Câu cá mùa Thu

Câu cá mùa Thu

Mùa thu luôn là một nguồn cảm hứng dồi dào cho những nhà văn, nhà thơ trong mọi thời đại. Hồn thu kia trông thật dịu dàng nhưng đâu đó thu vẫn mang trong mình một nỗi buồn man mác. Nguyến Khuyến cũng vậy, một thi nhân đại tài đã sa chân vào mùa Thu của đất trời để rồi tự tay kết hồn thu lại thành chùm kiệt tác thơ thu bất hủ gồm: Thu điếu, Thu vịnh và Thu ẩm. Bài nào cũng hay, bài nào cũng đẹp nhưng riêng bài Thu điếu thì đã được nhà thơ hiện đại Xuân Diệu ngợi ca là điển hình hơn cả cho mùa thu làng cảnh Việt Nam.

Thu điếu được viết theo thể thất ngôn bát cú với ngôn ngữ chữ Nôm nước Việt. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược.Sau khi thực dân Pháp chiếm sáu tỉnh Nam Kì và đang lần lượt chiếm các tỉnh Bắc Kì thì Nguyễn Khuyến đã từ chối không nhận chức quyền Tông Đốc Sơn Tây. Năm 1884, ông trả mũ quan về quê ở ẩn vì ông chán ghét cái cảnh vua quan triều Nguyễn nhún nhường hèn hạ trước thực dân Pháp mà gây khổ cho dân. Thu điếu - một bài thơ thu đầy chất tả cảnh ngụ tình đặc sắc, lời lẽ bình dị nhưng lại chứa tình yêu thiên nhiên tha thiết, tình yêu mùa thu của quê hương gắn liền với tình yêu nước mặn nồng của thi nhân.

Thật vậy, mở đầu bài thơ,  vị Tam Nguyên Yên Đỗ đã cho ta thấy sắc đẹp thơ mộng của nơi làng cảnh Bắc Bộ Việt Nam trong những ngày thu mát mẽ, yên bình:

" Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo"


Ao thu – một hình ảnh gần gũi và đặc trưng cho vùng đồng chiêm trũng Bắc Bộ. Khi hạ nhường chổ cho thu, cảnh vật đều toát nên dáng vóc thanh mát, nhẹ nhàng và cái ao cũng không phải là ngoại lệ. Khí thu mát mẻ chạm vào mặt nước ao rồi từ từ lan sâu xuống và tích tụ lại khiến mặt nước trong veo tĩnh lặng kia có cảm giác "lạnh lẽo" và trông hơi hiu hắt, đượm buồm. Trong cảnh thu thanh bình với ao nước trong xanh đến mức tựa có thể nhìn cả đáy thì đâu đó lại xuất hiện "một chiếc thuyền câu" đậu yên trên mặt nước. Từ "một" đã được thi nhân dùng để nói lên sự lẽ loi, cô độc trước cảnh thu bao la. Từ láy "tẻo teo" kèm với tính từ "bé" đã khiến con thuyền bị thu hẹp lại. Con thuyền dần nhỏ đi trước cảnh thu đến mức nó chỉ còn là một chấm nhỏ trong thiên nhiên bao la. Cảnh vật như ngừng đọng lại trong cái lạnh và cái tĩnh rồi lại dần bước sang sự đơn chiếc khó tả. Bằng những cách gieo vần "eo" tinh tế trong hai câu đề, Nguyễn Khuyến đã tạo ra cho ta một cảm nhận về sự bé nhỏ của con thuyền và cũng như của ông trước cảnh thu Bắc Bộ bao la.

Cái nhìn của thi nhân bỗng được mở rộng ra trong hai câu thực khi ông nói về những chuyển động nhẹ của mùa thu tác động lên sự vật nơi đây:

" Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo"


"Sóng biếc" là sóng có màu xanh có sắc lam đậm nhưng lại ánh lên sự trong lành. Trong đôi mắt của mình, thi nhân đã thấy sóng chuyển động theo làn, đó là sự vận động theo quán tính của thiên nhiên và rồi những con sóng ấy gợn lên một cách nhẹ nhàng vô cùng. Cách kết hợp giữa hai từ "hơi" và "tí" đã nhấn mạnh vào trong tâm trí người đọc một cảm nhận về sự chuyển động nhỏ bé đến mong manh và mơ hồ của mặt nước ao thu. Tuy động mà vẫn tĩnh một cách thần kì. Nguyễn Khuyến vừa đi câu vừa cảm nhận sự chuyển động của cảnh vật bằng những giác quan và từ đó ông phủ lên tất cả bằng một hồn thơ tuyệt đẹp. Vị ngư ông đây vừa ngồi câu vừa mơ màng trước cảnh thu và từ đâu một chiếc lá vàng được gió đưa vèo qua khiến cho cảnh sắc thêm phần thơ mộng và cũng khiến cho vị ngư ông này phải giật mình thảng thốt. Sự hòa phối màu sắc bởi tự nhiên thật đáng nể! Màu xanh của sóng, màu vàng của lá đã chấm phá cho cảnh thu một nét đẹp khó phai trong lòng tác giả nói riêng và người đọc nói chung. "Vèo", một động từ vừa thể hiện cho tốc độ của gió vừa gợi lên điệu rơi của lá, gió đưa nhanh, vút qua khí thu rồi lại mất hút nhưng ở điệu rơi thì ta lại cảm nhận được sự mỏng manh của chiếc lá và nó rơi một cách chậm rãi, nhẹ nhàng nhờ cách nói giảm "khẽ" và "đưa".

Bất chợt, cái nhìn của tác giả bỗng hướng ra xa hơn. Ông đã mở rộng cả chiều cao và chiều sâu của cảnh vật đậm hương sắc hồn thu bằng hình ảnh bầu trời bao la và quan cảnh làng quê duyên dáng, yên bình. Tất cả đều được ông gói gọn trong hau câu luận:

" Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"


Từ láy "lơ lửng" gợi lên cho ta về sự chuyển động chậm chạp của những tầng mây. Chúng cứ nhẹ trôi trên bầu trời, chúng lưng chừng và không có điểm tựa. Còn trời thì được Nguyễn Khuyến miêu tả là xanh ngắt – một màu xanh có chiều sâu và vô cùng trữ tình, thanh khiết. Từ bầu trời, tác giả đã dần hạ xuống quan cảnh làng quê, hình ảnh ngõ trúc xanh hiện lên với dáng vẻ quanh co, uốn lượn. Hình như, mọi người đã ra đồng hết nên xóm thôn mới "vắng teo" đến vậy. Tính từ "vắng teo" đã cho ta cảm nhận được chút đượm buồn của nơi đây – vắng đến mức yên tĩnh, không có âm vang của con người.

Một sự độc đáo đã xuất hiện ở hai câu kết, từ cái nhìn xa, thi nhân bỗng chốc quay lại với hình ảnh của bản thân đang ngồi câu cá trên chiếc thuyền nhỏ. Từ đó, trong hai câu kết, ông đã bộc lộ ra tâm trạng của mình và tạo nên tình thu mỹ lệ:

" Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo"


Tựa gối tư thế của người câu cá, một tư thế đầy nhàn rỗi thể hiện lên cái tâm thế đã thoát khỏi vòng danh lợi của thi nhân. Ông tì tay vào gối, buông cần đã lâu nhưng vẫn chưa thấy gì. Có lẽ, hồn thu đã khiến ông quên đi thực tại mà hòa mình vào với thiên nhiên đất trời. Tâm trí nhàn hạ tựa như mây trắng, mây lơ lửng trên trời, ông lơ lửng trong mùa thu. Bỗng, một tác động đã đưa thi nhân quay về với thực tại. Chữ "đâu" trong câu thơ cuối khiến ta cảm thấy thật mơ hồ, trong trí óc ta chợt hiện lên hai nghĩa: thứ nhất, từ "đâu" ý chỉ rằng cá không đớp mồi, chiếc cần câu vẫn yên tĩnh và cả cảnh thu lại trầm lắng đi; còn nghĩa thứ hai, ý muốn nói đến việc cá đã đớp động và cái tác động này chính là thứ đã khiến tác giả thức tỉnh, cá đã đớp nhưng ông không biết là đớp ở đâu. Cái âm thanh cá đớp động làm nổi bật lên cảnh thu thanh bình, đó là nghệ thuật lấy động tả tĩnh thần sầu của thi nhân Nguyễn Khuyến.

Ở nhan đề là Thu Điếu nhưng thực ra Nguyễn Khuyến nào để cái chí vào việc đi câu. Đối với thi nhân mà nói thì việc câu cá chỉ là một hình thức giúp ông thể hiện ra cái nhàn, cái trong, cái tĩnh và cái thanh của một con người đã thoát khỏi vòng danh lợi nhưng trong thâm tâm vẫn còn lo lắng cho đất nước. Qua đó, ông đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm yêu thiên nhiên, tấm lòng yêu nước sâu sắc nhưng thầm kín của mình vào hồn thu đầy sắc trữ tình.

Nếu như ở nước Nga có nữ sĩ Olga Berggoltz – mẹ đẻ của bài thơ thu "Mùa lá rụng" đã từng viết:

" Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa.
Moskva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời
Vòm lá sậm ánh vàng lên rực rỡ."


Cái sắc thu của nữ sĩ Olga trông thật hùng vĩ. Nó chứa đầy những sức sống mãnh liệt của cảnh vật khi thu đến. Tất cả đều được khoác lên mình lớp áo của những sắc màu gam nóng: vườn cây thì như lửa chói ngời, lá cây sậm ánh vàng để thể hiện lên cái chất mạnh mẽ, tràn trề nhựa sống. Nhưng, Nguyễn Khuyến thì khác, bằng những từ ngữ bình dị, mộc mạc hòa với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, tả cảnh ngụ tình và kết hợp tài tình vần "eo" – một tử vần oái ăm mà hiếm có thi sĩ nào biến nó thành kiệt tác và cũng chính cái vần eo đó đã góp phần diễn tả một không gian thu nhỏ phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc của thi nhân. Nguyễn Khuyến đã thành công ngợi ca nét đẹp mĩ miều của cảnh thu ở vùng quê Bắc Bộ với mùa thu thanh bình, thơ mộng và vô cùng gần gũi với con người Việt Nam. Ông đã làm cho hồn người lan tỏa vào cảnh thu để rồi chính thu lại đi vào hồn người. Chính vì vậy mà không gian trong bài thơ ngày càng được mở rộng nhưng khi đến gần cuối thì lại thu nhỏ lại chỉ bằng một dáng người đang câu. Qua đó, Nguyễn Khuyến đã gửi gắm tình yêu thiên nhiên, tấm lòng yêu nước tha thiết, thầm kín đáng quý của mình vào kiệt tác.

Cuộc sống là mảnh đất màu mở để cho thi ca bén rễ sinh sôi. Thật vậy, bằng những cái nhìn về đời, bằng những kinh nghiệm trãi đời bấp bênh và cả cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, cảnh vật. Kiệt tác Thu điếu nói riêng và ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến nói chung đã trở thành viên ngọc quý trong làng thơ thu Việt Nam. Dù cho có bao thế hệ qua đi, có đổi thay như nào thì cái chất thu và cả kiệt tác Thu điếu vẫn sẽ mãi mãi là "con phượng hoàng rực rỡ" trong văn học Việt nam.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top