Các bài tập PHCN cho BN liệt nửa người do TBMMN

Các bài tập PHCN cho BN liệt nửa người do TBMMN

 Mục tiêu cuối cùng của phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não là giúp bệnh nhân tái hoà nhập với cuộc sống của gia đình và cộng đồng. Muốn tái hoà nhập  bệnh nhân phải tự thực hiện được các loại vận động và chức năng tương ứng ở các vị thế, đặc biệt là vị thế đứng vì có nhiều động tác vận động bệnh nhân có thể làm được khi nằm hoặc ngồi nhưng chưa chắc đã làm được khi đứng.

1. Tập đứng lên từ vị thế ngồi 

Người tập trợ giúp đứng lên từ phía trước:

Người bệnh ngồi trên ghế hoặc trên giường có chiều cao phù hợp, hai tay duỗi thẳng ra trước, cài các ngón vào nhau, đặt trên hai vai của người tập.

Người tập đứng ở phía trước bệnh nhân, gấp khớp háng và khớp gối để hạ thấp người xuống, hai tay duỗi thẳng, hai bàn tay đặt lên hai bên bả vai để đỡ hai tay bệnh nhân.

Sau đó người tập giúp và hướng dẫn bệnh nhân cúi người về phía trước bằng cách gấp hai khớp háng, duỗi thẳng cột sống, dồn trọng lượng cơ thể về phía trước đều lên hai chân

Khi bệnh nhân đã dồn trọng lượng về phía trước đầy đủ, ngườiì tập yêu cầu bệnh nhân chủ động đứng lên. Sau khi đứng bệnh nhân thường bị khuỵu khớp gối và khớp háng bên liệt, do vậy người tập cần lưu ý để sẵn sàng đỡ cho bệnh nhân bằng khớp gối và tay của mình.

Người tập trợ giúp đứng lên từ phía bên: Khi khả năng phục hồi của bệnh nhân tốt hơn, bệnh nhân có thể thực hiện được một số phần trong động tác đứng lên thì người tập chỉ cần hỗ trợ phần  động tác mà bệnh nhân không tự làm được.

Người bệnh ngồi trên ghế hoặc trên giường có chiều cao phù hợp, trọng lượng dồn đều lên hai bên mông, cài các ngón tay hai bên vào nhau, duỗi thẳng ra trước. Người tập đứng về phía bên liệt của bệnh nhân, một tay đỡ hai tay bệnh nhân giúp cho bệnh nhân dồn trọng lượng về phía trước, tay kia đặt trên khớp gối, một bàn chân đặt sát bàn chân bên liệt.

Sau đó người tập hướng dẫn bệnh nhân dồn trọng lượng về phía trước đều trên hai chân. Nếu cần hỗ trợ người tập lấy tay mình làm mốc, giúp bệnh nhân duỗi thẳng hai tay, cúi về phía trước bằng cách gấp khớp háng hai bên, giữ cột sống ở tư thế duỗi.

 Khi trọng lượng đã dồn về phía trước đầy đủ, người tập yêu cầu bệnh nhân chủ động đứng lên cùng với sự trợ giúp của mình.

Trong khi đứng dậy và sau khi đứng lên bệnh nhân có thể xê dịch bàn chân bên liệt, gập khuỵu khớp háng và khớp gối bên liệt do đó người tập cần lưu ý đề phòng và đỡ cho bệnh nhân bằng bàn chân, khớp gối và tay của mình.

Người tập hướng dẫn bệnh nhân tự đứng lên: Khi khả năn vận động của bệnh nhân đã phục hồi tốt hơn, người tập hướng dẫn bệnh nhân cách tự đứng lên

Bệnh nhân ngồi trên ghế, trên giường hoặc trên xe lăn có chiều cao phù hợp,  thân mình thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Hai bàn chân sát trên sàn nhà cách nhau 20-30cm, bàn chân bên liệt ở ngang mức hoặc phía sau bàn chân bên lành, hai tay duỗi, hai bàn tay cài các ngón với nhau, đặt giữa hai đùi.

Người tập hướng dẫn bệnh nhân duỗi thẳng hai tay ra trước, cúi người để dồn trọng lượng cơ thể về phía trước đều trên hai mông và hai chân. Lưu ý bệnh nhân để hai bàn chân ngang nhau, hoặc bàn chân bên liệt ở phía sau, không kéo bàn chân bên lành ra sau bàn chân bên liệt. Khi bệnh nhân đã cúi và trọng lượng đã dồn về phía trước đầy đủ, người tập yêu cầu bệnh nhân tự đứng lên. Lưu ý bệnh nhân đề phòng khuỵu khớp gối, khớp háng và ngã về phía bên liệt.

2. Tập vận động ở tư thế đứng

2.1 Tập đứng thăng bằng

Bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân (thăng bằng tĩnh), nếu cần trợ giúp người tập đứng về phía bên liệt. Hướng dẫn bệnh nhân tập quay đầu nhìn ra sau qua vai bên liệt và vai bên lành; đứng và vận động thân mình: cúi, ngửa, nghiêng, xoay; đứng và vận động tay: đưa tay lên trên, xuống dưới, sang phải, sang trái (thăng bằng động).

2.2 Tập dồn trọng lượng lên chân liệt:

  Bệnh nhân đứng thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Người tập đứng về phía bên liệt của bệnh nhân, giúp bệnh nhân duỗi thẳng tay sang ngang, khớp vai vuông góc. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó bên cạnh, cao 15-20cm.

  Có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng trong thanh song song, hai tay vị nhẹ lên hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều trên hai chân. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó phía trước cao 15-20 cm.

Khi khả năng thăng bằng và vận động của bệnh nhân đã tốt hơn, có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng thẳng, sau đó chuyển trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó cao 20- 30cm ở phía trước mặt để dồn trọng lượng  cơ thể lên chân bên liệt.

Cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân đứng, bước và đặt bàn chân liệt lên một bục tập (hoặc vật gì đó cố định vững chắc) cao 15-20 cm  ở phía trước.  Sau đó nhấc chân lành lên rồi đặt xuống như cũ, hoặc đặt bàn chân lành lên bục tập cùng với chân liệt, hoặc bước chân lành qua bục tập sang phía bên kia.

2.3 Tập đứng, dồn trọng lượng lần lượt lên hai chân:

Người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, hai tay thả lỏng dọc theo thân, hai bàn chân cách nhau 15 - 20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó yêu cầu bệnh nhân lần lượt lấy chân trái làm trụ, dạng chân bên phải ra, nhấc bàn chân lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên trái. Người tập luôn đứng về phía bên liệt của bệnh nhân để hỗ trợ khi cần thiết và đề phòng bệnh nhân ngã về phía bên liệt.

Tiếp đến lấy chân phải làm trụ, dạng chân bên trái ra, nhấc bàn chân trái lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên phải.

- Để đảm bảo an toàn nên cho bệnh nhân đứng bên cạnh một vật gì đó (bàn, tường, thanh song song...) để bệnh nhân có thể vịn đỡ khi cần thiết.

Dụng cụ tập chuyển và dồn trọng lượng lần lượt sang hai bên (đơn giản và rất tốt là hai chiếc cân được ghép lại với nhau trong một chiếc hộp gỗ). Bệnh nhân đứng mỗi chân lên một bên cân, sau đó tập chuyển và dồn trọng lượng từ bên chân lành sang bên chân liệt và từ bên chân liệt sang bên chân lành. Dụng cụ này cũng có thể dùng để khám và đánh giá mức độ mất cân bằng của bệnh nhân khi đứng, đồng thời đánh giá kết quả tập luyện bằng cách kiểm tra khả năng phân bổ trọng lượng của bệnh nhân lên hai bên cân.

Một trong những dụng cụ tốt nhất để bệnh nhân tập dồn trọng lượng lần lượt sang hai bên ở tư thế đứng là dụng cụ "leo núi." Dụng cụ này được cải tiến từ một dụng cụ luyện tập thông thường thành dụng cụ chuyên biệt tập luyện cho người bệnh liệt nửa người. Kỹ thuật cải tiến là làm sao cho hệ thống pít tông phù hợp để bệnh nhân có thể sử dụng được.

2.4  Tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân

Bệnh nhân đứng tựa hông bên lành cạnh mép bàn, hoặc vịn nhẹ tay lành lên mặt bàn, hai bàn chân ngang bằng nhau, cách nhau 15-20cm. Người tập hướng dẫn bệnh nhân đưa hông ra trước, gấp chân liệt lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang bên chân lành, giữ như vậy vài giây.

Sau đó từ từ duỗi chân liệt ra. Rồi gấp chân lành lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang chân bên liệt. Giữ như vậy vài giây rồi làm lại như lúc bắt đầu.

Có thể hướng dẫn bệnh nhân tập bằng cách đứng tựa nhẹ mông vào mép bàn, hai bàn chân ngang nhau, cách nhau 15-20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó bệnh nhân lần lượt chuyển trọng lượng sang chân bên lành, giữ như vậy vài giây rồi lại chuyển sang chân bên liệt luân phiên như vậy.

2.5  Tập gấp, duỗi khớp háng và khớp gối bên liệt

Hoặc người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân cách nhau khoảng 15-20 cm, chân lành ở trước chân liệt ở sau. Sau đó bệnh nhân chuyển trọng lượng ra trước, dồn trọng lượng lên chân bên lành.

Khi toàn bộ trọng lượng cơ thể đã dồn lên chân lành ở phía trước, người tập yêu cầu bệnh nhân tập gấp và duỗi khớp háng và khớp gối bên chân liệt. Lưu ý khi gấp khớp háng và khớp gối chỉ nâng gót chân bên liệt (không nhấc cả bàn chân) lên khỏi sàn nhà.

Hoặc người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân ngang nhau cách nhau khoảng 15-20 cm ,sau đó dồn trọng lượng lên chân bên lành rồi tập gấp, duỗi khớp gối và khớp háng bên liệt.

Để có thêm các thông tin về dụng cụ và hướng dẫn kỹ thuật, các bạn có thể đến các bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng của các tỉnh/thành phố, các cơ sở chỉnh hình của bộ Lao động- Thương binh và xã hội ở một số tỉnh/ thành phố. Nếu không được thì liên hệ với xưởng Chỉnh hình Trung tâm Phục hồi chức năng bệnh viện Bạch Mai, hoặc liên hệ trực tiếp với: TS Trần Văn Chương - Giám đốc Trung tâm Phục hồi Chức năng, bệnh viện Bạch Mai qua số ĐT 04.38691533, hoặc Emai [email protected]Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó .

Tài liệu tham khảo

1.  Janet H. Carr (1985), "A Motor Relearning Programme For Stroke",  William Heinemann.

2. Glen Gillen, Ann Burkhardt (1998), "Stroke Rehabilitation. A Function - Based Approach", Mosby- Year Book

3. John V. Basmajian & Steven L. Wolf, Carolyn Gowland  (1990), "Therapeutic Exercise For Stroke Patients", Williams & Wilkins.

4. Birgitta Langhammer, Johan K Stanghelle (2003), "Bobath or Motor Relearning Programme ? A folow- up one and four years post stroke", Clinical Rehabilitation, (17), pp. 731-734.

5. R Meijer, DS Ihnenfeldt, IJM de Groot (2003), "Prognostic factors for ambulation and activities of daily living in the subacute phase after stoke", Clinical Rehabilitation, (17), pp. 119-129.

TS. Trần Văn Chương

Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: