thức hệ. Sự thích đáng của những câu hỏi này được xác nhận từ trải nghiệm của rất nhiều nền văn minh trong vòng 5 thiên niên kỷ và từ việc nghiên cứu các hệ thống tự nhiên đã gia tăng cấp độ phức hợp qua hàng chục tỷ năm. Khoa học và lịch sử đã giúp hình thành nên khung mẫu hoàn hảo để có thể ứng dụng kiến thức về năng lượng, tiền và hệ thống phức hợp nhằm hiểu được các rủi ro khi đồng đô-la sụp đổ trong một cuộc chiến tranh tiền tệ.
Điều quan trọng hàng đầu là các hệ thống đáng quan ngại nhất – các loại tiền tệ, các thị trường vốn và các công cụ phái sinh – đều là những phát minh xã hội và do đó có thể được xã hội cải tạo. Vẫn có thể tránh được trường hợp xấu nhất, đó là khi không còn động lực để thực thi việc cải tạo này. Vẫn chưa quá muộn để có thể lùi một bước khỏi bờ vực sụp đổ và phục hồi lại một ranh giới an toàn trong hệ thống tiền tệ toàn cầu dựa trên đồng đô-la. Không may là giới tinh hoa – nhóm kiểm soát hệ thống và cung cấp đầu vào cho phức hợp – lại dàn xếp để đi ngược lại những giải pháp theo lẽ phải thông thường. Giảm bớt lợi nhuận biên là điều tệ hại đối với xã hội, nhưng họ lại thấy tốt cho những người tiếp nhận các yếu tố đầu vào – ít nhất cho tới khi nào cạn kiệt những đầu vào đó. Ngày nay, các nguồn lực tài chính bị bòn rút khỏi xã hội và chảy vào giới tinh hoa dưới nhiều dạng thức: thuế, chi phí giải cứu, thế chấp gian lận, các lãi suất và phí cắt cổ dành cho người tiêu dùng, các công cụ phái sinh và những khoản tiền thưởng dối trá. Vì các công dân đang bị nghiền nát dưới sức nặng của việc bòn rút tô kinh tế nên nguy cơ sụp đổ ngày càng cao. Nền tài chính phải quay về vai trò đúng đắn của nó là tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, chứ bản thân tài chính không phải là cứu cánh. Lý thuyết phức hợp đã chỉ ra con đường tìm đến sự an toàn, thông qua các định chế được đơn giản hóa và có quy mô được thu nhỏ hơn. Thật không thể tin được rằng Bộ trưởng Ngân khố Geithner và Nhà Trắng lại đang tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho một ngành ngân hàng có quy mô lớn hơn và tập trung hơn, bao gồm cả nguyên bản cho một ngân hàng trung ương toàn cầu đặt tại IMF. Bất cứ thành công nào trong nỗ lực trên của Bộ Ngân khố và Nhà Trắng cũng chỉ đơn giản là đẩy nhanh "giai đoạn cuối" của đồng đô-la.
Tàn cuộc – tiền giấy, vàng hay là tình trạng hỗn loạn?
"Tôi muốn làm rõ với mọi người rằng chính sách của chúng tôi đã từng và sẽ luôn luôn đi theo quan điểm rằng... một đồng đô-la mạnh chính là lợi ích quốc gia, và chúng tôi không bao giờ có chiến lược làm suy yếu đồng tiền của mình để giành giật những lợi thế kinh tế với phí tổn của những đối tác thương mại khác."
— Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Timothy F. Geithner, ngày 26 tháng 4,2011
"Không, họ chẳng làm gì được ta chỉ vì ta đúc tiền, ta là Vua."
— William Shakespeare, Vua Lear
Một vài nhà kinh tế học hoặc những người xây dựng chính sách tại IMF hoặc các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể tán thành mô hình dựa trên lý thuyết phức hợp, coi tiền là năng lượng đã được phác họa trong chương 10. Mặc dù khoa học tự nhiên và khoa học hành vi đã hình thành được các nền tảng vững chắc, các nhà kinh tế học chính thống vẫn không chào đón nồng nhiệt các phương pháp tiếp cận đa môn. Các quan chức ngân hàng trung ương không nhìn thấy sự sụp đổ bất thình lình của đồng đô-la trong các mô hình của họ. Mặc dù vậy các nhà kinh tế học chính thống và các quan chức ngân hàng trung ương đều nhận thức rõ sự suy yếu của đồng đô-la và các rủi ro đối với sự ổn định tiền tệ quốc tế qua các cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Xét đến hàng loạt quan điểm, từ cổ điển đến hiện đại, chúng ta có thể dự đoán 4 viễn cảnh cho đồng đô-la – tạm gọi là Bốn kị sỹ Khải Huyền đô-la. Sắp xếp theo mức độ tàn phá từ thấp nhất đến cao nhất thì bốn kị sỹ này mang tên: nhiều loại tiền tệ dự trữ, quyền rút vốn đặc biệt SDR, vàng và tình trạng hỗn loạn.
• Nhiều loại tiền tệ dự trữ
Lượng dự trữ của một quốc gia cũng tương tự như tài khoản tiết kiệm của một cá nhân. Mỗi cá nhân có thể có thu nhập từ việc làm và đang chịu các khoản nợ dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng anh ta/cô ta vẫn duy trì được một khoản tiết kiệm để tiêu dùng trong tương lai hoặc phòng khi thiếu hụt. Các khoản tiết kiệm này có thể được đầu tư vào chứng khoán và hàng hóa, hoặc gửi ngân hàng. Quốc gia cũng có các chọn lựa dự trữ giống như vậy. Chính phủ có thể sử dụng một quỹ đầu tư quốc gia để đầu tư vào chứng khoán hoặc các loại tài sản khác, hoặc giữ một phần dự trữ dưới dạng các công cụ tài chính có thanh khoản cao hay vàng. Các công cụ này có thể liên quan đến các trái phiếu được định giá bằng các loại tiền tệ khác nhau, mỗi loại đều được coi là một lượng tiền tệ dự trữ, bởi vì các quốc gia sử dụng khoản này để đầu tư và đa dạng hóa nguồn dự trữ của họ.
Từ sau hiệp ước Bretton Woods năm 1944, đồng đô-la đã từng trở thành một loại tiền tệ dự trữ hàng đầu; tuy nhiên, nó chưa bao giờ là một đồng tiền dự trữ duy nhất. IMF xây dựng được cơ sở dữ liệu toàn cầu cho thấy sự kết hợp trong nguồn dự trữ chính thức, bao gồm đô-la Mỹ, Euro, Bảng Anh, Yen Nhật và Francs Thụy Sĩ. Theo dữ liệu hiện nay, đô-la Mỹ chỉ chiếm hơn 61% lượng dự trữ được xác định, trong khi loại tiền tệ được dự trữ lớn thứ hai là đồng Euro chiếm hơn 26%. Các báo cáo của IMF còn cho thấy tỷ lệ đồng đô-la được dùng làm dự trữ đã đều đặn giảm sút chầm chậm trong hơn 10 năm qua: năm 2000 thì đô-la còn chiếm 71% trong tổng số tiền tệ dự trữ chính thức. Sự giảm sút này diễn ra trong trật tự, không đột ngột tụt dốc, và nhất quán với sự gia tăng thương mại giữa châu Âu và châu Á cũng như trong nội bộ châu Á.
Việc vai trò của đồng đô-la liên tục sa sút trong thương mại quốc tế và cân bằng dự trữ tiền tệ đã đặt ra câu hỏi: chuyện gì xảy ra khi đồng đô-la không còn thống trị mà chỉ là một trong nhiều loại tiền tệ dự trữ? Đâu là ngưỡng thống trị dành cho đô-la? Liệu ngưỡng đó có phải là tỷ lệ 49% trong tổng dự trữ, hoặc khi đồng đô-la ngang bằng với loại tiền tệ lớn thứ hai mà rất có thể là đồng Euro?
Barry Eichengreen là học giả hàng đầu trong chủ đề này và ông cũng là người tiên phong đề xuất quan điểm về một thế giới với nhiều loại tiền tệ dự trữ trong tương lai. Trong loạt bài viết hàn lâm, các quyển sách và bài báo rất phổ biến gần đây, Eichengreen và các cộng sự đã chứng minh rằng đồng đô-la đã không bất chợt giành được vai trò của loại tiền tệ dự trữ hàng đầu trong năm 1944 vì sự hình thành hệ thống Bretton Woods, mà thực ra nó đã dẫn đầu từ giữa thập niên 1920. Ông còn chứng minh rằng vai trò tiền tệ dự trữ hàng đầu đã thay đổi qua lại giữa đồng đô-la Mỹ và Bảng Anh, với việc Bảng Anh mất thế thượng phong trong thập niên 1920 nhưng sau đó đã giành lại ngôi vị sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt quyết định phá giá đô-la vào năm 1933. Nói rộng hơn, các bằng chứng cho thấy một thế giới với nhiều loại tiền tệ dự trữ không những là điều khả thi mà còn là một hiện tượng đã có tiền lệ – từng xảy ra trong thời Chiến tranh tiền tệ lần thứ Nhất.
Nghiên cứu đã giúp Eichengreen đi đến một kết luận hợp lý và khá "lành" rằng một thế giới với nhiều loại tiền tệ dự trữ, chứ không chỉ có một đồng tiền thống trị, có thể được tái hiện, nhưng lần này sẽ là đồng đô-la Mỹ và Euro cùng đóng vai trò trọng tâm, chứ không phải là đô-la Mỹ và Bảng Anh. Quan điểm này cũng mở ra những thay đổi theo thời gian, theo đó đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc rốt cục cũng tham gia vào vai trò lãnh đạo tiền tệ thế giới cùng với đô-la và Euro.
Quan điểm lạc quan của Eichengreen còn một thiếu sót: vai trò của một mỏ neo mang tính hệ thống, chẳng hạn như đồng đô-la hoặc vàng. Khi đô-la Mỹ và Bảng Anh được mua bán trong thập niên 1920 và 1930, chúng đều được neo giá với vàng. Thực ra, đồng đô-la và Bảng Anh khi đó có thể thay thế cho nhau bởi vì chúng đồng thời đều có thể quy đổi tương đương ra vàng. Việc định giá thấp đã từng xảy ra, nhưng sau mỗi lần phá giá tiền tệ thì chiếc neo lại được khôi phục. Sau hệ thống Bretton Woods, chiếc neo giá trị bao gồm đồng đô-la và vàng, và từ sau năm 1971 thì chiếc neo là đồng đô-la – loại tiền tệ dự trữ hàng đầu. Thế giới thời hậu chiến luôn luôn có một điểm tham chiếu. Chưa bao giờ người ta sử dụng nhiều loại tiền tệ dự trữ mà không có một chiếc neo. Do đó, thế giới theo tầm nhìn của Eichengreen sẽ có nhiều loại tiền tệ dự trữ theo kiểu "bèo dạt mây trôi" vô định. Thay vì chỉ có một ngân hàng trung ương (kiểu như Fed chẳng hạn) lạm dụng các đặc quyền, sẽ có nhiều ngân hàng trung ương đồng loạt hoạt động kiểu đó. Theo viễn cảnh như trên, thế giới sẽ không có nơi an toàn để dự trữ tiền tệ và các thị trường càng biến động bất ổn hơn.
Một biến thể khác từ tầm nhìn của Eichengreen là các khối tiền tệ khu vực, theo đó hình thành những đồng tiền thống trị cho các khu vực bao gồm đô-la, Euro và Nhân dân tệ. Cũng có thể danh sách có thêm đồng Ruble trong những khu vực chịu ảnh hưởng lớn của Nga tại Đông Âu và Trung Á. Các khối tiền tệ này có thể phát triển tự phát theo những mô hình tự tổ chức trong các hệ thống phức hợp. Các khối tiền tệ khu vực có thể nhanh chóng chuyển hóa thành các khối thương mại khu vực, làm suy yếu thương mại toàn cầu. Điều này rõ ràng trái ngược với những lý luận biện hộ cho tình trạng có nhiều loại tiền tệ dự trữ, chẳng hạn như tầm nhìn của Eichengreen.
Eichengreen mong đợi sẽ có cái mà ông gọi là "cạnh tranh lành mạnh" giữa nhiều loại tiền tệ dự trữ. Ông coi thường các mô hình cạnh tranh không lành mạnh và sự vận hành sai chức năng – điều mà các nhà kinh tế học vẫn gọi là "cuộc chạy đua tới đáy", có thể diễn ra khi các ngân hàng trung ương chi phối sẽ khóa chặt khu vực thống trị của chúng thông qua các hiệu ứng mạng lưới và đồng thời lạm dụng tình trạng dự trữ bằng cách in tiền. Lời khuyên đẹp nhất dành cho những ai biện hộ cho mô hình nhiều loại tiền tệ dự trữ là "Hãy thận trọng với điều ước muốn của mình." Đây là một mô hình chưa được kiểm chứng và thử nghiệm, không có vàng hoặc một loại tiền tệ nào để làm chiếc neo. Vấn đề thiếu cái neo có thể là lý do tại sao đồng đô-la vẫn tiếp tục thắng thế, bất chấp các khó khăn.
• Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights)
Có lẽ trong hệ thống tiền tệ quốc tế thì quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là thứ huyền bí nhất và gây khó hiểu nhất đối với những người không có chuyên môn. Lẽ ra không nên có tình trạng mơ hồ này, bởi vì SDR là một công cụ giản đơn dễ hiểu. SDR là loại tiền của thế giới, do IMF kiểm soát, không được đảm bảo giá trị và được in ấn phát hành theo ý chí của con người. Một khi IMF phát hành một đồng SDR, đồng tiền đó dễ dàng được ghi vào tài khoản dự trữ của bên thụ hưởng giống như bất cứ loại tiền tệ dự trữ nào khác. Trong nền tài chính quốc tế, SDR nắm bắt được tinh thần của ca khúc lừng danh trong năm 1985 của nhóm Dire Straits "Tiền chẳng để mua bán gì cả - Money for Nothing. "
Các chuyên gia phản đối việc dùng chữ "tiền" để miêu tả quyền rút vốn đặc biệt. Suy cho cùng, các công dân không thể có thứ tiền này, và nếu các bạn bước vào quầy rượu để mua vài chai vang bằng đồng SDR thì hẳn là người bán không chấp nhận. Tuy nhiên, SDR vẫn thỏa mãn được định nghĩa truyền thống về tiền tệ xét theo nhiều khía cạnh. SDR có chức năng lưu trữ giá trị bởi vì các quốc gia vẫn dành một lượng dự trữ của họ thông qua các tài sản được định giá bằng SDR. Chúng cũng là phương tiện trung gian thanh toán bởi vì các quốc gia có thặng dư hoặc thâm hụt thương mại có thể giải quyết cán cân mua bán đồng nội tệ của họ với các quốc gia khác bằng các công cụ được định giá bằng SDR. Sau cùng, SDR còn là một thước đo giá trị bởi vì IMF lập hồ sơ sổ sách, thể hiện giá trị tài sản và nợ phải trả theo đơn vị là SDR. Điều khác biệt của SDR là cá nhân công dân và doanh nghiệp không thể sử dụng SDR trong các giao dịch tư nhân. Nhưng bên trong nội bộ IMF đã hình thành những kế hoạch để tạo ra một thị trường riêng.
Một sự phản đối khác, theo đó không công nhận SDR là tiền tệ, lại phát xuất từ việc SDR được xác định từ một giỏ tiền tệ, chẳng hạn như đô-la và Euro. Các nhà phân tích theo quan điểm này cho rằng SDR không có giá trị hoặc mục đích độc lập với các loại tiền tệ trong giỏ và vì thế chúng không thể là một hình thức tiền tệ riêng biệt. Luận điểm này không chính xác vì hai lý do. Thứ nhất là, số lượng SDR được phát hành không bị hạn chế bởi bất cứ số lượng loại tiền tệ nào trong giỏ.
Các loại tiền tệ cơ sở được sử dụng để tính toán ra giá trị chứ không hạn chế số lượng – SDR có thể được phát hành với số lượng vô hạn. Điều này giúp SDR có thể có số lượng không bị neo với các loại tiền tệ trong giỏ. Thứ hai là, giỏ tiền tệ có thể được thay đổi. Thực ra, IMF đã có kế hoạch và hiện đang triển khai để thay đổi giỏ tiền tệ, theo đó giảm bớt vai trò của đô-la Mỹ và gia tăng vai trò của Nhân dân tệ. Hai yếu tố trên – phát hành không giới hạn và giỏ tiền tệ có thay đổi – giúp cho SDR có vai trò tiền tệ trong hoạt động tài chính quốc tế và luôn luôn độc lập với các loại tiền tệ làm cơ sở trong giỏ.
IMF đã sáng tạo nên đồng SDR vào năm 1969 trong giai đoạn căng thẳng tiền tệ quốc tế. Khủng hoảng tỷ giá định kỳ, lạm phát cao và đồng đô-la bị phá giá đã gây áp lực đối với tính thanh khoản toàn cầu và tình hình dự trữ của nhiều thành viên IMF. SDR được phát hành và phân bổ tương đối nhiều trong giai đoạn 1969-1981; tuy nhiên, số lượng tiền tệ này cũng chưa quá cao, tương đương khoảng $33,8 tỷ theo tỷ giá hồi tháng 4/2011. Sau đó thì người ta không phát hành thêm một SDR nào nữa trong vòng 28 năm. Điều lý thú là đồng SDR nguyên thủy từ năm 1969 đã được định giá trị theo một hàm lượng vàng. Đồng SDR vàng đã bị từ bỏ vào năm 1973 và bị thay thế bằng SDR định giá theo giỏ tiền tệ cho đến ngày nay.
Năm 2009, một lần nữa cả thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng, nguyên nhân là những tổn thất sau Cơn hoảng loạn 2008 và tiếp theo là việc giảm đòn bẩy trong các bảng cân đối kế toán của những định chế tài chính và người tiêu dùng. Thế giới đang cần tiền khẩn cấp, và những nhà lãnh đạo trong hệ thống tiền tệ quốc tế quay lại kịch bản của thập niên 1970. Lần này các nỗ lực không do bản thân IMF chỉ đạo, mà được nhóm G20 dẫn dắt. G20 sử dụng IMF như một công cụ làm chính sách tiền tệ toàn cầu. Số lượng tiền là khổng lồ, tương đương $289 tỷ tính theo tỷ giá tháng 4/2011. Tình trạng thiếu tiền khẩn cấp hầu như đã bị phớt lờ khi xuất hiện sức ép tài chính do sự sụp đổ của các thị trường chứng khoán và giá nhà ở trong thời điểm đó. Nhưng đây lại là khởi đầu cho các nỗ lực mới của nhóm G20 và IMF nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng SDR như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu, thay thế cho đồng đô-la.
Các đồng đô-la, Euro và Nhân dân tệ sẽ không bị xóa sổ trong triều đại tiền tệ toàn cầu mới của SDR; chúng vẫn được tiếp tục sử dụng trong các giao dịch nội địa thuần túy. Người Mỹ sẽ mua sữa hoặc xăng bằng tiền đô-la, cũng như người Syri sử dụng đồng Pound của họ. Tuy nhiên, trong các giao dịch quan trọng trên quy mô toàn cầu, chẳng hạn như phát hành các hóa đơn thương mại quốc tế, tập hợp các ngân hàng cấp tín dụng quốc tế, giải cứu ngân hàng và giải quyết cán cân thanh toán, thì SDR sẽ là đồng tiền mới của thế giới và đồng đô-la chỉ là phụ trợ, vì nhóm G20 phán quyết rằng đô-la bị phá giá định kỳ và cần được thu nhỏ lại trong giỏ tiền tệ.
Ngoài việc chỉ đạo phát hành tiền SDR, IMF còn gia tăng khả năng đi vay bằng SDR của mình lên hơn gấp đôi, từ mức khoảng $250 tỷ (quy đổi tương đương) thời trước khủng hoảng lên đến $580 tỷ tính đến tháng 3/2011. Sự gia tăng vay nợ này được thực thi thông qua các khoản tín dụng từ các quốc gia thành viên IMF cấp cho IMF, đổi lại là sự phát hành tiền SDR. Dạng thức đi vay này đã được thiết kế để giúp IMF có năng lực cho vay đối với những thành viên của nó trong giai đoạn khó khăn. Hiện nay thì IMF được đặt trong vị thế để thực thi 2 chức năng then chốt của một ngân hàng trung ương thứ thiệt – tạo ra tiền và người cho vay cuối cùng – sử dụng đồng SDR như hình thức tiền tệ theo chỉ đạo của "Ban Thống đốc" là nhóm G20. Tầm nhìn của những người sáng tạo nên đồng SDR vào năm 1969 đến nay đã thành hiện thực tại quy mô lớn hơn mong đợi nhiều lần. Thời khắc xuất hiện một ngân hàng trung ương toàn cầu đã đến thực sự.
Ngay cả khi đã mở rộng số lượng phát hành và khả năng đi vay, đồng SDR vẫn chưa thể đủ sức thay thế cho đồng đô-la trong vai trò tiền tệ mạnh trong dự trữ quốc tế. Để đồng SDR thành công trong quá trình phát triển thành loại tiền tệ dự trữ, những ai cầm nắm SDR sẽ đòi hỏi một tập hợp rộng lớn các tài sản có thanh khoản cao, có thể được đầu tư với nhiều thời gian đáo hạn khác nhau; sao cho họ có thể đầu tư bằng khoản tiền dự trữ để thu lợi nhuận và lưu trữ giá trị. Việc này đòi hỏi phải có thị trường trái phiếu SDR với các công cụ tài chính công và tư, một mạng lưới các trung gian sơ cấp và các công cụ phái sinh để cấp thanh khoản và đòn bẩy. Các thị trường như thế này có thể nổi lên sau khoảng thời gian dài, tuy nhiên nhóm G20 và IMF chẳng còn nhiều thời gian bởi vì các nguồn thanh khoản khác đều cạn kiệt. Tới năm 2011, Fed đã đối mặt với giới hạn năng lực cấp thanh khoản toàn cầu. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng đảm nhận vai trò tiền tệ dự trữ. Đồng Euro có các vấn đề nội tại, phát xuất từ khủng hoảng nợ công của các quốc gia thành viên phụ. IMF cần nhanh chóng tung ra đồng SDR. Cần có lộ trình cho việc này và ngày 7 tháng 1/2011 IMF đã đưa ra lộ trình đó.
Trong một tài liệu với tiêu đề "Củng cố sự ổn định cho hệ thống tiền tệ quốc tế – một vai trò của đồng SDR?", IMF đã trình bày kế hoạch chi tiết để tạo ra một thị trường trái phiếu SDR với tính thanh khoản cao, một yếu tố khởi đầu cho việc dùng SDR thay thế đồng đô-la như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu. Tài liệu của IMF xác định rõ các bên tiềm năng có thể phát hành các trái phiếu được định giá bằng SDR, bao gồm Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khu vực, cũng như chỉ ra những người mua tiềm năng, bao gồm các quỹ đầu tư quốc gia và các công ty toàn cầu. Nó cũng chứa đựng các cấu trúc kỳ hạn và cơ chế giá cả đề xuất, cũng như các biểu đồ chi tiết cho quy trình giao dịch, thanh toán và tài trợ cho các trái phiếu này. Người ta cũng đề xuất thay đổi giỏ tiền tệ SDR theo thời gian nhằm gia tăng tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ và giảm tỷ trọng của đồng đô-la.
Nghiên cứu của IMF cho thấy sự lạc quan về tốc độ và cả yếu tố lén lút để hoàn thành. Tài liệu có ghi "Kinh nghiệm... cho thấy quá trình này có thể diễn ra tương đối nhanh và không cần thiết phải quan tâm đến sự đồng thuận lớn của công chúng". Và IMF chẳng mấy khó khăn để che giấu ý đồ của mình, khi nó biện minh rằng "Các chứng khoán này có thể góp phần tạo nên phôi thai cho tiền tệ toàn cầu." Tài liệu cũng phác họa một kế hoạch in tiền SDR, theo đó đề xuất rằng một lượng SDR tương đương $200 tỷ được phát hành mới hàng năm sẽ là một khởi đầu tốt đẹp đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Các tổ chức tư nhân và những học giả đều tham gia tranh luận về việc này. Một nhóm các nhà kinh tế học đa quốc gia và các quan chức ngân hàng trung ương, dưới sự định hướng của Joseph Stiglitz (từng được trao giải Nobel), đã đề xuất rằng đồng SDR có thể được phát hành cho các quốc gia thành viên và sau đó gửi ngược lại IMF để tài trợ cho các chương trình tín dụng. Điều này đẩy nhanh tiến độ thực thi vai trò ngân hàng trung ương toàn cầu của IMF, thậm chí nhanh hơn cả những đề xuất của bản thân tổ chức này. Khi thực hiện thêm chức năng nhận tiền gửi, bên cạnh hai vai trò là đơn vị phát hành tiền tệ và người cho vay cuối cùng, IMF sẽ đúng là một ngân hàng trung ương toàn cầu xét từ mọi góc độ, ngoại trừ cái tên. Sự nổi lên của một ngân hàng trung ương toàn cầu và một đồng tiền toàn cầu mới đương nhiên sẽ đẩy đồng đô-la Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ xuống "chiếu dưới".
Trong mỗi phát biểu kỹ thuật hào nhoáng của IMF đều cho thấy câu trả lời của giới tinh hoa toàn cầu đối với vấn đề chiến tranh tiền tệ và tiềm năng sụp đổ của đồng đô-la. "Nghịch lý Triffin" sẽ được giải quyết dứt điểm, bởi vì từ nay sẽ không còn tình trạng một quốc gia đơn lẻ phải gánh chịu áp lực cung cấp thanh khoản toàn cầu. Giờ này tiền được in trên toàn thế giới chứ không hạn chế bởi cán cân thương mại của quốc gia phát hành ra loại tiền tệ dự trữ hàng đầu.
Theo quan điểm của IMF, cái hay nhất ở đây là sẽ không phải giám sát tình hình thực thi dân chủ hoặc trách nhiệm giải trình cho việc in tiền. Trong khi phác thảo kế hoạch cho đồng SDR toàn cầu, IMF cũng đề xuất tăng quyền biểu quyết hơn gấp đôi dành cho Trung Quốc với phí tổn thuộc về các thành viên dân chủ chẳng hạn như Pháp, Anh, Hà Lan và một số quốc gia khác. Điều lý thú là sự sắp đặt lại quyền biểu quyết khiến cho danh sách 20 thành viên hàng đầu của IMF càng gần hơn với danh sách các quốc gia trong nhóm G20. Hai "nhóm Hai mươi" này hiện chưa trùng khớp nhau hoàn toàn, nhưng chúng sẽ sớm đồng quy.
IMF công khai xu hướng phản dân chủ của nó, dưới cái được gọi là "những cân nhắc chính trị." Kế hoạch đồng SDR kêu gọi bổ nhiệm một "ban cố vấn gồm các chuyên gia lỗi lạc" để định hướng về số lượng tiền được in trong hệ thống SDR mới. Rất có thể "các chuyên gia lỗi lạc" này sẽ là những người được chọn từ những nhà kinh tế học và quan chức ngân hàng trung ương từng dẫn dắt hệ thống tiền tệ quốc tế đến bờ vực sụp đổ hồi năm 2008. Trong mọi tình huống, họ vẫn được chọn mà không thông qua thảo luận với công chúng và sự quan sát của báo giới trong các xã hội dân chủ. Một khi được chọn, ban cố vấn có thể sẽ hoạt động ngấm ngầm.
John Maynard Keynes từng có lời nhận định nổi tiếng, "phá hỏng hệ thống tiền tệ là công cụ tinh vi nhất, chắc ăn nhất để đảo lộn mọi nền móng xã hội. Quá trình phá hoại này bao gồm sự tham gia của các nguồn lực ẩn của quy luật kinh tế mang tính tàn phá, và chúng hoạt động theo phương thức mà chỉ một người trong số hàng triệu người mới có thể chẩn đoán được." Nếu trong số một triệu người mới có một người hiểu được sự phá giá thì có lẽ trong 10 triệu người cũng chả có ai hiểu được các hoạt động bên trong nội bộ IMF. Chúng ta hãy chờ xem liệu có thể hiểu rõ hơn về những hoạt động đó trước khi IMF triển khai kế hoạch thay thế đồng đô-la bằng SDR hay không.
Suy cho cùng, kế hoạch của IMF dành cho đồng SDR như thông báo trong các tài liệu của họ là một thủ đoạn chứ không phải một giải pháp. Thủ đoạn này được vận dụng nhằm đối mặt với những thất bại sắp tới của các chế độ tiền pháp định, bằng cách tạo ra một đồng tiền pháp định mới. Nó đóng gói lại các vấn đề của những loại tiền giấy, bằng một loại tiền giấy mới.
Tuy nhiên, kế hoạch này có hai sai lầm với tiềm năng cực kỳ nguy hiểm. Sai lầm thứ nhất là yếu tố thời gian – liệu giải pháp đồng SDR mới của IMF có thể được triển khai trước khi xảy ra cơn khủng hoảng tài chính tiếp theo? Việc tạo ra một loại tiền tệ mới theo kế hoạch của IMF có thể mất ít nhất 5 năm, hoặc lâu hơn. Khi thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ ngày càng tăng, các khủng hoảng nợ công tại châu Âu và bong bóng tài sản tại Trung Quốc chưa được giải quyết, hệ thống tiền tệ thế giới có thể sụp đổ trước khi có một đồng SDR phổ biến rộng rãi.
Sai lầm thứ hai trong kế hoạch của IMF có liên quan đến vai trò của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vẫn đủ quyền biểu quyết trong IMF để dừng dự án đồng SDR. Việc mở rộng phát hành SDR và gia tăng đi vay từ năm 2009 đã được hoàn tất với sự đồng thuận của Mỹ, đồng bộ với ưu tiên của chính quyền Obama dành cho các giải pháp đa phương hơn là đơn phương đối với nhiều vấn đề toàn cầu. Một chính phủ mới của nước Mỹ sau năm 2012 có thể có quan điểm khác, và theo đó có cơ hội để tận dụng chiến lược thay thế đồng đô-la của IMF làm đề tài trong các chiến dịch vận động tranh cử 2012. Nhưng tới thời điểm hiện nay thì đồng SDR vẫn sống, vẫn khỏe mạnh và đang là ứng viên nặng ký cho vai trò tiền tệ toàn cầu.
• Quay lại chế độ Bản vị vàng
Trong nền tài chính quốc tế, vàng khiến cho người ta tranh luận sôi nổi hơn bất cứ chủ đề nào, cho dù là biện hộ hay phản đối vàng. Những người phản đối Bản vị vàng nhanh chóng viện dẫn đến một câu nổi tiếng của Keynes cho rằng vàng là một "di sản tàn bạo". Huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng chỉ ra rằng tất cả vàng trên thế giới nếu được tập trung vào một chỗ sẽ chỉ là đống kim loại sáng lấp lánh chứ không tạo ra được lợi ích gì và cũng chẳng có tiềm năng tạo thu nhập. Nhân vật quyền lực Robert Zoellick (chủ tịch Ngân hàng thế giới – ND) từng khiến giới tinh hoa "choáng" hồi tháng 11/2010 chỉ với việc đề cập đến "vàng" trong một diễn văn, mặc dù ông đã nói khá ngắn gọn về chế độ Bản vị vàng. Trong giới tinh hoa nói chung, những ai biện hộ cho vàng được coi là "gà mờ", thiếu khôn ngoan, những người không biết đánh giá cao các lợi ích của một cơ chế cung tiền hiện đại vừa "linh hoạt" vừa "rộng khắp".
Những người biện hộ cho vàng cũng gay gắt chẳng kém khi họ coi những quan chức ngân hàng trung ương hiện đại như nhóm thầy phù thủy chỉ biết làm ra tiền từ không khí nhằm làm loãng đi khoản tiết kiệm mồ hôi nước mắt của tầng lớp nhân dân lao động. Khó có thể tìm ra chủ đề tài chính nào khác mà tại đó các bên có quan điểm trái ngược nhau nhiều như vấn đề vàng.
Không may là các quan điểm trái chiều nhau về vàng như trên lại đều được hình thành khi người ta tư duy mới về việc vàng sẽ hoạt động như thế nào trong hệ thống tiền tệ của thế kỷ 21. Phát xuất từ ý thức hệ, người ta miễn cưỡng tìm cách điều hòa sự ổn định của vàng với nhu cầu tự do, theo chừng mực nào đó, trong quản lý cung tiền nhằm phản ứng lại với các cơn khủng hoảng và sửa chữa các sai lầm. Sự điều hòa này đã không còn kịp nữa.
Vàng không phải là hàng hóa. Vàng không phải là sự đầu tư. Vàng cũng không phải là một loại tiền đặc biệt. Vàng thực sự khan hiếm – toàn bộ lượng vàng hiện có trên thế giới cũng chỉ tạo thành một khối lập phương với mỗi cạnh dài 20 mét (khoảng 60 feet), nghĩa là tương đương một văn phòng nhỏ ở vùng ngoại ô. Lượng cung vàng từ các mỏ mới chỉ tăng chậm và có thể được dự tính trước – tăng khoảng 1,5% hàng năm. Tốc độ tăng như thế này là quá chậm nên không thể khiến lạm phát cao; thực ra, một mức giảm phát đều đặn vẫn luôn là hệ quả có khả năng xảy ra cao nhất dưới một chế độ Bản vị vàng. Vàng có khối lượng riêng cao, một khối lượng khá nặng chỉ chiếm một thể tích nhỏ so với các kim loại khác nên vàng có thể được sử dụng làm cơ số tiền tệ. Vàng còn đồng nhất về chất lượng, với những thuộc tính cố định, số nguyên tử 79 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Các hàng hóa khác chẳng hạn như dầu mỏ hoặc bột mì cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ lượng cung tiền nhưng chúng có nhiều loại hạng quá khác biệt nhau, nên sẽ phức tạp hơn. Vàng không bị rỉ sét hoặc mờ đi, chúng cũng không bị hỏng trừ khi dùng các acid đặc biệt hoặc chất nổ. Vàng dễ dát mỏng nên thuận tiện cho việc đúc thành tiền xu và thỏi. Sau cùng vàng còn có "thâm niên" lâu dài trong vai trò tiền tệ – hơn 5.000 năm – tức là lâu hơn bất cứ vật liệu nào khác, cho thấy tính hữu dụng của nó đối với nhiều nền văn minh và văn hóa trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Với các đặc trưng là sự khan hiếm, độ bền, tính đồng nhất và một số khác, dường như khả năng dùng vàng làm tiền là khá cao. Nhưng các quan chức ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế học hiện đại lại không nghiêm túc nhìn nhận vàng như một hình thái tiền tệ. Các nguyên nhân đến từ cuộc Chiến tranh tiền tệ lần thứ I và Chiến tranh tiền tệ lần thứ II, cuộc Đại Suy Thoái và sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods. Một học giả hàng đầu chuyên nghiên cứu về Đại Suy Thoái, Ben Bernanke, hiện đang giữ cương vị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, là một trong những người phản đối gay gắt nhất việc dùng vàng làm Bản vị tiền tệ. Luận điểm của ông cần được những người biện hộ cho vàng đưa ra nghiên cứu và sau cùng là phản biện, nếu cuộc tranh luận vẫn còn tiếp diễn.
Nhận định của Bernanke về vàng và Đại Suy Thoái được trình bày như tình huống đầu tiên trong một công trình lớn của các học giả hàng đầu chuyên nghiên cứu Đại Suy Thoái là Peter Temin, Barry Eichengreen và những người khác, cho thấy sự liên hệ giữa vận hành quy chuẩn hối đoái vàng từ năm 1924 đến năm 1936 và tổng thể nền kinh tế thế giới.
Bernanke tóm lược lại vấn đề như sau:
Các quốc gia từ bỏ vàng đã có thể phục hồi lượng cung tiền và các mức giá cả, và họ đã làm được sau một khoảng thời gian tạm dừng ngắn ngủi; các quốc gia vẫn còn dựa vào vàng buộc phải gánh chịu giảm phát nặng nề hơn. Rõ ràng là có quá nhiều bằng chứng về việc các quốc gia từ bỏ chế độ Bản vị vàng đã phục hồi sau Đại Suy thoái nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia còn dựa vào vàng. Thực ra chẳng có quốc gia nào tuân theo chế độ Bản vị vàng lại có thể hồi phục kinh tế đáng kể.
Các bằng chứng thực tế đã xác thực cho kết luận của Bernanke, nhưng bằng chứng đó chỉ là minh họa cho động cơ "làm nghèo nhà hàng xóm" – tâm điểm của mọi cuộc chiến tranh tiền tệ. Điều này không khác gì việc một quốc gia đi xâm lược và cướp bóc một đất nước khác để giàu có hơn và khiến "nạn nhân" nghèo đi. Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là mô hình kinh tế được mong đợi hay không.
Nếu Pháp từ bỏ chế độ Bản vị vàng từ năm 1931 cùng lúc với Anh, lợi thế tương đối của Anh so với Pháp đã bị triệt tiêu. Thực ra, Pháp đã đợi đến tận năm 1936 mới phá giá tiền tệ, để cho Anh đánh cắp sự tăng trưởng của Pháp trong suốt khoảng thời gian đó. Kết quả này không có gì lạ – người ta thực sự đã tính trước.
Ngày nay, dưới sự dẫn dắt của Bernanke, Hoa Kỳ đang cố gắng làm những gì nước Anh từng làm trong năm 1931 – nghĩa là phá giá tiền tệ. Bernanke đã thành công trong việc phá giá đồng đô-la trên cơ sở giá trị tuyệt đối, minh chứng qua sự tăng giá vàng trong nhiều năm. Nhưng nỗ lực của ông nhằm phá giá đồng đô-la tương đối so với các loại tiền tệ khác vẫn còn là câu chuyện dài. Đồng đô-la dao động giá so với các loại tiền tệ khác, nhưng nó chưa bị phá giá đáng kể và nhất quán đối với tất cả các đồng tiền khác. Không những thế, mọi loại tiền tệ mạnh đều cùng lúc phá giá so với vàng. Hậu quả là lạm phát toàn cầu, cho nên chính sách "làm nghèo nhà hàng xóm" lại biến thành "làm nghèo cả thế giới".
Để củng cố thêm cho luận điểm rằng vàng phần nào là nguyên nhân của sự khốc liệt và dai dẳng của cơn Đại Suy Thoái, Bernanke còn phát triển một mô hình 6 yếu tố hữu ích qua đó chứng minh mối quan hệ giữa cơ số tiền tệ của một quốc gia được hình thành từ ngân hàng trung ương, cung tiền lớn hơn qua hệ thống ngân hàng, vàng dự trữ bị suy giảm theo số lượng và giá cả, và dự trữ ngoại hối.
Mô hình của Bernanke vận hành như một hình kim tự tháp lật ngược, theo đó vàng và ngoại hối nằm dưới đáy, tiền của Fed phát hành nằm trên vàng, và trên cùng là tiền được tạo ra từ các ngân hàng. Bí quyết nằm ở chỗ phải có đủ lượng vàng thì cái kim tự tháp ngược kia mới không đổ. Cho tới năm 1968, luật Hoa Kỳ đã yêu cầu lượng vàng tối thiểu nằm ở đáy kim tự tháp. Trong thời Đại Suy Thoái giá trị của vàng được cố định tại mức tối thiểu là 40% lượng tiền của Fed. Tuy nhiên, không có giới hạn trên . Điều này có nghĩa là lượng cung tiền của Fed có thể giảm đi ngay cả khi lượng cung vàng gia tăng . Điều này diễn ra khi các ngân hàng giảm đòn bẩy tài chính.
Bernanke ghi nhận:
Lượng cung tiền của các quốc gia đi theo Bản vị vàng – không tương đương với giá trị của vàng tiền tệ (monetary gold: vàng được chính phủ lưu giữ như một dạng tài sản dự trữ – ND) như quan điểm trong sáng của chế độ Bản vị vàng – thường cao hơn nhiều lần so với giá trị vàng dự trữ. Tổng số vàng tiền tệ tiếp tục tăng trong suốt thập niên 1930; do đó người ta thấy sự sụt giảm mạnh trong... lượng cung tiền và hiện tượng này hoàn toàn được quy cho sự thu nhỏ tỷ lệ trung bình tiền - vàng.
Bernanke trình bày hai lý do của việc thu hẹp cung tiền ngay cả khi có nhiều vàng. Lý do thứ nhất liên quan đến các chọn lựa chính sách của các quan chức ngân hàng trung ương và lý do thứ hai liên quan đến ưu tiên của những người gửi tiền và các ngân hàng tư nhân khi họ phản ứng lại những vụ hỗn loạn vì ngân hàng. Từ những chọn lựa nói trên, Bernanke kết luận rằng dưới chế độ Bản vị hối đoái vàng sẽ có hai trạng thái cân bằng cung tiền. Một trạng thái cân bằng sẽ tồn tại khi niềm tin cao và tỷ lệ đòn bẩy được gia tăng. Một trạng thái khác hình thành khi niềm tin thấp và đòn bẩy thu hẹp. Khi thiếu niềm tin gây ra sự thu hẹp tiền tệ thông qua giảm đòn bẩy, quá trình này có thể làm giảm niềm tin hơn nữa, khiến cho các bảng cân đối trong ngân hàng cũng "teo tóp lại", tiêu dùng và đầu tư cũng giảm sút. Bernanke kết luận, "Dễ bị tổn thương từ những "mong đợi được tự khẳng định", chế độ Bản vị vàng dường như rất giống với... một hệ thống ngân hàng không có bảo hiểm tiền gửi." Một lần nữa, đây là "lời tiên đoán tự nó trở thành hiện thực" của Merton.
Đối với Bernanke, Eichengreen, Krugman và một thế hệ các học giả được công nhận từ thập niên 1980, đây là bằng chứng không thể chối cãi. Vàng đã là cơ sở cho việc cung tiền; do đó vào một thời điểm nhất định vàng sẽ là yếu tố hạn chế mở rộng tiền tệ khi cần có thêm tiền. Đây là bằng chứng mang tính phân tích và lịch sử, được củng cố thêm bởi các sự kiện thực nghiệm của Eichengreen và mô hình của Bernanke, theo đó vàng là yếu tố đóng góp đáng kể cho cuộc Đại Suy Thoái. Trong tâm trí những vị này, vàng là một trong những nguyên nhân của Đại Suy Thoái và những quốc gia nào sớm từ bỏ vàng sẽ sớm khôi phục kinh tế. Chưa bao giờ vàng bị chối bỏ như một công cụ tiền tệ đến mức này.
Đây là phán quyết sau cùng, phiên tòa kết thúc.
Bất chấp sự thống nhất gần như trọn vẹn trong quan điểm này, phiên tòa hàn lâm xét xử "bị cáo vàng" vẫn có một sai sót lớn. Các luận điểm chống lại vàng chẳng liên quan gì đến bản chất của vàng; nó liên quan đến chính sách. Chúng ta có thể nhận ra khi chấp nhận mô hình của Bernanke và sau đó xét đến các viễn cảnh thay thế trong tình hình Đại Suy Thoái.
Ví dụ, Bernanke quy kết cho tỷ lệ giữa cơ số tiền tệ với tổng dự trữ vàng và ngoại hối, đôi khi tỷ lệ này còn được gọi là hệ số đảm bảo thanh toán (coverage ratio). Khi vàng chảy vào nước Mỹ hồi đầu thập niên 1930, Cục Dự trữ Liên bang lẽ ra đã có thể cho phép gia tăng lượng cung tiền cơ sở lên cao gấp 2,5 lần so với giá trị của vàng. Fed đã không làm thế và trên thực tế nó còn giảm cung tiền, phần nào nhằm trung hòa ảnh hưởng lan rộng của dòng vàng chảy vào đất nước. Đây là chọn lựa chính sách của Fed. Giảm cung tiền dưới mức có thể cung là điều có thể xảy ra khi liên quan đến vàng hoặc không liên quan, đây là chọn lựa chính sách độc lập với lượng cung vàng. Thật là sai lầm, xét từ góc độ lịch sử và phân tích, khi đổ lỗi cho vàng là nguyên nhân làm giảm cung tiền.
Bernanke cũng viện dẫn đến các cơn hoảng loạn ngân hàng hồi đầu thập niên 1930 và xu hướng của các ngân hàng và người gửi tiền là nguyên nhân của việc giảm tỷ lệ giữa cung tiền mở rộng với cơ số tiền tệ. Tới lượt mình, các ngân hàng cho thấy ưu tiên của họ dành cho vàng hơn là ngoại hối trong khoản dự trữ của họ. Cả hai quan sát như trên là chính xác xét từ góc độ lịch sử, nhưng hiện tượng này cũng không liên quan gì đến vàng. Giảm tỷ lệ giữa cung tiền mở rộng với cơ số tiền tệ đâu nhất thiết phải liên quan đến vàng và việc điều chỉnh này có thể diễn ra mọi lúc – thực ra người ta đã tiến hành việc này khi giải quyết hậu quả của Cơn hoảng loạn 2008. Dùng vàng thay cho ngoại hối trong các ngân hàng trung ương là việc có liên quan đến vàng nhưng một lần nữa lại cho thấy sự chọn lựa chính sách của chính các ngân hàng trung ương. Các ngân hàng có thể dễ dàng chọn lựa trái ngược và thực sự gia tăng lượng dự trữ.
Bên cạnh những phản biện như trên dành cho các phân tích lịch sử của Bernanke, còn nhiều động thái khác mà lẽ ra các quan chức ngân hàng trung ương đã có thể thực hiện trong thập niên 1930 nhằm khắc phục tình trạng thắt chặt tiền tệ mà không bị hạn chế bởi vàng. Fed đã có thể mua ngoại tệ bằng đô-la được phát hành mới, một nghiệp vụ tương tự như hợp đồng hoán đổi ngoại tệ (swap line) của các ngân hàng trung ương hiện đại, theo đó gia tăng lượng dự trữ của Hoa Kỳ và nước ngoài để hỗ trợ tăng cung tiền. Đồng SDR đã ra đời trong thập niên 1960 đúng là để giải quyết vấn đề này khi lượng dự trữ bị thiếu hụt trong thập niên 1930. Nếu như tái diễn cơn khủng hoảng thanh khoản toàn cầu theo kiểu khủng hoảng trong thập niên 1930, SDR có thể được phát hành nhằm cung cấp ngoại hối cơ sở, từ đó có thể điều chỉnh cung tiền và thương mại tài chính – đúng như tình hình của năm 2009. Việc này có thể được thực hiện nhằm chặn đứng sự sút giảm thương mại và một cơn Đại Suy thoái toàn cầu. Một lần nữa, cách can thiệp vào cung tiền như trên có thể được thực hiện mà hoàn toàn không cần quan tâm đến vàng. Mọi thất bại đều do chính sách, chứ không phải do vàng.
Các ngân hàng trung ương trong thập niên 1930, nhất là Fed và ngân hàng trung ương Pháp, đã không tăng cung tiền hết mức có thể ngay cả khi chúng hoạt động theo Bản vị hối đoái vàng. Đây là một trong các nguyên nhân lớn gây ra Đại Suy thoái; tuy nhiên yếu tố gây hạn chế không phải là vàng mà đúng hơn là do các ngân hàng trung ương thiếu sự tính toán xa xôi và còn nhiều ảo tưởng.
Người ta hoài nghi rằng Bernanke hiện đang phản đối vàng không phải vì vàng từng cản trở việc tăng cung tiền trong thập niên 1930 mà vì ngày nay vàng mới đúng là có thể hạn chế cung tiền . Trong Đại Suy thoái các ngân hàng đã không tận dụng được tối đa khả năng cung tiền, cho dù khả năng này luôn luôn là hữu hạn. Bernanke có lẽ muốn duy trì năng lực của các ngân hàng trung ương để chúng có tiềm năng phát hành tiền vô hạn, việc này đòi hỏi phải phủ nhận vàng. Từ năm 2009, Bernanke và Fed đã có thể thử nghiệm chính sách của họ về việc cung tiền không giới hạn trong điều kiện thế giới thực.
Quy tội cho vàng khi diễn ra Đại Suy Thoái cũng giống như đổ lỗi cho nhân viên ngân quỹ khi xảy ra vụ cướp nhà băng. Nhân viên ngân quỹ có thể có mặt khi vụ cướp diễn ra, nhưng cô ta không phạm tội. Trong trường hợp của thời kỳ Đại Suy Thoái, thủ phạm gây ra tình trạng thắt chặt tiền tệ đâu phải là vàng, mà chính là các quan chức ngân hàng trung ương – những người từng phạm những sai lầm về chính sách một cách liên tục và không đáng có. Trong nền tài chính quốc tế, vàng không phải là một chính sách; nó chỉ là công cụ. Quy kết trách nhiệm cho chế độ Bản vị vàng như căn nguyên gây ra Đại Suy Thoái là điều rất thuận lợi đối với các quan chức ngân hàng trung ương muốn tìm kiếm khả năng in tiền vô hạn. Chính các quan chức ngân hàng trung ương, chứ không phải vàng, phải chịu trách nhiệm về Đại Suy Thoái và các nhà kinh tế học nào vẫn tiếp tục đổ lỗi cho vàng đều là những người tìm cớ biện minh cho tiền pháp định tới tận cùng.
Nếu vàng được "phục hồi danh dự" sau những cao buộc sai lầm là thủ phạm của Đại Suy Thoái, liệu nó còn có thể đóng vai trò tích cực trong bối cảnh hiện nay? Một chế độ Bản vị vàng trong thế kỷ 21 sẽ như thế nào?
Một số người hăng hái nhất trong việc biện hộ cho chế độ Bản vị vàng trên nhiều blog và phòng chat lại không thể lý giải chính xác về quan điểm của mình. Rõ ràng người ta cảm nhận được rằng tiền phải gắn liền với một loại vật chất hữu hình nào đó và các ngân hàng trung ương không thể phát hành tiền vô hạn. Đưa cảm giác này vào trong một hệ thống tiền tệ cụ thể nhằm giải quyết được các thách thức từ sự hãi sợ và Đại Suy thoái mang tính chu kỳ còn là việc khó khăn hơn nhiều.
Chế độ Bản vị vàng giản đơn nhất – được gọi là chế độ Bản vị vàng thuần túy – là chế độ theo đó đồng đô-la được định giá theo một hàm lượng vàng cụ thể và cơ quan phát hành tiền đô-la có đủ lượng vàng để thu nhận lại đô-la trên cơ sở giá cả cụ thể. Trong loại hình này, một đồng tiền giấy đô-la thực sự là nơi lưu trữ một hàm lượng vàng dựa trên niềm tin của người cầm tiền và có thể được quy đổi ra vàng theo ý chí của người đó. Trong chế độ Bản vị vàng thuần túy, không thể gia tăng cung tiền nếu không tăng lượng cung vàng thông qua các mỏ vàng hoặc thu mua từ nguồn khác. Chế độ này sẽ tạo xu hướng giảm phát nhẹ cho nền kinh tế bởi vì lượng cung vàng toàn cầu chỉ gia tăng khoảng 1,5% hàng năm trong khi nền kinh tế thực có thể duy trì mức độ tăng trưởng đều đặn 3,5% trong các điều kiện lý tưởng. Nếu mọi thứ cân bằng, các loại giá cả sẽ giảm khoảng 2% mỗi năm (cân bằng giữa 3,5% phát triển thực tế với 1,5% gia tăng trong lượng cung tiền) và sự giảm phát này có thể làm nản lòng những ai muốn đi vay. Chế độ Bản vị vàng thuần túy cho phép cấp tín dụng và nhận nợ vay thông qua hoán đổi tiền và các trái phiếu, nhưng không cho phép cung tiền vượt quá lượng vàng đang nắm giữ. Các công cụ nợ như trên có thể đảm nhận chức năng thay thế cho tiền hoặc gần như tiền trong nền kinh tế, nhưng theo nghĩa hẹp thì chúng không phải là tiền.
Có hai dạng thức khác của chế độ Bản vị vàng liên quan đến đòn bẩy dành cho lượng vàng hiện đang được nắm giữ. Dạng thức thứ nhất là phát hành tiền cao hơn lượng vàng tồn trữ và dạng thức thứ hai là sử dụng các công cụ thay thế, chẳng hạn như các loại ngoại tệ hoặc SDR, trong lượng vàng dùng làm cơ sở phát hành tiền. Hai dạng thức đòn bẩy này có thể được vận dụng riêng biệt hoặc song hành. Dạng thức này – được gọi là chế độ Bản vị vàng linh hoạt – yêu cầu phải xem xét đến nhiều yếu tố. Tỷ lệ phần trăm tối thiểu trong lượng cung tiền được đảm bảo bằng vàng là bao nhiêu? Liệu 20% có phù hợp không? Hay phải là 40% mới an tâm? Trong quá khứ, Cục Dự trữ Liên bang từng duy trì lượng vàng dự trữ tương đương khoảng 40% của lượng cung tiền cơ sở. Hồi đầu tháng 4/2011 tỷ lệ này chỉ còn khoảng 17,5%. Mặc dù Hoa Kỳ đã rời bỏ chế độ Bản vị vàng chính thức từ lâu, nhưng cái bóng của chế độ này vẫn khiến người ta duy trì một tỷ lệ của vàng với cơ số tiền tệ, ngay trong giai đoạn đầu thế kỷ 21.
Các vấn đề khác cần được tính toán bao gồm xác định lượng tiền để tính toán tỷ lệ tiền - vàng. Có nhiều kiểu xác định "lượng tiền" trong hệ thống ngân hàng, tùy thuộc vào sự sẵn sàng và tính thanh khoản của các công cụ liên quan. Cái được gọi là cơ số tiền tệ, hoặc M0, bao gồm tiền giấy và tiền xu đang lưu thông cộng với lượng dự trữ mà các ngân hàng gửi tại Fed. Một định nghĩa rộng hơn về lượng tiền được gọi là M1, bao gồm các tài khoản séc và séc du lịch, nhưng không tính số dự trữ của ngân hàng. Fed cũng tính toán lượng M2, tương tự như M1 nhưng khác là có bao gồm cả các tài khoản tiết kiệm và đôi khi là cả tiền gửi. Một số ngân hàng trung ương nước ngoài cũng sử dụng cách xác định tương tự như trên. Tháng 4/2011, khối lượng M1 của Hoa Kỳ là khoảng $1,9 nghìn tỷ và M2 là $8,9 nghìn tỷ. Bởi vì M2 lớn hơn M1 rất nhiều, nên việc chọn lựa định nghĩa về "lượng tiền" sẽ ảnh hưởng lớn đến hàm ý về giá vàng khi tính toán tỷ lệ giữa vàng và tiền.
Các vấn đề tương tự cũng phát sinh khi người ta quyết định nên tính toán như thế nào về số lượng vàng. Nên chăng chỉ tính theo lượng vàng chính thức, hay là tính luôn số lượng vàng thuộc sở hữu cá nhân các công dân? Số liệu tính toán chỉ nên gói gọn trong nước Mỹ, hay cần nỗ lực khởi động việc ứng dụng Bản vị này theo lượng vàng của tất cả các nền kinh tế lớn khác?
Cũng cần xem xét thêm một số cơ chế pháp lý để từ đó một chế độ Bản vị vàng mới có thể được thi hành. Có thể chỉ cần một đạo luật, nhưng đạo luật nào cũng có thể được thay đổi. Một tu chính án hiến pháp Hoa Kỳ xem ra sẽ được ưu tiên chọn lựa, bởi vì điều chỉnh hiến pháp khó khăn hơn so với thay đổi các đạo luật và do đó tu chính án có thể mang lại nhiều niềm tin nhất.
Bản vị mới này giúp người ta hiểu về giá vàng tính theo đồng đô-la như thế nào? Chọn mức giá sai chính là thiếu sót lớn nhất trong Bản vị hối đoái vàng của thập niên 1920. Mức giá $20,67/ounce vàng được sử dụng năm 1925 là mức giá gây giảm phát lớn bởi vì giá này chưa tính đến lượng in tiền khổng lồ phát sinh tại châu Âu trong Thế chiến thứ Nhất. Có lẽ mức giá $50/ounce hoặc thậm chí cao hơn vào năm 1925 đã có thể gây lạm phát vừa phải và giúp tránh được những hệ lụy tai hại của Đại Suy Thoái.
Xét đến các yếu tố như trên sẽ mang lại một số kết quả làm nhiều người phải kinh ngạc. Không đề xuất một mức giá cụ thể nào là "đúng", bảng liệt kê dưới đây chỉ gợi ý về các mức giá vàng khi sử dụng các yếu tố trong tính toán:
CÁC YẾU TỐ GÂY ẢNH HƯỞNG TRONG CHẾ ĐỘ BẢN VỊ VÀNG LINH HOẠT (tính đến tháng 4/2011)
• Cung tiền M1 của Hoa Kỳ với 40% đảm bảo bằng vàng - $2.590 /ounce
• Cung tiền M0 của Hoa Kỳ với 40% đảm bảo bằng vàng - $3.337 /ounce
• Cung tiền M1 của Hoa Kỳ với 100% đảm bảo bằng vàng - $6.475 /ounce
• Cung tiền M1 của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ngân hàng trung ương châu Âu với 40% đảm bảo bằng vàng - $6.993 /ounce
• Cung tiền M0 của Hoa Kỳ với 100% đảm bảo bằng vàng - $8.342 /ounce
• Cung tiền M2 của Hoa Kỳ với 40% đảm bảo bằng vàng - $12.347 /ounce
• Cung tiền M2 của Hoa Kỳ, Trung Quốc, ngân hàng trung ương châu Âu với 100% đảm bảo bằng vàng - $44.552 /ounce
Để áp đặt nguyên tắc cho bất cứ chế độ nào được chọn, cần cho phép một thị trường vàng tự do tồn tại song song với mức giá chính thức. Sau đó ngân hàng trung ương có thể được yêu cầu để thực thi các nghiệp vụ thị trường mở nhằm duy trì giá thị trường bằng với hoặc gần với giá chính thức.
Giả định rằng người ta lại chọn hệ số đảm bảo thanh toán là tỷ lệ từng có tại Hoa Kỳ trong thập niên 1930, khi đó Fed được yêu cầu phải nắm lượng vàng dự trữ tương đương 40% lượng cung tiền cơ sở. Với dữ liệu của tháng 4/2011, tỷ lệ này sẽ đưa đến giá vàng là $3.337/ounce. Fed có thể đưa ra một biên độ dao động hẹp xung quanh giá này, ví dụ như 2,5% cao hơn hoặc thấp hơn. Điều này có nghĩa là nếu giá thị trường giảm 2,5%, xuống chỉ còn $3.254/ounce, thì Fed phải tham gia thị trường và mua vàng cho đến khi mức giá bình ổn về quanh mức $3.337/ounce. Ngược lại, nếu giá tăng thêm 2,5%, để đạt mức giá $3.420/ ounce, Fed lại phải tham gia thị trường để bán ra cho tới khi giá vàng quay về gần mức $3.337/ounce. Fed còn được tự do điều chỉnh lượng cung tiền hoặc việc tăng hay giảm lãi suất khi thích hợp, miễn sao hệ số đảm bảo thanh toán được duy trì và giá vàng trên thị trường tự do vẫn ổn định tại hoặc gần với mức giá chính thức.
Vấn đề sau cùng cần xem xét là mức độ linh hoạt dành cho các quan chức ngân hàng trung ương để họ tách khỏi các hệ số đảm bảo thanh toán trong các tình huống khẩn cấp của nền kinh tế. Đã có những lúc, dù hiếm hoi, nền kinh tế bùng phát khủng hoảng thanh khoản hoặc vòng xoáy giảm phát và cần phải cung tiền nhanh, vượt qua tỷ lệ đảm bảo giữa tiền - vàng. Khả năng giải quyết tình huống ngoại lệ này sẽ trực tiếp xử lý được vấn đề gắn liền với vàng mà Bernanke đã nêu ra trong nghiên cứu của ông về các chính sách tiền tệ thời Đại Suy Thoái. Đây là một vấn đề chính trị cực kỳ khó khăn bởi vì nó quy về câu hỏi về niềm tin giữa các ngân hàng trung ương và các công dân mà bề ngoài vẫn là "thượng đế được ngân hàng phục vụ". Lịch sử hoạt động của các ngân hàng trung ương nói chung vẫn là những lần thất hứa xét về việc quy đổi tiền thành vàng, còn lịch sử của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ nói riêng là quá trình gia tăng lợi ích cho giới ngân hàng từ tổn thất của các lợi ích chung. Với lịch sử và quan hệ bất lợi giữa các ngân hàng trung ương và nhân dân như trên, làm thế nào để có độ tin tưởng cần thiết?
Có hai yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin cho một hệ thống mới được đảm bảo bằng vàng đã được đề cập: chế độ pháp lý vững chắc và các nghiệp vụ thị trường mở bắt buộc phải có nhằm bình ổn giá cả. Với những cột trụ này, chúng ta có thể xem xét những tình huống khi Fed có thể được phép phát hành tiền giấy và vượt qua hệ số trần đảm bảo thanh toán.
Một cách tiếp cận là: để cho Fed tự tính toán vượt trần và thông báo công khai. Có lẽ Fed sẽ chỉ làm điều đó trong các tình huống cực độ, chẳng hạn như giai đoạn nền kinh tế thu hẹp vì giảm phát như tình hình nước Anh trong thập niên 1920. Trong các tình huống như vậy, các nghiệp vụ thị trường mở như một hình thức trưng cầu dân ý dân chủ sẽ góp phần cho việc ra quyết định của Fed. Nếu thị trường đồng tình với nhận định của Fed về tình hình giảm phát, thì chẳng cần bàn luận thêm về vàng nữa – thực ra, Fed khi đó chỉ cần đóng vai trò người mua vàng để tiếp tục duy trì giá cả. Ngược lại, nếu thị trường hoài nghi nhận định của Fed, người ta sẽ đổ xô nhau đi đổi tiền giấy thành vàng, và đây là dấu hiệu quan trọng để Fed hiểu rằng cần quay lại tỷ lệ tiền- vàng ban đầu. Dựa trên những gì mà các nhà kinh tế học hành vi và những nhà xã hội học từng quan sát về "trí tuệ đám đông" phản ánh qua các mức giá cả thị trường, Fed sẽ có được những chỉ dẫn đáng tin cậy hơn thay vì chỉ trông cậy vào nhận định bó hẹp của một nhóm luật sư và các nhà kinh tế học tụ tập trong phòng điều hành của tổ chức này.
Một biến thể khác của cách tiếp cận trên là: cho phép Fed vượt qua trần hệ số đảm bảo thanh toán khi có một thông báo trung thực về tình hình tài chính khẩn cấp được Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ cùng tuyên bố. Cách này ngăn ngừa Fed không thể đơn phương giải cứu và thử nghiệm tiền tệ, còn Fed được giám sát một cách dân chủ nếu nó cần mở rộng lượng cung tiền trong tình huống thực sự khẩn cấp. Quy trình này suy cho cùng chính là một "liều thuốc dân chủ tăng gấp đôi", bởi vì các công chức nhà nước được dân bầu đã tuyên bố về sự khẩn cấp và những chủ thể tham gia thị trường sẽ "bỏ phiếu" bằng túi tiền của mình để thông qua nhận định của Fed khi họ ra quyết định có mua vàng hay không.
Cũng cần trình bày các hàm ý của một chế độ Bản vị vàng kiểu mới dành cho hệ thống tiền tệ quốc tế. Lịch sử các cuộc Chiến tranh tiền tệ lần thứ I và Chiến tranh tiền tệ lần thứ II cho thấy các chế độ Bản vị vàng vẫn tồn tại cho tới khi một thành viên trong hệ thống đã gánh chịu đủ sự khốn đốn về kinh tế, thường là vì nợ quá nhiều, nên thành viên này quyết định tìm một lợi thế đơn phương trước các đối tác thương mại khác thông qua việc chối bỏ vàng và phá giá tiền tệ của mình. Một giải pháp dành cho mô hình "manh động đơn phương" này là tạo nên một tiền tệ toàn cầu được đảm bảo bằng vàng theo kiểu đã được Keynes đề xuất tại hội nghị Bretton Woods. Có lẽ cần phục sinh cái tên mà Keynes từng đề xuất cho đồng tiền này: Bancor. Đồng Bancor không phải là một dạng tiền pháp định có thể gây lạm phát như đồng SDR ngày nay, mà thực sự nó là một loại tiền được đảm bảo bằng vàng. Đồng Bancor có thể được thiết kế như một tiền tệ duy nhất phù hợp để sử dụng trong thương mại quốc tế và giải quyết cán cân thanh toán. Các loại nội tệ nên được neo với đồng Bancor, sử dụng trong các giao dịch nội địa và chỉ có thể được phá giá với đồng Bancor khi được IMF chấp thuận. Điều này khiến cho việc đơn phương phá giá tiền tệ hoặc thi nhau phá giá bừa bãi không thể xảy ra, và do đó không thể bùng nổ các cuộc chiến tranh tiền tệ.
Các vấn đề liên quan đến tái lập một chế độ Bản vị vàng với độ linh hoạt hợp lý nhằm hài hòa với các thực hành hiện đại trong những ngân hàng trung ương là điều đáng nghiên cứu chứ không nên coi thường. Một định chế kỹ thuật do Nhà Trắng và Quốc hội Hoa Kỳ thành lập, hoặc có lẽ là do nhóm G20 thành lập, có thể phối hợp với các chuyên gia và nhận lãnh nhiệm vụ phát triển một chế độ Bản vị vàng hiệu quả có thể triển khai trong 5 năm nữa. Định chế kỹ thuật này sẽ xử lý đúng các vấn đề đã nêu trên, đặc biệt tập trung vào sự neo giá chính xác để tránh những sai lầm của thập niên 1920.
Dựa trên lượng cung tiền và kho vàng dự trữ của Hoa Kỳ, và ứng dụng hệ số đảm bảo thanh toán là 40%, giá vàng có thể là xấp xỉ $3.500/ounce.
Tuy nhiên, xét đến việc các công dân mất niềm tin vào ngân hàng trung ương và việc các ngân hàng phá giá tiền tệ liên tục, dường như cần có một định nghĩa lượng cung tiền rộng hơn và hệ số đảm bảo thanh toán cao hơn mới tạo dựng được niềm tin vào chế độ Bản vị vàng kiểu mới. Thực thi điều này trên quy mô toàn cầu sẽ còn đòi hỏi phải trả giá cao hơn nữa, bởi vì các nền kinh tế lớn khác, chẳng hạn như Trung Quốc, đang cầm nắm lượng cung tiền giấy nhiều hơn và lượng cung vàng ít hơn so với Hoa Kỳ. Vấn đề này cần được tìm hiểu sâu, nhưng nếu chỉ dựa trên các yêu cầu để khôi phục niềm tin vào một hệ thống toàn cầu thì giá vàng có thể đạt mức $7.500/ounce. Đối với một số nhà quan sát thì điều này có nghĩa là sự thay đổi lớn trong giá trị của đồng đô-la; tuy nhiên thực tế đã có đổi thay. Đơn giản là các thị trường, các ngân hàng trung ương hoặc các nhà kinh tế học không nhận ra mà thôi.
Chỉ cần thông báo về nỗ lực như trên cũng có thể ngay lập tức tạo ảnh hưởng có lợi và ổn định đối với nền kinh tế toàn cầu, bởi vì các thị trường sẽ bắt đầu định giá vì sự ổn định trong tương lai tương tự như các thị trường Liên minh châu Âu đã định giá để hội tụ tiền tệ trong năm trước khi đồng Euro được phát hành. Một khi đã xác định được mức giá hợp lý, người ta có thể báo trước thông tin và các nghiệp vụ thị trường mở có thể được bắt đầu ngay nhằm bình ổn các loại tiền tệ tại các mức quy đổi mới, tương đương với vàng. Sau cùng, bản thân các loại tiền tệ có thể bắt đầu neo giá với vàng, hoặc một tiền tệ toàn cầu kiểu mới được đảm bảo bằng vàng có thể được phát hành rồi các loại tiền tệ khác sẽ neo giá với nó. Thời điểm này thì các nguồn năng lượng và sức sáng tạo của thế giới có thể được chuyển hướng, tránh sự lạm dụng bằng cách thao túng đồng tiền pháp định để theo hướng công nghệ, cải thiện năng suất và những cải tiến khác. Sự phát triển toàn cầu sẽ có được động lực là sự thịnh vượng thực chất chứ không phải thịnh vượng trên giấy tờ.
• Tình trạng hỗn loạn
Có lẽ một kết cục có khả năng xảy ra cao nhất sau các cuộc chiến tranh tiền tệ và sự giảm giá đồng đô-la là tình trạng hỗn loạn, sự đổ vỡ thê thảm trong niềm tin của nhà đầu tư vì các giải pháp khẩn cấp được thực hiện bởi các chính phủ nhằm duy trì hình thức bề ngoài cho việc thực hiện chức năng của hệ thống tiền tệ, thương mại và đầu tư. Đây có thể không phải là ý muốn hay kế hoạch của bất cứ ai; đúng hơn nó chỉ đơn giản là giống như một vụ lở tuyết xảy ra sau khi bông tuyết tài chính cuối cùng rơi xuống sườn núi nợ không bền vững.
Sự bất ổn của hệ thống tài chính trong những năm gần đây có liên hệ với sự đa dạng ngày càng cao và mối tương quan giữa các chủ thể tham gia thị trường. Rủi ro chứa đựng bên trong các thị trường cũng gia tăng theo hàm lũy thừa thông qua quy mô được mở quá rộng của các hợp đồng công cụ phái sinh mang tính đầu cơ và đòn bẩy trong các ngân hàng "quá lớn đến mức không thể sụp đổ". Không thể biết chính xác đâu là các ngưỡng tới hạn của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, nhưng chắc chắn là toàn hệ thống đang đến rất gần điểm tới hạn, gần hơn bao giờ hết với những nguyên nhân như đã được thảo luận chi tiết trong các phần trên. Chỉ cần một chất xúc tác phù hợp để các ngưỡng tới hạn xuống mức thấp nhất là đủ để kích hoạt quá trình sụp đổ, chứ không cần phải có một sự kiện lớn diễn ra. Hãy nhớ lại chuyện các đám cháy rừng lớn và nhỏ đều phát sinh từ những tia sét có cường độ như nhau, và thảm họa lớn xảy ra không phải vì một tia sét mà do trạng thái của vạn vật.
Người ta có thể nhận ra cường độ của chất xúc tác, nhưng mối liên hệ giữa chất xúc tác và sự sụp đổ có thể không hiển thị ngay lập tức.
Phần tiếp theo dưới đây sẽ trình bày viễn cảnh về một chuỗi sụp đổ.
Sự kiện "khai hỏa" xảy ra vào một ngày giao dịch trên thị trường châu Âu. Một phiên đấu giá mua trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha đã bất ngờ thất bại và Tây Ban Nha nhanh chóng mất khả năng đảo nợ đối với những khoản vay đã tới hạn thanh toán, bất chấp những hứa hẹn hỗ trợ thị trường trái phiếu Tây Ban Nha của Ngân hàng trung ương EU và Trung Quốc. Pháp và Đức mau mắn thu thập một gói giải cứu, nhưng đòn đánh vào niềm tin là rất nặng nề. Cũng vào hôm đó, một nhà kinh doanh trái phiếu sơ cấp của Pháp, tuy "vô danh tiểu tốt" nhưng mang tầm quan trọng đối với toàn hệ thống, cũng nộp hồ sơ đăng ký phá sản.
Trong điều kiện bình thường, các trục trặc tại châu Âu sẽ là điều tốt đối với đồng đô-la, nhưng lúc này thì cả đồng đô-la và đồng Euro đều đang trong tình thế xấu. Hai tin xấu từ Tây Ban Nha và Pháp là đủ để khiến cho một vài quỹ hưu trí sử dụng đồng đô-la đang khỏe mạnh của nước Đức phải đổi ý và ngả theo vàng. Mặc dù không thường xuyên chủ động giao dịch đồng đô-la, người Đức đã bấm nút "bán" và như vậy vài bông tuyết bắt đầu rơi. Tại Geneva, một quỹ đầu tư phòng vệ cũng đã chạm một ngưỡng tới hạn khác của đô-la, và quỹ này cũng bấm nút "bán".
Tuyết đang trôi xuống không ít; và vụ lở tuyết bắt đầu.
Đồng đô-la nhanh chóng bị loại ra khỏi phạm vi thương mại cũ và bắt đầu rơi xuống các nấc thấp hơn so với những chỉ số hàng đầu trong giao dịch tiền tệ. Những nhà kinh doanh khi nhận thấy những giới hạn để "cắt lỗ" buộc phải bán ra, và chính kiểu "bán cắt lỗ" đó càng làm gia tăng quán tính để đồng đô-la đi xuống nhanh hơn. Khi khoản lỗ tăng thêm, các quỹ đầu tư phòng vệ từng chọn lựa sai thị trường sẽ bắt đầu bán ra các cổ phiếu Hoa Kỳ để tăng tiền mặt nhằm đảm bảo yêu cầu ký quỹ tối thiểu. Vàng, bạc, bạch kim và dầu đều bắt đầu tăng giá. Các cổ phiếu của Brazil, Australia và Trung Quốc cũng đang trở thành những nơi đầu tư an toàn.
Khi giới ngân hàng và những quỹ đầu tư phòng vệ cảm nhận được sự sụp đổ trên diện rộng của đồng đô-la đã bắt đầu, họ nảy sinh ra một ý tưởng khác. Nếu một loại chứng khoán cơ sở được định giá bằng đô-la và đồng đô-la lại đang sụp đổ, thì có nghĩa là giá trị của chứng khoán đó cũng đang đi xuống . Tới lúc này, căng thẳng trên các thị trường ngoại hối ngay lập tức chuyển sang các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ phái sinh định giá bằng đồng đô-la – tương tự như cách lan truyền của trận động đất tạo thành cơn sóng thần. Quá trình này diễn ra mà không có lý trí và sự xem xét của con người. Không còn nhiều thời gian nữa. Mọi sàn giao dịch đều vang lên lời kêu gọi "Bán hết mọi thứ!". Các thị trường giao dịch bằng đồng đô-la và các chứng khoán được định giá bằng đô-la sụp đổ hỗn loạn trong khi các thị trường hàng hóa và cổ phiếu không phải của Hoa Kỳ bắt đầu tăng giá bất ngờ. Việc bán đổ bán tháo các trái phiếu định giá bằng đô-la còn khiến cho các mức lãi suất tăng vọt. Tất cả diễn ra trước buổi trưa tính theo giờ London.
Những người giao dịch, quan chức ngân hàng và những nhà điều tiết New York đều bị quấy rầy khi còn đang ngủ vì những cuộc điện thoại điên đầu của các đồng nghiệp và người đương nhiệm tại Liên minh châu Âu. Họ đều nhận thức như nhau về một tình trạng nguy kịch và cùng lao đến cơ quan làm việc. Các chuyến tàu điện đưa người từ ngoại ô vào thành phố làm việc thường rất vắng khách lúc 6 giờ sáng thì nay chỉ còn chỗ đứng; và người ta chẳng còn tôn trọng phép lịch sự "không dùng điện thoại trên tàu". Đoàn tàu giống như các sàn giao dịch đang chuyển động, mà đúng là như vậy thật. Khi các quan chức ngân hàng đến trung tâm Manhattan và phố Wall, chỉ số đồng đô-la đã rớt 20% và chỉ số giao dịch tương lai giảm 1.000 điểm. Giá vàng tăng thêm $200/ ounce khi các nhà đầu tư tranh nhau chạy về nơi an toàn để lưu trữ sự thịnh vượng. Không thấy bất cứ nhà đầu tư nào đi ngược lại xu hướng chung và cũng không ai mua các cổ phiếu có độ rủi ro cao, vừa rớt giá mạnh (bottom- feeder: những người thu mua cổ phiếu dạng này thường cho rằng giá cổ phiếu sụt giảm chỉ vì thị trường hoảng sợ nên mọi người cố gắng bán ra, còn hoạt động của công ty không có bất ổn lớn và công ty sẽ phục hồi nhanh sau đó – ND). Họ không dám nhào ra trước đoàn tàu đang đạt tốc độ cao. Một số cổ phiếu đã ngưng giao dịch bởi vì không có lệnh đặt mua bán tại bất cứ mức giá nào. Cơn hoảng loạn đồng đô-la đang hoành hành tối đa.
Một số thị trường nhất định, cụ thể là các thị trường chứng khoán, tự động tạm ngưng hoạt động khi các khoản lỗ vượt một ngưỡng nào đó. Một số thị trường khác, chẳng hạn như hợp đồng tương lai, trao đặc quyền cho các viên chức để họ xử lý sự suy giảm hỗn loạn, bao gồm yêu cầu tăng đặt cọc hoặc giới hạn về vị thế. Các quy tắc này không tự động áp dụng đối với các loại tiền tệ hoặc vàng. Để chặn đứng cơn hoảng loạn, các ngân hàng trung ương và các chính phủ phải trực tiếp can thiệp sao cho đẩy lùi được làn sóng bán ra từ khu vực tư nhân. Trong tình hình hỗn loạn như mô tả ở trên, việc các ngân hàng trung ương phối hợp thu mua đồng đô-la và các trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ trên quy mô lớn là phòng tuyến đầu tiên.
Fed, ngân hàng trung ương EU và ngân hàng trung ương Nhật Bản nhanh chóng tổ chức hội nghị lúc 10 giờ sáng (theo giờ New York) để thảo luận về việc phối hợp mua vào đồng đô-la Mỹ và các khoản nợ của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. Trước yêu cầu khẩn thiết của tình hình, các quan chức ngân hàng trung ương được sự tư vấn của các Bộ trưởng Tài chính và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ để có sự phê duyệt hành động và các giới hạn cần thiết. Chiến dịch thu mua chính thức được bắt đầu từ 2 giờ chiều (giờ New York), khi Fed đổ lệnh mua ồ ạt vào các ngân hàng thương mại chủ chốt nhằm thu vào đồng đô-la và các chứng khoán của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, đồng thời Fed đặt lệnh bán đối với các loại tiền tệ Euro, Yen Nhật, Bảng Anh, đô-la Canada và Francs Thụy Sĩ. Trước khi khai màn chiến dịch mua, các quan chức của Fed tiết lộ qua những cơ quan báo chí "ruột" của họ rằng các ngân hàng trung ương sẽ "bằng mọi giá" hỗ trợ đồng đô-la và Fed dùng cụm từ "không giới hạn" để miêu tả sức mua của các ngân hàng trung ương. Các tiết lộ như trên chẳng bao lâu sau đã được loan tin rộng rãi trên báo giới và mọi sàn giao dịch khắp toàn cầu.
Lịch sử cho thấy mỗi khi chính phủ can thiệp thì những chủ thể tư nhân tham gia thị trường đều bắt đầu rút lui. Các nhà đầu tư tư nhân có nguồn lực nhỏ hơn nguồn lực của chính phủ và họ luôn luôn tâm niệm trong đầu rằng "Đừng chống lại Fed." Trong hầu hết các cơn hoảng loạn tại giai đoạn này, các thương nhân đều vui vẻ chấm dứt tình thế thuận lợi trong kinh doanh của mình, thu gom lợi nhuận rồi về nhà. Sau đó các ngân hàng trung ương có thể dọn dẹp đống đổ nát, bằng phí tổn của những người nộp thuế trong khi giới thương nhân tạm triệt thoái để tái chiến vào lúc khác. Cơn hoảng loạn mau chóng được giải quyết.
Tuy nhiên, lần này có khác. Việc Fed thu mua trái phiếu được coi là hoạt động "đổ thêm dầu vào lửa" bởi vì Fed in tiền khi thu mua các trái phiếu – đúng là nguyên nhân ban đầu từng làm cho các thị trường rơi vào tình cảnh khó khăn. Hơn nữa, Fed đã in quá nhiều tiền và thu mua quá nhiều trái phiếu trước khi xảy ra cơn hoảng loạn đến mức, lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường phải hoài nghi về quyền lực hiện hành của Fed. Lần này thì sức bán ra của cơn hoảng loạn đã vượt cao hơn sức mua vào của Fed. Những người bán chẳng còn e sợ Fed và họ bán ra với giá giao dịch, khiến Fed phải "ôm vào" ngày càng nhiều trái phiếu. Họ còn mau chóng phá giá đồng đô-la của mình thông qua bán trái phiếu và mua vào các loại tiền tệ của Canada, Australia, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và cả các chứng khoán của châu Á. Đồng đô-la tiếp tục sụp đổ và các mức lãi suất của Hoa Kỳ càng tăng cao. Cuối ngày thứ nhất, Fed không còn dùng nước chữa cháy nữa – nó đang đổ thêm dầu.
Ngày thứ hai bắt đầu tại châu Á và không hề có dấu hiệu nào cho thấy tình hình khả quan hơn. Thậm chí một số thị trường chứng khoán tại các quốc gia có tiền tệ được cho là mạnh, chẳng hạn như Australia và Trung Quốc, cũng bắt đầu sụp đổ, bởi vì các nhà đầu tư cần bán ra để bù đắp cho các khoản lỗ và bởi vì họ không còn tin vào mọi loại cổ phiếu, các trái phiếu và các khoản vay của chính phủ. Người ta đổ xô sang mua vàng, bạc, dầu và đất nông nghiệp và tạo nên cơn hoảng loạn thu mua, tương ứng với cơn hoảng loạn bán ra các tài sản trên giấy. Giá vàng hiện đã tăng gấp đôi chỉ qua một đêm. Lần lượt các sàn giao dịch chứng khoán của châu Á và Liên minh châu Âu bị đóng cửa nhằm tạo cơ hội hạ nhiệt các thị trường và dành thời gian cho các nhà đầu tư để họ tái thẩm định giá trị. Nhưng hiệu ứng trên thực tế trái ngược với mong đợi. Các nhà đầu tư kết luận rằng các sàn giao dịch có thể không bao giờ mở cửa lại nữa và các chứng khoán mà họ đang nắm giữ trên thực tế đã bị biến thành phần vốn góp tư nhân không có tính thanh khoản cao. Một số ngân hàng đóng cửa và đã có những quỹ đầu tư phòng vệ phải tạm ngưng việc bồi hoàn. Nhiều tài khoản đã không đáp ứng được yêu cầu ký quỹ tối thiểu và các nhà môi giới đóng những tài khoản đó lại. Điều này đơn thuần chỉ là dịch chuyển các tài sản xấu vào tài khoản của nhà môi giới và một số nhà đang đối mặt với việc mất khả năng thanh toán. Khi cơn hoảng loạn lan sang châu Âu trong ngày thứ hai, mọi cặp mắt đều chậm chạp hướng về Nhà Trắng. Một đồng đô-la sụp đổ cũng tương tự như sự mất niềm tin vào bản thân nước Mỹ. Fed và Bộ Ngân khố đều đã thua trận và giờ đây chỉ còn mỗi Tổng thống Hoa Kỳ là người có thể khôi phục lại niềm tin.
Trong số các biệt ngữ quân sự, người ta hay nhắc đến "vũ khí hạt nhân" và "cỗ máy của ngày tận thế" cũng như nhiều cụm từ khác mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong hoạt động tài chính quốc tế, Tổng thống chính là một thứ vũ khí hạt nhân với sức mạnh to lớn mà ít người biết đến. Quyền lực này được quy định trong Đạo luật về Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) từng được chính quyền tổng thống Carter thông qua như một phiên bản cập nhật của Luật Hoạt động Thương mại với Nước thù địch năm 1917. Tổng thống Franklin Roosevelt từng sử dụng Luật Hoạt động Thương mại với Nước thù địch để đóng cửa các ngân hàng và quốc hữu hóa vàng vào năm 1933. Bây giờ thì một vị Tổng thống mới, đang đối mặt với một cơn khủng hoảng có quy mô tương tự, sẽ dùng phiên bản cập nhật của đạo luật để tiến hành các động thái cực đoan không kém.
Việc sử dụng đạo luật IEEPA cần tuân thủ hai điều kiện tiên quyết: đang có mối đe dọa an ninh quốc gia hoặc đe dọa nền kinh tế của Hoa Kỳ, và mối đe dọa phải phát xuất từ nước ngoài. Khi áp dụng đạo luật này, Tổng thống có thể trình bày với Quốc hội sau khi đã hành động, nhưng nói chung Tổng thống gần như có quyền lực độc tài để phản ứng với tình trạng khẩn cấp của quốc gia. Bối cảnh hiện nay cho thấy đã thỏa mãn các điều kiện của IEEPA. Tổng thống gặp gỡ các cố vấn kinh tế và an ninh quốc gia cũng như những chuyên gia soạn thảo diễn văn để chuẩn bị một nội dung kịch tính nhất kể từ Cú sốc Nixon năm 1971. Lúc 6 giờ chiều (giờ New York) trong ngày hỗn loạn thứ hai của vụ khủng hoảng đô-la toàn cầu, Tổng thống trực tiếp đọc diễn văn phát biểu với mọi khán giả đang lo âu trên toàn thế giới và ban bố hàng loạt mệnh lệnh chỉ đạo thực thi, tất cả đều có hiệu lực ngay lập tức, bao gồm:
• Tổng thống sẽ bổ nhiệm một ủy ban lưỡng đảng bao gồm các "cựu binh dày dạn" trong các thị trường vốn và "các nhà kinh tế học lỗi lạc" để nghiên cứu tình trạng hỗn loạn và có các đề xuất giải quyết thích hợp để cải thiện trong vòng 30 ngày.
• Tất cả số lượng vàng thuộc sở hữu tư nhân và nước ngoài hiện đang được lưu giữ tại Cục Dự trữ Liên bang, ngân hàng New York hoặc các nơi khác chẳng hạn như kho vàng của ngân hàng HSBC và Scotiabank tại New York sẽ được chuyển đổi để thuộc sở hữu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và chúng được chuyển đến kho vàng tại West Point. Các chủ sở hữu trước kia sẽ nhận được phần bồi hoàn tương xứng, chi tiết cụ thể sẽ được thông báo sau.
• Mọi giao dịch chuyển nhượng liên quan đến các khoản nợ của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và chủ sở hữu nước ngoài, hiện đang trong hệ thống hạch toán điện tử của Cục Dự trữ Liên bang, sẽ bị tạm ngưng ngay lập tức. Các chủ sở hữu sẽ nhận được lãi và gốc đúng như cam kết nhưng trong hiện tại họ không được phép bán hay chuyển nhượng.
• Mọi định chế tài chính sẽ ghi nhận lại các nghĩa vụ nợ của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ vào sổ sách theo giá trị danh nghĩa và các chứng khoán này sẽ được nắm giữ tới khi đáo hạn.
• Các định chế tài chính và Cục Dự trữ Liên bang sẽ điều phối các nỗ lực mua lại tất cả các nghĩa vụ nợ của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nhằm tiếp tục tài trợ hiệu quả cho sự thâm hụt và tái tài trợ hoặc bồi hoàn cho các khoản còn tồn đọng.
• Các sàn giao dịch chứng khoán cần được đóng cửa ngay tức khắc và chờ tới khi nào có thông báo tiếp theo.
• Nghiêm cấm xuất khẩu vàng ra khỏi Hoa Kỳ.
Kế hoạch trước mắt như trên sẽ chặn đứng sự sụp đổ tức thời trên thị trường trái phiếu Bộ Ngân khố thông qua việc đóng băng hầu hết các trái chủ, giữ họ nguyên trạng và ủy thác việc giao dịch tương lai cho các ngân hàng. Đây chưa phải là giải pháp dài lâu và cao lắm thì cũng chỉ diễn ra được vài tuần – trong thời gian đó, cần phát triển được các giải pháp dài hạn hơn.
Tới lúc này thì những người xây dựng chính sách mới nhận ra rằng tiền giấy đô-la, theo cách hiểu hiện nay, đã không còn giá trị sử dụng. Tiền giấy từng tự khẳng định là phương tiện lưu trữ giá trị đã sụp đổ khi người ta hoàn toàn mất niềm tin, và hệ lụy là nó cũng không còn hai chức năng là trung gian trao đổi lẫn thước đo giá trị. Cần phải có một loại tiền tệ mới. Không thể chấp nhận việc phát hành thêm nhiều đô-la; do đó, loại tiền tệ mới chắc chắn phải được đảm bảo bằng vàng.
Đây là lúc sức mạnh ẩn giấu của nền tài chính Mỹ được thể hiện. Khi quốc hữu hóa số vàng thuộc sở hữu chính thức nước ngoài và hầu hết lượng vàng tư nhân trên đất nước Hoa Kỳ, Bộ Ngân khố sẽ nắm giữ được hơn mười bảy ngàn tấn vàng, tức là tương đương 57% tổng lượng vàng dự trữ chính thức của thế giới. Điều này giúp Hoa Kỳ có vị thế rất giống như năm 1945 ngay sau Bretton Woods, khi đó nước Mỹ kiểm soát được 63% tổng lượng vàng chính thức của thế giới. Lượng dự trữ như trên cho phép Hoa Kỳ thực hiện những gì nó từng làm tại Bretton Woods – độc tài chỉ định việc thành lập một hệ thống tài chính toàn cầu mới.
Hoa Kỳ có thể tuyên bố phát hành tiền "đô-la Mỹ Mới" theo đó một đồng đô-la mới tương đương 10 đô-la cũ. Đồng đô-la mới có thể được chuyển đổi thành vàng với giá 1.000 đô-la mới/ounce – tức là $10.000/ ounce theo hệ thống đồng đô-la cũ. Tỷ lệ này cho thấy một mức phá giá tiền tệ của đồng đô-la lên tới 85% khi đo lường theo thị giá của vàng hồi tháng 4/2011, và hơi cao hơn một chút so với sự phá giá tiền tệ 70% so với vàng mà Tổng thống Roosevelt từng thực hiện vào năm 1933, nhưng không có sự khác biệt về quy mô. Mức này còn cách xa tỷ lệ tiền đô-la từng phá giá 95% khi đo theo vàng trong các chính quyền Nixon, Ford và Carter từ năm 1971 đến năm 1980.
Bởi vì được đảm bảo bằng vàng, đồng đô-la Mỹ mới sẽ là loại tiền duy nhất được mong đợi trên thế giới – là thắng lợi sau cùng trong các cuộc chiến tranh tiền tệ. Fed có thể được yêu cầu tiến hành các nghiệp vụ thị trường mở nhằm duy trì giá vàng mới như đã trình bày về Bản vị hối đoái vàng linh hoạt ở trên. Thuế suất 90% sẽ được áp cho mọi khoản thu nhập tư nhân "từ trên trời rơi xuống" khi vàng được tái định giá. Hoa Kỳ sau đó có thể cam kết cấp các khoản tín dụng hào phóng với điều kiện ưu đãi đối với châu Âu và Trung Quốc nhằm cung cấp thanh khoản tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, nhiều như thành tựu từng đạt được theo kế hoạch Mar shall. Theo thời gian, các chủ thể có vàng bị quốc hữu hóa, chủ yếu là các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, sẽ được phép mua lại lượng vàng của họ với giá mới và cao hơn. Chẳng nghi ngờ gì nữa, trong tương lai họ sẽ lưu trữ vàng tại châu Âu.
Niềm tin sẽ được khôi phục dần dần, các thị trường sẽ hoạt động trở lại, các mức giá cả mới của hàng hóa và dịch vụ sẽ được thiết lập và cuộc sống lại tiếp diễn với một trọng tâm là Hoàng đế đô-la Mới trong thế giới tài chính.
Cũng có thể tình hình không diễn biến như trên. Sau khi xảy ra hỗn loạn, sự trỗi dậy của một đồng đô-la Mới được đảm bảo bằng vàng – như phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn – chỉ là một khả năng trong số nhiều khả năng có thể diễn ra. Các viễn cảnh khác bao gồm sự sụp đổ tài chính không thể dừng lại, tiếp theo là mất trật tự xã hội trên quy mô lớn và sau cùng là sự đổ vỡ của hạ tầng vật chất. Các viễn cảnh này chẳng khác gì diễn biến trong các bộ phim và tiểu thuyết nổi tiếng, như quyển The Road của Cormac McCarthy. Theo cách điển hình thì các câu chuyện về sự tàn phá lớn bởi chiến tranh, thiên tai hay sự xâm lược từ ngoài Trái Đất đều liên quan đến một sự sống sót sau đại họa. Về nguyên tắc, sự tàn phá đối với sự thịnh vượng, khoản tiết kiệm, niềm tin và hy vọng sau cuộc chiến tranh tiền tệ và sự sụp đổ của đồng đô-la sẽ không tới mức thê thảm như hậu quả của một cuộc xâm lăng thù địch từ ngoài hành tinh. Giá trị tài sản ròng của mỗi cá nhân sẽ là những gì mà người đó có thể mang trên lưng.
Một khả năng khác trong việc phản ứng lại sự sụp đổ của đồng đô-la có thể là: sự can thiệp của chính phủ nhưng theo cách thức cực đoan và cưỡng bức hơn nhiều so với cách thực thi đạo luật IEEPA và những nội dung vừa trình bày phần trên. Sự áp đặt này có thể diễn ra tại châu Á hoặc Nga và có thể liên quan đến việc quốc hữu hóa trên quy mô lớn đối với các chứng khoán vốn và tài sản sở hữu trí tuệ, đóng cửa biên giới và tái định hướng năng lực sản xuất sao cho đủ đáp ứng các nhu cầu trong nước thay vì hướng về xuất khẩu. Thế giới có thể co cụm lại để trở thành các phân vùng theo chế độ "nửa tự cung tự cấp" và thương mại quốc tế sụp đổ. Kết quả này trái ngược với sự toàn cầu hóa. Có thể là một Đồng thuận Bắc Kinh sẽ hạn chế tất cả mọi cá nhân trong việc khai thác sử dụng miễn phí các nguồn lực chung.
Lộ trình của đồng đô-la là không bền vững và do đó đồng đô-la sẽ không ổn định lâu dài. Sau cùng thì đồng đô-la hoặc sẽ tham gia vào một tập hợp các loại tiền tệ dự trữ, hoặc lệ thuộc vào SDR, hoặc được củng cố bởi vàng hoặc sa sút trong tình trạng hỗn loạn – khả năng khôi phục hoặc bị xóa sổ sau tình hình hỗn loạn đều có thể xảy ra. Trong bốn khả năng như trên, việc sử dụng nhiều loại tiền tệ dự trữ là khó có thể xảy ra nhất, bởi vì phương pháp này không giải quyết được vấn đề nợ và thâm hụt, nó chỉ đơn thuần là dịch chuyển khó khăn từ quốc gia này sang quốc gia khác theo lộ trình tiếp diễn của các cuộc chiến tranh tiền tệ dạng cổ điển. Giải pháp đồng SDR hiện đang được một số nhân vật trong giới tinh hoa toàn cầu đề xuất – họ thuộc nhóm các Bộ trưởng Tài chính G20 và các nhà quản lý của IMF, nhưng xét tới mức độ SDR đơn thuần chỉ là tiền tệ quốc tế thay thế cho các loại tiền tệ khác thì giải pháp này vẫn có rủi ro: bản thân SDR bị chối bỏ và sớm muộn cũng có bất ổn. Sự trở lại chế độ Bản vị vàng sau khi được nghiên cứu kỹ và triển khai một cách chuyên nghiệp có thể mang đến cơ hội ổn định tốt nhất, nhưng giải pháp này lại không được giới học thuật đánh giá cao vì trong các cuộc tranh luận hiện nay thì người ta không coi đây là điều khả thi. Như vậy khả năng xảy ra tình trạng hỗn loạn là rất cao. Tuy nhiên, ngay trong tình trạng hỗn loạn thì vẫn còn cơ hội thứ hai để quay lại với vàng, bất chấp sự trở lại này diễn ra theo một cách thức bất ngờ và chưa được nghiên cứu. Sau cùng thì vẫn là sự hỗn loạn, rồi mọi chuyện càng tệ hơn.
Sự sụp đổ của đồng đô-la có lẽ là thảm họa lớn cho chính đồng tiền này hoặc cũng có thể là một sự kiện trong quá trình sụp đổ của cả một nền văn minh lớn hơn. Sự sụp đổ có thể chỉ là bằng chứng cho việc phản ứng lại tình trạng dư thừa tiền giấy quá mức, hoặc có thể là một cột mốc trên lộ trình dẫn đến sự hỗn loạn. Tất cả các khả năng đều có thể xảy ra, tuy nhiên ta vẫn có thể tránh được.
Vẫn chưa quá muộn để có thể bước lùi khỏi bờ vực sụp đổ thê thảm. Yếu tố phức hợp khởi đầu như một người bạn và sau cùng lại là kẻ thù. Một khi người ta nhận diện được rằng sự phức hợp và quy mô lớn là mối nguy, giải pháp sẽ là kết hợp giữa thu hẹp quy mô, phân vùng và đơn giản hóa. Đó là lý do tại sao một chiếc tàu với nhiều khoang được ngăn cách sẽ khó chìm hơn chiếc tàu chỉ có duy nhất một khoang. Đó là lý do tại sao những người quản lý rừng chia tách cánh rừng lớn bằng những vành đai trắng để phòng cháy. Mọi người thợ mộc đều làm việc theo châm ngôn "Công cụ phù hợp với công việc." Các nhà kinh tế học không nên lười biếng hơn những thợ mộc khi chọn lựa công cụ phù hợp.
Khi áp dụng cho các thị trường vốn và thị trường tiền tệ, phương pháp tiếp cận đúng phải là: chia nhỏ các ngân hàng lớn và giới hạn các hoạt động của chúng thành từng khâu: nhận tiền gửi, cấp tín dụng tiêu dùng và tín dụng thương mại, tài chính thương mại, thanh toán, thư tín dụng và vài dịch vụ cần thiết khác. Các ngân hàng cần bị nghiêm cấm không được phép mua bán tài sản, bảo lãnh phát hành và thương lượng chứng khoán – những nghiệp vụ này chỉ dành cho những nhà trung gian môi giới và các quỹ đầu tư phòng vệ. Ý tưởng cho rằng cần có các ngân hàng lớn để thực hiện các giao dịch lớn là ý tưởng xuẩn ngốc. Các tập đoàn kinh tế (syndicate) được phát minh ra đúng là nhằm mục đích thực hiện các giao dịch lớn như trên và đây là mô hình xuất sắc để lan tỏa rủi ro.
Các công cụ phái sinh cần phải được ngăn cấm trừ khi chúng sử dụng cho các giao dịch tương lai chuẩn mực với khoản đặt cọc hàng ngày và các trung tâm thanh toán bù trừ có vốn mạnh. Các công cụ phái sinh không phân tán rủi ro; chúng tăng cao độ rủi ro và quy tụ lại trong một số đơn vị "quá lớn đến mức không thể sụp đổ". Các công cụ phái sinh không phục vụ khách hàng; chúng chỉ phục vụ các ngân hàng và những nhà trung gian môi giới thông qua các mức phí cao và những điều khoản không được người ta hiểu rõ. Các mô hình quản lý rủi ro từ các công cụ phái sinh đều không hiệu quả và sẽ không bao giờ hiệu quả bởi vì chúng chỉ chú trọng đến rủi ro trong phạm vi giá trị ròng mà không quan tâm đến rủi ro tổng thể.
Một chế độ Bản vị vàng linh hoạt cần được thiết lập nhằm giảm bớt sự không chắc chắn về lạm phát, các lãi suất và tỷ giá. Một khi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã chắc chắn hơn và trong điều kiện giá cả ổn định, họ có thể chấp nhận rủi ro cao hơn khi đầu tư mới. Trong mỗi doanh nghiệp đều đã có đủ các yếu tố không chắc chắn, đâu cần phải có thêm lạm phát, giảm phát, các lãi suất và tỷ giá vào danh sách những rào cản đối với cải tiến. Nền kinh tế Mỹ được Fed dẫn dắt đã liên tiếp chứng kiến nhiều bong bóng tài sản, các vụ đổ vỡ, các cơn hoảng loạn, phát triển bùng nổ rồi vỡ tung trong vòng 40 năm từ khi Hoa Kỳ rời bỏ vàng. Đây chính là lúc cần thu hẹp vai trò của tài chính và tăng cường vai trò của thương mại. Vàng mang lại sự bình ổn tốt nhất đối với nhiều loại giá cả và giá trị tài sản, do đó nó cung cấp tầm nhìn tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Quy tắc Taylor, được đặt tên theo tên người khởi xướng là nhà kinh tế học John B. Tay lor, nên được sử dụng làm quy tắc định hướng chính sách tiền tệ. Quy tắc này tận dụng các vòng lặp phản hồi chủ động thông qua việc bao gồm cả tỷ lệ lạm phát thực tế trong phương trình tính toán, trong khi mang đến sự giản đơn và minh bạch. Quy tắc này chưa hoàn hảo, nhưng nói theo lối diễn giải của Win ston Churchill thì nó tốt hơn mọi quy tắc khác. Sự kết hợp giữa quy tắc Taylor và một chế độ Bản vị vàng linh hoạt sẽ khiến cho hoạt động của các ngân hàng trung ương trở nên nhàm chán, đúng theo quan điểm tại đây. Càng giảm bớt những yếu tố kịch tính trong nghiệp vụ của ngân hàng trung ương, thì các doanh nghiệp – nguồn gốc thực sự của công ăn việc làm và sự thịnh vượng – càng có thêm yếu tố chắc chắn.
Các đề xuất khác nhằm đảo ngược ảnh hưởng của hệ thống phức hợp bao gồm: bãi bỏ thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn giản hóa thuế thu nhập cá nhân và giảm chi tiêu công. Việc phản đối các quyền lực lãnh đạo đạt quy mô lớn chưa từng có chẳng phải là vấn đề mang tính ý thức hệ; nó đơn thuần là sự thận trọng. Khi rủi ro sụp đổ nằm trong bản thân quy mô, những lợi ích "bậc nhất" từ các chương trình của chính phủ lại bị chi phối bởi các phí tổn "bậc hai" chưa được người ta nhìn nhận ra. Quy mô nhỏ hơn sẽ an toàn hơn.
Các đề xuất trên đều có điểm chung là chúng đều thu hẹp hoặc đơn giản hóa hệ thống tài chính hoặc, trong trường hợp của vàng, tạo nên các vách ngăn nhằm không để xảy ra sụp đổ. Các nhà bình luận sẽ nói rằng những đề xuất như trên đều đi ngược về thời điểm khi sự quản lý nhà nước có phạm vi hẹp hơn và mức độ phức hợp thấp hơn trong hoạt động ngân hàng, chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Họ nói đúng, và đây chính là quan điểm trình bày trong sách này. Khi bạn dịch chuyển vào khu vực lợi nhuận biên tiêu cực trong đường cong đầu vào – đầu ra của hệ thống phức hợp, đi lùi lại là điều tốt bởi vì xã hội sẽ đạt năng suất cao hơn và vững vàng hơn khi phải đối mặt với thảm họa.
Nếu các chính sách khắc phục tình hình không được thông qua và các sự kiện ngày càng lao vào vòng xoáy không thể kiểm soát, Lầu Năm Góc chắc chắn sẽ được yêu cầu phải vãn hồi trật tự bằng những cách thức mà Bộ Ngân khố và Fed không thể thực thi. Các mối nguy từng được mô phỏng trong trò chơi chiến tranh tài chính tại Lầu Năm Góc năm 2009 đang ngày càng trở thành hiện thực. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, sau khi được nghe báo cáo tóm tắt về trò chơi chiến tranh tài chính, đã nhận định rằng đây là "một trải nghiệm làm sáng mắt, phản ánh một số thiếu sót về năng lực và sự sẵn sàng của nhiều bộ phận trong chính quyền trong việc chia sẻ thông tin." Gates không đề cập trực tiếp đến Bộ Ngân khố; tuy nhiên, tôi cho rằng Bộ Ngân khố và Fed cần phải làm việc sâu sát hơn với cộng đồng an ninh quốc gia để hỗ trợ nước Mỹ chuẩn bị cho tương lai.
Như đã nói từ đầu, một quyển sách bàn về các cuộc chiến tranh tiền tệ chắc chắn phải liên quan đến đồng đô-la và vận mệnh của nó. Đồng đô-la, mặc dù có nhiều sai lầm và yếu điểm, vẫn là trục chính trong toàn bộ các hệ thống tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ phái sinh và đầu tư toàn cầu. Trong khi tất cả các loại tiền tệ theo định nghĩa đều đại diện cho một hàm lượng giá trị lưu trữ nào đó, đồng đô-la có khác biệt. Nó là đồng tiền lưu trữ giá trị kinh tế của một quốc gia mà các giá trị đạo đức của quốc gia đó trong lịch sử đã là một ngoại lệ và do đó soi sáng thế giới này. Việc phá giá đồng đô-la không thể tiến hành mà không làm giảm các giá trị và ngoại lệ nói trên. Quyển sách này cố gắng trình bày một số lời cảnh báo thẳng thắn và đề xuất các định hướng để tránh xa các mối hiểm nguy.
Các xã hội và nền tài chính từng sụp đổ nhiều lần nhưng người ta dễ dàng phớt lờ hoặc lãng quên. Nhưng lịch sử vẫn còn đó, và các hệ thống phức hợp vẫn luôn luôn vận động theo xu hướng sẵn có của chúng. Các hệ thống phức hợp khởi đầu như một nguyên tắc tổ chức tốt đẹp rồi kết thúc với việc hấp thụ toàn bộ các nguồn năng lượng sẵn có trong khi chúng tự hủy hoại. Các thị trường vốn và thị trường tiền tệ đều là những hệ thống phức hợp và sau cùng sẽ sụp đổ, trừ khi chúng được chia nhỏ ra, bị giới hạn lại, phân thành từng ngăn riêng và giảm quy mô. Suy cho cùng, các cuộc chiến tranh tiền tệ đều liên quan đến đồng đô-la, nhưng đồng đô-la ngày nay chỉ là một phiên bản đầy ngạo mạn của đồng đô-la trước kia bởi vì có các công cụ phái sinh, đòn bẩy, in tiền và sự chối bỏ vàng. Vẫn chưa quá muộn để cứu đồng đô-la Mỹ, tuy nhiên thời gian chẳng còn nhiều.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top