Phong's POV (3): Nỗi nhớ

Những lúc nhớ em, tôi thường ngồi lặng nhìn những bức ảnh do Vũ gửi đến. Trong những bức ảnh đó là những khoảnh khắc đời thường giản dị, khi em cười nhẹ bên một tách cà phê, hay lặng lẽ ngồi đọc sách bên khung cửa sổ.

Nhờ có Vũ, tôi mới biết được cuộc sống của em hiện tại ra sao. Dù đó chỉ là những bức hình được chụp vội, nhưng với tôi, chúng như những sợi dây níu giữ, khiến em không biến mất khỏi những ngày tháng tôi đang sống nơi đất khách quê người.

Có đôi khi, chỉ cần nhìn thấy em vẫn bình yên, tôi đã thấy lòng mình ấm lên. Nhưng cũng có lúc, chính sự bình yên ấy lại khiến tôi nghẹn ngào. Bởi vì tôi không thể là một phần trong thế giới đó.

Tôi không biết em có còn nhớ đến tôi không. Nhưng tôi vẫn dõi theo em, từ xa, như một thói quen chẳng thể nào dứt bỏ.

Sau khi thăm bà ngoại và Sóc, tôi bắt chuyến xe trở về Hà Nội.

Trời nhá nhem, xe lăn bánh chầm chậm giữa dòng xe cộ tấp nập. Tôi ngồi lặng bên cửa kính, ánh mắt mơ hồ nhìn những vệt đèn đường lướt qua. Khi còn đang mải miết trôi theo dòng suy nghĩ, điện thoại khẽ rung lên. Là tin nhắn từ Vũ, kèm theo một bức ảnh Chiêu Anh đang ăn tối.

Chiêu Anh ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn nhỏ, ánh đèn dịu nhẹ phủ lên gương mặt gầy đi trông thấy.

Vài giây sau, Vũ gửi đến một tin nhắn.

[Mày về Việt Nam chưa?]

[Tao đang trên đường về Hà Nội.]

Tôi nhắn lại, rồi khép mắt, để mặc nỗi nhớ em đong đầy trong từng nhịp thở.

Điện thoại lại đổ chuông. Là Vũ.

Tôi bắt máy.

"Alo?"

"Về tới đâu rồi?"

"Còn chút nữa là tới Hà Nội." Tôi ngừng một chút, rồi nói: "Chiêu Anh dạo này trông gầy đi nhiều."

"Ừ. Dạo này học nhiều, lại hay thức khuya. Tao nói mãi mà con bé vẫn cười trừ cho qua."

Tôi im lặng trong giây lát.

Có những câu hỏi tôi đã cất giữ trong lòng từ rất lâu, chỉ là chưa từng đủ can đảm để nói ra. Nhưng lần này, tôi không kìm được nữa.

"Hai năm qua, em ấy có từng nhắc đến tao không?"

Vũ im lặng vài giây. Rồi cậu nói, giọng chậm rãi:

"Có một lần… cách đây hai năm. Bơ từng dặn tao đừng bao giờ nhắc đến mày nữa. Từ đó, con bé cũng chưa từng nói gì về mày."

Liệu trong tim em còn có tôi không?

Tôi chợt nghĩ… có thì tốt, không có cũng không sao.

Tôi không muốn em sống mãi trong mong ngóng và day dứt. Không muốn em phải hoài phí thanh xuân vì một người chưa thể quay về.

Điều tôi mong nhất, vẫn chỉ là em được sống bình yên. Dù sự bình yên đó không còn tôi trong đó nữa.

Chỉ cần em vẫn cười, thì dù chẳng còn là gì trong cuộc đời em, tôi vẫn mãn nguyện.

Chiều hôm sau, theo lời Vũ, tôi tìm đến quán cà phê, nơi mỗi cuối tuần em thường lui tới để học bài. Tôi chọn một bàn khuất góc, ngồi lặng lẽ, ánh mắt không rời cánh cửa quán.

Và rồi, em xuất hiện.

Em bước vào trong ánh hoàng hôn nhạt dần, dáng người gầy hơn xưa, nhưng vẫn mang theo vẻ dịu dàng không thể lẫn vào đâu. Chiếc áo khoác mỏng phủ lên vai, mái tóc dài buông nhẹ sau lưng, từng cử chỉ của em đều khiến trái tim tôi rung động như lần đầu.

Tôi ngồi yên, mắt dõi theo từng bước chân em. Không tiến tới, không gọi tên. Chỉ ngắm nhìn từ xa, như một kẻ qua đường chẳng còn tư cách để bước vào thế giới ấy nữa.

Em cười với người phục vụ, cúi đầu cảm ơn, rồi chọn một góc quen thuộc và bắt đầu lật từng trang sách.

Tôi tự hỏi, liệu em có cảm nhận được ánh nhìn đang lặng lẽ dõi theo mình hay không.

Liệu em có biết ở phía sau em vẫn có một tình yêu chưa từng lên tiếng, nhưng chưa một lần phai nhạt.

Thời gian trôi chậm rãi trong tiếng nhạc dịu êm của quán. Em vẫn ngồi đó, chăm chú đọc sách, thỉnh thoảng mỉm cười khi lật sang một trang mới. Ánh nắng cuối ngày hắt qua ô cửa kính, phản chiếu lên gương mặt em một vầng sáng mơ hồ, khiến tôi thoáng tưởng như đang nhìn thấy một giấc mơ đẹp thuở nào.

Tôi ngồi thật lâu, như muốn khắc sâu hình ảnh ấy vào ký ức. Một lần cuối, trước khi tôi quay trở về với cuộc đời mình.

Tôi rời khỏi quán cà phê khi phố bắt đầu lên đèn. Dòng người ngoài kia vẫn tấp nập, còn tôi thì bước đi giữa lòng Hà Nội như một kẻ lạc lối mang theo bóng hình em trong tim, và một nỗi buồn chẳng thể cất thành lời.

Ngày hôm sau, tôi lên máy bay trở về Mỹ. Máy bay lăn bánh chậm rãi trên đường băng, rồi tăng tốc, lao mình về phía bầu trời rộng lớn. Tôi tựa đầu vào khung cửa sổ, lặng lẽ nhìn thành phố dần thu nhỏ lại phía dưới. Những mái nhà thân thuộc, những con phố từng bước chân qua, tất cả dần nhòe đi trong làn mây trắng.

Tôi nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu.

Chặng đường phía trước vẫn còn dài, và tôi phải sống một cách xứng đáng. Không chỉ vì tương lai của mình, mà còn vì tình yêu tôi từng mang theo, dù đã chọn cách giữ nó lặng lẽ trong tim.

Trở lại Mỹ, tôi gần như lao vào guồng quay học tập và công việc ngay lập tức.

Bước ngoặt thật sự đến vào cuối năm hai đại học, khi tôi nhận được cơ hội thực tập tại một công ty trong ngành tôi đang theo đuổi. Đó là lần đầu tiên tôi được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, nơi mọi thứ diễn ra nhanh chóng, khắt khe và không có chỗ cho sự lơ đãng. Là sinh viên ngành IT, tôi hiểu rằng nếu bản thân không cố gắng và nỗ lực, tôi sẽ bị bỏ lại phía sau trong một lĩnh vực luôn biến động từng ngày.

Tôi có cơ hội được thử sức bằng những dự án lớn nhỏ khác nhau. Có lúc tôi tưởng mình không chịu nổi nữa. Giữa những dòng lệnh rối rắm, tôi thấy bản thân nhỏ bé và lạc lõng đến lạ. Có những đêm muộn, tôi rời văn phòng khi trời đã tối mịt, về đến nhà chỉ kịp tắm qua loa rồi lại ngồi vào bàn học, vì ngày mai còn bài tập, deadline, và những dòng lệnh chưa "debug" xong.

Vào cuối năm ba đại học, tôi và nhóm bạn thử sức với việc phát triển một phần mềm ứng dụng.

Tôi đặt tên cho nó là "Kén Ký Ức - Memory Cocoon", một ứng dụng cho phép người dùng lưu giữ những khoảnh khắc, cảm xúc và suy nghĩ quan trọng dưới dạng những chiếc "kén", như thể đóng gói tâm hồn mình vào một chiếc hộp thời gian, để một ngày nào đó, khi mở ra, ta có thể nhìn lại và tự ôm lấy chính mình của ngày xưa.

Ứng dụng hoạt động như một người bạn đồng hành thầm lặng. Người dùng có thể ghi âm giọng nói, viết lại một đoạn nhật ký, lưu giữ hình ảnh, video hay thậm chí là những dòng tâm sự chưa bao giờ dám nói ra. Mỗi "kén ký ức" có thể được cài đặt thời gian tự động mở lại. Có thể là một năm, năm năm, hoặc vào một ngày bất kỳ mà người dùng muốn gửi đến  lời nhắn cho chính mình ở tương lai.

Điều đặc biệt là ứng dụng có khả năng phân tích trạng thái tâm lý của người dùng dựa trên tần suất sử dụng, nội dung được nhập vào hoặc biểu cảm giọng nói. Khi cảm nhận được sự buồn bã, mệt mỏi hay hoang mang, hệ thống sẽ chủ động đề xuất mở một kén ký ức phù hợp như một lời nhắc dịu dàng từ quá khứ: "Mình đã từng mạnh mẽ thế nào, mình đã từng vì điều gì mà cố gắng."

Ngoài ra, tôi còn xây dựng một tính năng gửi "kén ký ức" đến người khác. Nó có thể là một đoạn ghi âm, một bức thư chưa gửi, một hình ảnh đầy thương nhớ được lên lịch mở vào một thời điểm cụ thể trong tương lai. Đó không chỉ là công nghệ, mà là cách con người nối dài yêu thương theo một cách rất riêng.

Có thể với người khác, đây chỉ là một ứng dụng lưu giữ kỉ niệm. Nhưng với tôi, nó là một không gian chứa đựng những điều tưởng như nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh chữa lành. Bởi vì, đôi khi điều chúng ta cần nhất không phải là câu trả lời, mà là một chút an ủi từ những kỉ niệm xưa.

Tôi chưa bao giờ nói với ai, nhưng khi phát triển ý tưởng này, tôi đã nghĩ đến Chiêu Anh nhiều hơn bất kỳ ai khác. Tôi không biết rồi một ngày ứng dụng này có được phổ biến rộng rãi hay không. Nhưng tôi biết chắc, nó chính là nơi tôi gửi lại một phần trái tim mình. Một nơi mà nếu Chiêu Anh vô tình bắt gặp, em sẽ nhận ra: trong thế giới rộng lớn và xô bồ này, sẽ luôn có một người âm thầm lưu giữ những điều nhỏ bé nhất về em. Người ấy vẫn luôn ở đó, lặng lẽ, dịu dàng, chôn giấu tình cảm của mình dành cho em trong từng chiếc kén.

Khi dòng code cuối cùng chạy thành công, cả nhóm vỡ òa trong tiếng reo vui. Tôi chỉ lặng lẽ tựa lưng vào ghế, tay vẫn còn run vì mệt, nhưng trong lòng lại dâng lên một cảm giác khó tả: nhẹ nhõm, tự hào, và một chút nghẹn ngào.

Có những đêm, khi cả ký túc xá đã chìm trong yên ắng, tôi vẫn ngồi lại trước màn hình, cố gắng hoàn thành nốt những công việc còn dang dở.

Bỗng dưng, tôi thấy nhớ em đến nao lòng.

Tôi mở ứng dụng, tạo một chiếc kén ký ức mới, rồi ghi lại một đoạn video nhỏ, là những lời thì thầm tôi dành cho em, chỉ mỗi em mà thôi.

"Chiêu Anh, dạo này em sống có tốt không? Còn anh thì vẫn ổn. Hôm nay anh hơi bất cẩn, sáng ngủ quên nên phải vừa ăn vừa chạy ra trạm xe bus đến nơi làm việc. Trời bắt đầu lạnh rồi, anh quên mang khăn choàng, gió tạt qua buốt hết cả người, tự nhiên anh lại nhớ cái cách em hay nhăn mặt bảo anh phải mặc ấm. Chiêu Anh, hôm nay trời đổ mưa từ chiều, khiến anh nhớ buổi chiều năm nào em đứng nép dưới mái hiên chờ anh đến. Ở đây cũng có mưa, nhưng không có em."

Tôi khẽ cười, rồi cúi đầu, ngón tay gõ nhẹ lên mép bàn.

"Chiêu Anh, anh mệt quá. Có nhiều việc phải làm nên anh không thể đi ngủ được. Dù mệt mỏi nhưng anh vẫn đang cố gắng từng ngày. Có những lúc anh chỉ muốn buông xuôi, nhưng rồi anh lại nghĩ nếu một ngày nào đó được gặp lại em, anh không muốn xuất hiện với dáng vẻ mỏi mệt và thất bại như thế."

Tôi ngừng một chút, nhìn vào ống kính, rồi mỉm cười nhẹ.

"Chiêu Anh, em cũng phải cố gắng sống thật tốt, phải thật thành công trên con đường em đã chọn nhé. Không phải là vì chờ đợi anh, mà là vì chính em cũng xứng đáng với những điều đẹp đẽ nhất."

Thời gian lặng lẽ trôi qua, cuối cùng tôi cũng trở về Việt Nam thêm một lần nữa.

Mỗi khi mùa hạ đến, tôi lại về Vĩnh Phúc, về thăm bà ngoại, về với Sóc, và về với những ký ức cũ chưa từng phai nhạt.

Chớp mắt một cái, đã bốn năm trôi qua.

Mùa hạ của bốn năm trước, tôi là cậu trai mười tám tuổi ôm trong lòng một mối tình ngây dại và những ước mơ còn dang dở.

Giờ đây, khi mùa hạ lại về, tôi đã là một chàng trai trưởng thành hơn, đã đi qua bao vấp ngã, đã vụn vỡ không biết bao nhiêu lần. Nhưng có một điều vẫn luôn vẹn nguyên không đổi, đó là tình cảm dành cho em năm đó.

Vũ đón tôi ở sân bay với nụ cười quen thuộc, ánh mắt ánh lên một chút bất ngờ lẫn vui mừng. Cậu nắm vai tôi, lắc nhẹ:

"Cuối cùng thì mày cũng về rồi." Cậu cười, giọng pha chút trách móc, nhưng ánh mắt lại rạng rỡ.

Tôi mỉm cười, nhẹ giọng:

"Hôm nay là lễ tốt nghiệp của em ấy, không về sao được."

Chiêu Anh không có bố mẹ bên cạnh, người dì ruột duy nhất lại đang chật vật mưu sinh nơi đất khách. Tôi nghĩ đến hình ảnh em đứng giữa sân trường, khoác chiếc áo cử nhân giữa muôn vàn bạn bè, nhưng lại thiếu đi những cái ôm của người thân. Có lẽ, trong khoảnh khắc đáng nhớ ấy, em sẽ thấy trống vắng nhiều lắm.

Hôm nay là một cột mốc lớn trong cuộc đời em. Mặc dù tôi không thể thay đổi được quá khứ, cũng không thể lấp đầy khoảng trống trong tim em, nhưng ít nhất hôm nay, tôi muốn có mặt.

Tôi đứng nép mình sau dãy ghế cuối cùng, lặng lẽ dõi theo khung cảnh phía trước. Trên sân khấu, em bước lên nhận tấm bằng tốt nghiệp giữa những tràng pháo tay rộn rã. Chiếc áo cử nhân rộng thùng thình làm em trông nhỏ bé hơn, nhưng ánh mắt vẫn sáng lấp lánh. Khi tấm bằng được trao vào tay, em khẽ cúi đầu cảm ơn rồi mỉm cười hạnh phúc.

Bốn năm, đủ dài để một cô gái bé nhỏ trở nên mạnh mẽ, cũng đủ dài để những ước mơ thuở mười tám dần biến thành hiện thực.

Tôi muốn nói là tôi tự hào, rất tự hào về em.

Tôi đã nhờ Vũ thay tôi tặng bó hoa chúc mừng cho em. Chỉ là một món quà nhỏ, không ghi tên người gửi, nhưng tôi tin em sẽ hiểu. Hoặc có thể không, cũng không sao.

Tôi lặng lẽ tạm biệt em, tạm biệt Hà Nội và đến Vĩnh Phúc.

Khi tôi trở về thăm bà ngoại, bà đã không còn khỏe như trước. Dáng người nhỏ bé của bà dường như càng gầy hơn, bước đi cũng chậm chạp và run rẩy hơn trước rất nhiều.

Tôi đứng lặng trước cửa, nhìn bà lom khom tưới mấy chậu hoa trước sân. Gió chiều thổi nhẹ, mái tóc bạc của bà bay lòa xòa trước trán, khiến lòng tôi bỗng thắt lại.

"Bà ơi…" Tôi khẽ gọi.

Bà quay lại, ánh mắt lấp lánh niềm vui lẫn ngỡ ngàng: "May quá, cuối cùng thì bà cũng đợi được đến khi Phong về thăm bà rồi."

Tôi bước đến, ôm lấy bà thật chặt. Vòng tay ấy giờ đã yếu hơn xưa, nhưng vẫn là nơi duy nhất khiến tôi thấy bình yên thật sự.

"Bà đợi cháu mãi." Bà cười, giọng run run.

Góc sân cũ, mái nhà xưa, và dáng người nhỏ bé từng là cả một bầu trời che chở vẫn còn đó, chỉ có thời gian là trôi đi là không ngoái lại.

Tôi dìu bà vào căn nhà nhỏ mang mùi hương quen thuộc. Sau đó, tôi ngồi bên giường bà, rót cho bà chén nước ấm rồi chậm rãi kể:

"Cháu vừa dự lễ tốt nghiệp của Chiêu Anh về."

Bà ngước mắt nhìn tôi, ánh nhìn hiền hậu xen chút bất ngờ.

"Hai đứa có nói chuyện với nhau không?'

Tôi khẽ lắc đầu, mỉm cười buồn: "Cháu chỉ đứng nhìn từ xa thôi, bây giờ vẫn chưa phải lúc."

Sau cuộc trò chuyện, tôi vào bếp nấu cho bà một bữa cơm tối, hết lòng như cách bà đã từng nấu cho tôi năm đó. Tôi mở tủ lạnh, lục tìm những nguyên liệu còn lại: một ít rau muống, mấy quả cà chua, vài khúc cá rô phi trong ngăn đá.

Tôi bật bếp, đun nước, vừa nhặt rau vừa nhớ lại dáng bà lom khom rửa rau ngày xưa. Canh rau muống nấu cùng cà chua, còn cá rô thì tôi tẩm ướp đậm đà, kho nhỏ lửa cho đến khi nước sánh lại, thơm ngậy cả gian bếp nhỏ.

Khi dọn lên mâm, tôi bày biện cẩn thận, tự tay sắp từng bát, từng đĩa như một đứa trẻ muốn được bà khen ngợi. Khi mâm cơm dọn xong, tôi gọi bà ra ăn. Bà chống gậy đi từ từ ra bàn, ánh mắt dịu dàng như ánh chiều tà.

"Lâu lắm rồi mới có người nấu cho bà ăn." Bà cười khẽ, ánh nhìn rưng rưng.

Tôi kéo ghế cho bà, múc canh vào bát.
"Bà ăn thử xem có giống vị bà từng nấu không?"

Bà đưa muỗng lên miệng, rồi nhẹ gật đầu, chậm rãi nói:

"Không giống lắm, nhưng ngon. Bởi vì đây là món Phong nấu."

Tôi cười, lòng chợt thấy bình yên đến lạ. Hóa ra, cảm giác được trở về không phải là đặt chân đến chốn cũ, mà là một ánh nhìn thân quen bên mâm cơm tối như thế này.

"Bà à, sau này cháu có về hẳn, cháu sẽ ra vườn trồng thêm nhiều cây nữa. Cây ổi ở góc sân cháu sẽ cắt tỉa lại cho gọn, rồi trồng thêm mấy luống hành, mấy luống rau cải. Bà sẽ không phải đi chợ nhiều nữa. Mỗi sáng chỉ cần ra vườn hái rau, rồi cháu nấu cho bà ba bữa mỗi ngày."

Tôi ở lại với bà ngoại một đêm. Trải một tấm nệm dưới đất, tôi nằm ngay cạnh chiếc giường nhỏ nghe hơi thở chậm rãi của bà, lòng ngổn ngang bao điều chưa nói hết.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, đến thăm Sóc. Nếu như còn sống, có lẽ bây giờ Sóc đã là một cậu học sinh cấp hai rồi. Thằng bé sẽ cao hơn một chút, giọng nói chắc cũng sẽ vỡ đi, không còn là thằng nhóc tiểu học với hai má lúc nào cũng phúng phính đỏ hây.

Tôi đứng lặng trước mộ thằng bé, cỏ đã mọc cao gần bằng đầu gối. Tôi cúi xuống nhổ bớt đi, lau nhẹ tấm bia đã phủ bụi thời gian, rồi một lần nữa đặt một bó cúc trắng bên cạnh.

Trước khi rời đi, tôi cúi đầu thật sâu trước mộ Sóc, như một lời tiễn biệt.

Vũ đưa tôi ra sân bay. Trên xe, chúng tôi trò chuyện ít hơn mọi khi. Có lẽ vì cả hai đều hiểu, giây phút chia tay luôn là điều chẳng dễ nói thành lời.

Trước khi bước xuống xe, tôi quay sang nhìn Vũ, khẽ cười:

"Cảm ơn mày, vì tất cả."

Vũ nhướn mày, cố giấu đi vẻ xúc động bằng một câu đùa quen thuộc:

"Ừ, cảm ơn thôi chưa đủ đâu. Về sau nhớ gọi tao là anh, dù sao thì tao cũng hơn mày một tuổi đấy."

Tôi bật cười, bất lực lắc đầu:

"Lúc nào cũng tự khoe mình già."

Vũ vỗ nhẹ vào vai tôi, giọng trầm xuống:

"Đi mạnh giỏi. Khi nào về hẳn, nhớ báo trước, tao còn kịp ra đón."

Tôi gật đầu, bước xuống xe. Cửa xe khép lại, nhưng lòng tôi thì vẫn tồn tại một khoảng trống, nơi chứa đựng sự tiếc nuối và tình cảm đong đầy.

  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top