TỊNH ĐỘ LUẬN

Tịnh Độ Luận

Minh Đức - Thanh Lương

Nhà Xuất bản Tôn Giáo - xuất bản năm 2001

---o0o--- 

MỤC LỤC

PHẦN I

Chương 1: Chân giá trị của pháp môn Tịnh độ.

Chương 2: Vài dòng sử liệu về pháp môn Tịnh độ.

PHẦN II

Chương 3: Những nghi vấn chung quanh vấn đề niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh Tây phương Cực lạc.

PHẦN III

Chương 4: Nhận định về nghi vấn: Có hay không có Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc.

Chương 5: Nhận định về vấn đề Đới nghiệp Vãng sinh.

Chương 6: Nhận định về một số quan niệm sai lầm thông thường của người thời đại.

Mục 1. Thuyết Nhị nguyên

Mục 2. Thuyết Hư Vô chủ nghĩa

Mục 3. Tri và Hành

Chương 7: Nhận định về nghi vấn: Lời Phật và lời Tổ dạy có mâu thuẫn nhau không ?

Mục 4. Chân đế và Tục đế

Mục 5. Lý Chân Không Diệu Hữu và Trung Đạo

Chương 8: Nhận định về Sự Lý niệm Phật

Chương 9: Mục tiêu tối thượng của hai bộ Kinh A Di Đà và Địa Tạng

Chương 10: Mối liên hệ giữa Tịnh,Thiền và Duy Thức.

Mục 6. Nghi vấn về mâu thuẫn giữa Tịnh và Thiền.

Chương 11: Nhận định về Tha lực và Tự lực.

Chương 12: Phương pháp tu để được vãng sinh Tịnh độ hay trở về với Chân Tâm của mình.

Mục 7. Phương pháp tu của phái Tịnh độ thuần tuý.

Mục 8. Phương pháp tu của phái Thiền, Tịnh song tu.

Mục 9. Kết quả công phu niệm Phật A Di Đà.

Chương 13:  Đào sâu vào lý Bất Nhị

Mục 10. Nhận định về vấn đề Sống, Chết

Mục 11. Nhận định về vui buồn, sướng khổ, thiện và ác.

Mục 12. Nhận định Xà và Gần.

Mục 13. Nhận định về Dễ tu và Khó tu - Nghịch cảnh và thuận cảnh.

Chương 14:  Nhận định về Không gian và Thời gian

Mục 14. Lý Tương đối của các pháp trong vũ trụ

Mục 15. Vũ trụ và con người.

Mục 16. Đạo và Đời.

Chương 15:  Nhận định về các cõi Tịnh độ.

PHẦN IV

KẾT LUẬN

PHẦN MỘT

 CHƯƠNG 1 

CHÂN GIÁ TRỊ CỦA PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

Kính thưa quý vị.

Đề tài mà tôi có duyên được trình bày cùng quý vị hôm nay thuộc một lãnh vực rất phổ thông, song cũng rất quan trọng, bởi vì nó liên hệ đến rất nhiều người theo đạo Phật: đó là pháp môn Tịnh độ, một pháp môn mà hầu hết các Phật tử đều quen biết.

Pháp môn Tịnh độ là chiếc bè Từ mầu nhiệm, giải thoát chúng sanh khỏi cảnh khổ đau phiền não trong thời mạt pháp.

Thuở xưa, Đức Thế Tôn đã dạy: “Vô lượng Bồ tát ở mười phương thế giới muốn nghe thuyết về pháp môn Tịnh độ mà không được toại nguyện. Giả sử khắp tam thiên đại thiên thế giới bị nạn hoả thiêu, nếu ai cầu được nghe giảng về pháp môn Tịnh độ mà phải băng qua miền lửa cháy ấy thì cũng cố nên vượt qua để được nghe Diệu Pháp này”. Lời Phật đã dạy như vậy, đủ tỏ giá trị siêu việt của pháp môn Tịnh độ, hay pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc quốc đến mức độ nào vậy.

Thời nay, chính là lúc pháp môn Tịnh độ đang cần hơn bao giờ hết cho nhân loại, phần đông đức Tin không vững, lại thêm căn cơ thiển bạc cho nên, muốn đạt tới chính quả thì phi con đường Tu Tịnh Nghiệp, e khó tìm lối đi khác để giải thoát tâm linh dễ hơn và có hiệu quả hơn. Trên đường tu, người quyết tâm tu hành thường gặp nhiều chướng ngại ; trong nội tâm, phiền não đua nhau quấy phá, làm cho lục dục thất tình đốt cháy tâm can ; ở ngoại trần, cảnh vật lại khích động tà tâm, khiến cho tham, sân, si nổi dậy, làm mê mờ chân tính, thần trí hoá hôn ám, tâm thức trở thành thác loạn. Nội ma, ngoại ma, trong ngoài cấu kết, dệt nên màn lưới vô minh dầy đặc bao phủ Chân Tâm, khiến con người không còn thấy đâu là Chân lý nữa. Để đối phó với các chướng ngại vật đó, người tu cần giữ Tâm bình tĩnh, mà phương pháp an tâm dễ dàng và hiệu nghiệm, trong bất kỳ trường hợp nào, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, là trì danh hiệu Phật A Di Đà.

Trong 12 tông phái của Đạo Phật, trừ hai tông thuộc Tiểu thừa (là Thành Thực tông và Câu Xá tông) còn 10 tông phái thuộc Đại thừa, thì 9 tông thuộc về Chiết môn dạy cách tiêu trừ nghiệp chướng, phá huỷ vô minh, để trở về với Chân Tâm, bản tính của mình (như Luật tông, Mật tông, Thiền tông, Pháp tướng tông, Thiên Thai tông, Không tông Bát nhã, Tam Luận tông, Niết Bàn tông, Hoa Nghiêm tông), còn lại một tông thuộc về Nhiếp môn, tức là pháp môn tiếp dẫn người niệm Phật A Di Đà vãng sinh Tịnh độ. Tuy nhiên, Tịnh độ tông chẳng những thuộc về Nhiếp môn, mà còn thuộc cả về Chiết môn nữa, tức là kiêm cả cầu được vãng sinh Cực lạc quốc và Kiến tính minh Tâm.

Pháp môn Niệm Phật A Di Đà đã hợp thời cơ, khế lý, lại còn nhiếp đủ cả Thiền, Giáo, Luật và Mật, thật là viên mãn, không có tông phái nào khả dĩ vượt qua nổi. Mỗi câu “A Di Đà Phật” là tâm yếu của Chư Phật, dọc thì quán suốt năm thời, ngang lại gồm thâu tám giáo, và điểm son của pháp môn Tịnh độ là từ phàm phu nặng nghiệp quả mà tiến thẳng đến ngôi bất thoái, không như các pháp môn khác dù phá được phiền não, nhưng khi lâm chung, tinh thần hôn mê, lại quên mất sở tu, sở chứng, làm cho Tâm thoái chuyển, lại phải đoạ vào bát nạn tam đồ. Do đó pháp môn Tịnh độ được đại đa số Phật tử tu trì. Thế mà đến nay vẫn còn nhiều điều nghi vấn thì thực cần phải lưu tâm nghiên cứu để làm sáng tỏ những điểm còn chưa rõ mới mong thoát khỏi mê đồ đáng tiếc.

CHƯƠNG 2

 VÀI DÒNG SỬ LIỆU VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

Bàn về pháp môn Tịnh độ mà không nói vài lời về sử liệu liên quan tới pháp môn này e thiếu sót.

Pháp môn Tịnh độ được xây dựng trên ba bộ kinh:

1.- Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh, hai quyển, còn gọi là Đại Kinh hay Đại Bản, hoặc Kinh Vô Lượng Thọ, do Khương Tăng Khải đời Tào Nguỵ dịch, nói về tiền thân Phật A Di Đà, khi Ngài còn là Quốc vương Vô Tránh Niệm, sau trở thành Pháp Tạng Tỳ Kheo, đã phát ra 48 lời đại nguyện để cứu chúng sinh thoát vòng sinh tử.

2.- Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, một quyển, gọi tắt là Quán Kinh, do Cương Lương Da Xá đời Lưu Tống dịch, nói về các pháp quán tưởng Phật A Di Đà với cảnh Cực lạc Tây phương.

3.- Phật Thuyết A Di Đà Kinh, một quyển, gọi tắt là Tiểu Kinh, Tiểu Bản, hay Kinh A Di Đà, do Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) đời Diệu Hưng (401 TL) dịch, tả quang cảnh trang nghiêm hạnh phúc tuyệt vời ở miền Cực lạc Tây phương, và một bộ Luận quan trọng do Thế Thân trứ tác nhan đề “Vãng Sinh Tịnh Độ Luận”, được Bồ Đề Lưu Chi (Bodhirici) dịch, tóm thâu ý nghĩa các bộ trên.

Riêng bộ Kinh A Di Đà, văn phong ngắn gọn, lời Kinh chải chuốt như một bài thơ trường thiên, được phổ biến rộng rãi hơn các bộ Kinh khác của đạo Phật, được chọn cùng với Kinh Địa Tạng là Kinh cầu siêu, nên hầu hết các Phật tử trong những ban Hộ niệm ở các chùa thuộc lòng.

Một đặc điểm của tông Tịnh độ là tuy trong tông này có nhiều vị danh Sư nổi tiếng, nhưng lại không có hệ thống truyền thừa như các tông khác. Các Tăng, Ni, Phật tử đời sau, tuy vậy cũng đã chọn trong các tín đồ tu Tịnh nghiệp, trải qua các thời đại, được công nhận là có đạo hạnh và kiến thứ siêu quần, lại có công đức lớn hộ trì chánh pháp sinh thời cùng những triệu chứng linh ứng lúc viên tịch, suy tôn được 13 vị làm Tổ Sư trong Liên tông theo thứ tự như sau:

1.     Lô Sơn Tuệ Viễn (334-416 TL) đời Đông Tấn làm Sơ Tổ.

2.     Quang Minh Thiện Đạo (613-681 TL) đời Tuỳ, đệ nhị Tổ.

3.     Bát Châu Thừa Viễn đời Đường, đệ tam Tổ.

4.     Ngũ Hội Pháp Chiếu đời Đường, đệ tứ Tổ.

5.     Đại Nham Thiếu Khang đời Đường, đệ ngũ Tổ.

6.     Vĩnh Minh Diên Thọ đời Tống (... - 975), đệ lục Tổ.

7.     Chiêu Khánh Tỉnh Thường đời Tống, đệ thất Tổ.

8.     Vân Thê Châu Hoằng (1535-1616), hiệu Liên Trì, đời Minh, đệ bát Tổ.

9.     Ngẫu Ích Trí Húc (1599-1655) đời Thanh, đệ cửu Tổ.

10.  Phổ Nhãn Hành Sách tự Triệt Lưu đời Thanh, đệ thập Tổ.

11.  Tiên Lâm Thực Hiền (1686-1734) hiệu Tỉnh Am đời Thanh, thập nhất Tổ.

12.  Tư Phúc Tế Tỉnh đời Thanh, thập nhị Tổ.

13.  Linh Nham Ấn Quang huý Thanh Lương, hiệu Thường Tâm, đầu đời Dân Quốc, thập tam Tổ.

Ngài Tuệ Viễn (334-416) họ Cổ, quê ở Nhạn Môn (Sơn Tây), toạ chủ chùa Đông Lâm tại Lô Sơn (Giang Tây) có công đầu trong việc truyền bá pháp môn Tịnh độ, vì Ngài đã lập ra Bạch Liên Xã, một hội quy tụ Phật tử xuất gia lẫn tại gia, sáu thời chuyên tâm niệm Phật A Di Đà. Tương truyền tiếng niệm Phật, tụng Kinh, cách Lô Sơn hàng dặm đường còn nghe thấy rõ. Hội này mỗi ngày một bành trướng, tràn lan khắp nơi vượt qua biên giới nước Trung Hoa sang Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản ... gây thành phong trào thu hút đông đảo quần chúng theo đạo Phật, từ thành thị tới thôn quê, từ người thất học tới bậc tri thức, từ người nhàn rỗi đến kẻ bận việc, ai ai cũng có thể theo pháp môn niệm Phật được cả. Hội viên Bạch Liên Xã còn có sáng kiến lập ra mỹ tục chào hỏi nhau bằng cách xưng danh hiệu Phật A Di Đà. Thói quen đó có một sức mạnh thần bí, nhiệm mầu, làm cho đạo Phật nói chung, và pháp môn Tịnh độ nói riêng bành trướng mau lẹ. Mấy tiếng hồng danh biến thành những hạt giống Bồ đề huân sinh, huân trưởng vào tiềm thức của người dân ở các nước theo đạo Phật.

Ngài Tuệ Viễn lại còn thu phục được nhân tâm thiên hạ bằng việc, ngang nhiên trong thời phong kiến, tỏ thái độ trí dũng bất khuất của nhà Phật viết bài: “Sa môn bất bái Vương giả luận”, gửi tới triều đình phản đối việc buộc Ngài phải nghênh đón và bái yết nhà vua, khi xa giá đi ngang qua địa hạt Lô Sơn, nơi có ngôi chùa mà Ngài trụ trì.

Bài văn đó lời lẽ sâu sắc, đanh thép, khiến nhà vua phải vì nể và mặc nhiên chấp thuận quan điểm của Ngài, đủ tỏ uy tín của Đại sư lúc đó lớn lao tới bậc nào.

Ngài Đạo Xước (562-645 TL) Sư phụ của Ngài Thiện Đạo, đã giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ tới 200 lần, và mỗi ngày niệm danh hiệu Phật A Di Đà tới 70.000 lần, còn để lại cho đời sau bộ An Lạc Tập, trong đó phô bày những tư tưởng của Long Thọ, so sánh việc khó tu của Thiền và dễ tu của Tịnh, cùng những tư tưởng về tự lực và tha lực của Đàm Loan để khuyến khích mọi người nên tu Tịnh Nghiệp. Ngài còn có sáng kiến chế ra chuỗi tràng hạt để tiện việc đếm những câu niệm Phật cho khỏi quên, giúp ích nhiều cho người sơ cơ mang tâm vọng động.

* Các vị Tổ trong Liên tông, đa số đều biết trước giờ chết, lúc lâm chung thường ngồi kiết già, niệm Phật mà hoá, đủ chứng tỏ các Ngài đã chứng quả Vô Sinh.

* Noi gương Tổ Tuệ Viễn, nhiều vị đã lập ra những hội Niệm Phật khắp nơi. Tổ Pháp Chiếu còn phổ nhạc để quảng bá việc niệm Phật.

Ngài Chiêu Khánh Tỉnh Thường đã tự chích máu để viết phẩm Tịnh Hạnh trong kinh Hoa Nghiêm, do đó, hội Niệm Phật của Ngài còn có tên là Tịnh Hạnh Xã, quy tụ rất đông Phật tử.

Ngài Quang Minh Thiện Đạo sao chép mười vạn cuốn Kinh A Di Đà để quảng bá pháp môn Tịnh độ trong đại chúng. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ, vì lập được nhiều công đức, nên Ngô Việt Vương cùng người đương thời ca tụng và tôn Ngài là hoá thân Phật A Di Đà, do đó mà hàng Phật tử mới lấy ngày sinh của Ngài là ngày 17 tháng 11 âm lịch là ngày vía Phật A Di Đà (cũng có thuyết cho rằng ngày đó là ngày kỷ niệm Tổ Tuệ Viễn viên tịch, không biết thuyết nào là đúng). Toàn thể chư Tổ trong Liên tông, vị nào cũng để lại cho hậu thế những bộ Luận về pháp môn Tịnh độ có giá trị, như bộ Di Đà Sớ Sao, bộ Tịnh Độ Tứ Thập Bát Nguyện vấn đáp và Vãng Sinh Tập của Ngài Vân Thê Châu Hoằng, bộ Tịnh Nghiệp Đường Quy Ước, và bài văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm của Ngài Thực Hiện, bộ Ngữ Lục của Ngài Tế Tỉnh, với lời văn thiết tha kêu gọi người đời nên tu tịnh nghiệp. Đặc biệt hơn cả, Ấn Quang Đại sư gần đây đã tận lực hoằng dương pháp môn Tịnh độ bằng cách phát hành hàng trăm ngàn bộ Kinh Phật và hàng trăm triệu bức hình Phật A Di Đà cùng Tam Thánh, do đó mà Phật tử khắp nơi xu hướng về pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sinh, ngày càng đông.

Lịch sử pháp môn Tịnh độ gắn liền với lịch sử nước Trung Hoa. Những thời vàng son hay đen tối của pháp môn Tịnh độ cũng là những thời kỳ xán lạn hay lầm than đau khổ của người dân Trung Quốc, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử.

* Nguồn gốc - Khởi nguyên từ Ấn Độ, pháp môn Tịnh độ được một số Phạm Tăng truyền vào Trung Quốc, qua ngã đường bộ, dưới đời vua Ai Đế nhà Tiền Hán, cuối thế kỷ thứ 2 TL

* Dịch Kinh - Thời kỳ dịch Kinh diễn ra dưới các triều đại Hậu Hán, Tam Quốc và Tây Tấn (thế kỷ thứ 3 TL).

* Thời kỳ phát triển - Dưới thời Đông Tấn (317-419) với sự xuất hiện của Ngài Tụê Viễn (334-416 TL), pháp môn Tịnh độ tiến dần vào lòng dân tộc Trung Hoa.

* Pháp nạn - Đạo Phật ở Trung Quốc phải qua bốn thời kỳ pháp nạn, một phần do lòng đố kỵ của một số Nho gia và Đạo sĩ trong nước, trước sức bành trướng mau lẹ của Phật giáo, một phần do chính sách hà khắc tham tàn của một số vua, quan, thấy quốc khố ngày càng hao hụt bởi nạn can qua, mới xảy ra việc tịch thu tài sản của một số tự viện, quốc hữu hoá ruộng đất của nhà chùa, và lấy tượng Phật và chuông đồng để đúc tiền. Bốn thời kỳ pháp nạn này được gọi là Tam Võ, Nhất Chu (Võ Đế đời Bắc Nguỵ, 416 TL ; Võ Đế đời Bắc Chu 577 TL ; dưới Nam Bắc Triều 420-588 TL, Võ Tôn đời Đường 842 TL, và Thế Tôn đời Hậu Chu 955 TL. Xét về thiệt hại thì hai thời kỳ Pháp nạn đầu và cuối không thấm vào đâu, tuy nhiên số tổn thất sau hai thời kỳ này cũng lên tới hàng vạn Tăng, Ni phải hoàn tục. Pháp nạn thứ hai dưới Võ Đế đời Bắc Chu 577 TL được coi như đánh dấu bước đầu vào thời mạt pháp của đạo Phật vì đó là lần pháp nạn quan trọng nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, số tổn thất lên tới ba triệu Tăng, Ni phải hoàn tục và hàng vạn ngôi chùa bị phá huỷ hoặc tịch thu.

Thời hoàng kim của pháp môn Tịnh độ  được diễn ra:

a.- Dưới nhà Tuỳ (589-618) và nhà Đường (618-907). Trong thời gian này, toàn thể các tông phái Phật giáo đua nhau phát triển song song với Nho giáo, gây một cảnh tượng trăm hoa đua nở. Nhiều vị danh Tăng xuất hiện, trong đó có Trí Khải hay Trí Giả Đại sư trong Thiên Thai tông (528-597 TL) đã hết lòng hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Riêng trong Liên tông cũng có nhiều vị xuất sắc, lập ra những dòng Tịnh độ khác nhau. Ngoài dòng của Tổ Tuệ Viễn ở Lô Sơn là Tuệ Viễn Lưu chủ trương Quán tưởng niệm Phật, còn có Thiện Đạo Lưu do Thiện Đạo (613-618 TL), chùa Quang Minh, học trò của Đạo Xước (562- 645 TL) lập ra, chú trọng về Khẩu xưng niệm Phật, và Từ Mẫn Lưu do Từ Mẫn Tuệ Nhật (680-748 TL) đi cầu pháp tại Ấn Độ bằng đường thuỷ, trực tiếp kế thừa Tịnh độ giáo tại Thiên Trúc trở về nước lập ra, và chú trọng về Đức Tin hay Thiện căn niệm Phật. Gần ba thế kỷ phát triển rực rỡ dưới hai triều Tùy, Đường, Phật giáo được toàn thịnh. Tiếc rằng cuối nhà Đường xảy ra nạn Võ Tôn phá Phật trong năm Hội Xương thứ 2 (842 TL), do sự ganh tỵ của một số đạo sĩ đương thời. Kỳ pháp nạn này là lần thứ ba, kéo dài năm năm, kết quả có 44.600 ngôi chùa bị phá huỷ, và 26.500 Tăng, Ni phải hoàn tục, đứng hàng thứ nhì về tổn thất trong bốn kỳ pháp nạn ở Trung Quốc. Tới năm Hội Xương thứ 6, Võ Tôn mất, Tuyên Tôn nối ngôi lại ra sức phục hưng đạo Phật, mong chuộc tội cho tiền nhân.

Kỳ pháp  nạn lần thứ tư diễn ra dưới đời Hậu Chu (955 TL) kết thúc thời Ngũ Đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu) 907-960 TL của lịch sử Trung Quốc, đưa Phật giáo nước này dần dần đi vào thời đuối sức không đủ lực để phát huy rực rỡ như trước nữa. Nhưng có một hiện tượng rõ rệt đã xảy ra dưới Tống triều là ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ đối với Nho học Trung Quốc, vì nhờ những tư tưởng cao siêu của Phật giáo mà Nho học phục hưng được nền Khổng học và đã chứng kiến được sự nẩy nở ngoạn mục của đoá hoa Văn học Trung Quốc, mệnh danh là Lý Học. Chính nhờ có sự mở đường dung hoà của Nho giáo nhập thế với Đạo giáo (Lão, Trang) xuất thế, mà có một hệ thống triết học Tự nhiên-Siêu nhiên, do đó mà nền Nho học đời Tống, Minh mới thâu hoá được của Phật học những điểm thiếu sót ở Khổng học sơ thuỷ để trở thành một hệ thống triết lý nhân sinh đầy đủ cả Hình nhi thượng lẫn Hình nhi hạ học.

b.- Dưới đời nhà Tống (960-1279 TL) pháp môn Tịnh độ tuy còn duy trì được cảnh tà huy của thời vàng son xưa, nhưng không còn được coi là một pháp môn thuần tuý riêng biệt như xưa dưới đời Tuỳ, Đường nữa, mà đã biến chất, pha trộn để trở thành một pháp môn chung của các Tông khác như Thiền, Luật, Mật, Hoa Nghiêm và Thiên Thai. Đặc biệt Tịnh độ giáo thuộc hệ phái Thiên Thai lại rất phồn thịnh. Nhiều vị cao tăng đã xuất hiện trong thời kỳ này như: Diên Thọ Vĩnh Minh (tịch năm 965 TL) chủ trương Niệm Thiền nhất trí ; Châu Khánh Tỉnh Thường ở Hàng Châu cùng với Tuân Thúc (Bảo Vân) ; Trí Lễ (Diên Khánh) và Linh Chiếu (Siêu Quả) tỉnh Triết Giang đã lập được nhiều hội Niệm Phật A Di Đà như ở Lô Sơn. Đồng thời cũng có nhiều vị Cư sĩ như Vương Trung ở Hàng Châu, Phùng Ấp ở Tứ Xuyên và Trương Luân ở Từ Châu cũng đua nhau lập hội Niệm Phật theo gương Tổ Tuệ Viễn ở Lô Sơn, gây được phong trào sôi nổi, lôi cuốn quần chúng tu tịnh nghiệp.

Cuối nhà Tống, nền kinh tế quốc gia lâm nguy vì nạn chiến tranh liên tiếp phải đương đầu với các dân tộc Kim, Liêu ở phương Bắc (Mãn Châu), triều đình nhà Tống phải hạ sách lược bán độ điệp cho chư Tăng để lấy tiền sung công quỹ. Ai có độ điệp trong tay được miễn lao công tạp dịch. Vì độ điệp không ghi danh tính người được cấp mà lại để trống tên tuổi, nên đã biến thành một loại công khố phiếu vô danh, được bán đi bán lại nhiều lần với giá càng ngày càng tăng, do sự phá giá của đồng tiền, bởi thế gây thành tệ nạn tham nhũng, khuyến khích kẻ có tiền đua nhau xuất gia, mua độ điệp để kiếm lời và trốn nghĩa vụ lao động cưỡng bách, khiến cho chính, tà khó phân biệt và đưa Phật giáo Trung Quốc vào đường đồi trụy.

Tới nhà Nguyên (1279-1367) và nhà Minh (1368-1661) còn thấy thấp thoáng bóng một vài vị Cao Tăng hết lòng hoằng dương pháp môn Tịnh độ như Vân Thê Châu Hoằng (1535-1615), Hám Sơn Đức Thanh (1546-1623), Ngẫu Ích Tri Húc (1599-1655) đều chủ trương Thiền Tịnh song tu và Tam Giáo Đồng quy.

Dưới nhà Thanh (1662-1911), Phật giáo Trung Quốc bước vào thời kỳ suy tàn vì vắng bóng Tăng tài, lại thêm nạn Hồng Tứ Toàn nhiễu loạn, nên pháp môn Tịnh độ ngày càng suy vi. Thái Bình Thiên Quốc do họ Hồng dấy lên, đốt phá chùa tháp, giết hại Tăng, Ni, khiến Phật giáo Trung Quốc lại một phen lâm cảnh pháp nạn gần như tai biến Tam Võ Nhất Chu thuở xưa.

Tới giai đoạn Cận đại (1911 trở đi) cuộc Cách mạng Tân Hợi của Trung Hoa Dân Quốc hồi đầu đã xảy ra nhiều vụ tịch thu tài sản của Giáo hội Phật giáo Trung Quốc và biến một số chùa làm công sở, do chủ trương quá khích của bọn Trần Độc Tú và Ngô Ngu dấy lên phong trào Tân Thanh Niên đòi đập phá và huỷ hoại tất cả cái cũ, nhằm thực hiện một cuộc cách mạng đổi mới toàn diện, để tiến tới một nền Tân văn hoá. Trong hàng ngũ Phật giáo đoàn Trung Quốc lúc bấy giờ lại thấy xuất hiện một số cao Tăng xả thân vì Đạo, cố cứu vãn nguy cơ phá Phật và phục hưng đạo pháp như các Ngài Ấn Quang, Viên Anh, Đỗ Nhuận, Đạo Giai, cùng nhóm Cư sĩ Vương Nhất Đính, Dương Nhân Sơn, Đinh Phúc Bảo, Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi đã tận lực hộ trì chánh pháp, nhất là Thái Hư Đại sư (1889-1946) đã đứng lên hô hào Tăng, Ni, Phật tử trong nước đoàn kết thống nhất để thành lập “Trung Quốc Phật giáo Liên hiệp hội”. Ngài lại có sáng kiến nương theo lý thuyết Tam Dân của Cách mạng Tân Hợi, xướng ra thuyết Tam Phật (Phật Tăng, Phật Hoá, Phật Quốc) nhằm: 1/ Đào tạo Tăng tài, làm rường cột cho đạo Phật ; 2/ Lấy giáo lý nhà Phật làm cơ sở thiết lập một nền văn hoá, đạo đức quốc gia theo con đường Thập Thiện và Bồ Tát hạnh để giáo hoá quần chúng ; 3/ Và thiết lập một cõi Tịnh độ nhân gian với mục đích đắp xây hạnh phúc cho toàn dân.

Trong sự nghiệp vận động hộ pháp và chấn hưng đạo Phật để đối phó với thời cuộc ngày càng khẩn trương trươc nguy cơ pháp nạn có thể bùng nổ, Thái Hư Đại sư đã tận lực hoạt động để hoàn thành việc đoàn kết Phật giáo đồ trong nước, chỉnh lý Tăng già, canh tân giáo dục Tăng, Ni, Phật tử, bảo vệ Phật giáo đoàn Trung Quốc thoát cảnh suy tàn, và tiến bước kịp trào lưu của Cách mạng Tân Dân Sinh diễn ra sôi nổi. Cùng với việc thiết lập các Phật học viện như: Võ Xương Phật học viện, Kim Lăng học đường Nam Kinh, Tạng Văn học viện Bắc Kinh. Các Ngài còn lập được nhiều Thư quán như Phật Học thư cục, Thế giơi thư cục, Thế giới Phật học uyển, Thiền quán v.v..., xuất bản Đại Tạng Kinh, khiến cho Phật giáo Trung Quốc lại được khởi sắc, gây ảnh hưởng tốt đối với phong trào Chấn hưng Phật giáo ở các nước lân bang như Triều Tiên, Việt Nam ...

*

Tại Việt Nam. Đứng tại vị trí tiền đồn ở Viễn Đông, nước Việt Nam là nơi giao lưu gặp gỡ của các nền văn minh trong vùng Đông Nam Á, bởi vậy, về mọi phương diện, nước Việt Nam ở địa vị thuận lợi hơn ở Trung Quốc trong việc tiếp xúc với nền văn hoá Ấn Độ. Mặt thuỷ, Việt Nam gần Ấn Độ hơn Trung Quốc. Đường biển dễ đi hơn đường bộ, phải trèo qua dãy núi Hy Mã Lạp Sơn cao và hiểm trở, lại phải băng qua bãi sa mạc Gobi cát bỏng mênh mông. Mặt bộ, Việt Nam tiếp giáp với các nước láng giềng của Ấn Độ như Sri Lanca (Tích Lan), Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào là những quốc gia có truyền thống lâu đời về Phật giáo. Ngoài ra, dân tộc Việt Nam lại hiếu khách, đất nước Việt Nam lại thanh bình, tương đối ít giặc giã và dễ sống hơn ở Trung Quốc nên kiều dân các nước Cận đông và Viễn đông tới lui buôn bán và truyền giáo, nếu không muốn lập nghiệp lâu dài thì cũng ghé qua nước này, trước khi đặt chân vào Trung Quốc. Bởi vậy, có thể nói: Phật giáo Ấn Độ đã sớm du nhập vào Việt Nam từ cả hai ngã đường thủy và bộ, trước cả khi dân ta bị người Trung Hoa đô hộ và truyền bá nền văn hoá của họ sang nước ta. Một tài liệu cho biết: hồi Sĩ Nhiếp đời Tiền Hán làm Thái Thú đất Giao Châu (187 TL) có một người Trung Hoa tên là Mâu Bác (      , cùng với mẹ đến tỵ nạn chiến tranh ở Giao Châu, có viết một cuốn sách nhan đề Lý Hoặc Luận (          ), trong đó ông so sánh ba mối Đạo lớn đang thịnh hành tại Trung Quốc lúc bấy giờ, và ông ca tụng đạo Phật, khi đó đã có tại Giao Châu, cho là cao siêu hơn cả đạo Lão và đạo Nho.

Trong sách “Phật Tổ Lịch Đại Không Tải” có nói: “Vào niên hiệu Vĩnh Bình thứ 4, niên hiệu thứ 2 của Tấn Hiếu Đế (294 TL) đã có nhiều giáo sĩ Thiên Trúc như Ma Ha Kỳ Vực (Mahajivaka), Thiên Hữu (Kalyanaruci) và Khang Tăng Hội (K’ang Sang Houei) đã cùng những thương gia người Ấn dùng thuyền buồm, trên đường du hoá Đông độ, trước khi họ tới Trung Hoa, họ đã lưu trú một thời gian tại Giao Châu để truyền bá đạo Phật. Như vậy đủ thấy rằng pháp môn Niệm Phật, cùng với các pháp môn khác của đạo Phật đã có gốc rễ ăn sâu, bám chặt vào tâm hồn của người bình dân Việt từ rất xa xưa. Nhưng ở đây pháp môn Tịnh độ không còn là một pháp môn thuần tuý, mà nó đã sớm trở thành một pháp môn chung cho các tông phái khác. Tại hầu hết các ngôi chùa ở Bắc Việt đều có tượng Phật A Di Đà trong ba ngôi Tam thế Phật, và đều có thờ Tam Thánh (Phật A Di Đà cùng hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí). Việc thờ phụng Phật A Di Đà cùng Bồ Tát Quan Thế Âm hay Bồ Tát Thiên thủ thiên nhãn đã trở thành một tín ngưỡng khát khao, một món ăn tinh thần cần thiết của dân tộc Việt Nam, cầu mong được tai qua nạn khỏi, vì phải trải qua nhiều nỗi gian truân để đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, và một nước láng giềng hùng mạnh, tham tàn, đã áp đặt hàng ngàn năm ách đô hộ lên đầu, lên cổ dân tộc này.

Tinh hoa của hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc cô đúc trong các tư tưởng cao siêu của ba mối đạo lớn là Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo gặp nhau trên dải đất Việt Nam, đã sớm được dòng giống Lạc Hồng dung hoà và biến chế thành một chất bổ dưỡng, khả dĩ phát huy được tinh thần dân tộc. “Tam Giáo đồng quy nhi thù đồ”, khiến cho dân tộc Việt Nam có một tâm hồn hiếu hoà nhưng bất khuất. Bởi vì đại đa số dân tộc Việt là tín đồ Phật giáo, mà đại đa số tín đồ Phật giáo lại theo pháp môn Tịnh độ, nên pháp môn này cùng với dân tộc Việt như hình với bóng. Đại chúng ít học muốn xa lánh cuộc đời khổ đau và tìm sự giải thoát trong đạo Phật, không phải bằng con đường trí tụê của Thiền tông và các tông khác thiên về Giáo, ưa suy luận trừu tượng và bác học cùng Tự lực, mà lại bằng hiệu lực của Tâm thành cùng Đức tin và Tha lực để mong được về Tịnh thổ của Phật A Di Đà, cho nên chỉ cần nhìn vào pháp môn Tịnh độ tại Việt Nam cũng đủ nhận thấy một cách trung thực bộ mặt của quốc gia này. Thời kỳ nào mà Phật giáo đồ trong nước đoàn kết, thống nhất vào một mối, không còn chia rẽ Nam tông, Bắc tông, Cổ Sơn môn hay Nguyên thuỷ, và tín ngưỡng của người dân được thực sự tự do, thì đó cũng là thời kỳ mà toàn dân được an cư lạc nghiệp và thực sự hưởng hạnh phúc ấm no.

Giở lại những trang sử nước nhà, chúng ta nhận thấy ngay những chiến công oanh liệt dưới thời kỳ XI và XVI, thời đại Lý, Trần, cũng là những thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam, trong đó có nhiều vị Vua là tín đồ thuần thành của đạo Phật và có một vài vị đã xuất thân từ chốn Thiền môn.

Vua Lý Công Uẩn thuở nhỏ là con nuôi của Đại sư Lý Khánh Vân chùa Cổ Pháp (Bắc Ninh) và là Sa di ở chùa này. Vua Trần Thái Tông đã từ bỏ ngai vàng, đang đêm một mình một ngựa, băng rừng vượt núi, lội suối, trèo đèo để cầu đạo giải thoát. Hai vua Lý Thánh Tông và Trần Nhân Tông có công sáng lập hai dòng Thiền thuần tuý quốc gia (dòng Thiền Thảo Đường và dòng Thiền Trúc Lâm) để nêu cao tinh thần dân tộc tự cường. Tín ngưỡng thực nghiệm tâm linh cụ thể của Phật giáo Việt Nam trong dòng Thiền Thảo Đường được tưọng trưng bằng ngôi chùa Một Cột, dựng trong thành Thăng Long, thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và đặt tên là chùa Diên Hựu, có nghĩa là phúc báu lâu dài của quốc gia, dân tộc, và đặc biệt là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, khác hẳn tín ngưỡng các dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Bồ Đề Đạt Ma, Vô Ngôn Thông và Huệ Năng ở phương Bắc, dòng thì thuần Ấn, dòng thì nửa Ấn nửa Hoa, còn dòng Thiền Trúc Lâm của Việt Nam, đượm màu sắc dân tộc, đã lấy tinh thần khai phóng, phá chấp của Tam Giáo, mà kết hợp một cách hài hoà nhuần nhuyễn Thiền với Tịnh, Trí và Bi, đạo với đời, hợp nhất cái Hữu hạn của đạo Nhân Thiên, với cái Vô hạn của đạo Xuất thế, gắn liền tương đối với tuyệt đối, hiện thực với siêu nhiên, làm cho dân tộc Việt Nam vừa có Tâm Từ lại vừa anh dũng, biết quên mình vì nghĩa cả khi giặc đến thì khoác nhung phục, xông pha khói lửa ngoài trận địa, lúc nước yên lại mặc tấm áo vải nâu đi cày ruộng, hoặc tìm về với đạo Phật là nguồn suối an lạc, thanh lương, đem đạo vào đời để phụng sự nhân quần xã hội một cách đắc lực thiết tha.

Sắc thái dị biệt của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử là không theo lối tu của các dòng Thiền Trung Quốc, y cứ vào Kinh điển như Kinh Lăng Già của phái Bồ Đề Đạt Ma, và Kinh Kim Cang của phái Huệ Năng, mà lại dùng Kinh Vô Tự của Chân Tâm, và phép tu Lục căn sám hối, ngày đêm sáu thời lấy Sám Pháp để thanh lọc tâm tư. Những tấm gương mộ đạo cứu đời của các Vua đời Lý, Trần đã hun đúc nên một dân tộc hiên ngang, quật cường, nhiễm đầy tư tưởng Sắc, Không, Vô ngã, Vô thường, Vô vi, Vô sự của đạo giải thoát, coi nhẹ tấm thân, vì nước quên mình, bởi thế mà từ trước tới nay đã tạo được những chiến công hiển hách, bao phen phá tan các trận giặc Tống, Nguyên hung hãn và hiếu chiến ở phương Bắc, đè bẹp các dân tộc Chiêm Thành, Chân Lạp ở phương Nam và phất cao ngọn cờ độc lập để đối phó với các đạo hùng binh ồ ạt từ khắp các cường quốc năm châu, bốn hướng bao phen đến tàn phá cõi bờ.

Thời Lê Ngoạ Triều ngược đãi Tăng sĩ và thời gia đình trị nhà Ngô kỳ thị tôn giáo được coi là những thòi ách nạn của quốc dân, thì đó cũng là những thời pháp nạn của Phật giáo nước nhà. Bằng vào những chứng cứ lịch sử ấy có thể thấy rằng: Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc.

PHẦN HAI

CHƯƠNG 3

NHỮNG NGHI VẤN CHUNG QUANH VẤN ĐỀ NIỆM PHẬT A DI ĐÀ CẦU VÃNG SINH TỊNH ĐỘ

Kính thưa quý vị,

Gần đây, một đạo hữu tu tịnh nghiệp, năm nay đã 85 tuổi, có nêu lên một điểm nghi vấn đáng lưu ý. Đạo hữu ấy nói: “Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca dạy rằng: ở Tây phương có một thế giới tên là Cực Lạc, do Phật A Di Đà làm giáo chủ. Cõi ấy là một nơi lý tưởng, phong cảnh tuyệt vời, đất đai bằng phẳng, không có gai góc, gò đống, mịn như nhung tơ, đường sá bằng ngọc thạch, thất bảo, nhà cửa đều là lầu gác nguy nga, cây cối tốt tươi, tấu lên nhạc khúc bổng trầm mỗi khi gió thổi, nước trong vắt có đủ tám công đức nhiệm mầu, lại có những loài chim báu như Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ ... màu lông sặc sỡ, hót lên lời kinh tiếng kệ du dương ... Ai có diễm phúc được sống tại đây, thì toàn thân thơm ngát, sắc vàng chói lọi, từ lòng hoa sen mà hoá sinh thân thể nhẹ nhàng, được kết bạn cùng những vị thượng thiện nhân, tuổi thọ bằng Phật A Di Đà, lại được hưởng nhiều điều lạc thú, không phải bận tâm lo nghĩ điều gì, dù là vấn đề ăn, mặc, và nhà ở, vì hễ mơ ước điều gì liền được toại nguyện, không phải vất vả lầm than như ở chốn trần ai này, suốt ngày đêm chỉ chăm lo niệm Phật để tiến tu Đạo quả Bồ đề vô thượng. Thật là một cảnh giới an vui sung sướng tuyệt đỉnh. Đức Phật có ý ở đây trưng bày trước mắt mọi người một bức tranh tuyệt mỹ, tả đời sống cực kỳ hạnh phúc ở nơi xa xôi kia để ai nấy so sánh với cảnh Ta bà cực khổ này, rồi cầu mong được về nơi đó.

Nhưng Lục Tổ Huệ Năng của Thiền tông Trung Hoa lại nghĩ khác. Ngài chẳng đả động gì đến vấn đề Có hay Không có Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc mà chỉ dạy rằng: “Phật ở tại Tâm con người, trong Tâm đã sẵn có Đức Phật, Tâm là Phật, Phật là Tâm. Tâm cũng là cõi Tịnh độ”. Lục Tổ còn nhấn mạnh: Những đức tính của cõi Tây phương Cực lạc là những đức tính của Tâm, chẳng cần cầu vãng sinh Tịnh độ, chỉ cần thấy được bản tính thanh tịnh, sáng suốt của Tâm là đủ, vì hể ai thấy được chân tính của mình, tức khắc thành Phật. Với phương pháp xoay ngược luồng nhãn quang về phía nội Tâm, nhìn thẳng vào cỗi rễ lòng mình, không hướng ngoại tìm cầu, ta sẽ thấy Phật tại Tâm ta, và nhận thấy ngay Tâm mình là cõi Phật, và chính mình là Phật, chẳng cần tìm Phật ở đâu xa. Ý Lục Tổ muốn nói: Tìm Phật phải Kiến Tính, bởi vì bản tính của mình là Phật tính. Nếu không nhìn thẳng vào tự tính, mà cứ ngó tận đâu đâu để kiếm Phật và cõi Cực lạc thì thật uổng công. Những việc làm như tưởng nhớ tới Phật, tụng Kinh, giữ Giới, nhịn đói, cầu phúc, đều chẳng đủ làm cho ta thấy được Phật, nếu không ngó thẳng vào tự Tâm. Khi ta nghĩ đến Phật thì nhân lành ấy tạo được quả tốt. Khi đọc tụng Kinh điển thì trí tuệ của ta rộng mở. Giữ Giới nghiêm túc thì được sinh lên cõi Trời. Làm điều thiện thì được an vui, hạnh phúc. Nhưng muốn tìm Phật mà vọng ngoại, không nhìn thẳng vào Tâm mình thì chẳng bao giờ thấy được Phật. Những hình tượng Phật ở ngoài bằng giấy, bằng gỗ, đá, thạch cao, xi măng v.v... chỉ để tượng trưng cho Đức Phật thật ở trong Tâm ta mà thôi. Vì vậy mà người tu lại không “kiến tính” thì không thấy được Phật và thoát khỏi những ràng buộc của tam giới. Phật là Giác Ngộ, là Giải thoát tâm linh. Bản tính là Phật, là Đạo. Đạo lý Phật không ở chỗ tụng kinh, gõ mõ, nghiên cứu tam tạng Kinh điển, Chân lý cao siêu không phải là đối tượng của luận bàn, và ngay cả Kinh điển Phật cũng chỉ được coi là phương tiện, như ngón tay để chỉ mặt trăng, không nên nhầm ngón tay là mặt trăng. Không thể đem chân lý tối thượng của Đạo đến tầm tay với được của người học Đạo. Cứ chịu khó ngó thẳng vào bản tính mà tìm tòi, dù dốt nát không biết chữ, vẫn có thể đạt tới Chân Tâm, Phật tính của mình. Như vậy thì lời Phật lời Tổ dạy có trái nhau không?

*

Hai quan điểm đó tưởng chừng như mâu thuẫn, đã gây biết bao thắc mắc trong lòng nhiều Phật tử không hiểu ý Phật muốn dạy bảo qua lời Kinh, do đó mà trong pháp môn Tịnh độ đã phân ra hai hạng người, một hạng tu theo Sự tướng, tin chắc có Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc, còn một hạng người tu theo Lý tính, chỉ chăm lo thanh tịnh Tâm mình mà thôi. Một bên đứng về phía Có, một bên đứng về phía Không, do đó mà ta thấy chung quanh vấn đề Niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh Tịnh độ có nhiều mối nghi vấn, và nhiều điều cần được làm cho sáng tỏ như:

1.- Phật A Di Đà là một vị Phật lịch sử có thật hay tượng trưng, và Cõi Cực lạc Tây phương là một thế giới hư hay có thật? Phải chăng Kinh A Di Đà  chỉ là một bài học ngụ ngôn, lấy Quyền chỉ Thực, lấy Hiện tượng để chỉ Bản thể?

2.- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có ngụ ý gì khi Ngài thuyết Kinh A Di Đà?

3.- Lời Phật và lời Tổ dạy có mâu thuẫn nhau không?

4.- Mục đích của Kinh A Di Đà và Kinh Địa Tạng là thế nào và ý nghĩa việc hộ niệm ra sao?

5.- Cái hại của việc không hiểu nghĩa Kinh và không thực hành đúng lời Phật dạy ra sao?

6.- Vấn đề “đới Nghiệp vãng sinh”?

7.- Vấn đề Tha lực và Tự lực?

8.- Quan niệm sai lầm thông thường của người thời đại?

9.- Sự liên hệ giữa Thiền, Tịnh  và Duy Thức?

10.- Phương pháp tu để đạt tới Chân Tâm hay cảnh Cực lạc?

11.- Vấn đề không gian và thời gian?

12.- Vấn đề Sống, Chết, Khổ đau, Sinh tử, Luân hồi.

13.- Vấn đề xa gần, thuận cảnh và nghịch cảnh, dễ tu và khó tu.

14.- So sánh các quan niệm về Tịnh độ và tìm hiểu xem quan niệm nào lý tưởng và phản ảnh trung thực nhân sinh quan của Đại thừa Phật giáo.

Bây giờ chúng ta hãy lần lượt lắng nghe tiếng nói của hai phái chủ trương Có hay Không có Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc trình bày ra sao, kế đó chúng ta sẽ lần lượt luận bàn đến những vấn đề khác đã nêu ở trên.

A.- Phái Niệm Phật theo sự Tướng

Phái chủ trương có Đức Phật A Di Đà và cõi Cực lạc Tây phương lập luận rằng: điểm thiết yếu để được vãng sinh về cõi hoàn toàn hạnh phúc của Phật A Di Đà là phải hội đủ ba điều kiện: Tín, Nguyện và Hành. Phải có niềm Tin vững mạnh rằng lời dạy của đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni là đúng, vì xưa nay Ngài chỉ nói toàn sự thật, không hề bao giờ bịa đặt, sai ngoa (“Như Lai thị chân ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả” - Kinh Kim Cương). Lại phải tin lời Phật A Di Đà nguyện độ chúng sinh nào, nhất Tâm niệm danh hiệu Ngài, tin rằng Tha lực của Ngài thừa khả năng tiếp độ chúng sinh, dù nặng nghiệp, vượt qua muôn ngàn ức Phật độ để tới miền Cực lạc. Sau nữa lại phải tin rằng: cõi trần này là nơi uế độ, cực khổ vô cùng, và thế giới Tịnh độ Tây phương là nơi an vui tuyệt đối, phải nên từ bỏ chốn khổ đau này và nguyện về cõi an lành kia để được hưởng hạnh phúc đời đời, sống cuộc đời thuận tiện cho việc tu hành để đạt tới Phật quả. Nếu so sánh Phật lực với nhân lực thì rõ ràng sức người có hạn, bì sao nổi với sức vô biên của chư Phật? Bởi vậy người nào muốn được cứu độ và sinh về Cực lạc quốc, chỉ cần đặt trọn niềm Tin vào Tha lực một cách vô điều kiện, như mèo con tin ở mèo mẹ, chỉ việc nhắm mắt để mèo mẹ ngoạm vào cổ tha hồ muốn lôi kéo đi đâu cũng được không cần phải làm một động tác nhỏ nào cả (Miêu thuyết), chẳng giống như vượn con phải cố bám chặt vào vượn mẹ, trong khi vượn mẹ, hai tay còn phải bận chuyền cành, không giúp gì được nhiều cho nó (Viên thuyết). Tín ngưỡng về Tha lực ấy không cho phép người Phật tử đắn đo suy tính lợi hại gì cả. Đức Tin tuyệt đối như vậy, theo họ, là một Đức Tin chính đáng, sáng suốt, được lý trí soi đường, không phải là mê tín, dị đoan. Đã Tin sâu lại phải Nguyện thiết, thiết tha cầu nguyện đêm ngày để được Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõ%3

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top