Cac CEO viet noi tieng

Bài học truyền cảm hứng thành công đến từ những Tổng giám đốc (CEO), doanh nhân Việt Nam. Tự học, tự đào tạo để trở thành giám đốc điều hành chuyên nghiệp (PRO - CEO).

CEO Là gì?

CEO là viết tắt của từ Chief Executive Officer, với nghĩa là Tổng giám đốc hoặc "Giám đốc điều hành" là chức vụ điều hành cao nhất của một tập đoàn, công ty hay tổ chức, phụ trách tổng điều hành một tập đoàn, công ty, tổ chức hay một cơ quan. CEO ở Việt nam thường là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm luôn giám đốc

Hành trình giấc mộng CEO

Ngô Ngọc Nga đã có 6 năm để đi từ vị trí nhân viên lên vai trò phó tổng giám đốc Công ty Phan Nam Monte Rosa kiêm giám đốc điều hành (CEO). Chị đã ghi lại nhật ký hành trình biến giấc mộng CEO của mình thành hiện thực...

Tại sao người ta có thể làm được? Tháng 8/2002: Tốt nghiệp đại học, mình sẽ phải đi làm, sẽ bắt đầu công việc như thế nào nhỉ? Ngày nào đọc báo, cũng thấy giới thiệu về những doanh nhân thành đạt. Tại sao người ta giỏi thế, không cần vốn, không cần người đỡ đầu, tự xoay trở mà cũng vươn lên làm giám đốc, chủ doanh nghiệp? Mình sẽ phải làm gì để có thể giỏi như họ. Thôi thì bắt đầu như mọi người, xin việc ở một công ty.

Tháng 8/2004: Mình đã làm việc ở công ty máy tính này hơn năm rồi. Nếu cứ cần mẫn và tỉ mỉ với nhiệm vụ, mình sẽ làm rất giỏi, nhưng chẳng có thể học thêm được gì mới. Hôm nay mình nghe nói Công ty Phan Nam đang cần tuyển người, sẽ nộp đơn xin việc xem sao. Mình sẽ xin việc ở vị trí nào đây: nhân viên kinh doanh, nhân viên phòng marketing, nhân viên phòng quảng cáo… hay là xin làm thư ký, hoặc làm trợ lý tổng giám đốc để có cơ hội gần gũi với những người điều hành, để được học nhiều hơn? Hy vọng là với sự nhanh nhẹn (má hay nói vậy) và chịu khó của mình, người ta sẽ nhận.

Tháng 5/2005: Không ngờ là mình học nhiều và nhanh đến thế, dù quá mệt và chẳng còn thời gian cho bản thân. Làm trợ lý tổng giám đốc mà buổi sáng phải vào công ty từ 7 giờ, buổi chiều phải làm đến hết việc mới về, có lúc ra khỏi văn phòng mỏi nhừ cả người, váng cả đầu. Lâu lắm rồi mình chẳng có thời gian đi shopping, đi xem phim, đi karaoke với bạn bè. Thế nhưng mình cảm thấy vui lắm, học được cách suy nghĩ, cách tổ chức công việc, cách nhìn nhận vấn đề từ người đứng đầu công ty. Mình thật vui mà cũng thật lo vì “sếp tổng” đã tin tưởng và quyết định giao cho mình trách nhiệm của trưởng phòng kế hoạch. Từ giờ trở đi, mình sẽ theo sát cô giám đốc điều hành, để học ở cô cách tổ chức công việc, cách cư xử với mọi người, rồi còn phải xếp giờ đi học thêm nhiều môn nữa…

Học là phải nhớ

Tháng 2/2006: Cô giám đốc điều hành cho biết sắp nghỉ việc, và cô ấy đề nghị mình sẽ vào vị trí giám đốc điều hành thay thế. Trời ạ, làm sao mình đảm đương nổi. Làm việc hai năm, mình chỉ có ưu điểm duy nhất là chịu khó lắng nghe và ghi chép, những gì các cô, các chú đã nói, đã chỉ dẫn và không bao giờ làm sai. Từng tình huống giao tiếp, từng câu nói trong hành xử công việc với người trên, với đối tác, với cấp dưới mình cũng ghi và nhớ. Các sếp nhận xét là tuy chưa sáng tạo, chưa có thâm niên kinh nghiệm, nhưng với sự năng động, tháo vát và chịu khó, mình có thể vào được vai trò CEO.

Tháng 3/2007: Vậy là mình đã làm được, mình đã trở thành CEO của công ty có trên 100 nhân viên. 6 tháng qua mình chia quỹ thời gian cho việc học hành, việc quản lý còn chưa hợp lý lắm, cần dành thời gian nhiều hơn nữa để học kiến thức về CEO, quản lý tài chính, quản lý nhân sự… cũng may mình đã học các kiến thức cơ bản để làm việc, bây giờ học thêm về vai trò quản lý nữa cũng dễ tiếp thu. Mình tự biết hạn chế của mình là còn quá trẻ, nên khi gặp đối tác họ thường xem mình là “còn nhỏ” làm mình thiếu tự tin. Cố gắng, cố gắng và cố gắng hơn nữa. Mình sẽ giỏi hơn, vì có lợi thế là trẻ mà.

Tháng 8/2007: Mình vừa nhận được quyết định làm phó tổng giám đốc công ty. Gần bốn năm ở Phan Nam Monte Rosa, mình đã thấy nhiều nhân viên làm việc chưa đầu tư hết khả năng của họ, nhiều người được giao việc chưa xong đã về… Mình sẽ tiến hành cuộc cách mạng: thay đổi và cải cách các bộ phận, thay đổi cách trả lương để thu hút chất xám, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng nhân viên đi đôi với chế độ họ được hưởng…
Theo Sài Gòn tiếp thị

Dương Thị Bạch Diệp - Diệp Bạch Dương

Khi đi tìm hiểu tư liệu viết phóng sự này, tôi đã gặp bà Dương Thị Bạch Diệp – Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Diệp Bạch Dương (thường gọi là bà Bạch Diệp). Người phụ nữ nổi tiếng vừa sở hữu chiếc xe Rolls-Royce siêu sang nhất Việt Nam, trị giá tới hơn 23 tỷ đồng. Song qua câu chuyện kể, rất nhiều lần bà Bạch Diệp phải lấy khăn lau nước mắt.

Bà nói, để có được cuộc sống như hôm nay, đã nhiều lúc bà phải “ăn chay, niệm Phật”… phải “nhịn đói nhịn khát” và, đã có thời gian phải đương đầu với cả chốn lao tù, rồi “mũi tên, hòn đạn” nữa. Biết bao sóng gió cuộc đời truân chuyên với người phụ nữ này… Bà đã phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống.

Song tất cả gian nan khổ ải ấy, người con gái đất võ Bình Định cứ lừng lững đứng lên, bà như cây bạch dương xanh thắm giữa gió ngàn. Trước thương trường của tháng ngày đổi mới, bà càng khẳng định được vị thế của mình, từ hai bàn tay trắng trở thành người phụ nữ thành danh, nổi tiếng, làm chủ nhiều bất động sản có giá trị lớn tại TP Hồ Chí Minh.

Tuổi thơ và những kỷ niệm khó quên ở miền Bắc

Câu chuyện đầu tiên bà Bạch Diệp kể cho tôi nghe là những năm tháng tuổi thơ trên quê hương miền Bắc. Bà Diệp sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1954 – khi ấy ông Dương Thâu (SN 1926, ba sinh ra bà Diệp) là Thị đội trưởng TP Quy Nhơn. Bà Diệp là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn cho ra miền Bắc học tập. Vào những năm 1964 – 1965, giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, năm 1964 Trường học sinh miền Nam số 13 tạm thời giải tán, bà chuyển về ở nơi gia đình, học cấp 3 ở Trường Thái Phiên, Hải Phòng.

Cũng như bao học sinh khác, bà thấu hiểu cuộc chiến tàn khốc do đế quốc Mỹ gây ra ở cả hai miền Nam – Bắc. Những tiếng kẻng báo động, tiếng bom đạn và máy bay Mỹ gầm rú… và cảnh sơ tán, trú hầm… đến bây giờ nhắc lại, bà Diệp vẫn như còn cảm thấy rất gần. Sơ tán về Trường cấp 3 Kim Thành, Hải Dương (lúc ấy bà Diệp đang học lớp 10 hệ 10/10) dù còn nhỏ tuổi, là học sinh ở miền Nam ra, song cô gái Bạch Diệp đã nếm đủ vị đắng, ngọt của cuộc đời.

Bà Bạch Diệp nhớ lại: “Những năm tháng chiến tranh, miền Bắc là hậu phương cho tiền tuyến và khó khăn thiếu thốn đủ bề nhưng Đảng và Bác Hồ cũng như đồng bào miền Bắc luôn dành cho học sinh miền Nam những điều kiện tốt nhất cả trong cuộc sống cũng như trong học tập… Nhiều câu chuyện “nhường cơm sẻ áo đến bây giờ mỗi khi nhớ lại không sao cầm nổi nước mắt”… Trong rất nhiều câu chuyện bà Bạch Diệp kể về tháng ngày sống ở miền Bắc, bà còn nhớ như in chuyện khi đã có chồng, sinh con, có lúc phải đi mót khoai về ăn.

Bà Bạch Diệp xúc động nói: “Vào năm 1972, khi ấy đói khủng khiếp. Tôi sinh cháu Nguyễn Thị Châu Hà, nhiều khi nhà nghèo quá, không có gạo, phải ăn củ sắn, khoai lang thay cơm. Nhiều bà mẹ miền Bắc thấy tôi là con gái miền Nam, ai cũng thương. Các bà, các mẹ thường đến an ủi, cảm thông, song tất cả ai cũng nghèo nên về vật chất chẳng giúp đỡ nhau được gì. Nhưng chính cái tình, cái nghĩa cao cả ấy, đã giúp mẹ con tôi vượt qua nhiều thử thách, khó khăn…”.

Chuyến đi B và những ngày đầu vượt lên số phận

Đến bây giờ, có rất nhiều thông tin đồn thổi về người phụ nữ nổi danh này với những thật hư khác nhau, nhưng tất cả đều không đúng sự thật. Điều đầu tiên phải khẳng định ngay là bà Bạch Diệp được học hành tử tế. Thời bao cấp bà đã có nhiều năm tiếp cận nghề buôn bán kinh doanh, mà kinh doanh trong nhà nước hẳn hoi chứ không phải mua gian, bán lậu.

Năm 1971, khi đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, vừa ra trường bà Bạch Diệp được điều về nhận công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng. Qua thời gian thử việc, trải nghiệm thực tế, lãnh đạo chi nhánh thấy tính bà kiên định và trung thực nên phân công cho bà làm cán bộ lao động tiền lương. Bà Bạch Diệp tâm sự, những năm chiến tranh là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, bà chưa dám nghĩ nhiều đến chuyện bán buôn sau này.

Nhưng khi về làm việc ở Chi nhánh Thủ công mỹ nghệ, làm cán bộ lao động tiền lương nhưng bà rất mê hàng hoá trang trí nội thất, nhất là vôi ve ngành xây dựng. Đã nhiều lần bà theo ba đi ra cảng giao hàng (ba bà Diệp là cán bộ mậu dịch đối ngoại Hải Phòng, thuộc Bộ Ngoại thương), gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều khách hàng bà biết chữ tín trong thương trường là vô cùng quan trọng.

Trong khi đã có chồng, hai con và đã yên bề gia thất nơi đất Cảng, đùng một cái cuối tháng 1 năm 1975 bà Bạch Diệp hay tin chuẩn bị lo sắp xếp gia đình để đi B (vào Nam). Bà vừa nói đến đây, tôi thắc mắc ngay: Vì sao bà đang làm trong ngành Ngoại thương, đã có chồng con, hơn nữa là phụ nữ, biết đánh đấm gì mà lại đi B?

Hiểu ý tôi, bà Diệp cười vui: “Nói là đi B cho oai vậy thôi chứ thực ra là đi theo tàu biển chở vũ khí, súng đạn và một số nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chiến trường miền Nam… Đoàn của chúng tôi đi chủ yếu là bộ khung để vô tiếp quản vùng giải phóng B2…”. Qua câu chuyện tôi biết, dù tuổi thơ của bà phần lớn là sống ở nhiều nơi trên miền Bắc, song trong sâu thẳm từ đáy lòng bà vẫn ngày đêm đau đáu nhớ về khúc ruột miền Trung. Chính vì thế mà sau khi được tổ chức thông báo, bà sẵn sàng xuống tàu vào Nam. C

huyến tàu TV1 của Công ty Vận tải biển Việt Nam xuất phát từ Cảng Hải Phòng vào tối ngày 27/3/1975. Buổi chia tay với thành phố Cảng không chỉ có chồng, con và người thân. Trước lúc xuống tàu, bà đã không cầm nổi nước mắt khi những kỷ niệm vùng đất Cảng thân yêu đã bao năm gắn bó, chở che bom đạn cho gia đình bà. Bà thú thực rằng phải can đảm lắm mới dứt ra mà đi được bởi cái tình nghĩa bao dung, rộng lớn ấy.

Sau ba ngày đêm lênh đênh trên sông, biển, khi tàu đã vào đến hải phận miền Trung bà mới biết được chiến trường miền Nam đang thắng lớn. Miền Nam sắp giải phóng. Mỗi lần nghe bản tin của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, anh chị em trên tàu ai nấy đều cảm kích, phấn chấn, mong từng phút, từng giờ được đặt chân lên đất Mẹ.

Tối 29/3/1975, khi tàu vào đến địa phận Đà Nẵng cũng là lúc tất cả mọi người trên tàu hay tin Đà Nẵng đã giải phóng. Mọi người hò reo chờ đợi từng phút khi tàu cặp Cảng Sơn Trà (Đà Nẵng). Sau hơn 20 năm xa cách, đặt chân đến mảnh đất miền Trung… bà thầm cảm ơn biết bao người đã anh dũng hy sinh, hoặc phải bỏ lại một phần xương máu ở chiến trường để có được giờ phút nghẹn ngào vì vui sướng khi quê hương đã độc lập, tự do. Nhưng cũng chính những năm tháng sau chiến tranh ấy, không biết bao đắng cay và có cả tai ương đã giáng xuống đầu bà.

Những tai họa khủng khiếp đến không ngờ…

Càng đi sâu tìm hiểu về cuộc đời nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp, tôi càng thêm những bất ngờ về cuộc đời truân chuyên của bà. Cho dù bây giờ bà đã thành danh trở thành “triệu phú đô la” nhưng cái quá khứ ngập tràn chông gai ấy có mấy ai biết được tại An Giang bà đã từng bị bọn tham nhũng, trộm cắp thuê tên sát nhân nã cả băng đạn AK vào mình. Câu chuyện có thật “một trăm phần trăm này” thoạt nghe ai cũng phải ớn lạnh, nổi da gà.

Người phụ nữ sở hữu chiếc xe trị giá 23 tỷ đồng

Sau khi từ Tổng kho Trung Trung Bộ (có trụ sở tại Bình Định) bà Bạch Diệp về quê chồng, công tác tại Công ty Vận tải thủy An Giang. Khi ấy đất nước mới giải phóng, kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu. Công ty Vận tải thủy An Giang có mấy cặp xà lan chở xăng dầu.

Cũng vì hám lợi mà không ít kẻ đã bán rẻ danh dự, câu kết với số cán bộ, công nhân viên biến chất bòn rút của công, trộm cắp xăng dầu của Nhà nước. Là một cán bộ có uy tín của Công ty, bà Bạch Diệp đã được rất nhiều quần chúng tốt phản ánh nạn ăn cắp xăng dầu trên xà lan.

Đầu tháng 6/1978 bà hay tin 2 chiếc xà lan chở xăng, dầu của Công ty bị chìm. Lúc đầu mọi người ai cũng nghĩ là do sự cố kỹ thuật nên xà lan bị thủng vỡ, đây là sự cố ngoài ý muốn.

Bà Bạch Diệp nhớ lại: “Lúc đầu tôi cũng tin đây là sự cố. Nhưng xâu chuỗi lại những sai phạm trước đó, tôi thấy có điều gì không ổn. Chính vì vậy nên tôi đã cất công đi xác minh, gặp một số quần chúng cùng đi trên xà lan, tìm rõ nguyên nhân sự việc. Cuối cùng kết quả đúng như tôi dự đoán, đây không phải là sự cố kỹ thuật, hay tai nạn bất ngờ mà chính một số thủy thủ trên tàu câu kết với bộ phận giám sát hàng hóa đã hút hết xăng đem bán, sau đó chúng đục xà lan cho dầu nhớt dơ chảy ra… hòng hủy tang chứng…”.

Khi sự việc bị bại lộ, một số đối tượng sợ bà Bạch Diệp tố cáo nên đã thuê người giết hại bà. Vào 2 giờ chiều ngày 9/6/1978, bà Bạch Diệp vừa bước vào phòng làm việc thì gặp Tô Văn Hùng là nhân viên bảo vệ Công ty xách khẩu súng AK chạy vào, như một tên cướp táo tợn, không nói không rằng hắn lạnh lùng giương súng siết cò… hàng loạt tiếng nổ chát chúa vang lên khiến bà Diệp choáng váng đổ vật ra nền nhà.

Sau giây phút hoàn hồn, bà Diệp nhổm dậy. Phát hiện thấy bà Diệp còn sống, tên Hùng lại lao tới siết cò. May mắn làm sao viên đạn cuối cùng (sau này khám nghiệm được biết đó là viên đạn AK thứ 20) bị hóc ngay ổ khóa nòng nên bà Diệp thoát chết. Những kẻ đứng sau vụ án này thuê tên Tô Văn Hùng là nhân viên bảo vệ nã súng giết bà Diệp, song kẻ sát nhân đã run sợ trước việc làm phi nghĩa nên hắn đã không “hạ” được mục tiêu như dự định đê hèn. Những viên đạn quái ác ấy đều sượt tóc bà Diệp, bắn trúng 4 công nhân đang ngồi chờ lãnh lương, cách chỗ bà Diệp ngồi chừng 40 m, tất cả đều bị gãy xương đùi.

Sau lần hoảng sợ và thoát chết ấy, bà Diệp và gia đình phải đến xin lánh nạn tại Ủy ban Kiểm tra tỉnh An Giang. Câu chuyện động trời này đã gây xôn xao tỉnh An Giang và các vùng lân cận. Trong dịp về kiểm tra công tác tại An Giang, hay tin đích thân đồng chí Đỗ Mười (khi ấy đồng chí Đỗ Mười là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã đến thăm gia đình bà Bạch Diệp, bà Bạch Diệp khẳng định: “Tôi còn nhớ như in lời đồng chí Đỗ Mười nói với ông Tư Việt Thắng (Bí thư Tỉnh ủy An Giang): “Các anh phải giải quyết ngay việc này, chứ không thể để cộng sản tị nạn cộng sản như thế này được…’’.

Để giải quyết khó khăn cho gia đình bà Diệp, Ủy ban Kiểm tra Đảng cũng như một số ban ngành của An Giang đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình bà Bạch Diệp, ba tháng sau khi gặp nạn, vợ chồng bà Bạch Diệp chuyển công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại thương, đóng tại TP Hồ Chí Minh.

Hai lần bị bắt giam oan…

Đầu tháng 12/1982, đang lúc bà Bạch Diệp và bạn bè đồng nghiệp vui mừng hay tin bà đã có quyết định bổ nhiệm… thì một lần nữa, tai họa lại ập đến với bà. Hôm đó là ngày 9/12/1982, khi bà đang có mặt ở cơ quan thì Công an quận Tân Bình đến đọc lệnh bắt giam bà với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng của công dân…”.

Bà Diệp choáng váng. Đến khi gặp cán bộ xét hỏi, bà Diệp mới vỡ lẽ rằng, bà làm ơn đã mắc oán. Nội dung chỉ đơn giản là sự quen biết với một người bạn thân của ba bà Diệp. Ông ấy có người cháu biết mối quan hệ của bà Diệp ở Sài Gòn nên đã thông qua bà Diệp nhờ nhập hộ khẩu cho mình vào TP Hồ Chí Minh. Nghe lời anh này, bà Diệp đã viết giấy có nhận của anh ta 13.000đ (trị giá gần 1 chỉ vàng) để bà Diệp đưa cho người giúp đỡ, gọi là chi phí tiền, trà nước…

Khi những người quen cho biết không thể lo được cho người cháu kia, bà Diệp đã nhiều lần gặp anh ta xin trả lại số tiền trên, song anh ta nhất định không nhận. Một lần nữa bà Diệp lại đến năn nỉ những người quen cố gắng giúp và toàn bộ số tiền 13.000đ ấy, bà Diệp đưa hết cho họ. Khi đã được nhận vào làm việc ở Công ty Xây lắp ngoại thương và sắp có hộ khẩu, người cháu của ông bạn ba bà Diệp vội đến gặp bà. Vì anh ta sợ khi xong việc sẽ phải đưa giấy nhận giữ 13.000 trả lại cho bà Diệp nên anh ta nại ra việc mất giấy, yêu cầu bà Diệp viết lại giấy lần 2 (vẫn nội dung như trước).

Vì tin người và nghĩ rằng mình không vụ lợi nên bà Diệp đã viết giấy. Song sau đó anh ta cầm tờ giấy này làm bằng chứng tố cáo bà Diệp với Công an Tân Bình.

Quá trình điều tra, khi xác minh, biết rõ bản chất sự việc, bà Diệp vì tin người, nể nang bạn bè mà ra tay lo giúp chứ mảy may không hề có vụ lợi, hay chiếm đoạt tiền bạc của người khác, chiều 3/2/1983 (tức chiều 30 Tết) bà Diệp được tạm tha và sau đó là quyết định miễn tố, trả tự do cho bà Diệp.

Bị tạm giam 2 tháng 15 ngày về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” rồi được minh oan nhưng nào có mấy ai hiểu được. Bà Diệp thở dài. Thấy bà vẫn còn mặc cảm về cảnh tù tội, tôi mang chuyện làm ăn, kinh doanh ra đàm đạo với bà. Như lại gặp phải mồi lửa, bà đứng phắt dậy: “Chuyện kinh doanh, chuyện của doanh nhân ư? Khoan hãy nói đến. Anh là nhà báo Công an hỏi kinh doanh tôi kể cho anh nghe câu chuyện này cũng liên quan đến kinh doanh, nhưng nó lại là chuyện tôi bị… tù oan lần nữa đấy. Tôi sém bị mù vì hơn 6 tháng nằm tại trại tạm giam…”. Bà Bạch Diệp thuật lại câu chuyện này như đã thuộc lòng.

Vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán nhà 37 Nguyễn Thị Diệu (NTD). Hợp đồng được lập vào ngày 30/7/1993. Trong rất nhiều đơn thư kêu cứu lúc bấy giờ, bà Bạch Diệp đều khẳng định: Hai bản hợp đồng mua bán nhà 37 NTD là sự lừa lọc, chỉ vì tin người mà bà đã đặt bút ký: “Bấy giờ mỗi khi đọc lại 2 hợp đồng này tôi chỉ muốn chạy ra đường mà không cần biết trước mặt mình là cái gì, vì đó là 2 hợp đồng lừa đảo mà tôi tin người nên đã ký…”. Bà Bạch Diệp nói.

Điều oái oăm thay, bà Bạch Diệp đã phải mất không số tiền quy ra vàng lên đến hàng trăm lượng vàng, nhưng ngày 12/11/1994, bà Diệp lại bị bắt giam. Bà Bạch Diệp ngồi lặng hồi lâu, nước mắt ứa ra: “Em cứ hình dung xem, người ta lừa chị, lấy của chị hàng trăm lượng vàng. Chị phải cắn răng chịu đựng. Tưởng mọi việc yên ổn ai dè tai họa ập xuống”. Hơn 6 tháng bị tạm giam, bà Bạch Diệp khóc sưng húp mắt. Hằng đêm bà réo gọi tên con… kêu oan và lại cầu trời, niệm Phật… Thế rồi, điều tra mãi không tìm được bằng chứng gì phạm tội, ngày 23/5/1995 bà Bạch Diệp nhận được quyết định trả tự do.

Con đường lập nghiệp

Trong số đại gia ở các tỉnh, thành phía Nam, chẳng mấy ai không biết đến bà Bạch Diệp. Nhưng những người nổi tiếng ăn chơi sành điệu thì vừa rồi phải giật mình khi hay tin bà Giám đốc Diệp Bạch Dương dẫn về “con xe” Rolls-Royce mới cáu cạnh với biển số “tứ quý 7″ đắt tiền và sang nhất Việt Nam. Có người nói rằng bà chơi ngông vậy thôi, chứ cái công ty gia đình chưa đến chục người mà đã có đến 6,7 chiếc xe ôtô loại sang rồi thì việc mua thêm chiếc Rolls Royce rõ là chuyện lãng phí. Trái với luồng thông tin trên, giới buôn bán bất động sản ở TP Hồ Chí Minh đa phần cho rằng: “Bà Diệp có mua đến cả chục chiếc Rolls Royce cũng chẳng thấm vào đâu so với những tài sản kếch sù mà bà đang làm chủ…”.

Kể về tài sản, về sự giàu có của bà Bạch Diệp theo như cánh báo chí chúng tôi hay nói: “Có mà kể cả ngày…”. Điều tôi quan tâm tìm hiểu chính là cái sự bắt đầu, giai đoạn tay trắng mà bà Bạch Diệp gây dựng cơ đồ kia. Hẹn tới hẹn lui, cuối cùng bà Bạch Diệp cũng dành cho tôi khoảng thời gian, tuy không nhiều nhưng cũng đủ hiểu về cuộc đời bà. Như đã nêu ở phần trên, sau khi bị nhốt giam oan 2 tháng 15 ngày trở về; bà thấy chán nản và không còn mặn mà chuyện công tác ở cơ quan nữa.

Bà xin nghỉ chế độ chính sách. Bà Bạch Diệp nói: Ở nhà mãi cũng chán. Nhìn trước ngó sau tài sản chỉ có vài vật dụng cũ cùng căn hộ chung cư 72/lầu 2 Ký Con, phường 19 – nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nhiều lần ngược xuôi các con đường trung tâm Sài Gòn, bà Bạch Diệp cứ mông lung nghĩ hoài về nhiều căn nhà ở giữa trung tâm thành phố, bán giá rẻ như bèo mà rất ít người mua. Những căn nhà ấy nếu được nâng cấp, xây mới… chắc chắn khi bán sẽ sinh lợi nhiều…

Để làm thử, bà về nhà thiết kế, sửa sang ngay chính căn hộ chung cư của mình (đây là căn hộ do 2 căn ghép lại khoảng 160m2). Do có đầu óc thẩm mỹ, lại yêu nghề xây dựng từ nhỏ nên bà đã sửa chữa căn hộ rất đẹp. Đúng như dự kiến ban đầu, bà Bạch Diệp bán căn hộ chung cư này với giá 12 lượng vàng.

Cũng trong năm 1984, bà mua ngay căn nhà số 100 đường Trần Hưng Đạo (một trong những con đường trung tâm thành phố) với giá 4 lượng vàng. 12 lượng vàng bán căn hộ chung cư Ký Con, vay mượn bạn bè, bà xây căn nhà số 100 Trần Hưng Đạo lên 3 tầng lầu… tất cả hết 20 lượng vàng. Vừa xây xong, Công ty Savimex đến mua và bà bán ngay được 80 lượng vàng. Có tiền trong tay, bà mua tiếp căn nhà 92 Trần Hưng Đạo, rồi lại sửa, lại xây và… lại bán. Cứ thế, chỉ trong thời gian ngắn, bà Bạch Diệp đã mua được nhiều nhà trên đường Trần Hưng Đạo.

Bà Bạch Diệp kể cho tôi nghe liền một mạch chuyện mua, bán nhà. Trong câu chuyện bà thừa nhận rằng: “Thật không ai tin được, vào thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, chuyện mua bán nhà cửa lại rẻ mạt và dễ dàng đến thế. Mà thời kỳ bao cấp rất ít người nghĩ đến chuyện buôn bán kinh doanh bất động sản…”. Có được số vốn trong tay hàng ngàn lượng vàng, bà Bạch Diệp đến các khu biệt thự trong thành phố, nếu ai bán nhà, bất cứ lớn nhỏ bà cũng mua ngay. Chính vì những tính toán, đoán trước được vận hội của đất nước nên khi đất nước đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường thì bà Bạch Diệp đã có cả chục năm trải nghiệm qua thực tế rồi.

Bà Bạch Diệp phân tích cặn kẽ tình hình thời cuộc ngay từ những năm khó khăn của thời bao cấp. Bà triết lý: Khi mọi người đổ xô chạy trốn ra nước ngoài thì bà lại bình thản đón nhận cuộc sống thực tế. Ngay lúc ấy bà đã tiên đoán rằng: “Khó khăn, gian khổ như thời đánh Mỹ mình còn thắng được, chắc chắn Đảng và Nhà nước sẽ tìm ra được lối thoát để người dân no ấm. Họ có chạy trốn vượt biên hay tìm mọi cách ra nước ngoài, sớm muộn cũng phải về thôi. Và trong số ấy, sẽ có nhiều người tìm đến thuê nhà mở điểm kinh doanh và nhiều người sẽ mua nhà của tôi…”.

Bắt đầu mua, bán bất động sản từ năm 1984, sau hơn 20 năm bà Dương Thị Bạch Diệp đã trở thành một giám đốc siêu hạng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu. Có những khu đất bà chuẩn bị xây dựng khách sạn 5 sao trị giá nhiều triệu đôla. Vì rất nhiều lý do tế nhị, tôi không muốn hỏi cặn kẽ tài sản của bà trị giá bao nhiêu trăm, bao nhiêu triệu đôla. Tôi chỉ ghi nhận hơn 20 năm ấy, ở một thành phố năng động và rộng lớn như TP Hồ Chí Minh, một người kinh doanh từng trải và uy tín như bà, nếu như có đến cả tỷ đôla âu cũng là lẽ thường tình.

Vì tuổi thơ bà đã chịu nhiều lam lũ nên bà rất thấu hiểu cảnh đơn côi, gian khó của người bất hạnh, người nghèo. Từ những lợi nhuận thu được trong thương trường, năm nào cũng vậy, bà đều dành tiền, hàng đến tặng những người gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc thông qua các tổ chức xã hội làm từ thiện. Chỉ trong mấy năm gần đây bà đã dành hàng chục tỷ đồng chia sẻ khó khăn với những người nghèo. Riêng các chương trình từ thiện do Báo CAND tổ chức bà đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng.

Bà Dương Thị Bạch Diệp có kể cho tôi nghe một ý tưởng, có thể nói là rất mới ở Việt Nam. Từ thực tế cuộc đời mình, đặc biệt là những oan khiên mà bao người gặp phải, bà muốn bước đầu sẽ dành 200 tỷ đồng xây dựng quỹ, tên gọi cụ thể thì bà chưa quyết định, song toàn bộ số tiền trên sẽ gửi vào tài khoản, hàng năm trích ra trao giải cho những “Bao Công” đích thực trong ngành Tư pháp; giải thưởng có thể cả triệu đô la.

Mặc dù đã bước sang tuổi 60 nhưng bà Bạch Diệp vẫn đang ấp ủ hàng loạt những dự án tầm cỡ quốc tế và rất khả thi. Bà vui vì bà sống trong gia đình rất hạnh phúc; các con đều học hành thành đạt từ nước ngoài, nay cùng về giúp bà điều hành công ty. Bà nói chắc rằng phần bà dành cho các con lớn nhất là sự trải nghiệm trong thương trường và đức hạnh làm người. Số tài sản lớn ấy, bà sẽ dành phần nhiều cho các hoạt động xã hội. Khi chia tay, tôi chúc bà mãi mãi như cây bạch dương xanh giữa miền nhiệt đới và ngày càng làm rạng danh người phụ nữ Việt Nam.

Theo Xuân Xe (CAND)

Đào Hồng Tuyển - Tuần Châu Hạ Long

(VietNamNet) - Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ đến ông Đào Hồng Tuyển, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Đồng Đức Bốn: “Bây giờ không thấy thị Mầu, nhưng con mắt ấy còn lâu mới già”. To cao, rắn chắc, mặt vuông chữ điền, nhưng ấn tượng nhất ở ông Tuyển vẫn là đôi mắt. Lần đầu tiên gặp ông vào cuối năm 1998, thời điểm ông đang “sa lầy” vào dự án Tuần Châu, đôi mắt đó như có lửa, nóng bỏng và quyết liệt.

Năm 1998, một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ Đông Nam Á, khi bất động sản trên thị trường toàn cầu sụt giá, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này phá sản hàng loạt. Đó cũng là thời điểm mà ông Tuyển dốc đồng tiền cuối cùng cho dự án Tuần Châu. Không ít người thời đó cho rằng ông là kẻ điên rồ, hoang tưởng. Một kẻ mang ảo mộng dời non lấp biển, cả gan chống trời, huy động hàng chục tỷ đồng xúc đất đá, đổ xuống đại dương mênh mông để làm con đường nối đất liền với đảo Tuần Châu. Không thể hình dung rằng, cuộc đời một con người chưa bao giờ cầm lá bài lại có thể dốc cả sản nghiệp của mình vào một dự án đầy sự may rủi như một con bạc khát nước.

Đổ 80 tỷ đồng xuống biển

Lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông Tuyển sinh ra trên đất Quảng Yên - Quảng Ninh. Ông hiểu rõ khá tường tận các vùng miền của vùng Đông Bắc giàu tiềm năng này. Trong gần 2.000 hòn đảo của vịnh Hạ Long, Tuần Châu là đảo duy nhất có dân cư sinh sống. Xã đảo Tuần Châu có diện tích hơn 400ha với hơn 1.500 nhân khẩu. Nhân dân xã đảo chủ yếu sống bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt rất thô sơ. Trên đảo không có điện, nước, giao thông với đất liền rất khó khăn. Sự cách trở về địa lý với đất liền là nguyên nhân chính tạo nên cái nghèo của xã đảo. Trong một lần ghé thăm đảo, ông Tuyển đã phát hiện ra tiềm năng có một không hai của Tuần Châu. Đảo có vị trí thuận lợi cả về đường thuỷ và đường bộ, nằm ngay tại trung tâm di sản thiên nhiên thế giới. Ông Tuyển cho rằng: “Người ta có thể xây một Hà Nội sang bên kia sông Hồng, dịch chuyển TP.HCM về phía Nam, còn Hạ Long, là di sản thế giới thì không thể di chuyển được, bởi phải trải qua hàng triệu năm mới có được di sản đó”. Từ lập luận này, ông quyết tâm khắc phục khoảng cách 2km với đất liền.

Chính sách đổi đất lấy cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh đã củng cố thêm cho ông Tuyển ý định đầu tư vào dự án Tuần Châu. Để đắp một con đường nối đất liền với đảo, theo dự toán thời đó, tiến hành trong vòng 3 năm và đầu tư một khoản tiền không dưới 80 tỷ đồng. Tám mươi tỷ đồng là một số tiền mà đối với một doanh nghiệp nhà nước thời bấy giờ còn khó huy động, nói chi đến ông chỉ là một doanh nghiệp tư nhân khiêm nhường, mới nổi. Huy động được 80 tỷ đồng mua đất đá, đổ xuống làn nước biển trong xanh ròng rã trong vòng ba năm khác nào việc dã tràng xe cát.

Năm 1997, thị trường bất động sản suy thoái và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á đã làm cho hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài lặng lẽ tháo lui khỏi thị trường Việt Nam. Giới đầu tư bất động sản trong nước đang co mình lại chờ thời. Trước những thực tiễn phũ phàng như vậy, ông Tuyển nghĩ: “Cái gì đã rơi xuống đáy rồi sẽ không thể rơi xuống thấp hơn. Sau khi rơi xuống đáy sẽ bắt đầu một chu kỳ mới phát triển với tốc độ cao hơn”. Từ nhận định đó, ông quyết tâm thực hiện dự án.

Trình dự án lên UBND tỉnh Quảng Ninh, ông đạt được thoả thuận: Đầu tư xây dựng con đường hơn 2km nối quốc lộ 18 với Đảo Tuần Châu; đổi lại, ông được quyền sử dụng 98ha đất trên đảo. Con đường vượt biển hai cây số, mặt cắt rộng 25m, với hai làn xe, hành lang cho người đi bộ… Nếu là đường trên đất liền đã là một sự nghiệp đáng kể đối với một doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đằng này lại là con đường “dời non lấp biển” mà có. Trong gần ba năm, hơn 50 chiếc xe tải đã cần mẫn đổ đất đá xuống biển để rồi con đường cứ dài mãi, dài mãi, sau gần 1.000 ngày kiên trì, cùng với hàng triệu mét khối đất đá là hàng chục tỷ đồng chìm ngỉm dưới làn nước biển trong xanh. Đổi lại, con đường đất từ đất liền đã chạm vào đảo.

Ông Tuyển nhớ lại: Năm đầu tiên triển khai dự án là cả một năm thắc thỏm lo âu. Một trận gió mùa, một cơn áp thấp nhiệt đới đều có thể tạo nên những cơn sóng thần nhấn chìm sản nghiệp của ông xuống đại dương mênh mông không sủi tăm. Cuối năm 1998, con đường đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt, không thể vay mượn được ai, nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua, vì thị trường đã đóng băng. Có cơ sở sản xuất khi mua giá 1.200 cây vàng, nhưng cần tiền người ta trả 600 cây cũng phải bán. Bạn bè xa lánh, mỏi mệt và chán nản tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng. Nếu bó tay chỉ có nước là chờ ngân hàng đến xiết nợ rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án… lừa đảo. Thế nhưng chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của một doanh nhân như thức tỉnh ông. Động viên anh em cho nợ lương mà vẫn kiên trì triển khai dự án. “Bán non” một số lô đất để lấy ngắn nuôi dài nhằm thực hiện đến cùng con đường vượt biển ra đảo.

Biến Đảo nghèo thành Đảo Ngọc

Tuần Châu đã có đường ra đảo, trở ngại quan trọng nhất đã được khắc phục. Tuy nhiên, làm thế nào để Tuần Châu trở thành một trung tâm du lịch và giải trí có tầm cỡ quốc tế và có khả năng sinh lợi lại là một bài toán không kém phần phức tạp. Từ những khu du lịch nổi tiếng thế giới như Bali (Indonesia), Phukhet, Pataya (Thái Lan), ông Tuyển nghĩ: “Phải làm cho Tuần Châu đẹp hơn, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn và nhân văn hơn”. Vừa đi các nơi để học hỏi kinh nghiệm, tham khảo mô hình, ông Tuyển còn tập hợp quanh mình hàng trăm chuyên gia kỹ thuật trong nước ngày đêm phác thảo các đồ án. Vẫn chưa yên tâm, nghe tin đâu có chuyên gia giỏi, ông cho mời về. Hiện ông có 29 kiến trúc sư người nước ngoài tham gia vào đồ án tổng thể Khu du lịch Tuần Châu.

Một trong những dự án đầu tiên mà Công ty Âu Lạc đầu tư là bãi tắm nhân tạo dài 4 km. Thoạt nghe đã thấy ảo tưởng, bởi cát làm bãi tắm phải chở từ Trà Cổ, cách Tuần Châu gần 200km. Hơn một triệu mét khối cát được vận tải bằng đường biển từ Trà Cổ về Tuần Châu, công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2002. Đến đây, du khách có thể vui chơi thoải mái trên bờ biển thoai thoải với lớp cát trắng Trà Cổ nổi tiếng. Cùng với bãi biển nhân tạo là các trò chơi bãi biển và dưới nước như: bóng chuyền, đá bóng, lướt sóng, nhảy dù trên biển, môtô trượt nước tốc độ cao đem lại cho du khách một kỳ nghỉ khoẻ khoắn, thú vị và đầy ấn tượng.

Một thành công khá độc đáo của ông Tuyển ở Tuần Châu là sự ra đời Vườn ẩm thực Việt Nam. Vườn này được xây dựng theo phong cách riêng của văn hoá ẩm thực Việt Nam, với những ngôi nhà bằng gỗ, mô phỏng kiến trúc cung đình thế kỷ 17 và 18. Với lớp lớp toà ngang dãy dọc, thuỷ đình, hồ cá, ẩn mình bên những gốc đào cổ thụ, rặng thông xanh, dòng suối uốn lượn róc rách, các khu ca múa nhạc dân tộc, sân khấu múa rối nước, đàn nước và thác nước. Vườn ẩm thực với tổng diện tích hơn 20.000 m2 bao gồm 14 căn nhà được chia thành các khu Ngọc Châu, Vườn Đào, Thuỷ Đình, Suối Thiên Thai, có thể phục vụ cùng một lúc 3.000 khách.

Cùng với Câu lạc bộ biểu diễn cá heo và sinh vật biển, Tuần Châu cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống khách sạn, biệt thự với hơn 400 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Dự kiến, cuối năm nay trên đảo Tuần Châu sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng thêm 500 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Vào ngày 15/4 tới đây, Khu du lịch Tuần Châu sẽ cho khai trương thêm công trình biểu diễn nhạc nước trình diễn bằng laze, chiếu phim trên nước. Trong năm nay, ông dự định sẽ mua thêm ba đôi tàu cao tốc chạy tuyến Hải Nam - Tuần Châu, HongKong - Tuần Châu và Bắc Hải - Tuần Châu. Tuần Châu không còn là xã đảo nghèo mà thực sự là một khu du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Từ một xã đảo nghèo, mặc dù còn nhiều dự án chưa hoàn thành nhưng ngày nay, Tuần Châu đã mang dáng dấp một “Đảo Ngọc” như tên gọi vốn có của đảo này. Hàng trăm hạng mục công trình được đầu tư từ năm 1997, đến nay có công trình đã thu hồi đủ vốn đầu tư.
Biến 'đảo nghèo' thành đảo Ngọc - ông Tuyển đã làm được một điều phi thường. Điều phi thường đó, không phải người bình thường nào cũng làm được.

“Một bãi chông gai và một biển đau thương”

Bây giờ thì ông Tuyển đã được biết đến như một “chúa đảo”, người đang sở hữu 670ha đất trên “đảo ngọc” Tuần Châu nằm trong quần thể vịnh Hạ Long-di sản thế giới. Giới đầu cơ bất động sản đã làm một phép tính: đất Tuần Châu bỏ rẻ cũng được 10 triệu đồng/m2. Một trăm mét vuông, tương đương một tỷ đồng. Một trăm ngàn mét vuông (10ha), tương đương một ngàn tỷ đồng, nếu ông Tuyển chỉ bán đi một nửa số đất đang thuộc quyền sử dụng của ông, nghĩa là khoảng hơn 300 ha, số tiền thu được sẽ là hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương với 2 tỷ USD. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn tỷ đồng khác đầu tư vào những công trình đồ sộ như nhà biểu diễn cá heo, rạp xiếc, công trình biểu diễn nhạc nước đều đáng giá hàng trăm tỷ đồng. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông là một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Tôi hỏi ông: đời doanh nhân, ông đã gặp bao nhiêu trở ngại để có được ngày hôm nay?. “Không thể kể hết, tôi đã vượt qua một bãi chông gai và cả một biển đau thương”, ông Tuyển nói.

... Năm 1969, mới 15 tuổi, Đào Hồng Tuyển đã tham gia đoàn tàu không số đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Đó là thời mà giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau có một sợi tơ mong manh. Ông và những người bạn của mình đã phải “mai táng” nhiều đồng đội trên biển. 25 tuổi, tham gia quân tình nguyện ở Campuchia. Sau khi xuất ngũ, ông đã lăn lộn qua nhiều nghề để lập nghiệp, rồi chuyển sang làm công tác Đoàn, đã từng đảm đương các cương vị: Phó Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm chuyển giao và xuất nhập khẩu công nghệ, Phó chủ tịch Hội phân bón Việt Nam… từng bước tách ra làm ăn rồi thành lập công ty riêng. Sau một thời gian bươn chải trên thương trường và không ít lần nếm mùi thất bại mới được như ngày nay. Hiện nay Tổng công ty Âu Lạc của ông có 7 công ty thành viên với 10.000 lao động.

Để có được dự án Tuần Châu như ngày hôm nay, ngoài dốc hết nguồn lực, huy động vốn từ các nguồn và qua nhiều đêm không ngủ, ông Tuyển còn phải vượt qua hàng trăm cửa ải của hệ thống hành chính mà không có cửa ải nào đơn giản. Ngoài sự quên mình của bản thân, giúp việc ông còn có 20 luật sư làm việc liên tục trong suốt 4 năm. Hiện nay, hồ sơ của các dự án có thể xếp đầy… một gian nhà, thế nhưng vẫn chưa hết điều này tiếng nọ. Mỗi lần công luận có ý kiến lại phải giải trình, lại phải tiếp một số đoàn thanh tra, lại mất nhiều đêm thức trắng.

Tấm thiệp xuân 600 triệu đồng

Một tấm thiệp xuân kích thước 1,6m x 1,2m, bình thường nó chỉ là một bức tranh học trò, chưa tạo được ấn tượng đáng kể nào về nghệ thuật. Tuy nhiên đó là tấm thiệp do thầy trò Trường tiểu học Trần Quốc Toản - Hà Nội làm với thiện chí tặng những người nghèo trong dịp Tết. Ông Tuyển đã mua nó với giá 600 triệu đồng trong đêm hội từ thiện 31/12/2003 trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem truyền hình. Sau sự kiện này, có người hỏi ông: Phải chăng, vì hiếu thắng mà ông đã “bị hớ” trong vụ bán đấu giá đó?

Ông trả lời: “Hôm đó tôi không muốn thắng và tôi cũng không quan niệm có thắng thua trong sự kiện này. Nhưng nếu làm được một việc gì đó để khơi dậy phong trào vì người nghèo thì tôi sẵn sàng hết mình. Tôi nghĩ rằng nếu các đầu cầu kia muốn thắng tôi sẽ nhường và cũng vẫn gửi tặng UBMTTQ Việt Nam một số tiền tương đương. Đã từng trải qua một thời kỳ hàn vi, tôi chia sẻ và thông cảm với những khó khăn của người nghèo. Tôi cám ơn hàng trăm em bé của trường Trần Quốc Toản. Các em còn nhỏ mà đã biết suy nghĩ giúp đỡ một bộ phận cộng đồng còn rất nghèo khó'.

Không ai còn nghi ngờ về sự giàu có của ông Tuyển, nhưng ông không muốn nói nhiều về điều đó. Ông cho rằng, điều quan trọng hơn, ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 10.000 công nhân. Cùng với họ là gia đình và những người thân có cơ hội thoát nghèo. Trước khi được khán giả cả nước biết đến qua sự kiện tấm thiệp 600 triệu đồng, ông Tuyển đã đầu tư xây 150 căn nhà cho người nghèo và nhiều hoạt động từ thiện khác. Đó là chưa kể đến hơn một ngàn hộ dân trên đảo Tuần Châu và những vùng lân cận có cơ hội thoát nghèo nhờ những công trình đầu tư của ông. Xin chúc cho ông trẻ mãi không già để làm được nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xoá đói giảm nghèo của đất nước.

Người giàu nhất Việt Nam 2009 Đào Hồng Tuyển: 10000 tỷ đồng?

Cách đây ba năm, đặc phái viên của báo Le Figaro ở Hà Nội đã gửi về bài phóng sự “những nhà tỷ phú đầu tiên của Việt Nam”. Đi kèm với bài báo là tấm ảnh chụp vịnh Hạ Long nơi mà người giàu nhất Việt Nam đã biến đảo Tuần Châu thành khu du lịch vĩ đại, đón tiếp khoảng 5 triệu du khách trong năm 2005. Nhà báo Le Figaro cho rằng lâu đài của ông Tuyển ở Tuần Châu được sao chép rất trung thành từ tòa nhà trắng ở Washington.

Với ông, sự giàu có, nổi tiếng và tai tiếng dường như luôn đồng hành. Chỉ có điều, sóng gió của cuộc đời, sóng gió của thương trường, và cả sóng gió dư luận dường như không thể quật ngã ông.

Không những thế, dường như sau mỗi lần sóng gió, ông lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ hơn. Ở ông người ta luôn cảm thấy một nguồn năng lượng không bao giờ cạn.

Cựu chiến binh thành "Chúa đảo Tuần Châu"

Trong giới làm ăn, có thể nói ai cũng biết đến ông Tuyển. Điều đơn giản, ông là người làm được những việc phi thường mà chỉ có những người trong giới mới cảm nhận được sự vĩ đại của ý chí, sự sung mãn của nghị lực và sự rủng rỉnh của tiền bạc.

Chỉ tính riêng với dự án Tuần Châu, ông Tuyển đã cho xây cất hơn 100 cây số đường xá, trong đó có hơn 2 cây số đường nối liền hòn đảo với đất liền, đây có lẽ là con đường vượt biển dài nhất đông nam Á. Ông Tuyển cũng đã cho xây cất nhiều khách sạn rất sang trọng, 200 biệt thự theo kiến trúc thuộc địa Pháp và nhiều khu giải trí. Cùng với đó là bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam, bến phà, golf, khu đô thị...

Tuy nhiên, sự kiện được công chúng cả nước biết đến ông Tuyển là vào ngày 31/12/2003, trong đêm hội từ thiện được truyền hình trực tiếp, trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem truyền hình. Ông Tuyển đã mua tấm thiệp xuân với giá 600 triệu đồng để ủng hộ những người nghèo.

Sau sự kiện này, cùng với sự thành công của khu du lịch Tuần Châu, tên tuổi ông không chỉ có giới truyền thông mới biết đến mà cả những đứa trẻ trong những con hẻm đều biết đến ông. Xung quanh ông người ta kể không biết bao nhiêu là huyền thoại.

Chuyện không chỉ thuần túy ở trong nước, mà thậm chí đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Nhà báo này viết: “cách đây 30 năm ông Tuyển là anh hùng của sư đoàn 125 vận chuyển hàng tấn đạn dược từ Bắc vào Nam để làm cho quân đội Mỹ bị ngã quỵ. Nhưng ngày nay là cựu chiến binh nặng 2 tỷ đô la Mỹ, đang háo hức đón chờ vốn của Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam… Đối với ông Tuyển, 1000 năm chống Trung Quốc, 100 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ đó là chuyện quá khứ; còn hôm nay với ông rửa nhục là đất nước ông phải phát triển và giàu có…”

Một đồng nghiệp của tôi đã có một vài lần xuất ngoại cùng ông Tuyển kể lại: Khi xuất trình hộ chiếu qua cửa khẩu, hầu như nhân viên hải quan nào cũng biết đến tên tuổi ông. Ở đời, được “vua biết mặt, chúa biết tên” là điều không dễ. Với ông Tuyển, chuyện được các lãnh đạo cao cấp nhà nước biết đến đã là điều vinh hạnh lắm rồi. Còn chuyện những nhân viên hải quan biết đến khi ông có dịp xuất ngoại thật là không phải ai cũng có vinh dự ấy.

"Chúa đảo" bị cơ quan an ninh cho “nhập kho”?

Vào thời điểm tháng 7 năm 2005, khi ngồi uống cafe trên đường Lý Thường Kiệt, tôi được một đồng nghiệp thông báo: ông Đào Hồng Tuyển sắp bị bắt. Tôi cho rằng, chuyện đó không có cơ sở. Anh bạn đồng nghiệp cho biết: Sau chuyến tháp tùng Thủ tướng đi Mỹ, ông Tuyển đang bị cấm xuất cảnh, vấn đề bị bắt chỉ là thời gian.

Anh cũng cho biết thêm, nguồn tin mà anh nắm được là rất đáng tin cậy, từ “cơ quan điều tra!”. Để thẩm định lại thông tin đó, tôi rút máy di động gọi cho ông. Ông cho biết, vừa đặt chân xuống sân bay Pochenton, đang đi tháp tùng thủ tướng thăm Campuchia. Những gì diễn ra sau đó đã chứng minh tin đồn kia là không có cơ sở.

Tưởng như thế cũng đã là quá lắm rồi, đến thời điểm cuối tháng 10/2006, giới doanh nghiệp ở Hà Nội và TP. HCM lại bàng hoàng trước thông tin: Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc, Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân đã bị cơ quan công an đưa vào "tầm ngắm". Việc bắt giữ ông Tuyển chỉ còn là thời điểm nào mà thôi!.

Chưa hết, nguồn tin được tung ra còn có vẻ rất logíc là Công ty Âu Lạc hiện đang vay vốn từ một ngân hàng trong hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp VN khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng một số công trình không có khả năng sinh lời dẫn đến nợ quá hạn mất khả năng cân đối tài chính, nguy cơ phá sản.

Ông Tuyển tham gia nhiều chương trình ủng hộ người nghèo do MTTQ Việt Nam phát động, nhưng không chuyển tiền ở Thủ đô Hà Nội. Nhiều "đại gia" trong bia, rượu, tiệc tùng cũng thao thao cá độ: "Chúa đảo" hiện đã bị cơ quan an ninh cho “nhập kho”...

Để kiểm chứng lại tin này, chúng tôi lại gọi điện thoại, cũng như những lần trước, lần này, ông Tuyển đang có mặt ở Hàn Quốc. Chuyện “nhập kho” như tin đồn hôm đó cũng chỉ là những chuyện tầm phào mà người ta liên tưởng đến một nhân vật bóng gió nào đó trên bộ phim truyền hình nhiều tập.

“Chúa đảo” với “chân dài”

Tin đồn về chuyện nợ nần chưa xong, ông lại dính đến chuyện nhạy cảm khác: quan hệ với một “chân dài” trong đường dây gái gọi cao cấp của Hiền “chèo”. Đây không phải là tin đồn nữa mà là lời khai của một đối tượng trong đường dây gái gọi và cơ quan công an đã đi xác minh...

Khi cơ quan điều ra vào cuộc, lấy thông tin từ các chứng lý sống, được biết những ngày đó ông Đào Hồng Tuyển không có mặt ở Tuần Châu. Ông Tuyển với đoàn khách đó không có bất kỳ mối quan hệ nào. Tất cả hàng chục con người ấy đều trả lời không biết ông Tuyển.

Thế nhưng tai tiếng vẫn cứ đến với ông. Có lẽ đó là cái giá phải trả rất đắt của sự nổi tiếng.

Người giàu nhất Việt Nam

Vào thời điểm hoàng kim nhất của thị trường chứng khoán, với những doanh nghiệp đã được niêm yết trên sàn, cùng với các bản cáo bạch được in công khai, không khó khăn lắm trong việc xác định được ai là người giàu nhất Việt Nam, tất nhiên là trên sàn.

Theo số liệu được cung cấp vào tháng 1/2007, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty FPT được coi là người giàu nhất với tổng tài sản lên tới 2.354 tỷ đồng.

Giới thạo tin cho rằng, với một xã hội hiện còn chưa cởi mở như Việt Nam, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Những con cá kình về tài sản vẫn còn ẩn hiện đâu đó. Không ít lâu sau, khi thị trường trượt dài cùng với đà suy thoái toàn cầu, tài sản của những người giàu trên thị trường chứng khoán lại liên tục bị bốc hơi. Không chỉ là vài ba chục phần trăm mà thậm chí là hơn hai phần ba. Lý do đơn giản, vào thời hoàng kim, thị trường chứng khoán VN leo đến 1.170 điểm, còn vào thời thảm hại nó chỉ còn 230 điểm.

Chính trong những thời điểm khó khăn đó, tôi đã gặp ông Tuyển ở Hà Nội. Hỏi thăm: dạo này thế nào, công việc ra sao? Ông cho biết: lúc này đây, mới là lúc ai là người làm thật và có tiền thật. Cũng chính tại thời điểm đó Tập đoàn Tuần Châu của ông đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án khu du lịch sinh thái Tuần Châu- Hà Tây với diện tích 254 ha với tổng mức đầu tư 5 ngàn tỷ đồng.

Song song với dự án đó, ông Tuyển cũng gấp rút hoàn thành dự án bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam và tuyến phà Tuần Châu – Cát Bà với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án này đã được khánh thành hôm 01/04/2009, nhân Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm đảo Tuần Châu và làng cá Cát Bà (01/4/1959 – 01/4/2009).

Trao đổi với anh Trần Liên, cán bộ của tập đoàn Tuần châu, anh cho biết: Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển làm chủ tịch hiện có 14 công ty. Trong đó, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh có vốn điều lệ: 700.000.000.000 đồng. Kết quả thẩm định giá của công ty này ngày 26/12/2008 do Công ty định giá và dịch vụ tài chính- Bộ tài chính định giá là: 5.007.290.000.000đồng (Hơn năm nghìn tỷ đồng). Công ty CP T&H Hạ Long (tại đảo Tuần Châu) vốn điều lệ: 500.000.000.000 đồng. Kết quả thẩm định giá của công ty này ngày 19/6/2008 do Công ty định giá và dịch vụ tài chính-Bộ tài chính định giá là: 5.070.000.000.000 đồng (Hơn năm nghìn tỷ).

Cùng với đó là 12 công ty khác, vốn điều lệ đều trên dưới trăm tỷ cả. Tất cả đều đang hoạt động một cách bình thường có hiệu quả, bất chấp những tác động không thuận lợi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với các nhà thầu và một vài tổ chức tín dụng thì mấy chục tỷ chỉ là con số lẻ.

Chuyện ông là tỷ phú đô la vào thời điểm này cũng là điều không thể phủ nhận. Để đạt được vị thế đó, cái giá phải trả không hề nhỏ chút nào. Và những ai đã chứng kiến cuộc sống thường nhật của ông đều nhận thấy ở ông vô cùng giản dị, ông vẫn là một người lính với đầy tố chất, và người đời vẫn nói về ông như một nhân vật huyền thoại.

Theo Bee.net.vn

Đặng lê nguyên Vũ - Giấc mơ từ làng quê nghèo

Giấc mơ từ làng quê nghèo
Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên. "Tôi có thể nói không sợ quá lời rằng sự xuất hiện của Trung Nguyên đã mang lại một không khí thưởng thức cà phê mới tại Việt Nam, và ở nhiều nơi trên thế giới giờ đây nói đến cà phê Việt Nam là người ta đều biết tới thương hiệu Trung Nguyên.

Tuổi thơ thời đi học của tôi là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.

Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quị vì lội bộ. Năm tôi vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học.

Năm 1990, tôi thi đậu Đại học Y khoa Tây nguyên; từ xã Madrăk hẻo lánh, mẹ tôi phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Những ngày học ở trường y, lúc nào tôi cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y chúng tôi đã quên lời thề Hippocrate. Xót xa quá! Và với tôi, cách tốt nhất không vi phạm lời thề là... bỏ nó luôn, làm việc khác. Nhưng làm gì đây?

Làm gì ở tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng luôn thiêu đốt tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời, không thể nghèo mãi được. Mẹ tôi lam lũ quanh năm đầu tắt mặt tối, suốt ngày mặt người lẫn trong ruộng rau lang, chiếc nón cũ hiếm khi rời khỏi đầu. Tôi luôn hình dung lại được cảnh mẹ tôi nặng nhọc bưng từng chồng gạch, hay tất tả chạy ra ruộng rau lang hái đọt non đem bán kiếm miếng ăn cho cả nhà.

Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo khổ của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà thì mẹ tôi vừa vui vừa lo. Vui vì có con trai về thăm nhà và lo vì khi tôi rời nhà, bà cụ phải chạy vạy một hai trăm ngàn cho tôi làm lộ phí đến trường. Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!

Tôi ở trọ tại Buôn Ma Thuột và làm công luôn cho nhà trọ này: làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy... Ngày còn bé ở làng, tôi đã thạo hết những việc này.

“Đạp tung giường chiếu hẹp”

Tôi luôn nghĩ về những người trồng cà phê, làm vườn lam lũ như bố mẹ tôi. Tôi biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao người trồng cà phê lại rất nghèo. Nhưng người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ tôi, không lời thở than. Tôi không chịu được vậy. Nghĩ tới sự cam chịu là huyết quản tôi sôi sùng sục. Miếng ăn lúc đó đối với tôi không quan trọng bằng suy nghĩ phải sống như thế nào.

Mẹ tôi đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo tôi... không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng.

Tôi ra bến xe đi vào Sài Gòn với một mảnh giấy nhỏ ba tôi ghi tên người chú và địa chỉ nhà ở khu vực Tạ Thu Thâu. 6 giờ sáng, đến bến xe miền Đông, trong túi tôi còn đúng 20.000 đồng. Gọi một ly cà phê vỉa hè 2.000 đồng, tôi ngồi nhâm nhi và mở to mắt nhìn Sài Gòn cho biết. Thành phố to quá, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi có cảm giác mình đã bước sang một thế giới hoàn toàn khác...

Quay lại giảng đường Đại học!

Chú tôi người Đà Nẵng, vào sống ở Sài Gòn đã lâu. Tôi chưa từng gặp mặt ông và dĩ nhiên ông cũng không thể biết có một đứa cháu là tôi. Mãi đến trưa chú tôi vẫn chưa về. Mệt, đói và buồn ngủ khủng khiếp. Tôi chỉ còn hơn 10.000 đồng, không thể phung phí được. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm lại cái góc nhà nơi mình đã ngồi lần đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn.

May sao quá trưa thì có người bà con từ Đà Nẵng vào. Thím tôi báo vụ việc với người bà con và tôi được gọi vào nhà. Việc đầu tiên là đánh một giấc tới xế chiều. Mở mắt ra đã thấy chú tôi đợi sẵn. Hai chú cháu hàn huyên tâm sự. Tôi bày tỏ nỗi lòng của mình: một, quyết đi không trở lại; hai, việc gì cũng làm; ba, phải đổi đời. Tôi kể với chú những điều tôi nung nấu. Về chuyện nghèo là nhục. Về chuyện ba tôi bệnh mà cả dòng tộc không thể đào đâu ra đủ 2 triệu đồng…

Chú tôi nghe tất cả nhưng rồi “gút”: “Tất cả những điều cháu nung nấu đều đúng nhưng không phải lúc này. Việc lúc này là học cho xong cái đã”. Cuối cùng ông hứa: học cho xong đi rồi xuống Sài Gòn ông giúp cho làm ăn. Còn trước mắt cứ ở chơi, chừng nào chán thì về. Tôi ở đúng 10 ngày thì đầu óc dịu lại, nghĩ đến việc phải về tiếp tục học.

Hôm về, chú mua cho vé máy bay. Lần đầu tiên bay lên bầu trời, tôi đã sớm có mơ ước được bay đi khắp thế giới. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy chuyện trần gian khổ nhọc sao mà nhỏ bé, tôi thấy bình tâm hơn trước dù những khao khát vẫn đang sùng sục trong huyết quản. Tôi trở lại giảng đường đại học để bắt đầu con đường riêng.

Lận đận trong khởi nghiệp

Tôi có ba đứa bạn rất thân cùng phòng trọ. Có lẽ là đứa nghèo nhất trong đám nên tôi cũng là người sùng sục trước nhất về chuyện phải làm ra tiền, phải làm giàu. Tôi nghĩ: Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu? Bốn thằng chúng tôi cùng chia sẻ suy nghĩ này và hùn tiền lại mua một lò rang cà phê.

Thuận lợi của chúng tôi lúc đó là trong trường có đông sinh viên tứ xứ nên qua họ chúng tôi biết được nơi nào có cà phê ngon. Ở Tuy Hòa có một quán cà phê rất ngon nên ngày nghỉ chúng tôi đi xe đến để hỏi dò bí quyết nơi bà chủ quán. Khi chúng tôi trình bày lý do và nguyện vọng của mình, bà chủ quán thật sự cảm thông với mấy thằng sinh viên khố rách áo ôm. Đêm đến, trở về Buôn Ma Thuột trong chuyến xe khuya, chúng tôi có trong tay bí quyết rang xay cà phê ngon của bà chủ quán tốt bụng.

Ngày khai trương lò rang cà phê, chúng tôi cũng tổ chức cúng để lấy hên, nhưng khi vừa cúng xong thì người bà con của ông chủ nhà về đã hất đổ mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện. Chúng tôi đành phải chuyển lò rang đi nơi khác. Lò quay bằng tay, đốt bằng củi, hôm nào rang cà phê, bên dưới là mấy thằng ngồi học bài trên cái gác gỗ như bị nướng trong lò bát quái. Có vài vị hàng xóm sợ có ngày chúng tôi sẽ thiêu rụi nhà họ nên đi báo công an. Thế là một lần nữa lò rang của chúng tôi đành phải dẹp.

Nhưng cũng có người giang tay với chúng tôi. Chúng tôi nhận về mỗi lần vài ba ký, rang, xay, đóng gói và chia nhau đi bỏ mối ở các quán. Sau đó thu tiền lại, trả và mượn tiếp vài ký khác. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên lúc đó là một mũi tên chĩa thẳng lên trời. Hình ảnh đơn giản ấy đã chứa trong đó biết bao khát vọng của tôi.

Thế rồi thương hiệu cà phê Trung Nguyên của nhóm “mấy thằng sinh viên khùng khùng” chúng tôi bắt đầu được chú ý và đã có khách uống cà phê ưa chuộng. Chúng tôi biết tuyển những hạt ngon để làm ra những phin cà phê đậm đà, thơm lừng. Năm 1996, chúng tôi quyết định “bung ra”. Khi “hãng” cà phê Trung Nguyên khai trương bảng hiệu ở cây số 3 (thành phố Buôn Ma Thuột) thì dân cư ở đây ai cũng phì cười trước cái “tổng hành dinh” ọp ẹp phát khiếp ấy! Toàn bộ bảng hiệu của “hãng” đều do chúng tôi bò ra tự vẽ, tự sơn phết cả đêm để kịp sáng mai khai trương. Mà khách hàng ngày khai trương không ai khác chính là những người bạn sinh viên học cùng trường, cùng lớp đến uống chung vui với chúng tôi.

Đó là một sự kiện trọng đại trong đời tôi và lịch sử phát triển của thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ngồi trong cái hãng nhỏ bé đáng tự hào của mình ở phố núi, tôi căng mắt nhìn về hướng Sài Gòn.

Trận đầu trong chuyến “viễn chinh” của chúng tôi đến Tp.HCM thảm bại hoàn toàn. Ngồi trên đống đổ nát mà mình dày công gầy dựng và qua đêm ở công viên với những người bạn, tôi cố gắng để không bị sụp đổ lòng tin và vẫn mãnh liệt nghĩ về ngày mai.

Chúng tôi biết Sài Gòn là mảnh đất đầy tiềm năng để kinh doanh cà phê nhưng hiểu rằng mình chưa đủ sức. Kế hoạch mới của chúng tôi là sẽ mở các điểm kinh doanh ở miền Tây, lấy vùng nông thôn rộng lớn này làm hậu thuẫn cho việc kinh doanh của mình để từ đó làm “bàn đạp bao vây” tiến về Sài Gòn.

Chúng tôi tìm được một đối tác ở Long Xuyên để mở lò rang xay chế biến, phân phối cà phê tại miền Tây. Nhưng chỉ sau một vài tháng, cuộc “hôn phối” vụng về này thất bại hoàn toàn. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất trận ê chề khi lục tục cuốn gói với lỉnh kỉnh những lò cà phê quay tay cũ kỹ, ly tách, phin, muỗng... Sự thất bại này giúp tôi rút ra được một bài học: hợp tác làm ăn phải đồng thuận về tư tưởng, về phương thức kinh doanh, và quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.

Tôi còn nhớ sau khi dọn hết đồ đạc ở Long Xuyên về Sài Gòn, một người bạn chạy chiếc Honda Dame già cỗi đến đón tôi. Chạy đến công viên Bách Tùng Diệp (ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng, Q.1) thì chiếc xe già gãy làm đôi! Tôi không bao giờ quên hình ảnh chúng tôi qua đêm ở công viên. Mỗi lần đi ngang nơi này, tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc của sự thất bại ở Long Xuyên và tình bạn ấm áp dưới gốc đa của buổi tối ngày nào.

Thất bại ở Long Xuyên làm chúng tôi cạn kiệt hoàn toàn về vốn liếng, công việc kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều bế tắc, chỉ cầm cự từng ngày. Vốn liếng đâu để tiếp tục duy trì công việc kinh doanh? Lúc đó, chúng tôi có một người bạn thân đã đi làm và dành dụm mua được một chiếc xe Dream. Thời điểm đó chiếc xe là cả một tài sản lớn của anh. Vậy mà chúng tôi dám ngỏ ý mượn xe đem bán làm vốn kinh doanh. Chúng tôi đặt vấn đề: cho mượn thì coi như đã mất và nếu thành công thì chúng tôi trả lại. Người bạn đồng ý.

Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quí giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay.

Từ một quán cà phê miễn phí

Tại thời điểm chúng tôi bắt đầu thăm dò thị trường Sài Gòn, mỗi hãng cà phê đều tài trợ cho một quán kha khá khoảng 5 triệu đồng/tháng - quá hớp đối với tài sản chúng tôi đang có chỉ là chiếc xe máy. Chúng tôi đi tìm những điểm bán cà phê nổi tiếng để học hỏi, tìm hiểu bí quyết chế biến rang xay cà phê ngon và được họ “trải lòng” rất đơn giản - bí quyết chỉ có mấy chữ: 10 triệu đồng.

Ngày 20/8/1998 đi vào lịch sử của cà phê Trung Nguyên khi chúng tôi khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) với hình thức phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Và đó là cú đột phá lịch sử với dân khoái uống cà phê Sài Gòn khi lần đầu tiên có một quán cà phê miễn phí. Có một ông khách khoảng 60 tuổi đến uống và nói với tôi: “Tui uống cà phê ở Sài Gòn đến từng này tuổi nhưng đây là lần đầu tiên được uống cà phê không phải trả tiền”.

Quán đông nghịt suốt ngày đêm vì người ta truyền miệng nhau. Chúng tôi và mấy người bạn phục vụ suốt ngày đêm đến nỗi nói không ra tiếng mà trong lòng thì vui không thể tả. Chúng tôi đã định hình Trung Nguyên là quán cà phê mà khách hàng có thể mua hàng, uống cà phê đối chứng bằng cách đưa ra rất nhiều loại cà phê để khách chọn lựa và hướng dẫn cách thưởng thức cà phê “theo kiểu Trung Nguyên”.

Điều khác biệt nhất của Trung Nguyên đối với tất cả các quán cà phê tại thời điểm đó là chúng tôi giúp cho khách hàng thấy được “chất” của cà phê, thấy được sự khác biệt đặc trưng giữa cà phê Robusta và Arabica, giữa Culi Robusta và cà phê Sẻ, cà phê Chồn...

Quán cà phê này vẫn duy trì hoạt động ở địa điểm cũ nhưng chắc ít ai biết chính từ quán cà phê đầu tiên này chúng tôi đã phát triển lên đến con số 500 quán cà phê tại Việt Nam như hiện nay và tiếp tục mở những quán cà phê Trung Nguyên khác tại nước ngoài.

Tặng cà phê cho Thủ tướng!

Khi còn đi vay cà phê để rang, chúng tôi đã dám bỏ tiền ra đăng ký tham gia một hội chợ ở Nha Trang. Bao nhiêu tiền lời chúng tôi làm ăn được đều dồn hết cho cú tiếp thị đầu đời này. Hễ có cơ hội là chúng tôi tìm cách giới thiệu cà phê của mình. Năm 1995, nghe tin Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với tỉnh Đắc Lắc, tôi nghĩ ngay: phải giới thiệu cho được cà phê Trung Nguyên của mình với Thủ tướng.

Nhưng tiếp cận thủ tướng để tặng một bịch cà phê là điều không tưởng. Lần nào mon men tiếp cận cũng bị bật ra. Không bỏ cuộc, tôi chuyển sang… tặng những gói cà phê này cho các anh cảnh vệ, với lời nhắn là “quà của nhóm sinh viên Đại học Tây Nguyên kính tặng Thủ tướng”. Sau này có dịp ngồi tiếp chuyện bác Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), tôi nhắc lại kỷ niệm đó và hỏi là bác có nhận được quà không, ông chỉ cười...

Trung Nguyên còn có thể mở rộng diện ra hơn nữa nhưng lúc này chúng tôi sẽ tập trung vào việc kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù nhượng quyền nhưng mục tiêu của Trung Nguyên vẫn là khẳng định tính đồng nhất: mỗi ly cà phê Trung Nguyên dù bạn thưởng thức tại Thành phố Hồ Chí Minh hay ở thị trấn sông nước Năm Căn hoặc trên phố núi Sa Pa đều có chất lượng, hương vị như nhau..."

Mai Hương Nội - Vincom


(Dân trí) - “Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, CEO là thứ (hay là nghề) chỉ có thể học được chứ… không dạy được” - Chị Mai Hương Nội, Tổng Giám đốc Vincom đã chia sẻ với chúng tôi sau “niềm vui kép” được nhận “Giải thưởng Doanh nhân ASEAN” và Vincom nhận giải thưởng Sao vàng Đất Việt...

Chúc mừng chị nhân dịp chị nhận được “Giải thưởng doanh nhân ASEAN” và Vincom được nhận “Sao vàng đất Việt 2007”!

Quả thực tôi rất thú vị khi nhận được “niềm vui kép” này trong tháng 10. So với thành tựu mà Vincom đạt được sau một thời gian ngắn xây dựng và phát triển, tôi nghĩ, việc bình xét và trao cho Vincom những vinh dự trên là xứng đáng.

Riêng với “Giải thưởng doanh nhân ASEAN”, dù là trao cho cá nhân, nhưng tôi nghĩ, mình chỉ là người đại diện đứng lên nhận giải. Giải thưởng thuộc những “Người Vincom” trong đó có tôi và các đồng sự, cộng sự…

Nói như chi, có vẻ Vincom là một tập thể đoàn kết và có tính tập thể rất cao...

Đoàn kết thì tất nhiên, tính tập thể cũng vậy… nhưng trách nhiệm tập thể thì không.

Ở Vincom, sự phân công phân nhiệm rất rõ ràng nên quyền lợi, trách nhiệm cá nhân cũng rất cụ thể. Hơn nữa, hầu hết các CBNV ở Vincom đều là những người trẻ và được đào tạo khá bài bản nên họ có cách làm việc chuyên nghiệp, khả năng nhập cuộc, làm việc nhóm tốt và bên cạnh đó luôn là khả năng tự vận động và tự chịu trách nhiệm.

Hình như chị là người không thích nói riêng về mình?

Không hẳn vậy, nhưng thực tình tôi muốn nói đến cái gì đó rộng hơn tôi mà trong đó có tôi.

Thưa chị, từ một Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng của Bưu điện Hà Nội (một doanh nhiệp Nhà nước) chuyển sang làm CEO cho một công ty tư nhân “có sừng có mỏ”, theo tôi là rất khó. Chị đã làm gì để thành công?

Từ nhà nước chuyển sang thì cũng có cái hay riêng của nó chứ!

Bảo tôi đã làm gì thì… kể làm sao được! Còn để làm được vị trí CEO tại Vincom, có lẽ điều quan trọng nhất là ở đó tôi có được “nhân hoà”. Tôi hay có một triết lý rằng, có thể có rất nhiều người, nhiều nơi cần mình nhưng sẽ không có nhiều người, nhiều nơi tin mình.

Ở Vincom, các lãnh đạo (những người mời tôi về đây) đã tin tưởng giao trọng trách cho tôi và tôi cũng đã có được lòng tin từ các nhân viên, các cộng sự.

Việc chuyển sang một lĩnh vực mới, một môi trường mới, tất nhiên là sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chính đó lại là một động lực cho mình vươn lên. Còn chưa biết thì phải học thôi, học gấp!

Nhưng “thiên hạ” đồn, chị là người nghiêm khắc và nhân viên của chị nói về chị cũng… đầy khoảng cách!

Nghiêm khắc là điều cần thiết trong công việc. Còn “khoảng cách” thì tôi nghĩ là không phải. Ở Vincom, chúng tôi tôn trọng nhau và chúng tôi xác định là “những người làm thuê chuyên nghiệp”.

Như chị đã biết, trong môi trường kinh doanh hiện đại, vai trò của các CEO là rất lớn... Còn chị, chị đánh giá thế nào về vai trò CEO của mình ở Vincom?

Tôi không muốn đánh giá và thú thực cũng… chẳng biết đánh giá như thế nào. Thôi thì cứ nỗ lực làm việc, nỗ lực học hỏi. Để quản lý, điều hành một doanh nghiệp lớn tại một lĩnh vực kinh doanh nhiều “nhạy cảm” là BĐS cao cấp như Vincom quả không phải dễ.

Nhưng “ơn trời” Vincom phát triển cũng khá tốt, chúng tôi vừa tăng vốn lên 800 tỷ VNĐ lại vừa niêm yết cổ phiếu trên Sàn GDCK TPHCM và cổ phiếu… cũng khá sốt! Năm 2007 là năm chúng tôi đạt được nhiều thành tựu nhưng theo tôi, bước đột phá của Vincom còn đang ở phía trước.

Từ năm tới, chúng tôi sẽ có hàng loạt các dự án mới với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Vạn sự khởi đầu nan… vì thế, tôi nghĩ ở cương vị là một trong những người lãnh đạo tôi sẽ phải cố gắng từng ngày.

Thế còn quan điểm của chị về nghề CEO. Và liệu chị có muốn có một thương hiệu CEO Mai Hương Nội?

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, CEO là thứ (hay là nghề) chỉ có thể học được chứ không dạy được. Có đầu óc bao quát, tính toán; có tư duy lãnh đạo, biết chia sẻ, biết chịu trách nhiệm thôi chưa đủ… anh còn cần có sự nhạy cảm và… rất nhiều thứ khác đòi hỏi anh phải thật sự sáng tạo. Mà sáng tạo thì không ai giống ai, không ai có thể dạy ai được...

Những thứ mà người khác dạy anh thì đó cũng chỉ mang tính chất nguyên lý hoặc để… tham khảo thôi. Nếu rập khuôn như người ta thì… hỏng là cái chắc.

Còn hỏi tôi muốn có một thương hiệu CEO không ư? Muốn chứ! Nhưng đây không phải là chuyện “khi ta cần là có, khi ta muốn là được” mà muốn thì phải thực sự cố gắng. Cố gắng, nỗ lực một cách khoa học và bài bản, có quá trình… như vậy mới bền vững.

Xin cám ơn chị!

Ceo quốc tế: Steve Ballmer, Microsoft


Steven Anthony Ballmer (sinh ngày 24 tháng 3, 1956 tại Detroit, Michigan) là một doanh nhân người Mỹ và là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Microsoft từ tháng 1 năm 2000. Ballmer là người đầu tiên trở thành tỷ phú (đô la) theo giá trị cổ phiếu thu được với vai trò là nhân viên của một tập đoàn mà ông ta không phải là người sáng lập hay là họ hàng của người sáng lập. Trong Bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới năm 2007 của Tạp chí Forbes, Ballmer được xếp là người giàu thứ 31 trên thế giới, với tài sản ước tính trị giá 15 tỷ Đô la Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp trường Harvard với tấm bằng về toán học và kinh tế, Ballmer làm việc hai năm ở công ty Procter & Gamble với vị trí trợ lý giám đốc sản phẩm trước khi ghi tên vào trường Đại học Kinh doanh Stanford để lấy tấm bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh. Ông bỏ học ở Stanford một năm sau đó khi Bill Gates thuyết phục ông làm việc ở Microsoft. Ballmer trở thành nhân viên thứ 24 của Microsoft vào tháng 6 năm 1980, giám đốc kinh doanh đầu tiên Gates mướn. Thoạt đầu ông được đề nghị mức lương $50.000 cùng với một tỷ lệ sở hữu trong công ty. Khi Microsoft trở thành tập đoàn năm 1981, Ballmer đã sở hữu 8% công ty.

Ballmer từng là trưởng một số bộ phận ở Microsoft, bao gồm Bộ phận Phát triển Hệ điều hành, Bộ phận Điều hành, và Bộ phận Bán hàng và Hỗ trợ. Tháng 7 năm 1998, ông được đề bạt làm chủ tịch, và ngày 13 tháng 1 năm 2000, ông trở thành giám đốc điều hành khi Gates rời bỏ chức vụ đó.

Trong khi Gates vẫn duy trì việc quản lý phần công nghệ, Ballmer chịu trách nhiệm tài chính cho công ty. Năm 2003, Ballmer bán 8,3% cổ phần, chỉ để lại 4% khoản góp vốn trong công ty. Cũng năm đó, Ballmer thay đổi chương trình bán cổ phiếu cho nhân viên, chương trình đã tạo ra những triệu phú nhân viên, bằng chương trình trợ cấp cổ phiếu (stock grant program).

Hiện nay, Ballmer là nhân viên phục vụ lâu nhất trong Microsoft chỉ sau Gates. Ballmer đã kết hôn với Connie Snyder (cũng là nhân viên Microsoft) và có ba con.

Ballmer nổi tiếng với khuynh hướng thể hiện bản thân một cách ồn ào và nồng nhiệt. Một biến cố nổi tiếng vào năm 1991 đã khiến dây thanh quản của ông phải cần tới sự giúp đỡ của bác sĩ khi ông la lớn "Windows, Windows, Windows" liên tục trong một cuộc gặp mặt ở Nhật. Với đỉnh cao của truyền hình Internet hiện nay, những sự cố như vậy trở nên nổi tiếng một cách nhanh chóng.

Cảnh phim mô tả Ballmer trong lúc đăng đàn tại những sự kiện của Microsoft được lan truyền rộng khắp trên internet, trở thành những thứ được gọi là "đoạn phim virus" (viral videos). Cảnh phim nổi tiếng nhất với tựa đề phổ biến "Con khỉ nhảy múa" (Dance Monkeyboy), quay cảnh Ballmer đang nhảy nhót và la hét trên sân khấu trong khoàng 45 giây sau khi được giới thiệu trong hội nghị nhân viên. Một đoạn phim khác, được quay ở hội nghị các nhà phát triển chỉ vài ngày sau đó, có cảnh Ballmer người ướt sũng mồ hôi đang nói như cầu kinh từ "developer", ít nhất 15 lần, trước những người đang xem với thái độ hoang mang.

Ballmer còn được biết đến như một người luôn chỉ trích những công ty và sản phẩm cạnh tranh của họ. Ông đã so sánh hệ thống phần mềm Linux miễn phí như là "[...] một căn bệnh ung thư bám chặt vào mọi thứ nó chạm tới." và trước đó đã mô tả nó có "[...] những đặc tính của chủ nghĩa cộng sản mà mọi người mê muội về nó." Vào năm 2004, ông đã có phát biểu được đưa lên những hàng tít đầu khi cho rằng định dạng âm nhạc phổ biến nhất trên iPods là "đồ ăn cắp".[6] Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune, khi được hỏi có sử dụng iPod không, ông đã trả lời "Không, tôi không xài. Và những đứa con tôi cũng vậy. Các con tôi cũng có nhiều lúc cư xử không đúng mực như bao đứa trẻ khác. Nhưng ít nhất có một nguyên tắc chúng cần tuân theo: Không sử dụng Google, không dùng iPod."

CEOVN - Hoàng Khải - Khaisilk


Cái tên "Khải Silk" đã vững vàng trên thương trường hơn 20 năm nay. Mỗi loại hình kinh doanh của Khải Silk đều đứng độc lập với nhau nhưng nghệ thuật là sợi dây kết nối dẫn đến thành công.

Thành công mang lại vinh quang cho người biết tạo ra nó

- Dù nghệ thuật hỗ trợ kinh doanh, nhưng 17 năm học Nhạc viện là con số không nhỏ. Có thể lí giải cuộc đầu tư này là một sự... nông nổi của anh, nhất là khi đem nó ra so sánh với những cuộc đầu tư thương mại có mục đích rất rõ ràng của tập đoàn Khải Silk sau này?

- Không, đó là một quyết định chứ không phải một sự nông nổi. Ba tôi là nhạc sĩ và ông muốn tôi đi theo con đường âm nhạc. Theo định hướng của ba tôi học, nhưng khi lớn lên tôi lại thấy kinh doanh lại hấp dẫn hơn âm nhạc, nhất là khi mẹ tôi là một doanh nhân rất nhạy bén với thương trường. Điều quan trọng nữa là, qua ba và mẹ tôi hiểu: thành công trong âm nhạc hay kinh doanh đều mang lại vinh quang cho người biết tạo ra nó.


- Thử hình dung: nếu đi theo con đường âm nhạc thì liệu anh có thành công như đang thành công với kinh doanh?

- Bộ môn tôi học là contrebasse, nằm trong dàn nhạc và không độc tấu được. Chính vì nó mang tính chất "chúng ta" hơn là "tôi", nên tôi không biết được cá tính của mình đến đâu. Tuy nhiên, tôi quan niệm bất kể ngành nghề, bộ môn nào trong cuộc sống đều có thể thành công, nếu mình thực sự đam mê và dành sự tập trung cao độ cho nó.

- Anh kinh doanh rất nhiều mặt hàng cao cấp, âm nhạc cũng là một sản phẩm cao cấp, sao anh không đầu tư vào nó?

- Không kinh doanh trực tiếp, nhưng nghệ thuật là giá trị vô hình mang lại những thành công quyết định trong các hoạt động kinh doanh của tôi. Nhờ 17 năm học nhạc, tôi trở thành người có sự nhạy cảm đặc biệt với nghệ thuật, và đã khai thác tối đa điều đó trong kinh doanh. Làm về thời trang hay nhà hàng tôi đều chú ý học hỏi, khai thác làm sao để đẩy được những tinh túy, tinh hoa của văn hóa lên cao nhất.

Trong làng thời trang, tôi tôn vinh nền văn hóa Việt. Loạt nhà hàng của tôi thì có đặc trưng từng nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, cách đây 5 năm, khi mở nhà hàng Pháp, tôi đã đi Pháp rất nhiều để tìm hiểu văn hóa nơi đây, nên nhà hàng Pháp đã đẩy được tinh túy của nền văn hóa Pháp. Khi mở nhà hàng Hoa, tôi đã phải học hỏi hai năm, nghiên cứu rất nhiều và cuối cùng quyết định xây dựng không gian trên âm nhạc.

Chất liệu làm nhà hàng cũng như vật dụng trang trí, kể cả những bức tượng chiến binh thời xưa đều được mang từ Trung Hoa về, nên khi bước chân vào đây, người ta không có cảm giác là đang ở Việt Nam nữa. Khu resort thì tôi lại tập trung khai thác nền văn hóa Việt. Ở resort có những đồng lúa rất đẹp, đến kỳ là trổ bông.

Trong khu nghỉ mát có nhà hàng Đò nằm cạnh con sông, ngồi ăn có thể thấy thuyền bè đi lại đánh cá, nghe cả những tiếng gõ ở mạn thuyền để cá rơi vào lưới. Ở đó, khách có thể tận hưởng về một bức tranh làng mạc Việt Nam đúng nghĩa. Nếu không học nhạc, chắc chắn rằng tôi không thể nắm bắt được những tinh thần đó.

Người bỏ mình là động lực cho mình

- Lụa có ở Việt Nam từ rất lâu, những mãi đến khi thương hiệu Khải Silk xuất hiện, lụa Việt Nam mới thực sự được "trải" ra thị trường nước ngoài. Có phải lúc đó anh đã nhìn thấy lụa là một "kẽ hở" của thị trường?

- Tôi bắt đầu kinh doanh từ năm 18 tuổi. Lúc đó tôi chỉ là người làm việc theo tuổi trẻ, vừa học vừa làm, rất bình thường. Tôi không xác định được đâu là kẽ hở của thị trường, mà chỉ là vô tình bạn bè nước ngoài nói ở đất nước của họ, lụa rất quý, và tôi khuyên bạn đem lụa ra nước ngoài bán.

Tôi làm theo lời khuyên của bạn bè, không ngờ những sản phẩm đó tiêu thụ rất nhanh. Đầu tiên là một bộ phận nhỏ chấp nhận, sao đó người ra truyền nhau mua sản phẩm của mình. Từ đó tôi mới quyết định chuyên sâu vào ngành kinh doanh này.

- Một trong những nguyên tắc bắt buộc của kinh doanh thời trang là phải liên tục thay đổi. Nếu lấy sự may mắn ban đầu làm điểm tựa thì chắc chắn Khải Silk không thể trở thành một thương hiệu lớn mạnh như bây giờ?

- Đúng là thời trang cần nhiều sáng tạo, chứ không thể sản xuất đại trà và sản xuất quá nhiều một mặt hàng. Dù sự xuất hiện của mình là hiện tượng, nhưng khi sản xuất đến mặt hàng thứ 1000 sẽ bị chững lại. Nhiều người nói cần phải thay đổi nhưng cách đây 20 năm tôi không biết phải thay đổi như thế nào. Đến khi xem các chương trình thời trang trên thế giới tôi thấy cần phải có sáng tạo và bắt đầu đi học về thiết kế thời trang ở Pháp. Học 3 năm trở về, lúc này cái vòng kinh doanh của tôi mới thực sự quay.

Nhưng vòng quay lúc đó khá đơn giản, chứ không đòi hỏi phải có bộ phận nghiên cứu thị trường, thiết kế, bán hàng chuyên nghiệp như bây giờ. Tôi tập trung đầu tư làm sao để tạo ra thật nhiều sản phẩm mới. Cái hay là lụa có rất nhiều chất liệu, và mình có thể sáng tạo trên những chất liệu đó.


Đầu tiên tôi bán trong nước. Thành công ở sân nhà, nước ngoài mới chú ý và trao cho tôi những hóa đơn đặt hàng. Tôi đưa ra rất nhiều mẫu thiết kế để khách lựa chọn. Khách tinh tường sẽ giải thích làm sao để phù hợp với họ, và tôi đồng ý làm theo cách đó chứ không phải rập khuôn theo ý mình.

- Hơn 20 năm, Khải Silk vẫn là thương hiệu số 1 về lụa. Quá trình giữ vị trí đầu bảng của anh có gian nan không, nhất là khi lụa trở thành... đôla thì cũng có rất nhiều thương hiệu mới ra đời?

- Có rất nhiều người làm trong công ty của tôi một thời gian rồi bỏ ra làm riêng. Họ là những nhân tố giỏi thực sự, nên chuyện này rất khó cho tôi. Bởi người ta làm cho tôi nghĩa là đã học được kinh nghiệm, công nghệ, điểm yếu, điểm mạnh của tôi. Đã có không dưới 20 người bỏ công ty của tôi ra tạo những thương hiệu riêng.

Thật sự lúc đầu tôi buồn, vì người ta làm với mình rồi bỏ ra làm riêng, mà không tiếp tục cùng mình nghĩ ra những cái mới. Nhưng nhìn lại tôi thấy vui. Chính những con người đó mới là động lực để tôi đổi mới mình nhiều hơn và phát triển nhanh hơn. Trong môi trường kinh doanh cần phải có sự cạnh tranh khốc kiệt như vậy để tạo ra những sản phẩm mới. Nhìn lại chặng đường đã đi, ,tuy gian nan, nhưng tôi rất hãnh diện, khi đến giờ Khải Silk vẫn là thương hiệu đầu bảng.

Tôi cũng rất vui khi những người trước đây bỏ mình ra mở công ty riêng, nhìn thấy thương hiệu Khải Silk, ít nhiều họ cũng hiểu được muốn phát triển thương hiệu thời trang cần phải học hỏi nhiều hơn nữa, chứ không phải cứ học được một chút là có thể đứng ra lập riêng công ty riêng.

- Đến nay, công việc kinh doanh của anh không còn dừng lại ở lụa, vậy nó còn dành được sự quan tâm sâu sắc của anh?

- Lụa bao giờ cũng cuốn hút tôi. Tên của tôi cũng đã gắn liền với nó, nên những loại hình kinh doanh mới, như bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát... cũng chỉ là cách tự làm mới mình. Nhưng làm mới mình không có nghĩa là không chú trọng. Bởi đầu tư mà không chú trọng đồng nghĩa với cách quản lý của mình không chuyên nghiệp, mà mỗi sản phẩm tôi tạo ra trước tiên phải thể hiện được tính chuyên nghiệp.

Lúc nào tôi cũng nghĩ người Việt Nam làm là được

- Với thương hiệu Khải Silk, anh bắt đầu mở Brothers Cafe, sau đó thì một loạt nhà hàng sang trọng nối tiếp nhau ra đời. Lúc này hẳn anh đã có một chiến lược rõ ràng, chứ không thể kinh doanh theo kiểu "nghe bạn bè nói"?

- Thời trang lụa là mặt hàng xa xỉ. Từ đó chuyển sang dịch vụ nhà hàng rất gần nhau. Điểm chung của hai loại hình này là đều liên quan đến nghệ thuật. Gần gũi và chia sẻ được nhiều nên cứ thế tôi làm. Tôi cũng là người rất chú trọng phát triển nền văn hóa ẩm thực.

Vào Brothers Cafe nghĩa là bước vào một ngôi nhà cổ, nơi tái tạo truyền thống xưa, đó là những gánh hàng rong với bánh cuốn, chả, phở... Đó cũng là những truyền thống văn hóa đặc thù của Việt Nam. Chuỗi nhà hàng sau đó đều có phong cách riêng, nhưng có một điểm chung là đặc trưng văn hóa luôn được thể hiện một cách cao nhất.

- Nhà hàng của anh rất cao cấp, nhưng giá thành cũng... cao cấp không kém, nên phần lớn khách Việt Nam chỉ có thể bàn tán chứ khó có thể đặt chân vào đó?

- Khi mở cửa hàng Ming Dynasty ở Phú Mỹ Hưng, tôi đã nhắm đến thị trường Việt Nam. Vì Phú Mỹ Hưng không phải trung tâm du lịch. Hiện tôi rất vui và hạnh phúc vì nhà hàng này mới mở cửa gần 2 tháng nhưng đã đón hơn 5000 lượt khách, trong đó có đến 98% là khách Việt Nam, nên chuyện giá thành không thành vấn đề nữa.

- Anh đã vượt ra khỏi khuôn khổ làm ăn nhỏ lẻ từ hơn 10 năm nay. Tầm nhìn chiến lược này bắt đầu từ đâu?

- Cũng chỉ dựa trên sự phát triển và hội nhập của kinh tế Việt Nam, tôi lại là người đi du lịch nhiều. Thấy bạn bè, đối tác làm ăn và tôi nghĩ mình cũng có thể làm được. mà lúc nào tôi cũng nghĩ người Việt Nam mình là làm được. Khi bắt tay vào làm, không ngờ còn đạt được thành công hơn cả những điều mình nghĩ.

Ví dụ làm nhà hàng Trung Hoa, chính khách Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan còn khen ở đất nước họ cũng không có được nhà hàng như thế. Và đó chính là động lực cho những sáng tạo tiếp theo của tôi. Tháng 4 năm sau tôi sẽ mở nhà hàng Cham-Charm.

Nó sẽ tạo ra phong cách ẩm thực mới và ấn tượng với tất cả mọi người. Khi thiết kế nhà hàng này, tôi đã ngắm lúc 5-6 giờ chiều xem hoàng hôn dừng ở điểm nào, và tôi khai thác kiến trúc để làm sao thâu được ánh hoàng hôn đó. Thời gian đó là thời gian tôi kinh doanh nhiều nhất. Tôi sẽ nói cho mọi người biết nên đến thời điểm đó để ngắm hoàng hôn.

Chuyên nghiệp luôn là con đường dẫn đến thành công

- 10 ngày sau khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, anh đã cho ra đời một công trình xa xỉ- khu resort 4 sao. Hơn 10 năm trước mà đã đi đầu như thế thì tiềm lực tài chính của anh phải rất mạnh?

- Mỗi người có một đường hướng kinh doanh khác nhau. Dịch vụ của tôi là dịch vụ chi tiết cao cấp, và bất cứ một dịch vụ nào ra đời đều dựa trên nhu cầu có sẵn. Khi đi nghỉ ở nước ngoài, được chiêm ngưỡng những resort rất đẹp, tôi mơ ước mình cũng sẽ làm được như vậy. Khi bắt tay vào làm, tôi cố gắng lồng nền văn hóa vào resort một cách cao nhất, nên resort của tôi mang đậm văn hoá và tinh thần của người Việt.

- Có thể coi resort là một mặt hàng kinh doanh thành công của anh?

- Resort của tôi là resort đầu tiên của Hội An và gần như là resort đầu tiên ở Việt Nam. Dù đã xây dựng hơn 10 năm, nhưng đến giờ nó vẫn được một tạp chí rất uy tín của Mỹ bình bầu là một trong những resort tốt nhất thế giới. Bỏ qua danh hiệu thì dịch vụ đó cũng hỗ trợ tôi rất nhiều.

- Nếu resort thành công, sao anh không nhân rộng nó ra như nhân rộng hệ thống nhà hàng?

- Tôi có nhiều đam mê khác nhau. Từ lụa đến khu nghỉ mát, nhà hàng đều trên một trục quay. Thay vì mình nhân resort thì tôi nhân nhà hàng. Vì lĩnh vực này có những cái dễ làm mới hơn. Từ Việt Nam có thể sang Trung Hoa, từ Trung Hoa có thể sang Cham-Charm. Thay đổi liên tục dễ cuốn hút tôi hơn. Tất nhiên, mọi họat động của tôi đều giới hạn trên một trục quay.


- Hiện anh còn bắt tay với tập đoàn Thủy Lộc xây dựng Paragon- nơi được quảng cáo là một trong những trung tâm thương mại đẹp nhất Việt Nam. Anh có thể tiếp thị hình ảnh về Paragon? Và liệu nó có thể cạnh tranh với hai trung tâm thương mại nằm ngay giữa trung tâm mua sắm Sài Gòn là Diamond và Parkson?

- Paragon cao 12 tầng, có 4 tầng dành cho thương mại. Đến nay, các gian hàng bên trong đều đã kín chỗ. Công ty Meha Star cũng đã đặt 8 rạp chiếu phim ở tầng 5. Trung tâm này được đầu tư 20 triệu USD, sẽ khai trương vào tháng 7/2007.

Paragon đặt ở Phú Mỹ Hưng. Bởi Sài Gòn đâu có quá rộng, mà giao thông từ Sài Gòn sang Phú Mỹ Hưng rất thuận tiện. Diamond, Parkson là những nơi dễ mua sắm, nhưng Paragon mang một thương hiệu khác, phong cách rất đặc biệt, khác nhiều so với Diamond và Parkson.

Kiến trúc của Paragon được xây để dành cho trung tâm thương mại, nên rất chuyên nghiệp. Cũng như nhà hàng Ming Dynasty, tôi không chắp vá từ ngôi nhà cổ hay villa, mà xây mới hoàn toàn theo đúng ý tưởng đặt ra ban đầu, nên tính chuyên nghiệp rất cao, mà chuyên nghiệp luôn là con đường dẫn đến thành công.

- Xuất phát từ những cuộc đầu tư "tiền tỷ" của anh nên từ lâu người ta đã gọi Khải Silk là "triệu phú" tiền đô". Có phải con số đó bắt nguồn từ kinh doanh bất động sản rất nhiều người đang nghĩ về anh?

- Chắc là đồn đại thôi, chứ khi tôi kinh doanh thì mỗi loại hình đều thành công. Lụa thành công ngay từ đầu, còn resort đã thành công từ mười năm trước, chuỗi nhà hàng cũng liên tục gặt hái được thành công. Tất nhiên là bên cạnh thành công cũng có thất bại, nhưng khi thất bại thường không ai biết, mà bản thân tôi cũng không muốn nói lên thất bại đó, nhưng khẳng định là nhiều lắm lắm, kể cả những thất bại đau đớn.

Rất hạnh phúc khi sống một mình

- Kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ xa xỉ, điều này có đồng nghĩa với việc anh là người cũng...từng trải với xa xỉ?

- Tôi xũng xa xỉ lắm.

- Biểu hiện của sự xa xỉ là gì?

- Tôi không nghĩ ra được ngay, nhưng đảm bảo là xa xỉ. Mà tôi tiêu hoang lắm.

- Những ngôi biệt thự Phú Mỹ Hưng, những chiếc xe hơi hạng sang là một trong những sự xa xỉ của anh?

- Biệt thự chỉ là sự đầu tư thôi, chứ xa xỉ phải khác. Nhưng tôi nghĩ là tôi tiêu hoang lắm. Xe cũng có thể là một sự xa xỉ.

- Cuộc sống của anh có thành công như công việc của anh?

- Mỗi người có những mảng riêng. Mẹ và 3 người em của tôi giúp đỡ tôi rất nhiều trong kinh doanh, tôi cho đó là một niềm hạnh phúc. Khi kinh doanh, nhiều người nhìn thấy sản phẩm của tôi và cổ vũ cho tôi. Tôi cũng lấy đó là niềm hạnh phúc và rất tự hào.

- Thế còn hạnh phúc riêng của anh?

- Bây giờ tôi rất hạnh phúc khi sống một mình!

- 43 tuổi, được rất nhiều phụ nữ, kể cả phụ nữ phương Tây ngưỡng mộ, nhưng vẫn sống một mình, và anh cho đó là hạnh phúc?

- Mọi người đến tuổi đều phải có gia đình riêng và những người không có là lại đặt ra câu hỏi tại sao? Tôi cũng không hiểu nữa! Những người không có gia đình riêng chắc phải chịu nhiều áp lực lắm nhỉ? Nhưng tôi cũng nhìn thấy rất nhiều người thành công, thậm chí thành công hơn cả tôi rất nhiều cũng chưa có gia đình.

- Anh không có ý định lập gia đình?

- Tôi không nghĩ lập gia đình hay không. Xung quanh tôi có rất nhiều người chưa có gia đình, kể cả những tỉ phú lừng danh trên thế giới, nhưng người ra vẫn hạnh phúc phơi phới, có sao đâu!

Dương Thúy

Posted by Nguyễn Quang Huy

CEOVN - Lý Ngọc Minh - Minh Long


Tháng 4/2008, công ty gốm sứ cao cấp Minh Long 1 (Bình Dương) đã lọt vào danh sách 30 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được trao biểu trưng “Thương hiệu Quốc gia”. Đây là chương trình duy nhất do Chính phủ Việt Nam tiến hành nhằm quảng bá thương hiệu quốc gia, với mục tiêu là xây dựng hình ảnh Việt Nam thành một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú về chất lượng. Ngắm nhìn những bộ sưu tập sản phẩm gốm sứ với nhiều phong cách tương phản, vừa u mặc quyến rũ, vừa tươi tắn trẻ trung trong “giang sơn gốm sứ” của Minh Long 1 mới thấy hết tài năng và sự thăng hoa của người thợ gốm. Cho đến nay có thể nói sản phẩm của Minh Long 1 đã chinh phục được cả những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Thành công này có được phần lớn là nhờ vào sự tìm tòi sáng tạo, năng động và những nỗ lực không biết mệt mỏi của người “chèo lái” con thuyền Gốm sứ Minh Long. Người đó là ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Minh Long 1. “Với tôi gốm sứ là niềm đam mê trọn đời”, ông Minh từng nhiều lần khẳng định. Từ niềm đam mê Ngay từ khi 12-13 tuổi, chàng trai trẻ Ngọc Minh đã nhận ra những đồ gốm sứ của quê mình còn thô kệch so với các sản phẩm của Trung Quốc, Nhật Bản... nên đã nuôi ý tưởng sẽ làm cuộc cách mạng thay đổi vị trí của gốm sứ Việt Nam. Năm 1968, phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình, ông Minh đã cùng bạn bè và người thân gom tiền mở xưởng tìm men màu mới để tạo ra những sản phẩm gốm mang bản sắc riêng. Ngay khi đó ông đã nhận thức: “Để thoát khỏi đói nghèo, phải làm ra sản phẩm có chất lượng ngày càng cao”. Năm 1995, khi bắt đầu sản xuất đồ sứ bàn ăn cao cấp cũng là lúc ông Minh vào cuộc tìm kiếm hình hài đặc trưng cho sản phẩm. Ông đã đến các nước châu Âu, rồi đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, những nơi được xem là cội nguồn của gốm sứ để tìm những ý tưởng và công nghệ mới. Không mỏi mệt học hỏi từ những hội chợ gốm sứ lớn trên thế giới, tham quan những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Ý, Pháp..., ông Lý Ngọc Minh còn đi vào từng siêu thị, nhà hàng quan sát để hiểu thị hiếu của khách hàng. Sau 5 năm học hỏi, ông đã nắm được kỹ thuật, công nghệ làm sứ gia dụng hiện đại. Nhưng những nơi ông đã đi qua, những sản phẩm ông thấy vẫn chưa làm ông thoả chí. “Tôi muốn sản phẩm của mình phải mang nét hoài cổ, đậm chất Việt Nam nhưng vẫn hiện đại, mang tầm quốc tế”, ông chia sẻ. Nguyên tắc “Bốn không - Bốn có” Nói về những giá trị cốt lõi của Minh Long 1, ông Lý Ngọc Minh cho rằng: “Điều tôi tâm huyết là tạo nên những sản phẩm gốm sứ vừa có kỹ thuật cao, vừa mang tính nghệ thuật, đủ sức cạnh tranh với những nền gốm sứ nổi tiếng thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức...”. Điều mà ông Minh trăn trở nhiều nhất là ngoài kỹ thuật cao ra, các sản phẩm gốm sứ của mình phải mang được chất tinh tú và phải toát lên được “hồn” Việt. Do vậy, cũng không ngạc nhiên khi ông chọn slogan cho các sản phẩm của mình là: “Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người”, hay “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà”. Đây chính là nguồn cảm xúc bất tận trong ông. “Những chiếc lu mà tôi đã từng gánh nước đến chai cả vai, giúp tôi tạo ra những vật phẩm mang hồn Việt Nam, khiến cho ai xa quê cũng thấy nhớ nhà”, ông Minh bộc bạch. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng nếu chỉ dựa vào đam mê thì vẫn chưa đủ. Sở dĩ Minh Long 1 trở thành một thương hiệu nổi tiếng như ngày nay, theo ông, là còn nhờ vào việc kiên định thực hiện nguyên tắc “Bốn không - Bốn có”. “Bốn không” ở đây là: không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác. Không có biên giới bởi những sản phẩm đậm chất văn hoá Việt Nam, nhưng người nước ngoài vẫn đồng cảm, thích thú. Trong từng sản phẩm mẫu mã hoa văn tinh xảo, sang trọng những vẫn gần gũi để phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi nên chúng không phân biệt tuổi tác, giới tính. Những điều đó sẽ giúp sản phẩm trường tồn cùng thời gian. “Bốn không” cũng chính là cơ sở cho “Bốn có”, đó là: có văn hoá, có nghệ thuật, có phong cách riêng, và quan trọng nhất là có hồn. “Sản phẩm có hồn, sẽ tự biết nói”, ông Ngọc Minh lý giải. Và mong muốn tiếp tục chinh phục Sau giải phóng, với bao khó khăn khi trở lại nghề gốm sứ, nhưng bước đột phá của Minh Long thời đó là những bộ đồ trà vẽ theo phong cách thủy mặc đã được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Tiếp đến những năm 90 của thế kỷ trước, những lô hàng con giống nhỏ đã mang lại doanh thu đáng kể cho công ty với mức tăng trưởng trên 10%/năm. Năm 1998 – 1999, Minh Long 1 lại thành công vang dội trên thị trường Pháp, Đức. Có tiềm lực nhờ xuất khẩu, ông Lý Ngọc Minh quyết định sẽ vực dậy ngành gốm sứ Việt Nam đang mai một dần trong bối cảnh hàng ngoại giá rẻ tràn ngập. Lại một phen sống chết với kỹ thuật để nghiên cứu cho ra màu men thích hợp nhất với từng sản phẩm. Ông Minh thổ lộ: “Làm ra một chất men đẹp mất vài ba năm, rồi vài ba năm nữa để nâng thành đẳng cấp quốc tế. Để làm được những công việc như thế có khi phải nhờ kinh nghiệm tích lũy cả đời người. Nhưng tôi vẫn đang theo đuổi màu men chưa ai làm được dù biết điều này nhiều khi còn phải nhờ vào số trời”. Nhưng không chỉ đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm mang tính mỹ thuật mà Minh Long I còn là những sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người sử dụng. “Sản phẩm sứ chất lượng cao không chỉ: trắng, tròn, trong và mỏng, mà còn phải thoả mãn độ bền cơ học và đặc biệt là phải tuyệt đối an toàn”. Làm một bộ đồ ăn, mỗi lần nung là mỗi lần “vào sanh ra tử”, mà phải năm, bảy lần như thế mới có được sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng sản phẩm sành sứ, sau khi tráng men vẫn có những lỗ nhỏ tạo thành độ nhám trên bề mặt sản phẩm mà mắt thường không thấy được. Đó chính là nơi vi khuẩn bám vào. Để khắc phục, ông Ngọc Minh đã phải mất tới 6 năm đầu tư nghiên cứu, tạo ra một loại hạt phụ gia có kích cỡ nano hoà vào thành phần men. Với kích cỡ như vậy, các hạt phụ gia đã lấp kín được những lỗ nhỏ nhất. Công nghệ này không chỉ giúp tăng cường khả năng chống bám bẩn cho sản phẩm mà còn đảm bảo an toàn tối đa cho sức khoẻ của người sử dụng. Hiện Minh Long 1 vẫn tiếp tục hướng tới những thị trường khó tính với chiến lược đẳng cấp hàng hiệu. Còn riêng ông Ngọc Minh vẫn tin rằng khi đời sống người dân khá lên, sản phẩm Minh Long I sẽ gần gũi hơn với người tiêu dùng nội địa vì giá thành sẽ phản ánh đúng chất lượng sản phẩm.

CEOVN - David Thái - Highlands Coffee


Thành công và nổi tiếng bậc nhất về sản phẩm cà phê như hiện nay, nhưng đối với ông David Thái, Chủ tịch Tập đoàn Việt Thái và là người sáng lập ra thương hiệu cà phê Highlands nổi tiếng, thì mục đích của kinh doanh không nằm ở lợi nhuận, mà đó chính là sự đam mê. Đối với ông, đam mê là đem lại cho khách hàng một sản phẩm Việt ưu việt, một thương hiệu Việt hàng đầu. David Thái sinh năm 1972 tại Việt Nam, năm 1979 cả gia đình đã chuyển tới bang Seatle, Mỹ định cư. Lớn lên, David Thái học quản trị kinh doanh tại đại học danh tiếng Washington, tuy vậy chàng trai Việt không thấy hài lòng với nền giáo dục mà anh đang có vì theo anh, đó không phải là những kiến thức mà anh mong đợi. Học văn hoá Việt, khởi nghiệp cà phê “Tôi sống giữa những sinh viên giàu có dù gia đình tôi nghèo và bố mẹ phải rất cố gắng để tôi có thể theo học ở trường. Hàng ngày khi bè bạn đi xe tới trường thì tôi phải đi bộ. Trong khi tôi cố gắng tiết kiệm từng mẩu giấy, bạn bè tôi dùng một cách phí phạm. Tôi cảm giác mình lạc lõng và tách biệt trong môi trường đó dù tôi vẫn cho rằng mình là người Mỹ thực sự. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng chỉ có giáo dục, lối sống và giọng nói của tôi là Mỹ, còn tôi vẫn là một người Á Đông chính gốc”, David Thái nhớ lại. David quyết định học thêm về triết học với mục đích trả lời câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”. Anh bắt đầu nghĩ về Việt Nam và thấy không thoả mãn với hai tiếng mỗi ngày tiếp cận với nền văn hóa Việt ở nhà. Những gì ba mẹ giải thích về Việt Nam không làm anh thấy hài lòng và anh quyết định, chỉ có về Việt Nam, sống trong văn hoá Việt với con người Việt, anh mới có thể tìm lại con người mình. Năm 1996, David Thái về Việt Nam theo chương trình học bổng học tiếng Việt với vỏn vẹn gần 1.000 Đô la trong túi. “Tôi bắt đầu học văn học Việt, đọc truyện Kiều. Dù không hiểu hết ý nghĩa của nó nhưng tôi cảm nhận hạnh phúc và khổ đau, hiểu về văn hoá người Việt. Với suy nghĩ đơn thuần về Việt Nam chỉ là để tìm lại con người mình, nhưng tôi nhận ra mình cần phải sống, không chỉ với số tiền ít ỏi kia và rồi tôi may mắn có một công việc phiên dịch và chiếm được sự tin tưởng, cảm tình của một nhà đầu tư, ông ấy quyết định giúp tôi bắt đầu sự nghiệp”. David mở quán cà phê mang tên Âu Lạc gần hồ Hoàn Kiếm. Cửa hàng nhanh chóng thành công nhưng rồi anh bị “hất cẳng”. Nhà đầu tư trước kia quyết định không tài trợ tiếp cho anh dù David thuyết phục anh sẽ làm lại từ đầu và làm rất tốt. Với số tiền ít ỏi tiết kiệm được từ Âu Lạc, anh bắt đầu lại từ đầu với niềm tin rằng thị trường còn rất nhiều tiềm năng trong khi các công ty cà phê Việt chủ yếu chú ý tới xuất khẩu mà thiếu đầu tư vào thị trường trong nước. David cho rằng, với khoảng thời gian tuy không dài ở Việt Nam, anh đã gắn bó với con người và mảnh đất nơi đây, có lợi thế so với người nước ngoài khi làm kinh doanh tại đây vì anh đã có cái hiểu nhất định về văn hoá Việt. Đó chính là lý do David quyết định làm lại từ đầu. Năm 1997, David bắt đầu tìm hiểu luật khuyến khích đầu tư nước ngoài. Tới 1998, anh là Việt kiều đầu tiên được cấp phép thành lập công ty tư nhân tại Hà Nội. Tới năm 2000, David là doanh nhân đầu tiên đăng ký thành lập công ty cổ phần. Tập đoàn Việt Thái ngày nay được thành lập năm 2002. Ban đầu, chỉ có hai cửa hàng Highlands Coffe ở Hà Nội và Tp.HCM. Sau 7 năm, hiện nay số lượng cửa hàng Highland Coffee đã vượt quá con số 80 trên sáu tỉnh thành bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Đồng Nai. Trong năm 2008, Tập đoàn Việt Thái có hơn 5 triệu lượt khách và phục vụ hơn 2 triệu bữa ăn, hơn 4 triệu cốc cà phê cho khách hàng. Ngày nay, hoạt động kinh doanh của tập đoàn được chia ra hai mảng chính. Thực phẩm, đồ uống (F&B) và hoạt động liên quan tới phong cách khách hàng (Consumer Lifestyle). Bên cạnh thương hiệu Highlands, nhóm hoạt động F&B của Việt Thái còn có hai nhãn hiệu nhà hàng là Meet & Eat và Nineteen 11. Meet & East bao gồm căng tin và góc ẩm thực với mục đích tập trung vào giá trị của đồng tiền trong một môi trường sạch sẽ vệ sinh và hiện đại được đặt tại E-Town 2 (Tp.HCM) với diện tích 800 m2. Còn Nineteen 11 là một nhà hàng sang trọng nằm trong nhà hát lớn Hà Nội. Nhà hàng là một minh chứng cho khả năng phát triển và quản lý của Việt Thái, đồng thời cũng cho thấy sứ mệnh của công ty trong việc đem lại những gì tốt đẹp nhất của thế giới tới Việt Nam và những gì tốt đẹp nhất của Việt Nam ra thế giới. Về hoạt động Consumer Lifestyle, Việt Thái tham gia phân phối sản phẩm Nike, một trong những sản phẩm hàng đầu về quần áo, giày dép trên thế giới. Tập đoàn mở cửa hàng Nike đầu tiên năm 2006 và hiện có 6 cửa hàng tại Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. David cho biết sự hiện diện của Nike tại thị trường Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và đây là đối tác chiến lược mà Việt Thái lựa chọn, và muốn đóng một phần quan trọng trong việc phát triển thương hiệu này tại thị trường Việt trong tương lai sắp tới. Bên cạnh Nike, Việt Thái cũng không giấu tham vọng sẽ tiếp tục hợp tác với các thương hiệu hàng đầu khác trên thế giới. Hiện tập đoàn đã có những đàm phán ban đầu với những thương hiệu hàng đầu thế giới và gần đây ký thoả thuận với nhãn hiệu ALDO, nhãn hiệu thời trang lớn nhất Canada về giày dép. Năm 2006, Việt Thái hợp tác với tập đoàn Grey Global Group, một công ty dịch vụ hàng đầu được bình chọn là một trong 1.000 nhẵn hiệu hàng đầu do tạp chí Fortune chọn, với tỷ lệ nắm giữ 49%. Ngày nay, liên doanh này đã trở thành một trong những công ty quảng cáo có mức độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam với số lượng nhân viên trên 70 người và những khách hàng lớn như BAT, Sara Lee, Arla Foods, Bayer, P&G và Glaxo Smith & Kline. “Chúng tôi có một đội ngũ quản lý sáng tạo và hi vọng sẽ trở thành công ty quảng cáo hàng đầu trong một vài năm tới”, David Thái không giấu diếm tham vọng. Tham vọng vươn xa Với thương hiệu Highlands, Việt Thái cũng đang tập trung mở rộng hệ thống phân phối và bán lẻ của mình trong thị trường nội địa. Hiện nay, thương hiệu này cũng nhận được hàng nghìn đề nghị từ các công ty nước ngoài về sản phẩm đóng gói và chuyển nhượng thương mại nhưng hiện nay mới chỉ dừng lại ở sản phẩm đóng gói. Hiện công ty đang xây dựng chiến lược và tổ chức để mở rộng số lượng cửa hàng Highlands ra thị trường quốc tế. “Chúng tôi đã chính thức thiết lập đại lý bán buôn cả trong nước và trên thị trường quốc tế, đồng thời xây dựng một đội ngũ nhân viên mạnh dưới sự quản lý của David France, trước đây từng làm tổng giám đốc của sản phẩm nước đóng chai Coca Cola tại Việt Nam. Đại lý ở thị trường quốc tế của chúng tôi đã có hoạt động phân phối tại vài quốc gia trên thế giới và hiện đang xuất khẩu dòng sản phẩm của chúng tôi sang Mỹ, Úc và Nhật Bản. Mở rộng ra thị trường quốc tế là một bước đi chiến lược của chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược này trong năm 2009 và trong các năm sắp tới”, David chia sẻ thêm. Tập đoàn này cũng tham vọng sẽ có 150 đại lý trong toàn quốc trong vòng ba năm tới và mở rộng sản phẩm đóng gói lên hơn 50.000 điểm bán hàng trong cùng thời điểm đó. “Là một công ty Việt, chúng tôi cam kết vì sự phát triển của một Việt Nam, vì một nền kinh tế thị trường bằng cách cung cấp thương hiệu đẳng cấp cho tầng lớp trung lưu của Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi hướng tới đóng một vai trò quan trọng trong việc cải tiến chất lượng cuộc sống của khách hàng thông qua thương hiệu của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định dừng lại và sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại và tiếp tục phát triển cả thương hiệu của chúng tôi và tiếp tục tìm kiếm những thương hiệu làm thỏa mãn khách hàng mục tiêu mà chúng tôi hướng tới”, David cho biết. Đầu năm 2009, David vinh hạnh được vinh danh là một trong hai người Việt Nam nhận giải thưởng Lãnh đạo Toàn cầu Trẻ - Young Global Leaderdo Diễn đàn Kinh tế Thế giới bình chọn. Đây là một diễn đàn cho các lãnh đạo trên toàn thế giới hợp tác trong một cộng đồng đa dạng gồm các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo xã hội. David Thái bày tỏ: “Câu chuyện của tôi cũng giống như mọi câu chuyện về các doanh nhân khác, với một khởi đầu không hề dễ dàng. Tôi trở về Việt Nam với khoản tiền nhỏ và ngày nay Việt Thái đã có một vị trí nhất định trên thị trường với hơn 80 cửa hàng trong nhóm F&B. Chúng tôi có một đội ngũ quản lý mạnh, có cam kết với sự phát triển và sẽ tiếp tục sự phát triển đó trong tương lai”.

Posted by Nguyễn Quang Huy

CEOVN - Lê Văn Khải - Caltex VN


Ông bắt đầu làm cho Caltex với chân bán hàng, để rồi 10 năm sau trở thành CEO Công ty dầu nhờn Caltex tại Việt Nam - ông Lê Văn Khải. Ông không gọi đó là thành công, mà đó là những gì ông có được nhờ biết nhìn thẳng vào thực tế để sống, để làm việc. Khi ở bộ phận thanh quyết toán của một công ty xây dựng nhà nước, ông từng “bôn ba” qua Iraq để làm công nhân vào những năm 1989-1991. Ông cũng trải qua nhiều nghề trong giai đoạn đất nước mở cửa…

* Hai năm làm việc ở Iraq giúp ông rút ra điều gì?

- Lúc đó, đi ngoại quốc được coi như là một ân huệ. Tuy nhiên, qua đó, phần lớn kỹ sư làm công việc của công nhân, bác sĩ làm y tá. Trước thực tế đó, có khá nhiều người đã bị “sốc” và ngồi than thời trách phận. May mắn là tôi đã lạc quan và chịu đựng vất vả khá tốt. Hơn nữa, tôi cho rằng nên nhìn thẳng vấn đề để giải quyết hơn là ngồi than thở. Ở lại có cái giá của sự ở lại, nếu anh chịu không được có thể đi về. Mọi việc có 50% là quyết định của mình.

* Trong 10 năm qua, kể từ khi vào Caltex, điều gì giúp ông đứng được đến vị trí hiện giờ?

- Khi về Caltex, lúc đó mới chỉ là một văn phòng đại diện có vài người. Chiếc cửa hỏng - có tôi, cửa kính vỡ - tôi thay, xây văn phòng - tôi đứng trông coi từng li từng tí. Tôi đã tham gia vào những “dự án” như vậy đấy.

Nói đến điểm tốt thì tôi cũng có đấy. Sở trường của tôi là không giấu dốt. Có thể nói tôi là người có khả năng không giấu dốt tốt hơn người bình thường một chút. Với tư tưởng không giấu dốt, mình sẽ cởi mở trong suy nghĩ, điều chỉnh được điểm yếu khi có người góp ý kiến. Chính vì vậy, ngay cả trong những cuộc họp của các giám đốc khu vực, tôi vẫn rất thoải mái để học hỏi và “bắt chước”. Nói thật, chỉ mỗi bắt chước thôi là cũng đủ giỏi rồi.

* Từ xây dựng chuyển qua một lĩnh vực hoàn toàn mới, theo ông, vì sao Caltex chấp nhận ông?

- Lúc đó các công ty Mỹ hy vọng ở mình điều gì? Theo tôi, chỉ có logic suy nghĩ mới thuyết phục được các công ty Mỹ. Bằng cấp là để đảm bảo anh không phải là “trẻ con”. Họ sẽ đào tạo anh từ đầu. Hơn nữa, tôi may mắn làm việc ở một tập đoàn lớn, tiếp xúc với nhiều cơ hội để tập luyện và phát triển suy nghĩ của mình. Nghĩ lại, nếu bây giờ vác đơn đi xin việc với trình độ thời ấy chắc tôi cũng “rớt” dài. Chẳng qua ngày đó các công ty cần có người như vậy.

* Là tổng giám đốc một công ty nước ngoài, dưới ông chắc có nhiều chuyên gia nước ngoài. Ông có chịu sức ép công việc?

- Toàn bộ nhân viên của Caltex Việt Nam hiện nay là người Việt Nam, không có người nước ngoài. Giám đốc nhà máy Caltex là một người Việt Nam “cực kỳ” khá. Người Mỹ rất “vô tình”, họ không chú trọng anh là người nước nào. Chi phí được đặt lên hàng đầu. Nếu mình làm được việc mà chi phí giảm thì đương nhiên sẽ được trọng dụng. Trong số các giám đốc khu vực, chỉ có hai người là người bản xứ, còn lại đứng đầu là người nước ngoài.

* Việt Nam đang thử nghiệm mô hình giám đốc làm thuê. Theo ông, các tập đoàn nước ngoài có cơ chế gì để vừa kiểm soát, vừa có thể trao quyền để các giám đốc phát huy hết hiệu quả?

- Tôi đang đảm nhiệm 3 chức vụ. Chức Chủ tịch Caltex Việt Nam chuyên phát ngôn và đại diện cho hoạt động của Caltex tại Việt Nam. Chức thứ hai là Tổng giám đốc của Công ty TNHH Caltex dầu nhờn Việt Nam. Chức vụ chính yếu của tôi là Tổng giám đốc bán hàng và tiếp thị của dầu nhờn tại Việt Nam và Campuchia, đây thực chất mới là nhiệm vụ với những khó khăn hàng ngày mà tôi phải đương đầu.

Tôi được trao quyền để hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hoạt động đó. Tuy nhiên, ở các công ty Mỹ, việc trao quyền cho một người không bao giờ ở mức độ tối thượng để lũng đoạn một công ty. Nhiệm vụ được chia rạch ròi để kiểm tra chéo lẫn nhau. Hơn nữa, còn có hệ thống kiểm toán. Kiểm toán “nó” ghê lắm, mình trả tiền mà “nó” chẳng coi mình ra gì, việc “nó” cứ thế mà làm thành hệ thống, có muốn “bắt tay” cũng không được.

* Hiện nay, các bạn trẻ ra trường có khuynh hướng thành lập công ty riêng. Ông nghĩ gì về điều này?

- Khi nước Nhật trả lời câu hỏi nền kinh tế dựa vào đâu, tôi cứ chăm chăm cho là các tập đoàn lớn của Nhật. Nhưng không phải, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Nhật 95% là dựa vào các công ty vừa và nhỏ. Xu hướng mở các công ty kinh doanh của các bạn trẻ là tốt, không có gì sai, phù hợp với khu vực Đông Nam Á chúng ta. Điều này giúp cho nền kinh tế của bất kỳ nước nào cũng trở nên linh hoạt hơn.

* Gia đình có là động lực để ông làm việc?

- Nói tới gia đình là nói tới nghỉ ngơi, là chỗ dựa, là giảm stress. Tôi “thích” vợ và con tôi lắm. Đối với tôi, gia đình là “khu vực” giảm stress rất tuyệt. Nhiều người hạn chế tiếp xúc với khu vực bị stress, đôi khi lại stress hơn, vì có thể dẫn đến tình hình kinh doanh tệ chẳng hạn. Có người thích “bồ nhí”, nếu xác định đó là điểm làm mình giảm stress thì cứ thế mà tiến tới thu xếp để… không bị stress. Tôi nghĩ, cái gì làm cho mình thích thì mình cố gắng bảo vệ nó. Mấu chốt là mình nhìn thẳng vấn đề để giải quyết.

CEOVN Nguyễn Hồ Nam - SBS

Quyết định từ bỏ vị trí quản lý ở một công ty đa quốc gia với mức lương hấp dẫn và chấp nhận bắt đầu lại từ đầu với Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Nguyễn Hồ Nam đã được đền bù xứng đáng cho sự mạo hiểm của mình.

Bí quyết thành công là niềm đam mê.

"Nếu nói đến thành công thì có lẽ là còn quá sớm vì tôi chỉ mới 32 tuổi nhưng tôi vẫn cố gắng nuôi dưỡng hoài bão và niềm đam mê để đi hết chặng đường dài còn lại."

Tốt nghiệp Đại học kinh tế TP.HCM và Đại học Monash, Úc về Thạc sỹ Tài chính - Ngân hàng bằng học bổng hỗ trợ phát triển của chính phủ Úc (AusAID), Nguyễn Hồ Nam trở về quê hương năm 2005. Anh bắt đầu làm việc cho Ngân hàng Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) vào tháng 2/2006 và chỉ sau hơn ba năm làm việc, anh đã trở thành Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Tính đến thời điểm hiện tại, SBS đã vượt qua ‘đại gia’ là Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn để chính thức trở thành công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam với 8 chi nhánh, 100 đại lý giao dịch trên toàn quốc và tổng số 260 nhân viên.

Trước khi đi học ở Úc, anh từng có bẩy năm kinh nghiệm làm việc cho tập đoàn đa quốc gia Unilever và đã giữ vị trí quản lý cao cấp. Tại thời điểm đó, con đường sự nghiệp đã mở rộng với Nguyễn Hồ Nam vì anh nằm trong diện ‘cán bộ qui hoạch’. Khi đi du học, anh vẫn tiếp tục làm việc cho Unilever chi nhánh Úc trong ba năm với vị trị điều phối viên dự án tài chính. Trong con mắt nhiều người, đây là một công việc chuyên môn lý tưởng vì phần lớn các du học sinh Việt Nam thường kiếm tiền bằng các công việc làm thêm chân tay.

Khi mới trở về nước, Nguyễn Hồ Nam đồng ý làm việc cho Sacombank với mức lương khởi điểm chỉ bằng ¼ so với trước đây và chấp nhận đền bù cho Unilever những chi phí đào tạo mà công ty này đã bỏ ra để gửi anh đi học tập ở nước ngoài . “Ban đầu, tôi tham gia vào dự án thành lập công ty chứng khoán vì Sacombank chưa có ngân hàng đầu tư và theo đánh giá chung thì đây là tổ chức tài chính rất tiềm năng ở Việt Nam. Tôi không quan tâm nhiều và cũng không hề thương lượng về mức lương mà chỉ quan tâm đến mức độ hỗ trợ của hội đồng quản trị tới dự án của mình cũng như thảo luận về những đóng góp của mình cho công ty. Chỉ sau một năm làm việc, ban giám đốc nhìn rõ những đóng góp của tôi và thưởng công xứng đáng với giá trị mà 10 năm làm việc của tôi ở Unilever trước đây cũng không thể có được.”

Với kinh nghiệm của bản thân, Nguyễn Hồ Nam cho biết, phần lớn du học sinh có lợi thế hơn các sinh viên trong nước về tiếng Anh, kiến thức chuyên môn tương đối hiện đại, tự tin khi tiếp cận và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của du học sinh là họ thường muốn ‘nhận’ nhiều trước khi ‘cho’. “Các bạn thường có quan điểm là tôi đi học nước ngoài về nên tôi phải có vị trí và mức lương cao. Đây là một bất lợi rất lớn để các nhà tuyển dụng trong nước chấp nhận họ cũng như đồng nghiệp trong công ty hợp tác với họ.”

Anh nhấn mạnh: “Cần xác định ‘bổng lộc’ là cái đến sau. Bạn đừng đòi hỏi trước mà hãy chứng tỏ năng lực bản thân, góp phần tạo ra giá trị doanh nghiệp và lợi ích tài chính sẽ đến với bạn. Đôi khi, những lợi ích đó còn lớn hơn rất nhiều những gì bạn mong muốn ban đầu vì xét về mặt quản lý, các nhà tuyển dụng đều muốn giữ người tài. Cũng như tôi không thể trả lương rất cao ngay cho nhân viên mới tuyển, kể cả du học sinh vì chưa biết rõ khả năng làm việc của họ ngoài cái ‘mác’ đi học nước ngoài về. Xét về dài hạn, có thể những người đi học nước ngoài sẽ phát triển nhanh hơn nhưng tại thời điểm ban đầu, khi mới vào làm việc thì chưa chắc họ đã hơn những người trong nước. Vì vậy, không có lý do gì để các nhà tuyển dụng đặc biệt chú ý tới họ trừ phi họ phải thể hiện được mình.”

Theo Nguyễn Hồ Nam, du học không phải là yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp. Anh cho biết: “Công ty tôi có 60 nhân viên đi học nước ngoài về, trong đó 40 người học ở Úc nhưng không phải ai cũng thành công.”

Chuyến du học giúp anh hệ thống hóa lại kiến thức và tạo cơ hội cho anh được làm việc với người bản xứ trong một môi trường hoàn toàn khác biệt để học hỏi thêm kiến thức mới. Trong thời gian ở Úc, Nguyễn Hồ Nam có dịp định hướng lại nghề nghiệp và anh nhận thấy mình vẫn đam mê nghề tài chính. Do đó, khi trở về nước, anh đã tham gia thành lập SBS vì được áp dụng kiến thức mới vào việc xây dựng doanh nghiệp ngay từ đầu, được học hỏi cũng như vượt qua khó khăn, thử thách với các đồng nghiệp và được nhìn thấy những thành công có phần đóng góp to lớn của mình. Ngoài ra, thời gian ở nước ngoài còn giúp anh hiểu hơn về văn hóa Úc, tiếp xúc với bạn bè đến từ các quốc gia khác cũng như trải nghiệm cuộc sống.

Khi trở về Việt Nam, anh thực sự không gặp phải nhiều khó khăn trong công việc và dễ dàng tái hóa nhập vào cuộc sống ở quê hương. “Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nên có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho du học sinh. Khi làm việc ở nước ngoài, bạn sẽ là một mắt xích trong guồng máy làm việc, còn ở Việt Nam thì bạn có cơ hội là người tạo ra guồng máy đó. Vì vậy, đó là một trong những lý do khiến tôi trở về quê hương”, anh cho biết.

Nguyễn Hồ Nam chia sẻ bí quyết thành công trong sự nghiệp của mình: “Để thành công có hai yếu tố quyết định là sự hoài bão và niềm đam mê. Khi bạn có định hướng rõ ràng cho tương lai thì bạn biết sẽ cần phải làm gì và cố gắng thế nào trong công việc. Lúc đó, công việc sẽ không còn là gánh nặng mà nó trở thành điều không thể tách rời trong cuộc sống. Nếu nói đến thành công thì có lẽ là còn quá sớm vì tôi chỉ mới 32 tuổi nhưng tôi vẫn cố gắng nuôi dưỡng hoài bão và niềm đam mê để đi hết chặng đường dài còn lại.”

Theo quan điểm của anh, trong mọi việc đều có may mắn nhưng đó không phải là yếu tố quyết định thành công. “Để thành công, cần may mắn để có sự bứt phá đột biến nhưng may mắn phải đến từ những nỗ lực của bản thân. Hơn nữa, nỗ lực chỉ có được nếu bạn có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cũng như lòng đam mê và hoài bão.”

CEOVN Trần Hải Linh - Lenovo Việt Nam

CEO trẻ nhất Việt Nam “lộ diện”

Có lẽ không khó để khẳng định trong rất nhiều CEO - tổng giám đốc tại Việt Nam, Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam là người trẻ nhất.

Sinh năm 1983, thậm chí còn chưa tròn 24 tuổi, Hải Linh đã là cái tên được Lenovo, tập đoàn máy tính lớn đặt nhiều kỳ vọng. “Ông chủ” mới của các dòng máy tính IBM hy vọng Linh sẽ đem hình ảnh của Lenovo đến được nhiều hơn với người tiêu dùng Việt Nam.

Đối với Hải Linh, tuổi tác không quan trọng, quan trọng nhất là sự tự tin. Trả lời câu hỏi: Linh có nghĩ mình quá trẻ để đảm nhận trọng trách này không?, chàng Tổng giám đốc 8X chỉ mỉm cười

-Các bạn cũng như nhiều người, hỏi mình có quá trẻ hay không? Thực ra, Hải Linh luôn luôn quan niệm vấn đề là mình có đủ năng lực, mình có đủ sự tự tin để đáp ứng công việc đó hay không.

-Miễn rằng là mình có tinh thần làm việc đúng, mình tự nhận thấy có thể đạt được những cái gì mà công ty đòi hỏi vị trí như thế này thì mình tin chắc là mình làm được. Điều đó không chỉ ứng dụng đối với mình, mình tin chắc thế hệ của mình, những người 8x đều tin rằng có thể làm là có thể làm được”.

Theo thông tin từ Lenovo, trong quý I/2006, tức là một khoảng thời gian ngắn sau khi Linh được bổ nhiệm đứng đầu Lenovo Việt Nam, quy mô của Lenovo Việt Nam cũng tăng lên gấp đôi, dần trở thành một “mắt xích” quan trọng của Lenovo toàn cầu.

Nghe câu chuyện của Linh, bạn có băn khoăn tại sao Linh có thể ngồi lên được “chiếc ghế nóng” của Lenovo Việt Nam khi mới ở tuổi 23? Một sự may mắn chăng? Thực tế đã chứng minh rằng, để có được thành công, người ta không chỉ trông mong hoàn toàn vào vận may, Trần Hải Linh cũng thế.

Không ngừng “cày” trên sách vở, không bỏ qua cơ hội “cày” ở bất cứ “mảnh đất” nào ngoài cuộc sống, Linh mới có thể “hái quả”. Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam chia sẻ

-“Sếp của mình ở châu Á luôn nói rằng: “Tôi chẳng thà các cậu làm việc khôn ngoan còn hơn các cậu làm việc chăm chỉ”.

-Mình luôn tâm niệm là làm việc vừa khôn ngoan vừa chăm chỉ. Và nếu mình luôn có thái độ như vậy thì mình tin chắc rằng thành công sớm hay muộn cũng sẽ đến”.

Nhớ lại thuở “chọn đường”

Rời trường PTTH Hà Nội – Amsterdam, Linh thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, học ở đây chưa đầy một năm, Linh tìm được học bổng du học. Và thế là những ngày “tầm sư” trên đất khách bắt đầu.

Ở Singapore, bất chấp xu thế chọn ngành thời thượng IT, Hải Linh đã quyết định chọn học khoa quản trị kinh doanh của đại học Nanyang cho dù Nanyang là trường đào tạo hàng đầu về công nghệ ở khu vực.

Tại Nanyang, trong khi chúng bạn chỉ biết say mê trong sách vở, Linh tiếp tục “ngược đời”. Bên cạnh học tập, anh tham gia thật nhiều vào các hoạt động ngoại khoá, làm sợi dây liên kết giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên quốc tế.

Đặc biệt, cứ có cuộc thi nào về ý tưởng kinh doanh, về khả năng “làm ăn” kinh tế là Linh “nhào” vào ngay. Kể về “sự khác lạ” của con trai mình, mẹ của Hải Linh, bà Ngô Thị Tuyết Lan cho biết: “Tôi còn nhớ có lần Linh gọi điện bên Sing về, Linh cho biết, các bạn tức là học sinh của Việt Nam bên ấy thường chú trọng vào việc học nhiều, không mấy tham gia vào các hoạt động tập thể. Thành ra vị thế của học sinh Việt Nam hơi thấp.

Linh đã nghĩ cậu cần phải làm một cái gì đấy để thay đổi tình hình. Lúc ấy mình lại nghĩ cần phải học tập nhiều chứ tại sao lại mất nhiều thời gian vào việc như thế thì Linh bảo là cái này là cái cần thiết phải làm. Và thế là Linh làm thật”.

Từng được Bộ trưởng Bộ Kinh tế New Zealand tặng bằng khen, giành nhiều giải thưởng ở Singapore và đặc biệt, giờ đây, khi mọi chuyện đã có kết quả, Hải Linh cho thấy mình không hề sai lầm khi “đi ngược” với nhiều người.

“Ngày đó, có rất nhiều người khuyên Hải Linh nên thi IT vì IT là một ngành thời thượng lúc nào cũng có nhu cầu lớn, vì rất dễ xin việc. Hết năm thứ nhất Hải Linh bảo là rất thích môn Marketing, môn Marketing rất hay, khi Hải Linh nói rất thích Marketting thì vợ chồng mình rất tôn trọng vì người trong cuộc sẽ có những nhận xét đầy đủ hơn và chính xác hơn. Đến bây giờ, tốt nghiệp đi làm rồi, Hải Linh vẫn đó là một trong những quyết định sáng suốt nhất của nó”, bà Lan tiếp lời.

“Con vẫn là Hải Linh của mẹ!” Thành đạt sớm, Hải Linh vẫn “giữ” được mình. Sau giờ làm việc ở văn phòng, Linh lại trở về với mái nhà của cha mẹ.

Dân phố đã quá quen với việc “cậu Linh giám đốc” tưới cây giúp bố và phụ mẹ những việc trong nhà. Rảnh rỗi, Linh vẫn đọc truyện, vẫn xem phim, chơi game, vui vẻ và hồn nhiên như mọi chàng thanh niên mới lớn.

Về con đường phía trước, Hải Linh và cả mẹ của chàng Tổng giám đốc cùng quan điểm: tất cả mới bắt đầu, còn phải nỗ lực, phải cố gắng. Linh kết luận:

- “Cái đích không phải niềm vui, cái niềm vui là cả trong con đường đi. Mình tin rằng ở Lenovo cũng như trong cuộc sốngViệt Nam ngày hôm nay, trong cuộc sống mỗi ngày, mình đều học được nhiều điều mới, có những thử thách mới để mình vượt qua, bản thân việc đó nó đem lại niềm vui cho cuộc sống của mình. Mình không coi ở một vị trí nào đó, ở một nơi nào đó là mục đích cuối cùng”

CEOVN Lương Hoài Nam - Jetstar Pacific Airlines


Giám đốc Pacific Airlines Lương Hoài Nam là người không khó gặp nhưng lại chẳng dễ nói chuyện. Cao, gầy, đeo kính cận, cặp mắt cương nghị lại rất kiệm lời, ông khiến tôi luôn phải thận trọng. Điều đó cũng dễ hiểu bởi ông là một trong những nhân vật luôn bị các phóng viên săn lùng đặc biệt năm 2004.

[Giám đốc Pacific Airlines Lương Hoài Nam: Người cùng doanh nghiệp băng qua vùng sương mù]

Người ta luôn hỏi ông (người đang yên vị Trưởng ban tiếp thị hành khách Vietnam Airlines chuyển về làm giám đốc một hãng hàng không đang bên bờ vực thẳm) rằng: Pacific Airlines sẽ sống như thế nào? Vị tân giám đốc này vừa phải thu dọn đống đổ nát, lo cho cuộc sống của 700 nhân viên, trong khi hàng ngày vẫn phải đau đớn đọc những bài báo phanh phui về những khoản nợ do cả một bộ máy lãnh đạo cũ để lại. Pacific Airlines (PA) bay chông chênh giữa niềm tin của những người tâm huyết và lẫn cả nghi ngờ vì quá khứ.

I- Trước vực thẳm phải thật bình tĩnh

PV: Pacific Airlines cách đây hơn 1 năm như thế nào, thưa ông?

Ông LHN: Phải nói mọi thứ đều rất đổ nát. Niềm tin của nhân viên sa sút, phong cách làm việc uể oải, bộ máy thì xộc xệch. Điều đó không làm tôi ngạc nhiên, chắc chắn sẽ xảy ra như vậy thôi khi mà kinh doanh thua lỗ, những khoản nợ đè nặng lên vai chưa trả được. Chỉ đường bay Đà Nẵng-Hồng Kông từ ngày khai trương tháng 4/2001 đến nay đã lỗ hơn cả vốn của PA. Rồi có giai đoạn máy bay không được sơn tên và lôgô của hãng do thuê ngắn hạn, lịch bay thì sắp xếp bất hợp lý, chậm huỷ chuyến bay vẫn diễn ra khiến khách mất lòng tin.

PV: Trước thực tế như vậy, ông có cảm thấy mất bình tĩnh không?

Ông LHN : Ban đầu thì đúng là có đấy, khi điều tôi về PA lãnh đạo Vietnam Airlines dường như chưa nói hết tất cả khó khăn. Tôi biết là PA nợ đọng nhưng khi nhậm chức tôi mới phát hiện ra rằng con số khủng khiếp hơn tôi biết. Nhưng cảm giác bị shock đó trôi qua rất nhanh, tôi biết cần phải bình tĩnh.

PV : Thời điểm đó điều gì làm ông mệt nhất?

Ông LHN: Các chủ nợ gọi điện và báo chí. Với các chủ nợ có những lúc tôi phải rất mềm mỏng nhưng lại có những cũng phải thật cương quyết. Nhưng với báo chí thì quả thực làmệt mỏi. Tôi cũng đã từng làm báo, rất hiểu thông tin lan toả có sức mạnh như thế nào nhưng đến khi chịu trận mới thấu. Hàng ngày, hàng giờ tôi phải đọc những bài báo viết về sự nợ nần, đổ nát của doanh nghiệp mình để rồi đau đớn nhìn khách hàng cứ quay lưng dần. Mà báo Hànộimới Tin chiều là một trong những tờ báo viết mạnh nhất (cười) và tôi vẫn lưu những bài báo lại để làm kỷ niệm . Tất nhiên là viết đúng, rất đúng nhưng nó ảnh hưởng tới hiệu quả và tinh thần của doanh nghiệp một cách kinh khủng.

PV: Đã có chuyến bay nào trống rỗng không, thưa ông?

Ông LHN: Có chứ, nhiều chuyến TPHCM-HN khi ấy đi thì có khách nhng bay về thì chỉ có tôi và tiếp viên, đau đớn lắm nhưng chúng tôi vẫn cố gắng. Cho dù thất bại, chúng tôi vẫn cứ lên đường để hành khách biết rằng vẫn còn một thương hiệu là Pacific Airlines tồn tại.

PV : Sau khi đứng im để không rơi xuống vực, làm thế nào để từ từ bay lên, thưa ông?

Ông LHN : Phải bắt tay ổn định tổ chức và sắp xếp tất cả vào quy củ ngay. Thứ nhất, điều chỉnh ngay lại mạng đường bay, nơi nào có lãi thì bay thêm, nơi nào lỗ thì kiên quyết tạm dừng. Quyết định đầu tiên của tôi là tạm dừng đường bay Đà Nẵng- Hồng Kông, tăng tần suất bay TPHCM- Hà Nội từ 3 chuyến/ngày lên 5 chuyến/ngày, tuyến bay đi Đài Bắc và Cao Hùng tăng lên 5 chuyến/tuần. Thứ hai, phải cắt giảm chi phí như một số dịch vụ mà từ trước đến nay chúng tôi thuê và phát động chiến dịch thắt lưng buộc bụng. Nhờ đó chỉ trong vài tháng mà chúng tôi tiết kiệm đợc 50 tỷ đồng. Chúng tôi cũng chuyển từ thuê máy bay ướt sang thuê khô nghĩa là chỉ thuê máy bay, ngời lái còn dịch vụ kỹ thuật sẽ nhờ Vietnam Airline hỗ trợ. Riêng khoản này mỗi năm tiết kiệm hàng triệu USD. Thứ ba, xây dựng và công khai chính sách đền bù cho khách hàng nếu bị chậm, huỷ chuyến và nỗ lực hạn chế chậm, huỷ chuyến.

II Dù là doanh nghiệp nhỏ cũng phải rất tự tin

PV: Với những giải pháp cơ bản nêu trên và đặc biệt là từ khi Bộ Tài chính nắm phần lớn cổ phần, PA chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Ông LHN: Trong năm nay, chúng tôi sẽ chấm dứt tình trạng thua lỗ và đã có lãi, 2 năm sau sẽ khắc phục được nợ nần. Bộ Tài chính và Pacific Airlines đã lựa chọn mô hình hãng hàng không giá cả hợp lý (value-based airline), không phải là hãng hàng không chi phí thấp (lowcost airline, giảm giá vé 40-50% nhưng cắt hầu hết các dịch vụ). Tại Việt Nam, mô hình theo tôi là phù hợp và đem lại triển vọng tươi sáng bởi người tiêu dùng Việt Nam không coi máy bay đơn giản như là chiếc xe buýt chạy trên trời như ở châu Âu, ở Mỹ... Mô hình hãng hàng không giá cả hợp lý sẽ cho phép nhiều đối tượng người dân sử dụng dịch vụ vận tải hàng không dễ dàng hơn và rẻ hơn rất nhiều.

PV: Việc giảm giá vé của PA gần đây đã được người tiêu dùng hưởng ứng và hoan nghênh, nhưng có ảnh hưởng đến chất lượng tuyến bay hay không?

Ông LHN: Giá vé giảm không không có nghĩa là chất lượng phục vụ giảm. Chúng tôi chỉ tiết kiệm những chi phí không cần thiết, bất hợp lý trong hoạt động khai thác vận tải hàng không. Trên thực tế thì các biện pháp tăng cường an toàn-anh ninh hàng không chỉ có tăng chứ không giảm. Việc không phục vụ ăn trên các chuyến bay giữa Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, không phục vụ rượu bia và các đồ uống có cồn trên tất cả các đường bay nội địa theo quan điểm của chúng tôi cũng không có nghĩa là giảm chất lượng phục vụ. Đối với chuyến bay chỉ có 1 giờ bay ăn không phải là nhu cầu thiết thực thậm chí còn gây phiền hà thêm. Tương tự, việc không phục vụ ruợu bia làm cho không khí (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) trong lành hơn với mọi hành khách.

PV: Trước đại gia là Vietnam Airlines, ông có cảm thấy PA bé nhỏ không?

Ông LHN: Không, bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu của mình dù nhỏ hay lớn. Cái chính là phải rất tự tin. Chúng tôi hoàn toàn tự tin vào bản thân mình và rõ ràng có những ưu điểm vượt trội không thể không công nhận như: hành khách không phải mệt mỏi liên tục về vấn đề huỷ chuyến và chậm chuyến như Vietnam Airlines. Chúng tôi có xe đưa đón khách miễn phí giữa Hà Nội và sân bay Nội Bài; dịch vụ đặt chỗ qua điện thoại và giao vé tận nhà 24/24 giờ, 7/7 ngày trong tuần; thái độ phục vụ rất chu đáo đó là chưa kể nhiều chương trình chăm sóc trọn gói cho khách như mua vé thì được nghỉ kèm theo khách sạn tuỳ hạng

PV: Nhưng có ý kiến bảo PA tự tin như vậy là bởi có Bộ tài chính đứng đằng sau?

Ông LHN: Quyết định của Thủ tướng về việc để Bộ Tài chính là chủ sở hữu vốn nhà nước của PA là hoàn toàn sáng suốt. Nhưng tôi nghĩ đứng đằng trước và cả đằng sau chúng tôi chính là khách hàng. Tất cả mọi nỗ lực của chúng tôi nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Nếu khách hàng không ủng hộ, dù có ai đỡ thì doanh nghiệp cũng thất bại.

PV : Gần đây, khách hàng đã được hưởng những ưu đãi như giảm giá vé và đa dạng vé chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam giữa hai hãng duy nhất của VN. Có phải do PA không khoan nhượng mà cạnh tranh ngang ngửa với Vietnam Airlines?

Ông LHN: Nếu cạnh tranh mà mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng thì theo tôi là rất tốt. Sự cạnh tranh cũng bắt buộc mỗi doanh nghiệp phải tự xiết chặt lại cách quản lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, nó xoá bỏ sự trì trệ cố hữu. Nhng tôi nghĩ Vietnam Airlines vốn là cổ đông chi phối lâu năm của Cty, tôi cùng một số cán bộ hiện công tác ở đây từng là cán bộ lâu năm của Vietnam Airlines nên bên cạnh công việc và nhiệm vụ còn có cái tình nữa. Một quốc gia nhỏ như Singgapore chỉ có 3 triệu người mà có tới 5 hãng hàng không hoạt động thì một đất nước như VN có tới 80 triệu người, chỉ có 2 hãng hàng không thì chắc chắn không có gì là căng thẳng và sẽ phát triển rất tốt.

PV: Có phải lý do đó mà Cty đầu tư tài chính Temasek Holdings của Singgapore đang muốn mua cổ phần của PA?

Ông LHN: Đúng vậy rõ ràng họ đã nhìn thấy tiềm năng của sự phát triển và hiện nay chúng tôi đang trong thời gian đàm phán dự tính ký kết trong thời gian tới. Chính phủ đã đồng ý cho phép nước ngoài đầu tư tối đa là 30% vào PA với số vốn khoảng 50 triệu USD.

PV: Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin này, sự có mặt của Temasek sẽ làm thay đổi diện mạo PA như thế nào thưa ông?

Ông LHN: Nếu mọi việc đúng như dự kiến thì đây là doanh nghiệp vận tải hàng không đầu tiên của VN có vốn nước ngoài và tất nhiên là sẽ có nhiều thay đổi lớn theo hướng rất phát triển. Lúc đó, thị trường hàng không thực sự sẽ có một diện mạo mới. Và từ sự kiện này, tôi càng tin, PA đang vững bước bay vào những vùng sáng.

III- Trong kinh doanh, không đơn thuần 1+1=2

PV: Trước khi tu nghiệp về hàng không dân dụng và nghiên cứu sinh ở Nga, ông là học sinh chuyên toán xịn của trường chuyên nổi tiếng Phan Bội Châu, thành phố Vinh.Toán học giúp gì cho ông trong kinh doanh và có điều khác biệt với kinh doanh?

Ông LHN : Toán học giúp tư duy lô-gích, nhưng trong kinh doanh khác toán ở chỗ không đơn 1+1 = 2, phải tính thế nào để bằng 10, bằng 20 và cao hơn nữa

PV: Sinh năm 1963, tuổi Quý Mão, cầm tinh con Mèo, người ta nói ông là người mềm mỏng và rất khéo léo?

Ông LHN : Ngược lại, tôi rất nóng tính, từ khi về PA phải cố gắng kìm lại. Nhưng có lẽ vì mạnh mẽ nên được cái rất quyết đoán.

PV : Có bao giờ ông quyết sai mà thấy hối hận không?

Ông LHN: Có chứ, làm kinh doanh không tránh đuợc lúc quyết sai nhưng cái chính là phải biết sửa và sửa thật sớm, muốn vậy phải có hệ thống phản hồi tốt. Ví như có thời gian tôi chọn hướng đi để PA là hàng không giá rẻ nhưng thấy không ổn và khó phù hợp với tính cách người Việt Nam nên sửa ngay mô hình này

PV: Trong cuộc đời, có điều mà ông thấy quyết rồi mà không thể sửa được?

Ông LHN: Đó là lấy vợ, nhưng may mắn trong chuyện này thì tôi quyết đúng.

CEOVN Lê Viết Hải - Hòa Bình Corporation


Kiến trúc sư Lê Viết Hải , sinh năm 1958 tại Huế, trong một gia đình nề nếp. Cha anh làm Hiệu trưởng trường Bồ Đề, một trường có uy tín ở Huế trong những năm 1950 –1960.

Mẹ anh vừa bán thuốc bắc vừa đảm đượng công việc gia đình gồm 11 người con. Năm Lê Viết HảI lên 9 tuổI, gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ anh phảI làm rất nhiều việc từ mua bán thuốc tây, điện máy, cho đến việc hợp tác mở trường tư thục, mở xưởng sản xuất bánh mứt,… để trang trãi cuộc sống gia đình.

Ngoài giờ học, Lê Viết Hải và anh chị em thường tranh thủ phụ giúp cha mẹ như đúc bánh, canh lửa, đóng gói giao hàng, ... Anh còn nhớ có những cái tết ba mẹ anh phải vay một số tiền lớn để sản xuất bánh mứt, nhưng cho đến những ngày giáp tết, hàng ngàn hộp bánh mứt vẫn còn tồn đọng. Trong khi tất cả con cái đều lo lắng, ba mẹ anh vẫn bình tĩnh. Và quả thật năm nào đến ngày 30 tết thì bánh mứt cũng được bán hết sạch.

Chính việc làm ăn của cha mẹ đã dạy cho anh những bài học đầu tiên về kinh doanh. Anh đã học được ở cha mẹ mình tính kiên trì, nhẫn nại, phong cách phục vụ tận tình, chu đáo đối với khách hàng, cách cư xử tử tế với người làm công, và cả tính mạo hiểm trong thương trường. Nhưng anh cho rằng, vốn liếng quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho anh chính là gương sáng về đạo đức trong cuộc sống.

Ngay từ nhỏ, ảnh hưởng bởi người cha luôn quan tâm đến những vấn đề xã hội, Lê Viết Hải rất thích ngồi nghe các bạn của cha nói chuyện thời sự. Trong cậu bé, không biết từ bao giờ đã in đậm hai chữ “Hòa Bình”, bởi “chiến tranh bao giờ cũng đi kèm với tàn phá và hủy diệt, tại sao con người không giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng hòa bình?”. Trong trí tưởng tượng đơn giản của cậu học sinh lớp sáu, Lê Viết Hải mơ rằng sau này mình sẽ trở thành một nhà ngoại giao, sẽ đi thương thuyết hòa bình cho đất nước.

Thế nhưng càng lớn, càng cọ xát với thực tế, Lê Viết Hải càng hiểu rằng mọi thứ đều không đơn giản. Anh biết phải làm những gì phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mình. Sẵn có năng khiếu về vẽ, lại thích ngành kiến trúc, năm 1978 Lê Viết Hải thi đậu vào Trường đại học Kiến trúc TP. HCM.

Những khó khăn thử thách
Tiền thân của Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình là văn phòng xây dựng Hòa Bình ra đời năm 1987, bắt đầu hoạt động với việc thiết kế và thi công một số công trình nhà ở tư nhân. Đội ngũ tuy còn non trẻ nhưng với trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao đã được các chủ đầu tư hài lòng, ngợi khen và không ngần ngại giới thiệu những khách hàng mới. Thời điểm đó thị trường xây dựng phát triển rất nhanh, nên các công ty trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh ráo riết từ các công ty nước ngoài có số vốn lớn hơn. Giám đốc Lê Viết Hải nhận thấy : “ Xem nhẹ chất lượng công trình là bán rẻ uy tín của công ty và bất lợi cho sự phát triển lâu dài về sau”.

Năm 1989, song song với các công trình nhà ở, Hòa Bình bắt đầu nhận được nhiều công trình thương mại như nhà hàng, khách sạn, văn phòng... Lực lượng thi công đã bắt đầu lớn mạnh. Hòa Bình là một trong những đơn vị đầu tiên mạnh dạn đầu tư nhà xưởng và trang bị máy vi tính cá nhân cho văn phòng nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chuyên môn và quản lý xây dựng. Việc đầu tư này không những làm tăng hiệu suất công tác mà còn thúc đẩy, nâng cao sự năng động, sáng tạo và tinh thần đổi mới của cán bộ công nhân viên.

Năm 1993,sau khi thành công trong việc cải tạo một phần trụ sở của Công ty Cung ứng Tàu biển thành Câu lạc bộ Thủy thủ, với sự hoàn toàn tin cậy và giúp đỡ vô tư của Ban Giám Đốc; Hòa Bình được mời tiếp tục thiết kế, thi công cải tạo, nâng tầng tòa nhà này thành Khách sạn Riverside. Qua công trình phức tạp và có quy mô khá lớn này, khả năng thiết kế, trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý thi công của Hòa Bình đã có một bước tiến đáng kể. Cũng vào thời điểm này, Hòa Bình còn thành công ở một số công trình khá lớn khác như Khách sạn International, Food Center of Sai Gon, Tecasin Business Center and Serviced Apartments,... nên được nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến và mời tham gia các dự án của họ. Đây cũng là điều kiện để cho Hoà Bình Tập hợp được lực lượng đông đảo kỹ sư, kiến trúc sư, công nhân lành nghề và từ đó xác định phương hướng phát triển Công ty: chuyên sâu vào các công trình kỹ - mỹ thuật cao.

Con đường dẫn tới thành công
Với đối tác đầu tư, nhà thầu, nhà thiết kế tư vấn nước ngòai như: Toa Corporation, Taisei Corporation, Posco Engineering & Construction Co.,ltd,…Hòa Bình luôn được đánh giá là nhà thầu có tinh thần trách nhiệm cao, phong cách quản lý thi công khoa học, nhạy bén trong việc áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng công trình, đạt các chỉ tiêu kỹ thuật kiến trúc – xây dựng và tính thẩm mỹ cao. Để có được thành công này, Ban Lãnh đạo luôn chú trọng đầu tư đào tạo một đội ngũ quản lý xây dựng có tính chuyên nghiệp cao thông qua công việc thực tế, hòan chỉnh một hệ thống tư liệu hướng dẫn từ khâu đặt nền móng đầu tiên đến khâu hoàn thiện cuối cùng, từ đó dễ phát hiện được những sai sót kỹ thuật và có biện pháp kịp thời khắc phục.

Ngoài họat động chính trong thi công xây dựng Hòa Bình đã mở rộng kinh doanh các ngành liên quan như: tư vấn kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, trang trí nộI thất, đồ mộc, sơn đá, địa ốc và kinh doanh Vật liệu xây dựng. Chuyển biến này đã giúp công ty phong phú hóa các nguồn vật liệu và gia tăng hiệu quả kinh doanh chính cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Năm 1993, Xưởng Mộc Hòa Bình được xây tại Hóc Môn với diện tích ban đầu là 1.500m2, nay đã chuyển sang Quận Gò Vấp với diện tích gấp bốn lần. Thiết kế, sản xuất và lắp đặt các sản phẩm có chi tiết trang trí phức tạp và đa dạng đáp ứng được nhu cầu và sở thích riêng của từng khách hàng ở hàng trăm công trình, Xưởng Mộc đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Hòa Bình.

Năm 1995, Hòa Bình được chọn làm thầu chính cho công trình Clubhouse Sân golf Sông Bé, câu lạc bộ sân golf lớn nhất Đông Nam Á với diện tích hơn 8.000m2. Do khó khăn tài chính, Chủ Đầu tư không thể thanh toán đúng hạn hợp đồng gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công và gây tổn thất không nhỏ cho Hòa Bình. Tuy nhiên Hòa Bình đã chia sẻ khó khăn, cùng Chủ Đầu tư tìm biện pháp khắc phục, từng bước hoàn thành công trình đưa vào khai thác, tháo gỡ vấn đề nan giải cho cả hai bên.

Cũng trong thời điểm này, Xưởng Sơn đá Hòa Bình được thành lập với sản phẩm độc đáo có nhãn hiệu Hodastone mà ngày nay đã được nổi tiếng với những tính năng ưu việt của nó .Tháng 12 năm 2003, Công ty TNHH Sơn Hòa Bình đã được tổ chức chứng nhận quốc tế của Đức cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001 phiên bản 2000.Tiền đề này cùng với đội ngũ luôn được tôi luyện. HBP có đủ nền tảng để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Sự kiện cổ phần hóa công ty vào tháng 12/2000 đã mở ra một dấu nhấn mới trong phối hợp tổng lực đa ngành, đa năng, dồi dào nguồn nhân lực. Hơn nữa nền văn hóa doanh nghiệp đúng hướng và vững mạnh của Hòa Bình đã đem lại sự tin cậy cho khách hàng.

Để điều chỉnh mạnh mẽ mô hình phát triển công ty mẹ - công ty con của mình, trước tiên Hòa Bình đưa ra nhiệm vụ chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu: chuyển trọng tâm vào những thay đổi về uy tín chất lượng dịch vụ, sản phẩm….

Họat động sản xuất hỗ trợ nhiều cho công việc thầu xây dựng của Hòa Bình. Nhờ có sản xuất, Hòa Bình có thể chủ động nguồn vật tư để cung cấp cho khách hàng với giá cạnh tranh và chất lượng phù hợp. Ngoài các công ty sản xuất, Hòa Bình còn có các công ty trực thuộc chuyên về tư vấn, thiết kế, trang trí nội thất và thi công điện nước; các công ty này được tổ chức theo từng chuyên ngành nên có tính chuyên nghiệp cao. Ngòai ra, giữa Hòa Bình và các công ty con còn có sự hỗ trợ nhau về mọi mặt.

Trong lĩnh vực thương mại, Hòa Bình kinh doanh những sản phẩm mình sản xuất sỉ và lẻ, nhận làm đại lý hoặc tổng đại lý phân phối đa dạng các sản phẩm phục vụ hạng mục trang trí nội thất. Hòa Bình quan tâm hợp tác đầu tư với các tổ chức trong và ngòai nước về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh địa ốc, xây dựng kinh doanh và cho thuê văn phòng, căn hộ, biệt thự …

Từ năm 2000, Hòa Bình không những là thương hiệu quen thuộc trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế bằng những bước đi dài và vững trên nền tảng được xây dựng hơn 18 năm của mình.

Khi thị trường địa ốc đóng băng và các dự án xây dựng lớn ngưng trệ, nhiều công ty xây dựng đã không thể đứng vững, Hòa Bình cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên từ trước đến nay, Hòa Bình không bao giờ chấp nhận cắt xén vật tư, giảm chất lượng công trình để lại quả cho chủ đầu tư. Các khỏan chi, nếu có là các khỏan tiền thưởng được giải quyết một cách công bằng cho những người đã thật sự đầu tư công sức, trí tuệ đóng góp cho sự thành công của công trình. Nếu có những đòi hỏi không chính đáng từ phía chủ đầu tư, Hòa Bình sẳn sàng từ chối nhận thầu công trình.

Năm 2002 Công ty mở rộng thị trường sang khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Từ những công trình mở đầu được xây dựng vào những năm 2000, 2001 như khu phố Mỹ An, Mỹ Cảnh, chủ đầu tư là Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đã tin tưởng và giao nhiều công trình lớn khác như khu phố Mỹ Kim, Mỹ Toàn, Mỹ Khánh, Mỹ Gia là những khu biệt thự cao cấp; Hưng Vượng I & II là những khu Chung cư cao cấp. Cũng trong thời gian này, Công ty được đối tác Phần Lan là tập đoàn Huhtamaki tin cậy giao thi công công trình nhà máy Huhtamaki Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Đây là một nhà máy có yêu cầu chất lượng, kỹ - mỹ thuật rất cao, được chủ đầu tư ví như nhà máy 5 sao. Hòa Bình đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, được chủ đầu tư đánh giá cao. Ông Tony Comb, Tổng Giám đốc tập đoàn Huhtamaki, đã phát biểu tại Lễ Khánh thành nhà máy: “Cám ơn Hòa Bình, một nhà thầu mà không có gì không làm được”

Năm 2004, sau 3 năm áp dụng và cải tiến không ngừng, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 của Hòa Bình đã được tổ chức Quốc tế QMS cấp giấy chứng nhận lần 2 vào tháng 9 với sự mở rộng sang lĩnh vực Thi công Điện nước và Trang trí Nội thất.

Năm 2004 vừa qua, một mặt công ty đã đạt được những thành tích rất cao về các giải thưởng trong nước và quốc tế; mặt khácfrt, trong hoạt động kinh doanh, Hòa Bình cũng đã có một số tiến bộ trong việc tiếp cận công nghệ cao trong ngành xây dựng thông qua công tác thi công một số công trình phức tạp như: Thi công tầng hầm của một cao ốc ở một vị trí cực kỳ khó khăn, thi công cừ thép, hoàn thành 72 căn biệt thự song lập và tứ lập với thời hạn kỷ lục là 6 tháng, thực hiện công tác Bê tông Cốt Thép cho một cao ốc với thời gian kỷ lục 6 ngày /1 tấm, và đặc biệt lần đầu tiên thi công Tháp truyền hình cao nhất Đông Nam Á (252m tức bằng 5/6 tháp Eiffel. Cũng trong năm này, hòa Bình dần chuyển qua làm thầu chính một số công trình ở Phú Mỹ Hưng như khu phố Mỹ Gia (S12), khu phố Mỹ Thái II (S4), khu phố Mỹ Viên (S13), trong đó có công trình là do chỉ định thầu như Khu phố Mỹ Thái II (S4), một trường hợp hiếm thấy đối với chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng.

Có thể nói năm 2005 là năm có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu bước tiến khá lớn trong lịch sử chinh phục những đỉnh cao của Hòa Bình suốt 18 năm hoạt động và những nền tảng chắc chắn cho sự phát triển bền vững đã được gia cố một cách kỹ lưỡng hơn bao giờ hết.

Hòa Bình đã có một số tiến bộ trong việc tiếp cận công nghệ cao trong ngành xây dựng thông qua công tác thi công một số công trình có quy mô và yêu cầu kỹ – mỹ thuật cao như: Công trình Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất (là công trình thực hiện các hạng mục khó nhất) Nam Hải Resort (Nam Hải Resort có giá trị thi công lớn với 60 biệt thự cao cấp, bao gồm cung cấp trang bị nội thất), Trung tâm Hội nghị Quốc gia - Hà Nội (cũng là công trình khó nhất về công tác trang trí gian hội nghị chính với 3600 chỗ ngồi, cao 45m), Trung tâm Học Liệu RMIT - Cần Thơ (công trình ứng dụng nhiều loại vật liệu và công nghệ mới trong công tác hoàn thiện như là grano, reinzin, nhôm Fletcher) và khách sạn Park Hyatt Saigon. Bên cạnh đó là hoàn thành và tiếp tục thi công nhiều công trình cũng có tiêu chuẩn kỹ mỹ thuật cao khác như Văn phòng Công ty Thép Việt, chưng cư Saigon View, khu chung cư Mỹ Viên, chung cư Green Hills, chung cư Sao Mai, chung cư Cantavil, khu biệt thự Mỹ Thái, khu biệt thự Mỹ Gia cùng nhiều công trình nhỏ khác.

Ngoài việc củng cố các lĩnh vực hoạt động đã được hình thành, Công ty đã bắt đầu bước sang lĩnh vực đầu tư với 2 dự án có quy mô khá lớn, đó là: dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng quốc tế Hòa Bình tại Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế và dự án Bãi đậu xe ngầm Công viên Chi Lăng tại đường Đồng Khởi, Quận 1, TP. HCM. Thành công của dự án đầu tiên này sẽ là cơ sở để Hòa Bình mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư.

Kinh nghiệm kinh doanh
Chữ “Tín” luôn được xem là tiêu chí trong kinh doanh của Lê Viết Hải. Anh nói: “Bí quyết thành công của Hòa Bình là không phụ lòng tin của khách hàng khi trao dự án cho công ty, và chính những nhận xét tốt của chủ đầu tư sẽ là giấy giới thiệu cao quý và có trọng lượng nhất cho đơn vị mình được thắng thầu hoặc được chỉ định thầu nhiều dự án khác.”
Minh chứng cho điều này, ông Raymond Murphy, Giám đốc điều hành của công ty Nhà máy nước ép trái cây Delta nói: “Ở công trường, công nhân của Hòa Bình đã chấp hành đúng đắn nội quy công trường, ban quản lý đã thể hiện được tính chuyên nghiệp trong suốt quá trình thi công. Tất cả tài liệu hỗ trợ, các mẫu vật liệu… đã được trình đúng hạn và luôn đáp ứng yêu cầu đầy đủ mà chúng tôi không có bất cứ yêu cầu hiệu chỉnh nào. Trên cơ sở thành tích này, chúng tôi không ngần ngại giao việc cho Hòa Bình trong tương lai và cũng rất vui lòng “giới thiệu một cách nồng nhiệt” Công ty Hòa Bình với khách hàng quốc tế có nhiều tiềm năng khác”.

Cạnh tranh lành mạnh
Trong đà cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường xây dựng với hàng ngàn công ty, trong đó có những công ty lớn do nhà nước quản lý, Hòa Bình có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Thế nhưng không xem “thương trường là chiến trường”, bởi lớn lên trong chiến tranh nên anh luôn tâm niệm: “Nếu hủy diệt là hệ quả tất yếu của chiến tranh thì xây dựng là là hạnh phúc của những người yêu tự do, yêu hòa bình”. Vì vậy, Lê Viết Hải cho rằng: “Cạnh tranh càng nhiều thì giá thành sản phẩm càng thấp, chất lượng càng cao, điều đó có lợi cho khách hàng và nâng cao ý thức tiêu dùng của họ”. Anh chủ trương cạnh tranh lành mạnh, vươn lên dẫn đầu bằng sự nỗ lực hết mình. Câu slogan của công ty: “Hòa bình chinh phục đỉnh cao” thể hiện rất rõ tư tưởng ấy.

“Thành công không tự mãn, thất bại không nản lòng.”
Khi được hỏi về sự mạo hiểm của doanh nhân, Lê Viết Hải nói: “Gan dạ là là yếu tố cần thiết đối với người kinh doanh. Tuy nhiên, một lần mạo hiểm cũng có thể làm cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời cũng có thể đưa doanh nghiệp đến con đường phá sản. Tôi đang chịu trách nhiệm với cuộc sống của hàng trăm nhân viên và gia đình họ, nếu sự mạo hiểm đem đến thất bại không cứu vãn nổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến họ, tôi biết ăn nói làm sao với nhân viên của mình, những người đã gắn bó ruột thịt với tôi suốt mười mấy năm? Vì vậy, mỗi khi cần giải quyết một vấn đề nào đó mang tính mạo hiểm, tôi phải cân nhắc thật kỹ, phải thông qua ý kiến tập thể trước khi đi đến quyết định”.
Trong kinh doanh, không phải lúc nào nhà quản trị cũng có những quyết định hoàn toàn chính xác, và công việc lúc nào cũng gặt hái được những thành công, mà lắm lúc gặp không ít khó khăn trở ngại. Vì vậy, anh cho rằng người chủ doanh nghiệp cần phải khiêm tốn, lạc quan, kiên quyết theo đuổi con đường mình đã chọn. Trước những thách thức không ngừng của thương trường, anh luôn dặn dò nhân viên trong công ty: “Thành công không tự mãn, thất bại không nản lòng”.

“Nếu không tích lũy thì không thể tiến xa”
Một trong những bí quyết thành công của Lê Viết Hải là sự tích lũy. “Nếu không tích lũy thì không thể tiến xa được. Khởi đầu từ những công trình nhỏ, tìm những biện pháp quản lý, tích lũy từ từ, sau đó đủ vốn liếng, kiến thức, kinh nghiệm và cả uy tín để làm những công trình lớn hơn. Tất cả các yếu tố trong kinh doanh đều phải được đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của nó, cần phải xem xét một cách toàn diện và bảo đảm sự hài hòa cân đối của tất cả các yếu tố, từ yếu tố con người, vật tư, tài chính… cho đến các yếu tố công nghệ, sản phẩm, thị trường…”, Lê Viết Hải giải thích.

Đồng thời, phải có định hướng ban đầu thật đúng đắn, dựa trên nhu cầu của khách hàng và sở trường sở đoản của mình, nhạy bén trong việc áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng công trình. Kết quả là Hòa Bình đã có được khoảng 80% hợp đồng là các công trình có đầu tư nước ngoài như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu công nghiệp Amata, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (vsip) và nhiều công trình khác.

Để có được thành công như hôm nay, Lê Viết Hải đã làm việc không ngừng, tranh thủ mọi thời gian và cơ hội có thể, hạn chế mức thấp nhất những rủi ro thất bại, chèo lái công ty vượt qua mọi chướng ngại của thị trường. “Tôi cảm thấy thoải mái với công việc này, mặc dù nhiều khi phải làm việc rất căng thẳng. Tôi thích đi tìm lời giải cho những bài toán khó về chuyên môn, quản lý, hay kinh doanh. Tìm ra đáp số cho những bài toán này không đơn thuần là trách nhiệm mà còn là niềm vui, là hạnh phúc, là ý nghĩa của cả cuộc đời nhà quản trị”.

Điều mà trong suốt 18 năm qua Lê Viết Hải luôn hướng tới, đó là “Cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt đẹp nhất, nhanh chóng nhất và tiện ích nhất trong ngành xây dựng và địa ốc. Tạo lập một môi trường làm việc mang lại hiệu quả cao nhằm phát huy một cách toàn diện tài năng của từng cán bộ, công nhân. Từ đó, thỏa mãn đầy đủ nhất những nhu cầu, những mơ ước của mỗi người; đem lại lợi nhuận hợp lý cho công ty và lợi tức thỏa đáng cho các cổ đông, đồng thời cống hiến nhiều hơn cho đất nước”.
Định hướng của Hòa Bình Corporation trong tương lai là phát triển công ty một cách bền vững và lâu dài qua nhiều thế hệ, trở thành một tập đoàn kinh tế vững mạnh cả trong và ngoài nước.

Chiến lược phát triển kinh doanh của Công ty do Ban Giám đốc hoạch định được toàn thể Cán bộ CNV Hòa Bình đồng tình hưởng ứng và quyết tâm thực hiện

1. Hòa Bình xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, lâu dài cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt đẹp nhất, nhanh chóng nhất và tiện ích nhất trong ngành xây dựng và địa ốc:

Sau hơn 18 năm hoạt động, công ty CP Hòa Bình hiện nay đã thành lập 10 bộ phận chuyên ngành, đảm trách việc sản xuất và cung cấp 12 loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau:
HBA : Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Hoà Bình (Hoa Binh Architecture Co, Ltd)
HBB : Hoa Binh Building
HBC : Hoa Binh Civil Engineering
HBD : Hoa Binh Decoration
HBE : Hòa Bình Engineering
HBF : Hoa Binh Furniture
MHB : Công ty TNHH Mộc Hoà Bình (Hoa Binh Mộc Co., Ltd)
HBP : Công ty TNHH Sơn Hoà Bình (Hoa Binh Paint Co., Ltd)
HBR : Hoa Binh Real Estate
HBT : Công ty TNHH Thương mại Hoà Bình (Hoa Binh Trading Co., Ltd)
AHA : Công ty TNHH Xây dựng Anh Huy (Anh Huy Construction Co., Ltd)
LW : Công ty TNHH Cửa nhựa Lion (Lion Windonws Co.,Ltd)

2. Tạo dựng một hình tượng văn hóa công ty với vinh dự, tín nhiệm và chất lượng tin cậy:
Để hoàn thành những sứ mệnh của Công ty, với sự đồng tâm nhất trí, Ban Giám đốc cùng toàn thể Cán bộ Công nhân viên Công ty Cổ Phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình quyết tâm phấn đấu trở thành Công ty hàng đầu trong ngành xây dựng và địa ốc bằng cách tìm hiểu thấu đáo và đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu của khách hàng.

Chính sách này bao gồm thực thi những Cam kết sau đây:
1. Thường xuyên điều chỉnh các quá trình tác nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng công trình, đồng thời cải tiến hệ thống quản lý chất lượng.
2. Tận tâm, tận lực hòan thành công trình đúng hạn, an toàn và bảo hành công trình tận tình, chu đáo.
3. Liên tục đào tạo nguồn nhân lực, tăng cừơng đầu tư trang thiết bị, song song với việc nghiên cứu ứng dụng các phương thức quản lý hiệu quả, công nghệ sản xuất hiện đại và kỹ thuật thi công tiên tiến.

Toàn thể các thành viên quyết tâm bảo vệ và không ngừng nâng cao uy tín của Công ty để danh tiếng HÒA BÌNH mãi mãi gắn liền với những công trình chất lượng cao.

Trong thị trường ngành xây dựng và trong cộng đồng xã hội, Hòa Bình đã tạo dựng MỘT HÌNH TƯỢNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP ĐẶC SẮC bằng tinh thần hoà bình trong hợp tác và cạnh tranh. Đó là sự tôn trọng tình hữu nghị, sự bình đẳng, sự công bằng với các đối tác; cạnh tranh lành mạnh trên thương trường với tinh thần thể thao, tinh thần thượng võ; bằng thái độ phục vụ văn minh, nhiệt tình; bằng môi trường làm việc lành mạnh, trong sạch; bằng ấn tượng thương hiệu: Ấn tượng thương hiệu Hòa Bình là ấn tượng về một công ty xây dựng với những sản phẩm tiêu chuẩn cao, chất lượng cao. Aán tượng về một công ty không ngừng phát triển và phấn đấu vươn đến chân-thiện-mỹ, khát cao chinh phục những đỉnh cao trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình. Ý nghĩa sâu sắc của logo và slogan đã được thị trường cảm nhận và đánh giá cao; và chất lượng sản phẩm: Tên tuổi của Hoà Bình luôn gắn liền với những công trình có tiêu chuẩn cao, chất lượng cao. Đó là những khách sạn 5 sao, những công trình thượng mại phức hợp, những công trình văn hóa, những công trình công nghiệp, những công trình nhà ở tiêu chuẩn quốc tế đa số là đầu tư nước ngoài. Những sản phẩm, những công trình mà Hòa Bình thực hiện luôn hướng đến sự hoàn hảo từ phần kết cấu cho đến phần hoàn thiện, hệ thống kỹ thuật, trang trí nội thất, mọi chi tiết góc cạnh đều được cố gắng trau chuốt tỉ mỉ, thể hiện trình độ kỹ thuật và tay nghề cao

Đây chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững và cũng là yếu tố chính giúp Hoà Bình đạt được nhiều giải thưởng và danh hiệu trong nước cũng như quốc tế trong năm 2005 này

Sứ mệnh Công ty do Ban Giám đốc khởi xướng, được toàn thể Cán bộ Công nhân viên đồng tình hưởng ứng và quyết tâm thực hiện:
1. Cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt đẹp nhất, nhanh chóng nhất và tiện ích nhất trong ngành xây dựng và địa ốc.
2. Tạo lập một môi trường làm việc mang lại hiệu quả cao nhất nhằm phát huy một cách toàn diện tài năng của từng cán bộ công nhân viên.
3. Từ đó, thỏa mãn đầy đủ nhất những nhu cầu, những mơ ước riêng của mỗi người, đem lại lợi nhuận hợp lý cho Công ty và lợi tức thỏa đáng cho các cổ đông, đồng thời cống hiến nhiều nhất cho đất nước cho xã hội.

Trong suốt quá trình hoạt động, toàn thể CBCNV Hòa Bình luôn luôn nhiệt tình với Sứ mệnh đã xác định và kiên định với những cam kết trong Chính sách Chất lượng với đòi hỏi cao nhất của chính mình. Hòa Bình đã không hề chùn bước trước bất kỳ khó khăn thử thách nào trong nỗ lực vươn lên đỉnh cao ở những lĩnh vực mà mình tham gia.
18 năm với những thành quả đã đạt được là cả một quá trình chiến đấu bền bỉ bằng niềm tin và trí lực của tập thể cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cùng lực lượng nhân công trên mỗi công trình họ đi qua. Những thành quả đó là công sức của toàn thể Cán bộ Công nhân viên Công ty Cổ phần Hòa Bình. Anh chị em, bằng tay nghề khéo léo, chuyên môn tinh tường, giàu trí thông minh và sáng tạo, cùng với sự kiên trì và nỗ lực to lớn, luôn luôn đoàn kết một lòng vượt qua bao khó khăn - thử thách, đã mang lại những thành quả, tuy rất khiêm tốn, nhưng thật đáng trân trọng và đầy khích lệ cho Công ty Cổ phần Hòa Bình như ngày hôm nay. Những thành quả đó cũng thể hiện được lòng quyết tâm và tôn chỉ hoạt động của Hòa Bình như những gì mà ý nghĩa của Biểu trưng Hòa Bình đã thể hiện.
2. Tạo lập một môi trường làm việc mang lại hiệu quả cao nhất nhằm phát huy một cách toàn diện tài năng của từng cán bộ công nhân viên.
Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình quan niệm rằng việc cải thiện điều kiện làm việc cho CBCNV là một phần việc tất yếu của mình; và trong tất cả các hoạt động, luôn luôn quan tâm đến ảnh hưởng của nó đến môi trường, nhằm đóng góp một phần vào việc xây dựng xã hội phát triển bền vững.
Chính sách này bao gồm việc bảo đảm thực thi những cam kết sau đây:
1. Tuân thủ pháp pháp luật Việt Nam về lao động và các Luật định đang áp dụng khác; tôn trọng các công ước Quốc tế được nêu trong phần II của tiêu chuẩn SA 8000:2001 và những giải thích của công ước đó.
2. Thường xuyên quan tâm để có những cải tiến tốt về điều kiện làm việc cho CBCNV và bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
3. Phổ biến văn bản về Chính sách Trách nhiệm Xã hội đến toàn thể CBCNV, kể cả các Công ty con, Nhà thầu phụ, Nhà cung cấp để mọi người đều thấu hiểu, ủng hộ và thực hiện .

Ban Giám đốc Công ty Cổ Phần Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình cam kết sẽ xây dựng, áp dụng, duy trì Hệ thống Quản lý Trách Nhiệm Xã Hội theo tiêu chuẩn SA 8000:2001, Hệ thống Quản lý Môi trường theo tiệu chuẩn ISO 14000:2004 nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức trong toàn Công ty về các vấn đề này.

Từ đó, thỏa mãn đầy đủ nhất những nhu cầu, những mơ ước riêng của mỗi người, đem lại lợi nhuận hợp lý cho Công ty và lợi tức thỏa đáng cho các cổ đông, đồng thời cống hiến nhiều nhất cho đất nước cho xã hội. Bên cạnh việc đầu tư nhà xưởng là việc trang bị máy vi tính cá nhân cho văn phòng những năm 1989, vào thời điểm đó thật hiếm thấy đơn vị xây dựng nào đầu tư vào công nghệ này. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến không những làm tăng hiệu suất công tác mà còn nâng cao sự sáng tạo và tinh thần đổi mới của cán bộ công nhân viên

Ở Công ty Hòa Bình, tất cả mọi nhân viên đều được tôn trọng và quý mến. Sự tôn trọng của vị giám đốc thể hiện ở môi trường làm việc tuyệt vời mà anh tạo dựng cho nhân viên của mình. Lê Viết Hải khuyến khích, khơi gợi nhân viên lòng mê say công việc, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, luôn đảm bảo cho nhân viên một mức lương tương xứng với những gì họ đã phục vụ cho công ty. Anh cũng chú trọng việc cất nhắc, thưởng phạt công bằng, công khai, dựa trên năng lực và sự cống hiến thực tế của nhân viên. “Cái tôi cần ở nhân viên là sự nhiệt tình, tích cực, chủ động trong công việc. Kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm thì có thể đào tạo nâng cao, nhưng tâm huyết với nghề thì không dễ dàng trang bị và đó mới là cái quý nhất”, Lê Viết Hải tâm sự.

3. Bên cạnh đó, Hòa Bình luôn cố gắng tìm ra tiếng nói chung với các đối tác, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích của các bên trên tinh thần hữu nghị, bình đẳng để cùng nhau đi tới, cùng nhau phát triển và tiến bộ.
Cạnh tranh lành mạnh trong tinh thần hòa bình là cách nghĩ, cách làm mà Lãnh đạo và toàn thể CBCNV Công ty phải luôn duy trì và phát huy nhằm cùng nhau chinh phục những đỉnh cao trên mọi phương diện vì lợi ích của cộng đồng mà trong đó Hòa Bình cũng là một thành viên. Hòa Bình rất kính trọng tinh thần nhường nhịn, tinh thần nhân hòa, điều này bao hàm tư tưởng sâu sắc này đối với sự khai thác mở rộng ngành nghề, quản lý công ty, xem trọng nhân tài, sự vội vã tiến lên không bằng tiến lên vững chắc, dốc hết tâm sức phục vụ khách hàng, phấn đấu đi lên, tuy trình độ đã cao nhưng vẫn tiếp tục phấn đấu.
Tìm kiếm hợp tác chân thành, cùng có lợi.

CÁC CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
Nhân viên là động lực tạo sự phát triển vì thế phát triển nguồn nhân lực là thiết yếu để mở rộng và vươn tới thành công

Phân rõ quyền hạn với tất cả mọi quyền, các công ty con đều kinh doanh độc lập, có quyền quiyết sách đối với tất cả các nghiệp vụ của công ty.

Giao quyền theo từng cấp.

Hậu đãi Cán bộ công nhân viên.

Tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho mọi người,từ một sinh viên mới ra trường cho đến những nhân viên muốn tìm kiếm một mục tiêu và sự thử thách mới.
Chiến lược trọng người tài là một trong những mục tiêu theo đuổI lâu dài của Hòa Bình.
Hệ thống lương bổng rõ ràng và chặt chẽ được xem xét hàng năm. Ngoài lương cố định hàng tháng,đội ngũ quản lý còn được nâng cao thu nhập dựa trên thành tích công tác và sự đóng góp vào thành công của công ty. Dù vậy, mỗi tháng, Ban Giám đốc đều xem xét và chấm điểm rất cụ thể theo từng bảng báo cáo của mỗi cá nhân, sau đó mới định mức lương, thưởng phù hợp chứ không tính theo kiểu bình quân. .

Cung cấp cho mỗi một nhân viên cơ hội học tập và phát triển nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng ngoại ngữ,...Công ty,do đó,yêu cầu rất cao từ đội ngũ quản lý: Họ phải có khả năng truyền cho nhân viên lòng nhiệt tình đối với công việc và dẫn dắt họ trên con đường sự nghiệp. Chỉ có những nhân viên nhận thức được vai trò của mình và yêu nghề thì mới có thể làm cho khách hàng hài lòng và do đó, về lâu dài,họ sẽ phát triển cùng công ty.
Việc bồi dưỡng công nhân viên chức bao gồm các nội dung như: Bồi dưỡng huấn luyện tư tưởng (Đào tạo định hướng: Sứ mệnh, Chính sách chất lượng, Trách nhiệm xã hội, An toàn lao động, ...), Hành vi hàng ngày ( hát bài hành khúc Hòa Bình ca ngơị ý chí đoàn kết vượt qua khó khăn đi đến thành công của toàn thể CBCNV Hòa Bình do Tổng Giám đốc sáng tác, đồng phục, đeo huy hiệu, làm việc, nghỉ ngơi, tác phong, ...) và bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ,...

Chương trình tổng hợp đào tạo dành cho tất cả các nhân viên mới gia nhập vào HB trong tháng đầu tiên.Chương trình sẽ giới thiệu về lịch sử công ty,văn hóa tại nơi làm việc,chiến lược,các công cụ phát triển và nguyên tắc, trình tự làm việc của công ty . Các nhân viên sẽ có cơ hội trao đổi trực tiếp với các thành viên Ban Giám Đốc, gặp gỡ các cấp quản lý cũng như các nhân viên từ các phòng ban khác nhau để được cập nhật thông tin và xây dựng mối quan hệ làm việc.

Các hoạt động xã hội, cộng đồng, Các hoạt động sinh hoạt văn nghệ cùng các hoạt động văn hóa, thể thao khác không chỉ nâng cao đời sống tinh thần mà còn tạo sự đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong công ty với nhau.

Công ty luôn đòi hỏi cao về tay nghề và kỹ năng giao tiếp của mọi nhân viên.Công ty khyến khích và yêu cầu nhân viên làm việc độc lập.Họ chỉ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi họ có một kiến thức vững chắc và luôn cập nhật kiến thức của mình, do đó,luôn chú trọng đến các chương trình đào tạo và nâng cao trình độ học vấn.

Các giải thưởng đã đạt được
TRONG NƯỚC:
+ Bằng khen do Bộ Thủy Sản trao tặng Văn phòng Xây dựng Hòa Bình đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện thành công dự án nâng cấp Cảng cá Cát Lở - Vũng Tàu, ngày 27/10/1997.
+ Huy Chương Vàng do Bộ Xây dựng và Công đoàn xây dựng Việt Nam trao tặng Văn phòng xây dựng Hòa Bình cho thành tích đạt chất lượng cao công trình sản phẩm xây dựng Việt Nam năm 1998: Cải tạo nâng cấp nhà khách Tân Sơn Nhất – Quân khu 7, ngày 28/7/1998.
+ Bằng khen do Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn trao tặng Ban Chỉ huy Đội thi công công trình VPĐD các hãng Hàng không Quốc tế - Sân Bay Tân Sơn Nhất của Văn phòng xây dựng Hòa Bình về thành tích: Tập thể Lao động giỏI năm 1999, ngày 9/1/2000.
+ Bằng khen do Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng Văn phòng Xây dựng Hòa Bình đã có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác năm 1999, ngày 25/1/2000
+ Bằng khen do UBND Tỉnh Bình Dương trao tặng Công ty CP Xây Dựng & KD Địa ốc Hòa Bình: Đã hòan thành Xuất sác công trình xây dựng Tháp Anten 252m của Đài phát thanh & Truyền hình tỉnh Bình Dương góp phần nâng cao hình ảnh và âm thanh vùng phủ song, ngày 4/4/2005
+ Bằng khen do UBMTTQ Quận 3 trao cho BGĐ Công ty CP Xây Dựng & KD Địa ốc Hòa Bình đạt thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “QUỸ VÌ NGƯỜI NGHÈO” ngày 13/9/2004
+ Danh hiệu “Thương hiệu mạnh 2004”
+ Danh hiệu “Thương hiệu mạnh 2005”
+Danh hiệu “Thương hiệu Hàng Đầu Ngành Xây dựng 2005”.
+ Danh hiệu Top 10 Thương hiệu “Thương hiệu Uy tín Chất lượng Hàng đầu”. (Trên toàn quốc Hoà Bình là thương hiệu duy nhất của ngành xây dựng đạt danh hiệu này).
+ và một số Bằng khen, thư khen của Ủy ban Quận, Tổ chức, Hiệp hội trao tặng vì các đóng góp cho Xã hội, Cộng đồng.

CÁ NHÂN
+ Huy Chương Vàng “ Quản Lý chất Lượng Toàn cầu” do Editorial Office (tòa soạn) kết hợp vớI TRADE LEADERS’ CLUB ( một câu lạc doanh nhân vớI hơn 7.000 thành viên từ 120 quốc gia) trao tặng ông Lê Viết Hải – Tổng Giám đốc Công ty như là một sự công nhận về thành quả đặc biệt. Tổ chức ngày 13/10/2004 tại Madrid – Tây Ban Nha.
+ Danh hiệu “ DOANH NHÂN SÀI GÒN TIÊU BIỂU 2005”

QUỐC TẾ:
+ Giải thưởng “NEW MILENIUM AWARD” GIẢI THƯỞNG NGÀNH XÂY DỰNG lần thứ 16 (GIẢI THƯỞNG THIÊN NIÊN KỶ MỚI) do Editorial Office (tòa soạn) kết hợp với TRADE LEADERS´´ CLUB ( một câu lạc doanh nhân với hơn 7.000 thành viên từ 120 quốc gia) đã bầu chọn Công ty CP Xây Dựng & KD Địa ốc Hòa Bình là Công ty Việt Nam duy nhất được trao giải thưởng này cùng 39 công ty xây dựng khác ở 25 nước trên thế giới, thưởng cho những doanh nghiệp trên khắp thế giới nổi bậc trong ngành xây dựng, một trong những lĩnh vực quan trọng nhất có liên quan đến diện mạo kinh tế xã hội của một quốc gia. Tổ chức ngày 13/10/2004 tại - Madrid, Tây Ban Nha
+ Giải thưởng " DIAMOND EYE " về chất lượng tuyệt hảo và CHƯƠNG TRÌNH TÍN NHIỆM TQCS - tiêu chuẩn làm khách hàng hài lòng về chất lượng hàng đầu do Hiệp hội OTHERWAYS Management & Consulting Geneva - Thụy Sĩ phối hợp với OTHERWAYS International Research & Consulting, Beirut – Lebanon trao cho Công ty CP Xây Dựng & KD Địa ốc Hòa Bình thể hiện tiêu chuẩn cao về việc đánh giá tiến độ và thiết lập chính sách thi công theo tiêu chuẩn quốc tế với phạm vi kinh tế vi mô lẫn vĩ mô. Ngày 13/12/2004 tại Berlin - Đức
+ Giải thưởng "PLATINIUM TECHNOLOGY" dành cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn về sản phẩm chất lượng cao và thương hiệu tuyệt hảo do Hiệp hội OTHERWAYS Management & Consulting Geneva - Thụy Sĩ phối hợp với OTHERWAYS International Research & Consulting, Beirut – Lebanon trao cho Công ty CP Xây Dựng & KD Địa ốc Hòa Bình, ngày 29/3/2005, tại Paris - Pháp.
+ GiảI thưởng: “CENTURY INTERNATIONAL QUALITY ERA AWARD in the Gold category” (Kỷ nguyên Chất lượng Quốc tế thế kỷ loại vàng) do Ủy Ban chọn lựa Quốc tế B.I.D Business Initiative Directions (Tổ chức chỉ đạo sáng kiến kinh doanh) trao cho Công ty CP Xây Dựng & KD Địa ốc Hòa Bình tại HộI nghị Chất lượng Quốc tế lần thứ 7 / 2005 ở Convention Hall vào ngày 18/4/2005 tạI Geneva - Thụy Sỹ

CÔNG TY TRỰC THUỘC:
+ Công ty TNHH Mộc Hòa Bình:
- Lãnh đạo Bộ xây dựng trao tặng trong kỳ Hội chợ VIETBUILD 2002.
• Huy Chương Vàng chất lượng sản phẩm
• Cúp vàng Thương hiệu
- Lãnh đạo Bộ xây dựng trao tặng trong kỳ Hội chợ VIETBUILD 2003.
• Huy Chương Vàng chất lượng sản phẩm
• Cúp vàng Thương hiệu
- Lãnh đạo Bộ xây dựng trao tặng trong kỳ Hội chợ VIETBUILD 2004.
• Huy Chương Vàng chất lượng sản phẩm
• Cúp vàng Thương hiệu
- Bạn đọc mạng thuonghieuviet.com - Hội sở hữu Công nghiệp VN:
• Cúp vàng sản phẩm/Dịch vụ Uy tín chất lượng lần thứ nhất – 2005
- Lãnh đạo Bộ xây dựng trao tặng trong kỳ Hội chợ VIETBUILD 2005.
• Huy Chương Vàng chất lượng sản phẩm
• Cúp vàng Thương hiệu
- Lãnh đạo Bộ xây dựng trao tặng trong kỳ Hội chợ VTOPBUILD 2005.
• Thương Hiệu Hàng Đầu ngành Xây dựng – trang trí nội thất

+ Công ty TNHH Sơn Hòa Bình: Sản phẩm Sơn đá hiệu HODASTONE
- Huy Chương Vàng Hội Chợ Địa ốc - VLXD & Sản phẩm Gia Dụng lần 2
- Huy chương bạc Hội chợ hàng Công nghiệp Việt Nam
- Chứng nhận ISO 9001:2000 của tổ chức QMS (Đức), tháng 12 năm 2003.
- Lãnh đạo Bộ xây dựng trao tặng trong kỳ Hội chợ VIETBUILD 2003.
• Huy Chương Vàng chất lượng sản phẩm
• Cúp vàng Thương hiệu
- Lãnh đạo Bộ xây dựng trao tặng trong kỳ Hội chợ VIETBUILD 2004.
• Huy Chương Vàng chất lượng sản phẩm
• Cúp vàng Thương hiệu
- Danh hiệu “Thương hiệu Việt yêu thích” năm 2004 do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.
- Bạn đọc mạng thuonghieuviet.com - Hội sở hữu Công nghiệp VN:
• Cúp vàng sản phẩm/Dịch vụ Uy tín chất lượng lần thứ nhất – 2005
- Lãnh đạo Bộ xây dựng trao tặng trong kỳ Hội chợ VIETBUILD 2005.
• Huy Chương Vàng chất lượng sản phẩm
• Cúp vàng Thương hiệu
- Lãnh đạo Bộ xây dựng trao tặng trong kỳ Hội chợ VTOPBUILD 2005.
• Thương Hiệu Hàng Đầu ngành Xây dựng – trang trí nội thất

+ Công ty TNHH Cửa Nhựa Lion Windowns: Danh hiệu “ Thương hiệu uy tín chất lượng” – Top ten thương hiệu Việt năm 2004, ngày 4/1/2005 do HộI Sở Hữu Công nghiệp Việt Nam trao tặng

CÁ NHÂN:
I. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC CỦA DOANH NHÂN:
+ Từ năm 1985 đến năm 1989: Phụ trách Giám sát thi công, sửa chữa nhà: Công ty quản lý nhà thuộc Sở Nhà Đất Tp.HCM
+ Từ năm 1987 đến 2000: Giám đốc văn phòng Xây dựng Hòa Bình.
+ Từ năm 2000 đến nay CT HĐQT - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ Phần Xây dựng & kinh doanh Địa Ốc Hòa Bình

II. THÀNH TÍCH:
+ Giải thưởng: Huy Chương Vàng “Quản Lý chất Lượng Toàn cầu” do Editorial Office (tòa soạn) kết hợp vớI TRADE LEADERS’ CLUB ( một câu lạc doanh nhân vớI hơn 7.000 thành viên từ 120 quốc gia) trao tặng ông Lê Viết Hải – Tổng Giám đốc Công ty như là một sự công nhận về thành quả đặc biệt. Tổ chức ngày 13/10/2004 tại Madrid – Tây Ban Nha.
+ DOANH NHÂN SÀI GÒN TIÊU BIỂU 2005

CEOVN Nguyễn Công Phú - APAVE Đông nam á



Tiến sĩ Nguyễn Công Phú và ước vọng xuất khẩu tri thức Việt
Tiến sĩ Nguyễn Công Phú là Tổng Giám đốc APAVE Việt Nam & Đông Nam Á, một trong 5 tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực thẩm định, giám sát chất lượng các công trình xây dựng, công nghiệp. Năm 1995, từ uy tín của tiến sĩ Phú, Apave quyết định thiết lập chi nhánh ở Việt Nam, mở ra một giai đoạn đầu tư mới vào Việt Nam.

• Hai lần về Việt Nam

Năm 1982, tiến sĩ Nguyễn Công Phú, người Việt sống tại Pháp, đã trở lại Việt Nam với tư cách là trưởng nhóm kỹ sư và chuyên gia cho những dự án công nghiệp lớn của tập đoàn Bureau Veritas để làm việc với Bộ Năng lượng về nội dung giải quyết sự cố nồi hơi cho nhà máy nhiệt điện Yên Phụ (Hà Nội) và Thủ Đức (TP.HCM). Tuy nhiên chuyến đi ngắn ngủi ấy chỉ khiến cho ông thêm băn khoăn, trăn trở vì vốn kiến thức của mình chưa có nhiều điều kiện thi thố, ứng dụng.

Chất chứa trong lòng nỗi niềm ấy, mãi đến năm 1995, ông quyết định gia nhập ban lãnh đạo tập đoàn Apave với chức danh Tổng Giám đốc. Lý do lớn nhất mà ông về với tập đoàn Apave là ông đã nhìn thấy khả năng có thể thuyết phục được tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam. Để thực hiện ước nguyện của mình, ông nhận trọng trách thay mặt tập đoàn trực tiếp triển khai chiến lược phát triển dịch vụ giám định chất lượng và an toàn, hỗ trợ kỹ thuật tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một mình về nước, ông Phú dốc hết tâm huyết vào công việc trực tiếp tuyển dụng và đào tạo lại cho 200 kỹ sư, chuyên viên, kỹ thuật viên đạt đến trình độ hàng đầu cả nước trong lĩnh vực hoạt động của mình, đặc biệt là lĩnh vực thử nghiệm không phá hủy cho các công trình dầu khí trên bờ và trên biển cũng như trên lĩnh vực tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000.

Hầu hết những cán bộ kỹ thuật của Apave do ông đào tạo đều có trình độ chuyên môn quốc tế. Hàng chục cán bộ của công ty đã đi làm chuyên gia giám định ở khắp các nước trên thế giới. Nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy những công việc mà cán bộ của công ty thực hiện: giám sát các chuyên gia nước ngoài, trong đó có cả các kỹ sư Pháp, Mỹ..., với mức lương lên đến 10.000 USD/tháng. Có một số kỹ sư người Việt Nam do ông đào tạo trên lĩnh vực thử nghiệm không phá hủy đã được cấp chứng chỉ chuyên viên cấp 3 của ASTN ( Mỹ) -một trình độ hiếm người đạt được.

• 30 năm khổ luyện

Năm 1972, chàng sinh viên Nguyễn Công Phú được học bổng của chính phủ Pháp và sang Pháp học. Năm 1975, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Grenoble, anh vừa đi làm cho Phòng thí nghiệm trung tâm về cầu đường ở Paris thuộc Bộ thiết bị giao thông Pháp vừa học lấy bằng tiến sĩ cơ học đất và công trình ngầm tại Đại học Tổng hợp Paris. Đạt được tấm bằng tiến sĩ, anh tiếp tục học cao học về “An toàn trong xây lắp công nghiệp” ở London (Anh quốc).

Trong 30 năm sống ở nước ngoài, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã tham gia nghiên cứu nhiều phương án kỹ thuật, tham gia thiết kế và xây lắp các nhà máy nhiệt điện, điện tử tại Pháp, Mỹ, Iran, Huy Lạp, Brasil...và các nhà máy khí hóa lỏng, lọc dầu tại Algeria, Mexico, Arab Saudi.... Từ năm 1982 anh làm việc cho tập đoàn Bureau Veritas với chức danh trưởng nhóm kỹ sư và chuyên gia cho những dự án công nghiệp lớn như: nhà máy lọc dầu, tổ hợp lọc dầu, nhà máy nhiệt điện, nguyên tử. Anh đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nam Phi để nghiên cứu và kiểm tra các tài liệu thiết kế nhà máy điện nguyên tử cho tập đoàn EDFF&GEC Alsthom; tham gia xác định và lập kế hoạch an toàn trong chế biến của tổ hợp khí hóa lỏng tại Malaysia của tập đoàn ESSO; nghiên cứu về an toàn cho 12 công viên vui chơi giải trí thuộc hệ thống Euro Disneyland...

• Bài toán xuất khẩu tri thức Việt

Tiến sĩ Nguyễn Công Phú sinh ra và lớn lên ở Huế. Khi còn là sinh viên ngồi trên ghế giảng đường, Nguyễn Công Phú đã là một trong những thủ lĩnh của phong trào sinh viên Huế và là thành viên của Đoàn chủ tịch Hội sinh viên Huế. Cho đến nay, dường như lửa nhiệt tình trong ông vẫn còn cháy bỏng. Trở về Việt Nam với nhiệm vụ đào tạo chuyên gia, cán bộ -chuyên viên kỹ thuật, tiến sĩ Nguyễn Công Phú còn ấp ủ ý định đẩy mạnh “xuất khẩu tri thức Việt”. Ông tâm sự: “Thử làm một phép tính đơn giản, một công ty như Apave đến năm 2005 sẽ xuất khẩu khoảng 100 chuyên gia đi thế giới. Vậy đến năm 2010, toàn Việt Nam (bao gồm nhiều đơn vị có cùng chức năng trên -LTS) dư sức xuất khẩu 500.000 chuyên gia được quốc tế công nhận trong tất cả các lĩnh vực từ quản lý dự án, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư nông nghiệp đến kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ thuật...Tính rẻ lương mỗi người khoảng 30.000 USD/năm thì chúng ta đã có 15 tỷ USD. Số tiền này lớn hơn nhiều so với việc chúng ta chỉ xuất khẩu gạo và lao động”.

Ước vọng lạc quan nhưng không hề quá đơn giản trong cách nghĩ, tiến sĩ Nguyễn Công Phú luôn rất nghiêm khắc trong những yêu cầu về mặt chuyên môn. Ông khẳng định: “Đừng xem chúng tôi-những người giám định- chỉ đơn thuần là những kẻ trông coi ciment, sắt thép...Chúng tôi phải đổ rất nhiều công sức để có được những kiến thức. Từ đó chúng tôi mới có thể trông coi những đống vật liệu ấy, sao cho chúng được sử dụng tối ưu nhất, tiết kiệm nhất và không bị thất thoát”.


CEOVN Phạm Phú Ngọc Trai - Pepsi VN


PHONG CÁCH PHẠM PHÚ NGỌC TRAI
Nhiều người bảo, anh thành công vì anh là một người giàu thực tế và luôn luôn sáng tạo. Chính anh là người đã mạnh dạn lên kế hoạch và thực hiện một ý tưởng mà ít nhà sản xuất, phân phối nào từng nghĩ đến, đó là kết hợp chương trình khuyến mãi với hoạt động xã hội. Trong khi nhiều công ty áp dụng các chương trình khuyến mãi với những giải thưởng lớn thì PepsiCo Việt Nam lại kêu gọi mọi người sử dụng sản phẩm của mình với thông điệp đầy tính nhân văn “mua một sản phẩm của PepsiCo Việt Nam là bạn đã góp phần xoa dịu nỗi mất mát cho những đồng bào vùng thiên tai bão lụt” (PepsiCo Việt Nam đã trích tiền mặt trên mỗi sản phẩm nhân cho tổng sản lượng bán ra trong suốt thời gian khuyến mãi để đóng góp cho công tác từ thiện). Cũng chính anh là người đã khởi xướng phong trào đào tạo và khai thác nguồn nhân lực Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp. Rất nhiều chiến dịch quảng cáo của PepsiCo Việt Nam đều có sự xuất hiện của các ngôi sao Việt trong làng giải trí âm nhạc, thể thao, bên cạnh các ngôi sao tầm cỡ thế giới. Đây cũng là điều mà trước đây rất hiếm các công ty đa quốc gia ở Việt Nam mạnh dạn thực hiện. Ngay cả trong hệ thống PepsiCo International, thông thường sử dụng một mẫu quảng cáo thống nhất cho tất cả các thị trường khác nhau là điều phổ biến. Nghe nói anh đã trải qua một quá trình gian nan, vất vả thuyết phục công ty mẹ hiểu được và cho thực hiện những ý tưởng mà chưa bao giờ được thử nghiệm ở các nước khác. Và anh đã không phụ niềm tin của công ty mẹ, những sáng kiến độc đáo đã đóng góp rất nhiều trong việc giúp PepsiCo Việt Nam đẩy mạnh doanh số bán hàng một cách hiệu quả và đồng thời tạo một phong cách rất riêng cho thương hiệu của mình, điều này đã tạo nên những thành công vang dội trên thương trường của PepsiCo Việt Nam.

KHỞI ĐẦU BẰNG NHỮNG THÁCH THỨC
Cuối cùng, anh cũng đã nhận lời phỏng vấn. Khác với hình dung trước đó của tôi, anh đẹp trai và thân thiện. Trong chiếc sơ mi màu xanh nhạt lịch lãm, anh có dáng nghệ sĩ hơn một nhà quản lý.
Trở thành một CEO có mức lương cao nhất Việt Nam khi còn rất trẻ như vậy, anh có bị áp lực gì không?
Đúng là cách đây hơn mười năm, so với những người cùng vị trí, cùng độ tuổi như tôi thì mức lương đó là cao thật nhưng tôi không thấy áp lực mà chỉ thấy đó là một thách thức. Th ách thức này không nằm ở công việc mà ở vị trí lãnh đạo trong một công ty nước ngoài. Làm sao để có thể hội nhập trong một công ty đa quốc gia đã có bề dày kinh nghiệm hơn 100 năm trên thị trường quốc tế, làm sao để có thể hòa nhập vào đội ngũ quản lý quốc tế chuyên nghiệp trong cùng một hệ thống, đó là những trăn trở và cũng là mục đích phấn đấu nâng cao khả năng để tôi có thể vượt qua những rào cản về tri thức và trí thức. Tôi còn nhớ, một số nước ở Đông Nam Á mặc dù nhỏ hơn Việt Nam về dân số và địa lý nhưng vì họ đi trước nên thị trường Việt Nam vẫn ở dưới sự quản lý của các thị trường này. Tất cả những điều đó đã khiến trong tôi hình thành sự phấn đấu làm thế nào để PepsiCo Việt Nam trở thành thị trường lớn, có tầm cỡ và có ảnh hưởng tốt trong cùng hệ thống quản lý của PepsiCo khu vực và toàn cầu.
Bây giờ anh đã trở thành Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc khu vực Đông Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á?
Vâng, PepsiCo Việt Nam giờ đây đã trở thành văn phòng quản lý khu vực, là trung tâm hỗ trợ nhân lực, phân công, điều hành các hoạt động quan trọng như sales, marketing và nhân sự cho tất cả các địa bàn thuộc quyền quản lý.

Nghĩa là trước đây anh phải báo cáo họ thì bây giờ họ đã phải báo cáo lại anh. Vậy là anh đã phấn đấu được những điều mà trước đây từng là mơ ước?
Phấn đấu của tôi không phải phấn đấu cho việc quản lý ngày hôm nay mà đó là những phấn đấu cho sự tự trọng, tôi không muốn họ nghĩ Việt Nam là một thị trường nhỏ và đánh giá thấp về năng lực quản lý của mình.

Nhiều người bảo, điều đặc biệt không phải chỉ vì anh đã tạo được những bước đi đột phá cho PepsiCo Việt Nam mà vì anh đã làm thay đổi cách nhìn về CEO Việt Nam?
Xin cảm ơn về cách đánh giá như vậy. Thực ra con đường tôi đi chỉ là con đường làm công chuyên nghiệp. Cũng trên con đường này, nhiều người thường nghĩ làm CEO chỉ cần quản lý tốt, kiếm lợi nhuận cao. Còn tôi, tôi thường tâm niệm ngoài chuyện quản lý tri thức và trí thức, tôi còn muốn có gì đó đóng góp vào giá trị chung. Tôi nghĩ trong kinh doanh cũng cần đạo đức và văn hóa, đó là đạo đức kinh doanh và văn hóa kinh doanh.

LUÔN HƯỚNG TỚI CỘNG ĐỒNG
Vậy anh đã xây dựng văn hóa công ty như thế nào?
Tiêu chí của PepsiCo Việt Nam là quan tâm tới cộng đồng và môi trường. “Khách hàng là thượng đế” là một phương châm đúng nhưng chưa đủ. Với PepsiCo Việt Nam, khách hàng sẽ chỉ hưởng mọi quyền lợi tốt nhất nếu được sống trong một môi trường tốt. Trong công tác quản lý, tôi thường nghĩ nếu mọi nhân viên chỉ lo vùi đầu vào công việc, với những áp lực phát triển và thăng tiến thì một ngày nào đó văn hóa ứng xử của họ với người xung quanh và với cộng đồng sẽ bị mờ nhạt đi và điều này sẽ nguy hiểm bởi vì nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và lâu dài trong một công ty chính là văn hóa. PepsiCo Việt Nam luôn mong muốn xây dựng nên những tiêu chuẩn văn hóa ứng xử cho các nhân viên và quản trị viên. Những chuẩn mực dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam và theo hai chủ đề chính: giữ gìn văn hóa và chăm sóc cộng đồng. Tôi nghĩ công ty dù ở tầm cỡ nào đi chăng nữa, khi vào kinh doanh ở một vùng đất mới cũng phải biết tôn trọng những giá trị văn hóa của nơi ấy mới mong thành công được. Thành công ở PepsiCo Việt Nam chính là nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm, kỹ thuật quản lý quốc tế và nền tảng văn hóa địa phương.

DMK là giải thưởng cao nhất của Pepsi toàn cầu. Giải này gồm những tiêu chí nào? Nghe nói anh và công ty đã nhiều lần đoạt giải?
Đây là giải thưởng cao quý nhất của Tập đoàn PepsiCo toàn cầu mang tên của Donald M.Kendall - nguyên Chủ tịch và là người đồng sáng lập ra tập đoàn. Giải thưởng này được xét tặng dựa trên các tiêu chí đánh giá về năng lực phát huy sáng tạo đổi mới sản phẩm, những chương trình có giá trị xuất sắc dành cho người tiêu dùng, những chiến lược, năng lực hiệu quả trong hệ thống phân phối tập trung vào việc phục vụ khách hàng, các chương trình hiệu quả trong sản xuất. Và tất nhiên để đạt được những điều đó, không thể không xét đến và đánh giá cao vai trò của nguồn nhân lực, năng lực tổ chức bộ máy quản lý dựa trên những giá trị của PepsiCo toàn cầu và những chương trình đóng góp trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Đích thân người đứng đầu các công ty thành viên phải thực hiện bài thuyết trình này, không có cộng sự nào được phép đi cùng để hỗ trợ tại cuộc thi. Và phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của cuộc thi: Bài thuyết trình chỉ được giới hạn trong đúng 20 phút (sử dụng đồng hồ đếm ngược thời gian) kể cả có sử dụng các đoạn phim và hình ảnh. Nếu kéo dài quá thời gian quy định, ban giám khảo sẽ ra hiệu lệnh ngắt ngay để đảm bảo tính công bằng. Mỗi thành viên Hội đồng giám khảo sẽ chấm điểm thuyết trình dựa trên tiêu chí chấm điểm theo khung điểm từ 1 đến 10. PepsiCo Việt Nam đã vượt lên trên gần 170 thị trường trên thế giới, là một trong số 18 nước lọt vào vòng chung kết Giải thưởng. Đây là lần thứ 4, PepsiCo Việt Nam liên tiếp giành được hạng nhất toàn cầu.

Với nhân viên dưới quyền, phẩm chất nào anh cho là đáng quý nhất?
Đầu tiên là phải trung thực. Nếu bạn không biết thì học hỏi rồi bạn sẽ biết. Giống như cái đồng hồ, thà bằng nó hỏng thì còn biết mà sửa chữa. Chứ chạy sai thì có chạy cũng chẳng ích gì và sẽ sai hoài. Như thế sẽ không biết đâu mà lường. Không chỉ là nhân viên dưới quyền, theo tôi ngay cả người lãnh đạo cũng phải trung thực và biết chia sẻ. Tôi thấy có những người không giàu nhưng được rất nhiều người vị nể vì họ trung thực và biết chia sẻ. Người làm công tác kinh doanh cũng phải giỏi mới kiếm được tiền, mới phát triển công ty của mình, nhưng không phải giỏi đã là tất cả. Trong lĩnh vực âm nhạc nghệ thuật cũng vậy. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người yêu quý không chỉ vì anh đã sáng tác những tác phẩm hay mà vì tính nhân bản của anh, vì tấm lòng của anh với cộng đồng, với cuộc đời này…
PepsiCo International cho phép PepsiCo Việt Nam quản lý và phân phối đồng thời hai lĩnh vực thức uống và thực phẩm. Đây có phải là trường hợp ưu tiên trong hệ thống?
Đây là niềm tự hào cho PepsiCo Việt Nam, vì chưa có nước nào trong hệ thống được phép quản lý hệ thống sản xuất, kinh doanh và phân phối đồng thời hai lĩnh vực một lúc như vậy.

Nghe nói PepsiCo Việt Nam đã có cả một chương trình đầu tư trồng khoai tây và đang có những kết quả rất tốt?
Hiện nay, nhiều nơi vẫn phải nhập khoai tây và công nghệ chế biến từ nước ngoài về. Đây là điều khiến nhiều người ngạc nhiên, vì cho rằng ở Việt Nam xưa nay vẫn trồng được khoai tây. Nhưng đó là khoai tây thông thường, không phải khoai tây trong chế biến công nghiệp. Dự án trồng khoai tây và chế biến tại Việt Nam của PepsiCo Việt Nam đang giải đáp bài toán này, đây là một dự án mang ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn. PepsiCo Việt Nam hiện có gần 2.000 lao động trực tiếp và 10.000 lao động gián tiếp trong hệ thống phân phối, nhưng khi chương trình triển khai thì PepsiCo Việt Nam sẽ có thêm hàng vạn lao động gián tiếp trong những năm sắp tới. Đây là chương trình được chính phủ hỗ trợ, từ đây PepsiCo không nhập khoai tây nữa mà còn xuất khẩu ngược lại. PepsiCo Việt Nam đã đầu tư một nhà máy chế biến snack từ khoai tây tại Bình Dương với công suất 10.000 tấn/năm, đã đi vào sản xuất. Trong tương lai gần, PepsiCo Việt Nam còn hi vọng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhiều nhà máy snack khác của tập đoàn trong khu vực ASEAN.
Thành đạt và nổi tiếng như vậy, anh có tạo ra áp lực cho các con của mình không?
Áp lực thì không. Nhưng là cha mẹ ai chẳng muốn cho con mình hạnh phúc và có sự nghiệp vững vàng. Con gái tôi từ nhỏ đã thích nghệ thuật, nhưng tôi lại khuyên cháu học ngành luật. Chắc do yêu quý tôi và cũng vì tôi nên cháu đã theo học ngành luật. May mà cháu đã thi và có được học bổng du học hơn 4 năm. Giờ thì cháu đã tốt nghiệp, trở về nước và có một việc làm phù hợp với mức lương ổn định. Nghĩ lại những năm tháng cháu phải du học vất vả xa gia đình khiến tôi mặc dù tự hào nhưng vẫn ray rứt vì đã hướng cháu đến một ngành học tương đối khó với một người Việt Nam du học ở nước ngoài. Giờ đây có những lúc hai cha con ngồi trò chuyện cùng nhau và thấy rằng con đường đi của mỗi người phải là tự thân tìm thấy, trên con đường ấy đôi khi có thể phải kinh qua thất bại nhưng đó
cũng là những điều tốt. Hạnh phúc thì chỉ do chính bản thân mỗi người tìm thấy mà thôi, vai trò của cha mẹ chỉ là sự hướng dẫn và hỗ trợ.
Theo anh điều gì quý nhất ở đời?
Nói rất thật lòng, với tôi, tình yêu là thứ quý nhất ở đời. Có tiền tài danh vọng mà không có tình yêu thì danh vọng và tiền tài cũng trở thành vô nghĩa. Tình yêu không trừu tượng, nó cụ thể và gần gũi, đó là tình yêu với gia đình, với bạn bè, với quốc gia mình đang sống. Tình yêu được xây dựng trên những nền tảng văn hóa. Tiền bạc có thể làm, có thể mất, nhưng tình yêu thì không. Tình yêu cho con người sức mạnh, sự lạc quan, niềm tin và niềm hy vọng. Tình yêu là những thứ lớn lao nhưng nhiều khi cũng chỉ đơn giản như một lời tự hỏi “ta là ai mà yêu quá đời này”.
Thời gian anh dành cho chúng tôi chỉ có 60 phút. Tôi hiểu ở vị trí hiện nay, thời gian anh trò chuyện với chúng tôi như vậy đã là rất đặc biệt. Chia tay người đàn ông tài năng này, chúng tôi chúc cho những hoài bão của anh, hoài bão về sự phát triển, về tình đồng bào và trách nhiệm cộng đồng sẽ ngày càng nhân rộng và phát triển.

CEOVN Đàm Bích Thủy - ANZ Việt nam

Thời hội nhập, ngày càng có nhiều người Việt ra nước ngoài làm quản lý ở các tập đoàn lớn trong vai trò giám đốc điều hành (CEO). Môi trường hoạt động càng rộng, thử thách càng lớn và cũng là cơ hội để những nhà kinh doanh Việt khẳng định mình với bạn bè thế giới.

Ngẩng cao đầu trước thử thách

Đến Ngân hàng ANZ tại VN, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết lãnh đạo cao nhất của ngân hàng “ngoại” này tại VN là một phụ nữ Việt nhỏ nhắn và duyên dáng.

Trước khi đảm nhận vị trí tổng giám đốc ANZ VN vào năm 2005, Đàm Bích Thủy đã có hơn 10 năm làm việc cho ANZ tại Singapore, phụ trách hoạt động đầu tư toàn bộ hoạt động dầu khí ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ vai trò giám đốc dự án, chị nhanh chóng được cất nhắc lên làm giám đốc vùng, phụ trách toàn bộ khu vực châu Á nhờ những thành tích vượt trội của mình. Giai đoạn chị giữ trọng trách tại Singapore, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động tín dụng. Tuy nhiên thời điểm đó, ANZ đã ký được hợp đồng tài trợ cho hai nhà máy điện tại Bangladesh và một ở Sri Lanka trị giá hơn nửa tỉ USD, trong đó có công sức đóng góp không nhỏ của chị.

Khi được hỏi vì sao lại chọn một phụ nữ VN giữ vị trí lãnh đạo cao cấp của ANZ tại VN - một thị trường mới nổi nhưng là một trong ba thị trường quan trọng nhất của ANZ tại châu Á, lãnh đạo ANZ toàn cầu cho biết chị Thủy không chỉ vượt qua được các đối thủ nặng ký khác về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc mà còn ở mức độ đóng góp của chị cho thành công của ANZ tại VN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một đồng nghiệp trong ngành ngân hàng đánh giá rằng thành công nhất của chị Thủy có lẽ là trong vòng hai năm qua đã đưa ANZ từ mức độ nhận biết gần như bằng 0 đối với người tiêu dùng VN thành một trong những ngân hàng nước ngoài được nhắc đến nhiều nhất.

Chị đã giúp Tập đoàn ANZ có sự nhìn nhận khách quan về thị trường VN để đưa ra quyết định về xây dựng chiến lược đầu tư lâu dài tại thị trường này, minh chứng chính là những khoản đầu tư mới và gần đây nhất là giấy phép thành lập một trong ba ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại VN. Trong hai năm qua, bên cạnh việc ra mắt các sản phẩm dịch vụ tài chính cá nhân như thẻ tín dụng không cần thế chấp, cho vay mua nhà, dịch vụ ngân hàng tận nơi, ANZ VN còn tham gia cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng của Chính phủ như phát hành trái phiếu cho Tổng công ty Điện lực VN, dự án xây dựng nhà máy của Công ty Gang thép Thái Nguyên...

Thật ngạc nhiên khi biết chị Thủy lúc khởi nghiệp không phải là “dân chuyên” trong ngành tài chính mà là “dân ngoại ngữ” ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi lập và điều hành một công ty tư vấn khá thành công, chị Thủy được học bổng Fulbright theo học MBA chuyên ngành tài chính tại Trường đại học Wharton (Mỹ). Để đạt thành tích cao và giữ được vai trò lãnh đạo trong một tập đoàn tài chính nước ngoài, chị Thủy cho rằng: “Đơn giản là hãy tự tin và ngẩng cao đầu trước thử thách. Trước khi thuyết phục được người khác thì mình phải tự thuyết phục được mình, tin vào công việc mình làm. Tự tin nhưng không được tự kiêu. Cái gì không biết, không hiểu thì cứ chân thành học hỏi, người nước ngoài sẽ sẵn sàng dạy chúng ta. Dù là một giọt nước nhưng cũng phải là giọt nước có ích”. Với tính cách mạnh mẽ, chị Thủy khẳng khái: “Với tôi, không có khái niệm về sự khác biệt giữa Tây và ta. Người nước ngoài làm được thì chúng ta cũng làm được”.

CEOVN Mai Thanh - Cơ Điện Lạnh Ree

Năm 1968, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Thị Mai Thanh rời quê hương Sài Gòn, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ, để làm y tá trong một đoàn quân của miền Bắc Việt Nam do cha bà lãnh đạo ở gần khu vực thành phố.

Sau đó, bà mắc bệnh sốt rét và ra Bắc, sau nhiều ngày đi bộ ròng rã trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Bà đã phải trốn chạy những cuộc không kích của quân Mỹ và chứng kiến những người Việt Nam bị chết hoặc bị thương vì bom đạn Mỹ.

Ngày nay, khi ở vào tuổi 54, cuộc đời bà Mai Thanh đã có rất nhiều thay đổi. Là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của REE, một doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thiết bị gia dụng, xây dựng và bất động sản, bà là một trong số những nữ doanh nhân Việt Nam thành đạt nhất và giàu có nhất. Đầu năm nay, một tạp chí kinh tế Việt Nam đã xếp bà vào vị trí người giàu thứ 9 ở Việt Nam, với tài sản ước tính khoảng 887 tỷ đồng, tương đương 55 triệu USD.

Thành công như vậy của một người phụ nữ không phải là chuyện lạ trong giới doanh nhân Việt Nam. Tại Vinamilk, công ty lớn nhất của Việt Nam về giá trị vốn hóa thị trường, chuyên các sản phẩm về sữa, trước đây thuộc sở hữu Nhà nước, cũng có nữ tổng giám đốc và 4 trong số 6 thành viên hội đồng quản trị của công ty cũng là phụ nữ.

Sacombank, tổ chức tài chính lớn nhất được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng có một nữ giám đốc. Chính phủ Việt Nam mới đây cũng bổ nhiệm một phụ nữ vào vị trí lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), một cơ quan phụ trách hoạt động cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp Nhà nước.

Theo tính toán của giới phân tích, hiện nay, các công ty có giám đốc nữ chiếm tới 30% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở Mỹ, chỉ có chưa đầy 2% trong số danh sách 500 công ty lớn nhất nước này do tạp chí Fortune bình chọn có lãnh đạo là phụ nữ. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, phụ nữ thường không được khuyến khích theo đuổi sự nghiệp riêng và hiếm khi đột phá được tới những vị trí quản lý doanh nghiệp cao cấp.

Việc phụ nữ Việt Nam có được vị trí bình đẳng với nam giới là một kết quả của chiến tranh. Trong khi nhiều người tham gia chiến đấu, nhiều người khác như bà Mai Thanh làm những công việc nguy hiểm trong các đơn vị hỗ trợ chiến đấu. Tỷ lệ thương vong cao ở nam giới buộc người Việt Nam phải từ bỏ những vai trò nghiêm ngặt của hai giới vì họ phải phụ thuộc vào nhau để có thể tồn tại được.

John Shrimpton, một giám đốc của quỹ đầu tư Dragon Capital, đồng thời là người có mặt trong Hội đồng Quản trị của REE nói: “Nếu bạn đứng vai kề vai cùng với một ai đó trong một chiến hào để chống lại kẻ thù, bạn sẽ nghĩ rằng người đó là bình đẳng với bạn.”

Ở Việt Nam, địa vị được tôn trọng của phụ nữ trên thực tế đã có từ hàng nghìn năm trước. Một vài nhà sử học cho rằng, trước khi bị Trung Quốc đô hộ vào năm 111 trước Công nguyên, Việt Nam thậm chí đã có một xã hội mẫu hệ. Người châu Âu tới Việt Nam vào những năm 1600 “thấy rằng phụ nữ ở đây tỏ ra xuất sắc hơn trong các hoạt động thương mại” so với phụ nữ châu Âu, Peter Zinoman, một giáo sư về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học California ở Berkeley cho biết.

Trong nhiều hộ gia đình Việt Nam, phụ nữ là người quản lý hầu bao. “Bố tôi thường đưa lương cho mẹ tôi và sau đó lại hỏi tiền bà mỗi khi ông cần,” Đinh Thị Hoa, Chủ tịch Tập đoàn Galaxy, một công ty truyền thông do chính bà sáng lập

CEOVN Hồ Huy - Mai Linh

Một thời trai trẻ

Phóng viên: Ông từng là một đứa trẻ rất nghịch ngợm nhưng cũng là một thanh niên nhập ngũ sớm so với tuổi, ông có thể nói đôi lời về thời “khi người ta trẻ” của ông?


Ông Hồ Huy
: Thời chiến tranh, cả nước lúc ấy khí thế lắm. Mọi người nô nức đi Thanh niên xung phong, vào bộ đội chứ nào riêng gì tôi. Tôi vào quân ngũ khi mới học đầu năm lớp 10 thôi. Lúc ấy cả dân tộc sục sôi không khí cứu nước, nhiều người khai tăng tuổi, giấu đá vào người để cho đủ tiêu chuẩn tuổi tác, sức khoẻ để gia nhập quân đội.


Tôi bị ảnh hưởng khá lớn của phong trào “Học tập gương anh hùng Lê Mã Lương” với khẩu hiệu “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Khi ấy tôi chỉ muốn trở thành một anh hùng như Lê Mã Lương. Tuổi trẻ không chỉ riêng tôi mà tuổi trẻ của cả dân tộc lúc ấy đều như thế.


- Thời ấy, Thanh Hoá nói riêng và Việt Nam nói chung rất nghèo, rất khổ. Ông có thể ... “kể nghèo, kể khổ” lúc còn trẻ một chút không?


Thời ấy thôi ư? Thời ấy và bây giờ thì những nông dân Việt Nam vẫn là những người nghèo nhất. Tôi về những vùng quê Việt Nam dọc miền Trung, vào trong Đồng bằng sông Cửu Long cũng vẫn thấy đồng bào mình vẫn hạn chế lắm, vẫn nghèo lắm. Nhưng cái nghèo khổ ấy lại tạo nên những anh hùng - ra trận càng anh hùng. Nông dân Việt Nam, nhất là ở vùng sâu, vùng xa bây giờ vẫn rất khó khăn. Cần có những biện pháp, chính sách để giúp đỡ họ thoát nghèo và giảm chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn.


Tôi cũng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên tại nông thôn nên đồng cảm với đồng bào mình lắm. Tôi biết hái rau rừng, bắt cá suối để giúp gia đình cải thiện bữa ăn từ khi còn bé lắm. Sau này khi vào quân đội, tôi cũng làm thế để cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Cỡ cấp trung đoàn trưởng lúc ấy thỉnh thoảng mới được ít mì chính, ruốc bông, thịt hộp. Cả quân lẫn tướng đều thiếu thốn trăm bề. Có nhiều đêm tôi ra suối câu cá giữa rừng thiêng nước độc Quảng Trị, Quảng Đà và cả trên tuyến hành quân chiến dịch Hồ Chí Minh. Cái đói khổ lúc ấy lớn hơn cả nỗi sợ ma rừng.

"ISO quân ngũ" - chuẩn mực của những người đi trước


- Người trẻ ngày nay năng động, sáng tạo hơn trước nhiều, ông nhận xét gì về các “lính trẻ” dưới quyền?


Đừng nghĩ thế hệ những người đi trước là kém năng động nhé, tôi cũng cập nhật thông tin không thua gì các bạn trẻ đâu (cười-PV). Có thể kém hơn về điều kiện khi trẻ nhưng môi trường quân đội với những “ISO quân ngũ” là những chuẩn mực rất tốt của những người đi trước đấy. Thế hệ sau phát triển tốt hơn cả về gen di truyền, điều kiện vật chất và giáo dục nên năng động hơn, thành công cũng là lẽ dĩ nhiên. "Trường giang sóng sau xô sóng trước" mà.


- Ông xử lý mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, thế hệ trẻ và thế hệ đi trước như thế nào khi nó luôn tồn tại, đặc biệt là những bực tức có thể trong các phản hồi ngược của những nhân viên trẻ “cứng đầu”?


Đây là thời hội nhập. Hội nhập nhiều thứ nhưng phải hội nhập có văn hóa, có chọn lọc chứ chẳng ai hội nhập cá nhân cả. Tôi quan niệm rằng mình phải cố gắng có những lý lẽ thuyết phục để người khác cùng làm, trong đó có những nhân viên trẻ. Nếu chỉ có một mớ lý thuyết suông thì làm lãnh đạo sao được, sẽ thất bại ngay. Tôi trị “bệnh bướng bỉnh” của nhân viên mình bằng sự đoàn kết trong công ty. Ông bà có dạy “một cây làm chẳng nên non”. Nếu không chung sức, chung lòng thì tiến đến thành công sao được.


- Ngoài chuyên môn, tuổi tác và địa vị, ông hãy tiết lộ bí quyết về cách “thu phục” các nhân viên trẻ của mình.


Với các nhân viên của mình, tôi gương mẫu trong công việc và đời sống để thuyết phục họ làm việc nghiêm túc và đàng hoàng với khách hàng.


- Nếu có những nhân viên trẻ có tham vọng “thay thế” ông bằng nhiều cách, ông sẽ xử lý thế nào?


Tôi cho rằng người kế tục mình nhất thiết phải có hai thứ: Đức và Tài. Đức là cái quý nhất, cần thiết nhất. Nếu có tài mà thất Đức thì có “hạ bệ” tôi cũng sẽ dẫn đến kết cục sụp đổ công ty và đó là điều tôi không muốn thấy.

Nếu có một nhân viên trẻ nào không phải con cháu, họ hàng mình mà kế tục được cương vị hiện nay của tôi thì đó thực sự là một niềm vui lớn. Đấy chắc chắn phải là người vừa Hồng, vừa Chuyên như Bác Hồ đã dạy. Nếu có một người như thế, cộng thêm chút may mắn thì “thay thế” tôi càng hay chứ sao (cười-PV).

"Tàn dư bao cấp trong tôi còn..."


- Lãnh đạo phải có tính quyết đoán, ông có những lần quyết định khó khăn nào không?


Có lúc tôi lâm vào cảnh “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”: làm tiếp hay rút lui. Cuối cùng tôi quyết tâm làm tiếp và tôi đã đúng. Hai khó khăn mà tôi vừa nói chẳng hạn. Tôi không bỏ cuộc mà bình tĩnh lại để tìm cách giải quyết bằng phẩm chất người lính của mình. Tôi đã vay mượn, cầm cố nhà cửa và vận động các thành viên lãnh đạo khác làm thế để cứu công ty. Với các nhân viên, tôi thuyết phục họ giảm 10% lương để cùng chia sẻ khó khăn trong giai đoạn gian truân đó.


Tôi quyết định hy sinh quyền lợi của mình trước rồi mới vận động mọi người làm theo. Sự phân vân giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể là tất nhiên và cuối cùng lợi ích tập thể đã thắng. Điều may mắn là các chế độ lương, thưởng của nhân viên công ty tết năm ấy vẫn ổn.


- Thời hội nhập không chấp nhận những hành xử kinh doanh lạc hậu, trì trệ. Ông “tự thân vận động” theo cách nào với những tư duy cũ?


Tàn dư bao cấp trong tôi còn, nói điều ấy cũng đúng. Nhưng năm năm làm ở nước ngoài đã giúp tôi học hỏi khá nhiều, nhất là về kinh nghiệm quản lý. Sau đấy tôi lại học hỏi những điều mới trong giai đoạn làm việc ở Sài Gòn Tourism. Tôi nghiệm ra rằng ai cũng có khát vọng cả và không nên dễ dàng từ bỏ nó. Muốn đi đến tận cùng thì phải đưa ra được những quyết sách táo bạo nhưng đúng đắn và phù hợp với thời cuộc. Tôi có điểm mạnh là không sợ chịu trách nhiệm trước thất bại. Thất bại thì làm lại sao cho tốt hơn chứ đừng bỏ cuộc.


- Ông có thể khái quát trong một câu ngắn gọn về môi trường văn hoá trong kinh doanh?


Uống nước thì phải nhớ nguồn, đó là đạo lý cuộc sống và cũng là đạo lý trong quan niệm kinh doanh của tôi. Có khách hàng thì chúng tôi mới được như ngày nay nên tôi quán triệt nhân viên mình phải có văn hóa, có chuyên môn khi phục vụ khách hàng. Từ quá trình đó chúng tôi rút ra những kinh nghiệm quý báu để tiếp tục làm việc tốt hơn nữa.

Chỉ như người lính vào cuộc kinh doanh

- Có một câu rất này: “Năng lực càng cao, trách nhiệm càng cao”. Ông nhận xét gì về bản thân với tư cách một lãnh đạo một tập đoàn kinh tế lớn được nhiều người biết đến?


Tôi luôn cố gắng để gương mẫu, để vươn lên trong vai trò một người đứng mũi chịu sào. Phải nhớ rằng người đi đầu bao giờ cũng là người khó khăn nhất nhưng cũng vinh dự nhất. Tôi nghĩ mình được thế này là nhờ ham học hỏi và chịu khó truyền đạt lại kinh nghiệm cho những người chưa biết.

Chưa bao giờ tôi nghĩ mình tài năng vượt bậc mà chỉ nhận mình như một người lính vào cuộc kinh doanh và vươn lên từ khó khăn thôi.


- Ứng xử trước báo chí của ông có vẻ cởi mở nhưng thực ra vô cùng kín kẽ, ông có học cách ứng xử với giới truyền thông bài bản hay có cố vấn giúp đỡ?


Báo chí hay công tác văn hóa nói chung là vô cùng hữu ích cho sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào. Những người làm báo cũng cần có sự dũng cảm, có lòng nhiệt huyết với xã hội, cũng cần được đào tạo bài bản. Điều này có nhiều điểm tương đồng với cả quân nhân lẫn doanh nhân. Những người công tác báo chí lại là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá trong khi các doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Kinh tế và văn hóa cũng gắn bó với nhau nên tôi coi báo chí như đồng đội cùng “chiến tuyến”. Bản thân tôi không ngại báo chí chút nào và luôn sẵn lòng hợp tác.


- Là lãnh đạo thành đạt, giàu có thì ắt có nhiều người ngưỡng mộ lẫn… xu nịnh, ông thì ... thế nào?


Người với người nên là bạn với nhau. Không chơi với nhau, không làm việc với nhau thì làm sao biết mục đích của nhau. Tôi cho rằng không ai dại cả, tốt nhất là không nhận xét ai vội vàng. Nếu mục đích người ta tốt thì hợp tác, không thì thôi. Cuộc sống mà, có tích cực lẫn tiêu cực cũng như con người có phần người lẫn phần con vậy. Cái nào tốt thì mình tiếp nhận.

"Khó mà nói tôi đã hoàn thành trách nhiệm làm chồng, làm cha..."


- Hãy nói một về gia đình ông và vai trò của ông trong gia đình mình như những người đàn ông bình thường khác chứ không phải một… đại gia?


Khó mà nói tôi đã hoàn thành trách nhiệm làm chồng, làm cha một cách đúng đắn nhất. Công việc cuốn tôi đi thường xuyên nhưng tôi luôn cố gắng thu xếp gia đình mình đâu ra đó. Tôi bận lắm, chỉ có thể tranh thủ tâm sự cùng các con trong vai trò người cha trong lúc đưa các con tới trường, những lần về nhà hay là qua mail, qua chat, qua điện thoại. Gia đình nào cũng muốn có cả con trai, con gái cả. Tuy tôi không có con trai và cũng thích có con trai cho có nếp, có tẻ song tôi cũng rất hạnh phúc với bốn cô con gái của mình bởi tôi nghĩ con nào cũng là con cả mà.


- Ông dạy con mình như thế nào khi công việc khiến ông thường xuyên xa nhà?


Tôi luôn cho các con của mình hiểu rằng cha chúng không quên trách nhiệm làm cha!


- Thời gian ít ỏi, tôi nghĩ thế, ông dành cho gia đình, họ hàng của mình ra sao
?


Sợi dây họ tộc rất thiêng liêng. Tôi dành thời gian cho họ tộc mình nhiều không kém gì công việc đâu. Đó là nơi hỗ trợ cho cả công việc và tình cảm, cả những vấn đề về tâm linh nữa. Tôi rất tự hào về dòng tộc của mình khi được mang họ Hồ.

Gia đình là một phần của dòng họ, dòng họ là một bộ phận của xã hội. Có những vấn đề mà ông chủ tịch xã đi vận động dân thì khó khăn chứ chỉ cần trưởng họ nói một tiếng là con cháu nghe theo ngay. Gia đình và dòng tộc đều là cơ sở phát triển bền vững của xã hội và nên khuyến khích về sự phát triển của các gia đình, dòng tộc thành đạt.


Hãy nhìn những dòng tộc lớn như Honda, Huyn-đai, Ford, Mercedes, Kenedy, Bush.. ở nước ngoài mà xem họ đã đóng góp thế nào cho xã hội. Lịch sử nước ta cũng chứng kiến họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần, họ Hồ,.. đã góp phần bảo vệ bờ cõi, phát triển đất nước thế nào. Và gia đình tôi, tôi muốn nó hạnh phúc, phát triển trong dòng chảy tích cực ấy!

- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện cởi mở này!

CEOVN Lâm Hải Tuấn (ACE life VN) - Lâm Đôn - Vinacapital

Hai chàng trai họ Lâm, cùng là người gốc Hoa, rời Sài Gòn vào cuối những năm 70. Đều thành đạt nơi xứ người, nay họ quay trở lại "bắc cầu" cho các tập đoàn quốc tế lớn đầu tư vào Việt Nam.

Vào đầu tháng 12 năm 2005, có hai sự kiện thu hút nhiều sự chú ý của báo giới trong TP.HCM.

Sự kiện thứ nhất là một lễ khai trương hoành tráng, nhưng đậm nét dân tộc với màn múa lân và sự tái hiện lại cảnh làng quê truyền thống Việt Nam bên trong và ngoài phòng tiệc, của một công ty bảo hiểm nhân thọ Mỹ.

Sự kiện thứ hai diễn sau đó ngót một tuần là cuộc hội ngộ của hơn 100 nhà đầu tư lớn từ khắp nơi, trong đó có EU, Mỹ và Nhật.

Nhân vật chính trong hai sự kiện đó là hai Việt Kiều. Một người là Tổng Giám đốc ACE Life Vietnam thuộc Tập đoàn Bảo hiểm ACE INA. Người kia là Tổng Giám đốc của Vinacapital, Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Opportunity Fund niêm yết tại Thị trường Chứng khoán Luân Đôn.

Không hiểu là có sự “sắp xếp” của Tạo hoá hay không mà giữa họ có những điểm chung khá đặc biệt.

Hai người cùng họ Lâm. Cha họ đều là người gốc Hoa, đều cùng gia đình rời Sài Gòn ra đi vào cuối những năm 70 đầy “nhạy cảm”.

Sau thời gian vượt qua bao khó khăn để học thành tài bên xứ người, họ đều được nhận vào làm ở những hãng quốc tế lớn, đều trở về Việt Nam với tâm nguyện thúc đẩy sự ra đời và mở rộng hoạt động của những hãng này tại Việt Nam.

Và trụ sở công ty của họ đều nằm ở Toà nhà Sun War Tower , 115 Nguyễn Huệ, Quận Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

"Mr. Wall Street của Việt Nam"

Lâm Đôn chuẩn bị thuyết trình trước các nhà đầu tư nước ngoài.

Khi qua nước ngoài vận động thêm vốn cho Quỹ Đầu tư VOF, tôi mới ngã ngửa ra rằng đa số các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nghĩ Việt Nam là một nước nuôi trồng thuỷ sản, có lẽ là qua các vụ kiện tôm và catfish mà báo chí đưa tin ầm ĩ”.

Lâm Đôn giải thích lý do anh quyết tâm tổ chức một hội nghị các nhà đầu tư để giới thiệu cơ hội ở Việt Nam như vậy.

Để mời được đại diện của hơn 100 định chế tài chính, trong đó có những “đại gia” như Sandberg Steeman SA, BankPension, Bank Julius Baer, hay Petercam SA…, Lâm Đôn đã phải tới gặp và thuyết phục một con số gấp đôi như vậy.

Trong suốt 6 tháng trời chuẩn bị, Lâm Đôn đã phải thực hiện 3 chuyến đi vận động, mỗi chuyến kéo dài chừng 3 tuần. Hơn 20 cuộc hội thảo nhỏ với các nhà đầu tư đã được tổ chức, đó là chưa kể đến hàng loạt các cuộc gặp gỡ riêng lẻ.

Số lượng tham dự hội nghị các nhà đầu tư cao như vậy cũng nhờ vào khả thuyết phục được coi là điểm mạnh của người cựu cử nhân về thương mại và chính trị học của Trường Đại học Toronto này.

Lâm Đôn được coi là speaker tại các cuộc hội thảo về đầu tư, và được Tạp chí Fortune coi là Mr. Wall Street của Việt Nam .

Theo Lâm Đôn, Việt Nam không thua bất cứ nước nào trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng lại chưa chú tâm vào thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), chỉ chiếm khoảng 3,7% so với vốn FDI, trong khi đó Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan tỷ lệ này chiếm tới 30-40%.

“Chính vốn FII sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao được qui mô và năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam tạo ra những doanh nghiệp lớn của riêng mình, nhất là dưới sức ép mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập”, Lâm Đôn lưu ý.

“Theo ước tính của tôi, các định chế này hiện đang nắm giữ một lượng vốn khoảng 100 tỷ USD. Chỉ cần họ đồng ý bỏ 1% trong số đó vào Việt Nam là chúng ta có 1 tỷ rồi”, Lâm Đôn nhận xét.

Những cơ hội đầu tư mở ra ở Việt Nam trong những năm gần đây mà Lâm Đôn muốn giới thiệu với các nhà đầu tư cũng chính là nguyên nhân chính khiến anh rời bỏ Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers(PwC) Vietnam vào cuối năm 2003, sau khi giúp nó phát triển thành một hãng kiểm toán lớn ở Việt Nam.

Lâm Đôn được cử về làm trưởng đại diện của PwC tại Việt Nam năm 1994, và công ty PwC Vietnam được thành lập một năm sau đó.

Trước khi rời khỏi PwC Vietnam, anh giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc, bởi lúc đó PwC Vietnam đã trở thành một hãng kiểm toán mạnh với mấy trăm kiểm toán viên và Tổng hãng bên Canada phải cử một Tổng Giám đốc người nước ngoài về phụ trách cả thị trường Đông dương.

Từ khi tham gia thành lập Công ty Vinacapital vào cuối năm 2003 để quản lý phần vốn đầu tư của VOF, Lâm Đôn cùng các cộng sự đã kịp đưa quỹ này trở thành quỹ đầu tư hiệu quả nhất Việt Nam năm 2004 (theo Nghiên cứu của tổ chức LCF Rothschild).

Trong năm 2004 tỷ lệ lãi ròng đạt 25% trên giá trị góp vốn của các nhà đầu tư, và giá trị cổ phiếu của quỹ trên thị trường chứng khoán Luân Đôn đã tăng 38%. Các con sô tương ứng cho đến cuối tháng 11 của năm 2005 là khoảng 29% và 27%.

Đó cũng chính là lý do Vinacapital đã nhanh chóng thu hút được 76 triệu USD trong kỳ phát hành cổ phiếu cuối năm ngoái để nâng tổng số vốn của VOF lên 171 triệu USD, mặc dù con số 47 triệu cổ phiếu phát hành không đáp ứng được nhu cầu mua của các nhà đầu tư.

Khi được hỏi sẽ làm gì trong dịp Tết này, Lâm Đôn bật cười lớn: “Thì nghỉ Tết chứ sao, cả năm vừa rồi mệt hết chịu nổi. Chắc cũng phải đưa bà xã và hai đứa nhỏ đi chơi đây đó quanh Sài Gòn cho thư giãn”.

Trong dịp Hội nghị các nhà đầu tư vừa rồi, Vinacapital cũng tuyên bố gây thêm một quỹ mới gọi là Vianland - trị giá 50 triệu USD. Lâm Đôn hy vọng là sẽ hoàn thành việc gây quĩ này trong vòng 6-9 tháng, để đầu tư vào địa ốc, văn phòng, cửa hàng và trung tâm thương mại. Trong vòng 3 năm tới Vinacapital tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính & ngân hàng và bất động sản.

Thực hiện một ước mơ

Lâm Hải Tuấn bên lẵng hoa của mẹ.

Lâm Hải Tuấn bắt đầu buổi lễ ra mắt chính thức của Công ty ACE Life Vietnam bằng ba tiếng trống mà nhân viên công ty cũng như những người khách đến dự có cảm giác anh đã dồn hết sức lực của mình vào đó.

“Ba tiếng trống đó là tiếng nói của người con với người cha ở thế giới bên kia:

Ba ơi, con đã thực hiện xong lời ba căn dặn khi cầm tay con lần cuối cùng trong đời là hãy về Việt Nam, hãy làm điều gì đó cho Việt Nam”.

Lâm Hải Tuấn rút khăn mùi soa ra khẽ chấm lên mắt, giọng anh hơi nghẹn lại.

Trước đó vào đầu năm 2003, tại cuộc phỏng vấn tuyển dụng tại trụ sở của Tập đoàn bảo hiểm ACE INA tại New York, sau khi nghe Tuấn phân tích khái quát về thị trường Việt Nam, ông Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Evan Greenberg hỏi anh câu cuối cùng:

“Hãy nói cho tôi điều gì làm nên sự khác biệt giữa Tuấn Lâm và những người khác!”

“Chắc là không nhiều lắm, nhưng tôi là người có ước mơ và luôn biết cách tận dụng mọi cơ hội để thực hiện ước mơ của mình”, Tuấn trả lời không chút do dự.

“Vậy anh hãy chuẩn bị về Việt Nam ”, ông Greenberg vừa nói vừa đứng dậy, kết thúc cuộc phỏng vấn chỉ có vỏn vẹn 15 phút, trong khi trước đó người ta bảo với anh rằng có thể kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ.

(Sau khi rời Metlife - một hãng bảo hiểm lớn khác của Mỹ - sau 18 năm làm việc và thành danh tại đó, vào tháng 10/2002, vì bất đồng trong quan điểm khi Metlife đã đầu tư sang Trung Quốc còn anh lại cố thuyết phục họ đầu tư vào Việt Nam, Lâm Hải Tuấn đã tự bỏ tiền túi về nước nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư).

Trong khoảng hai năm trời kể từ khi quay lại Việt Nam với tư cách Phó Chủ tịch của Bảo hiểm nhân thọ, Lâm Hải Tuấn đã vừa phải đôn đáo lo chuyện giấy phép, tiếp tục tìm hiểu thị trường để đưa ra các sản phẩm phù hợp, vừa phải tiến hành chọn được bộ khung quản lý cho công ty tương lai.

“Hàng trăm cuộc phỏng vấn diễn ra khắp mọi nơi, có thể là quán cà phê, quán trà, hay hàng cơm bụi, hay bất cứ một nơi nào khác. Không chỉ phỏng vấn họ, tôi còn tìm hiểu họ thông qua gia đình họ, bởi tính cách con người bộc lộ rõ nhất trong các mối quan hệ gia đình”, Tuấn nói.

(Người viết đã hết sức ngạc nhiên khi trên đường từ sân bay về văn phòng sau khi tiễn Chủ tịch tập đoàn về Mỹ, ông TGĐ comple, cà vạt sang trọng, Lâm Hải Tuấn quay lại nói với Giám đốc Tài chính Nguyễn Hồng Sơn của mình:

“Anh nghe mấy em trong văn phòng nói độ này quán bà Cả Đọi - một quán cơm bình dân nổi tiếng ở Quận Nhất - có món mới hay lắm, Sơn thử chưa? Chưa hả, vậy đầu tuần tới anh em mình ghé đi!”).

Công sức của người được mệnh danh là “Người phỏng vấn khó nhất” từ hồi còn ở Metlife đã không phụ anh. Trong số 20 quản lý được chọn, cho đến nay chỉ có một người phải ra đi vì nhận thấy không phù hợp với cái guồng hoạt động chung của ACE Life Vietnam .

Giải thích tại sao trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Chủ tịch tập đoàn đã quyết định nộp đơn xin luôn bảo hiểm phi nhân thọ và quỹ đầu tư, bởi các công ty nước ngoài thường mất một vài năm để ổn định một loại hình kinh doanh, Lâm Hải Tuấn nói giọng không giấu được niềm hãnh diện:

“Ông ấy không tìm được một lỗi nhỏ nào trong bộ máy điều hành, cũng như đội ngũ nhân viên và đại diện kinh doanh ở đây, nên mới quyết định nhanh như thế”.

Ông Barry Jacobson, Chủ tịch của ACE Life International nhận xét về anh: “Chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã có đúng người vào đúng thời điểm ở đây. Tuấn rất hiểu con người và văn hoá Việt Nam bởi anh có thời gian làm việc rất dài và rất thành công với cộng đồng người Việt bên Mỹ.

Anh có một niềm say mê đặc biệt với Việt Nam và muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt cho Việt Nam, thông qua những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao phù hợp với người Việt Nam được anh và đội ngũ cộng sự người Việt nghiên cứu rất kỹ. Tập đoàn chúng tôi cũng được hưởng lợi nhờ đó”.

Đội ngũ đại diện kinh doanh của ACE hiện nay đã có hơn 600 người làm việc full-time, sau khi được đào tạo bài bản tại một trung tâm đào tạo của công ty, nơi đồng thời cũng là chỗ giao dịch với khách hàng.

Để thực hiện một khối lượng công việc lớn như vậy, trong suốt cả năm vừa rồi người đàn ông độc thân tuổi Dần này đã phải miệt mài làm việc mười mấy tiếng đồng hồ một ngày, đến mức “nhiều khi cơ thể đã rã rời, mà cái đầu vẫn cứ phải tính toán, lo toan” như lời bộc bạch của anh.

“Những phút thư thái nhất của tôi sau một ngày làm việc căng thẳng, thường kéo dài đến 8, 9 giờ tối, là xách xe máy chạy lòng vòng, tận hưởng cái tĩnh lặng của những phố vắng, hít thở bầu không khí của đêm Sài Gòn, trước khi trở về căn hộ tôi thuê ở Sheraton Hotel”, Lâm Hải Tuấn khẽ nói, như với chính mình.

Chỉ có một điều mà ông Chủ tịch Greenberg lo lắng nhất khi ông rời Việt Nam là sức khoẻ của Tuấn, bởi theo ông cứ cường độ làm việc thế này rồi có lúc anh chắc anh không trụ nổi.

“Ông khuyên tôi nếu đã chọn được người tâm đầu ý hợp thì nên sớm lập gia đình để giữ được cân bằng giữa cuộc sống và công việc”, Tuấn kể lại.

Khi nói về vai trò của Việt Kiều trong đầu tư ông Lương Văn Lý, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò họ trong các công ty đa quốc gia, hay các quỹ đầu tư:

“Nhiều anh chị em Việt Kiều làm việc tại nơi đó muốn về Việt Nam làm việc, muốn đóng góp cho đất nước. Họ có thể đóng vai trò rất lớn trong việc thu hút các công ty, tổ chức đó vào đầu tư ở Việt Nam”.

CEOVN - Nguyễn Bảo Hoàng - IDGVV


Nguyễn Bảo Hoàng tốt nghiệp xuất sắc ngành văn học cổ điển tại Đại học Harvard khoá học 1991-1995.

Sau đó, anh lấy bằng bác sỹ y khoa của Trường Y Feinberg (Feinberg School of Medicine, thuộc Đại học Northwestern) và thạc sĩ khoa quản trị kinh doanh thuộc Trường Quản trị Kinh doanh Kellogg (Kellogg School of Management) cũng của Trường Đại học Northwestern) cùng trong năm 2000 (khoá học 1995-2000).

Bước ngoặt cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bảo Hoàng là cuộc gặp tình cờ vào năm 2003 giữa anh với tỷ phú Mỹ Patrick McGovern-người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn IDG của Mỹ.

Đánh giá khả năng phân tích thị trường và năng lực quản lý xuất sắc của Nguyễn Bảo Hoàng, Patrick McGovern đã giao cho Hoàng trọng trách là Tổng giám đốc điều hành của IDG Venture Việt Nam kể từ năm 2003.

IDG Venture Việt Nam là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam với số vốn ban đầu lên đến 100 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong một hai năm tới. IDG Việt Nam dự kiến sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển trên quy mô toàn cầu.

Thời tuổi trẻ

Nguyễn Bảo Hoàng sinh năm 1974, là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em gồm 2 trai, 2 gái. Gia đình anh rời Sài Gòn năm 1975 di cư sang Mỹ và định cư tại ngoại ô Washington thuộc bang Virginia, khi anh mới 22 tháng tuổi.

Ngay từ khi 8 - 9 tuổi, Hoàng được cha mẹ dành dụm cả 3 tháng lương để mua cho con một chiếc máy tính IBM, lúc đó là mơ ước của nhiều người kể cả đối với người Mỹ. Với chiếc máy tính đó, ngoài việc chơi game như bao đứa trẻ khác, Hoàng đã mày mò tìm hiểu các linh kiện của nó, học cách lập trình.

Khi thấy thông tin rao bán nhà của những người họ hàng xung quanh mình khá lộn xộn, Hoàng đã giúp họ đánh lại văn bản, trình bày sạch đẹp, lại có thêm những bức ảnh minh họa khá đẹp mắt, dễ nhận diện.

Kể từ đó, hầu hết những người buôn bán bất động sản trong vùng đều tới nhờ Hoàng làm giúp những tờ rơi (Brochures). Số tiền thù lao mà họ trả đủ để Hoàng mua thêm 2 chiếc máy tính nữa. Có thêm máy tính, Hoàng rủ thêm hai người bạn cùng làm. Yêu thể thao và chơi giỏi một số môn thể thao, Hoàng còn tham gia viết báo thể thao và làm việc cho đài phát thanh của trường.

Các anh chị của Hoàng đều là bác sĩ. Hoàng kể “Các anh chị tôi đều muốn trở thành bác sĩ, bởi vì chúng tôi coi đó là cách tốt nhất có thể trực tiếp giúp đỡ người khác. Lúc đầu tôi vẫn nghĩ mình sẽ theo đuổi nghề bác sĩ và tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học ở Mỹ như các anh chị tôi. Thế nhưng, dịp trở về quê hương Việt Nam sau 20 năm xa cách đã làm thay đổi sự nghiệp và cả cuộc đời tôi”.

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành văn học cổ điển tại Đại học Harvard, Nguyễn Bảo Hoàng lần đầu tiên trở về Việt Nam sau thời gian dài xa cách. Được tham quan nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội và nhiều vùng miền của đất nước kể cả các vùng thôn quê đánh dấu một cảm xúc khác lạ trong dòng máu con cháu Lạc Hồng trong anh.

Thực ra những năm tháng theo gia đình định cư trên đất Mỹ, ký ức về quê hương của anh là những điệu hò xứ Nghệ mà mẹ hát cho anh nghe, và những câu chuyện mà cha anh kể lại về những vùng đất mà ông từng đi qua. Vị mặn nồng quê hương như theo lời ru của mẹ cứ thấm dần vào cảm xúc của một người con xa quê lâu ngày.

Đặc biệt, trong chuyến về Việt Nam đó, Hoàng đã được gặp lại bà nội thân yêu của mình, dù cho tiếng Việt của Hoàng lúc bấy giờ chưa rành lắm. Nhưng tình thương yêu và sự chăm sóc của những người thân trong gia đình ở quê nhà đã trỗi dậy trong anh nỗi thiết tha trở lại Việt Nam và gắn bó lâu dài hơn với đất nước quê hương.

Sau chuyến thăm đó anh lại trở về Mỹ, tiếp tục học lấy bằng bác sỹ y khoa của Đại học Northwestern, để tiếp bước con đường của người anh trai và chị gái, lúc đó đã trở thành bác sỹ.

Cũng trong thời gian này anh đồng thời theo học thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Trường Quản lý kinh doanh Kellogg (Kellogg School of Management cũng trực thuộc FFại học Northwestern) và tốt nghiệp hai trường này vào năm 2000.

Trong thời gian theo học Trường Y khoa, anh đã cùng các cộng sự xây dựng nhóm S2S Medical Publishing chuyên xuất bản sách, tài liệu học tập cho sinh viên y khoa, thành lập website medschool.com chuyên sâu nghiên cứu việc phát triển hệ thống học tập từ xa cho sinh viên y khoa và đã thu hút được hơn 25 triệu USD vốn đầu tư cho công trình này.

Trên 8 năm làm việc trong lĩnh vực y học, Hoàng đã có công trình nghiên cứu về chu kỳ và sự suy giảm của protein & sự phát triển của cấu trúc neuron, được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành The Journal of Biological Chemistry.

Năm 2000, Nguyễn Bảo Hoàng quay lại Việt Nam lần thứ hai để giúp một doanh nghiệp viễn thông Mỹ mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Anh trở thành giám đốc điều hành cho Công ty Viễn thông Mỹ VITC tại khu vực châu Á – Công ty chuyên về giao thức Internet và công nghệ.

Trong suốt thời gian làm việc tại VITC, Hoàng đã góp sức biến công ty mới được thành lập, phát triển lớn mạnh và đạt doanh thu hơn 30 triệu USD hàng năm.

Bước ngoặt

Trước khi đầu tư vào Việt Nam, Tập đoàn IDG cũng đã cân nhắc rất nhiều vì họ cũng chưa hình dung hết những khó khăn, thách thức mang tính đặc thù rất riêng biệt của thị trường Việt Nam. Chỉ đến khi tỷ phú Mỹ Patrick J. McGovern - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG - một trong những doanh nhân xuất sắc của nước Mỹ, Chủ tịch tập đoàn IDG tình cờ gặp Bảo Hoàng trong năm 2003, bài toán này mới tìm ra lời giải.

Patrick không chỉ là người đặt nền móng cho lĩnh vực truyền thông trong ngành công nghệ thông tin mà còn có tầm nhìn rất rộng về tương lai và sự phát triển của lĩnh vực này.

Với tầm chiến lược của một kinh tế gia nhiều kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, Patrick đã nhìn thấy Việt Nam có thể hoàn toàn vượt lên các đối thủ bằng việc “đón lõng” những công nghệ mới nhất.

Theo dự báo của IDG Ventures Việt Nam, 20 năm tới Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 5 thị trường quan trọng nhất về công nghệ của thế giới cùng với Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc và Ấn Độ, và Bảo Hoàng sẽ là “nhân tố” kết nối lợi thế đó.

Khi được hỏi lý do vì sao ông lại chọn Nguyễn Bảo Hoàng đảm nhiệm chức vụ này, Patrick McGovern giải thích: “Tôi đã quyết định chọn Hoàng dựa trên một số nhân tố sau đây: dựa trên nền tảng giáo dục tuyệt vời, anh ấy đã học tại Trường Đại học Havard và tại đây anh đã tham gia điều hành hoạt động một số công ty, như vậy tôi đã nhìn thấy tố chất doanh nhân trong anh ấy.

Hoàng cũng đã tốt nghiệp ngành quản lý doanh nghiệp, điều đó giúp anh hiểu rõ chiến lược và sách lược trong kinh doanh. Sau đó Hoàng về Việt Nam làm việc cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông. Và tôi rất thích cách điều hành của anh ấy tại đây, cách thức làm cho công ty tăng trưởng lợi nhuận như thế nào.

Như vậy chúng tôi dựa trên nền tảng kiến thức của anh ấy, tố chất doanh nhân trong con người anh ấy, mối quan hệ tốt đẹp của anh ấy với các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam. Do đó chúng tôi quyết định lựa chọn anh ấy cho chức vụ Tổng giám đốc của IDG Venture tại Việt Nam”.

Sau nhiều năm hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Nguyễn Bảo Hoàng càng tâm huyết và ngày càng gắn bó hơn với đất nước này. Anh nói: “Nếu có thể làm được gì cho quê hương, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với làm việc ở nơi khác. Tôi tin rằng, trong tương lai, Việt Nam không chỉ là nơi gia công công nghệ, mà còn là trung tâm của sự sáng tạo và đổi mới”.

CEOVN - Lý Quý Trung - Phở 24


Thông qua phương thức nhượng quyền thương mại (franchise, franchising), Phở 24 đã có mặt hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng,... rồi vươn ra nhiều nước khác trong khu vực: Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Singapore...

Phở 24 sẽ còn vươn dài cánh tay hơn, với 100 cửa hàng toàn quốc và 300 cửa hàng toàn cầu, trở thành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Việt Nam đầu tiên đem chuông đi gióng xứ người.

Rớt đại học năm 1984, chàng thanh niên 19 tuổi Lý Quí Trung bước vào đời sớm hơn các bạn đồng lứa khi xin vào làm “bồi bàn” rồi tiếp tân tại Khách sạn Đệ Nhất Tp.HCM. Vừa làm vừa học, lại ưa thích trò chuyện với thực khách, cậu thanh niên Lý Quí Trung đã chiếm được cảm tình của một thương nhân người Australia; dịp may đã đến, ông ta đề nghị bảo lãnh Trung sang Australia học tiếng Anh 4 tháng để có vốn ngoại ngữ khá hơn mà tiếp khách.

Trung không ngờ đó lại là bước ngoặt của cuộc đời mình.

Từ một “tín đồ” của phở
Tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị nhà hàng & khách sạn tại Đại học Western Sydney, rồi thạc sĩ du lịch tại Đại học Griffith (Australia), Lý Quí Trung trở về nơi từng làm “bồi bàn” nhận chức tổng giám đốc Khách sạn liên doanh Sài Gòn Star để rồi sau đó trở thành thành viên sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn An Nam Group & Phở 24, sau khi đã lấy học vị tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Kennedy, Hoa Kỳ.

“Trong 6 năm làm giám đốc khách sạn tôi đã vực khách sạn từ tình trạng khó khăn về tài chính trở thành làm ăn có lãi. Nhiều dịch vụ mới như tổ chức tiệc cưới, karaoke... được mở ra để tăng nguồn thu. Nhưng qua đó tôi cũng cảm nhận ra một điều là mình có khiếu kinh doanh hơn là chỉ làm công việc quản lý một khách sạn”. Anh hồi tưởng lại như vậy.

Một thuận lợi cho Quí Trung là hệ thống nhà hàng, quán ăn cao cấp của gia đình đã trở thành cái nền để anh triển khai các kế hoạch của mình. Anh kể, khi những người trong gia đình ngồi lại để bàn kế hoạch phát triển kinh doanh, thì tình cờ mọi người đề cập tới phở.

Là một người “mê” phở từ nhỏ, lại mê kinh doanh và làm giàu, anh Trung nhận thấy phải làm một điều gì đó cho phở Việt Nam. Tỷ như có thể “hiện đại hóa” cho phở Việt được không? Hay làm thế nào để phở có một khẩu vị đồng nhất quảng bá cho thực khách nước ngoài. Bởi trước Phở 24, tại Tp.HCM đã có một vài quán phở khá nổi tiếng, nhưng cũng chỉ dừng lại ở cấp độ quán, không tạo được thương hiệu.

Nghĩ là làm, anh quyết định tìm hiểu những “bí kíp” trong gia vị phở của 3 vùng miền trong cả nước; rồi tìm hiểu quy trình nấu phở và vấn đề vệ sinh nói chung, trong các quán phở mà anh từng là một thực khách. Nhận thấy đây là thị trường còn bỏ ngỏ, chưa có người nghĩ đến việc phát triển kinh doanh có tầm cỡ và quy mô, nhằm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Lý Quí Trung quyết định “đột phá” vào “lỗ hổng” này.
Làm thế nào để dung hòa hương vị của phở 3 miền để thực khách mọi vùng có thể chấp nhận được là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản; bởi phở đã đi vào văn hóa ẩm thực và cả tâm thức sống của người dân trên từng vùng miền khác nhau của đất nước.

Những băn khoăn của “cha đẻ” Phở 24 đã được bù đắp khi 24 thứ gia vị được chắt lọc tinh tế từ khẩu vị 3 vùng miền, được anh “tích hợp” vào bát Phở 24, lần đầu tiên “chào hàng” ở kinh đô của phở, được thực khách Hà thành chấp nhận, dù bước đầu chỉ là “tò mò ăn cho biết”.

Đến xây dựng Phở 24 thành một thương hiệu mạnh
Đến nay, Phở 24 đã có 10 cửa hàng nhượng quyền tại Hà Nội, trên 30 cửa hàng tại Sài Gòn và nhiều địa phương khác trong cả nước. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2008, Phở 24 sẽ hoàn tất hệ thống 100 cửa hàng nhượng quyền trong cả nước, và trong vòng 5 năm tới sẽ có 300 cửa hàng nhượng quyền ở khắp các châu lục, trở thành một chuỗi hệ thống cửa hàng phở toàn cầu, theo mô hình các tập đoàn fast-food nước ngoài như McDonald’s, Lotteria, KFC...

“Ngay từ đầu, Phở 24 đã có tầm nhìn quốc tế. Chúng tôi muốn đưa món ăn này tới nhiều vùng đất xa xôi trên thế giới, theo đó cần có một hương vị đặc trưng riêng mang phong cách chung. Chúng tôi đưa ra những giá trị chuẩn mực và cam kết với những gì đưa ra”. Lý Quí Trung chia sẻ như vậy khi tôi nêu thắc mắc rằng Phở 24 không mặn mà như nhiều khẩu vị phở quen thuộc.

Anh cũng cho biết là đối thủ cạnh tranh chính của Phở 24 lại là các chuỗi cửa hàng fast food quốc tế đang bành trướng rất nhanh tại Việt Nam vì cùng đối tượng khách hàng. “Nếu chúng tôi chậm chân thì một ngày nào đó người trẻ Việt Nam sẽ chọn gà rán Kentucky, hamburger... và từ từ cũng sẽ thấy ngon”- Quí Trung thổ lộ tham vọng của mình.

Hiện tại, Phở 24 đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, sắp tới, theo anh Quí Trung, là sẽ bảo hộ toàn cầu. Phở 24 được chứng nhận đạt tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm trong nước, chuẩn du lịch của ngành du lịch Tp.HCM. Ngoài ra, 3 năm liền, Phở 24 đạt giải thưởng của Tạp chí The Guide US, một tạp chí có uy tín.

Lý Quí Trung ngoài công việc kinh doanh, anh còn làm giảng viên thỉnh giảng cho nhiều trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo du lịch, nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho những sinh viên trẻ muốn tiếp thu một mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam – nhượng quyền thương mại.

Anh cho biết, “Tôi đam mê với tất cả những gì tôi đang làm, dù là việc làm ra một sản phẩm mới, một dịch vụ mới trên thương trường hay việc đứng trên bục giảng. Hai công việc này nghe như không có liên quan gì với nhau nhưng lại hỗ trợ thiết thực và đắc lực cho nhau”.

Có thể nói, một trong những thành công của Lý Quí Trung và Phở 24 là biết cách làm thương hiệu bài bản ngay từ ban đầu. Trên thực tế, dù khẩu vị Phở 24 chưa được chấp nhận một cách rộng rãi, và giá một tô phở từ 26.000 - 32.000 đồng chưa phải là hấp dẫn đối với đa số người dùng có thu nhập trung bình và thấp; nhưng những bước đi và cách làm thương hiệu của Phở 24 là có tính căn cơ, chuyên nghiệp, hiện đại.

CEOVN - Bill Nguyễn - Lala.com


Nằm trong danh sách 40 người giàu nhất nước Mỹ ở độ tuổi U.40 do tạp chí Fortune bình chọn, triệu phú kinh doanh phần mềm Bill Nguyễn vẫn không ngừng chiến đấu bền bỉ trên thương trường. Giờ đây, tên tuổi thương gia gốc Việt này lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với tham vọng biến trang web lala.com trở thành một "siêu thị" đĩa CD nhạc lớn nhất thế giới.


Hiệp hội ghi âm Mỹ thống kê: hằng năm có khoảng 30.000 tựa CD được xuất xưởng. Trong khi đó, chỉ có khoảng 5.000 tựa CD tồn kho tại các cửa hàng của hệ thống bán lẻ lớn nhất là Wal-Mart, nơi luôn sẵn sàng cung cấp đến 3 triệu tựa đĩa khác nhau. Điều đó, đồng nghĩa với việc chỉ trong thời gian ngắn, một lượng lớn tựa đĩa biến mất khiến các fans nghe nhạc muốn tìm kiếm những đĩa có số lượng lưu hành ít rất khó khăn. Bill Nguyễn nhìn vào những con số đó và nghĩ đến một phương thức để giải quyết gọn vấn đề.

Theo hãng thông tấn ABC, Bill Nguyễn đang gây sự chú ý của các hãng thu âm ở Mỹ với dự án biến trang web lala.com trở thành đầu mối trung gian để người nghe nhạc khắp nơi có thể trao đổi những đĩa CD cũ với nhau, theo phương thức trao đổi tương tự kiểu eBay, với chi phí chỉ vọn vẹn có 1 đô la cộng thêm 49 xu Mỹ tiền vận chuyển. Điều đáng chú ý, mạng lala.com cam kết sẽ trích 20% lợi nhuận để hỗ trợ cho các nhạc sĩ thông qua tổ chức từ thiện "Z" Foundation.

Với 9 triệu đôla được rót từ các đối tác là Bain Capital và Ignition Partners, dự án lala là một lời thách thức gởi đến các công ty cung cấp nhạc số online như Napster. Bill Nguyễn cho biết hiện nay lala.com đã có trong tay 1,8 triệu CD với các tiêu đề khác nhau, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc theo mọi thể loại. Nguồn đĩa được cung cấp bởi nhà phân phối Baker Taylor cộng với sự đóng góp từ các thành viên đăng ký sử dụng dịch vụ của lala trên toàn cầu.

Tham vọng của Bill là "bắt tay" với các hãng thu âm lớn nhằm chiếm lĩnh thị phần trên thị trường nhạc số. Cho đến nay, các đại gia như EMI Group, Universial Music, Sony BMG và Warner Music chưa có động tĩnh gì vì họ còn chờ xem lala sẽ hoạt động trong thời gian tới như thế nào. Nổi tiếng là người đi đầu và thành công trong những dự án kinh doanh đầy rủi ro, Bill Nguyễn lại một lần nữa đang chèo chống "thuyền to" giữa "sóng" lớn.

Không mất công phát minh lại những cái có sẵn

Trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, Bill Nguyễn khẳng định anh đang triển khai một hệ thống nhằm cung cấp nhạc số Việt Nam như là một trong những công việc ưu tiên của dự án lala. Bill cho hay anh đã nhận được nhiều lời yêu cầu cũng như gợi ý từ họ hàng, bạn bè người Việt Nam.

Nhà triệu phú 35 tuổi vẫn không hề thay đổi cách ăn mặc giản dị giống như thuở còn hàn vi. Mê chơi game và rất hay cười, Bill Nguyễn là người vui tính nhưng trong công việc lại luôn đòi hỏi bản thân mình và người khác phải nỗ lực rất cao. Trước đây, khi phóng viên tờ The New Yorker hỏi Bill Nguyễn - người chưa từng tốt nghiệp đại học - về bí quyết kinh doanh của anh, Bill chỉ nói ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: "Mỗi khi bạn bắt tay vào một vụ làm ăn mới, không nhất thiết bạn phải phát minh lại thế giới." Nói cách khác, Bill Nguyễn biết "đứng trên vai người khổng lồ" nên anh tiến rất nhanh. Tìm mọi cách "ve vãn" các hãng đĩa lớn, đó là cách của Bill hiện nay.

Là "lính mới" trong giới kinh doanh âm nhạc, nhưng ở thung lũng Silicon, Bill Nguyễn quá "khét tiếng". Năm 30 tuổi, anh có trong tay 6 công ty phần mềm khác nhau và nằm trong danh sách 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ sau hàng loạt thương vụ hậu hĩnh. Trong đó, phải kể đến việc Bill "bỏ túi" dễ dàng 850 triệu đô la khi bán lại Công ty Onebox chuyên về phần mềm chuyển tin nhắn do anh thành lập năm 1999. Năm 2000, thời điểm Bill nhận thấy các hãng điện thoại đầu tư hàng tỉ đô la vào dịch vụ kết nối không dây, Bill thức thời "khai sinh" Công ty Seven, chuyên về kinh doanh phần mềm sử dụng cho các dịch vụ mobile email.

Bill lập tức huy động được 34 triệu đô la từ các đối tác góp vốn và lập tức Công ty Seven gặt hái những thành công vang dội trên thương trường. Phần mềm của Seven được sử dụng rộng rãi và đoạt nhiều giải thưởng danh giá bao gồm giải Sản phẩm của năm do tạp chí Network Magazine bình chọn. Seven còn đạt được những hợp đồng béo bở với Microsoft. Vươn ra khỏi thị trường Mỹ, phần mềm của Công ty Seven được hai tập đoàn British Telecom ở Anh và NTT DoCoMo tại Nhật mua bản quyền sử dụng.

Không viễn vông và tự biết mình

Khi bán lại Onebox với giá 850 triệu đô, Bill thậm chí không đi dự tiệc ăn mừng cú làm ăn lịch sử này. Anh cảm thấy mình không xứng đáng vì mọi việc quá dễ dàng. "Chúng tôi đơn giản chỉ đi bán phần mềm, kiếm tiền trên bản quyền và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật hậu mãi". Bill không phải kiểu người ưa ngủ quên trên chiến thắng nên anh lao ngay vào những dự án mới. Anh tiêu tiền rất tiết kiệm và căn cơ với mọi khoản tiền rót vào các dự án. Suốt nhiều năm qua, anh chưa bao giờ ngủ quá 4 tiếng mỗi ngày. Cách đây không lâu, khi viết một bức thư ngỏ trên trang web lala.com vào lúc 3h31 sáng, Bill hứa rằng sẽ làm việc một cách không mệt mỏi để đạt được mục đích của mình, kiếm lợi nhuận từ lala và trích phần lời đó để giúp đỡ các nhạc sĩ còn đang chật vật với cuộc mưu sinh. "Xem MTV toàn thấy nghệ sĩ đi xe đẹp, ở nhà to, thực tế không phải ai cũng được vậy". Bản thân Bill trước khi trở thành triệu phú cũng phải bươn chải bằng nghề bán xe hơi cũ.

Rất nghiêm khắc trong công việc, Bill Nguyễn tin rằng anh không cần phải tốn thời gian cho những nhân viên không toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ được giao. Nếu bắt gặp nhân viên nào dưới quyền than vãn về cuộc sống hay càm ràm vì gặp vận đen khi chơi cổ phiếu trong giờ làm, Bill không ngần ngại "nghỉ chơi" với họ. Anh cũng có một thói quen đặc biệt, mỗi tháng tặng cho một nhân viên dưới quyền một con búp bê làm bằng bít tất (sock puppet). Không may cho ai được Bill chọn bởi vì đó là người mà Bill đánh giá là làm việc ẹ nhất!

Theo nhận xét của giới chuyên gia, còn quá sớm để khẳng định sự ăn nên làm ra của lala.com bởi trang web này chỉ mới chính thức đi vào hoạt động hồi đầu tháng 6/2006. Tuy nhiên, Bill rất tin vào cảm giác của mình và anh hy vọng cái tên lala - hai tiếng đầu tiên mà con trai Bill biết bập bẹ - sẽ mang may mắn đến cho anh. Tin từ hãng Reuters, chỉ trong vài tháng thử nghiệm, đã có đến 100.000 thành viên đăng ký sử dụng dịch vụ lala và sắp tới sẽ có khoảng 200.000 thành viên mới.

Nguồn Thanh Niên

CEOVN Bạch Thái Bưởi


Có thể coi, Bạch Thái Bưởi là nhà doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên hiểu sâu sắc sức mạnh của tình cảm dân tộc, và ông đã thành công. Nhờ vậy, ông mạnh lên, trường vốn ra, đã thâu tóm cả những đội tàu của những hãng người Pháp, người Hoa phá sản
Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874, là con trai một gia đình nông dân nghèo ở Yên Phú, Thanh Trì. Bạch Thái Bưởi chỉ được đi học một thời gian ngắn, rồi phải ới làm thuê kiếm sống. Do tư chất thông minh, lại ham học hỏi cái mới nên Bạch Thái Bưởi sớm thông thạo tiếng Pháp và đã được nhận làm Ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Năm 1894, Bạch Thái Bưởi chuyển sang làm cho một hãng Thầu công chính, và ngay năm sau, 1895, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ chọn ông sang Hội chợ Bordeaux để giới thiệu hàng hóa Việt Nam tham dự Hội chợ. Sau Hội chợ đó, chàng thanh niên 21 tuổi được người đời kính nể gọi là "cậu Ký Bưởi". Dịp này, người ta tiến hành xây dựng cầu Long Biên và mở nhiều tuyến đường sắt.

Sự nghiệp kinh doanh đầu tiên là hùn một chút vốn nho nhỏ cùng một người Pháp khai thác gỗ làm tà vẹt, sau ba năm lăn lộn, Bạch Thái Bưởi trở nên giàu có. Sau kinh doanh tà vẹt, ông dốc vốn vào việc buôn ngô, nhưng bị thua lỗ nặng nề. Cạn vốn, nhưng lại đầy chí tiến thủ, Bạch Thái Bưởi tham dự cuộc đấu thâu hiệu cầm đồ lớn ở Nam Định và thắng thầu. Ý chí vững thêm có được thêm một ít vốn liếng và kinh nghiệm, ông bắt đầu nghĩ đến nghề vận tải thủy. Và, ông dám làm vận tải thủy, cái nghiệp của đời ông, khiến ông trở thành một nhân vật lịch sử tiếng thơm truyền khắp đất nước.

Những thành công trong ngành vận tải thủy

Có thể nói, trước Bạch Thái Bưởi, chưa người Việt Nam nào mơ ước thành đạt trong ngành vận tải thủy. Không chỉ mơ ước, mà năm 1909, Bạch Thái Bưởi đã thuê lại của A. Marty, một chủ hãng tàu thủy Pháp ở Bắc Kỳ, ba chiếc tàu: Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long. Ông bắt đầu cuộc đột phá là cho chạy tàu thủy trên các tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Thời gian này, các chủ tàu người Pháp và người Hoa rất mạnh, đặc biệt, những tuyến đường thủy mà Bạch Thái Bưởi chọn chạy tàu đang là vùng hoạt động trọng điểm của các chủ tàu người Hoa. Do vậy, lập tức nổ ra cuộc cạnh tranh hết sức quyết liệt. Bạch Thái Bưởi mời khách uống trà miễn phí, họ mời khách bánh ngọt, ông hạ giá vé một, họ hạ giá cước hai. Các chủ tàu người Hoa đưa ra nhiều phương cách. Bạch Thái Bưởi chỉ tìm tới một giải pháp thôi, là cho người của mình tới các bến tàu, xuống tận tàu để diễn thuyết với dân chúng rằng, người Việt Nam cần hỗ trợ công nghiệp Việt Nam, rằng tương thân, tương ái là để Việt Nam không thua kém nước ngoài...

Có thể coi, Bạch Thái Bưởi là nhà doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên hiểu sâu sắc sức mạnh của tình cảm dân tộc, và ông đã thành công. Nhờ vậy, ông mạnh lên, trường vốn ra, đã thâu tóm cả những đội tàu của những hãng người Pháp, người Hoa phá sản. Chỉ 7 năm làm vận tải thủy, đến 1915, ông mua được cả xưởng đóng tàu và sửa chữa tàu thủy của A.Marty. Vậy là ông đã chủ động hoàn toàn, từ sửa chữa tàu, đóng mới tàu và chạy tàu? Năm 1916, tại Hải Phòng đã khai trương một Công ty lừng danh Giang hải luân thuyền Bạch Thái Bưởi Công ty, có cờ hiệu riêng màu vàng in hình mỏ neo và 3 ngôi sao đỏ?

Công ty của Bạch Thái Bưởi có một Trụ sở lớn tại Chương Dương, Hà Nội (nay ở đầu Nam cầu Chương Dương, những năm 1980 trở về rước, người ta hay gọi là Cột Đồng Hồ). Những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Công ty Bạch Thái Bưởi đã có hơn 40 tàu thủy và khá. nhiều sà lan chạy trên các tuyến sông Bắc Kỳ, chạy ven bờ biển vào miền Trung và vào Nam Kỳ . Còn có một số tàu viễn dương, chạy tới Hồng Kông, Trung Quốc, Philippin, Singapore, Nhật Bản... Công ty lớn có hơn 1400 người, gồm người làm việc ở các văn phòng giao dịch, trên các đội tàu, ở xưởng đóng tàu Cửa Cấm, Hải Phòng và ở các chi nhánh của Công ty tại Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn… Trong kinh doanh, Bạch Thái Bưởi rất chú trọng công tác tiếp thị. Mỗi tuyến đường thủy mở ra, ông đều cho đăng quảng cáo trên báo chí, đặc sắc nhất là ông hay dùng những bài thơ quảng cáo khiến dân chúng dễ nhớ. Như trường hợp mở tuyến đường thủy đi Chùa Hương, ông cho đăng quảng cáo bài thơ "Trẩy hội Chùa Hương", có những câu:

Sông Phủ Lý gần kề cạnh bến

Thuyền hỏa xa vừa đến thời đi

Chèo Lan trỏ nẻo Đục Khê

Lại từ Bến Đục đua về Hà Nam….


Tàu của Công ty Bạch Thái Bưởi hết sức sạch sẽ và an toàn trong hành trình. Giá vé được Bạch Thái Bưởi vô cùng lưu tâm, luôn giữ ở mức khiến hành khách dễ chấp nhận nhất, thường rẻ gần một nửa. Nhân viên nhà tàu nhất nhất đều có thái độ trân trọng khách. Tàu tết, đẹp và an toàn trong hành trình, là do được người thợ phấn đấu thực hiện có chất lượng cao ngay từ Xưởng đóng tàu và sửa chữa tàu Cửa Cấm, bên bờ sông Tam Bạc. Tại Xưởng có gần 900 công nhân làm việc. Kỹ thuật sửa chữa và đóng tàu của Xưởng này, đương thời là một niềm tự hào của người Việt Nam. Năm 1916, Xưởng tiến hành nối dài chiếc tàu Khoái Tử Long bằng cách cắt đôi con tàu rồi nối thêm một khúc giữa dài 7,80 mét, năm 1919 lại nối dài tàu Phố Lu thêm 7,20 mét...

Thành công xuất sắc nhất là sự kiện đóng mới con tàu Bình Chuẩn trọng tải 600 tấn, hạ thủy ngày 7/9/1919. Tàu Bình Chuẩn khởi chạy ngày 20/8/1920, chuyến đường thuỷ xuyên Việt từ Hải Phòng đi Sài Gòn, có ghé qua các bến cảng Bến Thủy, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Đến 8 giờ sáng ngày 17/9/1920, tàu Bình Chuẩn cập bến Sài Gòn. Các nhà doanh nghiệp Nam Kỳ chào đón thành công của Công ty Bạch Thái Bưởi một cách rất trọng thị. Họ đã đúc một tấm biển bằng đồng để tặng tàu Bình Chuẩn, trên đó có khắc dòng chữ: "Au Bình Chuẩn le premier bateau Annamite a Sài Gòn" (Tặng tàu Bình Chuẩn, con tàu Việt Nam đầu tiên tại cảng Sài Gòn). Sự kiện này được ghi nhận là thành công tiêu biểu cho phong trào "chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp" của doanh nhân nước ta khi đó?...

Bạch Thái Bưởi đã gây dựng Công ty của mình suốt 20 năm trời cũng là chấn hưng thương trường cố động thực nghiệp Việt Nam ta. Trong những năm đó, ở các xưởng thợ, công trường, hầm mỏ, đồn điền trên khắp nước ta đã diễn ra nhiều cuộc đình công. Nhưng ở Công ty Bạch Thái Bưởi không hề có một cuộc đình công hay yêu sách nào của thợ thuyền. Đương thời, người ta coi Công ty Bạch Thái Bưởi như một niềm tự hào của người Việt Nam. Ngoài kinh doanh vận tải thủy, Bạch Thái Bưởi còn dùng vốn đâu tư vào các ngành khác. Trong đó có đầu tư làm nhà in "Đông Kinh ấn quán" và xuất bản tờ "Khai hóa Nhật báo" với mục đích cổ động mạnh mẽ phong trào thực nghiệp của người Việt Nam…


Tiếc thay, cuộc sống của con người tay trắng làm nên sự nghiệp lớn đã không được dài lâu. Bạch Thái Bưởi qua đời ngày 22/7/1932. Các báo trong Nam, ngoài Bắc đều đăng bài tiếc thương một bậc vĩ nhân ở đất Bắc, một bậc trượng phu trong thương trường. Tại Hội Khai Trí tiến đức ở Hà Nội đã có một cuộc truy điệu ông với sự có mặt của rất nhiều người thuộc mọi giới chức. Một bài điếu văn lay động lòng người đã được đọc, mà sau này nhiều báo chí đã đăng lại. Cuộc đời Bạch Thái Bưởi là một ví dụ lớn về tài, chí của người Việt Nam, như báo chí đương thời đã viết, lịch sử đời ông đáng phô bày cho quốc dân biết, sự nghiệp ông đáng làm gương cho các nhà kinh doanh noi theo.

CEOVN: Giản Tư Trung - Pace


Con người anh có một ma lực kỳ lạ. Một sức nóng dễ dàng lan toả bầu nhiệt huyết sôi sục sang những người xung quanh. Khả năng tập trung cao độ mọi suy nghĩ của mình về một hướng nhằm biến những điều không thể thành có thể đã đưa anh lên tầm “hiện tượng” xã hội. Anh thường làm những công việc chẳng giống ai. Và cho đến thời điểm này, giấc mơ ngông cuồng nhất của con người kỳ lạ này chính là: một ngày không xa, sẽ xuất khẩu giám đốc Việt Nam ra thế giới!Giản Tư Trung – Anh là ai?


Là ông giám đốc bước chân ra ngõ lên ô tô? Là anh nhân viên quèn với đồng lương ba cọc ba đồng? Là một thợ sơn lao động thủ công? một sinh viên đại học xuất sắc? hay một giảng viên đứng lớp với thù lao cao nhất Việt Nam?... Mọi chức danh đều đúng với Giản Tư Trung bởi anh đã từng kinh qua tất cả các vị trí. Từ thương trường, quan trường đến khoa trường; từ làm chủ đến làm công; từ làm cho Nhà nước, đến làm cho tư nhân, rồi ra nước ngoài học việc... Không có việc gì mà anh chưa từng thử qua, để rồi đến tận bây giờ, khi đã bước qua tuổi băm, trở thành hiệu trưởng một trường đào tạo doanh nhân uy tín, anh vẫn chưa chịu dừng lại...



Giản Tư Trung sinh ra ở một huyện nghèo khó của tỉnh Nghệ An. Mảnh đất học nổi tiếng khắp 3 miền này trở thành một vườn ươm thuận lợi cho Trung phát triển. Thời phổ thông, Trung từng nổi đình nổi đám với Giải Nhất học sinh giỏi lý toàn tỉnh. Nhưng phải đến tận khi bước chân vào đại học, ở vị trí Phó Bí thư đoàn trường, Trung mới phát huy được năng lực của mình. Tham công tiếc việc, Trung ôm đồm cả việc học của mình, việc chung của đoàn thể nhưng vẫn dành thời gian cho niềm đam mê kinh doanh không thể lý giải.



Cái giá của kẻ cầm đèn chạy trước…


Chưa có vốn, Trung lao vào làm búa xua công việc. Từ anh thợ sơn, thợ chụp hình đến anh đi buôn phim cuộn…Đến cuối năm thứ 3, tích cóp được một số vốn kha khá, Trung quyết định ra làm ăn lớn bằng việc thành lập Cơ sở sản xuất nhựa Chợ Lớn.



Không chỗ dựa, không người đỡ đầu, thiếu kinh nghiệm lại hiếu thắng, cơ sở sản xuất của Trung đứng trên bờ vực phá sản. Anh chấp nhận thất bại đầu đời một cách cay đắng. Nhưng thất bại cũng cho Trung một bài học vỡ lòng trên thương trường và anh hiểu: thế nào là kinh doanh!



Cũng may, cơ sở sản xuất nhựa của Trung rồi cũng được vực dậy. Trung thoát khỏi cái bóng ám ảnh mỗi khi thoáng nghe thấy từ “nhựa”. Anh giao lại cơ sở cho một người đồng sự và bắt đầu con đường tầm sư học đạo.

Bỏ vị trí giám đốc, Trung xách cặp làm anh nhân viên tại những tập đoàn hàng đầu thế giới để tìm hiểu sức mạnh thực sự đằng sau những công ty này là gì. Đặt mục tiêu trong 5 năm, làm việc ở 5 công ty với 5 vị trí công việc khác nhau nhưng đến công ty thứ 4, cảm thấy đã làm tạm đủ, Trung bắt tay vào thực hiện tham vọng lớn của mình.



Giấc mơ ngông của con kiến lửa


Từng thất bại, vấp ngã cay đắng rồi giành lại thành công, Trung chưa từng cạn niềm đam mê được là người tiên phong phát quang bụi rậm, “rắn rết”, mở đường đi mới. Quan niệm “nghĩ như voi, làm như kiến” đã khiến Trung vừa có được tầm nhìn xa trông rộng về mọi vấn đề, vừa không bao giờ bị bước hụt chân. Kiên trì đi từng bước chậm rãi, tha từng chút “mồi” về “tổ”, con kiến lửa Giản Tư Trung đã dần dần hiện thực hoá giấc mơ ngông xuất khẩu giám đốc bằng sự ra đời của Trường đào tạo doanh nhân PACE.



Chú trọng giá trị đào tạo thực, phủ nhận sự tồn tại của bằng cấp học vị, chương trình đào tạo của PACE tập trung nâng cấp chất xám cho các giám đốc, các chủ doanh nghiệp. Không chỉ “vá” những mảng trống trong kiến thức của họ, PACE còn xây dựng những viên gạch móng vững chắc trong kiến thức kinh doanh của các doanh nghiệp.



Giáo trình của PACE là minh chứng rõ nhất cho xu thế hội nhập nhưng cũng là bảng vàng thành tích ghi công trạng của Trung và các đồng sự. Tỉ mẩn thuyết phục các trường đào tạo uy tín của nước ngoài cung cấp giáo trình, tỉ mẩn nhặt nhạnh những gì tinh tuý nhất, phù hợp nhất với văn hoá Việt rồi lại tỉ mẩn húc đổ 3 bức tường cực lớn ngăn chất xám đổ vào nước Việt.


Một: Việt hoá giáo trình.



Hai: Rút ngắn thời gian đào tạo mà vẫn đảm bảo chất lượng (Từ 4,5 năm xuống còn 6 tháng).


Ba: Giảm chi phí đào tạo cho khoá học (Từ 100 triệu xuống không đến 1/10).



Cùng các đồng sự của mình, Giản Tư Trung đã thiết kế nhiều sản phẩm giáo dục mới lạ, made in PACE, hầu như chưa có mặt tại Việt Nam. Mỗi sản phẩm của PACE là một trí tuệ riêng, một tư tưởng, một cá tính không thể nhầm lẫn. Đây cũng là những sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất cần và rất thiếu.



Chỉ 4,5 năm sau ngày thành lập, PACE đã tạo được uy tín nhất định và thu hút được hàng ngàn học viên cả trong và ngoài nước tham gia. “Đạo” của PACE đã phát huy được hiệu quả nhất định, ít nhất là đến lúc này.



Những triết lý sống của Giản Tư Trung



* Con người không phải được đánh giá bằng danh vị mà bằng chính những gì mà người đó đã làm được trong cuộc đời

* Đối với tôi, chơi chính là làm những gì mình thích và làm là chơi những gì mà mình không thích. Được làm những gì mình thích là sự hưởng thụ. Tôi tận hưởng điều đó và cảm thấy mình sinh ra là để rong chơi.

*Thước đo sự trưởng thành của một con người là trình độ tư duy nhận thức thức và sự trải nghiệm chứ không phải tuổi tác.

*Tiền là hệ quả chứ không phải mục đích của kinh doanh.

*Đừng cho người con cá, cũng đừng cho họ cần câu. Hãy cho họ động lực muốn được câu cá.

Đào tạo giám đốc điều hành (pro ceo)

Với khát vọng 15 năm sau Việt Nam có thể xuất khẩu giám đốc ra nước ngoài, anh xách va-li ra đi để rồi tìm cách mang kiến thức thế giới về Việt Nam và dựng lên PACE - một trường đào tạo giám đốc.

Từ năm 2001, tên tuổi Giản Tư Trung và Tòa nhà PACE ở số 341 Đường Nguyễn Trãi, Quận 1, TP.HCM đã gắn liền nhau, nổi lên như một hiện tượng trong giới doanh nhân không riêng gì ở Sài Gòn mà hầu như khắp cả nước.

Sau hơn bốn năm thành lập, đã có hàng chục ngàn doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến với PACE để cập nhật kiến thức về quản trị và kinh doanh thông qua việc tham gia rất nhiều chương trình, chuyên đề đào tạo mà người sáng lập ra nó đã tự hào rằng: "Nhiều chương trình đào tạo chỉ ở PACE mới có".

Phi bằng cấp - Giá trị thực

Tòa nhà PACE khang trang. Lớp học hôm ấy dành cho giám đốc, phòng học trang trọng với 6 nhóm vừa đủ cho 42 học viên. Tôi được xếp ngồi hàng ghế sau cùng để thuận tiện cho việc tác nghiệp. Chuyên đề đầu tiên của chương trình đào tạo “Giám đốc Điều hành Chuyên nghiệp” (Pro CEO) kéo dài 6 tháng là “Phác hoạ chân dung của một Pro CEO” do chính anh Giản Tư Trung - Người sáng lập PACE - đứng lớp.
"Anh chị muốn phác thảo như thế nào cũng được, có thể bằng ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói, hoặc vẽ ra, thậm chí lên đây múa cũng không sao" - Vừa nói, anh Trung vừa phát cho mỗi nhóm một tấm plastic. Mọi người tỏ ra rất hào hứng với việc phác thảo chân dung của một con người chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý điều hành.

Hết thời gian thảo luận nhóm, “thần tượng quản lý” (Pro CEO) của từng nhóm lần lượt được anh Trung cho hiện dần trên màn hình máy chiếu. Có nhóm không chỉ viết mà còn vẽ minh hoạ hình một người với nhiều chú thích: mắt tinh tượng trưng cho tầm nhìn xa, mũi thính tượng trưng cho sự nhạy bén, trán cao tượng trưng cho sự uyên bác, cổ cao tượng trưng cho sự linh hoạt mềm dẻo, tai thính tượng trưng cho người biết lắng nghe,…Ngoài ra, có những nhóm đưa ra những tiêu chuẩn bổ sung như: “Giám đốc điều hành trước hết phải là một… con người”, “Giám đốc phải biết… liều”, “Giám đốc điều hành là phải… lăn xả”…

Muốn biết được VN sẽ có những doanh nghiệp chinh phục được thế giới hay không thì phải xem là có những doanh nhân có khả năng chinh phục thế giới hay không. Bởi doanh nghiệp được dẫn dắt bởi doanh nhân, và đó phải là doanh nhân có tầm nhìn toàn cầu và một khát vọng mãnh liệt vươn ra thế giới.

Với PACE, để trên danh thiếp của mình mang hai chữ: "Giám đốc" thì dễ (chỉ cần một quyết định bổ nhiệm là đủ) nhưng việc trở thành giám đốc điều hành chuyên nghiệp thì câu chuyện...phức tạp hơn nhiều. Trước hết phải là người có tố chất bẩm sinh của một nhà quản lý (bởi vì quản trị là một nghệ thuật). Sau đó, cần phải trang bị những kiến thức quản trị cần thiết (vì quản trị là một khoa học, mà đã là khoa học thì phải học mới biết, và học tại trường lớp hay tự học). Ngoài ra, còn phải có những trải nghiệm trong cuộc sống và trong quản lý.

Theo anh Trung, các học viên đến với PACE không phải chỉ là đi học mà còn là đi chơi (chơi trò chơi quản trị kinh doanh). Vì thế nên trong lớp học cần phải thoải mái.
"Cuộc chơi" hôm ấy của anh cùng những học trò mà tôi được chứng kiến kéo dài từ 18 giờ đến 22 giờ 30 phút, thế mà 42 người cùng chơi với anh lại rất thoải mái.

Gặp lại “ông bầu” sau đó, tôi thắc mắc vì sao anh cho “học trò” anh chơi khuya như thế, anh cười hào hứng: “Có buổi gần 12 giờ đêm mà vẫn chưa về, thế nhưng anh em vẫn cứ thích thú, lớp học vẫn đầy hào hứng từ phút đầu cho đến phút chót. Chơi cũng là làm, mà đã là làm thì "hết việc chứ không hết giờ" nên có hôm đến gần nửa đêm mới tan lớp là chuyện bình thường”.

Qua lời giới thiệu của các học viên trong lớp, tôi nghe có đủ cả giọng Bắc - Trung - Nam. Có người đã tham gia hai, ba khoá từ trước. Nhiều lớp có cả người nước ngoài tham dự. Có người từ Hà Nội, Hải Phòng… vào. Anh Trung cho biết: “Hiện nay, có một số chương trình ở PACE luôn luôn trong tình trạng không đủ chỗ ngồi...”.

Được biết, trong mỗi khóa học của chương trình đào tạo Giám đốc điều hành tại PACE, luôn luôn có ít nhất 5 tổng giám đốc của các tập đoàn hàng đầu thế giới tham gia đứng lớp để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quản trị với học viên. Đó cũng là một điều mà dường như bất di bất dịch ở PACE, cũng giống như văn hoá của PACE là “Tôn vinh giá trị thực học”. Số người đến với PACE đang tăng lên ngày càng nhiều.

Bất kỳ ai đó mở cuốn sổ góp ý của PACE cũng đều đọc được những dòng chữ ưu ái mà học viên ghi lại. Sau khi tham dự một khóa học ngắn hạn về kiểm soát nội bộ tại PACE, Giám đốc Công ty Viễn Cảnh đã viết: "Giá trị của khóa học này không phải 5 triệu đồng mà phải là… 50 triệu đồng". Cũng sau một vài khóa học khác tại PACE, Chủ tịch HĐQT của Dệt Thái Tuấn viết: "Các khóa học tại PACE đã giúp tôi thay đổi rất nhiều về tư duy và phương pháp quản trị theo hướng tiếp cận với thế giới". Hay anh Tuấn đến từ Hà Nội đã chấp nhận gián đoạn công việc kinh doanh trong 6 tháng, viết: “Để nói về PACE lúc này thì tôi chỉ nói “Chọn PACE là đúng".

"Nhập khẩu" kiến thức

Kể từ ngày thành lập, PACE đã tự đặt lên vai mình sứ mệnh "Góp phần đưa kiến thức của thế giới vào Việt Nam để phát triển con người cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam".
Vậy đưa kiến thức của thế giới vào Việt Nam bằng cách nào? Bằng cách "nhập khẩu" các chương trình đào tạo nổi tiếng của thế giới, rồi tiến hành "Việt Nam hóa" các chương trình đào tạo danh tiếng này. Và đây cũng là cách để PACE góp phần vào sự nghiệp "Quốc tế hóa" trình độ nguồn nhân lực cao cấp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, PACE đang liên kết với các tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới để nhập khẩu các chương trình đào tạo của họ.

Khoảng 10 đến 15 năm trước đây, ít ai nói cho lớp trẻ biết nếu làm một giám đốc đẳng cấp quốc tế thì sẽ phải có tố chất gì, phải học cái gì và học như thế nào".

Hiện chúng ta thiếu giám đốc chuyên nghiệp trầm trọng (từ giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, giám đốc tiếp thị, giám đốc nhân sự, cho đến giám đốc sản xuất…), và trước mắt Việt Nam ta phải nhập khẩu giám đốc từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể 10 đến 15 năm sau, chúng ta không chỉ đủ giám đốc cho nhu cầu trong nước, mà còn có thể xuất khẩu giám đốc ra thế giới.

Thực ra, vấn đề không nằm ở chỗ "nhập khẩu" hay "xuất khẩu" giám đốc, mà là nằm ở "niềm tin" và "khát vọng". Niềm tin vào năng lực của người Việt Nam không hề thua kém các nước khác, là khát vọng của người Việt Nam mong muốn vươn lên ngang tầm quốc tế. Niềm tin vào sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai… Và có một điều mà tôi thường trăn trở là phải làm những gì (cụ thể và thiết thực) để giám đốc người Việt Nam có được một nền kiến thức quản trị ngang bằng trình độ thế giới".

* Đào tạo giám đốc (GĐ điều hành, GĐ tài chính, GĐ tiếp thị, GĐ nhân sự, GĐ sản xuất…) là một lĩnh vực hết sức mới mẻ ở Việt Nam, vậy PACE tuyển và trả công giảng viên theo cách nào?
- Một giảng viên của PACE thường đạt năm tiêu chí chính. Hai tiêu chí đầu tiên là phải có chuyên sâu về lý thuyết, và dày dạn kinh nghiệm thực tiễn. Nói cách khác, họ là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam có kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về chuyên đề mà họ phụ trách. Họ là các "chuyên gia", chứ không chỉ là "nhà khoa học".

Thứ ba, họ phải thực sự có tâm huyết chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình cho cộng đồng doanh nghiệp, chứ không phải đơn thuần vì lý do tiền bạc.

Thứ tư, có khả năng truyền đạt tương đối tốt (năng khiếu sư phạm). Cuối cùng là phải có ngoại hình, không cần đẹp, nhưng phải chuyên nghiệp. Tất cả những điều đó mình rất dễ nhận thấy ở họ chứ không khó khăn gì. Và đến thời điểm này chưa có một giảng viên nào “mất lòng” với PACE cả. chưa có một giảng viên nào “mất lòng” với PACE cả. Hiện không chỉ có một đội ngũ giảng viên "hùng hậu" trong nước, mà PACE còn có cả một mạng lưới giảng viên thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới.

Trướ hết, chúng tôi "nhắm" đến những người có đủ những tiêu chí đó để mời cộng tác. Giảng viên của PACE người Việt hay đến từ nước ngoài. Phần đông trong số giảng viên người Việt là những người từng học và tu nghiệp tại các trường danh tiếng của nước ngoài, và đang là giám đốc thành đạt ở các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Ở một khía cạnh nào đó, họ là tri ân của chúng tôi.

Giám đốc người nước ngoài giúp PACE chuyên nghiệp hơn.
* Anh đã làm những gì để PACE được như ý mình muốn? - Nỗ lực để "nhập khẩu" được các chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới đã khó, về đến Việt Nam lại còn nhiều khó khăn hơn. Đưa được tài liệu về rồi lại phải "xô ngã" ba rào cản lớn thì "dòng chảy" kiến thức mới đổ vào nước mình được.

Rào cản thứ nhất là phải Việt hoá toàn bộ giáo trình, mà ngôn ngữ chuyên ngành thì cực khó. Tham gia vào việc này ở PACE có một đội ngũ riêng, trong đội ngũ ấy có người là giảng viên của PACE, có người chỉ là chuyên gia thuần túy.

Thứ hai là phải rút ngắn thời gian học lại. Ở Anh hay Mỹ, một chương trình như thế này có thể kéo dài từ 3 đến 4 năm. Thế nhưng, "áp" vào Việt Nam thì phải "nén" lại trong vòng 6 tháng. Cái khó là dù vậy vẫn đảm bảo chất lượng.

Thứ ba là chi phí cho cả khoá học thấp hơn nhiều so với nước ngoài, từ vài ba trăm triệu xuống còn trên dưới chục triệu (VND).

Thực ra, đưa giáo trình tài liệu đào tạo về thì không khó vì sách vở nước nào cũng có. Gian nan nhất phải nói đến chuyện "vận chuyển" cả công nghệ đào tạo, phương pháp đào tạo, quy trình đào tạo như thế nào và những thứ liên quan khác thì đó mới là điều đang nói. Cùng các đồng sự ở PACE, Giản Tư Trung đã thiết kế ra nhiều sản phẩm giáo dục mới lạ, hầu như chưa có mặt tại Việt Nam. Đây là những sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần, rất thiếu.
Mỗi sản phẩm giáo dục của PACE là một trí tuệ riêng, một ý tưởng và cá tính sáng tạo riêng. Các chuyên đề “Kế toán dành cho sếp”, “Kiểm sóat nội bộ doanh nghiệp”... ở PACE là những giáo trình từ trước đến giờ chưa từng tồn tại ở Việt Nam. Giấc mơ xuất khẩu giám đốc


Với khát vọng để giám đốc Việt Nam có một trình độ nền tảng về kiến thức quản trị ngang bằng với thế giới; để khoảng 15 năm sau Việt Nam có thể xuất khẩu giám đốc ra nước ngoài; để Việt Nam có vị trí trong những tập đoàn giáo dục hàng đầu Đông Nam Á... anh xách vali ra đi, đi để mang kiến thức quản trị của các tập đoàn bậc nhất thế giới về Việt Nam và dựng lên PACE. Khi ấy ở tuổi chưa đầy 30, độ tuổi có lắm người chưa lo được cho mình nơi ăn, chốn ở.

Giản Tư Trung là người có cá tính mạnh trong công việc. Công việc với anh là niềm đam mê lớn vì không ngày nào giống ngày nào. Khi bạn bè thắc mắc vì đâu anh cứ bận rộn như thế, anh cười hào hứng: "Tôi quan niệm mình chơi chính là làm những gì mình thích và làm là thực hiện những gì mình không thích, vì vậy tôi cảm thấy mình chơi suốt cả ngày lẫn đêm".

Tôi có một triết lý rất riêng mà tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua và chắc chắn sẽ còn theo đuổi cho đến hết phần đời còn lại của mình, đó là: Chơi là làm những gì mà mình thích, và làm là chơi những gì mà mình không thích. Hiểu theo cách đó thì tôi chơi suốt ngày đêm chứ đâu có làm gì!? Được làm những điều mà mình thích cũng là… hưởng thụ. Tôi tận hưởng điều này và cảm thấy mình sinh ra để "chơi" và "hưởng thụ". Tôi có niềm tin vào cuộc đời, và sống trọn vẹn vì niềm tin đó nên cảm thấy lúc nào cũng thoải mái. Nhiều năm nay, tôi đã tự tạo ra việc để làm, và luôn cố gắng đặt "cái riêng" trong "cái chung" của cộng đồng. Do vậy, khi tôi làm cho mình thì cũng là cống hiến cho cho đất nước. Một khi "cái riêng" và "cái chung" hòa quyện với nhau, một khi không phân biệt được mình đang "làm" hay đang "chơi", thì đó cũng là lúc mà cuộc sống thực sự thăng hoa.

Giản Tư Trung cho biết, ngày mới thành lập PACE gặp rất nhiều khó khăn, nhất trong việc làm thể nào để doanh nhân nhân có thể đến trường tư và đi học không cần quan tâm đến chuyện bằng cấp... Anh ra nước ngoài, tìm đến những tổ chức có sở hữu những chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới về lĩnh vực quản trị và kinh doanh để xin được hợp tác, giúp đỡ. "Khi trình bày để đưa những chương trình của họ về Việt Nam, họ còn chưa tin là người Việt Nam có thể học tốt những chương trình này. Chúng tôi phải thuyết phục: “Chúng tôi là một nhóm người Việt Nam, chúng tôi thấy có thể học tốt, lĩnh hội được thì rất nhiều người Việt Nam khác có thể làm tốt hơn chúng tôi”.

Cuối cùng họ cũng đồng ý. - Anh Trung nói.

Bây giờ, PACE là một tổ chức giáo dục gần gũi với doanh nhân Việt Nam và quen thuộc với nhiều tổ chức giáo dục trên thế giới. Tham gia vào sự nghiệp giáo dục của PACE là nhiều tên tuổi lớn của thế giới như Học viện Quản lý và lãnh đạo Anh quốc, Hiệp hội Quản trị kinh doanh Hoa Kỳ, Hiệp hội Marketing Thế giới, Học viện Quản trị Tài chính Hoa kỳ, Hiệp hội Kiểm toán Công chứng Anh quốc... * Anh mở trường đào tạo giám đốc, vì sao anh không trực tiếp làm giám đốc mà lại phải thuê người điều hành? - Trước đây, tôi là người trực tiếp đứng ra đảm nhiệm công việc điều hành PACE nhưng mất quá nhiều thời gian. Vì vậy, khi đã tìm được một giám đốc chuyên nghiệp người nước ngoài có nhiều năm làm quản lý ở nhiều nước trên thế giới, tôi đã quyết định chuyển giao công việc này. Giám đốc điều hành của PACE hiện là một người nước ngoài, đã có nhiều kinh nghiệm trong điều hành, tổ chức, quản lý đào tạo thì họ giúp mình quản lý công ty, quản lý công nghệ đào tạo chuyên nghiệp hơn. Trước khi về PACE, Cô ấy đã là giám đốc đào tạo doanh nghiệp của một tập đoàn giáo dục hàng đầu của Malaysia”. * Một hình dung về PACE trong tương lai sẽ là... - Mong muốn của tôi là tạo một nền móng vững chắc, vạch ra một con đường đi để trong tương lai PACE sẽ trở thành một trong những tập đoàn giáo dục chuyên nghiệp (Professional Education) có uy tín trong khu vực Đông Nam Á. Con đường phát triển lâu dài của PACE vẫn là tiếp tục đi theo con đường mà PACE đã vạch ra ngay từ khi thành lập, tiếp tục đưa kiến thức của Thế giới vào Việt Nam để dòng chảy ấy không bị gián đoạn nhằm phát triển con người, nhất là người lãnh đạo cho các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đó là sứ mệnh, là “đạo” của PACE. Hiện nay, đã có PACE Đà Nẵng (gần 2 tuổi) và sắp tới sẽ thành lập PACE Hà Nội. Trong tương lai, cả ba miền đều có PACE của chúng tôi.

Công Khanh - Vietnamnet

CEOVN: Trần Ngọc Sương - Nông Trường Sông Hậu


Trần Ngọc Sương người phụ nữ đầy cá tính, không chỉ làm rạng danh gia đình mà còn là niềm tự hào của người nông dân đồng bằng.


Trần Ngọc Sương, "Giám đốc Nhà nông"


Với những dự định táo bạo, từ một phép tính đến một chuỗi hiệu quả và chất lượng trong công việc, Giám đốc Nông trường Sông Hậu - Trần Ngọc Sương là người phụ nữ đầy cá tính đã đoạt giải “ Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2002” - một giải thưởng cao quý với 15 phụ nữ xuất sắc nhất chọn lọc từ 11 nước vào vòng chung kết tổ chức tại Singapore. Số tiền thưởng 10.000 USD đã được chị tặng cho những phụ nữ và trẻ em nghèo ở Cần Thơ. Việc làm đầy tình nghĩa đó của chị đã để lại “ấn tượng” sâu sắc trong lòng mọi người.

Người phụ nữ "toàn năng"

Nhìn lại sự “thay da đổi thịt” của nông trường Sông Hậu ngày nay, không ít người phải thán phục về ý chí, bản lĩnh và phong cách làm việc của Giám đốc Trần Ngọc Sương. Chị không bao giờ thỏa mãn với những thành công, hoặc bi quan trước những thất bại. Chị là người phụ nữ giàu nghị lực, nhiều ước mơ, luôn luôn nhìn thẳng vào sự thật, quan sát, lắng nghe thực tế, từ đó làm cuộc đổi mới hiệu quả.

Có năng khiếu thẩm mỹ trong cách chọn mẫu thời trang, nấu nướng, cắm hoa… năm 16 tuổi, Trần Ngọc Sương đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh tại Trường Cao đẳng nữ công gia chánh Bạc Liêu. Nhưng không chọn con đường mang đậm thiên chức tại gia của người phụ nữ, với hoài bão lớn cho tương lai, cô nữ sinh Trần Ngọc Sương theo học khóa I, Đại học Nông nghiệp Cần Thơ. Khi ra trường chị về làm việc tại nông trường Sông Hậu một thời gian. Để nâng cao kiến thức, chị lại đi nghiên cứu về quản lý kinh tế trên đại học ở Liên Xô. Và giờ đây, ở cương vị Giám đốc một nông trường tầm cỡ chị đã trở thành người phụ nữ toàn năng lo đủ việc: thủy lợi, giao thông, cải tạo đất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, tiếp thị, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, cả việc học hành, văn hóa, thể dục thể thao… của toàn thể nông trường.

Nổi tiếng là người di chuyển linh hoạt và tận dụng thời gian làm việc tối đa, những lần phải lên TP.HCM công tác, chị thường đi vào buổi tối để đến kịp giờ làm việc vào sáng hôm sau. Một nhà báo đã tặng chị chín chữ: “Ăn qua loa - Ngủ qua quýt - Đi liên tục”. Đó chính là tác phong làm việc của người phụ nữ nhiệt tình này. Hầu như trong cuộc đời mình, chị dành mọi tình cảm, lý trí, vốn liếng, cả tuổi xuân để sống vì người khác. Vì thế mà cho đến bây giờ, đã ngoại ngũ tuần chị vẫn còn là người của công việc, chỉ có công việc, chuyện riêng tư vẫn gác lại.


"Hổ phụ sinh hổ tử"

Sau khi đi Liên Xô để nghiên cứu về quản lý kinh tế, cùng với tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư chăn nuôi trong nước, Trần Ngọc Sương về nông trường Sông Hậu, nơi cha của chị - ông Trần Ngọc Hoằng, người anh hùng chân đất xứ ruộng sình kinh ngập đã khai hoang phục hóa gần 7.000ha đất. Chị đã cùng cha luôn nghĩ cách vạch ra những kế hoạch, những chiến lược lâu dài mong biến vùng đất hoang lầy, nhiễm phèn này trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hàng loạt biện pháp đòn bẩy kinh tế, khuyến nông tại chỗ được áp dụng như: Khoán sản phẩm đến người lao động, khoán cho lực lượng gián tiếp, khoán quỹ lương và khoán hành chính. Đồng thời với các chính sách khoán hợp lý và kích thích năng lực tự chủ của hộ nông trường viên.

Nhiều cơ sở dịch vụ kỹ thuật được mở ra, ứng trước tổng quỹ lương hàng năm để hổ trợ cho người lao động, bung mở nhiều cách làm ăn, dùng các chính sách đòn bẩy để đồng lương đẻ thêm thu nhập. Giáo dục ý thức “ vì tập thể và kết hợp cá nhân với tập thể”, khuyến khích sáng tạo và năng động, mở các dịch vụ căn tin, chợ, bến xe, kinh doanh vật phẩm văn hóa… Tóm lại, những gì người lao động cần thì chị chủ động tìm cách mang đến, gợi mở cho họ. “Hãy để cho người nông dân suy nghĩ ngay trên chính luống cày của họ”- câu nói của Lênin đã trở thành cách tổ chức quản lý của Trần Ngọc Sương với nông trường Sông Hậu. Vùng đất 7.000ha hoang lầy với lau sậy và cỏ dại mọc um tùm hầu như không ai dám ngó ngàng tới, thế mà nay đã trở thành những con đường rợp mát bóng cây, những làng quê trù phú có câu lạc bộ, trường học, chợ, trạm y tế, trung tâm văn hóa… bừng sáng cả một khoảng trời Tây Đô.

Nông trường Sông Hậu hiện có trên 5.500 ha lúa hai vụ, hơn 1.000ha rau màu xen canh, và xen nuôi khoảng 5.100ha tôm, cá nước ngọt trên đất hai vụ lúa theo kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gần 200ha vườn cây ăn trái, hàng trăm máy cày, máy xới, máy bơm, máy xay xát, xưởng sửa chữa cơ khí, xưởng gạch ngói, các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu, trạm phát sóng FM nội bộ…

Năm 2002 nông trường phát triển mạnh đàn bò sữa lên gần 600 con, bình quân mỗi ngày cung cấp 1,5 tấn sữa tươi nguyên chất cho chi nhánh Công ty sữa Vinamilk tại Cần Thơ. Nông trường còn tập trung tạo thế và lực để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng đề án tiêu chuẩn hóa theo hệ thống chất lượng quốc tế ISO 9001: 2000, đồng thời thực hiện quản lý doanh nghiệp phục vụ sản xuất, đời sống và làm hàng xuất khẩu.

Nông trường hiện nay có 10 nhà máy chế biến nông sản, một nhà máy chế biến thực phẩm, một nhà máy chế biến gỗ gia dụng. Chị nói: “Chúng tôi đang từng bước thực hiện cổ phần hóa các nhà máy, hạch toán tự chủ, mạnh bạo giao thêm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho người lao động, đội sản xuất, cơ sở chế biến. Làm sao để hơn 10.000 công nhân nông nghiệp ở đây thực sự là hơn 10.000 “ông chủ”, có thể đứng sân được với thị trường thế giới, để họ có thể bán được các sản phẩm tươi sống, sơ chế, tinh chế của mình một cách có lợi nhất. Và lợi ích, tất nhiên họ phải được hưởng trọn gói theo giá trị và chất lượng sản phẩm do họ làm ra”. Đó thực sự là lợi ích thiết thực nhất của người lao động.

Nông trường hiện có khoảng 3.600 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (THPT). Trường THPT Trần Ngọc Hoằng là trường được đầu tư dạy và học theo trường chuẩn quốc gia, mấy năm qua là điển hình thi đua của huyện Ô Môn - tỉnh Cần Thơ về cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Hàng năm nông trường chi ra từ 2,5tỷ đến hơn 3 tỷ đồng cho giáo dục nhằm nâng cao đời sống cho giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng trường lớp. Đó cũng là hiệu quả đáng mừng của một chủ trương đúng của cơ sở - xã hội hóa giáo dục.

Nữ doanh nhân "thời Internet"

Trong Hội thảo khoa học “Nông trường Sông Hậu - mô hình phát triển theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang phát biểu: “Trong thời buổi nông nghiệp cả nước đang tiến quá chậm, lợi ích của người nông dân tăng quá ít vì vướng vào tình trạng khó tiêu thụ nông sản hàng hóa, nhất là thị trường đầu ra, thì nông trường Sông Hậu đã nổi lên thành mô hình khép kín từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản hàng hóa - quả là một tổng công ty lớn đi lên từ đất đai và lao động ở nông thôn”.

Thành công của nông trường Sông Hậu chính là hiểu rõ các yếu tố tự nhiên và xã hội. Coi trọng yếu tố con người , phát huy nguồn nhân lực sẵn có, có quy hoạch và tổ chức sản xuất tốt phù hợp khả năng thực tế. Điều quan trọng là nông trường luôn tìm tòi và học hỏi để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chủng loại, mẫu mã, sớm biết gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năng động tìm kiếm thị trường mới, nhất là thị trường ngoài nước. Hiện nay, sản phẩm của nông trường đã có chỗ đứng ở một số thị trường như Nga, một số nước ở châu Phi, Đông Nam Á và Đông Âu.

Nông trường Sông Hậu, nơi có hai cha con nối nghiệp giám đốc đều được nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2002 Trần Ngọc Sương lại đoạt giải “ Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, và chị cũng là một trong ba “ Nữ doanh nhân thời Internet” - như trong Tạp chí “Thế giới vi tính” số tháng 9-2001 đã khẳng định càng làm cho nông trường Sông Hậu thêm tỏa sáng. Tục ngữ có câu: “ Cây lành sinh trái ngọt”, chính đạo đức và tài năng của người cha đã kết tinh và để lại cho nông trường Sông Hậu người nữ giám đốc hết lòng vì công việc trên con đường xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu giữa miền phù sa châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

CEOVN Võ Quốc Thắng - Đồng Tâm


Ông từng được bầu là gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN năm 1999, và từng là đại biểu Quốc hội khoá 11 (nhiệm kỳ).

Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống làm nghề gạch bông tại khu Phú Định, quận 6 nên ngay từ nhỏ, Thắng đã có ý chí ham học hỏi và lao vào công việc phụ giúp gia đình. Hàng ngày vừa đi học phổ thông vừa phụ giúp gia đình làm gạch, Thắng đã biết nhiều kỹ thuật làm gạch bông, về pha màu, trộn xi măng.

Tuổi thơ của Thắng cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc cùng gia đình buôn bán lênh đênh trên sông, trên biển, dãi dầm mưa nắng, có những lúc đương đầu với những cực nhọc trong nghề làm gạch bông thô sơ.

Tuy còn trẻ tuổi, nhưng với kinh nghiệm quý giá từ lúc vừa học, vừa làm, cộng với niềm say mê công việc, Thắng đã đi đến mọi “hang cùng, ngõ hẻm” bằng chiếc xe đạp cọc cạch tới những nơi có nhu cầu làm nhà và sử dụng gạch, để tiếp xúc lắng nghe ý kiến và thăm dò thị hiếu của khách hàng. Từ những vất vả đó, ngày nay Thắng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong sự va chạm với cuộc sống và thương trường.

Tiếp nối nghề gia truyền

Đến năm 1985-1986, với chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế của Đảng tại Đại hội 6, Thắng lúc bấy giờ mới 19 tuổi đã đứng ra khôi phục thương hiệu gạch Đồng Tâm của gia đình. lúc đàu chỉ là một tổ hợp sản xuất nhỏ với 4 công nhân, trong đó Thắng vừa là chủ vừa là công nhân trực tiếp sản xuất, vừa phụ trách bán hàng.

Từ những định hướng đúng đắn ban đầu, tập trung vào phát triển ngành gạch bông truyền thống và kế tục sự nghiệp của người cha, qua những tháng năm thăng trầm và những khó khăn, cơ sở gạch bông Đồng Tâm của Thắng đã có những bước phát triển ổn định. Ông Võ Quốc Thắng kể lại với vẻ tự hào rằng ngay từ hồi bé sản phẩm gạch bông Đồng Tâm của gia đình ông đã có mặt tại nhiều công trình xây dựng lớn thời bấy giờ mà hôm nay vẫn còn hiện diện như cư xá Thanh Đa, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương...

Gần 40 năm kể từ khi thành lập vào năm 1969 với sản phẩm ban đầu là gạch bông truyền thống, Đồng Tâm đã trở thành một thương hiệu uy tín hàng đầu trong ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành sản xuất gạch men nói riêng tại Việt Nam.

Để phát triển doanh nghiệp của mình ông Thắng đã lặn lội đến rất nhiều nước châu Âu để học hỏi cách thức làm gạch của xứ người, cuối cùng ông Thắng đã đến Italia và Tây Ban Nha - là hai nước có nền công nghệ gạch men hiện đại nhất thế giới. Và Đồng Tâm mạnh dạn đầu tư một nhà máy hiện đại tại Long An năm 1994, sau đó, từ năm 1996, Đồng Tâm liên tục mở rộng đầu tư các nhà máy ở cả hai miền Nam Bắc.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, Tâp đoàn Đồng Tâm đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phát triển khu công nghiệp, khu dân cư; xây dựng nhà để kinh doanh với nhiều kế hoạch đầu tư lớn và đầu tư liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước.

Một hệ thống các văn phòng chi nhánh, showroom, trung tâm tư vấn đã được thiết lập, cùng với một mạng lưới hơn 3.000 cửa hàng cộng tác phân phối đã đưa sản phẩm Đồng Tâm đến tận tay người tiêu dùng tại hầu hết 64 tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Các chi nhánh và đại lý ở nước ngoài cũng được thiết lập giúp Đồng Tâm không ngừng mở rộng và lớn mạnh trên thị trường xuất khẩu.

Học “tư duy đột phá” của người Nhật

Đầu năm 2007, Võ Quốc Thắng sang Nhật để học nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp tại Nhật Bản. Trong thời gian hai tuần lưu trú ở đó, ông có dịp gặp giáo sư-tiến sĩ Shozo Hibino chuyên về quản trị nhân lực và được nghe giáo sư thuyết trình thuyết tư duy đột phá, nghĩa nôm na là nếu dám đột phá, vượt ra khỏi tư duy bình thường và quyết tâm thực hiện bằng được thì chúng ta có thể đạt được những thành công ngoài mong đợi. (đã được các công ty hàng đầu trên thế giới áp dụng thành công như: Toto, Mishubishi, Toyota, Canon, Sri Lanka Telecom...), ông Thắng như bị hớp hồn về nội dung này từ ông thầy người Nhật Bản.

Ít lâu sau, ông Thắng đã mời được GS. Shozo Hibino sang Việt Nam thuyết trình về đề tài trên cho đội ngũ cán bộ quản lý của Đồng Tâm và cho các sở ban, ngành của tỉnh Long An. Tại buổi trao đổi ấy, một vị khách tham dự hỏi: “Làm sao để Long An phát triển theo kịp Tp.HCM?”. Giáo sư trả lời: “Nếu anh nghĩ Long An sẽ không theo kịp Tp.HCM hoặc bằng Tp.HCM thì mãi mãi Long An sẽ không bao giờ phát triển cả”.

Câu trả lời trên của giáo sư Nhật đã gieo trong đầu ông Thắng một ý tưởng là phải thay đổi mô hình quản lý tại Công ty Đồng Tâm lúc bấy giờ đang hoạt động theo quy mô nhỏ, lẻ. Ông thấm thía lời dạy của GS.TS Hibino: “Con người phải có khát vọng, muốn thực hiện được khát vọng phải phấn đấu và theo đuổi bằng được và thực hiện đến cùng”.

Vì vậy ông Thắng đã quyết định thực hiện bước đột phá: thay đổi mô hình quản trị, hợp nhất các công ty lại. Và ông và tập thể ban lãnh đạo khát khao mong muốn rằng đến năm 2010 thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên chức của Đồng Tâm sẽ nằm trong Top 10 doanh nghiệp của ngành sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Với phương châm, chỉ làm những gì mình biết và biết những gì mình làm, Đồng Tâm đã có sự phát triển ổn định đến ngày hôm nay. Am hiểu về ngành nghề sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, am hiểu về thị trường sẽ tiếp cận tốt hơn với khách hàng. Thành công của một doanh nghiệp còn là sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của tập thể cán bộ công nhân viên, luôn sáng tạo, tìm tòi học hỏi những cái mới trong sản xuất kinh doanh là nhân tố làm nên sự thành công của doanh nghiệp.

Gần đây Đồng Tâm là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam bắt tay với một công ty của Mỹ để phân phối vật liệu xây dựng tại thị trường Mỹ, tuy vốn của công ty liên doanh này không lớn, chỉ 1.500.000 USD nhưng đây là bước khởi đầu cho việc tạo thêm hệ thống phân phối vật liệu xây dựng của Đồng Tâm ở nước ngoài.

Ông Thắng kể lại có một lần khi qua Mỹ, ông ngồi ở một quán góc phố uống cà phê ăn bánh ngọt, tình cờ thấy xe chở pallet gạch Đồng Tâm của mình chạy ngang, ông có cảm xúc sung sướng thật khó tả. Rồi cái cảm giác lâng lâng khi dẫm chân lên nền gạch lót bằng gạch có thương hiệu Đồng Tâm của mình ở những ngôi nhà ngoại ô thành phố Atlanta của nước Mỹ.

Nhưng có vẻ ông Thắng vẫn chưa thoả mãn với những thành công đã đạt được. “Tôi cảm thấy vẫn chưa đạt được những gì mình mong muốn. Không biết tôi có tham vọng quá không nhưng mong muốn lớn nhất của tôi là cố gắng xây dựng Đồng Tâm trở thành thương hiệu của đất nước, nghĩa là khi nói đến Đồng Tâm bạn bè thế giới sẽ biết đó là một thương hiệu của Việt Nam và khi nhắc đến Việt Nam họ sẽ không quên nhắc đến Đồng Tâm”, ông nói.

CEOVN: Đoàn Nguyên Đức - HAGL


40 năm trước cậu bé Đoàn Nguyên Đức hàng ngày chăn trâu trên cánh đồng bên cạnh sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định quê hương, ước mơ một ngày nào đó sẽ được cưỡi và tậu cho mình một máy bay riêng. Ước mơ tưởng như viển vông đó nay đã thành hiện thực.


Ở phố núi, chẳng ai gọi ông Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) bằng cái tên cúng cơm Đoàn Nguyên Đức, mà là Ba Đức vì cái tên này đã trở nên gần gũi, thân quen với mọi người.

Từ năm 2001 đến nay, cái tên Ba Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện làm nên các “ tít” lớn trên hầu hết các báo Việt Nam và cả trên thế giới như: việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002; hợp tác với CLB bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007...

Đầu năm 2008 ông còn định mua 20% cổ phần của CLB Arsenal. Và gần đây nhất là ông đã tậu cho mình một chiếc máy bay riêng (Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD) như điều mà ông từng mơ ước 40 năm về trước. Điều đặc biệt là ông tậu chiếc máy bay này từ tiền túi cá nhân để phục vụ công việc chung của Tập đoàn.

Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi sau 4 lần thi đại học không thành. Bầu Đức kể lại rằng: “Chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ. Tôi có đọc cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, thấy có ai học đại học được đâu. Ông trùm máy tính của thế giới là Bill Gates giỏi lắm cũng mới học nửa chừng năm thứ hai của Đại học Harvard rồi bỏ học. Riêng tôi lại rất thích câu nói: “Trường đại học của tôi chính là trường đời”.

Khởi đầu sự nghiệp của ông Đức chỉ là việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Nhưng kể từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức đã phất lên như diều gặp gió. Ông Đức trở thành chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - một tập đoàn tư nhân - hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh thu kể từ năm 2005 đã vượt quá 1.200 tỷ đồng, các năm sau đều cao hơn năm trước và dự kiến năm nay có thể lên đến 4.000 tỷ đồng.

Các sản phẩm của HAGL Group như đồ gỗ nội - ngoại thất cao cấp; đá granit ốp lát tự nhiên mủ cao su... đã có mặt hầu khắp các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Australia và New Zealand. Các văn phòng đại diện của HAGL cũng được thiết lập tại nhiều nước nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận, giao dịch với tập đoàn một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.

Hiện nay, HAGL Group còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh địa ốc, như xây dựng các trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, và đã cho ra đời một loạt khách sạn, khu nghỉ mát 4 sao, 5 sao tại TP HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku...

Tính đến thời điểm 31/1/2008 tổng giá trị tài sản ròng của HAGL Group đã đạt 25.576 tỷ đồng, vượt xa so với con số 11.600 tỷ đồng đầu năm 2007. Ông Đức cho hay sở dĩ đạt được con số trên là do HAGL hiện đang sở hữu 27 dự án bất động sản, trong đó có những dự án đã được đầu tư và mua đất từ năm 2000. Do giá thị trường bất động sản, đặc biệt là căn hộ cao cấp tăng cao nên tổng giá trị tài sản ròng của tập đoàn cũng tăng.

Ngoài ra, HAGL còn đang sở hữu hệ thống khách sạn, các resort, 5 nhà máy sản xuất đồ gỗ và chế tác đá granite, trên 20.000 ha cao su tại Gia Lai, Kon Tum và Lào, nhà máy thủy điện 143 MW; 2 mỏ sắt và một mỏ đồng...

Theo kết quả kiểm toán của Earns & Young, năm 2007 vừa qua HAGL đạt 870 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vượt chỉ tiêu đề ra 270 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2008 ước đạt 2.500 tỷ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm, trong năm 2008, HAGL Group cam kết sẽ tài trợ cho Lào 100% vốn với giá trị lên đến 19 triệu USD để xây dựng làng vận động viên SEA Games 25, gồm tám khu nhà chức năng với khoảng 42.000 m2 sàn xây dựng, là một khu ở khép kín cho 4.000 vận động viên quốc tế.

Trong tổng vốn 19 triệu USD, 4 triệu USD là tài trợ không hoàn lại, phần còn lại được cho vay thời hạn ba năm không lãi suất. Khoản tiền vay sẽ được Chính phủ Lào hoàn trả bằng gỗ khai thác và các dạng quota khác cho HAGL.

Ngoài ra Chính phủ Lào còn tạo điều kiện cho HAGL thăm dò tiềm năng khai thác khoáng sản ở Nam Lào và cấp cho HAGL 10.000 ha đất trồng cao su, nâng tổng diện tích đất dự án cao su tại tỉnh Attapeu của HAGL lên 15.000 ha, bao gồm cả đất để xây dựng hai nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 40.000 tấn một năm.

Theo tính toán trong vòng 5 đến 7 năm tới lợi nhuận của HAGL từ việc đầu tư tại Lào có thể lên đến trên dưới 100 triệu USD một năm nhờ xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su và gỗ. Rõ ràng là đồng tiền mà bầu Đức bỏ ra để khuyếch trương thương hiệu và uy tín của Tập đoàn cũng như 15.000 ha trồng cao su trên đất Lào, quả thật là những con gà đẻ trứng vàng.

CEOVN: Trương Gia Bình - FPT

Chắc không nhiều người FPT biết được rằng TGĐ Trương Gia Bình của chúng ta là bạn học phổ thông cấp 3 với tôi. Hơn thế nữa trong suốt mấy năm học chuyên toán Chu Văn An tôi và Bình ngồi cùng bàn, chỉ có hai người ngồi vào cái bàn ở cuối lớp.
Bài viết này tôi xin về bạn ấy, một người bạn thời phổ thông không chỉ của tôi mà cũng là bạn học của anh em Bùi Bình Thuận (FSM) và Bùi Việt Hà (GĐ trung tâm Đào tạo FPT trước kia), cae bốn chúng tôi cùng một tổ nữa kia. Tất cả chúng tôi là cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An khóa 1970-1973. Câu chuyện bắt đầu từ khi chúng tôi cùng học với nhau khi còn bé.

Thuở học sinh

Chúng tôi học với nhau từ bé, năm lớp 2 (năm học 1964-1965) tại trường Phương Đông. Ngày ấy chúng tôi cùng phố Thợ Nhuộm. Nhà tôi số 91, nhà Gia Bình ở số 86, chính là trụ sở của Sở Y tế HN (bố Bình là bác sỹ Trương Gia Thọ, vốn là một bác sỹ nổi tiếng khi ấy). Tôi không còn nhớ dạo ấy chúng tôi học tập ra sao, ngoại trừ chuyện chơi cá cảnh. Chúng tôi thường cho cá vào lọ và mang đến nhà một bạn để cùng nhau ngắm. Trò được chúng tôi thích thú nhất là chọi cá. Một cặp cá chọi được đưa vào cùng một lọ và chúng đánh nhau cho đến khi ngã ngũ thì chúng tôi lại tách chúng ra. Nhiều khi dùng gương để cho con cá tự đánh với chính nó. Gia Bình cũng tham gia trò chơi cá.

Mới vào học kỳ 2 thì bọn Mỹ ném bom miền Bắc. Thế là chúng tôi chia tay nhau đi sơ tán về nông thôn. Mãi đến năm lớp 8 (cấp 3), chúng tôi mới gặp lại nhau, cùng được học ở lớp 8I trường cấp III Chu Văn An, lớp chuyên Toán HN. Chúng tôi học với nhau cả ba năm cấp 3. Không những thế, năm lớp 9 và năm lớp 10, chúng tôi cùng ngồi bàn cuối lớp, bàn chỉ có tôi và Gia Bình.

Trong lớp có nhiều kiểu học, nhiều trường phái khác nhau. Dân chuyên Toán thường ít chú ý đến môn Văn cũng như các môn xã hội. Gia Bình lại là cánh ham mê môn Văn. Mỗi bài luận Bình bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu hàng đống sách chuyên đề rồi mới bắt tay vào viết. Tôi và nhiều bạn thường sử dụng các tư liệu mà Bình đã mất công tìm kiếm, thậm chí bắt trước cả cách phân tích, bình luận của Bình. Các bài Văn của Bình thường được được tham khảo mẫu khi trả bài. Tôi và nhiều bạn thuộc trường phái khác, lúc nào cũng chỉ say mê với môn Toán. Chưa kể Bình hay nói về Triết học, trình bày các vấn đề dưới góc độ hoặc bằng ngôn ngữ Triết. Hồi đấy tôi chỉ thấy hay hay vì nó khác với những suy nghĩ tư duy thuần Toán, không biết đâu rằng đó chính là biểu hiện của những phẩm chất lãnh đạo mà sau này Bình mới thể hiện rõ.

Bình học toàn diện, thường xếp thứ hạng cao trong lớp. Một phần chữ Bình vào loại đẹp nhất lớp, hồi ấy điểm vở có hệ số 2. Chữ tôi lại xấu nhất lớp, có lần vở Lý được 4 điểm. Tôi chỉ hơn Bình mỗi điểm Toán nên chung cuộc điểm trung bình thường vẫn thấp hơn Bình. Thỉnh thoảng có tháng tôi cũng xếp trên Bình. Thường là tôi, Bùi Việt Hà (giám đốc Trung tâm đào tạo khi xưa của FPT) và Bình được xếp đầu lớp.

Năm lớp 10 chúng tôi học tại nơi sơ tán của huyện Thanh Oai, Hà Tây. Dạo ấy ăn cơm tập thể vàng khè vì ngô nhiều hơn gạo. Có bận sau bữa cơm, nhiều bạn không ăn vì đi đâu đó, nhà bếp còn thừa rất nhiều cơm. Bình nói có muốn xem biểu diễn ăn cơm không, rồi lôi chai xì dầu ra làm 8 bát cơm B52 (một loại bát sắt của bộ đội, to gần bằng hai bát sứ) mà không cần tý thức ăn nào khác, trong sự thán phục tròn xoe mắt của cả lớp vì sức ăn của Bình. Năm ấy Bình sắp 17 tuổi.

Đại học ở Liên Xô

Chúng tôi thi vào đại học kết quả tốt. Cùng với nhiều bạn trong lớp chúng tôi được tập trung lên trường ĐHKT Quân sự trên Vĩnh Phúc. Chúng tôi phải học tiếng Nga và Toán cật lực để sang Liên Xô học luôn vào năm thứ nhất. Hè 1974 hôm rời ga Hàng Cỏ đi tàu sang Trung Quốc tôi nhớ nhiều bạn trong lớp có đến tiễn chúng tôi. Trong số người ra tiễn còn có cả chị Trương Thanh Thanh, chị ấy vừa mới từ Liên Xô về, mắt đỏ hoe tiễn Bình lại sang Liên Xô học. Khi sang Liên Xô, chúng tôi mỗi đứa một nơi. Bình vào học khoa Cơ học trường Tổng hợp Matxcơva, Việt Hà học Toán cùng trường với Bình. Còn tôi học Toán ở Kisinhốp. Chúng tôi hay liên lạc với nhau qua thư từ. Các kỳ nghỉ đông, nghỉ hè tôi hay lên Matxcơva thăm Bình và các bạn cũ 10I. Ở chơi hàng tháng là chuyện thường. Tôi học trượt băng, chơi khúc côn cầu ở sân băng trường tổng hợp Lômônôxốp. Tôi còn nhớ Bình và các bạn hay vặt táo xanh trên đồi Lê Nin để về ăn hoặc nấu canh chua.

Năm 1979 chúng tôi về nước. Bình được chọn làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Tôi về dạy Toán ở ĐHBK HN. Rồi tôi được cử sang Pháp học nghiên cứu sinh. Cuối năm 1986 tôi về nước sau khi tốt nghiệp. Bình đã về từ năm ngoái và lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện cơ, bắt đầu làm kinh tế. Thế rồi một tối đầu mùa hè năm 1988, Bình đến nhà tôi chơi (khi đó tôi ở trong ngõ phố Khâm Thiên). Trên cái sân gác tầng 2 thoáng mát, Bình say sưa nói về máy tính cá nhân và thuyết phục tôi tham gia nhóm của Bình để chuyển máy tính sang Liên Xô. Ngoài sự thân quen rất nhiều năm, Bình nhìn nhận tôi như một chuyên gia Tin học khi đó. Tuần lễ Tin học lần thứ nhất, Bình đến dự với một sự quan sát tìm tòi khác thường. Tôi nhận lời với Bình mặc dù cũng chẳng hiểu mô tê mọi việc sẽ ra sao. Chính Bình đã biến tôi từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay. Đấy là câu chuyện 15 năm trước. Khi ấy chúng tôi mới 32 tuổi.

Ngày 13/09/1988 chúng tôi đón nhận quyết định thành lập FPT do anh Vũ Đình Cự, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ Quốc gia ký. Lúc ấy có 13 người sáng lập, con số trở thành một niềm mê tín của FPT (mà cũng bắt nguồn từ Gia Bình).

FPT, những chặng đường

Buổi ban đầu cái tên FPT gắn với công nghệ thực phẩm. VN là một nước nông nghiệp, Bình hy vọng vào các dự án viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này, nó cũng là xuất phát làm các đồ sấy khô của nhóm “Nhiệt và chất”. Nhưng doanh vụ lớn đầu tiên của FPT là đổi máy tính Olivetti lấy các loại hàng của Liên Xô vốn rất quen thuộc với VN thời bao cấp. Có thể nói giai đoạn 1988-1991 là giai đoạn đổi hàng Liên Xô. Giai đoạn này dân Tin học chúng tôi chỉ tham gia hỗ trợ và nhen nhóm những bước đi ban đầu.

Giai đoạn 1991-1994 là giai đoạn tham gia thanh toán với Liên Xô (Nga) cho các công trình thủy điện, đồng thời Tin học đã là một hướng kinh doanh độc lập. Từ 1995 kinh doanh Tin học trở thành chủ đạo, các trung tâm định hướng kinh doanh ra đời trong FPT. Sau 10 năm thành lập năm 1999 FPT chuyển sang toàn cầu hóa với việc tham gia xuất khẩu phần mềm. Năm 2002 chuyển sang công ty cổ phần và thực hiện thống nhất Bắc-Nam. Năm 2003 chuyển sang quy mô tập đoàn với 4 công ty chi nhánh. Sau 15 năm, từ 13 người ban đầu, hôm nay FPT có hơn 1300 cán bộ chính thức (chưa kể số lượng công tác viên, sinh viên và thử việc). Năm 2002 doanh số FPT vượt 100 triệu USD, năm 2003 tăng trưởng dự kiến không nhỏ hơn 70% với sự vươn lên trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất tại VN.

Ngôi vị thủ lĩnh

Nếu soi nhìn ở góc độ tổ chức, 15 năm qua đã có những mốc quan trọng và luôn gắn chặt với Bình trên cương vị thủ lĩnh của FPT.

Năm 1988 Gia Bình thành lập FPT và đi vào thị trường Liên Xô.

Năm 1992 vượt qua đợt khủng hoảng đầu tiên trong FPT. Có những người tâm huyết và quan trọng đã ra đi, FPT thoát khỏi khủng hoảng trong gang tấc. Có lẽ đây là lúc Bình suy nghĩ nhiều về việc xây dựng một công ty dựa trên những con người tài năng nhưng phải biết đoàn kết cùng mục tiêu, cùng chí hướng.

Năm 1995 FPT thành lập các trung hạch toán theo các hướng kinh doanh tích hợp hệ thống, phân phối, phần mềm. 1998, sau 10 năm thành lập, FPT khẳng định vị trí số một trên thị trường Tin học của các ngành kinh doanh này và cũng là nhà ISP đầu tiên của VN. Trong quãng thời gian này, Bình học hỏi rất nhiều mô hình tổ chức và quản lý của các công ty công nghệ hàng đầu, áp dụng những điểm phù hợp vào FPT. Nổi bật là việc lập và bảo vệ kinh doanh, check point nhân viên và xây dựng một hệ thông tin bảo đảm kiểm soát hiệu quả kinh doanh (Balance và FIFA). Cũng mong muốn những kiến thức quản trị kinh doanh được phổ cập sâu rộng hơn trong các doanh nghiệp VN mà năm 1995 Bình thành lập khoa Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Quốc gia HN.

Năm 1999 bước vào toàn cầu hóa với khẩu hiệu 528 nổi tiếng, thể hiện một sự lạc quan có phần quá thái. FPT xuất quân sang Ấn Độ, Mỹ, thu nhập những nhân viên nước ngoài. Sự bay bổng cũng đem lại chút sảng khoái và giúp hiểu mặt đất, chỗ đứng của chúng ta được kỹ hơn. FPT cần có những kỹ năng quản trị cao hơn trong giai đoạn mới. Sau một năm làm việc không mệt mỏi, đầu năm 2000 FPT là công ty Tin học đầu tiên của VN đạt chứng chỉ ISO-9001. Năm 2000 triển khai thành công hệ kế toán Solomon theo chuẩn ERP quốc tế, hệ FIFA/MIS của FPT trở thành hệ thông tin doanh nghiệp tốt nhất tại VN.

Sự phát triển liên tục của FPT đòi hỏi thay đổi cơ cấu và trang bị lý thuyết vững chắc hơn về hệ thống doanh nghiệp. Năm 2002 FPT trở thành công ty cổ phần, rồi tập đoàn hóa. Bình tung ra lý thuyết Fractal (tính bất biến của cấu trúc) và Leadership Building (kỹ năng lãnh đạo) và phát động phong trào học tập các lý thuyết này trong FPT. Không nhiều cán bộ FPT hiểu được các lý thuyết này, cũng như vận dụng chúng có kết quả. Liệu lý thuyết đó có luôn đúng hay không, liệu nó có giúp FPT đương đầu được với mọi thách thức? Chúng ta hy vọng năm 2003 này cho những câu trả lời xác đáng với sự tăng trưởng vững chắc trên tất cả các hướng kinh doanh của FPT.

Phẩm chất lãnh đạo

Lãnh đạo FPT trong những năm qua Bình có niềm tin vững chắc vào những giá trị mà FPT đã tích lũy được theo thời gian. Những giá trị đó rất nhiều cái xuất phát từ những ý tưởng của Bình. Nếu không hiểu FPT, hiểu những chặng đường FPT đã trải qua, thì cũng khó hiểu được những ý tưởng này.

Trước hết Bình nhìn nhận FPT như một nhà nước. Có đối ngoại, đối nội, có thông tin báo chí, có văn hóa, có kinh tế, có tinh thần, có đoàn thanh niên, có phụ nữ, có thiếu niên nhi đồng (FPT Small). Bình học ở quân đội ở cấu trúc Fractal, ở tinh thần chiến tranh nhân dân. Bình thường xuyên tham khảo tư vấn các vị tướng quân đội, trong đó có Bác Văn. Thậm chí Bình học hỏi, quan sát cách dùng người của Bác Hồ. Thậm chí những nguyên lý của âm dương ngũ hành cũng được Bình áp dụng.

Như bất cứ phong trào hay tổ chức nào, việc tập hợp lực lượng, tập hợp các tài năng trong FPT được Bình đặt ưu tiên cao nhất. Xung quanh Bình là cả một đội ngũ cán bộ tâm huyết, cá tính, rất có năng lực và có nhiều thế hệ. Phải nói rằng không có một đội ngũ như thế, FPT cũng không có được những thành tựu như ngày hôm nay. Họ cùng chung một chí hướng: xây dựng một FPT ngày càng phát triển, phát triển không ngừng. Nhiều người biết FPT đã có nhận xét: “Quái, sau bao nhiêu năm bọn chúng (FPT) vẫn ngồi được cùng nhau!”. Chắc hẳn năng lực lãnh đạo và phẩm chất, tài năng của Bình như thế nào mới có được một tập thể như thế. Ở nhiều nơi khác, sự phân rã đã đến ngay khi mới có chút ít thành công.

Bình là một nhà tư tưởng và nhiều khi hơi có phần ngây thơ tin vào các tư tưởng ấy. Ví dụ như 528, như thác số chảy vào VN. Bên cạnh đó có nhiều tư tưởng được minh chứng qua thực tế, ví dụ như gene công ty. Thậm chí Bình mong muốn có được bản đồ gene của FPT. Mấy hôm nay Bình hì hụi phác thảo các chuỗi phân tử đầu tiên của bộ gene này. Có những tư tưởng được chuyển thành lý luận, thành quy trình như Leadership Building, đang được áp dụng có kết quả trong thực tế.

Bình rất ham học hỏi. Từ một nhà khoa học được đào tạo ở môi trường Xô viết, ngày nay Bình là một nhà doanh nghiệp hàng đầu tại VN, cùng nhiều hoạt động xã hội khác. Cách học là qua sách vở, là tự học, là học qua thực tiễn, qua tham khảo các doanh nghiệp, tổ chức khác. Tóm lại học qua bất cứ môi trường nào miễn có kết quả cho FPT. Việc check point là một ví dụ học hỏi từ một doanh nghiệp Mỹ.

Bình có tài thuyết khách. Khi Bình nói về một vấn đề nào đó, tưởng chừng thế giới không thể khác đi được. Nhiều khi người nghe bị thuyết phục không phải vì bản chất của đề tài mà là do cách thức thuyết phục của Bình. Kiến cũng phải bò ra nghe. Nhiều người tin và làm theo, dù nhiều cái Bình nói đâu có đúng, đâu có đơn giản, đâu có dễ thực hiện, họ biết hoặc nghi ngờ nhưng vẫn nghe Bình thuyết phục và làm theo.

Cuối cùng là phẩm chất kiên trì đeo đuổi mục đích đặt ra, xử lý bằng được mọi khó khăn trở ngại, lôi kéo, áp lực mọi người cùng thực hiện. Một phẩm chất mà nhiều nhà lãnh đạo không có.

Rất thích hội hè, với FPT dường như là chưa đủ, Bình còn nhiều đam mê khác. Nào lập trường Quản trị kinh doanh, nào Hội doanh nghiệp trẻ VN (mà Bình có còn trẻ nữa đâu), rồi Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm VN. Đâu Bình cũng nổi trội vai trò dẫn dắt, cũng chủ tịch.

Bạn hỏi tôi rằng, Bình có nhược điểm nào không? Có đấy. Đó là sự cả tin. Cả tin vào một số giá trị không thực tiễn, cả tin vào sự chung lý tưởng, chung mục đích của tất cả nhân viên dưới quyền, cả tin vào một số người mới tiếp xúc. Đôi khi cũng phải trả giá vì sự cả tin ấy. Còn một vài nhược điểm khác nữa nhưng nói ra e làm lạc chủ đề của bài viết.

30 năm trôi qua. Bạn tôi thay đổi rất nhiều. Hy vọng với lớp 10I chúng tôi, sự thay đổi không đáng là bao. Hy vọng với tôi, Bình vẫn là người bạn cùng bàn năm xưa. Và với Thầy chủ nhiệm Đào Thiện Khải, Bình vẫn là một trò ngoan.


Đỗ Thị Kim Liên, "thuyền trưởng" của "con tàu" AAA

Phải chăng câu nói "Hoàn cảnh tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận" luôn luôn đúng trong mọi thời đại. Đối mặt và chinh phục tất cả những khó khăn, thử thách từ thuở sơ khai của Công ty Bảo hiểm AAA, cùng với lòng quyết tâm và sự tự tin tràn đầy, chị Đỗ Thị Kim Liên xứng đáng với danh hiệu "Bông hồng vàng" dành cho nữ doanh nhân thành đạt.

Chị được sinh ra trong những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước tại làng Phúc Thắng - Mê Linh - Vĩnh phúc, đúng vào thời kỳ miền Bắc kinh tế khó khăn, sống trong một gia đình làm nghề nông với cái nghèo đeo đẳng. Cuộc sống cơ cực vật lộn với miếng cơm manh áo đã vô tình hình thành trong chị Liên khát vọng được làm ra thật nhiều tiền để rời xa vĩnh viễn cái cảnh đói nghèo.

Là con thứ 4 trong 6 anh chị em, tuổi thơ chị chủ yếu sống với bà nội bởi bố chị vắng nhà thường xuyên còn mẹ chị tần tảo chạy chợ nuôi cả gia đình. Từ bé chị Liên đã có thể chăn trâu, chăn bò, gặt lúa...

Thời cắp sách đến trường, chị nhiều năm được bầu làm lớp trưởng từ hồi học cấp 2 cho tới suốt những năm học phổ thông. Mang trong mình biết bao ước mơ và hoài bão như những cô gái mới lớn khác nhưng chị không được làm theo ý mình bởi bố chị muốn chị theo ngành giáo viên. Đối với chị đây là một nghề nhàm chán nhưng chị vẫn làm theo lời bố chị thi đỗ vào khoa Văn trường Đại Học Sư Phạm.

Ra trường chị dạy ở trường cấp 2 Kim Anh, rồi chuyển sang cấp 3 Xuân Hòa. Dù có công việc ổn định, nhưng cái khát vọng từ thời thơ bé vẫn luôn tiềm ẩn trong chị và cũng chính nó đã tạo nên một bước ngoặt cho cuộc đời chị. Sau khi bỏ dạy vào Vũng Tàu và làm thuyết minh cho Viện Bảo Tàng thành phố, rồi chị làm ở Trung tâm an toàn dầu khí việt Nam, hãng film truyền hình nhưng tất cả chỉ là những điểm dừng ngắn ngủi trên chặng đường sự nghiệp của chị. Đến năm 1995 chị ra Bắc chịu tang mẹ.

Năm 1996 chị xin được vào làm cộng tác ở Công ty Bảo Minh, lúc này do thu nhập không đủ nên chị vừa phải đi bán bảo hiểm vừa phải bán sách ở đường Đồng Khởi. Hơn một năm sau chị mới được nhận vào làm nhân viên chính thức.

Trong công việc chị có nhiều bức xúc vì không có quyền để quyết định làm đúng trách nhiệm và lương tâm thôi thúc chị phải trở thành người làm chủ. "Tôi rất ấm ức vì thân phận thấp bé của mình không làm được điều mình mong muốn và lòng tự trọng khiến tôi quyết tâm phải mở bằng được công ty riêng để thực hiện ý nguyện của mình", chị Liên tâm sự.

Chị Đỗ Thị Kim Liên nhận giải thưởng Vương miện Vàng từ ông Jose. E Prieto, Tổng Giám đốc BID. Ảnh: T.L.

Năm 2005, chị chính thức tách ra cùng những người làm có tâm huyết tại Bình Minh để ra thành lập công ty bảo hiểm riêng. Với sự góp vốn không nhỏ, chồng chị đã cùng chị đặt nền mòng để xây nên ngôi nhà AAA.

Lúc đầu cả lãnh đạo lẫn nhân viên chỉ vẻn vẹn 9 người cùng chen chúc nhau trong cái văn phòng 12m2. Nhưng chỉ sau 2 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA đã nhanh chóng tạo được niềm tin cho khách hàng và khẳng định một vị thế vững chắc trong ngành bảo hiểm và đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam. AAA được đánh giá là doanh nghiệp trẻ đầy triển vọng.

Chị Đỗ Thị Kim Liên, với cương vị là tổng giám đốc, nắm trong tay một tài sản khổng lồ 380 tỷ đồng với 4000 cán bộ, nhân viên dưới quyền nhưng chị chưa bao giờ quên mình đã từng là một người bán hàng. "Đừng chờ cơ hội đến mà hãy tạo cơ hội cho mình. Không có công việc nào cỏn con cả, chỉ có tư duy của mình là cỏn con thôi", chị lý giải.

Với một bí quyết mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải biết, để có thể "cầm lái" được cả một "con tàu" AAA chị Kim Liên luôn trân trọng yếu tố con người. "Tôi chiêu mộ người tài bằng cái tâm, tin dùng họ, Tôi giao nhiệm vụ cho họ rõ ràng để họ thỏa sức phát huy năng lực. Họ phải chịu trách nhiệm về công việc của mình. Như vậy, ai cũng phát huy được sở trường", chị khẳng định.

Thêm vào đó, chìa khóa thành công của chị Liên còn nằm ở 3 tiêu chí trong kinh doanh bao gồm: Đem đến an tâm cho khách hàng, đem đến an tâm cho các cổ đông và đem đến an tâm cho các nhân viên để họ được phát huy hết trình độ và năng lực của mình. Mang lại những thành tích, giải thưởng dành cho cá nhân của công ty và dành cho cả doanh nghiệp.

Những thành quả đó xứng đáng với nghị lực, với niềm đam mê và cả tài năng của "bông hồng thép" Đỗ Thị Kim Liên.

Tay không gây dựng cơ đồ

QC
10:23' PM - Thứ sáu, 16/04/2010

Nhân dịp ông Vikrom Kromadit, doanh nhân Thái lan, chủ tập đoàn Amata sang dự Hội chợ sách quốc tế để giới thiệu cuốn sách mới viết của mình, chương trình Người đương thời đã gặp gỡ ông nhằm tìm ra công thức để trở thành tỉ phú: công thức kinh doanh, triết lý sống để mang lại hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

“Tay không gây dựng cơ đồ”

Vikrom Kromadit là con cả trong gia đình có 23 người con. Vikrom Kromadit thường được gọi thân mật là “ông chủ 25 xu”. “Sự tích” 25 xu của ông mang màu sắc u ám của bần hàn: “Tôi nhớ rất rõ buổi chiều tối hôm đó. Sau một ngày lang thang cuốc bộ khắp phố để tìm khách hàng cho đại lý xuất nhập khẩu hàng nông sản và khoáng sản của mình, tôi rất đói và khát. Sau khi ăn một tí, tôi chỉ còn đúng 25 xu. Số tiền này chỉ đủ để mua một vé đi phà qua sông để về nhà tôi.
Tôi định đi bộ nhưng quá mệt nên quyết định đi lậu vé buýt. Tôi tính sẵn, nếu người bán vé đứng cửa trước, tôi sẽ nhảy lên cửa sau và lẩn nhanh vào giữa khoang. Sau khi mua vé đi phà, tôi không còn xu nào dính túi nhưng lòng vẫn quyết tâm kiếm tiền bằng được để có thể đi học tiếp
”.

Và cậu thanh niên tay trắng, khởi nghiệp bằng việc kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu (đồ trang sức, hàng mây tre, bột sắn, cá hộp…) ngày nay là một doanh nhân nổi tiếng, thành đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của tập đoàn danh tiếng Amata Corporation chuyên đầu tư khu công nghiệp và kinh doanh địa ốc, một trong 40 người giàu nhất Thái Lan.

Bí quyết thành công và cuộc đời

Những bí quyết thành công của ông được ông đúc kết qua nhiều năm lăn lộn trên thương trường :
- Hết mình với công việc.
- Không bao giờ bỏ cuộc.
- Luôn chủ động tích cực.
- Kinh doanh trung thực.
- Biết phân quyền và giao việc.
- Sống nghĩa tình và có trách nhiệm

Để thực hiện được những điều đó đòi hỏi một ý chí kiên định, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn với một tâm thế vững vàng và trung thực.

Từ nhiêu năm nay, ông chọn sống trong một ngôi nhà bè chỉ rộng 36 mét vuông giữa hồ nước để viết sách. Trả lời câu hỏi : “Đây là ý thích của ông hay vì ông muốn tạo sự khác biệt?” - Ông tâm sự : “ Viết sách là cách để tôi nói với mọi người về những lỗi lầm tôi đã phạm phải, chia sẻ những thành công và niềm vui của tôi. Tôi muốn các bạn trẻ phải dành thời gian để suy nghĩ thật kỹ, xác định xem mình là ai, mình muốn gì. Bởi đó mới chính là chìa khóa của thành công.”


Ngôi nhà giữa khung cảnh thiên nhiên, nơi ông Vikrom dành phần lớn thời gian hiện nay để viết sách - Ảnh do nhân vật cung cấp


Ông là tác giả của loạt sách tự truyện Hãy làm người tốt được giới trẻ Thái Lan yêu thích. Những đầu sách ông xuất bản đều xuất bản hơn 1 triệu bản/cuốn. Ông cũng là phát thanh viên chương trình Tầm nhìn CEO và Vòng quanh thế giới cùng Vikrom, được dư luận Thái Lan đánh giá cao.

Tính đến nay, Vikrom Kromadit đã góp 50 triệu USD tiền cá nhân để thành lập quỹ từ thiện Amata Foundation. Ông cũng tuyên bố hiến tặng toàn bộ tài sản riêng của mình cho quỹ này.

Hiện ông đang đầu tư xây dựng Amata Castle (lâu đài Amata) rộng khoảng 20.000 mét vuông. Ông dự định biến nơi này thành bảo tàng văn hóa nghệ thuật, nơi vinh danh những nghệ sĩ.

Vikrom Kromadit với chương trình Người đương thời

Dành thời gian để ghi hình cuộc gặp gỡ với chương trình Người đương thời - đó chính là món quà mà ông Vikrom Kromadit muốn gửi tặng khán giả Việt nam. Trong buổi giao lưu, ông đã được gặp những tình huống, những câu hỏi bất ngờ và từ đó đã làm bật lên những ví dụ sinh động cho những bí quyết thành công mà ông đã chia sẽ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #huycrt