các biện pháp an toàn giao thông

Hiện nay, các cơ quan chức năng chỉ tăng cường các hình thức xử phạt người dân qua các hành vi bắt bớ, phạt tiền, giam giữ xe… và đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề.

Chỉ riêng năm 2006, số tiền thu phạt đã lên tới 460 tỷ đồng. Đây không phải là “thành tích”, mà thẳm sâu trong đó là nỗi đau xót của bao người. Nó thể hiện sự bất lực.

Tất cả các biện pháp trên chỉ là cái ngọn. Càng bắt bớ xử phạt nhiều, càng gây nên sự bất bình, gây ức chế; và chính sự ức chế mất lòng tin càng gây nên tai nạn. Bởi nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi đâu phải chỉ ở phía người dân mà chính từ phía các cơ quan Nhà nước lại không được làm rõ, hoặc cố tình che giấu, né tránh.

Mọi tội lỗi người ta đều đổ lên đầu người dân là vô ý thức. Bởi người dân không có chức vụ, quyền lực. Đó là cách tốt nhất, dễ nhất để người ta phủi trắng trách nhiệm.

Bởi vậy, để làm giảm tai nạn giao thông hiện nay. Theo tôi có những ý kiến đề xuất như sau:

1. Việc quy hoạch hệ thống giao thông nhất thiết phải đồng bộ, khoa học. Đường giao thông phải trả lại toàn bộ chức năng, nhiệm vụ cho nó. Kiên quyết loại bỏ tất cả các yếu tố xâm hại, cản trở đến việc giao thông. Nên mở rộng hành lang an toàn giao thông, nhất là ở các khu vực tập trung đông người. Đường mở ra đến đâu nhất thiết phải có đường dân sinh, lối thoát cho người đi bộ và xe thô sơ.

2. Dùng toàn bộ 460 tỷ đồng tiền thu phạt năm 2006 và các năm trước vào việc tu bổ, giải tỏa các điểm đen trên các trục đường quốc lộ và trích 1 phần vào “quỹ giải quyết hậu quả tai nạn giao thông”. Mọi chi tiêu phải công khai minh bạch.

3. Mở chiến dịch làm trong sạch toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông trên phạm vi toàn quốc. Phát động phong trào “Toàn dân phát hiện tố cáo những việc làm sai trái, tiêu cực của CSGT”. Khi có chứng cứ cụ thể phải loại trừ khỏi lực lượng CSGT.

Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tăng chế độ bồi dưỡng cho những đồng chí làm việc ở những điểm nóng, tặng thưởng thích đáng cho những tập thể, cá nhân làm tốt, được người dân phát hiện phản ảnh.

4. Phải chấn chỉnh lại toàn bộ các cơ sở cấp bằng lái xe. Phát động quần chúng phát hiện tố giác các hành vi tiêu cực. Xử lý nghiêm những trường hợp bán bằng lái xe và sự liên kết với cò mồi trong việc tiêu thụ, bằng giả.

5. Những trường hợp lái xe gây tai nạn do cố ý làm trái luật như: phóng nhanh vượt ẩu, đua xe, say rượu… ngoài việc họ phải gánh chịu mọi hậu quả do họ tự gây ra, họ còn phải bị xử phạt nghiêm khắc theo pháp luật. Riêng những nạn nhân bị tai nạn giao thông nhưng do yếu tố khách quan, nếu lỗi thuộc về phía Nhà nước do hệ thống giao thông bất cập thì buộc các cơ quan chức năng phải đứng ra giải quyết hậu quả, đền bù xứng đáng cho người bị nạn.

Đảng, Nhà nước, cùng MTTQ Việt Nam nên mở cuộc vận động quyên góp tiền để thành lập “Quỹ khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông”. Hỗ trợ một phần cho những nạn nhân bị tai nạn do yếu tố khách quan gây nên để giảm bớt nỗi đau cho họ.

Đó là sự động viên, chia sẻ tránh cho họ mang chung một cái tội, cái tiếng là “vô ý thức”. Đây chẳng những là việc làm nhân đạo mà còn thể hiện việc trả lại sự công bằng, danh dự – Cái cao quý nhất của con người.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top