Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm

1. Phân tích 9 câu đầu:

       "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
        Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể
       Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
        Tóc mẹ thì bới sau đầu
        Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
        Cái kèo cái cột thành tên
        Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần sàng
        Đất Nước có từ ngày đó..."   

Gợi ý MB: Đất Nước là một đề tài quen thuộc trong thơ ca. Từ lâu, đất nước đã đi vào tác phẩm Văn Học dân gian với những hình ảnh dung dị như cây đa, bến nước, sân đình , con gà mái, xóm chiều, khói buông.... Trải qua thời gian, gương mặt đất nước cũng dần thay đổi. Trong thơ ca trung đại, hình ảnh đất nước gắn với những triều đại hùng mạnh đã ghi tên m vào lịch sử như Triệu , Đinh, Lý, Trần bao đời gây nên độc lập hay thiên thư - sách trời thật thiêng liêng và đáng tự hào. Trong thơ ca kháng chiến , Đất Nước không còn là một khái niệm mơ hồ xa xôi nữa , nó đã trở nên gần gũi ấm áp gắn liền với tấm lòng yêu nước thiết tha của mỗi người con đất Việt. Một trong những tác phẩm được coi là thành công nhất phải kể đến chương thơ Đất Nước, trích chương V của trường ca Mặt Đường Khát Vọng của Nguyễn Khoa Điềm được hoàn thành tại chiến khu trị thiên khói lửa (1971), in lần đầu năm 1974. Chương thơ là định nghĩa mới mẻ của tác giả về Đất Nước và tư tưởng Đất Nước của nhân dân. Đoạn thơ sau đây gồm 9 câu mở đầu đã trả lời câu hỏi "Đất Nước có tự bao giờ":

"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
...Đất Nước có từ ngày đó"

     Mở đầu bài thơ Quê hương Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết:

      "Việt Nam đất nước ta ơi
   Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
       Cánh cò bay lả dập dờn
   Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều." 

Trong bài thơ "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?" nhà thơ Chế Lan Viên cũng bắt đầu: 

"Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Chưa đâu! và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng" 

       Cả Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên tạo ra một khoảng cách nhất định để chiêm nghiệm về đất nước thì Nguyễn Khoa Điềm nhìn ngắm đất nước ở tầm gần hơn. Có lẽ nhờ xác định được cự li gần như thế mà Nguyễn Khoa Điềm đã phát hiện ra khuôn mặt mới của đất nước mình: đó là dung dị đời thường thậm chí là lam lũ nhưng không kém phần cao cả. Trong khi Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên cảm nhận Đất Nước ở những đường nét hoành tráng hào hùng thì Nguyễn Khoa Điềm lại lặng lẽ quan sát đất nước ở "muôn mặt đời thường", trong quan hệ ruột già thân thuộc. Đó là những gì bình dị, gần gũi thân quen nhất trong đời sống hằng ngày của mỗi người Việt Nam ta: câu chuyện cổ tích mẹ kể, miếng trầu bà ăn, những dãy tre làng, mái tóc của mẹ, gừng cay muối mặn, cái kèo cái cột,hạt gạo... Với cách tiếp cận đất nước như thế cho nên không khó hiểu Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn giọng điệu thủ thỉ, tâm tình trò chuyện thân mật tự nhiên. Nó khác với giọng điệu ngợi ca đầy tự hào hay hào sảng của Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên:

      "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi" 

    Câu thơ mở đầu đưa đến một cảm nhận ấm áp, bình dị, gần gũi  về sự hiện hữu của Đất Nước. "Ta" là một đại từ phiếm chỉ, một khái niệm mơ hồ không xác định. Đó có thể là bất kì người VN nào trong bất cứ thời kì nào, là chúng ta hôm nay hay con cháu sau này, là ông cha ta hàng ngàn năm trước . Cứ mỗi người VN sinh ra là ngay lập tức được bao bọc nâng niu nuôi dưỡng chở che trong chiếc nôi ấm áp, lớn lao Đất Nước. Với Nguyễn Khoa Điềm Đất Nước đã có tự xa xưa, có từ trong những câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể . ĐN bắt đầu cùng sự ra đời của những nét phong tục tập quán hàng ngàn năm trước như tục ăn trầu. Rồi Đất Nước vươn mình lớn lên như cậu bé Gióng vươn mình thành Phù Đổng thiên vương. Như vậy trong cảm nhận ban đầu của Nguyễn Khoa Điềm, khởi nguyên của Đất Nước chưa phải là những trang sử hào hùng với những chiến tích vĩ đại mà là những huyền thoại, những truyền thuyết, những phong tục tập quán đã có từ ngàn đời. Lịch sử lâu đời của Đất Nước không được cắt nghĩa bằng sự nối tiếp của các triều đại hay các mốc son chói lọi mà được nhìn từ chiều sâu văn hóa và văn học dân gian. Đây cũng là điểm mới trong cách tìm về cội nguồn đn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
        Đoạn thơ mở đầu ngắn ngủi chỉ có 9 câu gợi dậy bao nét đẹp văn hóa văn học dân gian đó là tục ăn trầu, là những câu ca: "Miếng trầu là đầu câu chuyện", "Miếng  trầu nên dâu nhà người", là tục búi tóc sau đầu của người Phụ nữ Việt Nam; là cách đặt tên con cái từ những vật dụng hàng ngày; kho tàng truyện cổ tích VN mà mỗi khi 4 tiếng "ngày xửa ngày xưa" cất lên ai cũng nhớ; là truyền thuyết Thánh Gióng, là tình nghĩa mẹ cha sâu sắc đậm đà trong câu ca dao: 

"Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau" 

Hay: 

"Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa"  

        Đất Nước còn gắn với hình ảnh hạt gạo một nắng hai sương xay- giã- giần –sàng. Hạt gạo nhỏ bé thân thuộc nuôi lớn bao thế hệ con người VN , là đại diện của nền văn minh lúa nước lâu đời; Đất nước là những con người xung quanh ta: bà, mẹ, cha mẹ... những người thân thuộc tuy không phải vĩ nhân nhưng có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với cuộc đời của mỗi con người.
       Có thể nói NKĐ đã sử dụng vô cùng tài tình những chất liệu văn hóa dân gian. Nhà thơ không chỉ ra một bài cụ thể nào cũng như không trích dẫn nguyên văn một câu nào trọn vẹn mà chỉ dẫn ra, gợi ra bằng một vài từ ngữ. Chỉ cần như thế NKĐ đã đạt được mục đích của mình là thể hiện một đất nước dung dị gần gũi, đời thường vừa gợi dậy trong tâm thức người đọc một bề dày chiều sâu văn hóa nghìn đời của dân tộc với những nét rất đặc thù rất đáng tự hào. Một đoạn thơ ngắn nhưng có một trường liên tưởng sâu rộng. Nén trong từng câu chữ là vốn sống vốn văn hóa văn học dân gian và những cảm nhận phong phú về đất nước. Sở dĩ người ta nói thơ NKĐ cảm xúc dồn nén cũng là vì như thế.
      Tóm lại qua những cảm nhận có vẻ như tản mạn, tùy hứng của cuộc trò chuyện, tâm tình; qua những hình ảnh gợi nhắc tục ngữ, ca dao, thần thoại, cổ tích, nhà thơ đã đưa người đọc dần đến một nhận thức giản dị mà sâu sắc, thấm thía: Đất Nước ta có lịch sử lâu đời, ĐN không xa lạ, trừu tượng mà gần gũi thân yêu luôn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân.  làm nên vóc dáng hình hài, làm nên cốt cách, tâm hồn, lối sống của mỗi con người, làm nên cuộc sống của nhân dân. Xin được mượn những vần thơ của Chế Lan Viên để thay cho lời kết: 

"Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt
   Như mẹ như cha như vợ như chồng
   Ôi tổ quốc nếu cần ta chết
    Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sống"
                           (Sao chiến thắng)

2. Đoạn thơ từ:

"Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con củi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết "yêu em từ thuở trong nôi"
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi." 

    Tư tưởng Đất Nước của nhân dân ở phương diện văn hóa bao gồm cả những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần: 

   "Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
     Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con củi
     Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
     Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
     Họ đắp đập be bờ cho người đời sau trồng cây hái trái" 

       Chủ ngữ của các câu thơ vẫn là đại từ "họ" và phép điệp từ "Họ" đem đến cảm giác về sự đông đảo, tính chất không xác định gợi sự vô danh thì vai trò của chủ ngữ, chủ thể của những sáng tạo và lưu giữ đã khẳng định công lao to lớn của nhân dân. Cặp động từ "giữ...truyền" lặp lại  khẳng định sứ mệnh thiêng liêng của mỗi con người là gánh vác phần nghĩa vụ mà người đi trước giao phó, rồi dặn dò ủy thác cho thế hệ con cháu.
        Sau các động từ là các hình ảnh hữu hình hoặc vô hình như hạt lúa, ngọn lửa, hòn than, giọng điệu, tên xã, tên làng... Đó là những giá trị vật chất tinh thần do nhân dân sáng tạo ra. Họ giữ và truyền cho con cháu hạt lúa nhỏ bé nhưng là truyền cho con cháu cả một nền văn minh lúa nước đã tồn tại ngàn đời. Họ chuyền ngọn lửa từ hòn than qua con cúi là một kì công của nhân dân. Ngọn lửa ấy vừa là ngọn lửa cháy bập bùng hay âm ỉ trong mỗi bếp nhà nhưng cũng gợi suy nghĩ về ngọn lửa đấu tranh, bầu nhiệt huyết được truyền từ đời này sang đời khác chưa bao giờ đứt đoạn.
        Nhân dân còn truyền giọng mình cho con tập nói. Tiếng nói là của cải tinh thần vô giá, là phương tiện giao tiếp của xã hội, giá trị văn hóa phi vật thể góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếng nói chính là linh hồn của dân tộc, một minh chứng cho trình độ văn minh của dân tộc đó. Với tiếng nói của dân tộc ta được truyền lại đến ngày hôm nay càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta trải qua hàng ngàn Bắc thuộc với chính sách đồng hóa của giặc phương Bắc. Ta vẫn trân trọng và trìu mến gọi đó là tiếng mẹ đẻ.
      Nhân dân còn trân trọng giữ gìn cả những địa danh thân thuộc của từng vùng miền, đó là tên xã tên làng: 

   "Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân" 

     Trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân, trong sự vận động không ngừng của Đất Nước có thể có những thay đổi nơi cư trú. Hành trang mà nhân dân mang theo trong mỗi chuyến đi không chỉ là những giá trị vật chất mà còn bao gồm cả những giá trị tinh thần vô giá. Động từ "gánh" đã khiến cho một khái niệm trừu tượng là tên xã tên làng trở nên cụ thể và trĩu nặng.
      Nhân dân còn xây dựng những nền tảng vững chắc cho đời sau an cư, lạc nghiệp: 

      "Họ đắp đập be bờ cho người đời sau trồng cây hái trái" 

     Các từ "đắp, đập, be, bờ" gợi ý nghĩa của sự vun vén sao cho đầy đặn vững chắc hơn. Hình ảnh gợi sự chăm chút ân cần của những người đi trước với con cháu đời sau. Nhân dân kiên nhẫn, bền bỉ đắp đập be bờ, xây dựng nền móng cho người đời sau được hưởng thành quả là hoa trái trĩu cành. Trong câu thơ có cả đời trước và đời sau. Đời trước là thế hệ xây đắp, vun bối, đời sau là thế hệ được hưởng thành quả của người đi trước. Đó là đức hi sinh lớn lao cao cả của cha ông.
      Các câu tiếp theo:

"Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
      Có nội thù thì vùng lên đánh bại" 

        Đặt vào hoàn cảnh đất nước có biến cố ngoại xâm, nội thù tác giả tiếp tục cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân. Cấu trúc "có- thì" được lặp lại kết hợp với các động từ mạnh "chống, vùng lên, đánh bại" khiến giọng thơ rắn rỏi, đanh thép, cho thấy tinh thần tự nguyện cao độ của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ ĐN. Họ không toan tính, ngần ngại, đắn đo mà sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ những giá trị do họ sáng tạo ra và mất bao mồ hôi xương máu giữ gìn bảo tồn đến hôm nay.
      Mạch cảm xúc suy ngẫm của nhà thơ dồn tụ dần, cuối cùng dẫn tới cao trào bật lên tư tưởng cốt lõi: 

       "Để Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân
        Đất Nước của ca dao thần thoại" 

      Câu thơ thứ nhất có ý nghĩa khẳng định mạnh mẽ chắc chắn "Đất Nước của nhân dân". Nhân Dân là chủ nhân đích thực của Đất Nước. Câu tiếp theo cụ thể hơn cho câu thứ nhất. "Đất Nước của da dao thần thoại". Ca dao thần thoại là hình ảnh hoán dụ cho văn hóa dân gian, là sản phẩm của trí tuệ nhân dân. Những khái niệm Đất Nước, Nhân Dân được lặp lại nhiều lần và được viết hoa trang trọng cho thấy sự gắn bó giữa nhân dân và Đất Nước cũng như thái độ của tác giả đối với Nhân Dân và Đất Nước.  Khi khẳng định Đất Nước của nhân dân, tác giả đã trở về với ngọn nguồn phong phú đẹp đẽ của văn hóa, văn hoá dân gian mà tiêu biểu là ca dao. NKĐ đã chọn từ kho tàng thơ ca dân gian ba nét đẹp tiêu biểu nhất cảu tâm hồn Việt, của bản sắc văn hóa Đất Nước: 

      "Dạy anh biết "yêu em từ thuở trong nôi"
        Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
        Biết trông tre đợi ngày thành gậy
        Đi trả thù mà không sợ dài lâu" 

       Câu thơ thứ  nhất lấy ý từ câu ca dao: 

     "Yêu em từ thuở trong nôi
       Em nằm em khóc anh ngồi anh ru" 

Đã khái quát nét đẹp trong tình yêu của con người VN là yêu say đắm nồng nàn.
     Câu thơ thứ hai nhà thơ mượn ý câu ca: 

"Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng" 

Khái quát nét đẹp tiêu biểu thứ hai của con người VN: quý trọng nghĩa tình hơn vật chất
     Câu ba, bốn có ý của câu: 

   "Thù này ắt hẳn còn lâu
     Trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què" 

Khái quát đức tính kiên trì, bền bỉ trong đấu tranh đến ngày toàn thắng.
      Như vậy NKĐ đã không lặp lại nguyên văn mà chỉ sử dụng ý và hình ảnh của các câu ca dao quen thuộc. Các câu ca dao ấy đã đi vào lời thơ tự do hiện đại một cách tự nhiên. Lấy những thi liệu cổ truyền để tạo nên những câu thơ hiện đại vừa thể hiện được ý đồ tư tưởng nghệ thuật  vừa tạo sức gợi cho câu thơ. Đó là đặc sắc của ngòi bút NKĐ.






Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #văn12